Love is always within. When you try to dramatize your love, you lose the depth of the love.

Charan Singh

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 38
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:15 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 57
ượn đao giết người, lừa dụ Lã Bố đánh Viên Thuật
Mượn đao giết người
Ngày trước Hậu tướng quân Viên Thuật từng trốn khỏi Lạc Dương, từng cùng chung chiến tuyến khi thảo phạt Đổng Trác với Tào Tháo, nhưng từ khi có được ngọc tỷ truyền quốc trong tay, Viên Thuật dần nảy sinh dã tâm, ôm mộng làm hoàng đế.
Viên Thuật chiếm đóng cả một dải Hoài Nam, binh không thể nói là không mạnh, lực không thể nói là không cường, nhưng kẻ địch mà khiến Viên Thuật luôn cảm thấy lo sợ chính là Tào Tháo. Cho nên khi Tào Tháo rước Lưu Hiệp về Hứa Đô, Thuật gần như từ bỏ giấc mộng đế vương. Nhưng sau đó lại có được tin tức rằng Tào Tháo bị đại bại ở Uyển Thành dưới tay Trương Tú thực lực mỏng yếu hơn nhiều, chính việc này đã khiến Viên Thuật thêm ngông cuồng, hung hăng. Viên Thuật cho rằng triều đình Đại Hán đã mất đi uy vọng thống trị, cho dù là Tào Tháo cũng không thể khuông phò vực dậy nổi. Với suy nghĩ mình có được may mắn cộng với dã tâm mưu đồ quyền lực, vào tháng Hai năm Kiến An thứ hai (năm 197), Viên Thuật tự xưng làm hoàng đế, lấy hiệu là Trọng Gia, định đô ở Thọ Xuân, trở thành đầu lĩnh chư hầu đầu tiên tự xưng đế kể từ khi thiên hạ đại loạn tới nay.
Trước biến cố này, thái độ của Tào Tháo thực sự có chút như là coi họa của người là niềm vui của mình. Thiên hạ vốn đang ùn ùn kéo về với Tào Tháo theo cái gọi là “phụng theo thiên tử mà thảo phạt kẻ không thần phục”, giờ Viên Thuật vừa xưng đế, tất cả mũi nhọn lại quay sang chuyển hướng về Hoài Nam, vô hình trung lại có kẻ đứng ra thay thế Tào Tháo làm kẻ địch chung cho thiên hạ. Để đánh Viên Thuật, càng phải lấy danh nghĩa thảo phạt kẻ phản tặc mà lôi kéo, tập trung chư hầu vẫn đang cát cứ các nơi. Tào Tháo và Tuân Úc lập tức ra chiếu cho vời ba người Đỗ Tập, Triệu Nghiễm, Phồn Khâm đang lánh nạn ở Giang Hoài về Hứa Đô, cũng là để tìm hiểu nội tình của Viên Thuật.
Đỗ Tập tự là Tử Tự, Triệu Nghiễm tự là Bá Nhiên, Phồn Khâm tự là Hưu Bá, bọn họ đều ở huyện Dĩnh Xuyên, để tránh chiến loạn nên cùng xuống phía nam Giang Hoài, tiếp theo sẽ định cùng đến Kinh Châu quy phụ mà dựa vào Lưu Biểu. Nghe ngóng, biết tin thiên tử dừng chân tại Hứa Đô, cả ba người cùng chuyển hướng quay về phía bắc và đồng ý ra giúp sức cho triều đình. Tuy cả ba cùng nhau thông thương hàng hóa tài vật, cùng tiến cùng lui, nhưng chẳng qua cũng chỉ là kế quyền biến tạm thời giữa đồng hương với nhau, chứ trên thực tế, ba người bọn họ xử thế hoàn toàn khác nhau: Đỗ Tập rộng rãi khoáng đạt, ăn nói hào sảng, tính tính cương nghị; Triệu Nghiễm là người kín đáo hơn, không nệ việc lớn việc nhỏ, lúc nào cũng hệt như lão quản gia mẫn cán; Phồn Khâm thì khá nổi tiếng bởi tài văn chương thơ phú, là người khôn ngoan sắc sảo. Kỳ thực ba người như ba cỗ xe ngựa cùng chạy trên đường, chẳng hề có điểm chung nào, nhưng chính đường đời gian khó đã kết nối và gắn bó họ lại với nhau.
Tào Tháo nghe bọn họ tự giới thiệu đâu đấy thì cúi đầu rồi ngâm rằng:
“Thế gian hiểm dị khôn lường,
Vận thời ai chắc đã tường thịnh suy.
Vô tranh, họ Lão(*) ai bì,
Cừ Viện(*) câu ấy vẫn ghi trong lòng”.
Phồn Khâm giật thót mình, đây là bài tạp thi hắn bất chợt sáng tác trong những ngày còn sống nương nhờ ở Kinh Châu, không ngờ Tào Tháo cũng biết, nét mặt chợt thoáng lộ chút hãnh diện nhưng vẫn giữ vẻ khiêm tốn mà rằng:
— Tại hạ viết làng nhàng, không đáng để lọt tai bậc tầm cỡ như đại nhân.
Tào Tháo xưa nay vốn yêu thích thơ từ ca phú, lắc đầu bảo rằng:
— Nói viết làng nhàng là quá khiêm tốn rồi, có điều vì sao ngươi lại cứ khư khư ôm lấy tư tưởng “không tranh với đời” như vậy?
— Kinh Châu Lưu Biểu là kẻ tầm thường, ngồi giữ chín quận Kinh, Tương nhưng không làm được gì cả. Tôn Sách hoành cứ đất Giang Đông không tìm cách khống chế, Viên Thuật tự lập làm hoàng đế cũng không đem quân chinh phạt, kiểu bình chân như vại ấy không làm gì cả sao có thể thành được đại sự? Tại hạ từng sống nương nhờ ở đó, tự nhiên phải cẩn thận sống kiểu không tranh với đời để mà qua ngày. Nay đã quy phụ theo về dưới trướng Tào công, thì sẽ ráng dụng tài hoa, tận dùng sở học. Hà hà hà... - Phồn Khâm nói đến đấy bất giác cười hà hà.
“Văn nhân bợ đít” bốn chữ ấy hiện rõ trong đầu Tào Tháo. Các triều đại xưa nay đều có một loại người, tiếng là danh sĩ, nhưng lại chỉ có biết tầm chương trích cú, văn chương viết ra rặt những thứ bợ đỡ, nịnh nọt, hoặc chỉ biết ngợi ca công đức của những kẻ thống trị, Phồn Khâm có khi cũng chính là hạng này. Tào Tháo nhìn thấu, khi hắn còn đang nói một cách hùng hồn dõng dạc, Đỗ Tập, Triệu Nghiễm chỉ ngó hắn bằng “đôi mắt trắng dã”, không cần hỏi cũng có thể biết, đâu cần nghe hắn mắng Lưu Biểu, khi xưa còn ở Kinh Châu, e là hắn cũng đã từng viết ra không ít những thứ văn chương tâng bốc người khác rồi.
Tào Tháo chỉ cười xong thôi, không thèm tiếp lời Phồn Khâm, quay sang bảo rằng:
— Năm xưa ta từng theo Viên Thuật đến Dương Châu, nghe nói đất Thọ Xuân phì nhiêu giàu có, hắn ở đó đã chiêu mộ không ít binh mã quân đội, thanh thế ngày càng lớn mạnh, lại liên tiếp đánh bại Lưu Bị, hiện giờ lại còn xưng vương xưng đế. Ta nay ở Hứa Đô xa xôi, không rõ thực lực hắn giờ thế nào, ba vị từng ở Giang Hoài lánh nạn, có cao kiến gì trừ được bọn phản nghịch chăng?
Vừa mới hỏi đến đại sự, Phồn Khâm lập tức “nhũn nhặn” hơn, chỉ cúi đầu bẻ ngón tay, không nói được nửa câu kiến giải chính xác mà thấu triệt. Đỗ Tập mới mở lời:
— Xưa khi Sở vương vấn đỉnh(*), có được thiên hạ là bởi cái đức chứ không phải bởi dựa vào sức mạnh. Viên Thuật đã không có được cái đức với dân ở Giang Hoài, lại không có đức với sĩ nhân nhà Hán. Việc ông ấy ngụy lập triều đình chẳng qua cũng chỉ chiêu vời được một số thổ hào, thổ phỉ hoặc nhân sĩ địa phương. Bọn bộ tướng Kiều Nhuy, Trương Huân vốn không có tài dụng binh, bọn Ngô Lan, Lôi Bạc xuất thân thổ phỉ ở Tiềm Sơn, còn nữa thì là bọn Dương Phụng, Hàn Tiêm đã cùng đường phải nương nhờ dưới trướng. Ngày ông ta tiếm hiệu xưng đế, trăm họ Dương Châu không ai không oán hận, nhân sĩ Giang Hoài thảy đều chửi rủa. Ngày trước ông ta đoạt tiết mao của Mã Mật Đê là muốn bức Mã công làm tam công cho ngụy triều, hại lão gia tử uất ức mà chết. Ông ta còn bắt giữ Trần Ứng là con nhỏ của Trần Khuê làm Bái Quốc tướng ngày trước, muốn lệnh cho ông ta phải nhận ngụy chức, Trần Khuê không những cự tuyệt không đến, trái lại còn đem việc này viết thư mắng mỏ cho một trận. Sau này Viên Thuật còn muốn dùng Kim Thượng là danh sĩ Kinh Triệu làm Thái úy, Kim Nguyên Hưu không nghe, muốn chạy qua Hứa Đô, kết quả bị Viên Thuật bắt được sát hại. Ngày xưng đế đã giết danh sĩ, việc ấy liệu còn có thể thu phục được lòng nhân sĩ trong thiên hạ nữa không?
Nhắc đến Kim Thượng Kim Nguyên Hưu, Tào Tháo thấy hơi áy náy. Năm xưa, khi thứ sử Duyện Châu Lưu Đại bị quân Khăn Vàng giết hại, bọn Bào Tín, Trần Cung, Vạn Tiềm ủng hộ hắn lên làm chủ Duyện Châu, trong khi đó triều đình Tây kinh phụng theo chiếu mệnh thiên tử cũng cử Kim Thượng chính thức tiếp nhận chức ấy. Tào Tháo vì muốn độc chiếm Duyện Châu đã đuổi Kim Thượng ra khỏi địa giới Duyện Châu, khiến người ta lâm vào đường cùng mới phải sang nương nhờ Viên Thuật và cũng vì thế thành ra khoét sâu thêm vào cái họa bị giết vì không chịu theo hàng.
Nay nghe nói Kim Thượng chết một cách cương liệt như thế, Tào Tháo cũng có chút cảm khái, mới quay sang hỏi Tuân Úc mà rằng:
— Ta không biết Kim Nguyên Hưu lại trung trinh với nhà Hán như vậy, ngày đó không nên sơ suất đẩy hắn ra khỏi Duyện Châu khiến hắn phải gặp họa vô phúc như thế. Bây giờ hắn còn anh em con cháu gì ở miền bắc không?
— Có em trai là Kim Toàn hiện là Hoàng môn lang.
— Thảo một đạo chiếu thư, thăng chức Kim Toàn làm Nghị lang. - Tào Tháo thấy việc này cũng nhất cử lưỡng tiện, vừa biểu hiện được cái thiện lương của mình, lại vừa nhân tiện vỗ về chút thế lực ở Quan Tây. Phân phó xong việc ấy, Tào Tháo lại nói với Đỗ Tập, - Viên Thuật tuy đức không đủ để thu phục nhân tâm nhưng đóng quân khắp Hoành Tuyên, Giang Hoài cũng đủ thành mối họa nhất thời rồi.
Đỗ Tập không cả liếc nhìn mà thưa ngay:
— Viên Thuật mặt lim nhưng gan sứa, đã sợ quân triều đình của Tào công, lại sợ uy dũng của Lã Bố. Hắn hai lần chinh phạt Từ Châu, biết rõ cái dũng của Lã Bố, nên mới hỏi con gái Lã Bố cho con trai hắn là Viên Diệu để kết thân gia.
— Đã thành hôn chưa? - Tào Tháo không nhịn được cắt ngang lời Tập.
— Con gái Lã Bố còn nhỏ, chưa thành hôn.
Tào Tháo thở phào một tiếng rồi lại nhìn Tuân Úc, hai người ngầm hiểu cùng gật đầu. Thường có câu rằng “Sơ bất gián thân”(*), nếu Lã Bố và Viên Thuật vì việc thân gia con cái hai nhà mà kết thành đồng minh thì thực lực tăng gấp bội, sẽ nguy hại đến mạn đông nam, nhưng hiện tại chưa chính thức kết thân thì sự việc vẫn có thể có nảy sinh tình trạng bất ngờ.
Đỗ Tập như nhìn thấu suy nghĩ của hai người mới cả cười mà rằng:
— Như tại hạ thấy, chẳng qua Viên Công Lộ là tên giặc nằm chờ chết, mà Lã Phụng Tiên thì bất quá cũng chỉ là tên tiểu nhi hay phản phúc, thảy đều như bọn đầu cắm trên sào mà rao bán vậy! Tại hạ nguyện xin một đội binh mã, không quá một tuần trăng sẽ lấy đầu hai tên giặc ấy dâng lên chốn minh đường.
Lời này quả như ngàn quân mạnh bạo, sát khí đằng đằng, chưa nói đến việc nay không thể lập tức phát binh, mà dù có phát binh cũng không thể nội trong một tuần trăng mà liên tiếp phá được ngay hai đại địch? Đỗ Tập tự phụ cũng được, không thực tế cũng được, chí ít cũng nói được câu sốc lại tinh thần. Tào Tháo nhìn Đỗ Tập, bặm môi vẻ muốn kết thúc việc này, nhưng cũng không muốn dập tắt ngay sự háo hức của hắn, nên chỉ nuốt nước bọt rồi ậm ừ:
— Tử Tự chí khí đáng khen, việc này đợi triều đình thương nghị xong sẽ định đoạt.
Đây chẳng qua cũng là câu từ chối khéo mà thôi, nhưng Đỗ Tập vẫn tưởng thật, vòng tay mà đáp:
— Vậy tại hạ sẽ ở Hứa Đô chờ triều đình quyết định, xong sẽ chuẩn bị lĩnh binh xuất phát.
Tào Tháo chưa từng gặp qua người nào như vậy, thực không biết nên nói với hắn thế nào cho phải, người ta đã tình nguyện chấp nhận chờ đợi, vậy thì cứ chờ vô thời hạn đi. Tuân Úc cũng thấy áy náy, vội chuyển chủ đề:
— Còn việc dân sinh vùng Hoài Nam thế nào, không biết có thể cầm cự Viên Thuật đánh chiếm mấy năm nữa?
— Việc này... - Lần này Triệu Nghiễm cướp lời, từ tốn rành rọt nói rằng, - Hoài Nam xưa nay vốn là vùng đất trù phú, nhưng từ khi Viên Thuật đến đây xa hoa dâm dật, hoang phí vô độ, trăm họ cực khổ muôn vàn. Hắn lên làm vua liền đổi Thái thú Cửu Giang thành Hoài Nam doãn, cho xây dựng tu sửa đền đài tông miếu, lập đàn tế trời đất ở Thọ Xuân, hoang phí không biết bao nhiêu mà kể. Mà còn nghe nói, hậu cung của hắn thê thiếp đến trăm người... - Nói đến đấy đột nhiên Triệu Nghiễm quay sang hỏi Tào Tháo, - Tào công có biết Viên Thuật xưng đế, hoàng hậu hắn lập là ai không?
— Ta không rõ. - Tào Tháo đâu có quan tâm đến việc này.
— Là con gái của kẻ địch của ngài đó! Là con gái Tây Viên hiệu úy Phùng Phương, được Viên Thuật lập làm hoàng hậu.
— Cái gì?! - Tào Tháo nghe xong lập tức lửa giận bừng bừng. Ngày trước Viên Thuật làm quan đến chức Hổ bôn Trung lang tướng, Phùng Phương làm quan đến Tây Viên trợ quân hiệu úy, hai người giao tình còn hơn cả huynh đệ. Viên Thuật chạy khỏi Lạc Dương, chủ yếu nhờ có Phùng Phương ra sức yểm trợ. Sau này Phùng Phương không may mắc bệnh mất sớm khi tuổi đời còn trẻ, nghe nói khi lâm chung đã ủy thác cậy nhờ Viên Thuật chăm sóc vợ con. Thế mà Viên Thuật lại đưa con gái người ta vào trong hậu cung của mình để chăm sóc! Đây có còn là Viên Công Lộ anh hùng chí lớn ngày trước nữa không? Con người ta sao có thể thay đổi nhanh thế được?
Triệu Nghiễm lại tiếp tục:
— Hậu cung thê thiếp hàng trăm người, ăn mặc toàn lụa là gấm vóc, ăn uống là sơn hào hải vị, trong khi đó binh sĩ thì chịu khổ cực đói rét, thiếu ăn thiếu mặc, khắp vùng Giang Hoài người người tranh cướp miếng ăn. Năm ngoái tại hạ từng dẫn tộc nhân đi qua Hoài Nam, khi đó vào tiết trời đông, đi qua một thôn trang hoang phế, gặp đến mấy đứa trẻ bốn năm tuổi cứ đứng bên đường xin ăn, tại hạ thấy đứa nào đứa nấy da dẻ vàng vọt, mặt mũi xanh xao, nên mới cứu giúp chúng một phen. Cũng vừa hay lúc ấy đang ăn, trong tay có một con gà quay, cho nên...
Tào Tháo và Tuân Úc đều cảm thấy hắn nói bắt đầu lạc đề rồi, sao lại lôi cả gà quay ra đây làm gì? Nhưng không tiện cắt ngang, Tào Tháo chỉ vờ đằng hắng một tiếng.
Không đằng hắng thì thôi, chứ cái đằng hắng này khiến Triệu Nghiễm cũng ý thức được mình đã lan man, liền vội giải thích cặn kẽ:
— Tại hạ xin lỗi. Việc này chẳng qua là tại hạ ngẫu nhiên gặp trên đường, nên có chút xúc động, kỳ thực nói tới cũng được mà không nói tới cũng chẳng sao. Nói ra cũng chưa chắc giúp được gì, nhưng không nói tại hạ lại không chịu được nên vẫn muốn nói, minh công và lệnh quân có bằng lòng nghe chăng?
Đã hỏi như vậy rồi, Tào Tháo cũng không tiện nói là không bằng lòng, chỉ gật đầu nhấn mạnh rằng:
— Bá Nhiên cứ nói, có điều chúng ta nói ít hiểu nhiều, hà tất dài dòng. Ta và Tuân lệnh quân đây còn nhiều chính sự phải giải quyết nữa.
— Vâng. - Triệu Nghiễm đáp, - Lúc đó... Vừa nói tới đầu rồi nhỉ?
— Gà quay. - Tào Tháo nhẫn nại nhắc.
— À, vâng. Đúng lúc đó tại hạ đang cầm một con gà quay, liền bẻ hai cái đùi chia cho chúng. Chúng đói đến nỗi tranh nhau ăn, tại hạ động lòng trắc ẩn mà đưa cả cho. Không ngờ chúng ăn hết rồi vẫn chưa chịu đi mà cứ bám mãi sau ngựa. Tại hạ mới hỏi rằng sao vẫn chưa chịu đi, ngài thử đoán xem chúng nói gì?
Tào Tháo trả lời cho có lệ:
— Không biết! Tìm ngươi muốn một con gà nữa?
— Không phải, - Triệu Nghiễm vẻ mặt khổ sở, - Chúng theo tại hạ là muốn thêm hai con gà nữa.
— Thế là có ý gì? - Tào Tháo chưa nghe rõ.
Mắt Triệu Nghiễm đang lim dim rồi bất giác mở to:
— Chúng cho rằng một con gà có bốn cái đùi!
Việc này nghe thì có vẻ buồn cười, nhưng ngụ ý không khỏi khiến người ta không lạnh mà run. Trẻ con bốn năm tuổi mà chưa từng nhìn thấy con gà, một mực cho rằng con gà cũng giống con lừa có bốn chân, điều đó đủ thấy dân chúng Giang Hoài khốn khổ cùng cực đến mức nào. Trong tình cảnh như vậy, Viên Thuật vẫn xa hoa dâm dật, hoang phí với giấc mộng hoàng đế không có thực.
Tào Tháo bất giác lắc đầu, than rằng:
— Khi xưa ta và Viên Công Lộ cùng chạy khỏi Lạc Dương, vốn cho rằng cùng dấy cử đại nghĩa thảo phạt Đổng Trác. Không ngờ chỉ vì ngọc tỷ truyền quốc vô tình nhặt được mà gây tạo nên họa hại như vậy. Chưa nói đến việc hắn không thể làm nổi hoàng đế có thể thống nhất được thiên hạ, mà dù có làm được hoàng đế rồi thì cũng chỉ là một tên hôn quân mà thôi. Vì triều đình xã tắc Đại Hán, càng vì trăm họ ở Giang Hoài, ta nhất định phải trừ diệt bằng được kẻ hung đồ tham lam vô độ thành ra mất trí này!
Tháo lại nghĩ tới Viên Thiệu ở Hà Bắc giơ cao đại ấn mà dương dương tự đắc, nghĩ tới bọn Trương Mạc, Vương Khuông chết dưới đồ đao của chính mình, rồi Hàn Phức phải treo cổ tự vẫn ở Trần Lưu, đều là nghĩa sĩ khởi binh từ Quan Đông, chí nguyện bình sinh đều bị loạn thế nuốt mất cả, mỗi người mỗi ngả rồi không dưng thành kẻ địch của nhau. Tào Tháo nhất thời cảm khái, cảm giác lồng ngực như bị ai chèn ép, mới đứng dậy bước ra giữa sảnh mà ngâm rằng:
“Đông Quan nhiêu nghĩa sĩ
Dấy binh trừ bạo hung.
Hội mong xưa Bến Mạnh,
Một lòng về Hàm Dương.
Quân không sao hợp lực,
Nhạn chia năm bảy đường.
Thế lợi người tranh đoạt,
Các lộ tự tương tàn.
Hoài Nam em xưng đế,
Anh khắc tỉ bắc phương.
Khải giáp sinh chấy rận,
Trăm họ còn tang thương.
Đồng hoang xương khô trắng,
Nghìn dặm tiếng gà không.
Dân trăm người sống một,
Hỏi ai không đoạn trường.”(*)
— Tuyệt thay! - Phồn Khâm thấy Tào Tháo ngâm thơ liền nắm ngay cơ hội thể hiện sự quan tâm, - Bài thơ này của minh công châm biếm sự bất ổn của thời cuộc, nhìn thấu suốt cả thiên hạ, thật xứng là giai tác thiên cổ!
— Làm gì đến mức đó. - Trong lòng Tào Tháo vẫn còn nặng trĩu, - Chẳng qua nhất thời cảm xúc phát ra đó thôi, ngôn từ thô kệch khó đăng nơi đại nhã.
— Không đâu, không đâu. - Phồn Khâm cứ lắc đầu mà khen, - Từ ngữ có vẻ vụng về nhưng hàm ý rất khéo léo, việc tuy bình thường nhưng chứa ý tứ mới mẻ. Thật đúng như cây gai thô kia, tuy bình thường thì chẳng có gì là quý, nhưng khéo chế tác, thêu dệt lại trở nên tấm vải quý giá vô cùng! Tào công xuất khẩu thành chương, điểm đá hóa vàng vậy!
— Không dám, không dám nhận. - Tào Tháo cảm thấy Phồn Khâm tâng bốc cũng hơi quá rồi.
— Sự thực là cảm xúc trỗi dậy mà tự nhiên thành ngôn từ, đạo lí biểu đạt hốt nhiên thấy văn chương, tình và lý trong lòng được thể hiện bằng chữ nghĩa rõ ràng, trong ngoài thống nhất, ý tứ tương thông. Nhưng tài hoa của con người ta có phân rõ bình phàm kiệt xuất, khí chất có cương nhu khác biệt, học vấn có nông cạn sâu xa, thói quen cũng có nhã tục rõ ràng. Những thứ này thảy đều do thiên bẩm mà thành, nhưng cũng bởi sau này hun đúc mà nên. - Phồn Khâm nói đến đây chuyển ý ngay, - Tào công tài năng kiệt xuất, chí khí cương cường, học rộng biết nhiều, thói quen chính nhã mới có được giai tác như thế. Tuy từ ngữ thông thường, không hề kì quái, nhưng lòng son báo quốc chí thành thì có đất trời chứng giám! Tại hạ thật khâm phục vô cùng. - Phồn Khâm nói đoạn vẻ nghiêm trang chắp tay cung kính.
Trong lòng Tào Tháo cũng thầm lấy làm lạ. Tại sao trong thiên hạ này vẫn có người có thể bợ đít đến mức nhã như vậy cơ chứ! Tuy có tâng bốc một chút nhưng phân tích văn chương từ ngữ cũng coi như có phần thấu triệt, nói đúng trọng tâm, người này không hẳn cái gì cũng sai, nên vẫn có thể lưu lại mà dùng được. Tuy trong lòng nghĩ vậy nhưng Tháo lại rằng:
— Ba vị đường xa bôn ba vất vả, xin tạm về dịch quán nghỉ ngơi, đợi ta tấu rõ với thiên tử sẽ bổ nhiệm quan chức.
— Vâng. - Đỗ Tập, Triệu Nghiễm, Phồn Khâm đồng loạt đứng dậy lui ra.
Thấy bọn họ đã đi rồi, Tuân Úc mới khẽ mỉm cười:
— Đỗ Tử Tự quá cương ngạnh, Triệu Bá Nhiên quá vụn vặt, Phồn Hưu Bá lại quá tâng bốc! Ba người ấy đều không hẳn là nhân tài.
Tào Tháo lại không nghĩ như vậy:
— Khổng Trọng Ni nhìn vào sở trường của người mà dạy bảo, chúng ta cũng nên quan sát tùy người mà phong quan chức, dùng lấy cái sở trường của người ta là được. Ta đã nghĩ kỹ rồi, lệnh cho Đỗ Tập là huyện lệnh Tây Ngạc quận Nam Dương, Tây Ngạc gần bọn Lưu Biểu, Trương Tú. Đỗ Tập tính tình cương nghị có thể vì ta mà trấn thủ giữ vững ở đó. Bổ nhiệm Triệu Nghiễm làm huyện lệnh Lang Lăng ở Duyện Châu, ở đó nhiều kẻ cường hào bất tuân luật pháp, Triệu Nghiễm yêu dân, tính tình rộng lượng, không nề hà nhiều chuyện, có thể dùng hắn để vỗ về bách tính. Phồn Khâm lưu lại trong phủ làm thư tá, chẳng phải hắn biết vẩy mực múa bút đó sao, sẽ thay ta hành văn viết biểu cũng được!
Tào Tháo dựa vào sở trường của từng người mà bổ dụng như thế khiến Tuân Úc cảm thấy khá thú vị, lại nghe Tào Tháo nói rằng:
— Văn Nhược, việc chinh thảo Viên Thuật, ngươi có cao kiến gì không?
— Nay đại quân vừa thua trận quay về, binh sĩ còn mỏi mệt, tàn dư của Trương Tú vẫn chưa trừ được hết, Nam Dương chưa định hẳn, không thể khinh dị mà xuất binh. Nếu minh công xuất binh đánh Thọ Xuân, Lã Bố vì thân gia mà kéo quân tập kích phía sau, như thế thành hai mặt thọ địch rồi! - Tuân Úc vuốt râu mà rằng, - Nếu hưng binh công chiến với chúng, chi bằng...
— Chi bằng mượn đao Lã Bố mà giết chết Viên Thuật! - Tào Tháo tiếp lời ngay, - Dù bên nào thắng, kẻ có lợi vẫn là chúng ta, hay nhất là để cho chúng đấu đá nhau đến lưỡng bại câu thương!
— Tại hạ cũng là ý ấy.
— Được! Hiện giờ Lã Bố là Phấn Uy tướng quân, ta sẽ gia phong thêm cho hắn một bậc, biểu tấu thăng cho hắn làm Đông Bình tướng quân.
Tuân Úc không khỏi suy nghĩ:
— Chỉ có một chức Đông Bình tướng quân, liệu có khiến hắn quyết liệt với Viên Thuật không? - Chức tướng quân này thực ra là hư danh chứ có gì đâu, chiến loạn đến nay đâu đâu cũng thấy tướng quân, thật ra chẳng có thực quyền gì cả, chỉ là chút vinh dự tượng trưng mà thôi.
— Ta tự có cách. - Nói đoạn, Tào Tháo rảo bước đến bên án cầm lấy bút, - Lã Bố hữu dũng mà vô mưu, ta sẽ đích thân viết cho hắn một phong thư coi như lôi kéo.
Tuân Úc cảm thấy hiếu kỳ mới xúm lại xem, chỉ thấy Tào Tháo viết: Tiễn tướng quân ở đồn Sơn Dương trót lỡ mất chiếu mệnh phong ấn. Nay, quốc gia chẳng có vàng tốt, đành tự lấy vàng của mình làm ấn, quốc gia chưa có dây lụa tốt, ta cũng tự lấy dây đai tía của mình buộc cùng để tỏ lòng...
Tào Tháo đang mắt nhắm mắt mở vờ như mù chữ hay sao vậy? Tháo hận Lã Bố đến tận xương tủy, đâu dễ tấu cho hắn quan chức được? Lại còn luôn miệng nói sứ giả làm mất chiếu mệnh ở Sơn Dương, đến cả bịa đặt cũng nể tình nể nghĩa đâu ra đấy. Tuy triều đình mới lập lại còn chưa giàu có gì, nhưng ấn vàng dây lụa thì vẫn có, thế mà Tào Tháo lại nói là lấy ấn vàng dây lụa nhà mình đem tặng Lã Bố.
Tuân Úc xem qua thấy buồn cười mới nói:
— Chỉ dựa vào một phong thư này mà có thể xóa bỏ khoảng cách với Lã Bố được sao?
— Lã Bố từng hành thích Đổng Trác, bất luận là vì công hay tư đều được xem là người có công với nước, hắn vốn có tước vị công hầu, nên hắn sẽ không theo kẻ tiếm nghịch như Viên Thuật mà đi quá xa. Trong khi đó giữa hai người bọn chúng cũng không phải không có khúc mắc. Ngày trước khi Lã Bố chạy khỏi Trường An vốn là định đi theo Viên Thuật, đâu ngờ người ta không những không thu nhận lại còn đuổi đi, còn nay đã chiếm được Từ Châu, Viên Thuật lại vội kết thân gia với hắn, mối quan hệ ấy liệu có lâu bền được chăng? Chẳng qua là Lã Bố muốn liên thủ với Viên Thuật để tự bảo vệ mình mà thôi, chứ kẻ địch mà chúng muốn chống lại chính là chúng ta đó. - Nói đến đây Tào Tháo khẽ cười nhạt, - Nếu chúng ta chủ động bắt tay với hắn, tạo cho hắn có cảm giác an toàn, hắn sẽ lơi lỏng phòng bị quay sang mà liên thủ với chúng ta, lúc đó Viên Thuật sẽ trở thành kẻ địch chung.
— Lã Bố hám lợi, nhưng chỉ e Trần Cung quỷ kế đa đoan. - Tuân Úc lại nhắc nhở.
— Không đáng ngại, khi xưa Ngô Vương Phù Sai có Ngũ Tử Tư tận trung phò tá, Sở Bá Vương Hạng Vũ có Phạm Tăng bày mưu tính kế. Tuy là có trí sĩ đấy nhưng không tin dùng mà nghe lời nói phải thì sẽ thế nào? - Tào Tháo thổi nét mực trên trúc giản, - Phong thư này tuy nhỏ nhưng còn hơn cả thiên binh vạn mã. Mau hỏa tốc phái người mang chiếu thư và phong thư này đến Từ Châu truyền chiếu chỉ, gia phong Lã Bố làm Đông Bình tướng quân.
— Vâng. - Tuân Úc lại bàn thêm rằng, - Nay triều đình có Phụng xa đô úy Vương Tắc vốn là đồng hương với Lã Bố, có thể sai người này đi truyền chiếu thư.
— Rất tốt. Còn nữa... - Tào Tháo lại nghĩ đến Lưu Bị, - Đưa thêm một phong thư đến cho Lưu Bị ở Bái huyện, tạm thời kêu hắn không gây chuyện với Lã Bố, chúng ta sẽ mượn đao giết người!
Trần Đăng đầu hàng xin theo
Lã Bố tuy anh dũng thiện chiến nhưng là kẻ có tâm phản phúc bất thường. Lã Bố nhận được chiếu thư và thư tay của Tào Tháo quả nhiên tin ngay là thật, liền vội phúc đáp chu toàn với Tào Tháo: “Bố là kẻ có tội, phận đáng chém đầu, xin chắp tay chờ lệnh, sau sẽ phong thưởng. Vừa mới nhận được chiếu thư lệnh bắt bọn Viên Thuật, Bố xin gắng mạng ra sức.”
Chỉ chưa đầy một tháng, Viên Thuật liền phái sứ giả là Hàn Dận đến Từ Châu, xin đón con gái Lã Bố về Hoài Nam để hoàn tất hôn sự. Lúc đầu Lã Bố còn do dự, hiềm là Trần Cung với Tào Tháo có mối thâm thù, nhưng đã chủ trương hai nhà kết thân, cuối cùng vẫn để Hàn Dận đưa con gái đi.
Đúng thời khắc quan trọng ấy, Bái Quốc tướng ngày trước là Trần Khuê đang sống nhờ ở Từ Châu đột nhiên lại xuất hiện. Trần Khuê từng từ chối nhận ngụy chức mà Viên Thuật trao cho vì sợ Từ Châu, Dương Châu kết thành một mối mà nguy hại đến thân mình nên chạy sang du thuyết Lã Bố rằng: “Tào công nghênh rước thiên tử, phò tá chính sự nước nhà, uy danh cái thế, binh mạnh tướng nhiều, chiến chinh bốn bể, tướng quân nên hiệp đồng mà mưu việc lớn, vun vén cho Thái Sơn vững vàng. Nay kết thân với Viên Thuật bằng hôn sự của con cái, thiên hạ không ai không xì xào bàn tán, mối nguy như trứng nằm dưới đá vậy.” Lã Bố nghe xong cũng lọt tai, lại liền đổi ý, mới lập tức phái người cho ngựa đuổi theo xe mà đòi con gái về, không những đoạn tuyệt hôn sự, lại còn đeo gông khóa cổ cả sứ giả Hàn Dận giải về Hứa Đô. Tào Tháo đem Hàn Dận ra chém bêu đầu ngoài chợ, rồi tấn phong cho Lã Bố làm Tả tướng quân, giục Lã Bố cần quyết liệt với Viên Thuật.
Viên Thuật nghe tin Hàn Dận chết liền nổi giận đùng đùng, lập tức phái Đại tướng Trương Huân cùng với phản tướng của triều đình mới về quy phụ là Dương Phụng, Hàn Tiêm đem quân tiến đánh Từ Châu. Trần Khuê lại hiến kế cho Lã Bố lung lạc hai người bọn Dương Phụng, Hàn Tiêm. Kết quả là Dương Phụng trước trận tiền đột nhiên quay giáo, Trương Huân bại trận ở Từ Châu, bộ tướng tổn thất hơn mười người, quân binh gần như chết sạch. Lã Bố thừa thế truy kích, đánh giết đến tận bên bờ sông Hoài, khiến Viên Thuật sợ chết khiếp chỉ cố tử thủ bên bờ nam mà không dám qua sông. Lã Bố đem tất thảy lương thảo tài vật của các quận huyện mà mình càn quét qua, cướp sạch mang đi, khi đi còn đích thân để lại bút tích nhục mạ Viên Thuật, đồng thời còn cho quân sĩ bên bờ bắc lớn tiếng chế giễu, mắng chửi, xỉ nhục một phen rồi mới cao tấu khải ca mà quay về. Thất bại trận này, Viên Thuật mới bắt đầu cảm thấy “long vị” mà hắn đang ngồi như trên thảm gai. Lã Bố tuy thắng đấy nhưng cũng tự nhiên rơi vào cạm bẫy của Tào Tháo, cuối cùng lại phái Trần Đăng con trai Trần Khuê đến Hứa Đô cầu kiến, xin phong chức Từ Châu mục.
Đối với nhà họ Trần, Tào Tháo cũng không dám xem thường. Bởi họ vốn là con cháu danh thần Trần Cầu ngày trước có công mưu đồ tru diệt hoạn quan Vương Phủ. Trần Khuê từng làm Bái Quốc tướng, là quan phụ mẫu ở quê nhà Tào Tháo. Lại có người em cùng cha khác mẹ với Trần Khuê là Trần Vũ cũng làm đến Thái thú Ngô quận, đã thống lĩnh quân đội nhiều lần đánh nhau với Viên Thuật, Tôn Sách ở Bành Trạch. Còn Trần Đăng tự Nguyên Long từng làm đồn điền cho Đào Khiêm ở Từ Châu, rất được nhân sĩ kính nể ngưỡng vọng. Nghe tin Trần Đăng tới, Tào Tháo vô cùng vui mừng, có ý lôi kéo, không những dẫn vào triều kiến thiên tử, còn mời riêng đến phủ bày yến tiệc khoản đãi.
— Nguyên Long, chắc ngài đến là vì chức vị Từ Châu mục cho Tả tướng quân. - Tào Tháo bước tới kéo Trần Đăng tới ngồi bên cạnh mình, đích thân rót rượu rồi mời.
Trần Đăng không chút khiêm nhường thản nhiên nhận lấy, lại nói thẳng không kiêng dè:
— Lã Bố tiểu nhân phản phúc, nói làm gì đến chức Tả tướng quân?
Tào Tháo giật mình suýt làm đổ rượu:
— Nguyên Long sao lại nói như vậy?
Trần Đăng nói thẳng:
— Thực không dám giấu, cha con tại hạ làm bề tôi nhà Hán, không đành chung hàng ngũ với kẻ tiểu nhân như Lã Bố, chuyến này đến Hứa Đô, cầu quan chức cho Lã Bố là giả, nhưng trợ giúp Tào công trừ giặc là thật.
Người giúp đỡ chủ động đến gõ cửa sao? Tuy nghe Trần Đăng nói vậy nhưng Tào Tháo vẫn cẩn thận, hỏi thăm dò:
— Lã Phụng Tiên vì nước trừ giặc, công lao còn đó, triều đình chưa có ý khép tội.
Trần Đăng nghe đoạn cười nhạt:
— Tào công cho rằng Từ Châu ta hết người rồi sao? Một kế ly gián cỏn con có thể qua mắt Lã Bố u muội, nhưng e không qua nổi mắt Trần Cung. Lúc trước bắt giữ Hàn Dận vốn không phải là chủ ý của Lã Bố và Trần Cung, mà chính là gia phụ du thuyết, ngài còn nhớ chứ?
— Ồ? - Tào Tháo vốn có ý lôi kéo Trần Đăng, nghe Đăng nói vậy mới xác nhận Trần Đăng là bạn chứ không phải địch, liền cười ha hả mà rằng, - Người ta thường bảo uống rượu vào sẽ nói lời chân thật, Nguyên Long một hớp rượu chưa uống, sao đã nói ngay lời thực như vậy?
— Minh công với tại hạ có rượu uống, nhưng gia phụ ở Từ Châu chưa chắc đã có rượu mà uống. - Trần Đăng nhìn chằm chằm vào Tào Tháo, tiếp tục thăm dò, - Lẽ nào minh công không muốn lấy Từ Châu cùng gia phụ luận bàn việc cũ nước Bái, cùng nhau uống một trận cho thỏa?
Tào Tháo quan sát tỉ mỉ Trần Đăng: Khuôn mặt vàng vọt nhợt nhạt, mày rậm mũi to, má chảy miệng rộng, râu rậm đen sì, mắt lộ hung quang, đôi mắt này không thể là của kẻ sĩ một lòng trung thành với triều đình, mà nhìn gần thì như con thú đói. Tào Tháo không nói gì, chỉ cúi đầu nhấp một hớp rượu rồi chậm rãi nói:
— Nay Viên Thuật ở Hoài Nam chưa bình định được, Trương Tú ở Nam Dương vẫn lăm le binh mã, triều đình vẫn chưa đủ sức chinh thảo Lã Bố, giờ bàn mấy việc này có sớm quá không?
— Tại hạ vốn có thành tâm thành ý đến, phải chăng Tào công quá đa nghi rồi? - Trần Đăng dằn mạnh chén rượu trên án, - Nếu Lã Bố cùng Viên Thuật lưỡng bại câu thương sẽ là chuyện hay nhất, về lâu dài, thế của Từ Châu tất sẽ lớn mạnh! Lang Nha tướng Tiêu Kiến cứ ngồi ôm các châu quận không nghe Lã Bố sai khiến, nhưng hôm trước mới nghe Lã Bố đánh bại Viên Thuật liền đem lương thảo sang tỏ ý quy phụ. Ngoài ra lại có đám thổ hào ven biển Thanh Châu như Tang Bá, Ngô Đôn, Tôn Quan cũng lần lượt gửi thư cho Lã Bố nguyện ý xin theo nghe lệnh. Thế sự mỗi ngày xoay chuyển liên tục, Viên Thuật đã coi như xong, nhưng Lã Bố lại ngồi vững ở Từ Châu. Triều đình chỉ ép chiếu mệnh không mà không thảo phạt, nay không đánh, mai không đánh, lẽ nào ngồi đợi để thiên lôi đánh tên giặc này?
Mấy câu này tuy có lộ ra không ít cơ mật của Lã Bố nhưng khẩu khí ngang tàng vô lễ. Tào Tháo từ khi nhậm làm Tư không đến nay, chưa có ai dám nói chuyện với Tháo như vậy. Thế nhưng đối mặt với tình thế hiện nay, cũng không thể trách cứ Trần Đăng được, Tháo vẫn nhún nhường mà hỏi:
— Vậy theo ý kiến của Nguyên Long, việc Từ Châu nên xử trí thế nào?
Trần Đăng giọng điệu ôn hòa trở lại:
— Nếu minh công chịu phong cho tại hạ một quận, tại hạ nguyện tập hợp binh tướng làm nội ứng cho triều đình cùng mưu tiêu diệt Lã Bố.
— Ồ? - Tào Tháo lại dò xét ánh mắt Trần Đăng. Hóa ra cũng là một phường dã tâm! Cha con hắn từng trợ giúp Lưu Bị làm chủ Từ Châu, nay đang đứng cùng thuyền Lã Bố lại với tay sang liên thủ với ta, rồi mưu cầu đất một quận, vậy ngày Lã Bố diệt vong không biết cha con hắn còn muốn gì nữa đây? Có điều đã đến bước đường này phải đi một bước dò một bước, trước hết đóng cái đinh này vào cái nêm bên cạnh Lã Bố, sau rồi để xem ý cha con Trần Đăng thế nào rồi tính tiếp. Nghĩ đến đó, Tào Tháo cúi đầu gắp một miếng cá, rồi nói, - Nguyên Long có thích ăn sốt cá không?
— Không thích, - Trần Đăng nói thẳng không kiêng dè, - Tại hạ thích ăn gỏi cá.
— Ăn gỏi cá chẳng phải sẽ tanh lắm sao?
— Đại trượng phu thân trong loạn thế, đao kiếm tanh máu còn chẳng sợ, huống hồ là mấy con cá?
Thật đúng là kẻ không biết sợ hôi tanh. Đã buộc phải dùng hắn, vậy cũng nên tỏ ra đại lượng một chút, Tào Tháo hỏi thẳng vào vấn đề:
— Nguyên Long muốn đất quận nào của Từ Châu?
— Tại hạ nguyện làm Thái thú Quảng Lăng. - Trần Đăng cũng thẳng thắn.
Tào Tháo nghe Đăng nói đến quận Quảng Lăng, cảm thấy Trần Đăng này quả cũng khác người: Thái thú Quảng Lăng vốn là Trương Siêu, em trai Trương Mạc. Vì Trương Siêu tham gia nghĩa quân chinh thảo Đổng Trác, nên Đổng Trác đổi cho Từ Châu công tào Triệu Dục ra tiếp nhận làm Thái thú Quảng Lăng. Lúc đó thủ hạ Đào Khiêm có tên là Tạc Dung, cũng là kẻ cuồng đồ coi trời bằng vung. Hắn từng đi qua đất Tây Vực, lấy danh nghĩa hoằng dương Phật giáo phù đồ tây phương, tập trung tiền bạc của ba đất Quảng Lăng, Hạ Phì và Bành Thành và ngầm chiêu binh mãi mã. Lần trước khi Tào Tháo công chiến Từ Châu, Tạc Dung không những không cứu, mà còn quay lại dẫn thủ hạ “phật giáo đồ” xuôi xuống phía nam giết chết Triệu Dục, rồi đốt, giết, cướp sạch sành sanh Quảng Lăng, sau lại giết Bành Thành tướng Tiết Lễ, Dự Chương Thái thú Chu Hạo, nhưng cuối cùng cũng bị Thứ sử cũ của Dương Châu là Lưu Do tiêu diệt. Nếu không nhầm thì Quảng Lăng là nơi tai ương chồng chất kể từ loạn Tạc Dung, thêm nữa hiện giờ ở đó lại nảy ra một tên hải tặc là Tiết Châu, giết người phóng hỏa vạn ác không từ. Mà quan trọng hơn nữa, vùng đất phía nam Hoài Hà của Quảng Lăng lại nằm trong phạm vi thế lực của Viên Thuật, Trần Đăng muốn có được thì thực tế cũng chỉ có nửa quận mà thôi.
Tào Tháo vốn cho rằng Trần Đăng mở miệng sẽ đòi lấy những vùng đất tốt, phì nhiêu như kiểu Bành Thành, nhưng không ngờ vừa mở miệng hắn lại muốn lấy mảnh đất mà đã bị tàn phá nghiêm trọng, nên Tháo giả bộ quan tâm hỏi han:
— Quảng Lăng bị tàn phá nặng nề, không phải là nơi có thể chiêu binh mãi mã, Nguyên Long một mình nhảy vào đất ấy nghe chừng khó thành đại sự.
— Không phải, không phải! - Trần Đăng nhìn Tào Tháo rồi tự rót rượu cho mình, hậm hực nói rằng, - Tại hạ là muốn dấy binh trừ giặc, không phải muốn làm quan trong cảnh thái bình. Kẻ giàu có thì mong trộm nhàn, kẻ bần cùng chẳng còn gì để mất, chỉ có phẫn nộ chung mới cử được đại binh. Sau khi tại hạ vào Quảng Lăng sẽ khuyến khích mùa vụ nông tang, giảm bớt thuế khóa, phân minh thưởng phạt, tiêu diệt hải tặc, thêm có uy vọng của phụ thân tại hạ, thì không quá một năm có thể khiến bá tính đang khốn cùng một lòng đi theo, lúc ấy dân chúng Quảng Lăng đã cam nguyện theo rồi, lại phối hợp với đại quân triều đình thì việc chinh thảo Lã Bố sẽ chỉ như trở bàn tay mà thôi! Lại nữa... Nếu không nhảy vào nơi khỉ ho cò gáy đó, Lã Bố há chẳng nghi ngờ tại hạ sao?
“Trần Đăng này quả không giống bọn chỉ biết mong nhàn, tiếc là người sinh sau muộn, nếu sớm mười năm thôi, e là cũng sẽ trở thành nhân vật còn khó dây hơn cả Lã Bố, Viên Thuật.” Tào Tháo tuy là đã yên tâm hơn về Trần Đăng, nhưng thấy hắn không những dám nói thẳng nói thật lại còn có vẻ quang minh lỗi lạc, nên mới hồ hởi đồng ý:
— Được! Mai ta sẽ tâu lên triều đình, bổ nhiệm ngài làm Thái thú Quảng Lăng.
— Tạ ơn Tào công. - Trần Đăng được như sở nguyện rồi mới đứng dậy thi lễ.
— Khoan đã! - Tào Tháo nắm lấy cổ tay Trần Đăng, - Lã Bố lòng lang dạ sói thực không thể nuôi lâu được, ngoài ngài ra không ai có thể hiểu tình hình của hắn hơn. Phụ thân ngài hiện ở Hạ Phì, du thuyết Lã Bố bắt giữ Hàn Dận cũng có công lao, nay tuy không còn tại chức, nhưng ban thêm cho hai ngàn thạch bổng lộc!
Thêm hai ngàn thạch là quan viên đứng đầu hàng cửu khanh mới được như vậy, Trần Đăng cũng không ngờ Tào Tháo dám phóng tay như vậy, liền vội từ chối:
— Tại hạ thấy như vậy cũng không cần thiết, gia phụ tuổi tác đã cao, sợ là sau này không còn đóng góp được gì cho triều đình nữa.
Nhưng Tào Tháo lại khoát tay vẻ phóng khoáng:
— Nguyên Long ngài giờ đã giữ chức Thái thú, bổng lộc của lão nhân gia lẽ đâu lại thấp hơn được? Hơn nữa lại như vừa mới nói đó, ngày ta lấy được Từ Châu sẽ phải cùng gia phụ ngài uống một phen cho đã, phần bổng lộc này coi như tiền rượu vậy.
— Nếu đã như vậy, cha con tại hạ xin xấu hổ mà lĩnh nhận. - Trần Đăng không chối từ nữa.
Quan chức đã phong, tiền cần dùng cũng đã dùng rồi, bây giờ Tào Tháo mới lại nghĩ đến Lã Bố:
— Cha con ngài đều đã được phong thưởng, vậy tạm thời ta sẽ biểu tấu cho Lã Bố làm Từ Châu mục, giả ý tốt đó để an lòng hắn.
— Việc này nhất thiết không được! - Trần Đăng ngăn lại, - Lã Bố không hy vọng được gì ở phía đông, vì hắn đoạt đất của Lưu Bị nên danh phận có cũng như không, nhưng vây cánh cũng nhiều, kiêm có Tịnh Châu, Duyện Châu, Từ Châu, bọn bộ hạ cứ tranh nhau chưa thống nhất. Nếu minh công trao cho hắn ấn Từ châu, thì hắn lại được tiếng là danh chính ngôn thuận. Huống hồ minh công là phụng mệnh thiên tử, sau này tất sẽ phải thảo phạt Lã Bố, lúc ấy há chẳng phải thành ra triều đình tự đấu đá lẫn nhau sao?
Lã Bố phái Trần Đăng đến để đòi chức Từ Châu mục, không ngờ Trần Đăng lại ngăn cản việc này, điều này khiến Tào Tháo thấy khá nực cười:
— Nguyên Long, tự nhiên ta cũng không muốn gia phong cho Lã Bố nữa, nhưng ngài vì việc này mà đến, giờ cha con ngài đều đã được thăng thưởng, nếu chỉ còn việc của Lã Bố mà lại không xong, há chẳng phải sẽ khiến hắn sinh nghi kỵ, hoặc vạ đến an nguy của tính mạng sao? Nếu chức Từ Châu mục không thỏa, vậy chức Tả tướng quân thăng lên cho hắn một bậc thì thế nào?
— Chức gì cũng không cần thêm cho hắn. - Trần Đăng khẽ cười nhạt, - Việc này cũng chẳng có gì, gặp Lã Bố tại hạ tự khắc có cách nói.
— Ủa? - Tào Tháo có chút hiếu kỳ, - Nên nói thế nào mới được, lão phu xin rửa tai lắng nghe.
Trần Đăng vui vẻ ngồi xuống, chủ động rót rượu đầy chén mời Tào tháo, rồi cười mà bảo:
— Đợi tại hạ quay về gặp Lã Bố, nếu hắn có giận tại hạ sẽ nói lừa hắn. Sẽ nói là tại hạ nói với ngài rằng: “Có Lã tướng quân như nuôi được hổ vậy, nhưng phải cho ăn no, nếu không no sẽ cắn người”, mà minh công ngài thì đáp lại là: “Không như ngài nói đâu. Có Lã tướng quân như nuôi được chim ưng vậy, đói thì vẫn dùng được, no rồi sẽ vỗ cánh mà đi. Cáo thỏ chưa hết, vẫn chưa thể để chim ưng bay đi được”. Lã Bố tự phụ anh dũng thiên hạ có một không hai, nếu nghe lời này tất sẽ cho rằng minh công coi trọng tin tưởng hắn và hắn sẽ sợ việc qua lại đối đãi nhau như vậy không được lâu bền mà dẫn đến không lấy được Từ Châu. Lúc đó hắn còn muốn mưu hại tại hạ được sao? Ha ha ha!
Tào Tháo cũng cười, cười đến nỗi rớt cả rượu ra tay:
— Lã Bố không chỉ vô mưu, mà còn không có mắt nữa, phái ngài đến vì chức Từ Châu mục, há chẳng phải lại là nhường cho ta sao? - Nói đoạn ngửa mặt nâng chén rượu uống cạn, rồi nắm chặt tay Trần Đăng mà bảo, - Nguyên Long, việc phía đông đó ta giao hết cho ngài, nhất cử nhất động của Lã Bố cứ kịp thời cho người bẩm báo với ta.
— Vâng! - Trần Đăng đáp ngay, nhưng lại có đề xuất nữa, - Còn hai việc nữa mong minh công soi xét. Dương Phụng, Hàn Tiêm có thù với minh công, giờ đã quay giáo về dưới trướng Lã Bố, bọn chúng vốn là đồng hương Tịnh Châu, về lâu dài sẽ nhiều bất lợi với triều đình, mong minh công tính cách sớm trừ đi!
— Việc ấy không khó, có thể giao cho Lưu Bị xử lý. Còn có chỗ khó nào nữa, ngài cứ nói rõ đừng ngại.
— Việc đánh Viên Thuật nên sớm, không nên trì hoãn quá lâu, nay còn Tôn Sách là con trai Tôn Kiên đang hoành cứ đất Giang Đông nữa. Thứ sử Dương Châu Lưu Do mấy lần binh bại, đã bệnh mà mất ở Bành Trạch, thúc phụ tại hạ là Thái thú Ngô quận Trần Vũ tạm cầm quyền mà dẫn quân sót lại hơn nghìn người miễn cưỡng cầm cự, hiện vẫn chưa thể hơn thua với Tôn Sách. Ngày Viên Thuật tiếm vị, Tôn Sách cũng viết thư tuyệt giao. Nay nếu muốn đánh Viên Thuật, minh công nên cho Thứ sử Dương Châu đến nhậm lại chức, cùng thúc phụ tại hạ hợp nhất một chỗ, một là cùng dụ Tôn Sách làm ngoại viện mới cùng mưu đánh Viên Thuật, hai là cũng nên gây dựng lại binh mã để còn kiềm chế Tôn Sách, đảm bảo việc ở phía nam, triều đình không gặp trở ngại gì.
— Tôn Bá Phù anh dũng uy vũ không thua kém cha hắn, sớm muộn cũng sẽ trở thành mối lo của triều đình! - Tào Tháo đối với Tôn Sách cũng có chút kiêng dè, Tôn Sách mới hơn hai mươi tuổi nhưng đã chiếm cứ một vùng Giang Đông, tiền đồ xán lạn không thể biết trước được, trước sau sẽ trở thành một đại địch bên ngoài Hà Bắc với Viên Thuật. Nhưng hiện Trung Nguyên chưa định, thì Giang Đông cũng là nơi roi dài mà với chưa tới, chỉ có thể lôi kéo từ từ mà thôi.
— Hừm! Tại hạ thấy Tôn Lang nhãi nhép cũng chỉ bình bình vậy thôi. - Trần Đăng cơ bản không coi Tôn Sách ra gì, - Nếu tại hạ cát cứ Quảng Lăng rồi, tây thông với đại quân triều đình, nam nối với quân Dương Châu của thúc phụ, cũng đủ ngăn hắn bên ngoài Giang Hoài.
— Việc Tôn Sách tạm thời không vội, trước tình thế hiện tại chỉ có thể viện trợ cho Giang Đông chứ không thể đối địch. - Lúc này Tào Tháo không phải không tin vào khả năng của Trần Đăng, mà hoàn toàn ngược lại, chỉ là Tháo cảm thấy Trần Đăng tinh thần đang quá hăng hái, - Việc này ta sẽ bàn tính thêm cùng Tuân lệnh quân, tranh thủ chọn người văn võ song toàn đến Dương Châu tiếp nhận làm Thứ sử Dương Châu, Nguyên Long không cần lo lắng nhiều.
Trần Đăng cơ hồ nhìn ra được ý tứ cảnh giác của Tào Tháo, bề tôi mà không khéo léo sẽ mất mạng như chơi, đạo lý này đương nhiên Trần Đăng hiểu rõ, Đăng mới buông chén rượu xuống mà tự giễu rằng:
— Tại hạ thực không có ý gì khác, chẳng qua là có nguyện vọng, muốn cùng con hổ Giang Đông này so tài một phen.
Tào Tháo tiếp lời mà rằng:
— Nếu có thể ngày một ngày hai bình định tiêu diệt được Viên Thuật, Lã Bố, thì nguyện vọng này của Nguyên Long sẽ sớm có cơ hội thực hiện đó!
Trần Đăng nhận ra Tào Tháo đã quay lại chủ đề cũ, vội vàng nâng chén:
— Trời cũng không còn sớm nữa, tại hạ xin được kính minh công chén này. Mong minh công sớm quét sạch chư hầu, chấn chỉnh lại thiên hạ!
— Nguyên Long nói thế sai rồi. - Tào Tháo nhìn Trần Đăng đầy ý vị rồi đột nhiên cười khà khà mà sửa lại rằng, - Nên là quét sạch cát cứ nổi loạn khắp nơi, phục hưng thiên hạ nhà Hán.
— Tại hạ nhất thời lỡ miệng. - Trần Đăng tuy nói thế nhưng trong mắt nhìn Tháo vẫn tỏ vẻ khinh đời ngạo thế.
Trần Đăng đi rồi, Tào Tháo vẫn đứng lặng mãi như chôn chân trong sân ngắm nhìn bầu trời muôn vàn vì sao đang lấp lánh. Thời buổi loạn thế này cũng giống như màn đêm đen trên bầu trời, mà quần hùng còn đang chinh chiến liên miên khắp nơi kia cũng như các vì tinh tú khắp trời. Có ngôi sao thì chiếu rọi bốn phía, có ngôi lại u ám mờ nhạt, có ngôi dường như thoắt ẩn thoắt hiện. Chiếu rọi bốn phía như đám Viên Thiệu, Lã Bố; u ám mờ nhạt thì như bọn Viên Thuật, Trương Tú, còn thoắt ẩn thoắt hiện thì có thể chính là loại như Trần Đăng này chăng! Giờ có vẻ đang ẩn dưới trướng Lã Bố, nhưng rồi sẽ có ngày phát lộ ánh sáng rạng rỡ. Nghĩ đến đây Tào Tháo chợt cảm thấy tự ti mặc cảm, thân tuy là chủ tể nơi triều đình, đường đường là tam công, thế mà lại phải đi thỏa hiệp với một kẻ thấp bé như Trần Đăng, nhờ vả hắn chuyện ở miền đông. Rời Hứa Đô rồi, chức Tư không này còn gì uy tín để nói nữa?
Nghĩ đến đây Tào Tháo chỉ biết mỉm cười nhăn nhó, nhưng rồi chợt thấy mây khuất sương tan, vầng trăng trong sáng hiện ra giữa màn đêm. Tào Tháo như ngộ ra tất cả: “Trăng sáng đó nhưng không át ánh sao, muôn sao chiếu rọi xung quanh nhưng trăng kia vẫn sáng mãi, tại sao Tào mỗ ta cứ phải duy ngã độc tôn khiến quần tinh mờ nhạt đi chứ? Sao không như vầng trăng kia, để tất cả tinh tú đều vây quanh rồi tỏa sáng? Hà tất cứ phải coi bọn Trần Đăng, Lưu Bị như kẻ địch chưa lộ diện, chỉ cần ta có thể mãi như vầng trăng kia, cứ để cho bọn họ tỏa sáng xung quanh thì có gì không được? Một người chẳng thể nào bình định được thiên hạ này, để cho người khác có cơ hội thực hiện chí lớn cũng là tự dành cho mình cơ hội...”
Nghĩ vậy, tâm trạng Tào Tháo cũng thoải mái trở lại. Giờ việc phải làm là phái Thứ sử đến Dương Châu liên kết với Tôn Sách, hoàn tất việc bao vây tên ngụy đế Viên Thuật, sau đó đích thân cho hắn một đòn chí mạng, vớt vát lại tiếng tăm đã mất ở Uyển Thành.
Thất bại ở Uyển Thành là vết thương không thể chữa lành trong lòng Tào Tháo, cứ nghĩ đến Uyển Thành là Tháo lại nghĩ đến đứa con trai Tào Ngang đã chết, không biết lúc này Đinh thị còn giận mình nữa hay không?
Trời đã muộn rồi, cũng nên đi nghỉ thôi. Tào Tháo không gọi kẻ hầu người hạ mà lặng lẽ đi vào hậu viện. Từ xa, thấy buồng Đinh thị vẫn sáng đèn, từ trong buồng vọng ra tiếng khung cửi lúc thưa lúc nhặt. Con trai đã không còn nữa, nàng còn dệt áo dệt vải cho ai?
Đây là nơi ở của Tư không phu nhân, bên trong giản dị không hề hào nhoáng, bình thường thậm chí đến kẻ hầu người hạ hay a hoàn cũng không cần tới, mọi việc Đinh thị thảy đều tự làm. Chiếc khung cửi là tất cả cuộc sống của phu nhân, vinh hoa phú quý đã đủ, cũng không biết hằng ngày vất vả dệt vải làm gì nữa?
Đã lâu lắm rồi Tào Tháo không qua đêm cùng Đinh thị, hai hay ba năm gì đó, Tháo cũng không còn nhớ nữa. Những lúc này, trong một đêm vương vấn những ưu sầu thương cảm, chỉ có người vợ này mới có thể cùng Tháo sẻ chia nỗi đau mất con. Tháo giơ tay khẽ đẩy cửa buồng, phát hiện ra cửa đã khóa, mới nhỏ giọng khẽ gọi:
— Phu nhân, mở cửa! Ta tới...
Tiếng thoi suốt đột nhiên ngưng bặt, nhưng lại không thấy Đinh thị ra mở cửa.
— Phu nhân, nàng vẫn còn cố chấp với ta sao? Việc của Ngang nhi là ta đã sai. Đồ đáng chết ta đã hại chết con của nàng, ta đáng bị băm vằm trăm mảnh, thân là cha nó, lẽ nào ta không đau đớn. Nàng không thể mở cửa nhìn ta một chút sao?
Một hồi rất lâu, cửa vẫn không mở, Tào Tháo còn định nói tiếp, liền thấy đèn vụt tắt.
“Hầy dà... Người đã chết rồi cũng đâu thể sống lại được nữa, dứt tình cũng không dễ mà vãn hồi trở lại. Hoặc giả, thật đúng như hôm đó nàng đã nói, tuy là phu nhân quyền quý đấy, nhưng ngoài con trai ra, nàng đâu còn để ý đến thứ gì, để ý đến ai nữa. Giờ Ngang nhi đã không còn, nàng cũng mất đi tất cả, nàng không còn gì nữa.” Tào Tháo thở dài buồn bã, cảm giác buồn ngủ cũng hết, Tháo lại quay ra sảnh đường, tiếp tục xử lý đống công việc còn đang chất cao như núi. Tháo dần ý thức được rằng, ngoài chút tình cảm rung động giữa đàn ông đàn bà, cuộc sống gia đình bình thường đúng nghĩa có lẽ thực sự không còn với mình nữa. Đời người luôn có được và mất, được cái này phải hy sinh cái khác, mà lựa chọn của Tào Tháo sau trước vẫn là chiến trường và vị trí trên triều đường.
Còn cảm giác lương tâm cắn rứt với chính thất? Trong sự bộn bề giữa ngày này qua ngày khác cũng sẽ dần lắng xuống thôi...
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 4 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 4 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 4