Sometimes your joy is the source of your smile, but sometimes your smile can be the source of your joy.

Thich Nhat Hanh

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 38
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 100
an gia ngõ hẹp, quân Tào đánh tan kỵ binh Ô Hoàn
Đỉnh núi Bạch Lang
Sau khi vượt qua sông Nhu, đường đi phẳng phiu, chỉ mất vài ngày quân Tào đã đến được thành cổ Bình Cương. Thời Hán Vũ Đế, Phi Tướng quân Lý Quảng từng đóng quân tại đây chống người Hung Nô. Thời gian trôi qua, khi Hung Nô chịu thần phục, nhà Hán cũng bỏ không tòa thành này. Nay thành Bình Cương hoang phế đổ nát, tường thành bị gió mưa xói mòn khá nhiều, mấy chục dặm gần đó không có một bóng người. Lúc hoàng hôn, bóng tối đổ xuống càng làm tăng thêm vẻ u tịch, kỳ dị của tòa thành, lại thêm tiếng gió rít gào khiến nó như một tòa thành ma.
Đến được Bình Cương nghĩa là quân Tào đã đi được hơn nửa đường, chỉ còn cách Liễu Thành khoảng hai trăm dặm, Tào Tháo càng không dám buông lơi cảnh giác. Đoạn đường tiếp theo vẫn phải vượt núi băng đèo. Ông nghe Điền Trù nói, đứng trên đỉnh núi Bạch Lang có thể trông thấy Liễu Thành, vì ở đây rất gần chỗ quân địch, nhưng do có các ngọn núi cao nhấp nhô che mất tầm nhìn nên chẳng quan sát được gì. Tào Tháo có ý ở lại trong thành vài ngày để binh mã nghỉ ngơi dưỡng sức, song lại sợ quân địch phát hiện ra sẽ hỏng hết chuyện, đành hạ trại mãi trong rừng sâu, yên ắng đợi lương thảo, quân nhu phía sau được chuyển tới mới đi tiếp...
Núi Bạch Lang cách thành Bình Cương mấy chục dặm về phía đông, ngọn núi này không có những vách đá dựng đứng, nhưng một mình nó sừng sững giữa trời, trông cao chót vót, khiến người ta ngước nhìn mà nín thở. Khắp núi những cây tùng, cây bách, cây dâu, cây du xen kẽ đủ màu sắc, đất đá lởm chởm, bụi gai um tùm. Một cơn gió thổi qua làm cành thông đung đưa xào xạc, không biết liệu bên trong có quân địch mai phục không - Tào Tháo đưa mắt dò xét xung quanh hồi lâu, sau rốt vẫn quyết tâm truyền lệnh toàn quân lên núi.
Ba vạn người cùng lên núi vốn phải tạo thành một mảng trời đen kịt, song sườn phía tây núi Bạch Lang cỏ cây rậm rạp, đã che hết hình bóng của các tướng sĩ. Đây chính là lúc dễ xảy ra bất trắc nhất, bởi nếu gặp phải quân mai phục sẽ rất khó ứng phó, hơn nữa rừng sâu kín mít cũng khiến binh sĩ dễ bị lạc. Quân Tào không dám dựng cờ dóng trống, lệnh cho tướng lĩnh các bộ liên tục báo cáo tình hình, cứ đi được một đoạn lại tạm dừng điểm quân, chỉ mong sao mọi việc êm xuôi. Để giữ im lặng, tất thảy binh sĩ phải ngậm một cành cây trong miệng, cho nên ngoài những tiếng sột soạt nhỏ ra, chẳng còn tiếng động nào khác.
Cũng may, ngọn núi có địa chất chắc chắn, sườn dốc thoai thoải dễ leo, kỵ binh thuận lợi dắt ngựa. Tào Tháo không cần thân binh dìu, cũng chẳng cần chống gậy, chỉ vịn vào những cành cây bên đường cũng bớt được không ít sức. Đại quân bắt đầu leo núi từ lúc trời vừa sáng, qua giờ Tý đã có người đặt chân lên đỉnh, chưa kể binh lính còn đủng đỉnh gặm lương khô giữa đường.
Sau giờ Ngọ, Tào Tháo cũng lên được đỉnh núi. Hóa ra ngọn núi này chỉ rậm rạp ở phía sườn núi, còn lên trên lại rất quang quả. Có cả một bãi đất trọc, chỉ có vài thân tùng cổ thụ sừng sững bên những tảng đá, có thể chỉnh đốn đội hình ngay tại đây. Tào Tháo chưa kịp thở đã thấy Hình Ngung khom lưng chạy lại, vẻ mặt đầy lo lắng:
— Có quân địch!
— Là quân xích hầu đi tuần?
— Không ạ... - Hình Ngung sắc mặt tái mét, hai môi run bần bật, - Là một đội quân lớn. Nhưng hình như chưa phát hiện ra quân ta ở trên núi.
— Toàn quân dừng lại, không được leo núi nữa. - Tào Tháo cố nói dõng dạc, nhưng tim đã đập mạnh: “Hỏng rồi! Núi Bạch Lang nằm ở mé tây bắc Liễu Thành, nếu Đạp Đốn đặt trung tâm phòng ngự ở đường duyên hải phía đông nam thì không thể nào lại có đại quân xuất hiện quanh đây được. Hẳn là hắn đã biết hướng đi của quân ta. Suốt đường đi ta đã vô cùng thận trọng, thế mà vẫn để lộ hành tung.”
Hổ báo kỵ bảo vệ Tào Tháo nhanh chóng di chuyển sang mé đông đỉnh núi. Chúng nhân khẽ khàng nằm rạp xuống đất, còn Tào Tháo vẫn nhấp nhổm nấp phía sau một cây tùng, thò đầu ra quan sát. Ông chợt giật mình kinh hãi. Đứng trên cao có thể nhìn được rất xa, quân Ô Hoàn chỉ cách chân núi khoảng sáu bảy dặm, những lớp bụi đất tung lên mù mịt đang hướng gần về phía này. Quân Ô Hoàn đông, quân Tào ít, lại chỉ cách nhau trong gang tấc, nếu bọn chúng ồ ạt tấn công lên núi, quân Tào hẳn sẽ chuốc ngay lấy thất bại. Còn nếu bọn chúng khống chế con đường huyết mạch, bao vây bốn mặt, chặn đứt lương thảo và viện quân phía sau thì ba vạn tướng sĩ cũng sẽ chôn thây trên ngọn núi hoang vùng tái ngoại này.
Tào Tháo xoay người dựa lưng vào thân cây, nhăn mày ngẫm nghĩ. Đúng lúc ông cúi đầu xuống thì thấy Diêm Nhu chạy đến chỗ mình, vội hỏi:
— Ngươi qua lại lâu với người Hồ, thử nhìn xem bọn chúng như thế nào.
— Rõ. - Diêm Nhu rón rén bước lên phía trước, thò cổ ra ngoài rồi cười nói, - Không có gì đáng lo.
— Hả? - Tào Tháo như vớ được cọng rơm cứu mạng, - Vì sao?
Diêm Nhu ngẩng đầu lên nói:
— Người Ô Hoàn và Tiên Ti đánh trận chủ yếu dựa vào kỵ binh, không biết dùng trường thương, đại kích. Đội quân tinh nhuệ nhất của bọn chúng đều kết hợp với cung cứng và mã tấu. Đội quân dưới chân núi tuy đông nhưng có ít kỵ binh, lại sử dụng nhiều loại binh khí khác nhau, chắc chắn không phải tinh binh dưới trướng Đạp Đốn, có lẽ là...
Tào Tháo hiểu ra:
— Ý ngươi muốn nói quân địch chỉ vừa mới biết tin, cho nên điều tạm đội quân này tới, còn cánh quân tinh nhuệ đang phân tán các nơi vẫn chưa tới kịp?
— Đúng vậy! Có lẽ Đạp Đốn triệu tập các bộ lạc du mục gần Liễu Thành, tám phần huynh đệ Viên Thượng ở trong đội quân này, định lấy nhiều nạt ít, buộc chúng ta phải rút quân. - Diêm Nhu chép miệng nói, - Binh pháp có câu “Trí chi tử địa nhi hậu sinh.”(*) Chúng ta phải liều mạng xông lên đánh úp bọn chúng! - Tiểu tử này vốn đọc ít sách, biết được đôi câu trong binh pháp, không ngờ có lúc thật sự dùng tới.
Tào Tháo gật gù tán thưởng, song không tin tưởng vào cách này, Diêm Nhu tuổi trẻ ngông cuồng, trận này không đơn giản như hắn nói. Ông nghĩ vậy, lại ngẩng đầu lên quan sát, lần này nhìn thấy rất rõ: đại quân Ô Hoàn trận thế lỏng lẻo, kỵ binh và bộ binh xen lẫn vào nhau, di chuyển hấp tấp. Đám quân này ăn vận khác nhau, lẫn lộn đủ kiểu, tên mặc áo vải, tên mặc giáp sắt, tên khoác da thú, còn có những kỵ binh cưỡi ngựa trần, chẳng có nổi bộ yên cương tử tế. Điểm yếu của dân du mục khi tác chiến là không có trận thế, đội hình trước mắt càng để lộ trăm ngàn sơ hở. Vấn đề lúc này là quân sĩ Tào doanh và Ô Hoàn chênh lệch nhau quá lớn, dù cho quân Tào tập kích thành công cũng khó thoát khỏi vòng vây của bọn họ, chiến sự kéo dài tất rơi vào nguy khốn... Tào Tháo đang phân vân, đột nhiên Diêm Nhu chỉ tay nói:
— Đó chính là Đạp Đốn!
— Không được chỉ trỏ! Cẩn thận bị lộ. - Tào Tháo đạp vào cánh tay hắn ta, - Cách xa thế này, ngươi làm sao nhận ra Đạp Đốn?
Diêm Nhu bị đạp đau điếng không dám kêu ca, mãi một lúc sau mới lấy lại hơi thở bình thường, mặt đỏ phừng phừng:
— Ngài lại xem đi. Trong cánh quân đó có kẻ cầm cờ bạch mao. Đó là cây cờ do Viên Thiệu ban cho, Đạp Đốn đi đâu cũng đem theo làm cờ soái.
Tào Tháo nhìn thấy rõ ràng, ngọn cờ bạch mao phất phơ hàng đầu đó có kiểu dáng giống hệt của nhà Hán, rất đáng để liều một phen. Bắt giặc phải bắt tướng trước, lấy được đầu Đạp Đốn thì chẳng cần đánh tiếp nữa. Nghĩ đến đây, ông nhìn xuống đường núi, chuyển lo thành mừng - xem xét kỹ lưỡng địa hình núi Bạch Lang ông mới nhận ra, chân núi phía tây cây cối um tùm, trong khi mé đông lại quang đãng, phẳng phiu, không có ngọn cây cao nào, kỵ binh có thể lao xuống dưới từ sườn núi bên này. Đúng là một chỗ lý tưởng để tập kích.
Nhìn quân địch càng lúc càng tới gần, lác đác có mấy tên xích hầu tiến sát chân núi, Tào Tháo nhận thấy tình thế vô cùng cấp bách, lập tức cho gọi chúng tướng, phân phó nhiệm vụ. Ông chia binh mã ra làm ba ngả, Từ Hoảng thống lĩnh một đội quân giữ con đường phía nam, quân của Trương Cáp giữ con đường phía bắc, hai cánh quân này cùng xông ra quấy nhiễu quân địch trước. Còn Trương Liêu đóng quân ở giữa, giữ con đường còn lại cùng với kỵ binh U Châu thuộc bộ quân của Tiên Vu Phụ và Diêm Nhu làm tiên phong, đánh thẳng vào bản bộ binh mã của Đạp Đốn, trong lúc hai cánh quân tả hữu giao tranh với địch, nhất định phải chém chết Đạp Đốn ngay giữa trận tiền.
Quân lệnh vừa ban xuống liền có những tiếng ồn ào. Dù đỉnh núi có rộng thêm nữa cũng không đủ chỗ cho ba vạn người dàn trận, binh mã phía sau chưa lên được đỉnh núi đã phải xếp vào hàng, kỵ binh nhốn nháo tìm chỗ đất bằng để leo lên lưng ngựa, có kẻ khiêng trống cuống đến nỗi không biết đặt đâu. Ồn ào hồi lâu chưa xếp xong đội hình, Tào Tháo suốt ruột đi đi lại lại nhưng chẳng có cách gì, lại sang mé đông quan sát. Đúng lúc ấy, một tên xích hầu phía Ô Hoàn tế ngựa tới, chỉ cách đỉnh núi khoảng một trăm bước, Tào Tháo sơ ý quên nấp đi, thế là ông và tên lính đó bốn mắt nhìn nhau trừng trừng.
Mấy ngày nay Tào Tháo đều mặc sẵn áo giáp sắt, đội mũ đâu mâu, nhìn một cái là biết ngay tướng Hán. Tên xích hầu trông thấy ông cũng giật mình, vội ghì ngựa quay lại báo tin.
Đúng lúc này Diêm Nhu bỗng nhảy vọt ra, giương cung cài tên, bắn một phát trúng yết hầu tên lính, cái xác từ từ rớt khỏi lưng ngựa, còn con ngựa dường như chưa bị kinh động, vẫn đứng im tại chỗ. Diêm Nhu lại phóng một mũi tên nữa, trúng con mắt bên trái của con vật. Mũi tên xuyên thẳng vào óc, khiến con ngựa chỉ kịp hí lên một tiếng dài, rồi hai chân khuỵu xuống bất động. Một người một ngựa thình lình biến mất giữa rừng xanh bạt ngàn, trong lúc đại quân Ô Hoàn ở phía dưới còn cách đó vài dặm, nếu không quan sát kỹ thì chẳng phát hiện ra được. Chỉ hai mũi tên mà đổi được chút thời gian quý báu.
— Nguy hiểm quá! - Tào Tháo nấp vào sau thân cây lớn, mồ hôi túa ra, - Tiểu tử ngươi có thể bắn trúng vật ở xa cả trăm bước, thuật bắn cung lợi hại lắm.
Diêm Nhu vội quỳ xuống nói nịnh:
— Mạt tướng chỉ có chút tài mọn, chúa công chỉ huy thiên binh vạn mã mới thực lợi hại.
Tào Tháo nào có tâm trạng nghe hắn nịnh nọt:
— Ngươi chớ lo việc ở đây nữa, mau dẫn quân bản bộ đi đi.
Tướng lĩnh các bộ vất vả hồi lâu mới tạm chia quân ra được ba đường thì xích hầu phía địch lại tới. Lần này có hơn chục kỵ binh, không thể nào giấu được nữa. Đến nước này chỉ có thể quyết một trận sống mái, Tào Tháo giậm chân quát:
— Binh mã tả hữu xông trận! Không được thúc trống!
Nghe được câu này, Từ Hoảng và Trương Cáp dẫn đầu hai cánh quân tả hữu lao xuống núi. Kỵ binh ở phía trước bộ binh theo sau, phút chốc đã ra khỏi đỉnh núi. Khi những tên xích hầu nhận ra điều bất thường, vô số Tào quân đã xông tới trước mặt, không kịp quay ngựa mà chạy, lớ ngớ bỏ mạng ngay tại trận.
Đúng như Tào Tháo dự liệu, Đạp Đốn nhận được quân báo trước đó không lâu. Có mấy người dân Ô Hoàn thả gia súc ở phía tây núi Bạch Lang tình cờ trông thấy quân Tào đi lại ở thành Bình Cương bỏ hoang, liền trở về bẩm báo. Đạp Đốn kinh sợ, tinh binh dưới trướng của hắn đều đã phái tới các cửa ải quan trọng ven biển, hắn chỉ có thể tập hợp huynh đệ Viên thị, Ô Diên, Tô Phó Diên cùng với những thân binh của mình, mặt khác trưng dụng trai tráng trong cả tộc, tạm thời gom được mười vạn quân. Hắn định chiếm núi Bạch Lang trước, chặn đường tiến quân của Tào Tháo, đợi binh mã các lộ quay về cứu viện mới xông ra diệt sạch quân Tào.
Lúc này quân Ô Hoàn ở dưới chân núi vẫn không hay biết gì, song hai vạn người ùn ùn lao xuống sườn núi, há lại không phát giác ra? Bỗng nhiên mặt đất bên dưới rung chuyển, lại nghe đâu đó có tiếng leng keng, quân Ô Hoàn vừa ngẩng đầu lên lại thấy trước mặt bụi bay mù mịt - Quân Tào đã xông tới! Quân Ô Hoàn vội dừng lại dàn trận, nhưng binh mã dẫn đầu hai quân cách nhau chưa đầy hai dặm, muốn bày trận cũng không còn kịp. Quân Ô Hoàn nháo nhác nhìn hai cánh quân Tào sắp vọt tới trước mặt mà vẫn chưa xếp được đội hình, chỉ biết luống cuống bắn tên chống trả.
Một trận mưa tên bay về phía Tào quân, mười mấy kỵ binh ngay lập tức ngã ngựa. Nhưng quân Tào đã tiến sâu vào quan ngoại hơn bốn trăm dặm, lúc này chỉ có thể tiến chứ không thể lùi, buộc phải tận sức chiến đấu. Huống chi quân Tào lao từ trên sườn núi xuống khí thế sục sôi, một trận mưa tên đâu ngăn được họ? Hai cánh quân tả hữu giẫm lên xác chiến hữu mà tiến, chớp mắt đã lao vào trận hình quân Ô Hoàn như mũi dùi, khuấy lên một màn mưa máu gió tanh. Tào Tháo đứng trên núi quan sát, nhanh chóng truyền tiếp lệnh thứ hai:
— Đội quân trung tâm xuất kích! Dóng trống cho ta!
Trống trận đặt trên đỉnh núi vang lên ầm ầm, tựa như sấm nổ giữa bầu không. Trương Liêu, Tiên Vu Phụ, Diêm Nhu dồn sức dẫn đội kỵ binh tinh nhuệ lao thẳng xuống chân núi như tên bắn, không thèm để ý trận thế hỗn loạn thế nào, cứ nhắm chỗ có ngọn cờ bạch mao của Đạp Đốn mà xông tới chém giết. Cánh quân này xung trận như giội thêm gáo nước lạnh vào chảo dầu đang sôi, khiến cho người rơi ngựa đổ, thây xác tứ tung.
Chiến mã giẫm lên gót nhau, đao thương bay tán loạn, gió vùng tái ngoại cuốn bụi đất tung lên quyện với màn mưa máu. Tướng sĩ bị thương ngã lăn xuống đất, bị đại quân giẫm thành đống thịt nát, máu me bê bết; những con ngựa mất chủ đâm ngang đâm dọc, kêu hí thảm thương; những đầu người bị chém đá qua đá lại, nhầy nhụa đất cát... Quân Ô Hoàn bị đột kích giữa đường, không kịp ứng phó, thương vong nặng nề. Nhưng dân du mục kẻ nào cũng là dũng sĩ, thuần thục cung mã, dũng mãnh thiện chiến, nếu đấu tay đôi thì người Hán thua xa. Cho nên chỉ một lát sau, quân Ô Hoàn ổn định được trận thế, ra sức phản công chém giết, có kẻ ngã xuống đất còn chặt đứt chân ngựa Tào quân, có kẻ bắn tên khiến binh Tào ngã dúi dụi. Đội quân của Đạp Đốn toàn những dũng sĩ thiện chiến nhất, rõ ràng bọn họ đang ở vào thế bất lợi, thế mà nhìn bộ quân của Trương Liêu xông tới cũng không thèm tránh đi, còn ngửa mặt nghênh chiến. Tướng ôm lòng quyết tử, lính đâu thể tham sống, Tào quân chém giết một hồi không phá tan được quân Ô Hoàn, trái lại còn dần đuối sức - quân Tào vượt đường xa tới, chưa được nghỉ ngơi đầy đủ, lúc này đã cùng sức. Trong khi đó, phía sau Đạp Đốn vẫn có những đội quân nườm nượp chạy tới tiếp viện, bao vây đám người Trương Liêu. Quân Tào dần rơi vào thế bất lợi.
Tào Tháo thấy quân Ô Hoàn xông ra đen kịt, ước chừng Đạp Đốn có cả chục vạn binh mã, còn mình chỉ có ba vạn quân, cứ thế xuống núi e rằng toàn quân sẽ bị giết sạch. Tào Tháo nhìn Đô đốc hổ báo kỵ Tào Thuần đứng cạnh:
— Các ngươi cũng xông ra đi!
— Chúng đệ sao? - Tào Thuần ngạc nhiên hỏi lại.
— Đúng vậy! - Tào Tháo nói chắc nịch, - Đệ còn nhớ chúng ta đánh bại Viên Đàm như thế nào trong trận Nam Bì chứ? Trận đánh hôm nay cũng giống vậy. Đám người Hồ này vì lợi mà tụ lại, binh bại người tan. Chỉ khi giết chết Đạp Đốn mới xoay chuyển được cục diện.
Tào Thuần hơi do dự: tình thế hiện giờ không giống với trận Nam Bì, khi đó quân ta và Viên Đàm thế lực ngang nhau, khó phân thắng bại, nên quân hổ báo kỵ trở thành nhân tố quyết định thắng bại. Còn trước mắt địch đông ta ít, nếu đưa hết quân hổ báo kỵ xuống núi tham chiến, chẳng may quân địch vòng lên đánh lén Tào Tháo thì sao? Có nên xuống dưới không đây...
Ông ta còn đang do dự, Hàn Hạo đứng phía sau lại nói:
— Đừng do dự nữa! Nếu bọn Trương Liêu bị diệt, người Hồ đánh lên chúng ta cũng chết hết! Chẳng bằng xuống dưới quyết một trận sống mái!
— Đúng thế. - Chính Tào Tháo cũng nghĩ như vậy, - Thò đầu ra cũng chết, rụt cổ lại cũng chết. Ta đã vào sâu trong đất địch, không thể trở ra được, phải quyết đánh tới cùng!
Tào Thuần, Hứa Chử, Hàn Hạo, Sử Hoán ai nấy đều vung thương lên, dẫn ba ngàn quân hổ báo kỵ theo gót Trương Liêu, lao thẳng về phía Đạp Đốn. Tào Tháo cũng không ẩn nấp nữa, hiên ngang đứng phía trước cây tùng vài bước. Ông muốn cho các tướng sĩ của mình biết rằng, ông đang sát cánh cùng với họ! Bên cạnh ông lúc này chỉ còn lại hơn chục vệ binh do Đặng Triển đứng đầu, cùng với Lâu Khuê, Khiên Chiêu, Hình Ngung và Điền Trù.
Quân hổ báo kỵ tham chiến tình thế lập tức xoay chuyển. Các tướng sĩ trông thấy thân binh theo hầu chúa công cũng tới, sĩ khí đang giảm bỗng tăng cao. Mọi người đều hiểu ý đồ của Tào Tháo, bất chấp bốn phía có bao nhiêu quân địch vọt tới, tất cả đao thương, kiếm kích, cung nỏ, tên bắn đều chĩa về phía bản bộ binh mã của Đạp Đốn. Tào Tháo căng mắt theo dõi chiến trường, bàn tay bám vào thân cây bất giác cấu rách vỏ cây. Trong suốt hơn hai mươi năm cầm quân, trận chiến ở núi Bạch Lang là lần mạo hiểm lớn nhất, độ hung hiểm vượt xa trận Biện Thủy, Quan Độ. Đúng là không thành công cũng thành nhân.
Chợt nghe có tiếng thét chói tai, hai vệ binh trúng tên ngã xuống - năm tên Ô Hoàn mình khoác da hổ, tay cầm đao tiễn xông lên từ mé nam! Đặng Triển có kiếm thuật bậc nhất Tào doanh, lập tức rút kiếm nhào tới. Ông ta vừa giết được một tên thì thanh kiếm gãy đôi do dùng sức quá mạnh. Dũng sĩ Ô Hoàn thiện chiến, thấy kẻ đối diện bản lĩnh hơn người nên cả bốn tên còn lại cùng xông vào. Đặng Triển tay không tấc sắt, nhìn bốn thanh trường đao bổ tới gáy mình, bèn lộn một vòng, chớp mắt đoạt được một thanh đao từ tay địch. Tuyệt chiêu tay không đoạt đao sắc của ông ta đúng là xuất quỷ nhập thần! Chúng thị vệ lúc này mới lấy lại tinh thần, hơn chục cây đại kích thọc ra, bốn tên lính Hồ chết ngay tức khắc.
— Không ổn rồi! Vẫn còn nữa! - Điền Trù tinh mắt nhìn sang phía nam, giữa bụi cây lùm xùm còn có mười mấy tên Ô Hoàn vịn cành bò lên. Hiển nhiên chúng cùng một bọn với năm tên ban nãy.
Tào Tháo hốt hoảng thét lớn:
— Đặng Triển! Giao cả cho ngươi đấy!
Đặng Triển đáp một tiếng, lại thấy Tào Tháo ném binh khí về phía mình, vội đưa tay đỡ lấy, lúc cúi xuống nhìn mới biết là Ỷ Thiên kiếm! Kiếm này được làm toàn bằng sắt, dài gần năm thước, lưỡi kiếm rộng một thước, to hơn rất nhiều so với những thanh bội kiếm thông thường, vừa có thể coi là kiếm vừa có thể coi là thuẫn, là binh khí sắc bén có một không hai trong thiên hạ. Đặng Triển vui mừng, hô hào chúng thị vệ:
— Bảo vệ chúa công, tất cả theo ta! - Đoạn xông ra đón đầu quân địch. Người Ô Hoàn giỏi bắn cung, nếu để bọn chúng vọt tới gần, Tào Tháo hẳn sẽ mất mạng!
Đặng Triển dẫn thị vệ đi khỏi, bên cạnh Tào Tháo không còn một thân binh nào. Thời trẻ ông và Lâu Khuê cũng từng luyện binh khí, cưỡi ngựa bắn cung, nhưng giờ hai người đã ngoài năm mươi, không còn giữ được bản lĩnh trước kia. Hình Ngung chỉ là một thư sinh yếu ớt, trói gà không chặt, run rẩy nấp sau thân cây. Còn Khiên Chiêu, Điền Trù cũng có thể chống đỡ vài chiêu, song bản lĩnh tầm thường, xông ra chỉ càng thêm rối, chỉ biết rút bội kiếm bảo vệ Tào Tháo.
Tuy quân số hai bên ngang nhau, nhưng người Hán không đấu lại Ô Hoàn khi đánh đơn, vừa mới giao đấu mà hai thị vệ đã đổ gục xuống đất, tất cả phải trông vào Đặng Triển. Nhìn các binh sĩ gặp bất lợi, Lâu Khuê và Hình Ngung nhanh trí, mỗi người một chân đạp trống trận lăn xuống sườn dốc. Cách này thực sự hiệu quả, người Ô Hoàn không biết đầu đuôi thế nào, vội vàng né tránh, Đặng Triển thừa cơ nhảy lên, vung thanh Ỷ Thiên chém gục hai tên người Hồ đang thất thần. Chúng thị vệ ai nấy liều mạng chiến đấu, cuối cùng cũng hạ gục hơn chục tên địch đánh lén, nhưng bên mình cũng chỉ còn lại bốn người.
Đánh trận đến nước này, sự sống chết của chủ soái như chỉ mành treo chuông, chỉ cần quân địch xông lên một lần nữa, Tào Tháo sẽ phải bỏ mạng. Mấy người nhìn những xác lính Ô Hoàn còn chưa kịp hoàn hồn, dưới chân núi lại rộ lên tiếng hò reo, không rõ là chuyện gì - Quân Ô Hoàn bỗng nhiên bỏ chạy tan tác như bầy ong vỡ tổ, ngọn cờ bạch mao của Đạp Đốn chao đảo rồi rơi xuống giữa đám loạn quân.
— Hổ báo kỵ đã giết chết Thiền vu Đạp Đốn! Chúng ta thắng rồi!... Tào công vạn tuế!... Tào công vạn tuế!... - Tiếng reo dần trở nên rõ ràng, thực quá may mắn.
Tào Tháo bỗng cảm thấy sức lực trong người bị rút cạn, ông ngồi tụt xuống gốc cây tùng, thở hổn hển.
Lên núi Kiệt Thạch
Tháng tám năm Kiến An thứ mười hai, Tào Tháo đương đầu với đại quân Đạp Đốn tại chân núi phía tây đỉnh Bạch Lang, tướng sĩ ba quân không hề nao núng, lấy ít thắng nhiều, phá tan quân Ô Hoàn. Đạp Đốn chết dưới lưỡi đao của hổ báo kỵ, các bộ lạc Ô Hoàn như rắn mất đầu, lòng người hoang mang, liên quân ba quận Hữu Bắc Bình, Liêu Tây và Liêu Đông lập tức tan rã. Tào Tháo dễ dàng lấy được Liễu Thành, hàng phục hơn hai mươi vạn quân dân người Hồ và người Hán. Huynh đệ Viên Thượng, Viên Hi may mắn thoát chết, biết mình không thể cứu vãn tình thế, bèn cùng với Tô Phó Diên, Ô Diên và Lâu Ban trốn đi nương nhờ Thái thú Liêu Đông là Công Tôn Khang.
Tào Tháo chỉ ở lại Liễu Thành nửa tháng, sau đó giao hết những việc còn lại cho Khiên Chiêu và Tiên Vu Phụ xử lý, còn ông gấp rút thu quân trở về. Lúc này nước lũ đã rút bớt, các cửa ải đều thông suốt nên có thể đi theo đường lớn ven biển. Thực ra cũng chưa thể gọi là “đường lớn”, bởi đất Liêu Tây lấy đâu ra đường cái quan, chẳng qua trong mắt những tướng sĩ Tào quân đã phải trải qua muôn ngàn gian khổ trên đường tiến quân thì con đường này rộng rãi hơn nhiều so với đường rừng núi hiểm trở ở quan ngoại.
Sau trận đại chiến, Tào Tháo cũng thả lỏng tinh thần, đủng đỉnh hành quân, mặt trời cao ba ngọn sào mới lên đường, đến khi trời nhá nhem tối đã hạ trại. Binh sĩ vui sướng quá đỗi, dọc đường luôn miệng ngâm hát như thể đang du sơn ngoạn thủy, có lúc rảnh rỗi còn tới chỗ dân địa phương nếm thử con dê con cá. Chúng nhân cố tận hưởng những phút giây nhàn nhã hiếm có. Rời khỏi Liễu Thành đã hơn một tháng mà đại quân vẫn loanh quanh trong địa phận quận Liêu Tây.
Một hôm, Lâu Khuê cưỡi trên lưng ngựa, phóng mắt nhìn ra xung quanh, thấy tướng sĩ ba quân dáng vẻ lười nhác, hành quân chậm trễ, liền mách Tào Tháo:
— Mạnh Đức, ngài xem kìa! Đám lính càn rỡ này lười đến thế nào? Trương Liêu, Từ Hoảng cũng chẳng ra sao. Tôi mà là thống soái hẳn phải mắng bọn chúng một trận, đừng tưởng có tí công lao là giỏi lắm!
Tào Tháo không thèm ngẩng đầu lên, chỉ kéo dây cương cười nói:
— Đạo cầm quân giống với vi chính, đều phải mềm rắn hài hòa. Chúng tướng đã chịu nhiều vất vả, cũng nên nghỉ ngơi một chút, muốn xét theo quân pháp cũng phải đợi về đến huyện Dịch. Quân sư đã phái Vu Cấm tới trước đón chúng ta, mấy ngày nữa có thể hội họp.
— Ngài muốn cho tướng sĩ nghỉ ngơi dưỡng sức, sao không ở lại Liễu Thành thêm ít ngày? - Lâu Khuê cảm thấy khó hiểu.
— Ô Hoàn vừa mới quy thuận chúng ta nên vẫn còn hoài nghi, nếu đại quân đồn trú lâu ở đó, người Hồ sẽ lo sợ rằng Tháo ta muốn uy hiếp bọn họ. Ta đi rồi, bọn họ cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Khiên Chiêu và Tiên Vu Phụ đều có quan hệ tốt với người Ô Hoàn, một thời gian sau nhất định có thể khiến họ thành tâm quy phục. - Tào Tháo nói đến đây ánh mắt đầy phấn khởi, - Diêm Nhu nói với ta rằng các bộ lạc Ô Hoàn có nhiều ngựa tốt, ta để cho họ thuần dưỡng ngựa, sau này đánh trận không phải lo thiếu kỵ binh!
Nhưng Lâu Khuê lại không lạc quan như vậy:
— Có điều này tôi phải nhắc ngài. Ngài chớ quên chúng ta vất vả tới nơi khỉ ho cò gáy này để giết Viên Thượng, Viên Hi, giờ bọn chúng lại cắp đít chạy sang Liêu Đông, liệu có thông đồng với Công Tôn Khang cuốn đất lấn vào không? Chúng ta rõ ràng thắng trận, lại chẳng có gì đáng lo, sao không một tiếng trống rung đánh thẳng vào Liêu Đông? Vội vã thu binh thế này chẳng những đáng tiếc mà còn để lại hậu hoạn!
Hàn Hạo theo sát phía sau Tào Tháo, lời này của Lâu Khuê cũng chính là những lời ông ta muốn nói từ lâu, nhưng ông ta thân là Trung hộ quân nên không tiện ngăn cản quyết định của Tào Tháo. Lúc này thấy Lâu Khuê nói với tư cách là lão bằng hữu, ông ta cũng hùa theo:
— Mạt tướng cho rằng Lâu Tư mã nói có lý, đại quân rút khỏi Liễu Thành, e là Công Tôn Khang sẽ thừa cơ xâm phạm. Cha con Công Tôn thị cũng từng xưng là “Liêu Đông vương” đó thôi!
— Ha ha ha!... Tào Tháo cười lớn, “Liêu Đông vương” to gan thế kia à? Lão phu đang đợi hắn dâng đầu huynh đệ Viên thị! Các ngươi không cần nói nữa, không lâu sau sẽ rõ thôi.
Hàn Hạo và Lâu Khuê thấy ông võ đoán, lại đưa mắt nhìn nhau, chưa biết tiếp theo nên khuyên như thế nào thì Hình Ngung hớn hở thúc ngựa chạy lại:
— Chúa công, chúng ta hạ trại ở đây chứ?
Lâu Khuê cau mày:
— Hạ trại? Hôm nay chưa đi được mấy dặm, vừa mới sang giờ sửu, còn sớm lắm đấy!
— Không sớm, không muộn, vừa đúng lúc. - Tào Tháo chỉ tay về phía tây nam nói, - Hình tiên sinh vừa nói với ta, đó chính là núi Kiệt Thạch, lên trên đấy ngắm cảnh biển rất hùng tráng. Chúng ta hạ trại sớm, lên núi thưởng ngoạn chẳng vui sao?
Lần rút quân này không phải đề phòng kẻ địch, quân Tào hạ trại rất đơn giản, không đào chiến hào, cắm chông rào, chỉ dựng tạm lều bạt. Lát sau, Tào Tháo đến dưới chân núi Kiệt Thạch, Hình Ngung, Điền Trù, Lâu Khuê đi hai bên, các tướng Trương Liêu, Diêm Nhu cũng theo góp vui.
Núi Kiệt Thạch nằm sát bờ biển, cây cối thưa thớt, dường như được đắp lên từ những tảng đá xù xì, góc cạnh. Nhìn từ dưới lên, ngọn núi tựa như một tảng đá lớn được ông trời dời đến cạnh biển. Thực ra thế núi còn cao và hiểm trở hơn núi Bạch Lang, nhưng tâm trạng của mọi người đã khác, họ lên núi Bạch Lang hành quân đánh trận, còn ở đây chỉ đơn giản là ngắm cảnh nên dù phải vất vả trèo lên, ai cũng nói cười rôm rả. Lớp sỏi đá rải đường góc cạnh, rất khó bước qua, chỉ cần sơ sẩy một cái là ngã trẹo chân hoặc gãy xương như chơi. Bọn Hứa Chử, Đặng Triển rất sợ Tào Tháo bị thương, cẩn thận từng tý, như muốn bế bổng ông cùng với mấy vị tiên sinh kia lên.
Tào Tháo được thị vệ dìu lên đỉnh núi, ngồi thở hổn hển, quay đầu lại thấy Điền Trù vẫn đang vất vả bò lên, liền đưa cánh tay ra nói:
— Điền tiên sinh dẫn đường cho đại quân có công lớn. Nào! Lão phu kéo ông lên!
— Không dám phiền minh công, thảo dân tài trí hèn kém, không đáng để ngài cúi người dìu dắt. - Điền Trù không nắm lấy tay ông, mà bấu vào một mỏm đá, tự trèo lên. Đúng là một lời đối đáp chứa đầy ẩn ý sâu xa.
Tào Tháo mỉm cười, cũng không nói gì, hít thở mấy hơi rồi đứng dậy nhìn xa xa về phía nam: biển khơi mênh mông, xanh ngắt một màu, những con sóng lớn nhấp nhô xô vào tảng đá ngầm bên dưới núi Kiệt Thạch, bắn cao hàng mấy trượng, mang theo tiếng gầm thét dữ dội. Bọn Lâu Khuê, Trương Liêu leo lên được đỉnh núi, nhìn cảnh tượng hùng tráng cũng ồ lên tán thưởng. Hình Ngung cười nói:
— Đẹp quá, đúng lúc thủy triều lên. Trăm sông đổ vào biển, sóng xô ào ạt, cảnh tráng lệ thật không uổng chuyến này!
Diêm Nhu ít tuổi thô lỗ, nhưng cũng cảm nhận được vẻ tráng lệ, bất giác hỏi:
— Ai cũng đều nói trăm sông chảy về đông, đổ vào biển. Vì sao các con sông trong thiên hạ không chảy về hướng tây, không chảy về hướng bắc, mà chỉ chảy về hướng đông?
Nghe vậy, mọi người bật cười ha hả, Hình Ngung nói:
— Tương truyền, thời xưa Cung Công và Chuyên Húc tranh ngôi vua, Cung Công thua trận, tức giận húc vào núi Bất Chu, khiến cho cột chống trời đổ, dây buộc đất đứt. Nữ Oa luyện đá vá trời, chặt chân ngao đỡ bốn cực. Nhưng do trời bị hụt phía tây bắc nên mặt trời, mặt trăng đi về phía đó; đất bị hụt phía đông nam, nên sông ngòi đều đổ về phía đó.
— Ồ! Cung Công dỡ núi, Nữ Oa vá trời, người xưa thật lợi hại! - Diêm Nhu lớn lên trong bộ lạc du mục, chưa được đọc sách nhiều, thấy Hình Ngung lắc lư cái đầu ra vẻ đạo mạo, bèn tin là thật.
Hình Ngung thấy hắn hứng thú với chuyện này, lại càng chế giễu:
— Thời thượng cổ, người có dị năng nhiều vô số. Ví như thuật cung tiễn mà ngươi giỏi, ngươi có biết Tuân Tử có câu “Bách phát thất nhất, bất túc vị thiện xạ”(*) không? Trong số người xưa có Hậu Nghệ giỏi nhất, ông ta là vua của Bắc Địch, từng bắn rơi chín mặt trời. Ngươi có tài bắn cung nhưng chỉ ở hạng tầm thường, khi nào bắn rơi được mặt trời mới gọi là tuyệt đỉnh! - Nói đoạn ông ta còn vuốt râu, giả bộ nghiêm túc.
Diêm Nhu nghe xong, mặt mũi rầu rĩ, mãi sau thở dài:
— Ây dà! Kể ra bắn mặt trời cũng không khó, tôi có thể ngắm chuẩn, nhưng tiếc là không đủ sức bắn tên đi..
— Ha ha ha!... - Mọi người ôm bụng cười sằng sặc.
Diêm Nhu lúc này mới sực hiểu ra:
— Hình tiên sinh, ông gạt tôi! Nào có người bắn rụng mặt trời?
Hình Ngung mủm mỉm cười:
— Từ đầu ta đã nói là truyền thuyết còn gì. Trong sách Mạnh Tử và Hoài Nam Tử đều có chép lại, không tin ngươi hỏi chúa công đi!
Tào Tháo không để ý câu chuyện của bọn họ, vẫn mải ngắm nhìn biển lớn, tâm trạng đã cuốn theo những con sóng. Mặt biển như đang phản chiếu thời đại xuất hiện lớp lớp anh hùng hào kiệt này. Đổng Trọng Dĩnh ngang ngược bá đạo nay ở đâu? Lã Phụng Tiên dũng mãnh vô song ở chốn nào? Có thấy được uy phong của một Viên Công Lộ từng tiếm quyền xưng đế, hống hách ngạo mạn không? Hay có thể tìm được dấu vết của một Viên Bản Sơ từng khí phách lớn lao, rung trời chuyển đất? Sóng to không ngừng đãi cát, bọn họ tựa như những lớp sóng lớn kia va phải đá ngầm, tan biến không còn một tiếng động... Duy có Tào Tháo vẫn vỗ dào dạt, đi qua bão táp mà đứng vững không đổ, muốn làm chủ sự chìm nổi của thiên hạ.
Tào Tháo tâm trạng ngây ngất, hai mắt lim dim, lắng nghe tiếng thủy triều, mặc cho ngọn gió lồng lộng thổi tung vạt áo và chòm râu đã điểm bạc. Chúng nhân thấy ông phiêu diêu như vậy cũng không nói gì nữa, im lặng đứng cạnh ông trên đỉnh núi. Điền Trù khi đi rất tán thưởng cảnh núi rừng ở quan ngoại, nhưng lúc này lại tỏ ra thờ ơ, tìm một phiến đá phẳng phiu ngồi nghỉ. Người có đức nhân thích núi, người có đức trí thích nước, tâm cảnh của ông ta khác hẳn Tào Tháo.
Không biết bao lâu sau, mặt trời đỏ rực dần biến mất sau ngọn núi, một vầng trăng non khi mờ khi tỏ giữa những con sóng ngoài khơi, đám mây hồng lơ lửng trên bầu không, mặt biển bị nhuộm vàng, sóng cũng vỗ nhẹ hơn. Hình như thủy triều sắp rút. Hình Ngung bạo gan kéo tay áo Tào Tháo, nói khẽ:
— Chúa công, chúng ta nên quay về thôi. Trời tối không tiện xuống núi.
Tào Tháo không thèm đếm xỉa đến ông ta, ngẩng đầu ưỡn ngực, phất ống tay áo, cao giọng ngâm rằng:
Lên núi Kiệt Thạch,
Ngắm nhìn biển khơi.
Mênh mông sóng nước,
Sơn đảo chơi vơi.
Cây cối xanh tốt,
Hoa nở khắp nơi,
Gió thu se sắt,
Sóng lớn cuộn trào.
Trăng trời luân chuyển,
Từ giữa trùng khơi.
Ngân hà sáng rực,
Từ nơi biển trời.
May mắn lắm thay,
Chí này cất lời!
Lời ngâm vừa dứt, mọi người lại ồ lên, nhưng không phải tán thưởng thủy triều mà tán thưởng tài hoa của Tào Tháo. Những câu thơ súc tích phác họa rõ nét cảnh đẹp trước mắt, đồng thời thể hiện được sự hùng tráng của biển cả.
— Quả là tuyệt tác! Đại dương rộng lớn mênh mông, thực là vô cùng kỳ diệu. - Hình Ngung bị Tào Tháo làm cảm động, bèn ngâm tiếp bài Tiêu dao du của Trang Tử, - “Biển bắc có cá, tên là côn, lớn không biết mấy ngàn dặm! Cá này hóa thành chim, gọi là bằng. Lưng nó cũng không biết dài mấy ngàn dặm!”
— Ha ha ha!... - Tào Tháo bỗng bật cười, định thần nói, - Ngươi cho rằng những lời đó của Trang Tử có thật không?
Hình Ngung vuốt vuốt chòm râu nói:
— Tất nhiên không có con cá con dài mấy ngàn dặm, nhưng cá lớn thì vẫn có. Theo tại hạ biết, ở Đông Hải có một loài cá, con to bằng cả quả núi, còn con nhỏ cũng bằng cả mấy gian phòng, riêng râu của nó đã dài một trượng, mắt như cái bát lớn đựng được ba thăng, bách tính gọi là kình nghê. Loại cá này thường chết do mắc cạn gần bờ biển, mỡ nó chảy lênh láng. Người dân xẻ thịt để ăn, lấy mỡ để thắp đèn, còn dùng những chiếc xương lớn làm trường mâu...
Trương Liêu đứng phía sau Hình Ngung, trong bụng vốn ít chữ nghĩa, nghe hai người ngâm thơ đọc văn không hiểu lắm, chỉ đứng xem. Lúc này nghe Hình Ngung nhắc tới binh khí, ông ta mừng rỡ nói chen vào:
— Đúng rồi! Năm ngoái tôi giao đấu với Quản Thừa, Liễu Nghị, thấy đám hải tặc bộ hạ của họ dùng loại mâu này. Lúc đó tôi còn bực tức vì binh khí đó trắng không ra trắng, vàng cũng không ra vàng, sắc bén mà lại dẻo dai, không rõ được làm từ gì. Giờ nghĩ lại, hẳn là mâu xương cá.
— Không sai, đó chính là xương kình nghê. - Hình Ngung quay mặt hướng ra biển, cảm khái nói, - Có thể thấy những chuyện kỳ lạ mà cổ nhân viết ra cũng không phải hoàn toàn vô căn cứ. Ngay cả chuyện ngựa trời cưỡi mây, hay sấm vĩ hiện trên sông Hoàng Hà và sông Lạc cũng chưa chắc chỉ là những lời bịa đặt.
Nhắc tới sấm vĩ, Tào Tháo chợt nhớ tới những lời Đổng Chiêu đã nói với ông vào ba năm trước ở Nghiệp Thành rằng, Nghiệp Thành ở Ngụy quận là thành trì tượng trưng thiên mệnh, thiên tượng cho thấy sao Thái Bạch xuất hiện giữa ban ngày, sao Hỏa đi ngược chiều, tức là điềm thay đổi triều đại. Mặc dù từ trước đến giờ Tào Tháo không tin những lời lẽ hoang đường đó, nhưng nay nghĩ lại cũng thấy có phần đúng. Tuy vậy, ngoài miệng ông lại nói:
— Mấy lời lẽ bí hiểm đó chỉ nghe cho vui thôi, chứ tin là thật e sẽ làm trò cười cho thiên hạ. - Tào Tháo vừa nói vừa vịn vào tảng đá tiến lên mấy bước.
— Chúa công cẩn thận, bên dưới là vách đá. - Hứa Chử khẽ nhắc.
Tào Tháo không bận tâm, hiên ngang đứng trước vách núi hứng gió biển, nhìn đại dương mênh mông vô bờ, không khỏi cảm khái:
— Theo lão phu, biển cả rộng lớn bao nhiêu thì nhân tâm cũng rộng mở bấy nhiêu, đâu cần phải đi tìm linh đơn thần dược làm gì. Lúc còn sống phải có tấm lòng bao dung, làm nên sự nghiệp mới là một đại anh hùng, đại trượng phu chân chính! Sáng nghe giảng đạo lý, tối chết cũng cam tâm, sợ gì sinh lão bệnh tử! - Nói đến đây ông bỗng dang cánh tay, ngâm tiếp một bài thơ:
Thần quy tuy thọ,
Còn có lúc chết.
Đằng xà lướt gió,
Rồi cũng thành tro.
Ngựa ký nằm chuồng,
Chí ở bốn phương.
Tráng sĩ cuối đời,
Hùng tâm chưa hết.
Số mệnh ngắn dài,
Phải đâu tại trời.
Biết đường di dưỡng,
An hưởng tuổi đời.
May mắn lắm thay,
Chí này cất lời.
— Thơ hay! - Hình Ngưng tấm tắc khen ngợi - Câu “Tráng sĩ cuối đời, hùng tâm chưa hết” thực là tuyệt cú! Chúa công đã bước qua tuổi năm mươi mà hùng tâm không mất, tráng chí không vơi, ngày sau ắt còn nhiều thành tựu lớn hơn. Chúa công chính là đại anh hùng, đại trượng phu thực sự của đời nay!
Diêm Nhu nghe ù ù cạc cạc, cũng vội quay ra khen ngợi:
— Đúng là kiệt tác, kiệt tác.
— Thơ hay khôn tả!
— Chúa công đúng là đại thi nhân!
— Chúa công không những là anh hùng thiên hạ, mà còn đứng đầu anh hùng trong thiên hạ...
Nghe chúng nhân không ngớt lời ca ngợi, Tào Tháo phấn chấn ngửa mặt lên trời cười lớn.
Trong khi đó, Điền Trù một mình ngồi đằng xa lại trầm tư: Tào Mạnh Đức quả nhiên không tầm thường. “Ngựa ký nằm chuồng, chí ở bốn phương. Tráng sĩ cuối đời, hùng tâm chưa hết.” Một kẻ tầm thường há làm được câu thơ hùng hồn ấy? Nhưng vì đâu ông ta có những lời lẽ cảm khái? Tráng chí và hoài bão lớn lao của ông ta rốt cuộc là gì? Chỉ e là ông ta muốn dòm ngó kim loan ngọc khuê chứ chẳng chịu ngồi yên làm một bề tôi!
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 7 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 7 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 7