Những gì làm bạn đau khổ sẽ dạy bạn nhiều điều.

Benjamin Franklin

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 114
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1809 / 68
Cập nhật: 2016-06-04 02:27:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Lời Tựa (Cho Lần Xuất Bản Thứ Nhất)
ăn khoăn giữa một bên là ý thức tôn trọng sự thật và một bên là những tình cảm yêu nước thúc đẩy mình phải đồng tâm nhất trí với đồng bào, một nhà sử học Pháp làm sao có thể phân tích được một cách khách quan và sâu sắc một cuộc chiến tranh đã đối lập, từ 1945 đến 1954, hai đất nước mà với mình đều rất thân yêu, là nước Pháp và nước Việt Nam.
Độc giả sẽ là người phán xử.
Mặc dầu trải qua một quá khứ nặng nề được đánh dấu bởi một cuộc chinh phục tàn nhẫn, rồi sau đó là một nền thống trị thực dân, hai dân tộc chúng ta, mà số phận đã đi ngược chiều nhau như vậy, vẫn có một vài lý do chính đáng để tin rằng chúng ta vẫn có những điểm rất tương đồng và mối quan hệ giữa hai bên một ngày kia có thể là mối quan hệ có nhiều chất lượng. Sau cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, đã xuất hiện một cơ hội rất thuận lợi cho một sự khởi đầu mới, vì nước Pháp vừa tự giải phóng khỏi ách xâm lược Đức chắc chắn có thể hiểu đúng đắn hơn nguyện vọng tự do và độc lập lúc này đang làm sôi động cả dân tộc Việt Nam.
Năm 1946, chúng ta suýt nữa đã hiểu nhau và thỏa thuận được với nhau. Chỉ cần một chút nữa thôi là chúng ta đã có thể có được không phải một “thỏa hiệp” hay một “tạm ước” mà văn bản một sự liên kết, hơn thế nữa, một sự đồng minh giữa hai dân tộc tự hào và tự do, trong khuôn khổ một tổng thể mà hai bên sẽ cùng nhau quy định. Lỡ mất bao nhiêu cơ hội tốt. Độc giả sẽ không quên nêu lên những cơ hội bị bỏ lỡ đó: tháng 8, tháng 9, tháng 12/1945, tháng 3-4 rồi tháng 9-1946. Sự thỏa thuận đã ở ngang tầm tay rồi, bởi vì những điểm bất đồng lúc đó nếu ta lùi lại một chút trong thời gian mà nhìn, thì về căn bản hoàn toàn không đáng kể. Sau cuộc nổ bùng cuối 1946 mà khâu ráp lại thì khó khăn hơn nhiều, có thể nói là bất khả; nhưng những cơ hội khác để ngăn cản cuộc chiến tranh xảy ra đã bị mất đi, đó là chưa kể cơ hội để nối lại quan hệ đôi bên vào cuối năm 1954.
Chính là vào tháng 11/1945 bắt đầu mối quan hệ cá nhân tôi với nước Việt Nam, một đất nước mà dù đã 25 tuổi tròn thực tế tôi chưa hề hiểu biết gì về nó cả. Phải mất vài tháng tôi mới bắt đầu tìm hiểu được phong cảnh (sông núi, ruộng đồng), những con người và nguyện vọng của họ. Quả đây là một “tiếng sét” có tác dụng thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi. Nhưng chỉ dần dần tôi mới hiểu được lịch sử của nó và những gốc rễ của cuộc chiến tranh đã một lần nữa đối lập hai nước chúng ta và chỉ có thể hiểu đúng một khi nó được đặt lại vào một hướng nhìn thông suốt.
Tôi về Pháp được ít lâu thì chiến tranh xảy ra. Từ đó, tôi luôn luôn tìm cách làm sáng tỏ những nguyên nhân nào đã dẫn chúng ta, người Pháp và người Việt Nam, đến cuộc chiến tranh ngay giữa thế kỷ XX này và sau những cuộc hội đàm đầy hứa hẹn như vậy.
Tôi đã may mắn có mặt tại Việt Nam trong cái năm thắt nút của tấn bi kịch và ở những chức vị cho phép người ta có được một cái nhìn tổng quát và những thông tin từ mọi nguồn quy về. Đến Sài Gòn với tướng Leclerc và nhóm cộng sự của ông mà thiện chí hòa bình thực tình là gương mẫu, tôi đã tiếp thu được cái phương pháp và cái tính hợp lý trong cách họ hành động và kết luận: đối với cả hai bên, hòa bình là giả thiết duy nhất có giá trị. Tất cả những điều đã được nói lên tại cuộc Hội nghị Đà Lạt lần thứ nhất ngay sau Hiệp định mồng 6 tháng 3/1946, đã chứng minh khả năng thực tế của một sự thỏa hiệp, miễn là hai bên đều chứng tỏ thiện chí và hiểu biết của mình, dĩ nhiên, nhưng trước tiên là có óc thực tế và cái nhìn khoáng đạt về tương lai. Và nếu Fontainebleau không cụ thể hóa được những niềm hy vọng ấy thì đó là do những nguyên nhân riêng của người Pháp: lúc này điều lo lắng mang tính chất duy lý của họ là phải hoàn thành trước tiên trên giấy trắng mựe đen, một lâu đài hoàn hảo về mặt pháp lý đã, lâu đài đó là Liên hiệp Pháp. Nhưng một khi chân trời phía đó đã sáng sủa lên rồi thì phải nối lại những cuộc đàm phán chỉ tạm ngừng, vào tháng giêng năm 1947.
Chẳng bao lâu sau đã xảy ra những sự kiện Hải Phòng (tháng 11), rồi Hà Nội (tháng 12). Thế là chiến tranh, và chiến tranh bảy năm ròng. Tại sao?
Tại sao Việt Minh đã tấn công ngày 19 tháng 12? Tại sao quân Pháp đã chuẩn bị một cuộc “đảo chính”? Tại sao họ đã tạo điều kiện cho Việt Minh tấn công mình để họ có thể trả đũa một cách quyết định? Trong lịch sử ngắn ngủi của nền Đệ tứ Cộng hòa, ít có vấn đề nào đè nặng lên hơn là vấn đề chiến tranh Đông Dương. Cuộc xung đột nẩy sinh từ trong tình huống lập lờ hai mặt và đã hoàn toàn có khả năng tránh được, đã phát triển lên sau 1946 như một bệnh ung thư gặm mòn dần cơ thể của nước Pháp đang trong thời kỳ dưỡng bệnh.
Về mặt tài chính, nước Pháp đã ngốn vào đó số tiền tương đương với số tiền Hoa Kỳ viện trợ cho nó (trong khuôn khổ Kế hoạch Marshall) và do đó mà ngay tức thời bị chậm trễ so với các nước láng giềng châu Âu của mình. Nó đã bị thiệt hại nặng nề về người, về của và cuộc sống chính trị của nó đã bị đầu độc vì những vụ “xcăngđan” vang dội gắn liền với cuộc chiến tranh này. Sau đó nền Đệ tứ Cộng hòa đã không hồi phục nổi.
Đối với người Pháp, cần phải biết rõ ai là người phải chịu trách nhiệm gây ra tai họa này. Kể cả dù khi cuộc tấn công của tự vệ quân ở Hà Nội có là một sai lầm khủng khiếp của Việt Nam đi chăng nữa, thì đó đâu phải là một trong những hành động vô phương cứu chữa dẫn đến sự cắt đứt hoàn toàn các quan hệ ngoại giao giữa hai dân tộc chúng ta? Từ đó, người ta còn thấy những cuộc tấn công khác. Thế nhưng toàn bộ cuộc chiến tranh lại được trình bày như một sự “trả đũa lại một cuộc tấn công quỷ quyệt của Việt Minh” và cuộc trả đũa đó đã được tiến hành một cách thích đáng. Vậy mà, mặc dù ngay từ đầu, người ta đã thấy lời giải thích chính thức này quả đáng nghi ngờ, nó vẫn cứ được giới chính trị và dư luận công chúng chấp nhận chẳng gặp chút gì gọi là khó khăn.
Những điều nghi ngờ mà tôi đã phát biểu về cuộc chiến tranh ngay từ 1947 đến năm 1953 đã biến thành “giả thuyết nghiên cứu”. Tôi tự hứa với mình sẽ thu xếp sao cho mình đừng vội chết trước khi rọi được ánh sáng vào cái năm 1946 ấy. Tôi đã phải đợi chờ rất lâu ngày mở cửa các kho lưu trữ công cộng của nước Pháp và một vài bộ sưu tập giấy tờ ghi chép của tư nhân để tiếp tục cuộc tìm tòi tra cứu của tôi. Nhưng từ hàng ngàn tư liệu tôi tham khảo, tản mạn trong nhiều kho sách và từ hàng trăm bộ hồ sơ, cũng không thể làm bật ra được sự thật của lịch sử nếu cái trí nhớ của một chứng nhân nho nhỏ là tôi lúc đó không mang đến cho một sợi dây dẫn điện, một thứ trực giác nào đó về cái thực chất màn kịch mà các diễn viên đã đóng trước đây. Thực tình, sự đối chứng nhiều nguồn như vậy chỉ có thể thực hiện được bởi một người đã từng sống qua toàn bộ sự việc từ bên trong của nó. Và cứ thế, một cách kiên trì và nhẫn nại, lịch sử đã được tái hiện lên gần như trọn vẹn, ít ra về phía Pháp. Độc giả sẽ thấy được liên kết lại trong một bản tường thuật những văn bản thiết yếu biểu hiện chính sách của nước Pháp tại Việt Nam và khẳng định giả thuyết nghiên cứu của tôi là đúng; đó là: cái bộ ba D’Argenlieu - Pignon - Valluy sau khi đã cân nhắc đắn đo kỹ lưỡng, đã cố tình gây ra cuộc xung đột nhằm loại bỏ ông Hồ Chí Minh và Việt Minh trước khi nối tiếp lại những cuộc đàm phán đã dự định; vì họ sợ kết quả sẽ “tồi tệ” hơn nữa: sợ Chính phủ Pháp bỏ Đông Dương.
Và kết quả là chiến tranh, cuộc chiến tranh Đông Dương của Pháp (7 năm), rồi đến cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ (13 năm), bởi vì Washington và phương Tây đã chấp nhận quan điểm của Pháp. Trường hợp bất thường về việc thông tin bị xuyên tạc ấy cũng là một trong những trường hợp mang lại những hậu quả nghiêm trọng bậc nhất.
Quá khứ là quá khứ và vẫn mãi mãi là quá khứ; nhưng người ta không thể không biết đến nó, cũng không thể quên nó hoặc che giấu nó được.
Ngày nay trên toàn thế giới cái “nhiệm vụ nhớ lại” được coi như là một đòi hỏi cấp bách. Và phải viết để cho các dân tộc và để tránh đừng để cho những bản “in thử”, từ thế hệ này qua thế hệ khác bị chìm đi trong quên lãng. Trong hoàn cảnh này, điều tôi quan tâm chỉ là làm sáng tỏ sự thực dù rằng đối với một số người nó không lấy gì làm mát dạ và êm tai cho lắm. Phải làm sao để nhờ những tài liệu đích xác và chân thực mà, người Pháp và cả những người khác nữa cùng hiểu được “sự việc đã xảy ra như thế nào”, và xác định đúng những ai giữa chúng ta đã biết nhìn sáng suốt và những ai đã dẫn nước Pháp đi vào con đường tai họa.
Một bản tường thuật như vậy liệu có đánh thức dậy trở lại những con quỷ dữ và những mối hận thù xưa chăng? Độc giả hẳn đã thừa biết rằng trong chính trị chẳng có điều gì là giản đơn và trước tiên là nên thận trọng, đừng khái quát hóa. Trong bất cứ cộng đồng nào cũng đều song song tồn tại những con người ưu tiên dùng đối thoại, thảo luận, thỏa thuận và những kẻ thiên về dùng sức mạnh để giải quyết nói chung mọi vấn đề. (“Quyền lực ở đầu mũi súng” - có người nào đó đã nói như vậy).
Ngay từ cuối năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu nhân dân Việt Nam phải tập phân biệt giữa những người Pháp: một bên là thực dân đế quốc và một bên là những người dân chủ tin tưởng một cách chân thành vào các giá trị của tự do, công bằng, bác ái và hành động đi đôi với lòng tin. Người ta biết sự quý trọng của Hồ Chủ tịch đối với tướng Leclerc và không bao giờ Người nghi ngờ đến tấm lòng chân thực của ông. Nhưng giữa năm 1946, ngay lúc tình hình đang căng thẳng, làm sao người ta có thể thực hiện được sự phân biệt nói trên?
Vả lại thời kỳ đó Việt Minh đang gợi lên cho người Pháp một hình ảnh như thế nào về nước Việt Nam?
Bất hạnh đã đến, không phải do “nước Pháp”, mà do một nhóm nhỏ khá xảo quyệt hành động trong “bóng tối và bí mật” và không được kiểm soát cẩn thận. Sau đó, Chính phủ Pháp không muốn lên án chúng nên đã thi hành trong nhiều năm, vẫn trong bí mật, một chính sách mà lịch sử ngày nay lên án. Nhưng trong thực tế, dư luận công chúng Pháp, do thiếu phương tiện truyền thông mà chưa bao giờ được thông tin đầy đủ về những dữ kiện có thực của vấn đề Việt Nam, đã bị lừa phỉnh và bị uốn nắn một cách có hệ thống; chỉ đến khi thất bại đã gần kề rồi nó mới được thức tỉnh đôi chút.
Bóng tối của quá khứ không nên đầu độc cuộc sống. Giữa người Pháp và người Việt Nam, xưa kia là thù địch của nhau, vẫn có một tương lai cho tình hữu nghị và cho những cuộc trao đổi về mọi mặt, kể cả sự hợp tác. Không lẽ hai dân tộc lại cứ phải trả giá vô thời hạn cho những lỗi lầm của một vài người cách đây nửa thế kỷ hay sao?
Nhưng mà tương lai chỉ có thể xây dựng trên cơ sở sự thật. Để chúng ta có thể đi một cách lành mạnh, thẳng thắn và không có ẩn ý, vào những cuộc trao đổi có hiệu quả, cả hai bên chúng ta cần phải hiểu biết kỹ càng lịch sử các mối quan hệ bang giao của chúng ta và, muốn làm được như vậy, phải khắc phục những nỗi ân hận đắng cay, nhận lấy không tránh né những trách nhiệm đối với nhau.
Lịch sử chân thực là kết quả của một sự đối thoại. Cuốn sách này giới thiệu với nhân dân Việt Nam bản “thuật lại bằng tiếng Pháp có sửa chữa” về những căn nguyên của cuộc chiến tranh của chúng ta. Giờ đây là lúc các nhà sử học Việt Nam - mà tôi chân tình cảm ơn đã có sáng kiến dịch và xuất bản cuốn sách này - có nhiệm vụ đóng góp phần mình vào để cho chân lý được biểu hiện một cách hoàn toàn trọn vẹn.
Chúng ta, những nhà sử học, ai cũng phải “xứng đáng với lòng tin cậy” của nhân dân, và giúp đỡ nhân dân làm cái “nhiệm vụ nhớ lại” của mình, để hiểu rõ cha ông ta đã sống như thế nào, nhưng cũng để hiểu thêm lịch sử, những động cơ, những quan điểm của người khác nữa.
Ngày 16 tháng 7 năm 1993
Ph. Devillers[1]
Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) - Philippe Devillers Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947)