Let us always meet each other with smile, for the smile is the beginning of love.

Mother Teresa

 
 
 
 
 
Tác giả: Vu Gia
Thể loại: Tuổi Học Trò
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 919 / 12
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14
ùa thu lại về, Phan Châu Trinh tiếp tục lên đường làm những công việc của mình. Phan Văn Trường cũng vắng nhà, tham gia giảng dạy ở một số trường đại học.
Những ngày này, Phan Châu Trinh lấy công việc làm vui và rất mong trở về quê hương. Theo ông, ngồi ở nước ngoài nói ngàn lời cũng không bằng ở trong nước nói một tiếng. Lớp trẻ suy gì, nghĩ gì cũng tốt, riêng ông chỉ đau đáu một điều là làm sao cho dân trí nâng cao, dân quyền mở rộng, ai ai cũng được học hành, tỉnh thành nào cũng có trường kỹ thuật để lớp trẻ mở rộng tầm nhìn, thoát khỏi những tháng ngày nông nhàn vô bổ… Với Phan Châu Trinh, một khi đại đa số quốc dân Annam được như thế thì tự khắc họ biết phải làm gì có lợi cho quê hương.
Nhìn lại và nghĩ về thực trạng nước nhà, Phan Châu Trinh thở dài ngao ngán. Bỗng có tiếng gõ cửa.
- Mời vào!
Phan Châu Trinh vừa nói vừa đứng dậy đi ra, vừa lúc ấy thì cánh cửa bật mở.
Phan Châu Trinh hơi ngớ người, chôn chân tại chỗ, không tin vào mắt mình.
- Cậu!
Nguyễn An Ninh sà ngay vào vòng tay của Phan Châu Trinh và Phan Châu Trinh đã khóc thật.
- Cậu nhớ con lắm!
Sau phút tủi tủi mừng mừng, Phan Châu Trinh ngồi nghe Nguyễn An Ninh kể lại việc đi hỏi vợ, chứ không phải cưới vợ của mình. Nguyễn Anh Ninh nói:
- Thú thật, Emilie là cô gái đẹp, học trường Tây, biết nhảy đầm, biết chơi tennis, con của một điền chủ có tiếng ở Sóc Trăng, nhưng con thấy vẫn có gì đó cách biệt quá cậu à.
- Đã là duyên số thì cái gì đến ắt phải đến, con đừng quá bận tâm. Đã đến đây thì con phải lo học. Không có gì xấu hổ hơn khi mình đánh mất niềm tin của những người đã đặt hết niềm tin cho mình.
- Qua đến đây con thấy nhẹ cả người. Lên tàu, con về ngay nhà ông Trường, nhưng chỉ gặp có mỗi mình anh Thành và biết cậu ở đây nên con đến liền.
- Vắng con, cậu cũng buồn nên cậu đi đây đi đó gặp anh em nói chuyện cho vui. Anh Quốc con lúc rày cũng có lắm việc nên cậu cũng muốn để anh ấy yên tĩnh.
Nguyễn An Ninh hồ hởi khoe:
- Anh Quốc khuyên con nên viết bài đăng trên các báo Pháp và tập diễn thuyết.
Phan Châu Trinh hiếng mắt nhìn Nguyễn An Ninh, vui vẻ nói:
- Đó cũng là ý hay, con nên tập. Ở đời biết thêm cái gì cũng tốt. Diễn thuyết tưởng dễ chứ không dễ đâu. Ngày ngày, con phải bỏ ra ít phút nói chuyện trước gương. Sáng sáng, tập thể dục xong, con tập nói lớn một mình về một vấn đề nào đó như đang nói chuyện trước đám đông. Con chịu khó tập một thời gian rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đó.
Cuối năm đó (1920), Đảng Xã hội Pháp phân hóa làm hai: phái đệ nhị và phái đệ tam. Chuyện này, cả Phan Châu Trinh lẫn Phan Văn Trường không có ý kiến. Nguyễn An Ninh hỏi Nguyễn Tất Thành. Nguyễn Tất Thành cho biết, mình hoàn toàn tin theo Lênin và Quốc tế thứ ba. Nguyễn An Ninh đi dò hỏi thêm những người bạn đàn anh người Pháp, những giáo sư, nhà báo, kể cả những lãnh tụ Đảng Xã hội Pháp mà Ninh đã quen trong thời gian học tại Đại học Sorbonne, như: Jacques Duclos, Marcel Cachin, Léon Verth, Paul Vaillant Couturier, Maurice Thorez… Hầu hết họ cũng như Nguyễn Tất Thành đều đứng về phía Quốc tế thứ ba.
Nguyễn An Ninh đặt vấn đề ra với Phan Châu Trinh. Phan Châu Trinh nói ngay, không cần phải cân nhắc:
- Quốc tế thứ mấy cũng được, chủ nghĩa nào cũng hay. Tất cả đều tùy ở cách nhìn cách nghĩ của con. Cậu chỉ khuyên con một điều như vầy: Tiếp thu chủ nghĩa nào cũng tốt, nhưng phải thông qua chủ nghĩa yêu nước chân chính.
Những lời dạy dỗ ấy làm Nguyễn An Ninh suy nghĩ rất nhiều. Theo Nguyễn An Ninh, Nguyễn Ái Quốc đứng về phía cộng sản lúc này không sai. Nhưng trên thực tế ở Việt Nam bao giờ Đảng cộng sản ra đời? Ý kiến của Phan Châu Trinh trước đây không phải không đúng…
Nguyễn An Ninh đem những băn khoăn của mình ra trao đổi với Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Ái Quốc cũng cho rằng cái khó hiện thời là phong trào cách mạng trong nước là con số không và cần phải có người đẩy phong trào lên, nâng cao dân trí, tổ chức đoàn thể yêu nước để có lực lượng quần chúng… Vai trò này cụ Phan Châu Trinh rất hợp, vì cụ và bạn bè của cụ đã từng làm và có hiệu quả, nhưng tiếc một điều là bọn thực dân Pháp không muốn để cụ về nước.
Nguyễn An Ninh tự tin nói:
- Anh yên tâm điều ấy. Thực dân không cho cụ Phan Châu Trinh về nước, nhưng vẫn cho Ninh về nước kia mà. Tôi tin mình sẽ làm được điều gì đó giúp anh.
Nguyễn Ái Quốc cũng nói với giọng đầy tin tưởng:
- Tôi nghĩ lớp trẻ chúng ta sẽ làm được điều gì đó cho dân cho nước. Nay mai, tôi sẽ giới thiệu với Ninh một người bạn mới.
- Có phải anh Nguyễn Thế Truyền không?
Nguyễn Ái Quốc vui vẻ hỏi:
- Sao Ninh biết?
- Tôi có gặp một lần ở nhà cậu tôi, nhưng lúc anh ấy đến là lúc tôi phải đi nên chưa được trò chuyện gì. Anh Truyền cỡ tuổi anh hoặc nhỏ hơn một vài tuổi là cùng. Sau này cậu tôi cho biết, anh ấy là con trai tri phủ Ninh Bình Nguyễn Duy Nhạc, sang Pháp từ năm ngoái. Nghe nói anh Truyền đang ở Toulouse, tập trung học để lấy bằng kỹ sư hóa học nên thỉnh thoảng mới lên Paris thăm bác Trường.
- Đúng là anh ấy. Đây là một thanh niên tốt, chúng ta có thể tin tưởng được.
Chuyện trò với Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh thấy vững tin hơn và thấy cần phải tham gia vào những tổ chức chính trị để hiểu thêm, củng cố thêm những suy nghĩ của mình. Nguyễn An Ninh không giấu giếm gì những việc làm của mình với Phan Châu Trinh. Phan Châu Trinh cũng không hề cản trở, chỉ nhắc nhở mọi việc cần phải thận trọng.
Nguyễn An Ninh tham gia Hội Người Việt Nam yêu nước, Hội Liên minh Nhân quyền và Hội Liên hiệp Thuộc địa, hoạt động rất hăng.
Một hôm Phan Châu Trinh gọi Nguyễn An Ninh đến, nói:
- Người xưa thường nói: Minh triết bảo thân. Điều này, anh và anh Quốc nên chú ý. Một số bạn bè đã cho cậu biết, mật thám đang theo dõi rất sát hai anh.
Nguyễn An Ninh biết Phan Châu Trinh rất lo cho hai người. Trong số thanh niên người Việt hay đến chơi, Nguyễn An Ninh thấy ra điều đó. Nguyễn An Ninh nói:
- Cậu yên tâm. Anh em con biết lo cho mình.
Phan Châu Trinh ậm ờ rồi đi ra khỏi nhà.
Đi một hồi, Phan Châu Trinh ghé lại công viên, lựa chỗ vắng ngồi một mình.
Phan Châu Trinh rất vui vì lớp trẻ ngày nay có nhiều điểm hơn lớp người của ông. Ông lo lắng chỉ vì ông qúy họ như con, chứ không hề trách. Tuổi trẻ phải vậy, phải dám nghĩ, dám làm, dám lao vào những vấn đề mới. Thời gian qua, ông và Phan Văn Trường đã tranh luận thẳng thắng với Nguyễn Ái Quốc những vấn đề đang quan tâm. Theo Nguyễn Ái Quốc, những tuyên bố về tự do, dân chủ của bọn đế quốc chỉ là những lời đường mật cốt để lừa bịp các dân tộc bị áp bức. Muốn được độc lập và tự do thật sự, các dân tộc bị áp bức phải trông cậy trước hết vào lực lượng của bản thân mình, người Việt Nam phải tự giải phóng mình. Điểm này không sai, nhưng nếu không lo khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh thì làm sao hiểu được tự do, dân chủ để tự giải phóng mình? Chống trả lại một tổ chức đàn áp hiện đại ta phải có một tổ chức kháng cự hiện đại. Khi một giống nòi đã bị dồn đến tình thế chỉ có thể lựa chọn giữa cái chết hay là nô lệ thì xông vào cái chết là thể hiện tánh kiên cường. Người ta chỉ lên án bạo lực khi nó chưa thiết yếu. Có những trường hợp bạo lực là con đường duy nhất thì ai cũng phải chấp nhận nó. Nhưng thực tế từ ngày quân Pháp đem binh thuyền đến xâm lăng nước Nam ta đến nay, sĩ khí dân tình khởi sự chống lại ngoại bang tiếp diễn liên miên, hết cuộc này đến cuộc khác, hết nơi này đến nơi khác, kết cuộc đâu cũng vào đó chỉ có người Nam ta đổ máu là nhiều. Cái khát vọng tự do, bình đẳng, bác ái mà ông Mạnh Đức Tư Cưu (Montesquieu), ông Lư Thoa (Rousseau) khởi xướng chẳng nhỏ được giọt nào trên đất Annam. Đó là sự thật và muốn những khát vọng ấy như mưa rào xuống đất Annam, cách làm của Nguyễn Ái Quốc không sai, mà cách của ông không phải là không đúng. Trong tranh luận, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ mối quan hệ khắng khít giữa phong trào cách mạng của nhân dân châu Á với phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động phương Tây.
Phan Châu Trinh nói:
- Với lớp trẻ các anh, tôi có thể bị xem là hủ nho thủ cựu. Thú thật, tôi đọc chữ Pháp bập bẹ, nên không am tường hết sách vở ở cái đất văn minh này, nhưng tôi không đồng tình với cái thuyết thâu nhân tâm của anh Phan và cũng không thích cái phương pháp "ngọa ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội"(1) của anh Quốc.
Mọi người ngồi yên, độc lập suy nghĩ.
Thấy buổi tranh luận đã tới hồi căng thẳng, Phan Châu Trinh chủ động hóa giải:
- Cởi mở hết tấc lòng để hiểu nhau thêm và biết đâu qua sự tranh luận thẳng thắng như vầy trong chúng ta ai đó nghĩ ra điều hay, nhất là lớp trẻ. Từ ngày đặt chân đến xứ người, tôi đã tự ví mình như con ngựa đã hết nước tế. Các bạn cứ nghĩ về tôi như tôi đã nghĩ là tôi mừng.
Phan Châu Trinh lấy tay vê vê mấy sợi râu trên mép, nói tiếp:
- Năm ngoái, cụ Minh Viên được thả tự do. Tàu đưa đến cửa Hàn (Đà Nẵng), nhìn thấy núi Ngũ Hành, cụ Minh Viên ứng tác bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật, Phan mỗ mới nhận được và thích bốn câu cuối, xin đọc cho anh em nghe cho vui:
Não nhân khổ hải phù trầm tế,
Trì ngã hà sơn cẩm tú niên.
Thập tải tương tư kim nhứt kiến,
Nghĩ phao trần lự học tham thiền.(2)
Chú thích
(1) Ngồi ngoài gọi kẻ giỏi ra, đợi thời mà vào thình lình.
(2) Huỳnh Thúc Kháng dịch:
Bể oan đã chán cơn chìm nổi,
Sông núi đương mong nét vẽ vời.
Cách mặt mười năm nay lại gặp,
Trần duyên vứt quách thử tu chơi.
Phan Châu Trinh Phan Châu Trinh - Vu Gia