Cách bạn sử dụng thời gian quan trọng hơn cách bạn tiêu tiền. Sai lầm về tiền bạc còn có thể chỉnh sửa được, nhưng thời gian thì không bao giờ quay lại.

David Norris

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Đê Quy
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 29
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 106
riệu Vân hộ Chúa, trận dốc Trường Bản
Bạn cũ trùng phùng
Sông Hán Thủy trước đây được gọi là sông Miện Thủy, bắt nguồn từ quận Hán Trung, Ích Châu, nhân vì Cao Tổ Lưu Bang khởi binh tại đây, người đời sau đổi tên con sông này là sông Hán Thủy. Do nhiều nguyên nhân như sông Hán Thủy có phù sa lắng đọng, nhiều nhánh nhỏ, cho nên đoạn chảy qua khu vực gần Tương Dương hình thành vô số bãi giữa với những diện tích khác nhau, trong đó lớn nhất là bãi giữa có tên Sái châu.
Sái châu tương đối rộng, phong cảnh đẹp đẽ, không chỉ có người ở mà còn có cả một tòa trang viên, tường viện được dựng từ những viên đá xanh loại lớn, phòng xá san sát, lầu gác cao vút, lớp lớp mái ngói uốn cong. Tất nhiên, một nơi tráng lệ như thế không thể nào là nhà của một bách tính bình thường được - đó là gia sản của Sái thị, vọng tộc Tương Dương, tộc trưởng Sái Mạo hiện sống trên hòn đảo này.
Sái thị nổi lên muộn hơn rất nhiều so với Khoái thị, chuyện này xảy ra gần trăm năm trước. Phụ thân của Sái Mạo là Sái Phúng, có học thức uyên bác, lại thích làm việc thiện, được sĩ lâm ca ngợi, nhờ đó có thể kết thông gia với nhiều danh môn vọng tộc. Em gái Sái Phúng gả cho Trương Ôn, là danh sĩ Nam Dương, ông ta được ông nội Tào Tháo là Tào Đằng tiến cử làm quan trong kinh thành, sĩ đồ rộng bước đường mây, làm đến tận chức Tư không, Xa Kỵ Tướng quân. Con cháu nhà họ Sái từ đó hưng vượng, một bước trở thành hào tộc đứng đầu Kinh Châu. Cũng nhờ ơn đề bạt của Tào Đằng mà hai nhà Sái, Tào đi lại với nhau. Hồi nhỏ Sái Mạo du học kinh sư, ở trong phủ Trương Ôn, đã kết bạn với Tào Tháo.
Hai người xa cách hơn ba mươi năm, nay Tào Tháo bình định được Kinh Châu, hẳn nhiên nhớ tới bạn cũ, huống hồ Sái thị danh tiếng lẫy lừng, còn có binh mã, nếu như ông không nhờ Sái Mạo đứng ra dàn xếp, làm sao vỗ về nhân tâm Kinh Châu? Đó chính là lý do Tào Tháo vừa điều bọn Tào Thuần đi khỏi đã vội dẫn Hứa Du, Lâu Khuê tới thăm người bằng hữu này. Hàng thần Kinh Châu tất nhiên cũng không thể thiếu được, Khoái Việt dẫn đường, còn Trương Doãn tự chống thuyền đưa đoàn người đến bãi giữa.
Hứa Du nghênh ngang bước lên thuyền, trông oai vệ hơn cả Tào Tháo, ông ta nhìn trang viên của Sái gia, vểnh râu nói:
— Phòng xá rộng thế kia đều lát đá xanh, thử hỏi tốn bao nhiêu tiền của chứ? Tên tiểu tử Sái Mạo này đúng là phú ông một vùng.
Hứa Du và Sái Mạo đều đã ngoài năm mươi tuổi, nhưng trong đầu Hứa Du vẫn chỉ nghĩ tới hình ảnh lúc bọn họ còn vui đùa với nhau thuở nhỏ.
Trương Doãn đang chống sào tre, cũng nói chen vào:
— Chẳng qua là chín châu mất một mảy lông thôi. Chỉ tính riêng trang viên của Sái thị ở quận này cũng có đến bốn mươi lăm tòa, Sái châu chỉ là một trong số đó.
— Hả? - Hứa Du giật mình lè lưỡi, - Trời đất tổ tông ơi, lắm của nhường nào!
Trương Doãn lại nói:
— Ngài làm quan dưới chân thiên tử còn thấy lạ sao? Nhiêu đó đã là gì, ngài hỏi Khoái đại nhân xem, sản nghiệp nhà ông ấy còn nhiều hơn Sái gia đấy
Khoái Việt lừ mắt nhìn Trương Doãn, song không nói gì.
Tào Tháo đứng ở mũi thuyền, nghe thấy hết câu chuyện của hai người họ, trong lòng cảm khái: chả trách bọn họ lại dễ dàng đầu hàng. Hào cường Kinh Châu có sản nghiệp lớn như vậy, đương nhiên không muốn chúng bị hủy trong chiến loạn. Viên Thiệu cũng thế, đến Lưu Biểu cũng thế, cả hai đều hưng phát nhờ hào cường, nhưng cũng suy bại bởi bọn họ. Có khác chăng là Viên Thiệu sau khi chết còn có thực lực, giữ được chân bọn Thẩm Phối; còn Lưu Biểu chết khi phương bắc đã thống nhất, nên hào cường càng muốn tự bảo vệ mình hơn. Xem ra, ta muốn củng cố giang sơn, nhất định phải áp chế hào cường.
Chẳng bao lâu sau thuyền đã ghé bờ, mọi người dìu nhau xuống. Khoái Việt gõ cửa lớn, một nô bộc bước ra, cung kính thi lễ:
— Chủ nhân nhà tôi trong người đang có bệnh, thứ cho không thể tiếp đãi.
— Thừa tướng đương triều tới nhà, cũng không tiếp sao?
Tên nô bộc này vẻ mặt khiêm cung, nhưng nói năng không hề nhún nhường:
— Quan phủ cũng không thể cậy thế bức người được, mời các vị hôm khác quay lại.
Tào Tháo không nhẫn nại được:
— Sái Mạo khi nhỏ từng cùng chơi đùa với ta, thường xuyên sang nhà, đến nỗi cánh cổng nhà ta gần bị đạp hỏng, nửa đêm khuya khoắt còn trèo tường vào đấy! Nay ta tới thăm, sao ông ta có thể không ra gặp? - Dứt lời liền xô người giữ cửa, sải bước vào trong. - Đức Khuê! Tào A Man tới thăm đệ đây!
Hứa Du, Lâu Khuê còn tùy tiện hơn, vừa đi vừa gọi:
— Sái Đức Khuê, bọn ta tới Tương Dương huynh không chịu ra mặt là có ý gì? Còn trốn gì nữa, mau chui ra đây...
Họ đều là người Thừa tướng dẫn tới, ai dám ngăn cản? Đám người này huênh hoang đi lại trong Sái phủ, khiến cho người trên kẻ dưới đều thất kinh. Đại nô bộc đã hơn một trăm tuổi, nghe có người lôi cả tên húy của chủ nhân nhà mình ra, cũng lật đật chạy tới tiền viện xem sao. Tào Tháo không thèm để ý đến lão ta, vẫn gọi toáng lên, Khoái Việt và Trương Doãn vội chắp tay giải thích:
— Đây là Tào Thừa tướng, đặc biệt tới thăm chủ nhân nhà các ngươi.
Cả đám gia nhân cùng quỳ xuống dập đầu, trong lòng thầm chửi: Thừa tướng đương triều tự tiện xông vào nhà dân, chẳng ra làm sao!
Tào Tháo không khách khí, xộc vào chính đường, đi thẳng đến hậu trạch, nha hoàn và vú già trong sân hốt hoảng náu mất. Có một bà lão đang bưng chén nước đi qua, không biết định dâng cho ai, Tào Tháo liền giằng uống, trơn cổ họng rồi lại càng gọi to hơn:
— Sái Đức Khuê! Ta biết đệ cố ý tránh mặt ta, hà tất phải làm vậy... Chớ náu nữa, ra đây đi!...
Tào Tháo gọi mấy tiếng liền mới thấy cửa hậu đường kẽo kẹt mở ra, một sĩ nhân mình mặc áo gấm, đầu quấn khăn vải, chầm chậm bước lại. Tào Tháo hơi ngạc nhiên:
— Đức Khuê? Là hiền đệ sao?
Người ấy dường đang hổ thẹn, chỉ khẽ gật đầu không nói.
Tào Tháo không tin vào mắt mình, lại dụi dụi mắt - Sái Mạo đã già, khác xa so với hình ảnh trong trí nhớ của ông. Cậu bé béo núc năm nào giờ biến thành ông lão gầy gò, đầu mày khóe mắt không còn vẻ lanh lợi như trước nữa, chòm râu cũng đã lốm đốm bạc. Nhưng ông thoắt nghĩ lại, mình chẳng phải cũng như thế ư? Hơn ba mươi năm trôi qua, tuổi trẻ đã lùi lại, ai cũng già cả rồi...
Sái Mạo vốn không có bệnh, mà chỉ hổ thẹn - ông ta thân là thông gia của Lưu Biểu, nhận lời ủy thác con côi, lại ngầm đồng ý dâng Kinh Châu cho người khác, còn mặt mũi nào đứng trước Lưu Tồng? Xét về tình bằng hữu, ông ta là bạn cũ của Tào Tháo lại đi giúp kẻ khác cát cứ đất này hai mươi năm, chĩa giáo vào bạn, thử hỏi còn mặt mũi nào gặp lại Tào Tháo? Ông ta không phải với cả hai bên, trong ngoài đều hổ thẹn, nay mới biết làm người thật khó!
Sái Mạo cũng đoán được Tào Tháo sẽ tìm đến tận phủ, nhưng không nghĩ ông tới nhanh vậy, càng không nghĩ được rằng ông sẽ xô cửa xông vào, nên lúc này buộc phải lộ diện. Ông ta nhìn thấy lão bằng hữu của mình, những ký ức hai người cùng nhau chơi chọi gà thuở nhỏ lần lượt hiện về trước mắt, trong lòng bồi hồi xúc động, cứ đứng ngây ra, không thốt nên lời.
Hai người nhìn nhau một lúc, Tào Tháo run run mở miệng trước:
— Đệ vẫn được bình an chứ?
Miệng Sái Mạo khẽ mấp máy:
— Tào A... Tào Thừa tướng...
Ông ta cung kính vái một vái dài sát đất cùng với tiếng chào bất đắc dĩ.
Thời gian như nước chảy mây trôi, không thể quay trở lại, giờ đây thân phận và địa vị của hai người đã khác. Một người là Thừa tướng đương triều, còn một người chỉ là quan lại châu quận; một người mang tước hầu, còn một người chỉ là thổ hào địa phương; một người công thành danh toại, hiển hách thiên hạ, còn người kia bị dồn vào bước đường làm kẻ bán nước. Có một bức tường vô hình đã dựng lên, chắn giữa bọn họ, không thể tìm lại những ngày tháng trước kia.
Tào Tháo sững sờ giây lát, rồi lại dần dần mỉm cười:
— Giữa hai ta còn phải khách sáo vậy sao?
Lúc này Hứa Du, Lâu Khuê ở phía sau cũng đã bước đến, bọn họ không dè dặt như Tào Tháo mà ôm chầm lấy ông ta, cười nói:
— Tên họ Sái nhà huynh giỏi lắm, bọn ta tới tận đây rồi mà không thèm ra gặp. Để xem huynh bệnh ở đâu nào!
— Hổ thẹn, hổ thẹn.
Sái Mạo cũng không biết nên nói thế nào giống như Khoái Việt, chí biết liên tục chắp tay.
— Ha ha ha!... - Tào Tháo kéo tay ông ta, - Những năm qua đệ ở Kinh Châu cũng khá nhỉ. Ta chưa vào trong thành Tương Dương đã nhìn thấy bút tích của Lương Mạnh Hoàng. Đệ còn nhớ chuyện năm xưa chúng ta đi bái yết ông ta, ông ta không thèm gặp không?
Sái Mạo cũng cười nhăn nhó:
— Đương nhiên còn nhớ. Lương Hộc giờ cũng ở Kinh Châu, làm sao ngờ tới minh công có thể ở ngôi tể phụ?
— Hiền đệ có công trong việc dâng Kinh Châu, vì sao lại không chịu ra gặp ta?
— Ây dà... - Sái Mạo thở dài, - Không mặt mũi nào gặp minh công...
— Ôi dào! - Tào Tháo rất độ lượng, - Ta và đệ là bạn từ thuở tóc còn để chỏm, nào có nhiều ngại ngùng thế? Đệ nhớ bài ca dao chúng ta thường hát chứ? “Thỏ trắng lẻ bầy, chạy đông ngó tây. Áo mới đẹp mấy, người cũ vẫn thương!” Những người trong thành vừa mới quy hàng, ta còn dung thứ cho cả, huống chi là cố nhân như đệ? Chúng ta hàn huyên chuyện cũ, nói chuyện ngày sau, không được nhắc lại những chuyện này nữa.
— Dạ, dạ. - Sái Mạo liên tục vâng dạ.
Lâu Khuê cũng khuyên nhủ:
— Hứa Tử Viễn từng theo Viên Thiệu, ta cũng từng ở Kinh Châu nhiều năm, nay Mạnh Đức chẳng phải vẫn đối đãi với bọn ta như xưa sao? Hai người các huynh còn có giao tình lâu hơn bọn ta. Nếu ta là huynh, sau này cứ bám riết lấy họ Tào ấy!
— Đúng đấy! - Hứa Du càng không kiêng dè gì, - Huynh chớ nghĩ ông ta lợi hại, có ai trong chúng ta còn không hiểu rõ cán cơ của nhau? Lúc ông ta chưa gây dựng được thế lực cũng đáng thương lắm, bị Viên Thiệu dồn vào đường cùng ở Quan Độ, nếu không nhờ ta hiến kế, chẳng biết Tào A Man giờ đã chôn thân ở nơi nào! Huynh cứ thoải mái đi!
Nghe được lời này, Sái Mạo mới cảm thấy được an ủi, bớt dẫn căng thẳng. Tào Tháo cũng đang cười, nhưng trong lòng lại không vui - Hứa Du ngày càng không ra thể thống gì, gọi nhũ danh của ta không nói làm gì, còn bóc mẽ ta ngay trước mặt mọi người, không thể không giáo huấn hắn một chút được! Ông thầm tính toán, nhưng không thể hiện ra ngoài, lại nói:
— Tử Văn cũng ở Kinh Châu đúng không? Dẫn ta đi gặp huynh ấy, mấy lão huynh đệ chúng ta phải tụ tập một phen.
Nhắc tới Vương Tuấn, nụ cười vừa nở trên mặt Sái Mạo vụt tắt:
— Tử Văn huynh ấy... Huynh ấy đã mất cách đây hai năm.
— Sao kia! - Tào Tháo giật mình, - Đã mất rồi sao?...
— Huynh ấy không chịu làm quan, ở ẩn tại quận Vũ Lăng, Giang Nam, mấy năm trước nhiễm bệnh thương hàn. Trương Trọng Cảnh đã từng tới thăm bệnh cho huynh ấy vài lần, tiếc là bệnh đã ăn vào cốt tủy... - Sái Mạo lắc đầu thở dài, - Lúc đó chiến sự rối loạn nên đệ chôn tạm huynh ấy ở Vũ Lăng.
Có những lời Sái Mạo không thể nói toạc ra, Vương Tuấn quê ở quận Nhữ Nam, Dự Châu, thuộc địa bàn của Tào Tháo; khi đó Lưu Biểu và Tào Tháo còn đang đối địch, làm sao có thể đưa hài cốt Vương Tuấn về cố hương?
Tào Tháo tỏ vẻ buồn bã, xót thương, Lâu Khuê và Hứa Du còn từng cùng Vương Tuấn du học kinh sư, nên không nhịn được sụt sùi khóc. May có Khoái Việt khuyên giải:
— Các ngài chớ quá đau buồn, sau khi an định được Giang Lăng, có thể đưa linh cữu của Vương Tuấn về quê. Thừa tướng và Sái đại nhân vừa mới trùng phùng, hôm nay nên vui vẻ mới phải.
— Đúng thế. - Hứa Du vừa khóc đã cười, - Không nói tới huynh ấy nữa, chúng ta đều đói bụng rồi, Đức Khuê phải cho chúng ta một bữa no đấy.
Tào Tháo liếc nhìn Hứa Du: bọn họ là đồng môn còn thờ ơ như thế, Tháo ta đã là gì? Ngày sau ta lên làm hoàng đế, không biết ngươi còn ngông nghênh đến mức nào!
Sái Mạo làm sao từ chối được:
— Được, được, để ta bày tiệc vừa ăn vừa nói chuyện.
Sái gia là phú hộ, chẳng bao lâu sau đã chuẩn bị xong tiệc rượu, món ngon của lạ trên cạn dưới nước đều có cả, có điều không ai động đũa mà chỉ mải hàn huyên những chuyện trước kia. Sau ba tuần rượu, Sái Mạo đã thả lỏng tâm tình, gọi vợ con ra chào Tào Tháo, đúng như thái độ của một bằng hữu cũ. Tào Tháo tới đây cố nhiên là muốn ôn lại chuyện xưa, nhưng quan trọng hơn ông còn muốn mời Sái Mạo đứng ra giúp mình trấn an Kinh Châu, nên từ từ nói vào chuyện chính:
— Ta nghe nói Kinh Châu có rất nhiều nhân sĩ tài giỏi ẩn cư, đệ có thể tiến cử cho ta vài người không?
Sái Mạo nói:
— Hiện nay trong thành có Hàm Đan Thuần, Tống Trọng Tử là hai kẻ tài năng hơn cả.
Nhưng Tào Tháo cười bảo:
— Ta đương nhiên biết đại danh của hai người này, nhưng họ chỉ giỏi lý luận sách vở, có kẻ sĩ tuấn dật nào không?
— Nói về kẻ sĩ tuấn dật thì... - Sái Mạo nghĩ ngợi một chút mới nói, - Không tính người trong mạc phủ, từ đây đi về phía đông mấy dặm theo đường sông có hai bãi giữa, một cái tên là Ngư Lương châu, có một vị tên Bàng Đức Công, người này đức hạnh độ lượng lại tài năng xuất chúng, có thể nói là bậc đại hiền. Phía trước Ngư Lương châu còn một bãi giữa tên là Bạch Sa châu, cũng có một vị ẩn sĩ cư trú, họ Tư Mã, tên Huy, tự Đức Tháo, được mọi người gọi là “Thủy Kính tiên sinh”. Ông ta từ Dĩnh Xuyên tới lánh nạn, thường ngày kiệm lời, người làng hỏi gì, ông ta cũng chỉ đáp lại một từ “Được”, cho nên bách tính còn đặt cho ông ta biệt danh “Được tiên sinh”. Người này vẻ ngoài khờ khạo nhưng trong bụng chứa đầy mưu hay kế hiểm, đã chỉ điểm cho không ít vãn sinh tiếp bước. Lưu Biểu cũng biết tiếng hai người họ, nhiều lần trưng vời song đều không chịu ra làm quan.
Tào Tháo gật gật đầu:
— Cổ nhân nói, “Tướng mã dĩ dư, tướng nhân dĩ cư.”(*) Ở ẩn tại nơi phong nhã, hẳn không phải kẻ tầm thường.
— Tất nhiên, không nói hai vị cao hiền, ngay đến môn sinh tử đệ của họ cũng không hề tầm thường. - Sái Mạo lại kể, - Phía tây Tương Dương có suối Đàn Khê, nơi đó có mấy hậu bối, Thạch Thao tự Quảng Nguyên, Mạnh Kiến tự Công Uy và Từ Thứ tự Nguyên Trực đã được Lưu Bị trọng dụng, ngoài ra còn có một ẩn sĩ trẻ nhất, tên là Thôi Châu Bình, là hậu duệ của danh môn Thôi thị ở quận Trác.
— Thôi Châu Bình? - Tào Tháo hai mắt sáng lên, - Chính là nhi tử của Thái úy tiên triều Thôi Liệt, đệ đệ của Thôi Quân ư?
— Có chuyện này sao? Đệ cũng không biết.
Tào Tháo vui mừng đứng lên nói:
— Năm xưa, Thôi Quân theo Viên Thiệu khởi binh, Lý Thôi, Quách Dĩ đánh phá Trường An, Thôi lão Thái úy gặp họa, trong lúc lâm nạn đã giao phó gia nô bảo vệ con nhỏ trốn đi, không ngờ lại lưu lạc ở đây. Thôi Quân nay đã được ta xin cho làm Thái thú Hà Tây, nếu có thể đón Châu Bình về bắc, chẳng phải huynh đệ họ được đoàn tụ sao!
Lâu Khuê lại nói:
— Đức Khuê chưa kể hết. Ta nghe nói gần Tương Dương còn có hai vãn sinh là “Ngọa Long” và “Phượng Sồ”, sao không kể với Mạnh Đức? - Ông ta từng ở Kinh Châu, nên cũng biết ít nhiều.
— Ồ? Còn có nhân vật như vậy sao?
Tào Tháo càng lấy làm ngạc nhiên, kẻ được ví là “rồng nằm”, “phượng con” há phải dạng tầm thường?
Sái Mạo mặt đỏ bừng:
— Đúng là có hai người này. “Phượng Sồ” là Bàng Thống, tự Sĩ Nguyên, là cháu của Bàng Đức Công, vốn là công tào trong quận, nhưng sau khi Lưu Biểu chết ông ta đã từ quan ở ẩn, giờ không biết ra sao. Còn “Ngọa Long” tên là Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh, hiện đang ở dưới trướng Lưu Bị...
Ông ta không muốn nhắc tới Gia Cát Lượng, bởi vì vợ nhạc phụ Hoàng Thừa Ngạn của Lượng chính là tỷ tỷ của Sái Mạo, đã có quan hệ này còn chống đối Tào Tháo, thực khiến Sái Mạo sẩm mặt.
Những người như Từ Thứ, Gia Cát Lượng không ra giúp Lưu Biểu, lại cam tâm để cho Lưu Bị sai khiến đã phạm vào điều Tào Tháo kiêng kỵ - tên giặc tai to quả nhiên giỏi mê hoặc chúng nhân, nhất định phải đẩy hắn vào chỗ chết! Ông cầm tay Sái Mạo, nói:
— Đệ không thể cứ ở mãi trong nhà được, phải tức tốc vào trong thành giúp ta xử lý công vụ.
— Đi ngay bây giờ sao?
— Không sai. Ta đã phái quân truy diệt Lưu Bị, không biết thành bại ra sao. Ta chỉ có thể ở lại Tương Dương một ngày, ngày mai lập tức dẫn đại quân tiếp ứng cho đội quân tiên phong, cùng tới Giang Lăng. - Tào Tháo đã sớm có kế hoạch, - Không thể để lương thảo, thuyền chiến của Giang Lăng rơi vào tay tên giặc tai to kia được, sau khi ta đi, đệ hãy thay ta tạm thời cai quản Tương Dương, an định nhân tâm, vỗ về bách tính. Ngoài ra, hãy cầm thủ trát của ta đi mời Bàng Đức Công, Tư Mã Huy, Thôi Châu Bình xuất sơn, chớ để hiền tài phải lưu lạc bên ngoài.
Sái Mạo luôn cảm thấy hổ thẹn trong lòng, vốn không muốn làm quan nữa, nhưng thấy Tào Tháo khẩn khoản mời mình nên tâm tư dần dao động, suy nghĩ một lát, sau cùng cũng nhận lời:
— Đã vậy, đệ sẽ tận sức mà làm.
— Chức Thái thú Cảnh Lăng đó chẳng ra sao, đệ chớ làm nữa, ta sẽ biểu tấu đệ làm Việc kỵ hiệu úy, tấn phong Đình hầu, cùng lo việc quân. Đợi khi bình định xong Lưu Bị, chúng ta cùng về triều.
Việt kỵ hiệu úy là một trong năm hiệu úy của Bắc quân, có trách nhiệm bảo vệ kinh sư, nhưng từ khi nhà Hán dời đô về huyện Hứa, quân coi giữ kinh sư đều do Tào thị nắm giữ, các hiệu úy của Bắc quân tuy chỉ còn hư danh nhưng vẫn được giữ nguyên bổng lộc hai ngàn thạch để thể hiện sự tôn quý. Tào Tháo trao chức quan này cho Sái Mạo tỏ ý khen thưởng, song việc điều đến Hứa Đô làm quan cũng là làm mất đi tầm ảnh hưởng của ông ta tại Tương Dương - dù sao Sái Mạo cũng là thế gia vọng tộc.
Giao phó đâu đấy, Tào Tháo không muốn làm mất thì giờ, vội vàng đứng dậy khỏi bàn tiệc, giục Sái Mạo khẩn trương xuất phát. Sái Mạo không biết làm sao, đành đi thu dọn hành lý, cầm bội kiếm, theo chúng nhân rời khỏi nhà.
Mọi người chưa kịp bước lên thuyền, lại thấy một chiếc thuyền nhỏ đang tiến lại từ bờ bên kia, có một viên quan dáng người khô gầy đứng bên trên.
Từ mãi đằng xa Tào Tháo đã nhận ra Lư Hồng:
— Ngươi tới đây làm gì?
Lư Hồng nhảy lên bờ, quỳ xuống thưa:
— Thuộc hạ làm việc tắc trách, xác của Khổng Văn Cử đã bị trộm!
Sái Mạo nghe vậy thì vô cùng kinh ngạc, quay sang hỏi Hứa Du đứng cạnh:
— Khổng Văn Cử? Lẽ nào là Khổng Dung danh tiếng vời vợi?
— Đúng vậy, trên đời này còn có Khổng Văn Cử thứ hai sao?
— Ông ta phạm tội gì mà bị giết?
Hứa Du liếc nhìn Tào Tháo, thấy ông không chú ý về phía họ, mới nói nhỏ với Sái Mạo:
— Đắc tội với Tào A Man đấy! A Man ép Ngự sử đại phu Hy Lự dâng tấu hạch tội, khiến cho cả nhà Khổng Dung mười mấy mạng người đều bị giết sạch, thây phơi ngoài cổng thành Hứa Đô. - Còn vẽ chuyện bảo, - Huynh cũng phải cẩn thận một chút, Tào A Man giờ không giống trước kia, giết người không thể chớp mắt!
Hứa Du cũng được coi là kẻ thông minh, nhưng chỉ nhìn rõ được người khác, còn chẳng biết xét lại bản thân mình. Lúc này Tào Tháo đang chú tâm vào chuyện của Khổng Dung, nào có để ý Hứa Du lải nhải cái gì? Ông gằn giọng nói:
— Ngươi quay về nói với Vương Tất, bảo hắn tróc nã kẻ cướp xác, bắt được thì lập tức xử tử... Không! Đợi ta về đích thân xử lý, không thể dễ dàng xử lý hắn như thế được. Ta phải xem kẻ nào gan to đến vậy!
Sái Mạo nửa đời người đi theo Lưu Biểu là người hào hoa phong nhã, đâu đã gặp qua chuyện này? Ông ta nghe vậy thì vô cùng sợ hãi, nổi hết gai ốc, trong lòng rất hối hận vì lỡ giẫm vào hố nước đục này, nhưng vừa mới nhận lời xong, làm sao rút lại được!
— Đức Khuê! - Tào Tháo gọi lớn.
— Hả? - Sái Mạo giật bắn người, bội kiếm tuột xuống đất.
Tào Tháo đã lên thuyền, vẫy tay gọi ông ta:
— Đệ còn đứng ngây ra đó làm gì, mau lên đi!
— Dạ, dạ, dạ.
Sái Mạo nhặt thanh kiếm, bước lên thuyền mà tim vẫn đập mạnh: ai ngờ giờ ông ta lại bạo ngược như thế. Lên thuyền của Tào Tháo thì dễ, nhưng làm sao mới bước xuống được đây?
Trận chiến dốc Trường Bản
Hành trình trốn chạy của Lưu Bị gian nan hơn nhiều so với dự liệu, dọc đường phải trèo đèo lội suối đã đành, bách tính còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ hành quân. Thứ nữa, đoàn người này giống như quả cầu tuyết càng lăn càng to, năm sáu vạn người kéo từ Tương Dương qua các huyện Trung Lư, Nghi Thành, Biên huyện, Lâm Thư, khiến cho không nơi nào không bị kinh động. Nhân tâm hoang mang, thảy đều đoán ra Kinh Châu xảy ra chuyện.
— Trấn Nam Tướng quân chết rồi, Lưu Tông hàng Tào nên mới có nhiều người chạy nạn đến thế!
— Chắc chắn là Tào Tháo phá thành... Hắn sắp đánh đến chỗ chúng ta sao?
— Lưu thị cần thu thuế, Tào thị cũng vậy, vì sao lại giết hại chúng ta chứ?
— Dù cho không giết anh, hắn ép anh đi làm đồn điền, phải nộp thuế nặng, liệu anh có chịu không?
— Vậy, vậy cho tôi đi theo với!
— Đi đâu đấy?
— Đại họa sắp ập đến nơi, còn nghĩ nhiều thế! Nghe nói Lưu tướng quân là người nhân nghĩa, lại là tông thất nhà Hán, đi theo ngài ấy chắc không sai đâu!
Và thế là một truyền mười, mười truyền trăm, bách tính dọc đường đều nghĩ rằng Tào Tháo muốn phá thành, người chạy nạn càng lúc càng đông. Chỉ hơn chục ngày ngắn ngủi, đoàn người đã vượt quá mười vạn với hơn một ngàn cỗ xe thồ, không thế nào đi nhanh được, lại thêm đường sá gập ghềnh khó đi, mỗi ngày cả đoàn quân dân chỉ nhích khoảng mười dặm...
Mặt trời đã ngả về tây, lại hết một ngày, đoàn người của Lưu Bị nằm phơi cạnh đống lửa. Thời gian quý báu trôi qua mười bốn ngày, có tin nói Tào Tháo đã qua sông Hán Thủy, vậy mà lúc này bọn họ mới tới địa phận huyện Đương Dương, còn chưa được nửa đường đến Giang Lăng, vẫn còn phải đi tiếp những ba trăm dặm nữa. Nhưng cứ theo tốc độ này sớm muộn gì Tào quân cũng đuổi kịp.
Lưu Bị trằn trọc suốt đếm, trời còn chưa hửng sáng đã ngồi dậy, leo lên trên xe ngựa, quan sát phía xa xa. Nhờ có ánh lửa lờ mờ, ông trông thấy bốn mặt đều là bóng người, kẻ nằm người ngồi, già trẻ gái trai, bách tính và binh sĩ ở lẫn lộn như bầy kiến đen kịt. Xe ngựa, xe bò, viên xa và cả những chiếc xe kéo nhỏ của nhà nông vứt ngổn ngang ở giữa, trận thế lộn xộn không có khả năng chiến đấu, một khi lâm trận ắt dễ dàng tan rã.
Trong lúc ông đang mải lo nghĩ, một chàng trai lặng lẽ tiến lại, ngáp dài:
— Phụ thân, người không ngủ được à? - Thì ra là nghĩa tử Lưu Phong, năm nay vừa mới hai mươi tuổi.
Lưu Phong vốn không mang họ Lưu, mà là người họ Đậu, hậu duệ của Đậu thị(*), danh môn nhà Hán ở Phù Phong. Phụ mẫu qua đời từ lúc anh ta còn nhỏ, chớ nói tới phong ấp, ngay đến đường sĩ hoạn cũng đứt đoạn, phải nương nhờ người cậu tên Lưu Bí, là Huyện lệnh Tân Dã.
Khi Lưu Bị đồn trú ở Tân Dã, từng gặp Đậu Phong, thấy anh ta dáng người to lớn, thiếu niên tuấn tú, lại có sức khỏe nên quý mến, nhận làm nghĩa tử, lúc nào cũng dẫn theo bên mình.
— Ta đang ở trong hiểm cảnh, sao có thể an giấc? - Lưu Bị khẽ thở dài, - Con ra đằng trước gọi mấy vị tướng quân... Nhẹ nhàng thôi, chớ làm kinh động bách tính.
— Dạ.
Lưu Phong rón rén đi tìm. Lưu Bị quay lại chỗ đống lửa, ngồi xếp bằng, lúc này bọn Gia Cát Lượng, Từ Thứ, Y Tịch cũng đã dậy. Chặng đường phía trước chưa biết thế nào, ai có thể ngủ đẫy giấc? Mấy người họ ngồi quây lại thành vòng tròn, không lâu sau bọn Trương Phi, Triệu Vân, Trần Đáo, Hoắc Tuấn cũng lục tục chạy tới.
Lưu Bị cố hạ giọng thật nhỏ:
— E là chúng ta không thể thuận lợi tới được Giang Lăng. Mấy hôm nữa, đội quân tiên phong của Tào tặc tất đuổi đến nơi, chúng ta phải chia binh mã phòng ngự phía sau...
Gia Cát Lượng liên tục lắc đầu:
— Trong số bách tính đi theo có không ít người là gia quyến của binh sĩ trong quân, binh sĩ đã tản ra bảo vệ người nhà, giờ bảo bọn họ ở lại phía sau phòng ngự, chỉ e bọn họ không chịu.
— Không chịu cũng phải chịu! - Trương Phi hằm hằm nói, sau đó mới nhận ra mình nói quá to, lại dần hạ giọng, - Với tình thế hiện giờ căn bản không thể đánh trận, Tào tặc mà đuổi đến nơi thảy đều xong đời. Lúc này chỉ có thể bỏ nhà vì nước, liều mạng mình để giữ mạng người khác!
Lời ấy thật có lý, nhưng sự việc đâu có đơn giản như vậy, binh sĩ mang theo nhiều gia quyến, sao có thể toàn lực ứng chiến? Gia Cát Lượng không thể không lo lắng, nhưng đã đến nước này cũng không còn cách nào khác, đành phải trịnh trọng nhắc nhở:
— Quân ta tuy đông nhưng ở thế bất lợi, phải chuẩn bị thật tốt việc di chuyển.
Lưu Bị bất lực gật đầu, ngoảnh mặt nhìn về phía tây, cách đó không xa có mấy cỗ xe ngựa dành cho vợ con ông và chúng tướng. Từ loạn Khăn Vàng đến nay Lưu Bị bôn tẩu ngược xuôi, mấy lần lạc mất vợ cả, nay chỉ còn hai vị phu nhân Mi thị, Cam thị. Mi thị sinh được hai người con gái, thuở bé từng cùng mẫu thân lưu lạc trong Tào doanh, may nhờ có Quan Vũ che chở, Lưu Bị mới được trùng phùng với họ. Vì vậy, Lưu Bị không dám hy vọng có con trai, ông thu nhận Lưu Phong với ý nghĩ sẽ giao phó hậu sự cho con nuôi. Nhưng không ngờ một năm trước, Cam thị trước đó chưa sinh nở lần nào lại có mang, sinh được một cậu bé bụ bẫm tại Tân Dã. Lưu Bị vui mừng khôn tả, liền đặt tên là Lưu Thiện(*), theo tên của Lưu Phong, tiểu tự A Đẩu. Lưu Bị gần năm mươi tuổi mới có một mụn con nối dõi, há lại không nâng niu? Thế nhưng một khi Tào quân ập tới, không ai dám nói chắc thắng bại, làm sao đảm bảo đứa trẻ chưa đầy một tuổi ấy sẽ không gặp chuyện gì bất trắc?
Triệu Vân đứng cạnh Lưu Bị, thấy ông chăm chú nhìn cỗ xe ngựa, bèn quỳ sụp xuống nói:
— Nếu chiến sự bất lợi, chúa công xin hãy đi trước, mạt tướng thề chết cũng nguyện bảo vệ phu nhân cùng ấu chúa!
Lưu Bị nghe vậy thì cảm khái muôn phần, trong lòng thầm nghĩ: “Xưa, Cao Tổ bại trận ở Bành Thành, trên đường chạy trốn đã ném các con của mình xuống xe, may mà Hạ Hầu Anh cứu được, mới không bị chê cười ngàn năm. Ta từ khi hưng binh tới nay, lần đầu lạc mất vợ con ở đất Bái, lần thứ hai lại lạc mất ở Hạ Bì, cũng cảm thấy hổ thẹn lắm thay, nhưng đó thực sự là do tình thế ép buộc. Nay còn gặp phải họa lớn nghiêng trời, đến bản thân cũng chưa chắc giữ được mạng, lại phải liên lụy đến vợ con...”
Ông còn chưa định thần lại, chợt nghe phía sau náo loạn, loáng thoáng có tiếng kêu la, mọi người giật mình đứng phắt dậy, đưa mắt nhìn về mé bắc - lúc này trời đã tảng sáng nên nhìn rõ hơn. Binh sĩ và bách tính gần như đã dậy hết, đang thu dọn đồ đạc chuẩn bị lên đường, có người còn trệu trạo nhai lương khô, nghe thấy tiếng lạ, ai nấy đều ngỏng cổ nhìn. Chỗ này gọi là dốc Trường Bản(*), là một con dốc rộng ở phía tây bắc thành Đương Dương, trong vòng vài dặm không có rừng cây, nhưng hơn mười vạn người của Lưu Bị đứng chật đất liền trời, nên trong tầm mắt toàn là quân dân cùng với tạp vật, chẳng nhìn rõ được gì.
Lưu Diễm gan nhỏ, mặt tái mét:
— Không phải... quân Tào tới rồi chứ?
— Hừ! - Trương Phi cười nhạt, không để tâm việc này, - Nói vớ vẩn gì thế! Tào tặc có đi nhanh mấy cũng làm sao có thể đuổi tới vào lúc này? Ít nhất cũng phải ba bốn ngày nữa. Huống chi, đằng sau còn có quân xích hầu do thám, nếu như kẻ địch tới, chúng lại không bẩm báo hay sao? Yên tâm đi, chưa biết chừng có kẻ tranh giành của cải nên xảy ra xô xát thôi. Phái hai tên lính đi xem thử là được.
Chúng nhân cũng cảm thấy có lý, nên chỉ sai hai thân binh đi xem xét rồi lại quay về bàn bạc tiếp. Thế nhưng chưa nói được vài câu lại nghe tiếng ồn càng lúc càng lớn, ầm ầm tựa như sấm nổ. Tất cả lại chạy ra nhìn ngó lần nữa, tình thế chợt có biến, quân dân bách tính xôn xao nháo nhác. Dần dần, tiếng kêu la trở nên rõ ràng:
— Chạy mau! Tào quân đuổi tới rồi!
Đầu óc Lưu Bị bỗng trống rỗng, ông cứ đứng ngây ra, lẩm bẩm:
— Sao, sao có thể chứ?
Ông chưa kịp phản ứng gì, chân trời phía bắc bụi đã tung mù mịt, người người tháo chạy như sóng xô bờ. Chỉ trong chớp mắt, con sóng ấy đã xộc đến trước mặt, tất cả bách tính đều kinh hãi, kêu gào rúng trời. Mọi người bỏ chạy, bốn phương tám hướng hỗn loạn, xe cộ lật đổ, lều bạt đổ rạp, trâu ngựa, súc vật bị kinh động chạy tán loạn, của nả, vật dụng rơi đầy dưới đất, không ai thèm nhặt.
Chỗ đóng quân tạm thời tuy bố trí sơ sài nhưng vẫn có binh sĩ canh giữ, có điều vào lúc này chẳng ai thèm quan tâm đến tuyến phòng ngự, bách tính hoảng loạn không biết nên chạy về hướng nào, bèn xô đổ hàng rào, ùa cả vào trong. Thân binh luống cuống, lại không thể tùy tiện ra tay với bách tính, có kẻ cứ đứng ngây ra nhìn như tượng gỗ, có kẻ lại hồ đồ vứt binh khí chạy theo.
Lưu Bị chỉ cảm thấy trước mắt lóe sáng, không biết người nào không cẩn thận đá vào đống lửa tàn, khiến khói bốc lên xộc thẳng vào mũi, đến khi ông dụi mắt nhìn lại, chỉ thấy dòng người đang tháo chạy, chẳng thấy đội thân binh và xe chở gia quyến đâu nữa, ngay đến bọn Trương Phi, Triệu Vân, Hoắc Tuấn cũng biến mất tăm. Lưu Phong và Ngụy Diên mỗi người một bên kéo Lưu Bị lên ngựa, bọn Gia Cát Lượng, Từ Thứ cũng nhảy vội lên yên ngựa, lúc này chỉ còn hơn chục tâm phúc chưa bị tách ra, theo sát yểm trợ. Lưu Phong, Ngụy Diên vác đại đao bảo vệ Lưu Bị chạy trốn. Nhưng một lúc sau, họ mới phát hiện đã đi sai hướng, lại quay sang hướng nam - bách tính xô đẩy nhau, nào phân biệt được phương hướng!
Lưu Bị đến lúc này vẫn chưa lấy lại được thần trí, chỉ vô thức thúc ngựa theo sau Lưu Phong. Dốc Trường Bản rải toàn những đồ đạc bị vứt bỏ cùng với xác chết bị giẫm bẹp, nếu không có huynh đệ Mi Chúc, Mi Phương giữ vai Lưu Bị, e là ông cũng đã sớm lăn lông lốc dưới đất. Nhưng dù vậy, ông vẫn cố ngoái lại phía sau - sao có thể đến nhanh như vậy? Thực sự là quân Tào ư?
Người đuổi tới đích xác là quân Tào. Lưu Bị có lẽ không biết sau khi Tào Tháo bình định được Ô Hoàn, Khiên Chiêu, Diêm Nhu tìm cách trao đổi với người U Yên, đưa một lượng lớn chiến mã hảo hạng của họ vào Trung Nguyên. Trung quân Tào doanh hầu như đổi hết sang chiến mã U Châu, hổ báo kỵ còn được dùng ngựa tốt nhất. Thứ nữa, Văn Sính phụ trách dẫn đường vừa mới quy thuận Tào Tháo, nóng lòng muốn thể hiện bản lĩnh, năm ngàn truy binh của ông ta chạy suốt không nghỉ, một ngày một đêm đi được hơn ba trăm dặm, hành quân thần tốc đến Đương Dương. Lưu Bị tất nhiên không nhận được tin báo của xích hầu, bởi lẽ bọn họ đã bị quân Tào bỏ lại phía sau. Người đầu tiên xông vào dòng người bỏ trốn chính là Văn Sính. Ông ta dẫn hơn một trăm kỵ sĩ dưới trướng làm tiên phong, đi suốt một ngày một đêm, khi trời hé sáng đã thấy thấm mệt. Văn Sính định cho mọi người nghỉ ngơi chút ít rồi mới đuổi tiếp, thế nhưng khi tế ngựa xuyên qua một hàng cây đến dốc Trường Bản, ông bỗng giật mình trước cảnh tượng trước mắt - quân dân nhiều vô kể, rải rác khắp cánh đồng đằng xa!
Khoảnh khắc đó Văn Sính quả thực không ngờ tới, cố kiềm chế sự kinh ngạc, cuống cuồng truyền lệnh:
— Bắt, bắt lấy Lưu Bị!
Đánh trận phải dựa vào sĩ khí, Tào quân phấn chấn hẳn lên. Bọn họ đang uể oải, đột nhiên phát hiện ra đã đuổi tới nơi, trong khi quân địch lại ở thế hoàn toàn chịu chết, phút chốc tất cả cùng gào thét xông lên phía trước.
Quân dân lẫn lộn một chỗ, phía sau cùng đều là người già yếu, thình lình trông thấy quân Tào, sợ đến hồn bay phách tán, không nhấc nổi chân, chưa kịp phản ứng gì đã bị giẫm nát. Đám người cuống cuồng rối loạn, binh sĩ và dân chúng dắt díu nhau bỏ chạy tứ tán, chúng nhân đâm quàng đâm xiên, số người chết vì giẫm đạp lên nhau còn nhiều hơn số bị quân Tào giết. Văn Sính thấy quân địch dễ dàng tan rã, liền quát:
— Không cần nhổ cỏ tận gốc, gấp rút truy đuổi Lưu Bị! - Nói rồi xông lên trước nhất, kỵ sĩ trung quân và hổ báo kỵ theo sát phía sau, càn quét dốc Trường Bản như một trận gió lốc.
Lúc này quân Tào chỉ có năm ngàn binh mã, trong khi Lưu Bị có tới mười vạn người, nhưng hầu hết là bách tính, còn mang theo rất nhiều đồ đạc, của cải lỉnh kỉnh, hoàn toàn không có khả năng chống cự. Còn những binh sĩ có sức chiến đấu trụ chân đã khó, nói gì đánh lại? Cho nên, quân Tào đánh thẳng vào giữa đám người, cung tiễn đao thương cùng chĩa ra, những chỗ họ băng qua người chết như ngả rạ.
Quân Tào càng đánh lên phía trước càng thấy hỗn loạn, ban đầu có khá nhiều bách tính, song về sau lác đác xuất hiện binh sĩ, cũng có chút chống cự. Văn Sính đoán rằng còn cách Lưu Bị không xa, càng phấn sức xông lên, vừa phóng qua một hàng rào đổ rạp, chợt trông thấy hơn chục xe lương ngáng đường - mấy chục tên lính tay cầm đại đao vọt ra từ sau xe, định chặn Tào quân. Văn Sính không có ý lui lại, khua trường mâu đâm chết một tên lính quèn, đang định tiếp tục tiến lên phía trước, lại nghe có người quát lớn:
— Văn Trọng Nghiệp, chớ làm càn!
Văn Sính đưa mắt nhìn - cạnh xe lương trước mặt có một tiểu tướng chưa đến ba mươi tuổi, hừng hực khí thế, đang giơ đại đao hằm hằm nhìn ông ta. Văn Sính nhận ra người đó là bộ tướng Kinh Châu Hoắc Tuấn.
— Hoắc Trọng Mạc, sao ngươi lại đi theo Lưu Bị?
— Chim khôn chọn cây mà đậu. - Hoắc Tuấn quát, - Tên bán chủ cầu vinh như ngươi chớ vội làm càn, có dám so tài cao thấp với ta không?
— Sao lại không dám?
Văn Sính đầu hàng bởi bị cảm hóa trước tình nghĩa của Tào Tháo, hận nhất những kẻ nói mình bán chủ, nghe vậy cơn giận bốc lên đỉnh đầu, không thèm nghĩ đến giao tình trước đây, thúc ngựa lao lên định đánh. Đúng lúc này, lại có một kỵ mã phóng lại, người ngồi bên trên thét:
— Dừng tay!
Văn Sính nhận ngay ra là Y Tịch đã trốn khỏi Tương Dương:
— Y Cơ Bá, các ngươi theo Lưu Bị làm loạn, hôm nay chính là ngày chết của các ngươi!
Y Tịch sợ Hoắc Tuấn hành động lỗ mãng, giữ dây cương của ông ta lại trước mới đáp lời:
— Bọn ta làm loạn? Văn Sính, ngươi mở to mắt ra mà nhìn, ai đang tàn sát bách tính Kinh Châu? Ai đang vô tình vô nghĩa giết hại người vô tội? Ngươi hãy tự vấn lương tâm, ngươi có còn là người Kinh Châu không?!
Mấy câu nói nhẹ bẫng đó khiến Văn Sính không khỏi giật mình, quay đầu nhìn lại, binh sĩ chắn đường đã bị thuộc hạ của ông ta giết sạch, mấy kỵ sĩ còn đang múa trường thương vây giết một đám dân đen tay không tấc sắt. Đó đâu phải truy kích, là lạm sát thì đúng hơn. Người Kinh Châu sao có thể làm hại phụ lão hương thân của mình? Văn Sính run sợ: Sính ta đi theo Tào Tháo không nói làm gì, nếu như còn tàn sát người dân quê nhà, ngày sau làm sao đứng được ở đời? Nghĩ đến đây, ông vội hô to:
— Chỉ cần bắt Lưu Bị, không được làm hại bách tính!
Nhưng binh sĩ đã giết người đến đỏ mắt, nào còn để ý nhiều như vậy, Văn Sính thấy một thân binh đang chĩa mũi thương về phía một ông cụ, liền nhảy lên đoạt lấy cây thương, cho hắn một cái bạt tai:
— Mẹ kiếp, không nghe ta nói gì sao? Kẻ nào còn dám làm hại bách tính, xử theo quân pháp!
Nhưng khi quay đầu lại, Y Tịch và Hoắc Tuấn đã lẻn vào giữa đám người, chẳng thấy bóng dáng đâu nữa.
Văn Sính vô cùng hối hận vì đã giết hại rất nhiều phụ lão hương thân, thẫn thờ không biết làm sao. Tướng quân đứng im, binh sĩ dưới trướng cũng không dám ra tay. Đại đội quân Tào lúc này đã đuổi tới, Tào Thuần, Hàn Hạo đi sóng đôi, thấy bộ quân của Văn Sính dừng lại, lạnh lùng quát:
— Ây dà! Ngây ra đó làm gì? Đuổi theo!
Đoạn bỏ trăm tên quân kỵ Kinh Châu kia lại, hất tung xe lương, ầm ầm đuổi tiếp.
Dốc Trường Bản chẳng mấy chốc thành một bãi hỗn loạn, Tào Thuần muốn lập đại công, dồn sức rượt lên phía trước, nửa canh giờ sau, chỉ thấy sĩ tốt, bách tính lẻ tẻ bỏ chạy, phía trước có mấy cỗ xe ngựa và vài kỵ binh. Bách tính bình thường có xe ngựa mà đi hay sao? Tào Thuần liệu rằng, trong xe không phải Lưu Bị thì cũng là nhân vật quan trọng, nên ráo riết đuổi theo, nhằm thẳng vào cỗ xe được nhiều binh sĩ bảo vệ nhất. Cả một cỗ xe cồng kềnh không thể chạy nhanh bằng một con ngựa đơn lẻ, huống chi là kỵ mã U Châu? Không lâu sau, Tào Thuần đuổi gần tới trước mặt, hổ báo kỵ liên tục giương cung bắn gục những tên lính yểm trợ. Một tên kỵ sĩ giỏi cung thuật vòng sang cạnh xe, chĩa mũi tên vào phu xe, kêu hắn dừng xe; trong khi đó, một tên kỵ sĩ trẻ khác vươn cánh tay dài như tay vượn đoạt lấy dây cương, cỗ xe từ từ dừng lại, bị quân sĩ hổ báo vây chặt.
— Là kẻ nào! Mau xuống xe!
Các binh sĩ quát lớn, nhưng bên trong không có động tĩnh gì.
— Phí lời làm gì! - Tào Thuần vòng lên phía trước, dùng đại thương gạt phăng màn xe. Bên trong có hai người đàn bà trung tuổi, một người bế đứa trẻ còn cuốn tã trong lòng, còn người kia ôm hai cô bé mười ba mười bốn tuổi, người lớn và trẻ con chụm đầu mà khóc.
Tào Thuần vốn tưởng trong xe có nhân vật nào ghê gớm, hóa ra chỉ là mấy mụ đàn bà và trẻ nhỏ, ban đầu có vẻ thất vọng, nhưng khi nhìn kỹ lại, ông ta chợt vui sướng - năm xưa Quan Vũ vì muốn bảo vệ hai phu nhân của Lưu Bị nên mới tạm náu mình ở Hứa Đô, Tào Tháo lập lời thề không hại đến bọn họ. Khi đó, Tào Thuần là tướng lĩnh trong trung quân, cũng từng có dịp nhìn thấy họ từ đằng xa. Đặc biệt là Cam thị dung mạo xinh đẹp, da trắng như ngọc, khiến người ta càng khó quên. Mặc dù đã qua nhiều năm, Tào Thuần vẫn nhớ mang máng, đó chẳng phải là thê thất của Lưu Bị ư?
— Vợ con của tên giặc tai to, mau bắt sống!
Tào Thuần ra lệnh, các binh sĩ lập tức xông tới như hổ sói, nhưng buồng xe quá hẹp, không chui vào được, mấy nữ nhân trốn tít vào trong, bọn họ khua mãi mới tóm được hai cô bé, lần sau tóm được một vị phu nhân, là Mi thị.
Trên xe chỉ còn hai mẹ con Cam thị, rúc mãi trong góc, Cam thị kêu trời không thấu kêu đất không thưa, nhìn một tên võ sĩ nhảy lên xe, chuẩn bị giật A Đẩu khỏi lòng mình, nàng ta không biết làm sao, toan đập đầu tự vẫn. Đúng lúc ấy, chợt nghe thấy một hồi hỗn loạn, trước mặt lóe sáng, tên võ sĩ kia bị một cây ngân thương đâm chết ngay trên chỗ tay vịn.
Bọn Tào Thuần đang bao vây đằng trước cỗ xe, không để ý phía sau có một quân kỵ lao tới. Người này vụt tới như tia chớp, chỉ nghe thấy một loạt tiếng kêu thảm thiết, mấy hổ báo kỵ đã bỏ mạng dưới mũi thương. Anh ta đơn thương độc mã lao vào vòng vây như chỗ không người. Tào Thuần giật mình sợ hãi, vội quay ngựa, lùi lại mấy bước mới dám đưa mắt nhìn. Người xông tới khoảng ngoài ba mươi tuổi, tướng mạo oai hùng, ba chòm râu đen sì, từ khôi giáp, chiến bào cho đến con ngựa bên dưới đều cùng một màu trắng, tay cầm cây thương màu bạc sáng lóa.
— Triệu Tử Long!...
Lưu Bị từng dốc sức cho Tào Tháo hơn bốn năm, nên Tào Thuần cũng biết không ít người dưới trướng ông ta. Triệu Vân nhìn mẹ con Mi thị đang bị quân Tào bắt giữ, lạnh giọng quát:
— Thả chúa mẫu nhà ta ra!
— Khẩu khí lớn lắm, chỉ dựa vào một mình ngươi thôi sao? - Tào Thuần vẫy tay, - Bắt lấy hắn cho ta!
Các kỵ sĩ nghe lệnh, nhất tề vung đao múa thương xông tới.
Triệu Tử Long bản lĩnh vô song, quét một đường thương tựa như mưa lớn trút xuống hoa lê, chớp mắt lại có ba tên lính trúng thương, đổ vật xuống đất, còn anh ta chỉ có một khoảng đất hẹp để xoay xở, vậy mà vẫn không mất một sợi tóc nào. Tào Thuần kinh hãi, liên tục lùi lại - Tào Thuần vốn xuất thân văn nhân, sau được cử làm hiếu liêm, mặc dù biết cách cầm quân nhưng lại không giỏi võ nghệ, nào dám đọ sức với nhân vật cỡ này?
Triệu Vân tay múa thương nhưng không rời mắt khỏi cỗ xe ngựa, thoắt cái lại đoạt mạng ba tên lính nữa, những kẻ khác sợ hãi liên tục lùi lại, nới lỏng vòng vây. Những binh sĩ này không phải hạng thường, đều là hổ báo kỵ dũng mãnh nhất trong Tào doanh mà còn thất kinh đến vậy.
— Thả chúa mẫu nhà ta ra!
Triệu Vân thấy quân Tào lùi bước, bèn thét lên một lần nữa. Tào Thuần giật bắn người, suýt chút nữa làm theo, quay đầu nhìn lại, truy binh phân tán nhưng xung quanh vẫn còn hơn hai chục thân binh, lại nhìn đám bụi phía xa, Sử Hoán đang dẫn một đội quân tới. Lúc này Tào Thuần mới vững tâm, chế giễu:
— Chớ có nằm mơ! Ta khuyên ngươi nên bó tay chịu trói, bằng không loạn tiễn bắn ra, cả ngươi và người trong cỗ xe kia đều sẽ...
Lời còn chưa dứt, lại nghe thấy một trận rối loạn, lát sau một viên tướng chạy lại từ mé tây. Hổ báo kỵ Tào doanh giết Viên Đàm, chém Đạp Đốn có thể nói là bách chiến bách thắng, vậy mà hôm nay quá mất mặt, hai lần để cho những kẻ đơn thương độc mã vọt tới. Tào Thuần nhìn viên tướng đó ăn vận giống hệt Triệu Vân, chỉ khác bộ râu hùm, liền nhận ngay ra là Trần Đáo, tự Thúc Chí, cũng là một kình địch.
Triệu Vân bề ngoài bình tĩnh, nhưng kỳ thực lòng như lửa đốt, một mình anh ta khó có thể cứu được cả hai vị chúa mẫu, nhất là thiếu chủ A Đẩu còn đang ở trên xe, lỡ như có sơ sẩy gì, Lưu Bị há chẳng tuyệt tự ư? Đương không biết làm sao thì Trần Đáo đánh tới, liền hét lớn:
— Thúc Chí, mau đưa xe đi trước!
Tào Thuần hốt hoảng, bỏ Triệu Vân lại, dẫn tả hữu bao vây Trần Đáo. Trần Đáo không thèm né tránh, đứng thẳng trên yên ngựa, tung người nhảy vọt qua đầu chúng nhân, hạ chân xuống đúng chỗ tay vịn trên xe ngựa. Tào Thuần ngửa cổ nhìn, chưa kịp định thần đã bị con ngựa mà Trần Đáo cưỡi đâm ngã.
Trần Đáo một tay kéo dây cương, một tay cầm đại thương, gióng xe nghênh ngang lao đi, mười mấy hổ báo kỵ cùng xông lên nhưng đều bị đánh bật. Tào Thuần khôi giáp xộc xệch, thương tuột khỏi tay, nằm dưới đất quát:
— Đuổi theo! Mau đuổi theo!
Thế nhưng Triệu Vân khoát tay vung thương, lại có ba bốn tên lính bỏ mạng. Tào Thuần nhanh trí, nhìn thấy hai sĩ tốt giữ Mi thị cũng ở gần đó, liền bật dậy rút bội kiếm, kề vào cổ Mi thị:
— Triệu Vân! Còn không đầu hàng ta giết ả!
Triệu Vân biết rằng Tào Thuần sẽ không dám tùy tiện làm hại con tin, nên vẫn vung thương chém giết, yểm trợ thiếu chủ. Tào Thuần thấy xe ngựa đã chạy xa nhưng lại không dám ra tay với Mi thị, cuống lên giậm chân bình bịch. Lúc này chợt nghe tiếng vó ngựa ầm ầm, bộ quân của Sử Hoán đã đuổi tới, Tào Thuần mừng rỡ nói:
— Triệu Vân, ta cho ngươi giết tiếp! Để xem ngươi giết được mấy tên nữa!
Tục ngữ nói, “Song quyền nan địch tứ thủ”(*), Triệu Vân dù thiện chiến cũng chẳng thể làm gì được trước lớp lớp binh mã. Có điều, Mi phu nhân còn đang nằm trong tay quân Tào, Triệu Vân sao có thể một mình bỏ chạy?
Mi thị nước mắt nhạt nhòa, nàng ta biết rõ Triệu Vân không phải vì muốn yểm trợ, mà chỉ vì nghĩa chủ tớ nên mới không chịu bỏ đi, trong lòng đau đớn vô cùng. Nàng nghiêng mặt nhìn hai cô con gái bị binh Tào trói ghì trên lưng ngựa, ruột gan trào lên nỗi phẫn hận, không biết lấy đâu ra sức mạnh, vùng được tay phải ra:
— Tử Long chạy đi!
Rồi đột nhiên nắm lấy mũi kiếm của Tào Thuần đâm mạnh vào yết hầu.
Không chỉ Triệu Vân mà ngay cả bọn Tào Thuần cũng giật mình, vội giật mũi kiếm ra, nhưng máu tươi tuôn ra từ cổ Mi thị, chẳng mấy chốc nàng đã tắt thở.
— Phu nhân... Ôi! - Triệu Vân không có thời gian đau buồn, đành nuốt nước mắt vào trong, quay ngựa chạy thẳng.
Sử Hoán đã chạy đến gần nên nhìn rõ sự việc, ông ta thành thạo đao mã, bản lĩnh không vừa, tức tốc quất ngựa đuổi theo Triệu Vân. Khi sắp đuổi kịp, Sử Hoán chợt thấy Triệu Vân xoay người giương cung, ông ta vội nằm ngửa ra trên yên cương để tránh tên, trong lòng thầm cười: trò này đã là gì? Nào ngờ chưa vui mừng được bao lâu đã thấy tiếng ngựa hí vang, trời đất nghiêng ngả, rồi cả người đau điếng, đến lúc hiểu ra thì đã nằm dưới đất - hắn bắn vào ngựa kia mà!
Khi đang đánh trận, kỵ binh rớt khỏi lưng ngựa có thể mất mạng, may mà chúng sĩ kịp giữ chặt dây cương, con ngựa mới không giẫm vào Sử Hoán. Đám lính cuống quýt kéo ông ta lên, đổi cho một con ngựa khác. Tào Thuần cũng nhảy lên lưng ngựa đuổi theo Triệu Vân, nhưng do để lỡ chốc lát nên đã mất dấu.
Lần này hai tướng hợp binh có mấy trăm binh sĩ, đằng đằng sát khí, quyết tâm báo thù. Không lâu sau, bọn họ dần đuổi kịp một toán xe ngựa, Tào Thuần chỉ vào một cỗ xe có mui che vải xanh, thét lên:
— Chính là cỗ xe đó, vợ con Lưu Bị ở trong xe.
Kỵ quân hổ báo sốt sắng báo thù, hơn nữa người đông thế mạnh nên đều thúc ngựa xông lên, đâm chém loạn xạ, ngay đến con ngựa kéo xe cũng toi mạng. Nhưng khi vén rèm xe nhìn vào trong, tất cả đều ngây ra - không phải Cam thị, là một bà lão hơn sáu mươi tuổi.
Hóa ra có hai cỗ xe trang trí giống hệt nhau, quân Tào nhận nhầm, e là Triệu Vân và Trần Đáo đã sớm bảo vệ gia quyến của Lưu Bị vòng qua đường khác. Tào Thuần vừa thẹn vừa giận, thấy bà lão đó tỏ vẻ nghiêm nghị, không hề sợ hãi, đoán rằng bà ta cũng không phải người tầm thường, bèn lên giọng dọa dẫm:
— Ngươi là kẻ nào?
Bà lão quay mặt đi không đáp.
— Không nói ta giết ngươi!
Bà lão nghiến răng, chẳng thèm nhìn lấy một cái.
Tào Thuần thấy phía sau bà ta còn có hai cô gái, xem chừng là nha hoàn, liền túm một người lại, ép hỏi:
— Chủ nhân nhà ngươi là ai?
Đúng là một nô tỳ trung thành, nha hoàn này cũng không chịu mở miệng. Tào Thuần không nén nổi cơn giận, lôi nha hoàn đó xuống xe:
— Giết!
Hổ báo kỵ vung đao lấy mạng cô ta.
Bà lão không ngồi yên được, đành phải lên tiếng:
— Ta là mẹ của Từ Thứ, Tòng sự dưới trướng Huyền Đức công.
Phí mất nửa ngày chỉ bắt được gia quyến của một nhân vật nhỏ, Tào Thuần hơi chán nản, chỉ bảo:
— Giải đi.
Đang định lên ngựa đuổi tiếp thì Văn Sính chạy tới, cáu kỉnh hỏi:
— Tào tướng quân, các ông là quan quân triều đình, há có thể giết hại người dân vô tội?
Nghe vậy, Tào Thuần đưa mắt nhìn xung quanh, không ít binh sĩ bỏ việc truy kích, tự ý giết người cướp của.
— Truyền lệnh tất cả tướng sĩ không được phép làm hại người vô tội, cướp đoạt của cải. Tiếp tục truy kích!
Tào Thuần hạ lệnh này không hẳn vì sợ tàn sát bách tính, mà chỉ sợ làm lỡ việc chính. Sử Hoán nhìn chiến trường hỗn loạn, không khỏi cảm thán:
— Lưu Bị có tài chạy trốn, lại có dũng tướng bảo vệ, chúng ta lỡ mất nhiều thì giờ, sợ rằng rất khó đuổi kịp. Chỉ mong Hàn Hạo có thể thuận lợi bắt được hắn! - Dứt lời nhìn về hướng nam bụi tung mù mịt mà thở dài ngao ngán...
Đúng như Sử Hoán dự liệu, Hàn Hạo đã phát hiện ra tung tích của Lưu Bị. Đội quân của ông ta đi tiếp hơn chục dặm thì trông thấy Lưu Bị được một toán quân nhỏ gồm mấy chục người bảo vệ. Lúc này trời đã sáng rõ, hai quân rượt đuổi từ dốc Trường Bản đến giờ đã hơn một canh giờ, Lưu Bị cả đêm không ngủ, bọn Lưu Phong, Ngụy Diên, Mi Chúc, Gia Cát Lượng theo sát ông ta, còn Trương Phi dẫn hai mươi kỵ binh tinh nhuệ đi trước hơn nửa dặm làm tiên phong mở đường.
Thực ra, Hàn Hạo còn mệt hơn Lưu Bị, truy kích suốt một ngày một đêm mà chỉ toàn hít khí trời. Không biết đi bao xa, hết leo dốc, xuống dốc, lại vượt qua một cái gò, địa hình dần dần bằng phẳng, đột nhiên lại có tiếng nước chảy ào ào - phía trước có một con sông lớn. Nhưng bên kia sông hình như có một cánh rừng.
Hàn Hạo thầm kêu không ổn, cao giọng thét:
— Đuổi riết không tha, không được để cho tên giặc tai to chạy thoát!
Nhưng câu này thốt ra, binh sĩ đang lao lên phía trước bỗng đứng khựng lại xung quanh mép sông. Hàn Hạo làm sao không tức giận? Ông ta thúc ngựa vọt tới, đang định quát mắng thì nhận ra biến cố trước mặt.
Trên sông có một cây cầu gỗ, rộng hơn ba trượng, lúc này có hai mươi mốt kỵ sĩ của quân địch trấn giữ bên trên. Trong đó có hai mươi kỵ binh bình thường, tay cầm trường thương, vai đeo trường cung, còn một chiến tướng đứng ở giữa, trông rất chướng mắt. Người này vóc dáng đồ sộ, lưng hổ eo gấu; đầu đội mũ sắt trùm qua gáy, bên trên gắn dải đỏ phất phơ; mình mặc áo giáp liên hoàn ghép từ những lá sắt lớn, khoác áo bào lụa màu đen, vai đeo tấm che giải trãi một sừng, lưng thắt đai sư tử rộng bằng bàn tay; phía trong là áo vải đen, bên ngoài có giáp che đùi, tấm che đầu gối hình đầu thú tám phương, chân đi hia đầu hổ; cưỡi ngựa yên vân, tay cầm một cây xà mâu dài tám trượng. Nhìn kỹ khuôn mặt, người này nước da đen sì nhưng tướng mạo có nét tiêu sái, đôi lông mày rậm dài đến tận mép tóc mai, mũi cao miệng rộng, tai to rủ xuống, râu hùm lún phún, điểm khiến người ta chú ý nhất là đôi mắt nhìn xéo, như thể chẳng coi quân Tào ra gì. Thế nhưng, cạnh chân người này có mười mấy cái xác của tướng sĩ Tào doanh.
Hàn Hạo khác với Tào Thuần, ông ta vốn là hàng tướng dưới trướng Viên Thuật, ban đầu nghe lệnh của Hạ Hầu Đôn, sau đó lại hiệp trợ Nhậm Tuấn, lo việc đồn điền. Do ông ta làm việc cẩn thận, già dặn kinh nghiệm nên được điều vào trung quân, không hề biết rằng người kia chính là Trương Phi, tự Dực Đức, được đồng liêu xưng tụng là mãnh tướng sức địch vạn người.
Nhưng binh sĩ có thể đoán ra sức mạnh của Trương Phi, tốp binh mã ban nãy phóng lên cầu, hai mươi mốt quân địch cầm binh đao xông ra đón đầu, nhất là viên tướng đứng giữa, múa cây trường mâu dũng mãnh vô song, chỉ cần quét một đường thương là binh Tào chết cả đám. Hơn chục kỵ sĩ chưa kịp giao tranh đều đã bỏ mạng, quân phía sau không dám hấp tấp lên tiếp.
Hàn Hạo hơi chột dạ nhưng sợ để mất Lưu Bị, lại quát tả hữu:
— Sợ cái gì? Chúng ta nhiều người thế này, cùng xông lên!
Ai dám xông lên? Cả đám người e dè nhìn Hàn Hạo, không ai dám tiến lên một bước. Lúc này quân Tào ở phía sau lục tục đuổi tới, phút chốc đã có trăm người hợp lại, nhưng nhìn Trương Phi đằng đằng sát khí, vẫn không có kẻ nào dám xông lên. Hàn Hạo đầm đìa mồ hôi, thầm nghĩ nếu mình không lên trước sẽ không làm nên việc, đang định thúc ngựa, chợt nghe thấy giọng Trương Phi - khi nãy Trương Phi nhắm mắt đánh trận, giờ đột nhiên hai mắt trợn trừng, thét lớn:
— Trương Dực Đức người nước Yên ở đây! Kẻ nào dám quyết một trận sống mái?!
Tiếng quát đó chẳng khác gì hổ gầm, Tào quân không kẻ nào lên tiếng, chút quyết tâm vừa trỗi dậy trong lòng Hàn Hạo cũng tan biến. Trương Phi chĩa cây trường mâu về phía trước, thét lại lần nữa:
— Đánh thì không đánh, lui lại chẳng lui, là cớ làm sao? Lại đây! Lại đây!
Hàn Hạo vô cùng khiếp đảm, cảm giác con chiến mã dưới mông cũng sắp bị kinh sợ, vội ghì dây cương lui lại hai bước. Nào ngờ, ông ta vừa lui, chúng sĩ cũng lui theo, mở rộng vòng vây. Lúc này, truy binh đã tập hợp được hai ba trăm người, rất nhiều kẻ không hiểu đầu đuôi ra sao, thấy người trước mặt lùi lại, cũng mơ hồ lùi lại đằng sau.
Trương Phi thét xong hai tiếng, trừng mắt nhìn quân Tào, hai bên đối mắt khoảng gần một tuần hương. Bọn Hàn Hạo không nói lại được câu nào, đến thở mạnh còn chẳng dám. Trương Phi đoán chừng Lưu Bị đã trốn sâu vào trong rừng, không có trở ngại gì lớn nữa, trong khi quân Tào kéo đến ngày càng đông, ông ta chớp mắt, ngửa mặt cười lớn:
— Ha ha ha!... Tào doanh hết người rồi! Ta chẳng thèm giết những kẻ vô danh, hôm nay tạm giữ lại mạng chó của các ngươi. Nếu còn dám tiến lên... - Nói đến đây, ông ta thọc trường mâu, xâu ba xác chết mà dường như không tốn chút sức lực nào, quẳng về phía Tào quân.
Có kẻ nào từng nhìn thấy người chết bay trên đầu? Quân Tào càng hốt hoảng lùi mãi lại phía sau.
Đúng lúc đó, Trương Phi quay ngựa bỏ chạy cùng với hai chục kỵ sĩ. Quân Tào trơ mắt nhìn ông ta chạy thoát, không kẻ nào đuổi theo. Lát sau, không biết ai hô lên:
— Phóng tên đi!
Lúc này Hàn Hạo mới sực tỉnh - đúng là sợ đến hồ đồ, tại sao đến bắn tên cũng quên được kia chứ? Đợi đến khi Hàn Hạo truyền lệnh bắn tên, quân địch đã ở ngoài tầm bắn. Chúng nhân nhìn bọn Trương Phi lao xuống cầu, chạy về hướng nam, chui vào trong rừng mà chỉ đứng bắn tên, hồi lâu vẫn chẳng có ai dám giẫm lên trên cầu.
Khi bọn Tào Thuần đuổi đến chân cầu Đương Dương, mấy trăm kỵ sĩ dưới trướng Hàn Hạo đều đang ngơ ngác, hỏi rõ nguyên do thì liên tục kêu tiếc. Quân Tào đã mất hàng ngũ, lại sợ trong khu rừng trước mặt có mai phục, đành đứng tại chỗ đánh chiêng tập hợp loạn quân, lỡ mất nửa ngày trời, rồi cả đội binh mã mới cùng xông qua cầu...
Hai ngày sau, đại quân do Tào Tháo đích thân thống lĩnh đuổi đến nơi, dốc Trường Bản còn không ít bách tính chưa bỏ đi, kẻ chôn cất người thân chết nạn, kẻ bị thương nặng nằm vật vã bên đường, lại có kẻ góa bụa không biết đi đâu về đâu, cả mảnh đất dài mấy dặm vấn vít tiếng khóc bi thương. Tào Tháo cảm thấy bất an, lệnh cho quan lại huyện Đương Dương sắp xếp cho dân chúng vào thành, tạm thu nhận một thời gian, sau đó đưa trả về quê. Còn những binh sĩ chạy trốn đều phải ghi hết vào sổ sách, chuẩn bị dựng lại đội ngũ. Dọc đường đi về phía nam sau khi qua cầu, quân Tào chỉ thấy đồ quân nhu mà quân Lưu Bị bỏ lại, còn đến tận Giang Lăng cũng chẳng thấy tên lính tản mát nào.
Bốn tướng bọn Tào Thuần dẫn binh mã ra ngoài thành nghênh đón Tào Tháo - Lưu Bị vốn không chạy tới Giang Lăng, quân Tào đành từ bỏ việc truy kích, ngoài việc bắt được hai người con gái của Lưu Bị và mẹ của Từ Thứ ra thì chẳng thu hoạch được gì. Ngay cả Tào Tháo cũng cảm thấy lạ, làm sao Lưu Bị có thể biến mất không một dấu vết?
Lỗ Túc sang sông
Trong lúc quân Tào vẫn chưa cởi bỏ được nghi hoặc, Lưu Bị cùng với văn võ thân tín đã lên thuyền ở bến Hán Tân, chuẩn bị đến một nơi khác, đó là Giang Hạ.
Lưu Bị dẫn bách tích theo quân mặc dù nguy hiểm, nhưng trước đó đã sắp xếp xong kế thoát thân. Ông phái Quan Vũ dẫn một vạn thủy quân qua Giang Hạ trước, đi đường thủy nhanh hơn nhiều so với đường bộ, nên chỉ mất hơn chục ngày Quan Vũ đã đến Giang Hạ, sau đó ngược dòng trở lại, bố trí đội thuyền dọc bờ sông Hán Thủy để có thể tiếp ứng Lưu Bị bất cứ lúc nào. Một khi gặp bất lợi, Lưu Bị sẽ tách khỏi đại đội quân dân chạy đến bờ sông, trốn về Giang Hạ. Kế sách khá chặt chẽ, chỉ có điều sắp đến lúc quan trọng lại xảy ra một trận hỗn loạn, bởi vì Lưu Bị không ngờ được rằng quân Tào hành động nhanh như vậy, một ngày một đêm đuổi được ba trăm dặm, thành thử khi quân Tào thình lình xuất hiện ở dốc Trường Bản, ông không có chút chuẩn bị nào. Nếu không nhờ Trương Phi mạo hiểm đứng chặn truy binh, ông đã sớm làm ma dưới lưỡi dao quân Tào.
Đám người Lưu Bị qua cầu Đương Dương liền rẽ theo hướng đông, chạy đến sông Hán Thủy, hội họp với thủy quân tại một bến đò. Nhưng quân Tào bị rừng cây rậm rạp phía nam Đương Dương che khuất tầm nhìn, hơn nữa bách tính bỏ chạy nháo nhác cũng làm mất thì giờ truy kích, cho nên bọn Tào Thuần không phát hiện ra quân dịch đã chuyển hướng, vẫn cứ gấp rút chạy theo hướng nam, chiếm Giang Lăng trước. Thế là Lưu Bị thoát được một kiếp nạn.
Tuy vậy, lần chạy trốn này Lưu Bị thảm bại vô cùng, hơn mười vạn quân dân chỉ còn sót lại không đến một trăm người, toàn quân gần như bị diệt sạch, gia quyến của tướng sĩ thất lạc bốn phương. Khi chưa hội họp được với đại quân của Quan Vũ thì vẫn chưa thể coi là an toàn, ông cố nén nỗi lo sợ trong lòng, đợi ở bờ sông nửa ngày, cuối cùng lại gặp được Triệu Vân và Trần Đáo - thì ra, sau khi hai tướng bảo vệ mẹ con Cam thị thoát nạn, mẹ Từ Thứ bị bắt, hai tướng sợ quân Tào đuổi kịp, bèn cởi bỏ khôi giáp, vứt xe ngựa lại, dẫn một đám gia quyến trà trộn vào bách tính, mất hơn nửa ngày mới qua được tai mắt của Tào quân.
Triệu Vân kể lại chuyện phu nhân Mi thị thủ tiết tự vẫn, hai tiểu thư bị bắt, Lưu Bị quặn lòng đau xót, Mi Chúc, Mi Phương nước mắt ròng ròng. May mà A Đẩu không sao cả, giữ được huyết mạch của Lưu Bị. Lúc này chúng nhân chưa thoát khỏi hiểm cảnh, còn vội đi tìm Quan Vũ, nào có tâm trí buồn mãi. Lại hơn nửa ngày nữa trôi qua, có năm sáu chiếc thuyền lớn nhỏ ghé vào bờ. Lưu Bị dẫn Gia Cát Lượng lên trước, chư tướng và gia quyến lần lượt theo sau, duy có Từ Thứ quỳ bên bờ không chịu lên thuyền.
— Nguyên Trực, ông... - Lưu Bị có dự cảm chẳng lành.
Quả nhiên, Từ Thứ đấm ngực thổn thức:
— Tại hạ nhận ơn tri ngộ của chúa công, muốn cùng ngài mưu nghiệp bá vương, lòng trung có trời chứng giám! Nhưng nay mẹ già không may bị bắt, trong lòng lo lắng, ruột gan rối bời, dù ở lại cũng chẳng giúp được việc gì. Xin chúa công nghĩ đến tấm lòng son của tại hạ mà cho về bắc hầu hạ mẹ già!
— Ây dà! - Lưu Bị ngửa mặt thở dài, không biết làm sao. Những năm qua Lưu Bị ở Kinh Châu cũng không thuận lợi, nếu nói có chút việc mừng thì chính là có được hai mưu sĩ Từ Thứ, Gia Cát Lượng. Nhưng thế sự vô thường, nay Từ Thứ lại muốn bỏ ông mà đi.
Nghĩa tử Lưu Phong rón rén bước lên, nói nhỏ vào tai Lưu Bị:
— Từ Nguyên Trực ở trong quân ta đã lâu, biết rõ phụ thân muốn mưu tính Kinh Châu. Nếu thả ông ta về bắc, thế nào cũng được Tào tặc trọng dụng, nguy cho quân ta lắm. Phụ thân cố giữ ông ta lại, Tào tặc thấy ông ta không đến, tất hại mẹ ông ta. Một khi Nguyên Trực biết mẹ mình đã chết, chắc chắn quyết tâm báo thù, một lòng đi theo...
Còn chưa nói hết, Lưu Phong chợt thấy mặt bỏng rát, hóa ra bị ăn một cái tát nảy đom đóm!
Lưu Bị giận dữ mắng:
— Mượn tay kẻ khác giết mẹ người ta mà dùng con là bất nhân; giữ người ta lại không cho đi mà cắt đạo làm người là bất nghĩa. Làm chuyện bất nhân bất nghĩa ấy, để cho người trong thiên hạ biết được, sao có thể làm nên nghiệp bá vương? Năm xưa, Tào Tháo đánh Từ Châu, Duyện Châu lọt vào tay bọn Lã Bố và Trương Mạc, biệt giá Tất Thẩm xin từ biệt vì lão mẫu bị phản quân bắt giữ, Tào Tháo ưng thuận không hề ngăn cản, nhân sĩ Duyện Châu đều khen hắn có đức. Bị ta đối nghịch với hắn, há lại thua kém đức hạnh của giặc? - Dứt lời chắp tay về phía dưới, - Tình mẫu tử vốn là tính trời, Nguyên Trực nổi tiếng là người có hiếu, sao có thể bỏ mặc lão phu nhân không lo? Ông cứ về bắc đi, chớ nghĩ đến ta nữa!
Từ Thứ nghe được lời này, nước mắt giàn giụa, liên tục khấu đầu:
— Tại hạ cả đời sẽ không quên đức của chúa công. Tôi lần này về bắc, nếu bị Tào Tháo giữ lại, tuyệt không tiết lộ chuyện của quân ta.
Lưu Bị nghe ông ta nói vậy, cũng được an ủi phần nào, đau lòng quay mặt đi chỗ khác, bảo:
— Nay hai ta mỗi người đi một đường, Nguyên Trực hãy tự bảo trọng. Ông cũng chớ đau buồn quá, mong ngày sau gặp lại... Lái thuyền!
Gia Cát Lượng càng lưu luyến không thôi, lầm rầm dặn dò:
— Nguyên Trực, nếu có cơ hội, huynh nhớ trở lại! - Gia Cát Lượng dù có thông minh nhưng lúc này cũng nói câu hàm hồ. Đó bất quá là lời ông ta tự an ủi chính mình, Từ Thứ đi chuyến này làm sao có thể trở lại?
Từ Thứ khóc không thành tiếng:
— Tại hạ cung tiễn chúa công...
Rồi lại bái phục bên bờ sông, hồi lâu vẫn không đứng dậy. Lưu Bị sợ nhìn thêm chốc lát sẽ thay đổi chủ ý, đành dằn lòng quay lưng lại phía bờ sông, không nói gì nữa.
Gia Cát Lượng lưu luyến nhìn người bằng hữu thân thiết, mãi đến khi chiếc thuyền ra xa dần, không còn nhìn được bóng Từ Thứ nữa mới trút ra một tiếng thở dài. Ông thở dài không chỉ vì nghĩ tới bằng hữu, mà nghĩ cho bản thân nhiều hơn. Từ khi rời khỏi mái nhà tranh, ông luôn đặt hết tâm tư vào việc mưu đoạt Kinh Châu, bởi vì chỉ có chiếm giữ Kinh Châu mới có thể lấy được Thục Trung, thực hiện sách lược đã vạch ra. Con đường thuận lợi nhất để tiến vào đất Thục là từ quận Phòng Lăng, ở phía tây Tương Dương, còn nếu đi ngược dòng Trường Giang phải vượt qua Tam Hiệp, đó là chuyện không tưởng(*). Vậy nên, Gia Cát Lượng chọn dựng nhà ở Long Trung, nằm giữa Tương Dương và Phòng Lăng, người ngoài nhìn vào nghĩ là ông ở ẩn, nhưng thực ra ông đã sớm tìm hiểu địa hình hiểm yếu của con đường này, muốn ở đây đợi một vị minh chủ có chí lớn để có thể thi triển hoài bão.
Nay, Gia Cát Lượng gặp được vị minh chủ như ý, song Kinh Châu lại mất, mà mất đi Tương Dương có nghĩa là sách lược tiến vào đất Thục của ông cũng sẽ sụp đổ, “Long Trung đối sách” thu về cả hai châu Kinh, Ích, đánh vào Trung Nguyên hoàn toàn tan vỡ... Gia Cát Lượng buồn bã hồi lâu, quay đầu nhìn Lưu Bị lúc này đang dựa vào mạn thuyền ngủ thiếp đi. Ông chợt cảm thấy nực cười: đang trên đường chạy trốn, sống hay chết còn chưa biết được, nào còn nghĩ đến chuyện vào Thục quốc? Chúa công liên tiếp gặp nạn, phu nhân thì chết, hai tiểu thư rơi vào tay địch, lại vừa trải qua nỗi buồn ly biệt mà còn bình tĩnh được, sao ta không nghĩ thoáng ra chứ? Xem ra, ta chỉ là một thư sinh quê mùa, mơ mộng hão huyền, cứ tưởng rằng mình cao thâm khó dò, kỳ thực muốn hòa nhập thói đời này, còn phải rèn luyện nhiều thêm nữa.
Gia Cát Lượng vẫn đang tư lự, ngẩng mặt nhìn lên thì thấy một chiếc thuyền lớn tiến lại, cánh buồm giương cao, lướt đi rất nhanh, mũi thuyền cắm tinh kỳ màu xanh, bên trên để chữ “Quan”. Người đến chính là Quan Vũ, ông ta bố trí đội thuyền rải rác khắp sông Hán Thủy, lại đều thuyền nhỏ đi lại thông báo, nhận được tin Lưu Bị đã đến Hán Tân, liền chạy tới hội họp. Không lâu sau, binh sĩ bắc xong tấm ván, đoàn người nối nhau chuyển lên thuyền lớn, coi như kết thúc cuộc chạy trốn kinh tâm động phách lần này.
Nhưng, trên thuyền của Quan Vũ còn có một vị khách không mời. Người này khoảng ngoài ba mươi tuổi, cử chỉ trang trọng, đó chính là Lỗ Túc, tự Tử Kính, tâm phúc của Tôn Quyền.
Lưu Bị ban nãy chợp mắt một lát nên lấy lại được tinh thần, tâm trạng cũng ổn định hơn. Ông thấy có người bái kiến mình, vội vàng sửa lại y sam. Lưu Bị xưa nay luôn để ý đến bề ngoài, nhưng hôm nay lại rất xuề xòa, bởi trên đường chạy trốn bụi đất đầy người, quần áo rách tả tơi, trên thuyền cũng không có y phục mới, chỉ kịp rửa mặt, chải lại tóc rồi ra gặp khách.
— Tại hạ tham kiến tướng quân.
Lỗ Túc thấy Lưu Bị bước lại, liền quỳ sụp xuống làm đại lễ bái yết. Lưu Bị không ngờ người này thực hiện đại lễ với mình, trong lòng thầm nghĩ: kẻ đến bái lễ tất có điều nhờ cậy, rốt cuộc hắn tới đây có ý gì? Ông mỉm cười bước vội lại, đưa hai tay đỡ lấy Lỗ Túc:
— Mời tiên sinh đứng lên. Ta từ lâu đã nghe đại danh của Ngô hầu, trong lòng ngưỡng mộ nhưng chưa được hội kiến, lần này tiên sinh đến không biết có gì chỉ giáo?
Lỗ Túc làm đáp lời:
— Chúa công nhà tại hạ nghe tin Lưu châu mục mới mất, nên đặc biệt phái tại hạ sang sông điếu tang.
— Đa tạ sứ quân đã quan tâm. Ta xin thay mặt các vị công tử cảm tạ Ngô hầu.
Lưu Bị nói vậy, nhưng suýt nữa đã bật cười thành tiếng: Tôn Kiên chết trong tay Lưu Biểu và Hoàng Tổ, hai nhà vì thế kết thù hơn mười năm, há lại có lễ thăm hỏi chuyện hiếu hỷ hay sao?
Có lẽ Lỗ Túc cũng cảm thấy cái cớ đó quá giả dối, khẽ hắng giọng, lảng sang chuyện khác:
— Tại hạ nghe nói Tào Tháo nam chinh, Lưu Tông đã quy hàng, chỉ có tướng quân uy vũ không chịu khuất phục, dẫn quân đơn độc chống lại, nhưng binh ít nên thua trận. Hiện nay Giang Hạ bị cô lập, khó có thể tự bảo toàn, không biết tướng quân có kế gì đối phó?
Lưu Bị thấy Lỗ Túc muốn hỏi dự tính sau này của mình, dần nhận ra ý định của ông ta, song cố ý che đậy, xoay người thở dài:
— Đa tạ tiên sinh đã nói đỡ cho ta, ta nào dám chống lại quân Tào, chẳng qua nhếch nhác bỏ chạy mà thôi. Kinh Châu đã mất quá nửa, mảnh đất Giang Hạ nhỏ bé không thể xoay chuyển cục thế. Ta và Thái thú Thương Ngô là Ngô Cự có giao tình khá thân thiết, nên tính qua đó nương nhờ.
Thương Ngô là một quận thuộc địa hạt của Giao Châu. Do Giao Châu ở xa, thực lực yếu kém, Lưu Biểu muốn xâm chiếm, vì vậy phái Ngô Cự tới Thương Ngô nhận chức Thái thú mà không thông qua triều đình.
Lần này đến lượt Lỗ Túc cười trộm: Lưu Bị đúng là giảo hoạt, muốn dùng lời này che mắt ta. Giao Châu ở mãi phía nam Kinh Châu, là nơi hẻo lánh, sao có thể chạy tới đó? Kể cả ông ta thật sự muốn chạy về phương nam, thì giờ cũng chẳng qua được Giang Lăng, làm sao đến được Thương Ngô? Nghĩ vậy, Lỗ Túc thử thăm dò:
— Thứ cho tại hạ nói thẳng, lời tướng quân nói chưa chắc là thật.
Lưu Bị đáp trả ngay lập tức:
— Ta nói không thật, lẽ nào lời của tiên sinh là thật? Tiên sinh thực sự tới điếu tang?
— Việc này... Tướng quân đã biết, đâu cần phải gặng hỏi?
Lỗ Túc không trả lời, còn hỏi ngược lại. Hai người đối mắt nhìn nhau hồi lâu, không ai nói gì, rồi bỗng cầm tay nhau cười.
— Ha ha ha!... - Lưu Bị ngửa mặt cười lớn, - Tào Tháo tuốt gươm giương nỏ, áp sát bờ cõi, thế mà chúng ta còn ở đây dò ý nhau, thật nực cười!
Lỗ Túc cũng không nhịn được cười:
— Tại hạ lần đầu diện kiến tướng quân, trong lúc nóng vội không biết là địch hay bạn, nên mới có ý thăm dò. Sớm biết tướng quân là người hào sảng, hà tất phải đi đường vòng.
— Nào, nào, nào! - Lưu Bị kéo Lỗ Túc ngồi xuống sàn, - Chúng ta hãy nói rõ ràng với nhau, Ngô hầu phái tiên sinh đến tìm ta để liên hợp sao?
— Đúng vậy. - Lỗ Túc cũng không vòng vo nữa, - Chúa công nhà tôi thông minh nhân ái, kính hiền đãi sĩ, anh hào Giang Biểu đều quy phục cả. Ngài ấy nắm giữ sáu quận, binh mạnh lương nhiều. Nay nghĩ cho ngài, chẳng bằng kết minh với chúa công nhà tôi, nối tình hòa hảo, cùng giúp đời lập nghiệp. Không biết ý tướng quân thế nào?
Lưu Bị cười nói:
— Tiên sinh trở về nói với Tôn Trọng Mưu, Bị ta sống ngày nào còn đấu với Tào Tháo ngày đó, tuyệt không thay đổi. Nếu ngài ấy chịu phát binh tương trợ, ta sẽ tận sức mà làm.
— Được! Tướng quân thật khảng khái! - Lỗ Túc mỉm cười, - Thực không dám giấu, chúa công nhà tôi hiện đang đợi ngài ở huyện Sài Tang, phía bên kia sông. Tướng quân đã đồng ý hợp sức, chớ ngại qua sông đàm đạo về thế lực của Tào quân, nhân tiện bàn kế sách dụng binh.
— Ngô hầu đã tới? - Lưu Bị chớp mắt suy nghĩ, lại đổi giọng, - Không phải ta không nguyện qua sông, mà vì công tử Lưu Kỳ còn đang ở Giang Hạ, Lưu Tông quay lưng với anh, quy hàng kẻ địch, nếu ta không mau chóng về Giang Hạ, e rằng công tử bất an lại đổi chủ ý. Mong tiên sinh thứ lỗi.
Trong lòng Lưu Bị có chút tính toán, ông vừa mới thoát nạn, lại đang dắt theo cả vợ con, nếu như qua sông, Tôn Quyền bỗng nảy ý nghĩ muốn giữ gia quyến của ông lại thì chẳng khác nào đầu quân cho Tôn Quyền, đâu còn là kết làm đồng minh.
Lỗ Túc biết ông nghĩ gì, cũng không muốn cưỡng cầu, chỉ nói:
— Nếu tướng quân không đi được, có thể phái một người tâm phúc theo tại hạ...
Lời còn chưa dứt, bên cạnh đã có người nói chen vào:
— Việc vô cùng cấp bách, thuộc hạ nguyện sang sông diện kiến Ngô hầu!
Người xin lệnh chính là Gia Cát Lượng. Thực ra, kể từ khi phò tá Lưu Bị, Gia Cát Lượng đã nghĩ đến việc làm sao kết minh với Giang Đông. Tào Tháo đã thống nhất phương bắc, thực lực hùng mạnh, lại mượn danh thiên tử để hiệu lệnh chư hầu, khó có thể giao tranh với ông ta được. Còn Tôn thị làm chủ mé đông nam đã ba đời, là thế lực duy nhất có khả năng đọ sức với Tào Tháo. Nếu như Lưu Bị muốn đứng vững ở Kinh Châu, chỉ có thể kết bạn, không thể kết thù với Tôn Quyền. Kinh Châu từ trước đến nay luôn đối đầu với Giang Đông, thế nhưng hai bên cũng có mối quan hệ như môi với răng. Một khi Tào Tháo chiếm được toàn bộ Kinh Châu, tất tiến đánh Giang Đông, đến khi đó môi hở răng lạnh. Vậy nên, lần này Tôn Quyền phái Lỗ Túc đến trước, rõ là muốn giúp Lưu Bị, nhưng kỳ thực cũng là bảo toàn cho chính mình. Hai nhà phải hợp sức tương trợ, chặn đứng Tào Tháo tại vùng Giang Hán mới có thể biến nguy thành an... Sau khi nghĩ rõ những đều này, Gia Cát Lượng dần nguôi nỗi buồn mất Kinh, Tương, xốc lại tinh thần, chủ động xin đi gặp Tôn Quyền.
Lưu Bị thấy Gia Cát Lượng nguyện ý đi, trong lòng mừng lắm - không ai thích hợp hơn ông ta, liền kéo ông ta lại định giới thiệu với Lỗ Túc. Nào ngờ, Lỗ Túc nhìn Gia Cát Lượng một lượt từ trên xuống dưới, rồi hỏi:
— Phải chăng các hạ chính là Gia Cát Khổng Minh, ẩn cư tại Long Trung?
— Làm sao tiên sinh biết danh tính của ta?
Lỗ Túc cười hớn hở:
— Ta là bằng hữu của Tử Du.
Chỉ một câu nói ngắn gọn ấy cũng giúp Gia Cát Lượng nắm chắc quá nửa: lần kết minh này tất thành công. Tử Du chính là Gia Cát Cẩn, huynh trưởng của ông ta. Lỗ Túc là tâm phúc của Tôn Quyền, lại là bạn của Gia Cát Cẩn, có người này tác động từ bên trong, lại thêm Gia Cát Lượng phân tích thiệt hơn, nói rõ thiện ý kết tình hòa hảo, việc này còn không thành hay sao?
Gia Cát Lượng nghe Lỗ Túc một lời nói rõ quan hệ, cũng không cần nói nhiều nữa, kéo tay ông ta bảo:
— Tiên sinh và gia huynh đã là chỗ bằng hữu, thì cũng là huynh trưởng của ta. Việc này không nên chậm trễ, chúng ta mau qua sông gặp Ngô hầu.
— Được! Được! - Lỗ Túc thấy Gia Cát Lượng lanh lẹ như vậy, trong lòng càng vui, - Nhưng các hạ chớ gọi ta là tiên sinh, cứ gọi thẳng là “Tử Kính” cho tiện.
Hai người họ mới nói hai ba câu đã bàn xong chuyện, bèn lên một chiếc thuyền nhỏ, từ biệt Lưu Bị, đi về phía huyện Sài Tang. Lưu Bị nghe bọn họ gọi nhau là “Tử Kính huynh”, “Khổng Minh hiền đệ” rất thân thiết, trong lòng cũng rất yên tâm. Ông đoán rằng Tôn Quyền sẽ phát cứu binh đến mà chẳng có trở ngại gì, nên thở phào nhẹ nhõm.
Có điều, ông chưa từng nghĩ, cũng chưa từng ngờ rằng, Gia Cát Lượng và Lỗ Túc không chỉ thúc đẩy lần dụng binh này, mà còn mở ra quan hệ đồng minh khi thì khăng khít, khi thì rạn nứt kéo dài suốt mấy chục năm giữa hai nhà Tôn, Lưu. Đó là chuyện may mắn, và có lẽ cũng là chuyện đáng tiếc trong đời Lưu Bị...
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 8 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 8 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 8