Love is always bestowed as a gift – freely, willingly and without expectation. We don’t love to be loved; we love to love.

Leo Buscaglia

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1655 / 25
Cập nhật: 2015-07-18 12:58:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Những Mắt Me Chua Và Ông Nhạc Kèn
hằng Tư Cồ vừa khô nước mắt là chạy đi qua nhà Trí. Thấy Trí đang nằm sấp trên bộ ván gõ đọc truyện, nó muốn kêu mà không có cách gì. Nó bèn ra gốc gáo nghĩ ra trò chơi. Nhưng trò gì cũng phải có vài ba đứa chớ có trò gì chơi một mình đâu. Chẳng có lẽ ăn thua một mình. Nó đứng ở gốc gáo ngó lơ láo thì chỉ có cây cần giọt trơ trọi cũng như nó. Muốn giọt thì phải có ít nhất là hai đứa, đứa đeo đầu này đứa đeo đầu kia xô qua xô lại như đu tiên giả. Đằng này chỉ có một mình nó, nên buồn tình nó trở về nhà leo lên giàn rớ trả thù con heo quay bằng cách thả rớ xuống sông hứng cá tép. Được vài mẻ thì ba nó về. Trông nét mặt ông già không đen tối lắm, nó đoán chắc ông thầy Tư đã nhận lễ vật. Tuy vậy nó không dám hỏi. Bác Bảy đi ra giàn rớ, quát:
- Tự nãy giờ có được con gì không?
- Được chừmg một quảo cá linh ba à!
- Ừ, mùa này cá linh đẻ trên Biển Hồ đi dọc theo sông Mê-Kông xuống đây đó.
Hồi còn đi học, thằng Cồ có học địa dư và biết Biển Hồ Tông Lê Sáp, nhưng ở nhà lâu nay nó trả lại cho thầy hết rồi. Nó không cần biết ba cái thứ đó nữa. Nó cong lưng kéo rớ mệt ù lỗ tai. Và nó đang giận, mà không biết giận ai. Có lẽ nó giận sao ông cố nội nó không đi chăn trâu, rồi ba nó cũng không đi để bây giờ nó triệt cái bè tống quái mà bị Bà Chúa Xứ bẻ cổ. Mới nhai có một miếng chưa kịp nuốt đã phun ra hết rồi.
Bác Bảy đứng bên giàn rớ, phụ với thằng nhỏ một tay kéo lên đẩy rớ xuống và nói chuyện cầm chừng với nó:
- Thầy Tư nói thủ vĩ thiếu một nửa cái đuôi, sợ Bà không nhận. Thầy biểu tao tối nay coi chừng, hễ thấy trên ngọn bần trước nhà mình có vật gì như chiếc chiếu cỗ đỏ lòm bay qua bay lại thì đó là bả đòi cái đuôi heo.
Thằng Cồ hỏi:
- Còn nếu không có chiếc chiếu cỗ thì sao ba?
- Nếu không có thì coi như bả không đòi.
Tối hôm đó thằng Cồ đem nóp ra lật trên giàn rớ nằm ngửa ngó lên ngọn bần trông chừng chiếc chiếu cỗ nhưng chi được một lát thì nó nhắm tít mắt lại ngáy khò khò. Sáng hôm sau, khi nó thức dậy thì chỉ thấy mặt trời cao mú, còn ba má nó thì đã đi làm hết. Nó đói bụng, vô bếp lục lạo thì thấy một ơ thịt kho, bì heo vàng lườm. Nhà nó chưa bao giờ ăn thịt heo kho nhiều đến thế, mà là thịt quay kho chớ không phải thịt heo trắng. Làm một bụng no cành, nó thả vài mẻ rớ rồi đi chơi. Cặp giò nó không để nó ngồi yên được. Nó lại đến lấp ló tìm Trí.
Nhà ông Cụ bữa nay có đám gì mà người ta đông nghẹt. Ở trước cửa ngôi nhà lớn có dựng thêm một cái nhà lá lợp còn xanh, cột cau già bào trắng tinh. Không có vách. Chỉ kết tàn đủng đỉnh làm trang trí. Ông Cụ làm đám tuần mãn (3 năm) cho ông Sơ. Có rước nhạc lễ, thầy chùa và cúng kiến rất lớn. Cả xóm đều tới giúp làm heo làm gà. Hương chức hội tề tới bằng xe ngựa, xe máy, có một chiếc xe hơi rùa nắp đen đậu ngoài đường. Bà con lối xóm tới phụ làm vịt làm gà nấu nướng ở sau bếp, còn đàn ông người nào mặt mày sáng sủa thì ở phía trước hoặc chạy bận, hoặc châm trà tiếp khách.
Ba khuôn cửa lớn đều mở rộng để thông thương với ngôi nhà khách mới cất. Gian nhà trước có ba bàn thờ chính và hai bàn thờ nhỏ ở hai chái. Trong đó có môt cái dành cho người đày tớ gái chết thay cho chủ nhà.
Số là bữa đó người ở đi cắt cỏ bằng xuồng tận bên cù lao Dài trên sông Cổ Chiên. Cháu nội ông Cụ (Trí kêu bằng cô) đòi đi theo xuồng, nhung người đày tớ gái lại giành đi, chẳng may xuồng cắt cỏ xong, khẳm mẹp đến gần Vàm Mương Choai thì bị sóng đánh chìm chết cả ba người. Bà cụ là người nhơn đức bảo rằng: nếu nó không giành đi thì cháu mình chết, chẳng khác nào nó chết thế cho cháu mình. Vì thế mà thờ người tớ gái.
Trước khi dọn lễ vật trên bàn thờ, bà Sơ, má ruột của ông Cụ 90 tuổi, mặc áo rộng xanh cho con cháu chúc tụng. Đứng hầu hai bên là ông Cụ và Bà Cụ. Phía sau là con cháu đứng dọc, ngang đông kín cả gian nhà. Ngoài ra còn các tá điền lâu đời đã chịu ơn ông Cụ bà Cụ cũng mang lễ vật tới cúng tế.
Ông cụ chắp tay, vái:
-Cầu trời cho mẹ sống lâu 100 tuổi. (Bà Sơ qua đời vào tuổi 98).
Tía Trí là cháu nội đích tôn, cho nên Trí cũng là chắt chính tông. Vì thế Trí được đứng ngay bên cạnh ông Cụ, trong lúc cháu chắt khác đứng tít đàng sau.
Xong rồi đến các ông thầy chùa đọc kinh. Ông hòa thượng đội mão cánh sen đứng trước bàn thờ giữa vừa đọc kinh vừa gõ cái chuông đeo trên ngón tay cái. Trí lấy làm thích thú vì ông cầm cái chuông to bằng chiếc dĩa con toòng teng trên ngón tay cái bên trái và gõ bằng chiếc dùi sơn đỏ như chiếc đũa với mấy ngón tay kia, trong lúc tay phải thì chắp trước ngực và làm các cử chỉ khác trong khi làm lễ.
Phần lễ nghi chúc tụng xong đến phần dọn lễ vật lên bàn thờ cúng tế. Mọi người ai làm việc nấy. Phần dọn cỗ ở dưới nhà bếp đã làm xong. Chỉ còn đưa lên bàn thờ ở trên chánh điện. Con cháu trong nhà, những đứa ăn mặc đàng hoàng đảm trách phần bưng mâm và dọn lên bàn thờ. Mỗi bàn có một người đứng sẵn chờ mâm tới để dọn lên cho đúng cách.
Trong đám bưng mâm này có Trí được ưu tiên giao phó vì Trí là cháu năm đời của bà Sơ. Nhung Trí không phải bưng mâm nặng nề, Trí chỉ bưng một dĩa thức ăn khô, chớ không bưng tô canh, tô cháo. Nghĩa là tùy ý Trí muốn bưng món nào thì bưng, không theo thứ tự bắt buộc của mỗi mâm như những người khác.
Trí thích bưng những dĩa chả và những tô dưa hấu. Từ bếp lên đên chánh điện phải qua những đoạn đường dài đầy các loại khách, một gian nhà đãi có một bộ ván dài bằng ba bộ ván thường, chốc nữa đây sẽ dọn thức ăn trên những chiếc chiếu cỗ ken lại (thay vì mâm gỗ) để đãi khách con nít trong gia tộc. Kế đó là một phòng nhỏ nơi ông Cụ bà Cụ ngồi ăn trầu. Qua một lần cửa, đến phòng ăn liền với phòng nghe truyện của ông Cụ. Lại qua một lần cửa nữa mới ra đến chái nhà nơi đặt một bộ ván và một bàn thờ nhỏ. Bộ ván thì dành cho các ông thầy lễ nhạc, còn bên chái đối diện cũng có một bộ ván để dành cho các ông thầy chùa.
Trí có cái “tài” bốc đồ cúng mà không mất dấu, cũng không ai bắt được. Một đĩa chả các bà thường đơm 6 miếng rất cân đối. Trí đã để ý từ khi bắt cỗ. Khi bưng đi thì đã định “hô thâu” miếng nào rồi. Ở khúc nhà đãi thì rất nhiều tai mắt, qua phòng ăn trầu thì trống trải, chỉ có “khúc vắng” là phòng cụ nghe truyện. Phòng này nàm ở giữa hai lần cửa, vừa rộng lại vừa kín. Cho nên mỗi lần qua đây là mỗi đĩa chả “bay” đi một miếng. Khi miếng chả nằm gọn trong miệng thì cũng là lúc ngón tay của Trí xếp lại ngôi sao 6 cánh thành ngôi sao 5 cánh. Có thánh cũng không biết được là một cánh sao đã rụng nhanh ở khoảng trời nào.
Cậu bé sợ có ai hỏi điều gì phải đối đáp nên nuốt trộng ngay như Bát Giái ăn vụng nhơn sâm ở chùa Hoàng Hoa, cho nên nào có biết mùi vị ra sao! Cũng may chả không có xương. Nếu là thịt gà chắc mắc cổ trợn tráng. Dưa hấu cũng thế, nuốt luôn cả hột rồi chùi mép. Ai có đếm trong tộ còn mấy miếng làm chi!
Cái lối “hô thâu” này Trí học lóm của chú Sáu (em Tía). Chú lên nhà Bà Nội (Bà cụ của Trí) ngủ đêm, lúc sáng về thì bà Cụ thấy mất vài xu năm (trắng). Bà Cụ bèn xuống tận nhà hỏi:
- Duyên (tên bà nội Trí) con có thấy thằng Sáu cầm cái gì trong tay không?
- Dạ, con không thấy nó cầm gì hết má à!
- Ủa, sao cắc bạc tao mới bán trầu để dưới mí nệm lại đâu mất đi!
Thấy chú Sáu đứng núp ló ở bẹ cửa, bà nội bèn hỏi:
- Sáu, con có lấy xu của bà nội không con.
Bà Cụ bảo:
- Bà sợ mất uổng chớ nếu con có lấy thì cất đi bà cho, đi học mua bánh ăn. (Con nít nào có được cắc bạc trong túi?)
Chú Sáu bèn òa lên khóc. Hai đồng xu trắng trong miệng văng xuống gạch lăn vô chân bà Cụ. Vậy mà chú Sáu khóc ré lên làm mình làm mẩy, bà Cụ phải móc ruột tượng đền chú hết 1 xu nữa, chú mới nín cho.
Bà Cụ phải dỗ dành:
- Bà không có nói con lấy. Tai xu nó leo vô miệng con. Coi chừng con ngậm xu bữa nào nó chạy tuốt vô bụng ỉa không ra phải mổ. Bà sợ là sợ vậy đó.
Một lân khác, ông Mười (con bà Cụ, em ruột ông nội) nuôi một hàng cá lia thia để đá độ. Keo nào cũng đậy nắp rất kỹ. Không hiểu sao bữa đó chú Sáu lên chơi rồi về thì một con “cá nghề” lại biến mất. Không có lẽ nắp keo đậy kín vậy mà thằn lằn câu được?
Ông Mười biêt con cá biến đi ngả nào nhưng không dám đụng tới cục cung của bà nội, nên chí nói:
- Kệ nói, rủi nó nuốt vô bụng thì nó… ra chớ gì!
Bây giờ tới phiên Trí. Trí không ngậm xu, ngậm cá lia thia, nhưng nuốt chả. Thì có nguy hiểm gì đâu!
Trở lại buổi cúng tế ở chánh điện.
Xin ngưng ở đây một chút để nói vài nét về buổi cúng tế. Kẻo những thế hệ trẻ sau này không thế tưởng tượng được.
Thời đó khi làm tuần, con cháu nội ruột (nghĩa là dòng chính - còn có dòng thứ hoặc nhiều dòng thứ nữa) phải có mặt. Con cháu ruột phải đội mũ rơm mặc quần áo vải sô không may lai. (Dâu rể cũng mặc quần áo loại này nhưng không đội mũ rơm) và phải quì khom trước bàn thờ trong lúc thầy chùa tụng kinh và học trò lễ dâng các lễ vật trong lúc nhạc lễ tấu lên từng chập.
Bộ ván phía bên chái trái dành cho các cụ kéo đờn cò, đờn gáo, thổi kèn và đánh trống cơm lon ton táng, lon ton tàng…
Cuộc tế lễ kéo dài 3 ngày liền. Sau đó mới đem chiếc nhà bằng giấy rất đẹp (hàng mã) mà đốt đi cùng với nhiều giấy tiền vàng bạc - ngụ ý cho người quá cố có nhà ở và tiền xài ở “dưới kia”.
Sau khi đốt nhà và tiền thì tới ném bánh trái cho trẻ con ăn. Có lẽ trong ngôn ngữ ta có tiếng “thí cô hồn" là do việc này chăng? Nghĩa là cho không, không hề đòi lại mảy may. Cho càng nhiều càng được phước lớn.
Bà Cụ bảo người nhà “ném” 800 cái bánh ít cho trẻ con. Nói là ném chứ thực ra là đựng bánh trong sịa để trước nhà ai muốn ăn cứ lấy. Chừng nào vơi thì lại rội thêm cho đến đủ số theo lời nguyền thì thôi. Bởi vậy trong làng, có nhà giàu làm đám tuần hoặc đám giỗ thì cả xóm được no là thế. Chớ ma quỉ thánh thần có ăn uống miếng nào mà phải mang tiếng.
Trở lại lễ chánh thức ở nhà trên. Chú Năm (anh chú Sáu) là tay rắn mắt dàng trời mây chứ không vừa. Là cháu ruột trong nhà nhưng chú không lên nhà trên tiếp khách châm trà cho phải thế con nhà quan. Chú cứ ở sau bếp nấu nướng và nói chuyện tiếu lâm cười chơi. Và món nào chú cũng nếm thử… với rượu. Cho nên lúc mâm cỗ dọn xong mấy ông lớn ngồi vào bàn là chú đã xong tiệc. Các cô các bà bảo chú Năm khôn tổ bà: “ăn trước mấy ông làng” và “ăn trên đầu cha ông táo”.
Trong lúc mấy ông nhạc lễ vừa ăn bánh khéo (bánh men, bánh bông lan) uống nước trà từng chập, tùy từng lúc học trò lễ dâng lễ vật và các thời kinh. Chú Năm gọi thằng Tư Cồ, Trí và đám con nít xúm lại, bảo:
- Tao giao cho tụi bây công việc này, làm xong tao sẽ thưởng.
- Thưởng gì chú Năm?
- Muốn gì thưởng nấy!
Bọn con nít nhảy tưng lên mùng rỡ. Đứa đòi bánh, đứa đòi thịt gà thịt vịt. Chú Năm đưa cho mỗi đứa một trái me chua, bảo:
- Đây là me dốt ngọt lịm. Tụi bây dám ăn không?
- Dám chớ chú!. Nhưng tụi bây không được nhai nuốt liền, mà phải nhấm nháp như nhậu rượu vậy và chép thiệt to như lươn gặp mồi nó “chép” trong hang, bây hiểu chưa? Đâu bây làm thử tao coi.
Bọn con nít đưa me vô miệng nhâm nhi và chép to lên như lươn. Chú Năm khen giỏi và bảo:
- Tụi bây vô đứng bên bộ ván nhạc lễ kia kìa làm như vậy coi!
Ở ngoài sân đám con nít quơ bánh tưng bừng. Chúng nó đánh đu trên cây cần giọt và bày các thứ trò chơi. Nhưng đám thằng Tư Cồ lỡ “ký giao kèo’’ với chú Năm rồi, đành phải chôn chân ở đây chớ không bỏ việc được.
… Một chốc nghe mấy ông khách ở nhà đãi kêu:
- Sao rượu bữa nay cay dữ kìa!
Ông này trỏ ông kia, bảo:
- Anh sưng môi, sao vậy?
Ông kia trỏ ông nọ:
- Còn môi anh bị kiến lửa cắn hồi nào mà sưng vù vậy?
Một ông nói:
- Tôi nghe hình như miệng ly có thoa ớt.
- Đích thị rồi chớ hình như gì nữa.
Thế là một người đi tìm ông Mười để mét. Nhưng ông Mười đang đội mũ rơm quì trước bàn thờ, các ông khách ngồi vừa húp canh cầm chừng vừa hít hà chớ không uống rượu nữa. Chờ cho dứt tiếng đọc kinh ông Mười vào nhà trong, một người bèn than phiền “rượu cay không uống được!”
- Đê tôi thay ly mới rượu mới!
Quả thật, rượu ngọt ngay chớ không còn cay nữa! Ông Mười biết ngay “thủ phạm” bèn gọi chú Năm đến, bảo nhỏ:
- Mày báo hại khách khứa bỏ về hết vì ba cái ly của mày!
Chú Năm gãi đầu gãi tai:
- Dạ cháu đâu có làm gì, chú Mười rầy oan cho cháu!
- Mày trét ớt vô miệng ly, khách uống sưng môi hết, họ mới mét tao kìa!
Vừa lúc đó thì có ông già cao lêu đêu tìm tới. Ông Mười nhìn ra là ông nhạc trưởng giàn đờn cò, đờn gáo và trống cơm. Ông nhạc nói:
- Ông Thôn (ông Mười đang làm thôn trưởng) ra coi đây. Như vầy tôi làm sao thối kèn được?
Ông Mười không biết chuyện gì, bèn cởi áo tang, lột mũ rơm đi ra nhà trước. Mấy ông thầy đờn đang ngoẹo cổ đờn ò e mải miết. Ông Mười hỏi ông nhạc trưởng:
- Có chuyện gì đâu ông Nhạc?
Ông Nhạc cầm cây kèn (không rõ tên gì) cái đầu kèn thì to như chân đèn thau, còn đuôi kèn (chỗ ngậm thổi thì nhỏ bằng cọng nhang, thân kèn có lỗ như ống sáo để bỏ ngón) đưa cho ông Mười xem và cau có:
- Như vầy làm sao thổi được?
Ông Nhạc cái miệng móm sọm, nước miếng chảy quanh mép. Ông Mười nhìn cây kèn bóng láng, không hiểu có chuyện gì. Ông Nhạc bèn trỏ vào cái đuôi kèn ướt nhem và nhìn sang đám trẻ con đang ăn me chép lia.
Ông Mười vẫn chưa hiểu tại sao ông nhạc trưởng mắng vốn mình. Ông hỏi đám con nít:
- Ai biểu tụi bây ra đứng đây?
- Dạ, chú Năm biểu tụi cháu ăn me chép cho thật to!
Ông Mười hiểu ngay, bèn xua tay:
- Các cháu đi chỗ khác chơi! - rồi quay lại ông nhạc trưởng: - Thôi được rồi, để tôi rầy nó. Chú ra thổi tiếp đi. Giàn nhạc không có tiếng kèn, nqhe thưa thớt quá.
Ông Nhạc mọp xuống cám ơn ông Mười rồi lột chiếc khăn khấc đầu rìu xuống chùi cái chuôi kèn và từ tốn ngồi lên ván.
Ông Mười vào buồng. Chú Năm vẫn còn đứng đó. Tay đang cầm mấy cái ly, thấy ông Mười vào, chú nói:
- Ớt cay đâu có bằng rượu, chú Mười! Tại mấy ổng nhõng nhẽo vậy chớ!
- Tao đánh đòn mày, tao đòn mày! Mày phá tới mấy ông nhạc lễ nữa, họ bỏ về thì tao làm sao cầm chưn họ lại được? Mày chơi ác quá! Mày bảo mấy đứa nhỏ đem me ăn, chép trước mặt họ. Ông nhạc trưởng chảy nước miếng tùm lum hết làm cái đuôi kèn tịt luôn. Ông vừa mới mét với tao đó.
Chú Năm cười:
- Thì tại mấy ổng thèm đồ chua nên chảy nước chớ cháu đâu có làm gì.
Vừa đến đó thì từ dưới bếp có bà chạy lên hớt hải:
- Thằng Năm đâu? Thằng Năm đâu rồi?
- Cái gì vậy? - Ông Mười quát hỏi.
- Mâm mấy ông làng đòi thêm món… luộc. Mấy ổng khen ngon, kêu rội thêm!
- Thịt sẵn đó, cứ xắt ra mà trụng rồi đem lên chớ việc gì phải tìm thằng Năm?
- Nhưng dưới bếp nói chỉ có thằng Năm mới biết nấu món đó.
Ông Mười quay sang Năm:
- Bộ mày nấu món gì đặc biệt lắm sao Năm?
Chú Năm cười hì hì:
- Cũng không đặc biệt gì cho lắm chú Mười à. Nhưng… khó tìm. Mỗi con heo thì chỉ được có một tí tẹo đó đủ đơm một dĩa thôi! Muốn thêm, phải làm con nữa.
Ông Mười ngẫm nghĩ rồi kêu lên:
- Mày hại tao rồi! Rủi ông Cai Tổng ổng gắp trúng một đũa rồi làm sao?
- Dạ thì cháu dặn người dọn để dĩa đặc biệt đó ngay ông Cai, làm sao ổng không gắp?
- Trời ơi! - Ông Mười dậm chân rồi đứng lặng ngắt, hồi lâu mới nói: - Đây rồi ổng bắt lỗi chớ khỏi đâu!
Chú Năm cười khẹc khẹc:
- Ổng không có lỗi phải gì đâu chú Mười! Cháu chỉ sợ ổng không mò tới thôi, chứ đằng này ống làm sạch dĩa thì nay mai ổng sẽ tìm ra cháu để đem về làm đầu bếp chánh cho ổng. Trời ơi nó dai dai mà lại dòn dòn, vừa dòn mà lại vừa dai. Cặp chung với một miếng phèo non, đưa một tách đi ngọt!
Ông Mười lắc đầu:
- Mầy thiệt quá trời rồi nghen! Mày phá tới ông Cai Tổng thì còn chừa ai. Rồi nay mai rủi tao lên thay ổng chắc mày…
- Cháu biết chú đi “đường gà nòi” chớ đâu có theo dấu hoạn lộ mà lo!
Ông Mười bảo:
- Mày ra coi đám con nít xem nó đã đi chỗ khác chưa? Báo hại ông già nhạc trưởng chảy nước miếng ướt hết cây kèn thổi không ra tiếng cũng vì ba cái mắc ne dốt ác độc của mày. Hôm trước tao nghe nói mấy ông Hương Quản với ông Hương Bộ bị mày đãi nhị long hoàn, bữa nay mày cho ông Cai nhậu "gân rồng”! Mày còn món gì nữa không?
Bỗng nghe từ phía nhà ông Mười có tiếng reo cười (Ông Mười vừa cất một ngôi nhà tiếp giáp với ngôi nhà lớn của ông Cụ quay mặt hướng Đông còn nhà ông Cụ quay ra hướng Bắc. Bên ngoài trông như hai nhưng bên trong là một, cho nên nhà rất rộng, có thể chứa 300 người). Người ta ùa ùa đổ sang nhà ông Mười. Ở đây cũng có cỗ bàn nhưng chỉ dành cho khách bình dân, ăn uống nói năng tự do hơn là ở nhà ông Cụ dành cho khách áo dài khăn đóng.
Bà Mười bảo trẻ con đem chiếu bông trải lên ngựa ở nhà ngang rồi nói:
- Bà con mời chú Tư nói thơ Vân Tiên nghe.
Mọi người rộ lên. Chú tư đây là ông Tư Nhâm, nhà ở sát ranh đất ông Cụ. Ông có rất nhiều tài, coi ngày cưới hỏi, tống táng, cất nhà, giỡ gỗ, đi xa, cúng tế, ngoài ra còn làm thợ mộc và nói thơ Vân Tiên. Nhà nào có đám giỗ đều mời ông tới. Không cần lễ mễ, chỉ nói một câu là ông đến.
Ông Tư đang ngồi nhậu với khách xóm. Tiệc đã hầu tàn. Khách phá mồi đã no bụng lảng đi hết, chỉ còn ba ông gộc ngồi lại với một dĩa gồm toàn thứ đồ gặm, (như giò, cổ, cánh gà vịt, móng heo) còn đồ ngon thì hết sạch rồi. Hại thay các ông gộc thì răng cỏ lại xêu mếu như hàng rào mục bị bão. Nhưng các ông không cần, miễn có rượu là được. Một trái ổi non, một trái bần chua, một trái me, mỗi người mấp một miếng là đưa bọn Tào Cáo (lính bát rượu lậu) xuống đìa như chơi.
Ba cụ đều có thành tích lung linh ngang nhau. Ông Tám đi cày bắt được con cá cào cững, thế là ghé nhà ông Ba cưa tới chiều. Bà Ba không rày la, nặng mặt năng mày với chồng lại còn phục vụ sốt sắng. Bà có tật ghiền đánh me. Rời sòng me, bất kể ăn hay thua bà cũng ghé quán mua một miếng khô cá đuối, vài con khô cá hố, hoặc lòng trâu lòng bò đem về cho ông Ba. Thế là hai ông bạn vàng cưa nhậm nhầy không đứt mach. Rồi đem chữ nho trong sách ra mà hành hình. Hai ông đồng ý với nhau bảo rằng thánh hiền cũng nhậu say như mình nên viết lầm. Cần phải sửa lại. Ví dụ như: cổ nhơn hình tợ thú là thiếu một chữ. cổ nhơn hình tợ thú vật thì mới đủ nghĩa; hoặc như câu: Mạng lý hữu thời là mạc cưỡng cầu! Câu này không biết hai ông rút từ sách nào, nhung đều thích thú gật gù tán thưởng bằng cách đổ rượu lên đầu nhau. Con nít trong xóm nghe tiếng hai cụ nói nho thì bu tới coi. Miếng lòng trâu dai như da trâu nhai không đứt, cụ Tám lôi ra trắng bệch, tái nhách, ném vô những bộ giò nhái của sắp trẻ. Chúng hoảng hồn chạy tứ tán một lúc rồi quay lại xem tiếp như trẻ con trong chợ xem hát Tiều khỏi mua vé, ngủ trên bãi cỏ một giấc dài, thức dậy xem tiếp vẫn chưa dứt tuồng.
Ấy là nói về cái sự hào hoa trong lúc tại gia của hai vị đệ tử lưu linh, còn ông Tư Nhâm thì vừa uống rượu vừa coi ngày tháng đôi khi vạch bàn tay người khác ra mà xem chỉ tay, đoán vận mệnh giùm: Đừng có leo cây ớt, té xuống cày hành đâm đổ ruột.
Nhung các cụ đến đám làm tuần hôm nay ở nhà ông Thôn có vẻ nghiêm chỉnh hơn ở tại gia. Nghiêm chỉnh nghĩa là không đổ rượu lên đầu nhau nhưng mũi vẫn thở ra Nho. Nghe bà Mười đề xướng nói thơ Vân Tiên, ông Tư Nhâm kêu:
- Chị Mười ơi! Cặp môi tôi nó sưng chù vù như kiến lửa cắn làm sao mà nói được.
Chú Năm đứng gần đó bảo trẻ chạy đi bứt mấy lá rau má ngoài thềm nhà đem vô, chú đưa cho ông Tư và bảo:
- Chú nhai nuốt nước cốt, còn cái bã thì đắp lên môi hết sưng liền!
Còn cụ Tám và cụ Ba thì bất cần.
- Sưng môi hả? Uống thêm vài chén hết sưng! (rau) má, (rau) tía gì!
Quả thật lá rau má chữa lành bịnh chớp nhoáng. Ông Tư lên nằm trên chiếu bông, hai chân vắt tréo, đầu gác trên chiếc gối rơm, tằng hắng, sẵn sàng cất
giọng.
- Gỡ bã rau má ra cho nhẹ môi chú Tư! - một người nói.
Bà Mười biết ý bèn bảo trẻ vô bếp lấy cặp đũa cả bằng cau già đem ra đưa cho ông Tư. Ông cầm lấy, hai tay gõ “cắc, cắc” như nhịp sanh.
Trên nhà lớn, buổi cúng tế đã xong, mọi người đổ xô xuống đây, bất kỳ già trẻ sang hèn đều có mặt. Các vi hương chức tự nhắc ghế ngồi chớ không chấp nê đia vị. Ông Tư ngồi bật dậy rồi bước xuống đất chắp tay xá xá:
- Bẩm các vị hương chức, hạ nhân là tên dốt nát, không dám làm nhọc lòng các vị.
Một cụ mặc áo thụng xanh xua tay bảo:
- Chú em cứ nằm nói thơ nghe. Bọn tôi là người nghe như coi hát đình vậy.
Ông nhạc trưởng bây giờ trông “xinh trai” hơn với cái miệng móm nhưng đã lau sạch nước miếng.. Ông hỏi:
- Có cần đờn cò phụ họa thì tôi đem tới.
- Dạ, tôi nói thơ suông một mình! - Ông Tư Nhâm đáp.
Một người thúc giục:
- Thôi nói mau đi để mồi nguội hết!
Ông Tư lại nhịp “cắc cắc” hai chiếc đũa bếp và cất giọng:
Trước đèn xem truyện Tây Minh
Gẫm cười hai chữ nhơn tình éo le
Ai ơi lẳng lặng mà nghe
Dữ răn việc trước, lành dè thân sau
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình.
Ông Tám và ông Ba vẫn ngồi ở bàn nhậu, guc gặc đầu vừa hưởng ứng, vừa nghe coi có sai chữ nào để bắt lỗi. Đến đây thì một anh thanh niên nói:
-Trai thời trung hiếu làm đầu kìa bác Tám, bác Ba
- Người ta nói trúng, để cho người ta nói luôn!
- Còn gái thì tiết hạnh, phao câu, gan mề! Hai bác làm đi!
Ông Tám trợn mắt bảo:
- Còn giò cánh chớ phao câu còn đâu mà làm. Còn gan mề đi mất từ sớm.
Cả bàn tiệc tàn cười rần rần bất chấp giọng ông Tư đang tiếp:
Có người ở Huyện Đông Thành
Tu nhơn tích đức sớm sanh con hiền
Đặt tên là Lục Vân Tiên
Tuổi vừa hai tám nghề chuyên học hành
Theo thầy nấu sử xôi kinh…
Ông Ba ngắt ngang:
- Tuổi vừa hai tám nghề chuyên cày bừa
Theo cha hôm sớm tát đìa!
Có tiếng một bà phản đối:
- Hổng biết để người ta nói cho mà nghe. Cứ thọc gây bánh xe không hà.
- Bánh xe ở đâu mà thọc?
- Tháng ngày bao quản sân Trình nắng mưa. (cắc, cắc)
Ông Tám lại giơ tay:
- Sân đình chớ không phải sân Trình, ông nó ơi!
- Sân nào cũng vậy thôi! Nói tiếp đi anh Tư!
…Văn đà khởi phụng đằng giao
Võ thêm tam lược lục thao ai bì!
Xảy nghe chiếu mở khoa thi
Vân Tiên vào lạy tôn sư ra về
Một người yêu cầu:
- Ông Tư nói cái lớp Vân Tiên gặp Nguyệt Nga nghe mới hay.
Một người khác bảo. Nhìn lại là bác Bảy, tía thằng Tư Cồ.
- Cái lớp đó không bằng lớp đi chài lưới. Coi tại sao tôi có cái rớ mà không đặng thảnh thơi như ông chài.
Giọng ông Tư vẫn đều đều với cặp “nhịp sanh” gõ cắc cắc:
Kinh luân đã sẵn trong tay
Ngày kia đón gió đêm này chơi trăng.
Một mình thong thả làm ăn
Khoẻ buông chài lưới, mệt quăng câu dầm
Nghêu ngao nay chích mai đâm
Một bầu trời đất vui thầm ai hay!
Kẻ đòi lớp này người yêu cầu hiệp khác. Thấy vậ bà Mười bảo:
- Bà con đừng lo. Tôi châm dầu u thắp tới sáng cho chú Tư nói hết cuốn truyện mới thôi. Còn việc "đón gió" thì tôi còn dự trữ cả tỉn đôi kia.
Còn ông Tám và ông Ba, nghe hai tiếng "đón gió" thì thi nhau "úp gàu". Ông Tám nói:
- Truyện Vân Tiên chép thiếu 2 câu hồi cái lớp Vân Tiên bị mù.
- Câu gì?
- Vân Tiên cõng mẹ đi ra
Đụng phải con gà cõng mẹ đi vô
Vân Tiên cõng mẹ đi vô
Đụng phải cái bồ cõng mẹ trở ra
Một người nói:
- Còn thiếu một câu nữa! Vân Tiên ngồi dựa bụi môn!
Một người phản đối:
- Ở dây có kẻ lớn người nhỏ, liệu cái mồm!
- Câu đó như vầy:
Vân Tiên ngồi dựa bụi môn
Chờ cho trăng lặn hốt hồn Nguyệt Nga! chớ gì mà liệu mồm liệu miệng.
Mấy ông hương chức cũng cười ngất khen thằng nào đó lẻo mép.
Ông Tư vẫn nói đều đều:
Quán rằng thịt cá ê hề
Khô lân chả phụng bộn bề thiếu chi
Kìa là đậu, cải ướp ngâu
Đây trà Tam Bảo, nọ bầu rượu ngon!
Càng về khuya, khán giả càng đông. Cứ xong một lớp ông Tư lại ngưng để thấu giọng với "bầu rượu ngon". Tiếng gà trong xóm gáy rộ, nhưng ngọn đèn dầu u mát mẻ vẫn soi rõ gương mặt ông Tư. Ông có nhìn sách đâu! Ông ngó lên nóc nhà mà đọc… tuồng bụng cả ngàn câu thơ.
Quê Nội Quê Ngoại Quê Nội Quê Ngoại - Xuân Vũ Quê Nội Quê Ngoại