Tôi biết giá trị của thành công: cống hiến, làm việc chăm chỉ, và sự hy sinh không cần bù đắp cho những việc bạn muốn nó xảy ra.

Frank Lloyd Wright

 
 
 
 
 
Tác giả: Mario Puzo
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Đàm Xuân Cận
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2965 / 105
Cập nhật: 2015-09-18 04:40:53 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
hi thấy Larry Angeluzzi vọt con ngựa đen tuyền qua khoảng đường trống nằm giữa hai bức tường lớn của dãy chung cư cho mướn, bọn trẻ dừng trò chơi trên lề đường, tròn mắt khâm phục. Chàng kỵ mã hiên ngang vung ngọn đèn hiệu đỏ thành một hình cánh cung lớn, đốm lửa xẹt tứ tung từ móng ngựa chạy rốn rảng theo đường hỏa xa, thật vui mắt. Theo sau chàng kỵ mã mang đèn đang hiên ngang thúc ngựa chạy là toa tàu chở hàng dài thòng, đang từ từ tiến về mạn bắc từ nhà ga St. John’s Park đường Hudson.
Năm 1928, Sở Hỏa xa Nữu Ước còn dùng đường phố làm chặng nối con thoi giữa các chuyến tàu ngược Bắc xuôi Nam, nên dùng kỵ mã để dọn đường cho tiện. Chỉ ít năm nữa là việc này chấm dứt vì một chiếc cầu tổ bố vắt ngang trên cao đang xúc tiến hoàn thành. Nhưng thằng Larry Angeluzzi đâu có biết, nên cái mặt cứ vênh lên, giống như cao bồi miền viễn tây thứ thiệt vậy. Nó đi giày da mỏng, mũi nhọn để thúc ngựa, đội nón phớt vành rộng có viền hàng chữ Liên Đoàn Công Nhân Hỏa Xa, bận quần may vải xanh, thứ quần của người làm nghề chân tay, có kẹp ở chân cho gọn gàng bằng chiếc kẹp mạ bạc sáng loáng.
Nó cho ngựa chạy từ từ qua đêm hè nóng bức, giữa sa mạc mênh mông... Các mụ đàn bà ngồi lê đôi mách trên những thùng gỗ, đàn ông thì phì phèo xì gà, đứng nghênh ngang ở mấy góc phố. Bọn con nít say mê lao đầu vào trò chơi nguy hiểm bám lên toa tàu đang chạy xình xịch nhiều khi bươu đầu mẻ trán la khóc tùm lum. Tất cả di động trong ánh sáng vàng ám khói từ những ngọn đèn đường và những tia sáng trắng từ cửa sổ những tiệm bánh kẹo. Cứ tới mỗi ngã tư làn gió mát từ Đại lộ Mười Hai trên bờ xi măng sông Hudson, phả tới khiến người ngựa thoải mái, làm dịu đi đầu máy đen nóng lâu lâu lại rít lên những tiếng chát chúa đằng sau.
Ở đường 27 bức tường bên tay mặt Larry Angeluzzi biến đi, để lộ một khoảng rộng. Đó là công viên Chelsea đầy nghẹt những bóng đen xì ngồi xổm, bọn con nít ngồi bệt trên đất coi phim ngoài trời miễn phí do Ủy Ban Định Cư Hudson bảo trợ. Trên màn ảnh trắng ở phía xa, Larry Angeluzzi ngó thấy một con ngựa và chàng kỵ mã đắm mình trong ánh nắng nhân tạo, đang phi nước đại về phía nó, làm cho ngựa giật mình. Nó thúc ngựa chạy qua ngã tư đường 28, bức tường dài lại nhô lên.
Larry đã về gần đến nhà. Có một chiếc cầu dành cho bộ hành vòng qua Đại lộ thứ Mười ở phố 30. Khi đi qua dưới cầu này, là tới nhà, công việc đã xong. Nó nắn lại cái mũ, ngồi ngay ngắn trên yên ngựa. Tất cả những người trên lề đường 30 và 31 đều là bà con, bạn bè. Larry phóng ngựa vun vút, lao lên phía trước.
Vọt nhanh qua dưới cầu, vẫy tay chào những đứa trẻ đang tựa trên thành cầu bên trên đầu nó. Và quay đầu ngựa về phía những người trên lề đường bên phải, rồi quay ngựa về bên trái, hướng tới những chiếc sân lộ thiên của Sở Hỏa xa kéo dài mãi tới tận con sông Hudson.
Sau nó, chiếc đầu máy đen khổng lồ thở ra những đám hơi nước trắng xóa, và như trong truyện thần tiên, chiếc cầu và bọn trẻ con biến mất, chỉ còn những tiếng reo hò sung sướng vươn lên những vì sao mờ nhạt trên cao. Con tàu chở hàng hóa đi vòng vào sân ga, chiếc cầu lại hiện ra và bầy trẻ đang túa xuống dọc đại lộ.
Larry buộc ngựa vào chiếc cột bên cạnh túp lều người gác dan và ngồi lên chiếc ghế kề tựa vào tường. Bên kia bờ Đại lộ thế giới quen thuộc thân yêu của nó hiện ra dần dần như trên màn ảnh.
Lò bánh sáng trưng ở gần góc đường 30, bọn trẻ đang vây quanh quầy bán đá chanh, có trang hoàng lòe loẹt. Chính panettiere (ông chủ) bỏ những viên đá đủ màu trông thấy mê vào những bao tách giấy có viền trắng. Ông ta bỏ nhiều vì nay đã giàu có. Nhiều khi còn dám nổi hứng bất tử mang tiền đi đốt bậy ở Trường đua mới hách chứ.
Kế bên lò bánh, về phía đường 31 là tiệm thực phẩm, bán toàn những thứ hợp với khẩu vị người Ý, nhìn đã muốn rỏ nước miếng ra rồi. Rồi đến tiệm hớt tóc đã đóng cửa, nhưng bên trong đang có cuộc sát phạt; ông thợ hớt tóc ngay khi đó còn chịu quan sát thay cái đầu nào mới hớt mà không phải của mình là lại thấy bực tức dĩ nhiên không nói ra được. Bọn trẻ bu trên lề đường lao xao như kiến, còn các bà ẩn khuất trong những bộ quần áo đen, ngồi tụ tập trước các thềm cửa. Họ nói chuyện thật huyên náo. Bầu trời mùa hạ đầy sao.
Ông già gác dan lùn tịt bước tới, cất cái giọng khàn khàn: "Đêm nay hết tàu rồi đó mày". Larry nhảy lên yên, rồi quay ngựa lại.
Khi ngựa vươn mình trong không khí, dãy chung cư cho mướn, bức tường phía Tây thành phố như lượn sóng lớn ào tới. Trong cửa sổ mở nhà nó trên tầng chót chung cư trước mặt, Larry thấy bóng đen của thằng em Vincent, chứ không ai khác. Larry vẫy tay lần thứ hai mới thấy trả lời. Trên tường chỉ còn ít khung cửa có ánh sáng hắt ra. Hầu như ai cũng xuống đường phố, ai cũng ngó thằng Larry gồ ghề này. Nó vỗ mạnh vào cổ ngựa và phi nước đại trên Đại lộ số Mười trải đá đến chuồng ngựa ở mãi tận đường 36.
Cùng hôm đó, lúc trời chạng vạng, khi Larry Angeluzzi lên yên ngựa ở St John’s Park thì bà mẹ nó, Lucia Santa-Angeluzzi-Corbo, cũng là mẹ của Octavia và Vincenzo Angeluzzi, góa phụ của Anthony Angeluzzi, bây giờ là bà Frank Corbo và thân mẫu của ba đứa con sau: Gino, Salvadore và Aileen, sửa soạn rời căn nhà trống không, tránh cơn nóng bức ngột ngạt mùa hè; đi đấu láo suốt buổi tối với các bà bạn hàng xóm, và nhất là để mắt coi chừng những đứa con nô đùa trên đường phố tối tăm.
Đêm nay Lucia Santa thấy dễ chịu, thoải mái, vì mùa hè đã tới, bọn trẻ ít khi bị cảm cúm, khỏi lo quần áo ấm, găng tay, giày bốt và tiền sách vở, bút mực. Sau bữa tối mọi người đổ xô ra ngoài tránh những gian phòng ngột ngạt, trôi chảy theo giòng đời náo nhiệt ngoài phố, buổi tối không có cãi cọ. Nhà cửa dễ giữ sạch vì luôn luôn rỗng không, chẳng có bao đồ đạc. Nhưng Lucia Santa coi những buổi tối là thần tiên vì bà được nghỉ tay làm lụng. Người ta tụ tập ngoài phố nói chuyện vui vẻ, cười như bắp rang. Bà ăn mặc gọn gàng, lấy chiếc ghế nhỏ trong bếp, đi xuống bốn đoạn cầu thang và ngồi trên lề đường đại lộ.
o O o
Mỗi khu chung cư cho mướn chẳng khác gì một công viên nhỏ, mỗi khu có một nhóm đàn bà mặc quần áo đen ngồi trên ghế hay thùng gỗ nói đủ thứ chuyện trên đời. Họ ôn lại những chuyện tự đời xửa đời xưa, bàn cãi về phong hóa, luân lý nhắc lại những tập tục từ sơn thôn miền nam nước Ý, coi như khuôn vàng thước ngọc; dẫu rằng trong thực tế họ đă phải trốn khỏi từ nhiều năm trước. Ôi, họ nghĩ lung tung, nói lung tung thiệt xấu hết sức. Những chuyện tầm phào như thế này: "... Giờ đây cái gì sẽ xảy ra nếu trời bắt các ông cha nghiêm khắc phải đối đầu với những vấn đề ngày nào họ cũng gặp? Hay các bà mẹ nhanh chân lẹ tay? Nhất định các bậc cha mẹ sẽ la làng nếu giả dụ họ là con gái mà bạo tợn như bọn trẻ ở cái xứ Hoa Kỳ này? Ôi, cái xứ thiệt là kỳ cục hết chỗ nói...".
Các bà nói chuyện về con cái tỉnh bơ như nói chuyện thiên hạ vậy. Đề tài họ khoái nhất là việc đất mới làm sa đọa những kẻ trinh trắng. Bây giờ đến chuyện Felicia nhà ở gần góc đường 31. Chẳng biết cô nàng thuộc cái giống gì, mà chẳng chịu bỏ tuần trăng mật, khi nghe tin ba mẹ đỡ đầu bị bệnh nặng, coi lời hối thúc của bà mẹ đẻ không có ký lô nào hết vậy? "Đồ đĩ, đồ voi dày ngựa xé!" Ồ, họ muốn nói cho hả nên chẳng giữ mồm giữ miệng chút nào hết. Chính bà mẹ Felicia kể câu chuyện này mà. Nào đã hết đâu còn một thằng con trai thèm khát lấy vợ đến nỗi chẳng thể đợi nổi một năm, mặc cho cha nó muốn nói gì thì nói. "Thằng bất hiếu! Ở Ý làm gì có những chuyện kỳ cục này. Ông bố sẽ giết thằng con nếu nó dám trái lời". Còn đứa con gái? Bà mẹ Felicia run cả giọng, dù chuyện này đã xảy ra nhiều năm bên Ý rồi, bà mẹ sẽ nắm tóc lôi con đến tận giường bà mẹ đỡ đầu. Thời buổi điên loạn quá sức! Làm sao họ điên khùng để rời khỏi nước Ý nhỉ? Ở nước Ý cha dạy thì con cái phải kính trọng mẹ chúng.
Mỗi bà lần lượt đưa ra một chuyện về con cái xấc xược. Chính họ tuy đau khổ vẫn bền tâm chịu đựng, ráng sức cứu bọn trẻ nghịch và hỗn như quỷ sứ với thứ kỷ luật sắt của người Ý là lấy roi quất lia lịa. Cứ hết mỗi chuyện là mỗi bà lim dim mắt thở nhẹ. Chúa ơi! Xứ Hoa Kỳ này kỳ cục quá! Nhưng trong đêm hè oi bức, giọng nói của họ tràn đầy hy vọng, khác hẳn khi ở quê nhà. Bây giờ ở đây họ có tiền bỏ nhà bãng, con cái biết viết, biết đọc. Rồi cháu nội cháu ngoại sẽ thành giáo sư đại học nếu trời thương. Họ nói đến những tập tục mà chính họ dày xéo lên.
Sự thật là những người đàn bà nhà quê từ những sơn trại nước Ý, nơi cha ông họ mở mắt chào đời và từ giã cuộc đời, lạ lùng thay, những người đàn bà này thích cái thành phố đầy thép và đá náo nhiệt này. Họ mê nghe tiếng xe lửa chạy ầm ầm ngang thành phố, và ánh đèn trên Palisades mãi phía xa dòng sông Hudson bao la. Họ đã sống tuổi thơ cô đơn trên mảnh đất nghèo khổ, bầm dập lắm mới kiếm được miếng ăn.
Nhờ liều lĩnh mà họ đã đi thoát. Họ là những kẻ tiên phong khai phá, dù chưa hề đặt chân lên một bình nguyên nào ở Hoa Kỳ; chưa hề dẫm trên những con đường đất nơi thôn dã. Họ đã tới một vùng hoang dại buồn thảm của nơi ngôn ngữ xa lạ. Nơi con cái họ gia nhập một giống khác; lạ cội xa nguồn, nghĩ cũng buồn thiệt nhưng biết làm sao?
Lucia Santa lặng thinh. Bà đợi Zia Louche, người bạn thân thiết. Bà còn nghỉ ngơi lấy sức cho những giờ đấu láo gay go như mổ bò sắp tới. Nửa đêm họ mới về tới nhà. Lúc đó trời đã dịu, họ ngả lưng làm một giấc ngon lành. Bà khoanh tay trước ngực quay về phía ngọn gió mát thổi tới từ bờ sông dưới kia, ở khoảng Đại lộ Mười Hai.
Lucia Santa là người đàn bà thấp bé nhưng tròn trịa, xinh đẹp, đang độ dồi dào sức khỏe, tính tình còn sôi nổi hăng hái, can đảm, coi thường mọi nguy hiểm trong cuộc sống. Nhưng bà không liều lĩnh, bạo tợn. Bà cứng cáp, kinh nghiệm thận trọng, dư sức lèo lái một gia đình đông đúc cho tới lúc con cái thành gia thất phải mát mày mát mặt. Bà chỉ có nhược điểm là thiếu quỷ quyệt khôn ranh. Trên đời này biết bao kẻ được ăn trên ngồi dưới nhờ chút tài vặt, chứ đâu phải vì lễ nghĩa liêm sỉ đâu?
Khi bà còn là cô gái mười bay, cách đậy đã hai mươi năm, Lucia Santa rời khỏi quê hương Ý. Cô gái đã vượt ba ngàn dặm đại dương tới miền đất lạ; sống với người đàn ông mà cô biết khi còn là hai đứa trẻ chơi đùa vô tư.
Bà lúc lắc cái đầu, như thể muốn tỏ ra chẳng biết tại sao mình lại có thể điên khùng tới mức đó; nhưng trong thâm tâm không khỏi có chút kiêu hãnh mỗi khi kể lại câu chuyện đời này.
Một bữa cha nàng rầu rầu bảo rằng, rồi nàng không hy vọng có của hồi môn mang về nhà chồng đâu. Nông trại cằn cỗi quá. Gia đình lại còn đang mắc nợ. Đời sống chắc ngày càng khó khăn. Trời đất! Như vậy thì làm sao kiếm được một ông chồng khá và biết quý vợ.
Phải nói lúc đó nàng mất hết lòng kính trọng cha nàng, gia đình và xứ sở nàng. Một cô dâu không hồi môn nhục nhã cũng như một cô dâu mất trinh trước khi về nhà chồng; thật ra còn tệ hơn nữa vì cô dâu mất trinh có thể kiếm cách đánh lừa chồng chứ cô dâu không của hồi môn thì biết làm sao đây? Mà có ông chồng cũng có thể nhắm mắt bỏ qua lầm lỗi cho bà vợ nhẹ dạ, nhưng ai mà chịu lấy một cô dâu nghèo mạt rệp, không hy vọng gì ngóc đầu lên nổi?
Chỉ kẻ nghèo mới hiểu nỗi đau đớn phận mình hơn bất cứ tội vạ tày trời nào khác. Vì kẻ phạm tội, bị đánh bại bời chính phần kia của bản ngã, cũng là kẻ chiến thắng, xét theo một phương diện nào khác. Còn kẻ nghèo thì bị đánh bại thật sự: bởi thế giới, bởi các ông chủ bởi số mệnh và bởi thời gian. Họ là những kẻ hành khất luôn luôn cần đến sự bố thí của người khác. Với những kẻ nghèo cha truyền con nối, thì được làm việc mệt nhọc lương thiện đã là điều kỳ diệu. Chính những đức tính của họ khiến họ thấy hèn mọn và nhục nhã.
Nhưng Lucia Santa đâu có làm chi được, dù trong lòng nàng cơn giận dữ tuổi trẻ sôi sục. Rồi có một lá thư gửi từ Hoa Kỳ, một cậu trai từ nông trại lân cận, bạn hồi hai đứa còn là trẻ nít, viết để xin nàng sang gặp anh ta nơi đất mới. Mọi sự được gia đình hai bên lo đúng sách vở. Nàng Lucia Santa, cố nhớ lại vẻ mặt của chàng thanh niên hồi nhỏ ấy.
Và rồi một ngày đẹp nắng Lucia Santa và hai cô gái cùng làng, được đưa tới Tòa thị chính và rồi tới nhà thờ làm lễ cưới. Cái dịp này các bậc cha mẹ, bà thím, bà cô, cô chị, cô em chúa là mau nước mắt. Họ khóc như mưa. Ba cô gái bước lên tàu từ Naples sang Nữu Ước, trở thành dân Mỹ theo đúng luật.
o O o
Trong một giấc mộng Lucia Santa đi vào một xứ đầy đá và thép, và chung giường chung gối với một người lạ là chồng hợp pháp của nàng, sinh hai con trai và đang có mang đứa thứ ba thì chồng nàng chết vì bất cẩn trong một tai nạn bất ngờ ở Tân Thế Giới. Nàng chấp nhận tất cả không nửa lời than vãn. Nàng khóc lóc chứ nàng không than vãn. Nàng chỉ xin định mệnh rủ lòng thương mà tha cho nàng những bất hạnh mới khác.
Dù là một quả phụ mang bầu, cuộc đời còn xuân, không ai nương tựa, nhưng nàng cũng chẳng để cho tuyệt vọng xâm chiếm. Nàng có đủ sức mạnh phi thường chịu đựng nổi nghịch cảnh mà bao phụ nữ khác cũng vậy. Nhưng nàng đâu phải gỗ đá. Ồ, người vợ trẻ, bà mẹ trẻ, tất cả những người đàn bà Ý trẻ nơi đất lạ này. Họ kỳ cục biết bao và đáng thương biết bao! Họ chạy hối hả vào phòng nhau không ngại lên xuống cầu thang. "Chị Lucia Santa nếm thử món này coi", ai có món gì ngon lành cũng mang ra biếu nàng ăn chơi lấy thảo. Họ thiệt tốt bụng với đứa con còn trong bụng nàng, cho nàng ăn uống; hứa làm mẹ đỡ đầu. Nhưng sau thảm kịch xảy ra, ai cũng tỏ ra xót thương nàng, Lucia Santa mới hiểu đời nàng rồi đây mới thật khổ sở.
Thiên hạ bắt đầu lạnh nhạt, và quên khuấy lời ngon ngọt cũ.
Những lời chào đón lạnh lẽo, và những-người-có-thể-là-me đỡ-đầu biến mất. Thật đấy chứ, ai mà muốn thân mật với một bà góa còn trẻ và đầy nhựa sống? Những đức ông chồng yếu bóng vía hẳn sẽ không được yên thân đâu? Trong chung cư cho thuê bưng bít, đời sống thật gần gũi; một người đàn bà đang tuổi xuân không chồng quả thật là nguy hiểm. Nàng có thể bòn rút tiền bạc như con đỉa hút máu vậy. Thật ra các người đàn bà khác không xấu bụng đâu. Họ có tính thận trọng của người nghèo mà ai cũng dễ dàng chê cười, nếu không hiểu nỗi sợ hãi vốn là nguồn gốc của nó.
Chỉ còn một người bạn có lòng là Zia Louche, bà góa đã cao tuổi, không con cái tới giúp đỡ, và chịu làm mẹ đỡ đầu cho bé Vincenzo không cha và mua cho con thiêng liêng một chiếc đồng hồ vàng tuyệt đẹp, khi nó chịu phép thêm sức; khiến Lucia Santa có thể ngẩng đầu kiêu hãnh, vì món quà mắc tiền chứng tỏ lòng kính trọng và tin cậy. Thời kỳ chịu tang chồng đã qua, Lucia Santa nhìn đời với đôi mắt mới khôn ngoan hơn trước.
Thời gian hàn gắn những vết thương. Giờ đây họ lại thân thiết với nhau như cũ. Có lẽ góa phụ trẻ đã phán đoán quá nghiêm khắc chăng vì chính người láng giềng này đã ra tay tìm giúp nàng; một ông chồng mới sẽ mang lại cơm ăn áo mặc cho mẹ con nàng. Đám cưới tổ chức trọng thể ở nhà thờ. Cũng những người láng giềng này tổ chức một bữa tiệc thiệt lớn đãi nàng vào đêm tân hôn. Nhưng Lucia Santa sẽ chẳng bao giờ nhẹ dạ dễ tin như... xưa nữa.
o O o
Và giờ đây đám con của người chồng đầu khôn lớn, đám con người chồng kế cũng chỉ còn Lena là nhỏ dại, Lucia Santa lại ít có tiền gửi nhà băng sau hai mươi năm phấn đấu ngậm đắng nuốt cay. Lucia-Santa-Angeluzzi-Corbo thấy đời mình có lẽ đã tới lúc khá, bà đã sống trọn một đời.
o O o
Zia Louche te te chạy tới nhập bọn Lucia Santa sẵn sàng ẩu đả thì thoáng thấy Octavia bước tới từ góc đường 30, qua quầy bán đồ giải khát. Thoáng một cái Octavia lại biến đâu mất. Bà còn bận ngó hộp tiền có ngọn của lão chủ lò bánh xu hào kêu rủng rinh. Bà chợt thấy cơn giận vô cớ ào tới. A, sao mình cứ nghèo mạt rệp mãi trong khi lão chủ lò bánh xấu xí này giàu xụ. Rồi bà thấy mụ vợ của lão - mụ đàn bà già khằng, hết đẻ đái rồi - đang canh giữ hộp tiền, mắt bà thấy cay cay vì ghen tức.
Lucia Santa để Octavia ngồi chung chiếc ghế. Bà mẹ thấy hơi khó chịu, vì đùi vế đụng chạm, nhưng cứ để yên, sợ làm con cái mất lòng. Thấy cô con gái xinh đẹp ăn mặc lối Mỹ; bà nhìn Zia Louche, cười kiêu hãnh, nhưng có vẻ hơi mỉa mai một chút. Octavia hiểu bà mẹ mình nghĩ gì, nhưng trong lòng không khỏi bối rối.
Nàng cảm thấy như bà mẹ hiểu mình muốn được khác hẳn những người đàn bà xứ này! Bữa nay nàng chọn bộ đồ xanh mát, che bớt bộ ngực thanh xuân và chiếc eo gợi tình. Nàng đeo găng tay trắng, như cô giáo dạy nàng hồi Trung học. Nàng cố sức để mắt bà bớt chú ý đến mình. Quả thật giữa mấy bà và nàng có một hố ngăn cách rất lớn. Mấy bà sẵn sàng hy sinh tất cả cho chồng cho con, nhưng nàng thì không.
Nàng sẽ không chịu số kiếp như vậy. Nàng ngồi cúi đầu, ra vẻ chăm chú nghe, nhưng trong thâm tâm đang nghĩ đến thoát ly.
Octavia cởi bỏ tấm áo ngoài màu trắng có những vạch đỏ.
Lucia cầm chiếc áo ngoài, gấp lại ngắn khoác vào tay, một cử chỉ đầy tình thân yêu mẹ con. Nhưng là dấu hiệu hòa giải, vì hồi chiều hai mẹ con cãi nhau kịch liệt.
Octavia muốn đi học thêm ban đêm, nàng muốn trở thành cô giáo. Còn Lucia Santa thì khác vì ban ngày làm việc; ban đêm lại đi học, nàng sẽ ốm mất. Bà nói gay gắt: "Sao, sao? Con là thợ may khéo, kiếm tiền giỏi. Đi học làm gì?" Thực ra bà mẹ phản đối vì mê tín. Phải an phận làm ăn, chạy vạy cho lắm chỉ tổ mệt xác có ích gì đâu! Ta chớ có chống chỏi lại số Trời định. Cô còn quá trẻ nên không hiểu nổi ý bà mẹ.
Octavia nói một cách vô tư: "Con muốn sung sướng". Bà mẹ nổi cơn tam bành, tuy từ trước tới nay hết sức cưng con gái, muốn ăn muốn mặc gì cũng được hết. Bà nhái giọng Octavia, đầy nhạo báng: "Con muốn sung sướng. Thôi cô cho tôi xin".
Octavia chấp nhận cử chỉ làm hòa của mẹ, tuy không khỏi có chút bâng khuâng. Chợt nàng liếc thấy Guido, thằng con trai đen đủi của lão chủ lò bánh, đang bước lại phía nàng, tay mang một ly to tỏ bố bằng giấy đầy trái cây ướp đá. Đưa cho nàng, cu cậu lắp bắp: "Có uống cho vui" rồi hấp tấp trở lại quầy hàng giúp cha nó. Octavia mỉm cười, nhắp qua loa một tí rồi đưa cho mẹ. Bà mẹ thì khoái đá cục nhất, nên cầm lấy ly mút lia lịa như một đứa trẻ con. Mấy người đàn bà tiếp tục rù rì như cũ.
Cha dượng nàng đây chiếc xe con nít vòng góc vào đường 31 Đại lộ. Octavia thấy ông đi từ đường 31 đến đường 30 rồi lại quành lại. Cử chỉ âu yếm con nít của cha dượng làm nàng lúng túng. Nàng vốn ghét ông, coi ông là người độc ác, xấu xa. Nhiều lúc ông đánh đập mẹ nàng và ngược đãi mấy đứa con riêng của vợ. Nàng còn bực tức thấy ông theo đuổi mẹ nàng quá sớm, chỉ ít lâu sau ngày cha nàng nằm xuống.
Nàng muốn lại nhìn đứa bé đang ngủ, đứa em gái nàng rất thương, dù nó là con của dượng. Nhưng nàng không nói với ông ta câu nào. Nàng muốn tránh đôi mắt xanh lạnh lẽo và bộ mặt xương xương đáng ghét. Nàng biết ông cũng chẳng ưa gì nàng. Cả hai đều e ngại nhau. Ông chưa bao giờ dám đánh nàng như có lần đối với Vinnie. Thực ra nàng có thế bỏ qua việc ông đánh đập Vinnie, nếu vẫn cư xử đúng như người cha. Nhưng ông chỉ cho quà mấy đứa con riêng Gino, Sal và Aileen, chứ chẳng bao giờ ngó ngàng tới Vincent; tuy Vincent hãy còn là đứa trẻ. Nàng ghét ông, vì ông chẳng bao giờ chịu dắt Vincent dạo phố hay đến tiệm hớt tóc. Nàng không sợ ông, vì thấy ông kỳ cục - giống như một nhân vật trong cuốn sách nàng đã dọc. Nhưng nàng biết rất rõ ông chỉ là nông dân vô học, dân ngụ cư nghèo khổ, mà lại hay làm bộ làm tịch.
Một bữa nàng thấy ông giả bộ đọc báo trên xe điện ngầm bèn hối hả chạy về bảo mẹ. Nàng cười tỏ vẻ khinh khi trong khi mẹ nàng chỉ cười một cách kín đáo, khó hiểu mà không giải thích gì cả.
Giờ đến lượt một bà áo đen kể một câu chuyện về cô gái Ý trẻ tệ hại (dĩ nhiên lớn lên ở Hoa Kỳ). Octavia vẫn ngồi đó. Người đàn bà trầm giọng: "Phải, phải, chúng lấy nhau khoảng một tháng mới xong tuần trăng mật. Ôi, con bé mê thằng chả quá xá. Khi đến thăm mẹ chồng, nó cũng không ý tứ chút nào, ngồi ngay lên lòng chồng. Chúng đùa giỡn thật xốn xang con mắt. Rồi thằng chồng lăn đùng ra chết bất thình lình, vốn bị yếu tim. Lúc chồng chết thì vợ đang nhảy đầm với một bạn trai. Có người chạy đến bảo cho biết, xem có hốt hoảng chạy về không? Nó tỉnh bơ, rồi rú lên: ‘Eo ôi, em sợ ma lắm, không dám nhìn xác chết đâu’. Thật ra con nhỏ hết mê thằng chả. Nó hưởng đã đời nhưng bây giờ thì hết thật rồi".
Mấy người đàn bà phá ra cười ngoặt ngoẹo, Octavia rất bực mình vì mẹ nàng cũng khoái ra mặt.
Và chẳng bao lâu một thế giới tinh khôi sẽ mở ra. Ông là Trời, là Vua, kẻ thù ông cúi đầu khiếp sợ, và cũng chẳng còn mảy may nghĩ tới những kẻ thân yêu, máu huyết của mình. Ông sẽ hoàn toàn tự do.
Nhưng rồi tất cả chỉ là ảo ảnh dễ tan vỡ như bọt xà bông?
Thế giới này là nơi trẻ con chơi đùa cho thỏa thích. Gino Corbo mải miết chơi trò cút bắt, chạy tới chạy lui ngang đường 31 cố gắng bắt hay bao vây những đứa khác. Nhưng luôn có một kẻ tựa lưng vào tường, dang tay ra. Một lúc Gino bị bẫy, nhưng có chiếc tấc xi rồ tới ngăn cản đối thủ của mình chạy trở lại hè đường. Nó thấy cha nó, bèn chạy lại la lớn: "Ba cho con một xu mua nước chanh uống". Nắm được tiền rồi, nó chạy theo Đại lộ Thứ Mười, nghĩ ra một trò lừa tuyệt hảo, cố chạy qua chỗ mẹ, nó đứng chung với các bà bạn mẹ. Zia Louche nắm lấy tay nó nói, "Ngồi đây nghỉ đi con, không mai sẽ ốm. Tim con đập mạnh quá". Nó vùng vằng không chịu thì bà la lớn, "Thằng này rắn mắt quá nhỉ". Mấy người đàn bà chung quanh cười rộ, thừa cơ, nó thoi cho Zia Louche một cú rồi chạy. Nó chạy lộn vòng dọc theo đường 30 đến Đại lộ Thứ Chín, đến đường 31 và rồi qua đường 31 tới Đại lộ Thứ Mười. Đi hết chung quanh bốn bề dãy nhà, nó sẽ từ bóng tối vụt ra, rất dễ dàng đè bẹp kẻ thù.
Rồi nó chạy vụt về hướng Đại lộ Thứ Chín một bọn trẻ lạ mặt đứng đâu lưng thành bức tường ngăn lại, nhưng Gino nhún mình nhảy vọt qua. Chúng ngã bổ lăn. Trên Đại lộ Thứ Chín bọn trẻ đuổi theo sát nút, nhưng khi nó biến vào bóng tối đầu đường 31, chúng không dám nhào theo. Gino ngưng chạy, bước nhẹ dọc theo những sân nhỏ trước nhà. Nó đang ở gần cuối khoảng trống cuối phố, gần Đại lộ Thứ Mười, dưới ánh đèn đường các bạn nó đang rộn rịp nô đùa như bầy chuột thành phố.
Nó ẩn mình trong bóng tối và bước xuống phố thật nhẹ.
Trong căn phòng dưới hầm gặp một bé gái nhỏ đứng tựa bức tường nửa trắng nửa xanh, nó biết đứa con gái đang chơi trò đi trốn ú tìm. Chỉ chờ chút xíu nữa thôi, bọn con nít đi tìm sẽ đổ xô vào phòng. Gino thấy đứa bé gái ngộ hết sức, nhưng nó không muốn quanh quẩn ở lại.
Nó lại chạy. Giờ đây, nó nghe thấy tụi bạn đuổi theo càng lúc càng gần. Nó gần tới, những vòng sáng trên Đại lộ Thứ Mười. Nó nằm ép người trên tam cấp một nhà kho, sẵn sàng nhảy vọt ra tấn công. Nó chăm chú ham chơi quên cả cơn giận của bà mẹ sẽ la hét tùm lum, nếu mất biệt không về nhà.
o O o
Trên cao Đại lộ Thứ Mười, thằng anh cùng mẹ khác cha với Gino Corbo là Vincenzo Angeluzzi năm nay mười ba tuổi, đang mơ mơ màng màng trong đêm hè lao xao. Nó ngồi tựa trên thành cửa sổ, dãy phòng sau tối, không người, cửa từ phòng lớn vào bếp đã khóa chắc. Nó trơ trọi một mình.
Thôi còn đâu giấc mộng mùa hè tự do vui chơi thỏa thích. Sáng nay má nó đã bảo sẽ phải đi làm tại lò bánh cho tới ngày khai trường. Sẽ phải khuân những giỏ bột mì to tổ bố trong ánh nắng thiêu đốt, trong khi những đứa trẻ khác đang bơi lội trên sông, và còn bao nhiêu trò vui thú khác nữa.
Nhìn ngắm dãy tường phía Tây thành phố, cái gì cũng làm tâm hồn nó nặng trĩu ưu phiền. Sân ga hoang vắng, con đường sắt, toa xe bỏ trống, những đầu máy phun đốm lửa tung tóe và tiếng còi rú thảm thiết. Dòng sông Hudson giống như một dải lụa đen ánh bên dưới bãi bể Jersey.
Nó lơ mơ ngủ thiếp trên thành cửa, rồi choàng dậy vì... tiếng nói lao xao. Ngước mắt nhìn mút tầm Đại lộ, nó thấy ngọn đèn đỏ của đứa bé dọn đường dẫn đầu toa tàu chơ hàng từ nhà ga St. John’s Park. Những đứa trẻ vẫn tiếp tục chơi đùa dưới con lộ, Vincent chờ nghe tiếng trẻ reo hò thỏa thích, để cảm nhận rõ hơn nỗi đắng cay của kẻ đứng bên lề. Rồi bọn trẻ reo hò ầm ĩ, chen chúc nhau leo lên những bực cầu đợi đám hơi nước khổng lồ từ đầu máy xe lửa bao bọc lấy chúng.
Vincent quá nhỏ nên không biết trời sinh ra nó tính nết buồn bã, điều này làm Octavia buồn lắm nên nàng cứ dúi cho em quà cáp bánh kẹo luôn. Khi còn nhỏ xíu, Octavia thường ẵm nó vào giường kể chuyện, ca hát cho nghe, chỉ mong nó có được giấc ngủ thơ ấu yên lành. Nhưng không có gì thay đổi tính nết nó được.
Bên dưới nghe thấy tiếng Zia Louche đang the thé cãi lộn và tiếng mẹ nó về hùa với bạn. Nó bực mình có bà mẹ đỡ đầu lắm mồm, còn quá quắt, nhất định chìa má đòi con ôm hôn sau khi lì xì tờ năm đô la đúng ngày sinh nhật. Nó chịu cho hôn để làm vừa lòng mẹ. Nó nghĩ mẹ nó đẹp, dù bà mập và luôn luôn bận quần áo đen. Và Vincent luôn luôn chịu nghe lời mẹ.
Nhưng nó không thích Zia Louche chút nào. Đã lâu lắm khi còn quanh quẩn bên gối mẹ, nó vẫn sợ đôi mắt Zia Louche chằm chằm nhìn hai người đàn bà thân tình nói chuyện với nhau bừa bãi, ôn lại quãng đời gian nan. Nói chán rồi ngồi thở, lại nhâm nhi ly cà phê, và nhìn nó chằm chặp. Rồi Zia Louche thở dài qua hàm răng xám xin, cất cái giọng thảm não, chán chường "Ôi, thằng bé đáng thương. Tội nghiệp quá, cha mày chết khi mày còn nằm trong bụng mẹ".
Thế đã hết đâu, bà già quái ác còn rỉ rả ba điều bốn chuyện. Nó sững sờ ngó bà mẹ tái mặt đi, mắt đầy lệ. Bà mẹ cúi xuống vỗ về con không nói một tiếng.
Quay về thực tại, Vincent thấy chị Octavia đứng dậy ngó em bé nó lom lom. Nó ghét cả chị nó nữa rồi. Chị nó cũng đã phản nó. Cô ả, làm thinh không dám can thiệp vào quyết định của mẹ bắt nó đi làm. Rồi xuất hiện bóng người ngựa quen thuộc dưới cầu và Vincent sung sướng thấy anh Larry thành thạo như chàng cao bồi thứ thiệt trên lưng ngựa đen tuyền.
Xa thế cũng nghe tiếng vó ngựa gõ trên đường lót trên đá sỏi rõ mồn một. Những đứa trẻ và cây cầu biến mất sau đám khói lớn từ đầu máy. Con tàu chầm chậm tiến vào sân ga, để lại những tia lửa bay tứ tung theo chiều gió.
Đã khuya lắm rồi, không khí thành phố mát hẳn lại. Mẹ nó và các người đàn bà khác đứng dậy, cầm ghế, lên tiếng gọi chồng con để cùng về nhà. Cha dượng nó đẩy chiếc xe con nít đến cửa chung cư. Tới giờ đi ngủ rồi.
Vincent rời khung cửa sổ, qua những phòng ngủ đến bếp, mở khóa cửa dẫn tới hành lang lớn mở cửa nhà sẵn chờ mọi người trong gia đình. Rồi lấy ổ bánh mì to bằng bắp đùi, cắt ra ba khúc lớn và đổ nước dấm và dầu olive vàng ánh lên, rồi rắc muối, xong nhìn ngắm công trình với vẻ kiêu hãnh ra mặt Gino và Sal được ăn ngon lành thế đấy! Chúng ăn cùng nhau. Nó ngưng tay chờ đợi. Từ dưới phố, bỗng có tiếng Gino kêu thét lên.
Tiếng thét làm Santa Lucia đang ẵm đứa trẻ trong tay, khựng người lại. Octavia đang ở đường 30, hối hả quành trở lại đường 31. Thằng Larry đã về tới. Người cha vừa sợ vừa giận, bắt đầu chạy sớn sác, chửi thề. Nhưng đứa trẻ hét lên vì chiến thắng. Nó vọt ra bất ngờ từ bóng tối, bao vây kẻ thù, reo lớn: "Burn the city, Burn the city, Burn the city" (Phố cháy rồi, cháy rồi, cháy rồi!), trò chơi như vậy là hết nhưng đứa trẻ chưa thể đứng yên cũng chưa thể im mồm. Nó vừa chạy vừa reo hò ầm ĩ. Nó lỏn qua bà mẹ, chạy thót lên cầu thang về nhà.
Lucia Santa định nắm lấy nó, đập cho một trận nên thân về tội hỗn hào với Zia Louche, nhưng lần này thấy thằng nhỏ quá vui, bà bỏ qua.
Bọn trẻ người ý tản mác vào các đường phố tối tăm. Thằng Larry Angeluzzi phóng ngựa về chuồng ở đường 35, tiếng vó ngựa đập vang trên đường lót đá, nghe thật vui.
Qua Cơn Ác Mộng Qua Cơn Ác Mộng - Mario Puzo Qua Cơn Ác Mộng