To choose a good book, look in an inquisitor’s prohibited list.

John Aikin

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 38
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 103
iúp đỡ Lưu Kỳ, Lưu Bị ngầm đoạt Kinh Châu
Phong ba sắp đến
Tháng ba hoa lá khoe sắc, trời đất căng tràn nhựa sống, sông núi xanh biếc, chim chóc ríu rít, tất thảy đều thanh bình. Nhất là ở phía bắc huyện Tương Dương, Kinh Châu, đoạn gần sông Hán Thủy, phong cảnh rất đẹp, người đi chơi xuân kẻ cưỡi ngựa, người ngồi xe, miệng ngân nga hát. Thuyền bè tấp nập qua lại trên sông, nào là thuyền chở hương sĩ du ngoạn, thuyền lái buôn chở gấm vóc, bè tre của ngư dân xướng họa với nhau, cảnh tượng vô cùng náo nhiệt, vui vẻ. Mọi người dường như quên mất hiện đang là buổi loạn lạc mà chỉ nhìn thấy cảnh thái bình.
Có một chiếc thuyền từ hạ du ngược dòng bơi đến, chầm chậm ghé vào bờ. Thuyền đó không to cũng không nhỏ, trang trí đơn giản, người khua chèo, kéo buồm bên trên đều mặc áo ngắn màu đen, đầu chít khăn lụa, chẳng khác gì những phu thuyền bình thường. Nhưng nhìn kỹ bên hông bọn họ đều giắt đao kiếm, phía sau cột buồm còn có mấy con chiến mã.
Bắc xong tấm ván nối vào bờ, một nhân sĩ trung tuổi, dáng vẻ tiêu sái bước xuống trước. Người này đầu đội mũ cao, mình mặc áo gấm, chòm râu dài phất phơ trong gió. Ai không biết còn tưởng ông ta là một hương thân học đòi làm sang, đâu ngờ lại là Lưu Bị, tự Huyền Đức, nhân vật từng phản bội Tào Tháo, gây bao phen sóng gió, sau đó gửi thân ở Kinh Châu.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, chớp mắt Lưu Bị đã nương nhờ Lưu Biểu được bảy năm. Trong bảy năm qua, không có lúc nào ông thôi nghĩ tới việc vực lại thế lực, bao lần nằm mơ mình cưỡi ngựa sắt, cầm mâu vàng tung hoành giữa Trung Nguyên, vậy mà khi tỉnh dậy lại thấy thật bất lực. Kinh Châu ca múa thái bình, thi tửu lênh láng, cường hào ngồi trên hưởng lạc, bách tính ở dưới an nhàn. Nhưng Lưu Bị lại cho rằng cảnh phồn hoa, yên bình trước mặt đều là hư ảo, Tào Tháo đã thống nhất phương bắc, chắc chắn sẽ đánh xuống phía nam, đại họa nghiêng trời sập đất sắp sửa ập đến.
— Chúa công đi thong thả. - Hai ái tướng tâm phúc của Lưu Bị là Triệu Vân và Trần Đáo dắt ngựa lên bờ, - Chúng ta cưỡi ngựa vào thành sẽ nhanh hơn.
Lưu Bị không đáp lại, chỉ khẽ lắc đầu.
Trần Đáo tỏ vẻ không hiểu:
— Giang Hạ xảy ra họa lớn, chúng ta không kịp cứu viện, Hoàng Tổ lại chết, cớ sao chúa công chẳng lo lắng chút nào? Theo ý mạt tướng, chúng ta phải tức tốc báo tin cho Lưu Biểu, sao ngài còn đủng đỉnh?
— Các ngươi đâu hiểu được chỗ khó xử của ta.
Lưu Bị cười trừ, giọng có vài phần bất lực. Bề ngoài, Lưu Biểu tỏ ra trọng đãi Lưu Bị, phân phát binh mã, cho đồn trú ở Tân Dã, nhưng kỳ thực là không tín nhiệm. Việc Lưu Bị nhiều lần phản chủ khiến Lưu Biểu sinh lòng ngờ vực, chỉ muốn giữ hòa hảo để dùng Lưu Bị làm lá chắn chống đỡ Tào Tháo mà thôi. Năm năm trước, Tào Tháo giả ý xâm phạm phương nam nhằm khiến huynh đệ Viên thị trở mặt với nhau, Lưu Bị bố trí mai phục đánh bại Hạ Hầu Đôn tại gò Bác Vọng, vốn tưởng rằng có thể làm nên việc lớn, nào ngờ Lưu Biểu lại vội vàng nghị hòa, còn không cho phép ông vượt ra khỏi Nam Dương nửa bước.
Sau này, Tào Tháo xuất binh thảo phạt Hà Bắc, Lưu Bị lại một lần nữa kiến nghị liên thủ với huynh đệ Viên thị cùng đánh Tào Tháo từ cả hai mặt nam bắc, nhưng Lưu Biểu một mực phản đối, chỉ gửi những phong thư hời hợt. Lần này Tào Tháo viễn chinh Ô Hoàn, Lưu Bị lại mỏi miệng khuyên Lưu Biểu nhân lúc kinh thành trống không mà đánh úp Hứa Đô, thế mà Lưu Biểu vẫn làm thinh, ngần ngừ cho đến khi Tôn Quyền tiến đánh Hoàng Tổ, chẳng còn tâm sức đâu mà nghĩ tới chuyện tấn công phương bắc nữa, đành ngồi nhìn thời cơ tuột mất. Lưu Biểu cố nhiên không giỏi việc quân, thiếu quyết đoán, song lý do quan trọng hơn là ông ta không yên tâm về Lưu Bị, sợ Lưu Bị một khi mạnh lên sẽ chiếm mất đất Kinh, Tương của mình. Vả lại, bên cạnh Lưu Biểu còn có hào tộc Kinh Châu, đứng đầu là Sái Mạo, Khoái Việt, bọn họ coi Lưu Bị là kẻ dị loại, lúc nào cũng gây chia rẽ.
Lưu Bị nhìn rõ bộ mặt thật của Lưu Biểu, nhưng chỉ có thể gắng nhẫn nhịn như xưa để đợi thời cơ mới đến. Ông tới Giang Hạ chậm một bước, Hoàng Tổ bị giết, quân dân bị bắt, theo lý mà nói thì phải đóng tại Tây Lăng, hỏa tốc phái người bẩm báo với Lưu Biểu. Thế nhưng Lưu Bị lại lệnh cho Quan Vũ, Trương Phi rút quân về Tân Dã, còn ông chỉ dẫn theo vài thị vệ, mình mặc thường y, ngồi thuyền nhỏ chậm rãi tới Tương Dương phục mệnh. Người ngoài nhìn vào nghĩ Lưu Bị làm việc không thoả đáng mà không biết được rằng ông cũng có cái lý của riêng mình - Lưu Bị không thể ở lại Giang Hạ, bởi vì sẽ khiến Lưu Biểu nghi ngờ ông có ý muốn chiếm thành trì; cũng không thể dẫn nhiều quân tới Tương Dương, bởi vì Lưu Biểu sẽ nghi ngờ ông mưu đồ bất chính; thậm chí còn không thể thong dong phi ngựa trên đường phố bên ngoài thành Tương Dương, bởi vì sẽ có chuyện cho các hào tộc Kinh Châu nói ra nói vào.
Tất cả thân binh đều phải ở lại trên thuyền, không được đặt chân lên bờ, Lưu Bị chỉ dẫn theo hai người Triệu Vân, Trần Đáo vào thành. Cưỡi ngựa từ bến sông vào trong thành chỉ hết một đoạn đường ngắn, nhưng ông đi bộ nên mất cả canh giờ, khi đến được phủ Trấn Nam Tướng quân cũng đã gần giờ ngọ. Lưu Bị ngẩng nhìn: cửa phủ đóng kín, giáp sĩ san sát, phía trước kê một cái bàn bày rượu và đồ nhắm. Một quan tướng trẻ tuổi mình khoác áo giáp, lưng đeo đao sắc, ung dung ăn uống, còn mấy tên tiểu binh đứng hầu bên cạnh như hầu hạ tổ tông.
— Trương tướng quân thật có nhã hứng!
Lưu Bị nhận ra ngay người này là Trương Doãn, cháu ngoại của Lưu Biểu, cai quản thị vệ trong mạc phủ, mấy năm gần đây rất được ưu ái, lại rất thân thiết với Sái thị. Năm xưa, Lưu Biểu nhờ có Khoái Việt, Sái Mạo giúp sức mới đứng vững được, cho nên sau khi thành việc, Lưu Biểu nhận mệnh Khoái Việt làm Thái thú Chương Lăng, Sái Mạo làm Thái thú Cảnh Lăng, trên danh nghĩa là hai Quận thú, song thực tế lại giao phó việc quân chính của Tương Dương cho họ toàn quyền xử lý. Một người là quân sư, còn người kia nắm giữ binh quyền. Trương Doãn ôm chân bọn họ, được thảnh thơi phè phỡn, ăn sung mặc sướng.
Trương Doãn có đôi mắt nhỏ tròn, cả người toát lên vẻ lười biếng, buông thả. Trông thấy Lưu Bị lại gần, hắn chẳng thèm đứng dậy thi lễ, ung dung gắp đồ nhắm, cười ha hả:
— Huyền Đức công tới rồi, nghe nói Giang Hạ thất thủ à? Tôi từ lâu đã nghe thuộc hạ của ngài toàn là những dũng tướng, sao đến Hoàng Tổ cũng chẳng cứu được thế?
Triệu Vân thấy hắn vô lễ, định xông lên quát mắng, nhưng Lưu Bị giữ chặt cổ tay anh ta, cố nặn ra một nụ cười:
— Trương tướng quân dạy rất phải, tướng bại trận há có thể coi là dũng mãnh? Có điều lần này xuất binh, ta nhận được tin hơi trễ, nên khi tới được Giang Hạ, Tôn Quyền đã sớm thu binh. Tình hình cụ thể đợi gặp được chúa công sẽ bẩm tấu sau.
Lưu Bị rõ ràng không muốn nói nhiều, Trương Doãn cũng không quan tâm, thờ ơ rót một chén rượu, đưa lên miệng nhấp một hớp rồi nói:
— Chúa công đổ bệnh, không tiện tiếp ngài.
— Đổ bệnh? - Lưu Bị bán tín bán nghi, - Bệnh gì?
— Chúa công nghe tin Giang Hạ thất thủ vốn đã lo lắng không yên, lại nhiễm phong hàn, nên mấy ngày nay đều không gặp ai hết.
Lưu Bị không biết lời nói của Trương Doãn có mấy phần là thật, nhìn cửa phủ đóng chặt, binh sĩ canh gác nghiêm ngặt, đến một ngọn gió cũng không lọt qua được, bèn hỏi:
— Vậy việc quân chính phải bẩm báo với ai?
Trương Doãn sốt ruột đáp:
— Vẫn quy định cũ, đều do hai vị Khoái công và Sái công xử trí.
Lưu Bị biết mình cũng khó gặp được hai người ấy, nhưng vẫn nói:
— Phiền tướng quân dẫn ta tới gặp Khoái công.
— Khoái công đang bận, e là không có thì giờ tiếp ngài.
— Còn Sái công thì sao?
Trương Doãn lại nói:
— Sái công sáng nay cũng không được khỏe, đang ở nhà nghỉ ngơi.
Nói quanh co một hồi vẫn là không gặp được ai, rõ ràng hắn muốn chặn Lưu Bị ở ngoài.
Lưu Bị cố nén cơn giận, nói giọng khẩn cầu:
— Ta có quân vụ khẩn cấp, xin tướng quân vào bẩm báo một tiếng.
— Quân vụ có gấp đến đâu cũng không thể quấy rầy chúa công dưỡng bệnh được... - Trương Doãn lên giọng hách dịch, chậm rãi bảo, - Thế này đi, ngài tới dịch quán trước. Lát nữa tôi giúp ngài báo với người bên trong một tiếng, đợi hôm nào chúa công khỏe hơn sẽ cho gọi ngài.
— Làm phiền tướng quân. - Lưu Bị gửi thân dưới trướng kẻ khác, không biết làm sao, đành phải nhận lời, - Xin cho ta gửi lời vấn an chúa công, mong chúa công dưỡng bệnh chóng khỏi, thần dân Kinh Châu còn phải trông cậy vào ngài ấy.
— Biết rồi... chúa công thân thể không khỏe, ta cũng phiền lòng lắm!
Trương Doãn thở dài, bỏ một vị miếng thịt to tướng vào miệng. Hắn ăn uống thoải mái, tác oai tác phúc, có vẻ gì buồn bã kia chứ? Lưu Bị càng nhìn càng tức, chỉ hận không thể giẫm chết tên tiểu nhân này, song vẫn phải cố nhịn:
— Đã vậy, mạt tướng cáo từ.
Dứt lời quay phắt người bỏ đi, không thèm nhìn lại hắn.
— Ồ! Quên không mời ngài. - Trương Doãn nói với theo, - Huyền Đức công cùng uống chén rượu đã chứ? Không uống sao? Đi thong thả nhé...
Lưu Bị chắp tay sau lưng, hậm hực bước đi trên phố, Triệu Vân và Trần Đáo không nén được giận, lầm rầm nói phía sau:
— Thằng nhãi Trương Doãn chó cậy thế chủ, ăn nói quá ngông cuồng. Chúng ta phải cho hắn nếm thử sự lợi hại của mình, bằng không sau này hắn sẽ cưỡi lên đầu chúng ta mất!
Lưu Bị siết chặt nắm tay, nhưng vẫn không thể trút giận ra ngoài, chỉ nói:
— Hắn vô sỉ nhường nào, hà tất phải làm bẩn tay mình? Bớt nói vài câu đi. - Rồi cúi đầu đi thẳng tới dịch quán.
Hồi mới thu nhận Lưu Bị, Lưu Biểu từng có ý muốn xây phủ đệ cho ông đưa gia quyến qua ở, nhưng Lưu Bị sợ gia quyến bị coi làm con tin nên đã khéo léo từ chối, mỗi khi dừng chân ở Tương Dương đều nghỉ tạm tại dịch quán. Lưu Bị thuộc đường, không lâu sau đã tới bên ngoài dịch quán, chưa kịp bước vào cửa chợt nghe sau lưng có người gọi:
— Huyền Đức công, xin đợi chút!
Người đuổi theo là một duyện thuộc ngoài ba mươi tuổi, mình mặc áo đen, bước chân vội vã, trước ngực còn ôm mấy cuộn công văn. Lưu Bị vừa trông thấy người này, liền định thần lại:
— Cơ Bá hiền đệ đấy à.
Người này tên Y Tịch, tự Cơ Bá, là Tòng sự dưới trướng Lưu Biểu. Hầu hết duyện thuộc trong phủ Trấn Nam Tướng quân đều là vọng tộc đất Kinh, Tương hoặc là danh sĩ lánh nạn, chỉ có mình Y Tịch còn trẻ đã rất được trọng dụng. Bởi lẽ anh ta là người huyện Cao Bình, quận Sơn Dương, Duyện Châu, đồng hương với Lưu Biểu, cho nên Lưu Biểu đặc biệt chiếu cố, giữ lại bên mình xử lý nhiều việc cơ mật. Lưu Bị ở Kinh Châu bị không ít kẻ suy tị, nhưng Y Tịch lại qua lại thân thiết với ông, còn thường nói tốt về ông với Lưu Biểu. Lần nào Lưu Bị tới Tương Dương, Y Tịch cũng tới thăm hỏi ân cần, tựa như ngọn gió xuân ấm áp, mang lại cho Lưu Bị niềm an ủi.
Y Tịch hình như đi đường nhỏ, mồ hôi lấm tấm hai bên mái tai:
— Huyền Đức công hành sự cũng thật hoang đường. Tiểu đệ đoán trong mấy ngày này ngài sẽ trở về nên sai tiểu lại ra bờ sông nghênh đón. Sao ngài không ngồi thuyền lớn, không mang quân sĩ mà lại đi đơn giản vậy? Nếu không phải tiểu đệ ra ngoài làm việc, gặp được Trương Doãn thì còn không hay biết gì đấy!
Lưu Bị mủm mỉm cười, giả bộ nhẹ nhõm:
— Làm phiền hiền đệ phải lo lắng rồi. Bữa nay trời trong nắng ấm, ngu huynh muốn ngắm nhìn phong cảnh trên đường, nên không dám vất vả đến chúng sĩ. Nào, vào trong ngồi một lát.
Nào ngờ Y Tịch nghe xong lại xua tay thở dài:
— Ây dà! Tới Huyền Đức công cũng trễ nải thế này, xem ra Kinh, Tương của chúng ta thực sự không thể cứu vãn được nữa rồi.
— Sao? - Lưu Bị ngạc nhiên hỏi, - Hiền đệ cớ sao lại nặng lời vậy?
— Chúa công, ngài ấy... - Y Tịch nói nửa chừng, ngẩng đầu lên nhìn Triệu Vân, Trần Đáo.
Lưu Bị lập tức hiểu ý:
— Hai ngươi vào trong trước đi.
Y Tịch lúc này mới chịu nói tiếp:
— Chúa công bệnh nặng, e là không trụ được lâu.
— Hả?
— Mấy năm nay chúa công thường xuyên đau ốm, lần sau nặng hơn lần trước. Bữa trước nghe tin Hoàng Tổ chết, Tào Tháo lại đưa quân đến Dĩnh Xuyên, chúa công ngày đêm lo lắng, bệnh không dậy nổi. Ba hôm trước, Thái thú Trường Sa là Trương Trọng Cảnh tới thăm bệnh cũng phải bó tay, sợ rằng chúa công không được thọ.
Lưu Bị nghe vậy, đứng ngây ra, trong lòng hoang mang, không biết nghĩ gì. Y Tịch lại nói:
— Giờ tình hình rối loạn, Tôn Quyền ở mé đông, Tào Tháo ở phía bắc, đều lăm le dòm ngó Kinh Châu, trong khi chúa công lại liên tục ngã bệnh, các công tử không làm nên việc, chuyện sau này biết trông cậy vào ai? Theo ý tiểu đệ, Huyền Đức công phải lao tâm nhiều hơn đấy!
Nhưng Lưu Bị lại nói:
— Trên có các công tử, dưới có hai hào tộc Khoái công, Sái công, một kẻ sống gửi người khác như ta làm nổi chuyện gì? Không nên vượt phận.
— Đâu thể nói vậy được. Ngài vốn coi Tào Tháo là kẻ thù từ lâu, dưới trướng lại có các nghĩa sĩ như Quan Vũ, Trương Phi, ngài đứng ra phò tá công tử tốt hơn ai hết. Huống chi Khoái công, Sái công đều có giao tình với Tào Tháo, nếu để bọn họ làm chủ, e là sẽ đem Kinh Châu dâng cho người ta. Chúa công gây dựng cơ nghiệp không dễ gì, sao có thể bị hủy trong một ngày? Huyền Đức công nhất định phải đứng ra gánh vác trọng trách vì thần dân Kinh, Tương và cũng vì những thuộc liêu như chúng đệ!
Lưu Bị thấy anh ta tha thiết cầu mong, không khỏi có chút động lòng, nên không giấu giếm nữa:
— Tấm lòng của Cơ Bá hiền đệ thật hiếm có, có điều... Dù cho ta muốn nhận trọng trách này, chúa công sẽ chịu đồng ý sao?
— Việc cốt tại người. - Y Tịch than thở, - Tiểu đệ trở về khuyên nhủ chúa công, mấy ngày nữa thỉnh ngài vào phủ. Lúc đó, chúng ta nói chuyện ngay trước mặt ngài ấy, nếu có thể bàn xong việc này là tốt nhất.
Lưu Bị không ở cạnh Lưu Biểu, nhưng cũng hiểu Lưu Biểu chẳng kém gì Y Tịch, ông biết rõ đó là chuyện vô ích, người ta chẳng đời nào cho ông sờ vào đại quyền. Nhưng dù sao Y Tịch cũng có ý tốt, Lưu Bị không tiện từ chối, chỉ thuận miệng bảo:
— Được, ngu huynh đợi tin của đệ.
— Tốt quá, tốt quá rồi.
Y Tịch dường đã an tâm hơn nhiều, vỗ vỗ những quyển trúc trước ngực:
— Tiểu đệ còn có công chuyện cần làm, buổi chiều sẽ quay lại hàn huyên.
Lưu Bị cười ôn hòa:
— Hiền đệ đi nhé, ta chuẩn bị rượu thịt đợi đệ.
Y Tịch thi lễ, ôm quyển trúc vội vã rời đi. Lưu Bị nhìn theo bóng lưng anh ta, nụ cười tắt dần. Ông bị Lưu Biểu áp chế đã bảy năm, giờ đây Lưu Biểu sắp chui vào quan tài, đáng lẽ ông phải vui mừng mới đúng, thế nhưng trái lại, Lưu Bị lại càng thấy bất an. Thực ra là do ông đang âm mưu thực hiện một kế hoạch lớn nên luôn có cảm giác như đi trên băng mỏng.
Hai năm trước, Lưu Bị nghe nói ở vùng Long Trung, phía tây Tương Dương có một ẩn sĩ trẻ tuổi, họ Gia Cát, tên chỉ có một chữ Lượng, tự Khổng Minh, được khen là “Ngọa Long”. Người này không những mưu trí xuất chúng mà còn có giao tình thân thiết với nhiều danh sĩ đất Kinh Châu. Lưu Bị không ngại hạ mình, nhiều lần bái vọng Gia Cát Lượng, bàn đại sự của thiên hạ, cuối cùng cũng vời được bậc hiền sĩ mang chí hướng cao xa ấy ra giúp mình.
Gia Cát Lượng từ ngày xuống núi ở dưới trướng Lưu Bị, cảm thấy vừa ý như cá gặp nước, lập chí cùng mưu việc thiên hạ. Bởi vậy, ông ta đưa ra một kế sách:
— Kinh Châu phía bắc gần với sông Hán Thủy, sông Miện Thủy, kéo dài đến tận Nam Hải, phía đông nối với Ngô Hội, phía tây thông với Ba Thục, đây vốn là đất dụng võ nhưng chúa nơi này lại chẳng biết giữ. Ấy là trời muốn dành cho tướng quân!
Gia Cát Lượng hiến kế Lưu Bị đảo khách thành chủ, đoạt lấy Kinh Châu, chỉ cần Kinh Châu rơi vào tay ông thì có thể tiến thêm một bước, dụng binh ở mé tây đánh chiếm Ích Châu. Ba Thục quan ải hiểm yếu, ruộng đất ngàn dặm phì nhiêu, là kho vựa trời cho, năm xưa Cao Tổ Lưu Bang cũng nhờ đất ấy mà giành được thiên hạ. Lưu Chương ngu dốt hèn yếu, dân nhiều nước giàu song không biết trông coi, kẻ sĩ tài trí chỉ mong gặp được minh quân. Nếu như Lưu Bị thu về cả hai châu Kinh, Ích, giữ vững nơi hiểm trở, phía tây giao hòa với các tộc Nhung, phía nam phủ dụ Di Việt, từ đó có thể gây dựng thanh thế, dẫn đại quân theo hai đường từ Tần Xuyên, Nam Dương đánh vào Trung Nguyên, tranh tài cao thấp với Tào Tháo...
Lưu Bị sau khi nghe xong kế sách của Gia Cát Lượng thì chợt bừng tỉnh, quyết chí làm theo. Nhưng muốn thực hiện một loạt kế hoạch đó, Lưu Bị phải lấy được Kinh Châu trước, nếu ông không thể khống chế Kinh Châu, chiếm giữ những con đường hiểm yếu dẫn vào đất Thục, mọi tính toán đều thành vô nghĩa. Nhưng hiện giờ thực lực của Lưu Bị còn yếu, lại hứng chịu nhiều nghi kỵ, chỉ cảm hóa Lưu Biểu bằng lời như Y Tịch nói sẽ chẳng thu được kết quả gì, phải làm sao mới có thể tiếp quản Kinh Châu từ tay Lưu Biểu? Lưu Bị dùng cách đi đường vòng: khống chế nhi tử của Lưu Biểu là Lưu Kỳ.
Lưu Biểu có ba người con trai, trưởng tử là Lưu Kỳ, thứ tử là Lưu Tông, đều đã đến tuổi trưởng thành, do phu nhân nguyên phối của Lưu Biểu sinh ra, còn một người thứ ba là Lưu Tu mới mười ba tuổi, là con của người thiếp. Có điều cha nào con nấy, Lưu Biểu không am hiểu binh lược, thiên về văn nghệ, ba nhi tử của ông ta lại càng nho nhã mềm yếu, người nào cũng là thư sinh mặt trắng, chẳng có tài cán gì đáng kể. Lưu Kỳ lớn nhất, tướng mạo giống hệt phụ thân, Lưu Biểu rất yêu mến, muốn lập anh ta làm người kế nghiệp. Lưu Bị tìm cách kết thân với Lưu Kỳ, nghĩ rằng khi mình nắm được tiểu tử không hiểu thế sự ấy, giúp anh ta kế thừa ngôi vị của phụ thân thì ngày sau có thể gián tiếp kiểm soát Kinh Châu.
Ngờ đâu, trời không chiều lòng người, năm ngoái Lưu Tông lấy cháu gái của Sái Mạo, khiến cục diện thay đổi hoàn toàn. Phu nhân nguyên phối của Lưu Biểu mất sớm, người vợ hiện giờ là muội muội của Sái Mạo, cả ba nhi tử kia đều không phải do bà ta sinh ra, vốn dĩ Lưu Biểu muốn lập ai làm người kế vị cũng chẳng có tổn hại gì. Song từ khi Lưu Tông lấy cháu gái bà ta, chuyện lập người kế vị bắt đầu liên quan đến ích lợi thiết thân. Vì vậy, Sái thị ngày ngày nỉ non với phu quân, lại thêm bọn Sái Mạo, Trương Doãn thường xuyên gièm pha Lưu Kỳ, khiến cho Lưu Biểu dần thay đổi chủ ý, muốn phế trưởng lập thứ. Bản thân Lưu Kỳ lại không thích tranh đấu, đứng trước chuyện phế lập, anh ta không nhọc công gắng sức mà còn chìm đắm trong tửu sắc, chỉ mong yên thân, cho nên hy vọng của Lưu Bị càng thêm mong manh.
Một khi Lưu Biểu chết, Lưu Tông sẽ ngay lập tức kế vị, hai nhà Sái, Khoái có quan hệ khăng khít với Lưu Tông sẽ nắm nhiều quyền lực hơn nữa, kế hoạch của Lưu Bị hoàn toàn sụp đổ, càng không có cơ hội dòm ngó Kinh Châu. Việc đã đến nước này, Lưu Bị có thể không nôn nóng sao?
Lưu Bị đứng lặng trước cửa dịch quán, trong lòng cảm thấy mù mịt, ông lăn lộn nửa đời người vẫn chưa dựng nên cơ nghiệp, đến tấc đất cắm dùi cũng chẳng giữ được, ngày càng đi vào ngõ cụt. Sao không có việc gì thuận lợi kia chứ? Lưu Bị ai oán hồi lâu, đành thở dài đi vào trong. Lần nào đến Tương Dương ông cũng ở lại dịch quán, nên từ lâu đình viện đã là của riêng ông, lúc này Triệu Vân và Trần Đáo đã sắp xếp ổn thỏa, Lưu Bị không nói nhiều với dám dịch thừa mà đi thẳng tới tiểu viện. Nhưng chưa bước vào chính đường, ông lại thấy có hai văn sĩ trung tuổi ung dung ngồi đánh cờ ở bên trong.
Lưu Bị ngạc nhiên hỏi:
— Sao các vị không ở lại Tân Dã mà cũng chạy đến Tương Dương thế?
Hai người kia đều là thuộc hạ của Lưu Bị. Người bên trái tên Từ Thứ, tự Nguyên Trực, người Dĩnh Xuyên, mắt to mày rậm, là một văn nhân có tướng võ. Ông ta thuở trẻ thích kiếm thuật, gặp chuyện bất bình thường ra tay hiệp nghĩa. Nhân vì ông ta đánh chết người, chạy trốn bên ngoài bị quan phủ bắt được, may có bạn cứu giúp mới thoát khỏi tù ngục, từ đó bỏ võ theo văn, du học Kinh, Sở, kết giao bằng hữu rất rộng. Hiện, Tào Tháo đã an định phương bắc, không ít kẻ sĩ sống nơi đất khách nhấp nhổm muốn về bắc, chỉ có ông ta không có ý nghĩ đó, còn đưa cả mẹ già tới Tân Dã, nương nhờ Lưu Bị cũng đang phải gửi thân dưới trướng người khác, để giúp Lưu Bị chiêu mộ nhân tài, lôi kéo danh sĩ. Lưu Bị có thể vời được Gia Cát Lượng cũng là nhờ ông ta xe chỉ luồn kim.
Còn người bên phải lớn tuổi hơn Từ Thứ, tướng mạo tuấn tú, ăn mặc quý phái, toát lên phong thái cao sang. Ông ta tên Lưu Diễm, tự Uy Thạc, tuy có vẻ nho nhã nhưng thực ra chẳng có chút thực học nào, chỉ được mỗi cái mẽ bề ngoài. Ông ta bất quá là một phú hào ở nước Lỗ, Dự Châu, song thích học đòi làm sang, tự xưng là hậu duệ của Lỗ Cung Vương, không học được bản lĩnh, đức hạnh của các bậc danh sĩ, chỉ giỏi chơi bời, nào là chọi gà đua chó, uống rượu ghẹo gái, đá cầu chơi cờ, đánh đàn thổi sáo, toàn những thói phong lưu. Lưu Bị quen biết ông ta hồi nhận chức Dự Châu mục dưới trướng Tào Tháo, một người tự xưng là hậu duệ của Trung Sơn Tĩnh Vương, còn một người tự xưng là chắt chính dòng của Lỗ Cung Vương, hận vì không được gặp nhau sớm hơn. Tuy nhiên, Lưu Diễm cũng là người nghĩa khí, khi Lưu Bị phản bội Tào Tháo, ông ta cũng bỏ cả gia nghiệp mà cùng làm phản, mấy năm qua luôn một lòng đi theo Lưu Bị, dù không có văn thao cũng chẳng giỏi võ lược, nhưng rất được Lưu Bị tin dùng, coi như môn khách để bầu bạn.
Từ Thứ chăm chú nhìn văn cờ, mãi lúc sau mới nói:
— Chúng tại hạ tới từ tối hôm trước. Nghe nói Lưu Biểu bệnh nặng, nên không thể không tới.
Lưu Bị đối đãi rộng rãi với người dưới như là bằng hữu tri kỷ, không giống chủ tớ.
— Ông cũng biết rồi? - Lưu Bị không muốn làm hỏng ván cờ của hai người, lặng lẽ ngồi sang một bên, - Lưu Biểu bệnh nặng không sống được lâu, Tào Tháo dồn ép bên ngoài, Khoái thị, Sái thị đề phòng bên trong, nếu như Lưu Tông kế vị, ta không những không nắm được Kinh Châu, sợ rằng còn chẳng giữ được tấc đất cắm dùi. Thật khiến người ta lo lắng. Không biết Lưu Kỳ tính toán thế nào.
Lưu Diễm nói chen vào:
— Tên tiểu tử đó sợ Sái thị hãm hại, suốt ngày rượu chè múa hát, khổ gượng làm vui. Hắn càng làm thế, Lưu Biểu càng thấy chướng mắt. Chẳng thể trông mong hắn tranh ngôi với Lưu Tông đâu!
Lưu Kỳ là một công tử chơi bời, Lưu Diễm lại giỏi khoản này, thường được Lưu Kỳ kéo đi giải khuây, cho nên cũng biết không ít chuyện. Từ Thứ đi một quân cờ đen, cười nói:
— Chúa công chớ lo lắng quá, Khổng Minh đã có cách đối phó.
Lưu Bị đang sầu muộn, nghe câu ấy mắt chợt sáng lên:
— Khổng Minh bảo các ông tới sao?
— Không phải ông ấy bảo chúng tại hạ tới, chính ông ấy đi theo chúng tại hạ.
— Sao kia? - Lưu Bị nhìn ngược nhìn xuôi, - Khổng Minh đâu? Ta đang muốn thương lượng với ông ấy.
Từ Thứ cười vẻ bí hiểm:
— Chúa công yên tâm, ông ấy đã giúp ngài sắp xếp việc lớn.
Sắp xếp việc lớn? Gia Cát Lượng lại có kỳ mưu gì đây? Lưu Bị đang muốn hỏi cho rõ thì Từ Thứ đẩy bàn cờ, chắp tay nói:
— Đa tạ Lưu huynh đã nhường.
Lưu Diễm ngẩn người nhìn bàn cờ:
— Ông, sao ông lại thắng? Lạ thật, phàm là chuyện ăn chơi, Lưu mỗ chưa từng chịu thua, thế mà không hiểu tại sao hết lần này tới lần khác lại không thắng nổi ông và Khổng Minh? Ban nãy rõ ràng là tôi chiếm thế thượng phong, làm sao ông lật ngược được thế cờ?
— Lưu huynh không hiểu rồi, đánh cờ cũng giống như đánh trận, coi trọng kỳ mưu biến hóa, mọi tiểu tiết đều móc nối với nhau. - Từ Thứ nói đến đây, cố ý liếc nhìn Lưu Bị, - Mặc dù thân ở trong cảnh bất lợi, chạy ăn từng bữa, nhưng chỉ cần dốc lòng mưu tính tất có thể xoay chuyển càn khôn, biến nguy thành an...
Rút thang hỏi kế
Phía đông thành Tương Dương có một đình viện kỳ lạ, tuy không rộng lắm nhưng lầu gác nghiêm trang, bóng cây xanh rì, rất thú vị. Đó là phủ đệ của Lưu Kỳ, trưởng tử của Lưu Biểu. Theo lễ pháp, anh ta thân là đích trưởng tử nhà thế gia phải ở cùng với phụ thân, thế nên hành động này được xem là bất hiếu.
Kỳ thực, ban đầu Lưu Kỳ cũng sống trong mạc phủ, do anh ta là trưởng tử, lại có tướng mạo giống Lưu Biểu nên được gửi gắm khá nhiều kỳ vọng. Có điều gần một năm trở lại đây, Lưu Biểu dần chuyển sang yêu quý Lưu Tông, phu nhân Sái thị lại ngầm chia rẽ tình cảm cha con họ, Lưu Kỳ động một chút là phạm lỗi, liên tục bị quở trách, ngày đêm lo sợ, thành ra phải dựng phủ đệ mãi phía đông Tương Dương để tránh mặt đệ đệ và kế mẫu đầy mưu mô, chỉ cầu bình an. Vị công tử này vốn có hy vọng nối nghiệp phụ thân, ấy vậy mà lại đi đến nông nỗi đó, dù không cam lòng nhưng tài hèn sức mọn, chẳng có kế gì đối phó, cả ngày chỉ biết gửi sầu muộn vào tửu sắc, đàn sáo, thực sự nản chí.
Thế nhưng hôm nay Lưu Kỳ tinh thần rất phấn chấn, còn sai đầy tớ dọn dẹp phòng ốc, bởi anh ta sắp tiếp đón một vị khách quý mà mình đã mến mộ từ lâu, đó là Gia Cát Lượng.
Gia Cát Lượng không phải nhân sĩ gốc Kinh Châu, nguyên quán ở huyện Dương Đô, quận Lang Gia, là hậu duệ của danh thần Gia Cát Phong, nhà Tây Hán. Phụ thân ông là Gia Cát Khuê làm Quận thừa Thường Sơn, nhưng vì bệnh mất sớm khi ông mới lên tám, ông cùng với huynh trưởng là Gia Cát Cẩn và đệ đệ là Gia Cát Quân được thúc phụ là Gia Cát Huyền nhận nuôi. Tiếc rằng hoàn cảnh biến đổi, đúng lúc ấy Thái thú Dự Chương Châu Thuật qua đời, Gia Cát Huyền có giao tình với Viên Thuật, được Viên Thuật ban cho chức quan này. Nhưng triều đình không chấp nhận, lại phái Chu Hạo tới nhận chức Thái thú Dự Chương, cho nên mới có chuyện một quận hai Thái thú. Chu Hạo dù sao cũng là viên quan do thiên tử đích thân nhận mệnh, ông ta liên hợp với Thứ sử Dương Châu lúc bấy giờ là Lưu Do đánh đuổi Gia Cát Huyền. Gia Cát Huyền binh ít bại trận, lại thêm Viên Thuật xưng đế làm mất nhân tâm, nên đành phải tới Kinh Châu nương nhờ Lưu Biểu, nhưng không được trọng dụng, chẳng lâu sau uất hận mà chết.
Gia Cát Lượng năm đó mười sáu tuổi, một lần nữa mất đi chỗ dựa, nhưng ông ta vẫn luôn chăm chỉ đọc sách, rất có chí khí, được nhiều nhân sĩ quan tâm, chiếu cố. Phía nam sông Miện có một vị hiền sĩ tên là Hoàng Thừa Ngạn, thấy ông ở trong nghịch cảnh mà vẫn vững chí, bèn gả con gái cho, còn giúp ông lập nghiệp tại đất này. Hoàng thị là dòng tộc không tầm thường, thê tử của Hoàng Thừa Ngạn chính là tỷ tỷ của Sái Mạo - đứng đầu các hào tộc, mà muội muội của Sái Mạo lại là vợ kế của Lưu Biểu, Hoàng Thừa Ngạn là huynh đệ đồng hao với Lưu Biểu, cũng khá có ảnh hưởng ở Kinh Châu. Mặt khác, đại tỷ của Gia Cát Lượng được gả cho Thái thú Phòng Lăng Khoái Kỳ, người Khoái thị, huynh trưởng ông là Gia Cát Cẩn được Tôn Quyền trọng dụng. Vi vậy, Gia Cát tiên sinh thân ở nơi đất khách nhưng vận số rất tốt, chỉ cần ông muốn thì lúc nào cũng có thể kéo gần quan hệ với Lưu Biểu, Khoái thị, Sái thị, thậm chí cả Tôn Quyền ở Giang Đông.
Người bình thường có họ hàng quý hiển, hẳn sẽ tìm mọi cách nịnh bợ, song Gia Cát Lượng lại khác. Ông nhận ra Lưu Biểu hèn nhát bất tài, cũng nhận ra hai đại tộc Sái, Khoái chẳng có chí hướng lớn lao gì, chỉ muốn được an thân, nên không những không đi lại với bọn họ, còn dựng một căn nhà tranh ở mãi vùng núi Long Trung, phía tây thành Tương Dương, kết thân với những tài sĩ du lãm trẻ tuổi như Thôi Châu Bình, Thạch Quảng Nguyên, Mạnh Công Uy, được xưng tụng là “Ngọa Long”. Ông cả ngày ngâm thơ làm phú, đàm luận cổ kim, tự ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị, muốn đợi được giá mới bán, cũng chính là muốn đợi được vị minh chủ có chí hướng, có tài cán thực sự xuất hiện. Và, người ông đợi sau cùng là Lưu Bị.
Xét kỹ, Lưu Kỳ và Gia Cát Lượng cũng là chỗ họ hàng, nhưng trước đây không hề đi lại, từ ngày Lưu Kỳ kết thân với Lưu Bị, quan hệ giữa hai người mới gần gũi hơn. Lưu Kỳ biết Gia Cát Lượng rất tài trí, mấy lần viết thư tới Tân Dã hỏi kế đối phó với kế mẫu và đệ đệ, nhưng Gia Cát Lượng luôn lấy cớ kẻ sơ không thể ly gián người thân để từ chối.
Nhưng hôm nay không biết ngọn gió nào đã đưa ông tới, mà Gia Cát Lượng lại chủ động tìm đến bái kiến, làm sao Lưu Kỳ không vui cho được? Anh ta vội vàng chuẩn bị tiệc bàn, còn đích thân mời Gia Cát Lượng một chén rượu:
— Khổng Minh huynh từ ngày theo Huyền Đức công đều ở Tân Dã, hiếm khi tới Tương Dương một chuyến, nhất định phải ở lại chỗ ta mấy ngày đấy.
— Công tử chớ nên khách sáo. - Vị Gia Cát tiên sinh này năm nay mới hai mươi tám tuổi, mặt mày thanh tú, dáng người cao lớn, nói năng điềm đạm nhưng không thiếu vẻ nghiêm trang, có điều phong thái trầm tĩnh ấy dường không hợp với tuổi của ông ta. - Huyền Đức công dẫn quân cứu Giang Hạ, sắp phải về Tương Dương phục lệnh, tại hạ tới nghênh đón chúa công. Được công tử xem trọng nhiều lần gửi thư thăm hỏi, nên hôm nay nhân tiện tới bái vọng.
Lưu Kỳ thấy Gia Cát Lượng không phải có lòng tới tìm mình mà chỉ là chào hỏi cho phải phép, nghĩ rằng ông sẽ không chịu hiến kế cho mình, không khỏi có chút thất vọng, nhưng vẫn gượng cười:
— Khổng Minh huynh giữ khoảng cách rồi, ta và huynh đâu phải người ngoài, không cần phải câu nệ lễ nghi. Nào, mời cạn chén!
Gia Cát Lượng từ đầu đến cuối vẫn ngồi nghiêm trang, giữ đúng phép tắc, trong sự nhã nhặn lộ ra vài phần xa cách. Lưu Kỳ cũng không tiện nói nhiều, chỉ huyên thuyên chuyện đông chuyện tây trong lúc uống rượu. Nhưng vì có tâm sự nên mới uống được hai chén đã không nhịn được, ấp úng nói:
— Khổng Minh huynh, chuyện lần trước ta nhắc tới trong thư, không biết huynh...
Gia Cát Lượng không đợi Lưu Kỳ nói hết câu ấy đã ngắt lời:
— Đó là chuyện nhà công tử, Lượng không dám xen vào.
— Đúng vậy, đúng vậy.
Lưu Kỳ bị từ chối khéo, lại ậm ừ cho qua. Thế nhưng, bầu không khí càng lúc càng trở nên ngượng ngập, lúng túng, hai người trước kia chưa từng trò chuyện với nhau, Lưu Kỳ mong ngóng Gia Cát Lượng chẳng qua là vì muốn hỏi kế sách, mà ông ta lại không chịu nói thì còn biết nói chuyện gì? Hai người ngồi đối diện hồi lâu, chẳng ai nói gì, thi thoảng lại nhấp hớp rượu.
Lưu Kỳ thực sự sốt ruột, một lúc lâu sau lại không nhịn nổi nữa, đột nhiên phục xuống trước mặt Gia Cát Lượng, không gọi là “Khổng Minh huynh” mà đổi thành “tiên sinh”:
— Tiên sinh nhiều lần nói kẻ sơ không thể ly gián người thân, nhưng Kỳ bị kế mẫu và đệ đệ bức ép, nay phụ thân ngã bệnh không dậy nổi, nếu người không may qua đời, hai mẹ con họ nắm được đại quyền, há có thể tha cho ta? Tính mạng của ta đang treo đầu sợi tóc, tiên sinh lẽ nào lại nhẫn tâm thấy chết mà không cứu?
— Công tử không thể hạ mình được! - Gia Cát Lượng vội đứng lên, - Lượng chỉ là tôi tớ của hạ thần, sao dám mưu việc hại đến tình cốt nhục của nhân chủ? Việc này can hệ rất lớn, nếu lộ ra ngoài sẽ có họa to, mong công tử thứ lỗi. Xin ngài mau đứng lên!
Lưu Kỳ nghe Gia Cát Lượng nói câu “nếu lộ ra ngoài sẽ có họa to”, biết là ông đã có diệu kế nhưng không chịu nói, nên quyết không đứng dậy, níu vạt áo nài nỉ:
— Việc này liên quan đến sự sống chết của ta, khẩn cầu tiên sinh bạo gan nói thẳng.
— Công tử cứ gượng ép như vậy, tại hạ không dám nán lại, xin cáo biệt tại đây! - Gia Cát Lượng dứt áo, xoay người toan đi khỏi khách đường.
Lưu Kỳ đang cố bấu vào cọng rơm cứu mạng, sao có thể để ông chạy mất? Bèn vội vàng đuổi theo giữ tay Gia Cát Lượng lại, cười nhăn nhó:
— Khoan đã! Tiên sinh không nói thì thôi, sao phải vội vậy? Ta không nhắc lại chuyện đó nữa là được chứ gì, nào nào...
Gia Cát Lượng cũng không cự tuyệt, mặc cho anh ta kéo vào. Lưu Kỳ thu lại vẻ mặt đáng thương, lại rót đầy chén rượu cho Gia Cát Lượng, lát sau nói:
— Bữa trước, ta tìm được một cuốn thẻ tre cũ trong dân gian, niên đại rất lâu, dây bện đã đứt, chữ viết bên trên là chữ điều triện, hình như là sách binh pháp thời xưa. Ta tài sơ học thiển, kiến thức hạn hẹp, muốn phiền tiên sinh xem thử.
— Cổ thư? - Gia Cát Lượng tỏ vẻ hứng thú, - Vật lạ như thế phải tìm các vị kinh học tiền bối, tại hạ chưa chắc hiểu được.
— Nói thực, ta đã nhờ hết lượt người trong mạc phủ, nhưng không ai biết. Nghe nói tiên sinh học nhiều sách vở, có lẽ đọc được. - Lưu Kỳ cao giọng gọi một đầy tớ ở dưới nhà, - Ngươi sắp xếp lại thư các, quét dọn sạch sẽ, lát nữa ta đưa tiên sinh qua đó, không được thất lễ với khách quý.
Gia Cát Lượng cười nói:
— Đâu cần phiền hà như vậy?
Nhưng Lưu Kỳ lại nói:
— Thư các của ta thường ngày bề bộn, sợ tiên sinh chê cười, nên cần phải dọn dẹp qua.
Dứt lời liền tiến lại gần tên đầy tớ đó, nói nhỏ vài câu. Gia Cát Lượng nhìn thấy nhưng cũng không hỏi gì.
Hai người tiếp tục uống rượu, trò chuyện về lai lịch của cuốn sách cổ. Lát sau, đầy tớ quay lại bẩm báo đã chuẩn bị xong đâu đấy. Lưu Kỳ bỏ chén rượu xuống, dẫn Gia Cát Lượng tới thư các ở hậu viện. Đó là một gác nhỏ có hai tầng được dựng bằng tre, tuy nhỏ nhưng lại rất đẹp. Gia Cát Lượng bước vào cửa, chỉ thấy bên trong kê vài thư án, trên đó bày những thứ như đàn dao cầm, bình đầu hồ, bàn cờ, bộ lục bác, chẳng thấy những cuốn thẻ tre đâu cả. Nó nào phải thư các mà giống nơi vui chơi của vị công tử này thì đúng hơn.
Lưu Kỳ cười ngượng ngùng:
— Để tiên sinh chê cười rồi, đây là những đồ tiêu khiển của ta hằng ngày, còn thẻ tre đều ở trên lầu. - Nói đoạn tự kéo cái thang(*) để cạnh tường ra, gá lên lầu trên. - Mời tiên sinh...
Gia Cát Lượng nhấc vạt áo, vịn thang leo lên trước. Lầu hai càng đặc sắc hơn, trên tường treo các loại cung tên, tú cầu đủ màu, nhưng vẫn chẳng thấy nửa cuốn thẻ tre. Lưu Kỳ đi ngay sau ông ta, cười hỏi:
— Ngài thấy cái gác nhỏ này của ta có thú vị không?
— Công tử để cổ thư ở đâu?
— Không có cuốn sách cổ nào cả, ta đưa tiên sinh lên đây vì muốn ngài chỉ cho kế sách tránh họa.
Gia Cát Lượng giận dữ nói:
— Công tử lại nhắc tới chuyện này, tại hạ xin cáo từ!
Rồi phất tay áo bỏ đi, nhưng ra đến cửa lầu, nhìn xuống: cái thang ban nãy đã bị cất đi rồi. Lưu Kỳ lại quỳ xuống lần nữa, nói giọng khẩn khoản:
— Kỳ muốn xin kế hay, nhưng tiên sinh sợ bị lộ, không chịu nói. Nay ở chỗ này, trên không đến trời, dưới không chạm đất, lời nói ra từ miệng tiên sinh chỉ có tai ta nghe thấy. Xin tiên sinh nói chỉ giáo.
— Công tử... - Gia Cát Lượng dường hạ quyết tâm lớn lắm, ngần ngừ một lát, bỗng giậm chân nói, - Thôi được! Công tử đã khẩn thiết như vậy, Lượng nào dám không nói hết?
Lưu Kỳ cuối cùng cũng được như nguyện:
— Kế ấy như thế nào?
— Ngài hãy đứng lên trước đã.
Gia Cát Lượng từ từ tiến lại, đưa tay ra dìu nhưng Lưu Kỳ vẫn một mực quỳ dưới sàn, tỏ ý không cầu được kế sách đối phó, quyết không đứng dậy. Gia Cát Lượng thấy Lưu Kỳ cố chấp, mủm mỉm bảo:
— Chuyện nhỏ như vậy mà công tử cũng phải sầu não đến mức này? Chẳng lẽ ngài chưa nghe chuyện về Thân Sinh, Trùng Nhĩ ư?
— Chuyện về Thân Sinh, Trùng Nhĩ? - Lưu Kỳ mặc dù không giỏi Xuân Thu, nhưng cũng hiểu được đoạn sử đó.
Vua nước Tấn thời Xuân Thu là Tấn Hiến Công vũ lược xuất chúng, thôn tính các nước, đến cuối đời lại hồ đồ đa nghi, sủng ái Ly Cơ. Ly Cơ muốn đưa con trai mình lên kế vị nên gièm pha thái tử Thân Sinh cùng với hai công tử Di Ngô, Trùng Nhĩ, Tấn Hiến Công bị lung lạc, sai người bức hại cả ba nhi tử. Thái tử Thân Sinh ngu trung ngu hiếu, không chịu chạy trốn, bị ép tự vẫn, Di Ngô và Trùng Nhĩ khi đó đang đồn trú ở bên ngoài, biết tin liền bỏ trốn, lịch sử gọi là “loạn Ly Cơ”. Sau khi Hiến Công qua đời, nước Tấn rơi vào nội loạn, hai mẹ con Ly Cơ bị giết, còn Di Ngô, Trùng Nhĩ lần lượt được Tần Mục Công giúp về nước lên ngôi vua. Về sau, Trùng Nhĩ trở thành Tấn Văn Công tiếng tăm lẫy lừng. Ông ta nhớ ơn tương trợ của Tần Mục Công, nên kết giao với Tần Mục Công, hai nước cùng chung hoạn nạn, gọi là “Tần Tấn chi hảo”.
Gia Cát Lượng nhìn xuống sàn, thờ ơ nói:
— Thân Sinh ở trong nước thì chết, Trùng Nhĩ ở bên ngoài thì yên, trải qua gian nguy sau cùng làm nên nghiệp bá. Thành bại của tiền nhân không đủ làm gương cho ngài hay sao?
— Ý tiên sinh là ta phải trốn khỏi Tương Dương? - Hai mắt Lưu Kỳ sáng lên, rồi lại sa sầm, - Nhưng ta biết đi đâu đây...
Gia Cát Lượng im lặng hồi lâu, chậm rãi nói:
— Vậy phải xem công tử có muốn làm chủ Kinh Châu không đã...
Lưu Kỳ vốn nghĩ rằng muốn tự bảo vệ mình còn khó nên không có ý muốn tranh giành với đệ đệ, giờ nghe ẩn ý của Gia Cát Lượng xem ra vẫn có thể xoay chuyển được cục diện. Anh ta sửng sốt đứng bật dậy, nắm lấy tay ông:
— Tiên sinh không những có thể cứu được ta, còn có thể giúp ta làm chủ Kinh Châu sao?
— Theo lễ pháp về thứ tự đích thứ, trưởng ấu từ xưa đến nay, đáng lẽ công tử phải được kế thừa ngôi vị. Dù cho có tiểu nhân chia rẽ từ bên trong, công tử cũng có thể được như ý. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, trước mắt không thể nắm chắc mười phần, song cũng chớ ngại thử. Chỉ sợ... - Gia Cát Lượng nói nửa chừng lại thôi, hai mắt chăm chú nhìn Lưu Kỳ, rút tay về, quay mặt thở dài, - Chỉ sợ công tử đã quen an nhàn, không được bền chí. Bỏ đi, coi như tại hạ chưa từng nói đến những lời này.
Gia Cát Lượng làm cho cõi lòng đã chết của Lưu Kỳ được sống lại, đang nhấp nhổm muốn thử thì lại thấy ông có ý coi thường, vị công tử này thường ngày sống trong nhung lụa, há từng chịu khinh dễ? Lưu Kỳ nghiêm giọng bảo:
— Gia Cát Khổng Minh! Ta thường ngày không quan tâm đến việc chính nhưng cũng có hùng tâm tráng chí. Mạnh Tử nói: “Thiên tương giáng đại nhiệm vu tư nhân dã, tất tiên khổ kỳ tâm chí, lao kỳ gân cốt, ngạ kỳ thể phu.”(*) Kỳ ta đã phải chịu khổ sở, lại phải chịu trách tội, chúa đất Kinh, Tương ngoài ta ra còn kẻ nào xứng? Quyết một trận sống mái, có gì tiếc nuối?
Gia Cát Lượng chính đang cần thái độ này. Ông cười thầm nhưng giả bộ kinh ngạc, liên tục chắp tay:
— Công tử chớ có làm ầm lên, tai vách mạch rừng...
— Sợ gì chứ? - Ông càng khuyên, Lưu Kỳ càng bạo miệng, - Quanh đây đều là người của ta, dù kẻ khác nghe được cũng chẳng sao. Nghĩa khí của ta đang cần phát tiết!
Gia Cát Lượng bịt miệng Lưu Kỳ lại:
— Công tử không cần nổi giận, tại hạ xin nói thẳng vậy. Nay Hoàng Tổ đã chết, Tôn Quyền lại bỏ Tây Lăng mà đi, sao công tử không xin ra trấn giữ Giang Hạ? Một là có thể ở ngoài tránh họa, hai là có thể tích lũy thực lực cho sau này.
Lưu Kỳ còn đang mừng rỡ, vừa nghe thấy câu phải đi Giang Hạ, phòng ngự Tôn thị, lòng lại chùng xuống:
— Làm thế có được không? - Chưa nói tới việc lĩnh binh đánh trận, Lưu Kỳ sống đến nay đã ngoài hai mươi tuổi nhưng chưa từng rời xa phụ thân, nếu Tôn Quyền lại tấn công lần nữa, anh ta sao ứng phó được?
— Công tử e sợ Tôn Quyền? - Gia Cát Lượng nói khích.
— Ta há lại sợ hắn? Ta sợ... sợ...
Gia Cát Lượng mỉm cười:
— Công tử chớ sợ, ngài cứ đi trước, lệnh tôn tất sẽ phái binh theo sau phụ trợ. Ngài có thành trì, lại được binh mã, càng có thêm lợi thế để tranh ngôi. Hơn nữa, còn có Huyền Đức công âm thầm giúp đỡ, đủ để kháng lại hai nhà Khoái thị, Sái thị. Nếu lệnh tôn không may qua đời, bọn họ dám phế trường lập ấu, công tử có thể cùng Huyền Đức công khởi binh, hai đạo quân hội họp tại Tương Dương. Đến lúc đó, Huyền Đức công lại tôn ngài làm chúa Kinh Châu, trường ấu tiếp nối, trở về chính đạo, há chẳng vượt qua tai kiếp, xoay chuyển càn khôn?
Lưu Kỳ lặng lẽ suy ngẫm, lúc lâu sau mới lý nhí nói:
— Có lý... có lý! Lát nữa ta tới chỗ phụ thân xin lệnh.
— Hãy khoan. - Gia Cát Lượng cười ha hả cắt lời, - Chuyện này trọng đại, công tử không nên xem nhẹ. Theo ý tại hạ, sao ngài không mở lời với phu nhân Sái thị trước?
— Ta tự đi xin phụ thân, sao phải cầu xin mụ đàn bà đó? - Nhắc tới Sái thị, Lưu Kỳ lại giận sôi gan.
— Công tử nói sai rồi! Lệnh tôn bệnh không dậy nổi, mọi việc trong châu đều do hai vị Sái, Khoái xử lý, nếu như công tử hỏi thẳng lệnh tôn, họ nghi ngờ bên trong có bẫy, không chịu đồng ý thì sao? Chi bằng, ngài đi gặp phu nhân Sái thị trước, nói với bà ấy thế này: “Con không có ý tranh ngôi với đệ đệ, chỉ muốn ra ngoài trấn thủ, xin mẫu thân mở cho đường sống.” Phu nhân thấy công tử sợ hãi, muốn đi lánh nạn, nghĩ rằng ngài đi khỏi thì nhị công tử không còn đối thủ, có thể thuận lợi kế vị, chắc chắn sẽ tìm cách ủng hộ việc này.
— Hay! Hay lắm! Tiến sinh đúng là thần cơ diệu toán!
Lưu Kỳ đã xua được hết mây đen trong lòng, vỗ đùi cười lớn. Gia Cát Lượng nói lời sâu xa:
— Công tử quá khen. Nhị công tử trẻ người non dạ, không kham nổi trọng trách, tại hạ là tiểu lại của Kinh Châu, tất lẽ phải chọn vị chúa anh minh.
Đó là những lời thật lòng. Lưu Kỳ ngỡ rằng “vị chúa anh minh” mà ông ta nói là mình, khuôn mặt lộ vẻ đắc ý:
— Nếu ta thật sự có thể nối ngôi phụ thân, dựng nên nghiệp bá như Tấn Văn Công thì tiên sinh chính là Tử Phạm, Triệu Thôi(*) của ta!
— Đa tạ công tử...
Gia Cát Lượng vái một vái dài, nhưng trong lòng lại ngầm tính toán: trí nhỏ mưu việc lớn mà cũng đòi so với Tấn Văn Công ư? Ta chẳng muốn làm một Tử Phạm hay Triệu Thôi của ngài, ta muốn làm Bách Lý Hề, phò tá một vị giống như Tần Mục Công ngư ông đắc lợi từ kế sách này, đặt nền móng cho con đường tiến lên nghiệp đế!
Lưu Biểu phó thác
Lưu Biểu tự Cảnh Thăng, người huyện Cao Bằng, quận Sơn Dương, là tông thất nhà Hán, hậu duệ của Lỗ Cung Vương Lưu Dư thời Tiền Hán, chắt chính dòng của Hán Cảnh Đế. Ông ta mình cao tám thước, tướng mạo anh tuấn, thành danh sớm hơn những người cùng tuổi, mới ngoài hai mươi đã nổi tiếng khắp giới sĩ lâm. Ông cùng với những bậc trưởng bối như Trương Kiệm, Sầm Chất được xếp vào hàng “Bát cập”(*) trong nhóm đảng nhân, cũng từng phải chịu trắc trở vào thời xảy ra họa đảng cố. Về sau, giặc Khăn Vàng nổi lên, đảng nhân được trả tự do, ông được Đại tướng quân Hà Tiến vời làm duyện thuộc, sau nhận chức Bắc quân Trung hầu, lúc thiên hạ động loạn được triều đình nhận mệnh làm Thứ sử Kinh Châu.
Kinh Châu vốn không phải là nơi trù phú đông dân, khi khởi nghĩa Khăn Vàng nổ ra, nơi đây cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Đến khi thảo phạt Đổng Trác, Tôn Kiên lại tự ý giết hại Thứ sử Vương Duệ, bọn hào cường Tô Đại, Bối Vũ, Trương Hổ mỗi kẻ chiếm một vùng, khiến cho lê dân bách tính không biết phải theo ai, thêm vào đó bệnh dịch hoành hành, vô cùng tang thương. Lúc Lưu Biểu tiếp quản, Kinh Châu là một mớ hỗn loạn.
Bấy giờ trị sở không đặt ở Tương Dương mà tại huyện Lỗ Dương, quận Nam Dương, đang bị Viên Thuật không chế. Lưu Biểu chỉ là một văn nhân đơn độc đi nhận chức, không có binh mã cũng chẳng có liêu thuộc, đành chạy đến huyện Nghi Thành trú chân, may được sự giúp đỡ của Khoái thị, Sái thị nên mới có thể chỉnh đốn và sắp đặt binh mã, tiến đánh Viên Thuật, phục kích Tôn Kiên, diệt trừ các thế lực cát cứ, an định đất này, sau đó dựng trị sở mới ở Tương Dương. Hơn chục năm qua, Lưu Biểu chăm lo chính sự, không những giúp bách tính có cuộc sống yên ổn mà còn hậu đãi nhân sĩ xuôi nam lánh nạn, khởi xướng văn hóa, phát triển danh giáo. Vì thế, Tương Dương giờ là nơi phố thị phồn hoa, quy tụ nhiều văn sĩ nổi tiếng như Tống Trung, Hàm Đan Thuần, bậc thầy nhạc lý như Đỗ Quỳ, Thiệu Đăng, đến cả danh y Trương Trọng Cảnh cũng làm Thái thú Trường Sa dưới trướng ông ta, vừa xử lý chính vụ, vừa thu thập tài liệu để viết nên tác phẩm lớn Thương hàn tạp bệnh luận. Văn hóa ở Kinh Châu còn hưng thịnh hơn cả Hứa Đô, không bị cuốn vào sự nhiễu loạn của thời cuộc, đó quả là một kỳ tích.
Lưu Biểu giỏi kinh thế tế dân, song lại không có tài chinh phạt thiên hạ. Đứng trước những sóng gió to lớn cuối đời Hán, tình hình Trung Nguyên biến đổi tới mức chóng mặt, ông chọn kế sách bố trí Hoàng Tổ ở Giang Hạ phòng ngự Tôn thị, Khoái Kỳ ở Phòng Lăng phòng ngự Lưu Chương, còn Trương Tú ở Nam Dương phòng ngự Tào Tháo. Từ khi Trương Tú hàng Tào, Lưu Biểu lại thay Lưu Bị vào vị trí của ông ta, dùng mấy “tấm khiên” đó che chắn Tương Dương. Về mặt nội chính, ông trao quyền cho những thân sĩ địa phương như bọn Sái Mạo, Khoái Việt, cố gắng duy tri thái bình cho một mẫu ba phân đất dưới chân mình. Còn bản thân ông chuộng nhất việc chiêu đãi kẻ sĩ lánh nạn, uống rượu ca hát, ngồi trấn phong nhã.
Bình tâm mà xét, Lưu Biểu có lẽ cũng muốn làm nên thành tựu, nhưng ông tài năng tầm thường, không dám mạo hiểm, lại thêm không có được thế cân bằng với hai kẻ thù lớn là Tào Tháo ở phương bắc và Tôn thị ở Giang Đông nên luôn để lỡ cơ hội tốt. Nhưng chuyện tới nước này, tất thảy đều không còn quan trọng nữa, Lưu Biểu tuổi gần bảy mươi, bệnh ngấm sâu vào xương tủy, đến bản thân cũng hiểu là khó có thể gượng được đến ngày Tào Tháo ồ ạt dẫn quân nam chinh.
Ông tựa vào thành giường, sắc mặt tái nhợt, người gầy trơ xương, thẫn thờ nhìn bức bình phong đặt cạnh giường vẽ lại câu chuyện Tây Vương Mẫu ban đào tiên cho Hiếu Vũ Đế. Hiếu Vũ Đế Lưu Triệt một đời anh dũng thông tuệ, nhiều lần khẩn cầu thần linh mà không được trường thọ, vẫn phải bước qua cánh cửa sinh tử. Vị vua thánh minh như thế còn không thoát khỏi cái chết thì ai có thể trốn tránh được? Lưu Biểu nhận được chút an ủi khi nhìn vào bức bình phong, đoạn từ từ quay lại nhìn Lưu Bị ngồi kế bên.
Giờ khắc này, người đàn ông dệt chiếu bán giày, lòng mang chí lớn ấy đang ém chăn cho ông, vẻ mặt cung kính buồn bã, dường rất lo cho bệnh tình của ông. Nhưng liệu đó chỉ là biểu hiện bề ngoài chăng? Lưu Biểu không đoán ra được, nói giọng run run:
— Lão phu sơ suất, khiến Hoàng Tổ bại vong, còn khiến tướng quân phải vất vả bôn ba, thực có phần áy náy.
Lời này thể hiện sự khiêm nhường của một vị chúa cát cứ, nhưng trong đó cũng ẩn chứa sự xa cách.
Lưu Bị thoáng hốt hoảng:
— Hoàng Tổ trận vong đâu phải lỗi của chúa công, mà do thuộc hạ cứu viện không thành. Chúa công không trách tội đã là rất nhân từ, sao có thể tự nhận lỗi thay chúng thuộc hạ?
Lưu Biểu hài lòng với câu trả lời ấy, nhưng vẫn có ý đề phòng:
— Ta đổ bệnh thật chẳng đúng lúc, nghe nói Tào Tháo đã diệt được Đạp Đốn, trở về Hứa Đô, ngày tai họa ập xuống Kinh Châu ở ngay trước mắt rồi. Ta thì chẳng sống được bao lâu, theo ý Huyền Đức thì nên sắp xếp chuyện sau này ra sao?
Có thể hiểu câu nói “sắp xếp chuyện sau này ra sao” dưới nhiều lớp nghĩa, có thể hiểu là nên lập nhi tử nào làm người kế vị, cũng có thể hiểu là nên chống đỡ Tào Tháo ra sao. Bất kể Lưu Bị trả lời thế nào cũng sẽ bộc lộ một phần toan tính của mình, Lưu Biểu sẽ dễ dàng nhận ra chí hướng lúc này của ông ta. Thế nhưng, Lưu Bị lại nói:
— Con người ta không thể khỏe mãi được, cũng có những lúc mắc bệnh nhẹ, hạn nhỏ. Chúa công chỉ cần tĩnh dưỡng nhiều hơn ắt sẽ khỏi thôi, sao phải lo chuyện sau này?
— Cũng mong được như lời tướng quân nói. - Lưu Biểu nắm chặt góc chăn bông, đành phải xuống nước bảo, - Lúc trước tướng quân khuyên ta nhân lúc Tào Tháo viễn chinh mà tập kích Hứa Đô, ta không chịu nghe, bây giờ nghĩ lại cứ hối hận mãi. E là sau này không còn cơ hội bắc tiến nữa rồi.
— Chúa công không cần tự trách. - Lưu Bị vẫn nói giọng khiêm nhường, - Nay thiên hạ chia cắt, chinh chiến liên miên, cơ hội vẫn còn nhiều, há lại không có nữa? Lần này bỏ qua, lần sau ắt có.
— Tướng quân an ủi ta đấy à... - Lưu Biểu thở một tiếng nặng nề, - Phương bắc khói lửa đã tắt, đâu còn cơ hội sót lại? Xét về cách nhìn nhận thời cuộc, lão phu còn kém xa ông... Khụ khụ!
Chưa dứt lời Lưu Biểu đã ho sặc sụa, thở không ra hơi. Lưu Bị vội vuốt ngực cho ông ta:
— Chúa công bảo trọng thân thể.
Y Tịch nãy giờ vẫn đứng hầu một bên, trong lòng nóng như lửa đốt, thầm trách Lưu Biểu: đã là lúc nào rồi, không mở lòng nói toạc ra, còn bày đặt tâm cơ? Đúng lúc ấy, Y Tịch trông thấy một nô bộc bê bát thuốc đi vào, liền đoạt lấy, ấn vào tay Lưu Bị, còn nháy nháy mắt.
Lưu Bị biết ý, tự mình giúp Lưu Biểu uống thuốc. Bát thuốc còn hơi nóng, ông ta múc một thìa đưa lên miệng thử trước, lại thổi nhẹ mới cẩn thận đút cho Lưu Biểu. Ông ta dặn dò:
— Chúa công uống từ từ thôi, chớ vội.
Lại lấy ống tay áo khẽ lau trên khóe miệng. E rằng đến cả Lưu Kỳ, Lưu Tông cũng không hầu hạ phụ thân mình được chu đáo như thế. Uống hết bát thuốc, Lưu Biểu không còn ho nữa, khẽ nhắm mắt lại nghỉ ngơi. Y Tịch thấy sắp đến lúc quan trọng, tiến lại nói nhỏ vào tai ông:
— Chúa công cũng nên giao phó một tiếng việc quân cho Huyền Đức công chăng?
— Phải rồi. - Lưu Biểu choàng mở mắt, - Hôm qua Kỳ nhi nói với ta, nó muốn tiếp quản việc trấn thủ Giang Hạ, không biết Huyền Đức nghĩ thế nào?
Y Tịch nghe xong hơi nản lòng. Ông ta chỉ hy vọng Lưu Biểu sẽ trao quân quyền cho Lưu Bị, để Lưu Bị toàn lực kháng lại Tào Tháo, đồng thời ngăn chặn cục diện hai nhà Sái, Khoái thâu tóm hết quyền lực, cho nên đã bỏ không ít tâm tư vun vén, nhưng hình như Lưu Biểu không có ý này.
Lưu Bị nhíu mày trầm tư hồi lâu mới nói:
— Tào Tháo hùng mạnh nhưng cũng không thể không đề phòng Giang Đông. Giang Hạ là trọng địa, không nên cắt cử người ngoài, công tử xin đi cũng thỏa đáng. Sau này việc phía đông nam, cha con chúa công cùng đảm đương; còn mé tây bắc, Bị xin tận lực gánh vác.
Lưu Biểu không bàn đúng sai, lại bảo:
— Ta đã lực bất tòng tâm, Kỳ nhi xưa nay tâm tính bất định, e là khó có thể kham nổi trọng trách. Huyền Đức có thể tạm rời Tân Dã tới giúp đứa con này của ta chăng?
Lưu Bị tỏ vẻ không hiểu:
— Chúa công bảo thuộc hạ đóng quân ở Giang Hạ, hiệp trợ đại công tử?
— Không, không. Ý của lão phu là muốn mời tướng quân đóng quân dọc theo sông Hán Thủy, để tiếp ứng Giang Hạ. - Lưu Biểu từ trước tới nay không tín nhiệm Lưu Bị, chỉ muốn mượn sức của ông ta để ngăn chặn Tào Tháo. Nhưng đất Tân Dã mà Lưu Bị hiện đang đồn trú lại ở rất xa Tương Dương, nếu Lưu Biểu nhắm mắt buông tay, Lưu Tông còn ít tuổi, e sẽ khó bề khống chế được Lưu Bị, cho nên ông không thể không đề phòng. Thực ra, việc cho Lưu Bị “đóng quân dọc theo sông Hán Thủy” tức là sẽ phải lui về phía nam, đặt Tương Dương vào vòng nguy hiểm, song có thể tách Lưu Bị và Lưu Kỳ ra. Nếu hai người bọn họ hợp binh lại một chỗ, cùng đánh Lưu Tông, liệu Lưu Tông còn ngồi yên được trên ngôi vị của mình không?
Lưu Bị nghe xong vò đầu bứt tai, như phải suy nghĩ nát óc, mãi lâu sau mới đề nghị:
— Nếu chúa công cho phép, thuộc hạ xin lĩnh binh đồn trú Phàn Thành, một khi Giang Hạ xảy ra nạn binh đao, thuộc hạ có thể xuôi dòng Hán Thủy xuống cứu viện cũng thuận tiện.
— Được, tốt lắm.
Phàn Thành và Tương Dương chỉ cách nhau một con sông Hán Thủy, nhìn gần trong gang tấc, Lưu Bị đóng tại Phàn Thành chẳng khác nào tự chui vào tầm mắt của Tương Dương, đúng ý Lưu Biểu:
— Ngày mai tướng quân trở về Tân Dã, mau chóng điều quân tới đó. Tướng quân đến sớm ngày nào, ta an tâm ngày ấy.
Đây là những lời hoàn toàn thật lòng. Lưu Bị khảng khái xin thề:
— Chúa công yên tâm, thuộc hạ nhất định không phụ hậu ân của ngài.
Lưu Biểu lặng lẽ nhìn Ông ta hồi lâu, bỗng nói vẻ sâu xa:
— Ta đã bệnh nặng, tự biết mình không còn ở lại nhân thế được bao lâu nữa. Tông nhi, Kỳ nhi đều bất tài, chư tướng lại tản mát các nơi, sau khi ta chết, Huyền Đức hãy thay ta nắm lấy Kinh Châu được không?
Y Tịch đợi câu này đã lâu, hai mắt chợt sáng lên, đang định phụ họa thì thấy Lưu Bị bỏ bát trong tay, quỳ sụp xuống:
— Thuộc hạ hèn kém, không có tài cán gì, tuyệt không dám dòm ngó Kinh Châu. Chư vị công tử đều là bậc hiền nhân, chắc chắn sẽ làm nên đại nghiệp, thuộc hạ làm chân ưng khuyển là đủ rồi! Xin chúa công thu lại lời này...
Dứt lời liên tục dập đầu. Lưu Biểu dồn sức, nghiêng người nhìn thẳng Lưu Bị, thấy ông ta run như cầy sấy, xem chừng trong lòng vô cùng kinh sợ, nhưng Lưu Biểu vẫn không dám khinh suất, tiếp tục nói:
— Lão phu không phải nói đùa, Huyền Đức nếu như nguyện ý thì chớ từ chối. Xét khắp thiên hạ hiện giờ, còn ai có thể chống lại Tào Tháo ngoài tướng quân? Trước kia, Đào Khiêm đã từng tặng Từ Châu cho tướng quân, nay lão phu cũng nguyện nhượng lại Kinh Châu. Đây đều là... đều là thiên hạ đại Hán của Lưu thị ta cả mà.
Lưu Biểu nghĩ đủ mọi điều mới tìm ra một lý do khiên cưỡng. Lưu Bị vẫn liên tục dập đầu:
— Thuộc hạ năm đó bại trận Nhữ Nam, được chúa công cứu mạng, ơn tái sinh lớn bằng trời, nào dám có nửa phần tham cầu. Xin chúa công lo cho thân thể, chớ nghĩ nhiều.
Nói đến cuối chợt nghẹn giọng, hai hàng nước mắt tuôn rơi. Y Tịch lắc đầu quầy quậy, cảm thấy rất tiếc nuối: Huynh đệ Lưu Tông hèn yếu bất tài, bọn Khoái Việt, Sái Mạo lại tự tư tự lợi, duy Lưu Bị có khả năng chống đỡ Tào Tháo thì lại không chịu tiếp nhận đại quyền, sau này biết sống sao đây?
Y Tịch đang mong Lưu Biểu nói thêm mấy lời tha thiết, chân thành, nào ngờ ông ta lại thu lại lời đã nói:
— Không phải ta nghĩ nhiều, ta thấy tướng quân quá không tin tưởng bản thân. Lão phu vẫn luôn tín nhiệm tướng quân, nhưng tướng quân đã không chịu, vậy coi như ta chưa từng nói! Tông nhi còn nhỏ, sau này còn phải trông cậy nhiều vào tướng quân, mong tướng quân cùng với Khoái công, Sái công hiệp lực phò tá con ta. Ta dẫu đi rồi, trời xanh có linh cũng sẽ cảm kích chư vị...
Nói đến đây, Lưu Biểu thể hiện đôi phần chân tình. Lưu Bị càng khóc thê thiết hơn:
— Chúa công chỉ tạm đổ bệnh, sao lại luôn miệng nói đến cái chết? Thuộc hạ chỉ mong chúa công thân thể khỏe mạnh! Bách tính Kinh, Tương còn đang trông mong ngài an định thiên hạ, phục hưng Hán thất! Ngài ngàn vạn lần không thể xảy ra chuyện được...
Mấy lời này như thọc vào mạng sườn Lưu Biểu. Ông trước nay không thích nghe những lời xiểm nịnh, nhưng lại không kìm lòng được khi người ta đem bách tính ra nói nịnh, phút chốc quên mất mình đang muốn thăm dò Lưu Bị, nước mắt vòng quanh:
— Ây dà! Người hiểu được ta là Huyền Đức...
Y Tịch nhìn dáng vẻ của quân thần hai người, thực không biết nói gì, buồn bã thở dài. Lưu Bị sụt sùi lau nước mắt như mất cha mất mẹ, hồi lâu sau mới ngưng khóc:
— Chúa công không cần nghĩ nhiều, cứ an tâm dưỡng bệnh, thuộc hạ trở về Tân Dã điều động binh mã, đợi mọi việc đâu đấy sẽ trở lại thăm ngài.
— Ừ, tướng quân đi đi.
Lưu Biểu xua xua tay. Lưu Bị đi được hai bước, lại ngoái đầu nhìn lại, dường rất lo cho sức khỏe của Lưu Biểu, ra đến cửa còn cố dặn dò:
— Chúa công nhất định phải bảo trọng, bách tính Kinh Châu không thể thiếu ngài...
Rồi mới thở dài bước ra khỏi cửa. Y Tịch rầu rĩ nhìn theo bóng lưng Lưu Bị, trong lòng hụt hẫng. Anh ta mong mãi mới có lần hội kiến này, ngỡ rằng Lưu Biểu sẽ thành tâm đối đãi với Lưu Bị, đem hết kế sách chống Tào nói rõ ra, giờ mới biết mình quá ngây thơ.
Y Tịch đang ngây người, bỗng thấy bức bình phong cạnh giường khẽ động, có mấy người bước ra từ phía sau, dẫn đầu là Trương Doãn, theo sau còn có bốn năm tên lính, đều cầm gươm đao sáng loáng.
— Hỗn xược! Các ngươi muốn làm gì? - Y Tịch hốt hoảng, còn tưởng rằng bọn họ định ám hại chúa công.
Không ngờ Lưu Biểu vội vàng nói:
— Là ta bảo họ nấp phía sau...
Y Tịch ngạc nhiên, còn chưa nói được câu gì, lại thấy một người nữa bước ra từ phòng bên. Người này hơn năm mươi tuổi, khuôn mặt trắng trẻo, dung mạo nhã nhặn, dáng người gầy khô, ba chòm râu dài lốm đốm bạc, chính là Khoái Việt, tự Dị Độ, túi khôn của Lưu Biểu.
Lưu Biểu hẳn là đã thương lượng với họ từ trước:
— Ta thấy Lưu Bị cũng không có ý cướp Kinh Châu.
Khoái Việt không hài lòng:
— Thuộc hạ ở sát vách đã nghe cả rồi, ngài không thấy hắn thể hiện hơi quá sao?
— Ngươi nói vậy là ý gì?
— Chúa công ban ơn huệ cho Lưu Bị chưa chắc nhiều hơn Lã Bố, Tào Tháo, làm sao hắn lại thề thốt dứt khoát vậy? - Ánh mắt Khoái Việt hiện lên vẻ cay độc, - Người ta thường nói cái gì thái quá cũng không tốt, thuộc hạ nghĩ hắn chỉ diễn trò.
Y Tịch lúc này mới dần tỉnh ngộ: thì ra Khoái, Sái muốn giết Lưu Bị, thảo nào Lưu Biểu lại chủ động đề nghị nhượng lại Kinh Châu. Nếu ban nãy Lưu Bị nhận lời, e là lúc này đã đầu lìa khỏi cổ! Lại là chủ ý của Khoái Việt, đến cả ta cũng giấu, có lẽ Lưu Bị cũng nhận ra cạm bẫy bên trong nên mới một mực từ chối. Ta thật ngu ngốc khi đi làm kẻ bắc cầu.
Trương Doãn gió chiều nào theo chiều ấy:
— Điệt nhi cũng nghĩ lời Lưu Bị không đáng tin, cữu phụ không nên thả hắn đi.
Lưu Biểu cơ hồ bị những giọt nước mắt của Lưu Bị làm cảm động:
— Bỏ đi. Dù cho hắn có ý nghĩ quá phận, ta thấy hắn cũng không to gan thế đâu.
Khoái Việt không nghĩ vậy:
— Tới Tào Tháo hắn cũng dám phản lại, lá gan còn nhỏ sao? Không thể để lại hậu họa được, theo thuộc hạ thì chi bằng lập tức...
Ông ta ra hiệu chặt đầu. Y Tịch vội nói đỡ:
— Không được, không được! Lưu Bị kết thù với Tào Tháo, chúng ta đang dùng ông ta để chống địch, sao có thể hại bạn hại mình?
Khoái Việt không thèm đáp lại. Trong mắt Y Tịch, Tào Tháo là kẻ thù, nhưng chưa chắc ông ta cũng có cách nghĩ đó. Lưu Biểu cũng không đồng ý với kiến nghị của Khoái Việt, song có lý do khác:
— Lưu Bị có hơn một vạn binh mã, các tướng như Quan Vũ, Trương Phi đều là tâm phúc của hắn. Trừ một người thì dễ, trừ cả đảng mới khó. Giả như chúng ta giết Lưu Bị, ép phe đảng của hắn làm phản thì không thể thu dọn tàn cuộc.
Lời này cũng có lý, Khoái Việt không tiện tranh biện thêm, nhưng vẫn liên tục lắc đầu:
— Không trừ được ẩn họa, chỉ e sau này tình thế có biến, mọi việc phức tạp, càng khó ra tay.
Lưu Biểu không còn bận tâm đến chuyện của Lưu Bị:
— Kế sách hiện giờ là duy trì an ổn, có thể tránh binh đao thì cố tránh. Khi hắn dời đến Phàn Thành, bị theo dõi sát sao thì còn làm được gì? Việc quan trọng nhất lúc này là bảo vệ Tông nhi thuận lợi kế vị, còn những chuyện khác để sau hãy nói. - Ông ta không sống được bao lâu nữa, nên chỉ có thể quan tâm đến nhi tử Lưu Tông thôi, - Các ngươi hãy dốc sức phò tá Tông nhi!
Trong lòng Y Tịch không coi trọng các con của Lưu Biểu, dù là Lưu Kỳ hay Lưu Tông cũng đều chẳng có tài cán gì, nhưng vì nghĩa quân thần nên vẫn nhận lời ủy thác:
— Dù phải có nhảy vào nơi nước sôi lửa bỏng, thuộc hạ cũng quyết không chối từ.
Còn Khoái Việt chỉ nói ngắn gọn:
— Chúng thuộc hạ nhất định sẽ tận lực chu toàn.
Lưu Biểu hiểu câu nói của Khoái Việt theo hướng khác, song Khoái thị là hào tộc Kinh Châu, lại là thế lực lớn mà ông dựa vào, sao có thể gặng hỏi đến cùng? Lưu Biểu im lặng hồi lâu, thân thể đang mang bệnh lại thấy khó chịu hơn, chợt nhớ tới thông gia Sái Mạo:
— Bữa nay sao không thấy Đức Khuê tới?
Khoái Việt và Trương Doãn đưa mắt nhìn nhau, vội nói:
— Sái công cũng đổ bệnh, đang ở nhà tĩnh dưỡng. Ngài cứ yên tâm, ông ấy bệnh nhẹ thôi, sẽ không làm lỡ chuyện phò tá thiếu chủ.
Vị quân sư này xưa nay hành sự dứt khoát, suy nghĩ kín kẽ nhưng lời này lại có vẻ lủng củng, trước sau bất nhất.
— Đổ bệnh... - Lưu Biểu lẩm bẩm mấy lần, lại dặn dò lần nữa, - Dị Độ, các ngươi nhất định phải dốc sức phò tá con ta!
Ông nhấn giọng, nghiêng người chăm chú nhìn Khoái Việt. Nhưng Khoái Việt vẫn trả lời như câu trước:
— Chúa công yên tâm. Thuộc hạ sẽ tận lực chu toàn cho thiếu chủ, nhất định không phụ ơn của ngài.
— Dị Độ, ngươi...
Lưu Biểu ngẫm kỹ lời này, Khoái Việt nói sẽ “tận lực chu toàn” không bao gồm cả ý giúp Lưu Tông chống lại Tào Tháo hay sao? Ông định nói lại thôi, ngẩn người nhìn Khoái Việt. Lưu Bị tất nhiên không đáng tin, nhưng Khoái Việt, Sái Mạo tốt đến mức nào? Cục thế thiên hạ ngày càng rõ ràng, hào tộc Kinh Châu rục rịch ngóc đầu dậy. So với việc bọn họ vất vả giúp cha con ta phòng giữ thì chẳng bằng đem đất Kinh, Tương dâng cho Tào Tháo, vừa tránh được họa binh đao, lại bảo toàn được điền sản của mình, không cho Lưu Bị dòm ngó cạnh sườn, chưa biết chừng ngày sau còn kiếm được một chức quan dưới quyền Tào Tháo. Đó là hành động phản bội nhưng cũng có thể nói là lần trở về. Năm đó thiên hạ đại loạn, bọn họ thoát ly triều đình, quay về cố hương, muốn tìm một người có tiếng tăm hiển hách giúp vượt qua cửa ải khó khăn. Kết quả là gặp được ta, không có ta bọn họ không thể đường đường chính chính cát cứ Kinh Châu, còn ta không có bọn họ cũng chẳng thể yên ổn làm chủ một phương. Việc đời thật khó nắm bắt, chẳng thể nói rõ là ai thành toàn cho ai... Nay không thể tiếp tục cát cứ được nữa, bọn họ lại muốn trở lại trong triều, bước vào con đường sĩ hoạn. Ngoại trừ số ít muốn lập được kỳ công giữa thời loạn và những kẻ liều mạng như bọn Lưu Bị, còn ai nguyện ý tiếp tục chiến đấu? Nếu còn chống cự, sau này làm sao có chỗ đứng trong triều đình mới? Sái Mạo cáo bệnh đúng lúc này là bị bệnh thật hay cố tình tránh mặt ta? Hắn là em vợ của ta, nhưng cũng có giao tình với Tào Tháo kia mà! Ngoài hai nhà Sái, Khoái, những trọng quan khác trong châu như bọn Đặng Hi, Phó Tốn dường như cũng có ý hàng Tào. Khi ta còn sống, bọn họ sẽ không dám mở miệng, nhưng sau khi ta chết, còn gì phải kiêng dè nữa? Bỏ đi, người lúc sắp chết thường nói lời thiện, hà tất phải ép uổng bọn họ? Ta hồ đồ nửa đời người, đến giờ mới tỉnh ngộ phỏng có ích gì? Giờ ta chỉ như con chuột già nằm bẹp trên giường, đèn khô dầu cạn, muốn quản cũng chẳng quản nổi. Chỉ mong Tào Tháo tới chậm một ngày để cha con ta sống yên bình thêm một ngày, được ngày nào hay ngày ấy thôi...
Lưu Biểu tư lự hồi lâu, đoạn khẽ xua tay, cho Khoái Việt lui xuống. Khoái Việt muốn an ủi ông mấy câu nhưng không biết mở miệng ra sao, cũng không còn mặt mũi nào mà khua môi múa mép. Hai người là quân thần cũng là bằng hữu, nên đều ngầm hiểu ý nhau. Khoái Việt vái một vái dài, đoạn dẫn bọn Trương Doãn từ từ lui ra.
Y Tịch cả buổi cau mày nhíu mặt, đợi Khoái Việt bỏ đi mới giận dữ nói:
— Hai nhà Sái, Khoái không quan tâm đến cơ nghiệp của chúa công, chỉ biết mưu tính cho riêng mình, không xứng được giao phó đại sự. Nay Kinh Châu nguy khốn như trứng để đầu đẳng, nếu đại quân của Tào Tháo tiến sát bờ cõi, bọn họ ép thiếu chủ chủ động xin hàng thì biết làm sao? Lẽ nào ngài không thể tín nhiệm Lưu Bị một lần ư? - Ngoài viên cận thần đồng hương này ra, những kẻ khác không dám nói thẳng thừng như vậy.
Lưu Biểu lắc đầu:
— Giao phó cho Sái, Khoái ta có chút xót xa, nhưng giao phó cho Lưu Bị lại càng không yên tâm! Hơn nữa, chính vụ trong châu đều nằm trong tay Sái, Khoái, dù cho ta giao phó cho Lưu Bị, hắn có thể tiếp quản được sao? Tương Dương hơn chục năm qua không có chiến loạn, nếu gà nhà đá nhau, họa từ trong vách mà ra, chúng dân há chẳng gặp tai vạ?
— Thế nhưng...
Lưu Biểu xua tay, không cho anh ta nói tiếp:
— Không cần nói nữa. Ta muốn được yên tĩnh một lát, ngươi cũng lui đi.
Y Tịch không cam tâm, nhưng cũng không biết làm sao. Anh ta còn trẻ, vẫn có thể kiến công lập nghiệp, ở trong thời loạn, bậc đại trượng phu phải làm nên việc lớn, rạng rỡ tông môn, lưu danh sử xanh. Sao có thể quỳ gối trước kẻ thù để sống trộm qua ngày? Vả lại, sự yên ổn đó lay lắt tạm bợ khác gì tòa thành xây trên cát, liệu có thể duy trì bao lâu? Nếu Lưu Biểu thật sự nghĩ cho bách tính mà không hề tư lợi thì lúc đầu còn cát cứ làm gì? Giờ đây lại lấy bách tích ra làm cái cớ để thoái thác, không phải giả dối ư? Trong lòng Y Tịch dần dâng lên nỗi chán ghét lão chủ nhân này, ủ rũ bỏ đi.
Nô bộc định đỡ Lưu Biểu nằm xuống, nhưng cũng bị ông ta đuổi ra. Trong căn phòng yên tĩnh chỉ còn lại một mình Lưu Biểu dựa lưng vào gối, thất thần. Không rõ ông đang cảm thấy uất ức, bất lực hay chỉ là nỗi buồn của người sắp chết! Bỗng nhiên trong sân vọng lại tiếng chim hót ríu rít, kéo thần trí ông quay trở lại - mùa xuân ở Tương Dương đẹp biết bao!
Lưu Biểu không còn sức đi lại, nhưng vẫn muốn nhổm dậy nhìn lại Tương Dương một lần nữa qua khung cửa sổ, nhìn lại mảnh đất an lạc mà ông đã dốc hơn mười năm tâm huyết để gây dựng. Lưu Biểu không gọi người hầu, tự chống tay xuống giường, cố rướn tấm thân gầy gò về phía trước. Tuy chỉ là một cử động đơn giản nhưng ông phải lấy hết sức bình sinh, đầu túa mồ hôi. Ông khó khăn lắm ngồi thẳng lên được, nhưng chỉ kịp trông thấy khoảng sân vắng vẻ và tường viện lạnh giá.
Phút chốc hai cánh tay run run khiến ông lại ngã vật ra giường, thở rít từng cơn: “Tào Tháo nghĩ rằng ta không có chí lớn ư? Nhưng ta giúp cho bách tính Kinh, Tương được sống thêm mấy năm thái bình, văn giáo kinh học của đại Hán được tiếp tục duy trì, chẳng lẽ không tốt sao? Dẫu cho sự thái bình đó chỉ là hư ảo thì nó vẫn là thái bình, vẫn còn tốt hơn so với nỗi khổ vì binh đao loạn lạc, tứ tán phiêu dạt. Nếu ở thời trị, được đứng vào hàng tam công cửu khanh thì ta sẽ làm tốt hơn nữa. Nhưng vào thời loạn, ta còn làm được thế này đã là không dễ, có gì phải tiếc nuối chứ? Là người của đảng cố mà có được vinh dự làm Kinh Châu mục, Trấn Nam Tướng quân, Thành Vũ hầu, có quyền cầm phù tiết, chẳng phải chỉ có một mình ta sao? Chính nghĩa sục sôi nhưng lực bất tòng tâm, có lẽ đó là số phận đã được an bài của đám nhân sĩ thanh lưu bọn ta! Tông nhi, Kỳ nhi, phụ thân không thể ở bên các con cả đời được, phải biết dựa vào chính mình! Tào Mạnh Đức, Tôn Trọng Mưu và cả Lưu Huyền Đức... Ta vất vả trấn thủ Tương Dương, đề phòng các ngươi bao năm qua, nay ta sắp phải buông tay mà đi. Các ngươi vui chứ? Các ngươi sớm muộn gì cũng có ngày này cả thôi, giờ hãy cứ mơ tiếp giấc mộng kim loan đẹp đẽ!”
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 7 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 7 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 7