Hãy tiến lên và cứ phạm sai lầm. Phạm thật nhiều sai lầm. Bởi vì đó là nơi bạn sẽ tìm thấy thành công ở phía sau những sai lầm này.

Thomas J. Watson, Sr.

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Mike Nguyen
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1429 / 9
Cập nhật: 2015-07-15 09:41:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
Ông Hai Hòa nằm khểnh trên chiếc ghế bố đợi Dũng. Buổi chiều ông thường về nhà sớm cặm cụi ngồi chuốt những gióng trúc để làm ống tiêu, hoặc không thì nằm trên ghế, nghe chiều về chầm chậm để nghĩ đến cuộc đời tàn xế của mình và buồn ngâm vài câu vọng cổ. Từ ngày có Dũng đến ở, ông Hai cũng thấy chuỗi ngày về chiều của mình đỡ cô đơn. Ông săn sóc Dũng như khi xưa ông đã săn sóc đứa con trai của ông. Đôi khi ông còn vui đùa với Dũng, chia xẻ những bồng bột của tuổi trẻ, và sẵn sàng đem những kinh nghiệm khôn ngoan của mình khuyên bảo Dũng.
Hôm ấy, nằm trên ghế, ông nghe tiếng chân bước hấp tấp của Dũng từ đầu ngõ đi vào. Cánh cửa mở ra, Dũng vừa nhô người vào đã nói:
- Bác Hai, bữa nay Nga cũng lại không tới bán vé ở cửa nhà Bưu điện.
- Hay nó đau?
- Không chắc bác Hai à!
Dũng tiến lại, ngồi ghé xuống cạnh chiếc ghế bố thở dài:
- Mấy hôm rồi Nga vẫn lo ngại có chuyện gì xảy ra... vì thái độ khác lạ của Sáu Lung. Mà thật vậy, dạo này hắn lảng vảng ở cửa Bưu điện luôn. Có chiều hắn còn đợi đưa Nga về tận nhà.
- Có thể hắn nghi cháu rồi đó, hay hắn đã bắt gặp cháu với Nga ở cầu Quay, hôm cháu đưa nó về?
- Cháu ngại có chuyện gì khác...
- Chẳng có chuyện gì đâu! Theo bác thì cháu nên đi ăn cơm - vì bác đói muốn chết - rồi đánh một giấc ngủ cho ngon. Chiều mai thế nào Nga nó cũng có mặt tại cửa nhà Bưu điện như thường lệ, rồi nó sẽ cho cháu biết vì sao mấy bữa rày nó không đi bán.
Nhưng thấy Dũng uể oải không muốn ăn, ông Hai nói:
- Dũng nè, bác không ưa thấy cháu bối rối như vậy. Để đó rồi bác lo cho. Ngày mai cháu đưa bác qua bên Khánh Hội chỉ cho bác xóm nhà Sáu Lung ở. Bác sẽ vô chợ đứng bán ống tiêu và cắt hình ở đó. Nghe tiếng tiêu của bác, thế nào Nga nó cũng nhận ra, và có điều gì nó sẽ cho bác biết mà không sợ Sáu Lung nghi ngờ gì được, vì hắn không biết bác là ai. Bác tính như vậy có được không?
Dũng mừng rỡ:
- Được quá. Cám ơn bác lắm!
Yên lòng, Dũng ngủ thẳng giấc. Sáng hôm sau, hai bác cháu trở dậy thật sớm. Dũng đưa ông Hai qua Khánh Hội, chỉ cho ông cái ngõ hẹp dẫn vào xóm Nga ở.
Trước khi chia tay, ông Hai bảo:
- Được rồi, cháu trở về đi, để mặc bác ở đây.
Dũng đứng nhìn bóng ông đi sâu vào trong ngõ. Tiếng tiêu của ông Hai trỗi lên xa dần. Dũng quay trở về lấy xe phóng đến Bưu điện, rồi đạp lòng vòng xem có thấy Nga không. Nhưng suốt sáng hôm ấy Nga vẫn biệt tích. Tới trưa, sóng người từ các nha sở tan giờ làm, đổ ra đường nườm nượp. Lợi dụng lúc ấy Dũng len lỏi qua Khánh Hội lần nữa, thầm bảo:
- Trưa nay, mình và ông Hai đã hẹn không về nhà. Mình thử tìm chỗ nào kín đáo trên đường đi của Nga, họa may có gặp chăng.
Nghĩ thế, Dũng mua một ổ bánh mì để ăn trưa, lần ra mé bờ sông và gặp một chiếc xe vận tải đậu trên khoảng đất trống. Chiếc xe của một tư nhân nào đó, chắc hẳn đậu nhờ ở đây để chờ cất hàng. Người lái xe không có ở đó, nhưng đã cẩn thận khóa tay lái lại. Dũng mở cửa leo lên ngồi, giở bánh ra ăn, thầm nhủ:
- Ngồi đây vừa kín đáo, lại có thể nhìn lên cầu được. Nếu Nga qua cầu mình sẽ thấy ngay.
Ngồi yên chỗ, Dũng vững tâm chờ đợi. Anh ôn lại hôm đưa Nga về tới cầu Quay, nhớ những linh cảm mà cô bé lo sợ, và cố tưởng tượng xem lúc này Nga đang làm gì ở nhà Sáu Lung. Trời về trưa nóng bức, nhất lại ngồi ở trong xe, làm Dũng buồn ngủ. Anh chúm môi huýt khẽ một điệu sáo, và cố giương to mắt nhìn lên cầu. Nắng chói chang càng làm Dũng mỏi mắt và điệu sáo vui tươi của tuổi trẻ không xua đuổi được cơn buồn ngủ trĩu nặng mí mắt. Dũng ngoẹo đầu rồi thiếp ngủ.
Khi Dũng tỉnh dậy, mồ hôi ướt đẫm áo, anh hốt hoảng nhảy vội ra ngoài xe, chạy đi xem giờ ở cửa tiệm gần đấy thì thấy kim đồng hồ đã chỉ bốn giờ!
Giờ này nếu Nga có ra Bưu điện thì cô cũng đã đi rồi. Dũng đấm vào đầu, thầm trách đã ngủ một giấc li bì như con rắn mối dưới ánh nắng. Anh giận dữ nhảy lên xe đạp phóng trở về Sài gòn. Giờ này cũng là giờ Dũng phải lãnh báo đi phân phát. Xong việc Dũng đến nhà Bưu điện thì càng thất vọng hơn nữa, Nga vẫn vắng bóng.
Buồn bực Dũng quăng xấp báo xuống thềm nhà Bưu điện, đưa tay quệt ngang mồ hôi trán, thở dài:
- Chỉ tại cái xe vận tải làm mình ngủ thiếp đi! Bác Hai đã hẹn sẽ tới đây gặp mình. Không biết bác đã tới chưa?
Dũng kiên nhẫn đợi thêm vài giờ nữa. Để khỏi sốt ruột anh cất tiếng rao:
- Nhật báo... Chính Luận… Tự Do đây!
Xấp báo còn lại vừa bán hết thì trời cũng đã tối. Dũng phóng vội về nhà. Ông Hai Hòa không có ở nhà. Tuy nhiên trên bàn còn một ly nước uống dở, và dưới đất có vương vãi vài mẩu tàn thuốc lá. Trái với lời hẹn, hẳn ông Hai đã về nhà tìm Dũng.
Anh giậm chân phàn nàn:
- Lỗi tại mình ngủ quên! Đáng lý mình phải về nhà sớm xem ông Hai đã về chưa thì lại cứ đứng chờ ở cửa nhà Bưu điện. Bây giờ không biết ông Hai đi đâu?
Vắng ông Hai, Dũng đâm ra phân vân lo lắng, sợ nhỡ ông gặp tai nạn dọc đường, hoặc sự vắng mặt của ông vào giờ này có liên hệ tới cuộc gặp gỡ của Nga chăng? Dũng đặt nhiều giả thuyết, cố tìm xem những chuyện gì có thể xảy ra, nhưng chịu không đoán nổi. Anh ngồi thừ trên ghế không biết phải làm gì hơn là kiên tâm chờ đợi.
Đêm đã khuya, Dũng mỏi mệt ngả lưng xuống giường, thì vừa nghe có tiếng chân đi ngoài ngõ. Ông Hai về!... Dũng vùng dậy mở cửa rồi đứng sững người. Ông Hai mệt nhọc đi vào, đầu quấn băng trắng như mới ở nhà thương ra. Dũng hoảng hốt kêu:
- Bác Hai! Bác làm sao thế?
Ông Hai buông mình trên ghế:
- Xui, thật là xui!
- Bác bị thương à?
- Ờ, nhưng không sao. Bị trầy da đầu chút đỉnh thôi.
Dũng ngồi xuống cạnh ông:
- Đầu đuôi làm sao bác nói cháu nghe!
- À, sáng nay bác vào trong xóm nhà Sáu Lung, đứng một lúc khá lâu ở chợ thì Nga nó tới. Nó bí mật trao cho bác một phong thư dặn đưa cho cháu rồi đi ngay. Bác liền trở về nhà chờ cháu. Đến ba giờ không thấy cháu về, bác ra cửa Bưu điện tìm. Chẳng may bác trượt chân ngã vập đầu xuống đường. Vài ba người thấy bác già nua liền vực lên xe đưa vào nhà thương. Ở nhà thương bác được băng bó rồi buộc phải nằm nghỉ. Bác phải năn nỉ mãi họ mới cho về. Thật là xui!
- Bác có đau lắm không?
- Chỉ choáng váng một chút thôi.
Ông Hai liền cho tay vào trong áo lôi mảnh giấy của Nga đưa cho Dũng, bảo:
- Thư của Nga đây, cháu đọc xem nó viết những gì.
Dũng đưa tay đón lấy mảnh giấy. Nét chữ nhỏ nhắn của Nga ngoáy vội mấy giòng:
"Hai hôm nay Sáu Lung sửa soạn muốn đi nơi khác. Nga có cảm tưởng sắp phải rời Sàigòn mà chẳng biết đi đâu? Hỏi thử Sáu Lung thì hắn chỉ nói là ba giờ chiều nay sẽ ra bến xe đò. Hôm qua khi soạn chiếc áo của hắn mặc mỗi lần đi xa, Nga tìm được chiếc vé xe lửa Sài gòn Biên Hoà, còn sót trong túi áo. Không biết có phải đấy là nơi Sáu Lung đưa Nga đi chiều nay không? Anh hãy ra ga với bác Hai, đứng nấp một chỗ vì Sáu Lung biết mặt anh, nhưng không biết bác Hai. Nga sẽ gởi bác Hai cho anh một thư nữa. Với lại, ở đó anh sẽ thấy Nga lên xe và biết Nga phải đi đâu. Nga rất buồn phải xa anh, anh Dũng ạ. Anh đã đem lại cho Nga nhiều hy vọng. Thế mà bây giờ, chưa biết số phận Nga sẽ ra sao?
Em gái của anh
NGA
Đọc hết lá thư, Dũng bùi ngùi ngồi xuống cạnh ông Hai. Anh thất vọng thở dài:
- Muộn quá... Nga đi mất rồi!
Ông Hai cũng rầu rầu:
- Tội nghiệp con nhỏ.
Và để an ủi Dũng ông tiếp:
- Thôi, để mai bác cháu mình sang Khánh Hội hỏi thăm xem. Những bạn nhậu của Sáu Lung tất biết rõ hắn đi đâu.
Hôm sau, ông Hai và Dũng qua bên Khánh Hội. Hai người vào trong xóm hỏi thăm nhà Sáu Lung. Nhà đã trả cho chủ, cửa đóng im ỉm. Một bà già ở nhà kế cận cho hay.
- Thằng cha lưu manh đi khỏi xóm này thiệt là mừng. Hắn mới đi chiều qua, chẳng biết là đi đâu, cũng như tám năm về trước chẳng ai biết hắn ở đâu tới.
Hai bác cháu cám ơn bà già trở về. Dũng buồn rầu thầm nhủ:
- Tám năm... Sáu Lung tới đây tám năm rồi... hồi ấy Nga mới có năm tuổi, đúng vào năm Nga lạc mất cha mẹ...
Phiêu Bạt Phiêu Bạt - Nguyễn Trường Sơn Phiêu Bạt