A book is to me like a hat or coat - a very uncomfortable thing until the newness has been worn off.

Charles B. Fairbanks

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1073 / 40
Cập nhật: 2015-09-06 20:42:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
uít không có ăn cơm, mà cả sòng, ai cũng thế. Vì không đứt chến, họ ngồi luôn cho tới mười một giờ khuya; trong hai bữa ăn trưa và tối, họ bỏ bụng bằng bì cuốn trừ cơm. Bì cuốn là món ăn tiện nhứt, khỏi phải day ra ngoài, lại có được một bàn tay rảnh rang để tiếp tục đánh bài trong lúc ăn.
Về tới nhà nàng mệt nhừ và ngủ được ngay khỏi phải băn khoăn lôi thôi như đêm trước. Trong lúc lim dim, Quít có cảm giác rằng các tay bài toa rập với nhau để lận nàng nhưng nàng không dám chắc lắm. Và nàng cầm bằng như là mua vui, mua bằng số tiền ba trăm bạc mà nàng đã thua.
Sáng ra, nàng mở cựa đi rửa mặt và mong có người mang cà phê sữa tới như hôm trước. Nhưng nàng phải thất vọng rồi đành ra tiệm Tư Mẹo mà ngồi.
Sau bữa điểm tâm, chính nàng đi tìm thím hai Nỉ vì nàng buồn ghê hồn, nghe lòng trống không kỳ lạ, và nhứt là buồn vì tiền gần hết mà sinh kế thì chưa biết ra sao. Nàng phải tìm cái gì để lấp cho đầy ngày nay.
Té ra thím hai Nỉ bận tiếp khách. Hèn chi mà thím không tới nó.
Đó là hai người đàn ông lạ, có tác phóng thầy bói dạo lắm. Quít so sánh như vậy vì nàng đã ăn ở với một anh thầy bói dạo ngót một năm trường.
Thím hai không giới thiệu hai đàng với nhau, mà chỉ xin lỗi:
- Cô Bảy đừng phiền nha. Tôi có khách như cô đã thấy. Vậy hôm nay nghỉ một bữa.
Một ông khách lo lắng hỏi:
- Nghỉ làm công việc gì? Thôi để tụi tui đi cho chị làm ăn.
Thím hai cười hề hề rồi đáp:
- Nghỉ đậu chến ấy mà, chớ có làm cái khỉ khô gì đâu.
Khách cũng cười mà rằng:
- Ngỡ gì!
Rồi mắt họ sáng lên. Người thứ nhì nói:
- Tụi nầy cũng ham giải trí lành mạnh bằng cách đó lắm, nhưng lại rất ghét tứ sắc vì ngồi lâu mỏi lưng lắm! Mấy thằng đánh tứ sắc là mấy thằng chỉ cố chịu trận để kề vai cọ vế với các bà thôi, hoặc là mấy thằng bị mụ bà nắn lộn, đờn ông mà tánh đờn bà, chớ tụi nầy thì chỉ đánh phé, đánh cắc-tê.
- Nhưng tụi nầy lại không biết chơi các thứ bài mà đàn ông thích chơi.
- Hay là đánh bài cào. Thứ nầy thì dễ ợt chỉ đếm nút ăn tiền thôi, chớ không cần học hỏi gì, cũng không phải có tài cao thấp như cắc tê.
Thím hai không đáp lời họ mà nhìn Quít rồi hỏi:
- Cô Bảy chơi hay không?
- Đánh thì đánh. Quít trả lời xui xị, không phấn khởi lắm.
Thoạt tiên Quít vùa luôn tay, rồi thì linh đinh ba chìm bảy nổi, khi sụt khi trồi. Nhưng sau đó bài nàng xấu quá hoặc không xấu mà người ta thì tốt quá nàng tám, người ta chín, cứ như vậy cho đến khi mà hai túi nàng trống không, nàng tuyên bố hết tiền thì rả sòng, mấy người kia no như cưởng chữa, còn nàng thì không còn lấy một tí dính lưng.
Được cái là ăn thua lẹ quá, khỏi đau lưng cúp cổ gì hết.
Quít không thể dè rằng người ta cũng gian lận được trong cái trò đếm nút ăn tiền nầy, nên nàng không hối hận đã dại dột để cho lũ bọn chúng lường gạt.
Nàng chỉ khổ về chỗ cháy túi thôi. Trước kia, nàng cũng thường cháy túi, nhưng tạm vay mượn rồi vài hôm sau là thanh toán được ngay với số tiền lời xanh-xít đít-đuôi phải trả cho chủ nợ. Nhưng giờ đã quyết bỏ nghề thì đào đâu ra tiền để mà trả nợ, cái món nợ cắt cổ một trăm đẻ ra trăm hai ấy?
Trời lại tối, Quít vừa toan tắt đèn đi ngủ sớm để trốn khách thì bỗng nàng hết cả hồn vía mà thấy Nết bước vào.
Nết là một con bạn đồng nghề với nàng, đã thoát được nhờ cuộc giải vây hôm nọ. Nàng ngỡ Nết bị tra tấn nên đã khai tùm lum ra và giờ dẫn lính về đây để bắt nàng, nên không vội mừng bạn, nàng nhìn ra ngõ xem có ai đi theo Nết hay không.
Hú vía, ngõ vắng hoe.
- Trời ơi! Bà!
- Xuỵt, đừng nói lớn. Có gì lạ?
- Không có gì lạ hết. Hổm nay trốn ở đâu?
- Ở Bàn cờ. Nhưng đã bị bắt lại.
Quít tái mặt hỏi vội:
- Bị bắt lại? Trời? Rồi...
- Không sao đâu. Đã bị bắt lại, nhưng rồi lại trốn thoát được.
- Sao giỏi dữ vậy?
- Nhờ có bồ giúp.
- Sao dám về đây?
- Phải đánh bạo về để thanh toán căn nhà. Vậy đừng cho ai biết là tôi đang trốn chui, trốn nhủi kẻo họ bắt chẹt, trả rẻ cái nhà. Tôi sẽ nói láo với họ là tôi được thả, nghĩa là không quýnh quáng đến đổi bán rẻ nhà, hiểu chưa?
- Hiểu rồi.
- Tôi phải lo cho xong nội đêm nay.
- Rồi đi đâu?
- Thằng Ngân nó mướn buyn-đin.
- Biết rồi.
- Nó định giúp tôi, nhưng nó xét kỹ lại thì tôi già quá?
- Già đâu mà già. Bồ mới hăm ba.
- Nhưng mà già đối với chương trình của nó. Nó định biến tôi thành học trò. Nhưng tôi hơi quê, vả lại học trò mà hăm ba thì khó tin. Thành thử nó cho lên cái ổ bình dân trên cổng số 6.
Nè, nó nhắn bà nên nghĩ lại. Tôi ghé nhà bà chỉ để nói bấy nhiêu đó thôi, rồi phải đi ngay. Đây là tuy-dô cuối cùng: nó hợp tác với kiểm tục để chỉ cho họ bắt mấy cái ổ độc lập, xin báo trước cho bà biết mà đề phòng.
Bây giờ Quít mới chợt hiểu tất cả sự thật. Cuộc bủa lưới của bọn ma-cô thật là đáng sợ.
Bây giờ nàng mới chợt thấy những bằng cớ nho nhỏ chứng tỏ rằng hai người khách đàn ông của thím hai Nỉ không phải tình cờ mà có mặt. Cả đến cái sòng bài cào ứng khẩu cũng không phải là ứng khẩu. Đó là một sự sắp đặt khéo léo để vét túi nàng, hầu đẩy nàng vào cảnh nguy khốn cháy túi.
Lưới ma-cô thật là ghê rợn. Cho đến những cô con gái nhà lành kia mà còn không thoát khỏi chúng nó thì nói chi đến bọn trong giới như nàng, bọn có tì có vết, cần được no bụng yên thân.
Giờ nàng đã đói rồi, lại nơm nớp lo sợ nó dẫn kiểm tục về đây phá đám nữa.
Biến cố lớn trong lòng nàng từ đêm bố ráp đến nay, cái kỳ kỳ không cắt nghĩa được, cái cần một thứ gì khác hơn là sinh lý và no bụng cái kỳ kỳ ấy vẫn còn kỳ kỳ mãi.
Nếu có gì để ăn trong một tháng, có lẽ nàng sẽ thoát. Nhưng thực tế là nàng cần ăn cơm, cần ngay sáng hôm nay, thành thử sáng ra, Quít xuống đình Tân Kiểng mà không nghe bị lương tâm rầy rà gì hết.
Quít năm nay cũng đã hăm ba rồi, nhưng trông cứ như là mới mười tám với gương mặt ngây thơ của nàng, nhứt là tánh tinh nghịch trẻ con của nàng thì đặc là học trò. Vì thế mà bọn thằng Ngân quyết lôi cuốn nàng cũng phải.
Kẻ túc trực ở "văn phòng" đình Tân Kiểng là gã con trai bấm ra sữa để râu Cờ-Lạc-Gáp đã làm bộ đánh rơi con dao găm hôm nọ.
Cửa "văn phòng" đã mở, nhưng hắn còn ngủ trên giường cởi trần, vận xà-rong.
- Ê nhỏ, dậy mau lên mầy! Quít quát thế khi để chơn vào nhà.
Thấy nó không nhúc nhích. Quít búng mũi nó bằng ngón tay trỏ của nàng và cái máy bắn là ngón tay cái của nàng. Nó giựt mình, nghe đau điếng, toan chưởi thì chợt thấy con Quít, nó tươi cười ngay, lồm cồm ngồi dậy reo mừng:
- A, Kim Thúy, em đến bao giờ đó?
- Chị hai mầy chỉ mới tới thôi.
Gã thanh niên râu không bị mích lòng trước câu nói trịch thượng của Quít, cười hề hề rồi lại hỏi.
- Em tìm anh Ngân hả?
- Ừ, chị hai mầy muốn gặp mặt ông chủ của mầy lập tức.
- Rất dễ và anh rất sẵn lòng. Nhưng đi uống cà phê với anh nhá?
- Chị hai mầy không có thì giờ. Đưa ngay tao tới ông chủ của mầy, không thôi chết đòn bây giờ.
- Thôi được. Ra ngoài cho anh thay đồ.
- Không cần. Mấy là thằng bé con thì không ai thèm ngó đâu mà sợ mất màu.
Giây lát sau, Quít được đưa đến một căn nhà ở đường Phan văn Trị.
Nàng nghe nói Ngân hiện sống bám vào một người nhơn tình giàu triệu phú. Nhưng người đàn bà đang ngồi ăn sáng với hắn lại trẻ đẹp, trạc tuổi hắn, nghĩa là lối ba mươi ngoài.
Kẻ đưa đường nàng, bỏ nàng ở đó rồi đi ngay, không chào hỏi ai cả. Ông chủ nhà thì reo lên:
- À, Kim Thúy! Nhào vô uống cà phê em!
Cô nhơn tình của Ngân chỉ làm thinh mà nhìn Quít từ đầu đến chơn, như chú chệt mua heo. Hài lòng, ả ta mỉm cười kéo ghế cho khách ngồi cạnh nàng.
Ngân sớt cà phê ở ly của hắn và ở ly của nhơn tình hắn, làm ra một ly thứ ba đẩy tới trước mặt Quít và mời:
- Uống đi em. Em tìm anh có chuyện gì?
- Nhận điều kiện hôm nọ.
Quít đáp xẵng lè, ra vẻ không cần gì ai. Nàng không làm bộ, nhưng mà đây là một việc mà nàng làm miễn cưởng, nên lấy giọng kẻ cả cho sướng miệng.
- Hoan hô! Em biết điều lắm đó.
Rồi nhìn nhơn tình hắn, Ngân ra chỉ thị:
- Em tập cho Kim Thúy vài hôm theo lời dặn bảo của anh. Chịu khó em nhé.
- Sẵn lòng.
- Kim Thúy nè.
- Gì?
- À, em uống cà phê đi chớ, rồi anh mới nói.
Quít bưng ly cà phê lên rồi nốc một hơi thì hết sạch. Ngân đẩy bình trà và một cái tách trước mặt nàng, không mời nước mà nói:
- Chị em đây, Thu Hà. Em muốn ở luôn đây với chị em cũng được, hay là thích về nhà riêng của em thì tùy ý. Nhưng dầu sao mỗi ngày hai bữa cũng phải có mặt để tập dượt.
- Dượt cái gì?
- Em nên biết rằng từ đây em là gái thơ.
- Biết rồi.
- Hơn thế, em là nữ sinh, con nhà giàu mà suy sụp.
- Cũng biết rồi.
- À, em đọc chữ quốc ngữ chạy chớ?
- Chạy.
- Có chạy rót hay ngập ngừng?
- Chạy rót.
- Tốt lắm! Vậy em là đứa có học, em là nữ sinh lớp Đệ Tam trường Huyền Trân Công Chúa.
- Tại sao lại lớp Đệ Tam chớ không lớp nào khác?
- À, em là Trần thị Kim Thúy nhé! Thuộc tên chưa?
- Thuộc rồi.
- Đệ Tam là lớp cao nhứt mà học trò không có bằng gì cả. Em không thể khoe học Đệ Nhị vì học xong Đệ Nhị là sẽ có Tú Tài I, nay mai mà có Tú Tài I, em sẽ đi làm được rồi chớ sao phải chơi bời.
- Hiểu rồi.
- Cô Trần thị Kim Thúy mồ côi cha, ông cha ấy là công chức cao cấp, nhưng thanh liêm, không có ăn hối lộ, nên ông nhắm mắt là gia đình chỉ còn hai bàn tay trắng.
Mẹ em quen làm bà lớn nên không biết xoay sở, mà chín đứa em của em thì còn nhỏ dại và còn đi học cả, rất tốn kém. Nhớ không?
- Nhiều quá, không nhớ cho hết.
- Không hề gì. Chị Thu Hà sẽ nhắc lại nhiều lần kỳ cho đến khi nào em thuộc. Nếu kể đời em, rồi em rưng rưng lệ được thì còn ăn chắc nữa.
À, trường Huyền Trân, ông hiệu trưởng đỏ mũi vì ông ấy là một cây huýt-ky. Ông Tổng giám thị cụt một ngón tay trái. Còn ông giáo sư toán giỏi nhứt tên là Nghiên.
- Những chi tiết ấy ích lợi ở chỗ nào?
- Nhiều thằng nó rắn mắc sẽ hạch sách em để kiểm soát coi em nói thật hay nói láo, rủi gặp một thằng dị hợm như vậy mà có con em học ở đó thì em sẽ bị lộ tẩy, nếu nó hỏi sơ vài chi tiết.
- Rủi nó hỏi bài vở thì làm sao?
- Chúng nó quên mất mẹ hết rồi đâu còn nhớ khỉ khô gì mà hỏi. Chỉ lo chúng nó hỏi chuyện đời thôi, chẳng hạn như chuyện xi nê.
Là nữ sinh của thế hệ bây giờ, hẳn em phải là một cây xi nê. Em phải đi xem một mớ phim mới được, mà phải biết tên một mớ đào kép danh tiếng như là Mạc-Lông Bờ-Răng-Đô, Tô-Ni Kuyệt-Tín, Bê-Bê, Sô-Phi-A Lô-Ren, Dan Phông-Đa; Xăng-Tra Đi v.v.
- Thật là bể đầu, Kim Thúy cười nói.
- Coi vậy mà vài hôm là em sẽ thuộc hết. Thu Hà nhớ thỉnh thoảng bắt nó trả bài cho chắc bụng là nó thuộc làu.
Ngân dặn bồ một lần nữa điều đó rồi tiếp tục huấn luyện. Hắn đã ăn xong bữa điểm tâm. Hắn đứng lên bước vào trong, mở hộc tủ đầu giường lấy ra mấy quyển sách, rồi đến trước mặt Kim Thúy bảo:
- Đọc thử xem.
Kim Thúy đọc lớn lên:
- 160 bài toán đại số của một ban giáo sư Hóa học lớp Đệ Tam của Bùi Kim Bảng, cử nhân Khoa học.
- Tốt lắm, Ngân khen, em đọc xuôi rót. Sách nầy sẽ để trên đầu giường của em. Đó là bằng chứng chỉ nữ sinh của em đó, em khỏi phải khoe cái gì hết ráo, họ cũng tin chắc em là nữ sinh.
- À nè, không được ăn mặc đen nghe chưa. Mà cũng không được mặc bà ba nữa, quê mùa lắm. Phải mặc bi-da-ma kia, hay mặc đầm, mặc din, cái gì tùy thích. Anh sẽ ứng trước tiền cho em may sắm. Tóc cũng phải làm lại nữa. Tóc của em trông giống như là tóc của tụi vợ bạc-ti-dăng đàng Thổ hết sức. Phải uốn lọn lớn nghe chưa, nhưng lọn lớn tuy không quê, lại có vẻ già. Thôi thì em gióc bính vì gióc bính trông càng ngây thơ hơn giờ. Nên học ca bậy bạ vài bản tân nhạc với chị Thu Hà.
Đây em lấy ba ngàn để may mặc mua sắm.
Ngân nói xong xỉa ra liền ba ghim bạc, khiến Quít, à không Kim Thúy, hơi tối mắt. Làm ăn trong xóm bình dân mỗi tháng nàng kiếm ngoài ba ngàn là cùng.
Ở đây, chưa chi mà Ngân nó dám ứng trước một lúc những ba ngàn thì rờ-xết hẳn phải nhiều lắm.
Ngân nói với bồ hắn:
- Em nên chỉ hiệu may cho nó, kẻo nó may ở các hiệu cá kèo, mặc quê mùa chịu không nổi. Cố nhiên là nên hy sinh may bằng vải của tiệm, sẽ bị chúng nó đập, nhưng chúng nó đã vơ vét hết vải tốt, mua không thể nào mà đẹp bằng lấy vải của chúng nó. Em cũng nên chỉ cho Kim Thúy các hiệu nước hoa. Nó sức cái nước hoa bần cố nông chế tạo tại Chợ Lớn, nghe khó chịu quá.
Lại nên tìm mua lại của học trò thứ thiệt một chiếc cặp da cho thật cũ, để trên tủ đầu giường của nó cho điệu nhạc hòa hợp, không có nốt nào sai cả.
Sau Ðêm Bố Ráp Sau Ðêm Bố Ráp - Bình Nguyên Lộc Sau Ðêm Bố Ráp