Always read something that will make you look good if you die in the middle of it.

P.J. O'Rourke

 
 
 
 
 
Tác giả: Mộng Bình Sơn
Thể loại: Trung Hoa
Upload bìa: Lam Thien Thanh
Số chương: 75
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 11215 / 75
Cập nhật: 2014-11-20 23:22:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 72
oàng Phủ Kính thất kinh, bước ra quỳ tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, Chỉ vì họ Mạnh muốn cứu chồng và một lòng thủ tiết, nên bất đác dĩ phải cầu công danh, chớ không phải dám khoe khoang tài học. Vả chăng từ lúc họ Mạnh ra làm quan đến giờ chưa hề Phạm pháp, chỉ có lập đại công mà thôi. Lại nữa, con trai của hạ thần là Hoàng Phủ Thiếu Hoa khi trước đã tình nguyện đợi họ Mạnh về mới chịu thành thân cùng Lưu Yến Ngọc, cho nên đến nay vẫn chưa đồng sàng. Nếu bây giờ họ Mạnh kia chết đi, tức dòng dõi hạ thần phải bị tuyệt, xin bệ hạ thưong tình tha thứ cho.
Mạnh Sĩ Nguyên cũng vập đầu xuống tâu:
- Muôn tâu bệ hạ. Con gái hạ thần vì thủ tiết thờ chồng mà bất đác dĩ phải hành động khi quân. Vả lại, vợ của hạ thần thương yêu con gái lắm, nên từ khi có Mạnh Lệ Quân giả đến nay, bịnh cũ phát lại rất thùy nguy. Xin bệ hạ thương tình tha thứ cho Mạnh Lệ Quân thì vợ chồng của hạ thần mới toàn tánh mạng.
Mạnh Sĩ Nguyên tâu vừa dứt lời thì Mạnh Gia Linh đã quỳ xuống tiếp:
- Muôn tâu bệ hạ. Lão mẫu của hạ thần vì quá thương con gái, nên từ khi Thánh thượng giáng chỉ hạn trong một tháng Trung hiếu vương phải làm lễ thành hôn với Mạnh Lệ Quân giả, thì lão mẫu hạ thần lâm bịnh triền miên; vạn tử nhứt sanh. Nếu nay, bệ hạ đem chém Mạnh Lệ Quân, tất nhiên lão mẫu của hạ thần phải vong mạng. Cúi xin bệ hạ ân tha cho Mạnh Lệ Quân, thì cả nhà của hạ thần đội ơn bệ hạ như trời biển, muôn đời chẳng dám quên.
Mạnh Sĩ Nguyên lại lên tiếnbg tâu tiếp:
- Muôn tâu bệ hạ! Nếu nay con gái của hạ thần chết, tất nhiên vợ của hạ thần phải chết theo và con trai của hạ thần đây vốn thuần hiếu, nên thương em xót mẹ sẽ không tài nào sống được. Xin bệ hạ mở lượng biển trời ân xá và giáng chỉ từ hôn cho, thì hạ thần đội ơn muôn thuở.
Mạnh Sĩ Nguyên tâu vừa dứt lời, những môn sanh của Mạnh Lệ Quân như Dư Toán, Thôi Phàn Phụng, Cừu Huệ Lâm đều quỳ xuống một lượt đồng thanh tâu xin. Nhưng vua Thành Tôn khoa tay, cắt dứt lời tấu phán:
- Nãy giờ các khanh cố tình rỗi tấu, nhưng đó chỉ là tình riêng cá nhân với nhau thôi, chớ không phải chánh luận. Xưa nay công pháp bất vị thân, trẫm quyết không thể nào dung thứ được.
Vua Thành Tôn nói dứt lời, nạt võ sĩ truyền dẫn Mạnh Lệ Quân ra Ngọ môn trảm quyết, nhưng Mạnh Lệ Quân mặt không đổi sắc, ung dung bước theo võ sĩ.
Lúc ấy Hoàng Phủ Thiếu Hoa trong lòng rối loạn, lật đật quỳ xuống để tâu xin, chẳng dè chàng bịnh vừa mới khỏi, lại thêm quá kinh tâm, nên run rẩy ngã lăn ra chết giấc, đôi mắt trợn ngược, hàm răng cắn chặt, tay chân cứng đờ. Hoàng Phủ Kính kinh hồn lạc phách, ôm Thiếu Hoa vào lòng, khóc rống lên:
- Con ôi! Hãy mau tỉnh dậy, nếu con có bề gì thì chắc cha đây không thể nào sống nổi con ôi.
Vua Thành Tôn thấy tình cảnh như vậy, trong lòng cũng hơi khiếp, liền hối nội giám lấy nhơn sâm đem đổ cho Thiếu Hoa . Nội giám vâng lịnh. Trong giấy phút, Thiếu Hoa cựa mình tỉnh dậy.
Vua Thành Tôn chưa kịp phán lời chi, đã thấy nội giám quỳ xuống tâu:
- Muôn tâu bệ hạ. Có chiếu ân xá của Hoàng Thái hậu đến.
Vua Thành Tôn xem chiếu ân xá của Hoàng Thái hậu, rồi nghĩ thầm:
“Ta vì chút tình riêng mà nóng giận, chứ xét cho kỹ thì không nên bắt tội. Nhưng nàng đã không kể đến cái công dầm mưa dãi gió của ta hôm ấy thì quả là con người bạc tình! Nếu nay ta tha nàng, thế nào nàng cũng cười thầm ta”.
Nghĩ rồi, vua Thành Tôn truyền chỉ:
- Nay vì có lệnh của Hoàng Thái hậu, trẫm phải tạm xá tội cho Mạnh Lệ Quân, hãy đem giam vào ngục thất, chờ ba ngày sau sẽ đem hành hình.
Võ sĩ y lệnh, còn vua Thành Tôn thì tuyên bố bãi triều, di giá hồi cung.
Lúc ở nhà, Mạnh Lệ Quân đã đoán biết trước thế nào mình cũng bị giam nên nàng đem con Vinh Lang theo vào trong ngục thất để hầu hạ nàng. Thủ ngục quan bèn dọn riêng một căn phòng cho hai thầy trò ở.
Khi bãi triều, Mạnh Sĩ Nguyên vội vào ngục thăm Mạnh Lệ Quân và khuyên giải:
- Con chớ sợ hãi, để sau ba ngày đây chúng ta sẽ tìm cách bảo tấu cho con.
Mạnh Lệ Quân lại căn dặn Mạnh Sĩ Nguyên:
- Khi thân phụ về nhà, chớ nên nói với thân mẫu con rằng con bị giam lại trong ba ngày rồi mới đem ra hành quyết. Người có thể buồn rầu, nguy đến tánh mạng!
Mạnh Sĩ Nguyên gật đầu khen phải, rồi lui về phủ. Vừa về đến nhà, Hàn Phu nhơn đã hỏi:
- Chẳng hay việc Mạnh Lệ Quân dâng biểu xin cải trang ra thế nào?
Mạnh Sĩ Nguyên thuật lại đầu đuôi, nhưng chỉ nói giam Mạnh Lệ Quân lại trong ba ngày sẽ giải quyết sau, chứ không nói đến việc hành hình, thành thử Hàn Phu nhơn cũng an lòng. Còn Tố Hoa khi hay được tin ấy thì khóc òa lên, nói:
-Xưa nay hai mẹ con tôi chịu ơn họ Mạnh rất dày, nếu nay Mạnh Tiểu thơ có bề gì, tôi đây cũng không thể nào sống một mình được!
Lương Thừa tướng liền khuyên giải:
- Mạnh thị đã được hoãn cấm vào ngục, tất nhiên tánh mạng chẳng hề chi, con chớ nhọc lòng lo sợ.
Tố Hoa vội vã vào phòng sửa soạn mùng nệm, bạc tiền, thuốc men cùng các vật dụng, sai gia tướng đem thẳng vào ngục trao cho con Vinh Lang để phòng ứng dụng.
Mạnh Lệ Quân thấy vậy vô cùng cảm kích, lên tiếng khen:
- Dầu cho vợ chồng thiệt chưa chắc đã cư xử được như vậy, nàng đối với ta thật tử tế quá!
Nhắc qua cha con Hoàng Phủ Kính về đến phủ đã thấy Doãn Phu nhơn và Tô Đại nương đón hỏi. Hoàng Phủ Kính thuật rõ đầu đuôi cho nội nhà nghe. Giang Tam Tẩu nghe nói không bằng lòng, vội vào trong phàn nàn với Lưu Yến Ngọc:
- Ai bảo tiểu thơ bày diệu kế làm chi cho người ta vào tâu cùng Hoàng hậu cởi giày khám nghiệm. Bây giờ đây, nếu sự việc êm xuôi thì Tô Yến Tuyết kia cũng trên bực tiểu thơ rồi đó!
Lưu Yến Ngọc đáp xuôi:
- Ta chỉ cầu cho yên phận thì thôi, chớ nên oán trách.
Nói qua Hoàng Thái hậu, khi ban chiếu ân xá, sai nội giám đem vào triều thì một lát sau thấy nội giám về tâu:
- Thánh thượng chưa chịu ân xá, chỉ truyền đem giam Lệ Thừa tướng vào ngục thất, đợi ba ngày sau sẽ đem ra hành hình.
Trưởng Hoa Hoàng hậu nghe nói mặt mày biến sắc. Thái hậu hiểu ý, liền tỏ lời khuyên nhủ:
- Hoàng hậu! Con đang mang thai trong người, chớ nên ngồi lâu bất tiện, vậy con hãy về cung an nghỉ, việc họ Mạnh đã có ta đây. Bề gì Thánh thượng phải tha thứ, con chớ nhọc lòng lo lắng.
Trưởng Hoa Hoàng hậu tâu:
- Cả nhà Hoàng Phủ chịu ơn họ Mạnh rất dày, nếu nay họ Mạnh chưa được tha, thì làm sao con có thể an tâm trở về cung được.
Trưa hôm ấy, Hoàng Thái hậu hay tin vua Thành Tôn đã về cung, liền sai nội giám triệu vua đến bảo:
- Tuy Mạnh Lệ Quân là một nữ lưu, song tài năng xuất chúng . Chỉ một tay nàng đã làm cho tổ quốc thanh bình, triều thần hòa thuận, dẹp được gian thần, giữ yên bờ cõi. Còn ta đây được sống sót đến ngày hôm nay cũng nhờ ơn nàng ra tay cứu chữa. Hơn nữa, nàng là một nữ nhi trinh liệt, trên đời ít có, đáng cho mọi người khâm phục. Con đã làm bực thánh quân, phải có tấm lòng rộng rãi, kíp tha nàng đi mới phải, đồng thời cho phép nàng được kết duyên cùng Hoàng Phủ Thiếu Hoa . Cớ sao con lại đem nàng giam cầm vào ngục thất, chính mẹ đây cũng không biết con có ý gì mà hành động như vậy.
Vua Thành Tôn lúng túng không biết trả lời sao cho phải, đành chấp tay thưa:
- Con xin vâng mạng mẫu hậu để sáng mai con sẽ tha nàng.
Trưởng Hoa Hoàng hậu thấy vua Thành Tôn bằng lòng, liền đứng dậy tạ ơn rồi lui về cung, còn vua Thành Tôn trở ra Thiên điện, ngồi nghĩ thẹn thầm:
“Mình là một vị Thiên tử mà lại tham tình trăng gió, đến khi không thực hiện được lại đem lòng oán hận, ỷ quyền uy giam người vô tội, thì làm sao thiên hạ phục ta được”.
Càng nghĩ, vua càng cảm thấy hổ thẹn, nên sáng hôm sau vua không ngự ra triều, chỉ thảo chiếu sai nội giám đem vào ngục xá tội cho Lệ Minh Đường.
Nội giám vâng lịnh, lãnh chiếu, lên ngựa thẳng vào ngục thất, ngục quan liền dọn bàn hương án cho Mạnh Lệ Quân tiếp chỉ.
Chiếu chỉ như sau:
“Thừa tướng Lệ Quân Ngọc nguyên là nàng Mạnh Lệ Quân giả trang, chiếu theo phép nước thì tội ấy khó dung, lẽ ra phải xử quyết, để răn kẻ khác. Nhưng xét vì họ Mạnh có công với xã tắc, mấy phen làm cho quốc thái, dân an, lại rành nghề y học, đã từng cài tử hoàn sanh cho Hoàng Thái hậu, rộng lượng tha thứ cho được toàn sanh vô tội.
“Cho phép Mạnh Sĩ Nguyên được đem Mạnh Lệ Quân về gả cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa làm chánh thất. Hạn đến ngày ba mươi tháng tám, phải cử hành xong lễ thành hôn.
“ Còn nàng Mạnh Lệ Quân giả ở Vân Nam cũng được ân xá cho vô tội, các đồ sính lễ phải giao trả lại cho Vương phủ.
Sau khi nội giám đọc chiếu xong, Mạnh Lệ Quân cúi lạy tạ ơn. Rồi nội giám lại đem tờ chiếu ấy đến trình với Hạng Long.
Hạng Long từ lúc hay tin Mạnh Lệ Quân thiệt xuất hiện thì nghĩ lấy làm hối hận, sợ hãi vô cùng, muốn trốn thoát để tránh tai vạ, nhưng nghĩ lai lịch của mình đã rõ ràng, nếu có trốn cũng không khỏi, nên buộc lòng phải ở đó chờ triều đình phân xử. Cho nên khi Hạng Long tiếp đặng chiếu ân xá thì lòng mừng khấp khởi, bèn cậy An Tri huyện lo thương nghị cùng Doãn Thượng Khanh đặng giao trả đồ sính lễ.
Lâu nay, An Tri huyện được Hạng Long hậu đãi nên cũng ráng sức lo cho xong xuôi công việc. Lúc bấy giờ, Hạng Long nghĩ giận cho vợ chồng Hầu Ngũ lắm, vì hắn xúi giục khiến cho mình tham phú quý, chuốc lấy cái nhục vào thân.
Sau đó Hạng Long gom góp tiền bạc, trở về quê vũ an phận làm ăn. Về sau, nghe đâu Hoàng tử của nước Triều Tiên đến mua nàng Hạng Nam Kim về làm vợ. Thế là cái ước vọng lấy chồng vương tước của nàng cũng được đắc kỳ sở vọng.
Nhắc lại khi Mạnh Sĩ Nguyên hay tin Mạnh Lệ Quân được tha rồi, vội vã sai gia tướng đem kiệu rước về, đồng thời gởi tặng cho Thủ ngục một trăm lượng bạc.
Khi Mạnh Lệ Quân về đến nơi, Hàn Phu nhơn chạy ra ôm vào lòng khóc nức nở. Sau đó, Mạnh Lệ Quân vào phòng cải dạng nữ trang rồi bước ra làm lễ tương kiến.
Phương thị thấy thế mỉm cười, nói:
- Cô nưong làm việc gì cũng lanh lợi hơn người, nhưng cớ sao đã đến bây lớn mà chưa xỏ lỗ tai.
Hàn Phu nhơn cười, rước lời đáp:
- Chỉ vì thuở bé nó hay sợ đau nên không nỡ xỏ, nay nó đã trưởng thành, dù có đau cũng phải ráng chịu, chứ chẳng lẽ để vậy thì sao cho ra con gái?
Nói rồi, bà ta lấy đồ xỏ lỗ tai cho Mạnh Lệ Quân. Lúc ấy con Vinh Lang cũng đã cải trang xong, nội nhà xúm lại chuyện trò vui vẻ.
Mạnh Lệ Quân nói với Mạnh Sĩ nguyên và Mạnh Gia Linh:
- Xin thân phụ và thân huynh hãy mau mlau qua mời cha con Võ hiếu vương qua tạ ơn Lương Thừa tướng, vì người đã trọng đãi con bấy lâu nay, với lại con gái người là Tô Yến Tuyết đã cùng con tình nguyện thờ một chồng là Hoàng Phủ Thiếu Hoa, vậy thân phụ cũng nên nói trước.
Mạnh Sĩ Nguyên khen phải, rồi cùng Mạnh Gia Linh lên kiệu ra đi.
Nói về Tô Hoa, từ khi Mạnh Lệ Quân bị giam vào ngục thất, nàng buồn rầu khôn xiết, lúc nào cũng khóc lóc không ngưng giọt lệ, nên khi Lương Thừa tướng hay tin Mạnh Lệ Quân được ân xá và cho phép kết duyên cùng Trung hiếu vưong thì lật đật về nói cho Tố Hoa hay, Tố Hoa mừng rỡ thưa:
- Con đã tình nguyện cùng tiểu thơ cùng nhau thờ một chồng, vậy mong nhờ nghĩa phụ tác hợp cho.
Lương Thừa tướng nói:
- Để rồi đây ta sẽ vào tâu cùng Thánh thượng giáng chỉ cho con được lmà chánh thất.
Thừa tướng nói đến đây, bỗng thấy nữ tỳ vào báo:
- Có cha con Võ hiếu vương và cha con Mạnh Thượng thơ xin vào yết kiến.
Lương Thừa tướng lật đật chạy ra nghinh tiếp vào phân ngôi chủ khách, tiếp đãi ân cần. Trà nước xong, Mạnh Sĩ Nguyên lên tiếng nói:
- Bấy lâu nay tiện nữ lừa dối Thừa tướng, thật tội ấy rất nặng. Nay Thừa tướng thương tình xá tội cho, nên cha con tôi đến đây hầu bái tạ.
Nói rồi, quỳ mọp xuống đất. Cha con Võ hiếu vương cùng đồng quỳ xuống nói:
- Con dâu nhà Hoàng Phủ tôi vẫn đắc tội cùng Thừa tướng, nay chúng tôi cùng đến đây tạ tội xin Thừa tướng tha thứ cho.
Lương Thừa tướng thấy vậy, liền quỳ xuống đáp lễ rồi cùng đứng dậy mời ngồi. Đoạn, Lương Thừa tướng nói:
- Tôi không ngờ hai nàng đều là kẻ trinh bạch, trên đời ít có, lại nguyện thờ chung một người quân tử. Tôi đây cũng lấy làm hân hạnh, được ngưòi rể như Trung hiếu vương thì còn gì vui sướng cho bằng. Vậy để tôi vào tâu cùng Thánh thượng đặng xin người giáng chỉ tứ hôn.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa đáp:
- Mong ơn Thừa tướng thương tình, chớ kẻ hèn này đâu dám sánh vai cùng một vị thiên kim tiểu thơ, con của Thừa tướng.
Lương Thừa tướng vuốt râu cười nói:
- Việc lương duyên là do nơi trời định nên mới có hoàn cảnh đặc biệt đến thế, hà tất Trung Hiếu vương phải khiêm nhường làm gì?
Hoàng Phủ Kính và Mạnh Sĩ Nguyên đồng đứng dậy nói:
- Nếu Thừa tướng đã có lòng cố chấp, xin hãy nhận cho Trung hiếu vương làm lễ.
Hai người nói vừa dứt lời, đã thấy Hoàng Phủ Thiếu Hoa khép nép bước đến lạy Lương Thừa tướng. Lương Thừa tướng đỡ chàng dậy rồi cùng với Hoàng Phủ Kính và Mạnh Sĩ Nguyên làm lễ thân gia. Đoạn cùng nhau an tọa, chuyện trò thân mật hồi lâu mới cáo từ ra về.
Lời bình:
- Đến bây giờ, Mạnh Lệ Quân đã hai lần múa bút trước mặt vua Thành Tôn . Lần đầu tiên tại vườn Thượng uyển, nàng uống rượu múa bút tả tình, tả cảnh có khi nàng ngạo mạn xem mình như một vì tiên đang thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên, mỗi chữ nàng viết ra gợi vào lòng vua một mối cảm hoài sâu sắc. Lời văn của Mạnh Lệ Quân lúc ấy như một liều thuốc mê hồn, làm cho vua Thành Tôn yêu mê yêu mệt.
Hôm nay cũng ngòi bút ấy, cũng tuồng chữ viết ấy, lời văn lại có vẻ khẩn cầu thống thiết hơn, thế mà mỗi chữ của Mạnh Lệ Quân đã làm cho vua tức tối, giận căm gan. Cứ xem cái sắc giận ấy, chắc vua Thành Tôn cũng không đủ nghị lực để xem xét hết tờ biểu của Mạnh Lệ Quân nữa là khác! Khi cầm đến tờ biểu này, đoán chắc vua cũng không thèm xem, vì làm sao vua có đủ trí để xem. Vua còn đang nghĩ đến mình địa vị tối thượng, mà đã hạ mình gội gió dầm mưa đến cầu xin một chút tình thương. Vua đang học một bài học đích đáng là: địa vị và tiền bạc không thể thắng được tình yêu.
Sự giận dữ của vua Thành Tôn có nhiều ý nghĩa. Một là vua giận cho địa vị đế vương không tác dụng gì trên lĩnh vực tình yêu; hai là vua giận cho mình đã non nớt tính nhầm một bài toán, để phải hạ mình xấu hổ, hôm nay trên tình trường phải thất bại ê chề.
Xét cho cùng thì vua Thành Tôn đứng trước văn quan võ bá quan hôm nay, người xấu hổ nhiều hơn là giận dữ, nhưng phàm kẻ làm lớn thường thường muốn giấu bớt sự hổ thẹn của mình, lại hay làm mặt giận thế thôi
Tái Sanh Duyên Tái Sanh Duyên - Mộng Bình Sơn Tái Sanh Duyên