A good book has no ending.

R.D. Cumming

 
 
 
 
 
Tác giả: Asne Seierstad
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Bookseller Of Kabul
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2033 / 51
Cập nhật: 2015-11-23 23:45:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Lời Nói Đầu
ultan Khan là một trong những người đầu tiên tôi gặp khi đến Kaboul tháng Mười Một năm 2001. Lúc đó tôi vừa trải qua sáu tuần sống cùng những người chỉ huy của Liên minh Phương Bắc, từ vùng sa mạc giáp biên giới Tadjikistan đến vùng đồng cỏ phía bắc Kaboul băng qua những dãy núi Hindou Kouch và thung lũng Panshir. Tôi đã đi theo các cuộc tấn công của họ chống quân taliban[1], nằm ngủ trên nền sỏi đá, trong những căn lều đắp bằng đất, sát gần mặt trận và di chuyển trên xe quân sự, trên lưng ngựa và đi bộ.
Khi bọn taliban sụp đổ, tôi đã đến Kaboul cùng với Liên minh Phương Bắc. Trong một cửa hàng sách tôi gặp một người đàn ông lịch sự tóc đã muối tiêu. Sau nhiều tuần sống trong bụi thuốc súng và trên sỏi đá, chỉ nghe toàn chuyện chiến thuật chiến tranh và diễn biến chiến sự, bây giờ được giở những trang sách và trò chuyện về văn học và lịch sử quả thật có một hương vị gì đó như là được giải phóng. Những ngăn sách của Sultan Khan đầy ắp các tác phẩm nhiều thứ tiếng, các tuyển tập thơ ca và truyền thuyết của Afganistan, các sách lịch sử, các tiểu thuyết... Là tay buôn sành sỏi, ông đã để ý thấy tôi lần đầu đến cửa hàng của ông đã bê về đến bảy cuốn sách. Thường, lúc rỗi, tôi bước vào hàng ông nhìn qua đôi ba tác phẩm và trò chuyện với ông hàng sách kỳ lạ này, vốn là một người Afganistan ái quốc đã bao lần phải thất vọng vì đất nước của mình.
- Thoạt tiên, những người cộng sản đốt sách của tôi, rồi bọn moudjahidin[2] đến cướp, trước khi bọn taliban lại đốt sạch, ông ta kể.
Một buổi tối, ông mời tôi dùng bữa ở nhà ông. Cả gia đình ông tụ họp đông đủ, ngồi ngay trên nền nhà, quanh một bữa cơm thịnh soạn: một trong những người vợ của ông, các con trai, các bà chị em gái, người em trai của ông, mẹ ông, và vài người anh em họ. Sultan kể chuyện, các cậu con ông cười và đùa nghịch. Không khí thoải mái, càng làm rõ sự đối lập giữa bữa ăn tối này với những bữa ăn cùng những người chỉ huy trên các vùng núi. Tôi nhận ra ngay là những người đàn bà rất ít nói. Cô vợ vừa mới lớn rất đẹp của Sultan đứng lặng lẽ bên cánh cửa, tay bế con, không hề nói một lời. Người vợ kia của ông không có mặt tối hôm đó. Những người đàn bà khác trả lời các câu hỏi, những lời khen món ăn ngon, nhưng không bao giờ tự mình bắt chuyện.
Ra về tôi tự nhủ: Afganistan là vậy đấy. Thật đáng viết về cái gia đình này.
Hôm sau, tôi đến tìm Sultan ở hiệu sách của ông và trình bày với ông ý định của tôi.
- Rất cảm ơn, ông chỉ nói có vậy.
- Vâng, nhưng vậy thì tôi phải được sống cùng gia đình ông.
- Xin mời.
- Tôi phải đi theo ông, sống đúng như gia đình ông đang sống, như ông, các bà vợ của ông, các cô em gái, các cậu con trai của ông.
- Xin mời, ông lặp lại.
Vậy đó, vào một ngày Tháng Hai u ám, tôi đã đến ở cùng gia đình Khan, toàn bộ đồ đoàn vỏn vẹn có chiếc máy tính xách tay, các cuốn sổ ghi chép, bút máy, một cái điện thoại vệ tinh cùng quần áo và giày dép tùy thân. Những thứ khác đã biến mất trên đường đi của tôi, đâu đó bên Ouzbékistan.
Tôi được đón tiếp nồng nhiệt. Tôi cảm thấy thoải mái trong những chiếc áo dài Afganistan mà những người phụ nữ trong nhà đã cho tôi mượn ngay. Để ngủ, người ta cho tôi một chiếc chiếu cạnh Leila, người có nhiệm vụ chăm cho tôi chẳng bao giờ phải thiếu thứ gì.
- Chị là cháu bé của tôi, cô gái mười chín tuổi ấy bảo tôi như vậy ngay buổi tối đầu tiên. Tôi sẽ chăm sóc chị, cô hứa với tôi, mỗi lần tôi vừa thức giấc là cô đã bật dậy ngay.
Mỗi mong muốn nhỏ của tôi đều phải được thỏa mãn, Sultan đã ra lệnh cho cô như vậy. Mãi về sau tôi mới biết bất cứ kẻ nào không tuân lệnh đó đều sẽ bị phạt.
Suốt ngày người ta cho tôi ăn và uống nước trà. Dần dà tôi thâm nhập vào cuộc sống của gia đình Khan. Các thành viên trong gia đình nói khi nào họ thích, chứ không phải khi tôi đặt các câu hỏi cho họ. Khi tôi cầm cuốn sổ tay ghi chép, thường họ chẳng thích nói, họ chỉ cởi mở lúc đi dạo ở cửa hàng tạp hóa, trên xe buýt, hay lúc đã về khuya. Nhiều khi họ tự động trả lời những câu hỏi mà tôi thậm chí không hề nghĩ đến.
Tôi không có thời gian để học tiếng dari, thổ ngữ Ba Tư của gia đình này, nhưng tôi đã gặp may, vì nhiều thành viên trong nhà biết tiếng Anh. Bất thường chăng? Quả là tôi đã khám phá Kaboul thông qua một gia đình rất không bình thường: trong một đất nước ba phần tư dân số mù chữ, những người bán hàng sách rất hiếm.
Câu chuyện này trước hết là câu chuyện về một gia đình Afganistan. Có hàng triệu gia đình Afganistan và gia đình này không hề là tiêu biểu. Nó thuộc một giai cấp trung lưu, nếu ta có thể nói đến một giai cấp như vậy trong xã hội Afganistan. Một số người trong gia đình này đã được đi học, nhiều người biết đọc biết viết. Họ không thiếu tiền và không chết đói.
Nếu tôi muốn sống trong một gia đình Afganistan hoàn toàn điển hình, thì tôi sẽ phải sống ở nông thôn, trong một thị tộc ở đó không ai biết đọc biết viết và ở đó mỗi ngày là một cuộc chiến đấu để sống còn. Tôi đã không chọn gia đình Khan vì nó đại diện cho tất cả các gia đình khác, mà vì nó khiến tôi thích thú.
Tôi muốn câu chuyện này có vẻ hư cấu, tuy nhiên nó dựa trên cả một trải nghiệm thật mà tôi đã là người chứng kiến hay những diễn viên chính ở đây đã kể lại với tôi. Khi tôi viết những gì những con người ở đây suy nghĩ hay cảm nhận, tôi đã căn cứ trên những điều họ nói với tôi rằng họ đã nghĩ hay cảm nhận như thế trong hoàn cảnh đó. Nhiều độc giả hỏi làm sao tôi đoán được những gì diễn ra trong đầu họ. Đương nhiên tôi không phải là nhà văn cái gì cũng biết tất: khi tôi ghi lại một đối thoại nội tâm, một suy tính, ấy là người ta đã kể lại cho tôi.
Sultan không cho phép bất cứ ai khác được ở trong nhà này, do vậy những người phiên dịch của tôi là chính Sultan, Mansur và Leila. Tất nhiên điều đó khiến họ có ảnh hưởng lớn đến câu chuyện kể về lịch sử của gia đình này, nhưng tôi đã đối chiếu nhiều cách giải thích khác nhau và đặt cùng những câu hỏi giống nhau, lúc thì với Sultan, lúc thì với Mansur hay Leila làm thông ngôn.
Sultan đã học được ở một nhà ngoại giao mà ông ta dạy cho tiếng dari một thứ tiếng Anh phong phú và sáng tạo; cô em gái Leila của ông nói một thứ tiếng Anh hoàn hảo, học được ở các lớp buổi tối khi cô còn bé, và theo gương Mansur, ở trường khi gia đình lánh nạn tại Pakistan.
Người con trưởng của Sultan, bằng tiếng Anh trôi chảy, có thể thổ lộ với tôi những nghi ngờ, những mối tình, những điều anh cầu xin Thượng Đế. Vậy đấy anh đã tâm sự với tôi anh đã mong muốn được tẩy rửa tâm hồn về mặt tôn giáo như thế nào và đã dẫn tôi đi theo trong cuộc hành hương của anh, khi đó tôi là một người bạn đường thứ tư vô hình.
Tôi cũng đã tham gia chuyến đi giao dịch ở Peshawar và Lahore, cuộc săn đuổi bọn Al-Qaida, các lần đi mua sắm ở cửa hàng bách hóa, lần đi tắm hơi (theo lối Thổ Nhĩ Kỳ), tham dự lễ cưới và các công việc chuẩn bị lễ cưới, các lần đến thăm trường, đến bộ Giáo dục, đến sở Cảnh sát và nhà tù.
Ngược lại, có những việc khác tôi không đích thân trải nghiệm, như số phận bi thảm của Jamila hay những lầm lạc của Rahimullah. Người ta cũng kể cho tôi nghe chuyện Sultan đi hỏi vợ, câu chuyện này được các nhân vật trong cuộc thuật lại: Sultan, mẹ ông, Sonya, bố mẹ cô, những người chị em, người anh trai và Sharifa.
Mọi người đều biết tôi sống trong nhà họ để viết một cuốn sách; khi họ muốn tôi không nói đến một chuyện nào đó, họ bảo cho tôi biết. Tuy vậy tôi đã chọn biến họ thành vô danh cũng như những nhân vật khác trong câu chuyện này. Không ai bảo tôi phải làm như vậy, nhưng tôi thấy nên thế.
Cuộc sống hằng ngày của tôi là cuộc sống của gia đình này. Được đánh thức dậy từ buổi bình minh bởi những tiếng kêu của bọn trẻ và những mệnh lệnh của những người đàn ông, tôi sắp hàng chờ đến lượt trước phòng tắm hay chuồi vào đó khi mọi người đã dùng xong. Đôi khi, may mắn, còn có nước nóng, nhưng tôi đã nhanh chóng học biết được cái bổ mát của một cốc nước lạnh dội lên mặt. Suốt ngày hoặc tôi sống cùng những người phụ nữ, lúc ở nhà, lúc đi thăm họ hàng hay đi cửa hàng bách hóa, hoặc cùng Sultan và các cậu con trai của ông, ở hiệu sách, trong thành phố hay đi đây đi đó. Buổi tối, tôi ăn tối cùng gia đình và uống chè xanh cho đến giờ đi ngủ.
Dẫu tôi có là khách mời, rất nhanh chóng gia đình đã trở thành thân thuộc đối với tôi. Hào phóng và cởi mở, mọi người đã dành cho tôi một sự đón tiếp kỳ lạ. Tuy nhiên quả thật tôi hiếm khi nổi giận đến vậy đối với một người khác, tôi hiếm khi cãi nhau và cảm thấy muốn đánh một ai đó bằng những ngày tôi sống ở gia đình Khan. Bao giờ cũng là những lý do đó khiến tôi không thể kìm chế được: cách đàn ông đối xử với đàn bà. Định kiến về ưu thế của đàn ông ăn sâu đến mức đặc biệt lắm nó mới bị tranh cãi.
Hẳn tôi được coi như một thứ sinh vật lưỡng tính. Là một người phụ nữ phương Tây, tôi có thể sống giữa những người đàn bà cũng như đàn ông. Nếu tôi là một người đàn ông, tôi sẽ không bao giờ có thể sống ở đấy được như tôi đã sống, gần các bà vợ của Sultan đến thế, mà không gây ra những lời bàn tán xì xào. Đồng thời việc tôi là một người đàn bà, hay một sinh vật lưỡng tính, chẳng bao giờ gây ra bất cứ vấn đề gì trong thế giới những người đàn ông. Trong các ngày lễ, khi đàn ông và đàn bà phải sống cách biệt nhau, tôi là người duy nhất có thể tự do đi lại từ phòng này sang phòng khác.
Tôi cũng không phải chịu các ràng buộc khắc nghiệt về y phục như những người đàn bà Afganistan và tôi có thể đi lại bất cứ nơi nào tôi muốn. Tuy nhiên tôi thường trùm áo burkha[3], đơn giản là để được yên thân. Trên các đường phố Kaboul, một người đàn bà phương Tây thường lôi kéo nhiều sự chú ý không mong muốn.
Dưới tấm burkha, tôi tha hồ quan sát mọi người tùy thích, mà không bị người ta nhìn lại. Tôi có thể đi theo các thành viên của gia đình khi chúng tôi đi ra ngoài mà không bị mọi người tập trung chú ý vào tôi. Vô danh tính trở thành một sự giải phóng, là nơi ẩn náu duy nhất của tôi, bởi vì ở Kaboul hầu như chẳng có nơi nào người ta có thể sống được chỉ một mình.
Tôi đã sử dụng chiếc burkha để nhập vai một người đàn bà Afganistan, để cảm biết được cái cảm giác, khi trên một chiếc xe buýt trống một nửa, mà lại phải chen nhau ở ba hàng ghế cuối cùng chật cứng dành riêng cho phụ nữ, cái cảm giác phải co mình lại trong một thùng xe taxi vì có một người đàn ông đã ngồi ở hàng ghế sau, cái cảm giác được coi là một cái burkha cao lớn và hấp dẫn và nhận được lời khen cái burkha đầu tiên của một người qua đường. Tôi đã thấy dần dần tôi đâm ra ghê tởm cái burkha đến mức nào, nó siết chặt trán tôi và khiến tôi đau đầu đến mức nào, cái mạng lưới của nó hạn chế tầm nhìn đến mức nào, nó gò bó và bí bức, khiến người ta nhanh chóng ngột ngạt đến chừng nào, ta phải hết sức chú ý đến cái chỗ ta bước đến chừng nào vì không thể nhìn thấy được bàn chân mình, nó bắt bụi, bẩn đi nhanh chóng đến mức nào, và thật thoải mái sung sướng đến mức nào được hất tung ra khi đã trở về đến nhà.
Cuối cùng tôi đã sử dụng burkha làm vật che chở khi tôi cùng với Sultan đi theo con đường nguy hiểm dẫn đến Jalalabad và chúng tôi phải qua đêm ở một nơi nghỉ chân nguy hiểm tại biên giới, hay khi chúng tôi đi ra ngoài đêm khuya. Nói chung, phụ nữ Afganistan chẳng mấy khi đi ra ngoài với một nắm tờ trăm đô la và một cái máy tính xách tay, vậy nên khoác burkha giúp tôi tránh được bọn cướp.
Tôi đã sống ở Kaboul mùa xuân đầu tiên sau khi bọn taliban bỏ chạy. Mùa xuân ấy phập phồng một hy vọng mong manh. Dân chúng vui mừng vì bọn chúng đã cút đi, họ không còn phải sợ đám cảnh sát tôn giáo hành hạ trên đường phố, phụ nữ lại được đi lại một mình ngoài đường, họ có thể đi học, con gái được đến trường. Nhưng mùa xuân ấy cũng vẫn còn in đậm những nỗi thất vọng mấy chục năm qua. Tại sao bây giờ tình hình lại khá lên được?
Suốt mùa xuân, đất nước tương đối thanh bình, người ta có lạc quan hơn. Người ta toan tính các dự án, phụ nữ bỏ burkha ở nhà ngày càng nhiều, một số phụ nữ đã bắt đầu làm việc, những người lưu vong trở về.
Cũng như trước đây, chế độ lưỡng lự giữa truyền thống và hiện đại, giữa các thống lãnh chiến tranh và các thống lãnh bộ lạc. Trong tình trạng hỗn loạn ấy, vị cầm đầu Hamid Karzaù cố tạo nên một thế cân bằng và xác định một định hướng chính trị. Là người bình dân, ông không có quân đội cũng chẳng có đảng phái, trong một đất nước đầy súng đạn và những bọn phiến loạn đang chiến đấu.
ở Kaboul, tình hình tương đối yên tĩnh, bất chấp hai vụ sát hại hai vị bộ trưởng, cuộc mưu sát một vị thứ ba và việc tiếp tục các cuộc tấn công chống lại dân chúng. Đa số người dân tin vào những người lính ngoại quốc vẫn tuần tra trên các đường phố: "Không có họ, thì sẽ có nội chiến mất thôi".
Tôi đã ghi lại những gì tôi đã nhìn thấy và nghe thấy và cố gắng tập họp lại trong câu chuyện này những cảm xúc của tôi về một mùa xuân ở Kaboul, khi một số người cố vượt qua mùa đông để sinh sôi nảy nở trong khi những người khác thấy mình phải tiếp tục chịu kiếp "ăn bụi" thôi, như Leila sẽ nói.
Ásne Seierstad
Oslo, ngày 1 tháng 6-2002
Kính tặng bố mẹ tôi
" Migozarad! [Rồi sẽ qua cả thôi mà!]
(Câu viết lên tường một quán trà ở Kaboul)
Ông Hàng Sách Ở Kabul Ông Hàng Sách Ở Kabul - Asne Seierstad Ông Hàng Sách Ở Kabul