There is a wonder in reading Braille that the sighted will never know: to touch words and have them touch you back.

Jim Fiebig

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 38
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 96
i cư Nghiệp Thành, bước đi đầu tiên trong việc thay nhà Hán tự lập của Tào Tháo
Chinh phạt Cao Cán
Quả như dự tính của Tào Tháo, Thứ sử Tịnh Châu Cao Cán nghe nói quân chủ lực của Tào Tháo bắc tiến thảo phạt Ô Hoàn, biết rằng đó là cơ hội cuối cùng, lập tức bỏ tù những quan viên từ Hứa Đô sai đến, một lần nữa khởi binh tạo phản. Cùng thông đồng với Cao Cán còn có Trương Bạch Kỵ - thủ lĩnh quân Khăn Vàng ở Hào Sơn, Trương Diễm - cường hào ở Hoằng Nông, cùng với bọn Vệ Cố, Phạm Tiên là bộ tướng cũ của Thái thú Hà Đông Vương Ấp. Nhưng tất cả những điều ấy đều nằm trong tính toán của Tào Tháo, nên không thể gây được cơn sóng gió như lần trước nữa.
Thái thú Hà Đông Đỗ Kỳ không phụ sự tiến cử của Tuân Úc, mới ra trận đã khống chế được cánh quân của Vệ Cố, Phạm Tiên. Huyện lệnh Mẫn Trì là Giả Quỳ chỉ vờ thuận theo Trương Diễm cũng đã lừa được hắn ta ra khỏi thành. Huyện thành những nơi quân mã của Trương Bạch Kỵ tiến đến đều đóng chặt cửa nghiêm trận chờ sẵn, đánh không được, cướp cũng không xong, quân lính dưới trướng lại là ô hợp từ khắp nơi đến, chỉ còn cách phải liên lạc với Lưu Biểu ở Kinh Châu cùng hành động. Nhưng viện quân Kinh Châu còn chưa đến thì Chung Do đã điều đại quân của Mã Đằng ở Tây Lương đến, chẳng tốn công nhọc sức đã đánh tan các lộ phản quân, bọn phản tặc Trương Bạch Kỵ, Vệ Cố, Trương Diễm đều bị tiêu diệt. Lưu Biểu bị mất đi nội ứng, một lần nữa đành từ bỏ ý định bắc phạt. Cao Cán vốn lên kế hoạch dương đông kích tây, đột kích Nghiệp Thành, nhưng các lộ quân hưởng ứng đều nối nhau thất bại, đội quân mà hắn sai đến Ký Châu cũng bị Tuân Diễn tiêu diệt gần hết. Ngược lại còn để Nhạc Tiến, Lý Điển vượt núi Thái Hàng, tiến thẳng tới ải Hồ Quan trọng yếu gần quận Thượng Đảng. Chiến hỏa cuộc phản loạn lần này chẳng những không làm hại được Tào Tháo, trái lại thiêu cháy chính bản thân Cao Cán.
Tháng Tám năm Kiến An thứ mười, đại quân của Tào Tháo tới U Châu, tiêu diệt phản tặc Triệu Độc, Hoắc Nô và hội hợp cùng với Độ Liêu Tướng quân Tiên Vu Phụ, Hộ Ô Hoàn Hiệu úy Diêm Nhu, bày trận ở Quánh Bình quyết chiến với ba quận Ô Hoàn. Đám người Ô Hoàn ấy chẳng qua là mượn danh nghĩa họ Viên muốn nhân loạn cướp của, đâu có thực lòng muốn báo thù cho Viên Thượng, Viên Hy? Vừa thấy Tào Tháo ầm ầm khí thế tiến đến, biết rằng không thể gây sự được, liền mang theo những tài vật cướp được trốn ra ngoài ải ngay trong đêm. Huynh đệ họ Viên bị tình thế bức bách cũng chỉ còn cách bỏ đất cũ mà chạy theo.
Ba quận Ô Hoàn chưa đánh đã chạy, cục diện U Châu nhìn chung đã yên ổn. Tào Tháo lập tức hồi quân quay sang phía đông, hành quân tới núi Thái Hàng hội hợp với Nhạc Tiến, Lý Điển, đem mấy vạn đại quân tiến sát Hồ Quan(*), lại phân chia các lộ binh mã phong tỏa chặt các con đường quan trọng từ Tịnh Châu xuống phía nam, ngày tàn của Cao Cán đã không còn xa nữa...
Dãy núi Thái Hàng chạy từ bắc xuống nam, chia cắt cao nguyên Tấn Trung với bình nguyên Hoa Bắc. Quận Thượng Đảng nằm ở giao giới của Tịnh Châu với Ký Châu, là đường giao thông trọng yếu giữ phía đông và phía tây núi Thái Hàng. Quận Thượng Đảng vì “vị trí rất cao, đồng đảng với trời” cho nên mới có tên gọi như vậy. Nơi đây địa thế hiểm yếu, dễ phòng thủ khó tấn công, tự xưa đã là nơi tranh đoạt của binh gia. Trong đó, Hồ Quan lại là hiểm địa trong hiểm địa, nằm ở giữa kẽm núi Thái Hàng, toàn bộ huyện này bị địa hình hạn chế, hai đầu hẹp, ở giữa rộng, tựa như hình dạng một cái hồ lô, cho nên có tên gọi như vậy. Chỗ này thế núi nam bắc chót vót dựng đứng, ở giữa hoặc dốc đứng, hoặc thung lũng, chỗ rừng, chỗ suối địa hình phức tạp, chỉ có một con đường hẹp gập ghềnh quanh co có thể đi qua được, nên người địa phương gọi là “đường dốc ruột dê”, quả thực là một người giữ ải, muôn người khó phá.
Lần trước Cao Cán rõ ràng là trá hàng, nhưng Tào Tháo cũng chẳng cần xem xem là thực hay giả mà bằng lòng luôn, cố nhiên là tính toán phá Viên Đàm, Viên Thượng trước đã, nhưng quan trọng hơn là e ngại địa thế Hồ Quan. Nếu không tiêu diệt hết những kẻ địch sau lưng thì Tào Tháo tuyệt nhiên không dám phạm vào chỗ hiểm yếu này. Giờ đây chỉ còn Cao Cán là chưa dẹp được, Tào Tháo mới hạ quyết tâm đánh một trận.
Đường dốc ruột dê quanh co uốn khúc, hàng trăm hàng ngàn lối ngoặt, hai bên không dốc đứng thì vực sâu, căn bản không có đường hành quân, những đoạn hẹp nhất chỉ có thể cho một hai người đi qua được. Đến chỗ này binh mã càng nhiều càng phiền phức. Đến khinh binh của Nhạc Tiến, Lý Điển vượt qua còn không dễ dàng gì, huống hồ mấy vạn đại quân của Tào Tháo, hơn nữa gặp đúng ngày đông tháng giá, có thể nói là đã khó càng thêm khó. Quân sĩ đều dồn cả lại trên con đường ruột dê nhỏ hẹp gập ghềnh, kéo dài thành một con rồng dài ngoẵng, một ngày cũng không đi nổi mười dặm. Xe cộ vận chuyển lại càng nan giải, có ngựa cũng chỉ có thể dắt bộ, xe lương hoàn toàn dựa vào sức người kéo đẩy, vô cùng khó nhọc. Quy tắc phân phát lương ăn cũng phải sửa đổi, lương ăn được lấy từ xe cuối cùng, từng người một chuyền tay nhau đưa lên trên, sáng bảnh mắt ra đã bắt đầu chuyền tay nhau lương ăn, có khi mất nửa ngày mới có thể chuyển tới người trên cùng. Lúc này đang ngày đông tháng giá, ở vùng núi non gió lại càng mạnh, gió bắc ù ù bên tai, mặc bao nhiêu quần áo cũng không ngăn nổi khí lạnh, quân sĩ run rẩy đi trên con đường hiểm trở, chỉ cần hơi loạng choạng là ngã xuống vực tan xương nát thịt ngay. Những kẻ đẩy xe chỉ cần lơ đãng là cả xe lương thảo quân giới lập tức lộn xuống.
Quân Tào chịu đủ muôn vàn gian khó cuối cùng cũng đã đến được địa giới Hồ Quan, tuy không còn vách treo dốc đứng, nhưng hẻm núi vừa vắng lặng vừa lạnh lẽo đến ghê người. Đường đi gập ghềnh khúc khuỷu, trước sau không thấy dấu chân người, hẻm núi giá lạnh, tuyết đọng không tan. Những cọc tiêu của bọn Nhạc Tiến, Lý Điển đi trước đánh dấu đã bị tuyết che lấp hoàn toàn, không sao tìm thấy được, đoàn quân chỉ còn cách vừa gạt tuyết vừa đi, thậm chí những chỗ chưa có đường còn phải khai mở lấy lối. Chẳng những thế, nơi đây còn là đầu nguồn của con sông Lộ Hà, sông suối chằng chịt, thác nước rất nhiều, thường xuyên phải bắc cầu tạm mới đi qua được. Tào Tháo cắn răng chịu đựng, một dạ kiên trì, cuối cùng cũng đã đi qua được, khi đại quân hội hợp được với cánh quân của Nhạc Tiến, Lý Điển thì đã là tháng Giêng năm Kiến An thứ mười một.
Thắng bại trong cuộc chiến cuối cùng này vẫn còn có cơ tranh đoạt, nhưng cuộc chiến với đất trời chưa đến hồi kết thì chưa dám nói bừa kết quả, vượt qua được quãng đường trên một cách thành công, ba quân tướng sĩ còn mừng hơn cả thắng trận, cứ như từ cõi chết trở về. Tào Tháo cho đóng quân ở ngoài thành Hồ Quan, lại đặt đại trướng trung quân trên sườn núi Bách Cốc(*) ở mé bắc, nhìn xuống toàn bộ chiến cuộc. Không đích thân đến tận nơi thì không thể hiểu được rằng, sở dĩ Cao Cán dám tạo phản chính là ỷ vào kẽm núi hùng quan này. Cảnh hiểm trở thiên tạo này chỉ dựa vào nhân lực thì không thể đoạt được. Nhạc Tiến, Lý Điển được phái đến trước, tuy đã kiềm chế được quân địch nhưng việc công thành thì vô kế khả thi.
Dù Tào Tháo đích thân đến đây cũng không nghĩ ra được cách gì hay, chỉ có cách duy nhất là vây khốn, đợi quân địch cạn kiệt lương thảo, mở cửa đầu hàng...
Tuy đã bước vào mùa xuân, nhưng ông trời vẫn không có dấu hiệu ấm áp lên, đặc biệt đến đêm, gió bắc thổi ù ù không ngớt, âm thanh ấy vang vọng giữa thung lũng tựa như tiếng ma quỷ khóc than. Trong trướng trung quân tuy đã đốt nhiều chậu than nhưng chẳng ấm lên được chút nào, gió từ góc trướng thổi vào khiến người ta phải ong đầu buốt óc. Tào Tháo thực sự khó mà ngủ được, bèn khoác tấm áo cừu đi ra ngoài trướng xem xét.
Quân trướng đặt trên lưng chừng núi, vốn có thể quan sát được toàn bộ xa gần quanh Hồ Quan, nhưng giờ đã bị đêm đen che phủ. Đuốc lửa soi không xa quá mấy trượng, tất cả đều mờ mờ ảo ảo, đám binh lính đã say ngủ từ lâu, chỉ có lẻ tẻ vài ánh đuốc lay lắt trong kẽm núi, vô cùng mờ ảo. Không biết từ đâu vọng lại tiếng tru thê lương của những con sói trong rừng. Đêm lạnh lẽo thế này, đến cả những con vật đang ngủ đông cũng khó có thể chịu nổi. Trên thành Hồ Quan phía xa xa, đuốc lửa sáng như ban ngày, ngay cả những cành chạc rào, cự mã(*) đều nhìn thấy rõ ràng, Cao Cán bị vây hơn ba tháng nhưng vẫn không hề trễ nải, không biết còn phải vây khốn bao lâu nữa, mong là hắn sẽ không ngoan cố như Thẩm Phối?
— Chúa công còn chưa nghỉ ư? Đã gần canh ba rồi, ngài phải giữ gìn sức khỏe chứ! - Cùng với tiếng nói từ xa, một người men theo con đường núi đi lên, tay cầm bó đuốc tiến lại gần.
Tào Tháo dần thấy rõ khuôn mặt tuấn tú, thanh gầy của người đang đến:
— Ồ... Là Phụng Hiếu ư, đêm khuya lạnh lẽo, gió bắc rít gào, lão phu không thể ngủ được. Ngươi sao cũng không nghỉ đi?
Quách Gia cầm bó đuốc đưa cho thân binh giữ trại, bước vội mấy bước đến trước mặt Tào Tháo:
— Vừa nãy lính áp tải lương thảo báo cáo, những xe lương hậu đội của chúng ta đều bị hỏng cả, e là sẽ phải nhỡ mất một thời gian.
— Xe lương bị hỏng?
— Vâng. - Quách Gia cười nhăn nhó, - Khi thì đi trên đường dốc ruột dê, khi thì bên núi vực lắc lư, lại phải qua cầu tạm nữa, đa số xe đều bị rơi bánh, dồn cả trước kẽm núi chưa qua được. Tại hạ đã thương lượng với Biện Bỉnh, sai mấy trăm quân đi chặt cây, mau chóng đóng loạt xe mới để đưa lương đến đây, nếu chỉ dựa vào sức người mang vác thì không phải là giải pháp. Nếu hai ngày nữa mà lương thực vẫn chưa đến, e là mọi người sẽ phải chịu đói rồi. Ngoài ra, nước uống cũng là một vấn đề, những sông suối ở đây đều đóng băng cả, ít nhất cũng phải đợi một tháng nữa mới có thể tan chảy, hiện giờ mọi người đều phải gặm băng mà nhai, rất hại tỳ vị.
— Ngày mai ta sẽ truyền lệnh, cơm ăn tạm thời rút xuống hai bữa một ngày, trước khi lương thực được chuyển đến, mong mọi người chịu khó một chút. Còn nước uống, phải để cho họ nấu tan băng ra rồi hãy uống. Thời tiết đầu xuân rất dễ mắc bệnh, nếu thực phải gặm băng rồi mắc bệnh, lâu dài sẽ không phải chuyện chơi đâu. Cái chốn quỷ tha ma bắt này... - Tào Tháo nguyền rủa một câu, đưa mắt sang nhìn Quách Gia, thấy ông ta hai mắt hõm sâu, thần thái phờ phạc, - Mấy ngày nay ngươi vất vả quá, sau khi đến Hồ Quan cứ y như thành một người khác vậy, cũng không nghe thấy ngươi nói cười, suốt ngày chỉ biết lo công việc. Những việc lương thảo này, ngươi không phải lo lắng đâu!
Quách Gia cúi mình nói:
— Thuộc hạ chịu ơn tri ngộ của Chúa công, đương nhiên phải dốc sức báo đền.
Tào Tháo thấy bộ dạng nghiêm trang của Quách Gia thì bật cười trêu chọc:
— Xem ngươi nói gì mà nghiêm túc thế, nửa đêm nửa hôm, lại chỉ có hai chúng ta thế này, ngươi làm thế cho ai xem? Việc không phải của ngươi mà ngươi đi lo, lão phu cũng không khen thưởng đâu, đó chính như câu: “Không phải ma nhà mình mà cúng tế, là siểm nịnh vậy.”(*)
Quách Gia hoàn toàn không có ý nói đùa, vẻ mặt vô cùng trịnh trọng:
— Siểm nịnh hay không siểm nịnh, ngày sau tất có công luận. Tại hạ không sợ kẻ khác bàn tán, chỉ mong chúa công thấu hiểu tâm ý của tại hạ thôi.
— Ồ? - Tào Tháo tựa hồ đã đoán ra, từ sau khi Trần Quần đàn hặc Quách Gia không rèn hạnh kiệm, bòn rút của cải, Quách Gia càng tận tâm tận lực hơn trước, nhưng ông lại không tiện nói thẳng ra, chỉ cười bảo, - Có nhiều việc ngươi không cần nghĩ nhiều, những lúc cần thiết lão phu tất sẽ nghĩ thay cho ngươi.
Quách Gia vội vàng lắc đầu:
— Chúa công không trách tội, ấy là lòng khoan hồng của chúa công, nhưng thuộc hạ tất phải suy nghĩ. Dấy binh đánh trận vốn để an định lê dân, vậy mà thuộc hạ lại ỷ công lao mà kiêu ngạo, chiếm đoạt tiền bạc của bách tính, đó chẳng phải là mình lại làm trái với mình ư? Trước nay tại hạ chỉ ham công danh, xử sự không nghiêm túc, nhưng mấy ngày gần đây đã suy nghĩ lại, những điều bình sinh tại hạ làm thực sự có quá nhiều chỗ sai rồi!
— Công nghiệp còn chưa xong, ngươi nghĩ nhiều vậy làm gì? - Tào Tháo chợt chau mày, - Báo cho ngươi biết một tin mừng, lão phu đã dâng biểu lên triều đình, phong ngươi tước Vị Dương đình hầu. Chẳng phải ngươi vẫn thích có được tước vị như Lệnh quân và quân sư đấy ư? Bây giờ thì tiểu tử ngươi cũng có rồi.
— Đa tạ Chúa công. - Quách Gia tuy tạ ơn nhưng không biểu lộ vui mừng, - Tại hạ xuất thân bình dân, ít từng trải, cũng không có công lao lớn gì, vốn không dám sánh ngang với quân sư. Con trai tại hạ là Quách Dịch còn nhỏ dại, nếu ngày sau nó có chỗ nào không khuôn phép, dám mong Chúa công bao dung.
Tào Tháo như bị rơi vào giữa mịt mù mây phủ, đây đâu còn là Quách Phụng Hiếu vui cười giận chửi, phóng túng không câu thúc nữa? Tào Tháo vỗ vỗ lên vai Quách Gia nói:
— Tiểu tử ngươi hôm nay làm sao vậy, lại nói ra những câu hồ đồ thế. Suốt mấy năm nay đã có khi nào ngươi là kẻ ăn không ngồi rồi đâu? Lão phu bình định Hà Bắc, tất cả là dựa vào kế sách của ngươi. Chớ nói rằng trong nhà ngươi có mấy kẻ phạm chút lỗi nhỏ, dù thực sự có làm điều gì sai trái cũng có thể tha thứ. Thiên Bát Tịch(*) trong Chu Lễ lẽ nào lại không phải là của thánh nhân lưu lại? Luận công lao, luận tài cán, luận cần mẫn có điều nào ngươi không làm được? Chớ có suy nghĩ lung tung nữa!
Quách Gia quả thực có nỗi lòng không thể thổ lộ cùng ai, chỉ đành thuận ý đáp theo:
— Dạ. Tại hạ không nghĩ nữa... Không nghĩ nữa...
Tào Tháo thấy Quách Gia dường như đã thoải mái hơn, quay đầu lại hít một hơi khí lạnh, lại nhìn kẻm núi tối đen âm u, miệng lẩm bẩm:
— Tên tiểu tử Cao Cán đúng là một con sói, nếu không diệt trừ hắn, sớm muộn cũng sẽ thành họa hại. Lão phu đã quyết định rồi, bằng bất cứ giá nào cũng phải hạ được Hồ Quan, chỉ cần bình định được Tịnh Châu, vùng đất phương bắc sẽ không còn mối họa lớn nào nữa. Còn như Lưu Biểu ở Kinh Châu, Lưu Chương ở Ích Châu, Tôn Quyền ở Giang Đông, chẳng qua cũng chỉ là mỗi kẻ chiếm cứ một góc mà thôi, với hùng binh của ta, lại có danh nghĩa chính đáng của triều đình, ắt phá rất dễ!
Lần này Quách Gia không hề xưng tụng Tào Tháo anh minh thần võ như bình thường nữa, mà lại nói vẻ thực sự cầu thị:
— Việc thống nhất bắc phương đã gần ngay trước mắt, Ô Hoàn, Công Tôn Độ chẳng qua chỉ là bọn thảo khấu biên đình, chúa công cũng nên sớm suy nghĩ kế sách nam hạ. Bây giờ Giang Đông đã không còn là vùng đất hoang sơ, man dã như xưa nữa, nghe nói Tôn Quyền trên đường dẫn quân về từ Giang Hạ lại sai bộ tướng là Chu Trị, Hạ Tế trấn áp vùng Sơn Việt, chiếm đoạt không ít địa bàn. Đương quy chúa công gửi cho Thái Sử Từ đến nay vẫn chưa thấy hồi âm, đủ thấy Tôn Quyền giỏi ổn định nhân tâm, chúa công tuyệt đối không thể coi thường Giang Đông.
Tào Tháo dường như không chú ý, chỉ lặng nhìn kẽm núi âm u, tưởng tượng ra bao nhiêu điều, rất lâu sau chợt ngâm một bài thơ:
Núi Thái Hàng tiến quân lên bắc;
Gian nan thay chất ngất núi cao.
Ruột Dê đường dốc cheo leo;
Gập ghềnh hỏi bánh xe nào chẳng tan.
Cây cối những điêu tàn xơ xác;
Ù ù nghe gió bắc buồn thay.
Gấu beo trước mặt ngồi đầy;
Bên đường hổ báo từng bầy gào kêu.
Nơi khe núi chẳng nhiều dân chúng;
Tuyết trắng riêng sa xuống bời bời.
Ngóng dài cổ, thở than hoài;
Biết bao nhiêu nỗi lo người đường xa.
Vì đâu khiến lòng ta uất ức;
Một niềm mong mỏi được về đông.
Sông sâu cầu lại tuyệt không;
Giữa đường luống những trong lòng ngẩn ngơ.
Mơ hồ lối đường xưa mất dấu;
Buổi chiều hôm trú náu không nơi.
Hành quân ngày đã lâu rồi;
Đói ăn, khát uống ngựa người như nhau.
Gồng gánh bước chân mau lấy củi;
Đẽo tuyết băng nấu thổi uống ăn.
Buồn thay một khúc Đông Sơn;
Khiến người dạ lại sầu hơn mấy lần.(*)
Quách Gia nghe thấy cảnh tang thương thê thảm trong bài thơ, lộ rõ tâm tình buồn bã, hoàn toàn không giống như sắp giành được thắng lợi, đột nhiên nghĩ đến Tào Tháo cũng có tâm sự gì. “Buồn thay một khúc Đông Sơn; Khiến người dạ lại sầu hơn mấy lần.” Bài thơ Đông Sơn trong Kinh Thi ca ngợi Chu Công, nhưng Tào Tháo rốt cuộc là muốn làm một bậc thánh nhân như Chu Công, hay là muốn làm một kẻ thoán ngôi đê tiện như Vương Mãng? Việc thống nhất phương bắc gần trong gang tấc, hai con đường ấy đều đã bày ra trước mắt, Tào Tháo sẽ lựa chọn thế nào?
Quách Gia dần ý thức được đó là một vấn đề rất đáng sợ, tuyệt nhiên không nên tham mưu, khuyên Tào Tháo tự lập thay cho nhà Hán thì quá nhẫn tâm, nhưng khuyên ông không được làm như vậy thì cũng rất trái lòng. Nói thẳng ra, những người như ta quá nửa đều là vin rồng bám phượng, mưu cầu phú quý cho bản thân và con cháu đời sau, nếu Tào Tháo tương lai không nắm quyền lực, thì ta còn dốc sức vì ai đây?... Quách Gia dẫu sao cũng không phải loại người như Đổng Chiêu, hơn nữa chuyện này e là bản thân ông cũng chẳng ngáng trở được gì. Quách Gia không dám suy luận quá nhiều về vấn đề này, vội chắp tay nói:
— Chúa công cũng nên nghỉ ngơi sớm một chút.
— Được. - Tào Tháo vẫn đắm chìm trong ý thơ, - Ngươi cũng về nghỉ ngơi đi.
— Thuộc hạ tuần tra một vòng quanh doanh trại rồi sẽ về ngủ.
— Ôi chao! Đã có người canh tuần rồi, đâu cần ngươi phải lo lắng.
Quách Gia vái một vái dài nói:
— Tại hạ được thi thố chí bình sinh, tất cả là nhờ được chúa công đoái thương, có vất vả một chút cũng là việc nên làm, mà dù vất vả đến chết cũng khó báo đền được ơn của chúa công!
— Nói năng lung tung! Làm sao lại nhắc đến cái chết làm gì? Mưu sĩ trong quân, ngươi là người trẻ tuổi nhất, những việc từ nay về sau lão phu còn phải trông cậy vào ngươi nhiều đấy!
Quách Gia chợt nước mắt vòng quanh, may mà trời tối nên Tào Tháo không trông thấy. Quách Gia cắn răng, cố nén đau buồn nói:
— Thuộc hạ không nói lung tung nữa... không nói lung tung nữa...
Tào Tháo ngáp dài:
— Thế mới đúng chứ! Lão phu nghỉ ngơi đây, ngươi cũng về nghỉ đi, ngày mai còn phải bàn bạc chiến sự.
Quách Gia vái chào tiễn Tào Tháo về trướng, còn mình vẫn chưa chịu về mà vẫn bước thấp bước cao xuống núi. Vệ binh giữ trại thấy ông ta quên bó đuốc, vội kêu lên:
— Quách tiên sinh! Đuốc của ngài... - Quách gia dường như không nghe thấy, cứ bước xuống con đường núi tối thui mà đi tuần tra doanh trại trong cơn hàn phong.
Hoa Đà và Lý Đương Chi lúc này đang sắp xếp lại tay nải, hộp thuốc, trông thấy Quách Gia đờ đẫn bước vào thì giật nảy mình.
Quách Gia chẳng buồn hàn huyên lấy một câu, đột nhiên ngồi thụp xuống:
— Hoa tiên sinh, mới nửa đêm gà gáy, thầy trò tiên sinh đã thu dọn đồ đạc đi đâu thế này?
Hoa Đà và đệ tử quay sang nhìn nhau, gượng cười đáp:
— Nơi này là Bách Cốc sơn, tương truyền là nơi Thần Nông nếm trăm thứ cỏ, thầy trò chúng tôi cũng muốn đi hái ít thuốc. Tranh thủ trời còn chưa sáng, đi sớm về sớm để đỡ lỡ việc Tào công sai khiến.
— Có việc gì cứ giao cho đệ tử làm, Hoa tiên sinh hà tất phải đích thân đi? - Quách Gia vẫn cúi thấp đầu.
Hoa Đà cười nói:
— Đương Chi tuổi còn trẻ, vẫn cần lão hủ phải chỉ bảo ít nhiều.
Quách Gia liếc nhìn thầy trò họ:
— Hừ! Ta thấy Hoa tiên sinh là muốn bỏ quan trốn việc, cao chạy xa bay hẳn?
— Ngài... - Câu hỏi khiến thầy trò Hoa Đà mặt mày biến sắc.
Quách Gia hít một hơi thật sâu, thẳng người đứng dậy, hai mắt rực lên nhìn thẳng Hoa Đà:
— Chứng tức ngực khó thở của tại hạ đã lâu ngày, từ năm ngoái đến nay bệnh càng thêm nặng. Hôm trước tại hạ thấy trong đờm có vệt máu, đến chỗ tiên sinh nhờ thăm bệnh, ngài chẳng dùng châm cứu lại không cho thuốc thang, chỉ nói chứng bệnh này của tại hạ không có gì đáng ngại, vài tháng hoặc một năm tất sẽ hết hẳn. Tại hạ càng nghĩ càng thấy ngạc nhiên, không thể ngủ được, muốn đến đây hỏi rõ, nếu không cho thuốc thì bệnh này làm sao có thể trừ tận gốc được?
Hoa Đà nhất thời không nói được gì, nghĩ ngợi rồi mới đáp:
— Tiên sinh đến Hà Bắc không hợp thủy thổ, chẳng qua nhất thời phạm chứng đàm khí, cứ yên tâm nghỉ ngơi mấy ngày sẽ hết.
— Tiên sinh nói sai rồi! Trước khi đi theo Tào công, tại hạ đã từng làm quan ở Hà Bắc, sao lại nói là thủy thổ không hợp? - Quách Gia vạch trần câu nói dối, - Không phải là bệnh của tại hạ đã vào đến cao hoang, sắp chết đến nơi nhưng tiên sinh không nỡ nói rõ đấy chứ?
Hoa Đà đã chữa cho vô số người nên vẫn giữ được vẻ nghiêm trang, nhưng Lý Đương Chi vốn thật thà, sợ hãi đến bủn rủn chân tay, đánh rơi cả hộp thuốc xuống đất, các vị thuốc bắn tung tóe khắp nhà. Hoa Đà định thần lại, vừa nhặt thuốc vừa nói:
— Quách tiên sinh xin chớ suy nghĩ lung tung, chẳng ai khỏe mạnh suốt ngàn ngày, gặp chút bệnh nhỏ có gì đáng sợ?...
Lúc Quách Gia bước vào thấy thầy trò họ sắp xếp đồ đạc, trong lòng đã nguôi ngoai đến tám chín phần, bây giờ nhìn dáng vẻ họ bối rối như vậy, tia hy vọng cuối cùng cũng tan biến mất, thở dài nói:
— Hoa tiên sinh không cần phải giấu giếm, tại hạ theo chúa công vào sinh ra tử, từ lâu đã không lo sợ những chuyện này rồi. - Tuy nói vậy, nhưng giọng ông ta vẫn run rẩy, - Người thầy thuốc có tấm lòng như cha mẹ, há có thể thấy chết không cứu? Tiên sinh cứ trả lời lấy lệ với ta như vậy, chắc hẳn là chữa không nổi rồi, nếu như ngay cả ngài cũng không chữa được, vậy còn có thể trông mong vào ai được nữa? Đó là số mệnh của Quách mỗ đã định như vậy!
Hoa Đà thấy không thể giấu giếm được nữa, đành thở dài, vái bảo:
— Tiên sinh quả nhiên thông minh tuyệt đỉnh, chẳng thể lừa được ngài. Thực không dám giấu, bệnh của ngài đã... đã không thuốc nào chữa được.
Tuy việc này cũng đã là sự thật, nhưng chính tai được nghe, Quách Gia vẫn cảm thấy đầu óc quay cuồng, tay bám vào bàn mới khỏi bị ngã:
— Bệnh này vì đâu mà ra?
— Cái đó phải hỏi chính tiên sinh thôi.
— Nói vậy là sao?
Hoa Đà biết rõ có sợ cũng chẳng tác dụng gì, bèn ngồi xuống nói:
— Người trong thiên hạ quá nửa khẩu thị tâm phi, hành sự phóng túng, tự cho là có thể lừa dối được cả thiên hạ mà không hề biết rằng khó lừa dối nhất lại chính là bản thân mình. Mở cửa ra thì bàn luận đến đại sự thiên hạ, đóng cửa lại thì mưu tính tửu sắc, của cải. Trước mặt người thì cao đàm khoát luận, sau lưng người thì yến vũ oanh ca, kỳ thực kẻ bị tổn thương lại là chính mình! Chứng bệnh mà ngài mắc phải là chứng ác sái(*), còn gọi là bệnh lao, là chứng không thể trị được. Một năm gần đây ngài gầy đi rất nhiều, lẽ nào lại không tự biết ư? Ho ra máu mới chỉ là bắt đầu, sách Tố Vấn có chép: “Kẻ bệnh lao, xương cốt khô đét, cơ bắp teo đi, trong ngực tức nghẹn, hít thở khó khăn, trong thì đau lên đến đầu vai, mình nóng, thịt tiêu, xương lộ”, dần dần ngài sẽ cảm nhận thấy hết. Sái, tức là tật khổ. Lao, tức là mệt nhọc. Nếu chỉ có là mệt nhọc, tật khổ thì cũng thôi, người ta thường nói rằng mười phần mệt nhọc thì chín phần là do sắc dục, e là trong chuyện nam nữ ngài cũng đã phải hao tổn nhiều? Lão hủ từ lâu đã nhìn thấy ngài mắc phải chứng nan y, nhưng đành bó tay không có cách nào, vậy làm sao nói rõ được đây? Thật xấu hổ, xấu hổ...
Quách Gia hiểu ý Hoa Đà muốn nói gì. Căn bệnh này nói thẳng ra là ông tự làm phải tự gánh chịu. Họ Quách ở Dĩnh Xuyên vốn không phải là danh môn vọng tộc gì, xuất thân của Quách Gia lại kém xa dòng dõi của Quách Đồ. Suốt nửa đời người, Quách Gia phải đem hết tài năng của mình ra mới có được ngày hôm nay, nếu không phải sống trong đời loạn, chuyện ông ta có thể đứng lên tự lập được hay không vẫn còn chưa biết thế nào. Bởi vậy, từ khi được Tào Tháo trọng dụng đến nay, Quách Gia cũng đã ra sức hưởng thụ, chiếm đoạt ruộng đất, lấy vợ nạp thiếp, mỗi khi có dịp về Hứa Đô là lại chìm đắm trong ca kỹ, tửu sắc hết đêm này qua đêm khác. Trần Quần tố cáo ông ta “không rèn hạnh kiểm” thực không oan chút nào. Nhưng Quách Gia lại là người ưa hơn thiệt, có chân tài thực học, biết a dua nịnh nọt, không chịu thua kém người khác, tranh cường hiếu thắng khắp nơi. Tửu sắc tổn thương bên trong, muôn sự tổn hại bên ngoài, ham mê công danh phú quý không một ngày nào an nhàn, giờ rơi vào kết quả như vậy thì có gì mà bất ngờ? Nghĩ đã thông, Quách Gia bật cười cay đắng, hỏi:
— Đội ơn tiên sinh chỉ bảo, nhưng việc đã đến nước này, tại hạ chỉ hỏi ngài một câu, tại hạ còn sống được bao lâu nữa?
Hoa Đà có vẻ khó xử, do dự hồi lâu mới hạ giọng nói nhỏ:
— Lão hủ đã nói với ngài rồi đó thôi.
— Nửa năm đến một năm tất sẽ hết hẳn... Hóa ra là vậy. Đến khi đó mạng đã không còn, tất nhiên cũng sẽ hết bệnh. - Quách Gia gật đầu, nhớ lại chuyện Hoa Đà dự đoán trước ngày chết cho Trần Đăng, Lý Thành, chắc chắn là không thể sai được. Quách Gia bất giác nhẩm đi nhẩm lại, - Một năm, một năm cuối cùng... một năm... - Rất lâu sau mới lại nói, - Tiên sinh định bỏ trốn trong đêm, là vì sợ chúa công ép ngài phải trị bệnh cho ta ư?
— Ối! - Hoa Đà vô cùng kinh ngạc, thầm nhủ: “Người này đến giờ phút này vẫn có thể nhìn rõ được chân tơ kẽ tóc như vậy, thực đáng bậc mưu sĩ kỳ tài!”
Chuyện tàn khốc nhất thế gian, không gì bằng nhìn thấy cái chết đang đến gần. Biết rõ ngày phải chết mà không thể cứu vãn được, cho nên Hoa Đà không đành lòng nói hết ra. Nhưng điều khiến ông lo lắng hơn là, Quách Gia là sủng thần của Tào Tháo, được Tào Tháo yêu mến không kém gì con cháu của mình. Trông thấy bệnh chứng này thần tiên cũng khó cứu được, nếu như nói ra chân tướng mà Tào Tháo cứ dứt khoát bắt mình cứu mạng Quách Gia, mà mình lại bó tay đành chịu, đến khi ấy kết cục sẽ ra sao? Hoa Đà vừa lắc đầu vừa than thở, ba phần là cho Quách Gia, mà bảy phần là cho chính mình.
Quách Gia đã nắm rõ từ lâu:
— Tiên sinh nghĩ đơn giản quá. Tiên sinh bỏ đi mờ ám thế này, há chẳng phải là hủy bỏ danh tiếng “Kỳ Hoàng diệu thủ” của mình sao? Huống chi chúa công đã sắp đạp bằng Hà Bắc, chỉ e là thiên hạ tuy lớn nhưng cũng khó có chỗ cho tiên sinh dung thân. Tiên sinh cũng đã theo chúa công một thời gian rồi, tính khí của chúa công thế nào tiên sinh đã rõ, nếu không chào mà đi, đến khi bị bắt trở lại, kết cục ra sao chắc hẳn tiên sinh có thể dự liệu được?
Hoa Đà lặng im không nói, nhưng trong lòng rất rõ: chỉ có thể là con đường chết.
Quách Gia đứng dậy chắp tay:
— Tại hạ cảm tạ tiên sinh đã nói thật cho biết, xin lấy việc giúp ngài tránh khỏi kiếp nạn này để báo đáp lại! Tiên sinh không cần phải bỏ trốn, đợi qua mấy tháng nữa có thể viện cớ thân nhân trong nhà mắc bệnh xin chúa công cho về. Một là tiên sinh đã có công trị khỏi chứng đầu phong của chúa công, hai là cũng là đồng hương huyện Tiều, chúa công tất sẽ không ngăn cản. Đến khi ấy, tiên sinh quay về quê hương bản quán, vừa vặn tại hạ sẽ... - Nói đến đó, Quách Gia nghẹn ngào, - Vừa vặn tại hạ sẽ phát bệnh mà chết. Chúa công cho rằng tại hạ mắc bạo bệnh mà chết, sẽ không quy tội cho tiên sinh. Như vậy tiên sinh có thể tránh được việc này, lại vẫn giữ được chức y quan để thăng tiến. - Nói xong Quách Gia không buồn vái chào, thất thểu bước ra ngoài.
Hoa Đà nhìn theo bóng Quách Gia, vái một vái dài:
— Lão hủ vô cùng cảm kích... - Ông cũng đã nghĩ đến biện pháp này, chỉ có điều không có cách nào mở miệng cầu xin nên đành thôi. - Có thể tránh được kiếp nạn này cũng là may mắn, còn như giữ được chức y quan để mà thăng tiến thì... Con đường làm quan đâu phải là sở nguyện bình sinh của lão hủ. Chỉ cần có thể giữ được tấm thân hữu dụng này, tiếp tục trị bệnh cứu người là đủ rồi. Thực không dám giấu, từ ngày đầu tiên vào Tào doanh, lão hủ đã không muốn nhận công việc giao phó, mà chỉ muốn được làm mây nhàn hạc nội mà thôi.
Quách Gia đưa tay vén rèm trướng, khẽ quay đầu lại nhìn Hoa Đà - giữa người với người thật khác nhau. Cả đời này Quách Gia chỉ muốn cao quan hậu lộc, vẻ vang gia đình, cho nên mới bỏ Viên theo Tào, nhiều phen hiến kỳ mưu, chẳng từ cả thủ đoạn nịnh bợ săn đón của tiểu nhân. Còn những nhân vật chỉ muốn làm mây nhàn hạc nội, chẳng để tâm đến quan trường, ông chỉ coi là đám bỉ lậu, không có chí tiến thủ. Nhưng hôm nay tai nghe những lời Hoa Đà nói, Quách Gia dường như như lĩnh ngộ, cung kính vái tạ, rồi mới buồn rầu đi ra...
Quách Gia lê bước về đến trướng của mình, chẳng buồn đốt đèn đuốc, cũng chẳng gọi thân binh, một mình ngồi trong bóng tối. Có những việc nên suy nghĩ cho kỹ lưỡng, nói đến hiến kế sách thì công lao của Quách Gia cũng không kém bọn Tuân Du, Tuân Úc, nói đến từng trải thì cũng không phải ít, nhưng người ta đã được phong hầu từ mấy năm trước, còn mình bây giờ mới được có tước vị. Lẽ nào chỉ vì xuất thân của mình thấp kém hơn bọn họ? Lại nữa, từ khi vào Tào doanh đến nay đã hơn mười năm mà vẫn chỉ là chức Tế tửu trong quân, chẳng qua chỉ là hạng duyện thuộc, trước nay chưa từng tấn thăng, đó lại là vì sao? Bây giờ nghĩ lại tựa hồ đã rất rõ, không phải là Tào Mạnh Đức không muốn đề bạt, mà là khí độ của mình chưa đủ, phẩm hạnh khó lọt vào mắt những bậc chính nhân quân tử. Ở trong Tào doanh tuy rằng tiếng tăm vang dậy, chỉ e là trong con mắt triều thần, mình chẳng qua chỉ là kẻ tiểu nhân đắc chí mà thôi.
Mấy ngày nay, tối nào Quách Gia cũng mơ thấy ác mộng, nhưng không phải là sợ hãi cái chết đang đến, mà là mấy chục vong hồn nhà họ Tân và cái thây nát bét của kẻ tộc nhân Quách Đồ cứ luôn đến vây lấy ông, lại còn ánh mắt oán hận của Tân Tỵ cũng thỉnh thoảng lại hiện lên trong tâm trí... Nghĩ kỹ lại, bình sinh mình cũng đã mắc nợ với không ít người rồi!
Quách Gia ngồi bất động, muốn nhớ lại lần lượt tất cả những chuyện tốt đẹp trong suốt ba mươi lăm năm đời mình, nhưng đầu óc như trống rỗng, chẳng có gì hết - những thứ tốt đẹp mà Quách Gia muốn tìm kiếm vẫn còn ở ngày mai, chứ không phải là trong quá khứ. Nhận ra điều ấy, hai hàng nước mắt của ông lại lăn dài xuống gò má. Làm sao lại khóc? Là bi ai hay hối hận, là lưu luyến hay không cam lòng? Chính Quách Gia cũng không rõ nữa.
Ông lau nước mắt rồi đứng dậy, muốn ra bên ngoài hít một hơi khí lạnh, vén rèm lên mới phát hiện trời đã sáng từ lúc nào. Bên lưng chừng núi, mặt trời buổi sáng đỏ như hòn lửa đang dần nhô lên từ phía đông, một hy vọng mới lại đến rồi, buổi xuân ấm hoa nở đã không còn xa nữa, giữa đất trời sức sống còn hừng hực như vậy, y như bá nghiệp của Tào Tháo cũng đang tiền đồ tựa gấm.
Ngắm nhìn cảnh đẹp ấy, Quách Gia nở một nụ cười - con người vốn chỉ là con người, chẳng cần phải mất công suy nghĩ xem làm người thế nào. Cuộc đời vốn chỉ là cuộc đời, hà tất phải hao tổn tâm cơ để xử thế? Quách Phụng Hiếu ta có gan của tráng sĩ, có trí của mưu sĩ, có lưỡi của biện sĩ, không hổ là đại trượng phu đùa bỡn trong đời loạn, sợ gì lời nói của người khác? Chớ nói là còn có thể sống một năm, dù chỉ sống được một ngày thì đã sao chứ? Buổi sáng nghe đạo, buổi chiều có thể chết cơ mà. Nếu như có thể đổi làm một vầng hồng nhật bay lên trời, cuộc đời này còn có gì phải hối tiếc?
Bình định Hà Bắc
Nhà lớn sắp đổ, một cột khó chống, Cao Cán tuy cũng có chút tài văn võ, nhưng Tịnh Châu rốt cuộc ở thế bị bao vây, sĩ tốt mệt mỏi, lương thực cạn kiệt. Hắn ta vất vả chống đỡ được nửa năm, đến tháng Ba năm Kiến An thứ mười một thì tướng giữ thành Hồ Quan cuối cùng không chịu nổi mệt nhọc đã dâng thành đầu hàng, cửa ngõ hiểm trở của Tịnh Châu đã mất. Cao Cán chạy sang cầu cứu Hung Nô, Thiền vu Hô Trù Tuyền đã có bài học trong trận Bình Dương lần trước, không còn dám chống chọi với Tào Tháo nữa, biết rõ đây là mối họa, đến gặp cũng không thèm gặp, lập tức đuổi Cao Cán ra khỏi Bình Dương. Tịnh Châu bị vây khốn đã lâu, tướng lĩnh không muốn đánh nhau nữa, quân Tào gần như đao không dính máu đã hạ hết thành trì các quận. Cao Cán lâm vào đường cùng bèn giả dạng cải trang, dẫn theo mấy kẻ tâm phúc từ Quan Trung đi đường vòng xuống phía nam chạy theo Lưu Biểu, không ngờ giữa đường bị một tên Bổ đạo đô úy cỏn con ở huyện Thượng Lạc phát hiện ra, lập tức bị bắt chém đầu. Tịnh Châu từ đây được bình định.
Nhớ khi xưa Viên Thiệu khai phá Hà Bắc, đánh nhau vất vả gần mười năm mới giành được bốn châu Ký, Thanh, U, Tịnh, vậy mà chỉ vì đám gà nhà đá nhau mà không giữ được đại nghiệp, đem cơ nghiệp Hà Bắc hai tay dâng lên cho kẻ khác. Công cuộc thống trị oanh liệt của họ Viên kết thúc một cách ảm đạm như hoa quỳnh sớm nở tối tàn. Thay đổi cờ hiệu, đặt lại quan viên, lung lạc nhân tâm, đo đạc ruộng đất, tất cả đều phải thay đàn đổi dây. Chẳng những toàn bộ địa bàn châu quận đều dâng cho Tào Tháo, mà ngay cả phủ đệ mạc phủ của Viên Thiệu cũng trở thành sản nghiệp của Tào gia. Lưu thị phu nhân đã mất chồng mất con, được khách sáo “mời” ra ngoài, còn thê thiếp nội quyến của Tào Tháo thì hớn hở vui mừng dọn vào đó ở. Từ đó người mới thay chủ cũ, tòa Nghiệp Thành mang theo lời sấm vĩ huyền bí kia đã trở thành nhà của Tào Tháo... Cột vẽ xà chạm, nhà gấm cửa thêu, bao nhiêu đình đài lầu các, tì nữ bộc đồng đông như mắc cửi, duyện thuộc tòng sự đầy nơi phòng xá, tòa phủ châu mục này còn to hơn cả phủ Tư không ở Hứa Đô. Nhưng có thể coi là vẫn không đánh mất bản sắc, ở chỗ phủ đệ tuy lớn, nhưng đồ trần thiết các nơi tất thảy đều đơn sơ, không có gì hoa lệ.
Cuối cùng đã có thể đàng hoàng ưỡn ngực mà ra lệnh cho Trung Nguyên rồi. Tào Tháo vẻ mặt cao ngạo ngồi trên sảnh đường, nghe đám thuộc hạ mới cũ bẩm báo những tin tức tốt lành, cảm giác ấy thực sự vô cùng sảng khoái.
Chính lúc này đây, có một kẻ đang lo lắng như đi trên băng mỏng, liên tục khấu đầu bái lạy trên sảnh đường, không phải ai khác chính là Trương Yên - vị thống lĩnh quân Hắc Sơn từng một thời hét ra lửa. Cuối cùng y đã dẫn theo dân chúng, ra khỏi rừng sâu núi thẳm đến bái phục dưới chân Tào Tháo. Nghe nói người này vốn họ Chử, vóc dáng nhanh nhẹn, giỏi cưỡi ngựa bắn cung nên có biệt hiệu là “Phi Yến”, nhân tiếp thu giáo nghĩa của đại hiền lương sư Trương Giác, nên mới đổi thành họ Trương. Năm xưa y đã tập hợp mấy chục vạn quân nông dân, đánh thành cướp đất, mở mang địa bàn, cùng giao đấu với Công Tôn Toản, Viên Thiệu bất phân thắng bại, cũng có thể coi là anh hùng một thời. Vậy mà bây giờ quỳ dưới chân Tào Tháo, hắn lại giống hệt một lão nông sợ hãi trước quan lớn, còn đâu khí phách anh hùng ngày trước nữa: thiên hạ tổng cộng có mười ba châu(*), bản thân Tào Tháo đã nắm giữ bảy châu ở nam, bắc Hoàng Hà, thế lực còn lan tới tận Tây Lương, Giang Hoài, U Yên, uy lực như thế, khắp trong thiên hạ có ai không sợ?
— Minh công ban bố chính lệnh, sửa đổi chính hà khắc của Viên thị, mỗi mẫu ruộng chỉ thu thuế bốn thăng. Đất Hà Bắc có thể gặp được vị chúa khoan dung, lại có quân đội khí phách vang dội sơn hà, bách tính Hắc Sơn chúng tôi há có thể không hàng ư? - Trương Yên lời lẽ tuy vô cùng hoa mỹ nhưng cũng không phải xấu hổ với lòng mình. Quân nông dân Hắc Sơn trên danh nghĩa vẫn còn mười vạn người, nhưng đại bộ phận là đàn bà, trẻ nhỏ và người già yếu, những kẻ có thể ra trận được chẳng đến một hai phần mười, có thể coi là cố giữ hơi tàn. Nay tô thuế giảm xuống thấp như vậy, ai còn tạo phản làm gì nữa? Quan trọng hơn là thái độ đối xử với nông dân của Tào Tháo và Viên Thiệu hoàn toàn khác nhau. Trừ Hắc Sơn ra, các đội quân nông dân lớn nhỏ năm xưa hoạt động ở Hà Bắc còn đến mấy chục như: Lưu Thạch, Thanh Ngưu Giác, Hoàng Long, Tả Hiệu, Quách Đại Hiền, Lý Đại Mục... đều bị Viên Thiệu tiêu diệt cả, thực là thây chất thành núi, máu chảy thành sông. Nhưng Tào Tháo đối đãi với nông dân khởi nghĩa thì không hề chém hết giết sạch, tất nhiên ông muốn giữ những người này lại để trồng cấy cung cấp quân lương, nhưng rốt cuộc quan hệ với những đội quân này chỉ là kết oán chứ không kết thù. Cho nên Trương Yên thề chết không hàng Viên Thiệu, lại có thể chấp nhận quỳ gối trước Tào Tháo.
Lúc này, Tào Tháo nói với tư thế của một kẻ chiến thắng:
— Trước kia thiên hạ hỗn loạn, nhân nghĩa lụi tàn, Viên Thiệu bạo ngược tàn hại bách tính, bức người ta không còn cách nào khác phải tạo phản. Nay ngươi đến hàng, đó là việc theo về nẻo thiện, lão phu sẽ dâng biểu lên triều đình nhận mệnh cho ngươi làm Bình Bắc Tướng quân, gia phong An Quốc đình hầu.
Chức quan không nhỏ, tước hầu cũng giành được rồi, còn việc có thực quyền hay không hãy tạm chưa bàn đến. Trương Yên khấu đầu đáp tạ:
— Đa tạ triều đình khoan hồng, Tào công vun vén! Tại hạ thân là kẻ đứng đầu bách tính Hắc Sơn, có thể vì mười vạn dân đói mà tìm được con đường sống đã là may mắn lắm rồi... Nhưng tại hạ vẫn còn một thỉnh cầu hơi quá thế này. Gia quyến thê nhi của tại hạ từ lâu ở nơi thâm sơn cùng cốc, huyện Chân Định quê nhà cũng không có sản nghiệp gì, xin Tào công mở lượng hồng ân, cho phép gia quyến tại hạ được đến Hứa Đô sinh sống, để họ được hưởng chút phú quý.
Câu nói vừa dứt, bọn Hứa Du, Lâu Khuê đứng hầu bên cạnh đều quay sang nhìn Trương Yên với ánh mắt khác lạ: Thực không ngờ rằng, tên giặc đầu sỏ này lại có tính toán như thế. Đó không phải là hưởng phú quý, mà là nộp con tin vậy! Một nhân vật từng giữ trong tay mười vạn binh mã, nếu không cho Tào Tháo nắm được chút gì trong tay há có thể bình yên trọn đời? Lão yêu già này thật biết nói năng, rõ ràng là nộp con tin mà lại làm ra vẻ như cầu xin Tào Tháo vậy. Thực ra cũng không có gì lạ, đều là những kẻ từng trải bể dâu, nếm đủ thói đời ấm lạnh, có thô lậu đến đâu cũng có thể rèn luyện thành một kẻ thông minh!
Tào Tháo tất nhiên đồng ý, thuận nước đẩy thuyền bảo:
— Tốt lắm, nhưng bắt họ phải xa rời quê hương cũng không ổn, đến chút giọng nói quê nhà cũng không được nghe. Ta thấy không cần phải đến Hứa Đô đâu, cứ cho gia đình tướng quân ở Nghiệp Thành đi. Nhà cửa đàng hoàng không thiếu, tướng quân cứ tùy ý lựa lấy! Lão phu sẽ bỏ tiền ra sửa sang lại. Từ nay đại bản doanh của Tào gia sẽ chuyển đến Nghiệp Thành, không cần phải đưa con tin đến tận Hứa Đô nữa.
Trương Yên liên tục dập đầu:
— Không dám, không dám... Nếu chúa công không có gì sai khiến nữa, tại hạ xin...
— Đi đi, đi đi! Sớm sắp xếp ổn thỏa cho gia quyến, tướng quân cũng được yên lòng. - Kỳ thực chính bản thân Tào Tháo cũng có thể yên lòng.
Trương Yên vâng dạ lui ra, đến cửa sảnh đường vừa hay gặp gia tướng Lã Chiêu bước vào, vị Bình Bắc Tướng quân lại cung cung kính kính lui sang một bên tránh đường cho tiểu tướng. Lã Chiêu vào bẩm:
— Khải bẩm chúa công, ba món đồ đạc hôm trước tìm thấy trong kho của Viên gia đều đã chuyển tới cho Biện phu nhân rồi ạ. Bộ kỷ án chạm trổ thếp vàng ấy, phu nhân hiềm là xa hoa, bộ đóng bằng tre trúc lại nói là quá đơn sơ, cuối cùng phu nhân chọn bộ đóng bằng gỗ hoàng tùng. - Lã Chiêu xuất thân gia nô, cho nên mọi việc trong ngoài đều có thể làm. - Phu nhân lại nói: “Lấy bộ đẹp nhất là tham lam, lấy bộ kém nhất là giả dối, cho nên lấy bộ ở giữa.”
— Ờ. - Tào Tháo gật gật đầu, rất vừa ý với lựa chọn của Biện thị nhưng không nói gì. Tam công đương triều không thể khen vợ trước mặt mọi người.
Ông không khen, nhưng người khác thì có thể khen, Lâu Khuê vội nói:
— Phu nhân đúng là hiền đức, thực làm rạng rỡ thêm cho minh công!
Tào Tháo không kìm được nụ cười, dặn Lã Chiêu:
— Các vị nội quyến từ Hứa Đô đến đây cũng đã vất vả, ngươi đi bảo hậu đường bày tiệc, mời các vị phu nhân cùng đến, cũng bảo cả phu thê Tử Hoàn cùng ra tiếp đãi. - Chân thị tuy là cướp về, nhưng vợ chồng lại rất hòa thuận, lấy nhau mới hơn một năm liền sinh một trai, đặt tên là Tào Duệ(*), được Tào Tháo rất yêu quý.
— Dạ. - Lã Chiêu chạy đi làm luôn.
Hứa Du cười nói:
— Ôi chao, A Man huynh, thực là chủ mới thay chủ cũ. Trước đây thê thiếp của Viên Thiệu ở trong phủ này suốt ngày đấu đá tranh giành lẫn nhau, có thời người ta còn nói nhà này phong thủy không tốt. Bây giờ thê nhi của huynh ở đây lại hòa thuận vui vẻ, có thể thấy rằng Viên Thiệu phúc mỏng, không trấn nổi nơi này. Ta thấy hắn ta chẳng những đánh trận không bằng huynh, mà đến trị gia cũng không bằng huynh được! Ha ha ha!...
Tào Tháo nghe thấy lấy làm sung sướng, nhưng ngoài miệng lại bảo:
— Thôi, nói vào chuyện chính đi. Viên Thượng, Viên Hy trốn ra ngoài ải giờ ở chỗ nào, phải nhanh chóng điều tra rõ ràng, cái mầm họa này tất phải trừ tiệt. Lại còn tên Công Tôn Khang ở Liêu Đông nữa, càng ngày càng không chịu an phận, còn sai bộ tướng Liễu Nghị liên hệ với cướp biển Quản Thừa, lẽ nào chúng thực sự muốn cướp đoạt Thanh Châu với lão phu ư?
Lâu Khuê căn bản không coi kẻ địch ở Liêu Đông ấy ra gì:
— Công Tôn Khang tuy có chí, nhưng không gặp thời. Cao Cán ngồi giữ một châu mà đại quân đến nơi còn như trúc chẻ tro bay, huống chi là mảnh đất biên thùy quận Liêu Đông? Nếu tại hạ chỉ huy quân mã, trước hết bắt lấy huynh đệ Viên Thượng, chứ không phải để ý đến hắn làm gì.
Hứa Du cười khanh khách nói:
— Nói đến Cao Cán có câu chuyện cười thế này, không biết các ngài đã nghe chưa? Người bắt được hắn ta là đô úy Thượng Lạc Vương Diễm. Ta nghe người ta đồn rằng, sau khi Vương Diễm bắt được Cao Cán, vợ ông ta ở nhà khóc lóc lăn lộn, nói rằng chồng mình vốn chức quan nhỏ nghèo khó, giờ đây lập được đại công tất sẽ được phú quý, sau này lấy lẽ nạp thiếp, họ tranh sủng với bà ta thì làm thế nào đây? Ha ha ha!... Thiên hạ đều là vợ nhờ chồng mà vẻ vang, vậy mà bà ấy lại sợ chồng phú quý rồi sẽ đổi vợ, các ngài nói xem có buồn cười không?
Nào ngờ vừa dứt lời, sắc mặt Tào Tháo chợt sa sầm, rồi chẳng nói thêm câu nào đứng dậy đi vào hậu đường.
Lâu Khuê đưa cùi chỏ huých huých Hứa Du vẫn còn đang cười ngất:
— Cái mồm thối của ông, suốt ngày chỉ biết nói năng lung tung, lại lỡ lời rồi...
— Có gì mà lỡ lời chứ, - Hứa Du vẫn không để ý gì, - Chuyện cười ấy mà!
— Chuyện cười? Ông không biết chuyện Mạnh Đức đuổi người vợ chính thất Đinh thị đi ư? Lại còn dám nói cái gì mà giàu sang đổi vợ, ông không muốn sống nữa ư?
Hứa Du tròn mắt cứng họng, đập đập mãi lên trán:
— Ôi chao! Quên mất, quên khuấy mất!
— Hừ! - Lâu Khuê lừ mắt nhìn Hứa Du, - Suốt ngày chỉ biết cậy mình có công nói năng bừa bãi, sớm muộn cũng chuốc họa vào thân, từ sau nói năng phải cẩn thận một chút!
Hứa Du vẫn không phục:
— Chớ nói riêng tôi, ông cũng không nói lỡ lời khi nào ư? Vừa nãy còn đem mình ra so với chúa công, tật cũ tái phát mà cũng không biết! Cái miệng lại gây họa cho cái thân rồi!
Hai kẻ từ khi còn trẻ đã thích đấu khẩu với nhau lại bắt đầu cãi vã, nói đi nói lại rốt cuộc khó phân ai hơn ai kém...
Tào Tháo thực sự bị câu “phú quý đổi vợ” làm cho đau lòng - Vương Diễm chẳng qua chỉ là một tên đô úy cỏn con mà chuyện trong nhà còn lan truyền ầm ĩ, vậy thì người đời không biết sẽ nghị luận thế nào về Tam công đương triều đây? E là sẽ không tránh khỏi việc nói ta là vô tình vô nghĩa, có mới nới cũ đây! Tào Tháo cúi đầu chậm chạp bước qua hành lang, bỗng nhiên lại nghe thấy tiếng hát hòa cùng với tiếng đàn thánh thót:
Mỹ nhân có kẻ;
Y phục lụa là.
Phong tư diễm lệ;
Tươi đẹp như hoa.
Má hồng ưng ửng;
Tóc mây la đà.
Đánh đàn gõ nhịp;
Hát khúc vì ta.
Bổng trầm đều nhịp;
Trong trẻo hài hòa
Hôm nay vui thích;
Cần chi khóc mà.
Hay! Câu ca đẹp quá... Tiếng hát ngọt quá... Tào Tháo thầm khen ngợi, lần theo tiếng hát đi xuống hậu đường, vừa hay thấy Tào Phi đang gảy đàn, còn Chân thị vừa ca vừa múa. Ngồi bên dãy mé phải có các phu nhân Biện thị, Hoàn thị, Tần thị, Vương thị, Đỗ thị, Doãn thị, Châu thị, Lý thị, hai tiểu thiếp vừa mới nạp thêm là Triệu thị, Lưu thị thì đứng hầu bên cạnh. Còn các công tử lớn nhỏ Tào Chương, Tào Thực, Tào Xung, Tào Bưu, Tào Huyền, Tào Quân, Tào Lâm thì ngồi mé bên kia. Ngay cả hai con gái là Tào Tiết, Tào Hiến cũng đến. Hà Yến, Tần Lãng cũng có mặt trên tiệc, chỉ có mấy đứa còn đang quấn tã là không bế đến mà thôi.
Chân thị đang hát đến đoạn hay, vừa ngước mắt lên chợt thấy Tào Tháo, ngượng đỏ mặt, vội thi lễ. Đám thê nhi cũng vội vàng kẻ thi lễ, người quỳ lạy.
— Đứng dậy cả đi. - Chỗ chính vị của Tào Tháo vẫn được để trống, ông sải bước tới trước án xem các món ăn, chỉ có một ít rau quả thanh nhã, hoàn toàn không có cá thịt, cũng không có rượu. Chắc hẳn lại là Biện thị chủ trương tiết kiệm nên chỉ cho bày biện như vậy.
Phụ thân đến rồi, đám con cái không dám ngồi nữa, đều ngoan ngoãn đứng dậy trước bàn tiệc. Tào Tháo khoanh chân ngồi, bảo:
— Tân hôn không phân biệt lớn nhỏ, quy củ để sau hãy nói, hôm nay mọi người cứ thoải mái đi.
Rồi vẫy tay gọi hai đứa con yêu nhất là Tào Xung và Tào Lâm mới hơn năm tuổi đến, cho mỗi đứa ngồi một bên đùi. Khi đó mọi người mới dám ngồi. Tào Xung giật giật chòm râu phụ thân, cười nói:
— Bài hát khi nãy, cha nghe có hay không?
— Hay! Hay lắm! - Chỉ cần cậu nhóc Tào Xung nũng nịu là Tào Tháo bao nhiêu buồn bực cũng tan biến hết, - Hát hay, đàn ngọt, câu ca càng tuyệt diệu! - Nói xong, Tào Tháo đưa mắt nhìn Chân thị.
Hôm nay Chân Phục trang điểm nhẹ, mặc bộ áo váy dài màu xanh đậm, càng lộ rõ vẻ xinh đẹp khiến người khác phải động lòng. Thực ra nếu không phải là Tào Phi nhanh tay, cũng chưa biết nữ nhân này sẽ thuộc về ai.
Tào Xung lại cười hi hi nói:
— Câu ca hay như thế, cha có biết là của ai viết không?
Tào Tháo quay nhìn Tào Phi:
— Không giống thơ của Tử Hoàn, với tài cán của nó thì không viết được tác phẩm vi diệu thế này.
Câu nói ấy khiến Tào Phi ngượng ngùng.
Tào Lâm là con của Đỗ thị, tuổi còn nhỏ, nói năng vẫn ngây thơ, đưa tay chỉ sang dãy mé đông nói:
— Con biết, đó là Thực nhị ca ca viết đấy ạ!
— Ồ? - Tào Tháo ngạc nhiên nhìn Tào Thực, vẻ không tin, - Con viết ư? Không phải là Lưu Trinh, Ứng Dương viết thay đấy chứ?
Tào Thực mới mười sáu tuổi, vóc dáng không cao bằng Tào Phi, nhưng hai anh em cùng do Biện thị sinh ra, diện mạo rất giống nhau, cả hai đều văn nhã trắng trẻo, nhưng mắt Tào Thực to hơn một chút, càng lộ rõ vẻ thông minh, lanh lợi. Nghe phụ thân hỏi, Tào Thực đứng dậy đáp:
— Loại thơ phú ấy chuyên viết về tâm tình nhi nữ, chẳng qua là thơ của hài nhi viết chơi thôi ạ, làm sao dám phiền đến ngài Ký thất viết dùm? - Tào Thực cũng giấu nỗi ngại ngùng, đúng là không có ai viết hộ cả, nhưng em chồng lại viết những khúc ca như vậy cho chị dâu hát, cũng không được thỏa đáng cho lắm.
Tào Tháo lại không xét thấy tâm tư của Tào Thực với Chân thị, chỉ nói:
— Nếu như con nói là thơ mình làm, vậy hãy làm thêm một bài nữa cho ta nghe xem... Ngồi xuống mà nghĩ!
Tào Thực vâng lời, lại bảo:
— Hài nhi có thể làm, nhưng cũng xin phụ thân...
— Chuyện gì?
— Hài nhi bạo gan, xin phụ thân cho phép hài nhi uống rượu thì mới nghĩ ra được.
Biện thị chợt chau mày:
— Thực nhi! Con...
Tào Tháo xua xua tay:
— Nàng chớ lo! Mang rượu cho nó... Không! Bảo người dưới lấy thêm ít rượu lên đây, mọi người cùng uống. Hôm nay là bữa tiệc gia đình, cũng phá lệ một chút, chớ nên chay tịnh quá.
Lát sau, nha hoàn bưng rượu lên, bên mỗi bàn tiệc đều có một vò. Không lâu sau, Tào Thực liền cười bảo:
— Hài nhi đã nghĩ xong rồi.
— Ngâm lên nghe xem.
Tào Thực nhìn ra ngoài cửa sổ, nở nụ cười mỉm, tựa như nhìn thấy cảnh mùa xuân, chậm rãi ngâm nga, nhịp nhàng trầm bổng:
Khuê phòng khoác áo bước ra;
Ung dung dời gót dạo qua hiên ngoài.
Phòng không tĩnh mịch nào ai;
Sân thềm xem đã mọc dài cỏ xanh.
Gió lùa cửa trống thênh thênh;
Trăm loài chim đã rời cành về nam.
Tình xuân kia há dễ quên;
Ưu sầu riêng bạn với em bây giờ.
Tình lang mãi ở nơi xa;
Cô đơn phận thiếp ai là người thân.
Hợp hoan khó lại một lần;
Chi lan đâu dễ úa tàn lại tươi.
Tình xưa người thảy bỏ rơi;
Lòng chàng há giống thói đời thế gian?
Nữ la nương bóng tùng quân;
Cảnh bèo trôi nổi nhờ phần nước xanh.
Nâng khăn sửa áo gửi mình;
Lơ là chểnh mảng dám đành sớm hôm.
Nhìn nhau ví vẫn được ơn;
Tấm chung tình thiếp mãi còn tình chung.
Bài thơ này vẫn là viết về giai nhân, nhưng lại là thơ về người vợ bị bỏ rơi, câu từ đẹp đẽ đầy ắp tình cảm, quả là bõ công Tào Thực đã ấp ủ suy tư, thực sự làm lay động lòng người. Tào Tháo khi nãy ở nhà trước nghe thấy câu nói của Hứa Du, thấy mất mặt nên mới tránh đến đây, không ngờ bài thơ của con trai lại nói đến chuyện bỏ vợ, không hiểu sao tự dưng liên tưởng đến thân phận Đinh thị, lẩm nhẩm đọc:
— Hợp hoan khó lại một lần; Chi lan đâu dễ úa tàn lại tươi... Tình xưa người thảy bỏ rơi; Lòng chàng há giống thói đời thế gian?... Đừng ngâm nữa!
Tào Thực giật nảy mình, vội vàng quỳ sụp xuống:
— Hài nhi làm không hay! Xin phụ thân trách phạt. - Tuy nói như vậy, nhưng Tào Thực cũng không hiểu mình sai chỗ nào.
— Không! - Tào Tháo cười gượng nói, - Bài thơ này rất hay, rất đẹp... Con chẳng những làm thơ hay mà lại còn rất hiếu thuận, đòi rượu nhưng cũng không uống. Kỳ thực là cố ý kiếm lý do để các vị phu nhân được uống rượu vui vẻ, có đúng không? Con rất hiểu biết đấy...
Tào Thực thấy lời nói dối bị nhìn thấu, lại nghe phụ thân liên tục ngợi khen, mặt chợt đỏ bừng lên. Chư vị phu nhân cũng nghiêng đầu ghé tai không ngớt tán thưởng. Tào Phi thì nét mặt có vẻ khó chịu, hết nhìn Tào Thực đang nghiêm trang mỉm cười, lại nhìn Tào Xung đang ngồi trong lòng phụ thân, trong lòng bỗng thấy trĩu nặng.
Tào Tháo buồn bã không yên, giơ tay gọi Triệu thị, Lưu thị:
— Các nàng cũng hát một bài nghe đi.
Hai người vốn xuất thân ca vũ vội vàng chối từ, Triệu thị vốn giỏi ăn nói, liền đáp:
— Chư vị công tử và các tỷ tỷ đều có mặt cả, chúng thiếp đâu dám khoe khoang tài nghệ. Thế chẳng phải là thành trò cười ư?
— Không ngại, cứ hát đi! Nhưng hát những khúc xưa ấy, đừng hát bài của Thực nhi. - Tào Tháo muốn nghe khúc hát khác cho đỡ thương cảm, nào hay hai phu nhân không hiểu ý, lại hát bài này:
Lụa Tề Hoàn mới cắt;
Trắng muốt như sương tuyết.
Khâu thành quạt hợp hoan;
Tròn vạnh như vầng nguyệt.
Ra vào trong tay chàng;
Nhẹ đưa làn gió mát.
Thường sợ tiết thu sang;
Lạnh xua cơn nóng hết.
Bỏ bẵng trong hòm rương;
Ân tình nửa đường dứt!
Đó là bài Oán ca hành của Ban Tiệp Dư khi xưa, bà vốn là sủng phi của Hán Thành Đế, sau đó Thành Đế chuyển sang sủng ái chị em Triệu Phi Yến. Ban Tiệp Dư sống buồn tủi trong thâm cung đã viết bài ca này để bày tỏ nỗi lòng mình. Lại là một bài thơ về người vợ bị ruồng bỏ!
“Bỏ bẵng trong hòm rương; Ân tình nửa đường dứt.” Tào Tháo thực sự lòng dạ rối bời, sao mà trốn cách nào cũng không trốn được thế này? Ông bỏ hai đứa con xuống, đứng dậy nói:
— Vẫn còn nhiều việc phải làm, mọi người cứ tự nhiên đi.
Nói rồi thở dài đi ra. Cúi đầu buồn bã, thả bước tới giữa hoa viên, bỗng nghe phía sau lưng có người gọi:
— Phu quân...
Tào Tháo quay lại nhìn, hóa ra Biện thị đã theo ra tới nơi.
— Nàng ra đây làm gì? Hãy cùng uống rượu với bọn họ đi, nói với các con hôm nay vui chơi thỏa thích, cứ tùy tiện một chút không hề chi.
— Chàng nghĩ gì thiếp đều biết cả... - Biện thị nhẹ nhàng cầm lấy tay phu quân.
Đúng vậy, dưới gầm trời này còn có người nào hiểu Tào Tháo bằng Biện phu nhân? Tào Tháo vỗ vỗ lên tay Biện thị, không thể giấu được nữa:
— Nàng nói xem, có phải là ta đã già rồi không? Đi đánh trận ở ngoài làm sao lại quên mất cả chuyện của Đinh thị như vậy! Nàng ấy bây giờ vẫn còn ở Hứa Đô chứ? Vừa rồi đáng ra phải cùng đón cả đến, bây giờ thành ra thế này, ta còn mặt mũi nào nữa? Để người thiên hạ nói ta thế nào đây. - Tào Tháo có vẻ hổ thẹn với Đinh thị, nhưng quan trọng hơn nữa là sợ người ta chê cười.
Biện thị ôn tồn cười bảo:
— Thiếp đã sớm nghĩ thay chàng rồi. Lúc đến đây có đưa theo cả tỷ tỷ cùng đi. Biện Bỉnh, Đinh Phỉ đang lo tìm kiếm một ngôi nhà nhỏ ở ngoài thành cho tỷ tỷ, cũng có cả nô bộc hầu hạ.
— Ôi! - Tào Tháo vô cùng mừng rỡ, - Hiền thê à, nàng tốt quá... Nhưng nếu đã đến đây, làm sao không đưa thẳng vào trong phủ?
— Tỷ tỷ không đồng ý vào. - Biện thị lắc đầu, - Nếu không phải là người của Đinh gia nói dối là phải chuyển nhà thì ngay cả đất Hà Bắc tỷ tỷ cũng không bao giờ bước đến. Cứ như ý thiếp... hay là chàng... - Biện thị không dám nói tiếp nữa.
— Ta sẽ đi đón nàng ấy! - Tào Tháo không cố chấp nữa, - Nói gì thì nói cũng phải đón nàng ấy về nhà, dẫu sao nàng ấy cũng là phu nhân của ta.
— Tỷ tỷ tính cách cứng rắn, chàng hãy nói tốt câu, muôn vàn không được cãi vã với tỷ tỷ. Sống trong một nhà, dàn xếp ổn thỏa là hơn cả, chàng và tỷ tỷ hòa thuận thì không gì bằng. - Biện thị liên tục dặn dò.
— Được rồi, được rồi. Nàng nói gì ta cũng nghe hết, nàng nói chuyện lúc nào cũng dễ nghe như vậy. - Tào Tháo vừa nói vừa đưa tay vuốt tóc Biện thị.
— Đã là vợ chồng già rồi, chàng còn làm gì thế...
— Ôi chao, hiền thê! Nàng có tóc bạc rồi này. - Tào Tháo chợt kinh ngạc.
Biện thị cười buồn:
— Thiếp tuổi đã quá tứ tuần, sao lại không có tóc bạc chứ? Chàng cũng soi gương thử xem, cũng bao nhiêu tóc bạc rồi đấy!
— Hoa Đà tinh thông thuật dưỡng sinh, trở về ta sẽ đến hỏi ông ấy xem có thuốc bổ gì cho nữ nhân các nàng dùng không. Ôi... Đại cục thiên hạ đã định, chỉ cần hàng phục Ô Hoàn, xuống phía nam quét sạch Giang Đông, sẽ không cần phải đánh nhau nữa rồi... Đến khi ấy chúng ta cùng chung hưởng những tháng ngày sau đó... - Câu nói ấy Tào Tháo đã nói từ hồi tuổi trẻ, đến nay không biết là nói bao nhiêu lần rồi.
Biện thị thực sự không dám mơ tưởng có một ngày như vậy thật, nhưng vẫn thuận theo ý Tào Tháo, nói:
— Được rồi... Được rồi... Nhưng chớ có chỉ đối tốt với chúng thiếp, chàng còn phải đối tốt với Đinh tỷ tỷ nữa.
Thực ra trên đời này, thê thiếp bao giờ chẳng muốn phu quân yêu mình hơn người khác một chút, rất ít người lại khuyên chồng đối tốt với người đàn bà khác. Nhưng chỗ khéo léo của Biện thị chính ở điểm ấy, dù cho Đinh thị có trở về cũng không thể khôi phục được tình cảm với Tào Tháo như trước kia nữa, việc này bất luận có thể thành hay không thành, người để lại ấn tượng hiền đức cho phu quân chính là nàng. Nếu nói thực lòng muốn tác hợp, sẽ không tránh khỏi coi thường bụng dạ của Biện thị; nếu nói là cố ý để được sủng ái, dường như lại xúc phạm đến lòng tốt của Biện thị. Trong thực có giả, trong giả có thực. Tục ngữ có câu rất hay rằng: “Không phải người một nhà, không vào chung một cửa”, Biện thị với Tào Tháo có thể nói là một cặp trời sinh vậy.
Không thể quay về
Tào Tháo bước xuống xe ngựa, vừa nhìn khoảng sân vắng lặng ấy đã thấy tâm tình thư thái. Không ngờ rằng ngay cạnh Nghiệp Thành lại có một nơi đẹp đẽ, tinh tế đến vậy, vừa đơn sơ lại không mất vẻ trang nhã, hàng rào xanh mướt, mấy cây dâu, cây du cao lớn, sân giếng cổ kính, lại còn mấy đóa hoa nhỏ không rõ tên gọi là gì lẫn trong những bụi cỏ. Tất cả đều hợp với sở thích của Đinh thị, xem ra Biện Bỉnh, Đinh Phỉ đã bỏ không ít công sức.
Đương triều Tư không đón người vợ bị ruồng rẫy về nhà, chuyện thế này có lẽ mới có lần đầu tiên kể từ khai thiên lập địa đến nay. Tất nhiên không thể để người ta chú ý chê cười, cho nên Tào Tháo chỉ ngồi một cỗ xe ngựa bình thường, ngay cả thân binh vệ sĩ cũng không đem theo, chỉ có Hứa Chử đánh xe, Biện Bỉnh, Đinh Phỉ cưỡi ngựa theo sau.
Biện Bỉnh đỡ tỷ phu xuống xe, chỉ ngôi nhà nói:
— Chỗ này vốn là một nơi trang viên của Thẩm gia, hiện giờ tường bao đã phá đi rồi, ruộng đất ở lân cận cũng đã chia hết, chỉ để lại nhà cửa mấy chỗ. Tỷ phu an tâm, hiện giờ ở đây đều là gia nô bộc phụ trong phủ, một là họ đã theo chúa công bao nhiêu năm như vậy, cũng nên cho họ có chút sản nghiệp, hai là tiện thể hầu hạ việc nhà cho phu nhân.
Tào Tháo vừa ý gật gật đầu, bước lên trước đưa tay định đẩy cánh cổng tre, lại ngừng lại, quay đầu hỏi:
— Còn người trong nhà này...
Biện Bỉnh lại tranh lấy đáp lời:
— Đệ đã bảo đám nô bộc về nhà cả rồi, bây giờ chỉ còn một mình phu nhân, tỷ phu cứ việc đi vào. - Lúc nào thì gọi là chúa công, lúc nào thì gọi là tỷ phu, bấy giờ Biện Bỉnh đã nắm vững như lòng bàn tay.
— Ờ. - Tào Tháo sợ bọn họ nghe trộm chuyện riêng nhà mình, phất tay áo nói, - Các ngươi cứ ra sau cả đi.
— Dạ. - Hai người Biện, Đinh nín cười, lùi lại mấy bước dài, cả Hứa Chử cũng dắt xe ngựa lui ra ngoài.
Tào Tháo khi ấy mới đẩy cổng vào sân, biết rõ là không có ai dám theo vào nhưng vẫn thuận tay kéo cửa lại, vợ chồng gặp nhau mà cứ như đi ăn trộm. Nói gì thì nói, chẳng qua là vẫn sợ mất mặt.
Ngôi nhà này vô cùng đơn sơ, hai bên chỉ có mấy gian nhà nhỏ, dường như là nhà bếp và nơi ở của nô bộc, cửa phòng chính mở rộng, có thể thấp thoáng trông rõ bên trong. Đinh thị đang ngồi quay lưng ra cửa chính, tay vẫn không ngừng công việc, âm thanh lách cách vọng ra cho biết bà đang dệt vải - khung cửi là người bạn duy nhất của bà. Từ khi bước vào cửa nhà họ Tào, bà đã cả ngày bận rộn với việc dệt may kim chỉ, cứ y như mọi thứ trong nhà đều phải trông cậy vào công việc mưu sinh này vậy. Sau khi Tào Ngang chết, bà càng coi khung cửi là sinh mệnh của mình, cả ngày cũng không nói mấy câu. Dù đã đến đây rồi, bà cũng vẫn dệt vải. Thật không hiểu nổi, bà dệt nhiều vải như vậy, thêu nhiều túi thơm như vậy là để cho ai dùng.
Tào Tháo bước nhanh vào phòng, khi ấy mới nhìn thấy rõ người vợ của mình: Đinh thị tóc đã bạc trắng, mặc bộ váy áo bằng vải thô, nếu chỉ nhìn phía sau thì chẳng khác gì một bà lão nơi thôn dã. Trong khoảnh khắc, Tào Tháo bỗng thấy buồn tủi, nỗi thương cảm trào dâng trong lòng. Trên đường ông đã suy nghĩ Đinh thị khi nhìn thấy mình sẽ có thái độ thế nào, là hổ thẹn hay kiêu ngạo? Bây giờ xem ra chuyện ai đúng ai sai đã không còn quan trọng nữa, cả hai đều đã ngoài ngũ tuần, làm gì còn có tâm tình nhi nữ nữa. Hãy cứ cởi bỏ hết mối kết trong lòng, sống nốt những ngày yên ổn thôi. Tào Tháo bỗng thấy sợ hãi khi phải đối diện với Đinh thị, không biết khuôn mặt tuy không xinh đẹp nhưng từng trẻ trung ấy bây giờ đã già nua đến thế nào.
Đinh thị đã biết Tào Tháo sẽ đến, bây giờ nghe thấy có tiếng người loạt xoạt vào phòng, cũng đã đoán ra là ai. Nhưng bà không nói gì, cũng chẳng quay đầu lại, chỉ hơi dừng tay lại giây lát, rồi lại lách cách dệt vải.
Tào Tháo đứng sau lưng Đinh thị, đắn đo hồi lâu cũng không biết nên bắt đầu câu chuyện thế nào, cuối cùng đành hắng nhẹ vài tiếng, rồi mặt dạn mày dày lên tiếng:
— Ta đến rồi đây...
Lách cách... lách cách...
— Bà vẫn ổn chứ?
Lách cách... lách cách...
Đinh thị đến đầu cũng không buồn ngẩng lên, chứ đừng mong là sẽ bảo Tào Tháo ngồi xuống nói vài câu thân tình, bà cứ để mặc cho vị phu quân thân phận cao quý ấy đứng trơ ra đó. Tào Tháo thấy tính cách quật cường của Đinh thị không thay đổi chút nào, trong lòng cũng thấy hơi bất mãn, nhưng nhìn xung quanh phòng, chỉ có vài chiếc bàn và đồ đạc đơn sơ cũ kỹ, đến cái hộp trang điểm cũng không có, lại có ý thương cảm cho Đinh thị - đã đến đây rồi, cũng lấy hết bản lĩnh nói năng ngọt ngào thời trai trẻ ra, hạ mình tiếp tục dỗ dành vậy.
— Đầu năm nay, ngày giỗ Ngang nhi của chúng ta, ta bận đi đánh trận ở Tịnh Châu, cũng không thoát ra được, mới bảo bọn Phi nhi đặt linh vị bái tế trong phủ. - Đứa con đã chết là niềm thương nhớ duy nhất của Đinh thị, Tào Tháo đem chuyện con trai ra nói, hy vọng có thể khiến cho bà mở lời, nào ngờ Đinh thị vẫn chẳng thèm để tâm, bèn nói tiếp, - Ngang nhi của chúng ta nếu còn sống, năm nay cũng đã gần ba chục tuổi rồi. Có lẽ ta cũng già rồi, gần đây nằm mơ cũng luôn mơ thấy nó. Nếu như nó còn sống, cha con ta cùng sóng ngựa mà tung hoành thiên hạ thật tốt biết bao! - Đó đúng là câu nói chân tình, - Hiện giờ đại cục Hà Bắc tuy đã ổn định, nhưng Thanh Châu vẫn còn chút loạn lạc. Công Tôn Khang ở Liêu Đông nhân loạn vào cướp, có ý đồ đánh chiếm vùng đất duyên hải. Nếu Ngang nhi của chúng ta còn sống, có thể sai nó dẫn quân thay lão phu dẹp yên giặc cướp, vậy thì ta có thể yên tâm ra ải diệt hết mầm họa Viên Thượng rồi, đến khi đại công cáo thành, cha con ta cùng hợp binh một nơi xua quân xuống phía nam...
Tào Tháo ngẩn ngơ nói hồi lâu mới ý thức rằng đây không phải là thương thảo chiến sự với chư tướng, vội vàng ngừng lời, lại tiến hai bước đến trước mặt Đinh thị:
— Ta biết bà không thích ồn ào, chỗ này non xanh nước biếc, lại không có mấy những kẻ quan lại quyền quý, bà có thích không? Mấy hôm trước, bọn Hoàn nhi mới nhắc đến bà, mọi người đều nói bà rất tốt, các con cũng rất nhớ bà... - Vừa nói, Tào Tháo vừa thăm dò đặt bàn tay lên vai Đinh thị.
Đinh thị tuy không kháng cự, nhưng vẫn cúi đầu dệt cửi.
— Chúng ta về nhà đi, đều ngần này tuổi rồi, cứ như thế này còn ra sao nữa? - Tào Tháo xoa xoa lên lưng Đinh thị, thấy bà vẫn không có bất kỳ phản ứng gì, bèn hạ giọng quyết liệt, - Coi như ta sai rồi, ta không nên đuổi bà đi, ta xin tạ lỗi với bà còn không được ư? Bà có nghe thấy không? Lẽ nào ta không bỏ bà mà bà lại muốn bỏ ta ư? Thực sự muốn tuyệt tình vợ chồng với ta ư?
Lách cách... lách cách...
Đinh thị vẫn không ngẩng đầu lên, tựa hồ chẳng hề quan tâm đến bất cứ điều gì. Tào Tháo đứng lặng nhìn Đinh thị hồi lâu - bà cũng thật cố chấp, cũng có thể cái chết của Ngang nhi đã làm bà tổn thương quá lớn, cũng có thể vì hôm ấy ta đánh bà ấy nên bà ấy đã ôm hận trong lòng, cũng có thể người đàn bà này còn rất nhiều mối thắt khó hiểu trong lòng không thể cởi bỏ được. Nên làm thế nào đây? Thôi được rồi, hãy để bà ấy nghĩ thêm ít ngày nữa vậy, có thể qua vài tháng hoặc một năm sẽ muốn về nhà thôi. Tào Tháo vẫn ôm một tia hy vọng, vỗ vỗ lên vai Đinh thị nói:
— Bà không thèm để ý đến ta thì ta đi vậy. Mấy hôm nữa, ta sẽ lại đến thăm bà, bà hãy suy nghĩ cho kỹ. - Nói xong Tào Tháo bước ra vừa đi vừa ngoảnh lại nhìn, hy vọng Đinh thị sẽ cất lời giữ ông lại, nhưng mãi khi Tào Tháo đi đến cửa, Đinh thị vẫn không có phản ứng gì, Tào Tháo chỉ biết thở dài ra khỏi cửa.
— Tào A Man...
Bỗng nhiên Tào Tháo nghe thấy Đinh thị gọi mình, chân vừa bước ra khỏi bậc cửa liền rụt ngay trở lại. Giọng nói đã xa cách từ rất lâu ấy chính là giọng nói đã giúp ông vượt qua không biết bao nhiêu đêm buồn tủi thuở còn chưa đắc chí!
— Bà... bà chịu theo ta về chứ? - Tào Tháo giọng run run, nét mặt lộ vẻ mừng rỡ y như đứa trẻ được cho kẹo. Nếu nói là ông còn yêu Đinh thị thì dường như hơi dối lòng, nhưng cảm tình ấy lại là tình mến thương thân thiết cùng nhau trải qua, vượt qua hết thảy hoạn nạn.
Đinh thị vẫn không hề quay đầu lại, nhưng đã ngừng thoi dệt trong tay, tựa hồ bà đã phải nín thở hạ quyết tâm rất lớn.
— Thế nào? Bà theo ta về đi! Chúng ta cùng sống những ngày tốt đẹp... - Tào Tháo cảm thấy chỉ cần cố gắng thêm một chút thì nhất định có thể đưa được Đinh thị về nhà.
Nhưng Đinh thị vẫn không đáp lời, vẫn ngồi quay lưng lại phía Tào Tháo, hồi lâu sau mới chậm rãi nói:
— Từ sau ông đừng đến đây nữa.
— Sao? - Tuy đang giữa ngày hè mà Tào Tháo cảm thấy lạnh buốt từ đầu đến chân. Phút chốc ông cảm thấy một nỗi sợ hãi không tên, dường như có thứ gì đó bị lôi ra từ tận đáy lòng, rồi tất cả đều tan biến. Lúc này không còn bất cứ sự tôn nghiêm nào của một vị đương triều quyền thần nữa, Tào Tháo bất giác cầu xin, - Không được! Bà phải về với ta! Bà là vợ của ta mà... Ta, ta từ nay về sau nhất định sẽ đối tốt với bà. - Vừa nói, Tào Tháo vừa bước nhanh tới trước mặt nắm lấy hai vai Đinh thị, - Bà đánh ta đi! Đánh ta đi! Nếu không bà mắng chửi ta, trút giận vào ta cũng được! Từ nay bà đánh, bà mắng ta sẽ không chống cự, từ nay ta...
— Thôi đi! - Đinh thị vùng ra khỏi tay Tào Tháo, giọng lạnh như băng, - Ông đừng thề bồi hứa hẹn với tôi nữa, tôi sẽ không về nhà ông nữa đâu.
— Bà nói gì... - Tào Tháo ngạc nhiên sững sờ, - Vì sao?
Đinh thị toàn thân run rẩy, vẫn không hề ngẩng đầu lên:
— Vì sao ư? Vì tôi đã nghe quá đủ những lời dối trá của ông rồi! Tôi không bao giờ tin ông nữa. - Bà ngừng lại một chút, nói rành rọt từng từ một, - Không chỉ mình tôi, khắp thiên hạ này còn có người nào tin vào lời nói của Tào A Man ông không?
Tào Tháo chợt thấy đầu óc quay cuồng, lùi lại mấy bước. Câu nói của Đinh thị như một nhát búa giáng mạnh, khiến Tào Tháo bẹp dúm tan tành, cõi lòng tan nát. Ngay cả Tào Tháo cũng không nhớ rõ mình đã hứa hẹn phải đối tốt với vợ bao nhiêu lần, nhưng những câu thề bồi ấy có được thực hiện không? Đinh thị đã không còn muốn tin nữa.
Lách cách... lách cách...
Tiếng dệt vải lại tiếp tục vang lên, Đinh thị lại quay lại với công việc của mình, vô cùng tập trung vô cùng quyết liệt, tựa hồ như chưa từng có chuyện gì xảy ra, chưa từng có người nào bước đến. Chỉ có Tào Mạnh Đức hồn bay phách lạc, như một kẻ bại trận đang đứng lặng ở đó. Lúc này đây, ông không còn là một vị quyền thần đương triều, cũng không phải là một tướng quân uy quyền hiển hách, mà chỉ là một kẻ đáng thương bị người vợ của mình chối bỏ mà thôi. Đầu óc ông trống rỗng, loạng choạng bước đến giữa sân, đứng lại dưới nắng chói chang, tựa như muốn để ánh mặt trời xua tan đi cơn ớn lạnh từ trong tim bốc lên...
Biện Bỉnh, Đinh Phỉ đứng bên ngoài hàng rào, tuy không nghe thấy câu chuyện bên trong nhưng vẫn loáng thoáng nhìn thấy tình hình trong đó. Thời tiết lúc này đang nóng nực, ai đi ra ngoài cũng tìm bóng râm mà đứng, nhưng Tào Tháo lại đầu trần đứng im giữa sân. Hai người thấy tình cảnh ấy đã đoán ra Đinh thị không chịu quay về, cũng có ý muốn bước vào khuyên Tào Tháo mấy câu, nhưng chưa được sự cho phép nên không dám vào. Chuyện của vợ chồng họ, người ngoài can thiệp vào sao tiện.
Ước độ qua một khắc, Tào Tháo mới mở cổng bước ra, mặt trắng bệch như tờ giấy, nhìn dáng vẻ thất thần của ông, tựa hồ chớp mắt đã già đi hàng chục tuổi. Đinh Phỉ lúc này mới dám bước lên đỡ:
— Phu nhân vẫn không chịu quay về? Tính khí bà ấy ngoan cố quá, tỷ phu chớ nên để tâm, hôm khác tại hạ sẽ bảo tiện nội đến khuyên nhủ bà ấy...
Tào Tháo dường như không nghe thấy Đinh Phỉ nói gì, mệt mỏi ngồi ngả người ra sau, hồi lâu mới cất tiếng:
— Bà ấy không bằng lòng đi theo ta nữa, ta thấy cũng không cần phải cưỡng cầu... Ông hãy bàn bạc với bà ấy xem làm thế nào, nếu bà ấy còn muốn cải giá thì tìm một người nào tốt mà cho cải giá, còn nếu muốn hồi hương, ta sẽ bỏ tiền của đưa bà ấy về huyện Tiều dưỡng lão.
Đinh Phỉ thật không thể ngờ, bao nhiêu tâm sức như vậy mà đổi lại kết cục thế này, trong lòng thầm than thở: “Nói thì dễ thế, nữ nhân của Tào Mạnh Đức ông cải giá, thiên hạ này há có nam nhân nào dám lấy? Đã quá năm mươi tuổi rồi còn bị đuổi về nhà, còn mặt mũi nào gặp hương thân phụ lão nữa? Bà ấy chẳng thể đi đâu được, cuộc đời này coi như hết rồi...” Đinh Phỉ trong lòng nghĩ vậy nhưng không dám nói ra, chỉ ấp úng:
— Tình vợ chồng đã hơn ba chục năm, sao có thể nói cắt đứt là cắt đứt ngay được, để tại hạ tới khuyên bà ấy thêm... Đoạn vội chạy vào trong sân.
Tào Tháo liên tục lắc đầu. Đích thân đi còn chẳng tác dụng, Đinh Phỉ thì làm được gì chứ? Dù có bắt Đinh thị ấm ức quay về thì cũng có ý nghĩa gì? Đinh thị lòng đã nguội lạnh rồi. Ông bèn thôi không đợi nữa, quay sang đưa tay vẫy Hứa Chử, uể oải nói:
— Về phủ thôi...
Hứa Chử chỉ việc làm theo mệnh lệnh, còn chuyện nhà của Tào Tháo thì không cần hỏi, vung roi dong xe ngựa mà đi. Biện Bỉnh xưa nay vốn tính hiếu sự, lần này cũng không nói một câu - Đinh thị bị bỏ đã chắc chắn rồi, như vậy với Biện thị sẽ có ý nghĩa gì đây? Chính là cờ đã đến tay vậy.
Xe bắt đầu chuyển bánh, rèm cửa hạ xuống, Tào Tháo giang rộng hai tay nằm trên sàn xe. Ông thấy mệt mỏi, không hiểu vì sao sống cả đời đến giờ, chưa bao giờ thấy mệt mỏi như vậy. Trước đây gặp những chuyện thế này, nhất định ông sẽ bị chứng đầu phong phát tác, nhưng qua hai năm chữa trị, bệnh này đã không còn tái phát nữa. Nhưng hôm nay Tào Tháo chỉ hy vọng đầu mình bị đau, tỉnh táo thế này còn khó chịu hơn cả bị đau đầu. Cơ bản ông có thể coi như đã công thành danh toại, nhưng đó không phải là cảm giác ông muốn có. Tựa như cánh cửa hằng mong mỏi đã được mở ra, nhưng bên trong lại không phải là thứ mình mong đợi. Câu nói cuối cùng của Đinh thị vẫn hiển hiện rõ trong đầu óc ông: “Khắp thiên hạ này còn có người nào tin vào lời nói của Tào A Man ông không?”
Cũng có thể đúng là như vậy! Ông từng nói phải đối tốt với vợ, nhưng kết quả là hại bà ấy đến thân tâm tiều tụy. Ông từng nói phải an định bách tính, nhưng lại dung túng bộ hạ thân tín chiếm đoạt tài sản của dân. Ông từng nói muốn chiêu mộ danh sĩ trong thiên hạ, nhưng lại không cho phép họ tùy ý ngôn luận. Ông từng nói muốn phục hưng Hán thất, nhưng lại đi đến tình huống khó xử như ngày hôm nay. Đinh thị nói không sai chút nào, lời nói của Tào Mạnh Đức ông, người trong thiên hạ còn tin là thật được không?
Nhưng Tào Tháo vẫn thấy ấm ức, không phải là ông không muốn thực hiện lời hứa của mình, mà là cuộc đời đã khiến cho ông không thể làm như thế được. Lẽ nào thực sự vì mối thù của con trai mà giết chết Trương Tú, để mất một viên tướng kiêu dũng? Nghiêm khắc bó buộc bộ hạ, không cho phép những người vào sinh ra tử kiếm chút lợi ích trong cuộc chiến ư? Để cho đám danh sĩ thanh lưu ấy tự do bàn bạc, làm vướng chân mình ư? Lẽ nào thực sự phải trả lại chính sự cho thiên tử ngay bây giờ, chờ đợi bãi bỏ gươm đao... Hãy thử mở sách sử ra xem, bao nhiêu người công thành danh toại xưa nay, nhưng có ai chưa từng làm trái với lời hứa và bản nguyện của mình? Kẻ muôn sự đều không hổ với lòng mình có tồn tại trên đời này không?... Đó là một con đường không quay trở lại, thực ra từ khi đặt bước chân đầu tiên lên đó đã chắc chắn là không thể quay đầu lại, và nó sẽ đi tới đâu, ngay cả bản thân người đi trên đường cũng không thể xác định. Những trò diễn và lời nói xúc động lòng người có thể lừa dối người khác, nhưng làm sao lừa dối được chính mình?
Xe ngựa tiến vào Nghiệp Thành, nháy mắt đã về đến trước cổng mạc phủ, Biện Bỉnh vội vàng tự tay vén rèm, Tào Tháo còn chưa xuống xe đã thấy Tuân Du, Đổng Chiêu, Thôi Diễm, Quách Gia đi tới - đã đi lâu quá rồi, rất nhiều việc đang chờ ông quyết định.
Thi lễ xong, Thôi Diễm tranh bẩm báo trước:
— Quản Thống - Thái thú An Lạc ở Thanh Châu không chịu đầu hàng, xin chúa công phát binh thảo phạt...
Tuân Du nâng một cuốn thẻ tre nói:
— Vừa có tin quân báo chuyển đến, Viên Thượng, Viên Hy cùng thủ lĩnh Ô Hoàn là Đạp Đốn đóng quân ở Liễu Thành, mối họa này không trừ Hà Bắc khó mà yên ổn được...
Quách Gia cũng bẩm báo:
— Công Tôn Khang ở Liêu Đông tập kết quân mã, tiền bộ đô đốc là Liễu Nghị đã được Quản Thừa tiếp ứng đổ bộ lên bờ, cướp bóc vùng duyên hải. Giặc Khăn Vàng ở Thanh Châu cũng nổi dậy theo, vây đánh thành Tế Nam. Xương Bá lại làm phản theo, đây đã là lần thứ năm rồi...
— Im hết cả đi! - Tào Tháo thấy đầu óc như bị nổ tung, hét lên một tiếng.
Tất cả mọi người đều im bặt, sợ hãi nhìn ông. Tào Tháo biết mình thất thố, nhẹ hít một hơi, dịu giọng nói:
— Hôm nay ta không muốn nghe gì hết. Những gì có thể xử trí các ngươi tự sắp đặt, những gì không xử lý được... sáng mai hãy nói vậy.
— Dạ. - Mọi người không dám hỏi thêm nhiều.
Rõ ràng là đã dặn dò như vậy, Đổng Chiêu vẫn chậm rãi bước đến bên xe, nói với giọng nhỏ đến không thể nhỏ hơn nữa:
— Về việc đổi lại chế độ chín châu... Lệnh quân có bức thư gửi tới chúa công.
Tào Tháo sai Đổng Chiêu viết thư cho Tuân Úc để thương thảo, nhưng Tuân Úc lại trực tiếp gửi thư cho Tào Tháo, có thể thấy ông ta rất giỏi xét đoán.
— Ồ. - Liên quan đến chuyện này, Tào Tháo không thể không quan tâm, - Đưa ta xem nào.
Đổng Chiêu biết hôm nay Tào Tháo tâm trạng không tốt, nên không dám phiền ông nhọc lòng, tự mình mở văn thư, bước lại trước mặt cho Tào Tháo đọc:
Nay nếu theo quy chế xưa, đất Ký Châu thống lĩnh tất có thêm các vùng: Hà Đông, Phùng Dực, Phù Phong, Tây Hà, U, Tịnh. Ngài vừa diệt Nghiệp Thành, khiến trong nước rung động kinh sợ, đâu cũng lo không giữ được đất đai bờ cõi, tập hợp quân để tranh giành. Nay nếu một nơi bị xâm phạm, nghĩa là sẽ có nơi tiếp theo bị đoạt mất, nhân tâm dễ dao động. Nếu như có chuyện phát sinh, chưa chắc đã mưu tính thiên hạ được. Mong ngài trước tiên ổn định Hà Bắc, sau đó sửa lại kinh đô cũ, phía nam tiến đến đất Sính nước Sở, trách tội chúng không chịu triều cống. Thiên hạ đều biết ý ngài, ai nấy sẽ tự yên. Nên đợi hải nội đại định rồi, hãy bàn đến lập lại quy chế xưa, đó là cái lợi lâu dài của xã tắc vậy.
Tuân Úc là người vô cùng thông minh, khôi phục lại chín châu có ý nghĩa gì, ông ta không phải không biết. Bây giờ lại gửi thư tỏ ý phản đối, ý tứ thế nào Tào Tháo cũng không phải không hiểu. Tất cả những lý do chính đáng đưa ra đều chỉ là cái cớ, nói đến cùng thì là Tuân Úc tuyệt không cho phép bất kỳ ai thay đổi vương triều đại Hán của họ Lưu.
Thực ra đâu chỉ có Tuân Úc, trong thiên hạ không biết vẫn còn bao nhiêu người vẫn lưu luyến với nhà Hán. Làm sao đây? Có nên tiếp tục đi tiếp hay không...? Tào Tháo hồi lâu không nói, hết lắc đầu rồi lại gật đầu, nói:
— Lệnh quân nói rất có lý, nếu không có ông ấy nhắc nhở... lão phu lại sai rồi. - Bản tính thì không sao thay đổi được, Tào Tháo lại bắt đầu nói khác lòng mình. Nhưng có che giấu thế nào thì, những người có mặt đều có thể cảm nhận thấy: Giữa Tào Tháo và Tuân Úc đã xuất hiện những rạn nứt.
Đổng Chiêu thấy Tào Tháo không phản bác Tuân Úc, liền cũng nói theo:
— Kiến thức của Lệnh quân già dặn cẩn trọng, chuyện bàn bạc xác lập lại chín châu hãy tạm gác qua một bên... - Là tạm gác lại chứ không phải là bỏ đi.
Tuân Du cũng cầm thư lên đọc, đọc xong kinh sợ khiếp vía, nhưng cố nén tâm tình nói xoa dịu đi:
— Ngoài ra, Lệnh quân còn chủ trương khôi phục lại kinh đô cũ, đề nghị ấy rất hay. Trước kia Lạc Dương bị nghịch tặc Đổng Trác thiêu hủy, theo lý mà nói nên xây dựng lại từ lâu rồi, nhưng mấy năm nay bốn phương chinh chiến, ngân khố của triều đình lại không dồi dào, nên đến nay vẫn chưa có điều kiện để làm. Hiện giờ Hà Bắc đã đại định, cũng nên suy nghĩ đến chuyện ấy. Vật liệu thi công, lại còn vấn đề nhân công nữa, dân số ở Hà Nam ít ỏi, gần đây lại lắm tai họa... - Tuân Du chỉ muốn lái câu chuyện ra khỏi chủ đề đáng sợ đó, nên thao thao bất tuyệt nói mãi không thôi, thực ra miệng nói những gì đến chính bản thân ông ta cũng không rõ nữa.
Đổng Chiêu liếc nhìn Tuân Du, vội vàng lôi trở lại câu chuyện:
— Thiên hạ loạn lạc đã lâu, những nơi cần sang sửa há chỉ có một tòa thành Lạc Dương? Khắp bốn phương có chỗ nào không từng hứng chịu loạn binh đao? Những việc cần làm nhiều lắm. Cứ lấy các vương quốc tôn thất ra mà xem, hiện giờ tám phong quốc: Tề, Bắc Hải, Phụ Lăng, Hạ Phì, Thường Sơn, Cam Lăng, Tế Bắc, Bình Nguyên đều không còn ra bộ dạng gì nữa. Các công tôn vương thất hoặc chết, hoặc mất tích, hậu duệ lại tản mát trong dân gian, gọi là quận cũng chẳng phải, gọi là quốc cũng chẳng xong, khiến cho chính lệnh triều đình khó mà thi hành... - Nói đến đó, Đổng Chiêu cụp mắt xuống, cố ý không nhìn vào Tào Tháo, - Nếu như vậy không tiện, tại hạ thấy cứ phế béng tám phong quốc này đi cho rồi.
Ông ta nói sơ sơ như vậy nhưng bọn Tuân Du thì sợ bắn người - phế bỏ các nước chư hầu của họ Lưu! Đó là việc đại cấm kỵ, lại còn phế liền một lúc tám nước, vậy người thiên hạ sẽ nghĩ gì đây? Lời đề nghị này còn động chạm đến quan hệ quân thần nghiêm trọng hơn cả việc đổi lại chín châu.
— Chắc rằng Lệnh quân cũng sẽ không đồng ý đâu... - Tào Tháo lại vô cùng bình thản, vỗ nhẹ nhẹ lên đùi, rồi đột nhiên ngẩng đầu lên nhìn hết lượt mọi người, - Các ngươi thấy thế nào?
Tào Tháo bỗng đẩy vấn đề trở lại, khiến mọi người bị bất ngờ.
Tuân Du cảm thấy trong lòng khó chịu như bị dao đâm, muốn phản đối, muốn gào thét, muốn ngăn cản, nhưng đối diện với Tào Tháo, tất cả những lời chất chứa trong lòng đều nghẹn lại nơi cổ họng, không thốt nên lời. Cố nhiên đó là sợ sự vui buồn thất thường của Tào Tháo, nhưng quan trọng hơn là bao nhiêu năm nay ai đã là người bày mưu tính kế giúp ông ta đi đến bước đường hôm nay? Phản đối Tào Tháo thì có khác gì phản đối chính bản thân mình?
Thôi Diễm thì đã đứng ngây người, trước kia Viên Bản Sơ khắc ngọc tỷ, ôm lòng phản nghịch, hôm nay thì Tào Mạnh Đức bàn việc phế các nước chư hầu, thiên hạ này quạ nào cũng đen như nhau. Thực ra ai làm hoàng đế thì có gì khác nhau? Chỉ cần trăm họ được an cư lạc nghiệp, ai thống trị thiên hạ cũng không cần phải bàn. Thôi Diễm lại thấy chẳng có gì có thể, cũng chẳng có gì không thể. Hơn nữa, ông đã đứng vào dưới trướng Tào Tháo, gặp phải vấn đề nhạy cảm như vậy, cũng không tiện nói nhiều.
Đổng Chiêu đưa ra câu ấy là cố ý thăm dò Tào Tháo, xem những việc sắp tới nên làm thế nào, làm đến mức nào, nào ngờ Tào Tháo quá thông minh, không biểu lộ thái độ gì mà lại ném ngược trở lại. Trông thấy mọi người đều không tỏ thái độ gì, Đổng Chiêu là người bắc cầu cũng không tiện ra sức xúi giục.
Vậy là ba người đều cúi đầu không nói, thở cũng không dám thở mạnh. Biện Bỉnh đứng hầu bên cạnh, cứ vờ như không nghe thấy, cùng trò chuyện bâng quơ chuyện nhà với Hứa Chử. Thấy mọi người đều không tỏ thái độ gì, Tào Tháo lắc lắc đầu, cũng không truy vấn nữa, chậm rãi bước xuống xe, chỉ hờ hững nói một câu:
— Chuyện này để sau hãy bàn, ta muốn yên tĩnh một chút. - Rồi mặc mọi người đang đứng lặng ở đó, tự đi vào trong phủ.
— Chúa công! - Đúng lúc gay go ấy, Quách Gia lại bước ra, vẻ mặt trịnh trọng không có chút nào vẻ phóng khoáng vui cười trước đây, - Lẽ nào vì Bá Di, Thúc Tề giữ mình trong sạch không chịu làm quan với nhà Chu, mà Vũ Vương không đánh Thương Trụ ư?
Bước chân Tào Tháo chợt khựng lại.
Câu nói đầy ẩn ý ấy khiến người ta không rét mà run. Ngay cả Biện Bỉnh tự coi mình là người ngoài cuộc cũng giật mình kinh hãi, nhất thời bầu không khí khác thường khiến người ta muốn nghẹt thở.
Một lúc lâu sau, Tào Tháo mới chậm rãi quay đầu lại, không nhìn Quách Gia mà đưa mắt nhìn Đổng Chiêu:
— Chuyện phế phong quốc... cứ theo ý ngươi mà làm, không cần phải hỏi ý kiến người khác nữa. Mau chóng xử lý xong đi, chớ để lỡ mất việc chính, còn phải tiếp tục đánh trận đấy! - Chỉ nói mấy câu ấy, rồi Tào Tháo lại tiến bước vào cửa phủ...
— Dạ... - Mọi người nhìn theo bóng Tào Tháo nhốn nháo đáp lời, có người sung sướng, có người mừng vui, có người buồn bã, có người chết lặng, ai nấy ngổn ngang trăm mối. Chỉ có con chim chích bông trong vòm lá kêu mãi không thôi, nguyền rủa ngày hè nóng nực khiến người ta bứt rứt.
Tín hiệu phế bỏ tám nước đã được bật lên, con đường tiếp theo không nói cũng đã rõ. Hơn nữa, có kêu lên rằng “phục hưng Hán thất” cũng chẳng còn ai tin nữa, vậy thì cứ thẳng tay mà làm thôi.
Con đường không trở về được, chẳng có cách nào quay đầu, đành dằn lòng, tiếp tục tiến lên thôi...
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 7 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 7 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 7