Bí mật của thiên tài là có được tinh thần của trẻ con khi mình đã lớn, có nghĩa là không bao giờ mất nhiệt huyết.

Aldous Huxley

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 38
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 91
ừng ngựa chuyện trò, Đổng Chiêu xúi giục Tào Tháo mưu tính thiên hạ
Thế lớn đã mất
Tháng Bảy năm Kiến An thứ chín, Viên Thượng cứu viện Nghiệp Thành thất bại, bị Tào Tháo đánh cho tơi tả bên bờ sông Chương Hà, sai sứ giả đến xin hàng lại bị từ chối, vô cùng sợ hãi chạy trốn suốt đêm tới Kỳ Sơn(*) mới dừng lại. Tào Tháo truy đuổi kẻ cùng đường, y như quỷ sứ chạy theo bắt mạng, lại một lần nữa bao vây doanh trại của Viên Thượng, chẳng nói chẳng rằng chỉ ra sức mà đánh.
Quân Hà Bắc thấy quân Tào đến đánh đầy đồng khắp núi, kinh sợ đến độ không cầm nổi vũ khí. Thực ra nếu Viên Thượng không bỏ chạy, nỗ lực cổ vũ lòng người thì vẫn có thể tự bảo vệ được, đằng này lo chạy hết lần này đến lần khác đã đủ mệt, lòng quân rối loạn, tinh thần chiến đấu không còn, sĩ khí đã hết, nhân tâm tan rã, ngay cả sức chống cự cũng không còn nữa. Có kẻ sợ quá ôm đầu lủi trốn, có kẻ bỏ cả binh khí quỳ sụp xuống xin hàng, lại có kẻ nóng lòng đầu hàng, quay mũi giáo chạy đến đại trướng tìm giết Viên Thượng... Bộ tướng của Viên Thượng là Mã Diên, Trương Nghi lâm trận làm phản, doanh trại lập tức bị quân Tào công phá, quân Hà Bắc tan vỡ toàn tuyến. Viên Thượng thấy thế lớn đã mất, vứt bỏ quân sĩ, lương thảo, xe cộ cho tới ấn tín, phù tiết, chỉ dẫn theo mấy đi tên thân binh nhân lúc rối loạn bỏ trốn.
Tướng sẵn sàng chết, quân không tham sống. Nay thống soái đã chạy mất dạng, quân lính há có thể liều mình vì một vị chúa như thế? Khói lửa chinh chiến đã tan, trên chiến trường chỉ còn lại một bầu không khí tĩnh lặng, quân Hà Bắc từng uy phong lẫm liệt dưới trướng Viên Thiệu là thế, giờ đã bị tiêu diệt hoàn toàn, chỉ còn lại một đám lính tráng hồn bay phách lạc đang quỳ mọc dưới đất xin tha chết. Lòng kiêu dũng, khẳng khái của dũng sĩ Yên Triệu đã mất sạch theo sự suy bại của gia tộc họ Viên...
Tào Tháo cưỡi ngựa đứng trên đầu núi, nhìn doanh trại tan tác của quân Viên, vui sướng không gì tả xiết. Trận đánh này Viên Thượng coi như đã hết sạch gia sản, không còn quân, không còn lương, cứ để cho hắn chạy. Viên Hy ở U Châu ít tướng thiếu quân, Cao Cán ở Tịnh Châu xa cách nghìn trùng, Tào Tháo không cần phải để tâm đến Viên Thượng nữa, cứ để cho vị huynh trưởng mà hắn coi như cừu thù xử trí hắn.
Quân lính kiểm kê những thứ Viên Thượng vứt lại, xe cộ khi giới còn đến mười mấy xe, trong đó có không ít những thứ ngọc ngà châu báu, Tào Tháo không ngăn được mỉa mai:
— Khi xưa Viên Thiệu đánh nhau ở Quan Độ đã mang theo một đống những thứ vớ vẩn, Viên Thượng cũng thật giống cha hắn. Tiếc rằng việc quan thì lại không hiểu gì, kém xa so với cha hắn vậy!
Mã Diên, Trương Nghi bỏ vũ khí, được quân hổ báo kỵ đưa đến trước ngựa của Tào Tháo, quỳ cả hai gối, hô lớn:
— Chúng tôi đến quy thuận chậm trễ, mong minh công thứ tội!
— Các ngươi không có tội mà còn có công, hãy mau đứng lên. - Tào Tháo thấy hai viên tướng quy hàng này thân hình cao lớn, lưng hổ eo gấu, nghĩ hẳn là người kiêu dũng, bèn tấm tắc nói, - Viên Thượng có những dũng sĩ như các ngươi mà lại không thể ra sức chiến đấu, thực là đáng cười, đáng giận vậy.
Mã Diên là người thô mãng, bất giác chửi ầm lên:
— Không giấu minh công, từ lâu tôi đã không muốn đi theo Viên Thượng rồi! Bọn chúng huynh đệ tàn sát, đấu đá lẫn nhau, còn ra giống khốn kiếp gì nữa? Gặp kẻ địch thì chỉ biết chạy, trận này đánh thật là bực mình! Cút khốn kiếp hắn đi, ông đây về theo Tào tặc, không phí mạng cho hắn nữa! - Y chỉ biết nói cho sướng miệng, buột mồm nói ra cả hai chữ “Tào tặc”.
Mọi người trong Tào doanh thấy y nói thế lập tức định rút kiếm ra, Tào Tháo chỉ cười khà khà ngăn lại:
— Không hề chi, không hề chi, lão phu vốn không có ơn gì với họ, gọi một tiếng là “tặc” thì có sao chứ? Sau này lão phu hậu đãi cho sĩ nhân Hà Bắc, đến lúc đó bọn họ có còn coi ta là “tặc” không? Khà khà...
Trương Nghi có tu dưỡng hơn Mã Diên, quỳ xuống nói:
— Xin minh công thứ tội, sở dĩ bây giờ chúng tôi mới đến nương nhờ chẳng phải vì có tâm kiêu ngạo, cũng không phải chấp mê bất ngộ đi theo Viên Thượng. Mà là chúng tôi vốn xuất thân thảo mãng, được Viên Thiệu cất nhắc mà theo về hàng ngũ, nên muốn được báo ơn tri ngộ của tiên chủ mà thôi! Nào ngờ huynh đệ Viên Thượng lại chẳng ra gì như vậy... - Nam tử mình cao bảy thước, nói đến đây thì mắt hổ lệ rơi. Mã Diên cũng buồn rầu mãi không thôi.
Tào Tháo thầm nghĩ trong lòng: “Viên Bản Sơ ơi là Viên Bản Sơ, ông quả nhiên là kình địch của Tào mỗ ta, dù đã chết rồi mà vẫn còn nhiều người nhớ đến như vậy! Tuy bị thất bại ở Quan Độ, Thương Đình, nhưng nếu chẳng phải ông đã mất sớm, ta cũng không thể lấy được Ký Châu dễ dàng thế này. Nói một câu đúng với lương tâm, ta không thể hoàn toàn đánh đổ được ông, mà chính là bắt nạt hai đứa con ngốc nghếch của ông thì mới thành công vậy...” Nghĩ đến đó, Tào Tháo càng nhận thấy rằng, việc lung lạc nhân tâm ở Hà Bắc quan trọng nhường nào, vội học theo cách của người cố hữu Viên Thiệu, nói:
— Lão phu và Viên Bản Sơ từng là quan đồng triều, cùng nhau đánh đổ hoạn quan, ta rất hiểu điểm anh vĩ của ông ấy. Lần này ta đến không chỉ là thu lại đất Hà Bắc cho triều đình, kỳ thực cũng là giáo huấn cho đám con bất hiếu của ông ấy vậy! - Những câu giả dối đến mức không thể giả dối hơn thế này, đem ra lừa đám thảo mãng võ phu như Mã, Trương thì vẫn hữu hiệu.
Hai tướng ngưng lời ai oán, ai nấy móc trong người ra một chiếc hộp gấm, cung kính đệ lên trước mặt Tào Tháo. Hứa Chử, Đặng Triển e rằng có chuyện giả trá trong đó, vội nhận lấy trước rồi mở ra kiểm tra một lượt mới chuyển cho Tào Tháo xem. Chỉ thấy có một chiếc ấn vàng và một chiếc ấn đồng.
Ấn vàng là ấn Đại tướng quân của Viên Thiệu. Năm xưa, Tào Tháo đón thiên tử dựng Hứa Đô, tự nhận chức Đại tướng quân, lấy Viên Thiệu làm Thái úy. Viên Thiệu lấy làm nhục vì ở dưới Tào Tháo, có ý muốn nhân đó tiến đánh. Tào Tháo không dám gây sự, vội vàng nhường lại chức Đại tướng quân cho Viên Thiệu, lại sai Khổng Dung đến trao cho chiếc ấn vàng này. Giờ đây ấn còn đó mà người đã mất, có thể nói là vật về với chủ cũ. Lại nhìn đến chiếc ấn đồng, cũng khắc hoa văn hình hổ, trên khắc tám chữ triện: “Chiếu thư nhất phong, Kháng Hương hầu ấn”, là ấn tự tạo của Viên Thiệu, dùng khi mới cứ nghĩa binh hiệu triệu thiên hạ khi xưa. Trước đây, Tào Tháo đã từng thấy Viên Thiệu mang chiếc ấn này ra xem chơi, mới quyết tâm mỗi người mỗi ngả. Nghĩ lại, Viên Thiệu còn từng cho mình xem một miếng ngọc phác hiếm có, không chút tì vết, dường như có ý khi nào đại công cáo thành sẽ đem ra khắc ngọc tỷ, để mang theo nó lên ngồi ngôi báu, nhưng rốt cuộc là đem rổ thưa múc nước uổng công không, miếng ngọc phác đó không biết đã rơi lẫn vào cát bụi nơi nào rồi...
Tào Tháo phất phất tay, bảo Lộ Túy thu lấy giúp mình, mang về dâng lên triều đình. Khi ấy lại nghe thấy tiếng cười vui vẻ, Trương Tú cưỡi con chiến mã cao lớn, dáng vẻ nghiêm cẩn đi tới, bên cạnh còn có một đám lính tốt đang khiêng mấy đồ vật rất lớn: lưỡi phủ việt bằng vàng, cờ tiết mao và cờ xí lớn. Mất lưỡi phủ việt là mất đi quyền sinh sát, mất cờ tiết mao thì sẽ mất danh nghĩa thiết lập quân đội, mất cờ xí thì sự uy nghiêm của vị thống soái quân đội còn đâu?
Trận đánh hôm nay vẫn là Trương Tú dẫn đầu đánh vào doanh trại địch đoạt lấy cờ xí. Tào Tháo mỉm cười chắp tay:
— Trương tướng quân vất vả, lập được công lớn rồi!
Trương Tú xuống ngựa lạy mừng:
— Tất cả là nhờ vào thần uy hiển hách của minh công! - Chính vì Trương Tú từng giết hại con trai của Tào Tháo, nên mỗi khi ra trận đều gắng sức vô cùng, lại không bao giờ dám ỷ vào công lao mà kiêu ngạo.
Tào Tháo không ngớt lời tán thưởng:
— Tướng quân thật không hổ là thân gia tốt của lão phu! Lão phu sẽ tâu lên triều đình, phong thêm ấp một ngàn hộ cho tướng quân.
Trương Tú hoảng hốt. Ông ta đã là Thiên hộ hầu, lại gia phong thêm một ngàn hộ nữa, đừng nói là các tướng trong Tào doanh đều không thể so được, mà tất cả quan viên trong triều trừ Tào Tháo ra cũng không ai bằng. Trương Tú xua tay từ chối:
— Mạt tướng không dám nhận!... - Nói rồi bỏ mũ đâu mâu định dập đầu.
Quách Gia đứng bên hiểu ngay, vội bước tới đỡ Trương Tú dậy, rồi ghé vào bên tai nói nhỏ:
— Ngài với chúa công có mối cừu thù, nhưng chúa công lại ban quan cao lộc hậu cho ngài, đó là để cho người trong thiên hạ nhìn vào! Nếu ngài không nhận, há chẳng phải làm hại danh tiếng chí công vô tư của chúa công ư?
Trương Tú khi ấy mới ngộ ra, nhưng nhận phần thưởng hậu hĩ như thế trong lòng vẫn thấy áy náy, ông ta không muốn nhắc lại việc ấy nữa, quay lại vẫy vẫy tay:
— Chúng bay đâu, đem kẻ thù của chúa công lại đây!
Theo những tiếng quát tháo chửi mắng, bọn thân binh đã lôi Trần Lâm đến. Lúc này ông ta đã thất vọng chán chường, đầu bù tóc rối, hai tay bị trói, vai bị buộc vào một cây trường mâu, hai mắt trống rỗng nhìn xuống đất, bước đi lảo đảo như kẻ mộng du. Lần trước Trần Lâm đến xin hàng thay cho Viên Thượng, Tào Tháo không tính toán với ông ta, lần này nhất định khó tránh được kiếp nạn, nợ mới nợ cũ sẽ phải trả bằng hết.
Tào Tháo mỉm cười nhìn Trần Lâm:
— Trần Khổng Chương, chúng ta lại gặp nhau rồi, đúng như lời lão phu trước đây đã nói phải không? - Tào Tháo vốn đã truyền quân lệnh từ trước, thấy Trần Lâm thì nhất định phải bắt sống.
Trần Lâm còn nói được gì nữa, chỉ biết cúi đầu im lặng.
— Âm Quỳ sao không ở cùng một chỗ với ông?
Trần Lâm hạ giọng nói:
— Đã chết trong đám loạn quân rồi.
Âm Quỳ không được “chiếu cố” như Trần Lâm, nên vừa giáp mặt với quân Tào liền bị chém chết ngay.
— Hãy tìm thi thể Âm Quỳ, kẻ trung thần phải được an táng chu đáo! - Tào Tháo cười nhạt một tiếng, lại nói, - Kẻ sống chưa chắc đã vui, kẻ chết chưa chắc đã buồn. Chết trong chiến trận có khi lại sung sướng, chứ sống thì phải chịu tội... Hà hà hà...
Một tràng cười nham hiểm khiến Trần Lâm lạnh run người, không biết Tào Tháo sẽ dùng loại cực hình gì để tra tấn mình. Ông định cất lời xin tha, nhưng dẫu sao cũng đã ngần này tuổi rồi, năm xưa lại cũng là môn khách trong phủ Hà Tiến, nếu hạ mình cầu xin tha mạng chẳng những khiến Tào Tháo coi thường, mà chính mình cũng thấy coi thường mình. Trần Lâm trong lòng lo lắng, cúi đầu suy nghĩ xem nên ứng phó thế nào.
Quả nhiên, Tào Tháo cười nham hiểm giây lâu, rồi chợt đổi sắc mặt, lớn tiếng quát bảo:
— Trần Khổng Chương! Lão phu với ngươi có oán thù gì mà người lại thảo hịch chửi rủa Tào gia ta thậm tệ đến vậy! Dù cho hai nước chiến tranh có phỉ báng lẫn nhau, thì có liên can gì đến ông cha của ta? Hôm nay nếu ngươi không nói được rõ ràng, lão phu sẽ băm vằm ngươi làm trăm mảnh trước ba quân!
Cảnh ngàn đao băm vằm đang cận kề trước mắt, Trần Lâm cũng không kịp nghĩ ngợi nhiều, bước lên một bước quỳ xuống nói:
— Chuyện thảo hịch chỉ là tên đã lắp trên dây cung, không thể không bắn vậy!
— Ngươi nói gì?
— Tên đã lắp trên dây cung, không thể không bắn vậy! - Câu trả lời của Trần Lâm dường có vẻ qua loa, nhưng kỳ thực thâm ý rất sâu xa. Trần Lâm tự ví mình như mũi tên, còn dây cung khống chế chính là Viên Thiệu, Viên Thiệu bắt Trần Lâm thảo hịch thì ông ta chỉ có cách phải thực thi, chuyện ấy cũng như dây bắn tên đi, chứ tên không thể tự quyết được.
Tào Tháo nghe câu ấy nhất thời không nói được gì, hơi quay đầu nhìn lại, chỉ thấy bọn Lộ Túy, Phồn Khâm, Lưu Trinh, Nguyễn Vũ đều buông tay đứng im sau ngựa của mình. Tào Tháo dường như ngộ ra - nếu ngược lại, ta sai bọn Lộ Túy viết kịch chửi mắng Viên Thiệu, bọn chúng há dám không viết: Đôi bên chẳng phải giống nhau cả sao? Thân phận của Trần Lâm cao hơn nhiều so với bọn chúng, khi Hà Tiến giữ chính sự đã là chủ bạ trong mạc phủ, cũng coi như có chút tiếng tăm. Hiện đang là lúc cần lôi kéo lòng người ở Hà Bắc, ta cần gì cứ phải bắt ông ta vào con đường chết? Mã Diên, Trương Nghi là tướng, giết bao nhiêu quân của ta trên chiến trường mà còn có thể tha thứ được, thì cần chi phải làm khó một kẻ văn nhân lấy đạo bút làm gươm giáo? Thôi được...
Tào Tháo dần thu lại vẻ giận dữ:
— Cởi trói đi... Hay cho câu “tên đã lắp trên dây cung, không thể không bắn”! Viên Bản Sơ đã có thể là dây cung của ngươi, lão phu sao lại không thể chứ? Ta nhận mệnh cho người làm ký thất, từ nay về sau chưởng quản việc văn thư. Lão phu muốn mũi tên này của ngươi bắn ai, ngươi phải bắn kẻ ấy cho lão phu!
— Đa tạ Tào công đã khoan dung... - Trần Lâm được trở về từ cõi chết, hai mắt lệ chảy vòng quanh.
Quân sĩ cởi dây trói cho ông ta, Tuân Du, Trần Kiều kẻ bên trái, người bên phải đỡ dậy. Nhớ lại năm xưa, Tuân Du cùng là duyện thuộc trong mạc phủ của Hà Tiến với Trần Lâm, còn Trần Kiều với ông lại là đồng hương Quảng Lăng. Những kẻ làm quan trong thiên hạ chạy không ra khỏi một cái vòng tròn, tình riêng cũng hậu lắm.
Khi ấy Biện Bỉnh - chưởng quản quân giới cũng đã đến, một tay cầm sổ sách, một tay cầm que tính, từ cách rất xa đã cười ha hả:
— Chúa công, trận này chúng ta phát tài rồi. Viên Thượng đem gia sản vứt hết lại cho chúng ta, chỉ riêng số giáp trụ, đâu mâu đã có tới hai vạn bộ, lại còn trường mâu, cung nỏ, khiên thuẫn nhiều không kể xiết. Đủ để chúa công trang bị cho mấy bộ binh mã nữa đấy!
Tào Tháo vừa vui mừng vừa có mấy phần kinh sợ. Quân đội của Tào Tháo cai quản là vương sư có danh phận chính đáng của triều đình, nhưng cũng chưa từng có nhiều giáp trụ, đâu mâu như thế, rất nhiều đội quân vẫn còn phải dùng khăn vải quấn đầu. Viên gia chỉ cát cứ một phương mà lại có nhiều quân giới tốt như vậy. Đó là còn bị mất một nửa trong trận Quan Độ rồi! Tào Tháo không thể không thừa nhận thực lực mà Viên Thiệu đã tích lũy được trong mười năm nay. Nghĩ đến đó, Tào Tháo càng thấy chiến sự không thể để lỡ, lập tức quay ngựa truyền lệnh:
— Quân ta nghỉ ngơi ở đây một đêm, hàng binh tạm giao cho các cựu tướng Hà Bắc là Chu Linh, Trương Cáp, Mã Diên, Trương Nghi thống lĩnh. Ngày mai quay về Nghiệp Thành hội hợp với Tào Hồng.
— Dạ! - Chúng tướng đồng thanh nhận lệnh, tiếng dạ ran vang động tận trời cao, uy phong của quân Tào đã không còn ai trong thiên hạ có thể sánh bằng.
Trong khi hồi quân, Tào Tháo lại soạn một bản tấu chương gửi về triều đình, khoe công lao của mình:
Trước, thần đã tâu rằng, nghịch tặc Viên Thượng quay về, lập tức sẽ cổ vũ quân tinh nhuệ mà đánh. Nay Thượng đã binh lính chấn động, bộ hạ không giữ được, phải dẫn quân bỏ trốn. Thần dẫn quân cầm gươm mặc giáp, cờ trống chói lọi, quân hổ báo thét gầm, giặc chỉ trông màu cờ đã chói mắt, nghe tiếng thét đã mất hồn, bỏ giáo cởi giáp, tự phải tan vỡ. Thượng một mình một ngựa trốn chạy, vứt bỏ cả tiết việt ngụy tạo, cùng một ấn Đại tướng quân, một ấn Kháng Hương hầu, mũ đâu mâu một vạn chín ngàn sáu trăm hai mươi cái, còn như giáo khiên, cung kích thì không thể đếm hết...
Bản tấu chương ấy với Tào Tháo cũng chẳng kém gì tiếng trống trận khiến Viên Thượng phải khiếp sợ, chỉ có điều người mà nó khiến cho khiếp sợ lại là thiên tử Lưu Hiệp...
Huyền diệu càng huyền diệu
Tào Tháo dẫn quân về Nghiệp Thành, đem tiết việt ấn thụ thu được bêu lên ngọn thương dài cho binh sĩ trên thành xem. Quân giữ thành thấy Viên Thượng đã thua, chẳng còn ai đến cứu viện nữa, sĩ khí liền tan biến, số nhảy xuống thành đầu hàng ngày càng nhiều. Nhưng quân sư Hà Bắc Thẩm Phối là kẻ thà chết không chịu khuất phục, vẫn không chịu mở cửa thành đầu hàng. Bên trong không còn lương thảo, bên ngoài không có quân cứu viện, cũng vẫn chống cự đến cùng, thậm chí còn đánh lui hai đợt công thành của quân Tào.
Viên Thượng sau khi thua chạy thì trốn đến Cố An, Viên Đàm coi như đã nắm được cơ hội báo thù, lập tức dẫn quân đuổi theo truy sát. Viên Thượng gục ngã không thể gượng dậy được, chỉ còn cách bỏ thành trì tiếp tục trốn chạy, lần này chỉ còn biết chạy đến U Châu đi theo nhị ca Viên Hy. Viên Thượng vừa đi khỏi, Ký Châu coi như hoàn toàn hết hy vọng, văn thư xin hàng của các huyện thành lũ lượt gửi đến Tào doanh, Viên Đàm về danh nghĩa đã đầu hàng Tào Tháo, duy nhất còn lại một tòa Nghiệp Thành lẻ loi này mà thôi. Trước tình thế như vậy, Tào Tháo quyết định không đánh nữa, chỉ cho quân đóng đồn bao vây Nghiệp Thành thật chặt, lấy nỗi sợ hãi và đói khát làm vũ khí đánh một trận cuối cùng với Thẩm Phối...
Chẳng mấy chốc đến cuối tháng Bảy, Thẩm Phối giẫy giụa đã hơn nửa tháng mà vẫn không có động tĩnh đầu hàng. Nhưng quân giữ Nghiệp Thành đã tuyệt vọng rồi, còn chưa đến đêm mà tiếng khóc của quân sĩ đã vang vọng rất xa, chỉ là vì sợ uy Thẩm Phối không dám làm phản bỏ trốn mà thôi.
Một đêm tối đen như mực, trên bầu trời xa tít chỉ có một vành trăng non, những áng mây âm u buông thấp khiến muôn vật trên thế gian như bị úp trong một chiếc bát khổng lồ, tối tăm mịt mù, u u ám ám. Tào Tháo cưỡi ngựa theo đường đi xuống phía nam tuần tra doanh trại, đi theo bên cạnh chỉ có Đổng Chiêu và bọn vệ sĩ Hứa Chử. Bởi thắng lợi đã gần trước mắt, trong lòng hoan hỷ, đoàn người càng lúc càng xa dần doanh trại, đến tận cánh đồng phía nam Nghiệp Thành.
Nhờ ánh đuốc bập bùng và ánh trăng mờ ảo, mọi người đưa mắt nhìn ra xung quanh, cảnh tượng đập vào mắt chỉ là những hình ảnh điêu tàn. Xung quanh Nghiệp Thành trước đây cũng là nơi trù mật dân cư đông đúc, nhưng hơn nửa năm chiến trận, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi. Dân chúng kẻ đào vong, kẻ trốn trong thành, ruộng đồng hoang phế, nhà cửa dân cư đều bị quân Tào dỡ xuống dựng tường trại, lắp cầu phao, lũy đất của những trang viên cường hào đã bị quân Tào phá hủy từ lâu, cảnh vật chỉ còn là một đống hoang tàn đổ nát, không hề có một tiếng gà kêu chó sủa, mà chỉ nghe thấy tiếng sói tru ở phía xa xa.
Tâm tình vui vẻ của Tào Tháo dường như cũng vơi bớt:
— Mấy hôm trước có quân báo, Công Tôn Độ đem cho con trai hắn là Công Tôn Khang ấn thụ Vĩnh Ninh hầu ta ban cho, lại còn bắt giữ sứ giả Lương Mậu. Tên cuồng đồ ấy thật không biết điều, quả là muốn trở mặt với ta đây.
— Đúng là ếch ngồi đáy giếng, coi trời bằng vung, sớm muộn hắn cũng thành ma dưới đao của chúa công thôi. - Đổng Chiêu vui vẻ nói.
— Lập nghiệp dễ, giữ nghiệp mới khó. Dù có hạ được Nghiệp Thành thì còn phải khôi phục lại diện mạo ngày trước, e là còn phải mất mấy năm trời!
Đổng Chiêu có vẻ như chẳng mấy để tâm:
— Chúa công phụng mệnh thiên tử chinh thảo bốn phương, dân chúng tất nhiên yêu mến kính trọng. Chiến sự qua rồi, khuyến khích nông tang đồn điền giúp dân, chẳng bao lâu dân cư sẽ lại trù mật, ngựa xe như nước. Nghiệp huyện đây đất giàu dân mạnh, căn cơ cao dày, phát triển trở lại cũng không phải là việc khó khăn gì. - Đổng Chiêu vừa nói chuyện vừa đưa mắt nhìn bốn bề xung quanh, thấy cách đó không xa có một gò đất không cao lắm, chỉ tay nói, - Chúa công cưỡi ngựa cũng mệt rồi, chúng ta hãy lên gò đất kia, xem xét động tĩnh trong Nghiệp Thành thế nào?
— Cũng được. - Tào Tháo mấy hôm nay kiên trì dùng thuốc của Hoa Đà, chứng đau đầu đã có chuyển biến tốt, giờ đây chẳng thấy mệt mỏi gì nên cũng muốn vận động một chút để tối về dễ ngủ.
Gò đất hoang ấy thực sự không có gì đặc biệt, trèo lên chơi cũng vô vị, chỉ là nhờ độ cao để có thể nhìn vào Nghiệp Thành cho rõ hơn mà thôi. Nhưng trong thành tối đen, chỉ thấy ánh đèn lác đác, tựa hồ quân giữ thành đã hết hy vọng, chỉ còn chờ chết. Đổng Chiêu như buột miệng than thở:
— Vì tranh đoạt tòa Nghiệp Thành này mà không biết bao nhiêu người đã phải máu nhuộm sa trường, lại còn bao nhiêu người ôm hận mà chết nữa!
Tào Tháo thấy ông ta thở ngắn than dài, nói:
— Công Nhân này, ông là người từng trải qua sóng to gió lớn, làm sao cũng than thở như kẻ thư sinh thế? Từ xưa đến nay công nghiệp của bậc đế vương tướng soái nào mà chẳng phải đổi bằng mạng người, tuy xương trắng đầy đồng, máu chảy thành sông, cũng vẫn được hậu nhân kính nể.
— Tại hạ không phải là than thở công nghiệp thiên cổ, mà chỉ là than thở cho đất Nghiệp Thành tốt lành này thôi.
— Đất tốt lành ư? - Tào Tháo lấy làm khó hiểu.
— Nghiệp Thành này không giống như những huyện thành tầm thường khác, nó có thể giúp làm nên bá nghiệp vạn thế!
Tào Tháo cười:
— Ồ, chuyện ông nói là chuyện của Tề Hoàn Công. Năm xưa Hoàn Công tôn vương thất, trấn di địch, xây dựng Ngũ Lộc, Trung Mâu, Nghiệp Thành... chín tòa thành trì để cùng bảo vệ đất Hoa Hạ.
Đổng Chiêu trầm mặc hồi lâu, lại giải thích:
— Minh công hiểu sai ý tại hạ. Tại hạ không phải nói bá nghiệp thời Xuân Thu, mà là bá nghiệp trong thiên hạ hiện nay.
Tào Tháo lặng người một lúc, rồi lại cười lớn:
— Công Nhân này, ông lại nói chuyện cười với ta rồi. Ha ha ha!... Còn làm ra bộ thần bí như phương sĩ thế.
Đổng Chiêu đưa mắt nhìn Tào Tháo, cảm thấy lần này Tào Tháo cười không tự nhiên chút nào, lại nói tiếp:
— Chuyện cười cũng được, mà nhàn đàm cũng được, chẳng qua để minh công vui vẻ giải sầu. Cả ngày bận rộn việc quân, minh công đã đủ mệt nhọc rồi. Tại hạ từng làm chức Thái thú Ngụy Quận dưới trướng Viên Bản Sơ, biết rõ một số chuyện cũ ở đất này, minh công có hứng nghe không?
— Được, ông nói đi. - Tào Tháo nhìn vẻ mặt ung dung của Đổng Chiêu, dự cảm rằng ông ta muốn nói đến một chuyện không hề tầm thường.
Đổng Chiêu lấy giọng nói:
— Minh công đọc thuộc thi thư, thông hiểu kinh tịch, những chuyện xa xôi đời trước tại hạ không cần phải nói nữa, chắc hẳn minh công cũng đều đọc qua rồi. Tại hạ chỉ nói đến thủ lĩnh Khăn Vàng Trương Giác...
Tào Tháo vội cắt lời:
— Này! Công Nhân làm sao lại nhắc đến kẻ phản tặc ấy thế?
— Phản tặc cũng thế, anh hùng cũng vậy, đều đã là người thiên cổ, chỗ này lại chẳng phải là kim điện ở triều đường, chúng ta nói một chút cũng chẳng sao chứ? - Đổng Chiêu thấy Tào Tháo không phản bác nữa, lại nói tiếp, - Trương Giác thủ lĩnh Khăn Vàng vốn là nhân sĩ ở Cự Lộc, từng đọc sách và làm một chân nha lại, tu tập theo kỳ thư Thái Bình Kinh, có bùa chú làm phép chữa bệnh cho người, môn sinh tín đồ đông nhất là người cùng quê, nhưng ngày khởi binh lại bỏ gần tìm xa, đến mãi tận Nghiệp Thành cử sự. Binh lực lớn mạnh, trước tiên đánh Chân Định, không xuống phía nam mà ngược lại tiến lên phía bắc, minh công có biết là nguyên do gì không?
Tào Tháo đã dần chú ý lắng nghe, bất giác chau mày lắc đầu:
— Chuyện này thực không hiểu vì sao! Năm xưa đồ đảng của Trương Giác là Mã Nguyên Nghĩa bị bắt ở kinh kỳ, bị tiên đế ngũ xa phanh thây ở chợ Lạc Dương, ta từng chính mắt được thấy. Trương Giác nghe được chuyện này vội vàng cử binh, tập hợp dân chúng khắp tám châu trong thiên hạ, ý muốn lật đổ xã tắc nhà Hán. Theo lý mà nói, muốn làm việc phi thường ấy, nên hỏa tốc tiến quân đến Hà Nam. Nhưng hắn ta chẳng những không vội xuống phía nam mà lại còn khởi từ Nghiệp Thành lên phía bắc lấy Chân Định, hành động ấy đúng là không hợp lẽ thường vậy!
Đổng Chiêu vuốt râu cười nói:
— Nếu minh công xét theo đạo dụng binh tất nhiên thấy không thông. Nhưng lấy âm luận ý thì không có gì thần bí trong đó. Cử sự ở Nghiệp Thành rồi trước tiên lấy Chân Định, thực ra là lấy ý mấy chữ ấy, với nghĩa là “Đại nghiệp có thể định” vậy!
Nghe Đổng Chiêu nói vậy, Tào Tháo đã hiểu ra, cảm thấy trong lòng thư thái:
— Trương Giác kia rốt cuộc là giang hồ thuật sĩ, dựa vào thủ đoạn ấy để lòe bịp ngu dân, chứ có làm nên được đại sự gì?
Không ngờ Đổng Chiêu lại nói một câu đầy thâm ý sâu xa:
— Trương Giác chỉ là một tên giặc ngu dân, nhưng huynh đệ Viên Bản Sơ, Viên Công Lộ đâu phải là giang hồ thuật sĩ...
— Chuyện này có liên can gì đến họ Viên? - Nụ cười của Tào Tháo tắt dần.
— Sự can hệ không hề nhỏ trong đó, có liên quan đến một câu sấm ngữ. - Đổng Chiêu nói đến đó bỗng nhiên ngừng lại, quay sang nhắc, - Thẩm Phối ở Nghiệp Thành vẫn còn một số quân mã, nếu như hắn phát hiện chúa công đang ngầm dò xét ở đây mà mở trộm cửa thành sai quân đột kích thì rất không hay. Xin chúa công hãy cho dập hết đuốc lửa đi.
Tào Tháo thấy Đổng Chiêu lo lắng như vậy là hơi thừa, Nghiệp Thành binh thiếu lương hết, đã như cá nằm trong chậu, sao có khả năng đột phá vòng vây mà đến đây đột kích? Nhưng thấy Đổng Chiêu nhìn mình ánh mắt nghiêm túc, biết rằng hẳn có duyên do gì trong đó, liền giơ tay lên bảo:
— Cũng được! Tắt hết đuốc lửa đi...
Hứa Chử vẫn luôn đứng hầu ở phía sau, vội bảo bọn vệ binh vứt đuốc lửa xuống đất, lấy chân dụi tắt.
Tối nay trời nhiều mây, ánh lửa vừa dập tắt lập tức chỉ còn một màn đêm đen, bốn bề tĩnh lặng không một âm thanh. Trên địch lâu Nghiệp Thành mấy đốm sáng tựa như trôi nổi trên không trung. Yên lặng hồi lâu, Đổng Chiêu mới nhẹ nhẹ thở ra một hơi, chậm rãi nói:
— Vừa nãy tại hạ nói đến một câu sấm ngữ, mà thực ra minh công nhất định cũng đã nghe qua rồi, đó là câu “Đại Hán giả, đương đồ cao”(*) trong Xuân Thu sấm có nói đến.
Trong màn đêm đen, chẳng ai nhìn thấy thái độ của Tào Tháo, chỉ nghe thấy ông chậm rãi nói:
— Trọng Khang, ta với Công Nhân có chút việc cần bàn, các ngươi hãy tạm lánh đi.
— Dạ. - Hứa Chử không dám hỏi nhiều, liệu rằng ở chỗ vắng vẻ này cũng không có nguy hiểm gì, Đổng Chiêu cũng không đến nỗi mưu hại chúa công, liền dẫn mọi người mò mẫm đi xuống dưới đồi.
Đợi tiếng móng ngựa lộp cộp đã xa rồi, Tào Tháo mới lại cất lời:
— Ta cho rằng ông có điều gì muốn nói, hóa ra lại là câu hại người vô cùng ấy. Khi xưa, Viên Thuật nhân câu này mà tiếm vị, phải rơi vào kết cục thế nào, Công Nhân ông đâu phải không biết.
— Đó là vì Viên Công Lộ đã giải không đúng. Đúng là chữ “đồ” trong “đương đồ” có thể đồng nghĩa với chữ “đồ” trong “lộ đồ”, nhưng hoàn toàn không phải trong tên tự của ông ta có chữ “lộ” là ứng với thiên mệnh. Câu ấy, thực ra có một thâm ý khác.
Tào Tháo vừa thấy hiếu kỳ, vừa có một cảm giác mắc tội. Bàn luận về chủ đề này rõ ràng là phản nghịch, vì không tiện cất lời hỏi, liền cười nhạo nói:
— Học thuyết sấm vĩ(*) lão phu xưa nay không tin, không để tâm như Viên Thiệu. - Năm xưa trong trận Quan Độ, quân Tào cướp được đại doanh của quân Hà Bắc, trong quân trướng của Viên Thiệu có thu được lượng lớn sách vở về sấm vĩ.
— Tin hay không tin vốn chẳng có gì khác nhau. Có người cho dù hiểu rõ nhưng không phải là thiên mệnh quy về thì có ý nghĩa gì? Thực ra học thuật sấm vĩ vốn xuất phát từ Hà đồ, Lạc thư. Trong Kinh Dịch có nói: “Hà xuất đồ, Lạc xuất thư, thánh nhanh tắc chi.”(*) Khi xưa Phục Hy ngẫu nhiên thấy long mã đội mai, có vằn đỏ chữ xanh, mai tựa mai rùa, rộng tới chín thước, phía trên có vẽ phương vị các ngôi sao củng số vận hưng vong của đế vương. Khổng Tử tuy nghiên cứu kỹ lưỡng về những bí ẩn trong đó, nhưng không dám sửa phép của tiên vương, vì vậy mới ngầm ghi vào vĩ thư, cất giấu để truyền cho bậc đế vương đời sau. Học thuyết sấm vĩ tương hợp với Kinh Dịch, lại theo lý luận về ngũ hành trong thiên Hồng Phạm, có thể thấy là cũng không hoàn toàn phi lý.
Tào Tháo thấy Đổng Chiêu cố gắng biện giải, cười nhạt nói:
— Học thuật của cổ nhân cao thâm khó lường, nhưng sấm vĩ của người nay lại là khiên cưỡng phụ họa giải ý lời văn sai lệch đi. Sao có thể sánh cùng với Hà Đồ, Lạc Thư mà nói được?
— Cũng không hẳn vậy. - Màn đêm đen đặc tiếp thêm cho Đổng Chiêu không ít can đảm, bởi không phải nhìn sắc diện Tào Tháo mà nói chuyện, - Tuy có Vương Mãng sùng tín sấm vĩ, ngụy tạo điềm lành, nhưng không thể vì lý do một người mà bỏ cả một nền học thuật. Đức Quang Vũ Đế triều ta là một bậc minh chủ trung hưng, cũng rất tin chuyện này. Ngài khởi binh ở Nam Dương là dựa vào câu “Lưu thị phục hưng; Lý thị phụ tá”, đến khi dựng cờ xưng đế, lại dựa vào điềm lành của xích phục(*), tế cáo thiên địa, đều viện những lời sấm ngữ ra. Quang Vũ Đế dùng Tôn Hàm làm Đại Tư mã, Vương Lương làm Đại Tư không, cũng là bởi lời sấm văn mà chọn. Vân Đài nhị thập bát tướng, ứng với các vì tinh tú trên trời. Chỉ vì đêm đọc Hà Đồ hội xương phù mà phong thiện(*) ở Thái Sơn. Lại cho dựng Linh Đài, Tích Ưng, Minh Đường(*) công bố đồ sấm ra thiên hạ. Nếu cứ như minh công nói, lẽ nào những việc làm ấy của đức Quang Vũ cũng đều là sai hết ư? - Đổng Chiêu lấy “kinh nghiệm thành công” của hoàng đế khai quốc ra thì Tào Tháo phản bác làm sao đây?
Tào Tháo chỉ hừ một tiếng, tuy không nói nhưng trong lòng lại có vô vàn cảm khái: “Nếu một năm trước mà hỏi ta câu này, ta sẽ nói thẳng rằng Quang Vũ Đế mê tín sấm vĩ là sai, nhưng bây giờ thì ta không thấy thế nữa. Một người nếu từ dân thường tay trắng mà có thể bước lên ngôi vị đế vương, đó quả là một việc vô cùng vượt bậc! Nếu không nhờ thiên mệnh trợ giúp, sao có thể sai khiến người đời? Thiên mệnh suy cho cùng cũng là ý của con người mà thôi...”
— “Đại Hán giả, đương đồ cao.” - Đổng Chiêu hồi lâu không thấy Tào Tháo nói gì, lại từ tốn giải thích, - Tại hạ từng nghe các vị thái sử bàn riêng với nhau, kỳ thực “đương đồ cao” chính là nói đến ngụy khuyết(*). Cái ở hai bên đường lớn, mà lại cao hơn đường tất nhiên là thứ này, mà “ngụy khuyết” còn có nghĩa là triều đường. Hiện giờ dưới chân minh công chính là đất Ngụy Quận, Nghiệp Thành chính là đất phát tích cơ nghiệp của nước Ngụy. Nếu như theo đó mà nói, được đất “Ngụy” tức sẽ được triều đình, được thiên hạ.
Đổng Chiêu nói đến đó, Tào Tháo mới nói chen vào:
— “Ngụy khuyết” vốn là lầu gác, thực ra không liên can đến triều đường. Chẳng qua là trong sách Trang Tử có nói: “Thân ở ngoài chốn sông bể, lòng gửi dưới nơi ngụy khuyết”, do vậy đám thư sinh sau này mới nói rằng nó có nghĩa là triều đường.
Nào hay, Đổng Chiêu lại cười, hỏi ngược lại:
— Câu ấy cụ thể xuất xứ từ thiên nào trong sách Trang Tử minh công có biết chăng?
— Có gì mà không biết, đó là thiên Nhượng vương. - Tào Tháo thốt ra hai từ này rồi, bỗng im bặt.
— Nhượng vương... - Đổng Chiêu trầm ngâm nói nhỏ, - Thiên hạ này cũng có thể kế nhau, nhường nhau vậy. “Trọng sinh, trọng sinh tắc khinh lợi”,(*) chỉ cần có đức với dân chúng trong thiên hạ, ai ngồi trên ngôi vị ấy có khác gì nhau? Chỉ là người đời ngu muội vô tri, bỏ gốc lấy ngọn, không lo sửa văn đức công nghiệp, chỉ một mực tìm kiếm các loại sấm vĩ nên mới nối nhau bại vong. Viên Thuật tự cao tự đại, Trương Giác, Viên Thiệu lại tự cho rằng được Nghiệp Thành là có thể được xã tắc, nào có biết đâu chuyện Sở Vương hỏi cân nặng của đỉnh, nhưng nặng là ở đức chứ không phải ở đỉnh. Kẻ có thể lên ngôi cửu ngũ, an định thiên hạ tất phải là kẻ có đức tế độ chúng sinh... - Đổng Chiêu nói đến đó, hơi ngưng lại giây lát rồi lại nói thêm, - Nói cách khác, chỉ cần là người có đức cứu vớt được chúng dân là có quyền bước lên ngôi cửu ngũ, an định thiên hạ! Cơ gặp gỡ thiên cổ như ánh chớp đá lửa, nháy mắt sẽ qua đi, nếu như không thể nắm ngay lấy, chỉ có thể khiến cho hậu nhân nắm cổ tay than thở mà thôi.
Ý tứ lộ liễu như vậy, Tào Tháo há lại không nghe ra? Nhưng không biết vì sao, ông chẳng hề có phản ứng gì. Trong lòng Đổng Chiêu vô cùng thấp thỏm, tuy rằng những lời mình nói ra chỉ có Tào Tháo nghe, nhưng ai biết được Tào Tháo có tán đồng hay không? Vừa định đưa mắt nhìn trộm thần sắc của Tào Tháo, chợt có một đám mây đen bay qua, che nốt ánh trăng mờ mịt cuối cùng, bốn bề chỉ còn một màu tối đen, đến bóng người cũng không nhìn thấy nữa, trong màn đêm, chỉ nghe Tào Tháo hỏi nhỏ:
— Ngươi... nói hết chưa?
— Chưa. Minh công còn muốn nghe tiếp không ạ? - Đổng Chiêu lại hỏi ngược lại, nhưng rất lâu cũng không thấy Tào Tháo đáp lời, bèn lấy can đảm nói, - Tại hạ xin được nói liều, mong minh công nghe chơi vậy.
Trong màn đêm đen, tất cả đều tĩnh mịch, hai người đối diện mà không nhìn thấy nhau, lời Đổng Chiêu dần càng sâu xa hơn:
— Tại hạ từng nghe được mấy câu truyền ngôn, ban đầu thiên tử bị Lý Thôi, Quách Dĩ bức đi, lúc chúng binh bại ở Tào Dương vốn cũng định đi thuyền theo đường sông sang phía đông, đến Duyện Châu hoặc Ký Châu để yên thân. Nhưng Thái sử lệnh(*) Vương Lập nói: “Sao Thái bạch đi ngang qua bầu trời, ngược hướng với sao Huỳnh hoặc(*), thiên tượng không lợi cho thiên tử theo đường sông sang phía đông, cho nên mới đổi đi lên phía bắc, vượt sông qua cửa Chỉ Quan dời xa giá đến An Ấp.
— Đúng là đặt điều bịa chuyện! - Tào Tháo cười nhạt một hồi, - Chuyện này Đinh Xung cũng từng nói cho ta biết. Khi ấy Dương Bưu phản đối đi thuyền sang phía đông, nói Hoằng Nông có đến ba mươi sáu bãi cạn lớn nhỏ, sông ngòi giao cắt lẫn nhau không lợi cho việc đi thuyền. Thị trung Lưu Ngải từng làm Huyện lệnh huyện Thiểm, khá thuộc địa hình, cũng không đồng ý đi đường thủy, hoàng thượng nghe theo đề nghị của họ mới quyết định vượt sông đi An Ấp. Chuyện này căn bản không liên quan gì đến thiên văn!
— Đúng như lời minh công nói, đích thực là vì nguyên nhân ở đường sông. - Đổng Chiêu không hề phản đối, - Nhưng sau khi đến An Ấp, thiên tử lập đàn tế trời. Nếu chẳng phải thiên tượng có biến động, hoàng thượng chưa thoát được đại nạn, cớ chi lại vội vàng tế trời chứ?
Tào Tháo không nói gì, tựa hồ bị câu hỏi của Đổng Chiêu chặn họng. Phát sinh chuyện dị thường, thiên tử tế trời, đó hoàn toàn là việc hợp đạo lý. Đổng Chiêu thấy Tào Tháo hồi lâu không đáp lại được, bèn tiếp tục nói:
— Lúc đặt chân đến An Ấp, Vương Lập có nói riêng với Lưu Ngải rằng, thiên tượng biến ảo không thể thay đổi được, có thể tránh một lúc nhưng không thể tránh cả đời. Sao Thái bạch đi ngang qua bầu trời, ngược hướng với sao Huỳnh hoặc, hai sao sớm muộn cũng sẽ gặp nhau tại một điểm, mà Hỏa với Kim tương ngộ ấy là tượng cách mệnh. Quốc tộ... Quốc tộ nhà Hán...
— Làm sao?
Đổng Chiêu hạ giọng nói nhỏ:
— Quốc tộ nhà Hán sắp tận, đất Ngụy, Tấn tất sẽ có tân thiên tử lập nên. - Ông ta nói đến đó, chỉ thấy Tào Tháo thở dài, không có bất kỳ phản ứng gì, liền đánh bạo, - Sau đó, Vương Lập lại nói với đương kim thiên tử rằng, thiên mệnh đến đi, ngũ hành bất thường, thiên hạ nhà Hán thuộc hành Hỏa, thay cho hành Hỏa là hành Thổ, kế thừa Hán thất chính là... - Đổng Chiêu căng thẳng vô cùng, tưởng như tim đã dâng lên tận cổ họng, không biết nếu nói tiếp thì phản ứng của Tào Tháo sẽ như thế nào. Nếu không may Tào Tháo nổi giận, cả nhà chín họ ắt sẽ mất mạng dưới đao. Nhưng nếu ông ấy không nổi giận, ngày sau mình nhất định sẽ được phú quý! Đổng Chiêu tuy đã quyết tâm đánh một canh bạc, nhưng lời đến đầu lưỡi vẫn không thể không giữ lại.
Lúc lâu sau, Tào Tháo lại cất giọng nói vẻ âm trầm:
— Ngươi nói nốt đi.
— Xin minh công chuẩn cho tại hạ một việc, tại hạ mới dám nói nốt.
— Việc gì?
Đổng Chiêu lập cập nói:
— Xin minh công hứa, tại hạ nói xong rồi, bất luận minh công có vui hay giận, xin cũng chớ trách tội tại hạ!
— Hà hà hà... - Tào Tháo bỗng nhiên cất tiếng cười u ám, - Đổng Công Nhân, ở đây chỉ một màn đêm đen, giơ bàn tay nhìn không rõ năm ngón, lão phu dù có bằng lòng với điều kiện của ngươi, nhưng không có ai nhìn thấy, không có ai làm chứng, ngày sau ta hối lại thì ngươi làm gì được ta?
Đổng Chiêu chợt ngộ ra, sợ run lên: “Ta nhầm rồi! Tào Mạnh Đức cả đời có bao giờ chịu để ai khống chế? Thiên tử còn hay mất là nằm trong tay Tào Tháo, đời này làm gì có ai có thể chế ước được ông ta? Ta tuy có thể dâng lời nói nhưng không có quyền đòi điều kiện...” Nghĩ đến đó, Đổng Chiêu quỳ sụp hai gối xuống đất, biết rõ rằng Tào Tháo không nhìn thấy, vẫn dập đầu cồm cộp xin tha tội.
— Ván đã đóng thuyền, không thể thay đổi được, chỉ cần dựa vào những gì ngươi vừa nói, ta đã có thể giết ngươi rồi!
Đổng Chiêu run rẩy như cành cây trước gió:
— Xin minh công tha tội...
— Làm kẻ bề tôi, có những lời có thể nói, có những lời không thể nói. Nếu làm sai một bước sẽ phạm tội tày trời, không thể dung thứ được... - Giọng của Tào Tháo lạnh như băng, nhưng câu ấy lại mang hai ý nghĩa, tựa như đang trách mắng Đổng Chiêu nhưng lại như đang nhắc nhở chính mình.
Họa đã đến rồi vẫn cứ phải liều, việc đã đến nước này chỉ có thể tìm sự sống trong cái chết. Đổng Chiêu bấu chặt mười đầu ngón tay xuống đất, cắn răng đánh bạo, ngẩng phắt đầu lên nói:
— Đã là nói một câu đủ phải chết, nói hết ra cũng phải chết. Hạ quan chỉ một lòng trung thành vì minh công, xin cứ được nói hết với ngài vậy! Tượng trời đã chỉ, ấy là lòng người đã hướng về, kế thừa giang sơn Hán thất chính là xã tắc của nước Ngụy, người được thiên hạ ngày sau nhất định là họ Tào...
— Hỗn xược! Ngươi dám đem tà ngôn mê hoặc ta ư!
Đổng Chiêu chỉ thấy trên cổ mình lạnh buốt, tựa hồ có một cây kiếm sắc đã kề lên cổ mình. Bốn bề tối đen nhìn không thấy rõ, ông ta không dám làm bừa gì nữa, bất chấp hậu quả, biện bạch:
— Việc này muôn vàn xác thực! Năm xưa tại hạ phụng mệnh Trương Dương đến An Ấp, hoàn toàn không phải là nghe bàn tán ngoài đường! Thái sử lệnh Vương Lập hiện vẫn còn ở Hứa Đô, Thị trung Lưu Ngải ghi chép cho đương kim thánh thượng làm căn chứng, tại hạ há dám đặt điều cho bọn họ?...
— Câm miệng! - Tào Tháo quát to cắt lời.
Đêm tối như đặc quánh lại, vạn vật đều tan vào màn đêm đen vô tận, không có một tia sự sống. Đổng Chiêu tê liệt trên mặt đất, cảm thấy như mình đang rơi vào một vực sâu không đáy, mở to hai mắt mà chỉ nhìn thấy một màu đen đặc, nỗi sợ hãi như cây đao sắc đã đè chặt trên cổ. Ông ta không động đậy được, chỉ chờ số phận phán quyết.
Không biết bao lâu sau, bỗng nghe thấy tiếng nói ôn tồn của Tào Tháo vọng lại từ phía xa:
— Đêm nay đúng là tối đen như mực, chúng ta đều thành kẻ có mắt như mù rồi. Lời nói trong lúc này mới thực gọi là nói mò! Cổ nhân có câu: “Vua không cẩn mật thì mất bề tôi, Bề tôi không cẩn mật thì mất mạng”, những lời không ra đâu vào đâu này hãy bỏ qua đi, sau này không được nhắc lại nữa.
Thì ra Tào Tháo đã lẳng lặng đi xa...
Gió nhẹ thổi lại, mây đen tan đi, ánh trăng sáng lại trải đầy trên mặt đất, tất cả dần rõ ràng trở lại. Đổng Chiêu như trở về từ cõi chết. Ông bò lê trên mặt đất đứng thở hổn hển, lặng nhìn theo bóng Tào Tháo dẫn đám vệ sĩ đi xa dần mà trên cổ vẫn còn cảm giác lạnh ngắt, vội đưa tay lên sờ - làm gì có ai dí gươm trên cổ mình, chẳng qua chỉ là một cơn gió lạnh ngẫu nhiên thổi tới mà thôi.
Đổng Chiêu bật cười, cười mình đã quá nhát gan, lại quá lo xa. Con người ta luôn biết tùy theo cảnh ngộ mà thay đổi, muôn sự đều là nước chảy thành sông. Trên đời này không một ai có thể dẫn dắt tâm chí của Tào Tháo, tất cả đều do bản thân ông tự suy nghĩ vậy...
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 7 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 7 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 7