Reading is to the mind what exercise is to the body.

Richard Steele, Tatler, 1710

 
 
 
 
 
Tác giả: Mộng Bình Sơn
Thể loại: Trung Hoa
Upload bìa: Lam Thien Thanh
Số chương: 75
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 11215 / 75
Cập nhật: 2014-11-20 23:22:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 29
ôm sau, Du Trí Văn và Ngô Đạo Am bày tiệc rượu ăn mừng cho Lệ Minh Đường, trong lúc ba người đang vui say, bỗng có nội giám chạy vào thưa:
- Tôi là Lữ Phúc, phụng thánh chỉ đến triệu quan Trạng vào cung.
Lệ Minh Đường nghe nói, vội vã hối gia nhơn dọn bàn hương án tiếp thánh chỉ rồi hỏi Lữ Phúc:
- Chẳng hay thánh chỉ triệu ta vào cung có việc chi?
Lữ Phúc thưa:
- Hôm nay Thánh thượng ngự ra vườn thượng uyển, trông thấy trăm hoa đua nở, cảnh vật vô cùng xinh đẹp, nên vội sai triệu quan Trạng vào, chắc là để cùng người uống rượu thưởng hoa chứ không có gì khác đâu.
Lệ Minh Đường liền vào nhà lấy một gói bạc trao cho Lữ Phúc và nói:
- Tôi xin biếu người một chút lễ mọn, mong người nhận cho.
Lữ Phúc do dự nói:
- Thưa quan Trạng, tôi có công cán gì đâu mà dám nhận số bạc thưởng quá to tát này!
Lệ Minh Đường mỉm cười nói:
- Xin người chớ ngại, hãy nhận đi rồi tôi có việc cậy người giúp.
Lữ Phúc đưa tay nhận lấy và nói:
- Chẳng hay quan Trạng muốn cậy tôi việc chi?
Lệ Minh Đường bèn thuật hết việc Lương Giám gả con cho chàng và hôm nay chính là ngày làm lễ thành thân, mà đã có thánh chỉ tất nhiên không thể thối thác, vì vậy chàng nhờ Lữ Phúc lập kế nào cho chàng ra sớm một chút.
Lữ Phúc nói:
- Tưởng việc chi chứ việc ấy tôi có thể giúp quan Trạng được. Thế nào tôi cũng tìm cách cho quan Trạng về sớm.
Lệ Minh Đường tạ ơn, rồi lên ngựa theo chân Lữ Phúc vào cung.
Đến nơi, Lệ Minh Đường quì lạy vua Thành Tôn và tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, chẳng hay bệ hạ cho đòi hạ thần đến có việc chi?
Vua Thành Tôn nói:
Chỉ vì hôm nay trẫm thấy vườn thượng uyển trăm hoa đua nở nên cho vời khanh đến đây để cùng trẫm uống rượu thưởng hoa.
Lệ Minh Đường nói:
- Kẻ vô tài vô đức này được bệ hạ đoái tưởng đến, cho được cùng dự yến, thật hạ thần cảm kích vô cùng!
Sau đó, vua tôi cùng vào tiệc bắt chén, chuyện vãn rất tương đắc. Lữ Phúc đứng một bên hầu miệng cứ chúm chím cười. Vua Thành Tôn thấy thế hỏi:
- Lữ Phúc, mi cười chi vậy?
Lữ Phúc vội quì xuống tâu:
- Hạ thần cười vì thấy quan Trạng tuy đang ngồi ở đây mà dạ thì tơ tưởng ở đâu đâu, không thiết gì đến việc uống rượu thưởng hoa.
Vua Thành Tôn ngạc nhiên hỏi Lệ Minh Đường:
- Khanh có việc chi mà phải chi phối tư tưởng như vậy?
Lữ Phúc rước lời, nói:
- Nguyên hôm nay là ngày quan Trạng nguyên cưới vợ, nhưng vừa sắp đi làm lễ cưới thì có thánh chỉ triệu vào cung.
Vua Thành Tôn nhìn Lệ Minh Đường, hỏi vặn:
- Ủa! Hôm nay lại là ngày cưới vợ của khanh sao?
Lệ Minh Đường tâu:
- Tâu bệ hạ, quả thật như vậy.
Thành Tôn lại hỏi:
- Thế khanh cưới con nhà ai vậy?
- Tâu bệ hạ, hạ thần được Lương Thừa tướng thương nên gả con cho.
Vua Thành Tôn gật đầu, rồi quay qua trách mắng Lữ Phúc:
- Sao mi dại dột đến thế! Đã biết hôm nay là ngày cưới vợ của quan Trạng thì cứ việc về tâu lại cho ta biết, sao lại triệu vào đây làm gì cho phiền phức như vậy?
Dứt lời, vua Thành Tôn truyền đem tiệc rượu qua phủ Thừa tướng để cho vợ chồng Lệ Trạng nguyên dùng trong lễ hiệp cẩn, và ban cho một đôi Kim liên bửu đăng vô cùng quí giá. Rồi Thành Tôn cười và nói với Lệ Minh Đường:
- Hôm nay chính là ngày quan trọng trong đời của khanh, vậy trẫm cho khanh về sớm để khỏi lỡ việc.
Lệ Minh Đường mừng rỡ, lạy tạ lui ra.
Hôm ấy trong phủ Thừa tướng, các quan đến chúc mừng rất đông, bỗng thấy nội giám đem tiệc rượu của nhà vua đến, Lương Giám mừng rỡ vô cùng, vội khiến gia nhơn đem lên Lộng Tiêu lầu để làm lễ hiệp cẩn.
Bấy giờ Mạnh Sĩ Nguyên đã thăng lên chức Hình bộ Thượng thơ, hôm ấy cũng có đến chúc mừng, duy có Mạnh Gia Linh vì mắc việc nhà không đến được…
Lúc ấy, Lệ Minh Đường đang ngồi, bỗng thấy Hạ Phùng Dị đến bảo:
- Xin mời quan Trạng hãy sang dinh Thừa tướng làm lễ thành thân kẻo trễ mất giờ tốt.
Lệ Minh Đường bèn từ biệt Du Trí Văn và Ngô Đạo Am lên kiệu ra đi. Vinh Phát nối gót theo sau.
Đến nơi, các quan triều thần đều ra nghinh tiếp, Lệ Minh Đường bước xuống kiệu vái chào. Lúc ấy, Mạnh Sĩ Nguyên thấy y hệt là con gái mình, nhưng Lệ Minh Đường sợ tội khi quân nên không dám nhìn cha, cứ nghiễm nhiên như một kẻ xa lạ.
Mạnh Sĩ Nguyên mừng thầm:
“Con gái ta can đảm quá, hắm dám cải dạng nam trang liên trúng tam trường, ngày nay cha con thế nào cũng được gặp gỡ”.
Chẳng dè khi Lệ Minh Đường chào hỏi các quan xong, đến lượt cha nàng, nàng cũng chào hỏi một cách lãnh đạm như bao nhiêu người khác. Mạnh Sĩ Nguyên lấy làm nghi hoặc, nghĩ thầm:
“Nếu quả là con gái ta thì tuy không dám nhận ngay bây giờ, cũng có một chút tình quyến luyến, chứ sao lại làm ra vẻ người dưng mặt lạ như vậy? Còn bảo không phải là con ta thì có giống cũng giống phần nào thôi, chứ sao lại giống y hệt như vậy?”.
Khi vào dự tiệc, Lệ Minh Đường cũng chẳng hề ngó đến Mạnh Sĩ Nguyên, làm cho Mạnh Sĩ Nguyên càng sanh nghi hơn nữa.
Hồi lâu, nàng mới liếc nhìn Mạnh Sĩ Nguyên, trông thấy cha mình tỏ vẻ âu sầu thì nàng vô cùng đau xót, nhưng vì nàng muốn cứu cho được nhà Hoàng Phủ nên gắng gượng làm ngơ.
Lát sau, đến giờ Hoàng đạo, gia nhơn bước ra mời tân lang làm lễ thành hôn. Lúc ấy ở trong có bốn con nữ tỳ đỡ Tố Hoa ra, nhạc trỗi vang dậy, hai người đồng lạy thiên địa rồi lại tạ hoàng ân, đoạn quay về phía Hồ Quảng bái chào cha mẹ chồng, sau cùng bái khiến nhạc phụ và nhạc mẫu.
Làm lễ xong, hai người bước vào trong động phòng, bọn nữ tỳ gỡ chiếc khăn đỏ trên mặt Tố Hoa xuống, Tố Hoa liếc nhìn kỹ tân lang thì quả nhiên là Mạnh Lệ Quân, ngắm lại dung nhan càng xinh đẹp hơn trước nhiều, Tố Hoa nghĩ thầm:
“Con tạo sắp đặt như thế này, quả là trời đã chiều theo ý ta rồi”.
Còn Lệ Minh Đường trông thấy bọn nữ tỳ đứng quanh mình đông đảo nên không dám nhìn tận mặt tân nhơn. Tố Hoa nhìn lại cử chỉ không giống đàn bà thì lòng hơi nghi hoặc, nghĩ thầm:
“Nếu quả là Mạnh Lệ Quân, sao tiểu thơ lại không nhìn được ta?”.
Bỗng dưới lầu có tiếng bọn gia nhơn nói vọng lên:
- Nhà ngoài tiệc rượu đã bày xong, xin mời tân lang ra tiếp khách.
Lệ Minh Đường vội vã bước xuống lầu tiếp khách. Mạnh Sĩ Nguyên thấy Trạng nguyên là rể yêu của Thừa tướng nên chưa dám hỏi thăm vội. Kế đó nhạc trỗi vang dậy, bọn tỳ nữ múa hát giúp vui, quan khách thảy đều vui vẻ.
Vinh Phát đứng dưới lầu nói với các nữ tỳ:
- Nhờ bẩm giùm với tiểu thơ, bảo rằng tôi đây là thơ đồng của Trạng nguyên, muốn xin chào mừng tiểu thơ.
Lúc ấy, Tố Hoa ở trên lầu nghe nói thì nhận ra tiếng của con Vinh Lang. Kế đó, bọn nữ tỳ lên thưa:
- Bẩm tiểu thơ, có gã thơ đồng của Trạng nguyên tên Vinh Phát xin lên chào mừng tiểu thơ.
Tố Hoa mừng thầm:
“Rõ ràng là con Vinh Lang nay nó đổi là Vinh Phát đây; thế thì Lệ Minh Đường quả là Mạnh Lệ Quân rồi”.
Nhưng nàng lại nghĩ:
“Con Vinh Lang còn nhỏ không chín chắn, nếu để nó lên đây trông thấy ta nó nói lung tung ra thì khốn, chi bằng đừng cho nó lên là phải”.
Nghĩ rồi, nàng khoa tay bảo nữ tỳ không cho hắn lên.
Lúc ấy ngoài nhà khách, Lệ Minh Đường đang rót rượu khoản đãi các quan, chàng rót mời mỗi người phải dùng cạn một chung rượu để mừng cho chàng. Đến lượt Mạnh Sĩ Nguyên, Lệ Minh Đường cũng làm như vậy, tuyệt nhiên không tỏ một thái độ nào khác, Mạnh Sĩ Nguyên trách thầm:
“Lạ thật, rõ ràng là con gái ta, cớ sao nó lại vô tình đến thế”.
Rồi ông ta lại nghĩ:
“Đúng là ta ngớ ngẩn rồi. Nếu quả là con gái ta thì đời nào nó lại dám đi cưới vợ”.
Thế là Mạnh Sĩ Nguyên không dám nghĩ vẩn vơ như trước nữa, chỉ ngồi phiền hà một mình:
“Trên đời sao lại có người giống hệt con ta như vậy. Nhưng anh chàng Lệ Minh Đường này hữu phước quá, đã liên trúng tam trường, nay còn được vào làm rể quan Thừa tướng, còn con ta không biết phiêu bạt nơi đâu? Nay ta trông thấy người lại càng nhớ đến con, đau lòng vô hạn, ta không còn đủ can đảm ngồi lại đây uống rượu nữa”.
Nghĩ đến đây, Mạnh Sĩ Nguyên đứng phắt dậy giả đau bụng và cáo từ ra về.
Khi về đến phủ, Mạnh Sĩ Nguyên đem hết mọi việc nói lại cho Mạnh Gia Linh nghe. Mạnh Gia Linh nghe qua, mỉm cười thưa:
- Ở đời có nhiều gương mặt giống nhau là thường, chứ nếu quả là em con thì nó đi cưới vợ làm gì?
Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Chính ta cũng nghĩ như vậy nên không dám chắc là Mạnh Lệ Quân.
(Vì vậy, từ đó về sau, hai cha con gặp nhau tại triều đình vẫn đối xử nhau như bao nhiêu người khác).
Nhắc lại, khi Lệ Minh Đường rót rượu mời Mạnh Sĩ Nguyên uống rồi quay đi, thì trong lòng đau đớn xót xa vô cùng, nàng thầm trách:
“Ta quả là đứa con đại bất hiếu. Chỉ vì muốn cứu tánh mạng nhà Hoàng Phủ mà gặp cha cũng nhẫn tâm làm ngơ đi”.
Cuộc rượu này kéo dài mãi, đến chiều tối mới tan, Lệ Minh Đường phải đứng tiếp khách, hai chân đã mỏi.
Khi Lệ Minh Đường bước lên lầu, Tố Hoa vội đứng dậy, nhưng Lệ Minh Đường cũng chưa dám nhìn tận mặt, chỉ cúi gầm mặt xuống và suy nghĩ:
“Chẳng biết đêm nay Lương Tiểu thơ có thương tình ta mà nhận lấy những điều ta cầu khẩn không?”.
Lúc ấy Tố Hoa cũng nghĩ thầm:
“Tân lang giống hệt Mạnh Lệ Quân, nhưng không hiểu cớ sao lại không nhìn nhận ta, vả lại thoáng trông cử chỉ thì không giống cử chỉ đàn bà. Nếu như không phải là Mạnh Lệ Quân thì ta sẽ xử trí ra sao đây?”.
Rồi Tố Hoa dứt khoát tư tưởng:
“Ôi! Ta có lo gì. Cây dao ta giấu dưới giường còn kia, nếu gặp phải sự chẳng may thì ta liều mình tự tử là yên chuyện”.
Sau đó hai người cùng nâng ly rượu hiệp cẩn, Lệ Minh Đường mới nhìn thẳng vào mặt Tố Hoa thì nàng giật nẩy người, vì người trước mặt nàng lại là Tô Yến Tuyết, khiến trong lòng Lệ Minh Đường dây lên niềm vui, mừng, thương, tủi, nàng muốn nhảy tới ôm choàng Tô Yến Tuyết để thỏa tình thương nhớ, nhưng rồi nàng lại bình tĩnh nốc cạn chung rượu rồi bấm trán suy nghĩ:
“Ta nghe nói Lương Thừa tướng quê ở Vân Nam thì chắc là khi phu nhơn đi thuyền về kinh gặp Tô Yến Tuyết vớt lên, nhận làm nghĩa tử rồi”.
Còn Tố Hoa trông thấy tân lang ra vẻ trầm tư nghĩ ngợi, lòng càng áy náy hơn nữa, nàng nói thầm:
“Mãi đến bây giờ mà người không nhìn ta, tức không phải Mạnh Lệ Quân rồi. Đây quả là một chàng thư sanh. Ôi! Ta còn mặt mũi nào mà nhìn ngó người nữa”.
Nghĩ đến đây, tự nhiên Tô Yến Tuyết hổ thẹn muôn phần, nàng cúi gầm mặt xuống không dám ngó lên như trước nữa.
Lệ Minh Đường cười thầm:
“Ôi chao! Sao Tô Yến Tuyết lại ngốc thế. Việc gì mà phải hổ thẹn?”.
Lệ Minh Đường nốc thêm vài chung rượu nữa cho nóng ran cả người, rồi nhìn thẳng vào mặt Tô Yến Tuyết, làm cho trống ngực Tố Hoa đánh thình thịch, đôi má nàng đỏ như gấc.
Lệ Minh Đường lại nghĩ:
“Trông Tô Yến Tuyết thẹn thuồng quá, thôi để ta thử nàng xem sao cho biết”.
Nghĩ đoạn, Lệ Minh Đường quay lại bảo bọn nữ tỳ:
- Đêm đã khuya rồi, ta cho phép chúng bay xuống lầu ngủ đi.
Bọn nữ tỳ mừng rỡ kéo nhau đi hết. Lệ Minh Đường liền đứng dậy đóng cửa cài then lại và bước tới ngồi gần bên Tố Hoa, nói:
- Một vị tiểu thơ con quan Thừa tướng tất nhiên có nhan sắc tuyệt vời, nhưng nãy giờ vì có bọn nữ tỳ nên ta không dám nhìn tận mặt, bây giờ là lúc ta thưởng thức cái dung nhan diễm kiều.
Nói rồi, vừa bưng rượu uống, vừa nhìn Tố Hoa không chớp mắt. Cử chỉ ấy khiến Tố Hoa càng bực mình hơn nữa, nàng nghĩ:
“Cứ theo gương mặt thì rõ ràng là Mạnh Lệ Quân, nhưng cớ sao lại nói năng như vậy?”
Rồi Tố Hoa đứng phắt dậy bước lại bên giường ngồi dựa bên tường cúi đầu xuống lẳng lặng làm thinh, lòng đầy nghi hoặc, còn Lệ Minh Đường thấy vậy càng cố ý trêu ghẹo hơn nữa, nên nàng cũng đứng dậy bảo:
- Tôi đã say quá rồi, đôi mắt không còn nhìn rõ được nữa, cần phải khêu đèn cho thật tỏ để thưởng thức sắc đẹp, kẻo phụ tấm lòng của một bực thiên kim tiểu thơ.
Vừa nói, Lệ Minh Đường vừa bước tới vặn đèn cho thật tỏ lên.
Lúc ấy Tố Hoa nhận ra tiếng nói quả là giống người Vân Nam nhưng chẳng biết cớ sao lại bảo là ở Hồ Quảng, nàng đánh bạo đứng dậy nói:
- Tôi nghe quan Trạng là người ở Tương Dương, Hồ Quảng, cớ sao lại nói tiếng Vân Nam? Tôi chắc quan Trạng là gái giả trai, nếu người không thú thật thì tôi sẽ thưa với cha tôi tâu với triều đình trị tội. Đã mang cái tội khi quân, lại thêm cái tội lừa dối một vị tiểu thơ con của quan Thừa tướng.
Lệ Minh Đường nghe nói, cười thầm:
“Cha chả! Đến bây giờ mà vẫn còn nghi ngờ nữa chứ! Thôi để ta thử một mách nữa chơi!”
Nghĩ rồi, Lệ Minh Đường nghiêm sắc mặt đáp:
- Phu nhơn nghĩ lầm rồi! Tôi đây liên trúng tam nguyên, hiện đang được sung vào Hàn lâm viện, nếu tôi là gái giả trai thì lẽ nào các quan lại không biết. Nếu phu nhơn có nghi ngờ, rồi nội đêm nay phu nhơn sẽ rõ.
Tố Hoa nghe giọng nói quả thật là người Vân Nam, bèn mỉm cười đáp:
- Thôi đừng ngụy biện nữa ông Trạng ôi! Tôi còn biết đến cả lai lịch của ông nữa kìa! Ông vốn là con gái họ Mạnh ở Vân Nam, nhơn vì triều đình giáng chỉ tứ hôn cùng họ Lưu nên ông Trạng không bằng lòng, cải dạng nam trang trốn đi, may gặp Khương Nhược Sơn nuôi làm nghĩa tử, rồi bây giờ thi đỗ Trạng nguyên, rõ thật là tội khi quân không thể dung thứ được. Ông chỉ có thể dối trá đối với người khác, chứ làm sao có thể che được mắt tôi!
Lệ Minh Đường nghe nàng nói, nghĩ thầm:
“Hừ! Bây giờ Yến Tuyết ỷ mình là tiểu thơ con quan Thừa tướng muốn dọa hăm mình nữa chứ. Ta há lại sợ nàng sao?”
Lệ Minh Đường nghiêm giọng đáp:
- Tôi cũng thừa hiểu cái lai lịch của nàng. Nàng vốn là con gái họ Tô ở Vân Nam, sao lại cả gan giả làm con gái họ Mạnh? Trước khi về với họ Lưu lại giấu dao trong mình hành thích người ta rồi nhảy xuống sông tự tử, may gặp Cảnh Phu nhơn đây vớt lên nhận làm nghĩa nữ. Nàng làm hai họ thưa kiện đến triều đình, chưa chết sao nàng dám nói chết, nay lại giả làm con Thừa tướng, khi dễ triều đình. Nếu tôi vào tâu với triều đình thì liệu cái tội ấy có thể dung thứ được không?
Lúc bấy giờ Tố Hoa biết rõ quan Trạng là Mạnh Lệ Quân nên trong lòng nửa mừng nửa sợ, mối cảm tình chan chứa, vội giơ tay bụm miệng Lệ Minh Đường và nói nhỏ:
- Ấy chết! Tiểu thơ nói nho nhỏ vậy chớ, kẻo chơn tình bại lộ thì nguy bây giờ đa!
Lệ Minh Đường chép miệng cười, giơ tay nâng cằm nàng nựng một cái rồi đứng dậy lột mão ra, đoạn hai người bắt tay nhau cùng ngồi trên giường.
Tố Hoa bằng giọng cảm kích, nói:
- Tiểu thơ quả là bậc thiên hạ kỳ tài. Một nữ lưu niên thiếu như tiểu thơ mà có thể thi đỗ đến chức Trạng nguyên, quả là một điều không thể tưởng tượng nổi.
Lệ Minh Đường bèn thuật lại hết mọi việc từ lúc ra đi, rồi đến gặp ông Khương Nhược Sơn v.v… cho Tố Hoa nghe và nói:
- Chắc chị cũng không ngờ rằng ngày nay lại có thể gặp em đây chớ.
Tố Hoa tát yêu vào má Lệ Minh Đường, nói:
- Tiểu thơ táo bạo quá! Tôi dám ghê sợ rồi đấy. May được thi đỗ Trạng nguyên như vầy cũng là quá phận rồi, sao dám cả gan kết duyên với con quan Thừa tướng? Hôm nay may gặp tôi đây, chứ nếu gặp con quan Thừa tướng thiệt thì biết liệu sao?
Lệ Minh Đường nói:
- Việc cưới vợ này là do quan Thừa tướng lập kế cưỡng bức em, nếu không thuận theo cũng không được, nên em đã dự định về đây sẽ thú thật cùng tiểu thơ rồi năn nỉ xin người giữ bí mật cho, để rồi khi gặp Hoàng Phủ Công tử, em nhượng cho tiểu thơ làm chánh thất, còn em sẽ làm thứ thế, cùng nhau thờ chung một người quân tử. Chị thử nghĩ em cư xử như vậy, làm gì người lại không thương tình mà bảo bọc cho.
Tố Hoa nghe nói than dài:
- Chẳng biết kiếp trước Hoàng Phủ Công tử khéo tu cách nào mà ngày nay lại đặng một người vợ hiền đức đến thế.
Lệ Minh Đường nói:
- Đó chẳng qua là cái bổn phận của người đàn bà, cần gì chị phải khen quá lời như vậy? Khi em dứt áo ra đi đã tiến cử chị kết duyên cùng Lưu Khuê Bích, nghĩ cũng điều hay, sao chị lại giấu dao theo hành thích rồi nhảy xuống sông, quyết chôn vùi một kiếp hồng nhan là ý chi vậy?
Tố Hoa bèn thuật lại nỗi lòng cho Lệ Minh Đường nghe. Từ khi Hoàng Phủ Thiếu Hoa đến thi bắn, nàng nằm chiêm bao gặp Hoàng Phủ Công tử rồi cùng nhau thề non hẹn biển. Nàng biết rõ tấm lòng Mạnh Lệ Quân rất đại độ, thế nào sao này cũng được theo bồi giá, nên nàng mới quyết tình thủ tiết.
Thuật xong câu chuyện, Tố Hoa lại nói:
- Tôi cũng ngỡ Mạnh Tiểu thơ là người đại độ, ngờ đâu tiểu thơ sắp ra đi lại lập kế cử tôi, thân mẫu tôi lại tham cầu phú quí, theo ép tôi thay thế tiểu thơ về với họ Lưu, nên tôi mới giấu dao theo hành thích, một là quyết giữ trọn lời thề cùng Hoàng Phủ Công tử, hai là báo thù cho tiểu thơ, chẳng dè câu chuyện lại không thành, tôi đành phải gieo mình theo dòng nước, may nhờ Cảnh Phu nhơn cứu khỏi và nhận làm nghĩa nữ. Rồi nay trời xui đất khiến lại gặp tiểu thơ đây, thật quá bất ngờ vậy.
Lệ Minh Đường lại vặn hỏi:
- Chị bảo chị quyết giữ lời thệ ước với Hoàng Phủ Công tử trong giấc mộng, sao nay chị lại gieo cầu bói hôn làm chi?
Tố Hoa nói:
- Việc này do vợ chồng Lương Thừa tướng ép tôi, lúc ấy tôi đã định liều mình tự tử, xảy thấy Nguyệt lão Tiên ông đến báo mộng và ngâm cho tôi nghe một bài thơ ý nói sau này thế nào cũng được cùng Hoàng Phủ Thiếu Hoa hội ngộ; chẳng dè khi lên huê lầu tôi tìm kiếm khắp nơi không thấy hình dáng Thiếu Hoa đâu cả, nên lúc xuống lầu tôi toan bề quyên sinh nữa, kế thấy bọn nữ tỳ đem sính lễ vào, tôi xem qua và nhận biết là bảo vật của tiểu thơ, nên tôi đoán chắc tiểu thơ cải dạng nam trang rồi vào thi đỗ Trạng nguyên chớ chẳng phải người xa lạ. Tuy vậy, tôi cũng còn nghi ngờ, vì biết đâu chừng di vật của tiểu thơ lọt vào tay người khác cũng nên, nên tôi mới chuẩn bị vật này đây.
Nói rồi. Tố Hoa vạch dưới chiếu, lấy ra một lưỡi dao sáng ngời đưa cho Lệ Minh Đường xem.
Lời Bình:
- Chỉ vì muốn minh oan cho nhà chồng, Mạnh Lệ Quân đành ra thân lưu lạc, ngày nay cha con được trùng phùng, thế mà nàng không dám nhìn mặt thì còn gì đau xót cho bằng? Nhưng người ta không thấy nét đau xót lộ trên nét mặt nàng thì quả nàng là con người gan dạ.
Kẻ sâu sắc như vậy mới có thể làm được những việc phi thường. Cảm thương cho Mạnh Sĩ Nguyên vì trông thấy người mà chạnh nhớ đến con mình, lòng đau như cắt, trong lúc mọi người vui say thì ông phải bỏ về vì không thể chịu nổi sự nhớ thương đến cùng tột. Than ôi! Lòng cha mẹ thương con không còn biết lấy gì ví được!
- Tô Yến Tuyết đã từng đứng trước một vị tân lang là Lưu Khuê Bích mà nàng không biết hổ thẹn là gì, nàng nhìn thẳng vào mặt đối phương buông lời mắng nhiếc rồi rút dao hành thích, đến nay nàng cũng đứng trước một vị tân lang là Lệ Minh Đường, nàng e lệ đến đỏ cả mặt. Cho hay tâm lý của đàn bà hễ họ không thích ai thì họ an nhiên tự tại không chút gì e lệ cả, trái lại khi họ thương ai hay mến phục ai thì thái độ họ e lệ vô cùng. Trong trường hợp này, tuy quan Trạng Lệ Minh Đường đối với nàng không phải là người tri kỷ, song ít ra Lệ Minh Đường cũng là người đáng để cho nàng kính phục.
Tái Sanh Duyên Tái Sanh Duyên - Mộng Bình Sơn Tái Sanh Duyên