A blessed companion is a book, - a book that, fitly chosen, is a lifelong friend,... a book that, at a touch, pours its heart into our own.

Douglas Jerrold

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Yen Nguyen
Upload bìa: Yen Nguyen
Số chương: 40
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 15
Cập nhật: 2023-06-17 21:14:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 25
áng hôm sau lúc tôi thức dậy, đã gần sáu giờ. Tôi thức dậy ra cửa sổ. Trên bãi cỏ có những hạt sương, những cây cối được bao phủ một màn sương trắng. Không khí mát rượi phảng phất một ngọn gió nhỏ và mùi lạnh lẽo và yên lặng của mùa thu.
Quỳgối lên thành cửa sổ tôi nhìn xuống vườn hồng, ở đấy những bông hoa cúi gục trên cành, những cánh hoa nẫu và rách bởi mưa buổi tối, tôi nhìn thấy những sự kiện ngày hôm qua như trong một xa xăm không có thật. Ở đây, ở Manderley này, một ngày mới bắt đầu, những vật trong vườn không bị lo âu của chúng tôi làm thương tổn đến. Một con sáo bay trên vườn hồng tới bãi cỏ, cánh đập ngắn và nhanh, thỉnh thoảng lại đỗ xuống để mổ đất bằng chiếc mỏ màu vàng. Một con sáo khác ngừng đuổi nhau. Một con hải âu lượn trên cao, im lặng và cô đơn, rồi nó vẫy cánh và biến vào trong rừng của Thung lũng Hạnh phúc. Những vật đó cứ tiếp diễn, lo âu và hãi hùng của chúng tôi không thể cản được chúng. Chẳng bao lâu sau một nhóm người làm vườn xuất hiện, họ sẽ quét các lá rơi trên bãi cỏ và nạo các lối đi. Những xô nước sắp leng keng trong sân sau, cô gái làm bếp sắp bắt đầu nói chuyện qua cánh cửa với những người đàn ông làm đồng. Mùi ấm áp của món Jăm - Bông sắp bốc lên từ trong bếp. Những chị hầu phòng sẽ mở cửa nhà, cửa sổ và kéo rèm.
Mấy con chó từ trong ổ sắp bò ra, ngáp và vươn vai, chạy và đuổi nhau trên sân bằng, hấp háy cặp mắt nhìn cố gắng đầu tiên của mặt trời tái ngắt để xuyên thủng màn sương. Robert sắp dọn bữa điểm tâm, mang đến những bánh kẹo, trứng, những đĩa thủy tinh đầy mật ong hoặc mứt, giỏ đầy nho tươi vừa mới hái hãy còn phủ hơi sương.
Những người hầu phòng lau quét phòng khách lớn, phòng khách nhỏ, không khí trong lành tràn qua các cửa sổ cao vào trong phòng. Khói bốc lên từ các lò sưởi và sương thu tan dần: các cây cối, các dốc đường và các khu rừng dần dần lấy lại hình dáng; mặt biển sán lạn dưới ánh mặt trời phía bên kia thung lũng, ngọn hải đăng vươn cao trên mũi đất.
Cảnh thanh bình của Manderley, an nhàn và duyên dáng. Một chút sự sống chảy trong các bức tường; một chút lo lắng nào đó lảng vảng ở đấy; một chút bực dọc nào đó và một vài khổ đau nào đó mà người ta cảm thấy ở đấy; một chút nước mắt mà người ta rỏ xuống đấy, cảnh thanh bình của Manderley không thể bị hủy hoại, vè đẹp của nó cũng vậy. Những bông hoa héo sẽ nở vào một năm khác, cũng những cây ấy sẽ nở hoa. Mùi rêu cũ kỹ và bình thản ấy sẽ tỏa ra trong không khí, những con ong sẽ lại trở về và những con dế lại cư trú trong rừng sâu. Bao giờ cũng có những câu tử đinh hương và cây kim ngân, những búp mộc lan trắng sẽ từ từ nở ra dưới cửa sổ phòng ăn.
Chẳng có gì có thể làm tổn thương được Manderley. Nó sẽ nghỉ ngơi vĩnh viễn trong chỗ của nó như một vật được phù phép, được các khu rừng bảo vệ gìn giữ trong khi biển vỗ vào, lùi ra xa và lại trở lại trong một vũng biển đầy sỏi cát.
Maxim vẫn còn ngủ và tôi không đánh thức chàng. Ngày của chúng tôi sẽ mệt mỏi và dài. Con đường cái lớn với những cây cột dây điện báo, thế rồi cảnh đông đúc ở Luân Đôn. Chúng tôi không biết điều gì sẽ chờ đợi chúng tôi vào cuối buổi hành trình. Đâu đó ở phía bắc Luân Đôn có một người tên là Baker, ông ta chưa bao giờ nghe nói đến tên chúng tôi, nhưng lại nắm vận mệnh chúng tôi trong lòng bàn tay.
Chẳng bao lâu nữa chàng cũng sẽ dậy, vươn vai, ngáp và nghĩ công việc hàng ngày. Tôi rời bỏ cửa sổ và chuẩn bị tắm. Những công việc vặt ấy đối với tôi cũng có ý nghĩa như những động tác của Robert sắp xếp lại thư viện, sáng chiều. Rất nhiều lần tôi đã làm cũng những công việc đó một cách máy móc, nhưng hôm nay lại với ý thức, tôi nhúng khăn tắm để nước chảy xuống người. Mỗi một lúc là quý báu, nó chứa đựng vĩnh cửu.
Lúc tôi trở về buồng để mặc quần áo, tôi nghe có tiếng bước chân nhẹ nhàng dừng lại ở cửa buồng, và chìa khóa xoay nhẹ nhàng trong ổ. Có một lúc im lặng rồi tiếng bước chân lại nhẹ nhàng đi ra. Đó là Danvers.
Bà ấy không quên, tôi nghe thấy cũng tiếng động ấy buổi tối hôm qua lúc chúng tôi từ thư viện lên. Bà ấy không gõ cửa, bà ấy không để cho biết mình, chỉ có tiếng động của bước chân và tiếng chìa khóa xoay trong ổ. Điều đó đem tôi trở lại với thực tế và với cảm giác về một tương lai sắp tới.
Tôi mặc quần áo xong và đi chuẩn bị cho Maxim tắm. Clarice mang chè đến cho chúng tôi. Tôi đánh thức Maxim. Trước tiên chàng nhìn tôi, như một đứa trẻ ngạc nhiên, rồi giơ tay ra cho tôi. Chúng tôi uống nước chè. Chàng đứng lên chuẩn bị va li. Có thể chúng tôi buộc phải ngủ lại ở Luân Đôn.
Tôi xếp những bàn chải tóc mà Maxim đã cho tôi, một sơ mi ngủ, khăn tắm và giầy vải của tôi, một áo váy và một đôi giày để thay. Chiếc va li của tôi có một vẻ khiếm nhã lúc tôi lấy nó ra từ dưới đáy tủ trong góc tường. Tôi thấy hình như tôi đã không dùng nó từ lâu; tuy nhiên cũng chỉ mới có bốn tháng. Nó vẫn còn có dấu của hải quan Calais. Toi tìm thấy trong một cái túi tấm vé dự hòa nhạc ở câu lạc bộ Monte Carlo. Nó đã thuộc về một thời kỳ khác, một thế giới khác. Tôi vò nát nó và ném vào sọt giấy.
Căn buồng của tôi bắt đầu giống tất cả những căn buồng mà người ta đã rời bỏ. Bàn trang điểm trần trụi không có gì. Có một mẩu giấy lụa và một nhãn cũ vứt dưới đất. Giường mà chúng tôi đã nằm, có một vẻ trống rỗng đáng sợ. Những chiếc khăn vò nhầu ngổn ngang dưới đất trong buồng tắm. Tôi đội mũ để khỏi phải lên nữa và mang luôn cả túi xách và va li. Tôi nhìn xung quanh để chắc chắn không còn gì quên. Sương đã tan, ánh nắng mặt trời đã xuyên qua và ném những hình vẽ vào những tấm thảm. Đi đến nửa đường hành lang, tôi có một cảm giác kỳ lạ, không thể giải thích được, là tôi phải quay đầu lại đằng sau nhìn lại căn buồng của mình. Tôi đứng một lúc nhìn cái tủ mở toang và cái giường trống rỗng, và cái khay đựng những tách chè để trên bàn. Tôi nhìn chúng, ghi chúng vĩnh viễn trong trí óc tôi, tự hỏi những vật đó động đến chỗ nào trong tôi, làm tôi buồn rầu như những đứa trẻ muốn ngăn không cho tôi đi.
Tôi đã xuống ăn điểm tâm. Trong phòng ăn lạnh, ánh nắng chưa tới các cửa sổ, cà phê nóng, jăm- Bông ngon là những thứ được hoan nghênh.
Maxim và tôi lặng lẽ ăn. Thỉnh thoảng chàng lại nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường. Tôi nghe tiếng Robert đặt những chiếc va li trong buồng trống rồi tiếng ô tô người ta đưa đến đậu trước thềm.
Tôi đã đi ra sân bằng. Mưa đã lọc sạch bầu khí quyển và bãi cỏ toát lên mùi tươi mát dịu dàng. Lúc mặt trời lên cao, khí hậu sẽ tốt hơn. Tôi nghĩ đến cuộc đi chơi vào thung lũng mà chúng tôi có thể tiến hành trước bữa điểm tâm và đến nghỉ ngơi dưới bóng cây dẻ tây với những quyển sách và báo chí. Tôi nhắm mắt một phút và cảm thấy hơi ấm của ánh nắng mặt trời trên mặt và tay tôi.
Maxim gọi tôi. Tôi vào và bác Prith giúp tôi mặc áo măng tô. Tôi nghe thấy tiếng động cơ của chiếc xe thứ hai. Đó là Frank, anh nói:
- Ông thiếu tá đứng đợi ngoài hàng rào. Ông thấy không cần thiết phải vào tận trong nhà.
- Được thôi, - Maxim đáp.
- Tôi sẽ ở bàn giấy suốt ngày và chờ điện thoại anh gọi. Có thể anh sẽ cần đến tôi ở Luân Đôn sau khi gặp được Baker.
- Vâng, có thể.
- Bây giờ đúng chính giờ. Anh chị rất đúng giờ. Trời sẽ đẹp và cuộc hành trình sẽ tốt.
- Vâng.
- Tôi mong rằng chị sẽ không bị mệt, - Frank nói với tôi, - Cuộc hành trình này khá là dài đối với chị.
- Ồ, cũng không sao đâu!
- Chúng ta nên đi đi thì hơn, - Maxim nói, - Ông già Julyan chắc sốt ruột lắm. Tạm biệt Frank.
Tôi lên xe ngồi bên cạnh Maxim. Frank đóng cửa xe.
- Anh nhớ điện thoại về nhé!
- Tất nhiên.
Tôi nhìn ngôi nhà. Bác Frith đứng trên thềm, đằng sau bác là Robert. Vô cớ, cặp mắt tôi đẫm lệ. Tôi cúi xuống xếp lại va li dưới chân để mọi người khỏi trông thấy tôi khóc. Rồi Maxim cho xe chạy, chúng tôi đi vòng lối đi và ngôi nhà biến mất.
Chúng tôi dừng lại ở hàng rào để đón ông thiếu tá. Ông ngạc nhiên thấy có tôi, ông nói:
- Ngày hôm nay sẽ mệt lắm đấy. Bà không nên đi thì hơn. Bà có thể gao chồng bà cho tôi.
- Tôi muốn đi! – Tôi nói.
Ông ngồi vào trong góc.
- Trời đẹp lắm, bao giờ cũng vậy.
- Vâng, - Maxim nói.
- Cái gã Fawell ấy nói là sẽ gặp chúng ta ở ngã tư, nếu không có gã đấy, chẳng cần phải đợi. Chúng ta chẳng cần gã. Tôi mong rằng gã không thức dậy đúng giờ.
Nhưng khi xe chúng tôi đến ngã tư, tôi đã trông thấy chiếc mui dài màu xanh của xe Fawell, tim tôi thắt lại. Tôi đã hy vọng hắn không đến kịp. Fawell đã ngồi ở tay lái, đầu trần, một điếu thuốc lá ở trên môi. Hắn phác một nụ cười và vẫy tay lúc trông thấy chúng tôi. Tôi ngồi tư thế thuận tiện cho một chuyến đi dài, bàn tay tôi để lên đầu gối Maxim. Những giờ trôi đi và những kilomet tiếp diễn nhau. Tôi nhìn con đường trước mặt tôi trong một loại hôn mê. Trong đấy, thiếu tá Julyan ngủ; lúc tôi quay lại thấy đầu ông ngửa vào đệm, mồm há ra. Chiếc ô tô xanh theo sát chúng tôi, thỉnh thoảng lại vượt chúng tôi, thỉnh thoảng lại tụt lại đằng sau. Nhưng chúng tôi không mất hút nó bao giờ. Lúc một giờ, chúng tôi đỗ lại để ăn bữa trưa, trong một quán ăn lạc hậu của tỉnh lỵ. Ông thiếu tá gọi đầy đủ món ăn: khoai, cá, thịt bò và bánh bột gạo. Maxim và tôi gọi jăm - Bông và cà phê.
Tôi tưởng thế nào Fawell cũng theo chúng tôi vào quán ăn. Nhưng lúc chúng đi ra, chúng tôi thấy xe hắn đỗ trước cửa quán cà phê bên kia đường. Hắn hẳn là đã nhìn thấy chúng tôi qua cửa sổ, vì chúng tôi đi chưa được ba phút đã thấy hắn ở đằng sau chúng tôi.
Chúng tôi tới ngoại ô Luân Đôn lúc ba giờ. Lúc đó tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Tiếng động đều đều của những chiếc xe vo ve trong tai tôi. Thế rồi khí hậu Luân Đôn rất nóng. Các phố xá có vẻ khô héo và bụi bặm của những ngày tháng tám, và những lá cây lủng lẳng ở những cành cây không màu sắc. Cơn dông của chúng tôi có lẽ chỉ ở địa phương, ở đây không mưa.
Phụ nữ mặc áo mỏng và đàn ông không đội mũ. Tất cả toát lên mùi giấy cũ, mùi vỏ cam, mùi cỏ héo bốc hơi. Các xe buýt chạy chậm và xe tắc xi kéo lê. Tôi cảm thấy áo dính vào người và đôi bít tất nóng bỏng.
Thiếu tá Julyan vương người lên nói:
- Ở đây không mưa.
- Không, - Maxim nói.
- Tuy nhiên cũng không đến nỗi tệ lắm.
- Không.
- Chúng ta thế mà không bỏ rơi Fawell được. Lúc nào hắn cũng sát gót chúng ta.
- Vâng.
Những phố buôn bán ngoại ô ứ đọng người. Những đàn bà mệt mỏi với những đứa trẻ khóc trong xe đẩy nhìn qua các cửa kình quầy hàng. Những người bán rong rao hàng, những đứa trẻ bám vào đằng sau những xe chở hàng. Quá nhiều người, quá nhiều tiếng động. Không khí cũng bực tức, kiệt quệ.
Đi qua Luân Đôn đối với tôi như không bao giờ hết, và khi chúng tôi lại tìm thấy bầu trời tự do bên ngoài Hampstead, đầu tôi như có cái gì gõ vào và mắt tôi nóng bỏng.
Tôi không hiểu Maxim đã mệt mỏi đến mức độ nào. Mặt chàng tái mét và cặp mắt có quầng, nhưng chàng chẳng nói gì. Thiều tá Julyan ngáp dài đằng sau lưng chúng tôi. Ông há miệng thật rộng và ngáp ầm ỹ rồi thở dài một tiếng thật sâu. Cứ mấy phút ông lại làm thế. Tôi cảm thấy bực mình một cách kỳ cục và đã mấy lần toan quay lại để yêu cầu ông đừng làm thế nữa.
Khi chúng tôi đi qua Hampstead, ông rút trong túi áo vét ra một tấm bản đồ và chỉ hướng đi cho Maxim. Đường đi rất dễ và có những biển chỉ đường. Nhưng cứ đến mỗi chỗ ngoặt là ông lại đứng lên hướng dẫn, nếu thấy Maxim lưỡng lự, ông lại đứng ra ngoài cửa xe để hỏi người đi đường.
Đi tới Barnet, mỗi lúc ông lại bắt Maxim dừng xe lại hỏi người đi đường.
- Ông làm ơn chỉ cho chúng tôi biệt thự Roseland ở đâu, nhà của ông bác sĩ Baker mới dọn đến đây chưa lâu.
Thế là người đi đường dừng lại, chau mày, rõ ràng là không biết:
- Bác sĩ Baker? Tôi không biết ông bác sĩ Baker. Có một biệt thự tên là Rose gần nhà thờ, nhưng người cư trú là ông Wilson.
- Không, chúng tôi tìm biệt thự Roseland kia, chủ nhân là bác sĩ Baker.
Và chúng tôi lại đi để rồi lại đỗ lại trước một người vú em bên cạnh một chiếc xe trẻ con:
- Chị có thể chỉ cho chúng tôi biệt thự Roseland?
- Rất tiếc, tôi mới đến đây.
- Chị có biết bác sĩ Baker không?
- Không, tôi chỉ biết bác sĩ Davidlson.
- Không, chúng tôi tìm bác sĩ Baker.
Tôi nhìn Maxim. Chàng có vẻ mệt mỏi. Môi chàng mím lại, Fawell lê đằng sau chúng tôi, chiếc xe màu xanh phủ đầy bụi.
Cuối cùng, một người đưa thư chỉ nhà cho chúng tôi. Một ngôi nhà vuông, phủ đầy cây trường xuân, không có biển tên treo ngoài hàng rào, và trước mặt nó chúng tôi đã hai lần đi qua. Maxim cho đỗ xe bên lề đường chứ không cho vào trong vườn.
- Vậy là chúng ta đã đến nơi, - Thiếu tá nói. - Bây giờ là đúng năm giờ mười hai phút. Chúng ta đến làm phiền họ đúng vào bữa trà. Ta nên đợi một lát.
Maxim châm một điếu thuốc rồi đưa tay ra cho tôi. Chàng không nói gì. Tôi nghe tiếng ông Julyan mở tấm bản đồ.
- Chúng ta có thể tới thẳng được đây không phải qua Luân Đôn, - Thiếu tá nói, - như vậy chúng ta lợi được ít ra là bốn mươi phút.
Một người giao hàng vượt qua chúng tôi, vừa đạp xe vừa huýt sáo. Một chiếc xe hàng đỗ ở góc phố, có hai người đàn bà xuống xe. Một chiếc đồng hồ ở đâu đó điểm bốn mươi nhăm phút. Tôi thấy Fawell nửa nằm nửa ngồi trong chiếc xe của hắn, miệng ngậm điếu thuốc lá.
Hình như tôi chẳng cảm thấy gì. Tôi ngồi nhìn những thứ chẳng có gì là quan trọng. Hai người đàn bà xuống xe hàng lúc nãy đang đi dọc phố. Người đi xe đạp mất hút chỗ ngã tư. Một con chim sẻ nhảy lò cò trên hè phố.
- Lão Baker này phải là một người làm vườn, - Thiếu tá nói. - Hãy cứ nhìn những cành cây kia vượt trên nóc tường, chúng phải được cắt tỉa, - ông gập bản đồ lại bỏ vào túi. – Xó xỉnh này rút vào đây làm gì. Cách đường cái lớn có bao bước chân với những ngôi nhà tứ phía. Tôi không thích thế này. Nhưng có thể là trước kia đẹp, khi người ta chưa xây dựng. Gần đâu đây phải có sân chơi golf tốt.
Ông ngừng một lát rồi mở cửa và xuống xe.
- Thôi ta đi. Winter, ông nghĩ thế nào?
- Tôi xin sẵn sàng.
Chúng tôi ra khỏi xe. Fawell đi theo chúng tôi. Hắn hỏi:
- Các ông còn đợi gì nữa thế? Đau gan hay sao?
Chẳng ai trả lời hắn. Chúng tôi bước vào trong vườn và đi theo con đường dẫn đến nhà. Chúng tôi thành một nhóm nhỏ khá kỳ. Tôi thấy có một sân chơi quần vợt sau nhà và nghe có tiếng bóng nẩy. Một giọng con trai hô: “Bốn mươi – Mười lăm!” Thiếu ta Julyan nói:
- Vậy là họ đã xong bữa trà rồi!
Ông lưỡng lự một lát, nhìn Maxim. Rồi ông bấm chuông. Chúng tôi đợi khá lâu. Một cô hầu rất trẻ ra mở cửa, cô có vẻ kinh ngạc thấy chúng tôi khá đông.
Thiếu tá Julyan lên tiếng hỏi:
- Chúng tôi muốn hỏi bác sĩ Baker.
- Vâng, xin mời các ông vào.
Cô hầu mở một cửa bên trái hành lang. Có thể đấy là phòng khách. Trên tường có chân dung một bà rất xấu. Tôi không hiểu đấy có phải là bà Baker không. Tấm vải phủ lên các ghế bành còn mới và bồng. Một tấm ảnh của hai sinh viên có bộ mặt tròn và tươi cười trang hoàng mặt lò sưởi. Một máy thu thanh rất lớn để trong góc gần cửa sổ. Fawell ngắm nhìn chân dung người đàn bà. Thiếu tá Julyan đến tựa lưng vào lò sưởi. Maxim và tôi đứng nhìn qua cửa sổ. Tôi trông thấy một chiếc ghế dài và phía sau đầu một phụ nữ. Sân quần vợt chắc là ở mé bên kia. Tôi nghe thấy những tiếng kêu của con trai. Một con chó lớn đang cào giữa một lối đi. Chúng tôi chờ khoảng năm phút. Tôi thấy hình như tôi đang sống một cuộc sống của người khác và tôi đến nhà này là để trình bày một bản quyên tiền từ thiện. Điều đó không giống những thứ mà tôi biết. Tôi không thấy có một tình cảm nào, một khổ tâm nào.
Sau cùng, cánh cửa mở ra và một người đàn ông bước vào. Ông người tầm thước, bộ mặt hơi dài, quai hàm rắn rỏi. Bộ tóc màu cát xám. Ông mặc chiếc quần flanen và áo dạ màu xanh thẫm.
- Xin lỗi đã để các vị phải chờ đợi! – ông nói, hơi ngạc nhiên như cô hầu thấy chúng tôi khá đông. – Tôi phải đi rửa tay. Tôi đang chơi quần vợt thì các vị đến. Xin mời các vị ngồi.
Ông ta quay lại tôi, tôi ngồi xuống chiếc ghế bành gần nhất và chờ.
- Thưa ông, - Thiếu tá Julyan nói. – Hẳn ông thấy đây đúng là một cuộc xâm nhập. Tôi thành thật xin lỗi bác sĩ đã làm phiền bác sĩ như thế này. Tôi tên là Julyan. Tôi xin giới thiệu ông Winter, bà Winter và ông Fawell. Có thể là ông đã thấy tên ông Winter trên các báo chí hồi gần đây?
- Ồ, phải, phải, hình như thế. Về một vụ điều tra có phải không ạ? Bà vợ tôi có đọc hết.
- Tòa đã công bố một bản tuyên bố tự tử, - Fawell tiến lên nói, - Tôi hoàn toàn không công nhận thế. Bà Winter là em họ tôi. Tôi quen biết bà ấy rất thân tình. Bà ấy không thể làm như thế, và nhất là bà ấy lại càng không có lý do. Điều mà chúng tôi muốn biết là thế quái nào bà ấy lại đến thăm ông đúng vào ngày bà ấy chết.
- Anh nên để vấn đề đó cho ông Julyan hoặc cho tôi thì hơn, - Maxim nhẹ nhàng nói. - Bác sĩ Baker không hiểu một câu nào trong những điều anh vừa kể ra.
Chàng quay về phía bác sĩ đang đứng giữa hai người, một nếp nhăn giữa đôi lông mày và nụ cười mến khách đông cứng trên môi. Maxim nói tiếp:
- Ông anh họ của người vợ thứ nhất của tôi không thỏa mãn về bản phán quyết, và hôm nay chúng tôi đến thăm ông bởi vì chúng tôi tìm thấy số điện thoại phòng khám bệnh cũ của ông trong quyển sổ nhật ký của vợ tôi. Hình như cô ấy có hẹn với ông và đã đến gặp ông lúc hai giờ trưa ngày cuối cùng của cô ấy ở Luân Đôn. Ông có thể kiểm tra lại sự việc đó giúp chúng tôi không?
Bác sĩ Baker chăm chú nghe, nhưng đến câu kết thúc của Maxim, ông lắc đầu nói:
- Tôi lấy làm tiếc vô cùng. Có lẽ các ông nhầm. Suốt đời tôi, tôi chưa hề chăm sóc cho bà có tên là Winter.
Ông thiếu tá Julyan vội rút trong ví ra tờ giấy mà ông đã xé ở quyển nhật ký, ông nói:
- Đây ông xem, viết rõ ràng: Baker, hai giờ và một dấu chữ thập bên cạnh chỉ rằng cuộc hẹn đã được thực hiện. Và đây là số điện thoại: Museum 0488.
Bác sĩ Baker xem xét kỹ tờ giấy rồi lẩm bẩm:
- Lạ thật! Lạ thật! Số điện thoại rất đúng.
- Hay là bà ấy đã khám bệnh dưới một cái tên giả? – Thiếu tá Julyan nói.
- Rất có thể. Nhưng điều đó không được đâu. Tôi không bao giờ khuyến khích loại ấy. Để cho nghề nghiệp của mình được tin tưởng, không ai người ta làm thế.
- Trong sổ sách của ông có dấu vết gì về cuộc khám bệnh này không? – Thiếu tá nói. - Tôi biết là câu hỏi của tôi trái với thường lệ, nhưng trường hợp này rất là đặc biệt. Chúng tôi có cảm tưởng là cuộc hẹn với ông có thể liên quan đến trường hợp mà chúng tôi đang phụ trách và đến vụ... tự vẫn của bà ấy.
- Ám sát, - Fawell nói.
Bác sĩ Baker nhướn lông mày lên và nhìn hỏi dò Maxim rồi dịu dàng nói:
- Tôi không biết là vấn đề như thế. Trường hợp đó tôi hiểu và tôi sẽ đem hết khả năng để giúp đỡ các ông. Xin phép các ông mấy phút, tôi đi kiểm tra lại các phiếu của tôi. Xin mời các ông sợi thuốc lá. Dùng rượu giờ này thì hơi sớm quá, có phải không ạ?
Thiếu tá Julyan và Maxim lắc đầu. Tôi nghĩ rằng Fawell sắp nói điều gì, nhưng bác sĩ Baker đã rời khỏi phòng trước khi hắn đủ thì giờ để lên tiếng.
- Ông ta có vè là con người tốt đấy! – Thiếu tá nói.
- Tại sao ông ta lại không mời chúng ta whisky? – Fawell nói. – Có lẽ vì nó cất kỹ lắm. Tôi không thích tay này lắm. Tôi cho rằng chẳng được việc gì cho chúng ta.
Maxim không nói gì. Tôi nghe tiếng quả bóng quần, tiếng chó sủa. Một giọng phụ nữ kêu nó im. Nghỉ hè. Baker đang chơi với các con. Chúng tôi đã làm gián đoạn nề nếp của họ. Một đồng hồ mạ vàng để trên mặt lò sưởi kêu tích tắc rất to. Bên cạnh có một bưu ảnh hồ Leman. Nhà Baker có những bạn bè bên Thụy Sĩ.
Bác sĩ Baker trở lại mang theo một quyển sổ lớn và một hộp phiếu. Ông để tất cả lên mặt bàn và nói:
- Tôi phải lấy tập phiếu của năm ngoái xuống. Kể từ ngày chúng tôi đổi chỗ ở, tôi chưa mò đến chúng. Tôi đã bỏ nghề thuốc cách đây mấy tháng.
Ông mở quyển sổ và giở các trang. Tôi nhìn ông như bị thôi miên. Nhất định ông ta sẽ tìm thấy. Bây giờ chỉ còn là vấn đề từng giây. Ông lẩm bẩm:
“Ngày bẩy, ngày tám, ngày chín. Đây không có gì. Ngày mười hai phải không? Lúc hai giờ trưa? A!”
Không một ai trong chúng tôi động đậy. Tất cả chúng tôi đều nhìn vào bộ mặt ông Baker.
- Tôi đã gặp bà Danny hồi hai giờ trưa ngày mười hai.
- Danny? Còn thế nữa! – Fawell nói nhưng Maxim cắt ngang ngay:
- Có thể là một cái tên giả. – Maxim nói. - Ngay từ đầu chúng ta đã có ý kiến rất có thể. Thưa bác sĩ, ông có còn nhớ cuộc khám bệnh ấy không?
Bác sĩ giở các tờ phiếu. Tôi trông thấy ngón tay ông thọc theo ngăn đánh dấu chữ D. Ông tìm gần như được ngay. Ông lướt nhanh những dòng chữ chính ông đã viết, rồi ông từ từ trả lời:
- Có, có. Bà Danvers. Tôi nhớ rồi.
- Cao, mảnh, nâu, rất lịch sự? – Thiếu tá Julyan nhẹ nhàng nói.
- Đúng, đúng, - Bác sĩ nói.
Ông đọc các phiếu và lại để chúng vào ngăn. Ông nhìn Maxim và nói:
- Tất nhiên thế này là trái với tập quán nghề nghiệp của chúng tôi. Chúng tôi đón tiếp bệnh nhân như ở phòng xưng tội. Nhưng bà nhà đã chết rồi, và tôi hiểu những trường hợp đặc biệt. Ông muốn biết xem tôi có nhận thức gì về lý do vợ ông đã tự sát phải không? Tôi nghĩ rằng có. Người đàn bà tự xưng là Danvers bị bệnh rất nặng.
Ông ngừng lại và nhìn chúng tôi lần lượt từng người một và nói tiếp:
- Tôi nhớ bà ấy rất rõ. Bà ấy đến chỗ tôi lần đầu tiên trước đó một tuần lễ. Bà ấy than phiền có một số triệu chứng và tôi đã chiếu điện cho bà. Mục đich chuyến đến thứ hai là để lấy kết quả chụp ảnh quang tuyến. Tôi không có những bức ảnh đó ở đây nhưng tôi sẽ miêu tả lại. Tôi còn nhớ bà đứng trong phòng tôi, chìa tay về phía những hình chụp và nói với tôi: “Tôi muốn biết rõ sự thật. Tôi không cần có những nể nang xếp đặt và những câu nói tốt lành. Nếu tôi thế là hỏng rồi, xin ông cứ nói thật.” – Ông Baker lại ngừng lại và xem xét lá phiếu.
Tôi chờ, tôi chờ. Tại sao ông không kết thúc đi để chúng tôi ra về? Chúng tôi buộc phải ở lại đây, chờ đợi, mắt dán vào mặt ông.
Bác sĩ Baker nói tiếp:
- Vậy là bà ấy yêu cầu sự thật và tôi đã nói cho bà ấy biết. Cũng có một số bệnh nhân thích được như thế. Bà Danvers hay và Winter gì đó không thuộc hạng người phụ nữ ưa nói dối. Các ông phải biết như thế. Bà ấy đã chịu đựng rất giỏi. Bà ấy không nản chí. Bà ấy bảo tôi bà đã nghi ngờ vấn đề ấy ít lâu nay rồi. Sau đó bà trả tiền thù lao cho tôi và ra về. Từ đó tôi không còn được gặp bà nữa.
Ông đóng ngăn phiếu và gấp quyển sổ lại và nói tiếp:
- Nỗi đau đớn còn rất nhẹ, nhưng căn bệnh đã bám sâu rễ rồi từ ba bốn tháng nay, bà chỉ còn sống bằng nha phiến. Một cuộc mổ xẻ cũng chẳng ích lợi gì. Tôi đã bảo với bà thế. Vấn đề đã cắm sâu rễ rồi. Trong trường hợp mắc phải bệnh ấy chỉ còn có việc dùng nha phiến và đợi chờ.
Không ai nói một câu nhỏ. Chiếc đồng hồ kêu tích tắc trên mặt lò sưởi và mấy cậu con trai chơi quần vợt trong vườn. Một chiếc máy bay ì ầm trên trời, ông bác sĩ lại nói thêm:
- Lẽ tất nhiên bề ngoài trông bà rất có vẻ khỏe mạnh. Tôi nhớ là hơi gầy, hơi xanh, nhưng đó là mốt hiện nay mặc dù rất đáng tiếc. Nhưng cơn đau sẽ tăng dần tuần này sang tuần khác, và, như tôi đã nói với các ông, chỉ bốn năm tháng nữa sẽ phụ thuộc vào nha phiến, tử cung dẽ biến dạng và không thể có con được. Nhưng đó là vấn đề khác, với bệnh tật thì chẳng còn làm gì được nữa.
Tôi nhớ có nghe thiếu tá Julyan nói gì đó về lòng tốt của bác sĩ Baker và công sức ông đã bỏ ra, và nói thêm:
- Ông đã cho chúng tôi biết rõ tất cả những gì chúng tôi muốn biết. Giá như chúng tôi có được bản sao những tờ phiếu đó, rất có ích cho chúng tôi.
- Tất nhiên nếu các ông muốn, các ông sẽ có.
Tất cả mọi người đều đứng lên. Tôi cũng rời khỏi ghế bành. Tôi bắt tay bác sĩ Baker. Tất cả chúng tôi đều bắt tay ông. Chúng tôi đi theo ông trong hành lang.
Một người đàn bà mở một cửa phía bên kia hành lang và lùi lại lúc thấy chúng tôi. Người ta đang chuẩn bị tắm trên gác, nước chảy rào rào. Con chó fox từ ngoài vườn chạy vào ngửi gót chân tôi.
- Có phải báo cáo cho ông hay ông Winter? – Bác sĩ hỏi.
- Có lẽ chúng tôi không cần đến nữa, - Thiếu tá nói. – Một trong hai chúng tôi, ông Winter hoặc tôi sẽ viết thư cho ông. Đây là tấm danh thiếp của tôi.
- Tôi rất sung sướng đã giúp ích được các ông. – bác sĩ Baker nói. – Tôi không ngờ rằng bà Danvers và bà Winter lại chỉ là một người.
- Tất nhiên, - Thiếu tá nói.
- Chắc các ông trở về Luân Đôn?
- Vâng.
- Con đường ngắn nhất đến đấy là quành ngay sang trái sau hòm thư Nhà Thờ. Sau đó cứ đi thẳng.
- Xin rất cảm ơn.
Chúng tôi đi vòng qua vườn và đến chỗ để xe.
Bác sĩ Baker trở vào nhà kéo theo con chó fox. Tôi nghe tiếng cánh cửa đóng. Một người đàn ông rụt một chân vác một chiếc đàn óocgơ bắt đầu chơi bài “Rose de Picardse” ở đầu bên kia đường.
Rebecca (Tiếng Việt) Rebecca (Tiếng Việt) - Daphné Du Maurier Rebecca (Tiếng Việt)