Think of all the beauty still left around you and be happy.

Anne Frank, Diary of a Young Girl, 1952

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Drifters
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Vũ Phương Vân
Số chương: 7
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1007 / 119
Cập nhật: 2018-09-19 19:36:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3: Monica
ột người Anh không bao giờ thấy thoải mái trừ khi anh ta ở nước ngoài.
Ở lứa tuổi thanh niên, có một cảm giác về Thời gian Vô tận đền bù cho chúng ta mọi thứ. Là người trẻ tuổi thì giống như được là một trong những Thánh nhân Bất tử.
• Hazlitt
Cuối cùng chúng tôi cũng đến vùng cao nguyên bí hiểm nơi khởi nguồn các dòng sông ấy, và đặt chân đến đâu tôi cũng được cả nghìn con chim sặc sỡ hộ tống. Nếu thử vượt qua đầm lầy, tôi nhìn thấy trước mắt hàng trăm, hàng trăm con hà mã lười nhác tránh sang bên mỗi khi lại gần. Và nếu đi đến những vùng đất khô cằn, tôi thấy mình bị vô số thú hoang vây quanh, trong đó một vài con tôi thậm chí không nhận biết nổi, các loài phong phú như vậy, và tôi nói, “Đây là châu Phi, châu Phi thực sự nơi sẽ không bao giờ bị diệt vong chừng nào cao nguyên được bảo tồn và con người cai trị chúng còn chia sẻ trách nhiệm với nhau.” Bởi vì xin nhớ rằng chính một hướng dẫn viên da đen đã đưa tôi đến nơi này, để chia sẻ với tôi những kỳ quan của nó.
• Ngài Carrington Braham, tháng Hai năm 1899
Đốt nóng nồi niêu, chớ đốt con người.
Một đế chế vĩ đại và những trí tuệ tầm thường khó mà song hành với nhau.
• Burke
Hãy thuê người khuyết tật về đạo đức. Thú vị hơn nhiều.
Những vấp váp ngớ ngẩn của tuổi trẻ còn được ưa thích hơn thành công của tuổi già.
• Disraeli
Trong hơn tám mươi năm chúng ta đã là những người được đặt dưới sự bảo trợ của Vương quốc Anh. Ngày nay chúng ta trở thành bạn bè của Vương quốc Anh và tôi chắc chắn là đối với chúng ta, làm bạn bè ôn hòa cũng khó không kém làm những người được bảo trợ dễ bảo. Nhiều công dân Anh nằm an giấc ngàn thu trên mảnh đất này, những người dũng cảm đã chiến đấu chống lại cha ông chúng ta nhằm thiết lập đế chế tại đây; và bên cạnh họ nằm lại nhiều tổ tiên của chúng ta, những người đã nỗ lực ngăn chặn đế quốc xâm phạm vào lối sống cũ. Thoát khỏi những cuộc chiến ấy, chúng ta xây dựng tinh thần tôn trọng lẫn nhau, và trong tương lai, chúng ta sẽ hoạt động trên tinh thần đó. Ở mảnh đất Vwarda, bất cứ lúc nào người Anh cũng sẽ có một mái ấm cho họ chọn chung sống cùng chúng ta. Ở mảnh đất Vwarda, bất cứ lúc nào người Anh cũng tìm được các cơ sở kinh doanh cho họ điều hành, các văn phòng cho họ đảm trách, các công việc cho họ thực hiện, vì tôi xin hứa với các vị điều này, nước Cộng hòa da đen Vwarda sẽ không bao giờ có một chính quyền chống người da trắng, bởi vì chúng tôi nhận thức được sự hợp tác giữa trắng và đen có thể mang lại lợi ích như thế nào.
• Diễn văn khai mạc của Tổng thống Hosea M’Bele, tháng Tám năm 1958
Thần thánh định tiêu diệt ai thì trước hết họ làm cho kẻ đó có nhiều triển vọng.
Thà làm một con bọ hung non còn hơn làm một con chim thiên đường già.
• Mark Twain
Sự ổn định của nước Anh là sự an toàn của thế giới hiện đại.
• Emerson
Sử dụng thứ tiếng Anh dở thì thật đáng tiếc.
Sử dụng thứ tiếng Scotland dở thì không thể tha thứ được.
Tôi rất vui mừng được phong tước hiệp sĩ cho ngài để tỏ lòng trân trọng những cống hiến lớn lao của ngài cho thần dân trước kia của chúng ta ở Congo thuộc Anh và sự trợ giúp đầy sáng tạo mà ngài đã trao cho đồng minh mới nhất của chúng ta, nước Cộng hòa Vwarda, trong thời kỳ quyết định khi họ đang xây dựng những mô hình mà họ sẽ áp dụng.
• Nữ hoàng Elisabeth, tại buổi lễ phong tước cho Sir Charles Braham, Điện Buckingham, tháng Mười hai năm 1958
Tình dục đối với một cô gái trẻ giống như luống hoa trước con ong mật. Cô gái có thể cảm thấy sự tồn tại của nó dù còn chưa trải qua.
Toàn bộ đế chế không là gì hơn ngoài quyền lực được giao phó.
• Dryden
Toàn bộ chính quyền cũng tương tự. (Ghi vội bên lề sách)
Làm ơn hãy cư xử như những quý ông quý bà trẻ tuổi tao nhã. Không tự vẫn, không phá phách, không nạo thai.
• Tấm biển trong một khách sạn ở Torremolinos
Trong số sáu thanh niên tôi sẽ gặp năm đó, người tôi gần gũi hơn cả là một cô gái Anh tóc sẫm màu mà gia đình tôi đã quen biết trong thời gian tôi có mặt tại Cộng hòa Vwarda đặng dàn xếp các khoản vay công nghiệp trong suốt thập kỷ đầy biến động đó, khi người da đen châu Phi nắm quyền điều khiển chính phủ của họ.
Lúc đầu, tôi không được làm việc trực tiếp với tổng thống mới người da đen của Vwarda, cả với các thành viên nội các cũng không, bởi vì trong thời kỳ đầu đó quốc gia non trẻ này không có người da đen nào đủ thông thạo hòng xử lý các vấn đề kinh tế trong một hợp đồng vay nợ quốc tế. Tôi chủ yếu tiến hành thảo luận với Sir Charles Braham, người mà xét về nhiều mặt là điển hình cho viên chức thuộc địa Anh, nhưng về những mặt khác thì lại không điển hình lắm, như các vị có thể thấy.
Ông là mẫu người điển hình do được đào tạo ở một trường công có tiếng và sau đó dự học ở Oxford, hai trải nghiệm ấy đã mang lại sự pha trộn nhẹ nhàng giữa vượt trội lạnh lùng và vụng về thiếu kinh nghiệm vốn là nét đặc trưng của quý ông Anh. Ông xuất thân từ một gia đình nông thôn nổi tiếng trong lịch sử, điều này giúp ông có gu thưởng thức thiên nhiên rất phố biến ở những người Anh ưu tú nhất. Ông lớn lên trong bầu không khí công chức, rất nhiều chú bác của ông đã làm cho người ta phải chú ý đến ở những đất nước như Ấn Độ và Afghanistan; các chủ hiệu tại hạt quê nhà đồn đại là “người dòng họ Braham xử lý chuyện của chính họ kém cỏi đến mức việc duy nhất họ có thể được giao phó là công vụ... nhất là ở các thuộc địa.” Cha của Sir Charles đã bắt đầu sự nghiệp ở Vwarda từ khi nước này còn được biết đến với cái tên Congo thuộc Anh, và đã kết thúc con đường công danh ở London trong vai trò bộ trưởng nội các đặc trách các vấn đề của đế quốc Anh. Do đó tôi không ngạc nhiên khi đến văn phòng Sir Charles ở Vwarda và nhìn thấy phương châm này được đóng khung treo sau bàn giấy:
Không phải khát vọng chinh phục mà sự yêu thích trật tự tồn tại ở nền tảng của Đế quốc. -Duff Cooper.
Đối với Sir Charles, lời tuyên bố kiêu hãnh này không phải quá khoa trương; ông tin rằng nhiệm vụ của đế quốc là mang lại trật tự cho mọi miền đất trong cái thế giới đã nỗ lực loại bỏ những kiểu cách cũ và chấp nhận những cái mới này. Năm 1948, khi chính phủ Anh đề nghị ông từ bỏ công việc nhàn nhã ở London và tới Congo thuộc Anh để giúp đưa thuộc địa đang nao núng này vào nền nếp, ông không hề nghĩ đến việc từ chối, vì đây là loại thách thức mà một quý ông sẽ chấp nhận. Như ông đã nói với vợ vào ngày được bổ nhiệm tới Congo, “Nó trao cho chúng ta cơ hội đưa vào thực tiễn những gì chúng ta vẫn chỉ bàn bạc ở London.” Ông cũng lưu tâm tới việc mình sẽ nối tiếp bước chân người cha, “và cũng chẳng có gì vô lý nếu nghĩ rằng một ngày nào đó chính tôi cũng có thể được gọi về để tham gia nội các, đúng không?”
Thành tích của ông ở châu Phi hết sức nổi bật và lẽ ra ông đã được gọi về nước từ 1958, nhưng theo dự kiến thì đúng năm đó Congo thuộc Anh được đổi thành Vwarda, và Nữ hoàng lại chọn ông để giám sát thời kỳ quá độ, một công việc tế nhị đã được ông hoàn thành êm thấm và hăng hái đến nỗi cả nước Anh lẫn quốc gia mới đều muốn ông ở lại thêm vài năm nữa. Chính phủ biết rõ ông không được xếp vào dạng có tố chất cấu thành bộ trưởng nội các và cho rằng sẽ rất thuận tiện nếu để ông ở lại Vwarda, nơi ông phục vụ cho một mục đích có lợi.
Giờ đây, tháng Chín năm 1968, khi mùa xuân đang độ huy hoàng, ông sắp kết thúc năm công tác thứ hai mươi mốt và đã đi đến chỗ coi Vwarda như quê hương mình, coi dân ở đó như những người mà mình có bổn phận coi sóc, dù họ có là ai đi nữa, những bề tôi ít học và kém văn minh của một đế quốc như trong quá khứ hay những nhà cầm quyền đầy thiện chí của một nước cộng hòa mới giàu có như trong hiện tại. Ông rất thích nhắc trong các buổi yến tiệc, “Tôi được tạm thời biệt phái tới đây để giải quyết một cơn khủng hoảng bốn tháng. Tôi đã ở lại hai mươi mốt năm. Hoặc cuộc khủng hoảng lớn hơn họ tưởng, hoặc tôi nhỏ bé hơn.”
Ông đã cư xử khá khoan dung trong những tháng năm đổi thay ấy, chuyển từ vai trò đại diện cho Nữ hoàng với đủ lệ bộ và đặc quyền được nó trao tặng sang vai trò hiện thời là một công chức làm thuê ăn lương của nước cộng hòa da đen. Sự chuyển đổi không dễ dàng gì hôm trước là quý ông quyền cao chức trọng trong bộ đồng phục gắn đầy huy chương, hôm sau là kẻ làm thuê mặc đồ vải xéc màu xanh nhưng ông được dạy dỗ như một người thượng lưu và đã chứng tỏ cho những người tầm thường hơn thấy thật dễ dàng biết bao cái việc nhận mệnh lệnh từ những người da đen mà mới tuần trước ta còn đang ra lệnh. Những người để ý quan sát cũng không thể phát hiện được thật ra Sir Charles có đau lòng trước sự thay đổi vận may đầy kịch tính này hay không. Ông nói một cách đơn giản: “Vwarda là nhà của tôi và tất cả mọi người phải có trách nhiệm chăm nom ruộng vườn nhà mình, phải không?”
Sir Charles chỉ thể hiện thái độ nóng nảy trong những lần chuyện trò riêng với tôi. Chúng tôi làm việc cùng nhau mấy tháng liền, cố gắng gói gọn số tiền vay để Vwarda có thể xây đập thủy điện, và thỉnh thoảng lúc đêm khuya, khi công việc gặp trục trặc, ông sẽ tâm sự nỗi thất vọng của mình. Ông cáu kỉnh làu bàu, giọng vấp váp: “Cái làm tôi khó chịu nhất là những con tem chết tiệt. Ngày xưa chúng tôi có những con tem tuyệt vời... hết sức trang nghiêm... chân dung Nữ hoàng... bản khắc axít rất đẹp, chỉ có thế thôi, không cần gì hơn... màu sắc dịu mắt, cách trang trí tuyệt diệu... và lời lẽ giản dị... Congo thuộc Anh. Giờ thì chúng tôi có gì chứ? Những con chim, con thú nhiệt đới chết tiệt... trông như vườn bách thú hạng bét... lại còn cái tên mới đè lên tất cả mọi thứ nữa chứ... thiếu thẩm mỹ... không chút nghiêm trang và chả thích hợp gì cả.” Sau này tôi mới phát hiện ra ông chỉ thực sự khó chịu về việc đổi tên. Một đêm khi chúng tôi đã uống kha khá rượu gin ở Câu lạc bộ Anh quốc - tiền thân là Câu lạc bộ Thuộc địa, một trong những nơi buồn tẻ nhất đế quốc - ông tâm sự: “Tôi không thể hiểu nổi tại sao người ta lại thấy cần phải bỏ cái tên cũ Congo thuộc Anh tuyệt vời ấy... nghe tên là ông biết ngay đó là gì, ở đâu, có ý nghĩa gì. Còn cái tên mới có nghĩa gì chứ? Một con sông chết tiệt mà một nghìn người chắc cũng chỉ có một người từng nghe đến. Vwarda!” Ông khịt mũi vẻ coi thường, rồi vội thanh minh: “Dù sao tôi phải nói với ông là mấy thằng cha khó chịu đó làm việc với mình cũng khá tử tế... và họ lại trả lương ngay ngày đầu tháng. Thực ra, nếu người ta hiểu được sự thật, làm việc cho Vwarda còn có phần hay hơn làm cho Chính phủ của Công đảng Anh ở London, ông thấy thế nào?”
Về sông Vwarda, Sir Charles đã nhầm. Nó còn lâu mới là con đường thủy ít người biết đến, vì trong chúng ta những ai quan tâm đến địa lý đều luôn yêu thích dòng sông nổi tiếng với lịch sử độc nhất vô nhị này. Xa tít về phía Bắc, trong một cái đầm lọt thỏm giữa những dãy núi chụm lại thành hình chén, nhiều mưa rơi, và tùy theo mùa cũng như tùy hướng gió vào một ngày đặc biệt, thỉnh thoảng cái đầm đó lại được tháo nước vào hồ Banga, từ đó chảy ra sông Congo và vì vậy chảy ra Đại Tây Dương; những lúc khác nó chảy vào con sông Vwarda vắt ngang vùng Đông châu Phi và đổ ra Ấn Độ Dương, rồi cuối cùng tiến đến Thái Bình Dương. Hai giọt nước rơi từ cùng một đám mây, xuống cùng một nơi trên mặt đất rốt cuộc lại có thể thực hiện cuộc hành trình đến với những hệ thống sông khác nhau, vào hai đại dương khác nhau nằm ở hai phía đối diện của trái đất, cách nhau hàng nghìn dặm.
Ngoài điểm khác thường này, sông Vwarda còn đáng được chú ý với những vực thẳm, thác nước, và đặc biệt là quần thể cư dân hà mã, cá sấu và chim chóc kỳ lạ. Đó là một con sông lớn, một trong những đường thủy rất hấp dẫn của thế giới, và tôi cho rằng đúng là sáng kiến tuyệt vời khi người da đen vùng này đặt tên nước cộng hòa mới của họ nhằm vinh danh dòng sông.
Phần không điển hình trong tính cách của Sir Charles xuất phát từ việc ông tuyệt nhiên không giống một nhà quý tộc nông thôn Anh. Ông là người cao lớn, phì nộn, luộm thuộm, môi trễ xuống hờn dỗi khiến cho mỗi khi bị kích động lại run lên bần bật, gợi ấn tượng là một đứa bé ưa đòi hỏi thiếu cả tính cương quyết lẫn can đảm. Ông mặc quần áo lùng thùng, thường xuyên bị dây nước xốt, móng tay ít khi được giũa sạch sẽ. Điều tệ nhất - và điều này thường làm người ta tin rằng họ đang nói chuyện với kẻ ngớ ngẩn - mỗi khi nói ông lại vấp váp, lặp từ và rơi trở về kho ngôn ngữ của giới cầm quyền Anh có thành kiến với trí thức. Ông rất hay nói, “Tôi sẽ không lấy làm lạ” và “Xin lưu ý ông,” và thường dùng cụm “Thực tế là” - được phát âm thành “thư tá la” - hai hoặc ba lần trong một đoạn ngắn. Ông còn có thói quen nhai đi nhai lại, lặp các nhóm từ đến ba hay bốn lần khi bắt đầu phát biểu, và tôi vẫn còn nhớ nhiều cuộc thảo luận về cái đập nước trong đó lời bình luận nào cũng được ông mở đầu bằng “Nào bây giờ, ý tôi là, vâng, đó là một vấn đề chúng ta phải đối diện, phải không?” nhắc đi nhắc lại đến ba bốn lần. Ông rất sính câu hỏi tu từ và hầu như lời phát biểu mang tính khẳng định nào cũng được kết thúc bằng một câu, “Lẽ nào chúng ta lại không muốn việc đó đạt kết quả, đúng không?” Trong những ngày đầu làm việc với ông, tôi thường trả lời các câu hỏi đó, và lần nào ông cũng ngạc nhiên là tôi lại bận tâm: “Chúng ta không muốn làm công việc trở nên rắc rối với một lô từ ngữ không cần thiết, phải không?”
Nếu chỉ nhìn vào những khía cạnh khôi hài trong cách cư xử của Sir Charles đầu cuộc thảo luận, người ta sẽ được thừa nhận là đúng nếu kết luận ông là người ngớ ngẩn, nhưng khi cuộc thương lượng tiến sâu hơn và tinh thần tận tụy không mệt mỏi của ông đối với nhân loại và với quyền lợi của người da đen Vwarda có dịp phát lộ, người ta đã phải công nhận đây là một công chức chân chính, một quý ông sẽ tăng thêm giá trị cho bất cứ chính phủ nào mà ông là một thành viên. Do đó tôi đã báo cáo với thượng cấp ở Geneva: “Nếu Vwarda và các nước cộng hòa da đen khác có độ hai trăm Sir Charles Braham thì đầu tư vào bất cứ nơi nào ở châu Phi cũng đều được an toàn, đảm bảo chúng ta sẽ có cơ hội tốt... và không thêm một xu nào nữa.” Ngay trước khi tôi tới Vwarda, Nữ hoàng Anh đã quyết định phong cho Charles Braham tước hiệp sĩ để công nhận những đóng góp của ông tại Congo, và nhiều người ở Vwarda đã nói với tôi, “Ở đây không có ai thắc mắc, ‘Tại sao lại là ông ấy?’ - nhưng khi ông tới lâu đài Buckingham yết kiến, ăn mặc thì luộm thuộm, trọng lượng thì thừa đến sáu mươi pao, nói năng lặp đi lặp lại và trông như thể không thuộc về thế kỷ mười chín thì ai cũng hỏi, ‘Không biết họ có nhầm tên không nhỉ?’”
Đầu năm 1959, phu nhân Emily Braham qua đời, để lại một bé gái bảy tuổi gầy nhom, tóc đen. Vì cuối năm đó tôi mới tới Vwarda nên không được biết phu nhân Emily; tôi chỉ được thấy những bức ảnh chụp bà trong bộ áo bằng voan và ren tại vô số buổi gặp mặt quan trọng của chính phủ, một phụ nữ nhỏ nhắn, không hề hợp đối với người đàn ông to béo trong bộ đồng phục không vừa đang đứng cạnh.
Nhưng ngay từ đầu tôi đã biết cô bé Monica; quả thực tôi đã đối xử với cô gần như một người mẹ, gánh lấy những bổn phận mà lẽ ra mẹ cô sẽ phải thực hiện nếu bà còn sống. Tôi nhìn thấy cô bé lần đầu tiên vào một buổi chiều nóng bức, khi máy bay của tôi từ Geneva vòng qua Đại Tây Dương, vượt sông Congo tới sông Banga, rẽ về phía Nam, băng qua đầm nước vùng thượng du, nơi đầu nguồn của các dòng sông, nhìn thấy sông Vwarda, xuôi theo dòng chảy ấn tượng của nó xuyên qua núi non và thảo nguyên rồi hạ cánh xuống thủ đô. Trong những ngày đầu ấy hiển nhiên chỉ có một vài quan chức da đen, và tôi đã được đón tiếp bởi Sir Charles - vận bộ đồ xanh dày cộp, giậm chân thình thịch xung quanh, chỉ dẫn đám phu khuân vác nhận đồ của tôi ở đâu và như thế nào, “Chúng ta không muốn ông ấy ở đây mà không có hành lý, phải không? Hừmmm, được rồi, ê cẩn thận nào?” Ông có vẻ hơi ngớ ngẩn, còn tôi thì lo lắng vì ông chính là người tôi sẽ phải đàm phán.
Khi ông đưa tôi ra chiếc xe của chính phủ, một chiếc Rolls-Royce bóng loáng gắn quốc huy mới của Vwarda, tôi chợt nhìn thấy khuôn mặt nhỏ nhắn, xinh xắn của một bé gái ló ra khỏi cửa sau. Tôi ngồi xuống bên cạnh thì cô bé e lệ vuốt bím tóc đen dài, đôi mắt đen láy tinh quái ngước nhìn tôi khi cô hỏi, “Cháu đang chờ ông hát yodelh[18] đây. Ông từ Thụy Sĩ tới phải không?”
“Thực ra thì tôi là người Indiana. Tôi làm việc ở Thụy Sĩ.”
“Ông có học hát yodel không?”
“ Tôi e rằng không.”
“Thế thì quay về học đi.”
Câu nói làm tôi sững sờ và tôi ngả người về phía trước ngắm kỹ cô bé, nhưng trước phản ứng của tôi, Sir Charles nói, “Xin đừng để ý. Từ khi mẹ con bé mất, nó đâm ra bất trị.” Monica lè lưỡi trêu tôi, rồi nháy mắt và trước sự ngạc nhiên của tôi, cô cất tiếng hát một bài yodel rất chuẩn vang khắp chiếc Rolls. “Nó học theo máy hát đấy,” Sir Charles nói.
Tôi điện về Geneva nhờ cô giúp việc gửi đến một hộp đồ chơi kích thích trí tưởng tượng mà người Thụy Sĩ làm rất giỏi, nhưng khi tôi đem tặng Monica, cô bé lại không thèm nhận mà đưa luôn cho mấy đứa con của bà giúp việc da đen rồi nói với tôi: “Thứ cháu thực sự thích là vài chiếc váy dirndl[19] cơ.” Khi những cái váy kiểu ấy tới thì tôi đã thành ông chú được cô bé yêu quý nhất.
Cô bé rất yêu âm nhạc, và trong nhiều năm, sau những đợt vắng mặt khá thường xuyên, mỗi lần quay lại đó để kiểm tra con đập chúng tôi đang xây dọc những khúc thượng lưu sông Vwarda, tôi lại mang cho cô đủ loại đĩa hát, và nhờ có cô, tôi được biết sơ qua về rock-and-roll, nhịp Merseyside[20] và nhạc soul. Cô có vẻ cần âm nhạc, lần nào nghe nói tôi sắp rời châu Âu sang Vwarda, cô cũng gửi thư khẩn cho tôi nói rõ cô muốn những đĩa hát nào; cô bé say mê các ban nhạc Beatles, Rolling Stones, Animals và một nhóm có tên là Procol Harum, nhưng lại không quan tâm tới phong cách Mỹ, trừ một ban nhạc đặc biệt dữ dội tên là Canned Heat. Lần đầu tiên cô dặn tôi mua những đĩa hát ấy, tôi đã nghe thử ở nhà trước khi mang sang châu Phi nhưng rồi nhận ra mình không đủ khả năng đánh giá liệu những âm thanh hoang dã kỳ lạ ấy có phải là âm nhạc hay không. Tôi chỉ trao những đĩa hát ấy cho Monica và quan sát cô nghiến ngấu nghe chúng; hồi đó tôi chưa ý thức được sức tàn phá của phần ca từ kèm theo bản nhạc. Tôi còn khờ khạo cho rằng lời ca sai ngữ pháp mà không hề nhận thấy rằng đối với lớp trẻ chúng là lời kêu gọi làm cách mạng.
Khi Monica mười sáu tuổi, cha cô hỏi xem liệu tôi có thể thu xếp cho cô vào học một trường tiếng tăm ở Anh được không; ông giới thiệu một vài nơi có lẽ sẵn sàng nhận con gái ông nhờ truyền thống quanh dòng họ Braham, nhưng ông không thể rời khỏi Vwarda để đi chọn trường được, do đó vào mùa xuân năm 1968 ở châu Âu, tôi về vùng nông thôn nước Anh mang theo hồ sơ của Monica Braham, trong đó có tấm ảnh một cô gái vô cùng ấn tượng với mái tóc sẫm màu, mắt đen và nét đẹp mảnh mai của một nữ thần Bắc Âu. Tại hai trường đầu, tôi sửng sốt khi bà hiệu trưởng chỉ nhìn qua tấm ảnh và quả thực đã nói: “Trời ơi! Cô bé còn được cha dạy dỗ giữa đám người hầu bản xứ nữa chứ. Cô này sẽ khó quản lý lắm đây.” Các giáo viên giàu kinh nghiệm đều nhìn thấy một điều gì đó trong tấm ảnh mà tôi đã không nhận ra và từ chối nhận cô bé vào trường của họ.
Tuy vậy, tại ngôi trường tôi ưng nhất, trường St. Procas ở Bắc Oxford, bà hiệu trưởng xem xét kỹ học bạ của Monica, gồm các điểm số khá cao ở những bài kiểm tra khác nhau rồi phát biểu: “Tôi không hề chắc chắn đây là ngôi trường thích hợp với em Monica. Cô bé có vẻ như thuộc mẫu người thiếu tính ổn định nhất, nhưng chị họ Victoria Braham của em cũng học ở đây, và cô bé này tỏ ra khá vững vàng.” Trường St. Procas nhận Monica, có thể cho là sau khi đã suy đi tính lại kỹ càng, nhưng họ không bao giờ hài lòng với quyết định của mình.
Cuối mùa thu năm 1968, tôi nhận được một bức điện từ Vwarda khẩn thiết nhờ tôi bay đến St. Procas xem liệu tôi có thể làm được bất cứ điều gì để nhà trường không đuổi Monica, thế là tôi đành bỏ dở vài công việc đang tiến hành cho hãng Ansett Airways ở Úc mà quay về châu Âu để rồi nhận ra trường St. Procas có đầy đủ lý do để đuổi cô bé Monica. Khi tôi tới, bà hiệu trưởng nói với thái độ khó chịu ra mặt vì tôi là người đã thuyết phục bà nhận Monica và do vậy cũng là người phải chịu trách nhiệm về những hành vi phóng túng của cô: “Cô cháu Monica của ông đã biến khỏi trường ba ngày. Hình như cô ta trốn đi với một người đàn ông lớn tuổi hơn làm nghề phân phối kẹo sô cô la cho một cửa hiệu trong làng. Chúng tôi tin là cô ta và người đàn ông này đã trốn trong một khách sạn ở Cirencester. Tôi cho là chúng tôi có thể giao việc này cho thám tử tư để chứng minh tội của cô ta, nhưng chúng tôi thà không biết chi tiết còn hơn.” Bà quyết định đuổi Monica ngay lập tức nhưng tôi thuyết phục bà cho cô bé một cơ hội thứ hai.
“Cô bé ư?” bà hiệu trưởng ngỡ ngàng nhắc lại. “Ông đã gặp cô ta chưa?”
Khi Monica xuất hiện, cô có vẻ lớn lên rất nhiều; cô mới mười sáu tuổi, nhưng hai bím tóc đã không còn nữa, nét mảnh mai đã được thay thế bằng vẻ đẹp chín muồi lôi cuốn, và khuôn mặt đã mất vẻ trẻ con. Cô đã là phụ nữ, già dặn hơn tuổi nhiều, khôn ngoan xảo trá hơn cả tôi lẫn bà hiệu trưởng. Trên khóe môi xinh đẹp thấp thoáng một nụ cười thích thú, như thể cô biết một bí mật sống còn nào đó mà chúng tôi không biết; nhưng cô không có vẻ gì là hỗn xược hay khiêu khích. Cô không thách thức chúng tôi đuổi cô; ngược lại, cô tỏ ra vô cùng đáng yêu và mối xúc cảm thôi thúc tôi trước hết là mong muốn được ôm cô vào lòng mà hôn như tôi vẫn thường làm mỗi khi đến hoặc đi khỏi nhà cô ở châu Phi. Nhưng cô đã thay đổi, một sự thay đổi khiến cho tôi từ nay về sau không được đón chào cô như với một cô bé nữa. Cô cực kỳ xinh đẹp và cô nhận thức rõ điều này.
“Chào chú, chú George,” cô nói với thái độ đường hoàng kín đáo, tay chìa ra.
“Cháu đã làm trò gì vậy?” tôi hỏi.
“Cháu nghĩ đã đến lúc...” Cô không nói hết câu. Nhún đôi vai thanh mảnh, cô mỉm cười và nhìn đi chỗ khác.
Tôi thu xếp xong xuôi để giữ cô lại St. Procas, nhưng một tháng sau tôi lại bị gọi đến. Bà hiệu trưởng báo với tôi bà đã bắt gặp các nữ sinh cùng phòng với Monica hút cần sa, và tuy không có chứng cớ xác thực cho thấy Monica có liên quan song một cô gái đã tường trình, có thể cho là do bị thúc ép rằng Monica đã mua cần sa trong lần trốn đi Cirencester, và người ta yêu cầu tôi tra hỏi Monica về vụ này vì nhà trường có ý định đuổi học cô nhưng vẫn muốn xử lý công bằng.
Đó là một ngày lạnh giá, và tôi gặp Monica trong một hành lang có vách kính, nơi các bà giáo trẻ tụ họp để thưởng thức bữa trà chiều. Một vài bà đi vào khi hai chúng tôi đang nói chuyện, và tôi để ý họ vừa nhìn thấy Monica đã vội vã quay trở ra. Tôi hỏi cô con gái đỡ đầu bất đắc dĩ về vụ cần sa, và tôi diễn đạt câu hỏi sao cho cô hiểu tôi mong chờ một câu trả lời thành thật; cô có thể từ chối trả lời, nhưng nếu cô nói với tôi bất cứ điều gì thì tôi tin chắc đó sẽ là sự thật. “Cần sa chỉ là chuyện vặt,” cô khinh khỉnh đáp. “Họ cứ lo lắng thế thôi.”
“Cháu có mang cần sa vào trường không?”
“Cháu đã hút thử. Tất cả bọn con gái đều thử.”
“Cháu có biết là nguy hiểm không?”
“Chú George! Nó cũng như một cốc Martini đối với chú thôi... như một cốc rượu gin và rượu thuốc apxin đối với cha cháu. Nếu chú là người nghiện rượu thì những loại đồ uống ấy sẽ là vấn đề. Xài một cách hợp lý thì chúng chỉ là chuyện vặt thôi.”
“Cháu có hút thường xuyên không?”
“Như thế nào là thường xuyên?” cô hỏi lại, thái độ không thách thức nhưng tỏ vẻ quan tâm hỗn xược tới ý kiến của tôi.
“Cháu có mang cần sa vào trường không?”
“Ellen có mang vào. Marjorie có mang vào. Cháu có thể kể tên sáu đứa khác mang vào.” Rồi cô mỉm cười nói thêm: “Số lượng nhỏ thôi.”
“Nhưng còn số lượng lớn? Ai mang vào?”
“Cháu nghĩ cháu chán St. Procas đến tận cổ rồi,” cô nói, và đến đây thì cuộc trao đổi của chúng tôi kết thúc.
“Sang năm chúng tôi sẽ chuyển cháu sang trường khác,” tôi cam đoan với bà hiệu trưởng.
“Chúng tôi cho rằng cô ấy chuyển ngay bây giờ thì tốt hơn.”
“Nhưng cha cháu đang ở châu Phi...” Cuối cùng, tôi đã thuyết phục được người đàn bà tốt bụng đó chấp nhận cho Monica ở lại đến hết niên học 1968-1969, và đó đúng là sai lầm, vì cuối tháng Hai, tôi lại bị mời tới trường, nơi bà hiệu trưởng giận đến phát điên hét vào mặt tôi: “Hãy mang cô ta đi ngay cho! Ngay hôm nay! Đi khỏi đây!”
Với kha khá khó khăn, và phải nhờ tới sự giúp đỡ của cô gái mười bốn tuổi cùng phòng Monica, tôi mới chắp nối lại được những gì đã xảy ra. Mỗi tuần ba buổi, nhà trường lại mời một giáo viên nhạc từ thành phố Oxford về dạy, một thanh niên cao lênh khênh, tóc rối bù, từng học ở Paris, và những buổi học của anh ta về âm nhạc Stravinsky và Beethoven thật là “hết ý”, như nhận xét của các nữ sinh. Anh ta khoảng hai mươi hai tuổi, xuất thân từ một gia đình tiền của rất hạn hẹp và hiện vẫn sống cùng cha mẹ. Anh ta từng học tại một trong những trường đại học mới thành lập ở vùng Midlands và tốt nghiệp loại ưu, nhưng tính nhút nhát cố hữu thì cả những năm đại học lẫn thời gian ở Paris cũng không giúp anh ta bỏ được. Anh ta là người cao lớn, dễ thương, vụng về, và một ngày tháng Giêng, Monica khoác lác với mấy người bạn cùng phòng: “Tớ cá là chỉ trong vòng ba tuần tớ sẽ làm cho anh ta phải tụt quần xuống.”
Tiền cá cược được gom lại và giao cho cô bé mười bốn tuổi đã kể chuyện này với tôi, “Điều kiện rất đơn giản. Chúng cháu sẽ giúp Monica tất cả những gì có thể... ngay cả những người cá là chị ấy thua cũng phải giúp... Ý cháu là chúng cháu phải tạo điều kiện cho chị ấy ở lại một mình với thầy giáo. Nhưng một điều kiện nữa là ít nhất phải có hai người trong ban...”
“Ban gì?”
“Ban viết ra những điều kiện ấy.”
“Ý cháu là các cháu viết hẳn ra giấy?”
“Chắc chắn rồi ạ.” Cô bé lục trong tập giấy và đưa cho tôi xem bản điều kiện được đánh máy, “Thống nhất là Monica không thể chỉ nói suông là chị ấy đã có quan hệ tình dục với thầy Dankerly. Phải có ít nhất hai người trong ban có mặt để chứng kiến tận mắt họ trên giường, hay ở bất cứ đâu.”
Monica tiến hành tác động đến thầy Dankerly với sự khéo léo chuyên nghiệp cô học được qua lần quan hệ với ông bán kẹo sô cô la ở Cirencester trước đó. Cô cho anh ta biết cô coi anh ta là giáo viên giỏi nhất St. Procas lại cũng là người hiểu biết và lịch sự nhất nữa. Nói xong những điều trên, cô còn khen anh ta rất nam tính và đoán anh ta đã từng chơi bóng bầu dục ở trường đại học. Nhưng điều hấp dẫn cô nhất, cô nói, là quãng thời gian anh ta ở Paris, nơi mà, trích nguyên văn lời cô, “một người đàn ông hẳn phải học được tất cả những gì cần biết về tình yêu từ các cô gái Pháp.” Khi nói câu ấy, cô để ý thấy thầy Dankerly thở rất sâu, và đêm đó cô thông báo với cả phòng: “Thắng cuộc rồi. Thứ Sáu tuần sau tớ sẽ làm thầy phải tụt quần.”
Thứ Sáu, đám nữ sinh thu xếp sao cho phòng học nhạc không có người. Thật ra nó đã bị canh gác tứ phía, cộng thêm hai nhân chứng được chỉ định sẵn, và sau đó một trong hai cô thuật lại cho cả nhóm: “Khi họ lăn lộn trên sàn, các cậu không thể hoàn toàn chắc chắn là họ đang làm tình, nhưng dứt khoát là họ có thể làm lắm chứ.”
Đêm đó Monica điềm tĩnh tuyên bố cô đã thắng cuộc; rồi cô tiết lộ thêm một thông tin làm chấn động đám con gái vốn vẫn nuôi ảo tưởng về khả năng làm tình siêu hạng của Albert Finney và Richard Burton trong phim, “Thằng cha tội nghiệp, hắn hoàn toàn chẳng biết gì cả, tớ đã phải hướng dẫn cho hắn làm như thế nào đấy.” Đó đúng là kết thúc có tác dụng cảnh tỉnh đối với một trò tinh nghịch.
Tất nhiên đến thứ Hai, cả hội đồng giáo viên đã nghe phong thanh về vụ đánh cuộc và kết thúc thành công của nó, vậy là sáng thứ Ba thầy Dankerly khốn khổ bị buộc thôi việc và Monica bị cô lập trong phòng cho đến khi tôi có thể bay từ Geneva tới. Bà hiệu trưởng giận tái người và tuyên bố đáng lẽ sau vụ Cirencester bà không nên nghe những lời dỗ ngon dỗ ngọt của tôi. “Tôi e rằng Monica là một kẻ phạm tội vị thành niên hư hỏng và trong những năm tới ông sẽ có rất nhiều việc để làm với cô ta đấy. Ông định giải quyết cô ta thể nào?”
“Tôi sẽ gửi con bé về châu Phi. Bằng chuyến bay đêm nay.”
“Một quyết định đúng. Cô ta chưa sẵn sàng với cuộc sống ở Anh.”
“Hoặc ngược lại.”
Tôi rất buồn khi lái xe đưa Monica ra sân bay và tiễn cô lên chiếc máy bay của hãng Air Vwarda; thật phi lý là một nước nhỏ như vậy mà cũng dám liều có đường hàng không riêng tới London và New York, nhưng tất nhiên, nó chỉ có một chiếc máy bay Pan America và phi hành đoàn làm thuê cho Vwarda, theo sự sắp đặt của Sir Charles. Đúng như quy định, một phụ tá da đen phải có mặt trong khoang lái, nhưng người này làm gì thì không ai rõ - bao giờ phi công và kỹ sư cũng là người Texas. Khi đến lúc phải nói lời tạm biệt với Monica, tôi thấy cô ngó nghiêng qua vai tôi để xem liệu có bất kỳ người đàn ông hấp dẫn nào bay xuống phía Nam không, và tôi còn chưa kịp rời sân bay thì cô đã quấn lấy một cầu thủ bóng đá Nam Phi vạm vỡ đang mua ít kẹo để cô ăn trong chuyến bay dài về nhà.
Lúc đó tôi chưa biết chuyện, nhưng khi tôi gửi Monica về Vwarda - mà phải sau năm ngày vòng tới Nam Phi cùng tay cầu thủ bóng đá cô mới đến nơi - cô đang trên đường quay về vòng tay chăm sóc của cha vào đúng thời điểm người đàn ông đáng thương đó phải đối diện với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Khi cuộc Nổi loạn tháng Ba bùng nổ khắp Vwarda, nó đã mang một nỗi sợ hãi thật sự vào tận sâu thẳm trái tim những người châu Âu đang ấp ủ bao hy vọng lớn lao cho nước cộng hòa mới.
Đọc trong một tờ báo Geneva tin tức về các cuộc nổi loạn, tôi cứ day dứt không yên về mối lo ngại của các sếp, những người đã đầu tư bảy mươi hai triệu đô la vào đập nước Vwarda và giờ thì chứng kiến số tiền ấy đang bốc hơi do hậu quả của chém giết. Từ những tin tức tôi thu thập được qua tờ London Times và các bản báo cáo ngoại giao mà bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho chúng tôi xem, rõ ràng Nổi loạn tháng Ba đã đáo hạn từ lâu và bùng nổ đơn giản chỉ vì người da đen đã chán chờ đợi rồi.
Đến thời điểm này Vwarda đã là quốc gia có chủ quyền được mười một năm. Họ có một tổng thống da đen, một nội các da đen và chủ tịch ngân hàng quốc gia cũng người da đen nốt, nhưng ai cũng có thể nhận thấy những công việc tốt vẫn nằm trong tay người da trắng, đặc biệt những công việc đòi hỏi mức lương cao. Các thẩm phán tòa án tối cao đều là người da trắng, cả các thẩm phán tòa thượng thẩm cũng vậy. Mọi chức vụ liên quan đến việc kiểm soát kinh tế của đất nước đều nằm trong tay những người như Sir Charles Braham, những người còn sót lại của chính quyền thực dân. Ngài đại tướng của quân đội là một sĩ quan tốt nghiệp trường Sandhurst, và các phi công lái chiếc máy bay phản lực của Vwarda được trả lương cao cũng là người Mỹ. Tình trạng này rất phổ biến từ trên xuống dưới trong hệ thống cấp bậc cho nên tôi thấy chẳng có gì đáng ngạc nhiên trước chuyện người da đen nổi loạn. Trong hai ngày đầu tiên của cuộc nổi loạn, họ giết mười sáu người da trắng, phóng hỏa một số nhà kho, và đưa ra một loạt tuyên bố khích động. Đối với nhiều người ở châu Âu, có vẻ như cuộc cách mạng châu Phi vĩ đại mà người da trắng lo sợ đã bắt đầu và nhất định sẽ nhanh chóng lan ra các nước láng giềng như Tanzania, Zambia, Congo và Swaziland, nhưng việc đó đã không xảy ra, và khi trật tự được vãn hồi, ban giám đốc lệnh cho tôi tới Vwarda để báo cáo về tình trạng vốn đầu tư của chúng tôi.
Khi máy bay vượt qua cái đầm trên cao nơi khởi nguồn sông Vwarda, tôi cảm thấy như đang trở về đất nước mình là công dân, vì tôi đã làm việc trong những khu rừng lâu đến nỗi dường như đã thành một phần của nó và những khuôn mặt da đen mới giết người và đốt nhà đó là khuôn mặt anh em tôi. Khi máy bay hạ cánh xuống thủ đô, tôi nhìn thấy vẫn những cây cối phủ đầy hoa cuối mùa ấy, vẫn những đại lộ rộng thênh thang hai bên có dãy nhà kiểu Victoria từng là nơi ở của người Anh và các bà vợ kênh kiệu của họ, vẫn những cái lán tôn múi từng làm tôi vừa thất vọng vừa phấn chấn khi lần đầu tiên nhìn thấy. Đó là một thành phố châu Phi xinh đẹp mà mỗi năm trôi qua tất phải trở thành xinh đẹp hơn khi lều lán được thay thế bằng những ngôi nhà trát vữa. về một số phương diện, nó là thủ đô nguyên sơ nhất của người da đen; về những phương diện khác nó lại là tiêu biểu nhất, vì nó là một thành phố đang phát triển, một mảnh đất nơi dân chúng từng có thời chán chường đang nỗ lực giành chế độ tự trị.
Khi tôi tới, Sir Charles, đúng như tôi dự đoán, đang ở sâu trong rừng xem xét kỹ càng khu vực xảy ra phần lớn các vụ giết chóc. Trong bộ quần áo đen, cà vạt thắt cẩn thận thít chặt cái cổ đẫm mồ hôi, ông lê bước dọc những con đường mòn xuyên rừng, cam đoan với các tù trưởng địa phương rằng không có lý do gì để sợ hãi cả. Ít ra cũng được một lần ông không hoảng sợ và cái đập lớn ở miền Bắc vẫn được tiến hành xây dựng bình thường. “Không kỹ sư người Âu nào bỏ chạy cả,” ông báo với tôi qua điện đài, “vì công việc vẫn phải tiếp tục. Cũng có lộn xộn. Có một số vụ ám sát đáng tiếc, nhưng nước nào chẳng có những kẻ bộp chộp, và Vwarda sẽ biết cách xử lý những kẻ bộp chộp ở đây, phải không?” Trong thời kỳ khó khăn sau các cuộc nổi loạn ấy, Sir Charles là một viên chức thuộc địa Anh điển hình cố gắng hết sức để xoa dịu tình hình. “Chúng ta đâu có muốn trải qua một cuộc cách mạng, đúng không?” ông nói với các tù trưởng trong rừng rậm, “Thu tá la, ai sẽ bị chuyện điên rồ ấy gây thiệt hại chứ? Chính là con cái các ông, không phải con tôi, và chúng ta không muốn thế, phải không?”
Từ thủ đô, tôi báo cáo về Geneva cho các sếp, “Những sự kiện gần đây được gọi là các cuộc nổi loạn. Tôi sẽ gọi chúng là cuộc phá phách, một cuộc phá phách vô nghĩa mù quáng kết thúc cũng nhanh như lúc bắt đầu. Tại vùng này người da đen bất mãn đưa ra ba yêu cầu - thẩm phán da đen ngay lập tức, quốc hữu hóa mở kim cương và phi công da đen lái máy bay Vwarda. Chính phủ chấp nhận làm một việc gì đó, và làm thật nhanh, đối với hai yêu cầu đầu, nhưng yêu cầu thứ ba có những khía cạnh khôi hài và sẽ bị bỏ qua. Khi đám gây rối da đen chiếm lĩnh sân bay, họ bao vây chiếc Boeing đang bốc hàng để bay đi New York và hét lên, ‘Reginald Huygere phải cầm lái! Reginald Huygere nắm bộ điều chỉnh!’ Huygere, một anh chàng thông minh từng có khoảng năm mươi giờ huấn luyện mặt đất dưới sự chỉ dẫn của các ông thầy từ hãng Pan American và gần như mù tịt về hệ thống nhiên liệu, huống hồ là bộ điều chỉnh, thò đầu ra cửa sổ buồng lái mà hét, ‘Ai, tôi ấy ư?’ Vậy là mọi người phá lên cười và máy bay cất cánh theo đúng lịch trình.
“Tôi biết các ngài muốn tôi đánh giá các cuộc nổi loạn ấy một cách khắt khe nhất. Chúng không thể tránh khỏi. Chúng có lý do chính đáng. Chúng không nghiêm trọng. Trong hai thập kỷ tới cứ định kỳ một khoảng thời gian, chúng sẽ còn lặp đi lặp lại. Và chúng sẽ không gây nên hậu quả nào quá tệ hại. Tôi đánh giá Vwarda đang ở trong thời kỳ giống như Mexico từ 1910 đến 1927, và các ngài biết rõ một đất nước phát triển từ cuộc cách mạng kiểu ấy sẽ ổn định như thế nào. Về cái đập nước, tất cả đàn ông đàn bà Vwarda đều biết đất nước họ cần có nó. Nếu mai kia các thành viên có óc xét đoán của chính phủ kêu gọi chúng ta đầu tư thêm mười tám triệu đô la nữa, mà tôi nghĩ là họ rất cần đấy, hãy trao cho họ số tiền ấy. Ở đây cũng an toàn như ở Detroit.”
Trong những ngày thảo bản báo cáo trên, tôi có khá nhiều dịp gặp Monica, lúc này đã mười bảy tuổi. Theo như tôi được biết, cô đã có ba người tình: ông bán sô cô la, ông giáo dạy nhạc Dankerly, và tay cầu thủ bóng đá Nam Phi. Thế mà cô vẫn khiến người ta có cảm tưởng cô là một người phụ nữ nhỏ tuổi không hư hỏng; sức hấp dẫn bí ẩn của cô thật phi thường và khả năng lợi dụng người khác thật kỳ lạ. Quan sát Monica sống dưới mái nhà của người cha, tôi rút ra kết luận một đứa trẻ như cô mà bị quản lý trong trường nữ sinh thì quả là nực cười. Ít nhất cô đã sẵn sàng cho môi trường đại học, và cô biết điều này.
Khi tôi nói chuyện với cô, lần đầu tiên cô tỏ thái độ coi thường cha sâu sắc. “Ông già cằm rung,” cô gọi cha như vậy vì hiện tượng rung không sao kiềm chế nổi ở nửa dưới khuôn mặt ông trong mọi cơn khủng hoảng. “Ông già cằm rung đã vào rừng, chơi trò Đế quốc Ấn-Anh. ‘Nào các chú, nâng cằm lên!’ ông hạ lệnh, trong khi chính cằm ông lại rung lên như cằm đàn bà.”
“Cha cháu là người can đảm,” tôi phản đối.
“Can đảm và ngớ ngẩn,” cô đáp.
“Ông đã dành rất nhiều thời gian nuôi nấng cháu.”
“Và nhìn kết quả xem.”
Giọng cay đắng của cô làm tôi bất ngờ đến nỗi tôi đưa ra giả thuyết, “Cháu thấy mình có lỗi vì bị buộc phải chuyển trường và giờ thì cháu đổ lỗi cho cha mình.”
“Không hề,” cô cải chính, châm một điếu thuốc. “Cháu phát sợ trước viễn cảnh người cha thân yêu, sắp bị quẳng ra khỏi Vwarda, sẵn sàng làm mọi chuyện hèn hạ đáng khinh để giữ được cương vị này. Ông sẽ làm bất kỳ việc gì để bám thật chặt... một năm nữa... một tháng nữa.”
“Đó là cuộc sống của cha cháu. Đối với ông thì như vậy cũng tự nhiên thôi...”
Cô dữ tợn chĩa điếu thuốc vào một bức tượng đặt trên thảm cỏ trước nhà. “Ngài Carrington Braham, ông nội cháu. Một đêm nào đó, thể nào bọn da đen cấp tiến cũng sẽ xuất hiện ở phố này và quật cho bức tượng ông cụ bay khỏi bệ. Họ sẽ làm thế. Chúng ta phải rời khỏi đây ngay, nhưng cha cháu cứ khăng khăng trụ lại. Chú không thấy rằng... ông thiếu tự trọng sao.”
“Cháu sẽ làm gì... sau cả đời phục vụ cho một quốc gia vẫn đang cần đến cháu?”
“Cháu biết chính xác cháu sẽ làm gì. Cháu sẽ mặc lễ phục, đeo toàn bộ huy chương, mang tất cả những gì làm người ta nhớ đến ông nội cháu... Cháu sẽ công nhận nhà Braham đã làm được nhiều việc có ích ở đây và cháu tự hào về điều đó, nhưng thời của gia đình cháu đã qua rồi và cố bám lấy cọng rơm là hành động làm mất phẩm giá.”
“Nhưng cháu sẽ làm gì?” tôi gặng hỏi.
“Cháu sẽ trịnh trọng bước vào văn phòng Tổng thống Hosea M’Bele với đầy đủ lệ bộ, ném hợp đồng lên bàn và bảo ông ta, ‘Ông hãy nhét nó vào lỗ đít ấy.’”
Tôi chưa bao giờ kiềm chế nổi cơn sốc trước vốn từ của thanh niên thời nay và chắc hẳn tôi đã đờ mặt, vì Monica ve vẩy một ngón tay trước mũi tôi, cử chỉ cho phép tôi ngửi được mùi của điếu thuốc cô đang hút. “Nó là cần sa à?” tôi hỏi.
“Rít một hơi chứ?”
“Con bé ngốc nghếch,” tôi giận dữ nói. “Cháu đang cố làm gì vậy? Tiêu cả cuộc đời trong một năm hả?”
“Cháu mệt mỏi với tất cả những thứ cha cháu ủng hộ,” cô nói với một vẻ duyên dáng uể oải. Thả người xuống chiếc ghé bành rộng, đôi chân dài quyến rũ vắt qua một tay ghế, cô không còn vẻ thù địch lúc trước nữa và trầm ngâm nói như thể cô đã sáu mươi tuổi: “Cháu đã chứng kiến Vwarda trong thời điểm huy hoàng nhất của nó - kết thúc giai đoạn cũ, bắt đầu giai đoạn mới và đã đến lúc nhà Braham chúng cháu ra đi. Chuyện giết chóc không phải là vấn đề. Bất cứ người da trắng nào bị chặt đầu cũng hoàn toàn chỉ là tai nạn. Việc đốt phá không gây hậu quả ghê gớm lắm. Có thể xây lại được. Nhưng cái chết của lý tưởng thì...” Cô hạ thấp giọng, rít vài hơi thuốc lá thật sâu rồi nói tiếp, “Chú biết không, chú George, suýt nữa cháu đã cưới thằng cha Nam Phi đó. Hắn khá dễ thương và chúng cháu đã có những giờ phút tuyệt diệu trên giường. Chú biết tại sao cháu không làm thế không?”
“’Vì cháu mới mười bảy tuổi và không thể kiếm được giấy kết hôn.”
“Vì về vấn đề chủng tộc thì họ đúng là lũ ngốc khát máu. Họ đang đâm đầu vào sự trừng phạt ghê gớm, và ai muốn có phần trong đó chứ?” Cô lại rít vài hơi sâu nữa, kết luận, “Với kiểu cách vụng về, dễ thương cha cháu cũng dở không kém. Ông biết đã đến lúc phải ra đi, nhưng lại không chịu bỏ đi.” Rồi, dụi điếu thuốc vào gạt tàn và giấu phần còn lại trong túi để cha cô khỏi nhìn thấy khi ông về nhà, cô nói: “Cháu sẽ đi! Cháu sẽ không phức tạp hóa những ngu ngốc của thế hệ chú đâu.” Và cô chậm rãi rời khỏi phòng.
“Cha phải hứa với con một điều,” Monica nói vào một ngày đầu tháng Ba năm 1969 trong lúc thắt cà vạt cho cha để ông đi dự một cuộc gặp gỡ quan trọng tột bậc. “Chú bảo cha cháu đi, chú George. Cha cháu nhất định không được quy lụy người ta. Cha, cha đừng xin xỏ gì.”
“Cha chỉ định trình bày trường hợp của mình một cách bình tĩnh và tôn trọng quyết định của ông ấy.”
“Ý con là,” cô cảnh cáo, “cha đừng có biến mình thành trò cười cho thiên hạ.”
“Monica!” tôi phản đối, vì Sir Charles đã quá lo sợ những gì ông phải làm hôm nay rồi, và lời công kích bất công của Monica sẽ làm ông căng thẳng hơn.
“Cháu không muốn một người nhà Braham phải khom lưng uốn gối,” cô ngắt lời. “Và chắc chắn không ở Vwarda.”
“Cha sẽ không khom lưng uốn gối đâu,” Sir Charles hứa. Lúc này, ông đã mặc bộ quần áo sẫm màu đẹp nhất của mình, với dải huy chương cài vào lỗ khuyết ve áo. Huy chương này được nhà vua ban tặng vì những cống hiến xứng đáng trong chiến tranh, nhưng bất chấp trang sức lộng lẫy đó, trông ông cũng chỉ tạm coi được, vì ở Vwarda tháng Ba là mùa hè nên mặt ông ướt đẫm mồ hôi. Quần áo của ông hoàn toàn không vừa người và cũng không sao vừa được vì thân hình to béo quá khó có thể tìm được quần áo phù hợp, làm cho bất kỳ chiếc áo vét nào trông cũng có vẻ quá chật. Hơn nữa, mông ông còn lắc qua lắc lại mỗi khi cất bước. Nhưng điểm khó coi nhất là nửa dưới khuôn mặt, lúc này đang co giật vì lo lắng. “Trông tôi có được không?” ông hỏi chúng tôi vẻ hy vọng.
“Trông cha khó coi một cách hoàn hảo,” Monica đáp, và rồi, trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, cô đội một trong những chiếc mũ mùa hè của mẹ lên mái đầu đen nhánh.
“Con định đi đâu?” Sir Charles hỏi với giọng nóng nảy, vốn trong lòng đã biết trước câu trả lời.
“Đi với cha,” cô đáp. “Con sẽ không để cha tự biến mình thành một kẻ ngớ ngẩn.”
Tôi đang nghĩ mình không mong muốn gì hơn là phát cho cô vài cái thật đau vào mông thì cô quay lại bảo tôi: “Chú không phải nói dối hộ cha cháu. Cứ phát biểu sự thật, chỉ có thế thôi.”
“Cháu không được chỉ huy chuyện này,” tôi nói.
“Ôi dào, nhưng cháu sẽ chỉ huy! Cháu là người cuối cùng của dòng họ Braham ở Vwarda và cháu sẽ bảo vệ thanh danh của Thượng nghị sĩ Carrington.” Cô chỉ bức tượng ông nội mà nói tiếp: “Ông nội sẽ biết cách xử lý ra sao trong trường hợp này.”
Chiếc Rolls-Royce được đưa đến cổng vườn và ba chúng tôi ủ rũ tiến về phía xe: Sir Charles đầm đìa mồ hôi chạy như một cô bé con; Monica sải chân bước phăng phăng, gánh nặng của một dòng họ nổi tiếng đè trên đôi vai; và tôi ráng theo, một chuyên gia dàn xếp rắc rối sáu mươi mốt tuổi từ Geneva đến bằng con đường Indiana và trường đại học Virginia. Xe chúng tôi chạy dọc những con đường thủ đô đẹp đẽ trong khu dân cư, vượt qua khu thương mại với ba khách sạn chọc trời, rồi ra đến rìa thành phố nơi tọa lạc phủ tổng thống, một công trình xây dựng uy nghi kiểu Victoria suốt một thời gian dài là nhà ở của những người con thứ các gia đình quý tộc Anh, vốn được đưa tới đây dại diện cho đức vua. Tại lối ra vào, nơi có một thời binh sĩ Scotland mặc váy kẻ ô đứng canh, hai người lính da đen nhanh nhẹn giơ tay chào và ra hiệu cho chúng tôi đi tiếp. Cạnh cánh cửa uy nghiêm, nơi biết bao thế hệ người Anh đã đi qua ký tên vào sổ, chứng minh rằng họ tự coi mình thuộc phần đáng trọng của đế quốc Anh, một thanh niên da đen tốt nghiệp trường Cambridge chào đón chúng tôi và lịch sự nói, “Tổng thống M’Bele đang chờ các vị,” nhưng khi chúng tôi tới Phòng Tiếp kiến lộng lẫy phô trương, nơi có thời thương gia châu Âu và dân da đen bản xứ phải co rúm lại trước sự hùng mạnh của cường quốc Anh, tổng thống vẫn chưa ra và chúng tôi phải đứng tụm thành một nhóm nhỏ khốn khổ chờ ông ta trong khi các tiểu thiên sứ bằng vữa trên vòm trần cao mỉm cười chế nhạo nỗi lo lắng của chúng tôi.
Cuối cùng một trong những cánh cửa mạ vàng bật mở và một người đàn ông da đen nhỏ thó khoảng gần năm mươi tuổi vội vã bước vào phòng, chìa tay ra đón Sir Charles, nói tiếng Anh giọng Oxford: “Ông bạn lâu năm nhất kiêm cố vấn của tôi, xin chào, xin chào.” Ông ta hôn tay Monica và nói: “Cô còn xinh đẹp hơn nhiều so với lời bà nhà tôi tả. Bà ấy đã gặp cô ở sân quần vợt.” Rồi ông ta khoác tay tôi, dẫn chúng tôi đến một góc kín đáo hơn trong căn phòng rộng lớn. “Ông Fairbanks, chúng tôi rất hài lòng vì cấp trên của ông thấy việc gia hạn nợ là hợp lý.”
“Họ làm như vậy vì muốn duy trì kết giao với một quốc gia phồn thịnh.”
“Chúng tôi sẽ làm cho nó được như vậy.”
Nhìn bề ngoài, tổng thống M’Bele không có nét gì nổi bật; ông ta có thể là một mục sư làng ở Virginia hoặc chủ một cửa hàng quần áo nhỏ ở khu Soho. Ông ta sẽ rất phù hợp với bất kỳ thành phố lớn nào trên đất Mỹ trong vai trò giáo viên da đen tại một trường cao đẳng cộng đồng hoặc phóng viên chính trị cho tờ báo của người da màu. Trong chính phủ Anh ngày nay phải có tới hơn hai nghìn người da trắng trông nhang nhác và đảm nhận vai trò giống ông ta, cứ chê ỏng chê eo những chức vụ mà cấp trên có trình độ học vấn cao hơn phân công, tuy nhiên ở châu Phi, nhờ tấm bằng đại học Oxford, ông M’Bele lại là một của quý và khi người Anh rút đi, ông đã hoàn thành nhiệm vụ họ giao phó xuất sắc hơn bất kỳ ai khác họ có thể tìm được, và còn xuất sắc hơn rất nhiều bất kỳ người da trắng nào. Như hầu hết các nhà lãnh đạo mới ở châu Phi, ông đã được đào tạo về luật, nhưng vì cả hai trường Oxford và Sorbonne đều đảm bảo một cách hiểu rất sâu rộng về luật, nên ít nhất các luật sư da đen cũng đủ khả năng điều hành chính phủ giỏi như bất kỳ nhóm nào khác, và hơn hẳn phe quân nhân, vốn là những kẻ đang bắt đầu bắn bỏ họ, lần lượt từng người một.
Ngồi xuống bên một chiếc bàn rộng, ông xòe úp tay xuống, nghiêng người về phía trước nói: “Tôi cho là ông đã biết nội dung cuộc gặp hôm nay?” Ông dừng lại, và khi Sir Charles gật đầu, tổng thống nói tiếp, “Tôi e, ông bạn thân mến ạ, rằng quyết định này không thể thay đổi được nữa. Đã có nổi loạn, ông biết đấy. Bọn thanh niên bốc đồng cứ khăng khăng người của chúng tôi có thể đảm nhận được công việc của ông.”
Nghe thấy câu này, Monica liếc nhìn cha nghiêm khắc, ra ý nhắc nhở cô mong ông duy trì thái độ đàng hoàng. Sir Charles mở đầu khá đĩnh đạc. “Thưa Ngài,” ông nhẹ nhàng nói, “tôi không phải người không thể thiếu. Điều này đã rõ ràng từ khi độc lập, phải không? Tất cả chúng ta đều biết rõ điều này, phải không, Monica?” Ông cầu khẩn con gái xác nhận, nhưng cô nhìn chằm chằm về phía trước, tin rằng cuộc nói chuyện này hẳn kết thúc thảm hại. Cô sẽ không làm gì để đẩy giây phút đó tới sớm hơn.
“Nhưng còn trách nhiệm công việc, thưa Ngài! Đó là một vấn đề khá là khác biệt, không phải sao? Thư tá la, trách nhiệm công việc là vấn đề cốt yếu đối với sự thịnh vượng của quốc gia này...” Ông trình bày một bài diễn văn dài dòng rắc rối, lặp đi lặp lại nhiều đến nỗi tôi phải lấy làm lạ về đức kiên nhẫn của tổng thống. Hai lần ngài M’Bele liếc nhìn Monica cầu khẩn, như thể tranh thủ sự giúp đỡ để làm cha cô im đi, nhưng cô làm ngơ. Rất lâu sau, Sir Charles mới kết thúc phần trình bày của mình với một lời biện hộ. “Vì vậy, thưa Ngài, tôi đâu phải đang yêu cầu mình được đối xử ưu ái, phải không?” Lần này đây không phải câu hỏi tu từ nhưng ngài M’Bele lại coi nó như vậy, và Sir Charles kết thúc một cách không thuyết phục bằng ý kiến lẽ ra phải là điểm chính trong lập luận của ông: “Thưa Ngài, năm năm nữa Thomas Watallah có thể có khả năng hoàn thành nhiệm vụ của tôi thậm chí là bốn năm nhưng chắc chắn không phải bây giờ.”
Lúc này thì tổng thống phải lên tiếng, và bằng ngữ điệu đường mật của một dân tộc đầy chất thơ, lại thêm những trọng âm hay nhất mà nước Anh cống hiến được, ông ta nhắc món nợ ân tình mình chịu Sir Charles, và tôi cho rằng ông ta làm vậy để Sir Charles khỏi kể lể dài dòng, “Ông bạn thân mến nhất và lâu năm nhất của tôi, trong tất cả những người da trắng ông hẳn phải là người biết rõ tôi mang ơn ông sâu nặng đến thế nào. Sir Charles, tôi nhớ lại thời mình chỉ là một đứa trẻ mới ra khỏi rừng rậm, tôi đã đến thủ đô này để rồi nhận ra nó bị người da trắng chiếm đóng, phần lớn đều có thái độ thù địch, và chính ông cùng phu nhân Emily kính mến đã dạy dỗ tôi, cho tôi hiểu trường đại học Anh là như thế nào, thuyết phục tôi rằng thậm chí tôi có đủ khả năng học ở Oxford. Ông đã cho em trai tôi một công việc trong gia đình ông và giữ chú ấy ở đó mười tám năm nay. Chú ấy nói với tôi ông đã là nguồn cảm hứng như thế nào. Có lẽ cô gái này cũng biết rõ. Khi ông ở trong rừng, em trai tôi đã là người cha đối với cô ấy. Sir Charles, nếu sáng nay ông tới đây để nhắc tôi rằng tôi có được cương vị hiện nay là nhờ ông, tôi sẽ là người đầu tiên công nhận món nợ này. Cầu Chúa cho mọi mối quan hệ giữa người da trắng và da đen đều tốt đẹp như vậy.”
Tôi mất hết tinh thần khi thấy Sir Charles thấm một giọt lệ ứa ra khỏi mắt trái và gạt vô ích giọt thứ hai đang rơi xuống má phải, cằm ông bắt đầu rung, và tôi nghĩ: Mọi việc sắp hỏng bét.
Hy vọng tránh được điều tôi đang e ngại, tổng thống lập luận, “Nhưng các sức mạnh lịch sử ở Congo châu Phi không thể bị ngăn chặn. Sir Charles, ông phải biết rõ hơn tôi rằng tại thành phố tôi bị bao vây tứ phía bởi giới trí thức cấp tiến cứ khăng khăng cho rằng các chức vụ trọng yếu phải được giao cho người da đen. Trong rừng thì tôi lại phải hứng chịu sự đe dọa của các thành viên bộ lạc muốn người của mình phải được nắm giữ những vị trí quan trọng. Vì lợi ích của nhân loại, các thẩm phán da trắng phải được giữ lại thêm mười năm nữa. Vì lợi ích của an ninh quốc gia, hai vị tướng người Ailen vẫn phải được nắm quyền. Thế thì còn lại gì? Những công việc như của ông phải được nhanh chóng chuyển giao cho người da đen nắm giữ... để ngăn chặn một cuộc cách mạng. Chỉ đơn giản như vậy thôi, Sir Charles.” Ông ta cúi đầu, ép hai tay xuống bàn mạnh hơn, và thì thầm: “Chỉ đơn giản như vậy thôi, ông bạn lâu năm ạ.”
Không để im lặng kéo dài đến một giây, Sir Charles chộp ngay lấy lập luận của tổng thống và chuyển nó sang hướng có lợi cho mình, “Đó chính là điều tôi muốn nói, thưa ngài. Tôi cũng sợ cách mạng chứ! Nếu các biện pháp kinh tế mà tôi đã khởi đầu không được thực hiện...”
“Cha,” cái từ gay gắt và đầy uy lực ấy, phát ra từ miệng một cô gái, vang vọng khắp Phòng Tiếp kiến và đưa cuộc nói chuyện trở lại nguyên tắc cơ bản.
“Tôi đã hứa với cháu Monica sẽ tự kiềm chế, thưa ngài, và tôi sẽ làm vậy. Nhưng chân thành mà nói, Vwarda là nhà của tôi. Trong hai mươi mốt năm, nó đã là toàn bộ cuộc sống của tôi.” Cằm co giật vẻ lo lắng, ông cười bối rối và thốt ra một câu nói đùa nhẹ nhàng mà ông thích thú, “Hai mươi mốt năm! Tôi đã đạt được sự trưởng thành ở đây rồi. Tôi đã đủ tuổi để đi bỏ phiếu.”
Tổng thống mỉm cười, còn Monica thì trông như thể sẵn sàng nhảy ra ngoài cửa sổ. Cô đang định thúc cha lần nữa thì ông đã tiếp tục lập luận của mình, “Như vậy đây là nhà của tôi. Nó cũng là đất nước tôi. Tôi có thể làm gì nếu đột nhiên có người bảo tôi, ‘Công việc của ông đã kết thúc rồi’? Tôi không phải một ông già. Chính vì nghĩ đến điều đó,” Sir Charles và thêm nữa, “tôi có thể nói một cách thẳng thắn là cũng vì quá trình phục vụ lâu năm và tận tụy của ông cho Vwarda, không quên tính đến cha ông, người đã đặt nền móng cho đất nước này thông qua những lý lẽ ông ấy đã đưa ra tại hội nghị Versailles...”
Tổng thống nhận ra mình bị mắc kẹt trong một câu bao hàm quá nhiều ý, vì vậy ông ta vung tay lên và cười giễu chính mình: “Tôi nói cứ như luật sư vậy,” ông ta nhận xét, “còn tôi thì nghĩ Vwarda thật may mắn biết bao khi có một vị lãnh đạo biết suy xét như vậy trong những năm nguy nan này. Sir Charles, điều tôi muốn nói với ông là chính phủ đã dự định cho ông được hưởng một khoản lương hưu cao gấp rưỡi từ bây giờ cho đến cuối đời. Ông sẽ không phải thiếu thốn đâu, Sir Charles.”
“Thưa ngài, tôi không lo lắng về vấn đề tiền bạc. Mà là Vwarda. Là quốc gia này. Các ngài cần tôi.” Giọng ông run run, và khi đã tự chủ lại, ông hỏi: “Tôi sẽ làm gì khi đã nghỉ hưu ở Anh?”
Tổng thống M’Bele bắt đầu sốt ruột. Lường trước được ngài Braham sẽ không vui khi bị sa thải, ông đã đích thân đề nghị khoản lương hưu gấp rưỡi, thế mà bây giờ nó lại bị gạt đi coi là không thích đáng thì thật khó chịu. “Chúng tôi phải nắm giữ vị trí của ông,” tổng thống cương quyết nói. “Trưa nay tôi sẽ tuyên bố Thomas Watallah đảm đương trách nhiệm thay ông.” Ông ta đứng dậy ra ý cuộc nói chuyện đã kết thúc, nhưng Sir Charles vẫn chưa đưa ra hết lý lẽ, những lập luận ông tin chắc sẽ tác động đến bất cứ ai biết suy nghĩ.
“Thưa ngài! Chỉ một lát thôi! Ngài đã cân nhắc vấn đề đổi bông với Ai Cập chưa? Thomas Watallah tuyệt đối không thể... Còn các hợp đồng cho thuê mũi khoan lưu huỳnh... Còn công trình xây đập đó nữa...”
“Cha!” Monica kêu lên với vẻ ghê tởm tàn nhẫn. “Cha im đi và hãy cho người ta thấy cha là một người đàn ông.”
Đang bước đến cửa ra vào, tổng thống M’Bele bèn quay lại, đôi mắt đen long lên khi ông ta nói, một cách nghiêm khắc: “Cô nên thấy xấu hổ về thái độ của mình. Ông ấy là cha cô.”
“Tôi thấy xấu hổ về cha tôi thì có.” Cô gắt
“Đưa ông ấy về Anh đi. Và hãy đảm bảo là cả cô cũng về nữa. Cả hai cha con đã hết thời ở Vwarda rồi.” Ông ta sải bước về phía cửa, nhưng chưa kịp ra ngoài thì Sir Charles đã đề nghị một cách đáng thương: “Chẳng lẽ tôi không thể ở lại... Tôi có thể phụ cho Thomas Watallah và giúp anh ta về... Có nhiều việc tôi làm được...”
“Như vậy thì không đàng hoàng,” ông M’Bele nói, và với vẻ nghiêm trang bẩm sinh của một người đã nhích từng bước một từ rừng rậm đến trường Oxford, ông rời khỏi phòng.
“Cha điên nặng rồi!” Monica thét lên, túm lấy tay cha. “Ra khỏi đây thôi.”
“Chúng ta sẽ đi đâu?” Sir Charles hỏi con gái, vẻ bối rối đến tội nghiệp, mồ hôi ướt đẫm cổ áo sơ mi.
“Đi đày,” Monica nói nhỏ trong lúc dẫn ông rời khỏi Phòng Tiếp kiến. Hồi đó, dù mới mười bảy tuổi nhưng cô đã có vẻ già dặn lạ thường, như thể trong số bốn người tham gia cuộc gặp mặt chỉ mình cô hiểu được những gì vừa diễn ra. Một trật tự cũ đã mất đi, những thế lực mới với những bộ mặt mới đang xâm nhập sân khấu, và có kẻ vào thì cũng phải có người ra, đó là việc thích hợp. Điều làm cô thấy bị xúc phạm là cha cô đã diễn vai của mình kém cỏi đến vậy.
Trong lúc chúng tôi rời Phủ Tổng thống và đi tới chỗ chiếc Rolls- Royce, Monica không nói một lời, nhưng tôi có thể thấy cô đang lạnh lùng đánh giá cha cô với sự thiếu hiểu biết của tuổi trẻ. Sau đó, khi đã về nhà, cô trao đổi với tôi về giờ phút ấy, “Chú có nhớ chuyện gì đã xảy ra khi tổng thống để mặc chúng ta mà đi ra không? Chúng ta bị bỏ lại đứng giữa cái Phòng Tiếp kiến lố bịch ấy và cháu đã nhìn lên cái trần nhà nực cười với các tiểu thiên sứ thạch cao ấy, rồi khi cháu quay lại nhìn cha cháu, sao ông giống một trong những tiểu thiên sứ ấy đến thế - một đứa bé trần truồng không có lòng tự trọng. Cháu có thể khóc òa lên được.” Khi tôi hỏi Sir Charles đã làm gì khiến cô coi thường như vậy, cô đáp: “Ông ấy đã ủng hộ kẻ thua cuộc... đế chế... uy quyền cửa Nữ hoàng... nước Anh trông chờ mỗi người... tất cả những lời lòe bịp bất hủ ấy. Và khi tất cả nổ tung trước mũi cha cháu... Chú biết không, nói thật lòng thì cháu không chê trách cha vì đã tức giận khi phải từ bỏ vị trí của mình cho Thomas Watallah. Chú đã bao giờ làm việc với Thomas chưa? Một thằng cha đại ngu, đúng thế đấy.” Cô lắc đầu chán ngán khi nhớ đến gã đàn ông đó, “một thằng ngốc hiểm độc, gần như vô học, động việc gì là hỏng việc đó rồi lại lấp liếm đi; châu Phi sẽ không được đám thanh niên da đen ngông nghênh thay thế cho người Anh, Pháp và Bỉ đó phục vụ cho ra hồn.”
“Chắc hẳn người cha tội nghiệp của cháu chán nản lắm,” cô ngẫm nghĩ trong lúc chúng tôi uống bia. “Anh cố tự thuyết phục mình là anh đang làm việc nhân đạo... thực sự không thể thiếu... cả vùng lưu vực sông Congo sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn nếu tôi ra đi. Rồi khi người ta tống cổ anh, giao công việc của anh cho một thằng hề nào đó như Thomas Watallah, thì rồi mọi thứ vẫn tiến triển tốt như thời gian anh phụ trách.”
Cô lắc đầu nhớ lại những chuyện không hay của buổi tiếp kiến: “Điều khiến cháu thực sự không thể chịu đựng nổi là sự thiếu tự trọng của cha cháu. Đó chính là điều giày vò cháu - một người đàn ông phí hoài đời mình vì những thứ phù phiếm và cuối cùng khóc toáng lên, ‘Tôi đã bị lừa.’ Cứ tin cháu đi, có chết cháu cũng sẽ không kêu ca đâu.”
“Có phải cháu đang thú nhận cháu đã từng lựa chọn sai lầm không?”
“Tất cả chúng ta đều thế. Vấn đề là ở chỗ phải chấp nhận hậu quả khi nó đến lúc xuất hiện. Cháu không kính trọng thế hệ chú, chú George ạ, vì cuối cùng ai cũng nhát gan đến nỗi bỏ cuộc hết.”
Tôi đoán Monica định phản ứng kiểu khác.
Ba tuần tiếp theo cũng khó khăn như bất cứ khoảng thời gian nào tôi từng trải qua kể từ mùa hè 1948 khi con trai tôi đùng đùng bỏ nhà ra đi, vì đến lúc đó tôi mới thấy được khoảng cách giữa các thế hệ có ý nghĩa gì, và bây giờ thì một cô gái ương ngạnh đang tái hiện bài học ấy. Sau khi có tuyên bố thải hồi, Sir Charles khẩn cầu tôi tiếp tục ở lại làm khách trong thời gian ông tiến hành một nhiệm vụ buồn thảm là kết thúc mọi công việc ở Vwarda của mình và quyết định làm gì với phần đời còn lại. Ông rất hoang mang, như các bạn có thể đoán được, không có sự chuẩn bị đầy đủ để đối phó với những cuộc nổi loạn của Monica, và ông muốn tôi chỉ bảo được phần nào hay phần ấy cho cô gái.
Ông đã có một lựa chọn tệ hại. Tôi luôn quý mến Monica và không có khả năng khép cô vào kỷ luật. Trong những năm tháng tiến hành xây dựng con đập lớn, tôi thường xuyên ở nhà Braham và vẫn nuông chiều cô, mang cho cô bất cứ đĩa hát nào cô muốn và thi thoảng lại tặng váy áo hoặc đồ trang điểm từ London, do đó tôi không thể bỗng dưng biến thành kẻ độc tài, không chỉ vì tôi không thích cách đó mà còn vì cô sẽ lờ đi nếu tôi thử làm vậy.
Mùa thu 1969 ấy ở châu Phi, cô là người như thế nào? Cô đã mười bảy tuổi, không có mẹ, không có anh hay chị để làm giảm bớt sự ngông cuồng, và lại có một người cha mà cô xem thường, về mặt trí tuệ, Monica học khá giỏi, cả ở Rhodesia nơi Ngài Braham đã gửi cô vào từ lúc chín tuổi, lẫn ở Anh nơi tôi đưa cô đến. Về mặt đạo đức, cô không đạt được thành quả như vậy. Cô đã bị đuổi khỏi trường ở Rhodesia vì chửi rủa giáo viên toán và, như tôi đã kể với các bạn, cô cũng bị tống khứ khỏi trường bên Anh vì quan hệ tình dục với thầy dạy nhạc. Ở cả hai trường đều có những vụ quẳng sách vào đầu các bạn học khác.
Dường như mỗi ngày cô lại càng trở nên xinh đẹp, nước da mịn màng của người Anh làm nổi bật màu trắng với chút sắc hồng tự nhiên trên đôi má. Cô đã bắt đầu quấn mái tóc đen nhánh thành búi trên đỉnh đầu. Khi tôi hỏi tại sao, cô trả lời thẳng: “Đàn ông lớn tuổi hơn không thích đi với con gái để đầu kiểu nữ sinh.” Và khi tôi hỏi tại sao cô lại cảm thấy cần phải quan hệ với người lớn tuổi hơn, cô đáp: “Vì họ biết điều gì là quan trọng và họ không lãng phí thời gian.”
Vẻ đẹp của cô chủ yếu lộ ra qua đôi mắt huyền, biểu cảm mãnh liệt, gần như sắc lẻm, và tôi có thể hiểu được lời than phiền của bà hiệu trưởng bên Anh, bà đã nói với tôi vào buổi chiều cô bị đuổi học: “Tôi e rằng không giáo viên nào ở đây, vốn là các cô gái trong sáng xuất thân bình thường, lại là đối thủ của Monica.” Vì đã từng gặp một vài giáo viên ở đó nên tôi tin chắc Monica sắc sảo hơn bất cứ người nào trong số họ. Khuôn mặt nhỏ nhắn của cô, vô cùng xinh đẹp khi cô bất ngờ ngước lên đăm đăm nhìn thẳng vào mắt bạn như thể cô có khả năng đối phó được với bất cứ điều gì bạn muốn nói, thường xuyên nổi bật với một nụ cười nửa miệng đọng trên khóe môi; dường như cô còn dành thời gian suy nghĩ xem có nên cười tươi tắn hay không. Cô nặng chưa đến một trăm pao và nếu không duyên dáng lạ thường đến vậy thì hẳn sẽ tạo ấn tượng cô gầy trơ xương, cô thường khiến tôi nghĩ đến loài linh dương châu Phi lang thang khắp vùng đồng bằng phía Nam Vwarda, những con thú duyên dáng và đầy chất thơ có thể nhảy lên rất cao rồi hạ xuống trên bốn chân thanh mảnh, có vẻ giật mình vì đã vượt được một khoảng cách như vậy.
Trong ba tuần lễ tìm cách thuần phục Monica, tôi để ý thấy cô có một điểm mới là thỉnh thoảng lại nói bằng giọng trầm, khàn khàn mà trước đó tôi chưa nghe thấy; như thể cô là một cậu bé đang bước sang tuổi thiếu niên, vì những lúc khác cô sẽ quên giọng mới ấy và nói năng như một cô gái mười bảy, nhưng khi chợt nhớ ra cô sẽ chuyển ngay câu tiếp theo sang giọng trầm khàn. Khi tôi hỏi về việc này, cô đáp, “Cháu đang tập nói giọng phòng ngủ.”
Cũng như các thiếu nữ phát triển sớm ở nhiều nơi trên thế giới mà tôi từng đến làm việc, Monica đã khám phá ra, hoặc qua thử nghiệm hoặc qua bàn luận với những phụ nữ lớn tuổi hơn, rằng có nhiều cách để người con gái có thể làm ra vẻ ngây thơ chạm vào một người đàn ông và làm cho người này bắt đầu suy nghĩ. Chẳng hạn như một buổi sáng, tôi đang đứng bên cửa sổ nhìn ra bức tượng Ngài Carrington Braham và nhớ lại dự đoán của Monica rằng trong những cuộc nổi loạn tiếp theo, đám thanh niên bốc đồng sẽ quật đổ bức tượng ông già thì cô đến sau lưng và đưa hai ngón tay vuốt dọc sống lưng tôi. Hành động ấy khiến tôi như bị điện giật, một hiệu quả mà tôi tin chắc cô chủ tâm tạo ra, vì khi tôi quay lại nhìn thì cô đang nở nụ cười nửa miệng tinh quái ấy, nhưng nó không bộc lộ niềm vui hồn nhiên của một đứa trẻ vừa bày trò tinh nghịch mà là sự hóm hỉnh có tính toán của một người đàn bà đang tự nhủ: “Để xem tay này có phải đàn ông hay không.”
Cô còn nắm chặt cánh tay tôi, ấn ngón tay vào chỗ lõm phía trong khuỷu, và lúc chúng tôi ngồi, cô có thể chộp lay cả đầu gối tôi nữa. Tôi giả vờ không biết cô đang làm gì, nhưng cô không cho tôi thoát, vì có lần tôi quở trách cô cần phải tập trung vào một việc gì đó mình muốn làm khi về London, thì cô liền lùi lại, nhìn tôi thách thức và nói: “Làm? Cháu sẽ trở thành nhân tình của tay triệu phú đầu tiên cháu gặp.” Rồi, để giải tỏa tác động của tuyên bố ấy, cô hôn phớt tôi, đôi môi dừng lại bên tai tôi và thì thầm: “Chú George, thỉnh thoảng được tặng chú một nụ hôn thực sự kể ra cũng thú vị đấy chứ.”
Cha cô vắng nhà gần như suốt quãng thời gian ấy, đi vào rừng để thực hiện chuyến tuần tra cuối cùng, tiếp tục công việc như thể ông vẫn chịu trách nhiệm về sự phát triển kinh tế của Vwarda. Ông biết rằng cả Tổng thống M’Bele lẫn Bộ trưởng Kinh tế mới, ngài Thomas Watallah trẻ tuổi, đều muốn ông từ bỏ mọi việc, nhưng ông cảm thấy mình có nhiệm vụ kiểm tra từng phân nhánh một, vì vậy ông đã dùng những ngày nóng bức cuối cùng của tháng Ba để ì ạch lần mò đến những khu vực xa xôi hẻo lánh, người liên tục vã mồ hôi, đưa cho các tù trưởng địa phương một câu động viên cũ rích, “Chúng ta không muốn bộ trưởng mới thấy mọi việc được tiến hành cẩu thả, phải không?”
Một lần ghé về nhà, ông đột ngột hỏi tôi: “Tôi ngửi thấy mùi lạ gần phòng Monica. Ông Fairbanks, xin hãy nói cho tôi biết, con bé hút cần sa phải không?”
“Phải.”
“Có nghiêm trọng không? Giống heroin không?”
“Tôi không hiểu vấn đề này rõ lắm. Bản thân tôi chưa bao giờ vướng vào, nhưng qua những gì tôi nghe được thì đó là một giai đoạn mà thanh niên phải kinh qua.”
“Ông sẽ nói chuyện với con bé về vấn đề đó chứ? Xin ông? Chúng ta không muốn phải chịu trách nhiệm về một kẻ nghiện ma túy, phải không?” Tôi hỏi tại sao ông không nói chuyện với con gái thì ông đáp: “Con bé chẳng bao giờ chịu nghe lời tôi trong những chuyện quan trọng. Thư tá la, nó chẳng nghe lời tôi gì cả, phải không?” Rồi ông lại đi, lần này tới tận vùng Đông Bắc xa xôi, nơi tập trung các bộ lạc nguyên thủy và cũng là nơi ông rất được quý mến, vì ông là quan chức chính phủ duy nhất xuất hiện ở các ngôi làng có hàng rào bao quanh của họ; sẽ không có nhiều khả năng ngài Thomas Watallah trẻ tuổi bận tâm đến vùng đất này của Vwarda. Các quan chức mới được bổ nhiệm trên khắp châu Phi thích những thành phố như Paris và New York hơn; phải cần đến một người Anh được đào tạo tại ngôi trường phục vụ thuộc địa đầy cam go mới đánh giá được một cách đúng đắn rằng vùng xa xôi nhất của một vương quốc vẫn là một phần của vương quốc đó.
Theo yêu cầu của Sir Charles, tôi nói chuyện với Monica về việc cô sử dụng cần sa, và cô cười nhạo tôi: “Mary Jane[21] ư? Nó chỉ là chuyện vặt nhưng lại là một cách thư giãn thú vị. Như cháu từng nói, chỉ như một ly cocktail buổi tối nhưng ít nguy hiểm cho sức khỏe của anh hơn.” Cô vô cùng tha thiết rủ tôi dùng thử cần sa, nhưng tôi không quan tâm vì thứ mùi lờm lợm tỏa ra từ phòng cô không hấp dẫn tôi. Hơn nữa, một sự kiện mới khác thường mà tôi không thể ngờ tới đã hướng mối bận tâm của tôi chệch ra khỏi vấn đề cần sa. Một hôm, vào sáu giờ tối, Monica hối thúc tôi: “Thay quần áo đi, chú George. Bữa tối nay chúng ta có khách.” Cô không nói với tôi người đó là ai, nhưng lúc tám giờ một thanh niên da đen đẹp trai, ăn mặc đỏm dáng đến gõ cửa nhà chúng tôi, và Monica giới thiệu: “Ông Thomas Watallah, đến để dùng bữa tối cùng gia đình Braham.” Với vẻ nhã nhặn được chuẩn bị công phu, cô dẫn anh ta vào phòng khách, đưa cho anh ta một ly whiskey và dồn dập hỏi anh ta hết câu này đến câu khác, câu nào cũng chăm chú lắng nghe trả lời với một vẻ thành tâm hiển nhiên làm cho vị quan chức mới rất hài lòng.
Trong bữa ăn, cô dẫn dắt câu chuyện sao cho Watallah có dịp thể hiện thế mạnh của mình, và sau đó, khi anh ta và tôi đứng hút thuốc lá, cô lặng lẽ tới sau lưng anh ta và vừa đưa tay vuốt dọc sống lưng anh ta vừa nói, “Ông Watallah, nếu ông có chút xíu sự thông minh nào, mà tôi biết chắc là ông có, ông sẽ từ chối nhận ngôi nhà này nếu chính phủ muốn cấp cho ông. Nhất định phải yêu cầu một ngôi nhà mới.” Rồi cô dẫn anh ta đi tham quan ngôi nhà, chỉ cho anh ta thấy những điểm bất tiện khác nhau, và khi hai người từ trên gác xuống thì rõ ràng họ vừa hôn nhau.
Cô nói với tôi, “Chú Georges, ông Watallah sẽ đưa cháu đến vũ trường. Cháu sẽ gặp chú sau, nhưng đừng thức chờ cháu.”
Sáu ngày sau tổng thống M’Bele cho mời tôi đến phủ tổng thống; tôi tưởng ông ta muốn nói về việc mở rộng các dịch vụ điện đến vùng đông bắc, một dự án Sir Charles đã gây sức ép với chính phủ và được công ty chúng tôi chấp nhận cấp vốn, nhưng ông ta lại quan tâm đến một việc khác. “Chúng ta đã là bạn bè mười năm rồi,” ông ta nói thẳng thừng, “và ông đã làm nhiều việc giúp chúng tôi. Bây giờ ông phải làm một việc nữa. Tôi muốn ông đưa Monica Braham lên máy bay về London. Ngay lập tức.”
“Sir Charles đang ở chỗ các bộ lạc miền Đông Bắc. Tôi không thể liên lạc được...”
“Đừng liên lạc với ai. Đưa cô gái đó ra khỏi Vwarda đi. Ngay lập tức.”
“Vì sao?”
“Ông không biết gì sao?”
“Cần sa?”
“Không, Watallah.”
“Thomas?”
“Phải. Cô ta đang có quan hệ bất chính với anh ta. Hộp đêm. Hôn hít trong rạp chiếu phim. Hai người thường ngủ với nhau trong một ngôi nhà nhỏ ở Esplanade và ông biết rồi đấy, anh ta đã có vợ và hai con.”
“Tôi không biết việc đó, thưa Ngài.” Tôi luôn lấy làm lạ, dường như người ta rất dễ dàng chấp nhận thói quen gọi nguyên thủ quốc gia là Ngài, không phải vì cách xưng hô như vậy tâng bốc người được gọi mà đúng hơn vì việc quản lý bất cứ một đơn vị hành chính lớn nào của nhân loại cũng là một trách nhiệm khó khăn nhất đáng được kính trọng. Tôi nhớ mình từng đọc về chuyện bạn bè thân thiết của John F. Kennedy tổ chức ăn mừng với ông đêm hôm bầu cử ra sao, và họ một điều “Jack thế này”, hai điều “Jack thế kia”, nhưng sáng hôm sau khi kết quả được công bố, tự nhiên mọi người lại không làm như vậy nữa mà đổi sang gọi ông là “Ngài Tổng thống” Tôi gọi vị luật sư da đen cần mẫn này là Ngài không phải với ý thức hạ mình, mà vì ông ta đang phải đương đầu với một vấn đề nan giải và cần được giúp đỡ.
“Ông biết tại sao cô ta lại hành động như vậy,” ông nói, giọng thoáng chút đau xót. “Cô ta tức giận vì Sir Charles bị tống về nước. Cô ta còn tức giận hơn nữa vì vị trí của cha cô ta lại rơi vào tay anh chàng Watallah trẻ tuổi, người tất nhiên không phù hợp với công việc này nhưng hiện tại lại là nhân vật khá nhất chúng tôi có. Và cô ấy muốn làm bẽ mặt chúng tôi - động cơ nhỏ nhen, nhỏ nhen - làm bẽ mặt chính phủ của một quốc gia đang trong quá trình thay người.” Ông ta đứng lên chìa tay ra cho tôi và nói tiếp: “Tôi sẽ cử Thomas đi Addis Ababa tham dự cuộc họp các quan chức phụ trách kinh tế. Nói đúng ra, phần lớn những công chức trẻ đó muốn giành được một ghế trong nội các chỉ vì như thế họ mới có thể đi đây đi đó. Tôi nghe nói ở Mỹ Latinh cũng vậy.”
Ông khoác tay tôi dẫn ra cửa, rồi dừng bước và giữ tôi lại để nói thêm, “Ông không nên có những kết luận sai lầm về chúng tôi, ông Fairbanks. Tôi không tin Vwarda, Congo, Zambia hay Tanzania - đó là mấy nước cộng hòa mới mà tôi biết rõ nhất lại dở hơn Angola và Moçambique, hai quốc gia vẫn nằm dưới sự cai trị của người da trắng Bồ Đào Nha, hay Rhodesia do chính những cư dân da trắng của họ cầm quyền. Trong thời điểm này tình hình của chúng tôi có thể còn tồi tệ, nhưng hôm nay là khúc dạo đầu cho ngày mai, và về lâu dài một nền dân chủ tự trị với mọi công dân được tự do bầu cử nhất định sẽ là điều tối ưu. Đừng nản lòng. Mười năm nữa, rất có thể Thomas Watallah và đám cộng sự của anh ta sẽ quốc hữu hóa cái đập, nhưng việc đó đâu có hại gì cho ai, phải không?”
Như muốn cam đoan lần nữa với tôi về những mục đích mang tinh thần xây dựng của mình, ông ta tiễn tôi ra tận xe và kết luận, “Nhưng tôi muốn cô Braham rời khỏi nơi này ngay lập tức. Vì sự an toàn của cô ta, không phải của tôi. Ông biết không, vợ Thomas Watallah xuất thân từ một bộ lạc chuyên giết những phụ nữ cướp chồng người khác, và cô ấy có rất nhiều họ hàng ở thành phố này. Chính vì thế tôi phải bổ nhiệm anh ta vào chức bộ trưởng. Các thành viên của bộ lạc này sẽ không hiểu rằng Monica ngủ với Thomas cho vui thôi. Họ có thể cho rằng cô ta định giành lấy anh ta, và điều đó họ không cho phép đâu.”
Khi về tới căn nhà gỗ một tầng của gia đình Braham, tôi nhìn thấy hai người đàn ông tôi chưa gặp bao giờ đang đứng ở vỉa hè đối diện... không làm gì cả... không đi đâu cả... chỉ đứng đó.
Việc tổng thống M’Bele ra lệnh cho Monica rời khỏi đất nước ông ta dễ dàng hơn nhiều so với việc tôi đưa được cô đi. Một phần vì cha cô đang đi sâu vào vùng rừng phía Đông và sẽ bặt tin trong một tuần nữa, đúng thời hạn Monica phải về Anh. Tất nhiên tôi đã cố gắng gửi hết tin này đến tin khác cho ông, nhưng chúng dồn đống lại ở thủ phủ miền đông, chờ ông từ biên giới trở về. Tôi còn tìm cách liên hệ với họ hàng Sir Charles ở Anh, và mặc dù tôi nhận được một số bức điện trả lời không như ý vì không ai muốn đón Monica cả, song ý kiến bác bỏ thực sự lại không bắt nguồn từ Anh mà từ Vwarda, khi Monica tuyên bố thẳng thừng: “Cháu sẽ không đến sống với những lão già đó.”
Nghe thấy thế, tôi đâm bực mình và nói, “Thưa quý cô, quý cô có nhận thức được là chuyện này đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời mình không? Những gì quý cô và tôi quyết định trong hai ngày tới sẽ quyết định quý cô sẽ trở thành hạng người nào.”
“Chú quyết định?” cô phẫn nộ hỏi “Chú là kẻ chết tiệt nào mà lại quyết định được bất cứ việc gì chứ?”
“Chú không phải cha cháu,” tôi đáp. “Nhưng chú là người lớn tuổi hơn và rất yêu quý cháu... muốn cháu an toàn rời khỏi đây... trước khi chúng làm hại được cháu.” Tôi chỉ hai kẻ rình rập, hai gã da đen thuộc một bộ lạc trong rừng. “Chú tưởng cháu biết về họ rồi?”
“Thomas đã nói với cháu họ có thể xuất hiện. Cháu không sợ.”
“Chú thì có. Và thứ Năm này cháu sẽ lên máy bay đi London và...”
“Cháu sẽ không đi London. Cháu sẽ không đi London.”
“Thế cháu định đi đâu?”
“Nơi cháu muốn tới là California cơ.”
“Cháu sẽ làm gì ở đó?”
“Nhưng ngay bây giờ thì cháu không có tiền. Có thể sau này cháu sẽ có.”
“Tại sao lại là California?”
“Ở đó có một nơi chắc chú chưa bao giờ được nghe nói đến. Haight- Ashbury. Đám thanh niên nói nó tuyệt lắm.”
“Đấy là mấy năm trước, Monica. Giờ thì nó là một nơi rác rưởi man rợ dành cho đám thanh niên tuyệt vọng. Cháu sẽ chỉ chịu đựng được một tuần ở Haight-Ashbury thôi.” Tôi bảo cô ngồi xuống và tóm tắt một lô bài báo tôi mới đọc viết về sự sụp đổ của giấc mơ đặc biệt này, nhưng cô không chịu nghe mà tuyên bố: “Mallorca cũng hay. Hoặc cháu có thể thử đến Berlin. Người ta bảo nơi đó rất thời thượng.”
“Monica! Cháu mới mười bảy tuổi. Cháu sẽ quay lại trường học.”
Cô đứng dậy và chọn một tư thế để có thể chằm chằm nhìn xuống tôi rồi nói, “Cố mà nhồi nó vào cái đầu ngớ ngẩn của chú đi, cháu sẽ không quay lại trường học.”
Cô từ chối kiên quyết đến nỗi tôi phải bỏ qua đề tài này. Kéo cô ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, tôi hỏi, “Sao lại nổi loạn thế?” và cô đáp một cách đơn giản, “Vì cháu coi khinh tất cả những gì cha cháu đại diện. Nếu trường học và gia đình ở Anh đã biến ông ấy thành người như thế thì cháu không muốn dính dáng đến cả hai.”
Tôi đang định phản đối thì cô đã cắt ngang, “Chú có thấy vẻ coi thường mà tổng thống M’Bele dành cho ông ấy sáng hôm nọ không? Cha cháu mới là người phải bị tống về Anh, không phải cháu.”
“Sao cháu phản ứng dữ dội thế?”
“Vì cháu đau đớn khi thấy một người có thể đã rất giỏi giang... cha cháu có thể đã như thế, chú biết đấy. Ông đã lãng phí cuộc đời mình vì những giá trị sai lầm như thế.”
“Ông đã giúp một đất nước tiến lên.”
“Vì toàn những lý do không chính đáng. Chú có biết tại sao cha cháu cứ bám riết lấy... mặc dù bọn da đen đã làm nhục ông thậm tệ không? Vì tận nơi sâu thẳm nhất trong tâm trí nhỏ bé tầm thường của ông, ông cho rằng một ngày nào đó bọn da đen sẽ phải mời nước Anh trở lại cai trị. Và cha cháu sẽ là ngài toàn quyền, sống trong ngôi nhà rộng lớn như ông nội.”
Đó là dấu hiệu đầu tiên cho tôi thấy nguyên nhân thực sự làm nảy sinh lòng uất hận trong cô là cách người da đen đối xử với cha cô. Nỗi oán giận của cô sâu xa hơn những gì cô tự cho phép mình để lộ ra ngoài, và mối quan hệ dan díu kỳ lạ giữa cô và Thomas Watallah chỉ có thể hiểu được nếu được soi chiếu dưới ánh sáng này. Khi người da đen đánh vào cha cô, họ đã đánh vào cô, và cô sẵn sàng đánh trả.
Trong những ngày cuối cùng đó, khi tôi tìm mọi cách giữ cô ở trong nhà chờ máy bay tới, chúng tôi càng nói chuyện nhiều với nhau thì tôi càng tin chắc rằng cô chối bỏ những giá trị của cuộc đời bị phí hoài của người cha chứ không phải bản thân ông. “Cháu yêu ông,” một đêm cô thú nhận, “bất chấp thói hủ lậu và tính hay hờn giận như trẻ con của ông. Cháu còn đáng mặt nam nhi hơn cha cháu nhiều.”
Cô còn đáng mặt đàn bà hơn nữa, vì mặc dù tôi đã thận trọng giữ cô ở trong nhà, mà lúc này đã có một cảnh sát liên bang canh gác, cô vẫn xoay sở trốn thoát được cả hai chúng tôi - và các bạn có đoán được vì mục đích gì không? Để hẹn hò Thomas Watallah trước khi anh ta đi Addis Ababa. Cô còn táo tợn tới văn phòng anh ta, bắt anh ta dẫn đi ăn ở một nhà hàng nổi tiếng, đi cùng anh ta tới nhà một người bạn và qua đêm với anh ta. Khi lén đưa cô về nhà, anh ta gọi tôi ra một chỗ nói chuyện giống như bất cứ người đàn ông đã đâm ra chán mối quan hệ với một người đàn bà bám dai như đỉa, “Làm ơn thuyết phục cô ấy để tôi yên. Chuyện này có thể rất tai hại cho cả hai chúng tôi.” Anh ta là một thanh niên điển trai, bề ngoài có vẻ không thông minh lắm nhưng lại có một cô vợ nhiều tham vọng, quyết tâm đưa anh ta lên làm tổng thống sau khi M’Bele bị hạ bệ. Chắc chắn anh ta đã rất hài lòng vì cô cháu gái xinh đẹp của Thượng nghị sĩ Carrington Braham muốn chung chăn gối với mình, nhưng giờ thì anh ta lại thấy cô chán ngắt. “Ông sẽ giúp tôi chứ?” Anh ta hỏi khi lẻn ra ngoài cửa hông.
Đó là đoạn kết của mối quan hệ với Thomas Watallah, vì Monica cảm nhận được anh ta sẽ nhẹ người khi chứng kiến cô lên máy bay. “Hắn ngớ ngẩn đúng như mọi người nói,” cô phát biểu với tôi trong bữa sáng.
“Anh ta đủ khôn ngoan để thoát khỏi tay cháu đấy,” tôi đáp, hy vọng khiến cô choáng váng để đối diện với sự thật.
“Nếu người ta đưa hắn lên làm tổng thống thì Vwarda sẽ diệt vong.” Cô khá hài lòng vì không phải nhìn thấy anh ta nữa, nhưng quyết định này lại hướng tâm trí của cả hai chúng tôi vào một loạt vấn đề khác. Một trong những hãng hàng không có đường bay tới thủ đô là Lufthansa, một hãng của Đức làm ăn khá tốt và phi hành đoàn rất được lòng khách, vì cánh đàn ông thì trẻ trung đẹp trai và áo quần chải chuốt, còn nữ tiếp viên thì thon thả gọn gàng. Họ nói tiếng Anh khá tốt và có một ý thức lịch sử về sứ mệnh ở vùng phía Nam châu Phi. Họ được tiếp đãi một cách đặc biệt nhiệt tình tại các thành phố trung tâm như Johannesburg và Salisbury, nơi nhiều dân da trắng cảm thấy, ngoại trừ một số sự thái quá đáng tiếc, Adolf Hitler hiểu các vấn đề của thế giới rõ ràng hơn nhiều so với người cùng thời. Tại Vwarda, về một ý nghĩa nào đó, số nam nữ thanh niên Đức ấy được dân Anh, những người đã để mắt một đế chế vì đi theo các nguyên tắc tự do của những nhân vật như Winston Churchill và Clement Attlee, rất ngưỡng mộ. Ví dụ như Monica luôn mang một dấu chữ thập bằng sắt đeo ở sợi dây chuyền bạc, còn các chàng trai trong nhóm của cô thì hay trưng hình chữ thập ngoặc, không phải vì họ có xu hướng thân quốc xã mà vì biết rằng việc này sẽ chọc tức các bậc phụ huynh, nhiều người trong số đó, giống như Sir Charles, từng chiến đấu chống quân Đức thời Thế chiến II. Khi một số văn bản ngớ ngẩn kỳ quặc được các nước cộng hòa da đen mới công bố, và Vwarda góp phần nhiều hơn cả, những thanh niên châu Âu đó hay nói riêng với nhau: “Hitler đã chết trước thời của ông ta.”
Trong số phi hành đoàn người Đức thường xuyên bay tới Vwarda có một phi công phụ tá tên là Dietrich, nhưng đây là tên thánh hay tên lót của anh thì tôi chưa bao giờ khám phá ra. Đó là một anh chàng cao lớn, tóc vàng, hào hoa trong cư xử, dí dỏm trong ăn nói. Tôi đã gặp anh tại vài buổi tiệc cocktail và nhận thấy anh là nhân vật ưu tú nhất trong số những người Đức; anh đã cưới vợ và có hai cô con gái nhỏ, tóc vàng giống anh và, xét qua ảnh chụp, cũng thông minh như anh. Buổi chiều hôm Thomas Watallah đưa Monica về nhà lúc bình minh và nhờ tôi nói hộ với cô là quan hệ của hai người đã kết thúc, cô lẻn ra khỏi nhà, qua mặt viên cảnh sát, vào thành phố. Đến năm giờ chiều, cô dẫn Dietrich về nhà và chúng tôi cùng nhau uống trà.
Anh rất hòa nhã, và chúng tôi trao đổi về nhiều đất nước anh từng bay tới. Anh thích châu Á và biết những thành phố tôi đã đến làm việc, nhưng anh dành nhiều tình cảm nhất cho Tây Ban Nha. “Khoảng một năm trước đây, tôi phục vụ trên chuyến bay thuê bao từ Frankfurt đến Málaga. Chúng tôi xếp hai trăm khách du lịch lên máy bay rồi nhanh chóng đưa họ xuống Málaga, và chắc hẳn Chúa đã dõi mắt theo tôi, vì đến lúc cất cánh, viên kỹ sư của chúng tôi lại thông báo hệ thống thủy lực bị rò - không thu bánh lên được, phải nằm lại hai ngày. Vậy là tôi liền rời Málaga để tới một thành phố nhỏ nơi đám khách du lịch đang đi đến, và tôi đã tìm thấy thiên đường. Quả là một nơi tuyệt vời!”
Anh nói về bãi biển và mặt trời với vẻ hăng say đến nỗi cả Monica và tôi đều cổ vũ anh tiếp tục; tôi biết vùng đất anh đang nói đến, vì tôi đã từng đến Torremolinos và rất vui mừng được nghe tin tức về những người bạn cũ mà anh đã gặp. Nhưng đối với Monica, bức tranh anh miêu tả về một ngôi làng đông đúc ngập tràn tiếng nhạc đã khiến cô như bị bỏ bùa mê, và qua các câu hỏi của cô tôi biết cô đã bắt đầu suy nghĩ có thể Torremolinos chính là giải pháp.
Mặc dù tối đó tôi đã cố hết sức giữ cô ở nhà, nhưng cô vẫn trốn ra ngoài để gặp Dietrich tại một quán bar, qua đêm cùng anh ta ở đâu đó, và khi tôi trách mắng về lối cư xử ngang ngạnh và nguy hiểm như vậy, cô nói với tôi: “Chú George, hình như chú không nhận thức được là đối với cháu thì cha cháu đã chết, những quan niệm lỗi thời đã chết, nước Anh đã chết, và chú bắt đầu có vẻ càng lúc càng giống một con ma.” Cô hích tôi sang một bên và đi lên phòng, lăn ra giường ngủ suốt cả ngày.
Hay nói đúng hơn là tôi tưởng cô ngủ suốt cả ngày. Trên thực tế, khoảng bốn giờ chiều cô đã lẻn ra khỏi nhà, bắt một chiếc taxi ra sân bay và chỉ mang theo một túi xách tay nhỏ, cô lên máy bay của hãng Lufthansa bay sang Đức, rồi từ đó cô và Dietrich nhanh chóng xuống Torremolinos tận hưởng một kỳ nghỉ trọn vẹn.
Khi phát hiện ra Monica đã, theo cách nói của tổng thống M’Bele, “trốn khỏi nơi nhốt và tránh cho tất cả chúng ta biết bao rắc rối,” tất nhiên tôi lại tìm cách liên lạc với Sir Charles, và lần này tôi thành công. Từ một thị trấn nhỏ nằm sâu trong khu rừng nhiệt đới phía Đông, ông nói chuyện với tôi qua điện thoại, “Làm sao bây giờ? Chúng ta không thể để con bé lang thang ở châu Âu được, phải không?” Ông chẳng có được ý kiến đáng kể nào mà lại yêu cầu tôi: “Fairbanks, ông bạn thân mến, ông có thể đảo sang châu Âu để kiểm tra xem sự tình ra sao không?”
“Rất tiếc. Tôi ở lại đây quá lâu rồi. Đầu tuần sau tôi phải có mặt ở Afghanistan.”
Mỗi lần tôi kể lại các sự kiện này cho những người lớn tuổi hơn không có con cái - hoặc con gái họ đã lấy chồng đàng hoàng và đang ở độ tuổi ngoài bốn mươi họ đều phẫn nộ hỏi tôi: “Sao ông không ngăn cô ta lại?”
Tôi thanh minh, “Làm sao tôi có thể ngăn cản một cô gái cứng đầu cứng cổ mười bảy tuổi đã quyết nổi loạn? Khi nhận thấy có cố gắng tranh luận với cô ấy cũng vô ích, tôi có thể kêu gọi sự giúp đỡ của tổ chức xã hội nào được chứ? Và khi xã hội lại bênh vực con trẻ và kết tội cha mẹ thì một người ngoài có thể làm được gì?”
Những câu hỏi vặn của tôi lại gây ra cuộc tranh luận gay gắt; những lời khuyên tôi thường xuyên nhận được nhất là:
“Ông có thể quất cho cô ta một trận.”
“Ông có thể nhốt cô ta trong phòng.”
“Ông có thể lo liệu để cô ta không có tiền.”
“Ông có thể yêu cầu cảnh sát giúp đỡ.”
“Ông có thể tống cô ta vào tù vì tội hút cần sa.”
“Ông có thể đuổi cô ta ra khỏi nhà.” (Lời đề xuất này làm tôi lúng túng vì tôi thấy hình như đó chính là điều Monica đã tự ý thực hiện. Cuộc tranh luận tập trung vào điểm đó, nhưng có vẻ như một gia đình sẽ giành được thế chủ động nếu đuổi cô con gái ra khỏi nhà một ngày trước khi cô ta quyết định tự nguyện bỏ đi).
“Ông có thể bảo cô ta ngồi xuống và nói cho cô ta hiểu điều hay lẽ phải.”
“Ông có thể rèn cô ta vào kỷ luật.”
“Ông có thể đề nghị một tổ chức nào đó can thiệp và giúp đỡ.” (Khi tôi hỏi, “Ông bà định nói tổ chức nào ở Vwarda? Hoặc ở London, cách xa hàng ngàn dặm?” thì phản ứng khá yếu ớt, “Thể nào cũng phải có ai đó giải quyết được chứ.” Có đấy, nhưng Monica không chịu nghe họ).
“Đáng lẽ ông phải làm cho cô ta hiểu rằng cách cư xử của cô ta là vô đạo đức chứ.”
Khi những đôi vợ chồng trẻ hơn có mặt trong đám người ấy, họ lắng nghe gợi ý của các ông bà lớn tuổi hơn, không phát biểu gì, mà nhè nhẹ lắc đầu ra chiều không nhất trí, gạt bỏ mọi đề xuất vì chúng không thực tế, và tôi cho rằng bản thân các bậc cha mẹ ấy cũng có những người con mà họ đang cố gắng dẫn dắt vượt qua thời kỳ đặc biệt khó khăn đó, và họ đã rút ra được bài học là những gợi ý đưa ra một cách nhanh nhảu như vậy không khả thi lắm... không khả thi vào cuối tháng Ba năm 1969.
Tôi còn nhớ trong một nhóm người như vậy có một ông quan điểm khá khắt khe, “Đơn giản thôi, tôi sẽ cắt hết không cho nó một xu nào và đuổi ra khỏi nhà,” và một ông bố trẻ hơn đáp lại, “Tôi cũng sẽ làm như vậy. Nhưng việc gì sẽ xảy ra khi nó quay về nhà ba tuần sau đó? Không xu dính túi? Đứng ngoài cổng nhà ông gõ cửa xin vào? Chuyện gì sẽ xảy ra sau đó?”
“Tôi sẽ...”
“Đó là con gái ông. Mười bảy tuổi. Ở ngoài cửa. Ông sẽ làm gì nào?”
“Tôi sẽ...” Người đàn ông lớn tuổi bảo thủ bắt đầu lúng túng.
“Tôi cũng sẽ làm như vậy,” ông bố trẻ nhất trí. “Tôi sẽ mắng cho nó một trận, tôi sẽ dọa dẫm đủ kiểu, tôi sẽ bảo nó đừng mong nhận được một xu tiền tiêu vặt nào của tôi nữa, nó phải lo mà kiếm lấy một công việc, và sau đó ông có biết tôi sẽ làm gì không?”
“Ông sẽ mở cửa,” một ông bố trẻ khác nói.
“Ông nói đúng, tôi sẽ làm như vậy và cả ông nữa,” ông ta nói với người đàn ông lớn tuổi kia.
Nhưng vợ của một trong số những người đàn ông trẻ nói: “Tôi cho rằng điều tốt nhất người cha người mẹ có thể làm thời buổi này, khi xã hội từ chối giúp đỡ chúng ta và khi mà đến cả trường học và nhà thờ cũng bất lực, là phải bắt đầu ngay từ lúc đứa con còn trong nôi, dùng cách riêng của mình trao cho nó ý thức về các giá trị... Tôi nói nhầm rồi. Tôi không có ý là trao cho. Tôi muốn nói là giúp nó phát triển ý thức về cái sai, cái đúng... một điều gì đó nó muốn nắm giữ thật chặt vì chính nó đã thực hiện điều đó... Ý tôi là, các vị nên thể hiện sự quan tâm của mình từ trước, từ rất lâu trước đó.”
Khi tới Torremolinos, Dietrich và Monica thuê phòng tại Brandenburger, một khách sạn Đức đồ sộ nhìn ra Địa Trung Hải, và suốt sáu ngày hạnh phúc họ đã sống trong không khí ấm áp của các Bierstube[22], bánh mì đen và sườn rán. Chiếc máy quay đĩa ở Black Forest, tên hộp đêm của khách sạn, gần như toàn chơi nhạc Đức, nhưng sức hấp dẫn chủ yếu ở nơi đó là không khí vui vẻ và ít phô trương. Mọi cuộc chuyện trò quanh những chiếc bàn gỗ lau chùi sạch sẽ đều bằng tiếng Đức, nhưng khi Dietrich giải thích là Monica không biết ngôn ngữ đó, quá nửa số khách du lịch đều có thể nói chuyện với cô bằng tiếng Anh, và kể cho cô rất nhiều câu chuyện thú vị về Torremolinos. Và bao giờ cũng có ai đó thời kỳ trước Thế chiến I đã có một người họ hàng từng sống một thời gian tại thuộc địa cũ của Đức ở Tây Nam Phi, một vùng đất chủ yếu là sa mạc và những thị trấn nhỏ thiếu tiện nghi với các dãy lều tôn múi, nhưng trong ký ức lại vô cùng quyến rũ. “Chú Peter luôn nói rằng đó là những năm tháng tốt đẹp nhất trong đời chú,” một người phụ nữ có tuổi bảo Monica. “Cô thật may mắn được biết châu Phi.”
Đó đang là tháng Ba và nước biển quá lạnh để bơi lội, cho dù Dietrich đã thử một lần khi mặt trời tỏa nắng rạng rỡ. “Quá nhiều nước đá,” anh thông báo, và họ dành thời gian còn lại loanh quanh gần khách sạn, làm tình hai ba lần một ngày và làm cho mình thỏa mãn với khoái lạc tìm thấy ở nhau. Thời gian này giống như tuần trăng mật mãnh liệt được tăng thêm phần hứng thú bởi thực tế là khi nó qua đi, họ có thể sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa. Một buổi chiều nhàn rỗi Monica nằm trên giường, mệt lử, và di ngón tay trở dọc mũi người tình. “Cuối cùng em cũng được biết một người đàn ông là thế nào,” cô nói với anh. “Em nghĩ em đã biết hết những gì cần biết, nhờ có anh, và từ nay trở đi em có thể kén chọn mà không bị nam tính kích thích quá mạnh.”
Dietrich nói, “Còn khối thứ phải học. Chẳng hạn như,” và anh vòng hai bàn tay mạnh mẽ quanh cổ cô, “em có tưởng tượng được những hoàn cảnh có thể dồn anh đến chỗ giết em không?”
“Tất nhiên!” cô đáp, rồi kể cho anh nghe trò tai ác với thầy giáo dạy nhạc ở Anh. “Khi hắn ta không biết chính xác phải làm gì, em phá lên cười và nói một câu thực sự quá quắt. Không, em sẽ không nhắc lại đâu. Thế là hắn đờ mặt kinh khủng và em hiểu rằng những lúc như vậy hắn có thể muốn giết một ai đó đến thế nào. Em không cảm thấy thật sự sợ hãi. Nói cho đúng thì em rất tiếc đã làm tổn thương hắn. Vậy là em quặp hai chân quanh người hắn, kéo xuống mà chỉ cho hắn thấy phải làm gì và thế là mọi nỗi đau đều tan biến khỏi lòng hắn.”
“Nhưng em có tưởng tượng được mặt khác không?” Dietrich hỏi. “Như khi anh trở về sau một chuyến bay dài tới Johannesburg... Anh kiệt sức... thần kinh anh căng thẳng... như những mũi kim. Còn em thì đã không làm tình trong chín ngày liền và đang đợi anh, còn anh lên giường mà gần như bất lực.” Anh kéo chăn xuống, sờ các bộ phận trên cơ thể cô, một cách bình thản, và nói: “Em biết mình vẫn đẹp như trước... nhiều đàn ông tìm cách lên giường với em trong lúc anh đi vắng... thế mà anh lại không thể hiện chút ham muốn nào... điều duy nhất anh muốn là được ngủ một giấc. Em cũng hiểu cả điều đó nữa chứ?”
“Với cách anh thể hiện trong năm ngày vừa qua thì khó mà tin được lắm,” cô đáp.
“Nhưng nó vẫn xảy ra,” anh khẳng định với cô, và cô bổ sung chút hiểu biết này vào vốn liếng của mình.
Đến lúc anh phải rời khỏi đó, cô tiễn anh ra sân bay, nhìn anh bước lên chiếc máy bay đi Đức, rồi bỏ đi, không hề bị xáo động vì việc cô sẽ không gặp lại anh nữa. Họ đã đôi lần nói chuyện về vợ và hai đứa con của anh và anh thú nhận anh rất yêu vợ con; hơn nữa, cô biết anh không tham gia những chuyến bay của hãng Lufthansa tới Tây Ban Nha và chỉ một sự kiện bất ngờ nào đó mới đưa anh trở lại cuộc đời cô. Khi chiếc máy bay Đức đã cất cánh, cô mỉm cười nhớ lại thân hình cao lớn, đầy nam tính của anh, và sau đó cô sẵn sàng gạt bỏ mọi hình ảnh về anh ra khỏi tâm trí; anh đã dạy cô tất cả những gì cô muốn biết và cô sẽ mãi biết ơn anh vì những bài học dịu dàng và vui vẻ đó. Vẫy tay vĩnh biệt chiếc máy bay khi nó lao về phía Địa Trung Hải, cô nhủ thầm: Sau một ông bán sô cô la, một thầy dạy nhạc và một quan chức chính phủ luôn hoảng sợ, mình cần anh ấy. Nhưng giờ thì sao đây?
Hiện tại cô có một trăm bốn mươi bảng Anh, cộng thêm khoản đảm bảo từ một tài khoản ủy thác nhỏ ở London do ông ngoại cô để lại. Các chế hạn về tiền tệ ngăn không cho cô nắm toàn bộ số cổ tức hàng năm của tài khoản này, nhưng cô vẫn đủ tiền để sống ngay cả khi cha cô không gửi cho cô một xu nào từ khoản lương hưu của ông. Do đó, cô không hề cảm thấy lo lắng trong lúc ngồi trên xe buýt quay về trung tâm Torremolinos, một nơi cô vẫn còn mù mờ vì khi ở với Dietrich cô chỉ ở trong khách sạn Đức và năng lui tới các hiệu ăn Đức.
Cô xuống xe ở chỗ quầy báo, tình cờ lang thang tới một quán bar có phần sân lộ thiên trũng hơn mặt đường, và tại đó tìm được một chiếc bàn có tầm nhìn khá đẹp để quan sát du khách qua lại. Chiều hôm đó trời nắng và lần đầu tiên cô nhận ra đám thanh niên cư trú ở làng này thú vị biết bao. Trong mấy phút đầu cô nhìn thấy khoảng hai chục người Thụy Điển ưa nhìn, cả một đoàn thanh niên Pháp hấp dẫn. Mấy người Mỹ cao to lê chân qua, và cô tự hỏi làm sao những người vô tổ chức như vậy lại dám chiếm đoạt địa vị của nước Anh trong vấn đề đế quốc; cô không có chút ấn tượng nào với con gái Mỹ, phần lớn bọn họ có vẻ như không được tắm rửa.
“Cô là người Anh?” một chàng trai dừng lại, tựa người vào bàn cô hỏi.
“Không,” cô nói dối. Lúc này cô không muốn nói chuyện với đồng hương, vậy là chàng trai bỏ sang bàn khác.
“Chúng tôi ngồi cùng được không?” một giọng nói lạ đề nghị, và cô ngước lên, nhìn thấy hai sinh viên Nhật trông hết sức gọn gàng tươm tất. Không cần lời mào đầu, cả hai thanh niên tự giới thiệu họ đã học ở Mỹ và đang đi du lịch khắp châu Âu trước khi trở về nhà. “Cô từ đâu đến?” họ hỏi.
“Vwarda,” cô đáp, tin chắc câu trả lời này sẽ chấm dứt cuộc nói chuyện, nhưng cô đã không biết về người Nhật.
“Chà, ra thế!” một trong hai người kêu lên. “Congo thuộc Anh cũ. Kim cương, lưu huỳnh, thiếc. Tổng thống M’Bele làm ăn ra sao? Một ngày nào đó họ sẽ sát nhập với Zambia chứ?”
“Làm thế quái nào mà anh biết tổng thống M’Bele?” Monica hỏi, vừa vui mừng vừa ngạc nhiên.
“Công ty của cha tôi có nhiều thương vụ với Vwarda... Tanzania... cả hai quốc gia Congo.”
“Công ty cha anh kinh doanh gì?”
“Thép. Chúng tôi cung cấp thanh quấn dây cho đập nước ở Vwarda.”
Họ nói đủ thứ chuyện, rồi hỏi không biết họ có thể mời cô đi ăn tối được không. “Các anh có tìm được cô gái nào nữa không?” Cô hỏi, và họ đi từ bàn này sang bàn khác cho đến khi gặp một cô gái Pháp nhàn rỗi cũng đang tìm xem có gì để làm không. Bốn người thong thả đi xuống một quán cá gần bờ biển, ngồi ở đó hàng giờ nói tiếng Pháp và bàn về những miền đất tươi đẹp trên thế giới.
Gần nửa đêm, một anh người Nhật hỏi, “Monica, em đã tới Arc de Triomphe lần nào chưa?” Và khi cô lắc đầu, anh ta reo lên, “Đêm nay mới chính là đêm!” Rồi họ leo lên đồi quay lại trung tâm thành phố, mua vé vào vũ trường, và ngay khi Monica đặt chân vào gian phòng đông nghịt, ầm ĩ ấy, cô đã cảm thấy như đang ở nhà, vì tiếng nhạc ầm ầm như sấm chính là cái cô cảm thấy thiếu trong thời gian ở bên những người Đức điềm tĩnh. “Đây mới là âm nhạc đích thực chứ!” cô hét lên, lao vào sàn nhảy chật hẹp và bắt đầu một trong những vũ điệu mà trong đó, không cần bạn nhảy, cô thực hiện nhiều động tác xoay tròn khác nhau có từ thời những ngôi đền cổ xưa nhất ở Hy Lạp và những túp lều tăm tối nhất ở châu Phi. Uốn mình như thể thân hình đã bị tháo rời khớp nối, cô vung tay chân tạo thành các hình dáng góc cạnh khó mà liên tưởng với cử động bình thường, rồi giật mạnh đầu và vai theo những cách rất lạ lùng, không để ý đến nhịp điệu đặc trưng của dàn nhạc điện tử. Màn trình diễn thật lạ mắt và đầy đam mê, toàn bộ đám thanh niên nhìn thấy cô trong đêm đầu tiên đó đều để ý đến vẻ đẹp của cô và truyền tai nhau, “Đó là cô gái từ Vwarda đến,” và nguồn gốc ngoại lai ấy đã giúp cô xác lập vị trí của mình trong bối cảnh Torremolinos.
Cô tìm được một phòng ở Berkeley Square, một trong những khách sạn Anh, nhưng ít khi có mặt ở đó vì tối nào cô cũng la cà ở các quán bar cho đến khi vũ trường Arc de Triomphe mở cửa, rồi vào đó nhảy, và không lâu sau cô đã thu hút được một nhóm thường xuyên theo đuôi, những thanh niên quốc tịch khác nhau làm tất cả những gì có thể để được lên giường với cô, còn có cả một vài thiếu nữ Anh và Mỹ, những người cảm nhận được bằng trực giác rằng Monica ở đâu thì nơi đó sẽ có thú vui. Họ ngồi trong vũ trường hết đêm này sang đêm khác, giữa tiếng nhạc inh tai đến nỗi không thể trò chuyện được, vậy mà bằng cách nào đó họ vẫn nói được với nhau và thậm chí còn tiến hành những cuộc tranh luận nghiêm túc bằng phương pháp dùng ký hiệu bí ẩn mà bất cứ người nào trên hai mươi lăm tuổi đều không thể hiểu được.
“Vậy đấy, anh biết...”
“Chuyện tầm phào... như ông già tôi ấy... ông già thích thế... huênh hoang.”
“Như tôi đã nói...”
“Được, tôi chấp nhận. Tôi chấp nhận nó là quy mô kinh tế lớn. Anh biết đấy, đúng như những gì anh nói.”
“Anh bạn, anh chơi nó bằng đàn moog, ông già tôi vẫn không... anh biết đấy.”
“Phải, nhưng nếu nó khiến họ hạnh phúc - sao anh lại lo lắng?”
“Đúng như anh nói - ai bác bỏ được điều đó?”
Đoạn trên là một cuộc tranh luận triết học về sự tồn tại của linh hồn, trong đó những người tham gia thống nhất rằng quan điểm bất khả tri đối lập với thuyết vô thần triệt để. Trong những cuộc thảo luận như vậy, Monica đã thu hút được các trí thức trẻ xuất thân từ trường Sorbonne và Oxford, với những người này cô duy trì cuộc thảo luận song ngữ chóng vánh, tự động chuyển từ tiếng Anh sang tiếng Pháp. Thỉnh thoảng, nhóm của cô cũng nói được thành câu hẳn hoi.
Một đêm, khi hai sinh viên Nhật cùng cô đi bộ về khách sạn, Monica chợt cảm thấy hẫng hụt khi hai người thông báo hôm sau họ sẽ bay về nước. Cô hôn tạm biệt từng người, nhưng rồi nảy ra một ý nghĩ thú vị, “Sao không ở lại với em đêm nay?” Vậy là cả ba lẳng lặng đi qua cửa sau và lẻn vào phòng cô mà không ai nhìn thấy.
Cô nhanh chóng cởi quần áo và nhảy lên giường, ra hiệu cho họ nếu thấy có chỗ thì cứ việc ngủ bên cạnh cô, vậy là họ cởi đồ rồi chui vào chăn, mỗi người một bên, và một lát sau, một người nói, “Anh muốn làm tình với em. Saburo có thể ngủ trong phòng tắm,” nhưng cô bảo, “Em nghĩ chúng ta không nên làm tình thì hơn. Chỉ ngủ thôi.”
Sáng hôm sau ai đó đã tố cáo cô với viên quản lý khách sạn, và ông ta tuyên bố một cách kiên quyết, “Chúng tôi không bỏ qua một việc như thế này, đặc biệt với người phương Đông,” cô đáp lại là quỷ tha ma bắt ông ta đi, thế là ông ta yêu cầu cô rời khỏi khách sạn... ngay lập tức, cô bèn gọi hai sinh viên Nhật nhập hội rồi họ cùng nhau đi ra, và cô hét vọng lại, “Ông có thể gửi đồ của tôi đến Arc de Triomphe.”
Bốn giờ chiều, khi Monica đang ngồi ở đó thì cô hầu phòng ở khách sạn mang hành lý đến, một chiếc va li nhỏ bằng bìa cứng mua ở Málaga và chiếc túi xách cô cầm theo khi trốn khỏi Vwarda. “Em định đi đâu đấy?” một giọng dễ nghe hỏi, và khi ngước lên cô thấy một thanh niên trông khá hấp dẫn, tự giới thiệu tên là Jean-Victor.
“Em bị tống khỏi khách sạn,” cô đáp.
“Một chuyện nghiêm trọng, anh hy vọng thế.”
“Không. Em cho hai anh chàng người Nhật rất dễ mến ngủ cùng giường.”
“Được đấy! Một cô nàng đi theo cổ động cho ban nhạc pop đây.”
“Làm ơn tẩy rửa đầu óc cho sạch sẽ đi.” Cô cười to và chỉ một cái ghế. “Ở đâu có chỗ tử tế để trú tạm đây?”
“Em bao nhiêu tuổi?”
“Em là một phụ nữ tự lực,” cô đáp.
“Bạn gái anh đến rồi,” Jean-Victor nói. “Sandra, đây là... Tên em là gì nhỉ?”
“Monica... Braham.”
“Cậu là người tớ đã đọc tin... trong báo London.”
“Tớ ư?”
“Đúng vậy! Cha cậu là một ông gì đó đại loại cũng nổi tiếng. Ông ấy đang yêu cầu cảnh sát tìm xem cậu ở đâu. Cậu trốn khỏi một nơi nào đó ở châu Phi, đúng không?”
“Lạy Chúa! Báo với chả chí. Nếu biết cha tớ, cậu sẽ hiểu sao ông ấy lại đưa lên báo. Cậu đọc được ở đâu?”
Sandra giải thích rằng cha cô đã gửi từ London một bài báo được cắt rời, răn đe cô đừng có làm bất cứ việc gì điên rồ như thế. “Tớ tự hỏi không biết cha tớ nghĩ tớ đang làm gì ở đây?” Sandra hỏi với vẻ bối rối thành thật.
“Cậu còn giữ bài báo đó không?” Monica hỏi.
“Dưới kia, trong ổ của bọn tớ.”
Sandra bèn đề nghị, vì Jean-Victor có việc phải ở lại thành phố cho nên cô sẽ dẫn Monica về nhà cho xem bài báo, vậy là họ rời khu trung tâm, Sandra cầm cái túi nhỏ, còn Monica xách cái va li nhẹ. Chẳng mấy chốc hai cô gái đã nhận ra họ rất tâm đầu ý hợp, và về đến nhà mới được một lúc - Monica khen nơi đây thật tuyệt vời - Sandra đã nhiệt tình nói, “Trong góc có cái túi ngủ cũ đấy. Sao cậu không sống luôn ở đây nhỉ?”
“Có được không?”
“Sao không chứ? Chúng tớ thường xuyên có bạn đến ngủ dưới sàn nhà mà.”
“Ai ngủ ở cái giường kia?”
“Một cô gái Na Uy dễ thương, cậu sẽ quý cô ấy cho mà xem, và một anh người Mỹ tuyệt vời... rất ít nói và cư xử tử tế lắm.”
“Này, nếu các cậu đã thành hai đôi rồi...”
“Không phải vậy đâu... không thực sự như vậy.” Rồi Sandra kéo cái túi ngủ bằng vải kẻ ô vuông ra, trải trên sàn nhà giữa hai chiếc giường để Monica nằm thử. “Không tệ,” Monica nhận xét, và đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy các bạn trẻ này chấp nhận cô là thành viên của nhóm, cô được mời ăn tối, được giới thiệu với cô gái Na Uy Britta và anh người Mỹ tên Joe trông coi quầy rượu trước khi ai đó nghĩ đến chuyện hỏi cô, “Nhân tiện hỏi một câu, cậu có tiền nong gì không?”
“Một chút nhà chu cấp cho thôi.”
“Em đúng là một người trong nhóm chúng tôi rồi,” Jean-Victor tuyên bố, và Monica hỏi, “Có ai có điếu cần sa nào không? Để chúng ta coi như ăn mừng?” Britta và Joe ra hiệu họ không dùng cần sa, nhưng Jean-Victor và Sandra nói có rồi lấy một hộp thuốc lá lịch sự mang từ Tangier về, và sau khi Monica hít hơi đầu tiên thật sâu, cô nói, một cách sành điệu, “Đã đời hơn thứ bọn em kiếm được ở Vwarda.
Sáu Người Đi Khắp Thế Gian - Tập 1 Sáu Người Đi Khắp Thế Gian - Tập 1 - James Albert Michener Sáu Người Đi Khắp Thế Gian - Tập 1