One does not fall “in” or “out” of love. One grows in love.

Leo Buscaglia

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 114
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1809 / 68
Cập nhật: 2016-06-04 02:27:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 65: Vụ Rắc Rối Hải Phòng
hỉ tám giờ sau, bức điện đánh dấu khởi đầu của cuộc chiến tranh mới được đánh sang Paris một cách công khai, rõ ràng:
“Ưu tiên tuyệt đối. Số 1864F, 21/11, 12.40 Z. Trân trọng báo cáo một vụ rắc rối nghiêm trọng vừa xảy ra ở Hải Phòng ngày 20/11. Một toán quân Việt Nam nổ súng vào một LCI Pháp tuần tra đang kéo dắt một thuyền mành buôn lậu Trung Quốc. Tin đồn lan về khu phố người Hoa, lan ra chợ, ở đây có những người Pháp bị tấn công. Nổ súng khắp mọi phía, bắn súng cối vào chỗ đóng quân của Pháp ở khu vực nhà ga. Các chướng ngại vật được dựng lên. Quân Pháp bắn trả, chiếm Nhà hát và Nhà bưu điện Việt Nam ở trong khu người Pháp. Được thông báo tin này, tướng Morlière gửi ngay thư phản đối tới Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Tình tiết trận Hải Phòng này đã được kể lại từ lâu nay qua nhiều tác phẩm có giá trị, và đây không phải là lúc kể lại sự diễn biến của nó. Tuy nhiên cũng nên chỉ rõ các giai đoạn để đặt nó vào đúng tình hình chính trị vừa được phân tích trên đây. Người ta sẽ điều đình và khó khăn lắm mới đạt tới được một quyết định ngưng bắn. Nhưng việc thi hành lệnh ngưng bắn tỏ ra khó lòng thực hiện do thái độ rất láo xược của viên sĩ quan chỉ huy căn cứ Hải Phòng, đại tá Dèbes; trên thực tế Dèbes đã triệt bỏ và ngầm phá hoại những công trình cố gắng của cấp trên ông ta, tướng Morlière và cố vấn chính trị của ông là Lami. Ông ta cảm thấy được sự che chở của Sài Gòn, tức của tướng Valluy.
Valluy đã lập tức bắt đầu tác động Paris. Trong bức điện ngày 22/11, ông ta chủ yếu đã viết:
“...Những tin tức thu thập được cũng như các tài liệu bắt được xác nhận rằng sự việc này đã được các nhà chức trách Việt Nam sắp đặt tỉ mỉ và trách nhiệm gây hấn rõ ràng không nghi ngờ gì nữa là thuộc về phía họ”...
Ông ta nói thêm:
“Người ta có đưa tin một cuộc mai phục nghiêm trọng đã được bố trí tại Lạng Sơn chống lại những người lính Pháp đi đào bới những hố chôn xác người Pháp và Việt Nam bị quân Nhật tàn sát. Vụ Lạng Sơn rọi một tia sáng sống sượng lên những hậu quả của chính sách tuyên truyền chống Pháp dữ dằn của Chính phủ Hà Nội và những mệnh lệnh tấn công truyền xuống cho quân đội họ... Sự phản công của quân Pháp đã dẫn tới kết quả là cuối ngày hôm đó, họ đánh chiếm luôn mấy điểm quan trọng ở Lạng Sơn và đuổi quân Việt Nam ra khỏi những điểm này...
“Ngoài ra cũng nên thông báo rằng những tài liệu tìm được tại Sở chỉ huy quân Việt Nam tại Hải Phòng chứng tỏ rành rành rằng các nhà chức trách Việt Nam đã muốn tạo ra ở Hải Phòng một vụ đẫm máu mà chính họ là những kẻ khởi xướng”.
Nhưng, tám tiếng đồng hồ trước đó, Valluy đã chỉ thị cho Morlière: “ông phải triệt để khai thác sự kiện nghiêm trọng này để củng cố thêm vị trí của chúng ta ở Hải Phòng”. Nghiêm trọng hơn nữa là Valluy qua mặt luôn cả Morlière, là người chịu trách nhiệm ở miền Bắc, Valluy đã điện thẳng tối hôm trước cho Dèbes:
“Tiếp theo sự kiện ngày 20, tôi thấy cần thiết phải lợi dụng vụ rắc rối đó để củng cố thêm vị trí Hai Phòng của chúng ta. Tôi đã gửi những chỉ thị dưới đây cho Morlière: những điều bảo đảm cần đạt được qua một cuộc điều tra nhanh chóng là: một, toàn bộ lực lượng chính quy và bán quân sự Việt Nam rút khỏi Hải Phòng; hai, quân đội ta hoàn toàn tự do về vấn đề đóng quân trong thành phố”.
Vậy là, đáp lại đề nghị của Hồ Chí Minh sẽ họp ngay tiểu ban hỗn hợp về vấn đề thuế quan và thương mại đối ngoại (mà Hồ Chí Minh cùng với Lacharrière đã thỏa thuận với nhau tối ngày 20/11), Valluy đã trả lời bằng cách chỉ thị cho Dèbes chỉ được chấp nhận với hai điều kiện là: rút hết mọi lực lượng vũ trang Việt Nam ra khỏi Hải Phòng và để cho quân Pháp hoàn toàn tự do đóng quân trong thành phố. Trong khi Lacharrière cho rằng nhiệm vụ của ông ta đã bị đình chỉ nên đã trở lại Sài Gòn, thì Morlière cố làm cho Valluy được sáng tỏ thêm những nguy cơ mà các đòi hỏi của ông ta có thể mang lại. Morlière viết:
“Đòi hỏi rút ra khỏi Hải Phòng toàn bộ lực lượng chính quy hoặc bán quân sự của Việt Nam rõ ràng đang chiếm giữ cả thành phố bản xứ, có nghĩa là quyết định một cách hoàn toàn chắc chắn - tôi nhắc lại: một cách hoàn toàn chắc chắn sự thôn tính thành phố, mà thôn tính thành phố thì trước hết, muốn tránh thiệt hại nặng nề, là phải dùng trọng pháo triệt hạ từng phần. Làm như vậy là đi đến chỗ hoàn toàn hủy bỏ hiệp định 6/3 và Tạm ước (14/9) và mở rộng, gần như chắc chắn, chiến sự đến tất cả mọi đồn bót doanh trại của chúng ta trên đất Bắc Kỳ.
“Tôi thấy nhiệm vụ của tôi là phải chỉ rõ cho ngài biết về những hậu quả chắc chắn đó và yêu cầu ngài quyết định mục một 1897 có phải là mệnh lệnh bắt buộc phải thi hành ngày không”.
Bức điện của Valluy trả lời cho Morlière - có sao gửi Dèbes - đã từng “nổi tiếng”, nhưng vẫn cứ phải ghi lại ở đây:
“22 tháng 11 - 17.00 Z, 1903/3T
“Tôi nhận thấy rõ ràng là chúng ta đang đứng trước một cuộc tiến công có mưu tính trước và chuẩn bị hết sức cẩn thận của quân đội chính quy Việt Nam - dường như không còn tuân theo lệnh của chính phủ nữa. Như vậy những sáng kiến hòa hoãn đáng trân trọng và phiên chế lại các địa điểm trú quân, cũng như cuộc điều tra mà tôi đã yêu cầu tiến hành nay không còn có tác dụng nữa. Đã đến lúc cần phải dạy một bài học đích đáng cho những con người đã phản bội tấn công chúng ta. Bằng mọi điều kiện có trong tay ông phải hoàn toàn làm chủ Hải Phòng và buộc Chính phủ cũng như Quân đội Việt Nam phải hối cải trở lại. Đặc biệt ông phải cất giữ các kho xăng và súng đạn ở ngoài tầm phá hoại của quân thù, trên hai bên bờ sông. Ông sẽ đặt Chủ tịch Hồ trước những trách nhiệm nặng nề của mình và những hậu quả tai hại có thể gây ra với thái độ của ông ta đối với Chính phủ Pháp”.
Vậy là sau khi đã nói đến chữ “khiêu khích” ngày 21, ông quyền Cao ủy giờ đây lại nói đến chữ “tiến công có mưu tính trước”. Từ đây và suốt cả 35 năm về sau (cho đến khi các lưu trữ trữ Pháp chứng minh được sự mưu tính trước thuộc bên nào), thì đây vẫn là cái luận điệu chính thức của nước Pháp về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
“Cuộc tiến công của Việt Nam” vậy thì “cuộc đánh trả” có thể mở rộng. Đại tá Dèbes phát động trận đánh Hải Phòng, nó sẽ kéo dài mấy ngày liền và sẽ bao gồm, ngày 23/11, cả cuộc oanh tạc nổi tiếng một cách đáng buồn vào thành phố người bản xứ của trọng pháo hải quân và lục quân. Trong thời gian trận chiến đấu này, quân Việt Nam khởi sự những cuộc phản công cho phép họ tạm thời chiếm được sân bay và nắm được bản chỉ thị “lừng lẫy” của Valluy ngày 10/4 ra lệnh chuyển việc “đối phó” thành một “cuộc đảo chính”[58], cùng với một số tài liệu khác, trong đó có lệnh của đại úy Dercourt ngày 30/10. Dĩ nhiên là từ đây mọi sự đối với họ - Việt Nam - sẽ được dần dần sáng tỏ.
Ngày 28/11, sau khi đã nắm chắc quyền kiểm soát toàn bộ Hải Phòng, Valluy trả lời một cách đầy tự tin những câu hỏi của Paris đòi ông giải thích, viện cớ những khó khăn đã gặp để quan trọng hóa tình hình và yêu cầu chính phủ cho phép đi xa hơn chút nữa. Nhưng Bộ chỉ huy quân đội Việt Nam, từ đây đã biết rõ những âm mưu thật của Pháp, bèn huy động bố phòng toàn bộ cả miền đồng bằng và nhất là đặt chướng ngại vật ngày càng lớn trên các con đường. Chính thành phố Hà Nội cũng lởm chởm hàng trăm ngàn vật cản như vậy nhằm mục đích làm trở ngại bằng mọi cách, sự đi lại và những cuộc vận động hành quân của Pháp, sẵn sàng đối phó với mọi điều bất trắc xảy ra. Tướng Valluy, chẳng thèm hỏi ý kiến chính phủ, đã lao mình vào cuộc phiêu lưu và lao cả nước Pháp theo mình.
Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) - Philippe Devillers Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947)