What's meant to be will always find a way.

Trisha Yearwood

 
 
 
 
 
Tác giả: Tâm Phan
Biên tập: Mê thị Chuyên
Upload bìa: Mê thị Chuyên
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5387 / 89
Cập nhật: 2015-04-16 17:43:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Làm Cha Đơn Thân
ôi gặp vợ chồng Robert lần đầu tiên vào năm 2006 khi tôi sang Sri Lanka thăm Simon (chồng tôi bây giờ). Robert khi ấy có đủ mọi thứ khiến nhiều phụ nữ mơ ước và nhiều đàn ông phải ghen tị. Anh là sếp lớn của Hiệp hội Chữ thập đỏ Quốc tế tại Sri Lanka, đẹp trai, hào hoa, phong nhã, có vợ đẹp và một cậu con trai hai tuổi khôi ngô tuấn tú. Gia đình anh là một bức tranh hạnh phúc hoàn hảo mà tôi cũng thầm mơ ước.
Năm 2007, tôi cưới Simon và theo anh về Geneva (Thụy Sĩ) làm việc. Ở đây, tôi gặp lại gia đình Robert, hóa ra hai vợ chồng anh đều mang quốc tịch Thụy Sĩ. Lẽ tự nhiên, hai gia đình chúng tôi trở nên thân thiết với nhau.
Một năm sau, vợ chồng anh lục đục, nguyên nhân bên trong tôi không rõ nhưng chỉ biết rằng anh thường xuyên đi công tác xa nhà, mỗi chuyến đi kéo dài hằng tháng trời. Vợ anh muốn anh làm công việc văn phòng ở Geneva nhưng lòng đam mê nghề nghiệp thôi thúc anh đi vào những vùng chiến tranh nguy hiểm như Chechnya, Kosovo, Lebanon, Pakistan…
Có lẽ để “trói chân” anh, vợ anh đề nghị sinh thêm một đứa con. Nghe vậy, vợ chồng tôi đều phản đối, bởi một đứa trẻ ra đời không thể là giải pháp cứu cánh cho mối quan hệ của cha mẹ. Ngược lại, áp lực nuôi con nhỏ cộng với stress có thể khiến tình hình tệ hơn. Và thật không công bằng cho đứa trẻ sinh ra không phải là hạt giống tình yêu của cha mẹ mà chỉ là một biện pháp cữu vãn tình thế.
Tuy nhiên, anh vẫn đồng ý và tháng Tám năm 2009 họ đón đứa con trai thứ hai chào đời. Khi đứa bé mới được ba tuần tuổi, anh lại đi công tác, trở về nhà được một tháng thì xảy ra động đất ở Haiti (tháng 1 năm 2010). Anh lại lên đường đi Haiti ba tháng.
Là một người vợ có chồng làm công tác nhân đạo, tôi hoàn toàn hiểu được sự khó khăn, vất vả của vợ anh khi một mình vừa đi làm, vừa nuôi con nhỏ, không có sự trợ giúp, không có chồng cùng chia sẻ gánh nặng. Ngoài đứa bé mới sinh, cô còn cậu con trai năm tuổi phải chăm sóc.
Quan hệ vợ chồng anh càng ngày càng trở nên tồi tệ, hai người bắt đầu chiến tranh lạnh, không nói chuyện với nhau dù ở chung một nhà, nằm chung một giường.
Đỉnh điểm của cuộc chiến tranh lạnh kết thúc khi hai người cãi nhau và vợ anh ôm hai đứa con sang nhà bạn ở nhờ. Cô gọi điện báo cảnh sát rằng cô là nạn nhân của bạo lực gia đình, yêu cầu cảnh sát can thiệp và lệnh cho chồng phải ra khỏi nhà vào ngày hôm sau.
Vậy là anh chính thức bị đuổi ra khỏi nhà. Trong vòng hai mươi tư tiếng, anh mất tất cả, vợ con, gia đình, mái ấm, cùng thời gian đó anh cũng không có việc làm.
Suốt một năm trời anh ăn nhờ ở đậu, khi thì nhà bạn, khi thì nhà mẹ ở Ba Lan, lúc thì ở khách sạn.
Anh tự nhận lỗi về mình vì đã quá vô tâm với vợ nhưng tận đáy lòng anh, anh rất yêu vợ. Trong một năm trời vô gia cư đó, anh đã viết hàng trăm bức thư tình gửi vợ, nhưng không bao giờ nhận được hồi âm.
Có thể anh không phải là một người chồng tốt, nhưng tôi thấy anh là một người cha hết lòng vì con cái. Thời gian ăn nhờ ở đậu, anh nhớ con vô cùng và xin vợ cho được gặp con, chơi với chúng ở công viên. Có tuần vợ cho phép anh được gặp con một lần, có tuần thì cô từ chối. Được bốn tháng gặp con thất thường như vậy thì vợ anh đột ngột cấm không cho anh gặp con.
Bị cắt đứt sợi dây liên lạc duy nhất với gia đình, con cái, anh đã vô cùng tuyệt vọng, đôi khi anh nghĩ đến cái chết, nhưng nghĩ đến hai đứa con, anh lại gắng gượng sống để giành quyền làm cha. Anh đã phải mất một thời gian dài điều trị tâm lý khi bạn bè anh vô cùng lo sợ, sợ anh tự tử.
Sau đợt điều trị tâm lý, lấy lại tinh thần, anh nộp đơn lên tòa án đòi quyền làm cha của hai đứa con. Tuy nhiên, anh phải chứng minh với tòa là anh có đầy đủ điều kiện để nuôi con, ít nhất là phải có nhà ở, có nơi ăn chốn ngủ cho tụi trẻ, mà khi đó anh vẫn còn lang thang, nay ở nhờ nhà này, mai ở nhờ nhà khác.
Anh quyết tâm đi tìm mua nhà, lúc này anh không còn gì để mất, không có gì để tiếc, miễn là anh giành được quyền nuôi con. Thật may mắn, bốn tháng sau anh đã tìm mua được một căn hộ hai phòng ngủ ở Pháp, ngay giáp biên giới Thụy Sĩ.
Chúng tôi rất mừng cho anh, nhất là khi anh được đón lũ trẻ về ở vào cuối tuần. Anh trang bị giường tủ cho hai con, mua đồ chơi cho chúng và dạy chúng chơi thể thao như bơi lội, đá bóng, cầu lông, leo núi, những môn thể thao mẹ chúng không bao giờ tham gia. Rồi anh nấu nướng cho con, tắm rửa vệ sinh cho con, chăm sóc các con như một người mẹ tần tảo.
Chứng kiến sự thay đổi thần kỳ như vậy, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Một người đàn ông trước kia luôn có vợ hầu hạ bếp núc, không bao giờ phải vào bếp, mà giờ đây anh biết đi chợ, nấu nướng. Khi chúng tôi đến thăm, anh còn mang bánh ngọt ra mời cùng với trà.
Con gái tôi bằng tuổi với con trai út của anh nên mỗi khi lũ trẻ qua nhà anh ở (thường là hai ngày cuối tuần) chúng tôi lại tổ chức các hoạt động dã ngoại cho bọn trẻ. Khi thì lên núi picnic, lúc thì đi bơi hay vào rừng hái nấm.
Anh kể tuổi thơ của anh ở Ba Lan, những buổi theo mẹ vào rừng hái nấm để cả nhà có được bữa ăn cải thiện. Ba Lan khi đó vẫn nằm trong khối cộng sản ở Đông Âu, nên người dân còn khó khăn. Năm mười tám tuổi, anh sang Liên Xô học về thể thao. Ở Leningrad, anh quen với nhiều bạn Việt Nam, nhóm học của anh có năm người thì bốn người kia đều là người Việt Nam.
Tốt nghiệp năm 1986, anh không quay về Ba Lan mà đi Thụy Sĩ. Ở Geneva, sau vài năm không tìm được việc làm, kiếm sống bằng những công việc lao động chân tay, anh quyết định học tiếp để lấy bằng cử nhân Khoa học Chính trị (1992-1995). Đó là một quyết định vô cùng đúng đắn vì nó giúp anh theo đuổi ước mơ được làm cho tổ chức nhân đạo, đi khắp thế giới giúp đỡ những nạn nhân chiến tranh. Ngay sau khi ra trường, anh được nhận vào làm việc cho Hiệp hội Chữ thập đỏ Quốc tế tại Geneva và được cử đi làm các nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo ở các nước đang có mâu thuẫn chính trị, tôn giáo. Cho đến nay, anh đã đi và làm việc ở hơn tám mươi quốc gia trên Thế giới.
Vừa kể chuyện, anh vừa chế biến món nấm chúng tôi mới thu hoạch được từ chuyến dã ngoại trong rừng. Tôi nhớ lúc ở trong rừng, anh say sưa giảng giải cho các con về các loại nấm, cách phân biệt nấm độc qua hình dáng, màu sắc. Ở người đàn ông này có một sức sống mãnh liệt mà tôi tin rằng chỉ có bản năng của một người cha mới có thể khiến anh đứng dậy và làm mọi thứ cho con, kể cả việc thay thế một người mẹ, một người thầy.
Tôi không khỏi suy nghĩ về việc vợ anh, đã cố tình chia rẽ cha con anh. Những đứa trẻ luôn cần tình yêu của cả cha mẹ, chúng cần sự dịu dàng chăm sóc của mẹ nhưng chúng cũng cần sự mạnh mẽ, phiêu lưu mạo hiểm của cha. Việc cha mẹ không sống chung với nhau không có nghĩa họ phải ghét nhau. Họ cũng không phải cố giả tạo để sống bên nhau. Cha mẹ có thể mỗi người một nhà nhưng hãy để trẻ được hưởng trọn vẹn tình yêu và sự giáo dục của cả cha lẫn mẹ. Đó mới thực sự là “tất cả vì các con và cho các con”.
GVA 26/11/2012
Sex Và Những Thứ Khác Sex Và Những Thứ Khác - Tâm Phan Sex Và Những Thứ Khác