How many a man has dated a new era in his life from the reading of a book.

Henry David Thoreau, Walden

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1655 / 25
Cập nhật: 2015-07-18 12:58:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chuồng Trâu Thân Mến
ái chuồng trâu của ông nội Trí đối với Trí là một nơi nghỉ mát thú vị, một cái thiên-thơ-lầu, một nơi vui đùa suốt tuổi thơ.
Đó là một cái nhà không nhỏ không có vách phên gì hết, bốn bên trống lổng trống lơ nhưng nó có hai tầng. “Tầng lầu” để dành cho các thứ thập vật kể không xiết. Bung, nò cũ, bồ cào, mõ xãi, trang, những khúc cây dẹp, tròn ngắn dài lớn nhỏ, lờ, lọp, nôm cũ, lưới rách, cần câu. Nghĩa là những thứ hết dùng, được cho lên đó hưu trí vĩnh viễn hoặc những thứ cho nghỉ mùa khô, vào mùa nước lấy xuống xài, hoặc mùa nước gác lên mùa khô lấy xuống xài. Cái nóc chuồng trâu là cả một trời phức tạp. Chen giữa sự phức tạp đó là cái “ván kéo mạ”- Bạn ớ Hậu Giang hay Tiền Giang hẳn chưa quên cái nông cụ đơn sơ này. Đó là mấy tấm ván kết lại với nhau, đầu ván hơi huớt lên như mũi hia.
Mùa nước, cái ván kéo mạ được bỏ ngâm ngoài ruộng, không mấy khi nó được nghỉ ngơi trong nhà. Hễ chủ ruộng cần đem mạ phân phối ra khắp dồng thì có nó tới. Người ta chất lên ván hằng trãm bó mạ, cho trâu kéo đi. Một người đứng trên ván, cứ ném từng bó xuống ruộng, chốc nữa đàn bà cấy sẽ đến mở ra tét từng tép cặm xuống đất. Nhưng xong mùa cấy thì nó lại thất nghiệp hoàn toàn. Đem nó vào nhà chỗ đâu mà để nên gác nó lên nóc chuồng trâu làm gác ngủ rất khoái. Chỉ cần hai sợi niệc trâu treo nó lên nóc nhà là thành lầu hai của chú chăn trâu. Trí là chú chăn trâu ngủ trên căn nhà lầu ấy.
Ông nội có 4 con trâu và thuê một người chăn. Ông không thuê thằng cháu nội, nhưng nó chăn trâu tự nguyện một cách thích thú. Nói đúng ra nó cũng là một đứa chăn trâu.
Ai bảo chăn trâu là khổ? Không! Chăn trâu sướng lắm chứ. Tay cầm cành tre như roi ngựa.
Gió mát như quạt hầu. Ngày nghỉ học, hoặc bãi trường, lễ Pâques, lễ Toussaint, lễ Bắt chuột, Trí ngủ chuồng trâu thường hơn ở nhà! Những đứa bạn không có trâu nhà chắc phải tiếc uổng lắm khi Trí kể chuyện chăn trâu cho chúng nghe.
Cả dòng họ nội Trí đều làm ruộng, không có người nào làm thợ mộc, thợ hồ hoặc đi buôn. Chỉ có người cô thứ Tư, có chồng không phải là nông dân, nhưng dượng Tư ngoài nghề chính là “ở không, không làm gì hết”, dượng có nuôi một bầy vịt hãng. Vào mùa khô lúa đã gặt xong, dượng “chạy” vịt xuống “cầm” ở đồng ông nội Trí - Nghĩa là cuộc đời cũng vẫn cứ lấy ruộng làm nền.
Chăn trâu không phải chỉ có chăn trâu cầm cành tre và hưởng quạt hầu, mà trời còn cho lắm thứ nữa. Mùa khô: bắt dế, làm hầm bắt cá, tát đìa, câu cá, bắn chim, rập chim, gài cò, nắn trâu bằng đất sét, nằm trên lưng trâu đọc truyện, v.v.
Trò chơi đẻ ra trò chơi. Không khi nào ngày mới chơi trò cũ. Những món này Trí thường kết bạn với đám thằng Tư Cồ thằng Hành thằng Hẹ thì mới vui. Con nít là phải đi rong. Học trò có “bộ giò ăn cướp” không đi rong thì để làm gì? Sau cái đêm coi thầy Tư trị bịnh, Trí mới sáng mắt thêm rằng những ông tướng rất dễ tạo. Vậy mà lâu nay Trí cứ tưởng thiệt. Cóc mà trở nên thần thánh, ai có thể ngờ mà không tin? Đời không có bao nhiêu chuyện bất ngờ. Vỏ tướng mà lại ruột cóc. Ruột cóc mà vỏ tướng. Cóc mặc áo tướng, thế gian này chỉ có thầy Tư mới nghĩ ra và làm được chuyện đó thôi. Thầy Tư đã phỏng theo truyện Tây Du, cái trứng đá nở ra ông Tề chăng? Tội nghiệp cóc không biết uống rượu mà phải nốc rượu. Tội nghiệp cho ông tướng bị moi ruột gan để dồn cóc vào mà không nói được. Thế mới đau cho ai mà sướng cho ai! Tội nghiệp không biết cái đầu của Đồng An có cần một cái niền tray không. Nếu mà ông ta “thăng” kiểu đó một phát nữa chắc cái sọ dừa bể hai trên ván gõ. Bum! Cái tiếng đó còn vang trong đầu Trí. Đồng An giơ tay vò lia. Trí bật cười ngang.
- Cười gì vậy ta?
Trí ngó lên thì thấy thằng Tư Cồ:
- Mày đi đâu đó thằng quỉ?
- Đi tìm mày đây chớ đi đâu.
Không đợi Trí hỏi, Tư Cồ nói ngay:
- Đi câu không?
- Câu gì?
- Con gì ăn thì câu chớ biết câu gì bây giờ! Lóc, trê, rô, thác lác, cá chạch, lươn lịch, ếch nhái, chằng hiu, chàng bè, vịt nước, cúm núm, cò dĩa, cò ngà….! Đi không?
- Cái thằng! Miệng mày như cái ống nhổ!
Nói vậy nhưng Trí vẫn chạy về lấy cần câu đi theo thằng Cồ.
- Lưỡi gì đó?
- Câu rô!
Trí đưa cho nó coi. Nó như nhà bác học thứ gì nó cũng biết. Nó xem qua lưỡi câu rồi nói:
- Để tao chữa cho.
Nó dựng cây cần của nó vô bụi rồi ngồi xuống đất, tháo lưỡi câu của Trí ra, đưa vô miệng cắn nhẹ, xong tóm lại đầu nhợ và bảo:
- Lưỡi câu mày uốn giọng hơi rộng, cá rô miệng nhỏ, giật trớt hết không có dính được!
Trí chẳng biết đấy là đâu, nhưng vẫn tin là đúng nên cứ để nó làm sao thì làm. Bỗng nó hỏi:
- Ở trường lúc này vui không mậy?
- Thì cũng vậy thôi.
- Mấy con nhỏ “phòn” đó còn ghét tao hết?
- Ghét gì mà ghét?
- Tao làm xe lửa đụ…ụng tụi nó, nó ghét, nó mét thầy tao bị đòn mày không nhớ sao.
- Tao không biết!
Rồi Trí kể cho nó nghe vụ Thiên-linh-cái, và thuật luôn lời chú Năm cho nó nghe.
Thằng Tư Cồ cười ầm lên:
- Thì có khác gì ba cái ông tướng của thầy Tư. Trời ơi! Cái bồ cóc của ổng bắt đem xào ăn một bữa chắc đã lắm!
Vừa đi vừa nói lải nhải, hai đứa đã tới một miệng đìa. Trí đòi dừng lại câu, nhưng Tư Cồ xua tay:
- Cá đìa này còn hôi miệng, câu không ăn đâu.
- Sao hôi miệng.
- Thằng cha Tám Thuộc sứt môi, mày biết không? Nó vừa bỏ thuốc cá bị ông Nhì chủ đìa bắt được, ổng đánh cho một trận la làng chõi trời đất. Cá nó hoảng hồn đi hết rồi.
- Hoảng hồn thì sao lại hôi miệng?
- Hôi miệng là tại ba cái lá thuốc cá đó. Ba năm nữa đìa này cũng chưa có cá ở. Nhưng mình ghé lại đây chọc mấy ổ kiến vàng bát nhộng; làm mồi câu. Tao có tép đây, nhưng còn tươi, đế mai cho nó ươn, thúi thúi câu mới nhạy. Bây giờ mình xài nhộng kiến vàng điệu hơn.
Nói rồi nó cuộn nhợ xe tròn quanh cần câu rồi dùng nó làm sào thọc ổ kiến ngay trên đầu. Nhộng trắng tinh rơi lả tả xuống đất.
- Lượm mau đi mậy! Tư Cồ hối. - Mày chậm tay kiến nó tha đi hết! Con của nó mà.
Trí lượm nhộng bò vô gáo dừa, trong lúc Tư Cồ cứ đi quanh bờ đìa chọc ổ kiến. Nhặt mồi xong hai đứa lại đi. Tư Cồ gióng hướng một chút rồi bảo:
- Mặt trời mọc mình phải câu cái đìa kia cà.
- Tại sao không câu đìa này?
- Đìa này để trưa mình trở lại có bóng mát, mình vừa bắn chim vừa câu luôn. Bây giờ mặt trời chưa rọi tới đây, cá còn ngủ chớ chưa thức dậy đâu! Còn ngủ mà ăn cái gì được. Kỳ này tao đem cá rô về nấu kiểu mới ăn chơi.
- Kiểu gì?
- Dượng Chín tao mới đi Cà Mau về bảo là ở dưới đó, người ta bắt hôi cũng có nhiều cá hơn chủ đìa trên mình. Dưỡng đi xuống đó bắt hôi mãn mùa làm được hai mái rưỡi mắm, chẳng hơn chủ đìa trên mình hay sao? Mùa tới dưỡng bảo tao đi với dưỡng. Tía tao chịu miệng với dưỡng cho tao đi rồi. Ở dưới đó người ta đâu có ăn cá như mình vầy. Như cá rô họ không có đánh vảy. Cứ để nguyên bỏ vô chảo mỡ chiên cho vàng rồi vớt ra ăn. Còn canh chua người ta không ăn cá, chỉ húp nước với ăn rau không hè. Lại còn ruột cá nữa. Ăn ba bộ đồ lòng là chảy re. Tao nghe tao nôn muốn đi liền. Mày có đi không?
- Thôi mày ơi! Cá đìa của ông Nội tao thiếu gì mà phải đi vô tới trỏng.
- Ờ phải, mày có đìa, chớ tao có giống gì?
Đến nơi câu thằng Tư Cồ càng tỏ ra rành hơn.
Nó vén rau mát thành một vùng trống rồi đeo nhánh cây, thọc chân xuống quậy đùng đùng, nước bùn nổi lên đen kịt. Trí hỏi:
- Mày làm gì vậy?
- Làm vùng câu cá trê.
- Câu cá trê sao phải làm vậy?
- Ai biết đâu, tao thấy mấy chả làm kiểu này, bỏ câu xuống một chút là lôi lên một trự vàng nghinh. Mày không biết cá trê vàng là loại khó câu hết thảy.
Nói xong nó ngắt một khúc rau mát buộc vào nhợ câu làm phao rồi bắt con trùn móc vào lưỡi câu ném xuống, nó cắt nghĩa:
- Cá trê thì phải mồi trùn. Mồi nhộng không dính.
- Sao vậy!
- Thấy vậy thì hay vậy, chớ ai biết đâu nà! Đi câu mày phải có đủ thứ mồi, gập thứ nào dùng thứ nấy. Đây nè, mày coi trong giỏ tao, chàng hiu dùng câu nhấp, bông bụp để nhử ếch… Trời, gặp một con ếch bà thì kể như đủ vốn!
Nói xong nó lội quanh bờ đìa lom khom vạch bụi tìm hang ếch và dặn Trí:
- Coi chừng, hể phao nhúc nhích thì chờ cho nó thụt mất một hồi đó là cá nuốt lưỡi câu rồi, mày cứ việc lôi lên là dính chớ nó mới vừa nhúc nhích mà mày giật thì trớt lớt hoặc chỉ dính mép thôi, mày lôi lên nửa chừng nó dãy sút mất! Hễ sẩy một con thì cả đìa không ăn nữa.
- Sao vậyl
- Cá nó cũng khôn chớ. Nó chết hụt nó đi nói um lên cho mấy con kia nghe.
- Nó biết nói sao mậy?
- Biết chớ!
- Nó nói ra sao?
- Nó nói như mày nói vậy đó!… Bỗng thằng Tư la lên - Gặp rồi!
- Gặp gì?
- Hang lươn. Mẹ bà! Tao không có đem đồ nghề câu lươn theo.
Trí men tới hỏi:
- Hang lươn ra sao, cho tao coi chút.
- Thì nó cũng như…. hang lươn vậy chớ sao!
- Lấy lưỡi câu rô xài không được sao?
- Trời ơi! Con lươn nó cụp mồi rồi, mày tưởng dễ lôi nó ra sao? Nó gồng mình lên, đuôi nó ngoéo vô đất, ba người rị không ra nghe mậy. Có khi phải đào đất mới bắt được nó.
- Bây giờ mày làm cách nào?
- Cứ làm dấu để đó!
Thằng Tư Cồ lại tiếp tục đi xom quanh bờ đìa. Bỗng Trí kêu Tư Cồ chạy lại. Trí chỉ dưới gốc gừa, trên một bực đất. Thằng Tư Cồ la lên:
- Con ếch. Đừng động đậy. Để tao bắt cho mày coi.
Nói xong Tư Cồ lấy cần câu của Trí tháo nhợ ra và buộc lưỡi câu ếch vào. Trí hỏi:
- Mày không nhử bằng mồi bông bụp à?
- Không! Tao có cách khác!
Thằng Tư Cồ thò cần câu vào chỗ hõm.
- Mày định làm gì?
- Tao “giựt” nó. Bắt ếch có cái lối “giựt” không cần mồi.
Nhưng nó nằm trong kẹt không đưa cần câu vô được. Tư Cồ lại tháo ra, chỉ cầm sợi nhợ rồi đi ngay lại chỗ con ếch ngồi, quì xuống thả lưỡi câu xuống. Nhưng con ếch thấy động nhảy tõm xuống nước. Trí kêu lên:
- Hụt ăn rồi!
Tư Cồ xua tay:
- Không sao đâu! Nó sẽ trồi lên. Mày coi nó sôi tim về hướng nào cho tao biết.
Quả tình con ếch lặn một hơi qua mé đìa bên kia rồi trèo lên một đầu gỗ mục ngồi ở đó.
- Nó đây nè Cồ.
- Tao thấy rồi! Nhưng phải chờ cho nó ngồi yên một lát cho nó dạn dạn đã. Bây giờ nó còn nhát. Nếu bữa nay không giựt được nó, mai mình trở lại. Hang nó đó, đi đâu cũng trở về, cũng như mình vậy.
Tư Cồ vừa làm vừa nói, tay bằng miệng, miệng bằng tay không lúc nào nghỉ.
- Cái đường nước này làm hầm được lắm!
Tư Cồ nói rồi leo lên cây xem địa hình. Xong nó leo xuống, bảo Trí:
- Mày coi chừng con ếch nghe! Tao đi khai đường nước đắp hầm. Mày dám đi giữ hầm với tao không?
- Đi thì đi chớ sợ gì!
- Đi ngủ cả đêm ngoài đồng nghe!
Nói rồi nó chạy trên bờ ranh, dọc theo đường xuồng có nước. Chỗ nào nước đọng thì nó lôi xuống móc đất khai thông. Cuối cùng nó có một đoạn dài đường nước thông thương gối đầu lên con lươn (vùng nước sâu giữa ruộng cạn). Nó nhìn địa thế và ngẫm nghĩ. Dưới con lươn này ắt có nhiều cá lọt xuống đây. Nó trở lại chỗ cũ moi đất be bờ đắp một cái hầm tròn to bằng cái nia. Bị giam giữa con lươn mỗi ngày bị nắng thiêu và nước cạn dần, lũ cá tìm đường thoát thân. Đêm tới, sương xuống mát mình, cá chạy theo mép con lươn tìm lối, gặp đường nước của mình vừa khai, thế nào chúng cũng lóc lên và cứ thế mà lóc, trườn riết tới thì đi đâu cho khỏi lọt hầm? Mình đem giỏ tới bắt, không nướng trui thì kho khô nấu chua.
Tư Cồ trở lại huênh tay với Trí:
- Tao hứa với mày tối nay đầy giỏ.
- Phao hụp rồi kia Cồ!
- Đừng la cá nó nghe! Nó chạy hết.
Tư Cồ chạy tới trong lúc cái phao hụp mất, rồi cần câu tuột luôn xuống nước. Tư Cồ lấy chân chận lại rồi từ từ khom xuống lôi cần câu lên.
- Mày thấy chưa?
Con cá trê trắng như bạc dãy tưng tưng làm cần câu oặt xuống bật lên. Tư Cồ lôi nó lên bờ, con cá kêu éc éc và lăn lộn, đất muối đầy mình, như rắc tiêu.
Trí đưa tay muốn bắt, nhưng Tư Cồ cản lại:
- Mày biết cách, chớ không bi nó chém đau lắm! Trê trắng mà chém thì mày khóc ba ngày chưa dứt! Rồi nó dãy làm lưỡi câu xốc vô tay mày nữa đó. Mày biết bị nó chém, phải làm sao không?
- Làm sao?
- Ngắt cái đuôi nó dán vô vết chém. Nhớt nó hút hết nọc độc ra! Hiểu chưa?
Trưa dần. Tư Cồ hỏi:
- Mày đói chưa?
- Mày?
- Tao đói nhưng không lo! Kìa, cơm tao ở trên ngọn cây đó.
Trí ngước lên. Chim trao trảo, sáo cưỡng đến hồi nào đen cả ngọn gừa. Chúng tranh nhau ăn trái chín, kêu ré giận dữ hoặc khoái trá khi tranh giành hay tìm được mâm cỗ. Tư Cồ rút giàn thun trong lưng quần ra, khoe:
- Tao đổi cái nạng sừng này bằng 300 đạn đất lận đó mày. Ngoài ra còn 10 con trao trảo.
- Dữ vậy à?
- Thứ đó tao móc đất vò mỗi ngày 100 viên, 3 ngày thì xong chớ gì. Còn cái nạng này mày bắn mấy trăm chim cho gãy. Trời ơi! nạng sừng bóng láng như vầy coi mê tơi không? Để tao bắn môt phát thử thời vận cho mày coi.
- Rẹc! … rớt rồi.
Một con chim ức trắng rơi xuống nước gần mé đìa. Thằng Tư Cồ thò vớt lên. Vặt lông đầu:
- Mày phải nhổ ngay kẻo nó bán thịt hết về tới nhà chỉ còn xương với lông. Mày muốn ăn chim nướng hay cá nướng.
- Giữa đồng chớ bộ ớ tiệm nước sao mà đòi mấy món ngặt nghèo đó.
- Ậy, mà tao chạy có cho mày ăn thôi.
Thằng Tư Cồ lom khom nhìn lên gọn gừa có mấy cái nhánh khô nhô lên như gạc nai có cặp cu ở đâu vừa mới đáp tới:
- Để tao bắn.
Pạch. Một con rơi xuống nửa chừng còn gượng bay ra ruộng mới té xuống rạ.
- Bắt nó mậy.
Trí chạy ra. Một vệt máu tươi lê qua mấy đầu ngọn rạ. Con chim gãy cánh cố lóc trốn. Trí tội nghiệp nhặt nó lên tay. Nếu nó còn nguyên mình đem về nuôi, không ăn thịt. Tư Cồ nắn nắn ức con chim:
- Cu tháng này ăn lúa mập lút. Thằng Hẹ ức cu giống con này!
Tư Cồ đeo giàn thun vào cổ và quơ nhổ rạ gom đống lại.
- Chết bà rồi, không có lửa. Kìa kìa mày xem ai đi trên bờ ranh chạy tới coi. Thế nào ổng cũng có bỏ hộp quẹt theo bao thuốc. Xin ổng một diêm đem lại đây.
Trí chạy một nhoáng rồi trở lại với cái diêm trên tay. Tư Cô la:
- Xin cây diêm thì phải lấy cái vỏ chớ, chớ chỉ cây diêm thì quẹt vô ống quyển nó khè lửa à?
- Tao biết đâu đó.
- Ai đi đẳng vậy?
- Chú Năm tao! Ổng đi đào chuột ở dưới đầu đất gần chòi ông Hai Ngà.
- Ông Hai Ngà bắt rắn hổ, tía thằng Nãm thằng Sáu, tao biết rồi.
- Để tao xuống chòi đó xin lửa được không?
- Đi xuống đó xin lửa thì tốt hơn về nhà ăn cơm phức cái cho xong chớ xin lửa làm gì.
Bỗng thấy người kia xăm xăm đi lại. Tư Cồ ngoắc lia:
- Chú Năm! Chú Năm lại đây phụ tụi cháu với!
Chú Năm tới, cười hề hề bảo thằng Tư Cồ.
- Mày sai thằng Trí đi xin lửa như sai cọp đi bổ mật trời vậy đó. Tao hỏi nó xin làm gì có một diêm hộp quẹt. Nó nói mày xin để xỉa răng.
- Cái thằng!
Chú Năm tiếp:
- Tao biết liền nên tạt qua đây! Nào được mấy con gì mà xin lửa?
- Một con cu, một con cá, một con chim
Chú Nãm ném xuống đất một con cò:
- Tao đi ngang đám sậy thấy con cò rán đang lủi vô đám lác, sẵn khúc cây cầm trong tay tao phang bậy một cái, ai dè nó dãy tê tê, tao lượm giắt lưng định xuống chòi Hai Ngà làm lông.
- Chú xuống chòi đào chuột hả chú Năm?
- Ông rủ tao xuống nhậu rắn hổ.
- Trời, nhậu ba thứ đó về, chú “khè” ai chịu cho nổi?
- Giỡn hoài mậy! Tao nhậu rắn hổ, chớ bộ tao là rắn hổ sao mà “khè” mậy? Thôi, để tao châm lửa cho. Thằng Cồ đi xom bắt thêm con gì nữa cho đông đông coi.
- Ờ, tôi sẩy con ếch hồi nãy!
Thằng Cồ nom tìm được con ếch ngồi trong hang, ló cái mỏ ra thì mừng lắm. Hồi nãy nó nằm ở vị trí khó khăn, còn bây giờ thì dễ như Tiết Nhơn Quí lấy Ma Thiên Lãnh.
- Mày còn bông bụp đó không, đế tao chạy về vườn hái cho.
- Không cần. Mày ra đốt rạ thêm đi. Tao sẽ xách con ếch ra sau.
Trí nghe tin lời thằng Tư Cồ đi ra đồng quơ rạ nhổ lên gom đống đưa cho chú Năm ném từng bụi vô lửa. Chú bảo Trí:
- Mày chạy về vườn, tới nhà thầy Tư lấy cho tao 1 lít.
- Ủa rượu ở đâu đó chú Nãm?
- Biểu mấy ông tướng cóc đưa cho. Mày không biết, ổng làm thầy còn bả kháp rượu à? Tào cáo đến nhà nhưng bả quăng đồ ra gốc chuối nên không bị bắt. Đã vậy, bả còn đấm mõm cho ông trùm mấy chai nên bây giờ ngày nào bả cũng lên một kháp. Bả còn cho bà trùm nhỏ hèm để nuôi heo nên rượu của bả bán khắp các quán trong ấp mà không cần đóng pa-tăng, mày hiểu chưa. Thôi đi đi cho được việc. Nhớ nói lấy 1 lít cho tao thì có liền.
Trí chưa kịp đi thì thằng Tư Cô xách con ếch đến. Con ếch huênh hai tay hai chân ra chòi lia, miệng kêu “ẹo, ẹo” khoe cái bụng trắng hơn cái lưng bông rằn ri láng nhớt.
Chú Năm cười,
- Ai biểu ham ăn bông bụp làm chi cho dính mép!
- Cháu đâu có câu bằng mồi bông hụp, chú Năm! Cháu thả lưỡi câu xuống ngay hàm nó nhứ nhứ, nó ngứa ngứa nên thò mỏ ra khỏi hang cháu giựt một phát lưỡi câu móc từ hàm dưới lủng luôn tới con mắt. Chú coi nè! Lưỡi câu này dùng để nhấp cá lóc ở mương lộ, mà giựt ếch cũng dính quá!
Tư Cồ gỡ ếch ra. Chú Năm bảo:
- Mày bẻ giò nó đi rồi hãy gỡ. Cái mình nó trơn nhớt, mày nắm chỗ nào cho chắc. Nó vọt môt phát xuống đìa mày ngó theo “hút gió không kêu” đó nghe!
Thằng Tư Cồ nghe lời, đưa cho chú Năm bẻ giò giùm. Xong, để con ếch xuống đất. Nó nằm êm rơ không nhảy được. Bây giờ thằng Tư Cồ mới gỡ lưỡi câu ra ném nó vào lửa.
- Uổng quá chú Năm!
- Uổng cái gì mậy!
- Phải có con dao cháu chặt dầu, lột bộ da, làm trống gõ lung tung chơi.
- Lớn cái đầu gần cưới vợ còn chơi trống ếch!
Trí đã về tới, trong tay kè nè mấy cái chai, miệng thở hổn hển:
- Bà thầy nói không có chai lít, bả đưa bốn chai nhỏ, được không chú?
- Bốn “xị” thì cũng vô một lít chớ đâu. Rượu của bả nhiều bọt nhưng không có bỏ vôi, uống không nhức đầu, hiềm một nỗi là có “hậu cóc”.
- “Hậu cóc” là sao chú Năm?
- Hậu cóc là… uống vô rồi nhâm nhâm nghe mùi cóc…. chết.
- Đó là tại cái bồ cóc của ông thầy chắc. Con nào chết ổng cũng bỏ vô kháp rượu. Hé hé.
Mâm tiệc dọn ra trên mấy nhánh lá trâm bầu và lá ngải ken lại. Chim quay, cá nướng, ếch hầm thơm phức. Chú Năm nói:
- Chắc thầy Tư ổng ghét tao lắm. Mà Đông An cũng ghét mày luôn. Ổng biết mày quăng mấy khúc gai vông vô đít ổng chớ ai. Rồi cũng mầy giựt tay ra cho “cái gáo dừa” của ổng bật xuống ván gõ. Trời! may phước ổng còn ngồi dậy được, tay vò đít, tay vò đầu, nếu ổng nằm luôn đó chắc mày mắc đền nhơn mạng!
Tư Cồ lắc đầu:
- Thôi từ rày chú có biểu cháu cũng không dám làm.
Trí nói:
- Còn vụ ba cái mắt me làm ông nhạc lễ nhểu nước miếng bít hết lỗ kèn thổi không kêu. Ông Mười hăm đánh đòn tụi cháu nữa chớ!
Tư Cồ tiếp:
- Đàn bà chửa mới thèm đồ chua, chớ ai dè ông già móm thấy me non mà cũng chảy nước miếng.
Ba người ngồi dưới bóng cây ăn tiệc. Trời nắng tháng ba. Gốc rạ tưởng chừng bốc khói. Thằng Tư Cồ ăn xong nhảy xuống đìa bắt một mớ cá rô trong rễ gừa đem về nhà để má có hỏi thì trương ra nói: cá con câu được ngày nay nè má! Như vậy bả mới không rầy. Ngày mai mới sổng ra đồng được, chớ không thì bị ông già xiềng vô trụ rớ để vớt cho đủ nửa giạ cá linh ổng mới tha cái vụ bắt con heo quay tống quái của thầy Tư.
- Thằng chả bắt người ta cúng cho thằng chả ăn chớ bà cậu nào rờ tới cái đuôi cái mỏ con heo quay.
Quê Nội Quê Ngoại Quê Nội Quê Ngoại - Xuân Vũ Quê Nội Quê Ngoại