Khi học trò đã sẵn sàng, thầy giáo sẽ xuất hiện.

Ngạn ngữ cổ Trung Hoa

 
 
 
 
 
Tác giả: Miyamoto Teru
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3112 / 15
Cập nhật: 2015-07-29 17:51:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17
òn chuyện này nữa, tôi cũng định bụng nhất định phải viết cho em. Tôi sẽ cố gắng viết thêm vào đây một cách ngắn gọn. Trong thư em có nhắc đến bố mình đúng không? Rằng “Bố là người rất tỉnh”. Thực tế, Hoshijima Terutaka là người có thể đi guốc trong bụng người khác, đến mức ta phải rùng mình khiếp sợ. Tôi vẫn thường nhớ đến ông với một ấn tượng sâu sắc. Ông đúng là con người đam mê công việc, là người đã xây dựng nên công ty xây dựng Hoshijima. Trong gia đình, ông cũng là một người khiến ta cảm thấy ở ông một sự nghiêm khắc nào đó rất khó gần và vẻ lạnh lùng có phần hơi khó hiểu. Còn ở công ty, ông cũng là một giám đốc khiến đám nhân viên phải thấy khiếp sợ. Thế nhưng, tôi có một kỷ niệm đáng nhớ về ông mà tôi không thể nào quên được.
Một hôm, tôi bị gọi lên phòng giám đốc. Tôi vừa gõ cửa vừa thầm nghĩ, chắc mình lại bị mắng nhiếc gì đây. Thế rồi, tôi thấy ông không ngồi trên ghế của mình, mà nằm dài trên sofa, đang chăm chú gấp máy bay bằng những tờ giấy, và phi chúng khắp phòng. Thấy tôi, ông liền phi một chiếc máy bay mà ông vừa gấp về phía tôi. Ông vẫy tay ra hiệu cho tôi đến cạnh ông, rồi khẽ thì thầm: “Ta có chuyện này muốn trao đổi với anh. Anh đừng nói cho ai biết nhé. Nếu anh nói chuyện này với Aki là ta không tha thứ đâu”. Thế rồi trong khi tôi đang chưa hiểu mô tê gì, ông nói: “Có một người phụ nữ mà ta thấy rất thích”. Rồi ông đưa mắt nhìn sang hướng khác và lẩm bẩm, ta và người ấy cũng sắp đến thời điểm ấy rồi. Tôi ngạc nhiên hỏi lại, ai thế hả giám đốc? Ông nói tên một nhà hàng lớn ở Minami mà công ty vẫn thường tới đó mỗi khi tiếp khách. Chúng ta hãy bỏ qua cái tên của nhà hàng đó nhé. “Người phụ nữ đó là geisha(9) hay là bà chủ nhà hàng đó hả giám đốc?”. Tôi sốt ruột hỏi ông. Ông trả lời rằng, chẳng phải geisha, cũng chẳng phải bà chủ nhà hàng, rồi ông hắng giọng và lườm tôi: “Bà chủ ở đó bảy mươi mốt tuổi rồi đấy. Vớ vẩn!”. Sau đó, ông đã nói cho tôi tên một người phụ nữ. Người ấy là cô con gái út của bà chủ nhà hàng đó. Chồng cô ấy đã mât hai năm trước. Từ đó, cô ấy về nhà mẹ đẻ. Hồi này cô ấy thường xuyên thay mẹ mình xuất hiện tiếp đón khách. Tôi cũng có mấy lần gặp cô ấy rồi. Cô ấy quãng chừng ba mươi hai, ba mươi ba tuổi, và rất hợp với bộ kimono. Tôi vẫn nhớ rõ hình ảnh cô ấy, một người phụ nữ khả ái với chiếc mũi cao nhỏ nhắn, cặp mắt lá dăm, và đôi gò má tròn trịa. “Sắp đến thời điểm ấy có nghĩa là chưa có gì đúng không ạ?”. Nghe tôi hỏi vậy, ông nhìn tôi với vẻ bực mình, rồi trả lời rằng, vấn đề chỉ còn là thời gian nữa thôi. Nói rồi, nét mặt ông chợt thay đổi, trông tồi tội, và ông bảo: “Ta giờ đã sáu mươi, người ấy mới ba mươi hai. Anh thấy thế nào?”. Tôi nói: “Người ấy góa chồng, còn vợ giám đốc đã mất được bảy năm rồi. Hai người có gì mà phải ngần ngại chứ”. Thế rồi ông vừa nhả khói thuốc, vừa nhìn tôi, lẩm bẩm. Khi làm việc hay khi gặp gỡ mọi người, ta đều thấy một cảm xúc rất kỳ lạ. Ta cứ thấy thấp thoáng nét mặt người phụ nữ ấy mà lòng thì không yên. “Đó là tâm trạng khi yêu đấy ạ”. Tôi vừa nói vậy vừa cười, còn ông thì đáp lại bằng một giọng chẳng ra hơi: “Có lẽ là tình yêu chăng...”. Tôi gặng hỏi ông về cái lần đầu tiên của hai người như thế nào, nhưng ông nhất quyết không nói về chuyện đó. Tôi không thể nào tin nổi giữa giám đốc Hoshijima Terutaka và cô con gái của bà chủ nhà hàng, người đã góa chồng từ hai năm trước, người đang ở độ tuổi sung sức nhất của đời người, lại có chuyện “sắp đến thời điểm ấy”. “Nào, ta chỉ nói với mỗi anh thôi đấy. Anh bảo ta phải làm thế nào bây giờ?”. Bị ông hỏi vậy, tôi vừa cười tủm tỉm vừa trả lời ông rằng: “Đúng là hồi xuân”.
9. Geisha: (nghĩa đen là “con người của nghệ thuật”), là nghệ sĩ vừa có tài ca múa nhạc lại vừa có khả năng trò chuyện, là một nghệ thuật giải trí truyền thống của Nhật Bản.
Ba tuần trôi qua kể từ sau hôm đó. Tôi lại bị gợi lên phòng giám đốc. Lần này, ông đang chống tay lên bàn giám đốc, ngồi đợi tôi. Tôi ướm hỏi: “Chuyện công việc ạ? Hay lại chuyện đó ạ?”. Ông trả lời: “Lại chuyện đó ý mà”. Rồi ông nói: “Ôi, đến rớt nước mắt mất thôi”. Cuối cùng thì ta với người ấy cũng vào trong nhà nghỉ. Không hẳn là đã vào, mà phải nói là đã đến lúc phải vào thì đúng hơn. Ta đây thì luống cuống, nhưng nàng thì có vẻ như đã hoàn toàn sẵn sàng. Ta cứ nghĩ rằng với một hay hai cô thì cũng là chuyện nhỏ với ta. Nhưng không, hóa ra ta vẫn chưa sẵn sàng cho việc ôm trong vòng tay mình cơ thể một người phụ nữ khỏa thân. Càng vội vàng càng chẳng nên chuyện. Anh có hiểu nỗi khổ tâm khi ấy của ta không? Ôi! Ta buồn quá! “Đấy là giám đốc căng thẳng quá thôi ạ. Bởi khi yêu người ta vẫn thường thế mà. Ai cũng vậy cả thôi ạ. Lần tới sẽ suôn sẻ hơn đấy ạ”. Tôi vừa cố an ủi, động viên ông vừa cố nhịn cười. “Ừ, có lẽ ta đã căng thẳng quá chăng”. Ông vừa bâng quơ nói khe khẽ vừa ngước mắt lên nhìn tôi. Đoạn, nét mặt ông lại nghiêm trang với vị trí của một giám đốc. Ông nhấn mạnh rằng, ta chỉ tiết lộ với riêng anh thôi đấy nhé. Dứt khoát anh không được nói cho Aki biết đâu nhé. Bởi thế, tôi đã hoàn toàn không mở miệng nói cho em biết chuyện này.
Tôi không rõ chuyện giữa bố em và và người phụ nữ ấy sau đó ra sao. Có lẽ ông chỉ mới kể cho tôi nghe một phần rất nhỏ trong chuyện của ông với người phụ nữ ấy. Chắc hẳn, ông không hề nói cho ai nghe mà chỉ cất giữ trong lòng mình rất nhiều kỷ niệm với người ấy. Và đây chỉ là linh cảm của tôi thôi, nhưng tôi vẫn cho rằng, giám đốc Hoshijima sau lần đó sẽ không thử lại một lần nữa với cô gái kia đâu. Khuôn mặt của bố em khi ông khe khẽ nói: “Ừ, có lẽ ta đã căng thẳng quá chăng” thật giống như mặt của một cậu bé vấp phải một thất bại lớn. Đó là lần đầu tiên tôi được biết về ông, Hoshijima Terutaka. Cho đến bao giờ, tôi vẫn lưu giữ trong lòng mình những những kỷ niệm về ông, một con người gần gũi và thân thương, đồng thời cũng là một doanh nhân lừng lẫy. Chuyện tôi vừa kể cho em nghe là câu chuyện của một thời đã rất xa, câu chuyện mà bố em đã yêu cầu tôi rằng tuyệt đối không được nói cho Aki biết, em ạ.
Tạm biệt em!
Ngày 10 tháng 9
Arima Yasuaki
Anh Arima Yasuaki!
Giờ này đã quá trưa rồi. Em ngồi ở chiếc bàn kế bên góc cửa sổ của quán Mozart và đọc lá thư dài anh gửi. Đọc xong, trở về nhà, Kiotaka tay cầm cuốn vở tập viết chữ Hiragana(10) mà bé đang được học ở trường, chạy đến bên em. Kiotaka nói với em rằng, con bắt đầu học từ hàng a đấy, bây giờ chúng con học xong hàng ha rồi. Hôm nay cô giáo dạy tiếp đến hàng ma, rồi cho luyện các từ ghép với chữ mi đấy mẹ ạ. Trong các ô vuông của cuốn vở tập viết, có rất nhiều chữ mizư (nước) được viết ở đó. Nét chữ run run, cong cong, trồi ra cả bên ngoài ô vuông, nhưng em vẫn biết đó là chữ gì. Ở trang tiếp theo là một loạt chữ michi (con đường). Em khen bé Kiotaka rằng, con mẹ giỏi quá, rồi lau vết mực xanh dính ở đuôi mắt con trai mình. Ngay lúc ấy, Kiotaka khoe với em rằng còn một chữ nữa cơ, rồi giở ngay cho em xem trang tiếp theo. Một hàng chữ mirai (tương lai) hiện ra. Em hỏi con rằng, tại sao con chưa học hàng ra mà cô giáo đã cho viết chữ mirai rồi. Kiotaka trả lời rằng bé không biết. Và em hỏi tiếp con, vậy làm thế nào mà con lại viết được chữ ra, thì được biết. Cô giáo không nói gì, mà cứ thế viết lên bảng chữ mirai, rồi cho học sinh đọc to ra mồm nhiều lần từ mirai, mirai, mirai. Sau đó, cô giáo nói với học sinh rằng, tuy các em chưa được học chữ ra, nhưng yêu cầu các em nhìn lên bảng, tập viết theo chữ trên bảng để các em có thể viết được chữ mirai. Kiotaka bảo, cô giáo dạy, mirai(tương lai) có nghĩa là những việc của ngày mai.
10. Hiragana: là kiểu chữ âm tiết truyền thống của tiếng Nhật, thuộc một thành phần của hệ thống chữ viết Nhật Bản, cùng với katakana và kanji.
Lúc này đây, vừa viết thư cho anh, em vừa nghĩ đến chữ mirai (tương lai) mà bé Kiotaka đã viết. Trong số rất nhiều bức thư mà chúng ta đã gửi cho nhau, hầu như chúng ta chỉ toàn nhắc lại những chuyện trong quá khứ phải không anh? So sánh những bức thư của em và anh, em thấy tần số viết về quá khứ của em nhiều hơn. Thế nhưng, anh lại bị lệ thuộc bởi quá khứ nhiều hơn em đấy. Từ sự việc của mười năm về trước, cho đến những chuyện bây giờ phát sinh từ sự việc ấy, anh đều bị lệ thuộc vào quá khứ như một nỗi ám ảnh vậy. Nhưng anh ơi, quá khứ là gì vậy? Trong thời gian qua, em đã nghĩ, chắc chắn là hiện tại của em được tạo nên bởi cái quá khứ của em. Đây hoàn toàn chẳng phải một phát hiện gì mới mẻ cả, nhưng em có cảm giác rằng điều đó dường như là một lẽ đương nhiên, mà em thì lại chưa từng suy ngẫm kỹ càng về nó bao giờ, nên em thấy như mình đã phát hiện ra một chây lý nào đó thật mới mẻ. Hiển nhiên quá khứ có vai trò mang hiện tại đến cho em phải không anh? Và nếu vậy, tương lai của em sẽ thế nào nhỉ? Liệu có phải tương lai của em đã được định đoạt bởi quá khứ của em, một tương lai mà em sẽ không thể nào thay đổi được hay không? Có phải em không có cách nào có thể thay đổi được tương lai hay không? Em buộc phải nghĩ rằng, làm gì có chuyện đó, chẳng có chuyện vớ vẩn ấy đâu. Cứ nhìn Kiotaka là em lại thấy mình có đủ can đảm. Cũng có những lúc em đã chán nản, để mình chìm trong tuyệt vọng, nhưng rồi em lại nghĩ, lại tự nhủ với bản thân, và mang một quyết tâm mạnh mẽ sẽ lại dốc sức chiến đấu đến cùng.
Ban đầu, bé Kiotaka thậm chí còn không ngồi được nữa kia. Để bé cất tiếng gọi được tiếng bố, tiếng mẹ, cũng phải mất tới năm năm. Và để bé tự biết mình cài và cởi cúc áo, em đã phải tốn không biết bao nhiêu công sức và thời gian. Nhưng, giờ bé đã sắp tròn chín tuổi. Tốc độ đi của bé khi chống nạng đã nhanh hơn chút xíu so với một năm trước đây rồi. Tuy vẫn còn chậm, nhưng bé đã nói được chính xác cụm từ bột sống, gạo sống, trứng sống. Bé cũng đã biết diễn đạt những điều mình muốn nói. Và cả những phép tính trong môn toán nữa, thứ mà trước đây em cho rằng bé sẽ không bao giờ có khả năng thực hiện, thế mà giờ bé cũng đang dần làm được đấy anh ạ, dù rằng mất rất nhiều thời gian để thực hiện một con tính. Bây giờ, bé mới chỉ làm được phép cộng ở một hàng đơn vị, nhưng nhất định, em sẽ luyện tập cho con có được những năng lực như của một người bình thường cho mà xem. Để được như thế, rất có thể em sẽ phải mất mười năm. Mà không, có lẽ phải hai mươi năm. Rất có thể cho dù em cố gắng thế nào đi chăng nữa, sẽ vẫn có giới hạn mà em không thể vượt qua được. Nhưng, nhất định em sẽ hướng dẫn con con, rèn luyện để con có thể có được một năng lực nhất định như của một người bình thường, cho dù sẽ không thể đạt được mức độ hoàn toàn. Em sẽ nuôi dạy con trở thành một người có khả năng tự mình làm việc để nuôi sống bản thân cho mà xem. Có thể con em sẽ trở thành một con người chỉ biết rót trà mà thôi. Có sao đâu. Có thể con em sẽ trở thành một con người chỉ biết cho một loại hàng hóa gì đó vào những thùng bìa các tông. Có sao đâu. Em sẽ nuôi dạy con trở thành một con người yêu lao động, có thể đàng hoàng nhận số tiền lương dù ít ỏi bằng chính sức lao động của mình. Người đã sinh ra bé Kiotaka là em. Chính là em mà không phải một ai khác. Chính cái sự thật quá hiển nhiên này đã cho em một phát hiện lớn. Em cho rằng, việc phải gánh mang nỗi bất hạnh và sinh ra trên cõi đời này là việc của riêng bé Kiotaka, có lẽ đó cũng chính là nghiệp của bé Kiotaka. Quả là thế rồi phải không anh? Nhưng, không chỉ có thế. Đó cũng chính là cái nghiệp của em, một người mà số mệnh đã định đoạt rằng phải làm mẹ của bé Kiotaka, chứ đó chẳng hề do lỗi tại ai. Một ngày nọ, bất chợt em nghĩ về điều này như thể được trời cao soi đường chỉ lối vậy. Em đã lầm. Trước đây là cái thời em sống trong sầu hận, oán trách rằng điều đó là tại anh. Thật đúng là giận cá chém thớt phải không anh? Nhưng, đó chẳng phải lỗi tại ai cả đâu. Căn bệnh khuyết tật bẩm sinh của bé Kiotaka chính là bởi cái nghiệp của bản thân em. Và chắc có lẽ ta cũng có thể nói rằng, đó là nghiệp của cả anh Katsunuma Soichiro, người mà số mệnh đã định đoạt rằng phải làm bố của một đứa trẻ như thế. Em đã nghĩ thế đấy. Song, em cần phải làm thế nào để vượt qua được cái nghiệp ấy hả anh? Hay là em chỉ cần cứ thế hướng đến tương lai và bước đi, mà không cần biết nó sẽ ra sao? Không, chắc hẳn em và con cần sống thiết tha ngay với chính cuộc sống của hiện tại, cho dù mọi chuyện có thế nào. Có thế, em mới giúp được bé Kiotaka đến gần được với năng lực của người bình thường trong một giới hạn nhất định, mặc cho bé mang trong mình những khuyết tật. Là mẹ của một đứa trẻ như Kiotaka, dứt khoát em không thể để mình rơi vào khoảng không trống rỗng và tuyệt vọng. Anh hãy dõi theo những bước đi của hai mẹ con em nhé! Vì chắc chắn em sẽ cho anh thấy, em sẽ nuôi dạy bé Kiotaka trở thành con người biết lao động ở ngoài xã hội như thế nào.
Chà, em nói nhiều về chuyện bé Kiotaka quá. Và những dòng thư mang nặng lý lẽ thuyết giáo quá. Thế nhưng, anh đừng nghĩ những điều trên là giáo điều nhé. Em có cảm giác vì anh quá lệ thuộc vào quá khứ, nên anh đã quên đi những gì có trong hiện tại của mình. Em lại hồi tưởng lại một câu nói trước đây của bố. “Con người ta luôn luôn thay đổi. Con người là sinh vật kỳ lạ mà đôi khi, người ta thay đổi trong từng giờ từng phút”. Đúng như lời bố nói. Chắc chắn, cách sống trong hiện tại của anh sẽ lại một lần nữa làm cho tương lai của anh có sự thay đổi lớn. Quá khứ ư? Đó chẳng qua chỉ là những sự việc, sự vật đã đi qua mà ta không sao có thể lấy lại được. Nhưng, cái quá khứ ấy vẫn tồn tại một cách chắc chắn, để tạo nên chúng ta ngày hôm nay. Tuy nhiên, em cảm giác, cả anh và em đều đã sống mà không hề để ý rằng cái hiện tại vẫn luôn xen vào giữa quá khứ và tương lai trong đời sống của chúng ta.
Anh đừng tức giận mà xé lá thư này đi nhé, và bảo rằng, cô không cần phải thuyết giáo. Em thấy lo cho anh quá. Lời nói của cô bé Reiko, người mà em cũng không rõ đã xuất hiện trong thư anh từ lúc nào, cứ ám ảnh mãi trong lòng em, khiến em thấy vô cùng áy náy. “Vì em sợ anh sẽ chết mất”. Rõ ràng, Reiko rất hiểu anh. Tuy anh không hề kể với cô ấy những chuyện của mình, nhưng có lẽ Reiko đã hiểu rất sâu sắc về con người anh đấy. Trời ơi! Anh đừng nghĩ đến cái chết nhé! Cứ tưởng tượng về điều ấy, tim em như muốn nổ tung lên. Vì lẽ gì mà anh lại đến tận Arashiyama, để rồi trọ lại tại căn phòng đã xảy ra vụ việc ở nhà nghỉ Kionoya thế? Đó chẳng phải là kỷ niệm đau lòng của chàng thanh niên trẻ tuổi hai mươi hay sao? Và nữa, sao anh lại còn thản nhiên kể cho em nghe câu nói của người phụ nữ trung niên ấy, rằng, Yukako là một người phụ nữ thật xinh đẹp nữa chứ...
Dẫu sao đi chăng nữa, em vẫn cho rằng cái kế hoạch kinh doanh mà Reiko đã vạch ra nhất định sẽ xuôi chèo mát mái. Anh cũng biết rất rõ là linh cảm của em rất chính xác mà. Đó là một kế hoạch kinh doanh rất thú vị, mà chẳng ai nghĩ ra anh nhỉ. Đúng là cô ấy đã bị mất đi chín trăm tám mươi sáu nghìn yên, một khoản tiền vô cùng quan trọng cho công việc kinh doanh và cho cuộc sống từ nay trở đi của mình, nhưng Reiko đã không hề cảm thấy chút lưỡng lự, hối tiếc nào khi phải lựa chọn giữa tiền và anh. Chính vì vậy, cô ấy đã không chút ngần ngại mà đưa cho tên vô lại khoản tiền đó. Em vô cùng thán phục anh, khi anh đã thử đến tiệm thẩm mỹ đó để đặt vấn đề ký hợp đồng. Em có linh cảm rằng, rồi tới đây, hai người sẽ có trong tay một trăm năm mươi khách hàng. Hoặc giả, nếu như số lượng khách hàng nhích rất chậm, em vẫn cứ tin tưởng rằng, chẳng bao lâu, với sự kiên trì tìm thêm được từng cửa hàng một, sẽ đến ngày số lượng khách hàng đạt đến con số một trăm năm mươi. Anh nghĩ em đã mất bao nhiêu tháng năm để bé Kiotaka có thể diễn đạt được suy nghĩ của mình? Anh cũng hãy như bé Kiotaka đi, hãy bước từng bước, từng bước một nhé. Cho dù anh có dự đoán về một tình hình xấu, nếu anh vẫn kiên trì bước tiếp từng bước trong một tuần, rồi anh sẽ lại tìm được một hay nhiều cửa hàng đồng ý ký hợp đồng đặt cuốn tạp chí PR đó. Một tháng bốn cửa hàng, vị chi một năm sẽ là bốn mươi tám cửa hàng, vậy là trong ba năm, hai người sẽ đạt được mục tiêu đề ra. Anh ơi, thế là chỉ cần có ba năm thôi đấy. Trong quá trình đó, chắc hẳn sẽ có những lúc hai người gặp khó khăn về tiền bạc đấy. Sẽ có những trở ngại rình rập ở phía trước mà hai người không thể ngờ tới. Nhưng, em thấy Reiko là một người phụ nữ rất có bản lĩnh. Đằng sau tính cách hiền lành, ít nói, ẩn giấu một khí phách mạnh mẽ của phụ nữ vùng Osaka. Cô ấy đúng là người mang trong mình tố chất ấy. Cô ấy chắc chắn mạnh mẽ và quyết liệt hơn anh rất nhiều đấy. Và, chắc chắn cô ấy cũng yêu anh bằng một tình yêu sâu đậm. Em hiểu điều đó. Ồ không, vì em là em mà, nên em hiểu điều đó. Mỗi khi anh cằn nhằn, hay muốn ném bỏ đi cái kế hoạch kinh doanh đang thực hiện dở dang ấy, Reiko lại ở bên cạnh hỗ trợ anh. Chính những lần đó đã cho thấy cô ấy là một cô gái rất có tiềm năng. Em thật lòng cầu chúc cho hai người. Em không theo đạo nên em không biết mình nên cầu xin ai điều ấy. Nhưng, em cầu chúc cho hai người. Phải rồi, em cầu xin vũ trụ này. Em cầu xin vũ trụ bao la vô tận này phù hộ cho sự thành công của kế hoạch kinh doanh ấy, phù hộ cho tương lai hạnh phúc của anh.
Anh nhớ viết thư hồi âm cho em nhé. Em chờ thư của anh. Nhất định anh phải viết thư hồi âm đấy nhé.
Chào anh!
Ngày 18 tháng 9
Katsunuma Aki
Tái bút: Em quên mất. Trong phần đầu lá thư trước, anh có viết rằng em là một người vợ rất đáng yêu, hơn thế, tính cách bướng bỉnh của một cô gái lớn lên trong sự cưng chiều của bố mẹ lại là một đặc điểm hấp dẫn đối với anh. Đọc thư anh mà mặt em cứ nóng dần lên. Tại sao khi có một người vợ đáng yêu như thế là em, mà anh vẫn cứ có dan díu tình cảm với một người con gái khác trong suốt một năm trời hả anh? Với câu trả lời rằng, đó vốn dĩ là bản chất của đàn ông, em không sao có thể dễ dàng chấp nhận, có thể buông xuôi rằng: “Vậy ư anh?” được đâu anh ạ. Và, với câu anh viết ngay sau đó, rằng không rõ người chồng mới của em cảm nhận thế nào, thì anh ơi, em đây là người hiểu rõ nhất. Với Katsunuma, em hoàn toàn không phải một người vợ tốt. Bởi, em không sao có thể yêu và coi người ấy là chồng được. Và nữa, cả giấc mơ ngắn ngủi trong khoảnh khắc mà anh đã mơ thấy nữa, nó vẫn cứ đọng lại trong em như một giấc mơ u buồn. Còn một điều nữa, trong câu chuyện mà đối với em, nó như thể một câu chuyện rung trời lở đất, đọc đến chi tiết lãng mạn ấy của bố, em thấy choáng váng bởi hiểu ra rằng, phàm đã là giống đàn ông, rồi kẻ nào cũng bị hút hồn trước gái đẹp. Nhưng, đọc đoạn thư ấy, không hiểu sao em thấy vui vui và bật cười khúc khích. Và em muốn nói lời cảm ơn với anh. Bởi em cứ nghĩ chắc anh phải hận bố em lắm kìa.
Sắc Lá Momiji Sắc Lá Momiji - Miyamoto Teru Sắc Lá Momiji