Think of all the beauty still left around you and be happy.

Anne Frank, Diary of a Young Girl, 1952

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1020 / 3
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4 -
ÁNG CHỦ NHẬT NÀO, THEO thói quen, Huấn cũng dọn dẹp nhà cửa. Hôm nay cũng vậy, nhưng tay nó làm mà đầu óc thì cứ nghĩ đâu đâu. Mấy ngày học đầu tiên đã trôi qua. Phần lớn học sinh nào lên đến lớp mười hai cũng đều cảm thấy đây là một năm học quan trọng và căng thẳng nên ngay từ đầu, cả lớp đã có một không khí khác hẳn năm lớp mười một. Thế nhưng vẫn có một điều gì đó khác chuyện học hành đang diễn ra. Điều dễ thấy nhất là trong lớp giờ có thêm một cô bạn mới mà lại rất dễ thương và xinh đẹp. Đám con trai mới lớn bắt đầu biết xao xuyến thực sự trước người khác phái gần như công khai thách nhau xem ai sẽ “kết mô đen” được với Bạch Phượng. Tất nhiên mỗi băng đều đưa ra những “thủ lĩnh” ưu tú nhất của mình trong “cuộc chiến” hứa hẹn nhiều cam go đó. Huấn lẳng lặng đứng ngoài cuộc dù thằng Minh, thằng Trường, thằng Dũng đều nhận xét rằng Huấn là người có khả năng nhất (?).
Huấn bảo tụi nó:
- Tao chỉ muốn mấy đứa mày cho tao mượn cả ba bộ đề đem về giải. Còn chuyện... kia thì xin nhường cho thằng Trường hay đứa nào cũng được!
- Học nhiều đặng mày thi cho đậu đại học... thủy sản Nha Trang hả?
Tụi nó vẫn tìm cách gài độ. Huấn cười hì hì:
- Biết đâu? Chuyện còn dài mà. Nhưng tao cảm thấy con nhỏ đó không dỏm đâu. Lơ mơ tụi mình không học lại, nó cười vỡ mũi chớ ở đó mà bàn tính chuyện tán tỉnh!
- Ừ, con gái Nha Trang học cũng “kinh” lắm. Mấy kỳ thi liên tục, tao đọc báo thấy dân Nha Trang đậu thủ khoa hoài. Mà phần lớn là con gái! - Minh phụ họa với Huấn.
Vậy là dù băng của Huấn không có ai xung phong, nhưng Bạch Phượng cũng trở thành “điểm ngắm” cho cả lớp trong tuần lễ đầu tiên. Cả tụi thằng Việt, thằng Tiến... rồi đám “nhà giàu quậy” như thằng Sơn, Lý liều, những đứa chỉ đi học vì bị gia đình ép buộc, luôn đến trường bằng xe honda phân khối lớn, hễ tan trường là kè xe theo sát Bạch Phượng cho đến tận nhà. Thái độ của Bạch Phượng thật đáng phục. Một tuần trôi qua là cô gái biển đã hòa nhập vào không khí chung của cả lớp. Với các bạn nam tỏ ra săn đón mình hơi quá đáng, Phượng luôn tỏ cho họ biết là có một khoảng cách giữa tình bạn và những quan hệ rối rắm khác mà Phượng không muốn họ đề cập đến. Ngoài vẻ đẹp tự nhiên, dịu dàng, Phượng lại có giọng nói của người con gái biển nghe rất ngộ. Đặc biệt khi cô dùng những từ có âm “a” như ca, ta... Nhưng điều đặc biệt bất ngờ lại xảy đến với Huấn vào trưa hôm qua...
... Ngày thứ bảy nên cả lớp được về sớm hơn ngày thường một tiết.
Đang đứng đợi Trường như mọi lần, Huấn bỗng thấy Bạch Phượng đi một mình về phía mình. Huấn hơi bối rối và nhìn tránh đi phía khác. Cả mấy hôm, Huấn cứ suy nghĩ vẩn vơ về chuyện chủ nhật có phải đến nhà Bạch Phượng hay không. Cuối cùng thì nó quyết định là sẽ không đi như ngay hôm đầu tiên nó đã nghĩ vậy. Nhưng Bạch Phượng cố ý gặp nó thật.
- Huấn! - Rất bất ngờ Phượng gọi nhỏ.
Huấn quay lại, hơi ngỡ ngàng. Nó nhìn Phượng như có ý muốn hỏi.
- Ba của mình mời bạn chủ nhật này đến nhà chơi!
Bạch Phượng nói một cách rành rọt và sau câu nói là một nụ cười mỉm hơi ngượng ngùng rất xinh.
- Chắc là... chắc là... - Huấn ấp úng - Tui đi không được đâu!
- Sao vậy? Ba mình mời mà! - Bạch Phượng thẳng thắng - Huấn nghĩ là Phượng quên sao? Mà chính Huấn cũng đâu chối được là mình đã góp phần xây ngôi nhà của ba?
- Nhưng sao ba của Phượng biết tui?
- Phượng kể! - Cô hạ thấp giọng xuống - Ngay từ ngày đầu Huấn vào bọc Phượng đã nhận ra. Hôm đó...
Cô đỏ mặt lên. Chắc là Bạch Phượng muốn nhắc đến cái hôm Huấn bắt gặp mình khóc lén bên hồ nước...
- Ngày mai Huấn sẽ đến chứ?
- Tui... tui không biết!
Đôi mắt tròn của Phượng như tối lại:
- Phượng mời Huấn, Huấn có đi không?
- ...
Vừa lúc ấy Trường đã dắt được xe ra. Nó trợn mắt nhìn cuộc đối thoại kỳ lạ giữa Huấn và Bạch Phượng rồi dừng lại ở một khoảng cách xa xa.
- Để Phượng vô lấy xe đã. Phượng sợ Huấn về trước nên vội ra đây. Huấn đợi nghen.
Nói rồi Phượng vội vàng quay vô bãi giữ xe của trường. Thằng Trường phóng ngay đến:
- Mày ngon hén! Vô mánh rồi phải không? Vậy mà cứ làm bộ ta đây... trong trắng.
- Có gì đâu. Tại... tại Phượng kêu tao chớ.
- Phượng kêu mày?
- Ừ!
- Chi vậy?
- Tao xây nhà cho nó. Nhà xong rồi, mai ăn tân gia...
- Vậy là “nàng” đã nhận ra mày?
- Ừ!
- Và nàng mời?
- Không phải, ba Phượng mời!
- Ừ, hết ý. Nhưng tại sao ba nó biết... tụi mày học chung? - Nó vẫn tiếp tục truy.
- Tao không biết. Mà... hình như... Bạch Phượng nó nói là nó kể.
Huấn lúng túng quá nên nghĩ gì nói nấy.
- Hết ý! Hết ý! - Thằng Trường gật gù và dù đứng trước cổng trường nó cũng lập tức “mở đài”
- Nàng đã chấm chàng... thợ xây. Vậy là phải. Thử hỏi có ai thân thiết cho bằng người xây tổ ấm cho ta!!!
- Tào lao! - Huấn vừa bực mình vừa mắc cười cho cái lý luận trời ơi của bạn - Mày coi bộ khoái. Vậy thì ngày mai mày đi với tao!
- A ha... Nói thì phải giữ lấy lời nghen!
- Chớ sao! Mà thôi, im miệng giùm đi cha nội. Phượng nó ra kìa!
Trường lại tròn mắt:
- Sao? Tụi mày còn hẹn hò nhau nữa hở? Sư phụ! Đại sư phụ! Thật “tâm phục khẩu phục”. Thôi, “con” về đây.
Nói xong là nó lạng xe một cái rồi “dọt” liền.
Huấn kêu lên:
- Đợi tao với! Mày khùng hả?
Trường thắng xe kêu “két” một tiếng, cười:
- Ủa, không phải sao? Vậy thì lên đây!
- Nhưng... Phượng nói...
- Vậy mà cũng kêu! Bộ tính nhờ tao làm... người bảo vệ hả? Thôi, không ham đâu. Tao về trước, chiều qua!
Lần này, nó lách xe vào dòng học sinh lớp mười một đang ùa ra. Lớp của Huấn gần như đã về trước hết. Trưa thứ bảy đứa nào cũng vội vã, chỉ còn Phượng đang dắt xe ra và một mình Huấn đứng trước cổng trường.
- Trường đâu rồi Huấn?
- Nó về trước rồi!
- Ủa, sao Trường không đợi Huấn. Rồi bạn về bằng gì?
- Mình... mình đi bộ. Nhà mình gần đây thôi!
- Nhà Huấn ở đường nào? Huấn chỉ đường đi rồi hôm nào Phượng đến chơi nghen!
Huấn gật đầu nhè nhẹ. Tự nhiên nó cảm thấy như đã thân thiết với người bạn gái nói chuyện thật giản dị, hồn nhiên này.
- Nhà mình bên đường Nguyễn Đình Chiểu. Chỗ công viên!
- Phượng mới vô đây có mấy tuần. Phượng chỉ biết có mấy con đường hà.
- Cần Thơ nhỏ xíu mà - Huấn cười - Từ nhà, Phượng đi chợ được là kể như biết hết đường rồi.
- Ủa, sao Huấn lại biết Phượng có đi chợ.
- À, hôm mình đi... làm mướn, lúc đứng quét vôi... thấy Phượng đi mua tập về. - Huấn nói trớ đi một chút.
Bạch Phượng bỗng ngước lên nhìn Huấn, đôi mắt cô bé buồn hẳn:
- Huấn hứa là Huấn đừng nói vậy nữa đi.
- ???
- Chắc là vì Phượng mới vô học nên Huấn không coi Phượng là bạn phải không?
- Tui... tui không hiểu. - Huấn lại thấy bối rối trước đôi mắt chợt buồn ấy.
- Ngọc đã kể cho mình nghe rất nhiều về bạn. Mình rất phục Huấn. Đi làm trong mùa hè thì có gì là xấu? Mà theo Phượng nghĩ thì điều ấy còn tốt hơn ngồi nhà nhiều. Vậy mà Huấn trả lời là không đến nhà mình được.
- Không phải đâu... Tại mình...
- Thôi, Phượng về nghen. Phượng mong là chiều mai Huấn sẽ đến. - Phượng nói một cách giản dị, mỉm cười chào Huấn rồi dắt xe đi.
...
- Tổng vệ sinh hả mậy?
Huấn giật mình ngẩng lên. Minh đã vào đến cổng. Hỏi xong, nó toe toét cười và thêm một câu ác ôn:
- Sao không đi tân gia nhà nàng mà còn ở đây?
Đúng là chuyện gì mà đến tai thằng Trường là như cả tổ đều được thông báo. Huấn đáp liền:
- Tao định nhờ mày với thằng Trường đi thay, được không?
- Thay luôn chuyện “hai người đứng trước cổng trường” nữa hén?
- Tùy.
Hai đứa cười vang. Minh ngồi xuống một chiếc ghế.
- Chừng nào? - Nó lại hỏi.
- Chừng nào cái gì?
- Thì chừng nào mày đến nhà... người ta?
- Chiều! Nhưng mà tao không đi. Huấn đã thôi không giỡn nữa.
- Mày tự ái hả?
- Không. Nhưng tao thấy kỳ kỳ.
Rồi Huấn thấp giọng:
- Mày góp ý đi. Như mày là tao, mày sẽ đến nhà Phượng hay không?
Minh đắn đo:
- Khó quá. Nhưng chắc chắn là tao thì tao cũng... không đi như mày. Mà trưa hôm qua, Phượng mời mày nữa hả?
- Ừ!
Hai đứa cùng trầm ngâm một lát rồi Minh lôi sách ra, bảo:
- Tao có rủ Hoa với Ngọc đến nhưng tụi nó bận cái gì đó. Hoa nói nếu rảnh thì chừng hơn chín giờ nó sẽ qua.
Huấn bỗng nhìn Minh:
- Nếu thằng Trường chưa nói gì thì mày đừng kể cho ai nghe chuyện Bạch Phượng mời tao nghen.
- Sao vậy? Sợ Hoa buồn hả?
- Không phải. Nhưng tao sợ tụi nó chọc quê. Nhất là miệng nhỏ Ngọc. Nó mà biết được là khỏi học.
... Thế nhưng chiều hôm ấy, dù Huấn có muốn trốn cũng không khỏi. Lúc đó đã hơn bốn giờ chiều, ba nó vừa đạp xe ba gác về, còn Huấn nghĩ chắc bữa tiệc tân gia nhà Bạch Phượng đã bắt đầu thì Huấn bỗng nghe có tiếng xe honda chạy vô sân. Đang ở nhà sau, Huấn vội chạy lên khi nghe tiếng ba mình gọi. Nó tái mặt khi thấy chú Ba chủ thầu đã đứng trước cửa.
- Huấn! - Ba nó hơi nghiêm giọng - Sao con hứa đi ăn tân gia mà giờ này còn ở đây? Chú Ba đi kiếm kìa.
Chú Ba cười hề hề:
- Định trốn hả? Ông chủ nhà nhắc mày và “lệnh” cho tao lại chở mày đến. Mày ngon nghen. Mặc quần áo cho đẹp vô.
- Cháu... cháu bận rồi. Chú Ba thông cảm giùm mà.
- Thông cảm? – Người chủ thầu vẫn giữ giọng cười sảng khoái - Anh Sáu nghe thằng nhỏ nói dễ lọt tai không. Tui đến chở nó đi ăn tiệc mà nó làm như đi ra chiến trường.
- Đi đi chớ con! - Ba Huấn rầy - Giờ đến chiều là ba rảnh rồi. Mày đi thì khỏi nấu cơm. Tao ra đầu hẻm ăn bậy cái gì cũng được. Đừng để chú Ba mày chờ.
- Nhưng...
- Khỏi. - Chú Ba hiểu lầm tiếng “nhưng” của nó nên khoát tay - Tao đã thay mặt đám thợ tặng cho chủ nhà một bức sơn mài thật đẹp rồi. Mày khỏi lo chuyện quà cáp nữa. Mà đừng ngại gì hết. Khách khứa sang trọng ổng đãi vào buổi sáng rồi. Tiệc chiều nay chỉ có bọn mình thôi.
Vậy là Huấn đành phải đi. Dù sao đi cùng với chú Ba cũng đỡ ngại.
Nhưng cứ nghĩ phải đến nhà Bạch Phượng với tư cách một người làm công trong xây dựng nó vẫn thấy ít nhiều mặc cảm.
Chú Ba cho xe chạy thẳng vô sân qua chiếc cổng mở ngỏ. Vừa liếc qua, Huấn đã thấy gần như đầy đủ những người thợ cùng làm với mình hôm nào. Họ ăn mặc nghiêm chỉnh và đang ngồi quanh hai chiếc bàn lớn có trải khăn trông rất lịch sự. Bàn tiệc đặt trong sân, dưới tàn hai cây nhãn lớn. Vừa thấy chú Ba chở Huấn, đám thanh niên hoan hô ầm ĩ. Thiện nói ngay khi Huấn vừa ngồi xuống:
- Tao tính đến chở mày nhưng chú Ba nói để ổng đi. Sao dỏm vậy?
Huấn chỉ cười cười ra vẻ biết lỗi. Người chủ thầu đã vào nhà rồi bước ra cùng với chủ nhà. Bữa tiệc bắt đầu ngay. Huấn ngồi, cố tình quay lưng lại phía cửa, cậu nghĩ, có lẽ Bạch Phượng đã nhìn thấy mình và bỗng dưng hơi ngường ngượng. Ba của Bạch Phượng, sau vài lời hoa mỹ nói rằng ông rất biết ơn những người thợ đã góp tay vào sửa chữa lại rất hoàn hảo căn nhà cho gia đình ông, liền bắt mọi người nâng ly. Trước mặt Huấn cũng có một ly bia lớn nhưng nó chỉ nâng lên, nếm môi sơ rồi để xuống. Người chủ nhà vẫn còn đứng cầm ly bia trên tay nhìn Huấn:
- Cháu học chung lớp với con gái chú?
- Dạ.
- Rất tốt! Tốt! - Ông gật gù - Còn nhỏ như cháu mà đã biết sống như vậy là hay lắm. Bạch Phượng đang ở trong nhà, xong tiệc cháu nhớ ngồi lại chơi một lát nghen.
- Dạ!
Huấn chỉ biết lí nhí như vậy.
Đám thợ uống vào mỗi người một vài ly là bắt đầu bốc lên, chỉ có Huấn là không dám uống dù bị Thiện cứ cố ép. Nửa tiếng đồng hồ sau không khí càng sôi động. Những người thợ đều nghèo. Họ suốt ngày vất vả nhưng mấy khi được một cơ hội như vầy vì chủ nhà đâu phải ai cũng rộng rãi như chú Chín? Không chỉ rộng rãi, ông còn chứng tỏ là một người “chịu chơi” và rất bình dân. Ai ông cũng cụng ly. Khi thấy Huấn đã rời bàn tiệc, ông nói, giọng hơi ngà ngà:
- Cháu vô nhà chú chơi đi. Bạch Phượng ở trong ấy.
- Dạ được. Để cháu xin phép về.
- Về sao được. Phượng nó dặn chú là giữ cháu lại mà.
- Vô nhà chú Chín đi. Lát tao chở về. - Chú Ba cũng bảo vậy. Huấn đành phải nghe lời. Cũng vừa lúc đó, cô bé giúp việc của gia đình Phượng đi ra và bảo Huấn:
- Chị Phượng mời anh vô chơi!
Phượng Trắng Phượng Trắng - Nguyễn Đình Bổn