Hope is important because it can make the present moment less difficult to bear. If we believe that tomorrow will be better, we can bear a hardship today.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 114
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1809 / 68
Cập nhật: 2016-06-04 02:27:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 21: Thời Điểm Quyết Định
rong thời gian đó, ở Đông Dương, những sự kiện xảy ra dồn dập.
Chính phủ Huế, trong tháng 7 và 8, đã được Nhật nhượng bộ nhiều điều quan trọng: tháng 7, giải thể phủ toàn quyền và chuyển giao các cơ quan quốc gia cho Việt Nam; và đầu tháng 8, hoàn trả Nam Bộ lại cho Việt Nam. Các vị Khâm sai Bắc Kỳ và Nam Kỳ được chỉ định. Ngày 8/8, sự thống nhất của Việt Nam được thực hiện.
Đồng thời, quân Nhật thả hết các tù chính trị, kể cả (từ ngày 9/8) những người cộng sản đã bị Pháp bắt giam tại các nhà tù và các nhà ngục khổ sai. Hàng ngàn “cán bộ” hoặc “kẻ gây rối” vội vàng trở về liên hệ với các trung tâm quyết định.
Nhưng sự kiểm soát thực tế cả nước thì đã lọt khỏi tay chính phủ Huế và cả tay quân Nhật rồi. Những trận ném bom của Mỹ phá hoại các đường giao thông sắt, bộ và thủy đã cắt đất nước ra từng vùng, từng mảnh riêng biệt, tại đó từ bao tháng nay, các cán bộ tuyên truyền Việt Minh đã làm công tác tư tưởng chính trị. Dưới sự thúc đẩy của họ, nhân dân các vùng bị nạn đói đã tiến công vào các kho lúa gạo. Quân Nhật vẫn giữ các thành phố và thị trấn cùng những trục giao thông lớn; và những người theo phái quốc gia, cộng tác viên của họ, giúp họ trong những khu vực đó. Nhưng mặc dầu bị cơ quan thông tin Nhật cố tình che đậy, cái tin Mỹ ném “bom nguyên tử” xuống Nhật vẫn lọt đến với các giới chính trị, làm cho tình hình sục sôi lên.
Trong khi tại Huế, chính phủ xin từ chức, viện cớ bất lực, không thể lãnh đạo được đất nước nữa, thì nhà vua cố gắng tránh một sự sụp đổ và tránh một sự chia cắt Bắc - Nam. Ngày 19/8, Đài phát thanh Việt Nam phát đi ba tư liệu quan trọng:
a. Một chỉ dụ của Bảo Đại gửi cho mọi công chức Việt Nam khuyên tất cả thống nhất một lòng chống lại mọi âm mưu đe dọa nền độc lập của tổ quốc và thông báo những biện pháp cần thực hiện để bảo vệ nền độc lập của mình.
b. Một bản tuyên ngôn kêu gọi nhân dân Việt Nam sẵn sàng chịu đựng những sự hy sinh cần thiết để bảo vệ nền độc lập dân tộc: nhà Vua tuyên bố thà mất ngôi và làm công dân một nước tự do còn hơn là làm vua một nước nô lệ.
c. Một bức thư của Bảo Đại gửi cho tướng De Gaulle; nội dung bức thư như sau:
“Tôi nói chuyện với nhân dân Pháp, với đất nước tuổi thanh xuân của tôi. Tôi cũng nói chuyện với người đứng đầu và là người giải phóng nước Pháp, và tôi muốn nói chuyện với tư cách một người bạn hơn là với tư cách một kẻ đứng đầu một quốc gia.
“Ngài đã trải qua quá nhiều đau khổ trong bốn năm kinh hoàng, không thể không hiểu rằng dân tộc Việt Nam đã có hai ngàn năm lịch sử và một quá khứ nhiều lúc vinh quang, không muốn, không thể nào chịu đựng nổi bất cứ sự thống trị hoặc bất cứ sự cai trị của một ngoại bang nào nữa.
“Chắc chắn Ngài sẽ hiểu hơn nếu như Ngài được trông thấy ở nước chúng tôi chuyện gì đang xảy ra nếu như Ngài cảm nhận được cái ý chí độc lập ấp ủ trong con tim của mọi người dân mà không một sức mạnh trần gian nào ghìm lại nổi. Dù cả khi Ngài có tái lập được ở đây một nền cai trị của Pháp đi chăng nữa thì nó cũng chẳng được một ai tuân phục: mỗi một thôn xóm sẽ là một tổ kháng cự, mỗi một người cộng tác viên cũ của Pháp sẽ là một kẻ thù; và tất cả các viên chức và các tên thực dân của Ngài cũng sẽ tự nguyện xin được thoát ra khỏi cái không khí khó thở này.
“Tôi yêu cầu Ngài hiểu rõ rằng: cái phương sách duy nhất để gìn giữ lấy những quyền lợi và cái ảnh hưởng tinh thần của nước Pháp ở Đông Dương là thẳng thắn công nhận nền độc lập của Việt Nam và từ bỏ mọi ý đồ khôi phục chủ quyền hay bất cứ một hình thức cai trị nào.
“Chúng ta có thể hiểu nhau rất dễ dàng và trở thành những người bạn nếu Ngài chịu gác bỏ ý đồ trở lại làm những người chủ của chúng tôi.
“Kêu gọi tinh thần lý tưởng rất quen thuộc của dân tộc Pháp và sự khôn ngoan sáng suốt của kẻ đứng đầu, chúng tôi hy vọng rằng: nền hòa bình và niềm vui đã bắt đầu đến với tất cả các dân tộc trên thế giới cũng sẽ được đảm bảo cho tất cả mọi người dân bản xứ cũng như ngoại kiều ở Đông Dương".
Ký tên: BẢO ĐẠI
Tuy nhiên, những sự việc lộn xộn ngày càng xảy ra nhiều. Đúng vào ngày 19/8, qua một cuộc biểu tình của các công nhân viên chức đòi độc lập và thống nhất Tổ quốc, các cán bộ Việt Minh đã lọt vào thành phố và thuyết phục được vị khâm sai theo họ và chiếm chính quyền. Lập tức họ mở những cuộc tiếp xúc với các đảng phái quốc gia (Đại Việt...) và với các cơ quan của Nhật.
Trong lúc này tại khu du kích, Việt Minh đang chuẩn bị. Họ chuyển cho OSS Mỹ một tư liệu nói rõ rằng: Nếu người Pháp muốn trở lại như những người chủ thì họ sẽ vấp phải một sự kháng cự của toàn dân; ngược lại nếu thái độ của họ là thái độ hữu nghị và không thống trị thì họ sẽ được đối xử thân thiện như tất cả các ngoại kiều khác.
Không thể chờ đợi - vì mưa nhiều quá - một sự đáp ứng của Pháp đối với những đề nghị của họ, Bộ Tham mưu Việt Minh quyết định, ngày 10/8, sẽ triệu tập vào ngày 13 một Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng tại Tân Trào. Mấy chục đại biểu có mặt tại Đại hội ngày 13 đã quyết định thành lập một Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc và ngay tối hôm đó phát lệnh Tổng khởi nghĩa. Một Đại hội nhân dân toàn quốc họp ngày 16, chuẩn y kế hoạch hành động, mà hiệu quả đầu tiên sẽ là việc cướp chính quyền tại Hà Nội ngày 19; tiếp đó là những hành động quyết định tại Huế rồi tại miền Nam.
Ngày 20, Bảo Đại - mà Việt Minh Hà Nội vừa yêu cầu thoái vị - gửi một công hàm cho tổng thống Truman, nhờ chuyển cho cả Attlee, Tưởng Giới Thạch và Staline. Trong bức công hàm, Bảo Đại khẳng định rằng Việt Nam không thể nào đặt trở lại dưới chế độ thuộc địa mà không có nguy cơ làm phương hại cho hòa bình thế giới và yêu cầu tổng thống Truman vì chính quyền lợi của nước Pháp, nói cho tướng De Gaulle, lúc này đang chuẩn bị sang Washington, hiểu kỹ điều này.
Nhưng các phái viên Việt Minh đang đến Huế và ngày 24, vua Bảo Đại báo cho các cố vấn của ông biết ông đã quyết định thoái vị. Ngày 25 ông thoái vị và trao lại cho đại diện Việt Minh thanh kiếm và chiếc ấn của nhà vua. Văn bản thoái vị đã được ký.
Con người mà từ đây và trong thời gian rất lâu, người ta gọi là “cựu hoàng đế” và chính thức trở thành “công dân Vĩnh Thụy” đã giao lại quyền bính cho chính phủ Cộng hòa mà người ta đã loan báo sẽ thành lập trong một ngày rất gần. Thế cái “mệnh trời” đâu? Những ngày quyết định này thì ai là kẻ “thu mệnh trời”?
Ngày 25/8, tại Sài Gòn, Việt Minh ký một công ước với các đảng phải quốc gia. Sự thống nhất của Việt Nam được hoàn toàn khẳng định, và vài ngày sau, khi các lính com măng đô Pháp mạo hiểm đi về vùng nông thôn hay sang vùng duyên hải Việt Nam, họ sẽ có thể chứng kiến rằng Việt Minh đã nắm chính quyền khắp cả mọi nơi qua các “Ủy ban Nhân dân”.
Điều mà các kho lưu trữ vừa tiết lộ và cho đến ngày hôm đó hoàn toàn không ai biết đến, là Chính phủ Pháp đã biết tất cả những sự kiện nói trên. Chính phủ Pháp đã thông qua hai bức điện quan trọng, xác định lại lập trường chính thức của Pháp trước những yêu sách của nhân dân Đông Dương, theo một chiều hướng kiên quyết hơn, cứng nhắc hơn. Điều ưu tiên dành cho việc gửi cấp tốc quân sang Đông Dương và cho việc thiết lập lại chủ quyền Pháp ở đây. Nhưng bây giờ thì người ta biết rằng ngày 20/8, từ Côn Minh, tướng Alessandri, phái viên chính phủ, đã thông báo cho Paris về ba văn bản vừa phát đi hôm trước qua Đài phát thanh Việt Nam và đặc biệt là bản thông điệp của Bảo Đại gửi tướng De Gaulle, và nhấn mạnh:
“Chúng ta đã tới một thời điểm quyết định mà Tổng phái đoàn không còn có thể tự mình đáp ứng được; nhất là khi chúng tôi bị bó tay vì những bức điện số 1303/1304 xóa bỏ những chỉ thị của các bức điện 1247/1255. Nhiều nhận xét ăn khớp với nhau rút ra từ các lần tiếp xúc với các đảng phái quốc gia và nhất là với Việt Minh mà tôi đã báo cáo lại với Ngài, chứng minh rằng một sự hợp tác vẫn còn có triển vọng, với điều kiện là chúng ta biết nói đến, theo lời văn bức điện 1247 của Ngài, chữ “độc lập” vào lúc nào phù hợp. Không một chữ nào thay thế được chữ này. Ngoài ra, chắc chắn là người Annam thích giấy trắng mực đen hơn là cái “tinh thần” và họ yêu cầu Ngài trước hết là giữ uy tín cho họ; và chắc chắn là chúng ta có thể thêu dệt lên chung quanh chữ độc lập ấy những lời bảo đảm mà kết quả là sẽ dẫn đến trong một thời hạn có thể kéo dài tương đối, sự thiết lập một quy chế tự trị bao gồm những mối liên hệ khá chặt chẽ với nước Pháp.
“Rất đáng tiếc là chính phủ tự thấy đặt vào cái thế bắt buộc phải phát biểu quan điểm của mình trước khi có điều kiện thiết lập được những mối liên hệ chặt chẽ với bên trong, một thiếu sót gây nên do ác ý của các nước đồng minh. Nếu chính phủ thấy cần phải chờ đợi là một tư thế không phải không bất lợi cho ta - bằng cách lẩn tránh đằng sau sự vắng mặt của tướng De Gaulle, thì phải gợi ý cho tướng De Gaulle thực hiện tại Washington bằng cách nào ông thấy thức thời nhất, một lời tuyên bố có cái giọng cởi mở rộng rãi hơn nhiều so với bản tuyên bố ngày 24/3/1945 vừa qua”....
Trong một bức điện cùng ngày gửi Bộ trưởng thuộc địa, Pignon, lúc này đang ở bên cạnh Alessandri tại Côn Minh, viết thêm:
“Vấn đề cơ bản hiện nay là tới Huế và tiếp xúc với triều đình. Tôi sẽ cố gắng đến Annam một khi tôi vào được Đông Dương. Ngay từ bây giờ, người Pháp đầu tiên được tiếp xúc phải tỏ ra là người dễ tin tưởng và cố gắng để biết thật chính xác triều đình Huế đang mong muốn Chính phủ Pháp nói đến chữ nào trong tuyên bố của chính phủ. Đừng quên rằng với người Annam, giấy trắng mực đen quan trọng hơn là tinh thần
Ký tên: PIGNON”
Ngày 26/8, Pignon sẽ trở lại Calcutta. Ngày 28, đi từ Jessore (Bengale), căn cứ của Lực lượng 136, phái đoàn Lambda (6 người). Mục tiêu: “Đến Huế, tiếp xúc với Vua Bảo Đại nhằm tránh cho ông ta khỏi quyết định điều gì trước khi các nhà chức trách có thẩm quyền tới; đảm nhận lấy việc bảo vệ quyền lợi nước Pháp trong lúc đợi chờ”.
Ngày 28, tên com măng đô nhảy dù xuống cách Huế 20 km và bị bắt ngay; bốn trong số các nhân viên của hắn sắp bị toi mạng. Một trong những tên sống sót là Michel de Bourbon Parme, bị giam ở Vinh, chỉ được phóng thích vào tháng 6/1946. Như vậy cái dự định liên lạc với Huế, tiến hành vào lúc Bảo Đại thoái vị rồi, đã thất bại hoàn toàn.
Những nơi khác cũng đều thất bại. Ngày 22/8, Cédile được cử làm ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Kỳ, đã nhảy dù xuống vùng châu thổ sông Mêkông. Ông ta bị quân Nhật bắt và đưa về Sài Gòn. Phía Bắc, Messmer, được cử làm ủy viên Cộng hòa Pháp tại Bắc Kỳ, nhảy dù ngày 22 xuống chân núi Tam Đảo (sau khi lượn trên thành phố Hà Nội) cùng với hai đồng đội, cũng bị Việt Minh bắt. Calcutta sẽ không có tin tức gì về ông ta cũng như về phái đoàn “Lambda”.
Nếu nghĩ rằng những tin tức này các cấp tối cao không biết thì quả là không thực tế. Ở đây nữa, các lưu trữ tiết lộ rằng: từ Paris, các bức điện ngày 22/8 của Alessandri/Pignon đã được chuyển ngày 26 qua Washington cho De Gaulle và Bidault và hai ông này đã nắm được bức thông điệp của Bảo Đại gửi nhân dân Pháp.
Trong bức điện Alessandri/Pignon nói thêm:
“Dĩ nhiên chúng ta có thể chỉ ra lối chơi hai mặt của Bảo Đại nhưng làm như vậy sẽ dẫn tới hậu quả tai hại là giảm mất uy tín của nhà vua, và cả ê kíp lãnh đạo từng cộng tác với Nhật Bản sẽ phải “biến” đi.
“Vấn đề độc lập của nước Việt Nam vẫn cứ được đặt ra và điều chúng ta quan sát được ở Trung Quốc không cho phép chúng ta giả thiết rằng có một sự phản ứng có lợi cho Pháp từ phía người Mỹ mà chúng ta đang tiếp xúc ở Côn Minh. Những người Mỹ này thanh minh cho thái độ hiện nay của họ cũng như cho những điều trở ngại đến việc các phái đoàn của ta vào Đông Dương, rằng họ lo ngại sẽ xảy ra những vụ lộn xộn bắt buộc các phái đoàn của ta phải can thiệp. Họ tuyên bố muốn tự họ tìm hiểu lấy tình hình. Lời giải thích này có thể là chân thành, nhưng ta vẫn được phép tin rằng nó không che đậy được hoàn toàn cái thái độ của Mỹ trên đây.
“Trong một chừng mực nào đó, chúng ta đã đi bước đầu, bằng những cuộc hội đàm với Việt Nam, nhưng Việt Nam cũng có thể cải chính dễ dàng những điều họ đã đề nghị nếu tình hình quốc tế có chiều hướng thuận lợi cho nền độc lập toàn vẹn của Việt Nam. Chỉ duy nhất một bản tuyên bố của Chính phủ có thể xác định chỗ đứng của đôi bên.
“Hiện nay, hoạt động của tướng De Gaulle tại Washington và nếu như có thể thì một bản tuyên bố thẳng thắn của tổng thống Truman nữa có thể lật ngược tình thế một cách có lợi cho ta.
“Vả lại, để có thể nói chuyện rõ ràng với những người quốc gia Việt Nam cũng như với người Trung Quốc, thì vấn đề cơ bản là chúng ta phải nắm chắc ngày nào đội quân viễn chinh sẽ đến. Sau sự thiệt hại gây ra cho chúng ta ở Trung Quốc do sự thông báo không có hiệu quả tiếp theo về “đạo quân viễn chinh” của tướng Leczerc, chúng ta không thể liều lĩnh đề cao đạo quân viễn chinh ấy khi chưa chắc chắn nó sẽ đến hay không”.
Quai d’Orsay nói thêm:
“Bức điện này đòi hỏi tôi có những nhận xét dưới đây:
“1. Chắc chắn là nhân vật Bảo Đại, bị mất uy tín nhiều tại Annam, đã đi tìm một sự phục hồi uy tín muộn màng bằng cách chơi con bài Nhật Bản. Chỉ sau khi hành động như vậy rồi, ông ta mới tìm đến với người Mỹ nhằm thực hiện một kiểu đe dọa khác. Điểm này thế nào cũng sẽ được nhắc đến trong các cuộc hội đàm.
“2. Tướng Alessandri nhìn đường lối chính trị của Mỹ dưới một góc độ hoàn toàn địa phương. Ngoài ra, rõ ràng là các nhà chức trách quân sự Mỹ tại Trung Quốc chưa nhận được những chỉ thị cụ thể của Washington ủng hộ chúng ta.
“3. Bản tuyên bố của Ngài trong cuộc họp báo đã điểm lại tình hình Đông Dương một cách đúng đắn. Tuy vậy, vấn đề Annam thực sự đáng được nghiên cứu một cách riêng biệt. Có thể là việc duy trì “dân tộc Annam”[22] là thích hợp để mang lại cho chúng ta một giải pháp đúng. Một khi người ta đã nói “dân tộc Annam” thì người ta cũng phải nói “dân tộc Campuchia” và nói “dân tộc Lào” cũng chẳng có gì là tai hại cả.
“4. Điểm nhọn của vấn đề hiện nay là cho phép những nhân vật như Bảo Đại rút lui mà chẳng có gì là mất thể diện. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải tiếp tục dùng ông ta và tôi cũng đồng ý với ông đô đốc d’Argenlieu để nhận xét rằng quả vậy, đã đến lúc nên thôi dùng ông ta. Tuy nhiên, trong cái thời kỳ quá độ này, nó có thể kéo dài bao lâu mà sự có mặt của chúng ta chưa được vững chắc thì sẽ không nên để Bảo Đại và chính phủ Annam tự giam mình vào các công thức không có lối thoát, bởi vì như vậy, cuộc xung đột giữa họ với chúng ta sẽ nổ ra trên một bình diện cực kỳ nguy hiểm cho hoạt động của chúng ta sau này. Vì vậy, tôi tự cho phép gợi ý rằng các lời tuyên bố của Ngài, tuy không đề cập tới chữ độc lập, vẫn phải diễn đạt được sự hiểu biết của nước Pháp về những nguyện vọng tự nhiên của dân tộc Annam và đương nhiên của cả dân tộc Campuchia”...
Ký tên: DIPLO
Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) - Philippe Devillers Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947)