Bread of flour is good; but there is bread, sweet as honey, if we would eat it, in a good book.

John Ruskin

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1655 / 25
Cập nhật: 2015-07-18 12:58:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Củ Chì Thung Của Những Gánh Hát Sơn Đông
uổi sáng đang mơ màng trên bộ ván gõ nhà trước, Trí bỗng nghe vang vang tiếng trống Sơn Đông. Cậu Tám ngồi bật dậy, không gọi một tiếng nhưng Trí cũng biết bằng linh cảm, bằng thói quen. Hai cậu cháu ngủ không bao giờ dậy sớm. Ngoại thường bảo các người trong nhà: Để yên nó ngủ cho mau lớn. Thế mà cậu dậy sớm là có chuyện. Gánh hát Sơn Đông nào ở đâu đến đây? Trí vừa dụi mắt vừa lắng tai nghe. Lùng tùng…Lùng tùng…
Không kịp xếp mền, cậu Tám đã vọt xuống đất. Còn Trí, Trí cũng muốn chạy theo cậu nhưng dì Nssm đã ra đến nơi. Dì biết cái tật thằng cháu cưng của ngoại. Nó có tật “mưa đêm”. Các dì không dám nói thẳng sợ Trí nằm vạ thì nguy to. Dì đưa cho Trí cái quần tiều rồi quay vô. Trí chụp lấy thay nhanh và vụt theo càu Tám, bỏ mặc cho ai dọn dẹp bộ ván đọng một vũng nước “mưa… đêm” mà các dì gọi là “đấm dài”.
Cậu Tám đã ra đến cửa ngõ, quay lại quát:
- Mau lên!
Thế là hai cậu cháu cắm cổ chạy. Tiếng trống lùng tùng nghe càng rõ hơn. Nhưng cặp giò của hai cậu cháu đâu có phép Cân Đấu Vân của Tôn Hành Giả mà thu ngắn đường đất được! Phải chạy qua nhà bà Tư giáp ranh với nhà ngoại, rồi đến nhà thằng Ba. Cậu Tám vừa chạy vừa kêu:
- Ba ơi Ba! Đi coi hát…
Ba là con của cậu Ba, cũng trang lứa, bạn xóm và là bà con của Trí. Kêu nhưng không thấy trả lời, cậu Tám cúi chạy qua mặt sân đập lúa rồi đến hàng mù u già của bà Nhì Hết. Qua luôn một khoảng đất trống, đên quán ông Tám Cầm rồi mới đến móng cầu sắt, qua cây cầu này mới tới chợ.
Bỗng tiếng trống ngưng bặt. Trí la lên:
- Chắc tiếng trống của nhà thằng Bảo chớ không phải Sơn Đông đâu cậu ơi!
Cậu Tám dừng lại lắng nghe. Quả thật không còn tiếng trống nữa. Nhưng cậu nói:
- Không phải trống của thằng Bảo đâu! Trống Sơn Đông khác mà! Nó đổ dòn hơn!
Ở sau ruộng có nhà ông Tư Tui chuyên môn bịt trống cho chùa, đình. Hễ xong cái nào thì ông Tư đem ra đánh thử vài chục hồi làm cả xóm điếc tai. Nhưng mỗi lần nghe tiếng trống thì biết trong làng có trâu ai chết thường là trâu già, nên bán da cho ông mua về bịt trống.
Cậu Tám vừa nói dứt tiếng thì tiếng trống phía chợ lại vang lên. Cậu đã từng kinh nghiệm nên quả quyết:
- Nó đánh tùng chập để rao bán thuốc Sơn Đông.
Quả thật tiếng trống lại dồn dập thúc giục. Lên dốc cầu đất gồ ghề, cậu Tám phải níu tay lôi Trí chạy mau. Cậu biết Trí rất sợ cây cầu này. Mỗi lần đi chợ, cậu phải dắt lôi kéo. Mặc dầu đi trên cầu sắt lót ván rộng thênh thang mà Trí vẫn sợ lọt kẽ ván rớt xuống sông, hơn là đi cầu khỉ mới lạ chớ! Nếu không lôi kéo thì Trí cứ “đếm” từng tấm ván một, nghĩa là bàn chân chỉ đặt trọn trên tấm ván thì mới bước. Bữa nay dầu có hát bên chợ, Trí vẫn không bỏ cái tật “sợ lọt kẽ ván”. Nhưng dù sốt ruột, cậu Tám vẫn không dám lôi mạnh. Nếu Trí khóc, Trí sẽ mét ngoại rầy cậu.
Cuối cùng rồi hai cậu cháu cũng đi qua khỏi cây cầu và tới chợ. Gánh Sơn Đông đang làm trò ở bên hàng me trước cửa tiệm thầy Thẹo.
Lùng tùng xèng… xèng xèng xèng…
Tiếng trống, tiếng phèng la làm bụng dạ rộn ràng; hai cậu cháu cứ việc đâm đại vòng người đang vây quanh gánh hát, bất chấp tất cả, miễn sao chen vô được bèn trong đế ngồi thấy rõ các trò của gánh hát
May quá, họ chỉ mới xong hiệp nhứt, nghĩa là dùng tiếng trống để gọi khán giả tới.
- Tả lồ lên!
Trống và phèng la lại tiếp tục vang lên.
Người chủ gánh hát tự xưng là Tiểu Lực Sĩ ở bên Tàu mới qua. Đó là một người đàn ông vạm vỡ với những bắp thịt cuồn cuộn, thân hình chữ V có nước da nâu rất đẹp, mặc quần dài túm ống, chân mang giày vải đen, đầu đội nón nỉ xám. Ông ta đi tới đi lui tiếp tục tự giới thiệu:
- Ngộ đã từng đi các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh à (lùng tùng xà). Ở Vĩnh Long ngộ đã từng à (lùng tùng xà) cho xe đò à (lùng tùng xà) chở 40 người à (lùng ‘tùng xà) cán qua ngực à! (lùng tùng xà) Ngộ vận nội công à (lùng tùng xà) chiếc xe lật qua à (lùng tùng xà) nhưng không chết người à! (lùng tùng xà) Bà con không tin qua đó mà hỏi à! (lùng tùng xà xà xà…)
Cứ mỗi câu, Tiểu Lực Sĩ lại “à” và ngưng lại để trống và phèng la chấm câu, bất kể câu đó có trọn ý hay không.
Vừa nói, ông ta vừa cầm cái củ chì thung quay vun vút làm cho đám con nít ngồi vòng trong cùng phải né mặt qua tránh.
Củ chì thung là một quả đấm làm bằng vải, buộc ở đầu một sợi dây thừng, thường dùng ở các gánh hát Sơn Đông. Nsười ta vung nó thật mạnh để lấy trớn, muốn chỗ nào nới rộng ra thì phóng củ chì thẳng vào đó người ngồi sợ trúng mặt phải thụt ra. Người sử dụng củ chì thung cần khéo tay. Ai ngồi bên ngoài mục tiêu cũng thót ruột khi thấy củ chì suýt trúng mặt khán giả, nhưng nó kịp thời được rút lại ngay như cái đầu rắn khôn ngoan, chỉ xừng bàn nạo phóng tới nhưng không cắn ai.
Tiểu Lực Sĩ vừa phóng củ chì thung làm quen với khán giả giáp một vòng. Bây giờ cái vòng tròn được nới rộng ra bộn bàng. Nhiều đứa con nít leo lên cây me vắt véo ngồi dòm xuống, không sợ ăn củ chì thung.
Bình Bắc trấn Nam xong rồi, Tiểu Lực Sĩ tiếp tục giới thiệu thuốc men:
- Đại Lực Sĩ là thầy của ngộ à (lùng tùng xà) có phép lạ à (lùng tùng xà) thu hình nhỏ lại à (lùng tùng xà) thật nhẹ à (…) đi trên mặt nước à (…) được hai ba bước à (…) Ông thầy bào chế nhiều thứ thuốc, cao đơn hoàn tán, trị đau lưng, nhức xương, làm ruộng đứt thịt trầy da… trong uống ngoài thoa, lành ngay tức khắc à (….)
Rồi không để khán giả chờ lâu lắc, Tiểu Lực Sĩ bắt đầu làm trò trong tiếng trống nổi rộ lên như trống Phàn Lê Huê phá Hồng thủy trận.
Cậu Tám nắm chặt tay Trí lôi lại gần, sợ lạc mất thằng cháu. Cậu ngẩng nhìn lên nhánh me, bỗng thấy thằng Ba ngồi ngất ngưởng trên đầu vòng người thò cổ dòm xuống. Cậu đưa tay ngoắc và kêu:
- Ba! Xuống mau! Có chỗ ngồi tao dành cho nè!
Nhưng Ba xua tay lắc đầu nói vọng xuống theo tiếng trống:
- Ở trên này coi rõ hơn cậu à!
- Nó mà con mắt mày bước hụt chân, té lọi giò đó!
- Hổng sao đâu! Cậu biểu thằng Trí leo lên đây.
- Nó hát thuật, nó không cho ai leo cao trên đầu nó dòm xuống thấy bí mật của nó.
Nhưng thằng Ba cứ lắc đầu. Cậu Tám đành phải dặn:
- Mày có ngồi trên đó thì ôm nhánh me cho chặt nghe hôn!
Rồi cậu bị thu hút vào những trò hát, mạnh ai nấy xem.
Một người đàn bà xẩm mặc áo ngắn tay, đi giày vải, quần túm ống, dắt một bé gái chừng 6 tuổi bước ra khom chào bốn phía khán giả rồi quay vô “buồng” (buồng hát Sơn Đông không có cánh gà cánh vịt gì ráo trọi. Đó chỉ là một nơi để trống. Ngoài ra còn phèng la, trống, đồ nghề cùng nhưng món thuốc sắp đưa ra bán.)
Hai người đàn ông khiêng ra giữa sân một cái bàn. Người đàn bà lên nằm trên bàn, hai tay xuôi dọc hai bên hông, hai chân kẹp sát vào nhau giơ ngược lên trời. Tiểu Lực Sĩ tay cầm gối ra kê đầu cho bà, tay xách cái choé (một loại chum sành đít túm, miệng rất nhỏ chỉ vừa thọc tay vào) màu vàng sậm. Ông ta đặt chiếc choé lên hai bàn chân bà xẩm.
Bà bắt đầu điều khiển chiếc choé quay trên lòng hai bàn chân, càng lúc càng nhanh, quay tít như bánh xe lăn vòng trên mặt đất. Rồi chậm lại, rồi ngừng hẳn. Xong, bà lại cho nó quay ngang từ trái sang phải và ngược lại càng lúc càng nhanh nhưng không bằng lúc quay vòng tròn. Rồi bà tung nó lên vẫn bằng hai chân. Chiếc choé văng lên cao rồi rơi xuống nằm trên hai bàn chân lật ngược của bà. Tiếng trống rào lên như chấm dứt một màn ngoạn mục.
Tiếng trống vừa dứt thì Tiểu Lực ST dắt đứa con gái ra, ẵm nó để lên cái choé. Bà xẩm co hai chân rùn xuống rồi vươn thẳng lên ba lần. Lần cuối cùng, bà đưa chiếc choé lên và đứa bé từ từ đứng thẳng người trên chiếc choé và giơ tay chào khán giả. Tiếng trống và phèng la nối lên tưng bừng, kịch liệt như để hoan hô trong lúc bà xẩm từ từ hạ chân xuống.
Tiểu Lực Sĩ giơ tay đón đứa bé đặt xuống đất, trong khi bà xẩm tung chiếc choé bổng lên rồi chụp gọn nó ôm vào lòng, ngồi dậy nhẹ nhàng bước xuống đất. Cả ba người, đứa bé đứng giữa, cúi chào khán giả một cách hãnh diện rồi bước vào “buồng”.
Tiểu Lực Sĩ trở ra, nói:
- Hôm nay bổn hiệu không cần bán thuốc, để dành thời giờ biểu diễn cho bà con cô bác coi chơi.
Tiếng trống lại nổi lên dồn dập. Tiểu Lực Sĩ co hai ngón tay cái và trỏ lại, đút vào mồm thổi “oéc” môt tiếng dài như còi tàu rồi lấy một dải lụa điều căng ra buộc ngang lưng, trao mỗi đầu lụa cho một người. Ông thót bụng lại trong khi hai người kia kéo mạnh dây lụa càng lúc càng chặt. Bụng Tiểu Lực Sĩ tóp lại nhỏ dần, nhỏ dần rồi hầu như biến mất không còn nữa. Trong khán giả có tiếng kêu lên:
- Nhè nhẹ vậy! Coi chừng đứt eo ếch ổng!
Quả thật cái eo ếch của Tiểu Lực Sĩ chỉ còn bàng hai nẹn tay. Ông đưa hai tay đo thử và xoay bốn phía cho khán giả xem.
Trong lúc bộ ngực của ông phồng to lên, một người có lẽ là đệ tử, đem ra trao cho cho ông một thanh sắt dẹp bề ngang bằng hai ngón tay. Tiểu Lực Sĩ cầm lấy cán, hét lên một tiếng và đập vào ba sườn ông “bịch, bịch, bịch” ba nhát liền. Ông giơ thanh sắt cong thành hình bán nguyệt lên rồi ném xuống đất đá nghe rổn rang như để nói với mọi người đó là sắt thật chứ không phải giả. Vì thế nên bên hông nổi lên những vệt bầm và rướm máu.
Xong màn đập sắt vào ba sườn, một đệ tử khác đem ra một chiếc khay bọc vải, trên nằm lăn lóc 5 thỏi sắt tròn to bằng ngón tay. Ông cầm lấy hai thỏi, vừa đi vừa gõ giáp vòng và mời mọi người cầm lên xem. Xong ông cầm lấy từng thỏi, lần lượt đưa vào miệng cắn chặt và đưa tay bẻ quặt xuống như xước một lóng mía. Đến lúc đầu thanh sắt ôm trọn xương cằm ông mới lấy ra, dùng ngón tay bóp thanh sắt lại thành chữ U rồi quãng xuống đất.
Lần lượt, ông bẻ đến thanh sắt thứ nãm và nhặt lên đưa tận tay để khán giả xem xét lần nữa.
Trống lại xổ lên rầm rĩ. Phèng la kêu to hơn bao giờ hết. Ai trông thấy cũng phải lắc đầu: miệng mồm răng cỏ nào chịu cho nổi!
Bây giờ Trí thấy những vết bầm trên ba sườn ông Tiếu Lực Sĩ sưng to hơn lúc nãy nhưng ông vẫn thản nhiên, không tỏ vẻ đau đớn gì hết.
Cậu Tám ngó lên cành me, thấy thằng Ba vẫn còn ngồi chàng hảng hai chân bỏ qua hai bên như cỡi ngựa. Cậu quát:
- Đi xuống! Nó sợ mầy thấy nghề của nó, nó “mà” con mắt mầy đó!
- Mà con mắt gì? Thằng Ba hỏi.
- Là nó làm cho đất thấp xuống, mầy bước hụt giò, hiểu chưa?
Tiểu Lực Sĩ lại ra tuồng tiếp. Ông nói:
- Chúng tôi còn nhiều trò, hát ba buổi mới hết, mời bà con ở lại xem nhảy vòng dao, nhảy vòng lửa, giằn đá trên ngực, chém đá bằng cạnh bàn tay, nuốt chỉ vô, mổ bụng lấy ra, dắt con trâu qua lỗ trục chỉ…
Nói xong, Tiểu Lực Sĩ cầm lấy củ chì thung vung lên vù vù… phóng ra bốn phương tám hướng. Xong lại phóng lên mấy cây me có con nít ngồi trên đó.
Chúng hoảng hồn tuột xuống mau mau. Thằng Ba cố ngồi nán lại nhưng nó suýt ăn một củ chì nên phải hạ san và vẹt vòng ngồi phía đối diện với Trí.
Nó ngoắc Trí và nói qua tiếng trống:
- Đi về tắm mương, đốn dừa nước ăn khoái hơn!
- Để coi ổng dắt trâu qua lỗ trục chỉ rồi hãy về. Nước chưa có ròng đâu mà vội!
Thằng Ba ngồi chờ hoài không thấy ông Tiểu Lực Sĩ dắt trâu qua lỗ trục chỉ nên nó bỏ về trước. Không có bạn tắm mương nên nó đành ở nhà, nghĩ ra trò chơi khác. Trò gì bây giờ? Ở sau ruộng có cái trống của thằng Bảo, nhưng chung quanh căng đầy nhũng tấm da trâu. Ớ dưới mương, ba thằng Bảo cũng ngâm da trâu. Quạ đánh hơi bay đến đậu đen nóc nhà. Da trâu dai lắm, quạ không ăn được nên nổi giận, chúng cứ kêu “quạ quạ” ỏm tỏi suốt ngày. Đánh trống thì sướng tay thật, nhung nhớ tới đám quạ khoang, thằng Ba ớn xương sống, đành chờ thằng Trí về rủ đi hớt cá lia thia.
Ăn cơm xong thì đã nghe tiếng gọi:
- Ba ơi Ba! Đi chùa không?
Ba biết đó là “mật hiệu” đi hớt cá lia thia vì cánh đồng sau nhà hai đứa có ngôi chùa Oai Linh tự. Chung quanh chùa có nhiều cuộc đất đầy ổ cá lia thia.
Trí ăn cơm không kịp nuốt, tuột xuống xách rổ chạy băng vườn đi ngõ sau tới nhà Ba. Dì Năm đưa theo một quãng. Trước khi trở về còn dặn Trí:
- Con phải kêu thằng Ba bằng anh, không được kêu nó bằng mầy nữa.
Trí cãi lại:
- Con lớn hơn nó mà.
- Con lớn hơn nó hai tuổi, nhưng vai nhỏ hơn nó.
- Hễ lớn tuổi thì phải vai lớn chớ! Trí bướng bỉnh cãi lại.
Dì Năm bảo:
- Để dì nói cho con nghe: cô của thằng Ba, con kêu tới bằng bà lận! Tức là vợ của ông Năm con, con kêu bằng bà Năm. Nếu theo bên nội của con thì con phải kêu thằng Ba bằng chú lớn cũng như chú Ba Cần của con ở trong Cầu Mống. Còn theo bên ngoại thì con phải kêu thằng Ba bằng anh vì má con và dì kêu ba nó bằng anh. Ngoại nghe con kêu nó bằng mầy, ngoại rầy cho đó.
Trí không hiểu gì cả, cúi xách rổ chạy mau mau, kẻo “thằng” Ba đi trước mất. Ba cũng sợ Trí không đến, nhưng may quá, hai chàng hiệp sĩ tí hon đã gặp nhau ở sau nhà Ba.
Hai đứa thuộc đường, đi theo bờ ranh một mạch thì xuống tới giữa ruộng, vừa đi vừa lom khom vạch tìm bọt cá trong gốc lát hoặc trong vỡ cày.
Trời nắng chang chang, nhưng hai chàng hiệp sĩ vẫn hăng hái tìm kiếm như người ta đi tlm vàng. Bỗng Ba hỏi Trí:
- Mầy ở lại coi Sơn Đông có gì hay không?
Trí nói:
- Tao xem luôn tới tan chợ nhưng không có “con trâu dắt qua lỗ trục chỉ”.
- Vậy có những trò gì?
- Nhiều lắm! Để tao nhớ coi. À à… sau cái màn bẻ cọng sắt thành chữ u, tới trò nhào vòng lửa.
- Là cái gì?
- Nó đốt lửa ngọn quanh vòng tròn rồi chui qua như mình đứng trên cây phóng xuống nước vậy thôi
- Có cháy tóc nó không?
- Nó phóng nhanh lắm, chắc lửa không có cháy kịp đâu!
- Rồi tới gì nữa?
- Tới nhảy vòng dao. Cũng như nhảy vòng lửa. Chỉ khác là dao thay lửa.
- Dao có rạch da nó không?
- Không có rạch. Nhưng Tiểu Lực Sĩ cầm dao cắt da cho chảy máu rồi ổng lấy thuốc dán lên. Sau đó da lành lại, ổng mới bắt đầu bán thuốc dán. Người ta thấy thuốc hay nên ai cũng mua một miếng, ống bỏ đầy một hộp bạc giấy. Chà, nhiều quá! Phải mình được nhiêu đó, mua bánh ăn đã!
- Rồi tới màn gì nữa?
- Còn một màn làm người ta cười rần rần.
Bỗng Ba kêu lên:
- Tao gặp bọt rồi Trí ơi! Hột bọt bự lắm, chắc cá
Trí chạy lại coi. Hai đứa dụm đầu vào nhìn. Cái bọt vàng nghinh vun cao, rìa bọt có đóng phèn. Nó đóng trong vỡ cày thật kín, mới ngó qua không thể nào thấy được.
- Con cá này loại anh chị bự đa nghen!
Ba rẽ lác ngồi xuống, hai tay bụm lại lách vào vỡ cày sửa soạn hớt con cá. Ba đã thấy trước con cá mun đen dãy dụa nhè nhẹ trên tay, khoái biết bao nhiêu! Nhưng Trí đưa tay cản lại. Trí nói:
- Khoan! Để nó đó! Đừng động, nó đi mất.
Ba ngạc nhiên không hiểu. Trí bảo:
- Tụi mình đi tìm vài cái bọt nữa, hớt con khác đem thả vô đây, cho nó đá với nhau, con nào ăn mình bắt về nuôi.
- Còn con nào thua, mình cũng bắt luôn, đem về… kho!
Hai đứa cười ha hả rồi cùng nhau đi tìm cá mới. Đi vài đường cày thì tìm được bọt khác. Đất mới cày xong vạch lát cày nào cũng gặp bọt hết. Đây nữa, một cái bọt vàng nghinh! Trí định hớt cá lên, nhưng sực nhớ không có đồ đựng. Lúc nãy vì chạy vội, quên ghé vô bờ bứt lá môn. Trí bèn ngoắc Ba. Ba chạy lại, xem cái bọt rồi nói:
- Mầy gặp bọt cá bãi trầu rồi!
Trí gặng hỏi:
- Chưa hớt lên, sao mầy biết?
- Ừ, để hớt lên coi.
Trí bụm tay hớt lên. Đúng là con cá bãi trầu to sồ. Trí hất nó xuống nước, hỏi:
- Sao mầy giỏi vậy?
- Bọt cá bãi trầu hột không đều và không chụm, nó tản mát ra. Mầy coi kỹ, nó không giống bọt lia thia! Cá bãi trầu cũng đá được, nhưng kho ăn ngon hơn
Ba lôi tay Trí lại góc bờ ranh, chỉ một cái bọt mới. Nhưng khi thò tay trong lưng quần tìm cái chai thì nó đã rơi lúc nào rồi. Có cá mà không có đồ đựng. Hai đứa đang tấn thối lưỡng nan thì nhanh như chớp Trí chạy vọt đi, còn quay lại dặn:
- Để tao đi tìm con ốc bươu moi ruột, đựng nó. Mầy đứng đó chờ tao.
Nhưng khi Trí trở lại thì Ba đã đi. Nhìn xuống gốc lác thấy nước đục, Trí biết Ba đã hớt con cá rồi. Trí chạy theo Ba, sốt ruột hỏi:
- Mầy hớt con cá chưa?
Ba gật đầu ư ư.
- Cá mun hay bạch chảng?
Ba không nói mà cứ chạy rút trở lại chỗ cái bọt lúc nãy. Ba dừng lại rồi nhả con cá vào lòng bàn tay. Con cá lóc lóc mấy cai rồi Ba thả nó xuống trũng nước. Trời cái thằng! Ngậm cá trong miệng! Rồi hai đứa dụm đầu lại xem độ cá tao ngộ bất ngờ. Trí càu nhàu:
- Mầy ngậm trong họng mầy lột da nó hết, đá sao lại con kia?
- Không sao đâu! Tao chơi kiểu nầy hoài mà! Coi kìa hai con phùng mang bọc với nhau rồi. Coi đã không?
- Ờ ờ… một con xanh đen, một con xanh đỏ; mầy bắt con nào?
- Tao bắt con ngậm trong miệng đó.
- Tao bắt con kia nghe!
Hai chàng hiệp sĩ ngoéo tay ăn thua suông chớ không giao kết ăn thua món gì. Bỗng Ba nói:
- Đá ăn bắt xác nghe. Hễ đứa nào ăn thì bắt luôn con kia, đem về cho vô ơ muối.
Trí hỏi:
- Bộ cá bãi trầu không đá được sao?
- Nó chỉ đá với ông Táo thôi! Hì hì… nhưng con nào chịu độ thì lia thia làm không lại. Mầy không thấy cái bộ tướng hầm hừ của nó sao? Nó mạnh còn hơn trâu nữa đó!
Nghe tiếng “trâu”, Trí lại nói:
- Hồi sáng tao chờ ổng “dắt trâu qua lỗ trục chí” coi mà chờ mãi không thấy. Đến mãn cuộc, ổng nói: bữa nay mượn không được trâu, để bữa khác sẽ dắt…
- Mai mầy có đi qua chợ coi nữa không?
- Tao không biết. Còn mầy?
- Mai tao mắc về bên ngoại tao rồi.
- Ngoại mầy ở đây chớ đâu mà về?
- Tầm bậy, đây là bên nội tao.
- Sao cùng một chợ Tân Hương mà mầy nội, tao ngoại?
- Ngoại mầy mà nội tao, hiểu chưa?
- Còn ngoại mầy ở đâu?
- Ngoại tao ở bên Bảo.
- Bảo là đâu?
- Bên Bảo là Bảo chớ ở đâu!
- À à… tao biết rồi! Tao học bài “Bến Tre gồm có hai cù lao Bảo và cù lao Minh. Bắc giáp Mỹ Tho nam giáp Trà Vinh, đông giáp biển Nam Hải, cách Sài gòn chừng 85 kí-lô-mét-tờ-rờ”.
Ba cười:
- Kí-lô-mét-tờ-rờ là cái gì?
- Là kí-lô-mét-tờ-rờ chớ là cái gì! Tao đâu biết.
Bỗng Ba kêu lên:
- Con cá “ngậm trong họng” thua chạy rồi kìa! Thôi vớt con của mầy lên đem về đi!
- Tao cho mầy đó. Tao không dám ngậm trong họng đâu.
- Sao vậy?
- Tao sợ nó chạy tuốt vô bụng rồi làm sao!
- Đỉa tao còn không sợ, lia thia sợ cái gì? Vậy mầy không nghe chuyện đỉa ăn hết óc mà người ta vẫn còn sống như thường sao?
Rồi Ba kể:
- Có người con dâu nhà đó đi cấy bị đỉa chun vô lỗ tai mà không biết, mấy bữa sau nghe ngứa ngứa trên đầu. Sẵn nồi cơm sôi, chị ta lấy cái nắp vung đội lên đầu ấm ấm cho đỡ ngứa. Bà mẹ chồng đế ý thây bữa nào con dâu cũng làm như vậy. Bữa đó vì ngứa nhiều, cô con dâu đội cái nắp vung nhiều lượt nên cơm sống. Bà mẹ chồng tức giận bèn giật cái nắp vung, sẵn đũa bếp trên tay, bà gõ nhẹ trên đầu con dâu, chẳng ngờ sọ đầu bể hai, cả nùi đĩa tuôn xuống đất bò lển nghển.
- Sao kỳ vậy?
- Đỉa vô đầu ăn óc, sanh đẻ lúc nhúc và khoét cái sọ càng ngày càng mỏng nên bị gõ nhẹ mà nó bể hai chớ sao!
- Uạ ụa…. tao mắc ói quá chừng!
- Mầy không tin, bữa nào bắt con đỉa chặt khúc bỏ trong lá môn, đổ nước, túm lại rồi treo trên cây đúng 100 ngày, mở ra, mấy khúc thành mấy con đỉa.
- Ghê quá! Thôi đừng nói nữa, mắc ói ăn cơm không vô.
- Bởi vậy ba tao dặn mỗi lần tắm mương, lấy bông gòn nhét lỗ tai lại. Còn đi ruộng thì phải đem theo cục vôi ăn trầu. Hễ thấy đỉa đeo thì chấm lên đầu nó, nó quéo lại hết đeo mình được.
Về tới nhà, thằng Ba đem hết cá lia thia của nó qua cho Trí. Nó sửa soạn về bên Bảo quê ngoại nó nên không nuôi nữa. Bên đó cũng có cá lia thia thiếu gì. Chỉ thiêu thằng Trí để rủ đi hớt cá thôi.
Trưa hôm đó nước lớn. Đáng lẽ thì hai đứa tắm mương vớt lục bình ném lên bờ để đắp gốc trầu, xong rồi trèo hái khế ngọt. Cây khế mọc ở bên bờ vườn ngoại Trí nhưng tàn gie qua bên bờ nội Ba, thành ra đứng bên nào cũng hái được. Khế xanh ngắt mà lại ngọt như đường. Vừa lội dưới mương vừa cạp, có khi nước vô miệng cũng nhai nuốt luôn, đã làm sao!
Nhưng bữa nay vụ tắm mương trèo khế ngọt hoãn lại. Trí buồn dàu dàu. Ở mé đập trước nhà Ba, môt chiếc xuồng đã chực sẵn. Trên xuồng lót một tấm ván trước mũi xuồng để mấy buồng chuối xiêm và mấy cặp dừa khô dừa nạo. Thằng Ba bận quần cụt, chân đi đất bước xuống xuồng ngồi ở giữa. Nó không dòm lên bờ. Hình như nó không quen với ai ở đây hết vậy. Còn Trí đứng ở mép đường nép bên gốc dừa, lặng ngắt, dường như không cũng biết Ba là ai.
Người bơi xuồng là một ông già, có lẽ từ quê ngoại Ba sang đây rước nó về. Lão thấy Trí đứng tự nãy giờ thì biết tâm sự của hai thằng cu con nên trước khi cho xuồng tách bến, quay lại bảo:
- Thằng Ba nó về bển ít ngày rồi trở qua! Cháu đừng buồn!
Rồi ông già xô xuồng ra bơi đi. Chiếc xuồng từ từ ra ngoài rạch rồi khuất hẳn ở ven bần, Trí mới ló cố ra nhìn theo. Xuồng rẽ nước lướt nhanh. Thằng Ba không quay lại, chắc nó về bên quê ngoại nó vui hơn.
Thằng Trí đã hiểu ra tại sao quê nội của nó mà quê ngoại của mình. Quê ngoại của mình mà quê nội của nó. Hổng biết quê nội hay quê ngoại vui hơn? Chắc quê nào cũng vui, chỉ không quê mới buồn. Tội nghiệp cho mấy con cá lia thia thằng Ba để lại, chắc nhớ chủ buồn lắm! Thằng Ba đựng cá lia thia trong họng, chuyện đó nhớ muôn đời!
Quê Nội Quê Ngoại Quê Nội Quê Ngoại - Xuân Vũ Quê Nội Quê Ngoại