Những nỗ lực của bạn chỉ có thể đơm hoa kết trái nếu bạn quyết không bỏ cuộc.

Napoleon Hill

 
 
 
 
 
Tác giả: Miyamoto Teru
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3112 / 15
Cập nhật: 2015-07-29 17:51:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
ôi cất giọng hỏi một cô bán hàng ở quầy đó rằng ở đây có người nào tên là Yukako không. Ngay lập tức, cô bán hàng liền mở cánh cửa nhỏ ở góc quầy, và gọi to: “Yukako ơi, có khách hỏi cậu đấy”. Sự việc xảy ra nhanh quá khiến tôi chẳng kịp phản ứng gì. Yukako nghe có người gọi mình liền ngay lập tức ra ngoài quầy và đứng trước mặt tôi với nét mặt tỏ vẻ hồ nghi. Và thế là tôi không thể không cất tiếng với nàng.
Tôi nói tên mình và quan sát nét mặt của Yukako. Đương nhiên là nàng cũng nhìn lại tôi một cách ngờ vực. Tôi nói liến thoắng với Yukako những điều giống hệt như đã nói với mẹ nàng ở Maizuru ba tuần trước đây, và bảo rằng thi thoảng tôi có ghé vào cửa hàng bách hóa này, rằng tôi nhớ về cái ngày xưa đó nên đã cất tiếng hỏi thử xem. Chẳng lâu sau, nàng nhận ra tôi. Ngay khi vừa nhớ ra, trên khuôn mặt nàng đã nở một nụ cười có nét phảng phất giống với nụ cười của nàng khi còn là một cô thiếu nữ của mười mấy năm trước đây. Nét mặt Yukako khi nàng vận bộ đồng phục của cửa hàng bách hóa trông chân chất hơn rất nhiều so với tưởng tượng của tôi, nhưng khi nàng mở to đôi mắt ra và cười, thì cái khuôn mặt đã mang đến cho nàng nhiều lời đồn thổi nổi đình đám lại hiện hữu trở lại. Thế mới đúng là Yukako. Ấy nhưng, tôi cũng có phần bối rối trước dáng vẻ thanh tao đến không ngờ của nàng. Ở người con gái trưởng thành như đã từng trải qua những mất mát, lao đao này lại không hề có vẻ gì đó sỗ sàng, tầm thường. Nàng nhìn tôi với vẻ như đang hồi tưởng lại chuyện cũ, rồi mời tôi vào quán cà phê nằm ngay trong cửa hàng bách hóa đó, với lý do rằng, thật là kỳ nếu hai đứa tôi cứ thế đứng nói chuyện ở đây, nàng bảo nếu nói chuyện khoảng ba mươi phút thì sẽ không ảnh hưởng gì đến công việc. Ấy vậy mà khi hai chúng tôi ngồi đối diện với nhau trong quán cà phê, tôi chẳng biết nói điều gì với nàng, nên cứ dài dòng nhắc đi nhắc lại những kỷ niệm ở Maizuru. Khi câu chuyện ngưng lại, nàng bỗng nói: “Tớ sắp bỏ chỗ làm này rồi”. Tôi hỏi: “Bỏ chỗ làm này thì cậu sẽ làm gì?”. Yukako bảo: “Trước đây tớ đã từng làm thêm ở câu lạc bộ Gion. Sau khi suy nghĩ kỹ, tớ đã quyết định sẽ chọn công việc ở đó làm nghề nghiệp của mình”. Rồi nàng rút trong túi áo đồng phục ra bao diêm của câu lạc bộ và đưa cho tôi. Khi nghe tôi nói rằng, hồi này lượng người đến câu lạc bộ Gion để bàn chuyện làm ăn với đối tác có vẻ tăng lên, nàng liền cười bảo: “Vậy thì nếu khi nào phải tiếp khách cậu nhớ đến cửa hàng của tớ đấy nhé”. Vì lái xe đang đợi tôi ở ngoài, nên ngày hôm đó, chúng tôi chỉ nói chuyện với nhau có thế rồi tạm biệt. Và sau đó một tháng, lần đầu tiên tôi đã đưa một khách hàng quan trọng đến quán Aruru của Yukako.
Tôi có ý định viết trong lá thư này tất cả những diễn biến về mối quan hệ của tôi và Seo Yukako, nhưng nếu tiếp tục viết nữa, thì lá thư này sẽ còn dài hơn cả lá thư mà em đã viết cho tôi. Bức thư này tôi viết cũng đã dài khá rồi. Viết đến đây, tôi cũng đã thấy khá mệt. Thôi đành cứ để mọi chuyện ra sao thì ra vậy. Thôi thì em hãy cứ tưởng tượng rằng, những chuyện giữa tôi và Yukako từ đây trở đi là những cuộc hò hẹn của mối tình trai gái như mọi chuyện tình yêu khác. Tại sao Yukako lại tự kết liễu đời mình? Tại sao nàng lại đâm dao vào cổ tôi? Nghĩ kỹ, em sẽ thấy tôi đã chưa hề giải thích kỹ càng với em những điều này. Thêm nữa, giữa tôi và Yukako có thực sự tồn tại một mối tình âm thầm và mãnh liệt mà không ai có thể xen vào như em đã nói hay không, đến giờ này, tôi cũng chỉ có thể nói rằng, tất cả những chuyện đó chỉ như một giấc chiêm bao mơ hồ mộng mị, mà tôi cũng chẳng biết là có hay không nữa. Giờ đây, tôi chỉ có thể nghĩ rằng, điều khắc nghiệt là, chỉ từ một chuyện từ thời niên thiếu xảy ra ở Maizuru, trái tim tôi kể từ lần gặp lại Yukako sau mười năm trời đã bị khuấy động chỉ bởi những nhục dục nhơ nhuốc. Dù sao đi chăng nữa, tôi cũng thành thật xin lỗi em vì những ưu phiền tôi đã gây ra cho em, vì những nỗi quặn đau tôi đã mang lại cho em, và vì sự phản bội của tôi đối với em. Thư tôi viết đã dài. Còn tôi cũng thấy khá mệt rồi. Tôi dừng bút ở đây vậy. Cuối cùng, tôi xin được nói lời nguyện cầu cho gia đình em mãi mãi hạnh phúc.
Chào em!
Ngày 6 tháng 3
Arima Yasuaki
Gửi anh Arima Yasuaki.
Chào anh!
Cây hoa mimosa già nua ngoài vườn năm nay lại nở ra vô vàn những bông hoa màu vàng nhỏ li ti. Em yêu loài hoa trông như những hạt phấn ấy, nên cầm chiếc kéo ra vườn với ý định cắt một vài cành đang độ nở mang vào cắm. Mới khẽ chạm vào những cánh hoa đã rụng tơi tả, nên em phải bước rón rén khẽ khàng để mang những cành hoa đã cắt vào. Ấy nhưng, những cánh hoa vẫn cứ thế, cứ thế rơi xuống, nên em vội đứng lại. Mỗi lần cầm trong tay những đóa hoa mimosa ấy, em lại thoáng thấy điều gì đó như là nỗi thương đau, sầu muộn đến vây kín hồn mình. Em không nghĩ là sẽ nhận được thư hồi âm của anh, nên khi cầm trong tay tập thư dày anh gửi, em đã thấy rất sợ khi mở nó ra. Đọc xong bức thư, em thấy tâm tư mình trĩu nặng một cảm xúc kỳ lạ giống như mỗi lần nhìn thấy những cánh hoa mimosa rụng xuống. Em đã không hề nghĩ anh sẽ viết cho em một lá thư hồi âm chứa đựng một câu chuyện lãng mạn đến thế. Thế nên, em đã thấy buồn, thấy đau lòng quá, như thể người viết lá thư này không phải là Arima Yasuaki, mà là một con người hoàn toàn khác vậy. Tóm lại, qua lá thư ấy, anh muốn nói cho em biết điều gì đây?! Với lá thư ấy, em đã biết được gì nào? Anh hào hứng đánh khúc dạo đầu, rồi khi bắt đầu vào đoạn nhạc chính thì bất ngờ kêu mệt, và đóng sập nắp đàn piano. Thật đúng là một khúc dạo đầu dài dòng, xem thường người khác với những giai điệu quá ư ngọt ngào.
Bức thư đó em gửi cho anh không phải là để trông mong một lá thư hồi âm, nhưng giờ đây, nhận được hồi âm của anh, đọc nó, em càng thấy mình không hiểu những chuyện đã xảy ra là thế nào. Em muốn biết toàn bộ diễn biến câu chuyện giữa anh và Seo Yukako cho đến giây phút cuối cùng. Tại sao Yukako lại tự kết liễu đời mình? Tại sao cô ấy lại muốn kéo cả anh vào cuộc nữa? Lúc này, em muốn biết tất cả những điều đó. Em có quyền được biết. Từ trước tới giờ, em chưa một lần nghĩ tới điều này. Nhưng sau khi được anh kể cho nghe câu chuyện lãng mạn của mối tình đầu, em lại muốn đi tìm những ẩn số đó. Và, lại có thêm vài điều nữa em muốn biết. Vì sao anh đến Zao? Cuộc sống của anh hiện giờ thế nào? Em thật sự muốn biết những điều này. Cũng có thể, ngay từ đầu, bởi muốn biết những điều này nên em đã gửi thư cho anh. Và, lá thư hồi âm bất ngờ từ anh đã có tác dụng đánh thức đứa bé đang chìm trong giấc ngủ sâu. Đã hơn mười năm rồi kể từ khi chia tay, giữa hai ta chẳng còn mối liên can gì nữa. Nhưng, em nhất định sẽ không bỏ cuộc đâu, nếu anh không nói rõ toàn bộ những chi tiết về câu chuyện lãng mạn đó của anh. Mong anh hãy viết để nói cho em nghe mọi chuyện kể từ lần anh gặp lại Seo Yukako tại cửa hàng bách hóa ở Kyoto cho đến lúc xảy ra sự việc ở nhà nghỉ Arashiyama. Thêm một điều nữa, có lẽ hơi thừa, cuối tháng này, chồng em có kế hoạch sẽ đi Mỹ công tác trong vòng ba tháng. Anh ấy đi giảng về Lịch sử Đông phương cho một trường đại học ở đó.
Chào anh!
Ngày 20 tháng 3
Katsunuma Aki
Gửi Katsunuma Aki.
Xin chào.
Tôi đã nhận được thư em viết. Sự tức giận của em cũng là hợp lý thôi. Ngay cả tôi sau khi viết thư cho em cũng rơi vào tâm trạng cảm thấy có phần chán ghét bản thân mình. Tôi đã sống trong vài ngày day dứt bởi nỗi hổ thẹn và thấy mình thật ngu ngơ, thật quá trẻ con vì đã vội vàng viết cho em những dòng thư ấy. Nhưng, bây giờ, tôi không còn muốn viết thêm gì cho em nữa. Tôi xin nói rõ cho em biết là tôi cảm thấy rất phiền khi nhận được thư em. Tôi không có nghĩa vụ phải viết lại cho em diễn biến sự việc giữa tôi và Yukako. Tôi xin phép được rút lui khỏi những rắc rối đó. Tôi muốn kết thúc việc thư từ qua lại giữa chúng ta ở đây.
Tạm biệt.
Ngày 2 tháng 4
Arima Yasuaki.
Anh Arima Yasuaki
Chào anh!
Một mùa mưa não nề lại đến. Anh có khỏe không? Mới chỉ có hai tháng thôi kể từ khi em nhận được thư anh viết. Anh đã viết rằng đừng gửi thêm một lá thư nào cho anh nữa. Ấy vậy mà giờ đây em vẫn ngoan cố thêm một lần nữa cầm bút viết thư cho anh. Em viết thư cho anh với tâm trạng băn khoăn bối rối. Có lẽ lần này, anh chẳng thèm đọc mà sẽ xé nó luôn để chấm dứt mọi chuyện. Có thể anh sẽ chán ngấy, sẽ bảo, tóm lại là vì sao cái cô này cứ dai dẳng viết thư cho mình thế. Nhưng, thực lòng, bản thân em cũng không rõ lý do vì sao lại cứ muốn viết thư cho anh. Em hoàn toàn không thể hiểu được mình viết thư thế này là để nhận được điều gì. Đúng là em không thể hiểu nổi vì sao có cái gì đó cứ thôi thúc em hãy cho anh biết những tâm sự vẫn luôn chôn sâu kín nơi đáy lòng mình. Một tâm trạng thật khó tả dâng lên trong em. Có lẽ bởi, việc gửi thư cho anh thế này đã khiến em quay trở về với tâm trạng của những ngày hai ta mới ly hôn mười năm về trước. Chắc anh lại cười vì em thật ngốc phải không? Em biết lắm chứ, rằng em đã làm phiền khi anh cứ viết thư cho anh thế này. Em cũng biết anh sẽ chẳng đọc lá thư này đâu. Nhưng cuối cùng thì em vẫn quyết định viết thư cho anh. Bởi, trước đây, anh vốn là người duy nhất luôn luôn im lặng hứng chịu những trách cứ, hờn ghen của em mà. Có một cuốn sách nào đó đã viết rằng: Thói xấu nhất của một người phụ nữ là trái tim luôn trách cứ và ghen tuông. Thế nhưng cũng có lúc em nghĩ rằng, nếu đó chính là tính cách vốn dĩ của người phụ nữ, thì theo bản năng, em muốn xả hết những trách cứ và nỗi ghen tuông vẫn hằng luôn chất chứa trong lòng. Từ khi vụ việc của anh xảy ra, nỗi thương đau, đắng cay không thể nói bằng lời cứ tích tụ lại trong em, khiến em trở thành một con người khác. Còn nhiều điều, nhiều điều em muốn trút bỏ hết cho anh. Chẳng cần anh phải viết thư trả lời. Có khi người ta chẳng hồi đáp lại gì như một khúc gỗ vô tri, như một cái hang vô hồn lại còn tốt hơn cho em đấy.
Bố bắt đầu đề cập đến việc em tái hôn lại vào khoảng một năm sau khi em chia tay anh. Trong khoảng thời gian đó, em hầu như giam mình trong căn nhà ở Koroen. Ngay cả việc đi mua đồ ở siêu thị gần nhà, em cũng phó mặc hết cho chị Ikuko. Ngày ngày, em ngồi bên bậu cửa sổ, nơi nhìn ra khu vườn ở phòng ngủ tầng hai, căn phòng mà anh đã bỏ ra đi, giờ chỉ còn lại mỗi riêng em. Ngày ngày, em đọc cuốn truyện trinh thám dày cộp của nước ngoài mà tâm tư thì chẳng có lòng dạ nào mà đọc hết nó. Rồi nằm sấp trên giường nghe những đĩa hát mà anh bỏ quên không mang đi, lắng tai nghe âm thanh tích tắc của chiếc đồng hồ cho qua ngày đoạn tháng.
Dọc theo con đường từ ga tàu điện Hanshin về đến nhà mình có một con sông nhỏ chảy qua anh nhỉ. Có lẽ đó là vào quãng thời gian hai tháng sau khi chúng ta chính thức ly hôn chăng? Cửa hàng sách Tamagawa bên con sông mà anh cũng biết ấy đã đóng cửa, thay vào đó là một quán cà phê có tên là Mozart(5). Có ai đó nói với chị Ikuko là cái quán cà phê đó do một đôi vợ chồng chừng sáu mươi tuổi đứng ra kinh doanh, chủ trương chỉ nghe các bản nhạc của Mozart, chứ không trộn thêm bất kỳ loại nhạc nào khác. Và chị ấy cứ nằn nì thuyết phục em thử đi dạo, rồi tiện thể ghé qua đó uống một tách cà phê xem sao. Hôm ấy là một ngày nắng đẹp bởi mùa mưa đã qua đi. Trên đường đi, em có gặp mấy chị vợ của hai, ba người quen, nhưng em chỉ khẽ cúi đầu chào họ. Dù giáp mặt họ đấy, nhưng em lờ đi không nói với họ một câu gì, cứ thế bước đi trên con đường chói chang nắng. Em muốn được gặp anh lắm. Em vẫn còn nhỏ khi ấy, hơi nóng phả ra trên đường khiến trán và lưng em đẫm mồ hôi, em thấy người hơi nôn nao. Không biết bao lần em thầm nghĩ, em muốn gặp anh quá. Ánh mắt thiên hạ là gì kia chứ? Chiếc bình đã vỡ tan ra thành nghìn mảnh là gì nhỉ? Mình cần phải rộng lượng hơn thôi. Lẽ ra em đã có thể tha thứ cho anh mà. Chuyện người chồng tơ tưởng đến một người con gái khác, trong xã hội chả đầy rẫy ra đấy thôi. Mình đã làm một chuyện không thể cứu vãn được. Ôi! Biết làm thế nào để anh quay trở về đây. Em vừa bước vừa nghĩ ngợi mông lung những điều đó. Em thầm trách bố đã cố tình làm hai ta phải chia tay. Và toàn thân em sục sôi mối căm hận cô gái có tên Seo Yukako, người mà em chưa một lần biết mặt, và cũng chẳng còn tồn tại trên cõi đời này nữa.
5. Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791): Nhà soạn nhạc thiên tài người Áo.
Quán Mozart được xây dựng theo kiểu các nhà nghỉ vẫn thường thấy ở các khu nghỉ mát. Cả bên trong và bên ngoài quán đều được trang trí nhằm làm nổi lên vẻ đẹp của vỏ cây màu nâu, hệt như một khu nhà nghỉ trên núi vậy. Người ta sử dụng nguyên si các thân cây mập tròn cho những chiếc xà trên trần nhà được cố tình để hở, bàn gỗ và ghế gỗ trông như hoàn toàn được đóng bằng tay khiến ta thấy chủ nhân của nó đã phải rất kỳ công lựa chọn. Những thớ gỗ, mắt gỗ tuy nhỏ thôi, nhưng nhìn vào nội thất, ta cảm nhận được người chủ quán đã bỏ ra nhiều tiền và rất cầu kỳ để tạo nên nó. Quả đúng như chị Ikuko bảo, bên trong quán, người ta đang mở một bản nhạc của Mozart với âm lượng hơi to một chút. Đó là bản Jupiter, một bản nhạc rất nổi tiếng mà em cũng biết. Khi người chủ quán đến đặt cốc nước xuống bàn, em liền hỏi; “Cháu nghe người ta nói rằng quán này chỉ mở nhạc Mozart thôi.” Người chủ quán với cặp kính số to gọng đen vừa cười vừa bảo với em: “Cô thích nghe nhạc à?”. “Cháu thích nghe nhạc, nhưng cháu không biết mấy về âm nhạc cổ điển”. Em nói. “Nếu đến quán tôi chừng một năm, cô sẽ hiểu được âm nhạc của Mozart. Và nếu hiểu nhạc Mozart, cô sẽ biết được thế nào là âm nhạc”. Người chủ quán ôm cái khay trước ngực, ngẩng khuôn mặt tươi tắn lên trần nhà và nói một cách kiêu hãnh. Câu nói ấy thật lạ lùng khiến em bật cười khúc khích. Ngay lập tức, người chủ quán lại nói: “Đĩa hát tôi đang bật là bản giao hưởng số 41”. Em bảo: “Bản Jupiter đúng không ạ?”. “Ái chà, cô biết rõ đấy chứ nhỉ. Đúng thế. Bản Jupiter. Cung đô trưởng bản thứ 41. Đây là bản giao hưởng cuối cùng của Mozart, là một kiệt tác với phần nhạc dạo được đưa vào ở chương bốn, chương cuối cùng, và tạo nên một chương cuối cùng da diết để kết thúc bản sonata ở chương một và chương hai”. Ông chủ quán chăm chú lắng nghe bản nhạc và nói. Rồi ông khẽ thì thầm: “Đây này, từ đoạn này đấy. Đến đoạn này là bắt đầu chuyển sang chương cuối cùng đấy”. Em gọi một tách cà phê rồi chìm đắm vào trong bản giao hưởng tuyệt tác đó. Một bức tranh phục chế chân dung của Mozart được lồng trong khung và treo trên tường. Trên chiếc giá sách nhỏ cạnh đó có bày một vài cuốn viết về Mozart. Trong quán chỉ có một người khách duy nhất là em. Bản nhạc Jupiter kết thúc. Sự tĩnh mịch kéo đến vây quanh em. Một sự tĩnh mịch thật kỳ lạ anh ạ. Trong sự tĩnh mịch ấy, em cảm nhận thấy rõ nỗi lòng mong được gặp lại anh. Thế rồi, một bản nhạc khác vang lên. Ông chủ quán tới chỗ em, nói với em bằng cách nói như thể thầy giáo ở trường đang chỉ bảo cho cô học trò bé nhỏ của mình vậy. “Đây là bản giao hưởng số 39, một bản nhạc nổi tiếng hết sức kỳ lạ với nhịp mười sáu. Hôm tới cháu đến đây, ta sẽ bật cho cháu nghe bản Don Giovanni. Tiếp đó là bản giao hưởng cung son thứ. Ta nghĩ rồi dần dần, dần dần, cháu sẽ hiểu nhiều về những điều kỳ lạ của người nhạc sĩ có tên là Mozart ấy”.
Hương vị cà phê thật ngon và một người chủ quán cởi mở. Hai, ba ngày sau đó, em lại đến quán “Mozart” ấy. Hôm đó quán rất đông khách. Ông chủ quán đã để ý thấy em ngồi ở chỗ gần cửa sổ, nhưng ông có vẻ rất bận rộn, vừa đun cà phê bên quầy, vừa pha nước uống cho khách. Và mỗi lần một bản nhạc của Mozart kết thúc, ông lại vội vã đi thay một bản nhạc khác. Bà vợ của ông chủ, người không thấy xuất hiện vào hôm đầu tiên đến quán này, hoặc mang đồ uống đến bàn cho khách, hoặc đổ thêm nước vào cốc đã vơi cho khách, hoặc dọn bàn. Trong tiếng nhạc của một bản giao hưởng em không biết tên, em thấy bóng dán một chàng trai trẻ tuổi đang nhắm mắt cúi đầu say sưa lắng nghe trông thật dáng dấp, nên hai tay em cứ thế đỡ tách cà phê trên môi, lơ đãng nhìn chàng thanh niên đó. Chàng trai mải mê lắng nghe bản giao hưởng êm đềm với một nét mặt và dáng vẻ như thể đang dâng tặng một lời cầu chúc cho cái gì đó thật vĩ đại, hoặc như thể đang bị một ai đó đáng sợ mắng nhiếc, và toàn thân đang ăn năn hối lỗi.
Cho đến lúc đó, em hầu như chẳng hề có hứng thú gì với âm nhạc cổ điển, và cũng chẳng hề nghĩ mình có khả năng cảm thụ hay kiến thức để hiểu những điều kỳ diệu của người nhạc sĩ có tên là Mozart. Nhưng, khi nhìn thấy hình ảnh của chàng trai đó và lắng nghe bản giao hưởng du dương được bật trong quán, một từ bất chợt hiện lên trong đầu em. Đó là từ “chết”. Em cũng không hiểu vì sao cái từ ấy lại vút qua trong tâm trí em. Tất nhiên, vào giây phút ấy, nếu em không có ý định sẽ chết đi, thì em cũng sẽ không cảm thấy sợ hãi đối với cái chết. Thế nhưng, cái chữ “chết” đó vẫn hiện lên rõ nét trong em, và không hề có ý định đi khỏi tâm trí em. Em vừa nhấp nháp tách cà phê, và lần đầu tiên, em chăm chú lắng nghe bản nhạc của Mozart, trong khi cái từ “chết” kia vẫn lẩn quất đâu đó trong đầu. Em nghĩ rằng đây có lẽ là lần đầu tiên trong đời, mình chăm chú lắng nghe một bản nhạc đến mức ấy. Và rồi, cho đến lúc đó, em cảm nhận thấy nơi bản giao hưởng bình thường ấy những giai điệu đẹp, tuyệt vời khó có thể tả xiết, cùng những giai điệu kỳ lạ đưa ta vào cõi hư vô nào đó. Làm sao mà một người thanh niên khoảng độ hai mươi tuổi, vào hai trăm năm về trước lại có thể sáng tác nên một bản nhạc tuyệt diệu đến thế này nhỉ. Hơn thế, chẳng cần dùng lời nói, bản nhạc còn da diết kể chọc ta nghe cùng lúc hai nỗi niềm sầu muộn và sướng vui của con người. Em cứ miên man nghĩ ngợi như vậy và ngắm nhìn hàng hoa anh đào đang độ đâm chồi bên đường qua ô cửa kính. Em cứ tự tưởng tượng ra bóng dáng, nét mặt của Seo Yukako, người con gái đã chết, người em chưa thấy mặt một lần, người chắc chắn phải xinh đẹp hơn em rất nhiều, và thả hồn mình theo những giai điệu như những con sóng nhỏ của bản giao hưởng của Mozart.
Khi đĩa nhạc chuyển sang bản khác, chàng trai hồi nãy nói vài lời cảm ơn gì đó với ông chủ quán, trả tiền và ra về. Cùng lúc đó, ở cái quán khi nãy đông đặc khách ấy, những người khách khác cũng rời khỏi ghế để đi về, như nước biển rút dần đi, chỉ còn lại mình em. Người chủ quán cuối cùng cũng rời khỏi quầy, đến giới thiệu vợ mình với em. Người vợ không phải nhiều tuổi lắm, cỡ chừng trên dưới năm lăm, năm sáu gì đó, nhưng trên đầu tóc đã bạc trắng. Bà vấn tóc gọn gàng, và cũng đeo một cặp kính số to giống chồng. Hai người ngòi xuống bàn gần chỗ em ngồi như để nghỉ ngơi một chút, và cùng nói chuyện riêng hồi lâu. Rồi, người vợ quay sang hỏi chuyện em. “Phu nhân sống ở gần đây à?”. Bà ấy đã hỏi em bằng đại từ ấy đấy anh ạ. Em trả lời rằng em sống cách đây mười lăm phút đi bộ theo con phố này về phía bờ biển. Bà đảo đôi mắt tròn xoe, nghĩ ngợi một hồi rồi đưa ra một vài cái tên. Cũng có cái tên của một vài người hàng xóm gần nhà mình, nhưng không có tên ai trong gia đình mình cả. “Họ nhà cháu là Hoshijima đấy ạ. Nhà cháu ở phía trước câu lạc bộ tennis”. Em nói. “À, cô biết rồi. Ngôi biệt thự có một cây hoa mimosa rất to ngoài vườn chứ gì?”. Rồi cô ấy bảo rằng cô ấy chưa hề nhìn thấy một cây hoa mimosa nào to đến thế, và nhờ em năm sau nếu cây ra hoa, cho cô ấy xin hai, ba cành hoa. (Nếu như anh đang đọc bức thư này, chắc hẳn anh sẽ bảo lá thư này sao lan man thế phải không? Nhưng bởi đây là bức thư em vẫn ngoan cố gửi đến cho anh sau khi đã bị anh từ chối rằng đừng gửi thư đến cho anh nữa. Cho nên, em có ý định cứ thế viết ra đây những gì mình muốn viết đấy anh ạ).
Sắc Lá Momiji Sắc Lá Momiji - Miyamoto Teru Sắc Lá Momiji