Books are the bees which carry the quickening pollen from one to another mind.

James Russell Lowell

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 38
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 104
ào Tháo xưng làm Thừa tướng
Tào công bái tướng
Tháng sáu năm Kiến An thứ mười ba (năm 208 sau Công nguyên) xảy ra một sự kiện trọng đại gây rúng động cả vương triều nhà Hán, thậm chí là vận mệnh của Tào Tháo. Tư đồ Triệu Ôn mới bị bãi miễn công khai dâng tấu xin phế truất Tam công, đồng thời tiến cử Tào Tháo nhận chức Thừa tướng.
Chuyện xảy ra khiến chúng nhân trong ngoài triều đều vô cùng sửng sốt. Nếu như có người lúc đầu còn ngờ vực việc Triệu Ôn trưng vời Tào Phi thì qua bản tấu thư kia, người ta đã nhìn rõ bộ mặt của vị lão thần bảy mươi tuổi, ông ta rõ ràng là một quân cờ của Tào Tháo. Một khi Tam công không còn, Thừa tướng sẽ một mình nắm giữ đại quyền, nói như người xưa là “phụng ý chỉ của thiên tử xử lý muôn việc”, sau này không chỉ Ký Châu mà các châu quận, huyện thành khác trong toàn thiên hạ đều thuộc quản hạt của Tào Tháo, văn võ bá quan thảy đều trở thành thuộc hạ của ông, mọi việc trong ngoài đều phải báo lên Thừa tướng. Và thế là, Tào Tháo nghiễm nhiên trở thành thiên tử chưa khoác long bào.
Nhìn chung, quần thần có ba thái độ về biến cố này: thứ nhất, đa số chỉ làm ngơ. Tào thị nắm quyền là sự thực diễn ra nhiều năm, phản đối cũng chẳng ích gì, còn chủ động hùa theo lại trái với đạo làm tôi của Hán thất. Trời mưa trời nắng vốn chẳng quản được, việc chẳng liên quan đến mình thì cứ bỏ ngoài tai. Thứ hai, những quan viên, duyện thuộc được đề bạt từ khi Tào Tháo lên nắm chính sự như bọn Đổng Chiêu, Trần Quần trong triều đều ca ngợi kiến nghị của Triệu Ôn. Họ nói rằng Triệu đại nhân là bậc “lão thành mưu quốc, trung nghĩa đáng kính”, Tào công nên sớm tiếp nhận chức Thừa tướng để thuận lòng người trong thiên hạ. Còn duyện thuộc trong Tào phủ càng tích cực ủng hộ việc này, chưa nói tiền đồ khả quan, phủ Tư không tấn thăng làm phủ Thừa tướng, bổng lộc của duyện thuộc cũng được tăng từ ba trăm thạch lên sáu trăm thạch, bọn họ được lợi há lại không tán thành. Tuy vậy, cũng có người kiên trì giữ thái độ phản đối, nhóm này không nhiều, nhưng đều là những cựu thần từng hộ giá thiên tử từ Trường An về đông. Bọn họ một lòng lo lắng cho xã tắc nhà Hán, song ngoài Khổng Dung “to mồm” ra, cũng chẳng ai dám lên tiếng, cùng lắm chỉ lầm rầm dị nghị sau lưng. Xã tắc đại Hán cố nhiên quan trọng, nhưng đầu của họ cũng quan trọng không kém, kẻ nào lại không sợ lưỡi đao trong tay Tào Tháo cơ chứ?
Thực ra, khổ nhất là các quan lo việc lễ chế như Thái thường tự. Nhà Hán đã bỏ chức Thừa tướng hơn hai trăm năm, giờ đột nhiên dựng lại chế độ cũ, nào ai biết nghi thức bái tướng cử hành ra sao? Họ phải tra cứu điển sách, còn phải chọn ngọc thạch làm ấn, mất cả mấy ngày vẫn không tìm dược chỗ nào nói về nghi lễ khi Cao Tổ nhận mệnh Tiêu Hà làm Thừa tướng. May sao Tào Tháo không làm khó bọn họ, sau ba lần dâng thư từ chối với lời lẽ bóng bẩy, ông mới tỏ rõ thái độ: thiên hạ chưa an định, không cần để ý những lễ nghi rườm rà, chỉ cần trao thẳng ấn Thừa tướng cho ta là được!
Thừa tướng không tiếp nhận sắc phong của thiên tử trên đại điện, lại bắt triều đình phải mang ấn tín đến tận phủ đệ mà trao, rốt cuộc ai mới là vua, ai là bề tôi đây? Tào Tháo cố ý bày ra việc này để cho cả thiên hạ biết được sự tôn quý của ông. Bởi vậy, mới có một màn bái tướng khôi hài. Hoàng đế Lưu Hiệp đích thân viết chiếu thư, liệt kê công trạng của Tào Tháo, sai quan Thái thường Từ Cầu đem chiếu thư, ấn tướng và phù tiết tới phủ Tư không, đồng thời lệnh cho trăm quan trong triều mặc cát phục đi cùng. Người biết thì nói Tào Tháo lập kế từ trước, kẻ không biết lại tưởng ông không muốn nhận chức, thiên tử và các quan còn cố cưỡng ép.
Trong cung tất bật chuẩn bị, Từ Cầu quỳ xuống nhận chiếu thư, phù tiết. Kỳ thực, từ hoàng cung đến Tào phủ chỉ vài bước chân, nhưng xét theo lễ chế lại có những yêu cầu vô cùng phức tạp. Đầu tiên, Từ Cầu phải ngồi xe lớn tượng trưng cho sứ giả của thiên tử, xe ấy bốn ngựa kéo, bánh xe sơn đỏ, mui xe màu trắng, rèm che màu đỏ; hai bên tả hữu có công tào xa, tặc tào xa, phủ xa, đốc xa hộ vệ, mỗi loại hai cỗ, theo sau là bốn cỗ xe chở các vị quan cao như cửu khanh, thị trung, đại phu hạng nhất. Trong đoàn đi đầu còn có bốn mươi người cưỡi trâu, hai mươi người cầm cung nỏ, do lang quan chỉ huy hàng ngũ uy nghiêm. Một đoàn xe dài, lại thêm quan viên đi theo, phía trước đã tới cửa Tào phủ mà phía sau mới chỉ bước ra khỏi hoàng cung. Sĩ nông công thương trong ngoài thành có ai không muốn xem cảnh náo nhiệt trên phố? Bách tính lục tục đổ ra hai bên đường nhìn ngó, Tào Tháo coi như đủ hãnh diện.
Bên phía Tào phủ cũng chuẩn bị đâu vào đấy. Tấm biển “Tư không phủ” đã được gỡ xuống, chỉ chờ treo biển mới đề chữ “Thừa tướng phủ”. Vương Tất dẫn một đội võ sĩ kim giáp phong tỏa con phố, duyện thuộc mặc áo đen mới tinh, chen chúc xếp hàng bên ngoài cửa phủ. Theo quy chế, duyện thuộc của Tư không nhiều nhất là bảy mươi mấy người, nhưng Thừa tướng được phép trưng vời đến hơn ba trăm tám mươi thuộc liêu, cho nên hàng ngũ này ngày sau sẽ còn đông hơn nữa. Xe của sứ giả tới nơi, duyện thuộc đồng loạt quỳ xuống hô vạn tuế, tiếng hô lớn đến nỗi làm rung chuyển cả mái ngói của những ngôi nhà kiên cố trên phố, trăm quan cũng phải vái lạy đáp lễ. Một bên là thuộc lại thấp kém, còn một bên là triều thần cao quý, nhưng bên nào nắm thực quyền, bên nào chỉ có hư danh, trong lòng mỗi người tự hiểu. Thi lễ xong, chúng nhân lui lại phía sau, chừa ra một lối nhỏ, Từ Cầu được yết giả dìu xuống xe, hai tay nâng cao chiếu thư bước thẳng vào cửa phủ, các quan đại thần từ Thượng thư trở lên theo sát phía sau. Họ đi qua chỗ nào, gia tướng, nô bộc ở đó lũ lượt bái lạy, sứ giả cầm phù tiết khác gì thiên tử giá lâm.
Từ Cầu năm nay đã là một ông lão bảy mươi, ông ta từng bị Viên Thuật giam lỏng nhiều năm nhưng luôn giữ trọn tiết tháo, về sau nhân lúc Viên Thuật bệnh chết mà lấy trộm ngọc tỷ truyền quốc mang về triều, nên được phong làm Thái thường. Đại sự của quốc gia chỉ có tế tự và binh nhung, Thái thường đứng đầu cửu khanh, không có Tam công, ông chính là vị quan lớn nhất dưới Tào Tháo. Từ Cầu tinh thần sáng suốt, bước chân đĩnh đạc, vẻ mặt nghiêm trang, hai mắt nhìn thẳng nhưng trong lòng lại đầy căm hận - hai mươi bốn năm trước, khi xảy ra cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng, ông theo Chu Tuấn trấn áp nghĩa quân, cùng hành sự với Tào Tháo. Khi đó, ông chỉ thấy Tào Tháo có chút tài dụng binh, đâu ngờ tiểu tử tóc còn để chỏm ngày ấy giờ là một Thừa tướng quyền nghiêng thiên hạ, còn ông lại làm sứ giả tới trao ấn cho người ta. Đúng là thế sự khó lường! Ông chôn chặt tâm sự, chầm chậm bước lên đại đường, sập ngồi đã được dời đi, hương án đã bày xong nhưng người sắp thụ phong là Tào Tháo lại chẳng thấy đâu. Không lẽ vị đại Thừa tướng “từ chối ba lần rồi mới chịu nhận” còn định giở trò gì nữa hay sao?
Từ Cầu không hề biết rằng, lúc này Tào Tháo đang sốt ruột đi đi lại lại ở hậu đường vì một chuyện phiền lòng. Trước khi trở lại Hứa Đô, ông bố trí bảy cánh quân của Vu Cấm, Trương Liêu, Trương Cáp, Chu Linh, Lý Điển, Lộ Chiêu, Phùng Giai đồn trú gần Dĩnh Xuyên, kể từ đó bảy con hổ này không ngày nào chịu yên. Bọn họ người nào cũng cậy có chiến công hiển hách, nên khi không có Tào Tháo ở cạnh cai quản, chẳng ai phục ai. Hôm nay họ cãi cọ vì chuyện chia lương thực, ngày mai lại xô xát vì chuyện chia quân nhu, sau đó còn gửi thư kể lể với Tào Tháo, toàn những chuyện lông gà tép tỏi, ai cũng lấy lý về mình. Tào Tháo còn phải nhờ bọn họ dốc sức đánh giặc, chỉ có thể mắt nhắm mắt mở cho qua, chẳng buồn phân xử. Ông chỉ nghĩ họ xảy ra mâu thuẫn nhỏ cũng không sao, nào ngờ sáng nay quân báo gửi tới nói, Trung lang tướng Trình Ngang dưới trướng Chu Linh kích động binh sĩ tạo phản!
— Chu Văn Bác làm sao thế? - Tào Tháo hầm hầm nói, - Ta đã dặn đi dặn lại, binh sĩ Hà Bắc mới quy hàng, phải khoan hòa với bọn họ. Sao hắn dám bỏ ngoài tai những lời ta nói? Còn chưa đánh Kinh Châu mà đã làm trò cười cho người ta xem! Đám tướng đó cậy có công, chẳng còn coi kỷ cương ra gì, lão phu không xử tội Chu Linh làm gương thì không thể dạy bảo bọn họ đến nơi được!
Tuy rằng Chu Linh đã chém đầu Trình Ngang và tức tốc gửi thư thỉnh tội, song việc này vẫn gây ảnh hưởng xấu, một số binh sĩ Hà Bắc bất mãn với cách đối đãi của tướng lĩnh đã trốn về nhà. Vu Cấm vốn không ưa Chu Linh, lại mách lẻo với Tào Tháo, nào là ông ta phóng túng kiêu ngạo, đánh đòn binh lính, nhục mạ bộ hạ, tranh giành lương thảo, khác gì đổ thêm dầu vào lửa.
Trưởng sử Tiết Đễ nhằng nhẵng theo sau Tào Tháo, vừa dạo bước vừa khuyên giải:
— Chu Linh đã nhận sai, Vu Cấm cũng có thêm thắt, tổn thất lại không lớn...
— Đau có thể nhịn, chứ làm sao nhịn ngứa! - Tào Tháo không tức giận vì chút tổn thất đó, việc này xảy đến giữa lúc ông chuẩn bị nhận chức Thừa tướng, chẳng phải là bôi tro trát trấu lên mặt ư?
Chủ bạ Ôn Khôi lại rất bình tĩnh:
— Chính vì sự việc xảy ra vào lúc quan trọng, chúa công càng phải khiến chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không, giờ mà xử tội tướng lĩnh, chẳng càng khiến người ta chế giễu sao? Từ Thái thường còn đang đợi bên ngoài, ngài không nên chậm trễ.
— Ây dà! Đành nhịn vậy. - Tào Tháo dừng bước, lại có cảm giác hơi đau đầu, làu bàu bảo, - Ngày lành mà chẳng có chuyện gì khiến ta hài lòng. Lão Hoa Đà đang làm gì không biết, thuốc uống lúc hiệu nghiệm lúc không, hễ dừng châm cứu là lại đau. Lẽ nào hắn muốn để lại mầm bệnh để uy hiếp lão phu? - Ông trút ra mấy câu bực bội, lại trở về chuyện chính, - Ta không truy cứu nữa, trước hết cứ bảo Nhạc Tiến, Trương Liêu chia quân cho Chu Linh. Giờ hồi âm cho hắn, ta đọc các ngươi viết.
Ký thất Trần Lâm cầm quyển trúc đợi sẵn bên cạnh, thấy ông nguôi giận, vội chép lại:
Quân ngũ là nơi nguy hiểm, vì bên ngoài phải đối phó với địch quốc, bên trong phải đề phòng kẻ gian gây biến khó lường. Xưa, Đặng Vũ trên đường dẫn binh mã của Quang Vũ Đế về tây, gặp hoạ Tông Hâm, Phùng Âm, sau cùng chỉ đem được hai mươi bốn quân kỵ đến Lạc Dương. Thế nhưng, uy vọng của Đặng Vũ há vì thế mà giảm bớt? Nay tướng quân đã gửi thư tới, lời lẽ thành khẩn, tự trách về lỗi lầm của mình, có điều sự thực chưa hẳn đã nghiêm trọng như lời ngươi nói.
Trong lòng Trần Lâm hiểu rõ: Tào Tháo không trách tội Chu Linh, còn đem ông ta ra so với danh tướng Đặng Vũ(*). Tuy nhiên, đó chỉ là những lời hoa mỹ, đoạn cuối ông nói “tướng quân đã gửi thư tới, lời lẽ thành khẩn, tự trách về lỗi lầm của mình, có điều sự thực chưa hẳn nghiêm trọng như lời ngươi nói”, hẳn là đã nghi kỵ Chu Linh. Nếu như Chu Linh hiểu chuyện, sau này nên làm kẻ cúp đuôi.
Hiệu sự Triệu Đạt liếc nhìn công văn với ý đồ khác, thờ ơ nói:
— Trong quân xuất hiện kẻ gian là do việc giám sát không đến nơi đến chốn. Dù cho chúa công không trách tội Chu Linh, thì cũng nên truy cứu tội của Thích gian lệnh sử.
Kỳ thực, lời này chẳng có chút lý lẽ nào cả, Thích gian lệnh sử vốn không nhận chức trong đội quân của Chu Linh, không nắm rõ tình hình, có thể tha thứ được. Nhưng người đảm nhận chức đó lại là Cao Nhu, Tào Tháo dùng ông ta vì muốn trút mối hận năm xưa, Triệu Đạt càng được thể bới móc.
Tào Tháo đang không có chỗ trút giận, liền bảo:
— Ngươi nói chí lý! Phạt Cao Nhu một năm bổng lộc để răn đe. - Ông phạt bổng lộc, không cách chức là muốn giữ Cao Nhu lại tiếp tục giày vò như mèo vờn chuột.
Ôn Khôi cảm thấy làm vậy rất không công bằng, nhưng không có kế gì, chỉ nói:
— Xử trí người nào đều không quan trọng, lúc này cần phải phái người đi hòa giải các tướng. Vu Cấm, Chu Linh đều là kẻ hay tranh giành, nếu không có người hài hòa khuyên nhủ, e rằng về sau những chuyện thế này vẫn còn tái diễn.
— Có lý... Phái ai đi thì thích hợp?
Tào Tháo xoa trán suy nghĩ. Ôn Khôi đã chọn được người, song không nói toạc ra:
— Theo ý tại hạ, nên chọn một người lù đù, tốt tính.
— Lù đù tốt tính. - Hai mắt Tào Tháo chợt sáng lên, - Lập tức điều Triệu Nghiễm nhận chức Tổng hộ quân của bảy bộ quân!
Triệu Nghiễm nổi tiếng tốt tính, ông ta đã sống hơn bốn mươi năm mà chưa từng giận đỏ mặt, một mình ông ta làm Tổng hộ quân của bảy bộ quân, dù đám võ nhân kia có nóng nảy hơn nữa cũng chẳng làm khó được.
Dù sao chuyện này đã được giải quyết, chúng nhân cuống quýt giúp Tào Tháo sửa sang mũ áo. Đúng lúc ấy lại thấy Tào Phi, Tào Thực hớt hải chạy đến. Tào Tháo đang đeo đai ngọc, bảo:
— Các ngươi tới đây làm gì? Sứ giả đã đến, còn không vào quỳ trong sân?
Tào Phi nhễ nhại mồ hôi:
— Xung nhi, Bưu nhi, Lâm nhi không biết chạy đi đằng nào, phụ thân có nhìn thấy các đệ ấy không?
Phụ thân nhận phong quan, các công tử cũng phải ăn vận trang trọng, quỳ dưới sân cảm tạ thánh ân, cho nên bọn họ đã sớm thay y phục mới, nhưng lúc này chẳng tìm thấy người đâu.
— Ây dà! Ta nào gặp bọn chúng. - Tào Tháo cuống lên giậm chân, - Mấy tên tiểu tử này lại chạy đi đâu chơi rồi? Còn không mau đi tìm! Ngây ra đó làm gì, đi tìm hết cho ta!
Tào Tháo gầm lên, phía sau lập tức náo loạn. Phủ Tư không khá rộng, nhà liền nhà sân liền sân, bọn Tào Phi, Trần Lâm, Tiết Đễ dẫn cả phu nhân cùng với nô bộc, nha hoàn chạy ngược chạy xuôi tìm các vị tiểu công tử, chẳng kể chỗ nào.
Theo lý mà nói, mấy đứa trẻ tóc còn để chỏm có tham dự lễ nhận sắc phong hay không cũng không bị trách tội, nhưng Tào Tháo lại tỏ ra rất nghiêm túc. Tào Lâm do người thiếp tái giá là Đỗ thị sinh ra, còn mẫu thân Tôn thị của Tào Bưu chẳng qua là một thị nữ tầm thường trong phủ, hai đứa trẻ đó không quan trọng. Người ông thực sự quan tâm là Tào Xung, con của Hoàn thị. Tào Tháo đã ngẩm định Tào Xung là người kế vị, dù cho ông làm thiên tử hay quyền thần, thì sau khi ông chết thảy đều truyền lại cho người con này. Vậy nên, vào ngày vẻ vang như hôm nay, ông nhất định phải cho cậu bé trình diện trước mặt đại thần trong triều. Mấy ngày trước, Tào Tháo còn đặc biệt “sang quán”(*) cho cậu ta, đặt tên chữ là Thương Thư.
Tào Tháo đi từ trong nhà ra sân, trong lòng sốt ruột, chợt nghe gần đó có tiếng gia đinh gọi to:
— Tiểu tổ tông của tôi ơi, sao lại chạy ra đây! Tiểu nhân tìm được rồi!
Ông vội chạy lại xem: đó là một cái sân phía cổng trong, có mấy gian nhà thấp và bếp lò, là nơi người nhà bếp chuẩn bị rượu thịt. Ai nghĩ được quý công tử lại chạy tới đây chơi? Lúc này, Hoa Đà đang cùng đệ tử Lý Đương Chi sắc thuốc bên bếp, hai đệ tử mà ông ta mới thu nhận là Ngô Phổ, Phàn A cũng ở ngay cạnh, nhưng không hiểu bọn họ làm gì mà vặn vẹo người một cách kỳ quái.
Ngô Phổ đứng trụ một chân trên đất, hai tay dang rộng, múa lên múa xuống như chim; còn Phàn A lại rụt tay, thu vai, gãi đầu gãi tai như khỉ. Tào Tháo tiến lại gần, liền nổi giận. Ba tiểu công tử Tào Xung, Tào Bưu, Tào Lâm đang phục dưới đất, bắt chước những động tác ấy, y phục mới thay dính đầy đất.
— Các ngươi làm gì thế hả!
Tào Tháo gằn giọng quát. Ngô Phổ vội quỳ xuống thưa:
— Khải bẩm Tư... Thừa tướng, đây là bài tập “ngũ cầm hí” do sư phụ tại hạ soạn dựa theo thuật dẫn khí của cổ nhân, luyện cái này giúp nâng cao sức khỏe.
— Vớ vẩn! - Tào Tháo kéo giật Tào Xung vào trong lòng, - Ngươi coi mình là hạng người giống bọn chúng hả? Đường đường là con của bậc công hầu sao có thể học mấy động tác của cầm thú!
Hoa Đà khẩn khoản nhận tội:
— Lão hủ không dám tự ý dạy các công tử, là các công tử nhìn thấy hay nên mới...
Không đợi ông ta nói hết, Tào Tháo lạnh lùng cắt ngang:
— Hoa tiên sinh, lão phu đã đủ khách khí với ông, đến nay ông vẫn chưa chữa được tận gốc bệnh của lão phu, mà ta không trách tội. Từ nay về sau, đệ tử của ông không được phép ở lại trong phủ, phải dọn đi hết cho ta! Đây là phủ Thừa tướng, không phải ngoài đường ngoài chợ!
Tào Xung thấy phụ thân nổi giận, bỗng chỉ tay về cái ấm sắc thuốc:
— Phụ thân mau nhìn ấm thuốc kia, nước ở trên lửa ở dưới, hôm trước nhi tử vừa học được một câu thế này trong Kinh dịch, Khảm trên Ly dưới gọi là quẻ “Thủy hỏa Ký tế”, “Ký tế” không phải có ý viên mãn sao ạ? Hôm nay phụ thân được phong làm Thừa tướng, chúng ta đều vui vẻ hoan hỷ, là đại cát đấy!
Đó bất quá là một câu khuyên giải, thế nhưng đệ tử Phàn A là người thẳng tính, không nhịn được miệng, lại nói:
— Tiểu công tử giải nghĩa không đúng rồi, lời quẻ “Thủy hỏa Ký tế” nói, “Hanh tiểu, lợi trinh. Sơ cát chung loạn”(*) ví với việc trăng tròn thì khuyết, nước đầy thì tràn, tên quẻ tuy hay, nhưng không lành... - Nói một hồi mới nhận ra mình lỡ lời, vội ngậm miệng lại.
Chuyện của Chu Linh đã khiến Tào Tháo bực mình, thế mà vào ngày vui lại nói là không lành, chẳng phải chọc tức ông sao! May mà Ôn Khôi nhanh trí, ôm lấy Tào Lâm:
— Tiểu công tử ơi, nhanh lên nào! Bá quan văn võ toàn triều đang đợi bên ngoài kìa! Đến chậm cả canh giờ quần thần sẽ bàn tán ra sao?
Ông ta nói với các vị tiểu công tử, nhưng lại ngầm nhắc người khác. Tào Tháo biết Ôn Khôi có ý giục mình, đành nén cơn giận, nghiến răng trừng mắt nhìn Phàn A:
— Các ngươi cút ngay! Sau này không được tới quấy nhiễu nữa, bằng không ta giết hết! Hoa tiên sinh, ông cũng hãy tự lo liệu đi. - Dứt lời phẩy tay áo, dẫn nhi tử bỏ đi.
Khi Tào Tháo trịnh trọng xuất hiện ở đại đường, Từ Cầu đã sắp không đợi được nữa. Sứ giả phụng lệnh thiên tử tuyên chiếu nào đã từng gặp người tiếp chiếu nào bắt mình đợi lâu như thế, chẳng thể đặt mông, cũng chẳng thể bỏ chiếu thư xuống được. Không đặt sứ giả vào trong mắt, còn coi thiên tử ra gì? Từ Cầu vẫn còn may hơn hai yết giả phía sau ông ta, một người tay cầm phù tiết, còn một người tay bưng ấn tướng, hai món đồ đó đều không nhẹ, bọn họ bưng lâu, hai tay run run, trong lòng thầm “hỏi thăm” hết lượt tám đời tổ tông nhà họ Tào.
Các công tử Tào gia lặng lẽ len vào quỳ dưới hè, Tào Xung và Tào Phi đứng đầu hai hàng tả hữu. Từ Cầu mở chiếu thư, tuyên đọc trước mặt chúng nhân, Tào Tháo làm đại lễ ba quỳ chín dập đầu. Nhưng vào khoảnh khắc nhận ấn tướng, ông lại từ chối:
— Tào mỗ tài sơ đức bạc, không gánh nổi trọng trách. Từ công là lão thần ba triều, chức Thừa tướng này vẫn nên do ngài đảm đương.
Từ Cầu giật mình, thấy ông đến lúc này rồi vẫn còn làm bộ làm tịch, vội lùi lại mấy bước, vái một vái dài sát đất:
— Tào công công lao hiển hách, lão hủ khó mà sánh bằng. Mong Tào công lấy thiên hạ làm trọng mà gánh trọng trách.
— Mong Tào công lấy thiên hạ làm trọng mà gánh trọng trách!
Quần thần dưới đại đường cùng hô theo.
— Ây dà! - Tào Tháo ra vẻ thở dài, - Nếu thiên hạ đã không còn ai, ta đành miễn cưỡng nhận chức Thừa tướng vậy.
Tào Tháo “khiêm nhường” mãi rồi cũng chịu ngồi vào ngôi Thừa tướng mà mình mưu tính đã lâu, lúc năm mươi tư tuổi. Từ Cầu ban nãy còn là sứ giả, lúc này cũng lui xuống dưới, dẫn đầu trăm quan thực hiện đại lễ tam bái, tất cả chúng nhân thần phục dưới chân Tào Tháo. Ông nói mấy câu khách khí, mời quan viên buổi tối lại phủ dự tiệc, rồi quay vào hậu đường, cởi bỏ lễ phục, tiếp đến vạch định kế sách Nam chinh...
Kẻ sang làm cao
Yến tiệc tối hôm đó vô cùng náo nhiệt, những nhân vật quan trọng trong triều hiếm khi tề tựu, ngay cả những người bình thường ít ra khỏi cửa cũng có mặt, còn đông hơn người triều hội. Ngày đầu tiên Tào Tháo nhận chức Thừa tướng, ai dám không nể mặt? Nhưng có chuyện bất ngờ là Tào Tháo ban một lệnh bổ nhiệm ngay tại buổi tiệc - Quang lộc huân Hy Lự được tấn thăng làm Ngự sử đại phu.
Tào Tháo bãi bỏ Tam công, tự nhận chức Thừa tướng, một mình nắm hết đại quyền, ai ngờ ông còn “ra ý chỉ” đặt chức Ngự sử đại phu. Trên danh nghĩa, chức quan này là Phó thừa tướng, nhưng mọi người thừa biết, Ngự sử đại phu có chức mà không có quyền, việc này chỉ nhằm che mắt thiên hạ. Hy Lự kinh ngạc, cứ ngồi ngây ra, Tào Tháo không phân bua, kéo thẳng ông ta đến bàn chủ tọa, cùng nhận sự chúc mừng của bách quan. So với nghi thức phong Thừa tướng tổ chức rầm rộ, thì việc Hy Lự nhận chức quá ư bôi bác.
Tào Tháo cầm chén rượu lên, nhìn hết lượt chúng nhân, phát hiện ra yến tiệc thiêu mất mấy người quan trọng:
— Phục Quốc trượng và Triệu lão Tư đồ sao không tới?
Hoa Hâm ngồi ở đầu mé đông, vội nói:
— Phục Quốc trượng bệnh nặng, không nhúc nhích được. Còn Triệu Tư đồ đã là dân thường, nên ngại đến.
Quốc trượng Phục Hoàn thấy nhà Hán sắp sụp đổ, con gái là Phục hậu lại thường xuyên gửi thư than vãn, nên lo lắng quá mà đổ bệnh liệt giường, giờ chỉ hơn người chết ở chỗ còn thở được. Triệu Ôn thì giúp Tào Tháo làm quá nhiều việc, nên giờ chẳng còn mặt mũi nào gặp người khác.
Tào Tháo tiếp tục dò xét, lại thấy thiếu Tuân Úc:
— Còn Lệnh quân thì sao?
Hoa Hầm cười ngượng:
— Thật không may, Tuân Thường Bá mới mất hai hôm trước, Lệnh quân ở bên đó lo liệu tang sự. Khổng Tử nói “Khốc, tắc bất ca”(*), Lệnh quân sợ mọi người bị ảnh hưởng nên không tới.
Thị trung Tuân Duyệt là tộc thúc của Tuân Úc, vừa mới qua đời, ông viện cớ đó không tham gia yến hội.
Tào Tháo có vẻ không vui, nhưng không trách cứ gì cả, chỉ nói:
— Vậy mà lão phu không biết, hôm khác ta sẽ đi viếng tang.
Lời này còn chưa dứt, chợt có một tràng cười ha hả chói tai - thì ra là Khổng Dung. Người nên đến thì không đến, còn không nên đến lại vác mặt tới. Từ ngày lệnh cấm rượu được hủy bỏ, Khổng Dung càng không kiêng dè gì cả, suốt ngày tụ tập uống rượu với Thái y lệnh Chi Tập, Nghị lang Tạ Cai ở trong phủ. Lúc Khổng Dung tới đã ngà ngà say, hẳn là trước đó đã uống một chầu rượu.
Tào Tháo lừ mắt nhìn ông ta:
— Văn Cử huynh, mấy năm không gặp, huynh vẫn được bình an chứ?
— Thừa tướng đâu cần phải hỏi thăm, - Khổng Dung cười khà khà, - Ta có khỏe hay không, bọn Triệu Đạt không nói lại cho ngài à!
Chúng nhân có mặt trong buổi tiệc đều giật mình, bọn Hoa Hâm, Trần Quần vội hoà giải:
— Nói đùa, nói đùa. Văn Cử huynh thật khôi hài!
Tào Tháo lại cười nhạt:
— Văn Cử huynh có gì bất mãn chăng?
Khổng Dung lắc lắc chén rượu trong tay, nói:
— Khách ngồi kín chỗ, rượu rót đầy chén. Tôi còn có chỗ nào không hài lòng chứ?
Đúng vậy, đến thiên tử cũng sắp mang họ Tào, ông ta muốn quản cũng không quản được, ngoài uống rượu ra thì còn làm được gì? Tào Tháo cố ý làm khó ông ta:
— Hôm nay quần hiền tới đông đủ, sao Văn Cử huynh không ngâm một bài trợ hứng cho chư vị?
— Ngài muốn ta ngâm thơ họa phú?
Ánh mắt Khổng Dung lộ ra vài phần oán hận, nhưng vẫn tươi cười bảo:
— Được! Ta ngâm một bài phú cho ngài nghe! - Quần thần đều cảm thấy căng thẳng, không biết ông ta sẽ lại nói lời gì không nên nữa. Ông ta bỏ chén rượu xuống, đứng ra giữa sân, đung đưa ống tay áo, hát rằng:
Tháng sáu nay không yên rộn rịp,
Binh xa bay liên tiếp nghiêm trang.
Mạnh thay bốn ngựa sắp hàng!
Ba quân đều mặc đàng hoàng nhung y.
Quân rợ Địch kia thì đông khắp,
Lòng ta thời khẩn cấp tiến binh.
Vua sai ta gấp xuất chinh,
Bảo toàn cương giới, an bình nước vua.
Bốn ngựa ô chọn theo sức lực,
Tập luyện theo phép tắc tính rồi.
Chỉ trong tháng sáu hiện thời,
Quân trang ta đã xong xuôi may thành.
Nhưng y đã rành rành may sắm,
Tiến quân ba mươi dặm thì đình.
Đấy theo vua dạy xuất chinh,
Giúp vua dẹp giặc an bình biên cương.
Thân to dài bốn con ngựa đực,
Lớn to thay rất mực hiên ngang!
Hãy đi đánh rợ bắc phương,
Dâng lên thiên tử phi thường chiến công...(*)
Nỗi lo trong lòng chúng nhân dần lắng xuống, Khổng Dung không tự làm thơ, mà chỉ ngâm bài Lục nguyệt trong Kinh thi. Bài thơ ca ngợi danh thần Doãn Cát Phủ phò tá Chu Tuyên Vương chinh phạt Tây Nhung, phù hợp để mượn lời này khen ngợi chiến công hiển hách của Thừa tướng đương triều. Thế nhưng, cũng có một số quan lại học vấn uyên bác hiểu theo ý khác, Doãn Cát Phủ là danh thần nhà Chu, nhưng cuối cùng lại bị hôn quân Chu U Vương giết hại. Ông ta lấy một người chết không lành so với Tào Tháo, chẳng phải có ý nguyền rủa hay sao? Bọn Hy Lự, Vương Lãng đoán ra ẩn ý, nhưng thấy Tào Tháo vẫn vui vẻ gật gù, nên cứ nghĩ rằng ông không nhận ra. Kỳ thực, bọn họ đã lầm, trước kia Tào Tháo nhờ tinh thông cổ học mới được mời làm Nghị lang, sớm đã thuộc làu Kinh thi trong bụng, há lại không nhận ra ẩn ý bên trong? Tào Tháo đúng là có cười, nhưng không phải cười vì bài thơ hay, mà cười vì Khổng Dung sắp chết đến nơi vẫn không hay biết gì.
Khổng Dung ngâm xong bài Lục nguyệt, văn võ bá quan vỗ tay rào rào tán thưởng. Ngự sử đại phu Hy Lự cầm chén rượu lên nói:
— Cung chúc Tào công...
— Chớ kính rượu ta, - Tào Tháo thuận thế kéo cổ tay ông ta, - Nay ta và ông được thiên tử giao phó trọng trách, sau này còn phải trông cậy nhiều vào văn võ toàn triều. Nào, nào, hai ta hãy xuống dưới kính rượu mọi người!
— Đúng, đúng vậy.
Hy Lự vội đứng dậy, theo sát phía sau Tào Tháo. Khổng Dung vẫn đứng ở giữa sân, trông thấy Tào Tháo và Hy Lự bước đến phía mình, liền xoay người lấy chén rượu, nhưng lúc quay mặt lại Tào Tháo đã đi lướt qua, chẳng thèm để ý đến ông ta. Khổng Dung không giận mà còn lấy làm vui, bởi ông ta đoán là Tào Tháo đã hiểu ra ngụ ý châm biếm ban nãy, nên cười ha hả, tự nốc cạn chén rượu.
Dựa theo chức quan lớn nhỏ, phải mời liệt khanh trước, bọn Từ Cầu, Đinh Xung, Vương Ấp lũ lượt đứng lên đáp lễ. Tào Tháo thấy Đinh Xung uống đến mặt đỏ phừng phừng, bảo:
— Đinh huynh đúng là sâu rượu. Ta nghe nói mấy hôm trước huynh uống say, xách đao chạy khắp sân, la hét đòi giết người, có chuyện đó sao?
Đinh Xung say rượu là chuyện thường, nhưng hiếm khi uống say rồi làm càn. Hiện trong lòng ông ta có tâm sự: Đinh gia dù sao cũng là dòng dõi Tam công nhà Hán, Đinh Xung còn là công thần hộ giá thiên tử về đông. Năm xưa ông ta theo Tào Tháo xây dựng Hứa Đô, vốn tưởng rằng đại Hán có hy vọng phục hưng, nào ngờ dã tâm của Tào Tháo lại ngày một lớn. Hơn nữa, Tào Tháo bỏ phu nhân Đinh thị, khiến quan hệ giữa hai nhà Đinh, Tào cũng có khoảng cách, vị huynh đệ thông gia cũng là bằng hữu thâm giao mấy chục năm lại đi tới bước này, nên ông ta buồn chán uống say mèm.
Tào Tháo thấy Đinh Xung vẫn thờ ơ uống rượu, không thèm đáp lại, bèn nói:
— Nếu huynh không muốn làm chức quan này thì cứ nói ra, ta tìm cho huynh một việc nhàn nhã. Hai đứa con trai của huynh cũng không còn nhỏ nữa, hôm nào dẫn chúng tới phủ gặp Mao Giới, ta cho chúng chức quan. Chúng ta là bằng hữu thân thiết, ta sẽ thay huynh sắp xếp chuyện của con cháu.
— Ực.
Đinh Xung nấc một tiếng, lầm rầm gì đó không biết có hiểu lời ấy hay không. Tào Tháo thở dài, lắc đầu đi qua. Hy Lự không dám chậm trễ, chỉ hơi nâng chén rượu lên, rồi vội theo đuôi ông. Vị “phó Thừa tướng” này chẳng khác gì kẻ hầu.
Sau Đinh Xung là đến Đại tư nông Vương Ấp, người này trước đây từng cát cứ Hà Đông trong lúc triều đình lo đánh dẹp Cao Cán, vì vậy khá đắc thế. Tào Tháo cưỡng chế nhận mệnh Đỗ Kỳ làm Thái thú Hà Đông mới điều được ông ta về trước. Con rắn độc tác oai tác quái năm nào, giờ lại ngoan ngoãn như con cừu. Tào Tháo cười mỉa mai:
— Vương khanh gần đây vẫn khỏe chứ, những thuộc hạ cũ của ngài ở Hà Bắc có thường tới vấn an không?
Vương Ấp bỏ chén rượu xuống, chắp tay vái:
— Thừa tướng có mắt nhìn người, từ khi Đỗ Kỳ nhận chức ở Hà Đông tới nay luôn tận tụy làm việc, lập nhiều công tích, hơn tại hạ gấp vạn lần! Đám bộ hạ đó theo Đỗ quận tướng dốc sức vì nước, đã sớm quên tại hạ! Hiện thân thể tại hạ không được khỏe, hằng ngày đóng cửa đọc sách, tâm vô tạp niệm.
Ông ta sợ bị nghi kỵ, ra sức giải thích, không biết câu nào chạm vào nỗi đau mà lại rỉ ra mấy giọt nước mắt. Nhưng Tào Tháo không thương xót, còn cười lớn:
— Tâm vô tạp niệm, hưởng phúc an nhàn cũng tốt. Ông đã lo lắng hơn nửa đời người, cũng nên nghỉ ngơi đi! Ha ha ha!...
Kẻ đứng dưới hiên thấp há có thể không cúi đầu? Vương Ấp cũng được xem là hào kiệt một thời, lúc này chỉ biết gượng cười trước những lời chế giễu, miễn là giữ được mạng. Nhưng ba vị liệt khanh khác là Mã Đằng, Vi Đoan, Đoàn Ổi cát cứ Quan Trung, ngồi cạnh ông ta lại nói cười thoải mái, không hề giữ lễ. Đoàn Ổi đã nhiều tuổi, lại có công giết Lý Thôi, có quan hệ tốt với Tào Tháo. Còn Vi Đoan và Mã Đằng đều đặt cược đúng bên trong cuộc đối đầu giữa hai nhà Viên, Tào, cũng coi như có công. Huống chi, hiện giờ hai người họ dời vào kinh, nhưng dư quân của Vi Đoan được giao lại cho nhi tử là Vi Khang, bộ quân của Mã Đằng được giao lại cho nhi tử là Mã Siêu vẫn còn binh mã ở Lương Châu!
Hồi Vi Đoan, Mã Đằng mới tới nhận chức, Tào Tháo chỉ tới thăm một lần cho có lệ, hôm nay có dịp đối mặt, ông quan sát thật kỹ: Vi Đoan dáng vẻ nghiêm trang, ăn nói nhã nhặn, không hổ là danh môn Kinh Triệu. Mã Đằng vóc người to lớn, tướng mạo dữ tợn, đã hơn năm mươi tuổi mà ngồi ngọ ngoạy không yên, bộ quan phục trên người như đi mượn, trông chẳng giống đại quan chút nào, lại còn mắt nâu râu hùm. Ông ta là hậu duệ của danh tướng Mã Viện thời Trung hưng, nhưng sao lại có nét giống người Hồ? Mã Đằng thật thà, thấy Tào Tháo chăm chú nhìn mình, liền quỳ sụp xuống:
— Đại thừa tướng tổ tán lý? Ngài chê tôi xấu ư? Quê mô đạt đều tá ma liệt!(*)
Tào Tháo nghe xong tròn mắt nhìn ông ta. Vi Đoan che miệng cười:
— Thừa tướng xin đừng trách, Mã Vệ úy nói tiếng Lương Châu.
Tào Tháo cũng cười. Để giữ yên thế cục, người thô lỗ như Mã Đằng cũng được làm cửu khanh, nếu ông ta cứ nói kiểu “tổ tán lý”, “tá ma liệt” ở trên triều như vậy, hẳn bên cạnh cần phải có người phiên dịch.
Mã Đằng vừa cười vừa nói, líu la líu lo, Tào Tháo có chỗ nào không hiểu lại quay sang hỏi Vi Đoan, mất nửa ngày mới hiểu: hóa ra Mã Đằng thật sự là hậu duệ của Mã thị ở huyện Phù Phong, có điều nhánh của ông ta không hưng thịnh như Mã Dung, Mã Nhật Đê, đến đời phụ thân ông ta là Mã Túc rất kém cỏi, chỉ là một tiểu hiệu úy ở quận Thiên Thủy, về sau lại bị bãi chức, lưu lạc đến Lũng Tây, lấy một người phụ nữ tộc Khương, sinh được Mã Đằng, cho nền ông ta có một phần huyết thống của người Hồ. Do phụ thân mất sớm, thuở nhỏ Mã Đằng phải đốn củi mưu sinh, sống rất vất vả, sau này bọn Biên Chương, Hàn Toại, Vương Quốc cử binh tạo phản, ông ta gia nhập quân triều đình, dũng cảm giết giặc, được thăng làm Tư mã. Nhưng chính sự dưới triều Hán Linh Đế mục nát, mấy vị Thứ sử Lương Châu nhận mệnh trước sau đều không xứng với chức vị, Mã Đằng không có cửa báo quốc, đành đi vào con đường làm thổ phỉ. Ông ta dũng mãnh thiện chiến, lại có nghĩa khí, không lâu sau đã trở thành thủ lĩnh, hợp lực với Hàn Toại cùng tru diệt trùm thổ phỉ, sau đó chia điều binh mã, hùng cứ Lương Châu.
Ban đầu, Tào Tháo có ấn tượng không tốt về con người thô lỗ này, song thấy ông ta thật thà, bộc trực lại cảm thấy đáng thương, thậm chí có phần ngu xuẩn. Thực lực của ông ta vượt xa Đoàn, Vi, nếu không phải ngu xuẩn thích làm quan to thì cớ sao mới nghe vài lời ngon ngọt đã bỏ binh mã mà vào kinh? Hơn nữa, ông ta chỉ để trưởng tử là Mã Siêu ở lại, còn những người con khác cùng với nữ quyến đều đưa hết theo, e là ông ta chẳng nhận ra đến bản thân mình cũng bị coi là con tin.
Bất luận thế nào, với Tào Tháo mà nói, nắm được Mã Đằng là chuyện tốt, chỉ có một việc không hoàn mỹ là Hàn Toại còn chưa vào kinh, mới chỉ đưa một đứa con nhỏ tới. Nghĩ đến đây, Tào Tháo quyết định ban ơn lấy lòng Mã Đằng, cũng là làm gương cho Hàn Toại nhìn vào:
— Mã Vệ úy đưa gia quyến vào kinh, thật đáng khen. Lão phu sẽ dâng biểu lên triều đình, tấn phong các nhi tử của ông. Mã Hưu làm Phụng xa đô úy, Mã Thiết làm Kỵ đô úy và trưởng tử Mã Siêu đang lưu thủ Lương Châu làm Thiên tướng quân!
Phụng xa đô úy là chức quan vẻ vang, phụ trách dẫn đường cho thánh giá, Kỵ đô úy cũng là quan võ hưởng bổng lộc hai ngàn thạch, tuy rằng không có thực quyền nhưng đủ vinh hiển. Còn chức Thiên tướng quân, kể ra cũng hơi xúi quẩy. Ban đầu Vương Tử Phục nhận chức Thiên tướng quân, kết quả gây ra vụ “chiếu thư trong đai ngọc”, sau Quan Vũ có công trong trận Bạch Mã, Diên Tân nên cũng được làm Thiên tướng quân, cuối cùng lại bỏ theo Lưu Bị. Bởi vậy Tào Tháo ghét chức quan này, bỏ trống nhiều năm nay.
Mã Đằng không biết nói tiếng Trung Nguyên nhưng lại hiểu được lời người khác nói, ông ta líu lô một hồi hình như là cảm tạ. Tào Tháo cười ha hả:
— Chỉ cần chư vị toàn tâm toàn ý đi theo lão phu, ta đảm bảo vinh hoa phú quý của con cháu các vị!
Lúc đầu ông nói chuyện luôn dẫn triều đình vào, còn lúc này nói về mình lại chẳng hề nhắc đến hai từ “triều đình” nữa.
Rời khỏi chỗ họ, Tào Tháo vẫn cười không dứt, ngẩng mặt lên thì thấy gần cửa kê một bàn cho hai lão thần tóc trắng xóa ngồi. Đó là Quang lộc đại phu Dương Bưu và Kỵ đô úy Tư Mã Phòng. Tào Tháo vội qua kính rượu:
— Xem ra Dương công, Tư Mã công đã nể mặt Tào mỗ rồi, các ngài cũng tới... Ngồi đi, ngồi đi, Dương công chẳng phải có tật ở chân sao? Ta không thể làm phiền ngài được, mời ngồi.
Dương Bưu bị Tào Tháo bãi chức Thái úy, từng phải vào đại lao một lần, còn phải chịu sự tra hỏi của Mãn Sủng, sau khi thoát tội ông ta nói chân bị đau, đóng cửa không ra ngoài, không tham gia những buổi tiệc cả công lẫn tư. Hôm nay thực sự không từ chối được nên mới lộ mặt, không ngờ còn bị Tào Tháo chế giễu. Tư Mã Phòng nhận chức Thượng thư hữu thừa hồi Tào Tháo được xét cử hiếu liêm, khi đó ông ta với Thượng thư Lương Hộc cùng phản đối việc cho Tào Tháo làm Huyện lệnh Lạc Dương, nên trong lòng cũng đang rất bất an.
Tào Tháo nhìn vẻ lúng túng của hai người từng cưỡi trên đầu mình, có thấy hả hê như trả được thù, ông vỗ vai Tư Mã Phòng, nói:
— Năm xưa, ta muốn làm đệ nhất Huyện lệnh trong thiên hạ, nhưng ngài chỉ cho ta làm Bắc bộ huyện úy, nay thì sao nào?
Tư Mã Phòng trả lời rất khéo:
— Xưa nay có khác biệt, sao có thể đem ra so sánh? Năm xưa minh công mới được cử làm hiếu liêm, tài năng và kinh lịch chỉ phù hợp làm huyện úy.
— Sao kia? - Tào Tháo càng cười lớn, - Vậy bây giờ ta phù hợp làm Thừa tướng hả! Tư Mã công, lão phu rất trọng dụng lệnh lang Tư Mã Lãng đang làm quan ở Duyện Châu, sau này sẽ thăng quan cho anh ta. Nhưng ngài cũng nên rộng lượng hơn, ta nghe nói trong phủ ngài có tám cống tử, sao chỉ cho một người dốc sức cho lão phu thế được? Nhị công tử nhà ngài tên là Tư Mã... gì nhỉ?
— Khuyển tử tên là Tư Mã Ý.
— Chính là hắn ta! Lão phu ba lần trưng vời mà vẫn không chịu nhận chức, lẽ nào không nể mặt ta?
— Không dám, không dám.
Tư Mã Phòng sợ giật nảy mình.
— Chuyện trước kia hãy cho qua đi, phiền ngài khuyên nhủ lệnh lang, sớm ngày thụ lệnh vào kinh báo tin. Ta không ăn thịt đâu mà sợ. - Tào Tháo nói xong lại liếc nhìn Dương Bưu, - Dương công cũng có một nhi tử tên là Dương Tu nhỉ? Năm xưa, Nễ Hành có nói “chỉ có thằng lớn là Khổng Ván Cử, còn tiểu tử là Dương Đức Tổ”, nay cũng phải ngoài ba mươi rồi nhỉ. Lão phu định vời vào phủ, ngày mai sẽ ban sắc lệnh! Ta muốn khuyên lão ngài, con cháu lớn rồi phải cho chúng mưu tính tiền đồ, chớ để chúng nhàn rỗi vô sự, lại tụ tập với kẻ ngông cuồng vô sỉ.
Kẻ “ngông cuồng vồ sĩ” mà ông nói ở đây đương nhiên ám chỉ Khổng Dung. Dương Bưu từ đầu đến cuối không nói được câu gì, im lặng chịu nhục, cầm chén rượu lắc lắc, đoạn nhăn mày nốc hết - Dương gia bốn đời giữ chức Tam công, đức hạnh ngời ngời, vậy mà lại đến nông nỗi như ngày hôm nay, để cho nòi giống xấu xa của hoạn quan là Tào Mạnh Đức sỉ nhục. Chén rượu nhân sinh thật khó uống!
Tào Tháo châm chọc hai người họ một hồi, trong lòng càng khoan khoái, đi thẳng xuống dưới sảnh đường cùng uống với chúng thần. Tào Tháo không đối xử như vậy với quan lại hạ cấp phía ngoài, vì hầu hết là người theo phe Tào thị nên ông mặt mày tươi cười, ân cần mời rượu. Tào Tháo uống liền bảy tám chén, mặt bắt đầu hơi đỏ. Hy Lự nhìn ông có vẻ say, muốn khuyên vài câu lại bị ông đẩy ra, ông loạng choạng bước tới trước bàn của hai Nghị lang Kim Toàn, Hàn Huyền.
Kim Toàn tự Nguyên Cơ, nhân sĩ Kinh Triệu, là đệ đệ của Thứ sử Duyện Châu Kim Toàn mà năm xưa Tào Tháo đã đánh đuổi; còn Hàn Huyên người Hà Nội, là huynh trưởng của Trung hộ quân Hàn Hạo. Hai người có quan hệ tốt với Tào Tháo nên đon đả tung hứng.
Tào Tháo bảo Kim Toàn:
— Nếu nói người Tào mỗ ta có lỗi, thì có thể nói chính là huynh trưởng của ông.
Năm đó, ta không đuổi ông ta ra khỏi Duyện Châu thì đâu đến nỗi bị chết oan trong tay Viên Thuật? Ta không tốt với huynh trưởng của ông, nên sẽ bù đắp cho ông. Mấy ngày nữa xuất binh, ông hãy theo quân nhận lệnh. Nếu lấy được đất Giang Nam, ta nhất định cho ông một chức Quận thú! - Ông công khai ban chức quan vì việc riêng.
— Đa tạ minh công cất nhắc. - Kim Toàn mừng đến chảy cả nước mắt, - Huynh trưởng tại hạ ở trên trời có linh, chắc chắn cũng cảm kích tấm lòng của ngài.
— Ta mới nói có một câu, ông khóc cái gì? - Tào Tháo lại quay sang Hàn Huyền, - Huynh đệ ông tòng quân nhiều năm, công lao không nhỏ, ông cũng hãy đi theo nghe lệnh, lão phu sẽ không bạc đãi.
— Tạ ơn Thừa tướng dẫn dắt. - Hàn Huyền vốn là một văn nhân không giỏi việc võ, nhưng nhờ vào kinh lịch mà được quan tâm nên rất vui.
Tào Tháo uống hết chén rượu, Hàn Huyền lại rót đầy chén nữa. Tào Tháo định đi tiếp xuống phía trước, chợt trông thấy Trưởng sử Vương Tư hớn hở chạy lại từ ngoài sân:
— Vui quá, vui quá! Triều đình lại có đại hỷ.
— Có chuyện gì vui? - Chúng nhân dang say bỗng im bặt.
Vương Tư tỏ vẻ hoan hỷ:
— Lưu Chương sai Ích Châu Tòng sự Trương Túc vào kinh tiến cống. Những lời răn bữa trước chúa công nói với Âm Phổ đúng là có hiệu quả. Trương Túc tới không chỉ dâng lụa là gấm vóc, đồ ngự dụng của đất Thục mà còn áp giải ba trảm Tẩu binh(*). Xem ra, Lưu Chương ý muốn dâng đất quy hàng.
— Ngoại phiên tiến cống, dị tộc quy thuận, đó là điềm lành!
Hàn Huyền nói lời hay.
— Còn nữa! - Vương Tư nói tiếp, - Nghị lang Chu Cận thương lượng rất thuận lợi với người Hung Nô, Tả Hiền Vương đồng ý cho Sái Chiêu Cơ trở về Hán quốc.
Từ khi Cao Cán chết, toàn bộ Tịnh Châu nằm trong tay Tào Tháo, người ông muốn đòi, Hung Nô nào dám không trả?
Hy Lự nâng chén rượu, cao giọng để nghị:
— Cái uy của đại Hán chiếu sáng bốn bể, Di, Man, Nhung, Địch lũ lượt thần phục, chúng ta hãy cùng nâng chén chúc mừng triều ta!...
— Hy công thật không biết ăn nói. - Kim Toàn ngắt lời ông ta, - Đó đều là Tào công... Không! Là công lao của Thừa tướng. Chúng ta cùng kính Thừa tướng một chén!
Tào Tháo đã ngà ngà say, lại bị mọi người chuốc thêm chén nữa, bỗng nghĩ lan man. Ông ngỡ rằng việc bình định thiên hạ, lên ngôi cửu ngũ sẽ đến ngay trong nay mai. Lưu Biểu, Tôn Quyền chẳng đáng nhắc tới, chỉ cần đại quân của ông tiến sát bờ cõi, bọn họ sẽ hốt hoảng cởi giáp quy hàng. Ông đã sống hơn năm mươi năm, nhưng chưa bao giờ vui sướng như lúc này, cảm giác vô cùng thoải mái, không gò bó buộc. Trong trời đất bao la, ông là lớn nhất, tất cả sinh linh đều phải thần phục dưới chân ông giống như số mệnh đã định sẵn. Tào Tháo thậm chí còn nghĩ rằng, sau khi thống nhất thiên hạ sẽ chăm lo việc nước, dẫn dắt đại Hán... không, dẫn dắt một vương triều mới bước vào thời thịnh trị hơn cả thời của Nghiêu Thuấn, Thành Thang! Ngà ngà men rượu, ông nổi hứng làm thơ, bước lên trên thềm đá, giơ chén rượu lên, ngâm rằng:
Nâng chén ca,
Buổi thái hoà,
Quan không thúc thuế.
Vua chúa sáng hiền,
Trung lương tướng tá tài ba.
Cùng nhau nhường kính,
Tranh chấp không xảy ra.
Ba năm cày cấy, chín năm vẫn ấm no,
Lúa gạo đầy kho,
Việc nặng không đến người già.
Mưa thuận gió hoà,
Ngũ cốc được mùa.
Bắt ngựa hoang,
Giúp canh tác mùa màng.
Các vị công, hầu, bá, tử, nam,
Đều yêu thương dân chúng,
Thưởng phạt phân minh
Coi dân như con em mình.
Kẻ phạm lễ pháp,
Tuỳ nặng nhẹ xử hình.
Ngoài đường của rơi không ai nhặt.
Trong lao tù vắng tanh,
Mùa đông không có án.
Người già cả,
Sống trọn tuổi trời.
Cả thảo mộc côn trùng, ân đức đều đến nơi.(*)
Chính sự rõ ràng, bách tính an vui; ngũ cốc được mùa, người già vô lo; không ai nhặt của rơi trên đường, dân lành không tranh giành; chúng sinh bình đẳng, ơn trạch trải khắp muôn vật! Chính là “thế giới đại đồng” mà Lễ ký nói đến. Tào Tháo nghĩ việc dập tắt binh đao không còn là vấn đề nữa, ông cần phải suy nghĩ xem sau này nên trị lý đất nước như thế nào. Thiên hạ đang nằm trong lòng bàn tay ống. Chúng nhân có mặt trong bữa tiệc, dẫu có tán thành với việc làm của Tào Tháo hay không, cũng không khỏi bị bài thơ làm cảm động. Cảnh thiên hạ rối loạn suốt hơn hai mươi năm qua, binh đao nổi lên khắp nơi, máu chảy thành sông sắp kết thúc rồi sao? Bất luận ngày sau xã tắc mang họ Lưu hay họ Tào, cũng phải để lê dân bách tính được an cư lập nghiệp, yên hưởng thái bình thôi...
— Chư vị! - Đổng Chiêu đột nhiên đứng dậy, sải bước tới chỗ Tào Tháo đang đứng, nhìn khắp chúng nhân, cao giọng nói, - Tại hạ trộm nghĩ, bậc thánh hiền được nói đến trong bài thơ vừa rồi hoàn toàn đúng với Thừa tướng của chúng ta! Công lao trùm khắp thiên hạ, cứu dân chúng thoát khỏi bể khổ, Thừa tướng chính là hào kiệt đệ nhất thiên hạ! Là cột trụ của chín châu Hoa Hạ! Tại hạ đề nghị, chúng ta đứng hết lên, trịnh trọng kính Thừa tướng một chén, cung chúc Thừa tướng vạn thọ bình an!
Đây không phải mời rượu, rõ ràng là thử dò xét xem ai dám không hưởng ứng? Hoa Hâm, Vương Lãng, Trần Quần không còn là bạn thâm giao của Khổng Dung như trước, đứng lên đầu tiên; Đoàn Ổi, Mã Đằng, Vi Đoan nhìn nhau, cũng đứng dậy theo; Vương Ấp hồn bay phách lạc, lảo đảo đứng lên; hai lão thần Dương Bưu, Tư Mã Phòng thở dài một hồi, rồi cũng dìu nhau đứng dậy; Hy Lự vẫn đứng sau Tào Tháo, không muốn đứng cũng phải đứng; còn những người ở phía ngoài đứng đầu là Kim Toàn, Hàn Huyên càng không cần phải nói, rào rào đứng lên cả.
Lúc này chỉ có hai người không thể nhúc nhích: Đinh Xung say mèm, gục xuống mặt bàn, còn ngáy o o. Còn Khổng Dung cũng ôm vò rượu ngủ khì, nhưng không biết là say thật hay giả.
Đổng Chiêu không thèm nhìn Khổng Dung, nâng cao chén rượu:
— Nào! Thừa tướng đức lớn trải khắp chúng sinh, chúng ta cung chúc Thừa tướng vạn thọ binh an!
— Thừa tướng đức lớn trải khắp chúng sinh!...
— Cung chúc Thừa tướng vạn thọ bình an!...
Lời chúc mừng xuất phát từ tận gan ruột, chứa đầy ai oán, a dua phỉnh nịnh hay ậm ừ ba phải cùng cất lên, khiến ai nấy chói tai, mái nhà rung chuyển. Tào Tháo nhìn khắp chúng nhân, gật đầu hài lòng, chìm trong lời ca tụng tốt đẹp.
Ngự sử đại phu
Buổi tiệc náo nhiệt mãi đến khi lên đèn mới tan. Các trọng thần lúc ngồi trên sảnh đường đều cười nói phụ họa, nhưng thực ra trong lòng lại chứa đầy nỗi lo sợ và bất lực, bước ra khỏi cửa Tào phủ mới thở phào nhẹ nhõm. Họ đều là người đã lăn lộn trong chốn quan trường mấy chục năm, Tào Tháo muốn làm gì họ đều biết cả, song không một ai dám đứng ra ngăn cản. Giữ gìn thiên hạ nhà Hán là lý tưởng của không ít người, tuy nhiên mọi việc đi đến ngày hôm nay, tất cả quyền binh đều thuộc về Tào thị, bọn họ chẳng có cách nào kháng lại. Họ chỉ cốt giữ đạo hòa đồng để có thể yên ổn sống nốt quãng đời còn lại, còn ước muốn phục hưng Hán thất thì đành phải vứt bỏ.
Có điều không phải người nào cũng được sống yên thân, lão Tư đồ Triệu Ôn may mắn rút lui an toàn, nhưng Ngự sử đại phu Hy Lự đã bị cột chặt vào cỗ xe của Tào thị. Tào Tháo bãi truất Tam công, lập lại chức Thừa tướng, rõ ràng có ý chuyên quyền, nhưng chẳng ai ngờ ông lại dựng lên một quan Ngự sử đại phu, mà bản thân Hy Lự trước đó cũng không hay biết gì. Theo chế độ cũ của nhà Hán, Ngự sử đại phu có quyền hỏi đến chính vụ, giám sát trăm quan, tương đương với chức phó Thừa tướng. Nhưng chức Ngự sử đại phu mà Hy Lự đảm nhiệm thì chẳng ra sao, không thể cai quản Ngự sử trung thừa, Thị ngự sử, cũng không được phép mở phủ dựng nha. Mà không thể dẫn dắt Ngự sử trung thừa, Thị ngự sử có nghĩa là không có quyền giám sát quan lại, không thể mở phủ bổ nhiệm duyện thuộc có nghĩa là không có quyền can dự vào chính sự, há chẳng chỉ có hư danh?
Chiếc mũ quan ấy bỗng dưng chụp vào đầu, mang lại cho Hy Lự vô vàn phiền não. Người khác không dám ngang nhiên phản đối Tào Tháo còn có thể né tránh, đằng này Hy Lự không trốn tránh được, ông ta đã bị ấn ngồi vào chức Ngự sử đại phu thì chỉ có thể ngoan ngoãn phục tùng, ngay trong ngày đầu nhận chức đã chịu đủ khổ sở. Trong buổi tiệc tại phủ Thừa tướng, Tào Tháo kính rượu mọi người, ông thân là phó Thừa tướng cũng phải kè kè theo sát Thừa tướng, không thể lạnh lùng xa cách cũng chẳng thể làm theo ý mình, cả buổi chỉ biết mỉm cười phụ họa, đến nỗi da mặt sắp co rúm lại. Tàn cuộc, ông ngồi xe ngựa về nhà, dọc đường cứ ngây ra không nói lời nào.
Nhưng sự việc xảy ra ngày hôm đó vẫn chưa dừng lại, vừa về đến cửa phủ, Hy Lự còn chưa kịp xuống xe, quản gia đã xách ngọn đèn lật đật chạy lại nói:
— Khải bẩm lão gia, có ba vị khách tới thăm, đã đợi ngài nửa canh giờ.
Hy Lự vốn đang hậm hực, bèn trút giận lên ông ta:
— Ai cho phép ngươi mời họ vào? Lão phu không muốn gặp ai hết, đuổi họ về đi!
Quản gia tỏ vẻ lúng túng, ghé tai nói nhỏ:
— Đó là duyện thuộc tới từ phủ Thừa tướng.
— Sao kia? - Cơn giận của Hy Lự phút chốc tan biến. - Lẽ nào Tào Tháo phái bọn họ tới? Ban nãy vừa ở cùng nhau, có việc gì sao không nói luôn, lại còn phải sai người tới gặp riêng?
— Ngài mau vào diện kiến, ba người này rất phô trương, tiểu nhân không cho họ vào còn bị vả vào miệng... Cho dù là ngài, ngài...
Quản gia sợ hãi không dám nói hết: cho dù là ngài cũng chưa chắc đụng được vào họ. Tào Tháo giờ là Thừa tướng, gia đinh trong phủ đều có thể diện, Hy Lự há dám coi thường? Ông đành kéo tấm thân mệt mỏi xuống xe, đi thẳng đến khách đường. Lúc này đã gần giờ hợi, trong sân tối thui, trên khách đường thắp mấy ngọn đèn dầu, có ba cái bóng lờ mờ ngồi cạnh bàn.
— Hy công, ngài về rồi à. - Một người ngồi chễm chệ ở chỗ của chủ nhà, nói giọng kỳ quái, - Thăng quan tiến chức thật đáng mừng, chúng tại hạ đến chúc mừng ngài đây.
Hắn nói vậy nhưng lại không chịu đứng lên, chẳng thể có ý tôn kính. Hy Lự dụi dụi mắt hồi lâu mới nhìn rõ, người đó gầy nhỏ khô quắt, mặt dài hốc hác, chân mày dựng ngược, hai mắt dữ dằn, trông rất xấu xí, là hiệu sự Lư Hồng, thuộc hạ của Tào Tháo. Người ngồi bên phải hắn đầu to mặt phệ, dáng người béo ú, vẻ mặt tươi cười là một hiệu sự khác tên là Triệu Đạt. Còn một người mặt trắng râu dài, ngồi ngay ngắn, cung kính chắp tay, là “cây bút” Lộ Túy, tự Văn Úy trong phủ Tào Tháo.
Lộ Túy còn chấp nhận được, chứ Lư Hồng, Triệu Đạt há phải người lương thiện? Cú mèo vào nhà chuyện gì cũng có thể xảy ra, Hy Lự không khỏi run sợ. Vị Ngự sử đại phu chỉ đứng dưới Tào Tháo này suýt chút nữa thì hành đại lễ với ba viên duyện thuộc.
Triệu Đạt cười ha hả, vội đỡ ông:
— Ối! Chúng tại hạ không nhận nổi lễ của ngài đâu, mời Hy công ngồi.
Dứt lời lại xua xua tay về phía cửa, quản gia vội lui xuống, đóng cửa lại. Triệu Đạt sai bảo nô bộc trong phủ này như người nhà mình.
Khách đảo làm chủ, chủ nhà đành phải ngồi vào vị trí của khách. Hy Lự ngồi không yên:
— Ba vị đêm khuya tới đây có gì chỉ giáo?
— Chúng tôi có chuyện tốt muốn phiền Hy công. - Triệu Đạt cười cợt, - Văn Úy huynh, lấy ra cho Hy công xem đi.
Lộ Túy dường như coi thường Triệu Đạt, không thèm đáp lại, lẳng lặng rút một bó quyển trúc từ trong ngực ra, đưa thẳng tới trước mặt Hy Lự. Hy Lự không biết “chuyện tốt” mà Triệu Đạt nói phải hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng nên đưa tay nhận lấy. Ánh đèn tối om, ông nhìn không rõ, phải cúi sát ngọn đèn, nhưng mới đọc được nửa câu liền giật bắn người - Thái trung đại phu Khổng Dung đã nhận tội này!
— Thư định tội Khổng Văn Cử?
Hy Lự thất kinh suýt nữa lỡ tay đốt bó thẻ tre, nhưng kịp nắm chặt lấy. Triệu Đạt cười nói:
— Minh công và Khổng Dung xưa nay luôn bất hòa, nhiều lần tranh biện trên triều, nay thiên tử có ý xử ông ta tội chết, há chẳng giúp ngài xả hận hay sao? Đây không phải chuyện tốt à?
Hy Lự tất nhiên biết hắn nói không thật, thiên tử sao lại làm khó Khổng Dung, nhìn là biết bản tội trạng này do Lộ Túy soạn theo ý Tào Tháo. Hy Lự tuy bất hòa với Khổng Dung, nhưng chưa từng nghĩ đến chuyện sẽ dồn ông ta vào chỗ chết, ông có vài phần thương xót thật lòng, cố định thần đọc tiếp:
Thái trung đại phu Khổng Dung đã nhận tội này, thế nhưng người đời ngại hư danh của y, rất ít tiến hành thẩm xét, thấy Dung văn chương hoa mỹ, sở thích lạ lùng, lại bị những lời lẽ giả dối của y mê hoặc, không còn nhận ra việc làm sai trái. Người châu ta đều nói, Nề Hành người huyện Bình Nguyền học theo luận thuyết của Dung, cho rằng cha mẹ không có tình cảm gắn bó với con cái, thì chỉ như vại sành chứa đồ, còn nói nếu như gặp lúc mất mùa đói kém, mà cha không hiền, thì thà đem cái ăn cho người khác. Dung làm trái đạo trời, bại hoại luân lý, tuy đã chém đầu thị chúng ngoài phố chợ, nhưng vẫn còn hận là xử tội y quả muộn. Nay, kể lại việc này ở trên, để cho tướng tá, duyện thuộc đều được biết...
Tào Tháo đem những tội danh mê hoặc chúng nhân, bại hoại cương thường, làm trái lẽ trời đổ hết lên đầu Khổng Dung, đó không chỉ là hâm hại, mà còn vấy bẩn thân phận danh sĩ của ông ta. Điều khiến người ta kinh hãi hơn là ngay đầu bản tội trạng đã viết “Khổng Dung đã nhận tội này”, rõ ràng là chuẩn bị công khai ra bên ngoài sau khi xử Khổng Dung tội chết. Một người còn đang sống yên lành, thế mà Tào Tháo lại đã “chuẩn bị hậu sự” cho người ta, không những khiến Khổng Dung thân bại, còn muốn ông ta danh liệt nữa, thế gian còn gì độc ác hơn!
— Há có cái lý này! - Hy Lự xưa nay luôn ôn hòa nhã nhặn đột nhiên nổi giận, bênh vực lão oan gia của mình, - Khổng Dung là danh sĩ đương thời, trong bốn bể có kẻ nào không biết? Lấy chuyện vu vơ ra để bắt tội, sao có thể khiến chúng nhân tâm phục? Thiên lý ở đâu? Lương tri ở đâu?
Dứt lời, ông ném phịch bản tội trạng xuống đất. Lộ Túy là người soạn thư, nhưng cũng chỉ làm theo lệnh của Tào Tháo, thực là bị ép vào chỗ bất đắc dĩ, nghe những lời chỉ trích của Hy Lự mà chỉ biết cúi đầu không nói. Lư Hồng không nghĩ nhiều như vậy, trợn mắt nói:
— Hy Hồng Dự to gan! Ông thực sự coi mình là phó Thừa tướng ư? Ta nói cho ông biết, giết ông dễ như di con...
— Bình tĩnh chút nào! Bình tĩnh chút nào! - Triệu Đạt cười ha hả đứng dậy, - Lư huynh vội gì chứ? Hy công nói cũng có lý, đem những chuyện vụn vặt này ra để định tội thì quả thực có chút gượng ép. Có điều, năm xưa Khổng Văn Cử nhận chức Bắc Hải tướng, liệu có từng câu kết với Viên Thiệu không? Khổng Dung và Trương Hoành qua lại thân thiết, liệu có ngầm thông đồng với Tôn Quyền không? Chúng ta phải nói rõ trong bản tấu.
Triệu Đạt nở nụ cười ấm áp, nhưng miệng lại vu khống hai tội bán nước. Hy Lự nhìn tên tiểu nhân bỉ ổi ấy, tức giận đến nỗi toàn thân run rẩy:
— Các ngươi... Các ngươi cút ra!
— Chớ vội thế. - Triệu Đạt bình tĩnh nói, - Chuyên chính còn chưa nói hết! Trong sắc lệnh này không viết hai tội trạng mà ta vừa nêu, phiền Hy công dâng thư chỉ rõ nhé.
— Ngươi... Ngươi có ý gì?
Lư Hồng lạnh lùng nói:
— Nói thẳng với ông. Bản tấu này ông cũng đã xem rồi, nó sẽ được công bố sau khi định tội. Giờ phải có người công khai dâng thư đàn hặc Khổng Dung, ông phải làm việc này.
— Sao kia?
Hy Lự nghe câu này như sấm nổ bên tai, choáng váng khuỵu xuống bàn. Binh tâm mà xét, Hy Lự thực sự ghét Khổng Dung, nhưng chẳng qua do tính cách không hợp nhau nên mới xảy ra tranh cãi, chứ không đến mức muốn hại chết ông ta. Khổng Dung vui thì cười tức thì chửi, tính khí gàn dở, mặc dù không câu nệ tiểu tiết, nhưng cũng không thiếu đại tiết; còn Hy Lự là kẻ sĩ quy củ, giữ thái độ trung dung với Tào Tháo. Hơn nữa, hai người họ một người là môn sinh của học giả uyên bác, một người là hậu duệ của bậc thánh hiền, ai cũng tự cho là mình tài giỏi, khó tránh khỏi coi thường nhau. Hy Lự mượn sức của Tào Tháo để áp chế Khổng Dung, nhưng không có nghĩa không đội trời chung. Ngược lại, Hy Lự cũng phải công nhận tài học và danh vọng của Khổng Dung, nếu như chính ông lại ra tay bóp nát bông hoa lạ trên văn đàn này, người trong thiên hạ sẽ bàn tán thế nào?
Triệu Đạt thấy ông không lên tiếng, lại nói:
— Hy công yên tâm, ngài chỉ cần dâng một bản tấu thôi, những chuyện sau đó tự có người khác xử lý.
— Việc này, việc này là ý của Thừa tướng?
Lư Hồng cau mày:
— Ông chớ có kéo Thừa tướng vào, việc này không liên quan tới ngài ấy.
Triệu Đạt nói vẽ vời:
— Hy công nhắc tới Thừa tướng nhà tại hạ làm gì? Ngài nên nghĩ đến chức trách của mình đi. Ngài là Ngự sử đại phu, đàn hặc những việc làm không hợp phép tắc, trừ gian cho nước là chức trách của ngài, không đúng hay sao?
Ông không được cai quản Ngự sử trung thừa, Thị ngự sử, nhưng lại phải làm chuyện hăm hại trung lương. Hy Lự dần dần hiểu ra, chức quan này không chỉ làm nền cho Tào Tháo, mà còn phải thay Tào Tháo diệt trừ những kẻ phản đối ông, cũng chính là thay ông hãm hại người khác, thay ông làm điều ác và thay ông chịu lời chửi rủa của người đời.
— Thế nào? Hy công đã nghĩ xong chưa?
— Ta không làm... - Hy Lự nghiến răng nói, - Ta không phải loại ưng khuyển vô sỉ như các ngươi!
— Lão già này, bọn ta nể mặt lại không muốn!
Hồng túm cổ áo ông, giơ tay định đánh.
— Dừng tay! - Triệu Đạt ngăn lại bảo, - Nhục hình không được dùng với đại phu, lại còn đòi đánh đương kim phó Thừa tướng sao? - Hắn mủm mỉm cười, ghé sát tai Hy Lự, - Hy công ơi, ngài biết bọn ta xử trí Khổng Dung như thế nào không? Ta không chỉ giết chết ông ta, còn chém hết sạch già trẻ lớn bé trong nhà ông ta! Người còn sống ăn uống vui sướng nhường nào? Chết đi rồi thật đáng tiếc! Nói ngay như ngài là cao đồ của Trịnh phu tử, tiếng tăm lan khắp tứ hải. Nghe nói ngài cũng có con cháu đầy nhà, vợ hiền con hiếu, nếu như chỉ trong chớp mắt những người ấy đã không còn...
Hy Lự kinh hãi nhìn bộ mặt vô lại, gian xảo đó:
— Ngươi muốn uy hiếp ta?
— Cứ coi như uy hiếp, thì ông có thể làm gì nào? - Lư Hồng nói giọng dứt khoát, - Ông không làm, bọn ta đi tìm người khác, có điều đến lúc đó người phải chết không chỉ có cả nhà Khổng Dung, mà thêm vào đó còn có cả già trẻ nhà ông!
— Ta có tội gì?
— Ông là đồng đảng với Khổng Dung!
Lư Hồng thốt ra một câu thiếu suy nghĩ. Nói Hy Lự là đồng đảng với Khổng Dung, e là đến cả kẻ ngốc cũng chẳng tin, nhưng kẻ nắm cường quyền cầm dao thớt trong tay, nói thế nào thành ra thế ấy, nào có đạo lý và liêm sỉ?
Triệu Đạt vẫn làm ra vẻ thân thiện:
— Lư huynh lại lỗ mãng rồi, hà tất phải làm khó Hy công? Tự ngài ấy sẽ nghĩ thông thôi. Tấm gương của Triệu Ngạn, Đổng Thừa, Vương Tử Phục vẫn còn mới, Hy công là cao đồ của Trịnh Huyền, lẽ nào cũng chịu được hình phạt phanh thây? Chẳng may có ngày đó thật, Hy công không những thân bại danh liệt, mà ngay đến Trịnh lão phu tử ở dưới cửu tuyền cũng chẳng thể nằm yên. Người ta sẽ bàn tán: “Trịnh Khang Thành có mắt như mù, dạy được một đệ tử gây họa diệt môn, hẳn là bản thân ông ta cũng không ra gì, chỉ là kẻ mua danh cầu lợi, không có thực học.” Ngài đã nghĩ đến những điều ấy chưa? Ngài có thể nhẫn tâm nhìn vợ con mình đi vào chỗ chết? Ngài có thể nhẫn tâm bôi nhọ thanh danh của sư phụ đã quy tiên?
Hy Lự vẫn đang run rẩy, nhưng không còn vì phẫn nộ, mà vì sợ hãi.
— Bọn ta cũng chỉ muốn tốt cho ngài. - Triệu Đạt nói lý lẽ, - Chẳng lẽ ngài chưa nghe chuyện của Triều Thác, Viên Áng? Hai người bọn họ có xích mích, Viên Áng vô ý hại Triều Thác, nhưng Triều Thác lại muốn xui Hiếu Cảnh Đế giết Viên Áng, Viên Áng đành phải ra tay trước! Ngài và Khổng Dung cũng vậy, ngài nếu không xuống tay hại cả nhà ông ta, thì sẽ có kẻ xuống tay hại cả nhà ngài, là ông ta chết hay ngài chết, hãy nghĩ cho kỹ...
— Ta muốn gặp Thừa tướng! - Hy Lự có sự phản kháng cuối cùng, - Ta muốn gặp ngài ấy hỏi cho rõ ràng!
— Ngài không gặp được Thừa tướng đâu. - Triệu Đạt lắc đầu, - Sáng sớm ngày mai Thừa tướng phải xử lý công chuyện trong quân, Tào Nhân, Tào Hồng đã âm thầm tập hợp quân tinh nhuệ, chuẩn bị đánh úp Lưu Biểu một trận. Ngài tưởng rằng lão ngài say rồi sao? Ngài ấy rất tỉnh táo đấy!
— Còn phí lời làm gì nữa? - Lư Hồng tặc lưỡi nói, - Lão già này, ông nói một câu ngắn gọn, có làm hay không? Ông không làm chức Ngự sử đại phu này sẽ có kẻ nhảy ra cướp ngay! Hãy giữ lấy cái mạng của mình đi!
Hy Lự hoàn toàn bị đánh gục. Ông chết cũng được, nhưng gia quyến toàn môn nào có tội gì? Ân sư ở dưới cửu tuyền có tội gì? Ông sụt sùi, lúc sau mới nghẹn giọng nói:
— Ta làm... Việc gì ta cũng làm... Hu hu hu...
— Thế chẳng phải là xong rồi ư! - Tảng đá trong lòng Lư Hồng cuối cùng cũng được đặt xuống, - Còn cố giả nhân giả nghĩa, làm mất việc của bọn ta.
Triệu Đạt đưa tay đỡ Hy Lự dậy:
— Hy công chớ buồn, vãn sinh còn có mấy lời múa rìu qua mắt thợ. Sách Trung dung có nói: “Thành giả, tự thành dã.”(*) Ngài đã nguyện ý làm chuyện này thì phải thật tâm thật ý làm cho tốt, như thể xuất phát từ tận đáy lòng, chứ tuyệt nhiên không được làm như nhận lệnh của người khác.
Hy Lự há lại không hiểu ngụ ý mượn đao giết người ở đây, nhưng chỉ biết lấy tay áo che mặt mà khóc. Triệu Đạt luôn tỏ vẻ niềm nở:
— Trời không còn sớm nữa, bọn ta không quấy rầy giấc mộng của ngài. Còn những tình tiết cụ thể trong việc đàn hặc đợi sau khi Thừa tướng xuất binh bọn ta sẽ bàn bạc kỹ hơn. Dù sao chuyện này cũng không liên quan đến lão ngài. Bọn ta cáo từ, không làm ngài ghét nữa.
Dứt lời đẩy cửa ra, vừa bước một chân ra ngoài, lại ngoái đầu châm chọc:
— Ngài chớ buồn, ngàn vạn lần phải bảo trọng quý thể. Ngài không cùng một hạng với đám ưng khuyển bọn ta kia mà! Ha ha ha...
Triệu Đạt, Lư Hồng khệnh khạng bỏ đi cùng với tiếng cười tựa như tiếng cú kêu. Lộ Túy cả buổi không nói gì, ngẩn ngơ nhìn sự việc diễn ra trước mắt, muốn an ủi Hy Lự vài câu mà không biết nên mở miệng thế nào, đành vái một vái dài rồi cũng rời đi.
Hy Lự ngồi ngây dưới đất, khóc rưng rức, tim đau như bị dao cứa: “Khổng Văn Cử, ông đã thắng! Chẳng những ông coi thường ta, giờ đến ta cũng coi thường chính mình. Ông trời ơi! Giàu có thì nhiều việc, sống lâu thì lắm nhục! Đạo lý gì đây? Không những bức hại người ta, còn muốn ép người bị bức hại đi bức hại kẻ khác! Đó khác gì đạo lý của quỷ dữ...”
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 7 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 7 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 7