"Tell me what you read and I'll tell you who you are" is true enough, but I'd know you better if you told me what you reread.

François Mauriac

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 60
Cập nhật: 2020-11-14 06:29:22 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần Thứ Nhất: Đường Vào Quảng Trị - Chiến Trường B5
ột ngày thượng tuần tháng 9-1972 chúng tôi rời Bãi Hà. Đoàn quân xuất phát từ sáng sớm, lúc còn chưa rõ mặt người. Xuyên qua nhiều cánh rừng rậm, rừng thưa, tầm trưa chúng tôi tới một con suối cạn khá rộng. Lòng suối đầy sỏi và những hòn đá cuội tròn nhỏ, có vài lạch nước chảy song song, nơi sâu nhất lội chỉ đến đầu gối. Ai đó nói: “Sông Bến Hải!”. Tôi ngạc nhiên ngắm nhìn, không ngờ con sông lừng danh chia cắt đất nước 20 năm trời lại nhỏ bé thế này. Ở thượng nguồn nó không khác gì một con suối, lội hai phút là qua. Nước trong vắt, mát lạnh, lính ta tranh thủ dìm bi-đông lấy nước uống và vục nước rửa mặt. Sang bờ bên kia chúng tôi lẩn nhanh vào cánh rừng thưa mọc đầy cây mua cao ngang đầu người, xen lẫn những bụi lau lách. Những bước chân đầu tiên trên đất Miền Nam làm tôi bồi hồi khôn tả. Dường như trời đất cỏ cây vẫn vậy, mà không phải vậy. Đây là chiến trường, cái đích mà chúng tôi nhắm đến và bây giờ đã đến. Ở đây có thể chạm địch và đổ máu bất cứ lúc nào. Ở Bãi Hà người ta đã cảnh báo chúng tôi về hoạt động của bọn Thám báo, tránh đi chệch đường mòn vì dễ dẫm phải mìn hoặc bom bươm bướm.
-------------
* B5 là mật danh chiến trường Bắc Quảng Trị. Năm 1961, các địa bàn quân sự được quy định: A-Miền Bắc, B-Miền Nam, C-Lào, K-Campuchia. B1 từ vĩ tuyến 17 dến Khánh Hòa, B2 từ Ninh Thuận đến Cà Mau. Sau, do chiến tranh phát triển, chia thành các mặt trận nhỏ hơn: B3 là Tây Nguyên (Đắc Lắc, Gia Lai, Công Tum); B4 là Trị Thiên - Huế; B5 là Bắc Quảng Trị, Đường 9 được thành lập tháng 6-1964. Tư lệnh đầu tiên là Đại tá Nam Long. Tư lệnh chiến dịch Quảng Trị năm 1972 là Thiếu tướng Lê Trọng Tấn (đến 6-72), sau là Thiếu tướng Trần Quý Hai (BT).
4 giờ chiều, chúng tôi rời cánh rừng thưa, đi xuống một trảng cỏ tranh rộng bát ngát. Mỗi người phải chặt một cành lá che trên đầu để ngụy trang, tránh cặp mắt cú vọ của chiếc máy bay trinh sát OV-10 đang ò ò ở phía xa. Có thể nói suốt thời gian ở chiến trường, tôi đã quen với hình dáng như chiếc bừa và tiếng ò ò lúc xa lúc gần của nó, đến nỗi những hôm thời tiết xấu, OV-10 không bay, cảm thấy như thiếu một cái gì. Có lúc nó rống lên, bổ nhào bắn một trái đạn khói vào đâu đó, chỉ điểm cho máy bay đến ném bom. Trong không gian nghe như có tiếng vọng ì ầm của chiến trường. Trời bắt đầu sẩm tối. Chợt ở phía xa lóe lên ánh chớp, rồi một quả cầu mầu xanh lá cây bùng lên, bắn ra hàng vạn tia sáng mầu lá mạ. “Bom lân tinh đấy”, anh Bính nói. Lại một quả bom lân tinh nữa nổ, sáng rực cả góc trời. Tối mịt thì chúng tôi tới bãi khách, nằm trong một khe cạn, cây cối mọc um tùm. Chúng tôi sẽ đóng quân ở đây, chờ đơn vị mới tới tiếp nhận.
Hôm sau tôi đi vòng quanh bãi khách xem xét địa thế. Thấy nhiều hầm chữ A bỏ không, trong vài hầm có một số vật dụng bỏ lại, đặc biệt cả một hòm lựu đạn. Tôi bèn lấy 2 quả đem về chờ có dịp sẽ dùng.
Tối tối lại diễn ra cảnh tiêu khiển kỳ quái như ở Bãi Hà, đó là lính ta nằm trên võng chửi nhau cho đỡ buồn. Lính B1 đồng thanh réo tên B trưởng B2 ra chửi, lính B2 cũng đồng thanh chửi lại B trưởng B1. Long “cồ” to mồm nhất, tự xưng là “Đài phát thanh A6”, giọng sang sảng liến thoắng bịa đủ thứ chuyện chửi bới lung tung. Một số cậu bị chạm nọc chửi lại, làm Long “cồ” nóng tiết thét lên: “Đ.mẹ thằng nào chửi Đài!”.
Vài cậu khác thì hát nhạc vàng ông ổng suốt ngày. Cậu Phát A5 nằm gần tôi chuyên môn hát bài: “Tôi với nàng, hai đứa nguyện yêu nhau/ Tha thiết từ đây cho đến ngày bạc đầu...” và bài: “Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ. Nhiều nét đổi thay tường mái rêu mờ...Thầy đó trường đây bạn hữu đâu rồi?”. Nghe riết rồi tôi cũng đâm thuộc.
Có hiện tượng là các cán bộ thi nhau lăn ra ốm. Hôm hành quân đi khỏi Bãi Hà tôi đã thấy Tiểu đoàn trưởng Khanh có vẻ mệt mỏi, đi đứng chậm chạp, thỉnh thoảng ho. Mấy cậu liên lạc rỉ tai nhau: “Thủ trưởng ốm”. Ở đây thì toàn bộ ban chỉ huy đại đội đều ốm, nhưng nhìn anh Y và anh Hồng cố làm điệu bộ rất mệt, tôi đâm nghi ngờ. Bây giờ thì thậm chí anh Bính B trưởng, to khỏe như voi, cũng đổ bệnh, cả ngày nằm trên võng, không quan tâm gì đến Trung đội, thỉnh thoảng ho khúng khoắng, làm tôi thật sự suy nghĩ. Hình như vào đến chiến trường là tất cả các cán bộ huấn luyện đều bị bệnh cũ hoặc vết thương cũ tái phát, họ chỉ chờ bàn giao xong lính cho đơn vị mới là quay trở ra Bắc “điều trị” ngay.
Một sự thật buồn khác là lính Hà Nội ở đây không có “giá”, không được các đơn vị mới săn đón lắm. Chỉ huy các đơn vị đang chiến đấu ở đây không mặn mà với việc nhận lính bổ sung từ Hà Nội. Họ cho rằng lính Hà Nội hay Hải Phòng sướng quen, không chịu được gian khổ, thuộc loại mồm miệng đỡ chân tay, trói gà không nổi. Họ đặc biệt thích lấy lính vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh, vì cho rằng lính vùng này chịu khổ quen, chiến đấu gan dạ, dù có phần bướng bỉnh. Nếu không thì lính từ các vùng nông thôn khác cũng được. Vì vậy các đoàn lính Thái Bình, Hà Tĩnh... vào chiến trường cùng đợt với chúng tôi đã được nhận hết, mà chúng tôi vẫn nằm dài chờ đợi. Và như vậy chúng tôi bị lâm vào hoàn cảnh “chân không đến đất cật không đến trời”: Một mặt chúng tôi đã tách khỏi đường dây binh trạm, không nhận được tiếp tế từ các binh trạm nữa; Mặt khác lại chưa được đơn vị mới tiếp nhận, nên cũng chưa có tiếp tế từ đơn vị mới. Hậu quả là chúng tôi đói, đói dài mỏ, đói quay quắt giữa rừng.
Đã gần tuần nay chưa có hột cơm nào vào bụng. Còn nhúm gạo ít ỏi chúng tôi phải dè sẻn nấu cháo ăn dần. Tôi và Chí Thành hay ra ven suối hái rau vòi voi về độn thêm vào cháo. Nhìn những dây leo giống lá khoai lang bò trên các bụi cây nhưng không dám hái, vì nghe nói rất độc. Nhiều cậu hết sạch gạo, phải ra đứng ven rừng, ngửa tay xin từng nhúm gạo của những cán binh tình cờ đi qua. Tôi là người rất sợ đói, nên thường cất một phong lương khô “Tổng dự bị chiến lược” dưới đáy ba-lô, chỉ khi nào tự vấn lòng thấy không chịu đựng nổi nữa mới đem ra dùng. Nhưng khi lấy ra định ăn, thì nhìn thấy Lê Thanh Bình ngồi ở gốc cây gần đó còn đói hơn tôi, mặt mày xanh xám sắp xỉu. Tôi gọi Bình lại bẻ cho một nửa. Hai đứa ngồi cạnh nhau vừa nhai lương khô vừa khóc.
Một buổi chiều tôi rủ Ngô Duy Minh ra suối La La tắm và ném cá. Tôi lấy hai quả lựu đạn nhặt được hôm nọ, đưa cho Duy Minh một quả. Tắm xong, chúng tôi đi tìm chọn một đoạn suối sâu, nước lặng. Hai đứa thỏa thuận là sẽ cùng rút chốt và cùng ném cả hai quả lựu đạn xuống vũng suối này. Nhưng Duy Minh làm nhanh quá, tôi chưa kịp vặn nắp chuôi thì cậu ta đã giật chốt đánh “bép” một cái rồi ném tòm xuống suối. Tôi hoảng quá cũng quăng luôn quả lựu đạn chưa kịp giật chốt xuống theo. Hai đứa nằm rạp trên bờ suối chờ lựu đạn nổ. Nhưng chỉ có một tiếng “ục” vang lên, sóng nổi cuồn cuộn. Duy Minh vẫn nằm chờ tiếng nổ thứ hai, thì tôi đã bò dậy nói “chắc xịt rồi”, rồi đi xuống suối xem có con cá nào nổi lên không. Chợt một chiếc F4 lao xoẹt qua trên đầu, kéo theo tiếng động xé óc và trải ra một dải khói đuôi đen xám. Trong bóng chiều chạng vạng, thấy có vài viên đạn lửa bắn lên vuốt đuôi chiếc máy bay. Tôi và Duy Minh xem xét kỹ đoạn suối, nhưng không tìm được con cá nào.
Bần cùng sinh đạo tặc, chúng tôi tìm cách ăn trộm gạo của một đơn vị đóng gần đó. Trong một buổi lang thang sục sạo khắp nơi, mấy cậu A6 tình cờ thấy trong rừng le cách chỗ chúng tôi chừng 2-3 km có vài căn nhà lợp cỏ tranh, về sau mới biết đó là hậu cứ của Phẫu 88, Quân y Quảng Trị. Chúng tôi lặng lẽ bò tới gần từng nhà xem có người không, nếu không thì chui vào lục lọi tìm gạo. Khắp nơi không một bóng người, các căn nhà đều trống rỗng. Đang tuyệt vọng thì từ căn nhà cuối cùng có tiếng reo nhỏ. Có anh tìm thấy mấy bao gạo còn nguyên. Cả lũ thay nhau cõng gạo chạy như ma đuổi về chỗ đóng quân để chia nhau.
Hôm sau nghe nói có một kho gạo ở chếch về phía Nam, tôi, Duy Minh và Chính “con” bèn lên đường tìm kiếm. Đi mấy tiếng đồng hồ mà chỉ thấy trảng cỏ mênh mông, loại cỏ rất lạ, không phải cỏ tranh, cao ngang thắt lưng, có bông như bông lúa lép. Thấy một đoàn thương binh đi ngược ra, người băng đầu, người băng ngực băng tay, quần áo nhem nhuốc còn dính máu khô. Mặt mũi ai cũng thiểu não, xanh xám. Một anh thở khò khè, dừng lại xin tôi miếng nước. Giọng đầy bất mãn, anh nói anh bị thương thấu phổi mà vẫn phải lê lết tự đi thế này. Xẩm tối thì ba đứa tôi tới bờ suối, gần đó có một túp lều lụp xụp. Trong lều chúng tôi tìm được hai bao gạo, mỗi bao khoảng 50kg, bên ngoài bọc bao tải có in chữ Tàu, bên trong bọc hai lần ni-lông nữa. Chúng tôi đổ mỗi đứa một ba-lô gạo đầy, còn lại đổ ra đất để lấy bao ni-lông đem đi. Lính ta rất thích những bao ni-lông này vì chúng dày dặn, làm bao bơi để vượt sông rất tốt.
Trên đường về trời tối như mực, chúng tôi bị lạc, lại mưa như trút nước. Ba đứa đành chui vào bao gạo, phủ thêm áo mưa lên người, nằm giữa đồng cỏ định ngủ qua đêm. Nhưng mưa vẫn rơi nặng hạt, lại bị ngộp thở trong bao ni-lông, chúng tôi đành bò dậy, đi tới gần sáng mới tìm được đơn vị.
Trong thời gian này rất nhiều người đảo ngũ. Cứ mỗi buổi sáng dậy lại thấy trống vài chỗ mắc võng. Họ âm thầm tích trữ gạo muối, bí mật rủ nhau từng nhóm nhỏ biến mất trong đêm. Tiểu đội tôi có 10 người, thì 5 người đảo ngũ là Thành “ma tịt”, Phái “con”, Đường “cóc”, Tỵ, Đệ, tỷ lệ 50% (1)!. Những tiểu đội, trung đội khác tình trạng cũng tương tự. Sau này có lần gặp lại họ ở Hà Nội, tôi làm lơ không chào hỏi. Tới tận bây giờ tôi vẫn không thể tha thứ cho những người phản bội như họ.
Rồi cuối cùng chúng tôi cũng được đơn vị mới tới tiếp nhận. Đó là Trung đoàn 48 mật danh “Quang Sơn”, sau đổi thành “Thạch Hãn”, thuộc Sư đoàn 320B, đang chiến đấu trong Thành cổ Quảng Trị (2).
---------------
(1) Trong mọi cuộc chiến tranh, lính đảo ngũ là hiện tượng phổ biến. Chiến tranh chống Mỹ lâu dài, khó khăn, ác liệt, bộ đội ta dù rất có lý tưởng, rất anh dũng "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" nhưng không tránh khỏi có nhiều người sợ chết, nản lòng. Lính Khu Bốn thường trụ lại. Lính Miền Bắc đảo ngũ nhiều hơn. Hồi đó có câu: "Nam (Nam Hà) chuồn, Hà (Hà Tây) lủi, Thái Bình bay/ Hải Hưng anh dũng trốn ban ngày/ Thanh Hóa mất mùa xin ở lại/ Quảng Bình thấy thế cũng giơ tay (BT)
(2) Trung đoàn 48 (Thăng Long) có từ thời kháng chiến chống Pháp cùng với Trung đoàn 64 (Quyết Thắng) là hai đơn vị đầu tiên thành lập nên Đại đoàn Đồng Bằng tháng 1-1951, sau bổ sung thêm Trung đoàn Tây Tiến. Trong chống Mỹ, Đại đoàn sau đổi thành Sư đoàn. Đại đoàn Đồng Bằng đổi thành Sư đoàn 320. Sư 320 sau phát triển thêm có 320B. Trung đoàn 48 trong 81 ngày đêm Thành cổ mang mật danh Quang Sơn với lời thề "Quang sơn còn, Quảng Trị còn. Nói đến bộ đội, nhân dân ta, trong đó có Trung đoàn 48 là nói đến huyền thoại về sức chịu đựng vững vàng của con người, mà như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng đánh giá: “Chúng ta đã chịu được không phải chúng ta là gang thép; vì gang thép cũng chảy với bom đạn địch; mà chúng ta là những con người thực sự, con người Việt Nam với truyền thống hàng nghìn năm, đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại" (BT).
Tới đón chúng tôi là hai cán bộ đại đội người Thanh Hóa: anh Tráng, Đại đội phó khoảng 25 tuổi và anh Nguyễn Viết Thiệu Chính trị viên phó khoảng 21 tuổi. Anh Tráng tính tình vui vẻ, hoạt bát, rất thích làm thơ và đọc thơ cho chúng tôi nghe. Anh Thiệu thì trầm tính hơn, nhưng rất tình cảm. Anh đến ở với Tiểu đội tôi, và thường kể nhiều chuyện về Trung đoàn 48 “Quang Sơn” của mình. Lính Trung đoàn này hầu hết người Thanh Hóa, đã chiến đấu rất gan dạ từ đầu chiến dịch. Nhiều trận đánh giữa đồng cỏ tranh, họ không thèm nằm tránh đạn, mà đứng thẳng người vừa bắn xối xả vừa xông lên dũng mãnh, làm bọn lính Sư đoàn 3 ngụy hoảng sợ chạy tán loạn. Đặc biệt anh rất ca ngợi Trung tá Trung đoàn trưởng Trần Minh Vân, 28 tuổi, người Quảng Đà, một Triệu Tử Long của mặt trận Quảng Trị. Anh Vân không chỉ là người chỉ huy mưu trí dũng cảm, mà còn rất gần gũi hòa đồng với binh lính.
Vào thời gian này tình hình của ta dần dần xấu đi. Một mặt, bọn Mỹ bắt đầu can thiệp, tăng cường hỏa lực bắn phá bằng pháo biển, bằng không quân.
Máy bay Mỹ oanh kích ngày đêm, hết bổ nhào lại đến tọa độ. B52 ném bom rải thảm dữ dội, bầu trời Quảng Trị lúc nào cũng thấy dọc ngang những lằn khói trắng từ “Pháo đài bay”.
Chính quyền Sài Gòn tung hai đơn vị thiện chiến nhất của họ là Sư đoàn Dù và Sư đoàn Thủy quân lục chiến ra Quảng Trị. Mặt khác, sức tấn công của quân ta suy giảm dần, vì hậu cần không theo kịp để tiếp tế. Hậu phương bị bom rải thảm liên tục, kho tàng bị phá hủy hầu hết. Nhiều đơn vị không đủ đạn dược, lương thực; xe tăng, cơ giới hết xăng, hết đạn. Lại thêm tổn thất về người và vũ khí trong quá trình tiến công chưa được bổ sung. Hậu quả là cuối tháng 6-1972 các mũi tiến công của ta bị chặn lại ở bờ sông Mỹ Chánh, giáp ranh với Thừa Thiên. Có chỗ 11 chiếc xe tăng của ta hết xăng, sa lầy ở bờ sông, bị địch tiêu diệt hết.
Chúng tôi được dẫn đi xuống phía đồng bằng. Lần đầu tiên tới một ngôi làng Quảng Trị, tôi sững sờ vì vẻ đẹp của nó. Từ trên đồi nhìn xuống, ngôi làng như ngập trong thảm cây cối xanh tươi, những hàng cau xanh mướt, thấp thoáng những mái nhà lợp tôn trắng toát, đầy vẻ thanh bình. Tuy nhiên trong làng không một bóng người. Đây thuộc địa phận xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ. Những ngôi nhà ở đây thường có hình vuông, bốn mái bằng nhau, ở giữa thót lên thành chóp nhọn như chiếc bát yêu úp. Cột nhà bằng gỗ tốt, nhiều nhà quây cót gian giữa làm thành bồ đựng lúa. Lúa đổ đầy tràn cả ra ngoài, bắt đầu mọc mậm xanh. Quần áo vứt vung vãi khắp nơi, có nhà còn có cả tủ lạnh. Mâm ngũ quả rất đẹp, màu sắc sặc sỡ, nhưng hóa ra hoa quả toàn bằng nhựa. Thấy mấy cái xe đạp hiệu Lincon còn trơ vành nằm lăn lóc, chúng tôi ngứa nghề nhảy lên đạp bừa vài vòng. Là một học sinh mới rời mái trường chưa lâu, tôi đặc biệt chú ý đến những quyển sách vở nằm rải rác trong nhà. Giấy trắng tinh, in rất đẹp, chẳng bù cho những quyển vở giấy đen sì ngoài Bắc. Tôi không ngờ mức sống trong Nam lại cao đến như vậy.
Tối hôm đó có lệnh tiếp tục hành quân. Chúng tôi lặng lẽ đi theo đội hình hàng một, nhiều đoạn đi trên đường nhựa, sau mới biết là Đường 9, qua Ngã tư Sòng, hướng về Thành cổ.
Quảng Trị 1972 Quảng Trị 1972 - Nguyễn Quang Vinh Quảng Trị 1972