Nên coi những thất bại trong quá khứ là động cơ để hành động, chứ không phải lấy đó làm lý do để bỏ cuộc.

Charles J. Given

 
 
 
 
 
Tác giả: Asne Seierstad
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Bookseller Of Kabul
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2033 / 51
Cập nhật: 2015-11-23 23:45:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Mùi Bụi
ơi nước bay chập chờn quanh những thân người trần truồng. Những bàn tay di chuyển nhanh và nhịp nhàng. Những tia nắng mặt trời xuyên qua hai cửa sổ trên trần và tỏa hào quang sáng đẹp trên những mông, vú và đùi. Lúc đầu, trong hơi nóng của căn phòng, chỉ có thể nhìn thấy các thân hình người. Các khuôn mặt trông có vẻ rất tập trung. Cứ như chẳng có gì thích thú, mà là lao động nặng nhọc.
Trong hai gian phòng lớn, những người phụ nữ ngồi hay đứng và tự kỳ cọ, kỳ cọ lẫn cho nhau hay kỳ cọ cho con họ. Một số người còn giữ được các đường tròn tựa các cô gái trong tranh Rubens, một số người khác xương đã nhô ra, gầy như một sợi dây. Đeo những bao tay lớn bằng sợi gai, do chính họ làm, họ cọ lưng, tay, chân cho nhau. Họ tẩy những chỗ da cứng ở gan bàn chân bằng những miếng đá bọt. Những người mẹ cọ cho các cô con gái sắp đi lấy chồng, vừa chăm chú quan sát thân hình con. Chẳng bao lâu nữa, những cô bé có những đôi vú nhọn này sẽ trở thành mẹ và sẽ cho con bú. Trên làn da còn mỏng tang của những cô gái mới lớn kéo dài những đường rạn, là dấu vết những cuộc sinh nở ở tuổi cơ thể các cô còn chưa phát triển hết. Hầu hết phụ nữ đều có da bụng nứt rạn vì đẻ sớm và đẻ nhiều.
Bọn trẻ con la hét chói tai, vì sợ hay vì vui sướng. Những đứa được kỳ cọ và tắm rửa đùa nghịch trong các chậu nước. Những đứa khác thì kêu lên vì đau và vùng vẫy như những con cá mắc lưới. ở đây không có miếng che để ngăn cho mắt khỏi bị vào xà phòng. Các bà mẹ dùng găng tay bằng sợi gai xát vào thân thể những đứa con đen xỉn vì cáu ghét cho đến lúc da chúng đỏ hồng lên. Tắm rửa ở đây là cả một cuộc chiến đấu trong đó bọn trẻ con sa vào những bàn tay rắn chắc của mẹ chúng phải chịu thua trận.
Leila tẩy cáu ghét và lớp da đã chết trên cơ thể mình. Từng mảng lớn rời ra, rơi vào trong chiếc găng hay rơi xuống đất. Đã nhiều tuần Leila chưa tắm rửa cho tử tế và lần đến nhà tắm hơi trước của cô cách đây đã nhiều tháng. ở nhà, rất hiếm nước và Leila chẳng thấy có lý do gì để tắm cho nhiều, bởi vì thế nào rồi thì cũng bẩn lại thôi.
Lần này cô theo mẹ và các chị em họ đến nhà tắm hơi. Là những cô gái độc thân, họ hết sức e thẹn và vẫn mặc quần đùi và xu chiêng. Chiếc găng bằng sợi gai tránh các chỗ đó, nhưng tay, đùi, chân, lưng và gáy thì bị chà xát ra trò. Những giọt mồ hôi và nước trộn lẫn vào nhau trên mặt họ, trong khi họ xát, kỳ và bóc ra từng mảng ghét, càng gắng sức được nhiều thì càng sạch.
Mẹ của Leila, bà cụ thất tuần Bibi Gul, ngồi trần truồng giữa một vũng nước trên nền nhà. Mái tóc dài màu xám của bà đổ xuống như thác trên lưng, hằng ngày nó được giấu kín trong tấm khăn quàng màu xanh sáng. Nó dài đến nỗi đuôi tóc trôi trên mặt nước. Trông như bà cụ đang lên đồng; bà nhắm mắt, tận hưởng hơi nóng. Thỉnh thoảng bà lười biếng kỳ qua người một chút và nhúng chiếc găng tắm vào chậu nước mà Leila đã chuẩn bị sẵn cho bà. Nhưng rồi bà lại thôi ngay, vì bà không thể đưa tay ra quá chiếc bụng to tướng, trên đó thõng xuống đôi vú nặng. Nên bà cứ ngồi đó trong trạng thái nhập đồng, cứng đơ, tựa một bức tượng lớn màu xám.
Lúc lúc Leila lại lén nhìn về phía mẹ để an tâm là bà vẫn bình thường, trong khi cô kỳ cọ và huyên thuyên với các cô chị em họ. Cơ thể cô gái mười chín trông còn trẻ con, nửa con gái nửa đàn bà. Đúng ra thì người trong gia đình Khan đều béo, ít nhất cũng là theo tiêu chuẩn Afganistan. Hình dáng của họ là kết quả của mỡ với dầu trút tràn trề ra đĩa. Bánh xèo rán, khoai tây cắt miếng tẩm đầy mỡ, thịt cừu rưới nước sốt gồm dầu pha gia vị. Nước da Leila tái nhợt và không chê vào đâu được, mịn màng như mông một đứa trẻ sơ sinh. Màu da mặt cô pha giữa trắng, vàng và xám nhạt. Cuộc sống của cô phản ánh rõ trên làn da trẻ con của cô chẳng bao giờ nhìn thấy mặt trời và trên đôi bàn tay cô, sần sùi và mòn mỏi như tay một bà già. Từ lâu Leila thường bị chóng mặt và cảm thấy cơ thể suy yếu, cuối cùng cô đi khám thì một ông thầy thuốc chẩn bệnh cho cô là thiếu ánh sáng mặt trời và vitamin D.
Thật ngịch lý, Kaboul là một trong những thành phố nhiều ánh sáng mặt trời nhất thế giới. Nằm ở độ cao 1800 mét, vào tất cả các ngày trong năm nó đều bị mặt trời dội xuống. Mặt trời làm cho mặt đất nứt nẻ ra, khiến các khu vườn ngày xưa xanh tốt nay đều héo rụi, đốt cháy da dẻ trẻ con. Nhưng Leila chẳng bao giờ nhìn thấy nó. ánh mặt trời không đến được căn hộ ở tầng dưới ngôi nhà Microyan, cũng không lọt qua được mắt lưới trên tấm burkha của cô. Chỉ khi cô đi thăm bà chị Mariam, ở một ngôi nhà có sân rộng trong làng, cô mới để cho ánh nắng sưởi ấm làn da. Nhưng rất ít khi cô có được thời gian để đến đó.
Trong gia đình, Leila là người thức dậy sớm nhất và đi nằm muộn nhất. Trong tiếng ngáy của những người nằm ngủ ở phòng khách, cô nhen lửa trong lò bằng những cành củi nhỏ. Sau đó, cô đun nóng chiếc nồi gỗ trong phòng tắm và nấu nước sôi để dùng trong nhà bếp, giặt giũ và rửa chén bát. Trời vẫn còn tối; cô đổ đầy nước vào các chai, các xoong chảo và các bình. Chẳng bao giờ có điện vào giờ này và Leila đã có thói quen mò mẫm trong bóng tối. Đôi khi, cô đốt một ngọn đèn nhỏ. Rôi cô pha trà, trà phải có sẵn khi những người đàn ông trong nhà thức dậy, vào lúc 6 giờ 30, nếu không cô sẽ bị mắng. Khi có nước, cô thường xuyên đổ đầy các vại mà cô vẫn dùng, vì chẳng biết lúc nào nước bị cắt, đôi khi chỉ một tiếng là mất nước, đôi khi hai tiếng.
Tất cả các buổi sáng, Eqbal hét lên như lợn bị chọc tiết. Nghe chói tai đến lạnh cả xương sống. Nằm cứng đơ hay co rúm trên chiếu, cậu không chịu dậy. Mười bốn tuổi, mỗi ngày cậu lại sáng chế ra một căn bệnh mới để trốn mười hai giờ phải ngồi ở cửa hàng. Hoài công thôi, chẳng ai thương xót. Cuối cùng, bao giờ cậu cũng phải dậy, nhưng sáng hôm sau, lại những tiếng kêu thét xé tai như cũ.
- Đồ làm bộ làm tịch! Đồ lười biếng! Dép tôi thủng cả rồi đây này, cậu hét lên vừa ném dép vào người Leila.
Cậu trả thù bất cứ ai cậu có thể.
- Leila, nước nguội hết rồi. Không đủ nước nóng! Quần áo của tôi đâu? Dép tôi đâu? Mang trà lên đây! Bữa ăn sáng đâu? Đánh giày cho tôi! Tại sao chị dậy muộn thế?
Các cánh cửa đập rầm rầm, những cú đấm vào tường. Các căn phòng, các hành lang nghe như chiến trường. Các cậu con trai của Sultan cãi nhau, la hét, khóc lóc. Thông thường Sultan ngồi uống trà và ăn sáng với Sonya. Sonya chăm cho ông. Phần còn lại là Leila. Cô đổ đầy các chậu nước tắm, tìm quần áo, pha trà, luộc trứng, đi mua bánh mì, đánh giày... Năm người đàn ông trong gia đình sắp đi làm việc.
Cô miễn cưỡng giúp ba cậu cháu, Mansur, Eqbal và Aimal chuẩn bị đi làm. Chẳng bao giờ có ai cám ơn cô, chẳng bao giờ có ai giúp đỡ cô.
- Lũ trẻ vô giáo dục, cô rít lên một mình khi ba cậu con trai, nhỏ hơn cô vài tuổi, ra lệnh cho cô.
- Hết sữa rồi à? Tôi đã bảo cô đi mua cơ mà! Mansur hét to. Đồ ăn bám.
Nếu cô dám nói một lời nào đó, bao giờ cũng sẽ nhận được một câu trả lời chết ngời.
- Câm mồm lại, mụ ác mó.
Cậu sẵn sàng đánh cô, vào bụng hay vào lưng.
- Đây không phải là nhà của cô, đây là nhà tôi, cậu sẵng giọng.
Leila cũng không hề có cảm giác cô đang ở nhà mình. Đây là nhà của Sultan, của các con trai ông và của bà vợ hai của ông. Cô, Bulbula, Bibi Gul và Yunus đều cảm thấy mình không được đón nhận trong gia đình này. Tuy nhiên cũng không thể dọn đi nơi khác được. Phân ly một gia đình là một điều điếm nhục. Dẫu sao, họ cũng chỉ là những người đầy tớ. Nhất là Leila.
Đôi khi cô tiếc đã không được đem cho khi mới ra đời, như anh trai cô. Người ta sẽ cho mình được đi học một lớp tin học và tiếng Anh ngay từ bé, bây giờ mình sẽ được đi học đại học, sẽ có quần áo đẹp, sẽ không phải làm nô lệ, cô mơ tưởng. Leila yêu mẹ, vấn đề không phải là ở đó, nhưng cô cảm thấy không ai thật sự quan tâm đến cô. Bao giờ cô cũng cảm thấy mình là người đứng ở hàng bét trong dòng họ, mà quả đúng thế thật. Bibi Gul không có đứa con nào khác sau cô.
Sau cái hỗn loạn buổi sáng và Sultan cùng các con trai ông đã ra đi, Leila có thể thở, uống phần trà của mình và ăn sáng. Rồi cô quét các phòng, lần thứ nhất trong ngày. Cô bước đi, người cúi xuống trên chiếc chổi nhỏ bằng rơm và quét, quét, quét, hết phòng này sang phòng khác. Bụi cuộn lên trước khi lại rơi xuống sau lưng cô. Mùi bụi chẳng bao giờ rời căn hộ này. Cô chẳng bao giờ rũ hết được bụi, các cử chỉ của cô, cơ thể cô, các ý nghĩ của cô đều đầy bụi. Dẫu sao cô cũng nhặt được những mẩu giấy, mẩu rác nhỏ. Cô quét nhiều lần trong ngày. Do mọi việc đều làm ngay trên nền nhà, nên chẳng mấy chốc đã bẩn.
Bây giờ thì cô đang cố tẩy cái thứ bụi ấy ra khỏi người mình. Cô kỳ thành từng cuộn nhỏ dày cộp. Cái thứ bụi ấy, nó bám chặt vào cuộc đời cô.
- Ôi, giá như em có được một căn nhà để có thể mỗi ngày chỉ dọn dẹp một lần thôi sau đó vẫn còn sạch, sáng mai không phải quét lại nữa, Leila nói với các cô chị em họ vừa thở dài.
Họ lắc đầu. Họ cũng đều là con gái sinh sau cả, cuộc đời họ cũng chẳng khác gì cô.
Leila đã mang theo quần áo lót cô muốn giặt đến nhà tắm hơi. Cô thường giặt quần áo trong bóng tối của phòng tắm trên một chiếc ghế đẩu bên cạnh lỗ vệ sinh. Lúc đó cô sẽ có trước mặt nhiều chiếc chậu lớn, một chậu có xà phòng, một chậu nước trong, một chậu đựng quần áo màu sáng, một chậu quần áo sẫm. Cô giặt chăn, đệm, khăn và quần áo của gia đình. Cô xát và vắt nước trước khi đem phơi. Rất khó phơi khô, nhất là vào mùa đông. Người ta giăng dây trước nhà, nhưng quần áo thường bị bay mất, nên Leila không muốn mắc lên đấy, trừ khi có bọn trẻ con trong nhà trông chừng cho đến lúc khô. Cô thường mắc lên sợi dây giăng trước hàng hiên nhỏ trên gác. Hàng hiên này chỉ rộng khoảng hai mét vuông và chất đầy thức ăn cùng những thứ vặt vãnh, một thùng khoai tây, một rổ hành, một rổ khác đựng tỏi, một túi gạo to tướng, những tấm bìa, giày dép cũ, mấy miếng giẻ rách và các thứ khác chẳng ai dám vứt đi vì sợ có lúc sẽ có ai đó cần đến.
ở nhà Leila mặc những chiếc áo pun cũ lông dài, áo sơ mi lấm lem và váy lê sát đất. Cô nhặt chỗ bụi chổi chưa quét được hết. Cô đi một đôi giày vẹt gót và đầu quấn một chiếc khăn quàng nhỏ. Vật duy nhất long lanh là đôi khuyên tai vàng và những chiếc vòng tay bằng nhựa láng.
- Leila!
Một tiếng gọi cô yếu ớt, hơi mệt mỏi chen giữa những tiếng la hét của bọn trẻ con. Tiếng gọi chỉ thoáng nghe được giữa tiếng ồn ào do đám phụ nữ đang dội những xô nước lên người nhau.
- Leilaaa!!!
Đấy là Bibi Gul, bà vừa tỉnh cơn nhập thần. Tay cầm một chiếc găng tắm, bà bối rối nhìn cô. Leila mang găng tắm, xà phòng, dầu gội đầu, chậu, đi đến chỗ bà mẹ mập ú đang ngồi trần truồng. Cô xát lên người mẹ và nắn bóp mạnh đến nỗi bà rung cả người lên. Đôi vú bà thõng xuống hai bên. Bụng bà to đến nỗi che mất âm hộ khi bà đứng hay ngồi, trễ thành một đống chẳng còn ra hình thù gì.
Bibi Gul cất tiếng cười, chính bà cũng thấy cái cảnh của mình thật khôi hài. Đứa con gái nhỏ nhắn và xinh xắn với bà mẹ to đùng và già. Hai mẹ con cách nhau đến năm mươi tuổi. Vì họ cười, nên tất cả những người khác cũng có thể cười theo. Bỗng nhiên, cái cuộc kỳ cọ kia khiến mọi người cười ầm lên.
- Mẹ béo quá đi, mẹ ạ, thế này thì mẹ chết mất thôi, Leila trách mẹ trong khi đưa chiếc găng tắm kỳ vào những chỗ tự tay mẹ không với tới được.
Một lúc sau, cô lăn da bụng cho bà và có các cô chị em họ giúp thêm tay, mỗi người xát một bên hông bà Bibi Gul khổng lồ. Cuối cùng, cô gội mài tóc dài mướt của mẹ. Cô đổ dầu gội Trung Quốc màu hồng lên tóc bà và vò nhẹ, cứ như cô sợ những sợi tóc mịn còn lại của mẹ rụng mất luôn. Chai dầu gội đã hết. Đấy là một chút còn lại từ thời taliban. Hình người phụ nữ trên vỏ chai đã bị bôi bằng mực bút dạ đậm không tẩy được. Cùng với việc huỷ hoại sách của Sultan, bọn cảnh sát tôn giáo cũng tấn công cả các thứ bao bì. Khi thấy hình một khuôn mặt phụ nữ trang trí trên vỏ một chai dầu gội, hình một đứa bé trên một bánh xà phòng dùng cho trẻ con, chúng bôi xóa tất. Không được vẽ hình sinh vật.
Nước đã nguội. Bọn trẻ con chưa được tắm sạch hẳn càng hét to hơn. Chẳng mấy chốc chỉ còn có nước lạnh trong phòng tắm mới đó còn mịt mù hơi nước. Đám phụ nữ rời phòng tắm và sau khi họ ra đi, còn lại toàn là cáu ghét. Trong các góc phòng ngổn ngang những vỏ trứng và vài quả táo đã úng. Căn phòng đầy những dải đất bẩn vì đám phụ nữ mang vào phòng tắm những đôi giày họ đã đi trên các đường làng, trong nhà xí và trong các sân sau.
Bibi Gul đứng dậy, Leila và các cô chị em họ của cô bước theo bà. Họ mặc lại quần áo. Chẳng ai có đồ thay, mọi người đều mặc lại quần áo đã mặc khi đến. Cuối cùng, họ khoác burkha lên những mái tóc vừa gội. Những chiếc burkha chiếc nào cũng có một mùi riêng biệt. Chiếc burkha của Bibi Gul xông mùi hơi của chính bà, một thứ mùi già cả trộn lẫn mùi hoa ngọt và một mùi gì đó hăng hăng; chiếc burkha của Leila thì đượm mùi mồ hôi trẻ và mùi nhà bếp. Mà tất cả các tấm burkha của gia đình Khan thì đều có mùi thức ăn, vì chúng được mắc trên những chiếc đinh trong nhà bếp. Lúc này, tất cả những người phụ nữ đều sạch sẽ như những đồng xu mới dưới những tấm burkha và quần áo của họ, nhưng mùi xà phòng đen và dầu gội đầu màu hồng phải chống chọi lại với một thế lực ngự trị bên trên, ở người này là mùi nữ nô lệ già, ở người kia là mùi nữ nô lệ trẻ.
Bibi Gul đi trước, ba cô gái kéo theo sau. Họ đi cùng nhau và phì cười. ở một đoạn đường vắng, họ bỏ burkha ra sau, ở đây dẫu sao cũng chỉ có bọn trẻ con và những con chó lang thang. Ngọn gió nhẹ vuốt ve làn da họ còn bốc hơi. Bù lại không khí chẳng hề dễ chịu. Trong các ngõ hẻm và các lối tắt ở Kaboul, nồng nặc mùi hôi thối của rác và cống. Một cái rãnh bẩn thỉu chạy dọc theo con đường giữa những ngôi nhà bằng đất nén. Các cô gái không chú ý đến mùi thối cũng như lớp bụi đang chậm rãi bám vào da họ và bít hết các lỗ chân lông. ánh mặt trời chiếu trên da thịt họ và họ cười. Đột ngột, một người đàn ông đi xe đạp đến.
- Trùm người lại, các cô gái, tôi vượt qua đây! anh ta kêu to và phóng vụt qua.
Họ nhìn nhau và cười vì nét mặt kỳ lạ của anh ta, nhưng khi anh quay lại thì họ đã trùm người cả lại rồi.
- Khi nào đức vua trở lại, tôi sẽ không trùm burkha nữa, Leila khẳng định, đột nhiên cô trở nên nghiêm trang. Lúc đó chúng ta sẽ có một đất nước thanh bình.
- Ngài chẳng bao giờ trở lại đâu, cô em họ trùm áo choàng trả lời.
- Hình như mùa xuân nay ngài sẽ trở lại, Leila nói.
Trong khi chờ đợi, cẩn thận hơn cả là phải trùm người lại, vả lại ba cô gái thật đơn độc.
Leila không bao giờ đi ra ngoài chỉ một mình. Thật khó coi khi không có người đi cùng. Khi đó ai biết cô đi đâu? Có thể cô đi gặp một ai đó, thậm chí có thể cô đi đến một nơi tội lỗi nào đó. Leila không bao giờ đi một mình ra cái chợ rau quả chỉ cách nhà mấy phút đi bộ, ít ra cô cũng dắt theo một cậu bé ở nhà bên cạnh. Hoặc cô nhờ cậu bé đi mua hộ cô. Cô chưa bao giờ ở nhà một mình, cô chưa bao giờ đi đâu đó một mình, cô chưa bao giờ ở một nơi nào đó một mình, cô chưa bao giờ ngủ một mình. Đêm nào cô cũng nằm trên chiếc chiếu cạnh chiếu mẹ. Leila không biết thế nào là ở một mình và, do vậy, cô cũng chẳng hề thấy thiếu thốn điều đó. Điều cô mong ước, là thêm được một chút yên tĩnh, bớt đi một ít công việc.
Khi cô về đến nhà, thì thấy loạn cả lên. Chỗ nào cũng toàn những thùng, xắc, va li.
- Sharifa đã về nhà! Sharifa! Bulbula chỉ cho cô, mừng vì Leila đã về để thay cô đóng vai chủ nhà.
Shabnam, cô con gái nhỏ của Sultan và Sharifa, chạy bổ đến như một con ngựa cái tơ vui sướng. Nó ôm lấy Leila, còn Leila thì, đến lượt mình, ôm lấy Sharifa. Đứng giữa cảnh đó, cô vợ hai của Sultan mỉm cười, tay bế Latifa. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Sultan đã đưa Sharifa và Shabnam từ Pakistan trở về.
- Trong mùa hè này, Sultan nói rõ.
- Mãi mãi, Sharifa thì thầm.
Sultan đã lại trở ra hiệu sách, chỉ còn đám phụ nữ ở nhà. Họ ngồi thành vòng tròn dưới đất. Sharifa phân phát quà: một chiếc áo dài cho Leila, một chiếc khăn quàng cho Sonya, một cái xắc cho Bibi Gul, quần áo và đồ trang sức bằng nhựa cho những người còn lại trong gia đình. Phần các cậu con trai của bà, bà đã có nhiều tủ đựng quần áo mua ở chợ Pakistan, không thấy có bán ở Kaboul. Bà cũng mang về những thứ ưa thích của bà.
- Tôi không bao giờ muốn trở lại bên đó nữa, bà giải thích. Tôi ghét Pakistan.
Tuy vậy bà biết tất cả là thuộc quyền Sultan. Nếu Sultan muốn bà quay lại Pakistan, thì bà phải nghe theo.
Hai người vợ nói chuyệm phiếm như hai người bạn gái. Họ xem vải, ướm thử áo và đồ trang sức. Sonya vuốt ve những thứ cô nhận được cho phần mình và phần con gái. Sultan chẳng mấy khi mang quà về cho cô vợ trẻ của mình và việc Sharifa trở về cũng khiến cuộc sống của cô bớt đơn điệu. Cô mặc cho Latifa chiếc áo óng ánh vừa nhận được, trông nó như một con búp bê nhỏ.
Họ trao đổi với nhau những tin tức mới nhất; những người đàn bà không gặp nhau đã hơn một năm. Trong nhà không có điện thoại và họ cũng không nói chuyện với nhau. Đối với những người phụ nữ ở Kaboul, sự kiện nổi bật nhất là đám cưới Shakila, mà họ kể lại hết sức chi tiết, nào quà cáp, nào áo cưới, rồi đến chuyện những người họ hàng khác, con cái của những người ấy, ai đã có cưới hỏi, ai đã chết.
Sharifa kể lại cuộc sống đi đày của mình, ai đã trở về, ai còn ở lại.
- Saliqa đã đính hôn, bà nói. Phải làm như thế, mặc dầu gia đình phản đối. Cậu con trai chẳng có chút tài sản nào, lại lười biếng, chẳng được việc gì hết.
Mọi người đồng tình. Họ nhớ Saliqa là một cô bé lúc nào cũng chỉ lo trang điểm, song dẫu sao họ cũng thương hại cô bé đã lấy phải một cậu con trai nghèo khốn.
- Sau khi chúng gặp nhau trong công viên, con bé bị cấm ra khỏi nhà suốt một tháng, Sharifa kể. Rồi một hôm, bà mẹ và bà cô của cậu con trai đến xin cưới. Bố mẹ con bé nhận lời, họ chẳng còn cách nào khác, tai họa đã xảy ra rồi. Và rồi người ta làm lễ đính hôn! Điếm nhục đến thế là cùng!
Đám phụ nữ trố mắt ngồi nghe. Nhất là Sonya. Đấy là loại chuyện cô say mê hơn cả. Các câu chuyện của Sharifa đối với cô là những vở kịch truyền thanh.
- Điếm nhục làm sao, Sharifa nhắc lại để nhấn mạnh hơn.
Khi một đôi trai gái trẻ đính hôn, theo lệ gia đình người con trai cầu hôn phải trả tiền lễ cưới, áo cưới và đồ trang sức.
Khi lập kế hoạch cưới, bố cậu bé đã đưa mấy nghìn đồng rupi cho bố Saliqa, ông này ở châu Âu trở về để giúp tìm cách thoát ra khỏi tấn bi kịch gia đình đó. Khi nhìn thấy món tiền, ông ta đã ném xuống đất. Ông hét lên: "Ông tưởng có thể làm lễ đính hôn với con cá con này à?"
Sharifa đã ngồi ở cầu thang để nghe tất cả những chuyện đó, vậy chuyện bà kể hoàn toàn là đúng thật.
- Và ông ta bảo: "Ông biết thế nào không? Ông cầm lấy tiền của ông đi, chúng tôi sẽ lo lấy lễ đính hôn."
Bố Saliqa cũng chẳng có nhiều tiền, ông ta chờ nhận được quyền cư trú ở Bỉ, rồi sẽ về tìm gia đình. ở bên Hà Lan, ông đã bị từ chối và bây giờ ông sống bằng tiền trợ cấp của chính phủ Bỉ. Dẫu sao, lễ đính hôn là một hành động tượng trưng quan trọng và việc kết ước đó gần như không thể hủy bỏ được. Nếu xảy ra trường hợp đó, cô gái sẽ khó tái hôn hơn, bất chấp nguyên cớ tan vỡ là thế nào. Lễ đính hôn cũng là chỉ dẫn cho thấy tình trạng kinh tế của gia đình. Trang trí ra sao, tốn kém bao nhiêu? áo cưới thế nào, giá cả bao nhiêu? Cuộc tiếp tân phải chứng tỏ gia đình người con trai coi cô dâu và cùng với cô là toàn bộ gia đình cô đáng giá bao nhiêu. Rằng ông bố đã phải mắc nợ để lo chạy lễ đính hôn kỳ thực chỉ làm cho Saliqa được hạnh phúc và người yêu của cô chẳng đáng gì so với nổi nhục ông sẽ phải chịu nếu tổ chức một đám lễ cưới quá nghèo nàn.
- Con bé đã bắt đầu hối tiếc, Sharifa tiết lộ. Vì cậu ta không có tiền. Nó sẽ rất nhanh chóng nhận ra cậu ta chẳng ra gì. Nhưng bây giờ thì đã quá muộn rồi. Nếu nó cắt đứt hôn thú, thì chẳng còn ma nào muốn nó nữa. Đi đâu nó cũng khoe leng keng những chiếc vòng cậu ta tặng. Nó bảo là bằng vàng, nhưng tôi biết, toàn kim loại mạ ấy mà. Dịp năm mới, nó cũng không có được áo mới. Có ai nghe thấy bao giờ một cô gái mà lại không được chồng chưa cưới tặng áo mới vào dịp năm mới chưa? - Sharifa lấy hơi rồi nói tiếp - Bây giờ cậu ấy cứ ở nhà con bé suốt, thật quá đáng. Bà mẹ chẳng quản được chúng làm những gì. Kinh khủng, thật kinh khủng, xấu hổ quá chừng, tôi đã nói với bà ấy như thế, Sharifa thở dài, trước khi ba người phụ nữ tới tấp hỏi bà những tin tức khác.
Về chuyện một người đàn ông nào đó hay một người đàn bà nào đó. Nhiều người họ hàng của họ còn ở bên Pakistan, những người cô gì, chú bác và anh chị em họ thấy tình thế chưa thật ổn để trở về. Hoặc không có lý do để trở về, nhà họ đã bị trúng bom, đất đai của họ còn có mìn, cửa hàng của họ đã bị cháy. Nhưng tất cả đều nhớ nước, cũng như trường hợp Sharifa. Đã gần một năm bà không nhìn thấy các cậu con trai bà.
Leila phải xuống bếp để nấu ăn tối. Cô vui mừng vì Sharifa đã trở về. Tuy nhiên cô lo sợ các cuộc cãi vã không thể nào tránh khỏi khi bà ở đây, cãi vã với các con trai bà, với các chị em gái chồng, với mẹ cô. Cô nhớ bà đã la mắng họ như thế nào.
- Lôi các cô con gái của bà và cút đi, bà quát Bibi Gul, mẹ chồng của bà. Chúng tôi không có chỗ cho các người ở đây. Chúng tôi muốn sống một mình, bà hét lên lúc Sultan vắng nhà.
Đấy là thời bà trị vì trong nhà này cũng như trên trái tim Sultan. Chỉ trong những năm gần đây, sau khi Sultan cưới vợ hai, Sharifa mới dịu giọng với họ hàng của Sultan.
Nhưng sẽ càng thiếu chỗ hơn, Leila thở dài.
Bây giờ họ không phải là mười hai mà là mười ba người trong những căn phòng nhỏ. Cô bóc hành và khóc cay đắng. Hiếm khi có những giọt nước mắt thật sự, cô đã nén các mong ước, các nỗi tiếc nuối và cả các nỗi thất vọng của mình lại. Mùi đặc trưng của xà phòng ở nhà tắm hơi đã phai từ lâu. Dầu trong chảo bắn lên tóc cô và khiến nó hăng hắc mùi mỡ. Hai bàn tay sần sùi của cô rất đau vì bị nước ớt ăn vào lớp da đã mòn.
Cô nấu một bữa ăn đơn giản, không có gì đặc biệt nhân dịp Sharifa trở về. Gia đình Khan không có thói quen đón mừng phụ nữ; và cô lại làm những gì Sultan thích. Thịt, cơm, rau bi na và đậu. Nấu với mỡ cừu. Đôi khi chỉ có thịt cho Sultan và các cậu con trai ông, cùng lắm thì thêm một miếng cho Bibi Gul, còn những người khác chỉ có cơm và đậu.
- Các cô chẳng có quyền gì sất. Các cô sống bằng tiền của tôi, ông nhấn mạnh.
Tất cả các buổi tối, Sultan từ các cửa hàng của ông về, mang theo những xấp tiền, mà ông cất trong thư viện. Thường cũng có những túi lớn chất đầy quả lựu nhiều nước, chuối ngọt, quít và táo, nhưng tất cả hoa quả đều cất kỹ trong thư viện. Chỉ có Sultan và Sonya được ăn. Chỉ họ có chìa khóa. Hoa quả rất tốn kém, nhất là khi trái mùa.
Sonya nhìn thấy những quả cam cứng trên bệ cửa sổ. Phần ruột đã bắt đầu khô và Sonya đã để chúng trong bếp - để dành cho mọi người. Không bao giờ Leila nghĩ đến chuyện nếm thử. Nếu số cô là phải ăn đậu, thì suốt đời cô phải ăn đậu. Các quả cam sẽ nằm ở đó cho đến khi chúng hoàn toàn ruỗng và khô đi. Leila ngẩng đầu và đặt nồi cơm nặng trịch lên bếp. Cô đổ chỗ tỏi đã xắt vào chảo đầy dầu, bỏ thêm cà chua, gia vị và khoai tây vào. Leila là đầu bếp giỏi. Việc gì cô cũng thạo. Cũng vì thế mà người ta giao hầu hết mọi việc cho cô. Trong bữa ăn, phần lớn thời gian cô đứng trong một góc cạnh cửa và bật phắt dậy khi có ai đó cần một cái gì hay cần phải lấy thêm thức ăn. Chỉ sau khi mọi người đã dùng bữa xong, thì mới đến lượt cô lấy thức ăn còn thừa vào đĩa của mình. Một ít cơm tẩm dầu và và đậu luộc.
Được nuôi lớn lên để mà phục vụ người khác, cô đã trở thành một người ở. Càng ngày người ta càng sai bảo cô nhiều hơn, và do vậy, càng ngày người ta càng ít tôn trọng cô hơn. Có ai đó bực bội chuyện gì đó chăng? Thì tất cả sẽ đổ lên đầu Leila. Một vết bẩn trên chiếc áo pun tẩy không sạch, một miếng thịt nấu chưa thật chín, chẳng thiếu nguyên cớ để người ta trút giận lên đầu cô.
Gia đình có việc mời họ hàng đến liên hoan? Lại là Leila phải vào cuộc, buổi sáng cô phải dậy sớm và, sau khi đã lo bữa sáng cho gia đình của chính mình, cô phải cạo khoai tây, thái rau... Khi khách đến, cô phải vất vả lắm mới tranh thủ được chút thời giờ thay quần áo bẩn mặc một bộ quần áo sạch trước khi lại lao đầu vào phục vụ và, cuối cùng, chúi đầu vào bếp rửa bát đĩa lúc tiệc đang tàn. Đấy là một cô Lọ Lem, chỉ có điều khác là trong thế giới của Leila chẳng hề có chàng hoàng tử nào cả.
Sultan đã cùng Mansur, Eqbal và Amal đi làm về. Ông ôm hôn Sonya trong tiền sảnh và chào qua Sharifa trong phòng khách. Hai người đã cùng đi suốt một ngày đường trên ô tô từ Peshawar về Kaboul và không thấy cần nói chuyện gì với nhau nữa. Leila bưng lên một chiếc thau bằng thiếc đựng đầy nước và một chiếc bình. Cô đưa chiếc thau cho từng người để họ rửa tay và đưa cho họ một chiếc khăn tay. Chiếc chiếu bằng nhựa được trải ra trên nền đất và bữa ăn đã có thể dọn ra.
Yunus, em trai Sultan, vồn vã chào Sharifa. Anh hỏi thăm tin tức gia đình trước khi lại ngồi lặng thinh như thường lệ. Trong bữa ăn, anh rất ít nói. Lặng lẽ và nghiêm túc, ít khi anh tham gia vào các cuộc trò chuyện trong gia đình. Cứ như anh chẳng quan tâm gì đến những chuyện ấy và thui thủi với tâm trạng buồn não của riêng mình. Hai mươi tám tuổi đầu, anh bất mãn sâu sắc về cuộc đời của mình.
- Một cuộc đời chó má. Làm việc quần quật từ sáng đến tối kể kiếm được vài mẩu bánh mì ở bàn ăn của ông anh.
Yunus là người duy nhất Leila vui vẻ tận tuỵ phục vụ hết mình. Đấy là người anh cô yêu hơn cả. Thỉnh thoảng, anh mang về cho cô những món quà nhỏ, khi thì chiếc cặp tóc bằng nhựa, khi thì chiếc lược.
Buổi tối hôm đó, anh có chuyện nóng lòng cần thổ lộ, nhưng anh muốn chờ đôi chút đã. Sharifa đã lên tiếng trước anh.
- Chuyện Belqisa thế mà lại đâm ra rắc rối. Bố cô ấy đồng ý, nhưng mẹ cô ta thì lại không. Lúc đầu, bà đã đồng ý, nhưng sau đó bà lại nói với một người bà con có một cậu con trai, một cậu con trai trẻ hơn, muốn cưới cô ta. Họ hứa kha khá tiền, và thế là bà ta đâm ra do dự. Rồi họ đồn đủ thứ về gia đình ta. Nên tôi chẳng biết trả lời cậu ra sao đây.
Yunus đỏ mặt, anh chẳng nói gì, chỉ liếc nhìn quanh. Sự thể đâm ra lúng túng. Mansur cười mỉa.
- Cô cháu gái không muốn lấy ông nội, cậu ta lầm bầm, cố ý để cho Yunus nghe thấy nhưng Sultan thì không.
Hy vọng cuối cùng của Yunus có vẻ đã tắt ngấm. Anh thấy chán, chán phải chờ đợi, chán đi tìm mãi rồi, chán phải sống trong một cái hũ nút.
- Mang trà ra đây! Anh gọi, để cắt ngang những lời nói tràng giang đại hải của Sharifa về việc gia đình Belqisa không muốn gả con gái cho anh.
Leila đứng dậy. Cô lấy làm thất vọng về việc đi hỏi vợ của Yunus cứ phải kéo dài mãi không xong. Cô hy vọng đến lúc nào đó anh lấy vợ, anh sẽ mang cô và mẹ cô đi cùng. Leila sẽ ăn ở thật tốt, cô sẽ chăm lo bày vẽ mọi chuyện cho Belqisa, cô sẽ đảm nhận hết mọi công việc nặng nhọc nhất. Belqisa có thể tiếp tục đi học nếu cô ấy muốn. Cuộc sống sẽ thật êm đềm. Cô sẽ làm tất cả để được thoát ra khỏi nhà Sultan, ở đây chẳng có ai biết đánh giá đúng cô. Lúc nào ông ấy cũng cằn nhằn nào là cô nấu ăn không ngon, nào là cô ăn quá nhiều, và không làm tất cả mọi việc Sonya yêu cầu. Mansur thì suốt ngày hành hạ cô. Đôi khi cậu ấy sẵng giọng với cô.
- Tôi đếch cần bất cứ ai chẳng có chút ý nghĩa gì đối với tương lai của tôi. Mà cô, hỏi cô thì là cái thớ gì đối với tôi nào. Cô sống bám vào bố tôi, cút đi cho rảnh, cậu nói thêm vừa cười một cách khinh bỉ, biết chắc rằng cô chẳng có chỗ nào mà đi.
Leila mang trà lên. Trà xanh pha nhạt. Cô hỏi Yunus xem có cần là cái quần cho anh không. Cô vừa giặt quần cho anh xong và vì anh không có được hai cái quần, cô cần biết anh có định ngày mai mặc quần sạch không. Yunus gật đầu, không nói gì.
- Bà cô của tôi đến là ngu, Mansur cứ lải nhải mãi. Mỗi lần bà ấy mở mồm là tôi biết ngay bà ấy sắp nói gì rồi. Tôi chưa từng gặp ai chán ngấy như bà ấy.
Cậu đã lớn lên cùng với người cô lớn hơn cậu ba tuổi đó, không phải như một người em, mà như một ông chủ.
Leila là người cứ phải thường lặp đi lặp lại những điều mình nói, bởi cô tưởng người ta không thèm nghe cô. Nói chung, cô nói những chuyện thường ngày, bởi đấy là toàn bộ thế giới của cô. Nhưng cô cũng biết cười và tỏa sáng, với các cô chị em họ, các chị gái và cháu gái. Leila cũng có thể khiến người ta bất ngờ và biết kể chuyện đùa. Đôi khi cô cũng cười rũ ra. Nhưng không bao giờ trong bữa ăn gia đình. Lúc đó, cô thường im lặng. Đôi khi cô bật cười vì những câu nói đùa thô lỗ của các cậu cháu, nhưng đúng như cô giải thích với các cô chị em họ của cô: cô cười bằng mồm, chứ không phải bằng trái tim.
Sau cái tin đáng thất vọng về việc Belqisa, chẳng còn ai vui chuyện trong bữa ăn tối đầu tiên của Sharfa nữa. Aimal đùa với Latifa, mấy con búp bê của Latifa thì đang ở trong tay Shabnam, Eqbal ỏm tỏi với Mansur và Sultan thì ướm tình với Sonya. Những người khác lặng lẽ ăn. Rồi cả gia đình đi ngủ. Sharifa và Shabnam ngủ cùng phòng với Bibi Gul, Leila, Bulbula, Eqbal, Aimal và Fazil. Sultan và Sonya vẫn giữ phòng riêng của mình. Nửa đêm, mọi người đều đã nằm trên chiếu của mình, dồn chung cả lại.
Leila nấu ăn dưới ánh sáng chập choạng của một bóng đèn. Sultan thích ăn những món ăn nấu tại nhà mỗi khi ông làm việc. Cô đun một con gà với dầu, nấu cơm, trộn rau với nước sốt. Sau khi đã bắc các thứ lên bếp, cô rửa chén bát. Ngọn đèn soi sáng khuôn mặt cô. Đôi mặt cô thâm quầng. Cô nhấc chảo ra khỏi bếp, quấn lại trong những tấm dẻ lớn và buộc chặt lại để nắp vung khỏi rơi ra khi Sultan và các cậu con trai của ông mang đi sáng mai. Cô rửa tay cho hết mỡ và đi nằm, để nguyên bộ quần áo cô vẫn mặc suốt ngày. Cô mở chiếu ra, chui vào chăn và ngủ thiếp đi. Vài giờ sau, cô đã bị một mollah đánh thức dậy và một ngày mới lại bắt đầu với "Allahu ahbar - Thượng Đế là vĩ đại".
Một ngày mới vẫn nồng nặc mùi và vị của những ngày đã qua. Mùi và vị của bụi.
Ông Hàng Sách Ở Kabul Ông Hàng Sách Ở Kabul - Asne Seierstad Ông Hàng Sách Ở Kabul