Tôi luôn cố gắng làm những gì tôi chưa biết và nhờ đó, tôi có thể làm được những điều tưởng như ngoài khả năng của mình.

Pablo Picasso

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Drifters
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Vũ Phương Vân
Số chương: 7
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1007 / 119
Cập nhật: 2018-09-19 19:36:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4: Cato
a da đen nhưng đẹp trai.
• Nhã ca của Solomon, 1:5
Thôi đi, mẹ. Mẹ biết bao nhiêu chàng trai da trắng thông minh như Ralph Bunched[23] hay cư xử tốt như Jackie Robinson[24]?
Một trong những bí ẩn thực sự của xã hội văn minh chúng ta là những doanh nhân Mỹ ngồi trước máy thu hình sửng sốt trước kỹ năng chơi bóng bầu dục của Leroy Kelly, thiên tài bóng rổ của Wilt Chamberlain, ma lực bóng chày của Willie Mays và quyền Anh siêu phàm của Cassius Clay nhưng vẫn giữ thái độ miễn cưỡng khi tạo cho người lao động da đen một cơ hội công bằng với cái cớ là “tất cả bọn mọi đen đều hạ đẳng”.
Ba yếu tố cơ bản quan trọng nhất hình thành nên lịch sử nước Mỹ đều màu đen: antraxit, dầu mỏ, nô lệ.
Lời khuyên đối với du khách: Khi đến Philadelphia vào mùa hè, các vị nên đề phòng hai điều: cái nóng và mối nguy đến tính mạng.
Mẹ sinh ra tôi ở vùng hoang vu phía Nam.
Và tôi màu đen, nhưng Ôi! tâm hồn tôi trắng;
Đứa bé người Anh trắng như một thiên thần,
Còn tôi thì đen như bị cướp hết ánh sáng.
• Blake
Suốt 364 ngày trong năm, người da đen kiên nhẫn chịu đựng một nỗi thống khổ hẳn sẽ đẩy người da trắng vào thế phải tự vẫn. Ngày thứ 365, anh ta trốn thoát bằng cách ở nhà uống say bí tỉ, và rồi nhân viên xã hội báo cáo, “Anh ta không có khả năng làm việc, như thường lệ.”
Một người đàn ông da đen là viên ngọc quý trong mắt người đàn bà công bằng, và có thể được thừa nhận như chàng Vulcan què quặt trước nàng Venus.
• Robert Burton
Cuối tuần thứ nhất của vụ nổi loạn, ủy ban Cứu vãn trường đại học đệ trình bản yêu sách miễn thương lượng mà Hội đồng Quản trị phải chấp thuận toàn bộ trước khi đi vào thảo luận chính thức:
1. Bất cứ sinh viên da đen nào đã hoàn thành hai năm cao đẳng đều phải được nhận vào học mà không cần thi tuyển.
2. Bất cứ sinh viên da đen nào một khi đã được nhận vào học thì đều phải được cấp bằng tốt nghiệp.
3. Ít nhất hai mươi phần trăm học phần trong trường đại học phải do các trợ giáo người da đen giảng dạy, giấy ủy nhiệm của họ sẽ chỉ do ủy ban này chứng nhận.
4. Bất cứ giảng viên nào không có sự đảm bảo của giáo viên tiền nhiệm mà muốn bình luận theo bất cứ cách nào về lịch sử người da đen đều phải đệ trình tài liệu ghi chép của mình cho ủy ban này duyệt trước khi giảng dạy.
5. Phòng hỗ trợ việc làm của trường đại học phải do người da đen điều hành và ít nhất sáu mươi phần trăm trợ lý cũng phải là người da đen.
Tôi không muốn một dân tộc da đen chia rẽ, nhưng chắc chắn tôi muốn tham gia hành động trên chính đất đai của mình.
Người khôn ngoan nhất chủng tộc tôi hiểu rằng khuấy động những vấn đề công bằng xã hội là việc điên rồ cực đoan nhất và tiến bộ trong sự hưởng thụ mọi đặc quyền mà chúng ta có được phải là kết quả của một cuộc đấu tranh cam go không ngừng chứ không phải vũ lực giả tạo.
• Booker T. Washington
Năm ngoái vấn đề lớn nhất của tôi là thẻ căn cước.
Năm nay đó là xoay được thuốc nổ ở đâu.
Đó là một vấn đề đơn giản về giải phẫu cơ thể người. Suốt ba trăm năm nay, chúng ta vẫn cứ chìa má bên kia. Từ nay trở đi sẽ là mắt và sẽ không phải mắt đổi mắt nữa. Sẽ là ba mắt đổi một mắt.
Linh hồn là khả năng điều khiển nghịch cảnh sao cho có thể chịu đựng được.
Về người Mỹ da đen, một câu đơn giản tóm tắt lịch sử xác đáng của đất nước chúng ta: được thuê cuối cùng, bị đuổi đầu tiên.
Để giới thiệu chàng thanh niên tiếp theo, tôi ước gì mình có thể đưa ra một tấm ảnh, vì anh ta chiếm vị trí nổi bật trên một trong số những bức ảnh quyết định của thế kỷ này. Cũng như bao tấm ảnh khác, nó kết tinh những xúc động trên khắp Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ và, về một nghĩa nào đó, trên toàn thế giới. Khi nhìn bức ảnh đáng sợ này, bạn dừng lại và bắt đầu đánh giá một cách trung thực về những niềm tin và thành kiến của mình. Lần đầu tiên nhìn thấy tấm ảnh trên trang nhất một tờ báo ở Vwarda, tôi đã sững sờ kêu lên: “Lạy Chúa, bọn họ định làm gì thế này?”
Tấm ảnh chụp mặt tiền một nhà thờ Tân giáo ở Llanfair, một trong những khu ngoại ô toàn dân ngụ cư xứ Wales thuộc Main Line Philadelphia, nằm giữa Bala-Cynwyd và Bryn Mawr. Đó là một buổi sáng Chủ nhật tháng Ba tươi sáng, vào khoảng thời gian lẽ ra đám giáo dân đang nối đuôi nhau đi ngang qua chỗ mục sư để bắt tay ông. Thay vào đó, ba người đàn ông da đen lăm lăm tiểu liên vừa lùi ra khỏi nhà thờ vừa ngó lại phía sau hòng nắm chắc lối thoát thân. Người thứ nhất để râu, đầu tóc bù xù, mặt mũi dữ tợn. Người thứ hai cao, hốc hác, râu lơ thơ. Người thứ ba là một thanh niên đẹp trai khoảng mười chín tuổi với cái cười ngoác miệng hoàn toàn không đúng lúc. Đoạn chú thích cho biết kẻ cầm đầu là lãnh đạo của một ủy ban vừa trình lên nhà thờ Tân giáo Llanfair một bản yêu sách đòi bồi thường hai triệu đô la cho những tội ác trong quá khứ chống lại người da đen. Ba người mang tiểu liên vì đã được cảnh báo là nếu họ toan tính đưa ra yêu sách tại chính nhà thờ này thì sẽ bị đuổi ra ngoài.
“Sẽ không ai đuổi ai hết,” kẻ cầm đầu để râu hét lên khi bọn họ xông vào nhà thờ, và trong lúc ông ta đứng trên bục giảng đọc bản yêu sách, hai kẻ tay sai chĩa tiểu liên vào đầu các vị trong giáo đoàn. Được các giáo dân da trắng mời tới chụp cảnh mấy người da đen bị đuổi ra ngoài, một phóng viên nhiếp ảnh đã đợi sẵn khi bộ ba rút khỏi nhà thờ, và vì vậy chớp được tấm hình sẽ mang về cho anh ta giải Pulitzer.
Thật không may, khi đèn flash lóe sáng, người da đen thứ hai, gã đàn ông cao gầy, giật mình bóp cò, làm thủng một lỗ trên mái và khiến mấy kẻ xâm nhập bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cảnh sát đã tóm được hai người để râu và tin chắc sẽ bắt được nốt người thứ ba.
Câu thứ hai tôi nói hôm đó ở Vwarda là, “Chết tiệt! Mình quen những anh chàng này!” Tôi kiểm tra họ tên trong phần chú thích và quả nhiên một người trong số đó là Cato Jackson ngụ tại phố Grimsby ở Bắc Philadelphia. Tôi không chỉ biết anh mà còn biết cả cha anh, Đức Cha Claypool Jackson, Nhà thờ châu Phi dòng Chúa Cứu thế, và lý do tôi quen biết Đức Cha lại là một lời bình luận thú vị về thời đại của chúng ta.
Các ông chủ ở Geneva của tôi là công dân Mỹ. Trước khi khai trương World Mutual, họ đã đạt được kết quả tốt đẹp ở những bang như Minnesota, Massachusetts. Họ quyết định thuê công ty mới tại Thụy Sĩ vì những hạn chế tại quê hương đã trở nên quá nặng nề nên họ tìm kiếm một phạm vi hoạt động tự do hơn. Họ đã mất khá nhiều khi thực hiện quyết định này, vì họ hẳn đã thích hoạt động bên ngoài New York hơn, nhưng đồng thời cũng được không ít.
Một thứ họ mất là sự tiếp xúc trực tiếp với những vấn đề nảy sinh sau đấy ở Hoa Kỳ. Tôi nhận thấy rất ít người trở thành lãnh đạo các công ty lớn mà không có được ít nhất là vốn hiểu biết về thực tế cuộc sống. Họ có thể phản ứng theo tư tưởng bảo thủ hoặc tự do, nhưng thực tế thì họ nắm bắt được. Nếu không họ sẽ sụp đổ. Vì vậy nhóm chúng tôi biết chuyện gì đang xảy ra ở Mỹ và chúng tôi muốn tham gia... theo cách của mình.
Một lĩnh vực mà chúng tôi nuôi dưỡng mọi quan tâm phức tạp là quan hệ chủng tộc. Là hãng kinh doanh quốc tế, chúng tôi khó lòng nhìn bất cứ nhóm người nào với con mắt coi thường; một trong những giao dịch làm ăn mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho chúng tôi là với một côngxoocxiom gồm các nhà thầu Nhật Bản trông bề ngoài có vẻ đơn giản nhưng lại đủ khôn ngoan để dàn xếp một vụ mua bán đáng hổ thẹn với chúng tôi, và đã ký kết được hợp đồng vì họ có một thứ mà chúng tôi biết mình có thể thu được lợi nhuận, một loại thép mới. Tôi đã nói từ trước là tôi làm cố vấn cho một nước cộng hòa châu Phi.
Vậy là chúng tôi đã hoàn toàn sẵn sàng giúp đỡ cả về tài chính lẫn trí tuệ cho bất kỳ người da đen quả quyết nào có thể nhìn ra con đường thoát khỏi khu rừng rậm mà nước Mỹ đã tạo ra cho họ, khu rừng hiện họ vẫn còn bị giam hãm bên trong. Nhóm chúng tôi không có tình cảm gì đặc biệt với người da đen, không ảo tưởng rằng họ tốt đẹp hơn bất cứ giống người nào khác. Nhưng chúng tôi biết rằng họ chiếm mười hai phần trăm dân Mỹ, và trong lịch sử thế giới chúng tôi không thể tìm được trường hợp một quốc gia thành công nào lại buộc một tỷ lệ nhân lực lớn đến thế của nó phải sống một cuộc sống không phát huy được tính hữu dụng tối đa. Ngay các quốc gia chiếm hữu nô lệ hùng mạnh trong lịch sử cũng khuyến khích nô lệ của họ làm việc với hiệu suất cao nhất; mà một nền dân chủ dựa trên cơ sở tự do lại không làm được như vậy thì đúng là không sao tưởng tượng nổi. Vì vậy chúng tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu tình hình ở Mỹ, tìm kiếm cơ hội có thể rót ba mươi hoặc bốn mươi triệu đô la để cố gắng chứng tỏ khi những thương gia da đen và da trắng hợp tác thì có thể làm được gì.
Chúng tôi đặt trụ sở tại Philadelphia vì thành phố này tập trung rất đông người da đen di cư từ miền Nam lên, trong khi ở vùng ngoại ô, dân cư đều có học và nói chung là tiến bộ. Như thường lệ, tôi được giao nhiệm vụ tìm kiếm khả năng phát triển, nhưng hết cơ hội này đến cơ hội khác đều trượt qua trước mắt tôi. Ở ngoại ô những người da trắng nắm quyền có phần hoang mang trước cái vấn đề bất ngờ xảy đến với họ; trong thành phố người da đen thiếu kiến thức về quản lý tài chính đến mức tôi thậm chí còn không tìm được một xuất phát điểm nào. Chính trong tâm trạng chán nản như vậy, một ngày chủ nhật nọ tôi đến nhà thờ châu Phi dòng Chúa Cứu thế đó đơn giản để nghe xem những người không được dẫn dắt ấy tự an ủi mình bằng thứ tôn giáo nào. Đó là một trải nghiệm buồn thảm. Mục sư ở đó là Đức Cha Claypool Jackson, một người nhân từ gần sáu mươi tuổi mà, xét về kích thước và vẻ tráng lệ của nhà thờ, đáng lẽ phải là nhân vật có quyền lực. Thay vào đó, ông rõ ràng là một Bác Tom[25] nhắc lại ảo mộng về Chúa và con người trong Green Pastures[26]. Ông giảng đạo bằng giọng địa phương cường điệu, dành phần lớn bài thuyết giáo để kể lại một cách đầy màu sắc Sách Daniel[27] mà ông gọi là “câu chuyện ba thiếu niên Hebrew bé nhỏ, Shadrach, Meshach và Abednego”. Chắc hẳn ông phải là con cháu trực hệ của người đã soạn thảo chương Kinh Thánh này vì ông bị ba cái tên thơ mộng ấy mê hoặc và cứ lớn tiếng đọc to chúng lên hết lần này đến lần khác. Ở Kinh Thánh, trong vòng mười chín tiết, ba cái tên đó được xướng lên mười ba lần, luôn theo thứ tự như vậy, và Đức Cha Jackson tin rằng điều gì đủ tốt đối với Kinh Thánh thì cũng đủ tốt đối với ông. Nhà thờ vang lên những cái tên đó, và bất kỳ lần nào ông xướng to chúng lên, ai đó trong giáo đoàn lại kêu: “Ôi, các chú bé Hebrew tội nghiệp.”
Đức Cha Jackson đặc biệt thích đoạn nói về việc chuẩn bị quăng ba thiếu niên vào lò lửa đỏ rực, “Bấy giờ, nhà vua truyền lệnh cho quân sĩ đốt lò lửa nóng gấp bảy lần bình thường. Ông ta sai những người khỏe mạnh nhất trong đội quân của mình trói Shadrach, Meshach và Abednego lại rồi quẳng họ vào lò lửa đang rừng rực cháy. Tức thì ba chú bé bị bó trong áo choàng, bít tất dài và mũ và các thứ áo quần khác của họ, rồi bị quẳng vào giữa lò lửa đang rừng rực cháy.” Ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần từ ‘bít tất dài.’
Ông tiếp tục nói giọng đều đều, than khóc cho số phận ba thiếu niên Hebrew bé nhỏ, nhưng tôi không có chút ý niệm nào về việc ông sẽ hướng bài giảng đến đâu. Trong đoạn kết bài diễn văn của mình, khi ba chú bé được cứu sống, ông reo lên hân hoan, “Và hôm nay, giữa chúng ra có một quý ông tốt bụng, người đã đến để cứu chúng ta. Giờ đây ông đang ngồi cùng chúng ta, vượt qua một quãng dài từ tận Thụy Sĩ, mang theo hàng triệu đô la dành cho các cửa hàng, nhà thờ, trường học và có lẽ cả nhà máy nữa. Ông ngồi kia, một quý ông đầy quyền lực, và nếu các cụ ông cụ bà mang khay đến chỗ ông một cách lịch sự, tôi dám chắc ông sẽ tặng cho chúng ta ít nhất năm mươi đô la.”
Tôi ngồi sụp xuống ghế, nhưng các ông bà già đã xuống chỗ tôi và tôi không thể làm gì khác ngoài việc xỉa ra năm tờ mười đô la mà người cầm khay hoan hỉ mang lên bục giảng đạo, khoe với toàn thể giáo dân. Sau đó là một vài bài thánh ca, mấy câu tuyên bố, một lời nguyện bế mạc dài nhắc đến tôi một cách thiện chí, và buổi lễ kết thúc.
Tôi cố lẻn ra cửa hông để không phải đương đầu với những lời cảm ơn dạt dào tình cảm của Đức Cha Jackson mà tôi có thể nhận thấy đang tiến về phía mình, nhưng vừa tiến được đến lối thoát thì tôi phát hiện nó đã bị chặn bởi một thanh niên da đen đẹp trai khoảng đôi mươi, thân hình thanh mảnh, rắn rỏi. “Định chuồn sao? Ông không thể nuốt nổi những lời nhảm nhí bay bướm của Đức Cha à?”
Và tôi đã quen Cato Jackson như vậy.
Trong những tuần tiếp theo, Đức Cha Claypool Jackson liên tục khiến tôi đau đầu nhức óc; ở bất cứ hoàn cảnh nào ông cũng là một anh hề nói năng ngọt xớt, không tỏ ra chút xấu hổ nào khi đóng vai gã da đen ở đồn điền bợ đỡ người da trắng nhằm đạt được cái mình muốn. Trong trường hợp của tôi, vấn đề càng thêm phần nan giải vì ông biết tôi đang nắm trong tay một khoản tiền lớn để phân phối và ông hình thành trong đầu cái suy nghĩ chỉ mình ông mới có thể cho tôi lời khuyên.
Điều làm tôi phát cáu là ông đảm nhận vai trò vị lãnh tụ da đen và luôn sẵn sàng phát biểu nhân danh hơn một triệu người da đen sống ở Philadelphia. Điều này còn có thể chịu đựng được nếu ông hiểu biết về cộng đồng người da đen, nhưng ông lại tỏ ra ngây thơ một cách đến là dễ thương về đời sống thực tế trong những khu phố chật chội. Mỗi lời khuyên ông đưa ra cho tôi không chỉ không thích hợp mà còn tai hại nữa.
Ngôi nhà thờ đồ sộ theo kiến trúc Gôtic của ông nằm ở góc phố Grimsby và phố Thứ Sáu. Nhà của ông cách đó hai khối nhà, ở góc phố Grimsby và phố Thứ Tư. Lấy hai điểm đó làm tiêu điểm của một hình elip trùm lên sáu hay bảy khối nhà theo mỗi hướng, nhà thờ và nhà riêng ngài mục sư là tâm của một khu vực là hình ảnh thu nhỏ cho sự suy sụp của cuộc sống thành thị, xét ở chừng mực liên quan đến người da đen. Trong vòng hai mươi tư tháng qua, tại khu vực này đã có sáu người da đen thành niên bị hạ sát, bảy trẻ em da đen dưới mười chín tuổi bị giết, cộng thêm ba chủ hiệu người Do Thái. Sáu mươi chín phần trăm trẻ sơ sinh là con hoang; mười bốn phần trăm đàn ông trưởng thành kiếm sống bằng cách tuồn heroin cho đám học sinh da đen ở trường Classical High gần đó, ngôi trường đã có bốn giáo viên bị hành hung trong lớp học và một bị hãm hiếp trong quán ăn tự phục vụ.
Hình elip của tương lai này chủ yếu được quản lý bởi cảnh sát Ailen và Ý, vốn là những người mà sự gắn bó tình cảm với đạo Thiên Chúa đã khiến họ không tài nào hiểu được chuyện gì đang xảy ra trong cộng đồng người da đen và trơ ra trước khát vọng của các cư dân ở nơi này. Hai lần khu vực này suýt xảy ra bạo động, một lần vì một cảnh sát da trắng đã bắn chết một cậu bé da đen mười một tuổi, còn lần kia thì vì đám da đen, khi nhìn thấy một cảnh sát da trắng hô hấp nhân tạo cố gắng cứu sống một cậu bé da đen, lại tưởng, tất nhiên là vậy, rằng viên cảnh sát đang bóp cổ đứa bé bị ngã, vậy là họ nhảy bổ vào anh ta. Trong lúc hỗn loạn, đứa bé chết còn viên cảnh sát thì mất một mắt.
Xét về nạn mại dâm, ma túy, nghiện ngập, mù chữ, thất nghiệp, trộm cắp và những dấu hiệu khác thể hiện sự sa sút của đô thị thì khu vực bao quanh nhà thờ của Đức Cha Jackson là một đại diện thu nhỏ; chính vì thế chúng tôi đã chọn khu vực đặc biệt này để thử nghiệm. Chúng tôi tin rằng người dân sống trong hình elip này có thể được cứu giúp. Chúng tôi mong muốn giúp nhóm người mất phương hướng này tìm ra một nền tảng kinh tế vững chắc để từ đó tổ chức lại cộng đồng và gia đình họ. Đối với chúng tôi, phố Grimsby vừa là thử thách, vừa là triển vọng. Chúng tôi nhận thức được những vấn đề đặc biệt của người da đen và muốn hợp tác với họ. Chúng tôi biết rằng chỉ những phương pháp triệt để mới mang lại bất cứ hy vọng thành công nào và chúng tôi đã sẵn sàng cam kết tài trợ cho chúng.
Bởi vậy tôi mất hết tinh thần khi Đức Cha Jackson cứ khăng khăng cho rằng điều tốt đẹp nhất tôi có thể làm để giúp dân da đen ở đó là - đoán thử xem? “Ông Fairbanks, tôi cảm thấy chắc chắn rằng điều chúng tôi cần nhất là ông hãy thanh toán món cầm cố ngôi nhà thờ của chúng tôi.”
Tôi lặng người, nhưng quyết định để xem ông có ý gì. “Bao nhiêu?”
“Một trăm tám mươi tám nghìn đô la.”
“Tại sao số tiền thế chấp lại lớn đến thế?”
“Khi chúng tôi mua ngôi nhà thờ này...”
“Ông nói sao?”
“Chúa không ban cho chúng tôi tòa nhà nguy nga này. Chúng tôi đã mua nó.”
“Của ai?”
“Của người da trắng. Khi họ chuyển ra ngoại ô.”
“Ông phải trả bao nhiêu?”
“Hai trăm năm mươi nghìn đô la.”
“Và ông đã giảm được hơn sáu mươi nghìn tiền thế chấp?”
“Đúng thế,” ông tự hào nói. “Toàn bộ nỗ lực của chúng tôi bán bánh, bán đồ cũ, những đợt quyên tiền đặc biệt vào mùa hè - mọi việc chúng tôi làm đều hướng đến một mục đích lớn lao. Giúp cho ngôi nhà của Chúa thoát khỏi mọi nợ nần.”
Tôi nhận thấy trong lúc nói chuyện với tôi ông không dùng tiếng địa phương cường điệu như khi giảng đạo. Ông từng học đại học ở miền Nam và có vẻ như đạt được kết quả khá tốt.
“Điều cộng đồng chúng tôi cần,” ông nêu lên với tôi nhiều kiểu dữ liệu hỗ trợ khác nhau, “là thanh toán xong món tiền thế chấp nhà thờ để công trình vĩ đại này có thể đứng vững vàng như ngọn đèn hiệu, nhắc nhở chúng tôi về cuộc sống mà Đức Chúa Jesus muốn chúng tôi theo đuổi.”
“Nhà thờ có tập hợp được thanh niên không?”
“Được chứ! Hè năm ngoái chính các bạn trẻ đã quyên góp phần lớn quỹ của chúng tôi. Nếu nhìn dàn đồng ca của chúng tôi, ông sẽ thấy rất nhiều gương mặt trẻ trung sáng sủa.”
“Còn đám thanh niên đường phố? Những kẻ đã đánh đập các giáo viên trường Classical High ấy?”
“Một số kẻ trong bọn chúng đã xa rời Chúa, nhưng khi nào nhà thờ của chúng tôi mạnh lên, chúng sẽ quay về. Như những người khác, chúng cũng biết hưởng ứng một bài thuyết giáo hay. Chắc tôi đã nói rõ với ông rằng việc cần thiết nhất của cộng đồng người da đen ở Philadelphia là làm cho nhà thờ này thoát khỏi mọi nợ nần. Rồi nó có thể khẳng định vai trò chăn dắt con chiên của mình.”
Mỗi lần giáo dân hội họp, Đức Cha Jackson đều trở lại với chủ đề chăn dắt con chiên này; đứng trước cử tọa, ý thức về sự đúng mực đã giữ cho ông không hối thúc trường hợp của mình, và ông không đả động đến vụ thế chấp, nhưng ông luôn tìm cơ hội tóm được tôi lúc đang ở một mình để khẩn khoản xin tôi thanh toán món nợ.
Cùng lúc với toàn bộ cộng đồng da đen ấy, tôi còn phải trải qua một kinh nghiệm đầy mâu thuẫn trong nỗ lực đầu tư khoản quỹ Geneva. Một mặt, một nhóm nhỏ chuyên gia da đen am hiểu đã giới thiệu với tôi một số kế hoạch hợp lý cho những dự án khả thi: ngân hàng cho vay lãi suất thấp, trung tâm công nghiệp sử dụng công nhân da đen, hình thức kinh doanh phối hợp, căn hộ chung cư dành cho công nhân trẻ mới xây dựng gia đình, và một ý tưởng mà tôi rất thích, một công ty bảo hiểm chuyên soạn thảo điều khoản cho các bà mẹ không chồng để con cái họ vẫn được đảm bảo việc học hành trong trường hợp rủi ro. Sau khi gặp gỡ những người như vậy, tôi trở về phòng khách sạn, vô cùng hăng hái, và nghĩ: Cộng đồng này có toàn bộ trí tuệ mà nó cần đến. Ngày mai chúng tôi sẽ bắt đầu.
Nhưng mặt khác lại có Nordness. Ông ta là một người Minnesota cao, sầu não, ăn nói gay gắt đã theo tôi từ Geneva tới làm giám đốc hành chính cho dự án Philadelphia, và gần như làm tôi phát ốm, vì hàng sáng khi tôi có mặt ở nơi làm việc, hăm hở bắt tay vào một dự án đầy hứa hẹn nào đó thì Nordness lại như một con ma lẳng lặng theo chân tôi vào văn phòng và tuôn ra một tràng những lời phàn nàn. Lúc nào cũng vẫn điệp khúc ấy: “Tôi đã hết sức cẩn thận trong việc thuê chánh thư ký, ông Fairbanks. Cuối cùng tôi đã tìm được một người da đen trông có vẻ khá hơn viên thư ký của chúng ta ở Geneva. Nhưng hôm nay mới là ngày làm việc thứ sáu của anh ta - và anh ta đang ở đâu chứ?”. Ngày thứ bảy, thứ tám rồi thứ chín, Nordness bắt đầu buổi sáng của tôi bằng việc buồn rầu thông báo viên thư ký vẫn vắng mặt. Rồi sang ngày thứ mười, Nordness nở nụ cười mỉm chua chát cố hữu mà nói, “Vậy đấy, anh chàng của chúng ta đã quay lại. Và khi tôi hỏi anh ta đã biến đi đâu suốt bốn ngày nay, ông thử đoán xem anh ta trả lời ra sao nào? ‘Xem này, thằng Harry lao đầu vào rắc rối, phải có ai đó giúp nó chứ.’ Harry là ai nào? Một cậu em họ xa ba đời.” Theo Nordness, bất cứ rắc rối nào liên quan tới cuộc sống gia đình cũng là cái cớ để nhân viên da đen bỏ bê trách nhiệm của mình ở công ty. “Mà gia đình thì được định nghĩa rộng lắm,” ông ta nghiêm khắc nói. “Hôm nọ là vụ tai nạn xe cộ liên quan đến cháu vợ của ông chú một nhân viên. Anh ta vắng mặt hai ngày, và khi tôi hỏi anh ta có thể biện minh cho việc này như thế nào, anh ta trả lời, ‘Chúng ta đang nói đến một cậu bé. Nó phải được bảo vệ trước bọn cớm.’”
Nếu tôi bắt tay vào một dự án mà vấn đề cốt yếu là phải thực hiện một cách nghiêm khắc thì thời gian đầu Nordness luôn giữ cho mọi thứ tiến triển thuận lợi, nhưng chẳng bao lâu sau ông ta lại mò tới văn phòng tôi quả quyết rằng ông ta không thể làm cho đám giám sát viên da đen buộc mọi người tuân theo mức sản xuất cố định được vì họ rất thông cảm với bất cứ công nhân nào gặp phải vấn đề đặc biệt. Một hôm Nordness đến hỏi tôi, giọng như sắp khóc, “Ông có đoán được cô thủ quỹ của chúng ta đang ở chỗ quái quỷ nào không? Tôi đã cử người đi tìm, và anh ta mang về tin tức tốt lành này: ‘Cô Catherine bảo phải đi thăm bà bác ở Tây Philadelphia. Đầu tuần sau cô ấy sẽ về.’”
Tôi nói với ông ta, giọng có phần khó chịu, “Hình như ông không có khả năng thích nghi với cộng đồng người da đen thì phải.” Rồi tôi nêu thêm một đề nghị vốn không bao hàm ý định làm cho ông ta tưởng là nghiêm túc: “Có lẽ quay về Geneva ông sẽ thấy dễ chịu hơn.”
“Tôi có thể đi ngay đêm nay!” ông ta reo lên. “Tôi đã hư thân vì làm việc với người Đức rồi. Với họ, ông chỉ việc thống nhất về phương pháp là mọi việc sẽ xong xuôi.”
Tôi hỏi, “Lẽ nào ông không thể hình dung ra một thế giới trong đó người Đức và người da đen làm việc theo cách riêng của họ hay sao?” Ông ta đáp, “Có lẽ hai trăm năm nữa người da đen sẽ học được cách làm việc như người Đức. Đến lúc đó, ông có thể nắm được Philadelphia.” Ông nhún vai ra dấu cóc cần quan tâm chuyện gì xảy ra với thành phố này, và đêm hôm đó ông ta lên máy bay quay về Geneva.
Vậy là lần lượt các kế hoạch đầy triển vọng mà Nordness và tôi đã dự định khi giải quyết vấn đề này về mặt lý thuyết đâm ra bấp bênh và sa vào vũng lầy hờ hững. Tôi đã lãng phí vài triệu đô la và hoàn thành được rất ít việc, nhưng mỗi khi một kế hoạch kinh doanh nữa thất bại, Đức Cha Jackson lại kè kè bên cạnh khuyên nhủ tôi: “Đúng như tôi đã nói với ông ngay từ đầu đấy, ông Fairbanks. Cái Philadelphia thực sự cần là thanh toán mọi nợ nần của nhà thờ để nó có thể sử dụng được quyền lực tinh thần và đem lại cho những dân lành đó các tiêu chuẩn họ có thể hành động theo.” Khi đến làm việc tại một cộng đồng mới và uống nước lạ, tôi thường bị rộp môi, và nếu tôi bỏ mặc không thèm quan tâm chăm sóc thì chứng bệnh sẽ dần dần khiến tôi khó chịu. Một dược sĩ người Áo khuyên tôi dùng một loại thuốc mỡ có tác dụng chặn những mụn rộp như vậy gần như ngay tức thì và thường thường tôi vẫn mang theo một ống, nhưng giờ thì tôi lại không còn, vì vậy một tối, sau cuộc họp với cộng đồng giáo dân tại ngôi nhà thờ lộng lẫy của Đức Cha Jackson, tôi ghé vào một cửa hàng dược phẩm ở góc phố Grimsby và phố Thứ Năm, nằm ở chính giữa đoạn đường từ nhà thờ đến nhà viên mục sư. Khi tôi đẩy cửa ra, một cái chuông kiểu cổ gắn lò xo báo cho viên dược sĩ vắng mặt biết có người vào cửa hiệu. Trên bức tường trước mắt tôi treo tấm bảng lớn: Hãy mỉm cười, quý khách đang bị cửa hàng theo dõi, kèm theo những bức ảnh giải thích rõ một chiếc camera bí mật đang quay phim bạn như thế nào, ngay cả khi chủ hiệu không có mặt. Tấm biển khác viết: Khi quý khách thấy khó ở, chúng tôi sẽ làm việc gấp đôi. Một cái bàn khá bụi bặm bày một món đặc biệt dành cho khách hàng Puerto Rico: Emulsion Gimenez, kèm theo chân dung một bác sĩ hói đầu mặc bộ dạ phục cổ nhung kiểu 1905. Agua de Azahar cũng được trưng bày, và một gói màu đỏ thẫm dán nhãn: Sát thủ! Coi chừng rệp, gián và sâu bọ khác.
Cánh cửa tự động cuối gian phòng mở ra và viên dược sĩ, một người đàn ông có tuổi đeo tấm biển nhựa cho biết ông là bác sĩ Goldstein, chậm rãi bước đến chào đón tôi. Ông đã nghe nói đến loại thuốc mỡ Áo đó. Ông không có nhưng ông nghĩ có thể kiếm được một vài ống ở đại lý bán sỉ: “Xin mời ông ngày mai tới, chắc tôi sẽ có.” Trong những trường hợp như thế này, khi tôi đặt mua món hàng nào đó mà chủ hiệu có thể không bán được cho người khác, tôi luôn thanh toán trước, và khi tôi đưa tiền, ông già mỉm cười nói, “Việc này ít khi xảy ra ở đây lắm. Tại cửa hiệu của cha tôi bên Đức thì nó đã thành lệ rồi.”
“Dân cư ở đây thanh toán hóa đơn ra sao?” tôi hỏi.
Ông thở dài. Ông đã hơn sáu mươi tuổi và chắc chắn đây là cửa hiệu cuối cùng của ông, vì thế ông có chiều hướng tự nhiên suy nghĩ tốt đẹp về việc này, nhưng ông không thể: “Khó khăn lắm. Khu vực phụ cận này đúng là địa ngục trần gian để thử thách chúng tôi.”
“Người da đen bất trị đến thế sao?”
“Không! về cơ bản họ là người tốt. Địa ngục của họ còn tồi tệ hơn của chúng tôi nhiều. Nhưng tôi không nghĩ một người da trắng - chắc chắn không một người Do Thái nào...” Ông nhún vai. “Chúng tôi sẽ phải đi khỏi đây thôi. Đã ba lần bọn chúng đột nhập qua cái cửa kia để kiếm heroin. Tôi không có chút nào, vậy là chúng điên lên, đập phá mọi thứ và nốc hơn một lít paregoric[28], rồi chết vì thế. Chuyện đó có văn minh không?”
Tôi hỏi về nền nếp làm việc, vấn đề từng khiến Nordness vô cùng đau đầu, và ông nói, “Tôi đã thử vài người giúp việc da đen. Những khách hàng da đen thường phàn nàn nhân viên của tôi toàn là người Do Thái, mà họ kêu ca thế cũng đúng. Vì vậy tôi thuê lần lượt ba thanh niên phụ giúp mình - và chuyện gì xảy ra nào? Hoặc họ ăn cắp của tôi một cách quá đáng hoặc không mở cửa hàng hôm tôi nghỉ. Vậy là tôi phải sa thải họ - và họ buộc tội tôi phân biệt đối xử.”
“Chuyện gì sẽ đến?” tôi hỏi.
“Thời điểm sẽ đến. Ở quanh đây, tôi có thể đưa ông tới hàng tá gia đình của một số nhân vật thuộc hàng ưu tú nhất nước Mỹ. Thân thiện, rộng lượng, lịch thiệp. Ông đã nghe nói đến Leroy Clore chưa? Giữ chốt ba cho đội Chicago... tức là cho Liên đoàn Mỹ. Vậy đấy, cậu ấy ở cách đây một khối nhà, và nếu ngay bây giờ cậu ấy bước vào nói, ‘Ông Morris, tôi cần ba trăm đô la,’ tôi sẽ đưa ngay cho cậu ấy. Tôi rất hy vọng là khoảng mười lăm năm nữa chúng ta sẽ có thật nhiều Leroy Clore. Nhưng từ giờ cho đến lúc đó thì... loạn.”
Hôm sau, cuộc họp của chúng tôi kéo dài lê thê, trong đó Đức Cha Jackson khăng khăng cho rằng thất bại của các dự án thương mại của chúng tôi chứng tỏ chúng tôi phải hướng nguồn tài chính vào các nhà thờ. Chỗ rộp trên môi tôi trở nên đau nhức, làm cho đoạn điệp khúc của ông chán ngắt gấp đôi, và tôi e mình đã tỏ ra lỗ mãng. Ông mỉm cười rộng lượng và tiếp tục, “Cuối cùng rồi ông sẽ nhận ra tôi đã đúng. Chúng ta phải xây dựng nhà thờ để nó là một ngọn đèn hiệu.” Câu này làm tôi bực đến nỗi tôi định đốp lại, “Sao không đốt luôn một đống lửa dưới chân cái thứ chết tiệt đó và biến nó thành ngọn đèn hiệu thực sự,” nhưng thay vì thế tôi lại ấn chặt môi cho đỡ đau và cam đoan với ông chúng tôi sẽ cân nhắc mọi đề nghị. Tôi rời cuộc họp trong tâm trạng chán ghét và đi bộ sang phố Thứ Năm xem bác sĩ Goldstein đã kiếm được thuốc mỡ Áo cho tôi chưa, nhưng tôi không vào được hiệu thuốc.
Nó đã bị vây quanh bởi một đám người, phần lớn là dân da đen, đang há hốc miệng đứng nhìn hai xe cảnh sát rẽ đám đông tiến vào, nháy đèn nhưng không hụ còi, vì đó là khu vực ở Philadelphia cần tránh dùng còi báo động; ngay cả một ánh đèn nhấp nháy cũng có thể lôi kéo một đám đông quá lớn đến mức khó xử lý. Đám cảnh sát, quá nửa là da đen, vội vàng bước từ xe vào một nơi có vẻ như khu chung cư, nhưng cuối cùng khi len lỏi được qua đám đông, tôi thấy họ đã vào hiệu thuốc.
Họ tới quá muộn. Bác sĩ Goldstein nằm trên vỉa hè lênh láng máu, bị bắn gục bởi những kẻ tấn công mà người ta vẫn chưa xác định được mục đích. Tôi chưa kịp hỏi câu nào thì một người Do Thái đứng tuổi đã chạy tới từ một tòa nhà gần đó, kêu lên, giọng to hết cỡ, “Tôi đã bảo chú ấy cả chục lần rồi, ‘Morris, đi khỏi đây thôi!’ Chúng tôi đã định tháng sau sẽ bán cửa hiệu này.” Ông ta tự xưng là Julius Goldstein, dược sĩ có giấy phép kinh doanh, anh ruột và là đối tác của người chết.
Một cảnh sát da trắng định ngăn không cho ông ta vào hiệu thuốc, nhưng ông Goldstein cứ dùng vũ lực chen vào trong, nhìn thấy cái xác đẫm máu của người em, thế là ông bắt đầu gào thét buộc tội dân da đen và những hàng xóm láng giềng số phận vốn đã bi đát. Đó là một giây phút ghê sợ, trong đó người Do Thái này chẳng thu được kết quả gì từ những lời buộc tội chung chung.
“Đưa ông ta đi khỏi đây,” viên cảnh sát da trắng ra lệnh. Rồi, nhìn thấy tôi, anh ta quát, “Cả ông nữa, đi khỏi đây!” Một cảnh sát da đen túm lấy tôi định đẩy đi thì đúng lúc một thanh niên chạy ra khỏi bóng tối, chen vào giữa tôi và viên cảnh sát, nói, “Bình tĩnh, anh bạn. Ông này là người của chúng tôi.” Viên cảnh sát nhìn anh thanh niên, gật đầu nhận người quen rồi bỏ tay khỏi vai tôi, nói, “Cậu cảm thấy như thế nào về chuyện xảy ra ở đó, Cato?”
Anh thanh niên quay lại quan sát hiệu thuốc và hỏi, “Ông ngạc nhiên?” Viên cảnh sát nhún vai quay lại hiệu thuốc. Lúc này anh thanh niên mới nói, “Chúng ta đã gặp nhau ở nhà thờ của cha tôi. Tôi là Cato Jackson.”
Đêm hôm đó là một cuộc khám phá. Lo lắng sâu sắc vì vụ giết người nhiều hơn là anh để lộ cho tôi thấy tại hiệu thuốc, Cato Jackson đi bộ cùng tôi suốt sáu tiếng đồng hồ khắp những vùng tối tăm gần nơi anh trưởng thành, chia sẻ tâm trạng bối rối và sợ hãi của mình. Anh đang là sinh viên năm thứ hai trường đại học Pennsylvania, học vượt một lớp; năm mười bốn tuổi, anh được một hội đồng khoa ở trường đại học nhận định là cậu bé xuất sắc và được cấp học bổng dự bị. Hiện nay, anh đang hoàn thành những yêu cầu của khóa học để chuyển lên chuyên ngành quản lý đô thị, và điểm số của anh, nếu tôi có thể tin lời anh, đạt loại xuất sắc hết. Trong một giờ đồng hồ anh nói được nhiều điều có ý nghĩa hơn cha anh suốt hai tháng trời. Tôi sẽ không cố thuật lại toàn bộ cuộc nói chuyện của chúng tôi, nhưng sau đây là những điểm chính mà anh đã nêu lên trong cái đêm dài tối trời ấy:
“Cha tôi từ Nam Carolina tới với tư cách mục sư được thụ phong, mặc dù điều này có ý nghĩa như thế nào về mặt trí tuệ thì tôi không dám nói. Tại Philly[29] đây, ông khánh thành một nhà thờ trong tòa nhà có cửa hàng bán lẻ ngoài mặt tiền, và như chính ông cũng đã nhận thấy cha tôi là người có tài thuyết giáo, vì vậy ông rất thành công. Tôi muốn nói ông đã tập hợp được quanh mình một nhóm tín đồ trung thành, nhờ họ ông không những kiếm sống cho bản thân mà còn đủ tiền chuyển cả giáo đoàn từ cửa hàng mặt tiền đó đến tòa nhà nhỏ bằng gạch ở Nam Grimsby, nếu đi xuôi xuống thì cách nhà thờ hiện tại khoảng hai mươi hai khối nhà.
“Cha tôi luôn quyên tiền rất giỏi, do đó không lâu sau ông đã thanh toán xong mọi chi phí cho tòa nhà gạch. Giờ thì đến lúc nảy sinh thêm một vấn đề tiền nong khác. Người da đen đang chuyển đến vùng phụ cận, còn người da trắng thì dọn đi. Vì vậy ngôi nhà thờ Gôtic đồ sộ mà Chủ nhật trước ông mới đến gần như bị bỏ không. Không có người da trắng, trong khi ngôi nhà nhỏ bằng gạch chật cứng người da đen. Đám giáo dân da trắng, vốn giàu có, chuyển đến Llanfair thuộc Main Line, xây một nhà thờ mới khá đẹp, rồi tìm quanh tìm quất xem có cách nào bán tống bán tháo cái nhà thờ cũ đi không.
“Tín đồ Tân giáo Philadelphia là một đám khôn ngoan. Tôi cho tất cả con chiên Cơ Đốc giáo đều thế. Dù sao đi nữa họ cũng đã đạt được một thỏa thuận theo đó ông già tôi sẽ trả họ hai trăm năm mươi nghìn đô la để mua ngôi nhà thờ cũ. Đó là cái giá phải trả. Có vẻ họ chưa bao giờ nghĩ rằng họ đã được hưởng một trăm năm tươi đẹp tại nhà thờ này... rằng tất cả bọn họ đã kiếm được bộn tiền từ vùng phụ cận này... rằng họ đã dẫn đầu cuộc chơi và nên tặng nhà thờ cho những người đang theo sau. Không, họ mang hết lợi nhuận của họ tới khu Main Line, cả công việc làm ăn của họ, thuế má của họ, và rồi, có Chúa chứng giám, họ bán lại ngôi nhà thờ cũ cho cha tôi.
“Cha tôi có hai mươi nghìn đô la để dành từ đợt quyên góp cho ngôi nhà thờ gạch. Ông bán ngôi nhà thờ đó được ba mươi nghìn, và với khoản này ông thanh toán một phần chi phí. Cha tôi có được khoản vay thế chấp hai trăm nghìn từ chính những người Cơ Đốc giáo đã bán cho ông ngôi nhà thờ hết cả nước lẫn cái kia, và giờ thì ông và đám giáo dân phải còng lưng làm việc mười hai tháng mỗi năm hòng trả nợ cho những kẻ giàu có ở Main Line.”
Khi anh kể câu chuyện này, chúng tôi đang đi trên cây cầu bắc ngang sông Schuylkill, từ trên cầu chúng tôi có thể nhìn thấy hình dáng xinh đẹp của quảng trường Alexander Hamilton, đặt theo tên một nhà quý tộc nhập cư người Tây Ấn mà Cato ngờ rằng có một phần dòng máu da đen, giống như nữ đồng hương của ông ta, nàng Josephine de Beauharnais vợ Napoleon. Ông Hamilton đã dốc sức làm việc một cách thông minh và tài giỏi tại Philadelphia, và cũng hoàn toàn thích đáng khi một trong những quảng trường đẹp nhất khu dân cư, nhìn ra dòng sông phía Tây, được dùng để vinh danh ông.
“Khi tôi nhìn hình ảnh quảng trường này in trên nền trời,” Cato nói, “ông có đoán được tôi thấy gì không? Trước tiên hãy cho tôi biết ông thấy gì.”
“Tôi nhìn thấy vài tòa nhà cổ kính rất đẹp,” tôi đáp. “Chúng đáng được bảo tồn... nếu đó là điều cậu muốn nói.”
“Tôi không hề muốn nói đến những tòa nhà ấy. Tôi muốn nói đến những tấm biển đề tên bằng đồng kia cơ.” Anh dẫn tôi đi quanh quảng trường để tôi có thể đọc được tên các tổ chức sử dụng những tòa nhà sang trọng kia làm trụ sở chính ở Pennsylvania: câu lạc bộ phụ nữ, nhóm thanh niên, hội nhà thờ, quỹ tài trợ, liên hiệp nghệ thuật, và tất cả các nhóm tình nguyện này đều rất cần thiết cho hạnh phúc của một xã hội.
“Tổ chức nào cũng được miễn thuế,” Cato nói. “Tổ chức nào cũng quyên tiền trong thành phố và tiêu xài ở ngoại ô. Quảng trường này là thủ đô tinh thần của vùng ngoại ô. Không một ủy ban chết tiệt nào đặt trụ sở ở đây làm được chút xíu tốt đẹp gì cho thành phố này. Và tất cả đều được thành phố miễn thuế.”
Anh đưa tôi tới các quảng trường khác cũng đang trong tình trạng tương tự: “Ở quảng trường này, sáu mươi phần trăm các tòa nhà được miễn thuế, và từng tòa nhà trong số đó đều chỉ hoạt động vì lợi ích của vùng ngoại ô. Ở quảng trường này, năm mươi mốt phần trăm được miễn thuế. Tại đây, các nhà máy đều đóng cửa, không nộp thuế. Nhìn vào đâu ông cũng sẽ thấy những phần cơ bản nhất đều đã bị giành giật ra khỏi thành phố, hoặc được chuyển ra ngoại thành hoặc được ném vào diện miễn thuế.”
“Chắc cậu đang nghiên cứu vấn đề này ở trường Penn?”
“Không! Penn là nơi tệ hơn cả. Cái doanh nghiệp khổng lồ nằm ở trung tâm thành phố đó lại không phải nộp thuế cho những dịch vụ mà người da đen chúng tôi phải chi tiền.”
“Nhưng họ cho cậu học vấn.”
“Bất đắc dĩ thôi.”
Chúng tôi tiếp tục xuyên qua thành phố, và lần đầu tiên tôi được thấy một thủ phủ hàng đầu của Mỹ qua con mắt một thanh niên da đen đang phẫn nộ: “Dù giáo dân Tin lành da trắng đã mang theo của cải bỏ đi, và dù đã bán ngôi nhà thờ hết cả nước lẫn cái đó cho những người như cha tôi, họ vẫn không từ bỏ quyền kiểm soát. Họ dùng việc miễn thuế để trói chân trói tay chúng tôi. Họ dùng cơ quan lập pháp bang để ngăn chúng tôi tự quản. Họ làm nghèo thành phố này, cướp đoạt mọi thứ, rồi vứt cho chúng tôi và bảo, ‘Giờ là việc của các anh.’ Nhưng họ không cho chúng tôi tiền bạc và quyền kiểm soát.”
Hai cảnh sát chầm chậm lái chiếc xe tuần tra vượt qua chúng tôi, rõ ràng tò mò không hiểu tại sao một người da trắng lại lang thang trong khu vực này của thành phố sau nửa đêm. Khi hai người ngồi trong xe - một da đen, một da trắng - nhận ra tuổi tác của tôi và Cato, họ liền cho rằng chúng tôi là dân đồng tính. “Đừng có làm chuyện bậy bạ đấy,” họ cảnh cáo chúng tôi.
“Một thứ người da trắng vẫn giữ quyền kiểm soát dù rời bỏ thành phố,” Cato nói khi chiếc xe cảnh sát dần khuất khỏi tầm mắt. “Sở cảnh sát. Họ nhất định phải nắm quyền kiểm soát nơi đó. Ông biết tại sao không?” Khi tôi nói không, anh làm một việc lạ lùng. Anh bỏ cách nói vẫn dùng trong trường đại học và chuyển sang thứ phương ngữ cổ mà gia đình anh sử dụng khi sống ở vùng đầm lầy dọc bờ biển Nam Carolina. Ngôn ngữ Geechee, Cato gọi như vậy, và tôi nhận thấy nó hầu như không thể nào giải đoán nổi, như được hình thành từ những từ châu Phi, những tiếng càu nhàu và cách phát âm giễu cợt. May thay, nó lại pha lẫn với cái mà Cato gọi là “Stepin Fetchit[30] thời kỳ giữa đỉnh cao”, và chính sự pha trộn ấy đã được Cato và bạn bè sử dụng khi tham gia những trò chơi xỏ, ngón nghề chế giễu dân da trắng bằng cách trình bày dưới hình thức cường điệu nỗi ám ảnh chủng tộc họ hằng nuôi trong lòng. Cato là bậc thầy nhạo báng, và dù tôi không tài nào thể hiện lại một cách chính xác những từ châu Phi anh dùng cũng như sự kỳ quặc tột độ của thứ ngữ pháp mù tịt ấy, những điều anh nói với tôi đêm đầu tiên đó đại khái là thế này: “Zét sơ, ngài Charley, tôi và đám bạn tôi, một đêm nào đó chúng tôi sẽ tụ tập, chúng tôi sẽ mang theo dao búa, gậy gộc và dây dợ hành quân thẳng tới Chestnut Hill, Llanfair, Ardmore và tất cả những nơi đẹp đẽ rồi chúng tôi sẽ đến những khu dân cư sang trọng,” anh phát âm thành san trọn, “như Jenkintown và Doylestown, và chúng tôi sẽ giết, sẽ hãm hiếp, sẽ đốt hết dân chúng ngoại ô đó. Zét sơ, ngài Charley, đó là điều chúng tôi muốn làm.”
“Các anh vừa giết một người trong số đó cách đây hai giờ đấy thôi,” tôi nói, khó chịu với trò nhạo báng ấy.
“Ông đã xem xét khu vực tôi sống chưa?” anh nghiêm nghị hỏi.
“Tôi xem rồi.”
“Ông không ngạc nhiên là không có nhiều vụ giết người hơn ư?”
“Chỉ một thôi cũng đã đủ làm tôi co rúm người rồi.”
Sự dứt khoát trong câu trả lời của tôi khiến anh bỏ qua đề tài đó. Anh đột ngột nói, “Ông đã hỏi có phải những ý nghĩ của tôi bắt nguồn từ Penn không. Tôi đã nói là không. Ông có muốn biết tôi có được những ý nghĩ đó từ đâu không?” Khi tôi gật đầu, anh nhìn đồng hồ đeo tay, một chiếc khá đắt tiền, và bảo, “Đi thôi.”
Cato đưa tôi đến khu phố trên nằm cách đó khá xa, tới một con phố hết sức tồi tàn ở Bắc Philadelphia, đến đó anh nhìn xuôi nhìn ngược để chắc chắn chúng tôi không bị cảnh sát bám theo. Yên trí là chỉ có hai chúng tôi, anh lẩn vào một ngõ hẻm, rồi đột ngột quay ngược lại đến bên cánh cửa hông của một chung cư cũ nát không ngờ. “Nói cho chính xác,” anh nói, “ngôi nhà này thuộc sở hữu của một người trong cái đám đã bán tống bán tháo nhà thờ cho cha tôi.”
Chúng tôi leo lên những bậc cầu thang mà không người khôn ngoan nào dám tin tưởng đặt chân lên và đạp tung một cánh cửa đã hỏng chốt từ bao năm. Căn phòng tối om, nhưng tôi vẫn lờ mờ nhận ra một cái giường trong góc, trên đó có ít nhất một người đang ngủ. Cato gây ra tiếng động khi vấp phải chiếc ghế và một dụng cụ nhà bếp nào đó. Cuối cùng, anh cũng tìm thấy một cái đèn và ánh sáng của nó chiếu tỏ một căn phòng nhếch nhác, bàn ghế sứt sẹo, chiếc giường sắt sơn tróc từng mảng trên có hai người đàn ông đang nằm.
Một người râu rậm, cởi trần và trông càu cạu. Người kia, dáng cao gầy và râu lưa thưa, không gây ấn tượng gì cho tôi. Khi người thứ nhất ra khỏi giường, tôi thấy ông ta mặc chiếc quần bóng rổ màu xanh lá cây in phù hiệu đội tên tuổi hạng nhất: Boston Celtics. “Đây là Akbar Muhammad,” Cato giới thiệu. “Ông là giáo sư dạy lớp tôi.”
Akbar với lấy chiếc khăn mặt, nhúng một đầu vào bình nước, lau khuôn mặt râu ria và hỏi, “Cậu tới đây có việc gì?”
“Thầy nên làm quen với người da trắng này,” Cato đáp. “Ông ấy chính là người Geneva đó.”
“Mang theo hàng triệu?” Akbar hỏi.
“Chính ông ta,” Cato đáp.
Akbar buông chiếc khăn mặt rơi xuống sàn, đá nó sang một bên và bước tới đón tôi. “Tôi đã nghe nói về ông,” ông ta nắm chặt tay tôi nói. “Ông làm việc rất ý nghĩa.” Ông ta đẩy một chiếc ghế lại chỗ tôi và ngồi xuống chân giường. “Ông đã tìm được gì đáng để đầu tư chưa?”
“Chưa,” tôi đáp.
“Tôi không nghĩ rằng ông sẽ tìm được.”
“Tối nay lại có một vụ giết người nữa,” tôi nói. “Ngay gần nhà thờ nơi chúng tôi vừa họp.”
“Sẽ còn nhiều hơn nữa.” Ông ta với tay ra phía sau gõ nhẹ vào trán người đàn ông gầy gò. “Đi gọi Vilma đi,” ông ta ra lệnh, và người kia vội vàng mặc quần áo rời khỏi phòng.
“Ông là ai?” tôi hỏi.
“Ông biết tên tôi rồi. Chắc ông định hỏi tên trước kia của tôi là gì. Eddie Frakus. Người Detroit. Cha mẹ ở Mississippi. Tôi tốt nghiệp ở bang Michigan. Ông Fairbanks, có lẽ ông nên trở về Geneva. Mười năm nữa, may ra người da đen Philadelphia mới có thể hiểu được ý tốt của ông.” Ông ta ngừng lại, lấy tay phải vuốt râu, rồi chĩa một ngón tay dài về phía tôi. “Và đến lúc đó, chúng tôi sẽ thay đổi nhiều đến nỗi ngay cả những người đầy thiện ý như ông cũng sẽ không đề nghị giúp đỡ chúng tôi như ông đã đề nghị đêm nay nữa. Không, hãy tin tôi! Những việc chúng tôi sắp phải làm sẽ khiến ông xa lánh chúng tôi... hoàn toàn. Nhưng điều đó không thành vấn đề, vì đến lúc đó thì chúng tôi sẽ chẳng cần ông giúp nữa.”
Ông ta phát biểu hùng hồn, với sự hiểu biết sâu sắc những gì mình nói, đến mức tôi buộc phải có cảm tình với ông ta. Tôi hỏi, “Tại sao ông tin chắc các ông sẽ mất sự ủng hộ của tôi như vậy?” thì ông ta chỉ vào một cái máy in roneo đặt trong góc. “Cứ xem đi. Hãy tự tìm lấy thông điệp. Nó sẽ mang đến cho ông cảm giác khám phá.” Ông ta quan sát tôi tiến đến góc phòng, nhặt lên một trong những bản sao đầu tiên của một tài liệu sắp trở nên nổi tiếng, tuyên ngôn của Akbar Muhammad chống lại các nhà thờ Cơ Đốc giáo ở Pennsylvania.
Đó là một tài liệu có tính kích động mạnh mẽ đến nỗi tôi phải tự hỏi không biết người đàn ông vừa tỏ ra rất biết điều kia có đúng là người đã thảo ra nó không. Lời mở đầu là lời kêu gọi làm cách mạng, những đoạn đầu tiên là một chương trình để người da đen kiểm soát thành phố. Văn phòng thị trưởng, cảnh sát trưởng, chủ tịch Hội đồng Giáo dục và giám đốc cơ quan phúc lợi xã hội đều là người da đen, và nguồn tài chính đảm bảo cho sự tiếp quản này sẽ do tất cả nhà thờ da trắng, không những trong thành phố mà còn ở ngoại ô trong vòng bán kính hai mươi lăm dặm, tự nguyện đóng góp. Khi đọc xong tài liệu lý lẽ hợp lý và đầy sức thuyết phục đó, tôi nhận ra nó đã được tính toán để làm cho người đọc da trắng phải tức điên lên đến mức chưa lời tuyên bố nào khác có thể làm được, vì nó sỉ nhục những định kiến và nhại lại những tín ngưỡng quý giá nhất của họ.
Đức Chúa Jesus bị miêu tả như một kẻ đa cảm rẻ tiền với những lời phát biểu rỗng tuếch đầy mâu thuẫn đã bị dân da trắng lợi dụng để khuất phục người da đen và được người da đen sử dụng như một thứ ma túy để làm cho cảnh nô lệ suốt đời của họ trở nên có thể chịu đựng. Những người đứng đầu nhà thờ được nhắc đến như những tên găngxtơ cướp bóc người da đen một cách có hệ thống và kìm giữ họ trong hoàn cảnh không thể tự giải thoát. Giáo dân bị chứng minh là những kẻ ngốc chết tiệt tán thành việc đang xảy ra với vẻ mộ đạo và lợi dụng những việc đó. Người nộp thuế nói chung thì bị cho là thông đồng với nhà thờ, gây hại cho chính họ. Những đoạn cuối toát lên sự lạnh giá của những đêm đông tháng Mười một trước cuộc cách mạng: “Do đó chúng tôi yêu cầu, nhân danh Akbar Muhammad và toàn thể người da đen, coi như khoản bồi thường của các nhà thờ của người da trắng ở Philadelphia, số tiền mặt 10.000.000 đô la giao ngay lập tức, được quy định như sau...” và tên bốn mươi tổ chức tôn giáo được liệt kê kèm theo số tiền chính xác mỗi tổ chức này phải cung cấp. “Chúng tôi cũng yêu cầu các nhà thờ của người da trắng ở ngoại ô Philadelphia số tiền mặt 20.000.000 đô la giao ngay lập tức, được quy định như sau...” và đến đây là địa chỉ của khoảng chín mươi nhà thờ giàu có từ Paoli ở phía Tây cho đến Doylestown ở phía Bắc. Bản tuyên ngôn được ký tên “Akbar Muhammad.”
Đến tảng sáng thì tôi đọc xong bản cáo trạng đó, và tôi chưa kịp hỏi câu nào thì người đàn ông gầy gò đã quay lại cùng một cô gái da đen vô cùng xinh đẹp mà tôi sẽ chẳng bao giờ làm sáng tỏ được mối quan hệ giữa cô và ba người đàn ông này. Có vẻ như cô không phải là bạn gái của người đàn ông gầy gò đã đi tìm cô đến, nhưng Akbar Muhammad lại đối xử với cô một cách thờ ơ, nếu không muốn nói là coi thường, đến nỗi tôi không tin cô sẽ hài lòng lâu dài với sự đỡ đầu của ông ta. Mặt khác, anh chàng Cato trẻ tuổi lại kìm nén một cách đầy đau khổ cố không để lộ mối quan tâm đối với cô, vì vậy tôi cho rằng chắc hẳn một trong hai người còn lại đã cảnh cáo anh hãy tránh cho xa, nhưng tôi có thể cảm thấy sự xúc động sâu sắc của anh.
Cô giống như một thú rừng non đáng yêu, duyên dáng bẩm sinh, da nâu vàng, và có phần nôn nóng. Khuôn mặt cô có nét cân đối của người Hy Lạp, như thể được tạc từ một khối cẩm thạch Bắc Phi quý giá màu vàng nâu nào đó. Cô bé thật xinh đẹp, theo đúng lời trong Kinh Thánh, và chẳng cần phải có trí tưởng tượng phong phú lắm cũng có thể hình dung ra cô đang lạnh lùng đứng dưới một cây cọ Ả rập trong khi vua Solomon hát ca ngợi cô.
“Cô đã đánh máy xong tài liệu của công đoàn chưa?” Akbar Muhammad hỏi khi cô đến chỗ chúng tôi.
“Tôi đã nói với ông rồi, nó ở trong phòng Paul ấy.” Cô bực bội bỏ chúng tôi ngồi đó và đi lên tầng trên, tôi có thể nghe thấy tiếng cô lục lọi khắp nơi. Mấy phút sau, cô trở xuống mang theo một xếp giấy mà Akbar đưa cho tôi xem. Tập giấy đưa ra những yêu cầu của ông ta đối với các công đoàn Philadelphia, nội dung cũng tương tự như bản yêu sách định gửi cho các nhà thờ nhưng theo nhận xét của tôi thì chính đáng hơn.
Trước tiên ông ta nêu lên những mánh khóe khéo léo đã được các công đoàn của người da trắng sử dụng để cấm người da đen học những nghề cơ bản có thể nuôi sống họ. Không người da đen nào có thể làm thợ nề, thợ điện, thợ xây, thợ lợp mái, thợ mộc, thợ kết cấu thép. “Nhưng tôi đã từng gặp thợ mộc da đen,” tôi phản đối. “Cứ đọc tiếp đi,” Akbar làu bàu.
Rồi ông ta trích điều lệ của các công đoàn khác nhau, dẫn ra những lời lẽ bay bổng từ các hiến pháp, bảo đảm rằng tất cả những người lương thiện đều được gia nhập công đoàn một cách công bằng, chỉ cần họ đã được học nghề, nắm được các kỹ năng cơ bản và nộp công đoàn phí. Tiếp theo ông ta dẫn ra con số công đoàn viên thực sự, sau mười lăm năm người da đen đấu tranh đòi công bằng.
Gaye Street
Thợ điện: 1143 thợ - 2 da đen. 43 thợ học nghề - 1 da đen
Petawley
Thợ nề: 219 thợ - 1 da đen. 9 thợ học nghề - 1 da đen
Nam Philadelphia
Thợ thép: 396 thợ - 2 da đen. 11 thợ học nghề - 0 da đen
Bay City
Thợ mộc: 1823 thợ - 4 da đen. 112 thợ học nghề - 6 da đen
Grimsby
Thợ lợp mái: 81 thợ - 0 da đen. 6 thợ học nghề - 0 da đen
Radford
Thợ xây: 366 thợ - 2 da đen. 16 thợ học nghề - 1 da đen
Danh sách còn rất dài, trong đó một công ty xây dựng lớn có hơn bốn nghìn công đoàn viên mà chỉ có bảy người da đen. Công đoàn này đào tạo hai trăm mười tám thợ học nghề, trong đó có ba người là da đen. Không ai có thể nhìn vào những con số quá cách biệt này mà không thấy sự áp bức đã được phong trào công đoàn xác nhận. Điều khiến những con số đó vô lý gấp đôi là tình trạng này đang diễn ra tại Philadelphia, nơi người da đen chiếm ít nhất năm mươi phần trăm dân lao động.
“Và không có dấu hiệu nào cho thấy tình hình sẽ được cải thiện,” Akbar lạnh lùng nói. “Ít nhất là cho đến khi chúng tôi đập cho công đoàn một cú tám triệu đô la, mà chúng tôi sẽ làm thế.”
“Rắc rối thực sự nằm ở đó,” Cato ngắt lời, và khi anh thể hiện tài ăn nói sắc sảo của mình, tôi có cảm tưởng anh quan tâm đến việc gây ấn tượng với Vilma hơn là với tôi. “Con đường duy nhất để người da đen thoát khỏi ghetto[31] là việc làm. Thế mà ở cái đất Philadelphia này, cơ hội làm việc của người da đen lại bị công đoàn chặn mọi ngả. Và công đoàn là ai? Các con chiên Công giáo ngoan đạo, các con chiên Tin lành ngoan đạo mà nhà thờ của họ đã nhắm mắt làm ngơ trước sự việc xấu xa này. Và các con chiên Công giáo và Tin lành ngoan đạo ấy là ai? Người Ý, Ba Lan, Đức và dân da trắng nhập cư từ miền Nam sợ bị chúng tôi chiếm mất việc làm. Ông có thấy cái nồi áp suất người ta dùng để nhốt chúng tôi không? Không thuế má gì cốt để chúng tôi có thể tự quản lý thành phố của mình. Không có gì ngoài nỗi thất vọng thường xuyên.” Anh quay về phía tôi hỏi, “Giờ thì ông có hiểu tại sao những tài liệu này lại cần thiết không?”
Tôi hỏi Akbar, “Chúng ta có thể bảo anh kia đi mua bánh và cà phê được không?” Tôi đưa cho người đàn ông gầy gò năm đô la, và lát sau anh ta mang về một lô túi giấy. “Không còn tiền thừa,” anh ta nói. “Tôi mua sandwich cho các cậu trên gác rồi.”
Tôi ngồi xuống giường, nhớ lại một vài kinh nghiệm tích lũy được về lĩnh vực này. “Các ông có quan tâm đến những gì một người lao động da trắng có đầu óc thực tế suy nghĩ về vấn đề đó không?” Họ gật đầu. “Tôi muốn phát biểu bốn điểm. Các ông sẽ đồng ý với ba điểm và cảm ơn tôi đã nói cho các ông nghe. Tôi có thể hình dung được các ông sẽ sử dụng chúng trong các bài diễn văn sau này của mình. Điểm thứ tư sẽ khiến các ông xem thường tôi, và khi tôi đi khỏi đây, chúng ta sẽ thù ghét nhau. Nhưng bắt đầu thôi.
“Thứ nhất, mấy năm trước, tôi trông coi toán công nhân xây dựng một con đường núi rất khó thi công nằm ở biên giới Ấn Độ và Tây Tạng. Họ sử dụng lao động nữ. Hàng nghìn phụ nữ trên núi khai thác đá bằng tay không. Hàng nghìn phụ nữ khác vận chuyển đá to bằng những chiếc giỏ sậy nhỏ. Còn có thêm hàng nghìn phụ nữ khác ngồi giữa lòng đường đập đá tảng thành sỏi. Mỗi ngày họ rải được khoảng hai foot đường, nhưng điều đó cũng tốt thôi, vì họ chẳng có việc gì tốt hơn để mà làm, cho đến khi anh tính toán thấy rằng với máy móc và sự chỉ đạo thích hợp, trong một ngày vài người có thể hoàn thành khối lượng công việc mà năm nghìn phụ nữ thực hiện trong một tháng. Tôi nói điều này cho viên đốc công, thì ông ta trả lời, ‘Nhưng chúng ta gần như không mất gì cho bọn đàn bà ấy.’ Ông ta làm hỏng cả dự án của mình vì lao động rẻ mạt như vậy. Sau đó khi đi đến bất cư nơi nào ở châu Á, tôi đều để ý đến lực lượng lao động và nhận thấy tình trạng tương tự. Trước chiến tranh các nhà máy thép Nhật Bản sử dụng hàng trăm công nhân thay cho một cỗ máy, vì họ có nguồn lao động rẻ mạt, và họ cũng có sản phẩm giá thành thấp đến mức không thể cạnh tranh nổi trên thị trường thế giới. Ở Trung Quốc, người ta sử dụng hàng nghìn công nhân ở những nơi chỉ cần đến mười người, vì họ thuê những lao động này với giá rẻ, và kết quả lao động bị suy giảm chất lượng. Tôi kết luận rằng sản phẩm đắt nhất trên thế giới là lao động rẻ, vì nó cám dỗ khiến anh quên mất những hoạt động mang tính lý trí. Anh trả lương cao cho một người, anh đòi hỏi sự đền đáp thích đáng, và từ những đền đáp thích đáng đó, anh thu được lợi nhuận cao.
“Vì vậy từ đó cho đến nay, tôi luôn tin tưởng vào việc trả lương cao cho một người, rồi đánh thuế anh ta thật cao vì phúc lợi của quốc gia. Trong triết lý của nước Mỹ về công nhân da đen, điều khiến tôi thấy kinh hoảng là chúng tôi đang đối xử với họ theo đúng những gì chính phủ Ấn Độ đối xử với năm nghìn phụ nữ đó, ngược đãi họ vì tiền công của họ rẻ. Và chúng tôi gây tác hại cho bản thân nhiều hơn là cho người da đen. Tôi sẽ trả mỗi người da đen ít nhất năm đô la một giờ, rồi sau đó đánh thuế họ ra trò vì các trường học và công viên.”
Akbar và Cato thích thú lắng nghe lập luận của tôi; đó chính là những gì họ đã hiểu ra từ trước. “Ông bạn, ông hiểu vấn đề rồi đấy,” Akbar phấn khởi reo. “Những người da trắng không cho anh em chúng tôi vào công đoàn thì chính là họ đang làm hại bản thân họ cũng nhiều như làm hại chúng tôi.”
“Thứ hai,” tôi nói tiếp, “khi tôi tham gia hải quân ở Guadalcanal nghĩa là trong thời kỳ gian khổ ấy - chúng tôi không có đủ người để rải ra trên diện rộng. Bất cứ người nào có thể bắn được súng trường đều phải tham gia tuần tra, vì bọn Nhật ấy rất nguy hiểm. Sân bay Henderson đặt ra một vấn đề nan giải, vì chúng tôi phải giữ cho nó hoạt động để máy bay của chúng tôi có chỗ hạ cánh và tiếp nhiên liệu. Các ông biết chúng tôi đã làm gì không? Nghe thì vẫn có vẻ không thể tin nổi, nhưng chúng tôi đã làm vậy. Chúng tôi lấy dân ăn thịt người thời Đồ đá từ đảo Malaita gần đó... đó là hòn đảo lạc hậu nhất trái đất, tin tôi đi. Và chúng tôi đưa đám người này ra khỏi rừng, mặc quần soóc kaki cho họ và trong hai tuần chúng tôi đã huấn luyện họ lái được xe tải mười tấn để tiếp nhiên liệu cho máy bay. Điều khiến tôi bực mình hơn cả là luận điệu của các công đoàn da trắng Mỹ cho rằng người da đen không thể học được. Nếu hệ thống đồn điền ở miền Nam vẫn còn thịnh hành - cùng với nô lệ da đen - thì các ông có thể hoàn toàn tin chắc người da đen sẽ là thợ điện, thợ xây, thợ nề. Ngày xưa họ đã làm và bây giờ họ sẽ vẫn làm. Và họ sẽ là thợ giỏi hơn đám da trắng tự do trong vùng phụ cận, vì được như vậy sẽ là một nguồn tự hào. Vậy là các kỹ năng đơn giản các ông có thể thực hiện. Còn các kỹ năng phức tạp thì sao?
“Điều đó dẫn tôi đến điểm thứ ba. Thời tôi làm việc liên quan đến con đập lớn ở Afghanistan, tôi thấy người ta lấy dân sa mạc, huấn luyện trong ba tháng, rồi giao cho họ một trong những loại máy hiện đại phức tạp nhất. Đó là một cái máy nạo vét lòng sông lớn... hàng nghìn tấn. Nó vào vùng đầm lầy và đào kênh thoát nước. Làm sao để giữ cho nó không bị chìm xuống bùn? Nó mang theo chính con đường dành cho mình... những tấm thảm lớn bằng thép marsden. Nhờ chiếc cần cẩu dài, nó đặt một tấm thảm xuống, bò lên trên, rồi quay cần cẩu về phía sau, nâng tấm thảm vừa sử dụng, đặt lên mặt đầm lầy phía trước. Cuối cùng chiếc máy chết tiệt đó dừng giữa đầm cách bờ khoảng một dặm, nằm lại một mình trên cái bệ mà nó tự xây cho mình. Các ông có tin là chúng tôi có thể dạy cho những người Afghanistan thời Đồ đá ấy điều khiển được cái máy đó không? Chúng tôi đã làm được. Ngày nay anh có thể dạy gần như bất cứ việc gì cho một người có năng lực. Không cần đến một năm đào tạo, người da đen có thể đảm nhận mọi công việc của công đoàn ở Philadelphia, và chắc chắn không làm tổn hại đến sản lượng.”
Ý kiến này nhận được sự nhất trí cuồng nhiệt. Thậm chí người đàn ông gầy gò còn nói, “Em trai tôi ấy, nó mà chữa vô tuyến thì không ai bằng.” Lần đầu tiên Vilma cũng phát biểu, “Các anh của em có thể học được. Em biết họ có thể học được.”
“Điểm cuối cùng của ông là gì?” Akbar Muhammad hỏi.
“Điểm các ông sẽ không thích,” tôi đáp. “Một vấn đề ngăn không cho người da đen thực hiện những việc đó khi người da trắng cho phép họ thử..”
“Mẹ kiếp!” Akbar hét lên, nhảy khỏi giường. “Không được nói như vậy! Cái thời đám da trắng các ông cho phép chúng tôi làm bất cứ việc gì đã qua rồi. Chúng tôi sẽ giành lấy những thứ như việc làm. Và nếu các ông tìm cách ngăn cản chúng tôi thì sẽ đổ máu đấy.” Ông ta giận dữ đi đi lại lại trong phòng, đá những chồng giấy loại in roneo chứa đựng tuyên ngôn của mình. “Nếu một người như ông, người hiểu vấn đề... nếu ông vẫn còn nói đến việc cho phép chúng tôi thử tay nghề của chúng tôi... mẹ kiếp, thế thì còn hy vọng gì nữa?” Ông ta kết thúc câu với bộ râu vểnh lên cách mũi tôi có vài phân.
“Tôi xin lỗi. Tôi hiểu.”
“Không, ông không hiểu!” Akbar quát. “Mẹ kiếp, ông không hiểu. Ngay bây giờ tôi nói cho ông biết là tôi cho rằng mình sẽ bị bắn chết ngoài đường phố Philadelphia... trước khi tôi ba mươi tuổi. Cậu, nói với ông ấy đi!”
Người đàn ông gầy gò nói nhỏ đến nỗi tôi gần như không thể nghe được, “Tôi trông chờ mình bị bắn chết. Nhưng tôi sẽ bắt nửa tá người da trắng cùng chết.”
“Cậu! Cato! Nói với ông ấy đi!”
“Tôi chắc chắn chúng tôi sẽ phải xuống đường để giành được công bằng. Chúng tôi biết các ông có súng... các ông đông hơn chúng tôi... Tôi trông chờ mình sẽ hy sinh tại đất Philadelphia này.”
“Khoan đã!” tôi nói to. “Akbar, ông có bằng đại học. Cato, cậu cũng sắp có. Trong xã hội chúng ta có chỗ cho các bạn mà.”
“Hình như ông không hiểu. Đối với tôi kiếm được việc làm không còn là đủ nữa. Tôi muốn mọi người da đen đều có cơ hội công bằng. Tôi muốn các anh em được tự do, và tôi sẽ chết cho điều đó.”
Vilma không nói gì trong lúc những người khác phát biểu tuyên ngôn của mình, nhưng đến lúc này cô làm một việc thậm chí còn gây ấn tượng mạnh mẽ hơn. Cô đi ngang qua phòng, giật mạnh để mở toang cánh cửa đang đóng kín, chỉ cho tôi xem một kho súng đạn nhỏ. Đứng cạnh nơi cất giấu chết người đó như một nàng Jeanne d’Arc[32] da đen, cô không nói gì, rồi đóng cửa và quay lại chỗ của mình trên giường cạnh người đàn ông gầy gò.
“Điểm thứ tư của ông là gì?” Akbar hỏi.
Tôi chỉ vào kho vũ khí nói, “Sau chuyện đó thì làm gì còn hào hứng mà nói nữa.”
“Tôi muốn nghe.”
“Nó sẽ chỉ làm ông tức giận thôi.”
“Không hơn nỗi tức giận mà tôi đã trải qua trước đây.”
“Thế này nhé. Cho đến ngày hôm qua tôi đã có một giám đốc văn phòng tên là Nordness. Đưa ông ta đi cùng từ Geneva. Ông ta bỏ đi rồi. Tại sao? Ông ta bảo tôi rằng tất cả những gì ông ta nhận được từ người da đen ở Philadelphia là ung nhọt. Vì trong những tầng lớp thấp hơn ông và Cato, ông ta không thấy được ý thức trách nhiệm. Nếu thứ Hai ông ta nhận một người vào làm việc thì anh ta mất tăm mất tích ba ngày liền cho đến thứ Sáu. Nếu ông ta mở một chi nhánh ở ven thành phố và tuyển nhân viên da đen thì tuần sau đó văn phòng ấy lúc mở cửa làm việc, lúc không. Nordness tin rằng các nhà lãnh đạo công đoàn hoàn toàn có lý, dù các ông có thích điều đó hay không, khi họ nói, ‘Chắc chắn rồi, người da đen có thể học được, nhưng anh chẳng bao giờ biết được liệu họ có đến làm việc hay không.’ Vì vậy, chừng nào nội bộ xã hội của các ông chưa được sắp xếp lại, chừng đó sự tự lên án đáng sợ này sẽ còn ám ảnh các ông... ngăn không cho các ông có được những điều tốt đẹp mà các ông mong muốn.”
Trước sự ngạc nhiên của tôi, Muhammad lắng nghe lời phê bình, mím môi trầm ngâm nói, “Nordness có lý. Chúng tôi biết điều này - một cách đau đớn - và chỉ có chương trình của chúng tôi mới thay đổi được mọi việc... ý tôi là, thay đổi tính cách người da đen.”
“Các ông có chương trình gì?” chỉ vào hai tập giấy có vẻ như nhất định sẽ làm cho người da đen bị cô lập hơn nữa, tôi hỏi.
“Lòng tự trọng,” Muhammad đáp. “Khi nào người da đen có khả năng tổ chức mọi việc theo cách của mình... làm những việc của mình...” Ông ta ngừng lại, cố tìm một khái niệm mà hình như ông ta vẫn chưa định hình được thích đáng, rồi không nói gì nữa.
“Tôi hiểu ý ông,” tôi nói. “Và tôi tán thành. Người da đen phải tự xây dựng thành trì tự trọng cho mình, về mọi mặt. Tất cả mọi người đều phải làm vậy. Nhưng nếu các ông cho rằng điều đó đồng nghĩa với việc các ông có thể điều hành một cửa hàng tạp hóa dựa trên những nguyên tắc của người da đen, hay một nhà máy, một văn phòng bảo hiểm, và rằng các ông có thể phớt lờ những nghiên cứu về hiệu suất giá cả hay việc có mặt đều đặn và đúng giờ tại nơi làm việc thì... Ông biết đấy, ông Muhammad, sẽ chẳng có luật lệ đặc biệt dành cho người da đen đâu.”
“Thế thì ông đã bỏ qua điểm cốt yếu,” ông ta háo hức nói, như thể lấy lại được khả năng suy nghĩ vốn đã bị mất. “Chúng tôi sẽ thành lập các doanh nghiệp mà động cơ chính yếu là truyền lòng tự trọng cho những người da đen điều hành và bảo trợ chúng. Cạnh tranh với các cửa hàng của người da trắng trong vùng phụ cận chỉ là vấn đề thứ yếu.”
“Sai một trăm phần trăm,” tôi nói thẳng thừng. “Đối với mọi cửa hàng, cả của người da đen lẫn da trắng, động cơ không thể tránh là kiếm lợi nhuận để cho phép nó tiếp tục hoạt động. Các ông thành lập cửa hàng của người da đen và điều hành nó một cách kém cỏi như trong những cửa hàng của người da đen khác mà tôi đã biết, thì mọi người da đen ở khu vực của ông sẽ thường xuyên lui tới cửa hàng của người da trắng, vì nó sẽ là nơi tốt hơn.”
“Ông sẽ cấp cho ủy ban chúng tôi một trăm nghìn đô la để chúng tôi thử thực hiện cách của mình chứ?”
“Tôi sẽ không cấp bất cứ thứ gì cho một ủy ban nào cả. Nhưng nếu những người hiểu biết như ông và Cato muốn thử, tôi sẽ cho các ông vay tiền để khởi nghiệp.”
“Công việc của tôi không phải là điều hành cửa hàng tạp hóa,” ông ta nói.
“Vì thế nên chúng sẽ thất bại,” tôi nói.
“Vậy là ông thấy không có hy vọng?”
“Dựa trên những tiền đề ông nêu ra thì... không.”
“Sẽ không có tiền đề nào khác,” ông ta nói, và với lời lưu ý lạnh lùng này, cuộc thảo luận về kinh tế học của chúng tôi chấm dứt, nhưng một cuộc trò chuyện khác có ý nghĩa hơn bắt đầu.
Người đàn ông gầy gò châm một điếu thuốc, nhưng thay vì hút bình thường như người khác, anh ta lại hít sâu, nhắm mắt, giữ khói trong phổi rất lâu rồi từ từ thở ra. Anh ta rít thêm hai hơi như vậy nữa và đưa điếu thuốc cho Akbar Muhammad, ông này hít vào thậm chí còn sâu hơn, vì có hai lá phối rất khỏe, rồi phả khói ra thành những vòng tròn màu vàng dày đặc lơ lửng trong không khí.
“Làm một hơi chứ?” Akbar hỏi, đưa điếu thuốc mời tôi.
“Cái gì thế?” tôi hỏi.
“Thuốc marijuana,” Thấy tôi tỏ vẻ không hiểu, ông ta làu bàu, “Cỏ, ông bạn ạ. Cỏ đấy.”
“Ý ông là cần sa?”
“Chứ còn gì khác nữa, ông bạn?”
Tôi chợt mỉm cười, còn ông ta hung hăng hỏi cỏ thì có gì đáng cười, tôi bèn trả lời, “Lúc này là bảy giờ sáng. Chúng ta vẫn chưa ăn điểm tâm,” người đàn ông gầy gò nói, “Ông phải cố qua được cả ngày đấy,” còn Akbar nói, “Chúng ta là bạn bè. Chúng ta vừa nói những chuyện khôn ngoan. Hãy ăn mừng nào.”
Tôi định chuyển điếu thuốc cho Cato, nhưng Muhammad chộp lấy cánh tay tôi hỏi, “Ông không cùng hút sao?”
“Tôi không nghĩ như vậy.”
Ông ta giữ tay tôi nói, “Tôi đã bảo ông là chúng ta đang ăn mừng mà. Hút đi.”
“Phải đấy, ông bạn,” anh chàng gầy gò kia nói. “Nó không làm ông say đâu, một hơi thôi.”
Tôi nhìn Cato cầu cứu, anh gật đầu, vậy là tôi hít một hơi dè dặt, cảm nhận vị khói ngòn ngọt, thấy nó vừa vô hại vừa không gây ấn tượng, đoạn chuyền cho Cato, anh hít hai hơi sâu trước khi chuyển cho Vilma. Cứ như vậy, điếu thuốc được chuyền từ người này sang người khác ba lần, sau đó người đàn ông gầy gò lấy ra điếu thứ hai, điếu thuốc cũng được thưởng thức theo cách đó.
Tổng cộng, tôi hít sáu hơi cần sa không sâu lắm mà, trong chừng mực tôi có thể đánh giá được, không tác động đến tôi, nhưng bốn người da đen lại hít sâu, giữ khói khá lâu, và nhả khói ra từ từ, và bởi tương ứng với mỗi lần hút chiếu lệ của tôi họ đều rít đến ba hoặc bốn hơi đáng kể nên họ đã bị tác động theo bất cứ cách nào cần sa có thể tác động được lên ý thức con người.
Xét ở mức độ tôi có thể thấy được, những điếu thuốc ấy giúp họ thư giãn hơn, thân thiện hơn, có phần tỏ ra coi thường hơn tình thế mâu thuẫn họ nhận thấy mình đã lâm vào. Nói một cách ngắn gọn, họ dễ thương hơn và tôi thấy mình có cảm tình với họ hơn. Chẳng hạn như Akbar Muhammad, dần trở nên hết sức thân mật, vòng cánh tay trần khỏe mạnh quanh người tôi và nói năng một cách thẳng thắn, như thể cuộc trò chuyện vừa rồi là một cuộc thử sức chứ không phải cuộc trao đổi quan điểm thực sự. “Ông Fairbanks,” ông ta nói vẻ tin tưởng, “để các yêu cầu của chúng tôi được đáp ứng, chúng tôi sẽ gây sức ép theo những cách sẽ khiến ông giật mình đấy - có thể còn khiến ông ghét bỏ chúng tôi nữa - nhưng chúng tôi sẽ đòi được tiền. Bằng cách này hay cách khác, chúng tôi sẽ đòi được tiền, vì cũng như ông và bạn bè ông ở Geneva, người da trắng có mặc cảm tội lỗi. Họ biết những điều chúng tôi nói đều đúng. Họ biết họ đã lừa gạt chúng tôi - rằng họ nợ chúng tôi một món nợ suốt đời - và người da trắng rất khôn ngoan. Họ chấp nhận sự thật, và sự thật là chúng tôi có quyền được đền bù. Chúng tôi sẽ giành được quyền đó, và khi đã giành được, chúng tôi sẽ thành lập những cửa hàng của chính chúng tôi, theo cách của chúng tôi, và sẽ điều hành chúng theo những nguyên tắc tốt nhất của người da đen.”
“Và chúng sẽ phá sản trong ba năm,” tôi nói không có ác ý.
“Ông có lý!” ông ta đáp. “Đợt đầu sẽ phá sản - từng cửa hàng chết tiệt một. Và qua sai lầm chúng tôi sẽ rút ra được bài học. Và chúng tôi sẽ bắt đầu đợt thứ hai. Và trong những cửa hàng đó chúng tôi sẽ tuân theo mọi luật lệ mà đêm nay ông đã cố gắng giải thích cho tôi hiểu. Rồi những cửa hàng ấy sẽ thành công.”
“Tại sao các ông không tuân theo luật lệ ngay từ đầu?”
“Vì chúng tôi phải học,” ông ta nhẹ nhàng đáp. “Và chúng tôi phải học theo cách riêng của mình - cách mà mọi người da trắng trên trái đất này học bất cứ điều gì. Cách của chúng tôi. Tất cả những gì cần thiết là thời gian và tiền bạc. Chúng tôi có thời gian. Các ông có tiền. Và cuộc thử nghiệm có thể hữu ích cho tất cả.”
“Trước mắt các ông sẽ có nhiều năm bận rộn,” tôi nói.
“Quả thật như vậy,” ông ta vui vẻ nói. “Vì chúng tôi sẽ xây dựng lại một dân tộc, và qua đó, chúng tôi sẽ xây dựng lại một quốc gia.”
Có lẽ cần sa tác động đến tôi mạnh hơn tôi tưởng, vì khi ông ta nói câu đó thì tôi phá lên cười, và thay vì giận dữ, ông ta cũng cười theo tôi, rồi hỏi một cách hòa nhã, “Có gì buồn cười thế?” thì tôi đáp, “Ông có biết là mấy năm trước, trên thực tế tôi đã là cố vấn cho nước Cộng hòa Vwarda không? Đúng vậy, tôi đã từng làm việc tương đối mật thiết với các nước cộng hòa da đen. Và ngay giữa châu Phi người ta cũng nói chính điều ông vừa nói, ‘Chúng tôi sẽ xây dựng lại một dân tộc và qua đó, chúng tôi sẽ xây dựng lại một quốc gia.’”
“Chuyện đó có gì buồn cười?” ông ta hỏi, cười phá lên vì câu nói đùa mà ông ta không hiểu.
“Buồn cười ở chỗ người da đen châu Phi và người da đen Bắc Philadelphia cùng nói một câu tương tự... và vì những nguyên nhân tương tự.”
“Thật ra điều ông muốn nói,” ông ta đoán, vừa thúc vào mạng sườn tôi vừa cười khúc khích, “đó là người da đen chúng tôi ở cả hai nơi đều kém văn minh cả.”
“Xin đừng gán cho tôi ý đó,” tôi nhắc nhở, bật cười vì sự táo bạo của ông ta.
Người đàn ông gầy gò châm điếu thuốc khác, và chúng tôi lại hút theo cách cũ, và một lần nữa tôi chỉ rít cho phải phép.
Rít thật sâu hơi cần sa thơm ngát, Akbar Muhammad nói tiếp, “Tôi nghĩ ông nói đúng, về một khía cạnh. Tất cả người da đen đều gặp vấn đề giống nhau - Vwarda thì trên phạm vi quốc gia, chúng tôi thì trên phạm vi địa phương. Nhưng nó không phải vấn đề riêng của người da đen. Nó là vấn đề của mọi dân tộc đang thoát khỏi cảnh tối tăm. Khi tôi còn học ở trường Michigan State, chúng tôi có một giáo sư rất giỏi. Ông ấy có thể nhìn thấu tâm can người da đen. Một người Ailen to lớn, học tại Notre Dame. Đội bóng bầu dục đứng thứ ba. Ông ấy từ Boston tới, và khi thấy mười sáu sinh viên da đen trong lớp, ông ấy ngừng bài giảng theo giáo án mà thay bằng năm cuộc nói chuyện về đề tài người Ailen sinh cơ lập nghiệp ở Massachusetts như thế nào. Ông có biết giáo sư đã nói gì không? Trong hai mươi năm, mọi người Ailen được nhận vào làm việc tại bang đó đều trở thành hoặc kẻ lừa đảo hoặc kẻ gian lận. Mọi cơ sở buôn bán của người Ailen đều phá sản vì một kẻ nào đó đã ăn trộm máy đếm tiền.
“Các giáo dân Tin lành có đủ mọi kiểu chuyện đùa về người Ailen, và chúng đều đúng sự thật, nhưng đồng thời chúng cũng không thích đáng. Vì người Ailen đã kịp rút ra bài học. Họ đã bắt đầu bầu các nhà chính trị trung thực. Họ đã học được cách thuê nhân viên trung thực. Và sau hai thế hệ, nước Mỹ đã tìm được cho mình Jack Kennedy. Sự kiên trì đã được đền đáp.”
Akbar với lấy điếu thuốc, rít bốn hơi sâu rồi chuyển cho Vilma. “Trong thời kỳ khám phá và ổn định của họ, người Ailen có rượu whiskey để an ủi. Chúng tôi có cần sa.”
“Hãy đảm bảo là cần sa không nắm được các ông,” tôi nói.
Lúc đó đã gần chín giờ sáng, và Vilma nói, “Đến lúc tôi phải đi học.” Trong trạng thái phởn phơ trùm lên cuộc gặp gỡ của chúng tôi, câu nói đó làm mọi người phá lên cười, và Akbar nói bằng phương ngữ khá nặng, “Khi thầy giáo hỏi, ‘Em vừa ở đâu đấy, bé con?’ thì em cứ trả lời, “Hút cần sa cùng dzới các tín đồ Hồi giáo Mới.’ ”
Tôi hỏi Cato, “Cậu có phải tín đồ Hồi giáo Mới không?” và Akbar trả lời thay, “Bản thân cậu ấy còn chưa rõ. Cậu ấy chưa biết mình là ai.”
“Tôi là một tín đồ đấy,” Vilma nói, không tỏ ra thách thức mà thể hiện một mức độ tự hào nào đó. Tôi không đoán được cô là bạn gái của ai, nhưng lúc này cô đứng lên, đi ra cửa, và nói, “Cato, anh đưa em tới trường nhé?” Cato đứng bật dậy đến gần cô, rồi quay lại nói với tôi, “Ông đi cùng chúng tôi thì tốt hơn.”
Chúng tôi rời khỏi ngôi nhà, thả bộ dọc phố Thứ Tám tiến về phía trường Classical High, và khi đi xuyên qua khu vực của người da đen gần đó, chúng tôi thấy nhiều đứa trẻ đã bắt đầu đi đến trường, tôi tự hỏi không biết bao nhiêu em trong số đó từng hút những điếu thuốc đặc biệt ấy. Không cách gì biết được, cũng như không ai có thể phát hiện ra Cato và Vilma đang dạo bước giữa một không gian riêng biệt của hai người, trong đó màu sắc tươi sáng hơn một chút và âm thanh cuốn hút hơn.
Trong phòng Muhammad, tôi đã cảm thấy lạ khi Vilma đề nghị Cato đưa đến trường, nhưng lúc này chúng tôi bước vào một khu phố đặc biệt dơ dáy cách trường Classical High không xa lắm và tôi bắt đầu hiểu ra, vì ở đây có nhiều nhóm khá đông con gái da đen tụ tập ở các góc phố để lăng mạ Vilma khi cô đi qua. “Đồ đê tiện!” một cô gái khoảng mười sáu thét vào mặt Vilma.
“Mày ngủ cả đêm với thằng da trắng phải không?” một cô khác hét.
Những lời buộc tội ghê tởm chống lại Vilma tuôn ra, nhưng cô làm ngơ và đi sát vào Cato hơn trong lúc chúng tôi bước tiếp. Sau khi anh đã vượt qua cả rừng người phẫn nộ đó, tôi hỏi, “Chuyện này là thế nào?” Cato giải thích, “Cô ấy không chịu nhập bọn với chúng.”
“Bọn nào?”
“Phần lớn là bọn con trai. Chính chúng tiến hành giết chóc. Ba mươi hai vụ năm ngoái do bọn trẻ dưới hai mươi tuổi gây ra. Đám con gái là những đứa theo đuôi. Bọn con gái đầu đường xó chợ, người ta gọi chúng như vậy.”
“Chúng có vẻ hơi hung bạo.”
“Chúng có thể rất hung bạo đấy.”
Lúc này chúng tôi đã đến trước cổng Classical High, một trong những ngôi trường có tiếng ở Mỹ trong nhiều năm qua, nơi các cậu thiếu niên Ailen, Đức và Do Thái có cha mẹ nhập cư tại đất nước này được học những quy tắc cơ bản chi phối cuộc sống ở Mỹ. Ngoài tiếng Latinh và tiếng Anh được kiên trì truyền dạy, những lớp học sinh đầu tiên ấy còn tiếp nhận tầm nhìn sâu sắc về cách điều khiển cái hệ thống mà giờ đây chính họ cũng là một phần. Từ mái trường Classical, nhiều trí thức trẻ đã trở thành trùm công nghiệp, tác giả những quyển sách hay, giám đốc sở cảnh sát và giảng viên đại học. Những chàng trai Ailen nhanh nhẹn trở thành tiền vệ của đội bóng Michigan và Alabama; những chàng trai Do Thái chăm chỉ trở thành các triết gia tại Harvard. Đó là một ngôi trường giàu truyền thống đã đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng thành phố và quốc gia này. Ngày nay về mặt trí tuệ vấn đề chủ yếu của trường là đương đầu với hai mươi tám phần trăm học sinh không biết đọc; về mặt kỷ luật vấn đề chính là ngăn ngừa nạn hiếp dâm và đâm chém tại các khu nhà dành cho học sinh và giáo viên.
Khi chúng tôi tới gần trường, Cato và tôi bị hai cảnh sát chặn lại. “Đừng đến gần hơn nữa,” họ cảnh báo chúng tôi.
“Tại sao lại không?” tôi hỏi.
“Đang xử trí đám người lớn bán ma túy lậu,” họ giải thích, và khi họ đi, Cato nói với tôi, “Trường này có nhiều vấn đề lắm. Giờ ra chơi người lớn hay lẻn vào bán heroin cho học sinh.”
Khi chúng tôi đứng ở góc phố với Vilma, tôi có dịp quan sát ngôi trường nổi tiếng ấy; môn chính tả không còn là một trong những vấn đề nan giải của trường này nữa, vì có rất nhiều dòng chữ viết nguệch ngoạc trên khắp mặt tiền: Hãy gia nhập câu lạc bộ Omaga Phi, Danise yêu Fillip và Toàn bộ quyền lực thuộc về băng Madadors, và xa hơn chút nữa - chữ đỏ - là dòng chữ đáng ngại Bọn Madadors phải chết.
“Đó là băng muốn Vilma gia nhập,” Cato nói. “Nhóm con gái thì được gọi là Madadoras.”
Một đứa trong đám con gái chúng tôi vừa gặp lúc này nghênh ngang đi qua đầy vẻ đe dọa và lẩm bẩm hăm dọa Vilma. Cảnh sát ngăn bọn chúng lại và một sĩ quan nữ được gọi đến để khám xét. Bà ta tịch thu bốn con dao gập rồi cho phép đám con gái đó vào trường. “Trường này luôn xảy ra các vụ đâm chém,” Cato nói.
Lúc này, một nhóm bốn bà mẹ da đen hộ tống con gái tới trường xuất hiện từ phố Grimsby. Trong cộng đồng da trắng, các bà mẹ như vậy trước hết sẽ không phải đưa cô con gái mười lăm tuổi tới trường, nhưng ngay cả khi đã đi theo trẻ vị thành niên thì họ cũng sẽ tạm biệt chúng ở góc phố, một khi đường phố đã đủ an toàn để vượt qua. Tuy nhiên, ở đây, các bà mẹ đưa con tới tận cổng trường, nơi cảnh sát có thể bảo vệ chúng, vì mấy tháng gần đây đã xảy ra những vụ tấn công đáng sợ trên các con đường dẫn đến ngôi trường này.
Vì lúc này đã đến giờ học nên chúng tôi đưa Vilma vào khu vực được cảnh sát bảo vệ. Cato chào tạm biệt cô và chúng tôi nhìn cô an toàn đi qua cổng, nhưng khi bóng cô đã khuất, một nhóm ba đứa con gái đi qua trước mặt Cato và thầm thì để cảnh sát không nghe được, “Chúng tao sắp thịt con bé ấy đấy. Không đứa nào phản bội băng Madadoras mà còn sống được.” Tôi nhìn mấy đứa con gái đó khi chúng đi ngang qua, những cô gái mười lăm mười sáu duyên dáng đáng lẽ phải quan tâm tới giờ học sử và bọn con trai, vậy mà lại bị ám ảnh bởi mối tử thù dường như là một khía cạnh bình thường trong xã hội của họ.
“Không có gì đâu,” Cato nói khi chúng tôi rời khỏi ngôi trường, nhưng dù sao đi nữa tôi vẫn cảm thấy hết sức bàng hoàng. “Ông sợ?” Cato hỏi. Tôi lắc đầu và quay về khách sạn ngủ một lát.
Những ngày tiếp theo là một ảo ảnh. Các buổi sáng và chiều được dành để cùng ủy ban của Đức Cha Claypool Jackson thảo luận về vấn đề tài chính của người da đen như thể người da đen ở Philadelphia là người Đức hay người Ailen có với chỉ vài vấn đề đặc trưng. Chúng tôi không bao giờ giải quyết vấn đề những lãnh tụ trẻ như Akbar Muhammad và nhóm tín đồ Hồi giáo Mới của ông ta hay băng nữ quái hoành hành tại những con đường dẫn đến trường. Chúng tôi cũng bưng bít những tổn thất do ma túy, giết người và tình trạng tuyệt vọng như thể chúng không phải vấn đề quan trọng, nhưng khi ngồi họp, trong tâm trí tôi chỉ toàn hình ảnh bốn bà mẹ da đen hộ tống con gái tới trường, một mực mong muốn con họ được học hành và không dính líu đến băng đảng. Tôi không hoàn thành được bất cứ việc gì và chuẩn bị quay về Geneva.
Buổi tối thì tôi lại bước vào một thế giới khác - nửa sợ hãi, nửa hy vọng - với Cato Jackson là người hướng dẫn. Tôi phát hiện ra anh đang thường xuyên hẹn hò với Vilma, nhưng cô cũng hẹn hò với cả Akbar Muhammad nữa. Tôi không bao giờ hiểu nổi cô thu xếp ra sao, nhưng khi ở bên Cato, cô tỏ ra vừa thú vị vừa hấp dẫn. Cô có khả năng châm biếm, và tôi cho rằng nếu tránh xa cần sa thì cô sẽ là học sinh giỏi. Chúng tôi thường ăn tối cùng nhau, và một đêm tôi hỏi cô liệu có ý định học đại học không.
“Tôi ư? Không... Không.”
Tôi có thể thấy cô không gạt bỏ ý kiến ấy một cách vô tình, vì vậy tôi hỏi lý do, và cô trả lời với đôi chút lưỡng lự, “Tôi không có ông Wister.”
“Ông ấy là ai?” tôi hỏi.
Cô nghiêng vầng trán nâu xinh đẹp về phía Cato. “Anh ấy sẽ nói cho ông biết.”
Có lẽ hơi bối rối nên Cato chuyển sang nói giọng miền Nam khá nặng, “Người đó, ông Wister, ông ấy là thành viên trong nhà thờ của dân da trắng. Khi họ bán cho cha tôi, chính ông ấy đã nói, ‘Chúng ta tặng nhà thờ này cho họ thì hơn. Dù sao thì tất cả chúng ta đều thuộc một tôn giáo mà.’ Những người khác, họ cười ồ lên chế nhạo đề nghị của ông ấy. Vì vậy khi việc mua bán đã được thỏa thuận xong, ông có đoán được chuyện gì không? Nào, ông thử đoán xem. Ông Wister đó, ông ấy đến gặp cha tôi nói, ‘Đức Cha Claypool, hôm nay chúng tôi đã làm một điều bất công nghiêm trọng đối với Chúa,’ và ông già tôi, một Bác Tom cho đến tận phút cuối cùng, ông ấy nói, ‘Thưa ngài Wister, có lẽ Chúa có mục đích riêng của Người. Chúng tôi đã có một ngôi nhà đàng hoàng của Chúa. Chúng tôi có cái để mà tận tâm làm việc.’ Nhưng ông Wister ông ấy nói, ‘Đức Cha Claypool, tôi sẽ gửi con trai ông đi học đại học.’ Vậy là ông ấy thu xếp cho tôi vào trường đại học Pennsylvania. Ông ấy trả mọi phí tổn. Đó là điều ông ấy đã làm, đó là điều người đàn ông tử tế ấy đã làm.”
Tôi ngờ đây lại là một trò nhạo báng khác của Cato, nhưng Vilma đã chứng thực câu chuyện. Họ gọi ông là Mister Wister, phát âm cái tên thành một âm nhanh - “Swister”. Ông là một tín đồ Quaker, vợ ông thuộc giáo đoàn Llanfair đã bán tống bán tháo ngôi nhà thờ thành phố bỏ đi ấy, và do mặc cảm tội lỗi nên ông đã cấp học bổng cho Cato theo học ở trường cũ của ông, trường đại học Pennsylvania. Cứ ba tháng một lần, ông lại ghé vào ngôi nhà ở góc phố Thứ Sáu và phố Grimsby để xem người được ông bảo trợ học hành ra sao, và ông luôn hài lòng thấy Cato không thua kém gì các đối thủ da trắng.
“Chỉ cần thêm vài người như ông Wister,” Cato nói bằng thứ tiếng Anh bình thường, “là chúng tôi có thể thoát khỏi tình cảnh hiện nay. Nhưng người như ông ấy rất hiếm.”
Vilma nói cô không hy vọng tìm được cho mình một người như vậy, một ý nghĩ bị tôi chế giễu. Tôi nói, “Một cô gái da đen thông minh như cô có thể giành được học bổng ở cả tá trường đại học. Người ta đang tìm kiếm những người như cô. Nói thật với cô, thời nay thà là một thanh niên da đen thông minh còn hơn là một người da trắng bình thường. Cơ hội tốt hơn.”
“Cơ hội cho cái gì?” Vilma hỏi.
“Cơ hội thực sự làm gì đó. Cô cứ lấy được bằng đại học đi, tôi sẽ thuê cô.”
“Làm việc gì?”
“Làm thư ký cho tôi tức là thư ký điều hành rất nhiều trách nhiệm khi tôi đi công cán. Cô sẽ sống ở Geneva.”
“Nó ở Pháp à?”
“Thụy Sĩ.”
Từ này như có phép màu và tôi có thể thấy nó đã gây được ấn tượng. “Tôi đã xem Shirley Temple. Bây giờ bà ấy đang chạy đua vào Quốc hội hay đại loại vậy. Còn trong bộ phim đó bà ấy đóng vai một cô bé ở Thụy Sĩ. Ở Geneva có núi Alps không?”
“Ngay gần đó.”
“Ông giễu tôi phải không?” cô hỏi. “Ông sẽ thuê tôi thật chứ?”
“Hàng trăm công ty sẵn sàng thuê cô ấy chứ. Cô không nghĩ chúng tôi cũng hiểu về những vấn đề đau đầu của các cô như Akbar Muhammad hiểu sao?”
“Không,” cô lạnh lùng nói. “Ông nghĩ ông hiểu à? Hãy đi theo tôi.”
Vilma dẫn chúng tôi tới một khu vực ở Bắc Philadelphia mà tôi chưa bao giờ đến hay thậm chí chưa bao giờ nghe nói tới. Đó là một phổ hẻm tên là Dartmoor Mews, nằm cách xa phố Thứ Sáu và trường Classical High không quá năm khối nhà. Hai bên phố là những chung cư giá rẻ, và rác ngập khắp nơi. Toàn bộ khu này đều xấu xí, ngoại trừ đám trẻ lít nhít.
Vilma thận trọng bước vòng qua những ổ gà trên hè, cố tránh mặt một nhóm con gái - bất chấp sự có mặt của Cato - lầm bầm đe dọa cô. Cô đưa chúng tôi vào một ngôi nhà thấp lè tè vốn là nơi ở của một người Ailen bán vé xe điện những năm cuối thế kỷ 19; từ ngôi nhà này ông ta đã gửi con trai đến trường đại học Villanova. Sau đó, ngôi nhà được chuyển đến tay một thợ xây Ý; từ ngôi nhà này ông ta đã gửi những người con trai của mình đến trường đại học St. Joseph, một người trong số đó tiếp tục học ở trường St. Charles Borromeo để trở thành mục sư.
“Thời đó, một người Ailen có thể trở thành nhân viên bán vé,” cô nói trong lúc dẫn chúng tôi leo lên một dãy cầu thang không thể tin nổi, “một người Ý được phép làm thợ xây.” Cô đưa chúng tôi vào một căn hộ chiếm một nửa tầng hai; bốn gia đình da đen chia sẻ nơi trước kia một người Ailen đã thuê. Đó là một chỗ ở tồi tàn dơ dáy đến phát sợ, giấy dán tường loang lổ, ván sàn ướt át. Phòng vệ sinh đặt trong nhà kho ở tầng dưới và được mọi gia đình sử dụng chung.
Người nhà của Vilma khó có thể được gọi chính xác là một gia đình. Đó là một bà mẹ lam lũ giữa sáu đứa con mà bà phải cố gắng nuôi dạy một mình vì cả ba ông chồng bà đều là những kẻ vô dụng.
Ba niềm an ủi đã giúp bà tiếp tục sống: Vilma và hai đứa em gái sẽ rất xinh đẹp và xứng đáng được hưởng cuộc sống sung sướng; Đức Cha Claypool Jackson là một nhà thuyết giáo truyền cảm đã đưa Chúa đến với ngôi nhà thờ to lớn của ông; và ti vi hay hơn rạp chiếu phim nhiều. Với ba thứ thuốc an thần đó bà có thể chịu đựng được cảnh khốn khổ ở phố hẻm này và sự xấc láo của tay nhân viên phúc lợi xã hội người Do Thái mà bà phải xoa dịu nếu muốn lĩnh tờ séc cứu trợ hàng tháng.
“Mẹ, ông đây bảo nếu con học đại học, ông ấy sẽ cho con công việc tử tế ở Thụy Sĩ.”
“Con nói gì? Đại học ư?”
Tôi cho rằng qua câu đáp lại này người ta đã có được câu chuyện về những gì xảy ra với rất nhiều thanh niên da đen ở Mỹ. Họ mà nói đến việc học đại học, hoặc nếu ai đó gợi ý việc này với họ thì những người bạn đồng trang lứa và thậm chí cả gia đình họ sẽ chế nhạo ý tưởng ấy, kịch liệt chỉ trích thái độ ngạo mạn của họ khi “mèo con đòi bắt chuột cống” trong khi tại các gia đình Ailen và Do Thái, một đứa con có khả năng học đại học được đặc biệt coi trọng vì anh ta có thể cứu giúp gia đình. Tôi nhớ hồi ở Indiana khi tôi quay về trang trại của gia đình, tại một vùng chưa ai được đi đại học, và nói với cha mẹ là thầy cô giáo cho rằng tôi nên cố gắng học lên cao hơn, mẹ tôi đã say sưa với những viễn cảnh về sự nghiệp của tôi - bà tính đến cả chức bộ trưởng, nghề luật sư - trong khi cha tôi nói mọi thanh niên đều có quyền được hưởng nền giáo dục tốt nhất mà anh ta có thể tiếp thu, và ông hứa sẽ giúp tôi thành công nếu tôi thật sự nghĩ rằng mình có đủ trí tuệ. Nhưng khi tôi cam đoan với mẹ của Vilma là tôi nói nghiêm túc, bà liền lùi lại, nghiên cứu tôi với vẻ hoài nghi, rồi mỉm cười thỏa mãn vì đã nhìn thấu thủ đoạn của tôi: không người đàn ông da trắng nào chịu giúp một cô gái da màu xinh đẹp trừ phi hắn muốn lên giường với cô ta.
“Con quên ngay chuyện đại học ấy đi... tự mà kiếm lấy một công việc,” bà mẹ nói.
“Nhưng ông ấy bảo sẽ cho con một công việc tử tế...”
“Ông ấy bảo! Ông ấy bảo!”
Sáng thứ Sáu, 14 tháng Hai năm 1969, Vilma rời khỏi ngôi nhà trong ngõ hẻm mang theo một tấm thiệp Valentine hài hước mà cô định gửi cho Cato Jackson qua đường bưu điện, nhưng lại phải để cho cảnh sát trao tận tay, vì khi cô đi tới góc phố giao nhau giữa Grimsby và phố Thứ Bảy, cách trường cô một khối nhà ngắn, bốn đứa con gái vị thành niên thuộc băng Madadoras đã đuổi kịp cô, quây lại thành một vòng tròn đầy đe dọa và ra lệnh cho cô nhập bọn. Khi cô từ chối, chúng dùng dao bấm tự động đâm cô mười một nhát. Bọn chúng dễ dàng bị tóm gọn, vì khi cô ngã xuống vỉa hè, chúng đã giậm chân lên người cô, đá vào mặt và làm rách bụng dưới của cô, để lại vết máu trên giày chúng.
Đó là vụ giết người thứ mười do băng nhóm vị thành niên gây ra tính từ đầu năm, và là vụ thứ bốn mươi tư trong mười hai tháng qua.
Chiều hôm đó Cato đang ngồi học ở thư viện trường Pennsylvania thì tình cờ nhìn thấy một tờ Evening Bulletin có đăng ảnh Vilma và bốn đứa con gái, không một đứa nào quá mười sáu tuổi, đã đâm cô đến chết. Anh thét lên một tiếng khủng khiếp vang dội khắp thư viện yên tĩnh, rồi lao ra phố la hét như điên như dại cho đến khi một vài sinh viên giúp anh trấn tĩnh lại và đưa về nhà. Tôi đang có mặt ở đó thực hiện cuộc trao đổi vô ích cuối cùng với cha anh, và phải lãnh trách nhiệm tìm cách khuyên giải anh.
Tôi đành bất lực. Trong lúc giận dữ bác bỏ tất cả những gì cha mình ủng hộ, anh nói với chúng tôi về tình yêu anh dành cho Vilma bằng những lời lẽ mãnh liệt, và nghe anh kể lể một cách cường điệu tôi tự hỏi không biết anh đã từng thổ lộ với cô chưa. Tôi dùng mọi kiểu suy luận chặt chẽ mình có thể tập hợp được: rằng anh còn trẻ, rằng anh không có lỗi trong cái chết của cô, rằng những chuyện như thế đều vô nghĩa, rằng anh không nên nguyền rủa toàn bộ người da trắng, vì họ không liên quan đến vụ này, nhưng lý lẽ cuối cùng này khiến anh đùng đùng nổi giận. “Các ông có liên quan!” anh quát. “Ai là chủ ngôi nhà bẩn thỉu mà cô ấy ở? Ai không chịu nộp thuế để mang đến cho chúng tôi những ngôi trường tốt hơn? Ai cho phép buôn bán ma túy ngay trong hành lang nhà trường? Cả chế độ này thối nát rồi, và ông cũng phải chịu trách nhiệm ngang bất kỳ người nào khác, ông Fairbanks.”
Trong tâm trạng đau xót không cho phép ai an ủi, anh lao ra khỏi ngôi nhà bằng đá xinh đẹp của mục sư và lồng lộn đi qua các phố. Tôi không gặp lại anh nữa, vì không lâu sau tôi rời khỏi đó để đi kiểm tra con đập Vwarda, nhưng tối đó tôi thấy mẹ Vilma trên truyền hình. Bà đang kể với phóng viên, một cô gái da màu thạo việc, “Tôi không bao giờ mơ ước cao xa cho Vilma, chỉ mong nó là cô gái ngoan, làm theo lời thầy cô dạy bảo. Tôi đã nuôi nấng nó chu đáo và còn đưa nó tới trường cho đến khi người ta bố trí cảnh sát canh gác ở đó. Các bà mẹ có thể làm được gì trong thành phố này khi mà con cái không thể đi một mình qua năm khối nhà để tới trường?”
Chính sau đó hai tuần, Cato Jackson, Akbar Muhammad và người bạn gầy gò ít nói rút lui khỏi Nhà thờ Tân giáo Llanfair, súng sẵn sàng nhả đạn. Đối với hai người sau, đó là một hành động liều lĩnh đã được tính toán từ lâu; đối với Cato đó là một cử chỉ tuyệt vọng, là sự phủ nhận cuối cùng nỗi thống khổ mà anh phải trải nghiệm về nhiều mặt và đặc biệt là phủ nhận những giải pháp tôn giáo bất lực của cha anh trước những vấn đề đó.
Bức ảnh nổi tiếng ấy được chụp lúc mười hai giờ kém ba phút, và trong hai tiếng đồng hồ cảnh sát nhận dạng xong ba kẻ xâm nhập và đột kích vào sở chỉ huy ở phố Thứ Tám, phát hiện ra kho súng đạn mà tôi đã thấy. Akbar Muhammad và viên phụ tá ít nói bị bắt, bị buộc nhiều trọng tội, nhưng Cato Jackson thì biến mất tăm. Cảnh sát bố trí người theo dõi Nhà thờ châu Phi dòng Chúa Cứu thế, và việc Cato là con một mục sư được bàn luận rất nhiều trong các bài phóng sự. Đức Cha Jackson xuất hiện trên truyền hình bốn lần để giải thích rằng trong thời buổi khó khăn này, ngay cả những bậc phụ huynh thận trọng nhất cũng không thoát khỏi tầm ảnh hưởng của cái bi kịch đang nhấn chìm đất nước chúng ta. Sự buông thả, cần sa, tâm trạng bối rối trước vấn đề Việt Nam, và trên hết, tình trạng hỗn loạn liên quan đến vấn đề chủng tộc có thể nhằm vào gia đình da đen cũng như da trắng, và ông hy vọng các bậc cha mẹ da trắng từng trải qua những vấn đề tương tự với con cái sẽ nhớ đến ông khi họ cầu nguyện. Đám thanh niên da đen Bắc Philadelphia nghe bài phát biểu dông dài đó thì bảo nhau, “Cato khôn ngoan lắm. Bọn chúng sẽ không bắt được Cato Jackson đâu. Các cậu biết tớ nghe được chuyện gì không? Cậu ấy thông minh đến nỗi không thể tốt nghiệp trường Penn vì trên toàn thế giới này chỉ có ba giáo sư đủ thông thái để hiểu được cậu ấy đang nghiên cứu cái gì thôi, và một trong số đó là Einstein nhưng ông này lại chết rồi còn hai người kia thì ở Nga. Các cậu cho rằng Cato sẽ để cho bọn cớm tóm ư? Không đâu thưa ngài, cậu ấy khôn ngoan lắm.”
Sau cuộc tấn công vào nhà thờ, bị lóa mắt bởi ánh đèn flash bất ngờ của tay thợ chụp ảnh, Cato, hiểu ngay rằng vụ này đã thất bại và dĩ nhiên cảnh sát sẽ truy lùng anh, đã làm một việc táo bạo. Thay vì trốn về Bắc Philadelphia cùng với Akbar Muhammad, người chắc chắn bị bắt, anh làm một vòng rộng xuyên qua vùng nông thôn Main Line rồi lộn trở lại Llanfair, cách nhà thờ ba khối nhà. Nơi được anh chọn làm chỗ ẩn náu là gara nhà ông Wister, và khi thấy những thành viên còn lại trong gia đình ông đang mải tường thuật cho hàng xóm nghe chuyện xảy ra tại nhà thờ sáng hôm đó, Cato bèn huýt sáo gọi ông Wister vào gara.
“Trời ơi! Cậu đang làm gì ở đây vậy?” ông hỏi.
“Tôi cần một lời khuyên.”
“Tôi biết là cậu cần mà.”
“Ông nghĩ tôi nên làm gì?”
“Tôi đoán là không ai bị thương. Tôi không thể nào hiểu nổi đầu đuôi câu chuyện đám phụ nữ ấy kể, và vì tôi không có mặt ở đó...”
“Không ai bị làm sao hết. Nhưng chắc cảnh sát sẽ bắt tất cả chúng tôi.”
“Tôi hy vọng như vậy. Đó là một hành động vô cùng ngu xuẩn và rất có thể cậu đã hủy hoại sự nghiệp của mình... trong lúc này.”
Cato cảm thấy vô cùng ấn tượng vì người đàn ông đang bị vướng vào rắc rối nghiêm trọng này lại có thể dễ dàng giữ được bình tĩnh và nhìn thẳng vào thực tế đến thế. Đặc biệt ông không nói những lời giả dối, không trách mắng, chỉ đơn giản xem xét mọi khả năng.
“Điều cậu phải làm là nằm yên cho đến khi sự náo loạn này lắng xuống. Nếu có bất cứ người nào bị thương, tôi sẽ không nói những lời tôi sắp nói đâu, nhưng sự thật là các cậu có lý khi yêu cầu nhà thờ đền bù. Người ta đã đòi cha cậu một số tiền đáng hổ thẹn cho ngôi nhà thờ cũ kỹ đó. Đáng lẽ họ phải giảm ít nhất hai phần ba giá. Còn về những việc làm sai trái khác trong quá khứ thì không có tiền nào đền bù được cả, nhưng cũng không phải là ý kiến tôi nếu hai nhà thờ của chúng ta có biểu hiện hòa giải.”
“Ông nghĩ chúng tôi đúng sao?”
“Chắc chắn rồi,” ông Wister đáp, và ông bắt đầu lên kế hoạch đưa Cato trốn khỏi vùng này, cũng giống như cụ của ông đã đồng lõa để lén đưa nô lệ da đen trốn khỏi Philadelphia cuối thập kỷ 1850. Đêm đó ông giữ Cato ở lại trong gara, rồi lấy cớ đi công tác để lái xe đưa anh tới New York, cho anh địa chỉ giáo sư Hartford ở trường Đại học Yale, một người đáng tin cậy. Từ đó Cato có thể dễ dàng đến Boston, nơi người ta sẽ hướng dẫn anh cách chuồn sang Canada. Khi tạm biệt Cato ở quảng trường Washington, bên rìa Greenwich Village, ông nói, “Cậu coi như đã hủy hoại tương lai của mình ở Penn, vì vậy chấm hết rồi. Nếu tôi mà là cậu thì tôi sẽ thi vào một trường đại học ở Canada.”
“Châu Âu thì sao?” Cato hỏi. “Nhiều người da đen đã phát hiện được khả năng, tính cách và ước muốn của mình ở châu Âu.”
Theo thói quen, ông Wister dừng lại, cân nhắc vấn đề mới này, xem xét dưới mọi góc độ, và nói, “Có thể đây là một ý kiến hay, Cato ạ. Cậu sẽ trở về như một người đàn ông hiểu biết. Và có Chúa chứng giám, chúng tôi cần những người như vậy!” Ông bắt tay anh và hỏi, đúng như một tín đồ Quaker chân chính sẽ làm, “Cậu sẽ lấy đâu ra tiền tiêu?” Khi thấy Cato lúng túng tìm câu trả lời, ông Wister nói, “Tôi đã để riêng một khoản tiền dành cho việc học hành của cậu. Tôi sẽ không phản đối nếu cậu dùng số tiền đó ở châu Âu. Hãy gửi cho tôi địa chỉ của cậu,” và nói xong câu này, ông lên xe quay về Llanfair, nơi các công dân đang tự thuyết phục mình rằng toàn bộ giáo đoàn vừa thoát chết trong gang tấc.
Chiếc xe buýt của sân bay thả Cato tại quầy báo ở trung tâm Torremolinos, và như hàng nghìn khách du lịch khác mỗi năm, anh vô tình lang thang đến một quầy rượu nằm thấp hơn so với mặt đường và tìm được một cái bàn nơi anh có thể nín thở ngồi đó và, cũng từ vị trí này, anh có thể ngắm nhìn cái thế giới hấp dẫn mà anh đã bất ngờ trở thành một thành phần. Anh bị ấn tượng mạnh bởi hai điều: vẻ đẹp của những nam nữ thanh niên anh nhìn thấy, và một thực tế là không có người da đen. “Nếu đây là thủ đô của thế giới đối với thanh niên,” anh tự nhủ, “thì chắc chắn không có nhiều cử tri da đen trong khu vực bầu cử.” Anh thấy điều này đặc biệt kỳ lạ vì châu Phi chỉ cách đó có vài dặm về phía Nam.
Anh chưa kịp gọi thứ gì thì một thanh niên tóc ngắn, nhìn bề ngoài có vẻ là người Pháp, ngồi xuống bàn anh như thể hai người là bạn cũ và hỏi, “Điều gì đã đưa cậu tới đây?”
“Quang cảnh.”
“Đẹp nhất châu Âu đấy. Cậu đã trọ ở đâu chưa?”
“Chưa.”
“Tớ sẽ được mười phần trăm nếu cậu thuê phòng ở khách sạn Felipe Segundo.” Anh ta đưa cho Cato một tấm các của khách sạn và nói tiếp, “Gần bãi biển. Bể bơi nước nóng.”
“Tình hình chung về công ăn việc làm thế nào? Có công việc nào không?”
“Không.”
“Có cách nào kiếm được tiền không?”
“Cậu nhẵn túi rồi à?”
“Tớ có một ít đủ ăn... nhưng tớ sẽ cần nhiều hơn.” Cách hai người đàn ông mới quen biết nhau chưa đầy ba phút mà lại có thể bàn luận tự do thoải mái về tiền bạc và cơ hội đã làm cho Cato bị lôi cuốn, vì vậy anh cảm thấy thoải mái bên cạnh anh chàng người Pháp này hơn khi ở cùng bất kỳ người Mỹ da trắng đồng trang lứa nào. “Tên cậu là gì?”
“Jean-Victor.”
“Cậu có tham gia cuộc nổi loạn của sinh viên ở Paris không?”
“Không phải người Pháp,” anh thanh niên nói. “Còn về vấn đề kiếm thêm tiền. Trên đường xuống đây, đã có ai nhắc đến quán Thiên Nga Rũ Cánh chưa?”
“Chưa.”
“Một nơi khá đấy. Nếu cậu là một anh chàng Thụy Điển hoặc Đức tóc vàng lực lưỡng, cậu có thể tạt vào đó và kiếm lấy cho mình một công việc khá khẩm... tức là để có tiền tiêu.”
“Tớ không phải người nổi tiếng nhờ mái tóc vàng,” Cato nói.
“Nó có thể khiến cậu đặc biệt hấp dẫn.”
“Nguyên tắc cơ bản có chặt chẽ không?”
“Ai lo việc người ấy.”
Cato ngồi sụp xuống ghế, quan sát Jean-Victor, đoạn hỏi, “Đấy là cách của cậu à?
“Tớ ấy à? Tớ có một cô bạn gái... chúng tớ sống gần bờ biển.”
“Cậu quảng cáo cho cái... tên nó là gì nhỉ?”
“Quán Thiên Nga Rũ Cánh ư? Không, cũng như thỏa thuận của tớ với khách sạn thôi.” Anh ta gõ vào tấm các trên bàn trước mặt Cato. “Tớ kiếm ăn nhờ nhiều món hoa hồng khác nhau. Cậu có muốn thử quán Thiên Nga không?”
Cato đá vào chiếc va li của mình nói, “Nhớ chứ? Tớ không có chỗ trọ. ”
“Gửi lại đi.” Jean-Victor gọi bồi bàn và bảo anh ta cất va li vào sau quầy rượu. “Vì với quán Thiên Nga, anh không bao giờ biết trước sẽ xảy ra chuyện gì đâu. May ra thì cậu sẽ không cần thuê khách sạn.”
Sau này, khi Cato kể cho tôi nghe về cuộc gặp với Jean-Victor, tôi rất kinh ngạc về cách ứng xử của Cato, như thể một thanh niên hoàn toàn khác đã xuất hiện trong cuộc hành trình ngắn ngủi từ Philadelphia tới Torremolinos, nhưng anh biện bạch cho mình bằng cách này: cái chết của Vilma - ông đã bao giờ nhìn thấy một cô gái mười sáu tuổi bị đá vỡ mặt chưa? - và việc xảy ra tại nhà thờ Llanfair... mối ràng buộc đối với mỗi trường hợp. “Tôi bị giật ra khỏi mọi sợi dây níu giữ và tôi thực sự cóc cần biết điều gì xảy ra với mình. Nếu thế giới của người da trắng muốn tôi kiếm ăn ở quán Thiên Nga Rũ Cánh thì với tôi cũng được thôi.”
Vậy là Jean-Victor dẫn Cato tới phố chính và một lát sau họ đã nhận ra con thiên nga nổi tiếng, rũ rượi đến nỗi dường như sắp đổ sụp xuống vỉa hè. “Dù là ai vẽ cái biển hiệu này đi chăng nữa, người ta cũng nên trả cho anh ta gấp đôi,” Cato nói.
Cato cảm thấy căng thẳng khi Jean-Victor dẫn anh qua cánh cửa kiểu Phục Hưng bước vào quán bar tối om. Anh ngượng nghịu đứng bên cửa trong khi Jean-Victor nhìn quanh rồi thất vọng quay lại với anh, “Không thấy người tôi quen, uống một cốc nước chanh đã.”
Họ ngồi ở một chiếc bàn đặt giữa quán, và Cato dần nhận ra từ các ngăn xung quanh có khá nhiều đôi mắt trên các khuôn mặt anh không thấy rõ đang nhìn anh chằm chằm, Jean-Victor thầm thì, “Đây là cái bàn thuận lợi nhất đấy. Tất cả mọi người đều có thể nhìn xem cậu là ai.” Trước sự ngạc nhiên của Cato, một người ngồi ở một trong những ngăn đó đứng lên và đi ngang qua phòng tiến tới chỗ anh. Đó là một người đàn bà, mặc bộ quần áo bằng vải tuýt, và bà ta nói giọng khàn khàn nam tính. “Cậu từ Hoa Kỳ tới?” bà ta hỏi, chống tay xuống bàn.
“Vâng. ”
“Chửi cho bọn chúng một trận. Xé xác chúng nó ra. Nếu tôi mà còn trẻ và là người da đen thì tôi sẽ cho nổ tung đường xe điện ngầm. Tôi đứng về phía cậu, chàng trai ạ.” Bà ta vỗ vai anh rồi quay về bàn mình.
Một lát sau, người bồi bàn đến gần hai người mà nói, “Các quý bà trong ngăn kia muốn mời các anh một ly.”
“Chivas Regal,” Jean-Victor gọi ngay. “Hai ly.” Khi người bồi bàn đã đi, anh ta thì thầm, “Các bà kia giàu sụ. Cứ gọi thứ rượu đắt nhất quán.”
“Chivas Regal là gì?”
“Nếu cậu không thích, tớ sẽ uống hộ.”
Họ ngồi gần một tiếng đồng hồ, trong thời gian đó nhiều người dừng lại nói chuyện với Jean-Victor, nhân vật có vẻ như quen biết tất cả mọi người ở Torremolinos, và ai cũng chúc Cato có được một kỳ nghỉ thú vị. Cuối cùng Jean-Victor nói, “Tốt hơn hết chúng ta nên tìm cho cậu một chỗ ngủ. Có vẻ như người tôi đang tìm sẽ không đến đâu.”
“Ai vậy?”
“Một người Boston tên Paxton Fell. Lắm tiền. Tinh tế tuyệt vời. Ông ta có một ngôi nhà xa hoa trên ngọn núi sau thành phố. Các phòng phụ... cậu biết đấy.”
“Chắc chắn không,” Cato nói thẳng. “Tớ là lính mới ở thành phố này. Tớ phải làm gì để kiếm được một phòng của Fell?”
Jean-Victor ngửa lòng bàn tay và nghiêng người về phía trước cho đến khi mặt anh ta ghé sát vào mặt Cato, “Nói thật với cậu nhé, tớ không biết. Tớ đã thu xếp cho nhiều thanh niên đến ở tại nhà Fell, và tớ biết họ sống ở đó miễn phí rồi lại còn được một chút tiền tiêu vặt nữa. Nhưng chuyện gì xảy ra khi đèn đã tắt... ai làm gì ai... tớ thực sự không biết.”
“Nghe có vẻ mạo hiểm đấy,” Cato nói.
“Tự đánh giá xem,” Jean-Victor đáp, chỉ tay qua vai Cato.
Một người đàn ông có lẽ vừa ngoài sáu mươi, rất cao, rất thon thả, ăn mặc rất lịch sự vừa bước qua cánh cửa có nắm bằng đồng. Đôi giày của ông ta, Cato để ý, màu nâu, đế đóng rất dày và kiểu đường khâu mà người ta phải trả khá tiền. “Tớ khoái đôi giày kia,” Cato thì thầm.
“Ông Fell!” Jean-Victor gọi. “Mời ông lại bàn chúng tôi.”
Người mới đến chậm rãi quan sát quán rượu, chăm chú nhìn vào các ngăn và nghiêm nghị gật đầu với những người chào ông ta. Có vẻ như ông ta thấy không có gì đáng chú ý hơn bàn này, vì vậy với thái độ miễn cưỡng một cách lịch sự, mắt nhìn ra chỗ khác, ông ta ngồi xuống. Rồi ông ta từ từ quay lại đối mặt với Cato, và nói, sau khi đã đánh giá anh, “Chúng tôi thấy rất ít người da đen ở Torremolinos.”
“Tôi đã nhận thấy điều đó trên phố.”
“Vì vậy những người da đen đến đây được chúng tôi đón tiếp đặc biệt tử tế.” Ông ta ngừng lại để Cato đáp lại một điều gì đó, rồi nôn nóng nói, “Nào, nào. Đó là một gợi ý để cậu giải thích cậu đã đến đây như thế nào đấy.”
Không biết phải nói như thế nào, Cato định lẩm bẩm một điều gì đó thì người đàn bà mặc bộ quần áo bằng vải tuýt mời rượu lúc trước đã mạnh bạo bước ngang qua phòng, không để ý gì đến Fell, mà chộp lấy vai anh.“Trời ơi!” bà ta hoan hỉ reo lên. “Đúng là cậu ta!” Bà ta ném mạnh xuống bàn một mẩu báo có bức ảnh được phổ biến rộng rãi chụp Cato, khẩu súng máy sẵn sàng nhả đạn, ngoái đầu nhìn qua vai và đang rút lui khỏi nhà thờ. “Cậu là người này, phải không?”
Tất cả mọi người trong quán Thiên Nga Rũ Cánh túm tụm lại quanh bàn khi Jean-Victor và ông Fell quờ tay tìm tấm ảnh. Cuối cùng, ông Fell giành được nó, giơ lên gần đèn, và so sánh người trong ảnh với Cato. “Ái chà!” cuối cùng ông ta nói. “Một anh hùng đích thực!” Rồi, trước sự ngạc nhiên của Cato, ông ta nhoài người qua mặt bàn hôn anh hai cái. “Cậu là một thiên tài,” ông ta nói vẻ thán phục, “vì đã chọn các tín đồ Tân giáo. Laura đây cũng là tín đồ Tân giáo,” ông ta chỉ người đàn bà mặc bộ quần áo bằng vải tuýt, “và tất cả bọn họ đều giàu sụ. Tước đoạt tiền của họ thì cũng như làm một Robin Hood thuộc giáo hội ấy! Cậu đúng là một anh chàng lạ thường! Cậu có phải trốn khỏi đất nước không?”
“Kể cho tôi nghe xem nào!” Laura nói, gọi rượu cho tất cả mọi người. “Chuyện sao mà ly kỳ thế. Tôi thấy muốn hát bài ‘La Marseillaise’[33] quá.” Bà ta huýt sáo to và rõ ràng một vài nhịp của bài ca cách mạng, rồi hỏi, “Cậu có moi được đồng nào của bọn keo kiệt ấy không?”
Khi rượu miễn phí được phục vụ, Jean-Victor chộp lấy hai ly whisky, nhanh chóng nốc cạn, và thì thầm vào tai Paxton Fell lúc rời khỏi, “Ông hãy nhớ là tôi đã dẫn cậu ấy đến cho ông đấy.”
Cuộc bàn luận tiếp tục chừng một tiếng rưỡi, sau đó Laura mời mọi người đến nhà mình ăn tối. Bà ta sống trong một tòa lâu đài nằm ở phía Tây Torremolinos, trang trí bằng các món đồ cổ bà ta tìm thấy trong các nông trại nhân những lần du ngoạn trên núi. Không khí mỗi phòng được tái tạo theo phong cách cổ một cách thẩm mỹ đến mức khiến người ta trông chờ sự xuất hiện của chàng Don Quixote bên bàn ăn tối. Ghế ngồi là những kiệt tác cổ bằng gỗ sồi nặng trịch, không cái nào giống cái nào, còn bàn ăn dài ba mươi foot, rộng tám foot, làm bằng ván ghép đẽo tay từ hơn bốn thể kỷ trước. Lò sưởi khổng lồ và những thanh củi cháy đỏ được chặt dài tám foot, phải hai người mới nhấc lên được, còn ánh sáng được bố trí sao cho người ta không nhìn thấy bóng đèn đâu cả. Các cây nến được cắm trong giá cháy sáng dọc các gờ tường xuyên suốt lâu đài.
“Xin mời vào!” Laura kêu to, báo động cho đám người hầu, và trong khi khách khứa tìm chỗ quanh bàn, bà ta bày bức ảnh khét tiếng ra trước mặt họ rồi yêu cầu Cato kể lại từ đầu đến cuối, và nhìn các khuôn mặt xung quanh, anh tưởng tượng những kẻ xa xứ phóng túng kia muốn hiểu một cách nghiêm túc các lực lượng cách mạng đang chiến thắng trên quê hương họ.
Đến chừng bữa tối kết thúc, lúc một giờ ba mươi sáng, Paxton Fell rất hài lòng nhận thấy Cato là một chàng trai có học, biết cách ứng xử, tràn đầy sức sống và vẻ hấp dẫn. Ông ta coi anh chàng da đen kỳ lạ này như một thách thức, đúng như cách những người đàn ông da trắng khác nhìn các cô gái Trung Quốc xinh đẹp, nên khi khách lục tục ra về, ông ta nắm tay Cato bảo, “Jean-Victor nói với tôi cậu chưa tìm được chỗ trọ. Tôi có dư phòng đấy.” Ông ta dẫn Cato ra chiếc Mercedes-Benz mui trần của mình, một chiếc ô tô với nhiều nét đặc biệt, rồi khi buông mình xuống chiếc ghế da rộng rãi, Cato nhắc Fell, “Hành lý của tôi vẫn để ở quán rượu trong thành phố.”
“Quên nó đi!” Fell nói. “Chắc chắn tôi có thể tìm được vài bộ đồ ngủ và một cái bàn chải răng. Sáng mai chúng ta sẽ đi lấy hành lý của cậu.”
Một cách điêu luyện, ông ta lái chiếc Mercedes rời khỏi lâu đài của Laura, chạy xuống con đường chính dọc bờ biển, nơi xe cộ sản xuất từ đủ mọi quốc gia đang gầm rú với tốc độ bảy mươi, tám mươi dặm một giờ; mỗi năm có rất nhiều người chết ở Torremolinos và các làng lân cận, vì những lái xe táo bạo nhất trên thế giới thường xuyên lui tới những con đường dài rộng này, khăng khăng đòi thử xe và thần kinh của mình. Fell cho xe chạy với tốc độ tám mươi dặm, rồi từ từ đạp phanh và rẽ trái lên một ngọn đồi dốc dẫn đến một khu gọi là Rancho de Santo Domingo, một tư dinh được bảo vệ bởi tường stucco, đội tuần tra an ninh mặc đồng phục và chó săn Đức. Phía trong bốn bức tường, Cato nhìn thấy một dãy nhà lớn đẹp mắt, đua nhau phô bày vẻ đẹp, và ở rìa khu định cư đó là nhà của Paxton Fell.
Ngôi nhà thấp và giản dị, trong khi các căn khác đều có phần sang trọng, song rành rành là chỉ riêng làm đẹp phong cảnh và đầu tư cho những nét trang trí tinh vi cũng đã tốn cả một gia tài. “Tôi muốn đầu tiên cậu hãy nhìn lướt toàn cảnh nơi này từ trên sân thượng,” Fell nói, dẫn Cato tới một khu vườn trông xuống Địa Trung Hải nằm xa xa phía dưới. Vầng trăng khuyết phóng những mũi tên ánh sáng lung linh khắp mặt nước, và đằng xa, không xa bờ biển châu Phi, một tàu hàng Anh quốc đèn sáng lờ mờ đang chầm chậm rẽ sóng tiến về Alicante để bốc hàng cam.
“Đây mới là nhà của cậu,” Fell nói, dẫn Cato vào trong. Căn phòng rộng họ bước vào là một sự thay đổi dễ chịu so với tòa lâu đài, vì ở đây không có dấu hiệu hoang phí nào, có lẽ chỉ trừ ba cái boveda[34] tráng lệ choán gần hết trần.
Trước đó Cato chưa từng thấy những mái vòm Tây Ban Nha như vậy, được xây bằng những vòng tròn gạch gối lên nhau, vòng trong hướng gần tâm hơn vòng ngoài, cho đến khi, cuối cùng, theo một cách bí ẩn nào đó mà người thợ không chịu tiết lộ, lô gạch cuối cùng được đặt vào đúng vị trí, khép kín lỗ hổng trên đỉnh vòm và làm tất cả khít lại thành một khối. Trong một tháng sống ở nhà Paxton Fell, anh chưa lúc nào ngừng kinh ngạc trước những boveda thú vị ấy, vì chúng tạo nên một kiểu thiên đường, các mái vòm úp xuống chỉ còn thiếu những vì sao và một vầng trăng.
Sau này, khi Cato kể với tôi về lần anh đặt chân tới Torremolinos và làm quen Paxton Fell, tôi đã hỏi thẳng anh, “Cậu phải làm gì để kiếm được tiền?”
Anh kể một câu chuyện lạ lùng. “Tôi cũng quan tâm, vì tôi không biết gì hơn ông cả. Đêm thứ nhất, không có gì. Đêm thứ hai không có gì, và tôi bắt đầu lo lắng. Không có gì ngoài những món ăn ngon nhất tôi chưa bao giờ được nếm, được chế biến bởi hai đầu bếp Tây Ban Nha, cả hai đều là đàn ông. Và tất nhiên, chiều nào chúng tôi cũng đến quán Thiên Nga Rũ Cánh, chọn lấy một bàn ngồi cho đến gần nửa đêm, khi chúng tôi ăn tối. Tôi nghĩ Fell muốn dùng tôi để gây ấn tượng với người khác... như thể ông ta muốn mọi người thấy ông ta vẫn còn có khả năng lôi cuốn được một người khỏe mạnh.
“Đêm thứ ba Laura và nhóm bạn tới nhà chúng tôi ăn tối. Bữa tối rất đặc biệt. Rất ồn ào, rất lắm chuyện huyên thuyên. Lúc tôi chuẩn bị đi ngủ, Paxton Fell theo chân tôi vào phòng và tôi đã nghĩ: Đến lúc rồi đây. Và ông sẽ không tin nổi Fell muốn gì đâu! Muốn tôi cởi hết quần áo và đứng trong một cái hốc tường cẩm thạch màu trắng lẽ ra là chỗ dành cho một bức tượng nhưng họ lại chưa kiếm được. Ông ta bố trí một cái đèn chiếu đặc biệt rọi thẳng vào tôi, và khi tôi đứng ở đó, ông ta nói, ‘Y hệt một bức tượng Hy Lạp... như một kiệt tác vĩ đại từ Mycenae’[35]. Ông ta nhắc đi nhắc lại điều đó, rồi ông ta làm một việc tởm nhất mà ông chưa từng nghe nói đến.
“Ông ta rút từ túi áo vét ra một cái lông chim - một cái lông chim chạm khắc bằng bạc ròng. Ông ta tìm thấy nó ở nơi chết tiệt nào thì tôi chẳng bao giờ biết được. Rồi ông ta đi đến hốc tường nơi tôi đang đứng, dùng cái lông chim chết tiệt ấy kích thích vào tinh hoàn của tôi cho đến khi tôi cương cứng lên. Rồi ông ta lùi lại và kể cho tôi nghe thêm mấy mẩu chuyện vớ vẩn về bức tượng Hy Lạp và Mycenae. Rồi ông ta bước lên phía trước và lại kích thích thêm chút nữa, rồi cuối cùng nói với vẻ tin tưởng, ‘Chà, Cato! Với công cụ này, cậu sẽ làm cho khối đàn bà con gái sung sướng đến tột đỉnh đấy!’ Và chỉ có thế thôi.”
“Ý cậu là ông ta chỉ làm thế thôi?”
“Với tôi thì thế. Giờ thì, ông ta có vài bạn hữu - toàn đàn ông cả - và ông ta nhất định đem tôi ra khoe với bọn họ, và khi thấy tôi đứng trong hốc tường, một người trong số đó bị kích thích mạnh đến nỗi đêm hôm đó xồng xộc vào phòng, chui lên giường nằm với tôi và dùng miệng chơi cho tôi một trận kinh hồn. Một đêm khác, Fell đưa Laura với đám các bà các cô của bà ta về và cả bọn ngắm nghía tôi suốt nửa tiếng đồng hồ, đến lúc đấy thì tôi nhận ra tốt hơn hết là tính chuyện chuồn nhanh khỏi đó.”
Khi Cato quyết định rời khỏi cái mái vòm đầy thú vui nhục dục của Paxton Fell, anh không phải đối phó với sự phản đối gay gắt của vị chủ nhà thích hưởng lạc. “Cậu là một thanh niên Mỹ rất tuyệt,” Fell hài lòng nói khi họ ăn tối cùng nhau trong đêm cuối cùng. “Cậu có một tương lai tươi sáng - nếu cậu tránh xa súng máy - và thật hân hạnh được quen biết cậu.” Sáng hôm sau, Fell lái chiếc Mercedes đưa Cato vào thành phố và nói lúc chia tay, “Nhớ đấy, cậu sẽ luôn được chào đón trên đồi. Nếu thỉnh thoảng muốn ghé thăm, cậu có thể để lại lời nhắn ở quán Thiên Nga Rũ Cánh. Ông ta cúi chào trịnh trọng, rồi lái xe đi, và chiếc xe chưa khuất sau chỗ rẽ đầu tiên thì đã chạy với tốc độ bảy mươi dặm một giờ.
Một lần nữa, Cato lại gửi đồ ở chỗ người trông quầy rượu - lần này có thêm bốn đôi giày đắt tiền Fell tặng - để có thể đi một vòng quanh thành phố tìm phòng trọ, nhưng tinh thần của Torremolinos truyền cho anh cảm giác vui sướng đến mức trước khi bắt tay vào việc anh quyết định nghỉ ngơi một lát, và anh ngồi uể oải ở quán rượu quan sát đợt khách du lịch mới đến. Giờ đang là tháng Tư và các nhóm người hăng hái hoạt bát hơn đang đổ tới, trong đó có nhiều người quyết tâm đi bơi bất chấp biển lạnh đến mức nào. Trong lúc ngồi dưới nắng, là người da đen duy nhất ở khu vực này, anh suy ngẫm về hoàn cảnh của mình, và thấy nó cũng khá có triển vọng: Hễ cấp bách, lúc nào mình cũng có thể sống ở nhà Fell... và kiếm ít tiền tiêu nữa. Đám bạn ông ta đều cho rằng một người da đen biết sử dụng dĩa ăn là điều lạ lùng, nên nếu cần thêm chút tiền, mình có thể moi của bọn họ. Thằng cha béo phì đã lên giường với mình... hay một tay khác người Chicago... hay gã có con chó xù. Mặt khác, mình tin chắc sẽ xin được một việc gì đó ở lâu đài. Nhóm đàn bà giàu có đó mê tít anh chàng da đen mà. Họ thích có anh chàng đó bên cạnh - một thứ đồ chơi, nguy hiểm nhưng thú vị. Cato, mày giải quyết xong vấn đề rồi. Ý tao là mày đã có một cái van an toàn rồi.
Ngay trong ý nghĩ, anh cũng dùng tiếng Geechee, “Mình cho rằng ông Wister vẫn tiếp tục gửi giấy xanh lá cây[36] cho mình. Ông ấy bị lương tâm cắn rứt - không phải vì bản thân mà vì những người da trắng khác - và ông ấy có tiền, anh bạn ạ, ông ấy có tiền.” Anh lắc đầu ngờ vực trước viễn cảnh ông Wister sẽ gửi séc đều đặn, rồi mỉm cười khi nghĩ đến sự đảm bảo mà chúng mang lại cho anh. “Dĩ nhiên mình không thể về nhà trừ phi lệnh truy nã mình bớt ráo riết hơn. Có thể một năm, có thể hai. Như vậy là mình mắc kẹt ở Tây Ban Nha, và không thể có nơi nào tốt hơn. Không, không thể có nơi lưu đày nào tốt hơn được.”
Anh ngả người lên lưng ghế, để ánh mặt trời ấm áp chiếu vào mặt. Mở mắt, anh thấy một tốp thiếu nữ Scandinavia xinh đẹp đi ngang qua, anh nói nhỏ với mình, “Anh bạn, thế này mới gọi là sống chứ.” Nhưng hình ảnh các cô gái buộc anh phải quay lại ngẫm nghĩ về vấn đề thực tế trước mắt, và anh nghĩ: Mình có cảm giác đồng tính không phải thứ dành cho mình. Đơn giản là mình không thích thú gì trò đó - bọn họ muốn làm trò cười cho thiên hạ... Đối với mình, tình dục khác giới hấp dẫn hơn - có thể là không hấp dẫn hơn nhưng nó giữ cho mọi thứ sạch sẽ hơn một chút. Cái mình thật sự cần là tìm được một cô nàng để quan hệ lâu dài. Nếu mình lưu lại đây một năm thì tốt hơn hết mình nên tìm một cô nàng cũng dự định ở đây một năm.
Anh biết, không thể tránh được việc cô gái đó sẽ là người da trắng; chẳng có cô da đen nào cả. Không sao. Ở Torremolinos, nước da đen là của quý, vì nó làm anh thành độc nhất vô nhị. Đám con gái đang tìm người để ăn nằm; họ cũng trong cảnh tha hương, và một số còn tìm kiếm mối quan hệ lâu dài, và kiểu con gái da trắng đó rất sẵn tính hiếu kỳ đối với đàn ông da đen. Mình cho rằng ở đây mình còn dễ kiếm bạn gái hơn ở Philadelphia, anh nghĩ. Hài lòng với sự khái quát đó, anh bật ngón tay tanh tách: Nhưng lại một vấn đề muôn thuở. Làm sao tìm được một cô gái có tiền? Mình có thể nuôi thân, nhưng chắc chắn mình không thể nuôi cả bạn gái được. Rồi anh trốn tránh trong một câu ngạn ngữ học được ở Bắc Philadelphia: “Đàn ông cần phải làm tên ngốc. Anh ta có thể tìm kiếm xung quanh. Anh ta có thể từ từ.”
Thỏa mãn với những kết luận tạm thời này, anh rời cái quán rượu thấp hơn mặt đường và bắt đầu thả bộ quanh thành phố. Khi đi ngang qua khách sạn Northern Lights, anh rất muốn vào bar xem có gì hay không, nhưng rồi tự kiềm chế vì một lý do đúng đắn: Tránh xa nơi vui thú này. Dân Thụy Điển vô cùng xinh đẹp và rất thích các chàng trai da đen nhưng cô nào cô nấy đều xuống đây với giá du lịch rẻ và chẳng có lấy một rúp[37] trong túi. Tạm biệt, Northern Lights.
Tại khách sạn Brandenburger, anh thấy một nhóm khá đông toàn các cô gái hấp dẫn, chắc từ Tây Berlin xuống theo tua du lịch đặc biệt, và anh bị cám dỗ bởi ý tưởng đến nhập bọn cùng họ, vì họ rõ ràng tỏ ý thích thú thấy anh đứng ở cửa ra vào khách sạn, và anh nghe mọi người nói rằng con gái Đức thích người da đen, có lẽ như một cách làm tổn thương các bậc phụ huynh, nhưng anh sợ họ. Phải, anh sợ những gì họ sẽ làm với anh nếu anh là người da đen sống ở Đức năm 1941. Bọn họ là những người quyến rũ, dân Đức ấy, và các cô gái trẻ thì rất khêu gợi, nhưng họ không phải dành cho anh.
Anh thích các khách sạn Pháp. Anh thích tính khác lạ trong ngôn ngữ đó, thích những người đàn ông nói giống Charles Boyed[38], những cô gái lịch lãm dường như lúc nào cũng có một dải ruy băng hay một gấu váy khêu gợi. Anh có thể chọn một cô gái Pháp nhưng anh đã nghe nói họ thậm chí còn đem theo ít tiền hơn cả con gái Thụy Điển. Vì thế anh tha thẩn dưới nắng trước các khách sạn Pháp, chiêm ngưỡng những phụ nữ anh gặp, rồi đi tiếp.
Sau khi đi hết một vòng thành phố, anh đã đề ra bốn nguyên tắc có thể chấp nhận được: không đàn ông nữa, không phụ nữ Thụy Điển túi xẹp lép, không phụ nữ Đức dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào và có lẽ không phụ nữ Pháp. Anh e mình đã thu hẹp phạm vi một cách dại dột, nhưng anh cảm thấy mình có thời gian. Với cái phao an toàn mà những tấm séc đều đặn của ông Wister mang đến, anh có đủ diều kiện trôi dạt khoảng hai tuần. Buổi tối, anh sẽ bắt đầu bằng vũ trường Arc de Triomphe để xem nơi đó có gì.
Trong tâm trạng đó, anh nhìn thấy phía trước tấm biển một quán rượu mà trước đó anh không để ý: một khẩu súng gỗ khổng lồ, kiểu Texas, với hai từ THE ALAMO. Chỉ còn thiếu mỗi nước ấy thôi, anh rầu rĩ tự nhủ. Một quán rượu Texas. Bọn Ku Klux Kland[39]. Anh đã định đi thẳng thì tình cờ liếc vào khung cửa mở rộng và phát hiện ra một cô gái tóc vàng xinh đẹp chưa từng thấy. Trông cô có vẻ là người Thụy Điển không quá cao, không quá nặng nề. Cô có mái tóc màu sâm banh buông tự nhiên quanh khuôn mặt tròn dễ thương. Mắt cô, răng cô, nước da cô, thân hình cô, tất cả đều hoàn hảo, và Cato dừng lại, vô cùng ngưỡng mộ. Một chàng trai có thể đắm đuối trong đó cả đêm và đến sáng thức dậy vẫn còn đòi nữa.
Anh đứng ở cửa một lúc, chỉ để nhìn cô gái Scandinavia. Có vẻ như cô làm việc tại đó vì cô đi đi lại lại giữa đám lính Mỹ, vội vã phục vụ đồ uống, và hình như tất cả mọi người đều quen biết cô, vì những anh chàng táo bạo hơn túm lấy chân cô khi cô đi ngang qua. Những trò tán tỉnh đó đều bị cô đẩy lùi bằng những cái đập khăn lau lia lịa và một tiếng cười vui vẻ.
“Anh có thể vào trong, anh biết đấy,” một người Mỹ cao lớn để râu nói. “Miễn là anh có tiền.” Người đàn ông chìa tay ra và nói tiếp, “Tôi tên Joe. Tôi là quản lý ở đây. Vào trong uống một cốc bia do chủ quán mời nào. Anh ta cung cấp mặt hàng này mà.” Anh ta dẫn Cato vào một khu vực nhỏ dành cho khách ngồi uống nước và giới thiệu anh với sáu bảy người lính. “Họ từ Sevilla xuống đây,” anh ta giải thích. “Các cô gái hầu hết là người Mỹ.”
“Còn cô gái Thụy Điển?” Cato hỏi, hớp một ngụm bia.
“Na Uy. Tên Britta. Lại đây nào, Britt.”
Cô ngừng công việc và nhanh nhẹn bước tới chỗ hai người đàn ông, chia tay ra cho Cato nói, “Xin chào, tôi là Britta.”
“Và từ những gì quan sát được - cô là bạn gái của anh ấy?”
“Đúng... nói theo cách nào đó.”
“Không may cho anh rồi. Này anh,” Cato quay sang Joe nói, “anh đáng được chúc mừng đấy. Thật ra, anh thậm chí còn có thể vui mừng nữa. Tôi có thể mời hai bạn một cốc bia không?”
“Hôm nay thì không. Anh là khách,” Joe nói. ‘Nhưng chúng tôi sẽ ghi nhớ.”
“Và một khi đã ghi nhớ rồi,” Britta cảnh báo, “thì chúng tôi không bao giờ quên đâu. Anh chàng da đen người Mỹ đẹp trai... nợ chúng tôi hai cốc bia.” Cô trao cho anh nụ cười giản dị thẳng thắn và tiếp tục làm việc.
“Cho đến lúc này, cô ấy là người thắng,” Cato nói vẻ ngưỡng mộ.
“Hết vòng đua, cô ấy vẫn là người thắng,” Joe đáp.
Hai người vẫn đang nói chuyện thân mật thì một anh lính đột nhiên đứng bật dậy kêu to, “Lạy Chúa tôi! Đây chính là anh chàng đã nổ súng vào bao nhiêu người trong nhà thờ Philadelphia đó!”
Một đám người vây quanh Cato dồn dập hỏi về cuộc thảm sát ở Llanfair. Mọi lời bình luận đều mang tính tò mò hơn là kết tội, một người hỏi, “Có thật là xác chết chất đầy lối đi giữa nhà thờ không?” Một người khác thì thầm trong góc, “Tớ không muốn bọn mọi đen bắn giết trong nhà thờ của tớ.”
“Hãy khoan!” Cato phản đối, nhưng anh bất lực không ngăn nổi làn sóng bình luận thán phục nhưng cũng đầy lo sợ. Vốn tôn trọng bất cứ ai sử dụng được súng, đám lính Mỹ cư xử với anh thận trọng hơn, người này bảo người kia, “Tớ đã đọc về nó rồi. Cậu nhìn ảnh mà xem. Hàng trăm người chết. Có ai đã nói với tớ anh ta đang trốn ở Torremolinos.”
“Thôi đi!” Joe quát, đập mạnh xuống quầy rượu. “Tôi cũng đọc bài báo đó rồi. Anh bạn này và nhóm của anh ấy chỉ yêu cầu một khoản tiền. Vài phát súng. Nhưng không ai trúng đạn. Thực ra, sau đó, nhà thờ đã chuyển giao một ít tiền... tự nguyện.”
“Nhưng có lệnh truy nã anh ta không?”
“Có,” Cato nói.
“Hy vọng anh thoát tội,” một cô gái ngồi trong góc lên tiếng, và không khí kích động lắng xuống.
Nhưng giờ Cato đã là một thành viên của nhóm. Anh đã chống lại giới quyền uy, hình anh đã xuất hiện trên báo chí với tư cách nhà cách mạng trẻ. Cảnh sát truy lùng anh, và điều đó tự động biến anh thành một người trong bọn họ. Britta đặt một chồng đĩa rock-and-roll lên trên máy và những âm thanh trẻ trung tuyệt vời bắt đầu tràn ngập quán, những âm thanh chói tai rất ít người trên hai mươi lăm tuổi có thể chịu được, và trong tiếng ầm khủng khiếp càng lúc càng mạnh mà anh rất thích, Cato có thể nghe hai lính Mỹ giải thích cho một người mới đến, “Anh ấy là người đã bắn một trận ra trò trong nhà thờ Tân giáo ở Philadelphia. Cậu nhìn ảnh mà xem.” Nhưng trong tiếng ồn ào và trò chuyện huyên thuyên vu vơ, Cato vẫn dõi theo mọi cử động uyển chuyển của Britta khi cô đặt Coca Cola lên các bàn.
Bị cô gái Na Uy đó mê hoặc, ngày nào anh cũng quay lại quán. Cả Joe lẫn Britta đều nhận thấy anh đã say mê cô, nên một buổi tối Joe bảo, “Tại sao hai người không đi ăn tối nhỉ? Tôi sẽ trông quán.”
Vậy là Cato đề nghị cô chọn một nhà hàng và cô quyết định đến một quán Thụy Điển nhỏ mà đồ ăn khá ngon rồi họ chuyện trò vu vơ, cuối cùng anh nắm tay cô nói, “Em biết không, anh đã bị em làm cho bối rối,” và cô bật cười nói với anh bằng giọng du dương, “Nhưng em là bạn gái Joe.” Anh hỏi lại, “Nhưng giả sử em không phải bạn gái Joe? Anh có thể...” cô nói, “Anh đẹp trai và anh thông minh. Em nghĩ bất kỳ cô gái nào cũng sẽ muốn làm quen với anh,” và anh hỏi lại, “Nhưng em có phải là bạn gái Joe không?” thì cô gật đầu.
Khi họ quay lại quán, Cato bảo Joe, “Tôi vừa cùng bạn gái anh mây mưa một trận cuồng nhiệt,” và Joe nói, chỉ vào đám lính Mỹ đang chờ Britta, “Xin mời xếp hàng, anh bạn.” Rồi anh thêm, “Cô gái ngồi trong góc kia nói cô ấy muốn gặp anh... về vụ ở nhà thờ,” và anh dẫn Cato tới một bàn trong góc, giới thiệu, “Cato Jackson, đây là Monica Braham. Hãy hỏi xem cô ấy từ đâu tới, anh sẽ không tin nổi câu trả lời đâu.” Nói xong, anh để hai người lại với nhau.
Sau này, trong chính quán này, ngồi tại chính chiếc bàn này, Cato kể với tôi, “Tôi vào căn phòng đó vì mê mẩn Britta. Tất nhiên việc này không có gì lạ vì Britta là cô gái xinh nhất tôi từng gặp. Nhưng khi Joe bỏ tôi đứng đó, nhìn xuống Monica Braham, chân tôi như mềm nhũn ra vì đây là một cô gái rất đặc biệt... một cái gì đó đang giày vò cô ấy... người da đen chúng tôi rất nhạy cảm về những người gặp rắc rối... và khi cô ấy lên tiếng hỏi, theo cái cách nói lạnh lùng ranh mãnh của mình, ‘Gần đây anh có khủng bố nhà thờ nào không?’ tôi biết cô ấy định làm tôi tổn thương - biết rằng những câu hỏi tiếp theo sẽ hắc búa hơn, khó chịu hơn. Vậy là tôi ngồi xuống hỏi, ‘Em ở đâu đến?’ và cô ấy nói, ‘Vwarda,’ chờ tôi huênh hoang khoác lác về vấn đề châu Phi. Lúc này tôi đã biết mọi chuyện về Vwarda. Ở Bắc Philadelphia anh được nghe cả đống chuyện về Vwarda thế này, Vwarda thế kia - anh sẽ tưởng đó là một thành Athens mới - nhưng tôi hỏi, ‘Nó ở đâu vậy?’ và cô ấy mỉm cười với tôi một cách thật lạnh lùng rồi nói, ‘Cứ như thể anh không biết vậy, đồ con hoang xảo trá.’”
Monica và Cato ngồi trong quán đến bốn giờ sáng. Tai vẫn ong ong tiếng nhạc, họ tay trong tay bước xuống đồi ra bờ biển và cô dẫn anh về căn hộ, nơi anh nhìn thấy hai chiếc giường to, mà cô giải thích một chiếc là của Jean-Victor - “Tay dẫn khách hả? Anh đã gặp rồi” - chiếc kia là của Joe, rồi khi cô nói Britta ngủ chung trên chiếc giường thứ hai thì dường như cái tên Na Uy ấy đến từ thế giới khác, một thế giới anh đã biết cách đây hàng thập kỷ.
Rồi cô chỉ cái túi ngủ kẻ ô vuông, “Em sống ở đây,” và họ hồi hộp đứng đó một lúc, rồi cô nhỏ nhẹ nói, “Em tin chắc sớm hay muộn thì anh cũng sẽ chui vào túi ngủ với em. Có lẽ cũng chẳng có hại gì nếu chúng ta làm chuyện đó sớm.” Cô bắt đầu cởi quần áo, và khi cô đứng trước mặt anh, thon thả và trắng ngần, đẹp như bức tượng Hy Lạp mà Paxton Fell đã tả, Cato biết cô chính là cô gái hấp dẫn nhất anh từng gặp. Anh ôm chầm lấy cô, đẩy cô vào chiếc túi ngủ và nhập làm một với cô trong cuộc ân ái nồng nàn nhất mà anh có thể tưởng tượng được, và khi kết thúc cả hai đều kiệt sức thiếp đi.
Gần năm giờ sáng, khi Jean-Victor và Sandra về, anh ta nhìn xuống sàn hỏi bâng quơ, “Không biết đêm nay cô ấy đưa ai về nhà?” nhưng khi Britta và Joe quay về sau khi đóng cửa quán, Britta nhìn chiếc túi ngủ, mỉm cười, nói nhỏ, “Chuyện này thể nào cũng phải xảy ra thôi.”
Sáu Người Đi Khắp Thế Gian - Tập 1 Sáu Người Đi Khắp Thế Gian - Tập 1 - James Albert Michener Sáu Người Đi Khắp Thế Gian - Tập 1