Thất bại đến với ta không phải làm ta buồn mà giúp ta thêm tỉnh táo, không làm ta hối tiếc mà khiến ta trở nên sáng suốt.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 114
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1809 / 68
Cập nhật: 2016-06-04 02:27:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Nhận Thức Muộn Màng Về Một Cuộc Chiến Tranh
iá có một sự hiểu biết nhau tốt hơn giữa người Việt Nam và người Pháp ngay sau đại chiến thế giới thì đã có thể tránh được những sự biến tai ác đang giằng xé đất nước Ngài hôm nay”.
Thư của Charles de Gaulle gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, 8/2/1966.
Hơn 40 năm nay, nước Việt Nam vẫn kéo dài cái cảnh tượng nghèo nàn và đổ nát. Chiến tranh đã diễn ra liên tục, bởi cuộc chiến tranh giải phóng ở đây mang hình thái tương tự một cuộc nội chiến. Các gia đình đã bị phân chia, ly tán; thay vào sự thuận hòa theo tư tưởng Nho giáo, là những hận thù và hiềm khích một mất, một còn. Đó là một đất nước mà nhiều người muốn tránh đi... Không còn nghi ngờ gì nữa, Việt Nam là một trong những tấn bi kịch lớn của thế kỷ XX.
Điều đó có thật sự là không thể nào tránh được hay không? Đã có bao giờ người ta xác định những nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng này chưa?
Người ta nói: Tất cả đều xuất phát từ cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, từ cuộc xâm lăng và chiếm đóng của quân đội Nhật, từ cuộc bao vây và những cuộc oanh tạc của phe đồng minh. Nhưng những nước như Philippine, Malaysia, và gần chúng ta hơn, như nước Bỉ hay Hòa Lan, phải đâu đã không trải qua những số phận tồi tệ hơn Việt Nam nhiều trong những năm 1939-1945? Vậy nhưng hậu quả chiến tranh tại những nước này không đến nỗi kéo dài như thế.
Tại Đông Dương, những di hại có tính chất chính trị - ngoại giao của cuộc đại chiến thế giới đã được nhanh chóng vượt qua, và vượt qua một cách choáng mắt là khác. Ngay từ tháng 3/1946, nước Pháp đã phục hồi nền thống trị của mình trên những thuộc địa cũ ở châu Á và ký một hiệp định được đánh giá là có mang nhiều hứa hẹn với Chính phủ Quốc gia Hà Nội. Trong khi nước Anh, nước Hòa Lan và cả nước Hoa Kỳ cũng chưa có thể tiến tới một bước tiến bộ như vậy ngay đối với dân mình. Có nghĩa là cái bất hạnh của Việt Nam chỉ là hậu quả rất gián tiếp của những hành vi của quân Nhật, quân Trung Hoa hoặc quân Mỹ trong thời gian từ 1940-1945. Chính là sau khi đã được đặt lại “sợi dây xiềng” của Pháp thì cuộc chiến tranh mới nổ ra, khi đó chỉ còn lại hai bên, người Pháp và người Việt Nam gặp lại nhau, đương đầu với nhau.
Nguyên nhân chính xác của cuộc chiến tranh vẫn bị giấu kín. Và quả là như thế. Ở Sài Gòn cũng như ở Paris, người ta chỉ “hăm hở” tố cáo Việt Minh gây hấn trong ngày 19/12/1946. Nhưng hồi đó, và cả bây giờ, có thể nào quan niệm được rằng: sau hội nghị Fontainebleau với triển vọng đầy hứa hẹn của nó và trước sự diễn biến chính trị của nước Pháp lúc giờ, ông Hồ Chí Minh có thể gây hấn cho đành? Trong sự kiện này, có một cái gì đó hơn cả kỳ quặc nữa kia, nhất là khi luận điệu ấy đã được các phương tiện truyền thông và dư luận tiếp nhận, “đớp” luôn, theo cách nói ngày nay.
Câu hỏi này, bốn mươi năm nay, đã đằng đẵng theo hoài tác giả.
Ngay từ tháng 9/1945, được ông Giám đốc, đồng thời là người sáng lập của tờ báo Le Monde, Hubert Beuve-Méry, giao trách nhiệm điều tra về vấn đề Việt Nam, tác giả đã làm những gì có thể làm được với cương vị rất khiêm tốn của mình ở Sài Gòn, nhằm khơi ra được những manh mối chính trị rất phức tạp liên quan đến vấn đề này và thông tin lại cho độc giả tờ báo. Tác giả đã sống trong không khí của tấn bi kịch ấy và đã có dịp tiếp xúc từ những năm 1945-1946 và từ đó đến nay - với những nhân vật nhiều vô kể đã từng đóng một vai trong tấn bi kịch nói trên. Sau một đợt điều tra đầu “lần mò ở chốn hậu cung điện Matignon[5] tác giả đã xuất bản một cuốn “Lịch sử Việt Nam từ 1940-1952”, trong đó tác giả đã cung cấp được cho độc giả cái kết cấu cơ bản của cuộc chiến tranh. Có thể sau cuốn sách ấy, một số văn bản chính thức nói về những sự kiện trước đấy đã bị phơi bày tính chất lừa bịp của nó ra và không ai còn chấp nhận được nữa.
Tuy nhiên, lúc bấy giờ, không thể nào đi thêm một bước nữa mà không gặp nguy cơ bị nghiến nát một cách vô ích. Đành cứ phải như Simon Wiesenthal, tiếp tục cuộc điều tra, tìm kiếm cho ra những người chịu trách nhiệm “về tội gây chiến tranh”. Cuộc săn lùng tài liệu và bằng chứng vẫn tiếp tục tiến hành không ngừng lúc nào, tuy rằng có lúc phải dừng lại một thời gian dài chờ đợi.
Ba mươi năm sau, những cái lưỡi vẫn hoàn toàn im lặng, những cái miệng vẫn không hé mở chút nào, nhưng mà các cục lưu trữ đã mở ra: Lưu trữ của Cục Lịch sử Lục quân tại Vincennes trước tiên, rồi của Bộ Pháp quốc Hải ngoại (ở đường Oudinot, Paris và ở Aix-en-Provence), của Phủ Thủ tướng, và sau cùng là của Bộ Ngoại giao; đó là chưa kể việc người ta cho phép những kẻ đi tìm kiếm những giấy tờ bút tích cá nhân có tầm quan trọng hàng đầu, được vào cả những phòng lưu trữ riêng của các ông Moutet, de Laurentie, Bidault, Mandès France, Leclerc, Sainteny và nhiều phòng lưu trữ khác[6].
Như vậy là bằng sự nhẫn nại và thận trọng một cách tỉ mỉ, lịch sử đã có thể tái hiện được gần như đầy đủ hoàn toàn, chẳng khác gì một công trình phục chế đồ sộ, nhờ có những mối liên quan qua lại giữa các kho lưu trữ, qua hàng ngàn tài liệu, hàng trăm tập hồ sơ. Không một kho nào lưu trữ được toàn bộ hoặc một phần lớn tài liệu. Mỗi bộ chỉ có một cái nhìn phiến diện về tấn bi kịch lớn ấy, và chỉ có một công trình tìm tòi kiên trì, bất chấp mọi trở ngại, từ bốn mươi năm nay mới cho phép có được một cái nhìn tổng quát về sự kiện, hiểu được những manh mối thực sự của nó và thực hiện được những sự tiếp cận cần thiết.
Các tư liệu lưu trữ đã khẳng định những điều xấu xa nhất mà người ta đã giả thiết. Nó bóc trần ra một trong những trường hợp kỳ quặc nhất của chính sách thông tin xuyên tạc và cả chính sách dối trá nữa của thời đại hiện nay, dẫn đến những hậu quả chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế và xã hội không thể nào lường hết được, nhưng chắc chắn là nhiều và tai hại vô cùng. Nó cũng chứng minh một điều là các phương tiện thông tin đã chịu một trách nhiệm nặng nề đáng sợ khi mà, ngay giữa một chế độ dân chủ, nó đã không tìm cách làm sáng tỏ cái nguyên nhân của một sự kiện tự nó đã là một tấn bi kịch quốc gia rồi và đã làm nên bao nhiêu nạn nhân.
Các tư liệu lưu trữ đã chứng minh cuộc chiến tranh Đông Dương đã xảy ra như thế nào. Không phải do ngẫu nhiên, mà do tội lỗi, do sự “vụng về” hoặc “tính toán sai” của một vài người mà sự xảo trá hai mặt và cái nhãn quan “cận thị” chưa hề có trong lịch sử nước Pháp. Một cánh nhỏ những quan chức và nhà quân sự cao cấp Pháp đã châm ngòi cho cuộc chiến tranh giữa nước Việt Nam và nước Pháp chỉ đơn giản vì họ không đồng tình với chính sách của chính phủ họ, và đặc biệt vì họ muốn đặt ông Léon Blum và đảng Xã hội trước “một việc đã rồi” trước khi bắt đầu nền Đệ Tứ Cộng hòa. Một “cuộc đảo chính không thành” (của Pháp!) đã được biến dạng thành cuộc “tấn công của Việt Minh”, cho phép thực hiện cuộc “trả đũa”, thực tế là một “hành động vũ lực” đã được mưu tính từ nhiều tháng nay; thất bại, nó đã biến tướng thành một cuộc chiến tranh dai dẳng mà chính những kẻ gây ra đã làm đủ mọi cách để ngăn cản sự chấm dứt.
Ba vạn người Pháp chết; một số nhiều vô kể người Việt Nam là nạn nhân; một đất nước bị tàn phá, đổ nát mà rồi ngay sau đó quân Mỹ và đồng minh của Mỹ đã vội vàng xông vào tiếp tục tàn phá đến tan hoang. Nước Pháp, nhân dân Pháp có chịu trách nhiệm về những vị “thủ lĩnh quân đội đánh thuê rêu rao là chúng hành động nhân danh nước Pháp và nhân dân Pháp” hay không? Độc giả sẽ phán xét. Nhưng “kẻ nào không lớn tiếng gào lên sự thật khi mình biết rõ sự thật là đã đồng tình với bọn nói dối và bọn giả mạo”. Péguy đã viết như vậy, trong dịp khai trương “Những cuốn sách bán nguyệt san”. Cho nên, về phần liên quan đến mình, tác giả đã nhận thấy cần thiết phải “giao nộp” lại ở đây, câu chuyện nói trên, đã được làm sáng tỏ và viết lại trên cơ sở những văn bản gốc chân xác và có thể kiểm nghiệm được, để lịch sử minh oan cho sự thật.
Đây là một trong những điều bí mật lớn nhất và nặng nề nhất của lịch sử nước Pháp hiện đại mà những kho lưu trữ mới mở cửa không lâu vừa mới tiết lộ.
Ngày 19/8/1987
Philippe Devillers
Những ký hiệu và chữ viết tắt có trong cuốn sách này:
— BEDOC: Phòng Điều tra Liên bang
— CFLN: Ủy ban Giải phóng Dân tộc Pháp
— CABINFOR: Phòng Thông tin Cao ủy, Sài Gòn
— CED: Cộng đồng Quốc phòng châu Âu
— COMININDO: Ủy ban Liên bộ Đông Dương
— COMREP: Ủy viên Cộng hòa
— CORORIENT: Bộ chỉ huy tối cao của đội quân viễn chinh tại Viễn Đông
— DGER: Cơ quan Tổng Chỉ đạo Nghiên cứu và Tìm tòi
— EMGDN: Bộ Tổng Tham mưu Quốc phòng
— FOM: Bộ Pháp quốc Hải ngoại
— GPRF: Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp
— GRA: Chính phủ Cách mạng Việt Nam
— HAUSSAIRE: Cao ủy (Pháp)
— MRP: Phong trào Cộng hòa Bình dân
— OSS: Office of Strategic Services (Cơ quan Cục Chiến lược)
— PCI: Đảng Cộng sản Đông Dương
— RDVN: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
— SDECE: Cơ quan điều tra ngoại vụ và phản gián
— SEHAN: Cơ quan nghiên cứu lịch sử Hà Nội
— SFIO: Bộ phận Quốc tế Lao động Pháp
— SLFEO: Ban Liên lạc Pháp tại Viễn Đông
— SR: Sở tình báo
— TFIN: Lực lượng quân sự Pháp ở phía Bắc
— TỰ VỆ: Đội quân tự vệ Việt Nam
— VNQDĐ: Việt Nam Quốc dân Đảng
Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) - Philippe Devillers Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947)