Bất hạnh là liều thuốc thử phẩm chất của con người.

Seneca

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Little Rain
Upload bìa: zzz links
Số chương: 48
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3684 / 130
Cập nhật: 2016-02-19 20:58:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Kỳ 33: Liều Lĩnh Và Nhân Hậu
húng tôi hỏi ông Ba Quốc: "Ông có bao giờ thấy căng thẳng không?". Trả lời: "Tôi không bao giờ thấy căng thẳng cả". "Việc gì là nguy hiểm nhất?". "Việc cứu mấy ông cán Bộ cách mạng ở Sài Gòn hồi tôi làm chỗ bác sĩ Tuyến là nguy hiểm nhất". "Khi ông bị lộ mà ông chưa đi, ông đã gặp nhiều người như các ông Thái Lăng Nghiêm, Hoàng Văn Giàu, Trần Văn Tuyên..., ông bảo với họ ông là cộng sản, ông có biết điều đó rất nguy hiểm không?". "Biết chứ, nhưng kệ".
Là Thủ trưởng Cơ quan tình báo miền trong giai đoạn chiến tranh ác liệt nhất, ông Sáu Trí coi ông Ba Quốc là một "điển hình cơ cán tình báo đi sâu", "tận tụy, cần mẫn, dũng cảm, làm việc hết mình cho kháng chiến với cường độ lao động rất lớn". Nhưng ông Sáu Trí không tán thành cách làm việc mạo hiểm của ông Ba Quốc. Ông Sáu Trí nói: "Một lần ảnh phát hiện một danh sách 12 nội gián làm việc trong tổ chức của ta. Ảnh lấy được danh sách đó là do phục rượu trưởng phòng phản gián của Đặc ủy Trung ương tình báo, khi người này nhậu say mềm rồi ngủ mê, ảnh tranh thủ mở cặp tài liệu để chép lại hồ sơ kế hoạch phản gián. Nhận được tin, tôi viết thư yêu cầu không làm những chuyện như vậy vì rất nguy hiểm. Còn chuyện mở tủ hồ sơ mật trong Phủ Đặc ủy, tôi có gửi điện phê phán cách làm mạo hiểm đó. Tôi đã chỉ thị cho ảnh không được dùng những thủ đoạn như vậy, vì rất dễ bị lộ, rất có nguy cơ bị bắt quả tang".
Là người tham gia tổng kết công tác tình báo miền Nam, ông Mười Nho nhận xét ông Ba Quốc là một trong những điệp viên "xuất sắc", "thành công lớn". Ông Mười Nho nói: "Anh Ba Quốc có nhiều cống hiến, đặc biệt trong thời Kỳ 1967 - 1968 - 1969, khi các lưới tình báo của ta gặp nhiều khó khăn, một số lưới quan trọng bị bể (ví dụ lưới của ông Vũ Ngọc Nhạ...), ảnh đã đáp ứng được những yêu cầu chiến lược của cấp trên. Từ đầu ảnh không được đào tạo một cách cơ bản, ảnh làm tình báo được là do học của địch, cũng như tôi chủ yếu là học của địch. Ảnh rất trung thành, rất có kỷ luật. Cái đó khó lắm, không phải giỡn chơi được đâu. Cũng có anh làm ăn không được, bí quá nên báo cáo sai hoặc xào nấu thông tin trên báo chí để báo cáo, nhưng anh Ba Quốc thì rất trung thực. Có lúc không có tin tức thì ảnh không báo cáo chứ không báo cáo sai. Làm tình báo rất cần cái này".
Ông Ba Quốc dũng cảm đến mức liều lĩnh, nhưng cũng theo nhận xét của ông Mười Nho: "Anh Ba Quốc trầm tĩnh, ít nói, không nóng giận, không vỗ ngực tự khoe. Những đức tính đó quý lắm, rất phù hợp với công tác tình báo". Chúng tôi hỏi bà Ngô Thị Xuân: "Mấy chục năm sống với bà có bao giờ bà thấy ông Ba Quốc nóng giận không?". Bà Xuân: "Không bao giờ . Đối với con cái cũng vậy, ông ấy nghiêm khắc nhưng chẳng bao giờ la mắng. Chỉ duy nhất một lần trong đời ông ấy quát tôi, chỉ một câu thôi. Đó là khi tôi định đưa bọn trẻvào học nội trú, vì tôi sợ chúng ở bên ngoài gần bạn bè xấu dễ bị hư hỏng. Nghe tôi bảo thế ông ấy gạt ngay, ông ấy bảo không được làm thế, hãy để chúng sống với gia đình, gần mẹ gần cha...".
Ông tướng "liều mạng" này là người rất trọng tình trọng nghĩa. Cách đây vài tuần, chúng tôi có xuống Bến Tre gặp một người. Đó là người giao liên chỉ gặp ông Ba Quốc duy nhất có một lần. Bà tên là Ngô Thị Mân (Tư Mân), người đã đón ông Ba Quốc từ Mỹ Tho đưa vào căn cứ khi ông Ba Quốc bị lộ. Cùng đi với chúng tôi có ông Bảy Vĩnh (anh hùng quân đội, đại tá tình báo). Bà Tư Mân nói rằng lúc đó bà chỉ dẫn đường cho ông Ba Quốc một đoạn thôi, nhưng 15 năm sau ông đã về thăm lại bà. Sở dĩ phải 15 năm sau mới về thăm được là vì giải phóng xong ông lại tiếp tục đi làm nhiệm vụ , anh con trai của ông bảo rằng mãi đến năm 1987 hay 1988 gì đó ông mới trở lại Sài Gòn. Ông Bảy Vĩnh nói: "Lần về thăm chị Tư Mân là do ảnh giục đó. Lúc ấy công việc của ảnh rất bề bộn nhưng ảnh đòi đi thăm cho bằng được chị ấy. Nhưng gặp chị Tư Mân là chuyện rất khó khăn, vì chị đã lớn tuổi không còn công tác nữa. Chúng tôi phải vừa đi vừa hỏi, hỏi mãi mới tìm được". Bà Tư Mân năm nay đã 83 tuổi, nghe ông Ba Quốc bị bệnh nặng, bà khóc mếu máo: "Tội nghiệp ảnh quá, tôi muốn lên thăm nhưng tôi già quá rồi không đi nổi...".
Còn chuyện này nữa. Khi vào bệnh viện thăm ông, chúng tôi gặp một cán Bộ cấp dưới của ông. Anh này nói với chúng tôi: "Tôi có may mắn làm việc được một thời gian dài với chú Ba. Trong nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống đời thường, ông thật sự là chuẩn mực để chúng tôi học tập. Tuy đã là cấp tướng, nhưng cứ mỗi lần đi công tác, dù ở hậu phương hay ở chiến trường (ông Ba Quốc tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam - PV), bao giờ ông cũng giành ngồi ở vị trí chiến đấu bên cạnh tài xế. Vị trí đó bao giờ cũng nguy hiểm đến tính mạng nếu bị tấn công. Chúng tôi còn trẻ, được trang bị vũ khí đầy đủ mà không bao giờ tranh được chỗ đó với ông già. Các anh biết không, chú Ba bắn súng thì hết chê, bắn đâu trúng đó, mà ông chỉ quen sử dụng rulo thôi...".
Phạm Xuân Ẩn - Ông Tướng Tình Báo Phạm Xuân Ẩn - Ông Tướng Tình Báo - Sưu Tầm Phạm Xuân Ẩn - Ông Tướng Tình Báo