Thất bại đến với ta không phải làm ta buồn mà giúp ta thêm tỉnh táo, không làm ta hối tiếc mà khiến ta trở nên sáng suốt.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1073 / 40
Cập nhật: 2015-09-06 20:42:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 19
áng hôm ấy, cả xóm đều xậm xịt, đờn bà nhà nầy lấm lét đi qua nhà nọ để bấm nhau rồi kề miệng sát tai nhau mà thì thầm cái gì ấy.
Đi chợ về tới xóm, Quít hơi ngạc nhiên mà nhận thấy sự im lặng khác thường ở đây. Xóm bình dân nào cũng ồn ào náo nhiệt. Ngõ hẻm thì nhỏ, mà thiên hạ lại có tật nói to, trẻ con thì la hét cả ngày, yếu thần kinh thì phát điên lên được.
Hồi 11 giờ, Hai Tâm về tới nhà. Hắn có mua quà cho bạn. Đó là nem thịt bò ở Nha Trang, không biết ngon dở, hắn cứ mua bừa.
Tâm đã bớt ngại ngùng vì sự có mặt của Quít trong nhà. Anh đi tuốt ra sau bếp để thấy lại ngay gương mặt mà anh nhớ trong suốt ba hôm vắng nhà.
Quít đứng trước hỏa lò để chiên cá, đưa lưng ra sàn nước. Nàng không hay bạn về và không nghe bạn ra sau nhà với nàng.
Tâm đứng lặng nhìn bạn rất lâu mà không đánh tiếng. Anh nghe một mơn trớn dịu nhẹ nơi lòng mà được một người con gái dễ thương như Quít săn sóc cho miếng ăn miếng uống.
Anh cứ muốn nhảy đến hôn đại lên ót của Quít một cái rồi ra sao thì ra. Nhưng anh cố giữ mình, không làm xằng, không phải vì không dám mà vì anh muốn cho tấm tình của anh hoàn toàn tốt đẹp, cho dẫu là trong lúc nửa đêm đèn tắt, nhà vắng, tay đôi.
Giây lâu, anh tằng hắng lên một tiếng, Quít giựt mình nhưng không sợ hãi lắm. Nàng day lại rồi buông đũa trong chảo mỡ, nàng nhảy có hai bước là tới trước mặt bạn, vừa reo vừa giựt lấy cái gói bằng bao xi-măng mà Tâm cầm nơi tay.
- Trời! Anh Hai, em trông đứng trông ngồi anh! Gì đây?
- Nem Nha Trang.
- Sướng dữ a! Em cũng có cái nầy cho anh.
Nói rồi nàng dông lên nhà trên, mở va-ly ra và chay trở xuống tức tốc với một cái bọc. Nàng nói:
- Đố anh gì trong nầy?
Cái bọc của Quít chẳng bằng giấy âm-ba-la, nhưng giấy mới, sạch sẽ, chớ không phải là giấy bao xi măng như bọc của Tâm. Bọc nầy to hơn bọc nem, nhưng xẹp chớ không no tròn.
Tâm cười nói:
- Bánh ngọt.
- Trật lất! Cho anh nói mười lần đó.
- Thuốc rê.
- Còn trật xa hơn nữa.
- Áo thun.
- Cũng trật.
- Anh chịu thua đó.
- Ý trời, cá cháy hết!
Quít bỗng nhớ lại món cá đang chiên trong chảo, bỏ bạn mà nhảy vào bếp, trở cá rồi, nàng đi lại đây với Tâm và nói, giọng ra lịnh:
- Anh nhắm mắt lại coi!
Tâm vưng lời bạn và thấy hay hay. Anh nghe một bàn tay cầm lấy chiếc nón cối của anh mà dở lên khỏi đầu anh. Đó là chiếc nón được sơn một lớp sơn trắng bên ngoài, chịu mưa rất giỏi, nhưng mặt sơn đã rạn như một cái tô sứ xấu lâu đời. Vành nón, nơi mà bàn tay đen than của anh thường mó tới, mang một màu kỳ lạ không tả dược.
Bàn tay giở nón lại chụp lên đầu anh một chiếc nón nhẹ vô cùng.
- Thôi mở mắt ra.
Tâm lại vưng lời bạn rồi đưa tay lên lấy nón xuống xem. Đó là một chiếc nón mềm may bằng vải ni-lông màu xám, ở xa trông y như là nón nỉ.
Tâm muốn thứ nón này từ lâu nhưng chưa dám sắm vì anh hà tiện lắm.
Cái cười vui mừng và thích chí của một người thật thà và trầm tĩnh sao mà hùng biện lạ kỳ. Nó lặng lẽ và kín đáo, nhưng Quít thấy được tất cả sung sướng của bạn nàng.
- Anh xem em có đẹp không?
Tâm ngước lên rồi bật cười khi thấy Quít đội chiếc nón cối của anh lên đầu nàng, nón rộng quá nên đầu nàng chui thật sâu trong đó, nón úp lên che cả mắt nàng.
Tâm kinh ngac mà bỗng thấy Quít trẻ dại ra thình lình, dưới chiếc nón người lớn, trông y hệt một cô bé học trò lớp tư, dễ thương không biết bao nhiêu.
Anh đưa tay ra nâng càm bạn lên và nói:
- Em giống con bé Lan.
- Bé Lan nào?
- Con gái của thầy Tư Cẩm ở xóm Bến Cỏ, em quên rồi sao?
Hình ảnh cũ mà Tâm vừa gợi ra, chọc Quít cười ngặt nghẹo một hồi lâu.
Thầy Tư Cẩm, thông ngôn của quân đội viễn chinh Pháp, thất nghiệp sau khi Pháp rút lui nên thầy cũng rút lui vào xóm lao động. Con thầy rất đông, vợ thầy tiện tặn bắt đứa nhỏ thừa hưởng y phục của đứa lớn, vì thế mà bé Lan phải đội nón cứng trắng của anh trai kế nó, nón to quá, nếu không có tai của bé Lan cản lại thì nón sẽ sụp xuống bít mũi con bé.
Tâm vẫn chưa buông càm bạn ra. Quít thôi cười và cứ để vậy. Đôi bạn làm thinh rất lâu và Quít đinh ninh rằng Tâm sẽ dám và hôm nay là ngày tân hôn của Tâm và nàng.
Nàng sung sướng quá, sống lại cái giây phút của một đêm trăng kia mà trên đường đi gánh nước, nàng gặp Tâm. Tâm chận nàng lại, toan nói cái gì, và cả hai cũng đã làm thinh như vậy rất lâu, núp dưới bóng một cây bàng không cho ai thấy rõ. Tâm thì thầm trong hơi thở hổn hển:
Thôi, cám ơn Quít". Hắn chỉ nói có bấy nhiêu đó thôi trong khi nàng chờ đợi một cuộc tỏ tình, rồi hắn đâm đầu chạy mất, bỏ nàng bơ vơ nơi đó, và bơ vơ cho tới ngày nay.
Cuộc lội ngược dòng thời gian nầy như gột rửa được tâm hồn nàng thình lình, nó bỗng trong vắt như tâm hồn cô gái ngây thơ thuở đó và sự vẩn đục vì số tiền thoáng thấy, sự vẩn đục ấy chỉ là một xáo trộn phù du thôi.
Và như bất kỳ cô gái ngây thơ đang đói khát yêu đương nào, Quít tuyệt vọng và đau đớn hết sức khi Tâm buông càm nàng ra.
Ẳo ảnh bỗng tan biến như khói như mây, Quít xoay lưng thật lẹ để chạy lại chảo cá, một lần nữa nó đã bắt đầu có mùi khét trở lại, và nhứt là để dấu những hột lệ của nàng nó rịn ra ở khóe mắt nàng.
Tâm thở dài, tần ngần đứng lặng rất lâu, rồi lửng thửng đi lên nhà trên với chiếc nón mới trên đầu mà anh quên lấy xuống, vì nó nhẹ quá, không nghe là nó có.
Nằm dài trên chõng, tay gác lên trán, Tâm nghĩ vẩn vơ về nhiều việc quá không biết bao lâu, chừng Quít gọi anh dậy để ăn cơm, anh mới chợt tỉnh.
Đứng gần lửa hằng giờ, khi nãy mặt Quít đã ửng đỏ và giờ, vẫn còn rất hồng hào. Nhưng Tâm chỉ liếc trộm bạn thôi chớ không dám nhìn thẳng vào mặt Quít nữa. Anh lai, một lần nữa, chợt nghe rằng không thể được, và nhìn cái mặt xinh tươi ấy chừng nào, anh càng khổ thêm chừng nấy.
Anh cứ muốn cầm lấy tay Quít, cứ muốn hôn Quít một cái thật mạnh, thật dài, và có những ý nghĩ quấy. Mà càng như thế, anh càng có thể đi đến chỗ là anh không muốn đến.
Hôm nay Quít cho bạn ăn thịt bò xào lá lốp.
Hai bà cụ trước kia đã nhớ làng không nguôi, và cứ làm những món ăn thơm mùi đất nước mà hương lá lốp là một.
Canh hôm nay là canh mồng tơi, và cũng lại là một món gợi nhớ làng mạc xa xôi của hai bà cụ.
Đôi bạn nầy không nhớ làng vì họ theo cha mẹ tản cư lên Sài gòn hồi họ ba bốn tuổi, không bận bịu với quê hương lắm, nhưng họ cần nhớ mẹ ở xóm Bến Cỏ và nhứt là cần nhớ hai thời kỳ, thời kỳ thơ ấu và thời kỳ niên thiếu mà họ đã trải qua nơi xóm nghèo đó.
Nhưng bữa ăn hôm nay kém vui. Tuy nhiên, Quít vẩn ít tình cảm, nên qua mấy phút lạnh lùng là nàng đã quên được thất vọng của nàng, cố gây một không khí dễ chịu:
- Họ nói dân làm xe lửa, anh nào cũng nhiều vợ lắm phải không anh?
- Ừ.
- Sao vậy anh?
- Vì họ thường xa nhà nên họ buồn, tìm an ủi.
- Chắc anh cũng có gia đình riêng ngoài ấy?
Quít hỏi thật tình chớ không nói đùa. Nàng không tin rằng một anh con trai độc thân lại giữ mình được trước một đứa con gái như nàng.
- Không.
- Không thật à?
- Anh có gì phải sợ em mà giấu giếm.
Quả đúng như vậy. Quít nghe và tin Tâm bằng lời vì anh ta không cần giấu giếm. Anh có tán tỉnh nàng đâu và nàng có đặt điều kiện rằng anh phải độc thân mới ưng thuận đâu.
- Anh không buồn như họ sao? Đáng lý gì phải buồn hơn họ chớ?
- Anh buồn lắm chớ.
- Anh nên lấy hai ba vợ như họ, để có người săn sóc mỗi nơi mà anh ghé lại.
- Không, anh muốn gói trọn tình anh bằng một gói thôi. Mà gói ấy nhứt định phải ở Sài-gòn. Mồ mả cha mẹ anh ở đây, anh coi Sài-gòn là quê hương của anh.
- Nhưng sao anh cũng không lấy vợ Sài-gòn?
- Đã nói là chưa đủ tiền.
- Nếu vợ anh biết buôn bán để phụ giúp anh thì sao.
Hai Tâm chưa kịp trả lời thì đôi bạn bỗng cảm nghe một sự có mặt ngoài ngõ. Cả hai đều day ra nhìn và sự có mặt ấy khuất mặt ngay. Họ biết chắc rằng hắn đã dừng bước trước nhà để nhìn vào, mặc dầu họ vừa day măt trông ra là hắn rảo bước đi ngay, như là một kẻ qua đường thường.
Hắn trạc ba mươi, ăn mặc như là một công, tư chức khiêm tốn, Tâm thoáng thấy những chi tiết ấy.
Quít vụt liên kết gây sự rình mò nầy với tình trạng bất thường trong xóm từ sớm đến giờ là sự im lặng khó hiểu của một xóm lao động.
Trong khi ấy thì Tâm nổi ghen lên. Không, anh không ghen với người chồng bịa đặt mà Quít đã nói đến. Anh không nghĩ rằng kẻ lạ mặt dò xét nhà anh là người chồng đã ngược đãi Quít, nếu vì thế, hắn không theo dõi rình rập làm gì, đã đuổi nàng đi rồi kia mà? Còn như hắn có tiếc, muốn bắt Quít lại, hắn đã nhào đại vô đây rồi, vì hắn du côn, đâu có coi luật lệ ra gì, hắn nhào vô để lôi đầu Quít đi, mà có lẽ cũng để hành hung cả anh là người chứa chấp vợ hắn nữa.
Tâm ghen. Những ngày ngắn ngủi mà Quít ở đây và anh vắng nhà, đủ lâu để có kẻ chú ý tới nhan sắc của Quít. Kẻ ấy là những anh tài xế, những anh lơ xe đò, xe lô, đông hằng trăm ngoài kia, anh nào cũng bảnh hơn anh cả và cũng nổi danh là một cây o mèo.
Đã thấy là mình không thể lấy Quít làm vợ được, Tâm vẫn ghen. Anh chợt nghe mình yêu Quít nhiều quá, quyết buông mà cứ tiếc và thấy tình địch ở khắp mọi nơi, nơi mọi người.
Anh buồn dàu dàu và bữa ăn lạnh như nhà có đám ma chôn cất vừa xong.
Quít thì bấn loạn tâm trí nên không buồn gợi chuyện nữa. Nàng thoáng hiểu một điều và lo sợ vô cùng.
Họ lua cho hết chén cơm của họ, rồi Hai Tâm đi nằm liền, không biết ngủ hay thức, còn Quít thì dọn rửa hối hả để đi ngồi lê hầu lấy tin tức.
Nàng khỏi phải gạn hỏi ai điều gì hết: Tự nhiên người ta ngứa miệng nói. Thím Tư xích lô máy kề miệng sát tai nàng mà rỉ nhỏ:
- Nè, coi chừng có lính kín vô xóm.
- Hồi nào.
- Từ sáng đến giờ. Một người canh ở đầu ngõ, một người ở cuối ngõ. Thỉnh thoảng họ đi qua đi lại trong ngõ, dòm vào nhà cô.
Thím Tư nói xong, nhìn Quít trừng trừng để xét nét nàng, rình phản ứng của nàng, coi nàng có sợ sệt hay không. Đờn bà ở đây đã nghi ngờ hạnh kiểm của Quít dưới một khía cạnh khác: Quít chắc đã ăn cắp tiền của chủ nhà nơi mà nàng làm công rồi trốn đến đây.
Nhưng Quít bỗng thấy ngay sự thật, hay nói cho đúng ra, hiểu ngay cái mà nàng tin là sự thật! Hai người đờn ông ấy là nhơn viên kiểm tục, do thằng Ngân bắt bồ xúi họ theo dõi nàng. Có lẽ nó ngỡ nàng tách ra để làm ăn riêng và tìm biết được chỗ ở của nàng, nó phá cho bỏ ghét.
Đoán như vậy, Quít yên lòng ngay. Hai người ấy sẽ chán nản bỏ cuộc sau vài hôm vì họ không thấy gì khả nghi cả.
Chiều nay, nàng phải rủ Tâm đi dạo mát mới được, rồi ăn cơm ở ngoài cho tới tối mới về. Nàng phản làm cho hai nhơn viên kiểm tục hiểu rằng nàng có chồng, để họ bỏ cuộc sớm chừng nào hay chừng nấy.
Bị lính rình nhà trong khi mình vô tội thì không sao cả đối với pháp luật, chớ vẫn bị thiệt hại đối với dư luận trong xóm, nếu hai người ấy mà bỏ cuộc sớm thì đỡ khổ lắm.
Tâm ngủ trưa thức dậy thấy bạn đang tra khoen vào bức màn rộng bằng vải bông. Quít nói:
- Anh đi tắm đi, rồi vô đóng đinh giăng giùm em một sợi dây kẽm ngang nhà, trước giường của anh, kẻo ở ngoài thấy anh nằm, không đẹp chút nào.
Tâm thấy một khoanh kẽm mới và hai cây đinh lớn để trên bàn. Anh đi làm ngay công việc mà bạn yêu cầu, không hoan nghinh món đồ trang trí nầy lắm mà cũng chẳng thấy trở ngại nào. Anh đã quen ở trống trải như thế nầy từ bao lâu nay rồi, cả người anh, cả lòng anh đều phơi mặt ra ánh sáng, vì anh không có gì cần giấu ai.
Tâm đóng xong hai cây đinh, quấn xong một sợi kẽm vào một cây đinh là Quít cũng tra xong chiếc khoen cuối cùng vào màn.
Hai người hiệp sức nhau để treo bức màn ấy lên. Treo xong, Quít nói:
- Anh ra trước mà ngắm thử coi có cân bằng hay là một bên cao một bên thấp.
Hai Tâm lùi độ mười thước rồi dừng lại mà nhìn vào trong: Lạ quá, căn nhà bỗng như vách vừa trổ thêm một cửa sổ, trông sáng hơn trước nhiều.
- Đẹp lắm, anh khen.
- Nhưng cân bằng hay không chớ?
- Bằng.
Tâm vén màn bước vào trong thì thấy Quít ngồi trên chõng anh, Quít nói đùa:
- Em vừng buồng cho anh cưới vợ đó.
Cả hai cười xòa. Rồi Quít bước sang chuyện khác:
- Ta về Bến Cỏ thăm lại xóm cũ nghen anh.
- Cũng được.
- Sao lại cũng được. Anh nói như là miễn cưỡng mà phải đi.
- Không, anh ưa lắm chớ.
- Nhưng anh nói như là đi cũng tốt mà không đi càng tốt hơn.
- Tại tánh anh như vậy.
- Vậy anh hoan nghinh chớ?
- Ừ. Nhưng anh phải đi tắm cái đã.
Thấy rõ là Tâm cần người điều khiển. Anh hành động theo lời bạn như là một cái máy được lên dây thiều.
Mười phút sau, anh diện bộ đồ vía nhứt của anh, một cái quần đa-cơ-rông bóng chói như đồng đánh dầu để ăn Tết, một chiếc áo sơ-mi rằn ri, săng-đan đế kếp, tất cả các thứ ấy đều bán trên các vỉa hè Sài Gòn.
Quít đã thường gần gũi những người đàn ông thạo ăn mặc, ý thức được thế nào là sang trọng, thế nào là quê mùa, nhưng không bị mặc cảm phải đi chung với một anh con trai như Tâm vì nàng nhận Tâm trọn vẹn như thế ấy, với cái tốt lẫn cái không lịch sự của anh ta.
Quít cố ăn mặc cho đồng điệu với bạn: không điểm trang, áo bà ba đen, quần Mỹ-A, chơn đi guốc.
Tuy tự hạ nhan sắc của mình xuống như vậy, nàng vẫn còn đẹp quá, bảnh quá đối với Tâm. Đó là cảm giác của anh chụm đầu máy hỏa xa và của cả xóm.
Cả xóm đều nhìn "ông Tây bà Đầm" đi ra ngoài. Ừ, người bình dân không có thói quen đi dạo có đôi và hay đùa những kẻ làm thế, gọi họ là ông Tấy bà Đầm. Họ xầm xì vì sự chênh lệch phong độ giữa đôi trai gái nầy.
Khi nâng càm của Quít lên, hồi sáng nầy, Tâm đã thình lình thấy là anh không xứng với Quít về phong cách. Hơn thế, bằng vào sự thạo đời và thạo ăn xài của Quít, anh biết rằng kẻ đã theo một mực sống cao như vậy, khó lòng mà chịu kham khổ về sau.
Anh thương Quít nhiều quá, không nỡ lôi kéo bạn vào cảnh nghèo nàn của anh, cảnh nầy sẽ biến ra cảnh túng thiếu khi thêm một miệng ăn và biến ra cảnh bần cùng khi họ có con cái với nhau.
Đành rằng Quít đã ám chỉ đến một người đàn bà biết buôn bán giúp chồng, nhưng muốn buôn bán phải có vốn, mà anh thì không dư dả bao nhiêu, và xem chừng Quít cũng chẳng khá gì.
Bây giờ cảm giác của anh về sứ so le phong độ giữa hai người còn rõ rệt hơn khi sáng nữa. Đi với gái, Tâm mắc cỡ, đi với gái sang, anh càng xấu hổ hơn vì mặc cảm.
Mà khổ! Anh cố ý đi chậm để thụt lại đằng sau thì Quít cũng chậm bước. Hoảng hốt, anh nhanh chân lên thì Quít lại vội vàng chạy theo anh. Nó cứ cố xoay đủ cách để đi song đôi với anh.
Từ đầu ngõ xuống đến Nguyễn Trãi để đón xe buýt, Tâm thấy đoạn đường dài vô tận mà bên tay mặt anh là một dãy đoạn đầu đài đếm không xiết. Đó là những chiếc xe đò mà hằng ngàn hành khách, hàng trăm tài xế và lơ xe như là chỉ ngồi đó để mà rình anh.
Mà quả họ rình anh thật. Tất cả mọi người đều nhìn vào cái cặp kỳ dị nầy: một anh con trai nhà quê đi gần như chạy, và một cô gái đẹp có hạng, cố rượt theo, cả hai như là sợ trễ một chuyến đò nào.
Mãi cho tới lúc lên được trên xe buýt rồi, đôi bạn mới ngồi và thở dốc.
Quít bật cười khi nhớ lại cảnh kỳ cục lúc nãy, và lấy làm kỳ cho anh con trai ngồi cạnh nàng. Thật là rủi ro cho anh ta. Trên xe chỉ còn có mỗi một chiếc băng trống hai chỗ ngồi, anh không làm sao mà tránh bị Quít ngồi gần cả.
Hai Tâm cứ nhìn ra cửa, làm như cảnh lạ dọc theo phố Nguyễn Trãi hấp dẫn hơn cô gái đẹp ngồi sát anh nhiều lắm.
Quít không bị mích lòng, tủi thân, mà thích chí hết sức trước sự lẫn tránh của bạn. Con gái ngây thơ thích được chinh phục, còn con gái ca-líp của nàng thì lại ưa chinh phục con trai khờ khạo.
Tình mến thương Hai Tâm của nàng, được sự nhút nhát của người con trai nầy kích thích nên càng ngày càng mê anh ta.
Và bỗng Quít chợt thấy rằng cuộc đi dạo chiều hôm nay có lợi cho một mục đích thứ nhì nữa chớ không phải để làm mặt cho nhơn viên kiểm tục lời sự rình rập như nàng đã tính toán: trước cảnh cũ, tự nhiên cả hai, mà nhứt là Tâm, sẽ sống lại ý tình của anh ta thuở ấy, sẽ thấy nàng là con bé gánh nước mướn trong sạch và ngây thơ, và nhờ thế anh ta sẽ quên thực tại đi và có thể có cái gì nó cột anh lại với nàng và rồi anh ta không gỡ ra được nữa.
Quít không lo mình bị lương tâm cắn rứt bởi chính nàng thụ động chớ không có dở thủ đoạn nào để hớp hồn của Tâm cả. Chính tại hoàn cảnh khách quan tạo ra cái khí hậu thuận lợi cho Tâm bước lùi về dĩ vãng và tiến tới trong hiện tại.
Quít thất vọng biết bao khi tới nơi: đầu xa lộ đã biến hẳn gương mặt của xóm nầy. Cả hai đều bận sinh kế, không có trở về xóm cũ lần nào cả nên không hề hay biết có sự thay dối ở đây.
Ngôi công thự đồ sộ đã bị phá bỏ để lấy chỗ đắp đầu cầu làm cho nơi nầy trở nên quang đãng. Gương mặt sáng sủa nầy làm cho đôi bạn lạc hướng bỡ ngỡ lạ kỳ.
Họ rẽ tay trái, vào con đường nhỏ không tên, nối dài phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, mà ngày trước chỉ là một ngõ rất hẹp và bẩn thỉu.
Nhà cửa ở đây bây giờ cũng khá đẹp; nhà gạch cất thêm rất nhiều, vén khéo sáng lạng hơn trước bội phần.
Không bảo nhau, đôi bạn cùng bước nào một ngõ đâm thẳng góc ra ngõ nầy. Đó là ngõ đưa thẳng xuống mé rạch, đổ ra một ngõ chạy song song với con rạch trước một dãy nhà cất nửa trên bờ, nửa dưới nước, phần sau bếp nằm trên những cây nọc tràm chôn dưới bùn.
Tới ngã ba của hai ngõ hẻm đó, đôi bạn dừng bước nhìn sửng cây bàng bạn hữu của họ năm nào, cây bàng đã chứng kiến thời để chỏm của họ rồi mối tình thơ dại của họ, về sau đó.
Cây bàng bây giờ đã cao hơn trước hiều lắm. Có lẽ nó cùng lứa với họ.
Cả hai đều im lặng, nhưng cả hai đều thầm nói với nhau rất nhiều điều, Quít hỏi: "Anh có nhớ chăng, anh đã yêu em mà chưa bao giờ thỏa mãn thì bây giờ em đang đứng cạnh anh đây, sẵn sàng ngã vào tay anh thì anh còn đợi gì nữa?" Tâm đáp lại: "Đúng như vậy, anh đã yêu em nhiều lắm và cứ còn yêu em mãi mãi cho đến ngày tận cùng của thế gian nhưng đã trễ quá rồi, mặc dầu anh đã dám nói những gì mà ngày trước anh cứ ngập ngừng. Em đã hư, điều ấy anh không trách em nhưng không làm sao mà anh quên được rằng em bỏ anh lại ngoài sau em, rượt đuổi thế nào cũng không kịp em hết.
Lại không bảo nhau, cả hai đều rẽ sang tay trái, sau những câu đàm thoại câm lặng trên đây, rồi cùng rảo bước trên ngõ, trước dãy nhà day lưng ra rạch.
Không một mảy may thay đổi nào ở đây cả, bên mặt ngoài dãy nhà. Bên trong các gia đình có vẻ khá giả hơn xưa.
Họ chậm bước, nhìn vào từng căn nhà một để tìm người quen. Mà họ cũng tìm người quen thật. Nhưng không có gương mặt cũ nào xuất hiện cả, mặc dầu nhà nào cũng có người nhìn ra, sẵn sàng trả lời họ.
Ở đất Sài-gòn nầy, một thành phố đang chuyển mình trưởng thành, bốn, năm năm là lâu đời quá rồi và kẻ đi vắng trong khoảng thời gian ấy cũng giống như một Từ Thức về trần, không làm sao mà tìm ra những gương mặt quen thuộc được.
Khi đi mút ngõ hẻm, tới mé rạch, họ trở gót rồi lửng thửng đi lộn ngược các nẻo đã qua.
Tới cây bàng đánh dấu ngã ba đường, họ lại dừng bước nữa và lặng thinh đứng đó một hồi nữa. Quít cúi xuống lượm hai chiếc lá bàng, trao cho bạn một chiếc rồi hỏi:
- Anh có nhớ hay không, một đêm trăng sáng, anh đón em ở đây...
- Không, anh không có đón em, anh chỉ tình cờ gặp em thôi.
Quít mỉm cười mà rằng:
- Thôi được, cho là chính em đã đón anh. Nhưng ta đã gặp nhau tại đây, một đêm trăng kia....
- Ừ.
- Hôm nay cũng có trăng, tối ta trở lại đây để sống lại đêm ấy anh nhé.
- Mất công vô ích.
- Sao lại vô ích?
Tâm không đáp. Thật ra, anh không muốn nhớ xưa mà phải buồn.
Giữa hai người, kẻ quýnh quáng muốn được yêu là Quít chớ không phải Tâm, vì như đã nói, nàng muốn tìm lại con người đã mất của nàng, một cô gái ngây thơ đang ẩn náu trong lòng anh con trai còn ngây thơ kia.
Mặc dầu đã mặc hàng lụa hai trăm đồng một thước, Quít chưa bao giờ được hạnh phúc nên rất cần tìm lại hình bóng của những năm sung sướng nhứt của đời nàng.
Họ ra tới con đường nhỏ không tên nối dài phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quít rủ:
- Đi ăn thịt bò anh nhé.
- Tùy em.
- Hồi đó hai nhà, nhà anh với lại nhà em, đều ăn cơm tối thật sớm, theo như ở nhà quê. Giờ nầy là ta ăn. Gió mát lắm.
- Ừ, ngồi ăn cơm ở sàn nhà sau mát lắm.
- Tất cả những gì thân yêu của ta, đã xa quá rồi phải không anh?
- Ừ, xa quá rồi.
- Nhưng ta có thể gọi nó trở lại.
Một lần nữa, Tâm không đáp.
Sau Ðêm Bố Ráp Sau Ðêm Bố Ráp - Bình Nguyên Lộc Sau Ðêm Bố Ráp