Books are a uniquely portable magic.

Stephen King

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 114
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1809 / 68
Cập nhật: 2016-06-04 02:27:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6: Liên Bang Đông Dương
ông Dương trong các lãnh thổ của đế quốc là một lãnh thổ trên đó chính quyền Pháp được thiết lập bằng những hiệp ước ký với những quốc gia dân tộc có một lịch sử lâu đời. Các vua chúa địa phương (Campuchia, Annam, Luang Prabang) đã nhận nền bảo hộ của Pháp, thường là sau khi đã phải cắt nhượng cho Pháp một phần lãnh thổ của họ. Đó là trường hợp của nước Annam đã phải bỏ, đầu tiên là Nam Kỳ (1862-1867), rồi đến ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng (1888). Cái việc vì lý do hành chính và tài chính mà Pháp đã sát nhập, không thèm hỏi ý kiến họ, tất cả các “nước” ấy lại với nhau (thuộc địa và bảo hộ) trong một “Liên bang Đông Dương” đã góp phần tạo nên giữa một bên là dư luận Pháp và một bên là các vua chúa cùng nhân dân Đông Dương, một bức màn ngăn cách. Ở Pháp, người ta quen chỉ nói đến Đông Dương mà không tìm hiểu cái từ ấy che đậy nội dung gì. Nếu như về mặt pháp lý, những hiệp ước ký kết những năm 1863, 1874, 1884 và 1893, với các nước được bảo bộ vẫn là cơ sở những quan hệ của họ với nước Pháp thì những truyền thống và những nguyện vọng của mỗi dân tộc đó vẫn giữ một tính chất đặc thù. Cuộc triển lãm thuộc địa năm 1931 đã chứng minh điều đó. Đặc biệt người ta không thể không biết rằng người Annam - như người ta thường gọi họ lúc bấy giờ - chiếm đa số tuyệt đối trong dân cư Đông Dương, rằng họ thông minh, cương nghị và chăm chỉ làm việc; thừa kế một lịch sử lâu dài, thành viên một nền văn minh căn bản mang dấu ấn của ảnh hưởng Trung Quốc, thật khó mà nghĩ rằng họ có thể chịu khuôn mình mãi mãi trong cái gông của một Liên bang Đông Dương nằm dưới sự thống trị của một dân tộc da trắng ở cách xa họ 10.000 km. Đó chỉ là cái lương tri thông thường.
Hơn nữa, mặc dù những lời lẽ tuyên truyền che giấu sự thật, cũng không nên quên rằng, nếu như nước Pháp đã dùng ngoại giao để đặt nền đô hộ của nó một cách hòa bình lên Campuchia và các vương quốc Lào (cứu các nước này khỏi sự thôn tính của nước Xiêm), thì chính là bằng bạo lực và duy nhất bằng bạo lực mà nước Pháp đế quốc và cộng hòa cuối cùng đã chinh phục Việt Nam. Và để đạt tới, nó đã phải tiến hành hai cuộc chiến lâu dài và đẫm máu trước tiên là ở miền Nam (1859-1867), rồi sau ở miền Trung và miền Bắc (1882-1895).
Kết thúc hai cuộc chiến tranh được tiến hành với những phương tiện hiện đại hơn hẳn so với những phương tiện của cuộc kháng chiến dân tộc, Việt Nam đã bị bẻ gãy: nó bị chia cắt làm ba phần gần như tương đương với ba miền lớn của nó (kỳ), người Pháp gọi là Cochinchine (Nam Kỳ) - thiết lập thành thuộc địa Pháp năm 1864, Tonkin (Bắc Kỳ) - về lý thuyết là xứ bảo hộ, thực tế là thuộc địa và Annam (Trung Kỳ), miền đất nghèo nhất, đặt dưới chế độ bảo hộ. Ông vua chính thống đã bị truất ngôi và sau khi bị bắt năm 1888 thì bị đi đày tại Algérie. Tầng lớp lãnh đạo, tức tầng lớp sĩ phu, thì bị chiến tranh và đàn áp tàn sát hàng loạt; đồng ruộng bị phá tan hoang. Nhưng dân chúng không hề mất tinh thần và những người yêu nước không bao giờ buông hy vọng; họ chờ đợi một thời cơ thuận tiện để giành lại tự do và khôi phục độc lập đất nước.
Một thời gian dài lo ngại - do chiến tranh du kích kéo dài - cuối cùng người Pháp tự trấn an và nhận xét rằng người Việt Nam đã hết khả năng thực hiện một cuộc nổi dậy nguy hiểm. Trung thành với quan niệm họ tự tạo cho mình về đế quốc và về sứ mệnh khai hóa văn minh của nó, nước Pháp ngay trước cuộc thế giới chiến tranh 1914-1918 đã “chọn” cái phương châm “không biết đến chủ nghĩa dân tộc”. Nó chỉ muốn nhìn thấy phong trào chống đối chính quyền của nó là một sự “phiến động bài Pháp” của những phần tử lạc hậu, lạc đường hoặc có tính chất lật đổ mà cuối cùng - theo như người ta nghĩ - sẽ trở lại “biết điều” mà thôi.
Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) - Philippe Devillers Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947)