Cầu Chúa ban cho con sự thanh thản để chấp nhận những thứ con không thể thay đổi, sự caN đảm để thay đổi những thứ con có thể, và sự khôn khoan để phân biệt những cái có thể thay đổi và không thể.

Dr. Reinhold Niebuhr

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1073 / 40
Cập nhật: 2015-09-06 20:42:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 26
ám giờ tối, bà Tám trải ghế bố ra thành hai dãy ngang, mỗi bên năm chiếc, chừa một lối đi hẹp ở giữa.
Nhà có câu đèn điện, nhưng bóng đèn rất thấp như nến. Bà giải thích:
- Cô không nên thắp sáng quá, chói mắt họ ngủ không được. Một bóng mười lăm ở trong cùng, cho có lệ vậy thôi.
Đoạn bà chỉ cho Quít treo mùng và đặt gối. Khách sẽ day đầu vào vách, đâu chơn với nhau đàn bà nằm một dãy, đàn ông nằm một dãy, bà nào có con nhỏ thì cho nằm chung chớ con lớn hơn mười hai tuổi thì phải mướn ghế bố riêng. Phải thật gắt gao về điểm nầy, không thôi khách họ ăn gian ngủ chung hai người một ghế bố, bố mau rách, ghế mau gãy chưn v.v...
Bà Tám lại căn dặn thâu tiền trước khi họ mướn ghế, bởi nhiều kẻ ngược ngạo lắm, để sáng sẽ sanh nhiều chuyện rắc rối lôi thôi.
Xong xuôi đâu đấy cả rồi, bà Tám nói:
- Đó, bây giờ cô đi ngủ đi, rồi một giờ khuya tôi đánh thức cô dậy.
- Còn bà?
- Tôi thì tôi đã tới tuổi không ngủ được nữa, tôi thức sáng đêm, cô còn ở trong tuổi ăn ngủ thì mai cô phải sắm một cái đồng hồ reo vì ngủ quên mấy nhà khác họ giựt mất khách hết.
Quít lên gác nhưng không sao nhắm mắt được. Đây là đêm tập sự của nàng trong một nghề hoàn toàn mới lạ đối với nàng mà có lẽ đối với cả người việt Nam, cả hoàn cầu thế giới nữa, vì chắc không ở đâu mà có một nghề kỳ dị như vậy.
Nếu nàng ngủ được, thì chỉ được nửa đêm thôi vì từ một giờ khuya tới ba giờ sáng xe tới lui không ngớt, phải canh để đánh thức hành khách đi và để rước hành khách mới tới.
Ngay lúc đầu hôm nầy, cũng phải đón ngoài bến để mời những khách sẽ đi xe khuya nay, công việc mà bà Tám tốt bụng nầy giành làm giùm cho nàng đêm đầu, để nàng được nghĩ.
Nghề tuy nghe ngỡ khỏe ru, nhưng thực ra lao lực vô cùng và có lẽ chỉ có mấy bà lão không còn ngủ được nữa mới dám làm nghề nầy mà thôi. Tuổi trẻ chỉ theo nghề vài năm là ho lao ngay. Nghề còn nhọc hơn nghề đi hát bội phần, vì đi hát phần nửa đêm sau vẫn được ngủ, còn ở đây giấc ngủ lại nằm trong nửa đêm đầu, mà nửa đêm đầu của cái thành phố ồn ào nầy thì kể như là vứt đi rồi, thành thử một đêm người làm nghề nầy sẽ không hưởng được giờ phút nghỉ ngơi nào cả.
Hai Tâm không có ý thức về nghề nên bình thản nói đến chuyện khác:
- Em à, mai nầy anh đi.
- Ừ, rồi chuyến về nhớ ghé ở đây nhé, chớ đừng quen chơn mà về luôn đằng ấy.
- Em nhắc anh mới nghĩ đến điều đó, chắc anh phải ráng lắm, mới nhớ được phải làm như vậy. Đã quen chơn, quen đường, gần bốn năm rồi. Hồi còn nhỏ ở dưới làng, cạnh nhà anh có một tàu ngựa kéo xe. Một hôm chủ tàu bán bớt một con ngựa cho một chủ mới sắm xe ở cách đó ba cây số ngàn.
Ngày nào chiếc xe mới từ chợ về xóm chạy ngang qua đó, con ngựa cũng nhứt định dừng lại đánh chưởi la hét thế nào, nó cũng không bước tới thêm một bước nào.
Có người mách là cứ cho nó vào sân cũ vài phút nó mới chịu ra để tiếp tục đi. Và quả như vậy.
Hèn gì họ nói "ngựa quen đường cũ".
Quít giựt mình, len lén nhìn Tâm coi có phải là hắn nói cạnh nói khóe nàng hay chăng.
Nhưng không, mặt hắn vẫn hiền từ ngay thẳng như bao giờ. Nếu hắn còn nghĩ gì chắc hắn cũng không đủ để là mỉa mai như vậy.
Quít mừng thầm mà không nghe Tâm nói đến việc đổi chỗ ở; trái lại còn nhận sẽ về đây. Thế nghĩa là nàng chưa mất Tâm.
Họ đang nói chuyện tới đây thì nghe dưới nhà có tiếng chào rào chộn rộn rồi nghe tiếng trẻ con khóc, tiếng đàn bà nói chuyện.
Quít lắng tai phân biệt được ba giọng nói khác nhau, không kể giọng bà Tám.
- Gì đó vậy? Tâm hỏi bạn.
- Mấy người hành khách ngủ nhờ để đi xe khuya. Được ba người rồi, tức sáu chục bạc, đủ ăn ngày mai.
Có tiếng một chị hỏi thăm cầu tiêu.
Quít nhớ ra nhà nầy tuy chỉ là một căn nhà tồi tàn nhưng cầu tiêu khá sạch và tốt, bởi khách họ cần cái đó lắm.
- Nhưng anh không hiểu mấy bữa rày họ ở đâu. Tâm băn khoăn.
- Không, đây là những người chỉ lên đô thành một ngày thôi để xin giấy tờ gì hoặc mua sắm gì, hay gấp rút đi thăm bà con gì đó.
Có lẽ họ lên đây khuya hôm qua, cũng đã nghỉ ở đây và ngày nay xong công việc khuya này họ về.
Trẻ con lại khóc mà có đến ba đứa trẻ lận. Nếu được một chục đứa, có lẽ chúng sẽ làm rùm xóm suốt đêm.
Xuống tới nơi, Quít thấy có đến bốn người khách vừa dậy chớ không phải ba. Có lẽ người thứ tư vào lặng lẽ quá, hay vào lúc nàng ngủ quên. Đó là một người đàn ông nông dân, còn ba người kia là đàn bà có vẻ là người của các làng xa.
Khách ngủ trọ rửa mặt, chải đầu rồi xách gói ra đi. Bà Tám và nàng đi theo, không phải để tiễn họ mà để giành khách mới lên.
Ra tới bến xe, Quít thấy còn nhiều người khách nữa do nhiều bà già nữa tiễn ra dây. Chắc là những nhà trọ khác.
Khách của bà Tám đi xe Ba Xuyên nên bà phải đưa họ đi một đỗi, chớ còn chiếc xe đậu ngay nhà nầy là xe Vĩnh Long.
Bọn lơ xe đò, thấy một cô gái xinh đẹp lẽo đẽo đi sau bà lão, huýt sáo om trời để gọi nhau rồi réo bà lão mà hỏi:
- Bà ngoại ơi, phải cháu nội của bà hôn bà ngoại?
- Bà ngoại ơi, bà ngoại có cần gánh nước mai kêu con gánh cho bà ngoại.
- Bà ngoại ơi, già cả lụm cụm ra đây chi cho mệt bà ngoại, để con đón khách cho bà ngoại, bà ngoại chắc chắn sẽ giựt hết khách xe đò không ai giựt nổi với con hết.
- Mồ tổ cha bây, tao mà có cháu ngoại, tao gả cho chó còn có ơn hơn là gả cho quân bây.
Bà Tám trông hiền từ thế mà ăn nói ra vẻ bọn dao búa lắm. Quít nghĩ rằng nếu không lấy được tác phong như vậy, không thể yên thân được với lũ quỷ dịch nầy.
Nhưng ác lắm là nàng lại có vẻ ngây thơ như con nhà lành, phong độ của nàng rất có lợi nơi khác, nhưng ở đây nàng sẽ bị chúng nó ăn hiếp dễ dàng.
Một anh lơ, đang đứng trên mui xe, dang tay ra như chim xòe cánh, nhảy bay một cái xuống tới đất khá nhẹ nhàng, chắc anh ta có nghề võ.
Anh ta rơi ngay trước lặt bà Tám; nhìn Quít mà cười và hỏi:
- Ở đây ai cũng thương bà ngoại, sao cháu bà ngoại còn theo ủng hộ làm gì?
Bà Tám nói:
- Mầy coi chừng cái đầu của mầy đó nghen.
- Úy trời đất ơi, gì mà dữ vậy bà ngoại?
- Cô này sang nhà của tao để từ đây làm tiếp...
- Trời, vậy thì tôi hết lòng ẵm hộ cô.
- Nhưng nói trước tụi bay biết. Cổ là dâu thứ hai của Tư Bù Lon đó.
Anh lơ hết hồn, le lưỡi rồi nói:
- Xin lỗi nghe chị hai, ai biết đâu.
Tư Bù Lon vốn là thợ máy ở Sài Gòn, về sau về miền Đông đứng bến cho hãng xe chạy Long Hải và nổi danh hổ tướng một thời với thứ khí giới độc đáo của hắn là chiếc bù lon, tuy nay hắn đã nghỉ dưỡng già rồi mà em út vẫn còn đây và hắn còn đứng sau làm quân sư cho chúng.
Quít cám ơn bà lão nói láo nầy không biết bao nhiêu. Bà ta chắc phải nhiều kinh nghiệm lắm mới nói bướng như vậy được và câu chuyện bịa của bà ta là lá bùa hộ mạng cho nàng.
Anh lơ nầy sẽ đồn đãi ra và nội đêm nay cả bến xe đều biết chuyện ấy và từ đây nàng sẽ được kiêng nể chắc chắn như vậy.
Khách đã lên xe rồi mà xe dưới tỉnh chưa lên nên hai bà cháu còn ở đó mà đợi.
Bà Tám trải ra một chiếc ghế ngồi mặt bố, mà bà xếp lại xách theo tay, nhưng Quít không chú ý đến. Bà ngồi lên đó và nói:
- Tôi cũng cho cô luôn chiếc ghế nầy, nếu không bữa nào xe nó lên trễ giờ, cô phải đứng rụng giò.
Trên vỉa hè, đó đây cũng đang ngồi như vậy những bà lão chủ nhà trọ khác.
Vỉa hè của con đường, không được ai xử dụng cả, chỉ có người trong xóm là đi trên đó thôi, nên họ ngồi ở đây thong thả như ở sân nhà họ, phía ngoài đường đã có xe đò che kín, cỡ nấu cơm ăn ở đây cũng khỏi ngại gì.
Quít đếm thử thì có hơn mười bà lão đang ngồi bó gối chờ khách trên một quãng vỉa hè dài mấy trăm thước.
Họ lặng lẽ không nói gì với ai hết, mà ngồi yên như ngủ gục. Nhưng kìa, xe tới, và bao nhiêu người trầm lặng ấy bỗng đứng dậy một lượt và hoạt động hăng hái vô cùng.
Ban ngày xe tới bến thì phu xích lô máy bám theo xe mà chạy đua với nó suốt mấy mươi thước để giành khách.
Nhưng ban đêm thì họ nhường công việc lại cho mấy bà lão nầy vì họ làm một ngày đã vừa sức lao động, cần nghỉ ngơi về đêm và nhứt là vì họ biết giữa đêm khuya, không ai buồn đi đâu trừ vài người hiếm hoi.
- Ai ngủ ghế bố hôn?
Các bà lão hè nhau chạy a lại chiếc xe vừa mới đậu và đồng thinh hỏi lên câu đó.
- Thiếm Ba, ghé nhà tôi nghỉ nghen!
- A con Bảy, mới lên hả, ghé nhà đi nghen.
- Chú, kia, nhà tôi rộng rãi mà gần đây, đừng đi đâu xa cho mất công.
Rồi các bà cũng giựt hành lý của khách y như lơ xe bắt mối, rồi hành khách cũng phản đối lại, nhưng có khác lơ xe bắt mối, là các bà giành giựt tương đối hiền lành hơn và ai mở miệng phản đối là các bà chịu thua ngay.
Quít đã thấy rõ tất cả khó khăn của nghề. Nàng còn trẻ, khó lòng mà tranh giành với các bà tuổi đáng bà ngoại của nàng. Vả, không thế nào mà nàng mở miệng mời mọc như vậy được.
Có nhiều thứ e thẹn tùy theo cá tính từng người. Những kẻ mời mọc kia, những chị đứng đường mời khách mua một lọ nước hoa lô-canh chắc chắn không thể làm được những gì nàng đã làm trong bóng tối. Còn nàng, nàng không làm sao mà dám nói chẳng hạn một câu như thế nầy: "Khăn lông mua một tặng một đây, mười đồng ba cái, tặng thêm một cái khăn mu-xoa đáng giá mười đồng nè bà con, mại vô kẻo hết nè!
Bà Tám chỉ rước được có một bà già và một cô gái thôi.
Quít lấy làm mừng mà không có khách đờn ông con trai đêm nay. Không phải người nam phái nào từ tỉnh lên cũng hoàn toàn nông dân cả đâu. Có những thanh niên khá bảnh trai có lẽ là thợ hớt tóc, là công tử vườn dưới ấy cũng nên. Đêm đầu nầy mà rước những kẻ ấy vào nhà, Tâm không khỏi khó chịu vì ghen, rồi hắn sẽ tìm cớ là ngăn trở nàng làm nghề để sổng. Cô gái cũng trạc tuổi Quít và bà kia có lẽ mẹ của cô.
Cô gái nầy tuy đen đúa, lam lủ quê mùa, nhưng xinh đẹp lắm. Ở trong rập, học ăn mặc nói năng chừng vài tháng là nàng thành một tiểu thơ khuê các ngay.
Quít bỗng rợn người mà nghĩ đến những thảm kịch mà hồi còn ở trong nghề, nàng thấy rất thường: một cô gái quê lên Sài Gòn tìm việc làm ngơ ngác trước cảnh lạ của phố phường, một bà già bước tới đề nghị, dìu dắt cô ta rồi thì sau đó, đạo binh buôn hương thêm được một tay kiện tướng.
Quít phải hỏi thăm bà Tám cho cặn kẽ mới được, để biết coi trong nghề có những kẻ như thế không. Nếu có, nàng phải xa lánh nơi đây tức khắc. Nàng có thể bán mình của chính nàng, nhưng không thể bán mình của người khác, công việc mà nàng nghe nhờm tởm vô cùng.
Những ý nghĩ trên đây khiến nàng thương xót cô gái đi với mẹ nàng, mặc dầu cô ta được bà mẹ ấy bảo vệ.
Nàng bước tới nắm tay cô và cười hỏi:
- Chừng nào về?
- Tối mai chị à.
- Đi đâu trên nầy?
- Nuôi ba tôi bị phạt trong khám.
- Như vậy thỉnh thoảng lên một lần chớ?
- Dạ, độ hai tháng má em với em lên một lần.
- Lần sau ghé tôi nhé!
- Thì luôn luôn mẹ con tôi ghé nhà bà Tám đây. Chị là con hay cháu của Tám?
- Cháu kêu bằng bà ngoại.
Bà Tám chắc chắn ngấy những câu chuyện gia đạo mà khách họ kể dài dòng nên chỉ chỗ cho họ xong là bà đi tuốt ra sau để ngủ.
Nhưng Quít vẫn ngồi đó với người đàn bà mà nàng thấy là hình ảnh của mẹ nàng. Nàng ngồi trên ghế bố bên cạnh đã được vén mùng lên, nhìn bà ấy soát lại các giỏ, các xách của bà, đựng những bánh ít, bánh tét, chuối khô, lu bù thứ quà nhà quê đậm đà lòng thương chồng của bà trong đó.
- Chắc dì quen với bà ngoại con lâu rồi hả dì?
- Cũng mới quen từ hai chuyến nay thôi cô. Té ra cô là cháu ngoại?
- Dạ, chắc chiều mai dì về xe chiều?
- Không cô à, trưa mai là tôi rồi hết, nhưng phải đợi tới khuya mới có chuyến xe.
- Vậy xong rồi, dì với em về đây ăn cơm với cháu.
- Cám ơn cô. Nhưng chắc chỉ ăn cơm chiều, vì sáng tôi còn phải đi mua sắm vài món, mà phải đi bộ, về đây trễ lắm, cô đợi không được đâu.
- Sao lại đi bộ dì?
- Cho đỡ tiền xe ấy mà.
Quít định bụng đêm mai nàng sẽ không lấy tiền trọ của hai mẹ con người nầy, mặc dầu cũng chỉ lấy thêm được có bốn chục bạc nữa thôi. Đêm nay bà Tám đã trót nhận lỡ rồi thì thôi vậy.
Bà mẹ để các giỏ ngay dưới chơn ghế bố của bà. Bà sợ ai ăn cắp bánh chăng? Xong, bà mới hỏi thăm cầu tiêu, rồi giây lát sau trở lên, bà bắt đầu kể lể.
Quít ban đầu nghe chuyện xóm làng hay hay nhưng bà ta kể nhiều chi tiết tỉ mỉ và vô ích quá, khiến nàng ngáp dài bà nói:
- Thôi dì nghỉ cho khỏe, đêm mai hãy nói tiếp.
Rồi nàng đi đóng cửa và tắt đèn.
Quít mò mà leo thang, lên đến nơi, nàng rón rén đi qua chỗ Tâm nằm.
Thình lình anh chụm lửa phụ hỏi:
- Có đông lắm không em?
- Anh chưa ngủ sao?
- Không làm sao ngủ được hết với những lần họ ra vô chộn rộn như vậy. Sự ồn ào ngoài kia cũng vang dội tới đây.
Quả thật thế, ngoài kia hiện giờ cũng có một chuyến xe vừa lên. Bà Tám chỉ làm giùm thôi, nên không tội gì mà bà canh mãi, nên chỉ rước có hai người là bà bỏ cuộc nhưng những tiếng mời mọc vẫn nghe vang dậy ngoài kia:
- Ai ngủ ghế bố hôn?
Rồi thì cũng động cơ xích lô máy nổ, rồi thì tài xế xích lô máy và lơ chưởi thề, rồi thì hành lý chạm vào thùng xe, phải quen năm ba tháng chắc mới nhắm mắt được trong sự ồn ào thường xuyên này.
- Anh nên ráng mà ngủ để mai đi sớm. Nhưng tiếng xe chạy tuy ồn nhưng còn đỡ hơn là xe lắc lia.
- Quen với xe lửa rồi, còn bến xe thì lạ.
- Thì ra cảnh nào quen thì chịu được.
Quít nói như vậy rồi vén màn bước vào buồng nàng.
Cảnh nào quen thì chịu được. Đặt lưng lên chiếu, Quít nghiền ngẫm lại chính câu nói của nàng.
Tâm đã hai lần quen với bật mí về dĩ vãng của nàng. Hắn đã đau khổ và quên được nhờ còn một chút hồ nghi rằng nàng bị vu oan.
Lần thứ ba cũng thế nhưng sẽ ít đau hơn vì đã quen đi rồi. Nhưng phải cố gắng thế nào cho không có lần thứ ba xảy ra.
Nàng sẽ cố tránh ló mặt ra ban ngày cho khỏi bị người quen cũ biết chỗ ở. Chúng nó biết thì sẽ tới tai thằng Ngân thì khó lòng mà yên thân được.
Hiện giờ có lẽ nó ngỡ Tâm thật là anh của nàng nên không làm gì hết về mặt Tâm, nhưng khi nó biết được rằng Tâm cũng chỉ là một gã si tình thôi thì một là nó sẽ tìm cách khai quan điểm nhãn Tâm, hai là mần thịt Tâm thì càng khổ hơn.
Sáng ra, chính bà Tám phải đánh thức cặp "vợ chồng con nít" ở trên gác. Ấy, bà ngỡ họ là vợ chồng với nhau, vì cả hai đều ngủ quên.
Nhờ thế mà Tâm không trễ giờ đi làm. Đôi bạn từ giã nhau bịn rịn với nhau dữ lắm rồi Tâm lại giã biệt bà lão mà anh biết không bao giờ còn gặp mặt bà nữa, đoạn mới đi làm và sẽ vắng nhà luôn cho đến hai ba hôm.
Bà Tám dặn Quít:
- Ở nhà một mình, cháu lại còn trẻ, thì phải coi chừng bọn bất lương. Nếu khách không phải ở trên xe xuống thì bao nhiêu tiền cũng không ham, nghe chưa?
- Dạ, cháu cám ơn những lời dạy của bà lắm.
- Còn tôi có mấy khách quen nầy: một con mẹ đi bỏ mối mắm Châu Đốc cứ một tuần lễ thì lên một chuyến.
- Dạ.
- Con mẻ có nút ruồi ở càm bên trái rất lớn.
- Dạ.
- Với lại con mẹ bán dầu thơm hiệu "Giấc Mộng Vàng" con mẹ nầy ở đây, nhưng ở mãi trong Bình Đông nên nó cũng ra đây ngủ đợi xe để đi bán "la" ở các chợ tỉnh miệt dưới.
- Dạ.
- Còn một con mẹ nữa, da trổ đồi mồi, cũng đi nuôi chồng như hai mẹ con hồi hôm.
- Dạ.
- Đó, chỉ có mấy mối quen đó thôi, còn bao nhiêu người lạ thì phải giành giựt mới có. Thôi cháu ở lại mần ăn mạnh giỏi, phát đạt nghen.
- Dạ, bà cũng mạnh giỏi, khi nào có rảnh rang mời bà trở ra đây chơi.
Bà Tám đi rồi, Quít nghe trơ trọi một mình. Nếu không ra cửa sau, thì người ở trong nhà nầy sẽ phải sống biệt lập. Nhưng tuy phía sau có xóm và nàng có thể lui tới với họ, Quít cũng định lánh mặt một lúc hãy hay.
Lạ quá, ở giữa xóm, cho dẫu đóng cửa nằm nhà cũng nghe như là mình được sống với người chung quanh. Còn ở một căn nhà biệt lập như thế nầy sao như là nghe như mình sống giữa rừng sâu.
Quít ngồi buồn một hơi rồi xách giỏ đi chợ, chiếc nón lá đội trên đầu, vành trước được nàng kéo thấp xuống để che khuất mặt.
Nàng lại mặc một chiếc áo bà ba cũ tháo li cho hết eo. Chiếc bà ba rộng thùng thình nầy sẽ giúp cho nàng hết quyến lũ đối với bọn quỷ dịch ở bến xe, họ sẽ ngỡ nàng là gái năm ba con rồi.
Tuy vậy, trước khi ra cửa, Quít cũng do dự một hồi rồi đội thêm lên đầu một chiếc khăn rằn dưới nón lá. Khăn sẽ che khuất hai má, hai bên cổ của nàng, không còn ai thấy được sự trẻ trung ở nơi nào nữa cả.
Buổi sáng nàng lo cơm nước cho cả ngày đó, định buổi chiều phải dọn dẹp và sắp đặt lại nhà bếp mà bà cụ chủ cũ đã làm bung thùa vì bà mắt lem nhem không thấy đường cho rõ lắm để mà ở sạch được.
Nhờ thế mà nàng thấy trước rằng suốt ngày đầu ở đây nàng không thể buồn được.
Nhưng trưa, vừa ngủ chưa thức dậy là hai mẹ con hồi hôm đã về tới nơi.
Quít mừng lắm. Công việc dọn dẹp nhà bếp thế là phải dời lại đến ngày mai, và ngày mai nàng sẽ khỏi phải buồn. Mốt thì Tâm đã về rồi.
- Dượng mạnh không dì? Quít hỏi thăm tới người thân yêu của bà khách trước hơn mọi việc khác.
- Ổng mập cùi cụi đi cô ơi. Chỉ có mẹ con tôi ngoài nầy là ốm thôi.
- Chừng nào dì lên một chuyến nữa dì?
- Có lẽ hai tháng nữa. Thường thì một tháng rưỡi thì tôi đi nuôi ổng một kỳ. Nhưng tới ngày đó thì đụng đám cúng cơm ông nội sắp nhỏ, chắc phải dời chuyến đi nuôi tới hai tuần lễ sau.
Người nhà quê, họ tính chuyện gì cũng lâu dài hết. Riêng Quít, nàng thẫn thờ tự hỏi hai tháng sau, không biết nàng còn ở đây không, tự hỏi như vậy rồi ngậm ngùi trước cảnh bà mẹ nầy trở lên đây, nhìn ngôi nhà cũ mà người xưa thì đã đâu rồi.
Nhưng bà mẹ cứ lo cho việc sẽ tới. Bà hỏi:
- Không dám nào, cô làm ơn coi cỡ con nhỏ tôi đây nó sẽ làm ăn gì được ở đất nầy hay không cô?
Quít nhìn lại cô thôn nữ thì thấy cô bé xinh đẹp vô cùng. Với dung nhan ấy, nó sẽ khỏi làm động tới móng tay mà vẫn an nhàn tấm thân nếu... nàng chưa nhận thức được tất cả đê tiện và tủi nhục của cái nghề mà chính nàng vừa thoát.
Nghe thương em bé quá, Quít kéo nó lại ngồi sát bên nàng rồi hỏi bà mẹ:
- Chớ ở dưới làng, em làm gì, thưa dì?
- Nhờ trời tôi cũng đủ ăn. Nhưng chỗ đó hẻo lánh quá, mà nó còn con gái, tôi muốn nó được yên thân. Nó biết nấu ăn theo quê mùa, và tới mùa thì cấy gặt.
- Em còn biết làm gì khác nữa không em? Quít cầm tay cô bé rồi hỏi như vậy.
- Dạ không chị à. À, em biết chèo ghe.
- Ở đây không có ghe để em chèo. Như thế em chỉ có thể đi ở giữ con cho người ta mà thôi.
- Họ trả bao nhiêu một tháng cô?
- Năm sáu trăm, có cơm ăn.
- Như vậy thì khá quá. Ở dưới làm gì nó kiếm được số tiền đó trong ba tháng làm lụng.
- Em tên gì?
- Em tên Ương. Nhưng má kêu em là con Sáu.
- Sao lại tên Ương. Ương là gì?
Bà mẹ giải thích:
- Đêm tôi sanh chị nó ra, nhằm mùa mưa, quanh nhà ảnh ương kêu rền trời, nên cha nó đặt tên chị nó là Ẳnh. Đêm sanh nó cũng vậy, nên lại đặt tên nó là con Ương.
Quít bật cười rồi nói:
- Nhưng gọi em là em Sáu nghe hay hơn em nhé?
- Dạ.
- Dì ơi, cháu xin dì đừng có ham. Nó là gái lại là gái đẹp mà thật thà. Bỏ nó một mình giữa một thành phố lớn như vầy dì không sợ hay sao? Chung quanh nó có lu bù quyến rủ mà không ai giữ gìn nó như ở dưới làng.
- Cô nói rất phải, tôi cũng có tuổi, lẽ nào tôi lại không biết điều đó. Nhưng nếu ở đây mà nó hư là tại nó muốn hư, nó sẽ khỏi phải ân hận gì, mà tôi cũng vậy. Nhưng thật ra tôi muốn gởi nó cho cô.
- Cháu thì không cần người. Còn như mà nó giúp việc cho người khác thì cháu đâu dám bảo lãnh.
Tuy vậy, không hiểu sao mà cháu tự nhiên thương mến em Ương quá. Cháu sẵn lòng để em nó ở đây với cháu rồi thủng thỉnh cháu kiếm công việc cho nó buôn bán chút đỉnh gì đó.
Nhưng hiện cháu chưa yên nơi. Xin thú thật với dì là bà lão quen với dì đó không có bà con dòng họ gì với cháu hết. Cháu sang chỗ này để kiếm cơm, còn bả thì đã đi mất rồi. Cháu chưa biết công việc làm ăn của cháu như thế nào...
Sự thật thì Quít chỉ sợ phải chìm nổi trở lại rồi không bao bọc cô thôn nữ nầy được, chớ còn dẫu thất bại việc cho thuê ghế bố, nàng sẽ xoay thứ khác, có sao đâu.
-... Vậy, nàng tiếp, để chuyến sau dì với em lên rồi hẵng hay, chớ hiện giờ thật chưa tiện.
- Tôi cám ơn lòng tốt của cô lắm và mặc dầu rất lo sợ cho con, tôi cũng phải ráng đợi chớ biết sao.
Quít vẫn còn cầm tay con Ương. Nó mới mười tám mà tay đã chai hết. Tuy nhiên tay ấy có thể non trở lại được. Nắng ăn da làm cho bàn tay nó đen như da chà và. Quít kéo tay áo của con Ương lên thì thấy cổ tay của nó trắng nõn, hai bàn tay đen giống như hai chiếc găng tay bằng da cũ, trông buồn cười hết sức.
-Em ở trong rập như chị chừng hai tháng thì em sẽ trắng nõn nà, trắng hơn chị nhiều lắm.
- Em phải dang nắng nhiều quá.
- Ừ, nhưng rồi em sẽ trắng trở lại như trời đã sanh em ra.
Ương rờ rẫm chiếc áo của Quít mãi, đôi mắt nó thèm muốn vô cùng. Áo của Quít may bằng một thứ lụa nhơn tạo, chỉ bán có hăm lăm đồng một thước thôi trong khi áo bà ba của Ương thì bằng ni lon giá tới chín chục đồng một thước.
Nhưng vải áo của Ương láng bóng và màu đọt chuối của áo rất quê mùa, còn áo Quít thì bông lập thể, trông rất đẹp với mỹ quan ngày nay, cỡ không "sành ăn mặc, áo cũng đẹp, Quít lại sành mặc áo nữa. Ừ, phải sành mặc áo, cũng thời một chiếc áo đó mà người sành mặc, giúp cho áo đẹp lạ, còn người quê mùa lại làm cho áo xấu thêm.
Quít đã nghĩ rằng sau vài tháng thì da tay của Ương sẽ non trở lại, nước da nó sẽ trắng ra, nhưng phải tốn cả năm, nó mới sành ăn mặc đi đứng.
"Một năm nữa, nàng lẩm bẩm, em gái nầy giá đáng ngàn vàng đây... một ý nghĩ quấy vừa thoáng qua trong trí nàng. Ý nghĩ nầy tự nhiên mà đến nơi trí óc những người như Quít, họ đã là là nạn nhân của ai đó một khi kia, họ làm mà kẻ ấy hưởng, giờ họ tính chuyện gỡ gạc, họ định lên địa vị kẻ hưởng khi có đứa đủ điều kiện làm.
Nhưng liền ngay đó, Quít lại thấy tất cả bỉ ổi ý nghĩ của nàng nó làm cho nàng bỗng giựt mình mà thấy mình chưa được rửa sạch hẳn.
Nàng kinh sợ quá mà nhận thức được rằng nàng đã bị méo mó do nghề nghiệp, nghề nghiệp đã đánh dấu lên nàng quá đậm, cũng như đời sống thôn quê đã đánh dấu thật rõ lên người của cô thôn nữ bên cạnh nàng, và cả hai đều phải qua một thời gian, một kẻ tẩy trần, môt kẻ tẩy não mới thành được cái gì.
Những ý nghĩ trên đây càng làm cho Quít thương Ương hơn, thấy nó là một đứa rất dễ làm mồi cho sa đọa, như nàng ngày trước, như bao nhiêu cô gái bình dân khác, và cần được bảo vệ đắc lực.
Nhìn Ương mân mê vạt áo của mình, Quít nói thầm trong bụng: "Em nhỏ ơi, rồi em nhỏ thèm khát không biết bao nhiêu là thứ nữa và sẽ có những kẻ nhiều dã tâm đưa những thứ ấy ra để câu em nhỏ. Chị phải cứu em mới được, nếu ngày nào mà em trôi dạt lên đây!
Quít siết chặt tay cô bạn trẻ và nói lớn lên:
- Tối nay em với má ngủ trên gác với chị như khách riêng mà chị mời về nhà. Anh đi vắng tới mấy ngày.
- Anh đi đâu chị?
- Ẳnh làm sở xe lửa và đi theo xe Nha Trang.
Nói láo điều đó Quít nghe sướng cái miệng hết sức, nghe như là Tâm và nàng đã là vợ chồng rồi:
Chiều hôm nay là một buổi chiều vui vẻ trong chuỗi ngày phẳng lặng của Quít. Nàng bắt gặp nơi Ương hình ảnh nàng cách đây bốn năm, tuy Ương nghiêm trang còn nàng thì thuở ấy hơi lẳng, nhưng cũng cùng tâm trạng, cùng cảm nghĩ như Ương bây giờ, cũng cùng ngơ ngác trước cuộc đời, cũng những hoài bão trẻ con như Ương ngày nay: ham một chiếc áo đẹp một bộ mặt được hóa trang, thèm một buổi cà phê sáng.
Sau Ðêm Bố Ráp Sau Ðêm Bố Ráp - Bình Nguyên Lộc Sau Ðêm Bố Ráp