What holy cities are to nomadic tribes - a symbol of race and a bond of union - great books are to the wandering souls of men: they are the Meccas of the mind.

G.E. Woodberry

 
 
 
 
 
Tác giả: Asne Seierstad
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Bookseller Of Kabul
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2033 / 51
Cập nhật: 2015-11-23 23:45:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Vị Nữ Trưởng Lão
ám cưới là cái chết một phần. Trong những ngày tiếp liền sau đó, nhà cô dâu tang tóc như vừa qua một đám tang. Nhà vừa mất, vừa bán hay cho đi một người con gái. Tang tóc nhất là những người mẹ, chính các bà đã luôn biết tất cả về con gái của mình, biết cô đi đâu, cô gặp gỡ ai, cô ăn những gì. Họ đã sống cùng nhau nhiều nhất hằng ngày, họ thức dậy cùng lúc buổi sáng, cùng nhau quét nhà, cùng nhau nấu ăn. Sau đám cưới, cô gái biến mất, từ gia đình này cô chuyển gia đình khác. Hoàn toàn. Cô không về thăm bà khi cô muốn, mà chỉ khi chồng cô cho phép, và gia đình cô cũng không thể đến nhà cô nếu không được mời.
Trong một căn hộ của ngôi nhà 37 Microyan, một người mẹ khóc đứa con gái của mình, sống cách đó một giờ đi bộ. Nhưng Shakila sống ở làng Deh Khudaùdad, ngay sát bên ngoài Kaboul, hay sống ở nước ngoài cách xa hàng nghìn cây số thì sự thể cũng vậy thôi. Khi cô không ngồi trên tấm chăn bên cạnh bà uống trà và ăn kẹo hạnh ngào đường, thì cũng buồn như vậy thôi.
Bibi Gul cắn thêm một quả hạnh, bà đã giấu chúng dưới chăn để Leila không tìm ra được. Cô con gái út của bà là người giữ cho bà không phải chết vì bội thực. Như một người y tá ở một bệnh viện chống béo phì, cô cấm bà ăn đường và mỡ, và giật lấy thức ăn trên tay bà khi bà sắp lén ăn một món bị cấm. Khi có thời gian, cô nấu cho bà những món ăn đặc biệt, không có mỡ, nhưng Bibi Gul là người sẵn sàng trút mỡ từ đĩa người khác vào đĩa mình mỗi khi Leila quay lưng đi. Bà rất thích vị dầu, vị mở cừu nóng và pakora, bà thích mút tủy xương vào cuối bữa ăn. Thức ăn là niềm an ủi của bà. Khi chưa đủ no sau bữa ăn tối, ban đêm bà thường thức dậy để liếm bát và xoong chảo. Mặc những cố gắng của Leila, bà không bao giờ giảm cân, trái lại, ngày càng béo phì ra. Chỗ nào bà cũng bố trí những kho chứa nhỏ, trong những chiếc hòm cũ, dưới một số tấm thảm, sau một ngăn kéo. Hay trong một cái túi. Bà giữ những miếng caramen mềm trong đó. Những miếng caramen quét kem của Pakistan, màu trông rất kỳ lạ, có chất bột và kết tinh. Đối với một số người chúng rất nhạt, thậm chí hôi dầu, nhưng đấy là caramen quét kem, trên hộp có trang trí hình con bò cái, và không ai có thể nghe thấy khi bà mút.
Kẹo hạnh ngào đường thì trái lại, bà phải cắn thật êm. Bibi Gul ngồi than thở cho số phận của mình. Chỉ có mỗi mình bà trong phòng. Ngồi trên chiếc khăn, bà đung đưa người, những chiếc kẹo hạnh ngào đường giấu trong lòng bàn tay. Bà nghe tiếng xoong chảo lanh canh trong bếp. Nay mai tất cả các cô con gái bà sẽ rời bỏ ngôi nhà này. Shakila đã đi rồi, Bulbula sắp đi. Điều gì sẽ đến khi Leila cũng sẽ đi nốt? Chẳng còn ai để chăm nom bà.
- Không ai được lấy Leila trước khi tôi chết.
Nhiều người đã đến hỏi Leila, nhưng bao giờ Bibi Gul cũng từ chối. Vì chẳng bao giờ có ai chăm nom bà được như Leila.
Về phần mình, Bibi Gul chẳng còn làm gì cả với mười ngón tay của mình. Bà chỉ ngồi trong một góc uống trà và trầm ngâm suy nghĩ. Công việc nặng nhọc của bà đã xong. Khi một người đàn bà đã có những cô con gái trưởng thành, bà sẽ trở thành một kiểu người chỉ huy trong gia đình, ban bố những lời khuyên nhủ và thu xếp các cuộc hôn nhân, một người gìn giữ đức hạnh của gia đình, nhất là của các cô con gái bà. Bà lo giữ cho chúng không đi ra ngoài một mình, chúng trùm kín người cho đúng cách, không gặp gỡ với những ngời đàn ông ngoài người trong gia đình, chúng biết vâng lời và lễ độ. Đối với Bibi Gul, lễ độ là đức hạnh cao nhất. Sau Sultan, bà là người có nhiều quyền hành nhất trong gia đình.
Bà lại nghĩ đến Shakila lúc này đang ở sau những những bức tường cao bằng đất sét. Những bức tường xa lạ. Bà hình dung cô đang kéo nước ở chiếc giếng trong sân, chung quanh đầy những gà và mười đứa trẻ mồ côi mẹ. Bibi Gul sợ mình đã phạm một sai lầm. Nếu anh ta là người không tốt thì sao? Và ngôi nhà không có cô đã trở nên vắng vẻ quá...
Kỳ thực không có Shakila nhà cũng chỉ vắng đôi chút thôi. Thay vì mười hai người, bây giờ họ có mười một người chia nhau bốn căn phòng. Sultan, Sonya và đứa con gái một tuổi của họ trong một phòng, Yunus, em trai, và Mansur, con trai cả của Sultan, trong một phòng khác, và trong phòng thứ ba, những người còn lại trong gia đình: Bibi Gul, hai cô con gái chưa có chồng của bà, Bulbula và Leila, hai đứa con trai nhỏ của Sultan, Eqbal và Aimal, và người anh em họ của chúng, đứa cháu của ông, Fazil, con trai của Mariam.
Căn phòng thứ tư dùng để chứa sách, bưu ảnh, gạo, bánh mì, quần áo mùa đông về mùa hè, quần áo mùa hè về mùa đông. Quần áo của gia đình đựng trong những hộp lớn, vì không phòng nào có tủ hốc tường. Ngày nào cũng tốn thời gian vô tận để lục tìm. Đứng hay ngồi sau những chiếc hòm, những người phụ nữ trong gia đình xem xét kẻ thì quần áo hay giày dép, kẻ thì một chiếc túi đã nhăn nhúm, một món tư trang hỏng, một dải lụa, một chiếc kéo hay một chiếc khăn. Vật tìm được hoặc đem ra dùng hoặc chỉ nhìn qua trước khi để lại đó, nhưng hiếm khi vứt đi. Các hòm do vậy ngày càng không ngừng nhiều lên. Mỗi ngày cái kho chứa lại được sắp xếp lại, mọi thứ phải xáo tung lên mỗi khi cần tìm một vật gì đó ở đáy hòm.
Ngoài những chiếc hòm lớn đựng quần áo và đồ mỹ nghệ đó, mỗi thành viên trong gia đình còn có một cái rương riêng có khóa. Những người phụ nữ đi lại với chùm chìa khóa đeo ở áo. Đấy là không gian riêng duy nhất của họ và ta có thể thấy họ thường ngày ngồi dưới đất cúi người xuống chiếc rương ấy, lấy ra một món trang sức, xem xét, có thể đặt nó lại vào đó, bôi một chút thuốc mỡ mà họ đã quên bẵng mất đã từng có nó hay hít một chút nước hoa người ta đã biếu mình một hôm nào đó. Cũng có thể ngắm một tấm ảnh một người anh em họ và đắm mình trong mơ tưởng hay, như Bibi Gul, lấy ra mấy miếng caramen mềm hoặc những chiếc bánh quy giấu ở đó.
Sultan có một thư viện được khóa kỹ. Các cánh cửa bằng kính, có thể nhìn rõ các ngăn. Ông lưu giữ ở đấy các tập thơ của Hafez và RÛmi, các cuốn du ký hàng trăm năm tuổi và những tập bản đồ cong vênh cả các góc lên. Sultan giấu tiền của ông ở những chỗ bí mật đó giữa các trang giấy, bởi vì ở Afganistan, chẳng có cơ chế ngân hàng nào vận hành tốt. Trong thư viện này có những tác phẩm ưa thích nhất của ông, các tác phẩm được tác giả ký tặng, các cuốn sách ông hy vọng một ngày nào đó sẽ có thì giờ đọc; nhưng phần lớn thời gian ông ở ngoài hiệu sách. Ông rời nhà buổi sáng trước 8 giờ, và trở về vào 20 giờ. Vậy nên ông chỉ còn có thì giờ chơi đùa với Lafita, ăn tối và quyết định một đôi công việc nếu trong lúc ông vắng mặt có xảy ra chuyện gì đó. Về nguyên tắc, chẳng có chuyện gì, bởi vì cuộc sống của những người phụ nữ trong gia đình rất bình lặng và giải quyết những vấn đề của họ là thuộc dưới hạng của ông.
Trong phần dưới của thư viện, Sonya cất giữ tài sản của cô. Vài tấm khăn choàng đẹp, đồ nữ trang, một ít tiền, những món đồ chơi người ta cho Lafita nhưng cô thấy quá đẹp không nên để cho con gái cô nghịch. Vậy đó, một bản sao búp bê Barbie mà Lafita nhận được trong dịp sinh nhật lần thứ nhất của nó ngự trên nóc thư viện, vẫn còn bọc giấy bóng nhàu.
Thư viện là món đồ gỗ duy nhất trong nhà, gia đình không có tivi cũng không có radio. Bày biện trong các phòng chỉ có những tấm nệm mịn đặt dọc theo các bức tường và những chiếc gối to cứng. Các tấm đệm ban đêm dùng để ngủ, còn ban ngày thì để ngồi. Gối dùng kê đầu hay ngồi tựa. Khi ăn, người ta trải trên nền đất một chiếc khăn bằng vải đánh xi, mọi người ngồi xếp bằng chung quanh và ăn bằng tay. Sau đó, khăn được giặt rồi cuộn lại.
Nền nhà trát xi măng, lót bằng những tấm thảm lớn. Tường nứt nẻ. Các cánh cửa khập khiểng, không đóng lại được và lúc nào cũng hé mở. Một số phòng chỉ được ngăn cách bằng một tấm chăn. Các lỗ thủng trên các cửa sổ được nhét kín bằng những chiếc khăn lau cũ.
Trong bếp, có một cái bồn rửa bát, một cái bếp ga và một tấm nung để dưới đất. Trong các khung cửa là rau và các thứ còn lại ngày hôm trước. Các kệ bếp được che bằng rèm để tránh cáu ghét và hơi bốc ra từ bếp lò. Tuy nhiên, mặc dầu đã cọ rửa rất nhiều, một lớp mỡ lẫn với bụi lưu cữu của Kaboul vẫn bám trên tất cả các chỗ làm bếp, tất cả các kệ và các khung cửa lớn và cửa sổ.
Phòng tắm và vệ sinh là một ngăn nhỏ, cách nhà bếp một bức tường có trổ một cửa mái mở, thật ra đây chỉ là một cái lỗ đào trên nền đất và một cái vòi nước. Trong một góc có một cái chảo nấu củi có thể đun nước dùng vào các việc trong nhà, cũng như một bể chứa khi có nước máy thì đầy. Phía trên bể chứa, một cái kệ nhỏ đặt một chai dầu gội, một bánh xà phòng bao giờ cũng đen, vài cái bàn chải đánh răng và một ống thuốc đánh răng Trung Quốc đầy một chất bột lộm cộm những hạt mùi hóa học không thể tả được.
- Ngày trước đây là một căn hộ đẹp, Sultan nhớ lại. Chúng tôi có nước, điện, trên tường thì có tranh treo, đủ cả.
Nhưng nó đã bị cướp phá và đốt cháy trong nội chiến. Khi gia đình trở về, nó đã bị san phẳng hoàn toàn, và họ đã phải vá víu lại được chừng nào hay chừng ấy. Phần xa nhất của khu Microyan, nơi gia đình Khan sinh sống, nằm ngay trên chiến tuyến giữa các lực lượng của viên chỉ huy moudjadeh Massoud và quân của tên Gulbuddin Hekmatyar kinh tởm. Massoud nắm giữ phần lớn Kaboul, trong khi Hekmatyar ở trên cao điểm bên ngoài thành phố. Họ đánh nhau bằng tên lửa, một số lớn rơi xuống khu Microyan. Trên một cao điểm khác là viên tướng Ouzbek Abdul Rashid Dostom, trên cao điểm thứ ba là viên chỉ huy theo phái chính thống Abdul Rasul Sayyaf. Các quả tên lửa của họ rơi xuống các khu phố khác. Chiến tuyến di chuyển từ đường phố này sang đường phố khác. Các thống lãnh chiến tranh đánh nhau bốn năm trước khi cuối cùng bọn taliban vào Kaboul và các thống lãnh chiến tranh phải tháo chạy trước các học sinh trường dòng.
Sáu năm sau các cuộc đánh nhau, Microyan vẫn còn quang cảnh chiến tranh. Các ngôi nhà lỗ chỗ vết đạn và lựu đạn. Những tấm nhựa thay thế các tấm kính trên nhiều cửa sổ. Trần nhà nứt nẻ, và, khi nổ tên lửa đã đốt cháy những tầng trên của các ngôi nhà, biến chúng thành những lỗ hổng toang hoác. Microyan đã là sân khấu của một số các cuộc chiến đấu ác liệt trong nội chiến và phần lớn cư dân đã bỏ chạy. Ngọn đồi Maranyan, phía trên Microyan, nơi các lực lượng của Hekmatyar chiếm đóng, không được dọn dẹp sau nội chiến. Hố tên lửa, xe và xe tăng bị ném bom, nằm rải rác trên đó, chỉ cách nhà gia đình Khan mười lăm phút đi bộ. Ngày xưa, những người đi cắm trại rất ưa thích chỗ này. Đây là nơi an táng Nadir Shad, cha của Zaher Shad, bị ám sát năm 1933. Bây giờ chỉ còn lại đống đổ nát của căn phòng tang lễ, chóp đầy vết đạn, các cây cột vỡ tan. Ngay cạnh đó, lâu đài khiêm tốn hơn của hoàng hậu trông càng tệ, giống như một bộ xương trên chỗ hàng hiên nhìn xuống thành phố, tấm bia mộ thì vỡ tan. Một số người đã cố gắng ghép các mảnh lại để đọc những lời trích dẫn kinh Coran được khắc trên đó.
Cả quả đồi đều bị gài mìn, nhưng chen giữa các vỏ đạn đại bác và các mảnh kim loại, phiá sau một hàng đá tròn, chứng tích duy nhất của những thời hòa bình, đã mọc lên những bông hoa cúc xu xi màu vàng da cam, thứ duy nhất trên đồi Maranyan đã sống sót qua được hạn hán và bọn taliban.
Từ trên đồi, nhìn ra xa, Microyan trông cũng giống như bất cứ một làng nào của Liên Xô cũ. Đúng là những ngôi nhà này là một món quà của người Nga. Trong những năm năm mươi và sáu mươi, nhiều kỹ sư xô viết được gửi sang Afganistan để xây dựng những cái gọi là các ngôi nhà Khrouchtchev, vẫn thấy đầy ở khắp Liên Xô, và ở Kaboul, Kaliningrad cũng như ở Kiev chúng đều giống hệt nhau. Những ngôi nhà bốn tầng chia thành từng căn hộ hai, ba hay bốn phòng.
Đến gần, ta mới nhận ra rằng cái cảm giác đầu tiên đó không phải là do kết quả một sự suy tàn quen thuộc của Liên Xô, mà là hậu quả của những phát đạn và của chiến tranh, ngay cả những chiếc ghế bằng xi măng đặt trước các cửa ra vào cũng bị vỡ tan, nằm lăn lóc như những xác tàu đắm lộn ngược lên trên những con đường đất lỗ chỗ, vốn ngày trước từng được trải nhựa.
ở Nga ngồi trên những chiếc ghế như vậy là những bà babouchka, những bà già chống gậy, có ria mép và trùm khăn quàng quan sát tất cả những người lai vãng quanh các ngôi nhà. ở Microyan, chỉ có các cụ già ngồi trước các ngôi nhà trò chuyện, tay vừa lần tràng hạt. Họ ngồi dưới bóng đôi ba cây thưa lá còn sót lại. Những người phụ nữ vội vã đi qua trước mặt họ, mang dưới tấm burkha những túi hàng dự trữ. Rất ít khi một người phụ nữ dừng lại nói chuyện với một bà hàng xóm. ở Microyan, những người phụ nữ muốn trò chuyện thì đến nhà nhau và giữ không để cho một người đàn ông nào không cùng gia đình nhìn thấy mình.
Nếu lối cư trú được xây dựng theo tinh thần bình quân kiểu Liên Xô, thì lại chẳng hề có bình đẳng, cả bên ngoài lẫn bên trong nhà. Quả là người ta có ý định xây dựng những ngôi nhà không phân biệt giai cấp trong một xã hội không có giai cấp, nhưng các ngôi nhà ở Microyan đã được coi là chỗ cư trú dành cho tầng lớp cấp trung lưu. Khi chúng được xây, việc được chuyển từ những ngôi nhà bằng đất nén chung quanh Kaboul sang các căn hộ có nước máy này là một dấu hiệu về địa vị xã hội. Những người được đến ở đây là kỹ sư, nhà giáo, tiểu thương và lái xe tải. Nhưng từ "tầng lớp trung lưu" chẳng có ý nghĩa gì lắm trong đất nước này, nơi phần lớn dân chúng đã mất tất cả và xã hội thì thường tụt hậu rất xa.
Trong mười năm gần đây, cái món nước máy ngày trước rất được thèm muốn ấy đã trở thành trò đùa phổ biến: ở tầng dưới, nước lạnh được bơm hai giờ mỗi sáng, rồi sau đó chẳng có gì nữa hết; ở tầng một, thỉnh thoảng có nước, nhưng nước không bao giờ lên được đến các tầng trên, do áp lực quá thấp. Người ta đã đào giếng trước nhà và hằng ngày, một lũ trẻ con chạy lên chạy xuống các cầu thang tay xách xô, chai lọ, nồi.
Điện là niềm tự hào của các ngôi nhà này. Ngày nay, phần lớn thời gian tối om. Hạn hán đã khiến phải có chế độ phân phối điện rất nghiêm nhặt, hai ngày một lần các hộ được có điện bốn tiếng, từ 18 đến 22 giờ. Khi một khu phố có điện, thì một khu khác phải chịu tối. Đôi khi, chẳng nơi nào có điện cả. Chỉ còn cách lôi đèn dầu hỏa ra và chịu ở trong bóng tối, trong khi xạ khí cay xè làm chảy cả nước mắt.
Gia đình Khan sống ở một trong những ngôi nhà xa nhất, bên bờ sông Kaboul. Chính tại đây, Bibi Gul ngồi điểm lại cuộc đời u buồn của mình, bắt đầu từ ngôi làng nơi bà đã lớn lên, bị vây kín giữa một sa mạc toàn những tảng đá vỡ. Từ khi chồng bà chết, Bibi Gul thật khốn khổ. Theo những hậu duệ của ông, ông làm việc rất nhiều, hết sức sùng tín, nghiêm khắc, nhưng công bằng.
Sau khi ông chết, Sultan lên ngôi thay ông. Từ đó mỗi lời nói của ông ta được coi là pháp luật. Kẻ nào không tuân lời ông đều bị phạt, trước hết bằng lời nói, sau đó là về thể chất. Ông không chỉ ngự trị trên gia đình ông, mà còn tìm cách chi phối cả cuộc sống của những em trai và gái của ông đã chuyển đi ở nơi khác. Người em trai kém ông hai tuổi hôn tay ông mỗi lần họ gặp nhau và xin trời phù hộ cho anh ta chớ bao giờ dám chống lại lời ông hay, còn tệ hơn thế nữa, dám đốt một điếu thuốc lá trước mặt ông. Mọi sự tôn kính phải được dành cho người anh cả.
Khi cả lời nói lẫn đòn roi vẫn không trị được một kẻ nào đó, thì còn một hình phạt khác: từ. Sultan không nói chuyện với Farik, một trong những người em trai của ông, từ khi anh ta từ chối làm việc cho ông và tự mở lấy tiệm sách và xưởng đóng sách riêng của mình. Những người khác trong gia đình cũng không được phép nói chuyện với anh ta. Không ai được nhắc tên Farik. Anh ta không còn là em trai Sultan.
Farik cũng sống trong một ngôi nhà bị ném bom ở Microyan, cách vài phút đi bộ. Khi anh ta ở hiệu sách, Bibi Gul thường lén Sultan đến thăm anh. Các anh em, chị em của anh cũng vậy; bất chấp lệnh cấm của Sultan, trước lễ cưới Shakila đã nhận lời mời của người anh trai và đã ngồi trọn một buổi tối ở nhà anh, nói dối Sultan rằng cô đến thăm một người thím. Quả là theo phong tục, trước đám cưới, tất cả những người họ hàng của cô gái phải mời cô ăn một bữa cơm tiễn biệt. Những ngày lễ của gia đình, Sultan được mời, nhưng người em trai của ông thì không, những người anh em và chị em họ, chú bác cô gì của ông không ai muốn làm Sultan bất bình, sẽ rất khó chịu, và chẳng được việc gì. Nhưng họ đều quý Farik.
Không ai có thể nói chuyện gì đã thật sự xảy ra giữa Sultan và Farik. Người ta chỉ nhớ Farik chia tay ông anh trai của mình và ông này hét lên rằng từ nay quan hệ giữa họ đã chấm dứt vĩnh viễn. Bibi Gul van nài họ hòa giải nhưng họ chỉ nhún vai. Sultan thì bởi vì bao giờ cũng là người em phải xin lỗi. Farik thì bởi vì anh cho rằng chính Sultan đã sai.
Bibi Gul đã sinh mười ba người con; bà mới mười ba tuổi khi sinh Feroza, con gái đầu lòng của bà. Cuối cùng cuộc sống đã có một ý nghĩa. Những năm đầu của cô dâu trẻ con chỉ toàn là nước mắt, bây giờ tình hình đã khá lên. Vì là con gái đầu lòng, nên không có chuyện Feroza được đi học. Gia đình nghèo và cô bé phải xách nước, quét nhà, chăm các em trai và em gái. Đến mươi lăm tuổi, cô được gả cho một ngời đàn ông bốn mươi. Ông ta giàu, và Bibi Gul nghĩ rằng giàu đồng nghĩa với hạnh phúc. Feroza đẹp gái và gả cô họ kiếm được món tiền kha khá hai mươi nghìn afgani.
Hai đứa con tiếp sau của Bibi Gul chết từ lúc còn nhỏ. ở Afganistan cứ bốn đứa trẻ thì một đứa chết trước khi lên năm. Đây là nước có tỷ lệ tử vong trẻ con cao nhất thế giới. Trẻ con chết vì sởi, quai bị, cảm mạo, nhưng trước hết vì bệnh tả. Quả thực nhiều bậc cha mẹ không cho con ăn khi chúng mắc bệnh tả, vì muốn gì thì mọi thứ cũng sẽ bị thải ra hết. Họ nghĩ bằng cách đó họ có thể làm cho căn bệnh khô đi. Hàng nghìn đứa trẻ bị chết vì sự hiểu lầm đó. Bibi Gul cũng chẳng biết hai con bà đã chết vì cái gì. "Chúng chỉ chết vậy đó thôi".
Rồi đến Sultan, Sultan yêu quý, Sultan được quý trọng. Cuối cùng Bibi Gul đã sinh được một đứa con trai đang lớn lên và vị trí của bà trong gia đình chồng sẽ khá lên rất nhiều. Giá trị của một cô dâu là ở cái màng trinh của cô ta, giá trị của một người vợ là ở số con trai bà sinh ra đời. Là con trai cả, Sultan bao giờ cũng được quyền có những gì tốt nhất, dù gia đình họ vẫn nghèo. Món tiền Feroza mang lại thừa cho cậu ăn học. Từ nhỏ, Sultan đã giữ vai chủ gia đình và bố cậu giao cho cậu những nhiệm vụ phải gánh vác. Bảy tuổi, cậu đã làm việc cật lực trong khi vẫn đi đến trường.
Sau Sultan hai năm, thì đến Farik, một đứa trẻ vô giáo dục, lúc nào cũng dây vào các cuộc ẩu đả, bao giờ cũng về nhà quần áo rách bươm và mũi bê bết máu. Cậu uống rượu và hút thuốc lá, đương nhiên là lén bố mẹ. Nhưng khi không nổi giận thì cậu lại hết sức ngoan. Bibi Gul kiếm được cho cậu một người đàn bà. Bây giờ cậu đã có vợ và là cha của hai cô con gái và một thằng con trai. Nhưng cậu ta đã bị đày biệt xứ khỏi ngôi nhà số 37 khu Microyan. Bibi Gul thở dài. Lòng bà đau buồn vì sự không thuận hòa giữa hai đứa con trai đầu. "Tại sao chúng lại không thể biết điều hơn?"
Sau Farik là Shakila. Nàng Shakila hồn nhiên, can đảm, mạnh mẽ. Bibi Gul để rơi một giọt nước mắt. Bà lại thấy cô con gái của bà đang kéo một gàu nước nặng.
Rồi đến Nesar Ahmad. Khi nghĩ đến cậu ấy, Bibi Gul lại khóc nhiều hơn. Nesar Ahmad hiền lành, dễ gần và là học trò ngoan. Cậu học trường trung học ở Kaboul và muốn theo nghề kỹ sư như Sultan. Một hôm, cậu không trở về nhà. Các bạn cùng lớp cậu kể lại rằng cảnh sát quân sự đã trưng tập đám con trai khoẻ nhất trong lớp và tống vào quân đội. Bấy giờ là dưới thời Liên Xô chiếm đóng và các lực lượng Afganistan mặc nhiên được coi là các đơn vị bộ binh thay cho quân đội Liên Xô. Họ ở tuyến đầu trong các cuộc chiến đấu chống quân moudjahidin. Thiện chiến hơn, quân moudjahidin nắm chắc địa hình hơn và rút lui vào núi. Họ chờ quân Nga và quân Afganistan phản bội lên đến các ngọn đèo. Trên một trong những ngọn đèo đó Nesar Admah đã mất tích. Bibi Gul tin rằng cậu vẫn còn sống. Có thể cậu đã bị bắt làm tù binh.Có thể cậu đã bị chứng mất trí nhớ, có thể cậu đang có một cuộc sống tốt đẹp hơn ở đâu đó. Ngày nào bà cũng cầu nguyện Allah cho cậu trở về.
Sau Nesar Ahmad đến Bulbuka, cô đổ bệnh vì buồn khi bố bị tù và suốt ngày ngồi nhà nhìn vào khoảng không.
Mariam, sinh vài năm sau đó, tỏ ra năng nổ hơn. Cô làm việc giỏi, quyết đoán và là học sinh xuất sắc. Cô đẹp lên và nhanh chóng thu hút bao nhiêu anh chàng hâm mộ. Mười sáu tuổi, cô lấy một cậu thanh niên trong làng. Cậu ta có một tiệm buôn nhỏ và Bibi Gul cho là một đám tốt. Mariam rời gia đình sang ở nhà chồng, cùng với em trai và mẹ cậu ta. Cô phải làm việc nhiều vì bà mẹ bị bỏng nặng hai bàn tay ở một lò bánh mì, mất hẳn một số ngón tay, những ngón còn lại thì dính chặt vào nhau. Với hai nửa ngón cái, bà có thể ăn một mình, trông coi bọn trẻ nhỏ và mang các đồ vật bằng cách ép sát chúng vào người. Mariam cảm thấy hạnh phúc trong gia đình mới của cô. Cho đến ngày bùng nổ nội chiến. Trong dịp một cô em họ của Mariam sắp làm đám cưới ở Jalalabad, cả gia đình mạo hiểm đi đến đó mặc dù tình hình mất an ninh trên đường. Karimullah, chồng cô, phải trở về Kaboul để trông coi tiệm buôn. Nhưng một buổi sáng, khi anh ta đi đến đó, thì bị rơi vào giữa những làn đạn bắn chéo. Một viên đạn trúng giữa tim và anh chết ngay tại chỗ. Mariam khóc suốt ba năm. Cuối cùng Bibi Gul và bà mẹ Karimullah quyết định gả cô cho Hazim, em trai của người chồng đã chết của cô. Vậy là cô có một gia đình phải chăm nom và phải trấn tĩnh lại vì chồng và hai đứa con. Bây giờ, cô sắp có đứa thứ năm. Fazil, mười tuổi, con trai đầu của cô với Karimullah, đã phải làm việc. Nó vác các hòm và bán sách ở một trong các cửa hiệu của Sultan và sống ở nhà ông để nhẹ gánh bớt cho Mariam.
Rồi đến Yunus, cậu con trai yêu thích nhất của Bibi Gul. Cậu là đứa chiều chuộng bà, biếu bà những món quà nhỏ, luôn hỏi bà có cần gì không và, sau bữa ăn tối, khi mọi người trong gia đình, ngồi hay nằm dài trên các tấm thảm, đã lơ mơ ngủ, cuối cùng cậu ta gối đầu lên đùi mẹ mà ngủ thiếp đi. Yunus là đứa duy nhất mẹ nó biết chính xác ngày sinh, nó sinh đúng vào hôm xảy ra cuộc đảo chính lật đổ Zaher Shad, ngày 17 tháng Bảy năm 1973.
Những đứa khác chẳng có ngày cũng chẳng có năm sinh. Giấy tờ của Sultan ghi năm sinh là từ 1947 đến 1955. Khi Sultan cộng những năm thơ ấu, đi học, rồi chiến tranh lần thứ nhất, chiến tranh lần thứ hai, ông có con số năm mươi và vài năm nữa gì đó. Mọi người đều dùng cách đó để xác định tuổi của mình. Và vì chẳng ai thật sự chắc chắn, mỗi người có thể tự chọn lấy tuổi của mình. Chẳng hạn, Shakila có thể nói cô ba mươi, nhưng rất có thể kỳ thực cô lớn hơn năm hay sáu tuổi.
Sau Yunus đến Basir. Cậu ta sống ở Canada vì mẹ cậu đã thu xếp cho cậu lấy một người họ hàng sống bên ấy. Bà không nhìn thấy cậu và không được nói chuyện với cậu từ ngày cậu cưới vợ và chuyển đi đã hai năm nay. Bibi Gul lại rơi một giọt nước mắt. Đối với bà không gì khổ hơn là phải xa các con. Ngoài những chiếc kẹo hạnh ngào đường trong đáy hòm, đấy là tất cả những gì bà có được trên đời này.
Đứa con trai cuối cùng bà sinh ra chính là cái cớ khiến bà cứ ăn hoài, ăn mãi. Vài ngày sau khi nó ra đời, bà phải đem cho một người đàn bà họ hàng không có con. Đôi vú bà cương sữa và nước mắt cứ tuôn chảy. Một người đàn bà có được giá trị khi trở thành mẹ, nhất là có con trai. Khi một người đàn bà không có con, điều đó có nghĩa là bà ta không được coi trọng. Người đàn bà là họ hàng của Bibi Gul suốt mời lăm năm không sinh con, bà ta đã cầu xin Thượng Đế, đã tuyệt vọng, đã dùng đủ thứ thuốc có thể tưởng tượng ra được và nghe theo tất cả các lời khuyên có thể có, trong khi Bibi Gul đang mang thai đứa con thứ mười, bà ta xin Bibi Gul cho bà ta đứa con ấy.
Bibi Gul từ chối.
- Tôi không thể cho con tôi.
Người bà con tiếp tục van nài, than khóc và đe dọa.
- Hãy thương hại tôi, chị đã có nhiều con, còn tôi thì chẳng có gì cả. Chỉ cho tôi xin đứa này thôi, bà ta khóc. Tôi không thể sống mà không có con.
Cuối cùng Bibi Gul đành hứa cho bà ta đứa con này. Khi sinh, bà giữ con hai mươi ngày. Bà cho con bú, nựng con và khóc. Bibi Gul đã trở thành một người đàn bà quan trọng nhờ có các con của bà và bà mong có được càng nhiều càng tốt. Ngoài chúng ra, bà chẳng còn có gì nữa hết, không có chúng bà chẳng là gì cả. Sau hai mươi ngày đã hẹn, bà cho con, và dẫu sữa bà vẫn tiếp tục chảy ròng ròng, bà không thể cho nó bú nữa. Nó không được có bất cứ mối dây liên hệ nào với mẹ nó, từ nay đối với nó bà chỉ còn là một người họ hàng xa. Bà biết nó khoẻ mạnh, nhưng bà vẫn đau khổ vì sự chia cách này. Khi bà gặp nó, bà phải khẳng định nó không phải là con bà. Bà đã hứa như thế khi cho con.
Leila là em gái nó. Hay lam hay làm, cẩn thận, Leila đảm đương phần lớn công việc nội trợ trong gia đình. Là đứa con sinh ra cuối cùng, mười chín tuổi, địa vị cô thấp hơn mọi người. Em út, độc thân, còn con gái. ở tuổi cô, Bibi Gul đã sinh được bốn con, hai đứa chết và hai đứa còn sống. Nhưng bây giờ bà không nghĩ đến chuyện đó nữa, bây giờ bà nghĩ rằng trà đã nguội và cả bà cũng vậy. Bà giấu những viên kẹo hạnh ngào đường của bà dưới tấm thảm và muốn có ai đó đi tìm chiếc khăn quàng len cho bà.
- Leila!!! bà gọi.
Leila vội rời những chiếc nồi của cô.
Ông Hàng Sách Ở Kabul Ông Hàng Sách Ở Kabul - Asne Seierstad Ông Hàng Sách Ở Kabul