Sự khác biệt giữa cơ hội và khó khăn là gì? Là thái độ của chúng ta! Trong mỗi cơ hội có khó khăn, và trong mỗi khó khăn đều có cơ hội.

J. Sidlow Baxter

 
 
 
 
 
Tác giả: Asne Seierstad
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Bookseller Of Kabul
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2033 / 51
Cập nhật: 2015-11-23 23:45:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hỏa Thiêu
ào một buổi chiều lạnh giá mùa thu năm 1999, một ngọn lửa vui vẻ chiếu sáng suốt nhiều giờ cái giao điểm ngã tư Charhai-i-Sadarat ở Kaboul. Trẻ con chen chúc quanh các ngọn lửa chiếu chập chờn trên các khuôn mặt bẩn thỉu và tinh nghịch của chúng. Bọn trẻ đường phố chơi trò đố xem đứa nào đến gần được lửa hơn. Người lớn thì chỉ lén nhìn qua trước khi vội vã tránh xa giàn thiêu. Như thế là cẩn thận hơn, bởi vì ai cũng biết đấy không phải là một đống củi do những người gác đường phố đốt lên để sưởi ấm bàn tay, mà là một ngọn lửa để vinh danh Thượng Đế.
Chiếc áo váy của hoàng hậu Saroya chai cứng lại trước khi biến thành than, đôi cánh tay trắng và thanh nhã cũng như khuôn mặt nghiêm trang của bà cũng cùng chung số phận. Cùng bị cháy thiêu với bà là chồng bà, vua Amanullah, cùng vô số những chiếc huân chương của ông. Toàn bộ dòng họ hoàng gia cháy thiêu cùng với những cô gái nhỏ mặc trang phục dân gian, những người lính moudjahidin cưỡi ngựa và vài người nông dân ở một chợ tại Kandahar.
Vào cái ngày tháng Mười Một đó, cảnh sát tôn giáo tiến hành một cách chu đáo công việc của họ tại hiệu sách của Sultan Khan và tẩy sạch các ngăn tất cả những quyển sách có in hình sinh vật, những tấm bưu ảnh vô tội và các công trình tra cứu lớn khô khan đều cháy rụi.
Quanh đống lửa thiêu, cạnh bọn trẻ con, là những viên cảnh sát tôn giáo, trang bị roi, gậy dài và súng kalachnikov[4]. Đối với những con người ấy, tất cả những người yêu thích các hình minh họa, sách vở, tác phẩm điêu khắc, âm nhạc, múa, phim ảnh và tự do tư tưởng đều bị coi là kẻ thù của nhân dân.
Ngày hôm ấy, họ chỉ chú ý đến các tranh ảnh, bỏ qua các văn bản tà thuyết dù chúng có nằm ngay trước mắt họ. Đám lính không biết đọc và không thể phân biệt được giữa học thuyết chính thống của taliban và cái bị coi là tà thuyết. Ngược lại họ phân biệt được giữa tranh ảnh và văn bản, sinh vật sống và đồ vật bất động.
Cuối cùng, chỉ còn lại tro tàn, theo gió bay tản ra trộn lẫn vào cái bẩn thỉu, bụi đường và cống rãnh Kaboul. Còn lại ông hàng sách, bị tước mất một số những tác phẩm yêu quý nhất của ông. Hai người lính kèm hai bên, ông bị ném lên xe. Đám lính đóng cửa và niêm phong cửa hàng và Sultan bị bắt giam vì tội hoạt động chống đạo Hồi.
Cũng may là bọn người khốn nạn có vũ trang kia không nhìn kỹ phía sau các ngăn sách, Sultan nghĩ thầm trên đường đến sở cảnh sát. Nhờ một thiết bị khôn ngoan, ông đã giấu kín những quyển sách bị cấm nghiệt nhất của ông. Ông chỉ đưa chúng ra khi có người hỏi riết lắm và ông đánh hơi là người đáng tin cậy.
Sultan đã chờ đợi vụ bị bắt giam này. Từ nhiều năm nay ông bán sách, tranh ảnh và các văn bản bất hợp pháp. Bọn lính thường đến đe dọa ông, chúng đã mang đi vài cuốn. Ông đã nhận được những lời cảnh cáo phát ra từ những cấp cao hơn của chế độ taleb[5] và thậm chí còn bị triệu đến bộ Văn hóa, trong khuôn khổ những nổ lực của các nhà cầm quyền đưa ông hàng sách năng động này vào mục tiêu phục vụ taliban.
Sultan Khan sẵn sàng bán đôi ba cuốn sách của taliban. Là người có tư tưởng tự do, ông cho rằng mọi tiếng nói đều cần được nghe. Ngoài cái chủ thuyết tăm tối của họ, ông cũng mong đưa đến cho họ những cuốn sách lịch sử, các ấn phẩm khoa học, các tác phẩm về hệ tư tưởng đạo Hồi và đương nhiên các tiểu thuyết và tác phẩm thơ.
Đối với taliban, tranh luận là một tà thuyết, hoài nghi là một tội lỗi. Nghiên cứu cái gì khác kinh Coran là vô ích và nguy hiểm. Khi họ nắm quyền ở Kaboul, mùa thu năm 1999, các chuyên gia ở tất cả các bộ đều bị thải hồi và được thay thế bằng các mollah[6]. Mục đích của họ là tái lập cái xã hội mà Đấng Tiên Tri Mahomet đã sống trên bản đảo A-rập hồi thế kỷ thứ VII. Họ đi đến chỗ đưa các mollah chẳng biết chút gì về kỹ thuật đi thương lượng với các công ty dầu hỏa ngoại quốc.
Sultan cảm thấy dưới thời taliban, đất nước ngày càng tăm tối, nghèo khốn và bịt bùng. Nhà cầm quyền chống lại mọi sự hiện đại hóa và chẳng hề mong muốn cũng chẳng hiểu và chấp nhận các ý tưởng về tiến bộ hay phát triển kinh tế. Họ phỉ nhổ mọi tranh luận khoa học, dù là chúng do thế giới phương tây hay hồi giáo đề xướng. Bản tuyên ngôn của họ trước hết gồm có mấy diểm nói về cách thức trùm kín người và ăn mặc, đàn ông phải tuân thủ các giờ cầu kinh và đàn bà bị tách ra khỏi phần còn lại của xã hội. Những người cầm quyền không hiểu đúng lịch sử đạo Hồi và lịch sử Afganistan. Và cũng chẳng quan tâm đến những chuyện đó.
Ngồi trong xe với bọn người taliban vô học này, Sultan Khan tức tối thấy đất nước bị các chiến binh và mollah lãnh đạo. Về phần ông, ông là người theo đạo Hồi, nhưng ôn hòa. Ông cầu Đấng Allah[7] mỗi buổi sáng, nhưng thường hay bỏ qua bốn buổi cầu kinh khác trong ngày, trừ khi bị cảnh sát tôn giáo kéo đến đền thờ Hồi giáo gần nhất cùng với những người khác họ nhặt được ngoài đường. Ông miễn cưỡng tuân thủ việc nhịn ăn dịp lễ ramadan, không ăn trong thời gian từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn, chỉ khi người ta nhìn thấy ông. Trung thành với hai người vợ của mình, ông nuôi dạy các con nghiêm khắc và bảo ban cho chúng trở thành những người Hồi giáo tốt biết kính sợ Thượng Đế. Đối với bọn taliban ông chỉ có khinh bỉ, coi là đám thầy tu nông dân. Quả là những người chỉ huy phong trào Hồi giáo đến từ những vùng nghèo khốn và bảo thủ nhất của đất nước, nơi có tỷ lệ người biết chữ thấp nhất.
Chính Bộ Tăng Tiến Đức Hạnh và Ngăn Ngừa Thói Hư, được biết nhiều hơn dưới cái tên là Bộ Thuần Phong Mỹ Tục, là nơi đã bắt ông. Trong lúc bị thẩm vấn ở nhà tù, Sultan Khan vuốt bộ râu, dài bằng bàn tay, như taliban quy định, ông cũng kéo lại ngay ngắn bộ shalwar kamiz, cái này cũng đúng theo chuẩn mực - áo dài đến gối, quần phủ mắt cá - và kiêu hãnh trả lời:
- Các ông có thể đốt sách của tôi, các ông có thể làm hỏng cuộc đời tôi, thậm chí có thể giết tôi, nhưng không bao giờ có thể tiêu diệt được lịch sử Afganistan.
Sách là toàn bộ cuộc đời của Sultan. Ngay từ nhà trường, đọc sách và lịch sử đã thu hút ông hoàn toàn. Sinh ra trong một gia đình nghèo, ông đã lớn lên trong những năm năm mươi ở Deh Khudaùdad, vùng ngoại ô Kaboul. Cả mẹ lẫn bố ông đều không biết đọc, nhưng họ cúp cum nuôi ông và người anh cả của ông ăn học. Người chị sinh ngay trước ông không bao giờ được đặt chân đến trường. Ngày nay cố lắm bà mới biết đoán được giờ giấc. Dù sao người ta nuôi bà cũng chỉ là để mà gả chồng.
Người ta đặt nhiều cao vọng vào Sultan. Trở ngại đầu tiên là con đường đến trường mà cậu bé không chịu đi vì không có giày. Mẹ cậu đuổi cậu ra khỏi nhà.
- Con vẫn có thể đi đấy, con sẽ biết, bà vừa nói vừa cốc lên đầu cậu.
Rất nhanh chóng cậu tìm được tiền để tự mua lấy giày; suốt thời gian đi học cậu làm việc cật lực. Trước khóa học và tất cả các buổi chiều, cậu đóng gạch để kiếm tiền cho gia đình. Cậu chỉ nói với bố mẹ một nửa số tiền kiếm được, chỗ còn lại cậu để dành để mua sách.
Sultan khởi sự nghề bán sách từ tuổi mới trưởng thành. Ông vừa mở một lớp đào tạo kỹ sư, nhưng không tìm được các sách cần thiết. Trong một lần đi thăm Téhéran cùng với ông chú, tình cờ ở một cái chợ đầy ắp hàng hóa của thành phố này, ông bắt gặp tất cả các cuốn sách ông vẫn tìm. Ông mua nhiều cuốn và bán lại cho các bạn đồng khóa ở Kaboul với giá gấp đôi. Vậy là một ông hàng sách đã ra đời và Sultan được cứu thoát.
Với tư cách là kỹ sư, Sultan chỉ tham gia hai công trường ở Kaboul trước khi niềm say mê sách vở kéo ông ra khỏi thế giới xây dựng. Các phiên chợ sách ở Téhéran mê hoặc ông hơn cả. Những người dân quê lượn lờ quanh các quầy sách của thủ đô Ba Tư, sách cũ và sách mới, sách cổ và sách hiện đại, và khám phá ra những cuốn ông không bao giờ ngờ có thể tồn tại trên đời này. Ông mua từng thùng đầy các tác phẩm thơ Ba Tư, sách nghệ thuật và lịch sử và, để bán cho chạy, thứ đắt hàng nhất là sách dành cho các kỹ sư.
Trở về Kaboul, ông mở cửa hàng sách nhỏ đầu tiên của mình, nằm lọt giữa các hàng bán gia vị và các quán chả nướng ở khu phố trung tâm. Đấy là vào những năm bảy mươi, xã hội giao động giữa truyền thống và hiện đại. Zaher Shah, vị nhiếp chính hơi lười biếng theo phái tự do, đang cai trị. ý đồ hiện đại hóa đất nước của ông ta gây ra những phê phán nghiêm khắc từ phía những người theo đạo. Khi khoảng một tá các mollah phản đối việc những người phụ nữ thuộc hoàng tộc không mặc áo choàng phủ kín người xuất hiện trước công chúng, họ bị bỏ tù. Số trường đại học và trường học nói chung khắp nước tăng lên đáng kể và cùng lúc các cuộc biểu tình cũng tăng lên. Chúng vấp phải sự đàn áp mạnh mẽ và nhiều sinh viên bị giết. Mặc dầu không có tuyển cử tự do, các đảng phái và các nhóm chính trị phát triển nhiều, từ cực tả đến tôn giáo chính thống. Các nhóm đấu tranh với nhau và không khí bất an lan tràn. Sau ba năm không có mưa và một nạn đói tai họa năm 1973, nền kinh tế ngưng trệ; trong khi Zaher Shah sang ý để khám bệnh, Daoud, người anh em họ của nhà vua chiếm lấy chính quyền sau một cuộc đảo chính và chấm dứt nền quân chủ.
Chế độ của tổng thống Daoud còn đàn áp hơn cả chế độ của người anh em họ của ông ta, nhưng hiệu sách của Sultan lại phát đạt. Ông bán các sách và tạp chí của các nhóm chính trị khác nhau, từ mác-xít đến chính thống tôn giáo. Mỗi buổi sáng ông đi xe đạp đến cái quán sách của ông ở Kaboul và buổi tối trở về nhà bố mẹ ở làng. Ông chẳng gặp vấn đề gì ngoài những lời than phiền không dứt của mẹ, giục ông phải lấy vợ và giới thiệu cho ông hết cô này đến cô khác, lúc thì một cô em họ lúc thì một cô láng giềng. Sultan chưa thấy cần xây dựng một gia đình. Bắt bồ cùng lúc với nhiều phụ nữ, ông chẳng hề vội quyết định. Ông muốn tự do đi đây đi đó và đi Téhéran, Tachkent và Mạc Tư Khoa, ông có một cô bạn gái người Nga, tên là Ludmilla.
Vài tháng trước cuộc xâm lược của Liên Xô vào tháng Chạp năm 1979, Sultan phạm sai lầm đầu tiên. Nur Muhammad Taraki, là người cộng sản rất cứng rắn, cai trị ở Kaboul. Tổng thống Daoud và toàn bộ gia đình ông ta, cho đến đứa bé sơ sinh, đều bị sát hại trong một cuộc đảo chính. Các nhà tù chật cứng người hơn bất cứ thời kỳ nào trước đó, hàng chục ngàn người chống đối chính trị bị bắt, bị tra tấn và hành hình.
Những người cộng sản, muốn áp đặt sự thống trị của họ, cố loại trừ các nhóm Hồi giáo. Những người moudjahidin - những chiến binh thánh chiến - bèn tiến hành một cuộc đấu tranh vũ trang chống lại chế độ, cuộc đấu tranh về sau sẽ phát triển thành một chuộc chiến tranh du kích thật sự chống lại Liên Xô.
Những người moudjahidin bao gộp rất nhiều hệ tư tưởng và dòng phái, các nhóm khác nhau xuất bản các sách ủng hộ djihad[8] - tức cuộc đấu tranh chống lại chế độ ngoại đạo -, công cuộc hồi giáo hóa đất nước. Chính quyền tỏ ra cứng rắn đối với những ai có phần liên hệ với họ và nghiêm cấm việc in và tán phát các tài liệu của họ. Mà Sultan thì lại bán cả sách của moudjahidin lẫn cọng sản. Ngoài ra ông lại có thói thích sưu tập và không thể không mua vài quyển trong số các sách đã đến tay ông để rồi đem bán lại với giá đắt hơn. Ông giấu bên dưới quầy những cuốn bị cấm ngặt nhất.
Rất nhanh chóng, ông bị tố giác. Một khách hàng bị bắt trong tay có những cuốn sách mua ở cửa hàng của ông. Trong một cuộc lùng soát, cảnh sát tìm thấy nhiều cuốn sách cấm. Cuộc hỏa thiêu đầu tiên được nhóm lên. Sultan phải chịu những cuộc tra vấn khó khăn, bị đánh đập và kết án một năm tù. Người ta xếp ông vào hạng tù chính trị, ở đấy bút, giấy và sách đều bị cấm ngặt. Suốt nhiều tháng, ông chỉ chăm chăm nhìn vào tường. Cuối cùng ông dùng chỗ lương thực mẹ ông vẫn tiếp tế cho ông mua chuộc được người cai tù và mỗi tuần kiếm được cái để đọc. Ngồi kín trong những bức tường đá thô cứng này, niềm mê say đối với văn hóa và văn học trong ông càng nhân lên gấp mười lần, ông đắm mình vào thơ và lịch sử đất nước ông. Đến khi ra tù, ông càng kiên định hơn bao giờ hết quyết chiến đấu cho công cuộc phổ biến kiến thức về nền văn hóa và lịch sử Afganistan. Ông tiếp tục bán cách sách cấm, của phe du kích Hồi giáo cũng như của phe cộng sản đối lập thân Trung Hoa, nhưng có thận trọng hơn trước.
Nhà cầm quyền luôn theo dõi ông và, năm năm sau, ông lại bị bắt. Sau song sắt, một lần nữa, ông lại có thời gian nghiền ngẫm về thơ ca Ba Tư. Ông lại bị buộc thêm một tội mới: thành phần tiểu tư sản, một trong những lời nguyền rủa tệ hại nhất trong hệ từ ngữ cộng sản. Bởi vì ông kiếm tiền theo kiểu tư bản.
Bấy giờ, chế độ cộng sản ở Afganistan, ngay giữa những đau khổ của chiến tranh, cố xóa bỏ xã hội bộ lạc để thay thế nó bằng chế độ cộng sản vui vẻ. Các nỗ lực tập thể hóa nông nghiệp sẽ rất đau đớn đối với dân chúng. Nhiều người nông dân nghèo từ chối những phần đất tước đoạt của những điền chủ giàu, vì theo Hồi giáo gieo trồng trên đất cướp đoạt của người khác là đi ngược lại Hồi giáo. Nông thôn vùng dậy, các dự án cho một xã hội cộng sản chẳng mấy thành công. Dần dần các nhà cầm quyền từ bỏ ý định của họ, chiến tranh lên đến đỉnh điểm. Trong sáu năm một triệu rưỡi người Afganistan đã bỏ mạng.
Khi "anh chàng tư bản tiểu tư sản" ra khỏi nhà tù, thì anh ta đã ba mươi lăm tuổi đầu. Cuộc chiến chống Liên Xô, diễn ra chủ yếu ở nông thôn, đã để lại Kaboul tương đối nguyên vẹn. Người ta lo công việc hằng ngày. Lần này, mẹ ông thuyết phục được ông cưới vợ. Bà tìm được nàng Sharifa xinh đẹp và tươi tắn, con gái một viên tướng. Họ cưới nhau, có được ba con trai và một con gái, hai năm một.
Liên Xô rút khỏi Afganistan năm 1989, mọi người đều hy vọng cuối cùng sẽ có hòa bình. Như vậy là không tính đến những người moudjahidin, họ không chịu hạ vũ khí, vì chính quyền Kaboul vẫn được Liên Xô ủng hộ. Tháng Năm năm 1992, những người moudjahidin chiếm Kaboul và nội chiến toàn diện bùng nổ. Căn hộ mà gia đình đã mua trong chung cư xô-viết Microyan, nằm ngay sát chiến tuyến. Tên lửa bắn vào tường, đạn phá vỡ cửa kính và xe tăng chạy ngay trên quảng trường trước nhà. Sau khi đã qua một tuần nằm bệt trên nền nhà để tránh đạn, Sultan lợi dụng một lúc tạm ngớt mưa đạn vài giờ đồng hồ đưa gia đình chạy sang Pakistan.
Trong thời gian ông ở bên ấy, cửa hàng sách của ông bị cướp phá, cùng với thư viện quốc gia. Nhiều cuốn sách có giá trị bị đem bán cho các nhà sưu tập đổi lấy một mẩu bánh mì hay đem đổi lấy xe tăng, đạn và lựu đạn. Khi ông trở về từ Pakistan để thăm lại cửa hàng của mình, chính Sultan cũng đi mua những bản sách lấy cắp ở thư viện và có được những món áp-phe rất hời. Với vài chục đô la, ông tậu được những bản sách cổ nhiều thế kỷ, đặc biệt những cuốn sách năm trăm năm tuổi, từ Ouzbékistan đưa sang, về sau chính phủ Ouzbékistan phải gạ mua lại của ông với giá hai mươi lăm nghìn đô la. Ông cũng mua được tác phẩm xuất bản cá nhân của nhà thơ ông rất hâm mộ Zaher Shad, tuyệt tác sử thi Shâh-nâmé của Ferdowski. Với giá không đáng kể, ông mua được nhiều tác phẩm quý từ tay những tên kẻ cướp không đọc được đến tên tác phẩm.
Sau bốn năm bị dội bom, Kaboul chỉ còn là đống đổ nát và mất năm mươi nghìn dân. Ngày 27 tháng Chín năm 1996, người Kaboul thức dậy trong một thành phố đã tắt lặng các cuộc chiến. Ngày hôm trước, Ahmad Shad Massoud cùng với các đoàn quân của ông ta đã vừa đánh vừa tháo lui trong thung lũng Panshir. Trong thời gian chiến tranh mỗi ngày có đến một ngàn quả tên lửa dội xuống thủ đô Afganistan, thì lúc này nơi đây lại hoàn toàn im lặng.
Trước dinh tổng thống, hai người bị treo cổ ở một tấm biển chỉ đường. Người cao lớn hơn, đẫm máu từ đầu đến chân, bị thiến, các ngón tay dập nát, thân hình và mặt bị đánh bầm và bị một phát đạn vào trán. Người kia bị bắn và bị treo cổ và người ta đã nhét đầy các túi ông ta những đồng afgani, đồng tiền Afganistan, để tỏ dấu hiệu khinh bỉ. Đấy là tổng thống cũ Muhammad Najibullah và người em trai ông ta. Najibulah là một người bị căm ghét. Là người đứng đầu cảnh sát mật trong thời Liên Xô xâm lược Afganistan, khi cầm quyền, ông đã ra lệnh hành quyết tám mươi nghìn kẻ thù của nhân dân. Từ năm 1986 đến năm 1992, ông đứng đầu đất nước, được người Nga ủng hộ. Khi những người moudjahidin đến, với Burhanuddin Rabbani làm tổng thống và Massoud làm bộ trưởng quốc phòng, Najibullah bị quản thúc trong khu nhà của Liên Hiệp Quốc.
Khi quân taliban chiếm các vùng phía đông Kaboul và chính phủ moudjahidin quyết định tháo chạy, Massoud đề nghị người tù lỗi lạc của mình đi theo ông ta. Lo sợ cho tính mệnh của mình ở bên ngoài thủ đô, Najibulah chọn ở lại cạnh những người lính gác các ngôi nhà của Liên Hiệp Quốc. Ông ta cũng nghĩ rằng với danh nghĩa là người pachtoun ông có thể thương lượng với những người pachtoun theo taliban. Ngày hôm sau, tất cả lính gác biến mất. Các lá cờ trắng - màu sắc thiêng liêng của taliban - phấp phới trên các đền thờ Hồi giáo.
Đầy hoài nghi, cư dân Kaboul vây quanh tấm biển chỉ đường ở quảng trường Ariana. Họ nhìn những người bị treo cổ và lặng lẽ đi về nhà. Chiến tranh đã chấm dứt. Một cuộc chiến tranh khác sắp bắt đầu: cuộc chiến tranh chống lại những niềm vui của nhân dân.
Taliban thiết lập trật tự và công lý bằng cách tung ra một cuộc tấn công nhằm vào nghệ thuật và văn hóa Afganistan. Chế độ đốt sách của Sultan và ra mắt ở bảo tàng Kaboul tay cầm rìu, với nhân chứng là chính vị bộ trưởng Bộ Văn hóa của họ.
Khi họ đến, bảo tàng chẳng còn gì đáng kể. Tất cả hiện vật đã bị cướp trong nội chiến. Những đồ gốm có từ thời Alexandre Đại Đế xâm chiếm đất nước này, những thanh gươm thời các cuộc chiến chống lại Gengis Khan[9] và các bộ lạc du mục Mông Cổ của ông ta, những bức tiểu họa Ba Tư và những đồng tiền vàng đã biến mất. Phần lớn chúng ngày nay bị phân tán khắp thế giới trong tay những nhà sưu tầm vô danh. ít cái được cứu thoát trước khi cuộc cướp phá thực sự bắt đầu.
Tuy vậy vẫn còn những bức tượng lớn của các vị vua và các ông hoàng Afganistan, cũng như các tượng Phật hàng nghìn năm tuổi và các tranh tường. Cũng giống như lúc chúng đến cửa hàng sách của Sultan, bọn lính liền ra tay. Trước những cặp mắt đẫm lệ của những người trông coi viện bảo tàng, quân taliban đập tan tành những gì còn lại của bộ sưu tập. Chúng vung rìu cho đến khi chỉ còn lại các chân bệ trơ trụi giữa đám bụi đá mù mịt và những mẫu đất sét. Trong một buổi, chúng đã triệt hạ những bằng chứng của một lịch sử hàng nghìn năm. Sau cuộc tàn sát, chỉ còn sót lại một câu trích dẫn từ kinh Coran ghi trên một tấm đá nhỏ có trang trí, mà viên bộ trưởng Bộ Văn hóa thấy có thể để yên.
Khi những tên đao phủ tàn sát nghệ thuật đó rút khỏi ngôi nhà đã bị ném bom, vốn đã nằm sát chiến tuyến suốt thời nội chiến, những người trông coi bảo tàng đứng lại giữa đống đổ nát. Họ kính cẩn nhặt lấy những mảnh vỡ, đặt chúng vào các thùng và dán nhãn ghi chú. Trong một số trường hợp, có thể nhận ra nguồn gốc của chúng: bàn tay của một bức tượng, lọn tóc của một bức khác. Rồi họ xếp các thùng dưới tầng hầm, hy vọng một ngày nào đó các bức tượng sẽ được phục chế.
Sáu tháng trước khi taliban sụp đổ, các bức tượng Phật khổng lồ ở Bamiyan cũng bị đánh mìn. Có tuổi đến gần hai nghìn năm, đấy là tài sản văn hóa lớn nhất của Afganistan. Khối thuốc nổ mạnh đến nỗi chẳng còn nhặt được mảnh vụn nào.
Chính là dưới cái chế độ đó mà Sultan Khan thực hiện việc cứu lấy những mảnh của nền văn hóa Afganistan. Sau cuộc hỏa thiêu chỗ bục giao thông, ông được trả tự do nhờ lo lót và ngay trong ngày hôm đó ông đã đập vỡ cái niêm phong ở hiệu sách của ông. Đứng giữa những gì còn lại trong kho báu của mình, ông òa khóc. Với một cây bút dạ, ông vạch ngang dọc và bôi xóa lên tất cả các hình sinh vật in trong các cuốn sách lọt khỏi tay bọn lính. Như vậy còn hơn là thấy chúng bị đốt cháy. Cuối cùng ông nảy ra một ý hay hơn, và lấy những tấm danh thiếp của ông dán đè lên các hình ảnh. Bằng cách đó ông che chúng lại để sau này có thể lại khui chúng ra, vừa ký tên mình lên tác phẩm. Có thể đến một ngày nào đó ông sẽ được gỡ các tấm danh thiếp ấy ra.
Nhưng chế độ ngày càng trở nên tàn nhẫn hơn. Mỗi năm đường lối riết róng - và mục tiêu phải theo đúng các quy tắc của Mahomet - ngày càng được siết chặt hơn. Một lần nữa, Sultan lại bị bộ trưởng Bộ Văn hóa triệu lên.
- Một số người muốn hỏi đến tính mạng anh và tôi không thể che chở cho anh, ông ta giải thích.
Chính vào lúc ấy, mùa hè năm 2001, ông quyết định rời bỏ đất nước. Ông xin thị thực đi Canada cho mình, cho hai bà vợ, các con trai và cô con gái. Bấy giờ, hai bà vợ và các con ông sống ở Pakistan và chán ghét tình trạng lưu vong, nhưng Sultan biết rằng ông không thể từ bỏ các cuốn sách của ông. Ông hiện có ba hiệu sách ở Kaboul, người em út của ông làm ở một trong ba hiệu đó, cậu con trai cả của ông là Mansur, mười sáu tuổi, làm ở một hiệu khác, còn chính ông đứng hiệu thứ ba.
Ông chỉ bày lên quầy một phần nhỏ các sách của ông. Phần lớn, gần mười nghìn bản, được giấu trong kho thành phố. Ông không thể để mất bộ sưu tập của ông, kết quả ba mươi năm lao động. Ông không thể để cho bọn taliban hay những binh lính khác tiếp tục hủy hoại linh hồn của đất nước Afganistan. Hơn nữa, ông còn có một kế hoạch bí mật, một ước mơ: khi không còn bọn taliban nữa và Afganistan đã có được một chính phủ đáng tin cậy, ông tự hứa sẽ hiến số sách của ông cho thư viện nghèo nàn của thành phố, nơi ngày trước trưng bày hàng chục vạn đầu sách. Hay cũng có thể ông sẽ mở thư viện của chính ông, tự ông sẽ giữ vai người thủ thư quả cảm.
Bị đe dọa tính mạng, Sultan Khan xin được thị thực đi Canada. Nhưng ông sẽ không bao giờ đến đó. Trong khi các bà vợ chuẩn bị chuyến đi và thu xếp hành lý, ông tìm ra đủ mọi lý do để trì hoãn. Hoặc là ông chờ sách, hoặc hiệu sách bị đe dọa, hoặc một người bà con vừa mất. Bao giờ cũng có một trở ngại nào đó.
Rồi đến ngày 11 tháng Chín. Khi bom dội xuống, Sultan chạy sang Pakistan ở cùng các bà vợ. Ông ra lệnh cho Yunus, một trong những người em trai chưa lập gia đình của ông, ở lại để trông nom các hiệu sách.
Khi bọn taliban sụp đổ, hai tháng sau các cuộc tấn công khủng bố ở Hoa Kỳ, Sultan là một trong những người đầu tiên trở về Kaboul. Cuối cùng ông đã có thể bày đầy trên các quầy tất cả các cuốn sách ông yêu thích. Bán cho người ngoại quốc đi tìm của lạ những cuốn sách lịch sử trong đó các minh họa đã bị bôi nhọ nhem bằng bút dạ và đã được gỡ những tấm danh thiếp dán đè lên hình các sinh vật. Ông đã có thể trưng ra những cánh tay trắng nõn của hoàng hậu Saroya và khuôn ngực phủ kín vàng của đức vua Amanullah.
Một buổi sáng, ngồi trong gian hàng của ông, cốc trà bốc khói trên tay, ông ngắm nhìn Kaboul đang sống lại. Trong khi suy tính cách thực hiện ước mơ của mình, ông nhớ lại một câu trích dẫn của Ferdowsi, nhà thơ yêu thích của ông: "Để thành công trên đường đời, đôi khi phải là sói, mà đôi khi lại phải là cừu". Đã đến lúc là sói.
Ông Hàng Sách Ở Kabul Ông Hàng Sách Ở Kabul - Asne Seierstad Ông Hàng Sách Ở Kabul