I like intellectual reading. It's to my mind what fiber is to my body.

Grey Livingston

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 114
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1809 / 69
Cập nhật: 2016-06-04 02:27:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 70: Phái Bộ Sainteny
gày 2/12, vào buổi chiều, chiếc Dakota chở Sainteny, có sáu chiếc máy bay tiêm kích hộ vệ, hạ cánh tại Hà Nội. Đón tiếp Sainteny tại sân bay có các nhân vật tai mắt: Morlière, Lami, Giám, Nam, các lãnh sự Anh và Mỹ, v.v... Giám xin lỗi về sự vắng mặt của Hồ Chí Minh, đang bệnh. Buổi tối hôm đó, Morlière không che giấu nỗi hân hoan của ông ta được chấm dứt nhiệm vụ tạm quyền của mình và cuối cùng được trở về với nhiệm vụ thuần túy quân sự. Chiều ngày 3, Hồ Chí Minh, đang cơn sốt, phải nằm tiếp Sainteny, cùng với Giám và Nam. Theo báo cáo của Sainteny gửi Valluy, thì trong cuộc hội kiến chiều ngày 3 đó, Hồ Chí Minh đã đổ hoàn toàn trách nhiệm lên đầu người Pháp về những vụ rắc rối ở Hải Phòng và Lạng Sơn, đã tuyên bố giờ đây cần thiết phải trấn an tinh thần mọi người và ông đề nghị các tiểu ban hỗn hợp đã được thành lập tiếp tục công việc của mình; thành lập hai tiểu ban đặc biệt để giải quyết vấn đề Hải Phòng trên phương diện quân sự và thuế quan; và cuối cùng là hai bên quân đội Việt Nam và Pháp trở lại các vị trí của mình trước khi xảy ra những vụ rắc rối. Giám và Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này. Sainteny đáp rằng: điểm thứ nhất chấp nhận được, còn điểm thứ hai thì các nhà chức trách Pháp dứt khoát không thừa nhận việc quân đội hai bên trở lại “nguyên vị trí trước kia” và người Pháp sẽ giáng trả mọi cuộc tấn công của Việt Nam bằng những biện pháp đối phó thích đáng. Ông ta kết thúc bản báo cáo gửi Valluy của mình như sau:
“Cảm giác của tôi là ông Hồ Chí Minh và những tay chân trung kiên của ông - tôi nhắc lại: những tay chân trung kiên của ông - sẽ làm tất cả để tránh sự tuyệt giao. Giờ đây tôi chưa thể nào biết được những tay chân đó là ai và họ có những quyền hành nào, không những bên cạnh Chủ tịch, mà nhất là đối với dư luận công chúng. Một điều chắc chắn, là họ cảm nhận sâu sắc chúng ta đang chơi lá bài cuối cùng trước lúc thi hành biện pháp sức mạnh toàn diện. Đó là điều mà tôi cố tình làm cho họ hiểu được, tuy bề ngoài tôi vẫn đóng vai trung kiên hòa giải”.
Hôm sau, 4/12, Sainteny làm một cuộc thăm viếng cấp tốc Hải Phòng cùng với Morlière. Ông ta nhận thấy rằng quân đội Pháp “đã hoàn toàn làm chủ tình hình”, nhưng khi máy bay bay là là trên miền châu thổ thì ông ta lại có những suy nghĩ chua chát. Ngày 5, trong một bức điện gửi Pignon, ông ta thông báo:
“Tình hình vẫn luôn luôn căng thẳng. Công việc bố phòng tiếp tục. Việc sơ tán cũng tiến hành dồn dập, biểu hiện qua sự ngưng lại của một bộ phận buôn bán địa phương.
“Báo chí ngày 5/12 rất quyết liệt công bố lời kêu gọi nẩy lửa của Tổng bộ Việt Minh, trong đó có nói: Bọn phản động Pháp đã công khai gây chiến. Chúng ta yêu cầu Chính phủ có những biện pháp dứt khoát. Ý chí của toàn dân không cho phép có một sự nhân nhượng nhỏ nào... Nhất định họ sẽ chiến thắng quân thù...
Vẫn ngày 5, Sainteny có một cuộc hội kiến rất lâu với Giám; sau đó ông ta báo cáo với Valluy:
“Tôi đã tuyên bố... rằng ngoài chuyện giải quyết bằng sức mạnh tổng hợp, tôi không thấy có biện pháp nào nữa cho tình hình hiện tại ngoài việc cải tổ lại hoàn toàn Chính phủ Hồ Chí Minh và thay thế một số bộ trưởng bằng những nhân vật thân Pháp. Sau khi thảo luận khá lâu, Giám tuyên bố sẵn sàng trao cho tôi danh sách các bộ trưởng để chuyển sang cho Chính phủ Pháp. Đáp lại, phải thi hành triệt để hiệp định 6/3... Vấn đề còn lại là tìm biết xem ông Giám có ảnh hưởng như thế nào. Về vấn đề ông ta, cũng như tất cả các nhà lãnh đạo Việt Nam khác, kể cả Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta hoàn toàn chẳng nắm được gì”.
Cùng ngày hôm ấy, Sainteny có gặp viên phó lãnh sự Mỹ tại Hà Nội, O’ Sullivan. Sainteny cho ông này biết rằng người Pháp đang sửa soạn một “hành động cảnh sát” nhằm loại trừ những phần tử bất hảo khỏi Chính phủ Việt Nam, nhưng mà Hồ Chí Minh vẫn làm Chủ tịch. Sainteny giải thích: Chính phủ Việt Nam chỉ còn là đại diện của một nhóm thiểu số trong nhân dân. Người Pháp sẽ để Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, nhưng những phần tử chống Pháp sẽ phải ra đi. Một khi cái chính phủ hiện tại đã bị chặt đứt ra từng mảnh rồi, nhân dân Việt Nam có thể tự do lựa chọn lấy một chính phủ theo sở thích, miễn chính phủ đó không chống Pháp là được. Sainteny không thừa nhận rằng sự việc đó nhất định sẽ dẫn tới chỗ thành lập một chính phủ bù nhìn, nhưng O’ Sullivan thì cho rằng sự việc sẽ phải như thế, mặc dù Sainteny ra chiều tin tưởng ở thắng lợi nhanh chóng của Pháp, nhưng O’ Sullivan thì ngược lại, tin chắc chắn rằng những cố gắng của Pháp nhằm loại trừ Việt Minh ra khỏi nước sẽ mất nhiều thì giờ hơn là Sainteny dự kiến.
Hơn nữa, hai hôm sau, tức ngày 7/12, viên phó lãnh sự Mỹ, “qua mặt” Sainteny, đã tìm cách bố trí được cho một công chức cao cấp của Bộ Ngoại giao (Mỹ), ông L.A. Moffat đang ở thăm Hà Nội, được tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh - một cuộc tiếp xúc mà người Pháp sẽ không bao giờ nắm được nội dung. Đi theo Moffat có nhiều nhà báo Mỹ mà sự hiện diện đã nhất thời có tác dụng răn đe đối với một số người Pháp đang sốt ruột nóng lòng. Hà Nội đã gửi một bức thông điệp nào cho Washington chăng?
Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) - Philippe Devillers Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947)