I find television to be very educating. Every time somebody turns on the set, I go in the other room and read a book.

Groucho Marx

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 38
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 94
ào Tháo khóc Viên Thiệu, người Nghiệp Thành quy tâm
Mèo già khóc chuột
Tào Tháo thực sự có cách của mình, hơn nữa lại là cách mà người khác không thể đoán được. Ba ngày sau, những tử thi trên hào cừ ngoài Nghiệp Thành đều đã được xử lý ổn thỏa. Quan lại, dân chúng trong ngoài cơ bản đã ổn định, Tào Tháo bỗng nhiên hạ lệnh, muốn dẫn theo tất cả bộ hạ cùng các thuộc lại của Viên gia đến bái tế lăng mộ Viên Thiệu. Người chiến thắng viếng mộ kẻ thất bại, đây có thể nói là chuyện kỳ lạ trên thế gian!
Mộ Viên Thiệu(*) nằm cách Nghiệp Thành mười sáu dặm về phía tây bắc, vì ông ta là dòng dõi môn đệ hiển hách, khi qua đời gia nghiệp chưa suy bại nên tòa lăng mộ này được xây dựng vô cùng to lớn, nằm trên một khu đất vừa dài vừa rộng. Mộ cao hơn ba trượng, tựa như một ngọn núi nhỏ, xung quanh tùng bách um tùm, hai bên đường thần đạo dựng nhiều tượng người tượng thú bằng đá, vô cùng trang nghiêm. Tuy vậy, đối với kẻ thần tử mà nói, quy mô thế này đã vượt quy chế triều đình.
Hôm nay Tào Tháo chủ ý mặc trang phục giản dị, lại đổi sang cưỡi một con bạch mã. Còn các duyện thuộc trong Tào doanh và quan lại ở Hà Bắc đều mặc hiếu phục đi bộ theo, ngay cả quân lính hộ vệ cũng đều thắt lưng bằng đai vải trắng, đội ngũ xếp hàng rồng rắn dài tới hơn một dặm đường, đưa mắt nhìn chỉ thấy một màu trắng xóa. Có người cầm cành phan chiêu hồn, có người bưng đỉnh hương, đồ cúng, lại có cả nhạc công xướng khúc ai điếu: “Sương ngọn kiệu; Dễ tan sao! Sương tan mai giọt lại gieo; Người đà khuất bóng khi nao mới về?...” Không khí bi thương cảm động đất trời, lại thêm gió thu xao xác thổi khiến lá khô bay lả tả, cứ y như lại phát tang Viên Thiệu một lần nữa vậy.
Nghi thức bái tế Tào Tháo đã suy tính đâu đấy, bộ thuộc của ông nhất loạt sắp hàng đứng bên mé tây, nhường vị trí chủ phía đông cho các quan lại ở Hà Bắc. Vợ góa của Viên Thiệu là Lưu thị dẫn theo đám nữ quyến quỳ ở bên mộ tạ lễ. Mọi người ai đứng vào chỗ nấy, quân lính đã bày xong hương án, khiêng vật tế, quả, rượu lên. Thôi Diễm, Thôi Quân làm bồi tế bày một loạt bài vị của bọn Thẩm Phối, Điền Phong, Bàng Kỷ, Thư Thụ cho đến Nhan Lương, Văn Sú.
Tào Tháo nghiêm trang nói:
— Các con của Viên Bản Sơ đều bất hiếu, làm bại hoại gia nghiệp, gây loạn Hà Bắc, tuy sống cũng như chết. Đem bài vị của chúng bày cả lên!
Lưu Đại, Lã Chiêu đã chuẩn bị sẵn sàng, nghe lệnh lập tức bước lên đem bài vị của Viên Đàm, Viên Hy, Viên Thượng và cả Quách Đồ cùng bày lên bàn thờ. Những nhân vật ngoan cố chủ chốt của Viên gia đều có tên cả, riêng vì nể mặt Tân Tỵ nên không có tên Tân Bình mà thôi, đó là để sau này sẽ xá miễn. Kỳ thực về danh nghĩa Viên Đàm đã quy hàng, đem bài vị của y bày lên rất không thỏa đáng, nhưng bây giờ, Tào Tháo đã “hết địa đồ, lộ chủy thủ”(*) rồi, cũng không ai dám nói điều gì.
Tế phẩm đã bày biện đầy đủ, ba chén rượu cúng đã được rót đầy, Tào Tháo nhảy xuống ngựa đến tế bái trước tiên. Ông chậm rãi bước đến trước hương án, nhìn sang bên phải, bọn Thôi Diễm, Thôi Quân, Tuân Thầm nét mặt bi ai như mất cha mất mẹ. Nhìn sang bên trái, những người trong Tào doanh hầu hết đều mặt mày đờ đẫn, thậm chí có người còn có vẻ không vui - màn kịch này không dễ diễn! Đoạn đường chỉ có mấy bước chân mà Tào Tháo đi rất chậm, vừa đi vừa nhớ lại những kỷ niệm với Viên Thiệu thời tuổi trẻ, tiếc rằng ông với Viên Thiệu tuy từng có những cảm mến lẫn nhau, song đó là việc đã quá lâu rồi, nó không thể che giấu được niềm vui chiến thắng bây giờ. Tào Tháo chỉ còn cách nghĩ sang chuyện khác, tìm cách lôi tất cả những nỗi thống khổ oan ức trong đời ra, nghĩ đến chuyện mình từ nhỏ đã đáng thương vì mồ côi mẹ, nghĩ đến mấy vị thúc phụ nối nhau qua đời, phụ thân và đệ đệ giữa đường gặp bất trắc, Bào Tín chết thảm, Trần Cung làm phản, Điển Vi hi sinh ở Uyển Thành, lại còn Ngang nhi bị trúng tên mà chết, thi thể cũng không tìm được... Cũng không biết rốt cuộc là câu chuyện nào đã khơi gợi mối thương tâm trong lòng Tào Tháo, khiến nước mắt chợt tràn mi.
Mọi người hai bên đều nhìn thấy rõ ràng, phút chốc ngạc nhiên đến nỗi ngây người - nào ai biết giữa Tào Tháo với Viên Thiệu còn có mối thâm tình như vậy?
Nước mắt lăn xuống gò má thì Tào Tháo cũng vừa vặn bước đến trước án, ông cầm một nén hương, châm lửa, cung kính cắm vào giữa đỉnh hương, rồi lại cầm một chén rượu lên rưới xuống đất, rồi mới quay lại phía mọi người nói to:
— Trước kia ta với Bản Sơ cùng làm quan ở Lạc Dương, khi ấy hoàng cương suy yếu, quốc gia nguy nan, bên ngoài có Khăn Vàng làm phản, bên trong có hoạn quan gây họa. Danh sĩ thiên hạ chẳng ai không bị cấm cố, lê dân bách tính khổ không sao kể xiết... - Tất cả điếu văn được viết sẵn từ trước, mấy ngày nay sau khi xử lý xong công việc, Tào Tháo rảnh rỗi lại bỏ công học thuộc lòng, - Một nhà họ Viên, bốn đời tam công, phò tá quân vương, nhiếp lý âm dương. Bản Sơ từ nhỏ đã có chí khí, quảng giao nghĩa hiệp, nhỏ máu rạch gan, đêm ngày lo lắng vất vả. Đại tướng quân Hà Tiến ghét lũ hoạn quan, Viên Thiệu tấm lòng nghĩa khí trỗi dậy, được ban cho chức Đốc ty giúp nghĩ kế sách. Khi bọn hoạn quan gây loạn, Bản Sơ lại dẫn quân xông vào cung, vung giáo trên điện, khiến hoạn quan sợ run, giết chết lũ gian tà, hành động thật anh dũng, thiên hạ đều biết!
Thực ra những câu này đều là tô vẽ, Viên Thiệu quả từng phụ tá Hà Tiến mưu trừ hoạn quan, nhưng hành sự bất cẩn dẫn Đổng Trác về kinh, xét ra tội còn nặng hơn công. Nhưng người chết đã chết rồi, cũng nên tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại, huống chi mục đích của Tào Tháo là thu phục nhân tâm, tất nhiên phải nói những lời hay ho dễ nghe. Những quan lại cũ của Hà Bắc có mặt lúc này đây cũng chưa từng nghĩ rằng chủ nhân của mình lại có thể cao thượng đến vậy, nhưng thấy Tào Tháo lệ nóng tuôn trào, thao thao bất tuyệt thì cũng bị dẫn dắt theo những lời này, càng nghĩ càng thấy có lý, nỗi oán hận bị vây khốn nửa năm tự nhiên cũng vơi bớt đi vài ba phần.
Tào Tháo lau nước mắt, khẳng khái nói tiếp:
— Đổng Trác về kinh bá chiếm triều đường, thí sát thiếu đế, giết hại thái hậu. Cha anh của Bản Sơ đều ở ngôi cao, vẫn không sợ di họa cho cả nhà, treo trả cờ tiết, mưu tính lập nghiệp ở Hà ngoại. Đứng đầu xướng nghĩa, khuông phù Hán thất, tụ tập anh hùng, hưng binh trăm vạn, đem quân đến đóng ở Mạnh Tân, cắt máu ăn thề ở Chương Hà. Đáng hận thay, cố Ký Châu mục Hàn Phức giữ lòng trái ước, ý muốn chuyên quyền, cắt tuyệt quân lương, làm cho việc thảo tặc không thành. Đổng tặc thỏa ý tàn độc, hại cả thiên hạ, cả nhà Viên Ngỗi cùng một ngày phải chết. Dù đến chim muông còn phải thương khóc! Mối thù xương máu há có thể quên! Bản Sơ biết trung hiếu hai đường không thể lưỡng toàn, từ đó thề nguyện quét sạch loạn lạc, phục hưng Hán thất, tiễu trừ phản loạn, nêu tên trong sử xanh! Bèn tính toán mưu lược, những người trung nghĩa đi theo, đoạt lấy Ký Châu, dựng nên cơ nghiệp! - Dẫu sao, khi Viên Thiệu diệt Hàn Phức, Tào Tháo vẫn chưa trở mặt với ông ta, khen ngợi một chút cũng không có hại gì cho mình, - Lại có bọn giặc Khăn Vàng hơn chục vạn đốt phá hai châu Thanh, Duyện, lũ thảo khấu Hắc Sơn bạo ngược ở Hà Bắc, Bản Sơ đông phá tây ngăn, nam chinh bắc chiến, những nơi tiến quân tới, chẳng chỗ nào không tan tành! Các vị cao hiền ở phía đông tranh nhau đi theo, các dũng sĩ ở U Châu, Tịnh Châu nhất tề hưởng ứng! Công Tôn Toản tàn hại Lưu Ngu, lũ hổ lang tiến xuống phía nam, Bản Sơ hành quân đêm ngày, đọ sức với chúng, đạp bằng sương tuyết, chẳng kể hiểm nguy, trải qua trăm trận, cuối cùng hạ được Dịch Kinh! Các bộ tướng văn võ, đều là bậc anh tài, dựa vào oai trời, yên định bốn châu! - Nói đến đó, Tào Tháo lại nâng chén rượu thứ hai, vẩy mạnh lên trước lăng Viên Thiệu.
Điều đáng khen ngợi nhất của các quan lại Hà Bắc chính là ở việc phụ tá Viên Thiệu trong thời kỳ kiến công dựng nghiệp. Nhớ lại khi ấy, tru diệt Khăn Vàng, đánh tan Hắc Sơn, tiêu diệt Công Tôn Toản, ai chẳng từng lập được chút công lao? Ai chẳng từng đồng cam cộng khổ với Viên Thiệu? Nghe Tào Tháo nhắc đến chuyện này, chính đánh vào chỗ đau đớn nhất trong lòng họ, tiếng kêu khóc lập tức vang lên, bi thảm thấu trời. Hơn nữa, Tào Tháo lại nói rất rõ ràng, “các bộ tướng văn võ, đều là bậc anh tài” ấy chính là nói về bọn họ vậy. Nếu đã đều là hào kiệt, cũng không có gì để nói là xưa sai nay đúng, việc cai trị của Tào Tháo cũng là hợp lẽ, có thể giải thích là sự nối tiếp cho Viên gia. Không biết từ lúc nào, tâm lý đối địch đã vơi đi quá nửa.
Những lời điếu viếng thương nhớ cố nhân của Tào Tháo bắt đầu nói đến chỗ khó nhất, bởi tiếp sau đó chính là chuyện trở mặt giao chiến giữa Viên Thiệu với ông, khen cũng không được, mà chê cũng không xong. Nhưng nỗi bi thương có thể lây truyền lẫn nhau, Tào Tháo thấy các quan viên Hà Bắc khóc lóc thảm thiết, khiến ông cũng dần có tình cảm như vậy, bỗng nhiên nhớ lại chuyện mình và Viên Thiệu đã chuyện trò tương đắc trong đám tang Hồ Quảng, nhớ lại bao nhiêu nỗ lực của mình và Viên Thiệu khi cứu giúp đảng nhân, lại còn những ngày kinh hồn động phách mà cả hai cùng trải qua trong phủ Hà Tiến... Chợt một mối bi thương giống như hòn than bị tro tàn che phủ nay chợt bừng cháy, tuôn trào bất tuyệt, Tào Tháo không kìm chế được khóc to lên:
— Tiếc thay! Tiếc thay! Ta với ngài vốn tình như thủ túc, rốt cuộc lại thành xa cách Sâm, Thương(*), thế là vì sao? Vì sao!
Câu nói ấy vừa thốt ra, mấy kẻ tâm phúc bên mé tây như Tuân Du, Quách Gia đều thầm ngạc nhiên - Không phải rồi! Đấy đâu phải là lời điếu văn đã chuẩn bị từ trước, nội dung phải là than thở việc Viên Thiệu quay lưng với triều đình, từ đó chìm đắm trong kiêu ngạo, sao Tào Tháo lại không nói đến?
Tình cảm trỗi dậy, nào còn nhớ được những lời giả nhân giả nghĩa nữa? Nào là phụng thiên tử, tôn đại nghĩa, nào là dối đời, trộm danh... mấy câu ấy đều bị vứt đi đâu cả rồi! Tào Tháo quay người lại, lặng nhìn phần mộ Viên Thiệu, than khóc:
— Bản Sơ! Nếu gặp đời thái bình, ngài và ta tất đã thành mối giao tình gan ruột, nhưng bá chủ trong đời loạn này chỉ có một, người chẳng biết lo cho mình thì trời tru đất diệt, ta mới bất đắc dĩ mà làm vậy! Ngài đã quy tiên, những oán thù trước đây hãy xóa bỏ hết, hôm nay lão đệ đến viếng ngài đây... Nhớ lại năm xưa, khi cử binh ngài có nói với ta rằng: “Phía nam dựa vào Hoàng Hà, phía bắc có đất Yên, Đại cách trở, lại thêm người Nhung, Địch, quay về phía nam mà tranh thiên hạ, có thể cứu vớt cho dân chúng không?” Ta bèn nói: “Ta dựa vào trí lực trong thiên hạ, lấy đạo lý mà chế ngự, chẳng có gì là không thể!" Hôm nay nhìn lại, ngài và ta ai đúng ai sai?... Ngài học cách của đức Quang Vũ dấy binh ở Hà Bắc trung hưng thiên hạ, vốn có thể trở thành vô địch thiên hạ, nhưng lại tự làm theo ý mình, coi thường quần hùng, cho nên mới có tình cảnh hôm nay. Chỉ là vì ngài ngông cuồng... ngài ngông cuồng... ngài ngông cuồng gì chứ! - Tào Tháo lau nước mắt, chỉ khắp một lượt những người bên mé đông, - Ngài có biết quần thần thuộc hạ phải chịu bao đắng cay? Ngài có biết dân chúng Hà Bắc đang kêu gào đói khát? Ngài có biết sau khi ngài chết bao nhiêu người đã vì ngài tận tiết mà chết? Tại sao ngài lại ương ngạnh tự quyết, không nghe lời trung ngôn chứ? - Người ta luôn nhìn thấy rõ người khác nhưng lại không nhìn thấy rõ chính mình, tuy nói câu nào cũng có lý nhưng Tào Tháo lại quên rằng có những lúc ông cũng ương ngạnh, cuồng vọng chẳng kém gì Viên Thiệu, - Bản Sơ à! Có câu “Biết con không ai bằng cha”, cũng đáng trách ngài lo việc không chu đáo, lập con kế thừa không rõ ràng, lại thêm hai con kiêu ngạo, ngu muội, lỗ mãng, dẫn tới nước mất nhà tan... Ta thực giận thay! Hận ngài nuôi dạy ra hai tên phá gia chi tử ấy! - Nói đến đó, Tào Tháo đã nước mắt đầm đìa, - Bản Sơ... Ngài và ta đời này thương mến lẫn nhau, nhưng lại thành như nước với lửa. Lão đệ xin nói thẳng, không thể tha cho cốt nhục dưới gối ngài được! Nhưng ta thực sự kính phục ngài ba điểm: Kính phục ngài đi trước mọi người, dám dẫn đầu thiên hạ; kính phục ngài không tiếc tiền của, coi vàng bạc như đất cát; kính phục ngài không sợ an nguy, vững như bàn thạch! Nếu nói đến mấy điểm ấy, dù cho ngài có nằm dưới đất, ta đứng trên đây thì ta vẫn cứ thua ngài. Ân oán giữa ngài với ta là bởi ông trời đã định. Nếu như có kiếp sau, tiểu đệ nguyện cùng ngài dong ngựa chung đường! Bản Sơ huynh... - Những lời lẽ từ tận đáy lòng đến đây thì ngừng, có thể nói là có trầm có bổng, có trước có sau, Tào Tháo phục trên hương án, khóc than thảm thiết.
Có sao nói vậy đôi khi lại dễ làm người khác cảm động hơn những ngôn từ đã được sắp xếp từ trước. Sau khi nghe xong, các quan viên Hà Bắc càng thêm thương cảm. Có người nhớ đến ơn tri ngộ của Viên Thiệu, đấm ngực thùm thụp, gào khóc vang trời; có người cám cảnh vợ con ly tán, nước mất nhà tan, nức nở tưởng đứt từng khúc ruột; có người tiếc thương cho bại vong của họ Viên, không khóc nên lời, ủ ê chán chường.
Lưu thị phu nhân khóc tưởng mờ mắt, nấc nghẹn quay đầu lại nhìn, thấy một căn lều cỏ(*) dựng bên cạnh lăng. Đó là nơi con đẻ của bà là Viên Thượng đã ở trong thời gian cư tang cha. Xưa khi mới chôn cất Viên Thiệu, Viên Thượng, Viên Hy ở ác thất thủ hiếu, còn Viên Đàm bị giam lỏng trong phủ không tận hiếu được, đối đãi với huynh đệ khác biệt như vậy, sao không nảy sinh oán hận? Bà bỗng nhớ đến câu nói của Viên Thiệu trước lúc lâm chung: “Tuyệt đối không được làm khó Đàm nhi!”, đến bây giờ mới hiểu hết thâm ý trong đó, bà hối hận là đã không nghe lời ông, dẫn đến họa tự trong nhà, gia bại nhân vong. Ngoảnh đầu nhìn lại, thấy bài vị của ba con trai để trên hương án, đời này trừ khi xuống suối vàng, khó còn có cơ hội gặp lại được nữa. Lưu thị vừa buồn, vừa hối, vừa tức, vừa hận, chợt thấy những bài vị trên bàn thờ quay tít, cuối cùng khóc ngất xuống bên lăng.
Những người của Tào doanh đứng ở bên tây xúc cảnh sinh tình, cũng không ít người khóc, nhưng chỉ là ngẫu nhiên do tình cảnh gây ra. Hứa Chử khóc là khóc Điển Vi đã chết bi thảm; Tân Tỵ khóc là khóc mấy chục oan hồn trong nhà; Tào Hưu khóc là khóc vì cảnh mẹ con phải bôn ba chạy nạn, muôn cay ngàn đắng; Quốc Uyên khóc là khóc tôn sư Trịnh Huyền, bậc cự nho một đời phải chết trong quân; Lý Điển khóc là khóc vì Trương Liêu - kẻ thù giết thúc phụ của mình - giờ lại đang đứng bên cạnh mà không thể báo thù được. Tuân Diễn khóc là khóc anh em thủ túc một mẹ sinh ra lại đang đứng đối diện bên kia đường, gần trong gang tấc mà như người xa lạ... Muôn hình vạn trạng kỳ quái của những mối bi tình trong loạn thế đều xuất hiện cả trong lúc này.
Nhưng cũng có kẻ sắt đá, Nhạc Tiến khoanh tay đứng giữa đám đông, chẳng kêu khóc lấy một tiếng, sắc mặt tỏ vẻ coi khinh. Y là kẻ võ phu thô lỗ, tất nhiên không hiểu kế thu phục nhân tâm của Tào Tháo, lại thấy Đặng Triển đang đứng bên cạnh cũng lau nước mắt, tức giận bảo:
— Ta thấy lũ các ông đúng là mắc dịch! Họ Viên kia đánh nhau với chúng ta chẳng phải quyết liệt lắm ư? Bắt chúng ta phải bái tế hắn, thật không hiểu chúa công nghĩ thế nào nữa. Ông không quen biết Viên Thiệu mà cũng khóc theo được thế ư!
Đặng Triển vốn là hiệp khách khẳng khái, bình sinh trọng tình trọng nghĩa, khẽ bảo:
— Viên Thiệu tốt hay xấu ta không biết... Nhưng ta thấy chúa công khóc thảm quá, cũng không kiềm chế nổi...
— Khóc cái gì mà khóc? Thực ra không nên bái tế Viên Thiệu, đừng làm mất mặt nữa!
Từ Tuyên cũng mặt mũi sa sầm, nghe thấy Nhạc Tiến nói liền phụ họa theo:
— Nhạc tướng quân nói rất đúng, tại hạ cũng thấy việc này không thỏa đáng. Đối chọi nhau như cừu thù tạm không cần nói đến, lẽ thưởng phạt của bậc tiên vương xưa là để trừng ác khuyến thiện, làm tấm gương sáng cho đời sau. Viên Thiệu kia xưa nay vẫn mang lòng phản nghịch, trên nhòm ngó đến ngôi báu, dưới thì can dự vào kỷ cương. Chúa công lần này lại đến đây khóc lóc trước mộ kẻ nghịch thần, gia ơn tới quyến thuộc kẻ tham tàn, tuyệt không phải là lễ chính đạo. Dù có được lòng sĩ nhân Hà Bắc, cũng là việc làm mất thể diện.
Đứng cách ông ta không xa là Trần Kiều, hai lão oan gia này không có việc gì là không tranh cãi với nhau, nếu Từ Tuyên nói đông, Trần Kiều tất sẽ nói tây. Lúc này nghe thấy lời Từ Tuyên nói, Trần Kiều lập tức phản bác:
— Lời Bảo Kiên sai rồi! Khi xưa Cao Tổ và Hạng Vũ cùng nhận mệnh của Hoài Vương, ngoài miệng thề ước huynh đệ, cho nên Hạng Vũ chết rồi, Cao Tổ đã hậu táng long trọng. Lẽ nào đó cũng không phải là chính đạo? Viên Thiệu với chúa công từng là bạn cũ, trong khi thảo Đổng lại là minh chủ nghĩa quân, tuy đông tây hai đường, nhưng chiếu cố đến tình xưa có gì không đúng chứ? Vì nghĩa chung mà thảo phạt, lấy ơn riêng mà khóc thương, không đem ân phụ nghĩa, cũng không vì nghĩa mà bỏ ân, đó chính là chỗ khoan dung, độ lượng của chúa công vậy!
Những câu ấy đánh đúng vào mục đích mà Tào Tháo muốn, mọi người cùng lũ lượt gật đầu.
Từ Tuyên nào chịu kém, lập tức đốp lại:
— Đã ở ngôi cao cũng nên làm việc thận trọng, chúa công đâu phải dân thường mà là đại diện cho triều đình, há có thể cúi mình bái tế kẻ địch? Những lời ông nói chỉ là cưỡng từ đoạt lý thôi.
— Quan viên, bách tính vốn cùng là một, đó là thường tình của con người, ông mới chính là cưỡng từ đoạt lý. Khi xưa...
Hai người càng nói càng to tiếng, khiến những người khác cũng không khóc nữa, đều ngoảnh cả lại xem bọn họ tranh cãi. Tuân Du vội vàng can:
— Trật tự! Có gì về nhà hãy nói, đã đến đây thì phải yên tĩnh, chớ có làm phiền người khác!
Quân sư lên tiếng, hai người mới ngưng lại. Tuân Du quay đầu lại, thấy Tào Tháo vẫn còn lau nước mắt, cũng không khỏi cảm khái. Những điều Trần Kiều, Từ Tuyên nói ai cũng đều có cái lý của mình, Tào Tháo khóc thương như vậy có lẽ bởi ông thực sự cảm động. Nhưng đoạt đất của người rồi lại đến bái tế, mèo già khóc chuột, há lại có chân tình? Hoặc là thực thực giả giả, trong hư có thực mà thôi. Giống như chuyện tì nữ A Vụ kia vậy, ông tặng cho ta nàng ấy, rốt cuộc là thực lòng thương ta tuyệt hậu, hay vì cái tiếng cướp đoạt nữ nhân của Viên gia không hay ho gì nên muốn lôi ta vào gánh chịu cùng? Ai chẳng biết Tuân mỗ ta là người phẩm cách đoan chính, đức cao vọng trọng trong quân, qua chuyện này e là khó tránh khỏi những lời dị nghị rồi. Hoặc cũng có thể bởi ta có uy vọng cao trong quân, cho nên ông ấy mới muốn nhân cơ hội để làm giảm bớt tiếng tăm của ta, cô nương kia... Tuân Du nghĩ đến đó chợt đỏ mặt, người ta đang khóc mộ mà mình lại nhớ đến nữ nhân, thực là quá bất kính, vội vàng cúi đầu xuống thật thấp.
Khóc lóc tế lễ đến nửa canh giờ, Tào Tháo mới dần ngưng tiếng ai oán, lấy tay áo che mặt, hé mắt quan sát, thấy các quan viên bên đông đã khóc đến chết đi sống lại, trong lòng mừng thầm - tạm ổn rồi đây. Khi ấy Tào Tháo mới cầm chén rượu cuối cùng lên nhẹ nhàng rưới xuống, trong miệng thầm khấn: “Phục duy thượng hưởng...” Nói xong, Tào Tháo hít một hơi thật sâu, lấy lại tâm trạng bình thường, tựa như người vừa đau đớn khóc lóc khi nãy không phải là ông. Liệu rằng đã bắt đầu tốt đẹp, kết thúc cũng phải tốt đẹp, Tào Tháo bước lại gần phía dưới lăng, cẩn thận vái một vái với đám nữ quyến của Viên gia. Lưu thị phu nhân đã mấy lần khóc ngất đi, quỳ không đứng lên được nữa, mấy người con gái, con dâu trong họ phải đỡ hai bên mới đỡ được Lưu thị, ấn đầu cúi xuống để đáp lễ. Người ta nắm quyền sinh quyền sát, có không thích đến mấy thì cũng phải đáp lễ.
— Xin tẩu tẩu phu nhân bớt đau buồn... - Tào Tháo nói đến đó, cố ý lấy giọng nói to, tựa hồ muốn cho tất cả những người có mặt đều nghe thấy. - Ta với Bản Sơ huynh là chỗ chí giao, vì tình nghĩa xưa sẽ không làm khó mọi người. Tài sản của Viên gia ở Nghiệp Thành, ta không tơ hào một chút nào, toàn bộ hoàn trả cho các người, lại tặng thêm cho ba xe lụa là để tỏ thành ý...
Tào Tháo nói to, khiến đám quan lại cũ của Viên gia ở bên đông nghe thấy lại một phen sùi sụt. Tình này cảnh này thực sự khiến người ta phải đau lòng, thậm chí tất cả mọi người đều quên mất rằng, đến con dâu của Viên Thiệu cũng bị cha con Tào Tháo cướp đi. Trong những tiếng bi ai, không có ai nghe rõ câu nói sau đó của Tào Tháo:
— Viên Đàm, Viên Hy, Viên Thượng là những kẻ ngỗ nghịch bất hiếu, nếu như lão phu bắt được bọn chúng, sẽ đem quốc pháp, gia pháp ra cùng trị tội, mong rằng tẩu tẩu phu nhân đại nghĩa diệt thân. Tẩu tẩu hãy coi như không có mấy đứa con đó vậy!
Tào Tháo lại thi lễ lần nữa rồi lùi sang bên, liền ngay sau đó, quần thần ở Hà Bắc cùng kéo nhau lên quỳ lạy hành lễ. Bọn Thôi Diễm, Tuân Thầm, Thôi Quân, Trần Lâm đều khóc than thảm thiết, đám lệnh sử, duyện thuộc chen chúc phía sau vẻ mặt cũng đều đau buồn. Bọn họ đứng dậy thì lại tới các bộ thuộc ở Tào doanh, thực sự khóc không được thì cũng phải bưng mặt gào suông mấy câu. Ngay cả Tào Tháo cũng đã khóc, bọn họ há có thể không khóc?
Khi mọi lễ nghi đã xong xuôi thì đám quan lại của Hà Bắc đã than khóc đến khản giọng, chỉ còn biết lau nước mắt. Tào Tháo ngồi ngay ngắn trên lưng ngựa, nhìn những kẻ đang nhớ đến chủ cũ, than thở hồi lâu rồi mới dẫn đội ngũ quay về đại doanh. Mới đi được ba bốn dặm, bỗng thấy một người cưỡi ngựa phóng lại - chính là Trưởng sử Lưu Đại đang giữ đại doanh.
— Ngươi đến đây làm gì?
Lưu Đại xuống ngựa bẩm báo:
— Có bộ hạ của Viên Thượng là Ký Châu Tòng sự Khiên Chiêu đến doanh đầu hàng!
— Ta từng nghe về người này, cũng có thể coi là kẻ trung nghĩa, ngươi chạy đến đây chỉ vì chuyện này, đợi ta về rồi gặp không được sao?
Tào Tháo từng nghe nói về Khiên Chiêu. Năm xưa họ Hà nắm quyền trong triều, huynh đệ khác mẹ của Hà Tiến là Hà Miêu làm Xa kỵ Tướng quân, vời danh sĩ Hà Bắc là Lạc Ẩn ra làm duyện thuộc, Khiên Chiêu kia chính là đệ tử của Lạc Ẩn. Hôm xảy ra chính biến, Hà Miêu chết dưới loạn đao, Lạc Ẩn cũng mất mạng theo. Khiên Chiêu không ngại binh hỏa loạn lạc, bôn ba ngàn dặm từ U Châu đến Lạc Dương để an táng cho sư phụ, đã thành câu chuyện được truyền tụng một thời.
— Không phải chỉ vì người này... - Lưu Đại chắp tay, - Khiên Chiêu từ Tịnh Châu đến đây.
— Ồ? - Tào Tháo đã đánh hơi thấy có mùi khác thường, - Có ẩn tình gì chăng?
— Trong lúc chúa công cho quân vây Nghiệp Thành, Viên Thượng từng sai Khiên Chiêu trốn đến Tịnh Châu cầu cứu Cao Cán. Cao Cán cự tuyệt không cứu, lại còn đem ông ta bỏ ngục, ông ta đã trốn ra mới tới được đây.
— Cự tuyệt không cứu... Dụng tâm của hắn mới độc địa làm sao! - Tào Tháo nheo mắt. “Cao Cán không cứu Viên Thượng, nghe tựa hồ đã giúp Tào Tháo đoạt lấy Nghiệp Thành, nhưng sự thực thì không phải vậy. Ký Châu đã bình định rồi, tiếp theo đây phải tìm cớ để đánh Viên Đàm ở phía đông, hoặc lên phía bắc tiến đánh U Châu. Đánh Viên Đàm ở phía đông còn dễ, nhưng lên phía bắc đánh U Châu đường xa hiểm trở, quân Tào sẽ càng xa Tịnh Châu hơn, nếu Cao Cán nhân cơ hội tiến vào xâm phạm Quan Trung, đại quân ta sẽ không có cách nào cứu viện, há chẳng phải lại rơi vào thế nguy hiểm cận kề như trận chiến Bình Dương ư? Hơn nữa tranh giành giữa Lưu Biểu và Tôn Quyền đã kết thúc, phía Kinh Châu có thể tùy lúc xuất binh tiếp ứng, Hào Sơn gần đó lại có bọn Trương Bạch Kỵ cùng trong ngoài hô ứng, kẻ địch phía nam phía bắc có thể hội hợp với nhau. Một khi Quan Trung thất thủ, mối liên hệ với Lương Châu cũng sẽ bị cắt đứt, phía tây Lạc Dương không khống chế được nữa, chiến lược thống nhất miền bắc sẽ bị đảo lộn hoàn toàn.”
— Chúa công không cần phải lo lắng. - Không biết Quách Gia đã thủng thẳng đi theo phía sau từ bao giờ, - Có một không thể có hai, lần trước là Cao Cán xuất kỳ bất ý, đột kích đúng lúc, còn lần này Chung Do, Đoàn Ổi đã có chuẩn bị. Hơn nữa, chức Thái thú Hà Đông đã có Đỗ Kỳ đảm đương. Quân đến tướng đỡ, nước lên đất ngăn, dù cho Cao Cán có xuống phía nam làm loạn cũng không đáng ngại.
— Không đáng ngại? - Tào Tháo vuốt râu trầm ngâm, - Đau thì có thể dứt, nhưng ngứa lại không chịu được.
Quách Gia đã có tính toán trong lòng:
— Viên Đàm vì tranh giành nối ngôi mà phản lại huynh đệ, từ lâu đã mất hết lòng người, không khó để phá vậy. U Châu tuy nằm trong tay Viên Hy, Viên Thượng nhưng đất rộng người thưa, Hồ, Hán hỗn tạp, lại thêm Công Tôn Độ cát cứ Liêu Đông tự thành một phe, số binh mã có thể điều động là không nhiều. Hiện nay, nhân tâm Hà Bắc dao động, chúa công sao chẳng... - Ông ta chỉ nói đến đó, rồi không nói tiếp nữa, nếu như nói ra cả, sao có thể khiến Tào Tháo bộc lộ sự cao minh của mình được?
Tào Tháo được Quách Gia chỉ dẫn cũng hiểu ra:
— Sau khi hồi doanh lập tức điều các bộ tướng cũ ở U Châu là Tiên Vu Phụ, Tiên Vu Ngân, Điền Dự quay về chiêu hàng nạp phản. Con chó sói đang chờ đợi ta tiến quân lên phía bắc để nhân cơ hội đột nhập vào, lão phu sẽ không đi nữa! Kích động bộ hạ của Viên Hy tạo phản, giúp chúng ta thu U Châu!
— Chúa công thật là kỳ mưu đốc trí, thuộc hạ không thể bì kịp. - Rõ ràng là Quách Gia đã nghĩ trước mọi việc, khéo léo dẫn dụ Tào Tháo nói ra, nhưng lại ra sức ca tụng.
Trong lúc nói chuyện, Tuân Du, Tuân Diễn cũng đã tới nơi.
— Quân sư có chuyện gì vậy?
— Chúc mừng chúa công. - Tuân Du vái một vái dài, - Bái tế Viên Thiệu quả là cách hay! Khi nãy Thôi Diễm vừa nói cho tại hạ biết, đại đa số mọi người đã bằng lòng đi theo chúa công, giải tán gia binh, một số hào tộc sĩ nhân còn tình nguyện hiến tặng một phần điền sản cho triều đình. Người người đều nói chúa công có tình có nghĩa, thực là hào kiệt, công tư phân minh, không quên tình cũ, luận về tài đức còn hơn Viên Bản Sơ ba phần!
— Ha ha... - Tào Tháo chỉ cười hai tiếng, lập tức ghìm lại rồi quay đi. Phía sau còn rất nhiều người đi theo, có câu “Khóc thì không ca”, vênh vang đắc ý có thể khiến người khác nhìn ra chân tướng giả dối.
Quách Gia vội vàng lấp liếm giúp Tào Tháo:
— Ôi... đó đều là tấm chân tình của chúa công vậy, khiến người khác không thể không bị cảm hóa.
Tào Tháo giả vờ giả vịt gật đầu, thấy Tuân Diễn vẫn buồn bã cúi đầu bèn hỏi:
— Hữu Nhược, lẽ nào Hữu Nhược vẫn không chịu quy hàng?
Tuân Diễn buồn rầu lắc đầu:
— Ông ta đã chịu nhận tại hạ là tam ca rồi, nhưng lại nói thề chết không thờ hai chủ, giúp sức cho triều đình cũng không làm, vẫn chỉ muốn ẩn dật lâm tuyền. Tại hạ còn biết khuyên làm sao?
— Nếu đã như vậy, lão phu cũng không cưỡng ép làm khó, giúp ta hay không cứ tùy ông ấy. - Tào Tháo ngửa mặt thở dài, - Viên Thiệu ơi Viên Thiệu, dưới trướng ông sao nhiều nghĩa sĩ đến vậy! - Lúc này tự hỏi lại lòng mình, chuyện khóc lóc cúng tế khi nãy trong thực có giả, trong giả có thực, đến chính bản thân Tào Tháo cũng không thể nói được rõ ràng...
Phép thuế khóa mới
Cùng với việc các bộ hạ cũ của Viên thị lũ lượt quy thuận, Tào Tháo đã nắm chắc được cục diện Ký Châu. Ông dâng tấu lên triều đình nhượng lại chức Duyện Châu mục kiêm nhiệm, đổi nhận chức U Châu mục. Để biểu thị sự thẳng thắn, chân thành với sĩ nhân Hà Bắc, lại nhận mệnh Thôi Diễm làm Trưởng sử Ký Châu. Nhưng những kẻ tinh tường đều biết rằng Duyện Châu là đất khởi binh của Tào Tháo, quyền hành chính thực tế từ lâu đã bị ông nắm chắc rồi, quân lương lúc bắc phạt đều được Hạ Hầu Uyên điều động từ đó, nhường lại chức Duyện Châu mục, đổi lĩnh chức U Châu mục chẳng qua chỉ là nói suông, lĩnh thì lĩnh thật, nhưng nhường không phải nhường thật.
Cùng với đó, một tin tức ngoài dự liệu của mọi người truyền tới, Cao Cán lâu nay vẫn giữ quân ở Tịnh Châu dâng thư tới Tào Tháo xin hàng. Tào Tháo tuy nhận hàng thư và lấy danh nghĩa triều đình lệnh cho Cao Cán tiếp tục đảm nhiệm chức Thứ sử Tịnh Châu, nhưng trong lòng vô cùng hoài nghi, cho gọi Trọng Trường Thống - người từng làm tân khách trong phủ Cao Cán - đến soái trướng để hỏi han.
Trọng Trường Thống, tự Công Lý, người huyện Cao Bình, Sơn Dương, từ nhỏ đã đọc nhiều hiểu rộng, thông minh hiếu học. Ông ta tuy tuổi tác còn trẻ, nhưng từng du học khắp các châu Thanh, Từ, Tịnh, Ký, lặn lội khắp nơi, nhìn thấy hết những suy vi của nhà Hán, những thống khổ của bách tính, cảm khái viết nên cuốn Xương Ngôn, cũng nhân đó được Tuân Úc ra sức tiến cử, làm chức tham quân dưới trướng của Tào Tháo.
Nhưng từ khi vào Tào doanh đến nay, Trọng Trường Thống vẫn chưa lập được công lao gì. Bàn chuyện chính sự còn được, chứ làm việc quân thì ông ta không biết gì cả, mấy tháng nay hầu như chỉ mơ mơ hồ hồ đi theo, cho dù có công việc thì cũng là Lâu Khuê, Quách Gia làm thay cho. Một người tuổi mới hai mươi sáu, vừa vào mạc phủ đã làm chức tham quân, hơn nữa lại ăn không ngồi rồi trong quân doanh chẳng làm gì cả, người khác há lại không điều ra tiếng vào? Trọng Trường Thống trong lòng lo lắng không yên, cho nên hôm nay gặp Tào Tháo thì vô cùng căng thẳng.
Tào Tháo thấy ông ta không được tự nhiên, chỉ vào cái ghế bên cạnh nói:
— Ngươi không phải lo lắng, cứ ngồi xuống nói chuyện.
— Dạ. - Trọng Trường Thống hồi hộp không yên, ngồi xuống.
— Lão phu chỉ hỏi một chuyện. Theo như ý ngươi, Cao Cán là hàng thật hay là trá hàng?
Trọng Trường Thống nghĩ ngợi hồi lâu, cảm thấy chắc chắn không có sơ sót mới đáp lời:
— Ti chức cho rằng đó là giả hàng.
— Sao ngươi thấy thế?
— Cao Nguyên Tài ở Tịnh Châu trọng nghĩa khinh tài, ra sức thu phục lòng người.
Tào Tháo nghĩ lại, đúng là như vậy. Quách Viện là cháu của Chung Do, không đến triều đình làm quan mà lại bị Cao Cán lôi kéo sang phía mình. Mã Đằng, Hàn Toại ở Lương Châu, hắn cũng nghĩ đủ cách để kết giao. Thậm chí một kẻ là dư đảng Khăn Vàng như Trương Bạch Kỵ cũng muốn giao hảo tương trợ. Ngay cả vị văn sĩ trước mặt mình đây, năm xưa chẳng phải từng là thượng khách của hắn sao? Nếu như không có chí gì khác, Cao Cán há lại có thể dốc hết tâm sức như thế? Trong suốt quá trình chinh phạt Hà Bắc, Cao Cán chẳng những không tận lực cứu họ Viên mà cũng không thành tâm quy thuận, tựa như đang chờ cơ hội để ngư ông đắc lợi, sự nham hiểm của hắn còn hơn cả huynh đệ họ Viên vậy!
Nghĩ thấu điểm ấy rồi, Tào Tháo nhè nhẹ gật đầu:
— Kẻ sĩ ở bắc Hoàng Hà có khen rằng, Cao Nguyên Tài văn võ hơn người, ngươi từng làm môn khách trong phủ hắn, thấy hắn là người thế nào?
Trọng Trường Thống đứng dậy thi lễ:
— Năm xưa khi ti chức rời khỏi Tịnh Châu, Cao Cán đi tiễn, lúc chia tay ti chức có nói với y: “Ông có hùng chí nhưng không có hùng tài, mến kẻ sĩ nhưng không biết chọn người.”
— Ha ha ha!... - Tào Tháo đập bàn mà cười, - Nói hay lắm! Viên Thượng gặp nạn mà không cứu, há chẳng phải bất tài? Kết giao với đám vong mạng, há chẳng phải không biết chọn người? Công Lý nói hay lắm.
Trọng Trường Thống được mấy câu khen ngợi, trong lòng không còn căng thẳng nữa, nói:
— Tại hạ muốn tiến cử với chúa công một người, chính là tòng đệ của Cao Cán, con trai của Thục Quận đô úy Cao Cung tiên triều, tên là Cao Nhu, tự Văn Huệ. Năm xưa Cao Cung mất ở đất Thục, Cao Nhu từ ngàn dặm tới lo việc tang, lăn lộn ba năm mới trở về được, đáng gọi là đại hiếu tử, hơn nữa Cao Cán cũng rất tin tưởng Cao Nhu. Chúa công trưng vời người này, chẳng những có thể lập thanh danh trong thiên hạ, mà còn có thể coi như con tin. Cao Cán thấy tòng đệ bị khốn sẽ không dám làm phản.
Tào Tháo thầm cười Trọng Trường Thống rốt cuộc vẫn là kẻ văn nhân, quá tin tưởng vào sự ước thúc của thân tình đạo đức. Viên Đàm, Viên Thượng là huynh đệ ruột mà còn tàn sát lẫn nhau, hai kẻ huynh đệ họ hàng thì có thể có ràng buộc gì? Tào Tháo trong lòng nghĩ vậy, nhưng ngoài miệng lại nói:
— Tất cả mọi việc cứ theo lời ngươi. Lão phu chẳng những muốn trưng vời Cao Nhu mà còn muốn phái mấy vị quan lại địa phương tới Tịnh Châu. Nếu như hắn trá hàng thì ta cũng vờ hồ đồ, để cho chúng tưởng rằng ta tin là thật, xem xem cuối cùng là ai lừa ai!
— Chúa công minh trí, thuộc hạ không bì kịp. - Câu nói ấy là Trọng Trường Thống học được từ Quách Gia, nói xong lại thi lễ chuẩn bị cáo lui.
— Công Lý hãy ở lại, ta còn có chuyện quan trọng cần thương nghị. - Tào Tháo gọi ông ta lại, mỉm cười đọc một đoạn văn, - “Kẻ lo việc chính sự, chỉ biết thu nhận tất cả, thì không thể so sánh phân biệt đâu là hiền ngu, để mở ra vận số thịnh suy vậy. Ngày càng không được như xưa, càng ngày càng xa hơn, há chẳng phải vì vậy sao?”
Trọng Trường Thống giật mình - đó chẳng phải là câu trong Xương Ngôn của ta ư?
Tào Tháo hồi đầu đọc bâng quơ một đoạn mở đầu thiên Lý Loạn, cho rằng Trọng Trường Thống cũng là kẻ cùng một giuộc với Khổng Dung, chẳng qua chỉ nể mặt Tuân Úc mới nhận mệnh ông ta làm tham quân. Mấy ngày nay nghỉ ngơi chỉnh đốn quân mã, được nhàn nhã mới đọc kỹ lại từ đầu đến cuối, phát hiện ra những bàn luận trong ấy không phải là phong khí thói đời, mà là trình bày về đạo trị nước, lại chẳng phải là bàn suông như các sách chư tử bách gia khác, mà phân biệt kỹ lưỡng những đổi mới và biến hóa về thuế khóa từ cổ chí kim. Tào Tháo như bắt được của báu, khi ấy mới biết lời của Tuân Úc không sai.
Trọng Trường Thống thấy Tào Tháo thuộc lòng văn mình, đánh bạo hỏi:
— Chúa công thấy thế nào?
— Hay! - Tào Tháo đứng dậy chắp tay nói, - Lão phu vốn nghĩ rằng Tuân Lệnh quân đưa đến cho ta một người văn chương viết lách, nào hay ông ấy đã có tính toán sẵn, rằng ta có thể hạ được Ký Châu nên chuẩn bị cho ta một kẻ sĩ trị loạn an dân.
Trọng Trường Thống kinh hãi đáp lễ:
— Không dám... không dám...
— Ký Châu từ lâu trải qua chiến loạn, muôn sự hoang tàn đang đợi chỉnh đốn, ta muốn làm mà không có cách nào. Theo như ý Công Lý, chuyện cần nhất bây giờ là gì? - Thực ra đây là câu hỏi thăm dò, Tào Tháo vốn đã nghĩ nên làm gì rồi.
Trọng Trường Thống nói ngay:
— Nên loại trừ những tệ cũ mà Viên thị dung túng! - Trọng Trường Thống không giỏi bày mưu tính kế, nhưng nói tới thời chính thì hai mắt sáng ngời.
— Đó thực là kiến thức của kẻ già dặn việc nước. - Những lời Tào Tháo nói khi nãy đều là khách sáo, thấy Trọng Trường Thống nói trúng vào đề mới tin phục thực sự.
Trọng Trường Thống bắt đầu thực sự coi Tào Tháo là người tri kỷ, bèn thổ lộ hết tâm can:
— Ấp có một vạn hộ, ghi vào sổ sách không tới vài trăm, thu tô nạp thuế ba phần không được một. Vời ra cho làm quan thì không đến, trưng binh lao dịch thì không làm, chính lệnh của nước thì không theo, hưng binh đánh phạt thì không phục. Loạn lạc trong thiên hạ đều bởi thói tệ đó!
Tào Tháo bèn nói:
— Lão phu có một việc suy nghĩ mãi mà không có lời giải. Viên Thiệu từ khi chiếm cứ Hà Bắc đến nay, trọng dụng hào cường, tín nhiệm vọng tộc, làm sao vẫn có thể binh mã lớn mạnh, lương thảo sung túc?
— Trị lý thiên hạ không chỉ có một cách, tuy đều có thể hưng thịnh, nhưng gốc ngọn không giống nhau vậy. Thánh nhân trị nước lấy gốc ở dân, không sợ ít, chỉ sợ không đều, không sợ nghèo chỉ sợ không an, cho nên lê dân an lạc, mới có thể binh mã lớn mạnh, văn giáo sáng thịnh, nhờ đó mà không thua trong thiên hạ. Viên gia trị dân đều ủy nhiệm cho tư đảng cường hào, cha ông kiêu ngạo phóng túng, con cháu ăn sung mặc sướng, quyền bính tập trung vào một nhóm, của cải tụ hội vào cửa nhà, chẳng vì việc an dân mà chỉ là ôm tiền, quyền để tự củng cố! Cho nên con em thân tín quá nửa làm quan, giáp trụ khí giới bày đầy trước sân, vàng ngọc châu báu chất đầy trong kho, vũ nữ ca kỹ ngồi kín nơi nhà lụa, chó ngựa được trang sức, đồ đạc được phủ gấm. Trông tựa như quân mã lớn mạnh, thiên hạ giàu có, thực lại là bóc lột dân đen, thỏa mãn dục vọng xa xỉ, đạo nghĩa vùi lấp, quan lại vô sỉ, trăm họ chẳng qua là nhất thời nhẫn nhịn mà thôi! Đời Viên Thiệu, chí sĩ ở bên, có thể miễn cưỡng hưng thịnh một thời. Dù hưng thịnh mà vẫn còn có bọn lưu dân Trương Yên cố thủ nơi thâm sơn, thề không quy hàng. Viên Thiệu vừa chết đi, những kẻ hậu bối kém cỏi, chỉ biết ngồi luận đạo suông, đã chẳng có đức như Tào Tham kế thừa quy củ của Tiêu Hà, lại không đủ tài chấn hưng lớn mạnh, thì cái chết có còn xa không? - Trọng Trường Thống sang sảng đàm luận, như mây trôi nước chảy, ngôn ngữ mạnh mẽ, càng thêm mấy phần khí thế hào sảng.
Tào Tháo nghe mà ngây ngất, mấy điểm này ông đều rất tán đồng, thực ra còn nghĩ sâu hơn một bậc - từ góc độ triều đình mà nói, hào tộc cướp điền sản của dân chúng, tranh thuế tô với quốc gia. Nếu theo cách nhìn của chính Tào Tháo, hào tộc nắm trong tay lượng lớn điền sản và của cải, có thể dựa vào quyền thế bước vào con đường quan chức và quân đội, thế tất sẽ can thiệp vào quyền độc đoán của ông, điều đó càng khiến Tào Tháo không thể nhẫn nhịn được. Thực ra khóc tế Viên Thiệu đã có thể coi là một kiểu thỏa hiệp rồi.
Tào Tháo nghĩ tới đó, bèn xoa xoa tay nhấp nhổm muốn thử:
— Theo ý Công Lý, có cách gì hay để hạn chế cường hào?
Trọng Trường Thống vái đáp:
— Hạn dân danh điền(*), không cho vượt quy chế.
Tào Tháo nghe thấy mấy chữ ấy, lập tức trầm ngâm không nói. Thực ra Tuân Úc từ lâu đã thảo luận trên triều đường về vấn đề hạn điền, Thị trung Tuân Duyệt thậm chí còn dâng sớ yêu cầu cấm chỉ mua bán điền thổ, đã bị Tào Tháo bác trả lại. Nguyên nhân rất đơn giản: Không dám làm vậy. Việc kiêm tính thổ địa của hào cường không phải việc ngày một ngày hai, từ cuối đời Tần đã có manh nha, trải qua năm tháng càng ngày diễn biến càng mạnh, bao nhiêu minh quân hiền tướng đều không quản nổi, muốn dùng biện pháp một đao cắt phăng để giải quyết chẳng phải quá vội vàng ư? Trước đây Vương Mãng đưa ra chính sách ruộng công thuộc tư, chẳng những không thể an định thiên hạ, ngược lại còn khiến cho quốc gia suy vong, thân bại danh liệt. Quang Vũ Đế là chúa hùng kiệt một thời, làm việc giới hạn ruộng đất một lần mà trùng trùng khó khăn. Những bậc thiên tử đời thái bình ấy đều không làm được, trong đời loạn này sao có thể thành công chứ? Nếu như mình đoạt ruộng của người ta, người ta có thể không đi theo mình, mà dù cho có theo mình cũng có thể tạo phản. Bài học từ việc phản loạn ở Duyện Châu trước kia còn không đủ thê thảm ư? Ngay cả trong quân mã chủ lực ở Tào doanh cũng có không ít hào cường. Ví như Lý Điển, gia tộc hơn ba ngàn người, điền sản khắp các huyện Thành Vũ, Thừa Thị, đích thị là một đại địa chủ. Nhưng người ta có công, Duyện Châu là nhờ Lý gia liều mình đánh nhau lấy lại cho Tào Tháo. Lã Kiền ở Thái Sơn, Lý Thông ở Nhữ Nam đều là những nhà hào cường vũ trang, chỉ là những người này còn biết bổn phận mà thôi. Lại còn bọn Tào Hồng, Hứa Du, Lưu Huân, Quách Gia, tậu ruộng mua nhà tính làm sao cho hết? Chỉ cần xem xét sự phiền phức của Ký Châu ngay trước mắt thôi là đủ, Viên Thiệu thống trị đã lâu, hào tộc khắp chốn cùng quê. Ngay cả kẻ sĩ can gián thẳng thắn như Thôi Diễm cũng là một trong số đó, nếu như lại khiến họ mất lòng thì những nỗ lực trước đây coi như phí hoài, khóc Viên Thiệu chẳng phải khóc uổng ư? Chinh chiến sau này còn đánh thế nào? Tào Tháo cúi đầu nghĩ ngợi hồi lâu, cuối cùng cảm thán nói:
— Trị nước lớn như nấu cá nhỏ vậy...
Trọng Trường Thống nghe câu này liền biết Tào Tháo không thể hạ quyết tâm, những khó khăn ấy ông ta cũng hiểu được, chỉ khi nhất thống thiên hạ mới có thể giải quyết, liền không cố khuyên nữa:
— Nếu đã không thể chế ước kẻ mạnh, vậy cần phải ra sức nâng đỡ kẻ yếu. Chúa công có thể miễn giảm tô thuế cho Ký Châu một cách thích đáng, đồng thời giáo dụ quan lại các nơi cũng như các nhà đại hộ ở quận huyện, khiến họ khoan hậu với nông nô, giảm bớt việc kiêm tính, đem những ruộng đất vô chủ sau chinh chiến chia cho bách tính.
Mấy biện pháp ấy tuy không trị tận ngọn, nhưng cũng có thể có chút tác dụng.
— Được, vậy cứ theo như ngươi nói. - Tào Tháo bóp bóp trán, lại nói, - Hà Bắc dụng binh nhiều năm, dân chúng khổ không sao kể xiết, tô thuế không thể theo như cách tính ở Trung Nguyên, ngươi xem xem bao nhiêu là thích hợp?
— Mười phần lấy một. - Trọng Trường Thống đã nghĩ kỹ, - Chế độ của hào cường Hà Bắc tại hạ biết rõ, ít thì ngồi không thu ba phần, nhiều thì lấy một nửa, theo y như đồn... - Thiếu chút nữa thì ông ta nói rằng “theo y như đồn điền tính thu năm phần”, nhưng thấy không ổn, vội im bặt.
Chế độ đồn điền là tác phẩm của Tào Tháo, nhưng lương thực sản xuất ra bị trưng thu mất một nửa là quá cao, chỉ có điều số lương thực ấy không phải là vào túi riêng mà là vào kho quốc gia mà thôi, chẳng khác gì biến triều đình trở thành một cường hào địa chủ lớn nhất. May mà những đồn dân ấy không giống như những nông dân cày cấy bình thường, mà là dân lưu tán vì chiến loạn, căn bản không có ruộng đất của mình, nay có thể có đất trồng, có cơm ăn là đủ lắm rồi. Trọng Trường Thống cứ theo phong cách làm việc trước đây của Tào Tháo mà phán đoán rằng: Tào Tháo nhất định cảm thấy mười phần thu thuế một phần thì quá ít, và sẽ tăng thêm.
Nào ngờ Tào Tháo cười nói:
— Mười phần thu thuế một thì cao quá, ta thấy mỗi mẫu ruộng thu bốn thăng lương thực là được rồi.
Trọng Trường Thống kinh ngạc thiếu chút nữa ngã ngửa ra sau - như vậy thì quá thấp!
Cứ tính thử mỗi hộ một trăm mẫu ruộng, sản lượng một mẫu là hai hộc lương, mười phần thu thuế một thì mới thu có hai mươi hộc. Nếu theo cách tính của Tào Tháo, mỗi mẫu ruộng thu bốn thăng, một trăm mẫu ruộng thuế chỉ có bốn hộc. Huống chi hiện nay nông dân đã tinh thông cách chăm bón, sản lượng mỗi mẫu ruộng tốt có khi tới mười hộc, người nào trồng cấy giỏi một mẫu ruộng là đủ trả thuế cho cả trăm mẫu rồi.
Tào Tháo nhìn bộ dạng lúng túng vì kinh ngạc của Trọng Trường Thống, khẽ mỉm cười:
— Chỉ riêng vùng Ký Châu như vậy thôi, các châu quận khác vẫn thực hiện theo cách cũ. Hơn nữa quy định lần này còn có thể thay đổi mà, sau này nếu quốc khố thâm hụt sẽ lại tăng thêm, với tình hình năm nay thế này thì miễn giảm.
— Vậy còn hộ điều(*) thì sao? - Trọng Trường Thống lại hỏi.
— Mỗi hộ nộp hai xấp lụa, hai cân tơ là được. Nghiêm lệnh các quận huyện không được thu thêm khoản khác.
Tô thuế thấp, hộ điều ít như thế, thực là từ đời Tần Thủy Hoàng đến nay chưa từng có. Trọng Trường Thống trầm ngâm suy nghĩ, tựa hồ nhận ra điều gì: Tào Tháo vừa được Ký Châu, nóng lòng thu phục nhân tâm, hơn nữa tô thuế thấp như vậy sẽ không còn ai chịu đi làm thuê nữa. Tuy không thể hiện là đối phó với cường hào, nhưng thực ra đã hạn chế được sự kiêm tính đất đai sau này. Tất nhiên, mức tô thuế thấp như vậy không thể để lâu dài được, sau này khi thiên hạ thống nhất, binh cách không còn nữa, e là sẽ phải một phen sửa đổi rộng lớn... Nhưng phàm việc có lợi tất cũng có hại, tô thuế thấp có nghĩa là lợi ích của việc kiêm tính sẽ càng lớn? Rốt cuộc lại phải xem ở người chấp pháp, nếu hạn chế nghiêm khắc có thể giảm bớt việc kiêm tính, nếu không sẽ để cho hào cường tranh thủ kẽ hở, tất phản tác dụng.
Thấy Tào Tháo cầm bút lên định viết bản chính lệnh ấy, Trọng Trường Thống lại nghĩ đến một việc đại kỵ, không để ý tới thân phận nắm ngay lấy cổ tay Tào Tháo nói:
— Chúa công! Giảm thuế dễ, nhưng tăng thì khó vậy...
Tào Tháo trước mắt chỉ nghĩ đến việc làm sao để trấn áp được sĩ nhân ở Ký Châu, quét sạch đám nghiệt tử hiện còn của Viên gia ở Thanh Châu, U Châu, đâu có cần để ý đến những phiền hà sau này? Ông đẩy tay Trọng Thường Thống ra, rồi viết:
Kẻ có nhà có nước, không sợ ít chỉ sợ không đồng đều, không sợ nghèo chỉ sợ không yên ổn. Khi Viên gia cai trị đã dung túng hào cường, thân thích kiêm tính, hạ dân nghèo đói, cả đời chỉ nộp tô thuế, đến độ bán sạch gia tài cũng chẳng đủ nộp. Gia tộc Thẩm Phối, thậm chí còn bắt giữ tội nhân, để giữ chân không cho trốn khỏi nhà chủ. Muốn cho bách tính đi theo, binh giáp cường thịnh, há có thể được ư? Nay chỉ thu điền tô một mẫu bốn thăng, hộ điều hai xấp lụa, hai cân tơ mà thôi, những khoản thu khác đều không được tự ý đặt ra. Các tướng trông coi nơi quận quốc phải kiểm sát rõ ràng, không để cho kẻ mạnh có che giấu mà kẻ yếu phải thêm tô thuế vậy.
Trọng Trường Thống nhìn bản sắc lệnh, đứng lặng đi. Bất luận ngày sau thế nào, trước mắt dân chúng Ký Châu sẽ không còn lo cái ăn cái mặc, được an lạc thái bình rồi. Tào Mạnh Đức rõ ràng là vời ta tới, nhưng chỉ để hỏi han chứ không nghe lời ta, xem ra đạo chính trị mà ta đề xướng ông ấy chưa chắc đã thực sự trọng thị!
Tào Tháo vô cùng thỏa mãn với “kiệt tác” của mình, lại cười ha hả nói:
— Lần này đánh Nghiệp Thành được thuận lợi, quân lương đầy đủ có dư, lại còn tiếp nạp thêm kho tàng của họ Viên. Trước đây triều đình vẫn thường xuyên ban thưởng cho bá quan trong triều, từ khi chiến loạn đến nay đều dừng cả. Lão phu tuy sáng lập Hứa Đô, nhưng trước đây tiền lương khó khăn, lực bất tòng tâm. Như nay đã có dư sức rồi, lão phu tính sẽ dâng sớ lên triều đình, xin ban thưởng vàng lụa cho các quan viên từ bậc tam công trở xuống, hơn nữa sau này cứ ba năm ban thưởng một lần, đặt thành lệ thường. - Tào Tháo vung tiền ra cứ như một nhà đại phát tài, thực ra rất có thâm ý, đó là lấy lòng bá quan ở Hứa Đô!
Tào Tháo định rút cuộn thẻ tre soạn tấu chương, chợt thấy Tuân Du hộc tốc chạy vào trướng nói:
— Chúa công, Viên Đàm dẫn quân xâm phạm quận Bột Hải, cướp địa bàn của chúng ta. - Nói xong, vị đại quân sư xưa nay vốn thành thực, thận trọng chợt nở nụ cười bí hiểm.
Tào Tháo cũng cười - Viên Đàm trên danh nghĩa đã quy thuận, nếu như không tranh địa bàn, nhất thời không thể tìm được lý do để diệt hắn. Bây giờ quá tốt rồi, hắn đã tự nạp mạng, đó chính là mưu phản.
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 7 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 7 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 7