Đừng để tâm đến thất bại mà chỉ nên nhìn vào những sai sót của mình.

Ngạn ngữ châu Phi

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Đê Quy
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 29
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 108
âm trận Xích Bích, Tào Tháo đắc ý chuốc lấy thất bại
Tôn, Lưu liên thủ
Lưu Bị không ngờ Tôn Quyền làm việc khảng khái đến vậy, chỉ trong nửa tháng ngắn ngủi, thủy quân của Chu Du và Trình Phổ đã tới Phàn Khẩu, tạo thành thế ỷ dốc với Giang Hạ. Cánh quân cứu viện này đến nhanh như từ trên trời giáng xuống. Lưu Bị quá đỗi vui mừng, sai ngay Mi Chúc, Tôn Càn mang mấy chục bò, dê sang sông khao thưởng quân Giang Đông. Chu Du vui vẻ nhận hết, còn nhờ hai người họ chuyển lời lại: mời Lưu Bị đích thân sang bàn việc chống Tào.
Quan Vũ, Trương Phi nghe được lời ấy thì vô cùng phẫn nộ. Lưu Bị cố nhiên nhiều lần bại trận, nhưng dù sao cũng là người đứng trong quần hùng, từng nhận chức Thứ sử Từ châu, Dự Châu mục, Tả tướng quân, Chu Du là cái thá gì? Một Tả đô đốc dưới trướng Tôn Quyền, giữ chức Kiến Uy Trung lang tướng không chính quy, lại chỉ thuộc lớp vãn bối mới hơn ba mươi tuổi đầu, không chịu sang bái yết trước đã là thất lễ, còn đòi Lưu Bị phải khuất giá tới gặp hắn ta, kẻ dưới kiêu ngạo với người trên, rõ ràng không coi chư tướng Giang Hạ ra gì.
Chúng nhân tức tối chửi Chu Du ngông cuồng, nhưng Lưu Bị lại tỏ ra rất điềm tĩnh:
— Chúng ta mời quân Giang Đông đến, nay từ chối nghĩa là có ý không muốn kết làm đồng minh. Để trừ mối họa lúc này, chớ nói là chịu thiệt thòi trước Chu Du, dù cho có chui vào đầm rồng hang hổ ta cũng phải đi một chuyến! Yên tâm đi, kẻ địch lớn đang ở trước mặt, cần phải biết quý người cùng thuyền, ta xét nghĩ hắn chẳng dám làm gì ta đâu.
Để thể hiện thành ý, Lưu Bị chỉ dẫn Triệu Vân và Trần Đáo đi theo bảo vệ hai bên tả hữu, ba người ngồi thuyền nhỏ, từ từ qua sông Trường Giang.
Phàn Khẩu là một cửa sông ở bờ nam sông Trường Giang, là nơi suối Phàn Khê đổ ra sông, gần vùng hạ du hơn so với Giang Khẩu, thuộc địa phận huyện Ngạc, quận Giang Hạ. Lưu Bị chưa đặt chân tới nơi này lần nào, nên khi chiếc thuyền tiến dần lại, ông không khỏi bị phong cảnh bên bờ thu hút: Phàn Khê hiền hòa hơn sông Hán Thủy, Phàn Khẩu cũng không có tiếng nước chảy ồn ã như Giang Khẩu, mà có vẻ lặng lẽ và dịu êm. Nhất là ở gần cửa sông còn có một ngọn núi trùng điệp, lúc này tuy đã vào cuối thu, nhưng cây tùng, cây bách vẫn xanh um, không hề có vẻ tiêu điều. Lưu Bị từng nghe Gia Cát Lượng nói, huyện Ngạc là cố đô của nước Ngô thời Xuân Thu, ngọn núi này nằm ở phía tây huyện Ngạc, nên được gọi là Tây Sơn. Theo truyền thuyết, mỗi khi trong cõi nước Ngô xảy ra hạn hán, Ngô vương sẽ sai pháp sư đốt núi cầu mưa, chỉ cần ngọn núi bốc cháy trời sẽ lập tức ban mưa. Chữ “phần” và chữ “phàn” đồng âm(*), lâu dần bách tính không gọi ngọn núi này là Tây Sơn nữa mà đổi thành Phàn Sơn. Bởi vậy, con suối chảy ra từ núi Phàn Sơn được gọi là Phàn Khê, chỗ Phàn Khê đổ vào sông gọi là Phàn Khẩu. Tất cả đều bắt nguồn từ truyền thuyết về núi Phàn Sơn mang màu sắc thần thoại này.
Lưu Bị nhìn phong cảnh tươi đẹp, lại nhớ đến câu chuyện truyền thuyết ấy, trong lòng cảm khái: huyện Ngạc vốn thuộc địa phận quận Giang Hạ, nhưng từ khi Hoàng Tổ chết, đất Giang Nam đều nằm hết trong tay Tôn thị, trở thành địa hạt của bọn họ. Nghĩ kỹ, ta và Tôn thị cũng từng là kẻ thù, nay lại dày mặt đi gặp người ta, lần liên minh này có mấy phần chân thành đây?
Trong lúc Lưu Bị tư lự, con thuyền đã tiến vào Phàn Khê, nhìn chỗ cửa sông có rất nhiều chiến thuyền lớn nhỏ đang đỗ, Lưu Bị trong lòng thầm kinh ngạc. Ông tưởng rằng chiến thuyền của Tôn thị không nhiều bằng Kinh Châu, hơn nữa bọn họ chinh chiến suốt nhiều năm không nghỉ, hẳn là thuyền hạm đều đã bị hư hỏng nặng. Nhưng sự thực không phải như vậy, những chiếc thuyền này không những mạn thuyền được sửa sang ngay ngắn mà còn được lau sạch tinh, ánh mặt trời chiếu vào khiến cho thân thuyền lấp lánh ánh kim như được đóng mới. Từ đó có thể nhìn ra phương cách trị quân của Tôn Quyền, Chu Du, bọn họ dụng tâm đến từng chi tiết nhỏ, chả trách có thể đánh đâu thắng đó. Đời nào cũng có nhân tài xuất hiện, thật không thể coi thường người trẻ tuổi này.
Ông còn đang mải cảm thán, chiếc thuyền nhỏ đã ghé vào bờ. Người ra đón không phải tướng tá, cũng không phải mưu sĩ, mà chỉ là một tiểu thư đồng hơn chục tuổi, ăn mặc rất gọn gàng, tóc để chỏm, trông rất khả ái:
— Tiểu nhân phụng lệnh Đô đốc ở đây nghênh đói ngài đi đường vất vả rồi.
Triệu Vân và Trần Đáo thấy Chu Du không chịu đích thân nghênh đón, đều có vẻ bực tức. Nhưng Lưu Bị không để ý, cười nói:
— Chu Du hành sự cũng thật thú vị, ha ha ha!... - Ông cúi đầu hỏi thư đồng, - Đô đốc nhà ngươi đang ở đâu?
— Đô đốc đợi ngài đã lâu. - Cậu bé cung kính mời, đoạn đi trước dẫn đường.
Triệu Vân và Trần Đáo bảo vệ Lưu Bị không rời nửa bước, nhìn tướng sĩ Đông Ngô đi qua đi lại trước mặt mà không kẻ nào chủ động thi lễ, có lẽ cũng không biết họ đã đến, trong lòng hai người càng bất bình, thầm mắng Chu Du quá ngông cuồng. Còn Lưu Bị vẫn bình thản, ung dung đi theo thư đồng, một từ cũng không nói.
Đi được một lúc, vòng qua doanh trại đến chân núi Phàn Sơn, thư đồng vẫn đi tiếp lên phía trước. Triệu Vân thực sự không nhịn được nữa:
— Thằng nhóc này, ngươi định dẫn bọn ta tới chỗ nào?
— Đô đốc nhà tiểu nhân đang ở trên núi.
Trần Đáo nóng nảy hơn, không phân bua gì đã túm cổ cậu bé:
— Ngươi mau nói thật đi, trong núi này có mai phục không?
Thư đồng này còn nhỏ tuổi nhưng lá gan không hề nhỏ chút nào, dẩu miệng nói lại:
— Ông nghĩ Đô đốc là người như thế nào mà đi ám toán? Các ông có gì đáng để mưu hại chứ?
Trần Đáo cứng họng, chỉ biết nói:
— Ngươi, ngươi thành thật một chút!
— Ai không thành thật? Nếu như không phải Đô đốc nhà tôi bận lo việc quân thì đã không phiền các ông phải qua đây. Ông nghĩ rằng chúng tôi khi dễ các ông sao? Ông nhìn xem, rốt cuộc ai đang ỷ lớn hiếp nhỏ, cậy mạnh bức yếu? Ông còn không thả tôi xuống! Đường đường là một tướng quân lại đi ức hiếp một đứa trẻ, nếu chuyện này truyền ra ngoài thì... Ha ha ha!...
Đoạn đưa ngón tay út lên mũi xì chế giễu ba tiếng. Trần Đáo thả tay ra:
— Ngươi... Hừ! - Ông ta giận vì hết cách trị cậu ta.
Lưu Bị đứng một bên cười lớn: đúng là cậu bé thông minh, nhìn thằng bé có thể đoán ra chủ nhân của nó không phải người thông đạt, cơ trí thì làm sao dạy được một thư đồng lanh lợi thế này?
Vừa nghĩ đến đó, Lưu Bị chợt nghe trên núi vẳng lại tiếng đàn, khúc nhạc du dương, êm tai tựa như trăm loài chim đua hót. Lưu Bị xuất thân bần hàn, nhưng từ nhỏ đã rất thích đàn nhạc, hồi còn ở Tương Dương ông thường được nghe nhạc công của Lưu Biểu diễn tấu, những người đó cũng được coi là bậc cao nhân về nhã nhạc, nhưng vẫn chẳng tinh tế bằng bản lĩnh của người đang gảy đàn lúc này. Mỗi âm điệu lên xuống dường như đều chạm vào tận tâm khảm người nghe, khiến người ta có cảm giác thư thái, dễ chịu vô cùng. Lưu Bị mỉm cười, không cần tiểu đồng dẫn đường, mà tự lên núi lần theo tiếng đàn.
— Chúa công...
Trần Đáo vẫn không yên tâm. Lưu Bị không thèm quay đầu lại, rảo bước tìm nơi phát ra tiếng đàn, bỏ Triệu Vân, Trần Đáo lại mãi phía sau. Ngọn núi này không cao lắm, mới đi hết hai đường vòng đã trông thấy một cái đình nhỏ nằm giữa lùm cây xanh mướt, có một người trẻ tuổi, đầu chít khăn vải, mình khoác áo choàng, khuôn mặt ôn hòa, mắt thanh mày tú, đang nhìn về phía xa xa, tay gảy đàn cầm - người ấy, cảnh ấy, đàn ấy, trong nhân gian còn có kẻ sĩ tiêu sái đến vậy.
— Biết ngài qua sông chịu nhiều vất vả, nên ta xin tặng khúc nhạc để ngài giải mệt...
Chu Du vừa nói vừa dọn đàn, nhưng không ngừng ngay lại mà gảy nhẹ dần rồi mới dừng hẳn, tựa như hồng nhạn đã mang tiếng hót bay xa dần.
Lưu Bị thầm suy đoán: một mình ta lên trước, làm sao hắn biết ta là ai, thật kỳ lạ. Ông ngạc nhiên nhưng ngoài miệng lại chào hỏi:
— Tiên sinh là Chu Đô đốc dưới trướng Ngô hầu chăng? - Nói xong câu này bản thân Lưu Bị cũng cảm thấy nực cười, rốt cuộc nên gọi là tiên sinh hay đô đốc? Cũng khó trách ông ăn nói lộn xộn, bởi người trẻ tuổi này thể hiện khí chất của một văn sĩ phong lưu, nào giống người cầm quân?
Chu Du bước ra, cúi người thi lễ:
— Mạt tướng bái kiến Lưu Dự Châu.
Đã lâu không có người gọi Lưu Bị là Lưu Dự Châu. Trước kia, Lưu Bị từng làm Dự Châu mục dưới trướng Tào Tháo, nên có cái tên này. Giờ ông ngay đến Kinh Châu còn không giữ được, nói gì Dự Châu? Chu Du vừa gặp mặt đã xưng hô như vậy, khiến Lưu Bị có cảm giác hổ thẹn, cười nhăn nhó:
— Chính là kẻ sa cơ ta đây.
— Mời...
Chu Du chỉ vào cái sập trong đình. Lúc này Triệu Vân, Trần Đáo và thư đồng mới lên đến nơi, nhìn thấy hai người đang ngồi nói chuyện, cũng không dám ồn ào nữa, ai nấy tự lui lại đứng xuôi tay phía sau chủ nhân của mình.
Chu Du căn dặn thư đồng:
— Ngươi còn phải xuống dưới lần nữa. Viện quân của Hoàng lão tướng quân sắp đến, chỉ đi ngay sau Lưu Dự Châu. Ngươi đi mời lão tướng quân đến trướng trung quân, lát nữa ta có việc cần bàn với lão ngài. Ngoài ra, hãy mời Trình lão tướng quân lên dây. Ông ấy đang ở đại trướng tiền doanh, ta với ông ấy đều là Đô đốc, phải cùng gặp mặt Lưu Dự Châu.
Lưu Bị càng cảm thấy kỳ lạ, người này rõ ràng đang ngồi ở đây, làm sao biết hết mọi việc? Chẳng lẽ trên đời thật sự có người biết coi bói sao? Ông dò xét xung quanh một lượt, cuối cùng đã phát hiện ra điểm đặc biệt. Hóa ra, phía đối diện cái đình có một hàng cây bách mọc cạnh vách đá, chỉ cần để ý một chút sẽ nhận ra, nhìn xuyên qua hàng cây ấy là thấy được cửa sông Phàn Khẩu, tàu thuyền ra vào, không bỏ sót chiếc nào. Bên phải Chu Du cũng có một mảnh rừng, từ đó có thể nhìn xuống doanh trại dưới chân núi - Chu Du đâu phải ung dung ngồi gảy đàn mua vui, mà đang quan sát động hướng của toàn quân đấy chứ!
Lưu Bị hiểu rằng người làm tướng phải trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, nên càng coi trọng người trẻ tuổi này. Ông quan sát kỹ hơn, thấy trên bàn của Chu Du có một tấm da dê đang mở, hình như là bản đồ một dải sông Giang Hán, có chỗ được khoanh lại bằng bút chu sa. Chẳng lẽ Chu Du đã có kế sách ngăn địch? Lưu Bị muốn nhìn kỹ hơn, nhưng Chu Du vội vàng cuộn ngay lại:
— Mạt tướng mời Lưu Dự Châu đến để bàn chuyện phá địch.
Chẳng nói một câu khách sáo đã đi thẳng vào việc chính. Lưu Bị giật mình, cố nặn ra nụ cười:
— Không biết Đô đốc đã có kế gì chưa?
Chu Du biết ông đã lờ mờ nhìn được tấm bản đồ, bèn chậm rãi nói:
— Tôi có chút ý tưởng, nhưng chưa kỹ càng...
Lưu Bị thấy Chu Du trả lời lấp lửng, liền gặng hỏi:
— Hai nhà đã kết minh, Đô đốc có thể nói cho ta nghe đôi lời không?
— Tất nhiên rồi. - Chu Du nói vậy nhưng vẫn nhét tấm bản đồ vào trong tay áo, không có ý mở ra lần nữa, mà chỉ giải thích qua loa, - Phần lớn Kinh Châu đã mất, chỉ còn lại phía bắc Giang Hạ, Tào Tháo đã vào Giang Lăng chỉnh đốn thủy quân, gửi hịch văn đến Giang Đông chúng tôi, tất sẽ tiến quân từ Trường Giang, đánh chiếm Giang Hạ trước, sau đó mưu tính Giang Đông. Mạt tướng nghĩ chúng ta nên chủ động nghênh chiến, chặn đứng quân Tào ở phía nam Hạ Khẩu, không để cho bọn chúng lại gần Giang Hạ, như thế có thể giữ toàn cho Lưu Dự Châu và Lưu công tử...
Chu Du dừng lại đôi chút, lại nói thêm:
— Lưu Dự Châu không sao thì Giang Đông chúng tôi cũng mới được yên.
Đây là lời gan ruột, hiện Lưu Bị và Tôn Quyền là người cùng thuyền, cứu Lưu Bị cũng là cứu Giang Đông. Chu Du có thể lớn tiếng nói rằng mình trượng nghĩa tương trợ, nhưng nếu không đệm thêm mấy lời phía sau thì cũng có vẻ sáo rỗng.
Lưu Bị tất nhiên vui mừng: Chu Du tự nguyện chống địch ở phía nam Hạ Khẩu, giúp Giang Hạ thoát khỏi hiểm nguy, còn gì tốt bằng. Có điều, phải dụng binh ở đâu và bày bố sao đây? Lưu Bị lại thử thăm dò lần nữa, nhưng khéo léo hơn trước, ông khẽ thở dài:
— Ây dà! Nói thì dễ, làm được mới khó. Chưa xét thực lực của địch ta khác xa nhau, đường sông ngoằn ngoèo cả trăm dặm, biết phải dụng binh ở chỗ nào? Thật khiến người ta bất an...
Ông tưởng rằng Chu Du nghe xong sẽ buột miệng nói hết ra, nào ngờ thấy ông ta lẳng lặng cúi đầu gảy đàn, như thể không nghe thấy gì.
Đúng là một tiểu tử giảo hoạt, kín miệng hơn cả hến... Lưu Bị uổng phí tâm cơ, cũng ngại hỏi tiếp, bèn lảng sang chuyện khác:
— Lần trước Tử Kính qua sông tương kiến, Khổng Minh theo về ra mắt Ngô hầu, nếu như không có hai người họ xe chỉ luồn kim, hôm nay sẽ chẳng thể tụ hội với Đô đốc. Sao ngài không dẫn họ tới cùng bàn bạc?
Chu Du không chịu nói, Lỗ Túc sẽ không được phép hé răng, nhưng dù Lỗ Túc cũng kín miệng thì Gia Cát Lượng có thể không tiết lộ sao?
Chu Du lần này có phản ứng, dứt khoát từ chối:
— Mạt tướng nhận sự ủy thác của Ngô hầu, xử lý việc cơ yếu, không được tự ý cho người khác đến thay. Nếu ngài muốn gặp Tử Kính thì hẹn ngày khác, ta có thể bảo ông ta qua sông thăm ngài. Còn hôm nay không thể gặp được.
— Không cần đâu. - Lưu Bị không thích nói chuyện vô vị: các ngươi thông đồng với nhau không nói, phái đến chỗ ta cũng có ích gì? Lại hỏi, - Còn Khổng Minh nhà ta đâu?
— Khổng Minh tiên sinh tuổi trẻ tài cao, lại có công kết giao, nên được chúa công nhà tôi giữ lại khoản đãi, mấy ngày nữa sẽ trở về. Xin ngài yên tâm.
Lưu Bị rất yên tâm, tám phần sau khi đánh xong trận Gia Cát Lượng sẽ trở về, nhưng đến lúc đó còn hỏi làm gì nữa? Ông không có cách nào nắm bắt được Chu Công Cẩn, đành nói toạc ra:
— Chu Đô đốc dường như đang tìm muôn phương ngàn kế để không cho ta biết cụ thể việc dụng binh, vì sao vậy?
— Không sai. - Chu Du cũng không nói mập mờ nữa, - Mạt tướng cũng không hiểu vì sao Lưu Dự Châu tìm muôn phương ngàn kế để không nói rõ việc dụng binh như thế nào?
Thực ra, nguyên do ở đây rất đơn giản: họ không tin tưởng nhau. Mặc dù hai quân liên hợp, song vẫn lo nghĩ cho lợi ích riêng của mình, khi giao chiến bên nào tổn thất nhiều bên nào tổn thất ít, bên nào gánh nặng bên nào gánh nhẹ, thậm chí còn cả việc hưởng lợi sau trận chiến. Nếu như Chu Du nói hết cho Lưu Bị biết để ông giở trò bên trong, há chẳng làm tổn hại Giang Đông mà mưu lợi cho người ngoài sao? Ngược lại, Lưu Bị không thăm dò, làm sao biết được trong hồ lô của Chu Du giấu thuốc gì, ngộ nhỡ bán mất Giang Hạ thì sao?
Lần gặp mặt này bế tắc ở đây, Lưu Bị chợt cảm thấy chán ghét Chu Du, nhưng vì đang ở trên địa bàn của người ta nên phải nhẫn nhịn, không vòng vo nữa:
— Không biết Đô đốc đem theo bao nhiêu binh mã?
— Ba vạn.
— Tiếc là hơi ít!
Chu Du lại nói:
— Đúng là hơi ít, nghe nói dưới trướng Lưu Dự Châu và Lưu công tử còn có hai vạn binh, có thể tạm thời giao cho mạt tướng sai phái không?
Nào có ai vừa mở miệng đã đòi quân của người ta? Lưu Bị ngỡ mình nghe lầm:
— Đô đốc có ý gì?
— Xin Lưu Dự Châu cho mạt tướng mượn binh mã dưới trướng của ngài, tôi sẽ thống lĩnh năm vạn quân này đọ sức với Tào tặc. Lưu Dự Châu hãy chờ xem tôi phá địch.
Đến đây Lưu Bị đã hơi phật ý:
— Đô đốc làm vậy không được thỏa đáng lắm nhỉ?
Chu Du thản nhiên cười, khẽ chắp tay:
— Lưu Dự Châu chớ giận. Đạo dụng binh quý ở chỗ đồng tâm, nếu như tôi và ngài bên nào bên nấy tự ý chiến đấu, e là sẽ mải tranh lợi mà không thể thắng được. Nếu để mạt tướng...
— Dựa vào đâu mà ngài được thống lĩnh? - Triệu Vân đứng bên ngoài hằm hằm nói xen vào.
— Hỗn xược! Ta bàn chuyện với Chu Đô đốc, ngươi được phép nhiều lời sao? - Lưu Bị ngoài miệng khiển trách nhưng trong lòng lại thầm vui.
Chu Du chỉ liếc nhìn Triệu Vân một cái, không thèm để ý, lại nói với Lưu Bị:
— Nếu Lưu Dự Châu không tin mạt tướng, ta có thể giao hết binh sĩ Giang Đông cho ngài thống lĩnh, ngài thấy sao?
Lưu Bị không ngờ Chu Du còn có thủ đoạn này. Ông căn bản không thể cai quản được binh sĩ Giang Đông, không nói về tài cầm quân, quân Giang Hạ chỉ có hai vạn, lại không thường xuyên thao luyện, sức lực khá yếu, số binh sĩ dũng mãnh chỉ có mấy nghìn, còn phải chia ra phòng giữ các huyện, làm sao áp chế được quân Giang Đông nhiều người, nhiều thuyền hơn mình? Thế nên dù Chu Du chịu cho mượn binh, ông cũng không thể nhận nổi.
Chu Du thấy Lưu Bị cứng họng, bèn rút lại lời vừa nói:
— Đã vậy, xin Lưu Dự Châu giúp cho mạt tướng.
Lưu Bị cười vẻ bất lực:
— Chu Đô đốc, hai quân liên hợp nên kính nhường nhau, chớ bức người quá.
Chu Du khẽ lắc đầu:
— Có sức thì làm, còn không thì nên thôi. Hiện nay chỉ có mạt tướng mới có khả năng chỉ huy toàn cuộc chống lại quân Tào, nên không thể nhường cho người khác được. Tôi nghĩ ngài chắc sẽ đồng ý.
— Làm sao ngài biết được ta sẽ đồng ý? Ngài không sợ ép ta trở mặt sao?
— Không đâu. Lưu Dự Châu ngài minh trí nhường nào chứ? Ngài là người hiểu đại cục, làm việc lớn, nếu chỉ có chí khí của kẻ thất phu thì đã sớm liều đánh tới cùng ở Đương Dương. Ngài cố sức chạy trốn, hẳn là phải có chí tung hoành! Há lại vì nhất thời hạ mình mà làm hỏng đại sự sao? - Khi nói những lời này Chu Du tỏ vẻ rất nghiêm túc, nửa cười nửa không, ánh mắt chân thành, chăm chú nhìn Lưu Bị.
Lưu Bị nhìn ông ta hồi lâu, lặng lẽ gật đầu:
— Công Cẩn thật hiểu ta!
— Quá khen. Nói như vậy là Lưu Dự Châu đã chịu đồng ý?
— Ừ. - Ngay đến phòng tuyến cuối cùng của Lưu Bị cũng bị người ta nhìn thấu, sao có thể không đồng ý cho được, - Có điều...
— Ta biết. Số binh mã này chỉ tạm thời phối hợp hành động với Giang Đông, đợi khi kết thúc chiến sự sẽ trả lại Giang Hạ. Ngoài ra, lương thảo dùng cho quân của ngài đều do bên ta cấp. Được rồi chứ?
Lưu Bị nghe Chu Du đã nói ra hết những điều mình nghĩ, nhưng vẫn không tỏ ra yếu thế:
— Mong Đô đốc nói được làm được, sau chiến sự sẽ trả quân về chủ cũ.
— Ha ha ha!... - Chu Du ngửa mặt cười lớn, phẩy tay áo đứng lên, - Lưu Dự Châu nghĩ quá nhiều rồi. Giả như chiến sự gặp bất lợi, quân của ngài thực sự chết hết sạch, sợ rằng lúc đó Du ta cũng đã sớm chết dưới lưỡi đao của binh Tào!
Cho đến lúc này, Lưu Bị mới cảm thấy chàng trai có tướng mạo nho nhã ấy thực sự là một người sắt đá, một đồng minh có thể tin cậy được, và có lẽ cũng là một cường địch...
— Trong quân đã bày tiệc, mời Lưu Dự Châu đến dự.
Lưu Bị không có tâm trạng dự bữa tiệc này:
— Việc quân khẩn cấp không tiện làm phiền, ta phải trở về điều binh. Xin Chu Đô đốc thay ta gửi lời cảm tạ Ngô hầu, cáo từ tại đây.
Vừa nói đã toan đứng dậy.
— Vậy... Mạt tướng cung tiễn Lưu Dự Châu.
Chu Du cũng không có ý muốn giữ ông lại, binh mã đã sắp về tay Du. Có bao nhiêu việc đang chờ giải quyết, ông ta nào có thời gian nói những lời khách sáo? Chu Du cung kính xoay người, định tiễn Lưu Bị lên tận thuyền, nhưng vừa bước ra khỏi đình thì thấy tiểu thư đồng được phái đi quay lại bẩm báo:
— Bẩm Đô đốc, bản bộ binh mã của Hoàng lão tướng quân đã đến, ngài ấy đang ở trên thuyền nghỉ ngơi.
— Vì sao không vào trung quân đợi lệnh?
Chu Du nói với thư đồng, nhưng ánh mắt lại hướng về phía chân núi. Cậu bé thư đồng ban nãy còn rất lanh lợi, thế mà lúc này lại ấp a ấp úng:
— Lão tướng quân nói ngài ấy hành quân mấy ngày liền, thân thể không khỏe, không thể nhận lệnh ngay được.
— Còn Trình Đô đốc thì sao?
Thư đồng càng nói năng lộn xộn:
— Trình lão tướng quân... cũng đổ bệnh.
— Đều đổ bệnh cả?
Chu Du không khỏi nhíu mày. Lưu Bị tuy không hiểu hai người họ nói gì, nhưng nhìn sắc mặt Chu Du biến đổi, liền bảo:
— Đô đốc quân vụ bận rộn, không phiền ngài phải tiễn. Hai ta chỉ cách nhau có một con sông, sau này còn gặp lại.
Dứt lời lại thi lễ trước.
— Thất lễ rồi...
Chu Du mỉm cười, vội vàng đáp lễ, nhìn Lưu Bị đi xa rồi mới quay người dặn dò thư đồng
— Ngươi dẫn mấy thân binh đem số dê, bò mà Lưu Bị tặng đến doanh trại của các lão tướng quân, thay ta chuyển lời đến họ, ta bận lo việc quân nên chưa tới bái kiến được, xin họ an tâm dưỡng bệnh, buổi tối ta sẽ qua doanh thăm hỏi. Mấy ngày qua, ta làm việc có chỗ nào không thỏa đáng, mong họ vui lòng chỉ bảo.
Đổ bệnh chỉ là cái cớ, thật ra các lão tướng như Hoàng Cái, Trình Phổ đang bất mãn việc Chu Du chuyên quyền. Bọn họ đều là những người đã theo phò hai đời nhà họ Tôn, trải qua những trận đánh đẫm máu, kinh lịch dày dặn, uy vọng lớn lao, làm sao cam tâm nghe một vãn bối toàn quyền chỉ huy? Nhất là Trình Phổ, theo lý mà nói, tả hữu đô đốc ngang hàng nhau, nhưng Tôn Quyền rõ ràng coi trọng Chu Du hơn, khiến ông ta càng khó nuốt trôi cục tức. Chu Du biết rõ lợi hại trong chuyện này, đại chiến ngay trước mắt mà không dỗ dành được các lão ngài thì làm sao có thể đồng tâm phá Tào? Thư đồng đi khỏi, Chu Du mở lại bản đồ, nhìn chằm chằm vào chỗ đã được khoanh lại bằng bút chu sa, lặng lẽ suy nghĩ - ông quyết tâm bảo vệ Giang Đông, càng không thiếu quyết tâm thà làm ngọc nát chứ không làm ngói lành, hơn nữa cũng đã chọn được nơi cự địch. Thế nhưng, đứng trước hơn mười vạn quân Tào, phải đánh trận như thế nào? Dốc hết vốn liếng có thể sẽ chẳng thu được gì! Người ngoài chỉ thấy ông coi việc nặng mà nhẹ như không, nói cười ung dung, có ai hiểu được những nỗi khổ bên trong...
Trong lúc Chu Du trầm tư, Lưu Bị đã lên thuyền, thuyền phu khua mái chèo, chiếc thuyền con lướt nhẹ về Giang Bắc. Cuối mùa thu, gió tây thổi vù vù, từ Phàn Khẩu quay lại Hạ Khẩu phải đi theo hướng tây bắc, mấy thuyền phu đi ngược chiều gió, ra sức chèo thuyền, mồ hôi ướt đẫm lưng. Lưu Bị trông mà sốt ruột, Chu Du muốn chủ động nghênh chiến, tranh thủ chặn đánh trên sông Trường Giang, ý này không tệ, ít nhất có thể ngăn quân Tào đánh tới cửa. Nhưng quân Tào tiến quân xuôi dòng Trường Giang, còn liên quân Tôn Lưu lại ngược dòng mà chống lại, nếu gặp lúc gió tây bắc thổi mạnh, chỉ xét riêng thiên thời đã bất lợi. Tôn Quyền ở Giang Nam ít nhiều còn có địa lợi, Giang Hạ nằm trong nửa vòng vây của Tào Tháo, không có lợi thế gì về địa hình đáng nói, nếu như Chu Du có sơ suất, Giang Hạ lại không có binh mã để sai phái thì chỉ có thể ngồi chờ chết.
Tuy nhiên, sốt ruột phỏng có ích gì? Lưu Bị chỉ có một lựa chọn nhất quán là phải nhẫn nhịn và chờ đợi. Ông nhớ lại cuộc bàn bạc khi nãy với Chu Du, nhớ lại tướng mạo anh tuấn, cử chỉ tiêu sái và lời nói có chút ngạo mạn của người thanh niên ấy, trong lòng bỗng dâng lên vài phần đố kỵ. Ông cũng từng phong lưu, phóng khoáng như thế, nhưng giờ thì sao?
Nghĩ đến đó, Lưu Bị không khỏi xót xa, khẽ vuốt vuốt chòm râu như muốn tăng thêm khí chất. Nhưng trong lúc lơ đãng, ông lại phát hiện ra một cọng râu bạc, liền nhổ phựt; vừa xong lại để ý thấy còn một cọng nữa, vội nhổ tiếp. Nếu có ba cọng râu bạc, hẳn là ông đã chịu buông tay - ông bao năm bôn ba nên đã quên mất rằng mình đã qua cái tuổi bốn mươi từ lâu, tất nhiên phải có những sợi râu bạc, tóc bạc chứ? Thời trẻ, ông thường nghe người ta nói tới cụm từ “anh hùng luống tuổi”, hôm nay rốt cuộc cũng cảm nhận được nỗi bi thương ấy. Tào Tháo là con nhà hoạn quan, nhưng sớm được đứng trong chốn quan trường, có ít nhiều tiếng tăm, tạo tiền đề cho sau này dựng nghiệp bá; Tôn Quyền hừng hực khí khái anh hùng, nhưng nếu không có cơ nghiệp của cha anh để lại thì làm được gì? Duy có Lưu Bị xuất thân là kẻ dệt chiếu bán giày, lúc nào cũng nói mình là cháu bốn đời của Hán Cảnh Đế, nhưng lại phải dựng nghiệp từ hai bàn tay trắng mà chẳng được hưởng chút phúc ấm nào của tổ tiên, lận đận nửa đời người vẫn chưa nên công trạng gì. Ông đã gần năm mươi tuổi, tóc bạc từng cụm, thế mà vẫn phải cùng Lưu Kỳ giằng giữ nửa quận Giang Hạ đang nguy ngập. Số phận của mỗi người sao lại khác xa nhau đến thế. Ông trời ơi, ngài có công bằng hay không?
— Chúa công mau nhìn kìa! - Trần Đáo chỉ tay về phía bắc, tiếng gọi của ông ta cắt ngang dòng suy nghĩ của Lưu Bị, - Thuyền của Quan tướng quân! Hẳn là mọi người lo lắng nên vội đi đón chúng ta.
Lưu Bị dần thoát khỏi cảm giác bi thương: ta cũng đâu hẳn không làm nên công trạng gì, dù phải chạy trốn qua quá nửa thiên hạ, nhưng vẫn còn một đám huynh đệ luôn một lòng đi theo. Tào Mạnh Đức, Tôn Trọng Mưu, các ngươi có phúc khí đó không? Các ngươi một kẻ chiếm thiên thời, một kẻ chiếm địa lợi, còn Bị ta sẽ dựa vào nhân hòa. Có người ắt sẽ có đất!
Con thuyền đang lao tới là một đấu hạm, bọn Quan Vũ, Trương Phi, Mi Chúc, Lưu Diễm đều ở cả trên đó, và còn rất nhiều giáp sĩ. Binh sĩ bắc một tấm ván nối hai chiếc thuyền, nhìn ba người Lưu Bị trèo lên thuyền lớn, chúng nhân mới thực sự thở phào, bọn họ sợ Chu Du mang lòng bất chính, cố ý đến tiếp ứng.
Quan Vũ vừa gặp đã hỏi ngay:
— Chúa công, việc dụng binh đã được bàn bạc ổn thỏa chưa?
Lưu Bị cười nhăn nhó:
— Chu Du bảo ta đem hết binh mã cho hắn chỉ huy, cùng chống lại Tào Tháo từ ven sông.
Trương Phi nghe vậy, hai mắt trợn trừng:
— Thằng nhãi Chu Du này quá đỗi ngông cuồng, hai nhà liên hợp không chia chính phụ, dựa vào đâu quân ta phải nghe bọn chúng sai khiến?
Quan Vũ hiểu rõ tình hình hơn Trương Phi, mặc dù cũng không cam lòng, nhưng chỉ lặng lẽ vuốt chòm râu dài, không nói gì: nói là hai nhà liên hợp, nhưng xét về địa bàn, binh lực hay của cải, Tôn Quyền đều chiếm ưu thế, dễ dàng thống lĩnh cả hai quân. Người ta có thế lực, lại có cái cớ trượng nghĩa tương trợ, chúng ta có thể không cho mượn binh không?
Mi Chúc cũng nói:
— Người đứng dưới hiên thấp, không cúi đầu được sao? Giúp Chu Du cũng là giúp chính mình, theo ý thuộc hạ... nên cho hắn mượn binh!
Triệu Vân mỉm cười:
— Tiên sinh nói rất phải, chúa công đã đồng ý với Chu Du.
— Không! - Lưu Bị đột nhiên cắt ngang lời Triệu Vân, - Ta đồng ý với hắn, nhưng tuyệt sẽ không giao hết binh mã. Ta chỉ giao cho hắn bộ quân của Lưu Kỳ bao gồm cả thủy quân, còn bộ quân của ta phải lập tức tiếp quản các huyện Giang Hạ. Tào Tháo còn bảy bộ quân đóng tại một dải Tương Dương, không thể không đề phòng. Ngoài ra... sau khi quay về Vân Trường, Dực Đức hãy chọn ra hai ngàn quân tinh nhuệ nhất, hai đệ đích thân thống lĩnh số quân này, phòng khi cần đến.
Mi Chúc không khỏi nhíu mày:
— Lẽ nào ngài có ý bỏ chạy? Nay chúng ta đã không còn đường lui, có quần tinh nhuệ thì nên làm tiên phong ngăn địch, sao có thể sợ nọ sợ kia? Nếu để Chu Du biết được, há chẳng cười chúng ta hèn nhát?
Mi phu nhân đã chết, nhưng dù gì ông ta và Lưu Bị cũng có tình lang cữu, nên không ngại nói thẳng. Lưu Bị lắc đầu, nói vẻ nghiêm túc:
— Dùng lợi để kết giao, lợi hết thì tự tan. Bại trận thì không nói làm gì, nhưng một khi Chu Du đắc thắng chắc chắn sẽ thừa cơ lấn lên phía bắc. Nếu chúng ta không bất ngờ thi triển kỳ binh, lập được đại công, đến lúc đó dựa vào đâu mà đòi chia Kinh Châu với hắn? - Chuyện đến nước này, Lưu Bị vẫn không quên Long Trung đối sách của Gia Cát Lượng, không quên mưu đoạt Kinh Châu.
Có người gật đầu, có kẻ lắc đầu, có người lại cười trừ. Lưu Bị liếc nhìn từng khuôn mặt của họ, vỗ ngực nói:
— Các ông cho rằng ta nghĩ quá xa? Chớ quên ta xuất thân bần tiện, nhưng có chí muốn bình thiên hạ. Các ông chịu theo ta bôn ba, chắc cũng có chí an định thiên hạ, lập được công danh! Ta đã không chịu khuất phục Tào Tháo, há lại đi làm thuộc hạ của Tôn Quyền? Ta chính là ta, dù cho chỉ có một mô đất nhỏ, thì khi ta chiếm được nó cũng là cả một quả núi! Mặc cho Tào Tháo, Tôn Quyền lớn mạnh, ta phải dốc hết sức tạo thành thế chân vạc với họ!
Câu nói hùng hồn này thể hiện ý chí của bậc anh hùng, làm rung động trái tim của những người đang có mặt. Quan Vũ, Trương Phi đứng hai bên tả hữu, cảm khái nắm chặt bàn tay Lưu Bị:
— Huynh trưởng không cần nói nhiều, từ ngày đi theo huynh đã quyết tâm cùng sinh cùng tử, việc điều binh cứ giao cho bọn đệ. Huynh yên tâm đi!
Mi Chúc quay lại nhìn Tôn Càn, Giản Ung:
— Chúng tôi điều động lương thảo, bảo vệ quân nhu, từ nay cũng sẽ dụng tâm hơn.
Y Tịch nhìn Hướng Lang đứng bên cạnh, cười nói:
— Chúng tôi đã mất hết binh lính, may là nhận chức ở Kinh Châu nhiều năm, nên cái mặt này còn hữu dụng, trở về khích lệ tướng sĩ giữ thành, đề phòng quân Tào tới xâm phạm.
Còn đám tiểu tướng như Ngụy Diên, Lưu Phong, Hoắc Tuấn, Sĩ Nhân lại càng phấn chấn:
— Theo Chu Du đánh trận sao? Chúa công yên tâm, chúng tôi mang bao nhiêu quân đi sẽ mang bấy nhiêu quân về, không để người của ta chịu hao tổn!
— Tốt lắm! Xin phiền... Xin phiền...
Lưu Bị nói lời này là lời khen ngợi của chúa thượng dành cho thần hạ, nhưng cũng giống như lời nói giữa bằng hữu với nhau.
Lưu Diễm cuống lên giậm chân:
— Còn tôi làm gì?
Giản Ung đến lúc này còn không quên nói đùa:
— Ông sao? Chẳng phải làm gì hết, từ hôm nay cứ nhịn ăn, để dành lương thực cho quân!
Mọi người được một trận cười, nhưng Lưu Bị lại nói:
— Có việc quan trọng nhất không thể giao cho ai khác ngoài ông.
— Chuyện gì? - Lưu Diễm lấy lại tinh thần, - Tôi đâu thể làm được chuyện như ngài nói.
— Đương nhiên làm được. - Lưu Bị lộ ra nụ cười bí hiểm, - Từ nay ông cần làm một việc, đó là chơi với Lưu Kỳ.
— Chơi? Chơi trò gì?
— Đá cầu, chọi gà, uống rượu, gần gũi đàn bà, ông giỏi trò gì thì chơi trò ấy, hắn thích trò gì thì chơi trò ấy, bên ngoài dù trời có sụp cũng không cần lo. Vị công tử này tâm chí không kiên định, nếu nhìn thấy tình hình nguy ngập hắn lại đổi ý muốn đầu hàng thì không ổn. Ông hãy dụ hắn chơi, chỉ cần giữ hắn không ra ngoài cản trở bọn ta là đã lập được công lớn!
— Được! - Lưu Diễm nói không biết ngượng, - Việc khác tôi không làm nổi, chứ nói về ăn chơi phóng túng, nói chuyện trời đất, thì tôi là bậc thầy!
— Vậy là được. Từ giờ chúng ta ai vào việc ấy, thề cùng tận sức để bình định thiên hạ.
Một người đang trong cảnh bữa đói bữa no thế mà cũng muốn bình định thiên hạ, nghe có quá nực cười hay không? Nhưng đây là Lưu Bị, dù đã nhiều lần thất bại nhưng vẫn không hề nao núng, còn càng phấn sức theo đuổi chí hướng cao xa. Ông nhìn sông Trường Giang chảy cuồn cuộn, trầm ngâm nói:
— Năm xưa, ta từng theo Lô Thực học kinh điển, tiếc là chẳng có ích gì, chỉ được mỗi danh tiếng, cho nên đã quên gần hết. Nhưng có một câu trong Kinh dịch mà ta không thể nào quên được... “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức”(*)...
Chúng nhân nghiền ngẫm ý tứ của lời này, trong lòng sục sôi, dường như trận đánh mà họ sắp sửa đối mặt không phải là trận đánh của con thú cùng quẫn, mà là cuộc săn hươu Trung Nguyên.
Vừa đánh đã tan
Tháng mười, năm Kiến An thứ mười ba, sau một tháng nghỉ ngơi tại Giang Lăng, Tào Tháo dẫn đại quân tiến dọc sông Trường Giang, áp sát Giang Hạ, thế như Thái Sơn đè đầu.
Tất nhiên, trước lúc xuất binh ông đã nhận được tin Đông Ngô phát binh, nhưng theo ông thấy, Chu Du và Tôn Quyền chỉ là hai tiểu tử miệng còn hôi sữa, không biết trời cao đất dày là gì, chỉ cần đánh một trận là chắc chắn sẽ tan. Nếu có thể bắn một mũi tên trúng hai đích, diệt được cả bộ quân của Lưu Bị và Chu Du cùng lúc thì càng tốt. Bởi vậy, Tào Tháo chỉ sai Tào Nhân giữ Giang Lăng, Tào Hồng giữ Di Lăng với số quân ít ỏi, còn mang hết quân thủy bộ còn lại theo. Mặt khác, ông lệnh cho các bộ quân của Lưu Huân, Trương Hi, Mã Diên vượt sang Giang Nam, đồng loạt tiến xuống hạ du từ cả hai bờ sông Trường Giang. Quân Tào ồ ạt hành quân mấy ngày thì tới địa phận Giang Hạ, nhưng chớ nói là binh mã, chiến thuyền của địch, ngay đến binh lính tản mát cũng chẳng thấy đâu.
Hôm đó Tào Tháo ngồi trên thuyền lầu, cùng các nhi tử nhìn ngắm xung quanh, đâu đâu cũng là binh mã bên mình. Hai bên bờ sông tinh kỳ phấp phới, dương oai diễu võ, xông vào cõi địch mà không kiêng dè gì; còn thủy quân dưới sự bày bố của bọn Văn Sính, Trương Doãn lại càng thể hiện khí thế lớn hơn. Phía ngoài cùng bày thuyền nhẹ như cự mã, mạo đột, theo sau là mấy chục đấu hạm chở những binh sĩ tinh nhuệ nhất từng trải qua trăm trận đánh, mâu dài rìu lớn sáng lóe. Phía sau lại có mấy chiếc thuyền lầu, trong đó chiếc ở chính giữa và lớn nhất là thuyền soái của Tào Tháo. Thuyền đó có ba tầng, cao tới cả chục trượng, giáp sĩ san sát, văn võ xếp hàng, mũi thuyền dựng một ngọn cờ lớn để cho lính truyền lệnh trèo lên trên múa cờ đỏ, chỉ huy trận thế của ba quân. Chiếc thuyền rất đồ sộ, cần đến hơn một trăm người chèo lái, nhưng lúc này họ gần như không phải dùng sức, bởi con thuyền đang đi xuôi dòng, lại nương theo gió tây bắc, nếu không phải chờ bộ binh ở hai bên bờ, thì đã căng buồm lao vun vút.
Xen giữa những chiếc thuyền lầu là mấy chục chiến thuyền mông đồng bọc da trâu, lắp cung cài tên, sẵn sàng phòng bị, thuyền địch đừng hòng lại gần. Sau thuyền lầu còn có các đấu hạm lớn nhỏ, thuyền vận binh, thuyền quân nhu, nhiều không kể hết, chở gần bảy vạn quân Tào, cờ quạt rợp trời, nối đuôi nhau chẳng nhìn thấy bờ đâu. Thủy quân và bộ quân hô ứng, thế như che trời trùm đất. Lần xuất binh này thanh thế lớn, binh sĩ đông, chưa từng có từ đầu niên hiệu Kiên An đến nay.
Tào Tháo vân vê chòm râu, vẻ mặt cao ngạo, ông nói với bọn Tuân Du, Khoái Việt đứng cạnh:
— Lúc đầu các ngươi ngăn cản ta dụng binh, giờ thử nhìn xem có bóng thủy quân nào của Đông Ngô không? Thấy trận thế của ta như này, bọn chúng đã sớm sợ vỡ mật, Lưu Bị bó tay chịu chết ở Giang Hạ, còn Tôn Quyền mình hổ gan chuột nhắt chẳng đáng nhắc tới!
Tuân Du, Trình Dục không nói được gì, còn Khoái Việt là người Kinh, Sở nên có chút mưu tính:
— Thừa tướng không thể khinh suất, phía trước là địa phận Sa Tiện, sông Trường Giang đến đoạn này chảy ngoằn ngoèo, mặt sông nhỏ hẹp, nên đề phòng Chu Du bày binh ở đó.
— Ta biết. - Tào Tháo chỉ đáp bừa, chứ không để tâm chuyện này. Ông quay lại nhìn các nhi tử, Tào Phi, Tào Chương, Tào Thực đều có mặt, nhưng lại thiếu đám trẻ Tào Xung, - Hả? Bọn Xung nhi vừa nãy còn ở đây, giờ lại chạy đi đâu rồi?
Tào Phi giành nói:
— Các đệ ấy còn nhỏ, không quen ngồi thuyền, bên ngoài lại có gió lạnh, ban nãy Xung nhi, Lâm nhi đều bị ói, nhi tử đã bảo các đệ vào trong nằm nghỉ.
Đám trẻ phương bắc này xưa nay chưa từng ngồi thuyền, vừa lên thuyền đã đi mấy ngày liền, đứa nào đứa nấy mặt cũng xám ngoét. Kỳ thực, bọn Tào Phi cũng bị say sóng, đã lén ói mấy lần, chỉ là không dám nói ra.
Tào Tháo không giống bọn họ sao? Chẳng qua ông thân là chủ soái, coi trọng thể diện, lại thêm dụng binh thuận lợi, tâm tình sảng khoái nên không có biểu hiện rõ rệt, nghe nhi tử nói vậy, ông cũng cảm thấy hơi ghê cổ, nhưng vẫn mạnh miệng bảo:
— Trẻ không hiểu chuyện thì sau này làm sao thành người xuất chúng? Ta dẫn chúng theo để rèn luyện, cả ngày ru rú bên trong còn ý nghĩa gì? Gọi chúng...
— Chúa công mau nhìn kìa! - Một thị vệ dám ngang lời Tào Tháo.
— Sao hả?
— Có thuyền xích mã quay về! - Thuyền xích mã phụ trách tuần tra trên sông, giống như quân xích hầu trên cạn.
Tào Tháo nhìn theo hướng chỉ tay của thị vệ, quả nhiên có một con thuyền xích mã dài và hẹp đang từ từ tiến lại, cờ hiệu là của quân Tào, nhưng trông hơi lạ - đi tuần trên sông khác với ở trên cạn, vì tàu thuyền khó quay đầu và còn chịu ảnh hưởng của dòng chảy, nên nếu không phải trường hợp vạn bất đắc dĩ thì sẽ không quay về bẩm báo. Trên thuyền đều có cờ xí, một khi phát hiện ra dấu vết của quân địch, chỉ cần cho người chuyên cầm cờ đứng ra phía sau múa cờ là được. Thế nhưng, chiếc thuyền xích mã này lại cứ đi ngược về, chầm chậm ghé vào đội thuyền mà cũng không có binh sĩ nào múa cờ, người trên thuyền chui cả vào trong khoang làm gì? Trong lúc chúng nhân đang ngạc nhiên, chiếc thuyền càng lúc càng tiến lại gần.
Người phương bắc không nhận ra cách lái thuyền, nhưng Khoái Việt ngay lập tức hiểu ra:
— Thuyền đó không phải đi chậm, nó trôi theo gió, không có người chèo lái!
Lúc này mọi người mới lờ mờ hiểu ra, chợt thấy trước mặt lại có mấy chiếc thuyền nữa, có điều đó không phải chiến hạm mà là thuyền đánh cá, ngư dân chèo thuyền mình khoác áo tơi, đầu đội nón lá, miệng còn ngâm hò, song không nghe rõ câu gì vì còn cách rất xa - không phải quân Tào chưa từng gặp qua cảnh này. Tuy hai quân giao chiến, nhưng ngư dân sống dựa vào sông nước, nếu không ra ngoài đánh bắt thi lấy gì nuôi miệng? Dọc đường quân Tào đã gặp mấy chiếc thuyền như thế, chỉ bắt ghé vào bờ sông, kiểm tra một lượt, biết là không phải gian tế của địch mà chỉ là thuyền đánh cá thì lại cho đi qua. Lần này có hơi khác, trước sau có đến hơn chục ngư thuyền cùng kéo đến, hơn nữa những chiếc thuyền này lớn hơn thuyền đánh cá bình thường, hình như là đội thuyền của một phú hộ nào đó.
Tào Phi và Tào Thực đang rướn cổ nhìn, đột nhiên có người thúc mạnh phía sau, suýt nữa ngã sấp mặt. Hóa ra là Văn Sính không để ý lễ nghĩa, chen lên trước nói:
— Bên trong có bẫy! Binh sĩ trên thuyền xích mã đó chắc chắn đã bị ám toán!
Trương Doãn theo sau cũng tán thành:
— Mau tăng tốc, đâm vào mấy ngư thuyền kia!
Dứt lời hai người họ ra sức giậm chân. Thủy quân có quy định, tướng lĩnh giậm chân tức là truyền lệnh tăng tốc. Nhưng lúc này những hàng tướng Kinh Châu như họ không có quyền chỉ huy trực tiếp, đốc thuyền ở phía trước là thuộc hạ chính quy của Tào doanh, họ giậm chân bên này có ích gì?
Tào Tháo không hiểu làm sao, còn tưởng hai người họ sốt ruột giậm chân. Có điều, ông không thông thạo thủy chiến, nhưng biết nghe lời phải, nên nhanh chóng truyền lệnh:
— Theo ý hai vị tướng quân, đâm vào chúng!
Chiến thuyền khó luồn lách, lại thêm binh lính hai bờ nam bắc không phối hợp ăn ý với nhau, tướng sĩ múa cờ, gào thét hồi lâu mới có chút thống nhất, đấu hạm phía ngoài tiến nhanh hơn về phía ngư thuyền.
Thế nhưng đã muộn, những ngư thuyền trước mặt đột nhiên bày trận thế, quay mũi thuyền chắn ngang đội thuyền của quân Tào. Chiến thuyền lớn và kiến cố, còn thuyền đánh cá thì nhỏ, va mạnh vào nhau, chắc chắn thuyền đánh cá sẽ bị đâm nát. Nhưng nếu chúng quay ngang sẽ giảm được rất nhiều xung lực, có thể chỉ bị lật ngửa. Những chiếc thuyền đó phong tỏa mặt sông, một khi bị đâm lật tất ảnh hưởng đến việc tiến quân của quân Tào, đội phía trước dừng lại khiến đội phía sau cũng phải dừng lại theo, nếu thuyền địch dựng thành một bức tường chắn, quân Tào chỉ có nước chịu chết.
Đến khi Tào Tháo hiểu được chuyện gì xảy ra, người ta đã sớm bố trí xong đâu đấy, phía sau các ngư thuyền thình lình xuất hiện mấy chục chiến hạm, cắm tinh kỳ màu xanh của Giang Đông, chiêng trống vang lên từng hồi ầm ầm, ở giữa có một chiếc thuyền lầu, cờ soái cao chót vót đề chữ “Chu” - Chu Du đã đến!
Tào doanh ít người biết lái thuyền, còn binh lính Kinh Châu biết lái thì những năm gần đây chỉ toàn phòng thủ, chưa từng chủ động tấn công. Trong khi đó, thủy quân Giang Đông đánh trận nhiều năm tại vùng Giang Hoài, lại vừa dẹp thủy khấu ở Phàn Dương nên không cần phải thao luyện. Các thủy thủ cao lớn vạm vỡ, bàn tay chai sạn, cánh tay săn chắc, thuyền của họ há lại không chạy nhanh? Dù cho ngược dòng, ngược gió, thuyền vẫn lao như tên bắn, chẳng kém gì quân Tào đi xuôi dòng. Bên này còn chưa chuẩn bị xong, người ta đã lao tới trước mặt.
Nhìn kỹ, “ngư dân” trên những chiếc thuyền đó đã vứt nón lá, cởi áo tơi, ở trần từ lúc nào, nhảy tùm cả xuống sông. Tào Tháo ngây người ra, vẫn tưởng họ là những dũng sĩ được Chu Du chọn lựa để liều chết chặn đường. Nhưng Văn Sính đấm vào mạn thuyền:
— Hỏng rồi! Lính bơi!
— Lính bơi là thế nào? - Tào Tháo ngẩn ra không hiểu.
Văn Sính bản tính hiếu chiến, đặt hết tâm trí vào phía trước, chớ nói là Tào Tháo, dù cho Tam hoàng Ngũ đế(*) giáng trần ông ta cũng chẳng thèm để ý, vội đoạt lấy cờ lệnh, tự mình chỉ huy. Trương Doãn giải thích thay ông ta:
— Lính bơi là binh sĩ chuyên tập bơi lặn, thường được gọi là thủy quái, có thể lặn dưới nước vài canh giờ mà không cần ngoi lên. Nếu chúng mang theo rìu, đục, thì sẽ đục lỗ chỗ đáy thuyền của ta, khiến con thuyền có thể bị chìm!
— Cái gì?
Tào Tháo, Tuân Du đều sợ tái mặt, nhìn chằm chằm bên dưới chân mình. Hứa Du hốt hoảng úp tai xuống sàn nghe tiếng động.
Trương Doãn cười khì khì:
— Các vị yên tâm, yên tâm. Chúng còn cách xa, hơn nữa chúng ta có mấy hàng thuyền chắn phía trước, dù chúng có bản lĩnh lớn đến đâu cũng không bơi được tới đây... Nhưng mấy chiếc thuyền phía ngoài thì khó nói lắm.
Lời ấy còn chưa dứt, lại có tiếng ầm ầm vọng lại, đấu hạm phía trước đâm vào ngư thuyền, do tốc độ khác nhau, hơn chục ngư thuyền chiếc thì rách tan, chiếc thì lật đổ, chiếc thì bị chiến hạm nghiền nát. Đấu hạm lắc lư một hồi rồi tiến chậm lại, không chỉ một chiếc thuyền đằng sau bị ảnh hưởng, những tấm ván, mạn thuyền, mảnh gỗ của con thuyền bị đâm nát nổi đầy trên mặt nước, thuyền lầu, mông đồng không thể lấn lên thuyền bên mình, cũng từ từ dừng hết lại.
Văn Sính nhất thời trút giận ra ngoài, phát mạnh vào đùi:
— Ây dà! Chúng ta thua rồi!
Hai quân chưa giao chiến làm sao chịu thua được? Tào Tháo vẫn chưa tỉnh ngộ, chiến thuyền Đông Ngô đã áp sát quân Tào, cách một đoạn liền đồng loạt bắn tên. Mũi tên như có mắt, không bắn vào những binh sĩ cầm mâu mà chỉ nhằm vào thủy thủ đang chèo thuyền, sau một loạt tên, chiến thuyền quân Tào đứng im. Chỉ thấy thuyền lầu phía đối diện múa cờ lệnh, mười mấy đấu hạm đồng loạt xông lên. Chiến thuyền Đông Ngô cũng từa tựa quân Tào, chỉ khác lá cờ, những tên lính đứng ở mũi thuyền múa rìu lớn, chém tung tấm che trên đấu hạm quân Tào. Tiếp đến, quân Đông Ngô lại tung hơn chục câu liêm có gắn dây thừng lên mạn thuyền quân Tào, binh sĩ nắm chặt sợi dây, cùng nhau hò dô ta, kéo thuyền của quân Tào lại gần. Hai chiếc thuyền còn chưa giáp vào nhau, quân Giang Đông đã nhảy lên chiến thuyền quân Tào, kẻ cầm kiếm đầu tròn, kẻ cầm câu tương đâm giết như chém dưa chặt chuối.
Binh Tào ở trên thuyền có thể nói là tinh nhuệ, nhưng chỉ đúng khi đánh trên cạn, còn bản lĩnh đánh dưới nước luyện được trong Huyền Vũ trì thì chỉ đủ khua chân múa tay khi không có sóng gió, chứ ra đến sông Trường Giang thì chẳng làm được gì. Bọn họ đi thuyền mấy ngày liền đã đau đầu chóng mặt, lúc này quân địch lại nhảy lên khiến thuyền lắc lư chao đảo, họ không bị té ngã đã là không phụ công huấn luyện của Tào Tháo. Binh đao đều tuột khỏi tay, nói gì đến đánh lại, quân Tào chỉ có thể ngã vật trên thuyền chờ chết. Còn đám quân Kinh châu giao chiến với quân Giang Đông từ trước đến nay chưa lần nào chiếm được thế thượng phong, lại vừa đổi chủ mới không biết nông sâu thế nào, trong lòng càng hoảng sợ, chỉ đỡ qua đỡ lại vài đường lấy lệ rồi vứt binh khí, nhảy xuống nước, bơi ngược trở lại. Họ không có khả năng ngăn địch, nhưng có thừa sức chạy trốn.
Tào Tháo vẫn ngây ra nhìn, mấy ngày trước ông được nghe về cách đánh dưới nước, nhưng chỉ là bàn việc binh trên giấy, giờ mới tận mắt chứng kiến. Ông đứng trên cao nên nhìn rõ tất cả, mãi lâu sau mới định thần lại, rống lên:
— Cứu viện! Mau cứu viện!
Văn Sính gần như không hề ngơi nghỉ, liên tục múa cờ lệnh, điều động tả hữu, có thể cứu được thì đã sớm cứu rồi. Thuyền lại đụng nhau, lại đi chậm lại, chen nhau chật ních, không nhúc nhích được. Vào thời khắc này, nhiều thuyền chỉ tổ làm hỏng việc. Mất nửa ngày, quân Tào mới điều được vài chiếc thuyền mông đồng luồn qua khe hở bé tý giữa các con thuyền, đang chuẩn bị giương cung bắn tên khi tiến gần đến thuyền địch, thì con thuyền xông lên trước nhất bỗng nhiên đứng khựng lại, lắc lư một hồi rồi chìm xuống nước - đáy thuyền đã bị đục thủng.
Loại thuyền mông đồng đó dùng để phòng ngự, những binh sĩ được phái đi đều là quân phương bắc giỏi thuật cung tiễn, cứ tưởng rằng không trực tiếp giao đấu với địch sẽ không bị rơi xuống nước, nào ngờ đến cả con thuyền cũng chìm nghỉm. Trên thuyền không có nhiều người biết bơi, dù có cố vẫy vùng thì có thể sống sót trên sông Trường Giang sao? Tiếng kêu thảm thiết liên tục vang lên, những chiếc thuyền con chạy tới chạy lại cũng không vớt được bao nhiêu người, hầu hết đều chết đuối.
Tào quân thừa thắng xuất chinh, sĩ khí đang dâng cao nên mặc dù gặp chút trở ngại, tướng sĩ vẫn nhấp nhổm muốn thử sức, tiếc là bị chặn lại không đi tiếp được, chửi mắng ầm ĩ. Hai bên bờ sông còn không ít bộ binh, nhưng cũng chỉ biết đứng nhìn. Tào Tháo cuống lên giậm chân bình bịch, trừng trừng nhìn quân địch chém hết binh sĩ trên mười mấy chiến thuyền, nhìn bọn chúng quăng xác xuống sống, nhìn bọn chúng nhổ tinh kỳ quân mình, cướp lấy mái chèo lái thuyền chạy về hướng đông. Những chiếc thuyền đó đều đã thuộc về phía địch.
Chu Du đã có một cuộc trao đổi không lỗ vốn, đổi hơn chục ngư thuyền rách nát lấy hơn chục đấu hạm của Tào Tháo. Quân Tào mất bao nhiêu sức mới bày xong trận thế, nhưng khi ngẩng đầu nhìn lên, người ta đã sớm rút quân. Chu Du biết rõ Tào Tháo binh đông thuyền nhiều, một thắng lợi cỏn con không đủ lay chuyển toàn cục, kéo dài trận đánh tất rơi vào thế bất lợi, vì vậy đã nhanh chóng thu quân.
Giữa lúc hỗn loạn, có tiếng đàn du dương ngân lên, thấm vào lòng người tựa như thiên âm, chiến hạm Giang Đông quay đầu, trôi xa dần cùng với khúc nhạc ấy. Tào Tháo trơ mắt nhìn quân địch đã chạy xa vài dặm mà bên mình vẫn còn lộn xộn, muốn truy kích cũng không kịp, đành bất lực nhìn xuống dòng sông mà thở dài...
Quân Tào vốn tưởng nắm chắc phần thắng, không ngờ vừa ra trận đã gặp bất lợi, không chỉ hao tổn mấy ngàn binh sĩ cùng với hơn hai mươi chiến thuyền mà trận thế cũng rối loạn, không thể không dừng lại chỉnh đốn. Tào Tháo hạ lệnh cho toàn bộ chiến thuyền dạt vào bờ bắc sông Trường Giang, Văn Sính và Trương Doãn phụ trách sắp xếp lại hàng ngũ, còn ông dẫn mưu thần, thị vệ và các nhi tử lục tục rời khỏi thuyền. Có bài học lần này, đám vịt không biết bơi ấy mới biết ở trên thuyền thật không an toàn, ai nấy cố chen lên bờ.
Quân Tào chưa dựng xong doanh trại, lại có xích mã vượt sông báo tin: đội quân lên bờ nam bị địch tập kích, tổn thất hơn một ngàn binh. Tào Tháo không nén được giận, rống lên:
— Giỏi lắm thằng nhãi Chu Du, dám đánh úp đại quân của ta. Lão phu nhất định phải lấy đầu ngươi treo trước cửa doanh!
Chúng tướng nghe vậy muốn cười mà không dám cười: hai bên giao chiến là đương nhiên, Chu Du đã tới, còn gì không dám?
Nhưng Tào Tháo lại nghĩ: ta đưa hơn mười vạn quân áp sát bờ cõi Giang Hạ, rõ là muốn tiêu diệt Lưu Bị, nhưng kỳ thực lại uy hiếp Giang Đông. Chu Du nếu như thức thời, nhìn thấy khí thế uy vũ của đại quân sẽ phải chủ động rút lui, khuyên Tôn Quyền đầu hàng, còn dám khiêu chiến hay sao? Mặc dù đang thua thiệt, nhưng Tào Tháo vẫn có cảm giác yên tâm.
Quân sư Tuân Du tỏ vẻ bất lực, tiến lại nói:
— Quân ta hầu hết là người phương bắc, giỏi cầm cung cưỡi ngựa chứ không quen đánh dưới nước. Nay ta hội chiến với địch trên sông, ấy là bỏ điểm mạnh dùng điểm yếu, không nên vội vàng gây chiến.
— Hừ! - Tào Tháo nói giọng coi thường, - Ta lấy đông đánh ít, lấy mạnh chế yếu, còn sợ không làm gì được Chu Du ư? Hôm nay chúng ta thua chẳng qua là do phòng bị không chu toàn, chỉnh đốn chiến thuyền, tiếp tục tiến quân, ta không tin thằng nhãi Chu Du đó có thể địch nổi ta! Cho Trương Doãn dẫn dắt tiền đội, Văn Sính chỉ huy toàn bộ thủy quân, đưa binh sĩ Kinh Châu lên làm quân chủ lực, ta ở trên bờ trợ uy cho họ!
Trong lòng ông cũng bắt đầu sợ nước, chỉ ngại nói ra. Khoái Việt đang sắp xếp tàu thuyền cập bờ, nghe được lời này cũng phải nói chen vào:
— Thứ cho tại hạ nói thẳng, ở chỗ này mặt sông rất hẹp, dòng chảy lại uốn khúc, nếu như địch đóng quân ven sông, phòng thủ không đánh, e là quân ta muốn tiến cũng không được.
Câu nói của Khoái Việt khiến Tào Tháo sực tỉnh, ông cau mày nghĩ ngợi một lát, cuối cùng tiếp nhận ý kiến của Tuân Du, ban đạo lệnh thứ hai:
— Sai người qua sông truyền lệnh, tướng sĩ Giang Nam lập tức đốt trại, sang sông hội họp với ta. Quân ta không quen địa thế nơi này, không thể để cho kẻ địch chiếm lợi thế.
Ông đã bắt đầu nghĩ kế lâu dài. May là chiến thuyền Đống Ngô đã rút lui, quân Tào quay về không bị quấy nhiễu, lại có sẵn nhiều tàu thuyền nên chỉ mất một canh giờ, các tướng Lưu Huân, Trương Hi đã lục tục qua sông. Trướng trung quân được dựng tạm, mấy võ nhân này vừa bước vào trong đã hùng hổ chửi mắng:
— Mẹ kiếp! Chu Du khinh quân ta không thuộc địa hình, dám bố trí mai phục giữa đường. Chúa công sao lại điều chúng mạt tướng về, chúng mạt tướng còn muốn phá tan hang ổ của Tôn Quyền! Không báo thù này thể không làm người!
Bọn họ nói chuyện om sòm, Tào Tháo tức giận nhưng cũng buồn cười:
— Đều tại các ngươi làm việc bất cẩn, còn trách ta điều về. Ta không làm thế, chỉ sợ đêm nay các ngươi bị chúng vây khốn, đến lúc chết cũng không biết là tại sao!
Lưu Huân có giao tình với Tào gia, án nói khá tùy tiện, rõ ràng đang bị khiển trách mà vẫn còn cố cãi:
— Việc này cũng không thể trách chúng mạt tướng được! Chúng mạt tướng không phải người Giang Nam, lần này ngài đặc ý sai Thái thú Trường Sa Trương Cơ chọn một đội quân dẫn đường, nhưng bọn họ làm ăn thế nào? Cửa nhà mình cũng chẳng nhận ra?
Khoái Việt sợ Tào Tháo bất mãn với Trương Cơ, vội che đậy:
— Lưu tướng quân nói sai rồi. Chỗ này nằm trong cõi Giang Hạ, không thuộc địa hạt của Trường Sa, nên người của Trương quận tướng cũng không nắm rõ được, ngài trách ông ta có ích gì?
Ông ta nói lời này với Lưu Huân, thực ra lại nhắm đến Tào Tháo. Nhưng ông đang ngồi thở hổn hển, không biết có nghe được không.
Đúng lúc này lại có hai người xông vào trướng, quỳ xuống thi lễ. Chúng nhân trông thấy đều nín thở suy nghĩ: thì ra là hai tên hiệu sự Triệu Đạt và Lư Hồng. Cú mèo vào nhà hẳn là có chuyên chẳng tốt lành gì, hai tên sao chổi này xuất hiện, y như rằng có người gặp xui xẻo. Hôm nay cả hai tên cùng đến, không biết lại có bao nhiêu người không may đây.
Lư Hồng nhanh miệng nói trước:
— Chúng thuộc hạ đã tra ra kẻ nhặt xác Khổng Dung, đó là Thái y lệnh Chi Tập, hiện đã bị đóng gông buộc xích, tống vào thiên lao. Nhưng hắn ta ngoan cố cứng miệng, vẫn không chịu khai ra nơi giấu xác. Xin Thừa tướng định đoạt!
— Được lắm... - Tào Tháo siết nắm tay răng rắc, - Một Thái y lệnh nhỏ nhoi cũng dám chống lại lão phu. Ngươi trở về trông coi nghiêm ngặt, nhất định không được để cho hắn tự sát, đợi ta diệt xong Lưu Bị, bình định Giang Đông sẽ đích thân thẩm tra! Dùng cực hình không lo hắn không chịu khai, đợi sau khi tra xét rõ ràng ta sẽ tru diệt toàn gia môn hắn, phơi xác cùng với Khổng Dung! Thử xem còn ai dám coi lời nói của ta là trò đùa nữa không!
— Rõ.
Lư Hồng đáp một tiếng, Triệu Đạt lại quỳ sụp xuống:
— Khải bẩm Thừa tướng, thuộc hạ đã phái người bám theo Hoa Đà về huyện Tiều, phát hiện ra ông ta nói dối. Vợ ông ta không có bệnh, ông ta về nhà chỉ để bào chế dược liệu, biên soạn y thư, đó là lừa dối ngài! Thuộc hạ đã giam hắn lại, xin hỏi nên xử lý như thế nào...
— Giết! - Tào Tháo đấm mạnh soái án, - Việc này có gì phải hỏi? Hắn muốn dùng y thuật của mình để uy hiếp lão phu, còn giữ lại làm gì!
Soạn y thư cũng là tạo phúc cho dân, mọi người đều cảm thấy cách xử lý này quá hà khắc, song Tào Tháo đang nổi giận, không ai dám nhiều lời. Ông dụng binh gặp trở ngại vốn đã nhịn một bụng tức, nhân chuyện này mà phát tiết, hằm hè nói:
— Hừ! Một tên Thái y lệnh, một tên quân y, vận rủi của lão phu đều liên quan đến chữ “y”, đám người này chẳng có gì tốt đẹp.
Nói đến đây, ông chợt nhớ ra tội trạng của Trương Cơ mà Lưu Huân vừa nói ban nãy, lại thét lên:
— Phái người tới Trường Sa, đuổi tên Trương Trọng Cảnh đó đi cho ta! Có mỗi việc chọn người dẫn đường cũng chẳng làm xong. Đám lang băm đó không xứng tam làm Thái thú!
— Xin Thừa tướng nghĩ lại. - Khoái Việt cảm thấy không ổn, bạo gan can gián, - Không nói Trương Trọng Cảnh có tài trí như thế nào, chỉ xét riêng việc ông ta chữa bệnh thương hàn cho bách tính Trường Sa đã là có đức dày. Triều đình vừa mới tiếp quản Kinh Châu mà đã loại bỏ người như thế, e là...
Nhưng Tào Tháo nào có nghe lọt:
— Người hành y nhiều nhan nhản, ta còn bận tâm đến mấy tên tiểu nhân đó sao? Đuổi đi! - Dứt lời, ông giơ tay chỉ vào Kim Toàn, Hàn Huyền đang đứng cuối hàng, - Thái thú Võ Lăng là Lưu Tiên đã được điều đến Hứa Đô, nay Trường Sa lại thiếu người, hai người các ngươi tới thay. Phải làm thật tốt, để cho người Giang Nam biết người của Tào mỗ cũng có thể cai quản Kinh Châu!
— Tuân mệnh.
Kim Toàn và Hàn Huyên đều đi theo quân vì tình riêng, Tào Tháo hứa sẽ thăng quan cho họ, không ngờ một bước lên làm quận - tướng, há lại không vui sao?
Khoái Việt nhìn hai người họ, trong lòng vô cùng lo lắng: một người Kinh Triệu, một người Hà Nội, đều chưa có kinh nghiệm nhận chức ở địa phương, mà đã điều đến Giang Nam, làm sao gánh được trọng trách? Lưu Biểu trọng dụng hương thân hào tộc đã lâu, nay thay bằng hai người phương bắc, liệu lại dân trên dưới có chịu nghe lời họ không? Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, Khoái Việt vẫn không dám nói, chỉ mong Tào Tháo sớm nguôi giận, rồi tìm cơ hội can gián sau.
Không sợ chuyện xấu mà chỉ sợ người không tốt, Triệu Đạt lại gièm pha:
— Hoa Đà là y lại trong quân, nay lừa dối bề trên, phạm vào phép tắc, là do việc giám sát không đến nơi đến chốn. Chúng thuộc hạ không tránh khỏi liên quan, nhưng Thích gian lệnh sử Cao Nhu cũng khó thoát được tội!
Việc này vốn chẳng liên quan đến người ngoài, thế mà hắn lại kéo Cao Nhu vào, nhưng Tào Tháo cũng hùa theo:
— Đúng vậy! Phạt Cao Nhu ba mươi trượng. - Ai bảo ông ta là tộc đệ của Cao Cán, đem ông ta ra trút giận còn cần phải tìm lý do hay sao?
Tào Tháo chưa hết giận, chủ bạ Ôn Khôi lại chạy vào báo:
— Khải bẩm Thừa tướng, Ích Châu mục Lưu Chương sai sứ giả là Trương Tùng đến khao thưởng quân ta, xin cầu kiến Thừa...
— Bảo hắn đợi đấy! - Tào Tháo không đợi ông ta nói hết đã ngắt lời, - Một tên Trương Túc vừa mới rời khỏi Hứa Đô cách đây không lâu, hôm nay lại có một tên Trương Tùng tìm đến, Lưu Chương thật không biết phiền. Mười mấy năm không sai sứ đi lại với triều đình, giờ lại phái liền tù tì, tính cả Âm Phổ, thì đây đã là lần thứ ba. Chỉ toàn nói những lời vô dụng, tặng những thứ vô dụng!
Ôn Khôi chắp tay nói:
— Trương Tùng này chính là đệ đệ của Trương Túc lần trước tới.
— Dù cho hắn là ai cũng bảo ở tạm trong quân, hôm khác hãy nói. Đang lúc quận vụ bề bộn, ai có thì giờ tiếp những kẻ rảnh rỗi đó?
Tào Tháo chưa nói dứt lời, lại nghe bên ngoài có tiếng ồn ào. Sau đó, một tên xích hầu chạy vào báo:
— Bẩm Thừa tướng, thủy quân Đông Ngô quay lại! - Có lẽ binh sĩ đã được một phen sợ hãi, cho nên xích hầu cũng quên cả thi lễ.
— Sao cơ? Chu Du đã thu quân rồi còn quay trở lại, chẳng lẽ hắn dám khiêu chiến lần nữa? Lão phu phải đích thân đi xem.
Tào Tháo vừa nói vừa hằm hằm bước ra khỏi đại trướng, mang theo cả Thanh Cang bảo kiếm. Bọn Lưu Huân trông thấy nực cười: quân địch đang ở trên sông, hơn nữa cũng không phải đánh giáp lá cà, mang kiếm theo có ích gì?
Chúng quan văn võ cũng ùa ra ngoài, đi tới bờ sông, nhìn về phía xa: dưới ánh mặt trời chiếu rọi, mặt sông trắng xóa lấp lánh, giữa những lớp sóng có mấy chiến thuyền Đông Ngô đang lao tới từ phía hạ du. Những chiếc thuyền đó còn cách quân Tào rất xa, nhưng không tiến về phía này mà ghé vào bờ bên kia. Nhìn sang phía đông, một mảng trời đen kịt với rất nhiều tàu thuyền, quân địch dường đã điều động toàn bộ thủy quân, tuy không nhiều thuyền bằng quân Tào nhưng hàng ngũ chỉnh tề, phòng bị nghiêm ngặt, những thuyền tiên phong, xích mã luồn đi luồn lại ở giữa, chẳng kém gì quân Tào.
— Truyền lệnh ba quân cẩn thận phòng bị, không được tùy tiện xuất chiến. - Tào Tháo đã nhìn ra trận thế của quân Giang Đông, - Chu Du muốn dựng trại ở bờ bên kia chăng?
Khoái Việt gật đầu:
— Đúng vậy, hắn muốn đối trận với chúng ta qua con sông. Không đánh dẹp được cánh quân này, chúng ta khó mà đến được Giang Hạ, Thừa tướng phải cẩn thận.
— Ha ha ha!... - Tào Tháo đột nhiên cười lớn, - Ta còn tưởng Chu Du có chỗ hơn người, thì ra hắn cũng chỉ là hạng tầm thường. Luận về binh lực, chiến thuyền ta nhiều hắn ít, luận về lương thảo, ta còn hơn hắn gấp bao nhiêu lần, mà hắn không biết tự lượng sức, còn muốn đối trận với ta. Được, hắn đỗ thuyền dựng trại, ta cũng dựng trại, xem ai chịu thua ai. Giằng co lâu ngày, hắn đánh không được, lương thảo hao dần, binh sĩ mỏi mệt, quân tâm ly tán, ta xem hắn còn có thể làm gì. Lập tức truyền lệnh, hai quân thủy bộ dựng trại tại chỗ!
Tuân Du và Khoái Việt đưa mắt nhìn nhau, mặc dù lối đánh này tốn rất nhiều thời gian, nhưng cũng chẳng còn cách nào tốt hơn. Bình tâm mà xét, họ vốn không tán thành việc tiến quân bằng đường sông, nếu Tào Tháo tận dụng lợi thế đánh trên bộ, khởi binh từ Tương Dương, men theo hai bờ sông Hán Thủy, có lẽ đã đánh đến dưới chân thành của Lưu Bị. Thế nhưng, ông lại cứ muốn “bắn một mũi tên trúng hai đích”, giờ đã giao chiến với Chu Du, không thể rút lui được nữa. Nếu lúc này quân Tào thu binh về Giang Lăng, chẳng khác nào tỏ ra yếu thế trước quân địch, binh lính Kinh Châu vừa mới quy thuận cũng sẽ dao động, không tốt cho sau này.
Tuân Du quay đầu nhìn lại địa hình bên quân mình, gần đó có một bãi sông trơ trọi, còn phía bắc lại là cảnh rừng núi bạt ngàn, hiện đã vào đầu mùa đông, lá cây xơ xác, trông rất tiêu điều. Cánh rừng đó chắn mất con đường đi lên phía bắc, muốn đi tiếp tới Giang Hạ bằng đường bộ, chỉ có thể theo con đường nhỏ chạy dọc ven sông. Không hiểu sao, trong lòng Tuân Du chợt có một dự cảm không lành, ông ta vội hỏi Khoái Việt:
— Đó là chỗ nào?
— Chỗ đó gọi là Ô Lâm, thuộc địa phận huyện Sa Tiện, quận Giang Hạ.
— Ừ. - Tuân Du thoáng dừng lại rồi lại hỏi, - Còn ở bờ bên kia?
Khoái Việt nhìn vách núi san sát dựng đứng, vô cùng nguy hiểm bên phía bờ nam, thuận miệng nói hai từ:
— Xích Bích!(*)
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 8 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 8 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 8