Trong chừng mực nào đó, chúng ta đôi khi phải chấp nhận những điều không như ý. Nhưng tuyệt đối không được từ bỏ niềm hy vọng.

Martin Luther King, Jr

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1073 / 40
Cập nhật: 2015-09-06 20:42:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
óm Cây Điệp lặng trang. Nhiều nhà ngủ đã được một giấc khá dài rồi. Một số nhà khác còn làm lụng, nhưng họ chỉ gây tiếng động nho nhỏ thôi chớ cũng không có ai nói gì.
Đèn dầu hôi của những người làm việc ban đêm không để lọt ánh sáng ra ngoài, nên ngõ hẻm tối om.
Quán Tư Mẹo giống một cái đảo ánh sáng và đảo tiếng nói giữa biển bóng tối và im lặng nầy.
Ánh đèn nê-ông của quán càng về khuya lại càng sáng nhiều và tiếng nói cười trong quán, càng về khuya càng vang dậy lên mặc dầu họ chỉ có bảy tám người thôi.
Người nào cũng mặt đỏ gay, mở nút, banh áo, phơi ngực ra và chửi thề ỏm tỏi.
Trước mặt họ là những dĩa gân bò luộc, những dĩa riềng, những dĩa tương và những ly rượu thuốc, những ly rượu đế.
Tư Mẹo ngồi ngáp dài sau quầy, coi bộ sốt ruột lắm, vì bọn nhậu nhẹt có vẻ muốn ngồi lì đó cho tới sáng.
Bỗng ngoài đầu ngõ, một chiếc thùng thiếc không rơi xuống đất từ đâu trên cao, kêu đánh rầm một tiếng.
Tư Mẹo vội tắt phụp ngọn đèn nê-ông độc nhứt trong quán.
- Đ... m... sao lại tắt đèn đi?
Một khách nhậu đơn độc, tình cờ bắt chợt được hành vi ấy của chủ quán, chưởi thề mà hỏi như vậy. Mấy người khác ngỡ banh điện nên làm thinh.
- Bố ráp. Tư Mẹo bình thản đáp.
- Bố ráp hả?
- Có chắc hay không?
- Nguy quá ta!
Cả quán nhao nhao lên. Chủ quán giải thích:
- Tôi có đặt người rình ngoài đầu ngõ, và vừa nghe ám hiệu báo động của y.
Hệ thống canh gác và báo động nầy của Tư Mẹo đặt ra, nhưng không phải do một mình hắn đài thọ. Trong xóm còn có nhiều kẻ khác cần sự báo động ấy, nên họ đóng góp nhau mà trả lương cho người canh gác và y làm việc cho một đoàn thể, một đoàn thể mà nghề nghiệp khó lòng thú nhận được với pháp luật.
- Hay là họ xét tờ khai gia đình? Đ... m.. mới xét hôm tuần rồi, sao nay lại xét nữa? Một khách nhậu tự hỏi lớn lên một mình.
- Không biết, chủ quán đáp. Nhưng giờ đã hơn một giờ đêm, và quán thì đáng lý phải đóng cửa từ lâu rồi. Mời bà con ra cho.
- Rút nè, ta!
Bảy tám tay lưu linh vội nhảy vọt ra ngoài vì họ đều là những người không được sạch sẽ lắm: có anh không thẻ căn cước, có anh không hề khai gia đình ở đâu cả, một anh đang tại đào vì một trọng tội.
Tư Mẹo không kịp tiếc số tiền đã mất và không kịp nhận ra trong bọn chạy có hai thằng chuyên môn ăn rồi chạy, cho dẫu không có bố ráp gì hết ráo, vì anh bận lo đóng cửa lại cho thật lẹ.
Đóng cửa xong, anh quờ quạng trong bóng tối toan thu dọn để xóa mất dấu vết bán trễ, hầu lính có vào thì sẽ không bắt bẻ anh được chỗ nào.
Nhưng anh chỉ gây thêm cảnh chài bài vì vội vàng và không thấy đường nên đập bể hai cái ly, một cái chén, tiếng pha lê và tiếng đồ sứ vỡ kêu lổn rổn.
Hai anh con trai phụ sự với anh thì đã trốn mất ngay từ lúc họ mới nghe báo động, vì họ từ tỉnh xa lên mà không có xin giấy di trú nên không khai gia đình được.
Con anh đang ngủ trong buồng với mẹ nó; nghe tiếng động, khóc ré lên, vợ anh phải dỗ nó, thành thử anh cũng không nhờ được vợ giúp thêm một tay để thủ tiêu bao nhiêu tang vật ngổn ngang trên bàn.
Bấy giờ Tư Mẹo cuống lên, đóng chặt cửa lại, làm như anh có thể bế môn thủ thành đối với nhân viên công quyền.
Tiếng đế giày da đóng đinh đã nổi lên, đế giày đóng đinh đã nện lên những viên gạch, những viên đá xà bần đổ trên ngõ hẻm cho ráo ngõ, nện lên ván của những chiếc cầu gỗ, bắc qua các mương trong ngõ, giữa đêm lặng sao mà nghe ghê rợn quá!
Tư Mẹo hồi hộp lắng nghe tiếng bước tiến gần vào rún xóm, bối rối lắm, không biết phải hành động làm sao. Nếu lính vào quán, anh phải thắp đèn lên và bằng cớ anh bán quá giờ sẽ triển lãm ra rõ ràng, không thể chối cãi được.
Nhưng bằng vào sự im lặng của cảnh sát đêm nay, anh suy luận rằng họ làm gì ấy chớ nhứt định là không phải xét tờ khai gia đình đâu. Lần nào xét tờ khai gia đình họ cũng lên tiếng vang dậy ngoài ngõ có lẽ để đánh thức mọi nhà, hoặc để người ta đủ thời giờ dòm qua kẻ cửa xem coi có phải thật là cảnh sát hay không, hay là ăn cướp, có thế họ mới dám mở cửa.
Tư Mẹo nghĩ thế nên tự trấn tỉnh lại được, vì nếu không xét tờ khai gia đình thì họ không vô quán anh làm gì. Anh đã cãi tà qui chánh từ hơn sáu năm nay rồi thì không còn phải sợ nhà chức trách nữa.
Họ đã đi qua khỏi nhà anh rồi. Tư Mẹo nghe nhẹ nhõm cả người nhưng không nhẹ bằng các người lương thiện khác trong xóm đâu.
Ngày xưa, hồi còn Tây, cảnh bố ráp ban đêm đã gieo khủng khiếp với những cái đầu trùm bao bố có xoi hai cái lỗ sâu hóm trông như oan hồn ma hiện về báo oán, những cái đầu trùm bao bố ấy, để vừa lòng Tây, đã gật ẩu xị, khiến bao nhiêu dân lành đã phải chịu lao tù.
Giờ thì trái lại, dân trong xóm mong chờ các cuộc bố ráp như thế nầy. Họ có con trai, nhứt là con gái mới lớn lên, mà bọn du thủ du thực, nhứt là "bọn kia". Cái bọn rậm rật như chó tháng bảy ấy, đã nêu gương xấu, họ sợ chúng mà không dám làm gì chúng nên mong nhà cầm quyền dọn dẹp sạch sẽ xóm họ để trí lòng con em họ được sạch sẽ trở lại.
Cảnh sát bủa ra vây lấy năm căn nhà lá ở trong cùng rồi gọi cửa để xét nhà. Cảnh sát chỉ là lực lượng cứu viện cho mấy người nhơn viên kiểm tục thôi. Mấy người nầy không đủ sức vào đây hoạt động.
Một lát sau, họ, kiểm tục và cảnh sát, trở ra dẫn theo ba cô gái và hai người đàn ông không có vẻ là dân lao động trong xóm.
Họ rọi đèn bin vào các xó kẹt rồi thầm thì nói với nhau:
- Có hai đứa vuột khỏi, không biết chúng biến đi ngã nào.
- Có xâm thử vách lá chớ?
- Có, vách thật chớ không phải vách đôi trá hình.
- Thôi, rút.
Sau Ðêm Bố Ráp Sau Ðêm Bố Ráp - Bình Nguyên Lộc Sau Ðêm Bố Ráp