In reading, a lonely quiet concert is given to our minds; all our mental faculties will be present in this symphonic exaltation.

Stéphane Mallarmé

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1655 / 25
Cập nhật: 2015-07-18 12:58:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Những Nhân Vật Từ Truyện Bước Ra Đời
ôm nọ có một người bạn hỏi tôi: mày viết văn hồi nào? Và cái gì đã làm cho mày viết văn. Tôi không biết tôi đã trả lời như thế nào. Tôi chợt nhớ ra rằng tôi đã đọc truyện tàu từ hồi 7, 8 tuổi. Đọc tiểu thuyết Nửa Chừng Xuân của Khái Hưng, Ngọn Cỏ Gió Đùa, Âm Thầm của Hồ Biểu Chánh cũng vào tuổi đó. Riêng truyện Tây Du thì tôi nằm lòng các nhân vật. Tam Tạng, ông Tề, Bát Giái, Sa Tăng, con ngựa đỡ chân Tam Tạng. Tôi thuộc “lý lịch” của họ cho đến đổi hễ nghe ai kể sai thì tôi cãi lại ngay. Và tới nay tới vẫn còn nhớ như thời bé.
Tam Tạng là con của tú tài Trần Quang Nhụy cho nên ông cũng còn được gọi là Đường Huyền Trân. Tú tài Trần Quang Nhụy trên đường vinh qui bái tổ thì được công chúa gieo cầu trúng nên được chọn làm phò mã. Trên một chuyên đò về quê, giữa sông nước tràng giang, Trần đại nhân bị một tên cướp giết chết và ném thây xuống sông rồi cưỡng hôn công chúa lúc đó đã có thai Trần Huyền Trân, tức Tam Tạng sau này. Khi công chúa hạ sanh con thì tướng cướp bắt buộc nàng phải thả đứa bé trôi sông cho biệt tích. Chẳng ngờ một vị hòa thượng đã vớt lên và nuôi dưỡng thành một vị chơn tu trẻ nổi tiếng khắp vùng. Một ngày kia vua Đường Thế Dân chọn người đi thỉnh kinh v.v… Sự tích rất dài, nhưng tôi nhớ không sót một chi tiết nào. Tôi đã khóc lu bù khi đọc những đoạn khổ não của Trần Huyền Trân. Rồi đến các nhân vật Hành Giả, Bát Giái, Sa Tăng… nhân vật Tôn Hành Giả, Bát Giái có nhiều nét thật lạ lùng đọc qua rồi không thể nào quên được.
Ví dụ một nét vềHành Giả: một hòn đá bên bờ suối nọ, hằng ngày bọn khỉ tắm suối thường leo lên ngồi trên đó để phơi lông. Lâu ngày, hòn đá thọ khí âm dương, đến một hôm nọ, trời mưa sét đánh hòn đá nứt làm đôi và từ trong đó nhảy ra một con khỉ. Sự ra đời của con khỉ này ở trần gian dã làm cho Ngọc Hoàng lo sợ vì biết sau này nó sẽ là tai họa cho Thiên đình (Tôn Hành Giả loạn thiên cung) nên sai các vị thần tìm để giết đi trừ hậu hoạn v.v…
Một nét “hòn đá” chấm phá đã vẽ nên được một nhân vật một cách tài tình. Tôi nghĩ không có quyển truyện dã tưởng Đông Tây Kim cổ nào sánh bằng truyện Tây Du.
Đó phải chăng là câu trả lời của tôi cho người bạn ở trên? Truyện Tây Du 16 quyển hơn 1000 trang, đọc bỏ cơm, bỏ học bài, bỏ chơi dế, bỏ đá cá lia thia, đọc đến nỗi nằm trên lưng trâu lắc lư vẫn ôm đọc. Chữ nghĩa như Tây Du vậy đó, có ai hơn?
Nhưng đọc xong Tây Du tôi bắt mò qua những bộ truyện khác: Phong Thần, Phong Kiếm Xuân Thu, Chung Vô Diệm, Vạn Huê lầu, Anh hùng náo Tam môn giai v.v… rồi càng ngày càng mê say đọc truyện. Riết rồi truyện gì tôi cũng đọc. Ban đầu đọc không cần đầu đuôi nhưng sau rồi dần dần xếp thứ tự, lớp lang. Thí dụ ở trong PhongThần, Tôn Tẫn mới đi tu; sang Phong Kiếm Xuân Thu, Tôn Tẫn đã thành tiên xuống núi, giúp nhà Tề. Tề Vương gọi là Tôn Á Phụ (cha nuôi) hay là ở Thuyết Đường các danh tướng Tần Thúc Bảo, Uất Trì Cung còn trẻ, sang đến Tàn Đường thì các tướng đã già nhưng có con nối dõi như Tần Hoài Ngọc cũng làm nguyên soái thay cha, Uất Trì Bửu Lâm cũng là dõng tướng v.v…
Tôi mê mải bơi lội trong các trang truyện Tàu cho mãi đến khi lên học trường quận. Ở đây đã bắt đầu thấy có kiếm hiệp Pắc Sa Ma Hoàng Ngọc Ẩn và các hiệp sĩ phi thân đánh nhau trên ngọn cây, cũng là môt loại đánh phép, nhưng không hiểu sao tôi lại không mê bằng các màn đánh phép trong truyện Phong Kiếm, Phong Thần. Cho nên tôi không có đọc bộ kiếm hiệp (loại 2 xu hoặc loại 5 xu) nào hết.
Ở trong xóm, tôi vẫn thường nghe: “Cái thằng đó bữa nay loạn thiên cung” hoặc “Mầy đằng vân đi mua cho tao một xị rượu coi!” riết rồi quen tai. Xị rượu theo tôi biết thì nó xuất phát từ tiếng xá xị, mà tiếng xá xị (nước ngọt) thì xuất phát từ tiếng glacière (nước đá lạnh) trong tiếng BGI (Boisson glacière d’Indochine) có in nổi trên cổ chai. Chai này có dung tích là 250ml. Bởi vậy hễ nói xị rượu thì biết đó là 1/4 lít. Loại vỏ chai này dùng để đo lường cho các chủ quán xóm, hoặc dùng để đi mua dầu lửa, nước mắm, nhét nút bằng cặc bần thì bảo đảm lắm. Nhiều người cố viết tránh tiếng cặc (bần) nhưng tôi nghĩ đó là tiếng đúng và đẹp nhất của cây bần. (Ngó bần? không hay). Bạn nhớ lại coi hễ chỗ nào có cây bần mọc thì cặc bần nhảy tua tủa chung quanh lớp già lớp non bao khắp một diện tích chung quanh gốc cây. Ngó sen thì đúng, nhưng ngó bần thì sai. Vậy nên, như ông tây bà đầm thường nói: “Phải gọi chúng bằng tên của chúng.” Il faut appeler les choses par leurs noms: cặc bần là tên dân gian và văn học vậy.
Chai xá xị còn dùng nuôi cá lia thia cũng tuyệt lắm.
Bây giờ xin trở lại truyện Tàu yêu quí…
Một hôm Trí đi bắt dế với thằng Tư Cồ và thằng Hành thằng Hẹ. Trí nói:
- Tụi mình giống Đường Tăng đi thỉnh kinh quá!
Thằng Tư Cồ ré lên cười. Nó có nghe lóm ai đó nói về Tôn Hành Giả nên bảo:
- Mày mặt mũi sạch sẽ, làm Đường Tăng đi.
Trí gạt ngang:
- Tầm bậy mầy! Nói vậy tội chết! Ổng đã tu chín kiếp, sắp thành Phật đó.
- Thiệt hả? Nếu vậy nay mai ổng vô chùa ổng lên toà sen ngồi chung với ông Phật trên đó hả?
- Không phải vậy. Ổng là Phật nhỏ, còn ông ngồi trên toà sen là Phật Tổ.
- Phật con là sao, Phật tổ là sao, mầy nói tao nghe coi!
Rồi nó kêu tụi thằng Hành thằng Hẹ tới. Sẵn thằng Năm con ông Hai Ngà ở dưới xóm chòi lên vườn mua rượu, nó ngoắc lại luôn:
- Ê tụi bay ơi! Lại đây nghe thằng Trí nói chuyện Phật tổ nè!
Thế là bốn đứa kéo lên gò mả lạn ngồi chùm nhum nghe thằng Trí kể chuyện Phật. Trí nói:
- Chuyện nầy dài lắm! Tao đọc truyện cho ông cố tao nghe mấy tháng mới hết, tụi bây làm sao có thời giờ mà nghe?
- Kệ nó! Được nhiêu hay nhiêu! Rồi bữa khác kể nữa, lo gì!
Trí bình tĩnh nói:
- Muốn nghe thì tao kể nhưng phải kể cho có đầu có đuôi như đọc truyện vậy thì tao mới kể, chớ kể tắt ngang, tụi bây không có hiểu đâu!
Thằng Cồ sốt ruột:
- Mầy cứ kể đi! Tao nghe cho! Đứa nào không muốn nghe thì đi đâu cứ đi!
Trí cất giọng:
- Hồi đời Đường ở bên Tàu, tại kinh đô Trường An có một ông thầy bói rất tài tên là Viên Thủ Thành. Người dân trong vùng đến nhờ ông mách bảo điều gì, ông đều đoán trúng cả. Đến dân chài lưới cũng tới nhờ ông chỉ chỗ để bắt cá bắt tôm, ông bói quẻ nào trúng y quẻ nấy. Dân chài lưới bắt tôm cá đầy xuồng nên ngày nào cũng đến tặng ông rồi tiếp tục nhờ ông bói cho quẻ mới.
Thằng Hành nói:
- Mầy nhờ ổng bói giùm cho đặt giàn rớ được đó Cồ.
- Tầm bậy! Ổng ở bên Tàu chớ phải bên này hay sao. Vả lại hồi đời Đường, tao làm sao mà gặp được?
- Mầy nấu một nồi chè thì nắm râu ổng lôi ra.
- Ổng ở đâu trong đó?
- Thì mầy biểu ổng nhà Đường. Chè khônq nấu với đường là gì!
Thằng Trí la:
- Tụi bây đâm hơi quá, tao không kể nữa!
- Thôi, Hành Hẹ câm miệng lại, không thôi tao xào ăn hết bây giờ!
Thàng Trí tiếp:
- Một bữa nọ, có một vị tú tài đến nhờ ổng bói cho một quẻ mưa nắng. Ông thầy bói nói rõ: ngày mai mây đen sẽ kéo tới vào đầu giờ Mẹo, mưa đổ hột vào giữa giờ Thìn, mưa liên tục nước lên 1 tấc 2 phân, đến giờ Dậu thì dứt hẳn. Vị tú tài nói: Nếu đúng như lời thầy đoán thì tôi sẽ trọng thưởng, còn nếu sai thì thầy phải dẹp nghề này. Lão thầy bói nói: Nếu sai một ly, tôi chịu phạt. Rồi hai bên ký tờ cam đoan đàng hoàng. Ngày mai khi trời mưa xong, vị tú tài lại đến. Ông ta la ó: Ông bói sai bét hết. Mưa bắt đầu vào giờ Dần và dứt vào giờ Mẹo. Nước lên 4 tấc 5 phân. Vậy ông phải dẹp bảng hiệu của ông đi… Nói xong, viên tú tài đập phá lung tung. Ông thầy bói chỉ cười. Trong lúc đó khách hàng tới nhờ thầy xem quẻ, không biết chuyện gì nên lấy làm ngạc nhiên lắm. Nhưng ông thầy thản nhiên bảo: Người này cãi lệnh trời nên sẽ bị trừng phạt. Để rồi coi!
Thằng Tư Cồ đang nằm dài trên cỏ, ngồi bật dậy hỏi:
- Thằng cha tú tài đó là ai mà tới phá đám vậy?
- Để thong thả tao kể cho nghe! - rồi Trí tiếp. Chẳng là sự thế này. Tụi bây có biết không, cái măt đất mình đang ngồi đây như là cái mặt bàn vuông Còn bầu trời trên đầu mình như cái nắp vung úp lên Mình ở trong lòng nắp vung, còn bốn góc thừa ra ngoài gọi là “ngoại càn khôn”.
Thằng Hẹ hỏi:
- Mình ở trong nắp vung, còn ngoại càn khôn là chỗ nào?
- Tao không biết nhưng chắc xa lắm. Mình đi không có tới đâu, đừng hỏi mất công. Ở dưới đất mình đào sâu xuống là âm phủ, mày hiểu chưa? Bởi vậy nên ai chết mình chôn xuống đó. Ở dưới đó cũng có người ta như ở trên nầy nhưng vua của âm phủ là rồng, gọi là Long Vương đó. Mỗi lần mày thấy mây đen trên trời là do rồnq hút nước lên để phun xuống làm mưa. Long Vương cũng có binh tướng, nhưng đó là tôm cá cua sò… - Trí ngưng một chút rồi tiếp - Bởi vậy nên ông thầy bói chỉ cho dân chài lưới bắt tôm cá là bắt binh lính của Long Vương khiến ổng nổi giận, cho con của ổng lên giả làm viên tú tài thách đố ông thầy bói về việc coi quẻ mây mưa.
- Rồi sao?
- Rồi Long Vương mới làm mưa sai với chiếu chí của thiên đình.
- Thiên đình là ở đâu?
- Thiên đình là chỗ ở của Ngọc Hoàng Thượng Đế ở trên đầu mình. Mỗi lần có mưa là do Thượng Đế ra lịnh cho Long Vương. Bởi vậy năm nào có hạn hán thì con cóc đi kiện ông trời là vậy đó. Lần đó Long Vương cam kết với ông thầy bói nên mưa sai lịnh Thượng Đế để có cớ dẹp bảng hiệu của ông thầy bói đi.
Đọ, chuyện bắt tôm bắt cá mà động tới thiên đình. Do việc Long Vương thi hành sai chiếu chỉ của Thượng Đế nên Long Vương đang làm vua cõi dưới bỗng bị mắc tội, bị cởi hết áo mão, bị kêu là con nghịch long và chờ ngày chết chém.
- Ai chém?
- Thượng Đế sai Ngụy Trung thần tướng của vua Đường. Đọ, chuyện lại dây dưa ra thêm nữa. Nguỵ Trưng là tướng tài của vua Đường, được lịnh Thượng Đế chém dầu con nghịch long. Do đó Long Vương mới lên cầu cứu với vua Đường để ngăn cản Nguỵ Trưng. Cùng làm vua với nhau nên vua Đường mới nhận lời. Long Vương ra về thì vua Đường cho mời Nguỵ Trung tới bày cờ ra đánh, cốt sao cầm chân Nguỵ Trưng cho qua khỏi giờ xử tội là Long Vương sẽ sống.
Nguỵ Trưng ngồi chơi cờ với vua rồi gục đầu trên bàn cờ mà ngủ. Vua Đường thấy vậy thì mừng thầm, cứ để cho Nguỵ Trưng ngủ càng lâu càng tốt. Quả thật Nguỵ Trung ngủ quá giờ xử chém. Vua Đường an tâm rằng mình đã cứu được ông bạn. Nào ngờ mừng chưa được lâu thì đã nghe tiếng rơi đánh phịch trước sân. Vua Đường nhìn ra thì thấy một cái đầu nằm trước sân, con mắt còn nháy nháy và hàm râu dựng ngươc lên, cái miệng hả ra ngáp ngáp.
Thằng Tư Cồ la hoảng:
- Ghê quá tụi bây ơi!
- Tao sợ quá! Thằng Hành cũng la lên.
Mấy đứa kia co rút vào nhau. Trí nói:
- Chuyện đời xưa chớ phải thiệt sao! Làm lộn xộn tao không kể nữa.
- Ừ, thôi, hết sợ rồi, kể tiếp đi! Thằng Hành bảo.
Trí tiếp:
- Trong lúc đó ở trên bàn cờ, Nguỵ Trưng thức dậy giụi mắt quì lạy vua Đường: Thần cam thất lễ đã ngủ trên bàn cờ. Vua Đường nói: Khanh mệt thì ngủ chớ có sao đâu. Nguỵ Trưng tâu: Hạ thần không có ngủ mà là xuất hồn, đi chém con nghịch long theo chiếu chỉ của thiên đình.
- Trời đất! - Thằng Tư Cồ nhảy tưng lên - Vậy mà tao tưởng ổng ngủ thiệt chớ! Rồi sao nữa?
- Con nghịch long rơi đầu. Mấy đứa con của nó làm dữ với vua Đường. Mấy đứa đó là hoàng tử chớ bộ đồ bỏ sao! Chúng bắt hồn vua Đường xuống âm phủ, đòi vua Đường đền mạng.
- Rồi vua Đường có đi không? Thằng Tư Cồ hỏi.
- Quỉ sứ bắt mà không đi sao được! - Trí tiếp - Do đó vua Đường mới đi âm phủ và thấy những cảnh vô cùng thảm thương ở dưới đó.
- Thảm thương như thế nào?
- Thảm thương là cảnh mấy người bị tội phải chịu đủ thứ hình phạt thấy ghê lắm! Như mấy người nói dối thì bị quỉ sứ cắt lưỡi, trộm cướp thì bị cưa hai nấu dầu sát nhân thì phải chịu đầu đội chậu máu, đít ngồi bàn chông… đu kiểu hết.
- Còn ông vua Đường thì bị hình phạt gì?
Trí nói:
- Ống đổ thừa tại Nguỵ Trưng có phép xuất hồn, ổng không biết, chớ thiệt tình ổng cũng đã kềm chân được Nguỵ Trưng. Dầu sao thì Long Vương cũng chết rồi nên mấy người con Long Vương trả lại hồn cho vua Đường. Sau khi vua Đường về lại thế gian thì mới nảy ra ý định lập thêm nhiều chùa cho dân chúng tu niệm làm lành lánh dữ để khi chết xuống âm phủ khỏi bị cưa hai nấu dầu. Nhà vua còn cho đi tìm một ông thầy chùa chơn tu để đi qua bên Tây Phương thỉnh kinh về tụng niệm. Do đó các chùa mới gom lại hai ngàn ông sư già trẻ để chọn một ông trong đó ra đi thỉnh kinh. Tao đố tụi bây vậy chớ ông nào được chọn?
Thằng Tư Cồ nói:
- Hai ngàn ông, ai biết ông nào!
Thằng Hành nói:
- Tao chắc phải bắt thăm.
- Ừa, bắt thăm là hay nhất.
Thằng Hẹ phụ hoạ anh nó nhưng thực ra nãy giờ nó không có nghe gì hết. Nó nằm đây nhưng lỗ tai nó vểnh ra hứng tiếng dế gáy reng reng ngoài mô rạ.
Trí gạt ngang:
- Khỏi phải bắt thăm. Sư cụ đã chọn từ lâu rồi. Đó là đứa bé trôi sông được sư cụ vớt lên năm trước nay đã lớn và trở thành sư trẻ trong chùa. Ông sư trẻ nầy rất thông minh, hằng ngày giảng kinh cho mấy ông thầy già nghe.
Thằng Hành hỏi:
- Đứa bé nào đâu?
Thằng Tư Cồ đáp:
- Đứa bé bị thả trôi sông hồi nãy đó!
- Mới vớt hồi nãy mà bây giờ đã lớn xộn vậy rồi sao?
- Hồi nãy tới giờ là đã mấy chục năm ở trong truyện mầy không hiểu gì hết! Cũng như mầy đi coi hát, ở màn trước Na Tra mới đẻ mà màn sau nó đã vác phép đánh ầm ầm với binh tướng rồi. Thôi kể tiếp đi Trí.
Trí nói:
- Ông sư cụ lựa cậu bé đem trình lên cho vua, vua phong làm ngự đệ, phát áo mão, cấp ngựa cho đi thỉnh kinh. Bỗng có một ông đạo sĩ tới xin bán một cái áo cà sa quí và một cây gậy dành cho mấy ông thầy chùa dùng, gọi là thiền trượng. Vua hỏi giá bao nhiêu. Ông đạo sĩ tâu: áo giá 4000 lượng, còn gậy 2000 lượng vàng.
Tư Cồ giựt mình:
- Áo gì mắc dữ vậy?
- Áo có kết hột ngọc chớ phải áo bà ba cụt tay như của mầy bận hay sao!
- Ngọc thì ngọc chớ 4000 lượng vàng, tao làm tới chục kiếp cũng không có.
- Mầy biết cậu bé kia tu mấy kiếp rồi không? Chín kiếp rồi đó. Còn một kiếp nữa là đủ chục. Bởi vậy ổng đi thỉnh kinh chuyến này lên tới Tây Phương là thành Phật biết bay luôn, không có đi bộ như tụi mình. Sự tích Tam Tạng Thỉnh Kinh là như vậy đó.
- Rồi ổng đi thỉnh kinh làm sao?
Trí gạt ngang:
- Thôi để bữa khác kể tiếp. Bữa nay rát cuống họng lắm, khát nước thấy bà!
Tư Cồ nói:
- Đê tao kiếm nước cho mầy uống.
Tư Cồ lại mé đìa thò tay rứt một cọng bông súng lôi lên đưa cho Trí, bảo:
- Mầy ngậm một đầu, còn một đầu bỏ xuống nước hút đi, nước sẽ vô ót ót trong bụng mầy, một chút là no phình.
Trí lắc đầu:
- Thôi mầy ơi! Rủi con lôm chôm vô bụng thì sình bụng chớ no gì!
- Lôm chôm gì chui lọt lỗ bông súng? Mầy coi tao nè! - Nói rồi Tư Cồ nàm sấp xuống, miệng ngậm cọng bông súng hút nước hóp cả hai má. Xong đứng dậy vỗ bụng - Bây coi cái trống cơm nè, vỗ nghe bung bung đã ghê.
Thằng Năm con ông Hai Ngà sực tỉnh, mới nhớ ra rằng mình đi mua rượu cho ông già nhậu với chú Năm bữa tiệc nhậu rắn hổ bò dở hôm trước vì chú Năm ghé nhậu cò nướng ở gò đìa. Nó hoảng hồn xách chai chạy bán mạng. Cặp giò của nó đen như hai khúc than trâm bầu phang vun vút trên bờ ranh. Thằng Tư Cồ la:
- Coi chừng té bể chai, miểng xọt lủng bụng mầy!
Rồi tụi thằng Cồ trở lại chuyện đi bắt dế. Những mô rạ vàng tươi để gác lúa bó khỏi ngập nước, bây giờ lúa đã về sân thì mô rạ trở thành nhà của dế, chuột…
Thằng Tư Cồ nói:
- Mỗi sáng cánh dế còn ướt mù sương, chưa có gáy được. Nắng lên một chút, cánh nó khô, nó gáy nghe thiệt là tê tái cái lỗ tai.
Tư Cồ ra đồng như Lý Ngươn Bá ra trận. Nó chạy đầu này, nó quậy đầu kia; còn thằng Hành thằng Hẹ tuy nhỏ nhưng cũng xông xáo hơn Trí. Trí chỉ thạo môn cỡi trâu, còn các chuyện khác thì phải theo dấu mấy đứa kia.
Một chập đứa nào cũng bắt được vài ba con dế, bèn gom lại bờ đìa đá chơi.
Thằng Tư Cồ nói:
- Hễ con nào thua thì vặt đầu, con nào ăn thì cho gà nuốt.
- Mầy không nuôi à?
- Nuôi mất công lắm.
Không đứa nào đem theo hộp đựng nên bắt được con nào thì bỏ vô vạt áo, lấy rạ buộc túm lại.
Tư Cồ móc đất sét đắp thành một cái ô nhỏ trên mặt đất đế làm bãi chiến trường cho dế. Thằng Cồ trút dế của nó ra trước. Con dế than bị bọc trong vải ngất ngư té ngửa một lát mới bò đi được.
Thằng Cồ bảo:
- Thằng nào muốn đá thì bỏ dế vô.
Thằng Hành bỏ vô một con dế lửa, cánh có mặt trăng thật đẹp. Dế lửa đá giỏi hơn dế than. Nó thấy con dế của thằng Cồ thì banh càng ra nhào tới. Con dế than của thằng Cồ chi chống được có một hiệp thì chạy tuôn rồi vọt ra khỏi thành lủi vào cỏ.
Thằng Cồ không nói gì, mở bọc thả tiếp con thứ hai. Chú dế này khoẻ hơn chú trước. Nó phùng cánh gáy re re, lăn xả vào cắn con dế lửa của thằng Hành. Con dế lửa yếu sức bị nó cắn sứt một đùi đau điếng nên đâm đầu chạy làng. Con dế của thằng Cồ đuổi theo, nó cùng đường bay tuốt ra ngoài lủi mất.
Tới phiên Trí thả con dế cui vô. Dế cui là dế đầu to chân ngắn như trâu cui. Cặp này đá được ba hiệp cầm đồng. Thằng Tư Cồ bảo:
- Bắt ra om nước! Cho tao xin sợi tóc.
Rồi nó thò tay nhổ tóc trên đầu thằng Hành, buộc dầu chú dế, quay vun vút. Xong thả vô thành. Con dế say nên cứđứng ngất ngư không nhúc nhích. Trí khôing om kiểu thằng Cồ mà bỏ trong lòng bàn tay, lấy tay kia bịt kín lại rồi kê miệng thổi phù phù thật mạnh hai ba hơi liền. Xong trút vô thành.
Hai đối thủ lại tiếp tục đá mấy hiệp cũng cầm đồng. Tư Cồ bảo thằng Hẹ:
- Mây có con nào tệ tệ không, cho tao mượn. Thằng Hẹ mở bọc đưa ra một chú than. Thằng Cồ nói:
- Ôi thứ đồ dế cơm, nuôi uổng cỏ!
Nói rồi nó ngắt đầu con dế lấy thủ cấp ghim vào một nhánh cỏ rồi xoe xoe trước mặt cặp dế đang đá. Tư Cồ giải thích:
- Làm vậy nó say máu ngà, nó đá hăng hơn.
Quả thật chúng đá rất ngoạn mục. Con dế của Trí lui lui tới tới, con dế của thằng Cồ cũng tới tới lui lui không phân thắng bại. Hai cái đầu dế cụng vào nhau bốn bộ răng nhe ra, hai cặp đùi chòi đạp lia lịa, Lý Ngươn Bá không chịu nhường chuỳ cho địch thủ.
Bỗng thằng Cồ đứng phắt dậy. Pẹt! Nó đưa chân dậm một phát. Cả thành trì, cả tướng tá dẹp xác. Thằng Hẹ kêu lên tức tối:
- Tội chết!
- Tội lội xuống sông, chổng mông hết tội! - Rồi nó bảo - Đi kiếm kiến vương bắt cho chém lộn coi đã hơn tụi bây.
Cả bọn đi rảo theo hàng trâm bầu tìm kiến vương. Đó là một loại côn trùng cánh cứng màu nâu giống như con bù hung của Pháp nhưng kiến vương đực thì có sừng, kẹp rất đau. Có lẽ vì nó to xác (cỡ bằng ngón tay cái) nên gọi nó là vua của loài kiến chăng? Loại nay đá mạnh lắm, nhưng vì nó có sừng nên gọi là “chém lộn”.
Bỗng thằng Tư Cồ khoát khoát tay: “Xuỵt xuỵt…” rồi ngoắc ngoắc. Ba thằng rón rén bước đến. Tư Cồ trỏ mép bờ ranh. Thì ra một con rắn và một con chuột cống đang tranh hùng.
Mỗi thằng tìm một chỗ ngồi cho êm mà coi trận đấu. Rắn này là rắn hổ. Chuột này là chuột cống xù lông vàng.
Đồng quê không phải như rừng có chúa sơn lâm. Con nào có giang san nấy. Chuột thì đào hang ở bờ ranh. Rắn tìm những gốc cây làm tổ. Còn chim chóc cò diệc thì ở trên ngọn cây vườn. Không ai xâm phạm lãnh thổ của ai. Không hiểu vì sao hôm nay có trận ác đấu này.
Con rắn hổ mang đen mun xừng bàn nạo cao lên mấy tấc tây, thằng Trí chưa thấy lần nào nên sợ quá, nép mình vào gốc lác. Còn Tư Cồ thì khoái chí chí chỏ lia, ý bảo: "Coi kìa, coi kìa tụi bây!" Con chuột cống coi bộ không ngán chút nào, xù lông lên, nhe bộ răng vàng nghinh xông tới. Cái bàn nạo lập tức mổ xuống. Chuột né qua chạy vọt ra sau ngoạm lấy đuôi địch thủ. Chú rắn quay lại quật liền mấy phát nhung chuột vẫn không buông, cứ lôi rắn ra giải đất trống, ý chừng như ra đó, rắn sẽ yếu thế hơn.
Có lẽ biết ý đồ thâm hiểm của đối thú, rắn cố trườn về miệng hang ở gần chân bờ ranh. Cái đầu rắn chui vào được trong hang nhưng chuột ta cố lôi giật lai. Xương sống của rắn hình như hơi giãn ra, vảy xửng lên ngời ngời dưới nắng.
Hai bên đọ sức nhau một lúc. Rồi liệu chừng không thể lôi địch thủ ra ngoài, chuột bèn buông đuôi rắn để cho rắn lủi vô hang. Nếu rắn vô hang thì trận chiến chấm dứt. Nhưng khi cái đuôi rắn còn ló bên ngoài chừng một gang thì chuột lại lao tới đớp lấy lôi ngược ra, đồng thời la lên eng éc như kêu tiếp viện.
Chỉ trong nháy mắt, một chú cống nhum từ đâu không biết lao tới. Đó là con chuột lông xám lốm đốm vàng và đen, to gần bằng con heo con, ngoạm tiếp đuôi rắn rị lại. Có lẽ chú rắn bị đau phải tháo trở ra miệng hang, chứ nếu chú cố ngoặc trong hang thì chẳng tài nào hai chàng chuột lôi chú ra nổi. Bây giờ rắn đã ở ngoài trống, cái đuôi bị chuột ngoạm cứng, chỉ còn cái bàn nạo. Rắn sừng lên mổ xuống liên tục vô lưng hai đối thủ. Có lẽ vừa bị thương vừa bị chạy nọc nên chú cống lông vàng nhả đuôi rắn ra, chạy khặc khừ một loáng rồi trở lại phun phì phì. Từ miệng chú bay ra những chất gì nâu nâu, tung vào mặt rắn như một thứ phù phép.
Thằng Tư Cồ bảo:
- Nó bị chạy nọc nên nó tìm thuốc đó tụi bây.
Phun xong, chú lại cắn đuôi rắn để chú cống nhum đi tìm thuốc tự chữa trị. Thừa lúc cống nhum bỏ vị trí, rắn trườn đi được một quãng nhưng chẳng được lợi thế nào hơn. Rồi cống nhum trở lại tiếp sức với bạn, thành ra rắn phải dùng sức một chống hai. Nhung rắn chưa hết miếng tổ. Nó gồng mình lên rồi cuộn tròn lại quấn chặt hai chú chuột vào thân mình. Có lẽ hai ông tí bị bó giò, xương sống hơi rêm nên kêu eng éc một cách đau đớn.
Cái cuộn tròn ngời ngời nhầy nhụa máu me kia lăn lăn trên mặt đất. Bỗng bất thần rắn tháo ra và lủi chạy như vừa trúng đòn độc của hai ông tí. Mà đòn độc thật. Bị siết đau, hai bộ răng chuột bén như những cây đinh thép đã cắn vào mạng mỡ rắn làm rắn đau điếng nên phải thả giàn và bỏ chạy. Rắn chạy chết, không vô hang mà lướt trên ngọn cỏ. Còn hai chàng tí thì cũng biết thân, không đuổi theo nữa mà chỉ tìm đường lủi. Rốt cuộc không ai thắng ai, chỉ để lại trên ngọn cỏ nhiều vết máu.
Thằng Tư Cồ vùng đứng lên, ra lệnh:
- Tụi bây đập hai con chuột cà! Còn tao đi tìm con rắn.
Một lúc sau, cả rắn lẫn chuột đều bị đập chết đem sắp đống trên bờ ranh. Chúng đã bị thương nặng cả, còn sức đâu mà chạy cho xa! Con rắn lòi mỡ dưới bụng, còn hai chú chuột, một gãy giò, một lòi ruột. Tư Cồ nói:
- Thằng nào ăn thịt chuột thì bắt đem về làm lông xào lá cách.
Thằng Hành lắc đầu:
- Rắn cắn còn để nọc trong thịt nó, ăn đặng chết hả?
- Vậy thì mầy bắt rắn về cho ba mầy nhậu.
- Thôi đi, tao không thèm!
Thằng Tư Cồ nói:
- Để tao đem lên lộ coi ai nhậu thì tao cho họ.
Trời đã xế chiều. Mặt nhựt đi mau quá. Thằng Tư Cồ hỏi:
- Đường Tăng đã qua tới Tây Phương chưa mậy, Trí?
- Ờ, chắc cũng gần tới ….
Quê Nội Quê Ngoại Quê Nội Quê Ngoại - Xuân Vũ Quê Nội Quê Ngoại