When you love someone, the best thing you can offer is your presence. How can you love if you are not there?

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Lan Khai
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3157 / 22
Cập nhật: 2016-06-21 08:45:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
(Hay một cổ tích não nùng về chim khảm khắc)
Trang khứn nòn bố đắc
Đẩy nhìn tiểng khảm khắc loọng sói
khảm khắc bố đo đôi mừn loọng
Y như lầu xét toọng đuổi căn.
Nghĩa:
Đêm khuya ngủ chẳng được say
Nghe chim khảm khắc nó bay gọi đàn
Chim khảm khắc thiếu đôi nó gọi
Ta thiếu đôi muốn gọi ai thưa?
(Câu hát Thổ)
o O o
Con tắc kè, lẩn đâu ngoài vườn cỏ rậm, lạnh lùng kêu hai tiếng, hai tiếng vang giòn, đột ngột giữa đêm thu...
Khuya rồi, xuất động Đèo Hoa, chẳng đâu còn ánh lửa. Dưới mắt sao trời thăm thẳm, rừng cây nghe ngóng, mơ màng. Những nóc nhà tranh, mập mờ ẩn hiện, nom như đàn quái vật trong chiêm bao.
Mai Kham âm thầm bên khung cửa sổ cũng lắng tai nghe. Gần xa, những câu hát tự tình, những dịp chầy "loóng" gạo, hết thảy các vang bóng của đời người từ lâu, đã dứt hẳn.
Một ý tưởng thất vọng, như con nhện đen lông lá, bất thần, ôm chặt lấy hồn Mai Kham bằng những chân dài lạnh lẽo. Chàng rùng mình cảm thấy rõ rệt cái thời thơ ấu của chàng đã chết hẳn. Cũng hết rồi, hềt thảy những ngày vui đẹp đã qua.
Ôi! Những ngày vui đẹp đã qua! Những ngày chàng sống vô tư lự giữa khoảng tự do bát ngát, những ngày chàng cùng cha, chú phóng ngựa trên đồi cao, nhịp theo tiếng lách cách của dao rừng cài trong những vỏ gỗ thừng mực trổ hoa; những ngày ấy, thường ám ảnh chàng mỗi khi ở nơi thị thành náo nhiệt, linh hồn chàng vẩn vơ nhớ thương, giờ lại hiện ra, sáng sủa rực rỡ tưng bừng.
Mai Kham nhắm mắt lại. Chàng nhắm hai mắt lại để cố giữ lâu cái ảnh tượng cõi Bồng lai mà chẳng bao giờ Mai Kham tìm thấy đường về. Tổ tiên chàng, ở đây, đời đời nối nhau làm kẻ đàn anh. Được người cùng động tôn sùng, quý mến. Ở đấy chàng đã sống một cuộc đời tự nhiên thỏa thích cho đến khi hoa tàn mát nở lần thứ mười hai. Trẻ con Mán suốt ngày chỉ biết cười, biết hát, biết trèo cây to hái quả chín, dỡ tổ ong, biết cưỡi lưng trâu, hay vẫy vùng dưới làn nước suối trong xanh.
Nhà Mai Kham ở là một nếp nhà gỗ đẹp nhất hang động, chon von giữa ngọn đồi, chung quanh mận, đào mọc kín, hơi gió thoảng qua, cành non rung động thì những cánh trắng, hồng lại rụng, bay như đàn bươm bướm. Dưới chân đồi, qua trước cổng nhà chàng, một vạch suối reo cười trên lòng cát sỏi. Mai Kham, mỗi lần đánh trâu xuống tắm, vẫn tần ngần nhìn suối nước thao thao, cuồn cuộn như mải miết đi tìm bờ mộng, bến xa...
Bên kia dòng suối mở ra một bãi đất rộng. Chính đây là nơi, gặp hội tiết gì, hang động vẫn tụ họp nhau xem trai gái tung "còn" hoặc "áy dủng". Mai Kham còn thấy rõ, trong trí nhớ, những gương mặt thật thà, tươi tỉnh xinh đẹp ngây thơ; những cặp mắt nhung dài, những nụ cười hoa lựu, tất cả đám đông sặc sỡ trong lớp bụi hào quang vẩn dưới nắng chiều. Thời khắc cứ chuyển dần từ màu vàng rực sang màu đỏ tía, xuống màu hồng thẫm rồi tím thẫm. Khi dưới ánh trăng sao, cảnh vật đã xa mờ thì những dịp "krèng" lau càng tưng bừng, say đắm, với đó đây êm đềm những giọng hát tình tự. Hoa rừng, trăm nghìn chiếc lư đồng ẩn khuất, bốc lên những hương vị mê li...
Nhưng, một hôm, bố Mai Kham, trong một cuộc săn nguy hiểm, bị hùm tha mất. Bà mẹ chàng đau buồn ngơ ngẩn rồi cách mấy tháng sau, người ta thấy xác bà treo trên một cành vải guốc giữa rừng.
Mai Kham đang lúc bối rối, bỗng được tin ông chú lấy vợ người Kinh và buôn bán ở một tỉnh miền xuôi, nhắn chàng phải đi theo, cửa nhà vườn ruộng phó cho một người đầy tớ già coi giữ. Thế là, từ đấy Mai Kham đoạt tuyệt hẳn suối rừng.
Tháng ngày qua...
Hoa tàn mát, ngót chục lần, nở rồi lại nở.
Ngày nay, ông chú Mai Kham đã chết, Mai Kham đã trở lại quê nhà, tấm lòng tha hương bấy lâu tê tái, lạ thay! Vẫn như buồn tiếc bâng khuâng.
Cảnh vẫn là cảnh động Đèo Hoa nhưng cảnh đầm ấm vui tươi xưa đã mất. Nhìn vật gì Mai Kham cũng thấy in dấu vết của thời gian: Cửa nhà hoang lạnh, vườn tược rậm rì, người quen kẻ thuộc thì hoặc già, hoặc chết, hoặc nghèo đói khó khăn.
Cả cái dĩ vãng chết rồi, vì vậy chiếm thâu lấy hồn chàng và gói kín trong bức màn cô tịch.
Mai Kham bật mồi lửa châm vào mồi chiếc điếu can đầu hổ rít luôn mấy khói ngon lành. Chàng nhổ nước bọt xuống vườn rồi lại mơ màng, vơ vẩn.
Cái lặng lẽ đêm thu tàn vẫn rì rầm những tiếng thoảng qua trong không khí, những tiếng mọt gặm tre bương, tiếng gió lướt ngàn cây, tiếng suối mơ hồ trong đêm, vẳng tiếng vạc thánh thót giữa tầng không...
Những tiếng động thường của hoang tịch, khi ấy, thành ra những dấu hiệu của một thứ tình cảm tối tăm, một thứ linh hồn đã lẩn khuất và hoàn toàn xa lạ với hồn chàng. Mai kham thở dài...
Chàng thấy một cách lờ mờ rằng, trong xã hội loài người, chàng đã trở nên một kẻ lạc lõng.
Bỗng Mai Kham cất giọng khẽ hát... Chàng hát một điệu rất xưa, rời rạc êm đềm, nhưng tiết ra một nỗi buồn man mác về sự hư không của nhân loại trong cái vô cùng, vô tận của vũ trụ thời gian.
Ngoài rừng cây, như người bị nạn, con "báng" gào to sự khủng khiếp: ạ... i... ô... ôi...
Tiếng con chim quái gở điềm sự bất thường ấy, lâu lâu, còn làm cho không khí rung rinh gợn sóng.
Mai Kham rùng mình, nhìn lo ngại cảnh rừng khuya bí mật. Chàng có cái cảm tưởng hãi hùng được ngẫu nhiên chứng kiến một sự gì đang dự bị đâu đó trong không...
Rừng Khuya Rừng Khuya - Lan Khai Rừng Khuya