Love is always bestowed as a gift – freely, willingly and without expectation. We don’t love to be loved; we love to love.

Leo Buscaglia

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 114
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1809 / 68
Cập nhật: 2016-06-04 02:27:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 18: Sự Chuẩn Bị Chính Trị Cho Pháp “Trở Lại” Đông Dương
aris không chỉ sắp đặt những hành động lật đổ tại Đông Dương. Người ta rất quan tâm hiểu biết, ngay khi có cơ hội, về dư luận “các chính đảng Đông Dương”.
Trong một bức điện gửi cho DGER (SLFEO, Bộ phận Liên lạc Pháp tại Viễn Đông) tại Calcutta, Sainteny viết, ngày 19/5:
“Một sự diễn biến lý thú trong trạng thái tinh thần của các chính đảng cách mạng Annam có vẻ đáng được khai thác. Việt Minh lý luận đại khái như sau: “Chúng tôi đang và sẽ còn thù địch với quân đội Pháp ở Đông Dương bởi nó là quân đội của Chính phủ Vichy và có nghĩa là phát xít; nhưng chúng tôi sẵn sàng cộng tác với người của tướng De Gaulle và phe kháng chiến vì những lý do ngược lại”. (Nhớ lại những cuộc đàn áp cực kỳ tàn nhẫn do quân đội Vichy đã thực hiện tại phía Bắc Bắc Bộ).
“Việt Minh cùng các tổ chức song song cũng như các nhân tố cộng sản tuyên bố sẵn sàng cộng tác với những nhân tố của nước Pháp Mới để đuổi quân Nhật ra khỏi Đông Dương. Những tổ chức đó có những phương tiện to lớn. Không giấu giếm rằng việc xâm nhập miền Bắc Bắc Bộ vẫn đặc biệt nguy hiểm, thậm chí là không thể, nếu không có sự giúp đỡ của những yếu tố trên. Cho nên tôi đã tức thời cho khai thác sự hiện diện tại biên giới của những phần tử kháng chiến cũ, và khai thác ngay cả sự hiện diện của tôi ở cương vị là kẻ cầm đầu phái đoàn Pháp tại Trung Quốc, v.v... Rất cần biết chúng tôi có thể theo đuổi con đường này cho đến đâu. Liệu có thể dùng biện pháp hứa hẹn, đối với những người tỏ ra xứng đáng, sẽ có đại xá toàn bộ, sẽ đề bạt vào những chức vụ hành chính hoặc chức vụ khác sau ngày giải phóng, tịch thu và phân phối lại những đất đai của những phần tử thân Nhật, sau nữa và trước mắt là vũ trang cho những tổ chức ấy? Sau khi thỏa thuận với Pignon, tôi đã chấp nhận “nguyên tắc những đòi hỏi đầu tiên” những yêu cầu DGER khẳng định và cho những chỉ thị về việc vũ trang: tôi xin lưu ý DGER về sự việc này là nếu chúng ta không cung cấp vũ khí cho họ thì người Trung Quốc hoặc OSS[16] sẽ cung cấp cho họ ngay thôi. Cần ghi chú rằng Việt Minh và các đảng phái khác đề nghị sự hợp tác hoàn toàn nhằm đánh đuổi Nhật cho đến khi thắng lợi, nhưng không phải là chấp nhận nguyên tắc sẽ khôi phục lại chủ quyền của Pháp. Vẫn có khả năng rằng một sự hợp tác chặt chẽ trong chiến đấu dẫn họ đến chỗ nhìn nhận trạng thái tâm lý mới của Pháp có thể phù hợp với nguyện vọng của họ và giúp cho dự án thể chế mới về Đông Dương của Pháp đứng vững được”...
Dĩ nhiên là Calcutta chuyển bức điện này về Paris. Mà ở Paris giờ đây người ta đã biết rõ thực chất vấn đề như thế nào. Tháng 2/1945, không đầy 3 tuần lễ trước cuộc đảo chính của Nhật ngày 9/3 Tổng giám đốc nha cảnh sát của Decoux, Arnoux đã phái đi công tác tối mật sang Côn Minh hai nhân viên của mình, trong đó thanh tra Yolle phải giao cho “Phái bộ 5” một tập hồ sơ dày về Việt Minh và nguồn gốc của nó. Công văn ấy đề là “Hoạt động lật đổ tại Đông Dương”, và khẳng định một cách tuyệt đối rằng “ông chủ” của Việt Minh hiện nay, ông Hồ Chí Minh, chẳng ai khác là Nguyễn Ái Quốc, người đã lập ra Đảng Cộng sản Đông Dương, người cổ vũ của nó từ những năm đầu thập niên 30; người ta tưởng ông đã chết, nhưng rồi ông đã lại xuất hiện tại vùng biên giới Trung Quốc - Đông Dương đầu năm 1941. Công văn ấy được chuyển cho Paris, phong bì đóng dấu ngày đến chính thức là 20/5/1945. Vấn đề cần biết là ai đã đọc, ai đã có thể giải thích và nó đã có tiếng vang như thế, với những lời bình luận nào, ở Calcutta.
Giờ đây chiến tranh ở châu Âu đã kết thúc. Mọi nỗ lực chiến tranh của Pháp chuyển về phía Nhật Bản. Việc chuẩn bị cho một đạo quân viễn chinh đang tiến hành rầm rộ. Một quân đoàn (2 sư đoàn) đang được thành lập để đặt dưới quyền chỉ huy của quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương và chính Leclerc, người được chỉ định từ hồi tháng năm, chỉ huy quân đoàn ấy.
Tuy nhiên Paris còn có những nỗi lo khác: Vụ nổi loạn tại Algérie hôm 8/5/1945 và cuộc đàn áp vụ nổi loạn đó; nhất là vụ Xyri-Libăng đang gieo vào giữa Paris và Luân Đôn một làn băng giá sâu sắc và khơi sâu thêm ở De Gaulle một mối nghi ngờ nặng nề đối với nước Anh. Thực ra, về Đông Dương, người ta hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào quân Anh, nhất là về các vấn đề căn cứ điểm (Calcutta, Xrilanca), về trang bị và vận chuyển quân sự, về liên lạc không quân và cả về tiếp tế nữa. Đây không phải lúc để xảy chuyện rắc rối với Luân Đôn.
Cũng có nhiều khó khăn cần giải quyết trong vấn đề chỉ huy, đặc biệt trong vấn đề quyền hạn tương ứng của các tướng tá Pháp hành quân trên địa bàn hoạt động “Trung Quốc”, dưới sự lãnh đạo của quân Trung-Mỹ (tướng Sabattier) và trên địa bàn “Đông Nam Á” dưới sự lãnh đạo của quân Anh (tướng Blaizot). Ngày 19 và 21/4, De Gaulle đã ban hành những phương hướng chỉ rõ những trách nhiệm đó. Nhưng DGER mà cơ quan đại diện tại vùng này đặt dưới sự chỉ đạo của đại tá Roos, từ đây sẽ duy nhất là người có quyền gửi các phái đoàn sang Đông Dương, là “lãnh thổ chiếm đóng”. Roos đứng đầu và liên kết hai căn cứ của DGER, Calcutta và Côn Minh. Sainteny lãnh đạo Côn Minh. Tại Calcutta cuối cùng đã thiết lập một “Phái đoàn thuộc địa Pháp” trực thuộc Bộ Thuộc địa mà lãnh đạo là tướng De Raymond cùng với một số nhà cai trị bên cạnh ông ta như Pignon, Messmer, Cédile.
Bức thông điệp của Sainteny đã được trả lời. Bức thư trả lời, do chính Bộ trưởng Thuộc địa Giacobbi ký và đề ngày 12/6 đến Calcutta ngày 18. Sau khi lược kể vụ Xyri, bức thư mang nội dung chủ yếu sau đây:
“Ông có thể... làm cho người ta hiểu rằng bản tuyên bố của Chính phủ (ngày 24/3) là một xuất phát điểm và đáp ứng cho nhu cầu của một thời kỳ quá độ sau ngày giải phóng hơn là cho số phận dứt khoát của Đông Dương. Một thái độ như vậy làm cho chúng ta xích gần lại với quan điểm của người Anh đối với Miến Diện. Chính là trong những điều kiện ấy mà ông có thể mở những cuộc thương thuyết với các đảng phái chính trị. Tất cả mọi người đều phải biết rằng chính phủ mới của Đông Dương nhất thiết phải hoàn toàn tự do để đảm nhiệm công cuộc tái thiết trong những năm đầu thực hiện đường lối chính trị của mình.
“Tôi không thấy có gì trở ngại trong việc ông đặt quan hệ với Đảng Cộng sản... Nhìn chung, đối diện với những người Cộng sản. Vì vậy cho đến khi nào có tin tức đầy đủ hơn, tôi yêu cầu ông đối với họ chỉ nên cam kết những điều hết sức hãn hữu và thông báo ngay cho tôi biết. Với những điều kiện như trên, ông có thể thực hiện một sự ủy quyền cho các đảng phái cách mạng trong trường hợp họ có một quyền hành chắc chắn tại vùng này hay vùng kia. Ông cũng có thể gửi cho họ vũ khí, tiền nong và tạo cho họ những thuận lợi. Đối lại, họ phải có sự cam kết chỉ giúp đỡ cho những người Pháp kháng chiến và tuyệt đối không tiếp tay cho bất cứ một nhà chức trách nào khác của Pháp hay của nước ngoài. Ông phải bảo đảm có phương tiện để bắt buộc họ phải tôn trọng điều cam kết đó”....
Bức thông điệp này đến ngày 3/7 mới được chuyển qua Côn Minh trong khi Sainteny trước sự phát triển hoạt động của Phái đoàn 5 và những khó khăn ngày càng chồng chất trong quan hệ với phía người Trung Hoa và người Mỹ, đang sửa soạn đi Paris, ông ta hy vọng có thể thuyết phục các nhà đương cục chịu trách nhiệm vấn đề Đông Dương về sự cần thiết phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó với những sự kiện trọng đại trong một tương lai sát sườn. Ông ta rời Côn Minh ngày 7/7.
Ngày 30/6, từ khu căn cứ địa Việt Bắc của mình, ông Hồ Chí Minh tiếp xúc với một nhân viên của mạng lưới Anh - Mỹ, Gordon, vừa đồng ý cho phép được nhảy dù xuống tại Đại bản doanh của mình, một phái đoàn quân sự Mỹ OSS/AGAS[17] nhằm chuẩn bị một chiến dịch chung trong khu vực phía Đông-Bắc Hà Nội.
Đến Paris ngày 13/7, Sainteny nhận xét thấy người ta hoàn toàn chẳng quan tâm gì đến vấn đề Đông Dương, trừ một vài người có trách nhiệm như đại tá Passy, các ông Pleven, De Langlade, Laurentie và tại Bộ Tham mưu thiếu tá hải quân Barjot. Tại Paris thì những công việc nội vụ, và về ngoại giao thì những mối quan hệ với nước Anh, với Hoa Kỳ hoặc với Liên Xô (về vấn đề nước Đức và Địa Trung Hải) được đặt lên hàng đầu mọi sự. Sainteny không gặp được De Gaulle; ông ta quá bận.
Trở về Côn Minh ngày 31/7, ông tỏ ra chán nản, nhưng rồi ông lại chuẩn bị cho một giai đoạn hoạt động mà ông cảm thấy là mang tính chất quyết định. Ngày 26/7 tại Paris, ông ta đã được đại úy hải quân Barjot cho biết rằng tại Hội nghị Potsdam, các tham mưu trưởng Anh và Mỹ đã thuyết phục được Churchill và Truman chấp nhận chia Đông Dương ra làm hai khu vực hoạt động quân sự; như vậy là ngay sau khi Nhật đầu hàng quân Trung Quốc sẽ kéo vào miền Bắc và quân Anh vào miền Nam.
Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) - Philippe Devillers Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947)