Người ta sẽ học được nhiều hơn từ lỗi lầm của mình, nếu như họ không quá bận rộn chối bỏ lỗi lầm của mình.

J. Harold Smith

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3727 / 57
Cập nhật: 2016-06-14 12:09:27 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17
HÒNG TRÀ HƯƠNG HOA CHƯA CÓ KHÁCH. Nhưng Mừng lác và Lâm sùi đã điều đình lọt vào trong. Hai đứa ở trong một góc tối, hút thuốc lá. Mừng lác bảo Lâm sùi:
- Hôm nay tao sốt ruột quá.
Lâm sùi nhả khói thuốc:
- Em cũng vậy.
- Không hiểu tại sao thằng Đạm về muộn thế?
- Chắc anh ấy...
Mừng lác bỏ ngang và không cho Lâm sùi trả lời hết câu hỏi:
- Có bao giờ mày nghĩ tới khi mày chết không?
Lâm sùi chột dạ:
- Anh nói chi kỳ quá vậy?
Mừng lác búng mẩu thuốc lá còn cháy ra giữa sàn phòng trà:
- Kỳ chó gì, mình khác đời thì phải nghĩ khác người đời. Chứ tao cứ nghĩ đến lúc chết mà phát ớn.
- Em thì cho rằng chết là xong chuyện, vì mình sống cũng chẳng khác gì mình chết.
- Mày nghĩ đúng.
Lâm sùi ngạc nhiên lắm. Nó nhìn Mừng lác, do dự một lát mới hỏi:
- Tối nay nói chuyện đâu đâu ấy...
Mừng lác nâng ly bia lên nốc một hơi dài:
- Nghĩ gì đâu đâu là thế nào?
Lâm sùi phân vân một lát rồi mới nói:
- Chưa xuất trận mà anh đã nghĩ chuyện chết, đó là một điềm gở.
Mừng lác cười:
- Tao nói chuyện chết, nói tới cái chết chung của loài người chứ đâu thèm để ý «trận mạc» nhỏ nhen này.
Lâm sùi phân trần:
- Nhưng mà không nên nhắc tới nó khi mình sắp cần dùng dao.
- Mày dùng dao?
- Cả anh nữa.
- Gặp khó rồi à?
- Phải đề phòng, du đãng là thứ dễ chết yểu. Không đề phòng, chết không kịp ngáp.
Mừng lác chép miệng:
- Sống chết có số, mày đề phòng cẩn thận cách mấy mà số mày chết hôm nay, mày vẫn phải chết. Có khi mình chết một cách hết sức hèn hạ.
- Như thế nào là chết hèn hạ?
- Thí dụ như tao, tao là vua phóng dao, ấy thế mà có thể sẽ có một thằng nó đ. biết phóng dao gì cả, nó đâm tao chết giẫy đành đạch.
Lâm sùi xua tay:
- Thôi đi anh, đàn em xin anh đừng nói chuyện chết nữa.
Mừng lác lại nhếch mép cười:
- Chuyện sống đã đ. có gì đáng nói, chẳng nói chuyện chết thì nói chuyện con c. gì đây?
Nó ngừng một lát, vỗ vai Lâm sùi:
- Này Lâm sùi!
- Dạ.
- Lâu nay có được tin gì về Hưng mặt thẹo không?
- Nó bị đày ra Côn đảo rồi.
- Mày có biết chừng nào nó được tha về đất liền không?
- Không.
- Còn lâu lắm. Tao sợ chúng nó thủ tiêu thằng khốn kiếp đó rồi. Này Lâm sùi!
- Dạ.
- Theo tao nghĩ, du đãng không nên chơi thân với nhau. Mày biết tại sao không?
- Không.
- Vì chơi thân với nhau, một thằng chết đi, căm thù của thằng sống lớn gấp bội. Và rồi lại có thằng chết, thằng căm thù. Tao bị giết, mày lo trả thù. Mày bị giết, Đạm lo trả thù, vân vân... Tao nghĩ, sau vụ này, mày xa lánh đi.
Lâm sùi ngạc nhiên:
- Anh muốn đuổi đàn em?
Mừng lác đưa tay xoa mặt:
- Xa mày, đâu có nghĩa là đuổi mày. Tao sẽ xa luôn cả thằng Đạm. Mày biết tại sao không?
- Không.
- Hôm nay, tao chợt nghĩ đến cái chết khốn nạn, cô đơn, không ai vuốt mắt của những thằng du đãng; tao chợt nghĩ đến những nỗi buồn chó đẻ trong cuộc sống chó đẻ này, tao hồi tâm và tao có ý muốn đi tu.
Lâm sùi phá ra cười. Mừng lác hỏi:
- Mày cười gì?
- Cười cái ý muốn đi tu của anh.
- Tao đi tu có gì mà đáng cười. Khi chịu rửa tội là mình đã sạch hết tội lỗi.
- Chưa thấy một thằng du đãng nào đi tu cả. Chỉ thấy du đãng đi tù thôi.
- Tại vì chúng nó không thích đi tu đấy chứ!
- Còn anh, anh thích?
- Tao mới có ý định đi tu thôi. Từ nay đến khi tao quy y cửa Phật hay khoác áo nhà Dòng có thể tao sẽ thay đổi nếu...
- Nếu gì?
- Nếu cuộc sống của chúng ta le lói một chút hy vọng để làm tương lai.
- Chứ không phải anh thất tình à?
- Tao có yêu ai đâu mà thất tình. Khi tao rắp tâm yêu đương thật sự thì tao gặp con Thy Kent nó sỏ tao một vố. Mẹ kiếp tao cứ bị lừa hoài.
Nghe đàn anh tâm sự một câu hết sức trẻ con, hết sức đáng thương, Lâm sùi không dám cười nửa. Nó cắm điếu thuốc vừa mồi lên môi Mừng lác:
- Hút đi cho ấm đã!
Mừng lác uể oải nói:
- Trừ phi lửa đốt tao, tao mới cảm thấy ấm. Còn bây giờ hồn tao lạnh như băng.
- Đứa nào làm anh lạnh? Phải con Thy Kent không?
- Cuộc đời. Nhưng từ hôm nay tao không thù hận cuộc đời nữa. Tao tha thứ hết. À, xong trận này, tao định đi Ban Mê Thuột chơi ít lâu.
- Anh đi một mình?
- Đời tao mãi mãi chỉ có một mình. Phải chỉ có một người dẫn tao đi đúng đường thì đâu đến nỗi thành Mừng lác.
Mừng lác chớp mắt. Chưa bao giờ nói chuyện với đàn em nó chớp mắt cả. Nét anh chị trên khuôn mặt của nó biến mất. Chỉ còn lại một nỗi buồn không bao giờ nguôi. Mừng lác hít một hơi thuốc lá thật đầy, nuốt khói vào phổi. Đôi mắt nó long lanh một sự thật, một sự thật não nùng của thời đại.
Bấy giờ, người ta đã thay đĩa ở giàn hát máy. Bản «Nhạc buồn» của Chopin êm ái bò vào tâm hồn Mừng lác. Nó thở dài, hỏi Lâm sùi:
- Mày buồn không?
- Buồn lắm.
- Thế mà chúng nó cứ bảo du đãng là bọn chai đá, giết người không gớm tay.
- Kệ cha chúng nó chứ, chúng nó biết cái chó gì.
- Lâm sùi!
- Gì thế anh?
- Hay là mày bỏ cái vụ này, tao với mày tới sòng hút thuốc phiện đi.
- Mình đã lãnh tiền của nó?
- Kệ mẹ nó, cho nó leo cây luôn. Mày đi hít với tao lần chót biết đâu mai mốt anh em mình chẳng mỗi đứa một ngã.
- Anh lại nói gở?
- Gở cái nỗi gì? Tao nói tao với mày sẽ xa nhau bộ nói vậy là tao sẽ chết à?
- Đứa nào dám giết anh?
- Vậy gở cái nỗi gì?
- Trước khi lâm trận, «giang hồ» kỵ nhất nói chuyện chết chóc và xa nhau.
Mừng lác vào dịp khác có thể nó đã bợp tai Lâm sùi hay sỉ vả Lâm sùi thậm tệ về cái tội «lên lớp» nó. Nhưng hôm nay nó chỉ nhếch mép cười:
- Mày «giang hồ» hơn tao không?
- Hơn sao nổi.
- Tao không kiêng mày kỵ làm chi, Lâm sùi! Tao nói thật với mày là tao buồn lắm. Mai tao nhất định đi Ban Mê Thuột rồi đó, tao tính đi tu. Chứ lông bông không có người chỉ đường dẫn lối cho mình có ngày đói dài, chết khốn nạn hơn chó bị xe cán!
Lâm sùi nghĩ đến Nguyễn Đạm. Nó nhìn thẳng vào mặt đàn anh:
- Anh hết tin tưởng rồi à?
- Hết rồi.
- Không còn tin một ai nữa?
- Ừ...
- Cả anh Đạm?
Mừng lác nín thinh.
Bản nhạc của Chopin đã dứt. Người ta cũng không thèm thay đĩa mới nữa. Mừng lác cảm thấy một nỗi cô đơn hãi hùng đánh đai vây quanh nó. Ngồi trong phòng trà mắt nó nhìn rõ màu vàng úa của chiều tà. Nó nhìn rõ một mảng nắng mồ côi rớt rơi xuống cuộc đời. Mừng lác thở dài khiến Lâm sùi sốt ruột:
- Anh nóng lòng!
- Không, tao đang buồn lắm. Thôi mày ở đây điều khiển chúng nó, tao phải đi ra ngoài một chút cho thoáng.
- Anh tới sòng hút?
- Có thể.
- Anh đợi lát nữa em đi với anh.
- Tao không ngồi lâu thêm được mười phút nữa đâu. Ngồi lâu thêm chắc tao hóa đá mất.
- Thì anh chờ thêm mười phút nữa vậy.
Mừng lác chiều đàn em, ngồi nán lại. Nó gọi thêm bia, không biết đã bao nhiêu điếu thuốc lá được đốt cháy? Và giờ phút này, bao nhiêu điếu thuốc lá đang được đốt cháy ở những nơi có thanh niên bơ vơ, lạc lõng? Tuổi trẻ bị bỏ hoang một cách đông tội nghiệp.
Mừng lác bảo Lâm sùi:
- Đêm nay nếu tao không về, mày cứ coi là tao đã bỏ đi nhé!
- Anh đi đâu?
- Tao đã nói với mày rồi. Độ trước tao bảo cho mày cái lý tưởng ma cô, hôm nay tao nhường luôn nghề nghiệp và địa vị tao cho mày. Mày chịu không?
Lâm sùi có vẻ buồn. Nó liếm mép:
- Anh khinh em quá.
Mừng lác sững sờ:
- Mày bảo tao khinh mày?
- Vâng.
- Tao khinh mày ở chỗ nào?
- Anh tưởng em không muốn vươn lên như anh sao?
- Mày hiểu rồi đấy. Ai bảo du đãng thích làm du đãng? Mày còn hơn tao nhiều, hơn ở chỗ dám tin tưởng cuộc đời sẽ hết chó đẻ. Hôm nay tao chán chường vì thế có đứa nào phỉ nhổ vào mặt tao, tao cũng nhịn. Tao chán hết, chán hết...
Lâm sùi an ủi đàn anh:
- Tại hôm nay anh gặp chuyện buồn. Mai anh sẽ đổi ý.
Mừng lác bĩu môi, khinh khỉnh:
- Ừ. Có lẽ vậy. Thôi tao đi hút thuốc phiện đây. Tao phải chích «đô lô dan» tìm cảm hứng mà sống, chờ ngày cuộc đời hết chó đẻ vậy. Hút thuốc phiện mãi cũng chán phè.
Mừng lác đứng dậy, vươn vai. Lâm sùi hỏi:
- Đêm nay anh chờ em nhé!
- Khỏi chờ.
- Hay em tới tiệm kiếm anh?
- Tùy mày. Nếu không gặp tao thì đừng kiếm nữa. Tao đi luôn, nghe.
- Anh đi đâu?
- Mày hỏi câu này mấy chục lần rồi?
Mừng lác cười gằn, khinh bạc rất cải lương:
- Trời đất, nước non nơi nào cũng giống nơi nào, biết đi đâu bây giờ!
Lâm sùi thấy giọng nói của Mừng lác khác hẳn mọi hôm. Nó đâm ra sờ sợ:
- Vậy anh sẽ đi đâu?
- Đi đâu? Tao đã hỏi thế. Có lẽ nên tìm sự giải thoát là ổn nhất.
Lâm sùi nắm lấy tay Mừng lác:
- Em xin đàn anh đừng nghĩ nhảm.
Mừng lác giật tay ra:
- Mày hiểu giải thoát là gì mà bảo tao nghĩ nhảm?
Lâm sùi ấp úng:
- Phải... phải anh... định... tự... tử không?
Mừng lác cười thành tiếng:
- Tự tử hèn chết.
Lâm sùi nói nhỏ:
- Anh còn trẻ...
Nhưng Mừng lác lại nói lớn:
- Tao già rồi, già lắm rồi.
Nó nói tiếp:
- Hận thù đốt cháy tuổi trẻ của mình, mày hiểu không?
Lâm sùi gật đầu:
- Em hiểu.
Mừng lác xô ghế bước ra:
- Mày hiểu thì để tao đi. Mày không giữ nổi tao đâu.
- Cả anh Đạm?
- Để nó lo lấy đời nó.
Mừng lác lừng khừng bước ra khỏi phòng trà. Nó hơi cúi đầu thọc hai tay vào túi quần. Lâm sùi đứng chôn chân một chỗ nhìn theo. Mãi nó chạy ra cửa, hỏi:
- Ở tiệm cũ hả, anh?
Mừng lác không thèm đáp. Nó lầm lũi bước trên vỉa hè. Lâm sùi trông theo, trông theo mãi khi bóng dáng tên đàn anh đau khổ rẽ sang một con ngõ khác nó mới trở vào chỗ cũ. Đôi mắt thằng du đãng Lâm sùi chớp mau. Và hai giọt nước mắt nó ứa ra. Nó không tin là Mừng lác sẽ tự tử nhưng tự dưng nó buồn khủng khiếp. Lâm sùi đập mạnh tay xuống bàn.
- La de nữa đi!
Nó ngó ra ngoài cửa. Nhóm dù đãng đang nườm nượp kéo tới. Lâm sùi hớn hở nét mặt. Nỗi buồn lại thoáng qua. Nó đập bàn lần thứ hai.
- La de nữa đi!
Bọn du đãng ùa vào phòng trà, mỗi đứa chiếm một bàn thực hiện kế hoạch phá đám. Mỗi đứa gọi một ly cà phê đá. Chúng nó hút thuốc làm khói ngộp phòng. Và, nói chuyện tục tỉu, bẩn thỉu khiến những người khách đứng tuổi phải trả tiền đi gấp. Những thanh niên đợt sống mới không dám vào.
Giàn nhạc chơi ở trên, ở dưới chúng đập gót giầy hòa nhịp. Ca sĩ hát, chúng ném nút chai lên tán thưởng vỗ tay dài hàng chục phút đồng hồ. Chủ phòng trà đau lòng lắm. Nhưng giàn nhạc vẫn phải chơi, ca sĩ vẫn phải trình bày giọng nói, trình bày nụ cười, trình bày mông, ngực hết sức có nghệ thuật. Một đêm văn nghệ «quái đản» với những khách thưởng thức «quái đản» kéo dài tưởng bằng ngàn lẻ một đêm. Chủ phòng trà bối rối lắm. Kinh nghiệm của phòng trà Phi Mã làm ông ta lo sợ. Cái đà này kéo dài một tuần lễ thôi là đủ sạt nghiệp rồi. Vì khách sẽ chê, không tới phòng trà Hương Hoa nữa.
Ông chủ phòng trà đành mở ngay một cuộc giàn xếp. Ông bước ra mi cô tươi cười:
- Thưa các bạn. Thật là một vinh hạnh cho phòng trà Hương Hoa hôm nay được tiếp toàn các bạn trẻ, những tinh hoa của đất nước, những người yêu nghệ thuật nhất nước. Mong các bạn hãy tự do thưởng thức, phòng trà Hương Hoa đãi ngộ các bạn hôm nay.
Ông quay về hậu trường:
- Chiêu đãi viên, hãy đem nước ngọt, bánh kẹo khao quý khách đi...
Và nheo mắt bảo ông trưởng ban nhạc:
- Và âm nhạc thật mê ly nghe!
Bọn du đãng vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Một đứa hét:
- Có huýt ky không?
Chủ phòng trà đáp:
- Nếu các bạn muốn thứ gì mà chẳng có.
Một đứa cười ha hả:
- Có đồ nhậu «mặn» không?
Ông chủ phòng trà gật đầu:
- Đồ nhậu «mặn» rất ngon. Rất thơm tho...
Bọn du đãng cười khoái chí. Lâm sùi ngồi lặng thinh hút thuốc lá. Nó đang mải nghĩ về Mừng lác. Thái độ bi quan của Mừng lác và chuyến đi dự định của nó vào ngày mai. Nó không tài nào hiểu nổi Mừng lác. Tâm sự của thanh niên thế hệ này bị khói đen phủ kín. Không một thứ ánh sáng nào đủ khả năng rọi vào để tìm hiểu hết cái tâm sự ám khói đó. Hôm nay vùng vẫy, bất mãn, ngày mai đã yên phận và ngày mai nữa nổi loạn. Nổi loạn đến chừng mệt mỏi lại muốn nuôi dưỡng tinh thần ở nhà tù. Và rồi lại bất mãn, lại nổi loạn. Tất cả những biến chứng đó đều do căn bệnh thừa thãi sinh lực mà ra. Thừa thãi sinh lực, không được dùng sinh lực của mình để làm một cái gì, không được khai thác sinh lực đó, tất nhiên người thanh niên đem tiêu xài hoang phí. Kết quả của sự tiêu xài hoang phí món tiền tuổi trẻ đó là sự khánh kiệt sinh lực và một tâm sự ám khói đen.
Lâm sùi chưa có ý kiến gì về đề nghị của ông chủ phòng trà. Nó đã hiểu Mành rỗ, đã được nghe nói nhiều về cái chết của Mành rỗ. Mục đích của Lâm sùi khác mục đích của Mành rỗ. Nó chỉ cần món tiền mua thuốc phiện bố nó hút đủ vài năm rồi nó cũng lại ra đi. Đi thật xa để bắt đầu cuộc đời thằng Lâm, Nguyễn Minh Lâm không có tiếng sùi thê thảm nối đuôi nữa. Nó sẽ bỏ rơi cái toa xe lửa dài lê thê chứa nặng tủi hờn.
Ngồi lẫn trong đám du đãng do Lâm sùi mướn đến đây, Năm Khánh Hội và Ba rằn ri quan sát từng li từng tí. Nó đã biết mặt Lâm sùi nên chờ đợi Lâm sùi lên tiếng. Những đàn em của Mừng lác chưa lên tiếng. Nó mặc kệ bọn đánh mướn la hét om sòm.
Năm Khánh Hội bảo Ba rằn ri:
- Y hệt cảnh cũ.
Ba rằn ri khôi hài:
- Chỉ có kép mới thôi.
Năm Khánh Hội chìa tay ra:
- Tao cá với mày đây.
- Cái gì?
- Lâm sùi sẽ xử sự như Mành rỗ.
- Tao thì tin lời nữ chúa.
- Vậy cá một chầu mì vịt nhe!
- Rồi!
Chiêu đãi viên đã bưng nước ngọt mời bọn du đãng. Những tiếng «bưng bức» của nút chai được mở ra. Ông chủ phòng trà ngồi cạnh một du đãng, tỉ tê:
- Ai là «xếp» các bạn?
- Lâm sùi.
- Lâm sùi ngồi bàn nào?
- Ông hỏi chi?
- Hỏi để biết mặt một vị anh hùng!
- Thôi xin ông đi.
- Tôi nói thật mà, các bạn đây toàn là những anh hùng.
Ông ta nghĩ thầm:
- Không anh hùng sao dám phá đám một cách hợp pháp thế này.
Thằng du đãng được gáy là «anh hùng» hả hê cõi lòng. Nó vỗ ngực:
- Anh hùng... du đãng...
Ông chủ phòng trà đưa đẩy:
- Bạn giới thiệu tôi với anh hùng Lâm sùi đi.
- Có chầu gì «hối lộ» không?
- Bạn muốn chầu gì?
- Một ca sĩ chẳng hạn.
- Sẽ có.
- Ông giữ lời hứa đấy nhé.
- Tôi giữ.
- Tụi này tôn trọng sự hứa hẹn lắm đó.
Thằng du đãng xô ghế đứng lên. Ông chủ phòng trà theo nó bước sang bàn Lâm sùi. Thằng du đãng trân trọng giới thiệu ông chủ phong trà với Lâm sùi:
- Thưa anh, ông chủ muốn gặp anh đấy ạ.
Lâm sùi lạnh lùng:
- Có việc chi?
Thằng du đãng lắc đầu:
- Em không biết.
Ông chủ phòng trà hơi chột dạ về thái độ lạnh nhạt của sếp du đãng. Nhưng ông ta đi thẳng vào vấn đề ngay:
- Tôi muốn điều đình với bạn.
Lâm sùi đuổi một tên đàn em đi, nhường ghế cho ông chủ phòng trà ngồi. Nó hỏi:
- Ông muốn điều đình cái gì?
- Về việc này.
- Ông thông minh thật, đã đánh hơi thấy mùi thất bại của con trai ông.
Lâm sùi tiếp lời, không để cho ông chủ phòng trà ngạc nhiên:
- Chẳng cần giấu ông làm gì. Tôi không muốn làm trò khỉ này đâu. Đã lâu, dễ chừng vài tháng thôi, tôi bỏ nghề đánh thuế chém mướn sống rất lương thiện. Lần này tôi cần một món tiền hơi lớn để làm cuộc đời và tôi đã lãnh cái «áp phe» này. Bọn thuê tôi phá ông không phải là dân chì đâu, mấy thằng nhãi con các ông lớn ghen tình với con ông đó. Việc giải quyết dễ lắm, ông cho con trai ông đi sang Tây hay lên Đà Lạt học đi để con mái cho đám «thân chủ» của tôi được quyền là ổn hết.
Lâm sùi hất hàm:
- Ông chủ nghĩ sao?
Ông chủ phòng trà chưa trả lời Lâm sùi, mà tươi cười mời nó:
- Bạn dùng Whisky?
- Không, tôi uống cà phê cho tỉnh táo?
- Đề nghị của bạn dễ quá.
- Dễ với ông thôi.
- Bạn gặp khó gì?
- Ông biết chuyện phòng trà Phi Mã không?
- Biết.
- Có thể nhường ông, tôi sẽ bị giết như thằng Mành rỗ.
Nó rít qua kẽ răng:
- Nhưng tôi cóc cần, cóc cần hết mọi sự ở trên đời. Tôi muốn đùa giỡn với cái chết. Ông định trả giá tôi bao nhiêu?
- Tùy bạn.
- Tôi cần năm chục ngàn thôi... Mạng tôi có năm chục ngàn rẻ chán.
- Bạn lấy tiền rồi bạn phủi tay?
- Tôi bảo vệ cho ông một tháng.
- Bạn giữ lời hứa?
Lâm sùi hơi bất mãn:
- Tôi không hứa với ông. Nhưng khuyên ông tin tôi đi.
Câu nói của Lâm sùi vô cùng hiệu nghiệm. Ông chủ phòng trà chìa tay bắt tay Lâm sùi:
- Tôi tin bạn.
- Tôi tên là Lâm sùi. Tôi nhờ ông một việc, tôi sẽ nói sau nếu mai tôi không gặp người bạn thân của tôi. Giờ xin ông trao tiền mặt.
- Tôi xin làm vừa lòng bạn Lâm sùi.
Ông chủ phòng trà rời bọn Lâm sùi một lát lâu. Rồi ông mang tới một gói tiền. Lâm sùi thản nhiên cầm lấy, không cần đếm, không cần mở ra coi có phải giấy bạc không. Nó nói:
- Vụ này coi như chấm dứt. Ông để mặc tôi hành động.
Ông chủ phòng trà cám ơn Lâm sùi nhét gói bạc vào túi, đứng dậy. Nó vỗ tay ba tiếng. Bọn du đãng đang cười nói bi bô, nín thinh.
- Anh em, vụ này đã được giải quyết. Mai gặp nhau nói chuyện. Bây giờ giải tán!
Bọn du đãng xô ghế rào rào. Mười lăm phút sau, phòng trà trống trơn. Chỉ còn lại Lâm sùi và hai đàn em của Thy Kent, Lâm sùi thấy hai tên lạ mặt ngồi lỳ không về, biết là sắp có chuyện. Nó thọc tay vào túi, mân mê con dao, thủ thế.
Năm Khánh Hội lên tiếng:
- Lâm sùi!
Lâm sùi dựa lưng vào tường:
- Muốn diễn trò Mành rỗ chăng?
Ba rằn ri lắc đầu:
- Người nhà mà.
Lâm sùi cười nhạc:
- Phe nào?
Năm Khánh Hội trách nhẹ:
- Lâm sùi, mày vô ơn quá. Nữ chúa phái tao đến yểm trợ mày đề phòng vụ Mành rỗ mà mày xử thế à?
Lâm sùi đáp:
- Đ. c. nữ chúa chúng mày. Tao xin lỗi có việc cần đi gấp.
Năm Khánh Hội bị chạm tự ái, nghiến răng ken két:
- Thử xem mày về dễ không?
Lâm sùi bước tới:
- Ừ, thử xem.
Ba rằn ri đã đứng lên:
- Thì thử đi!
Lâm sùi nhún vai:
- Chơi gì?
Năm Khánh Hội ngạo mạn:
- Mày có những trò chơi gì?
- Có đủ.
- Vậy chơi tay trước.
Ba đứa không bảo nhau, thu dẹp bàn ghế lại biến phòng trà thành sân đấu võ. Giàn nhạc sợ vạ lây, cũng dẹp nhạc cụ vào hậu trường. Ông chủ phòng trà hồi hộp lo âu. Lâm sùi trấn an ông ta:
- Ông chủ làm ơn khóa cửa ra vào lại, anh em trong nhà rượt vài đường quyền mà.
Lâm sùi nhắc lại:
- Chúng tôi rượt vài đường thôi mà. Ông chủ cứ yên tâm.
Nó bảo Năm Khánh Hội:
- Chơi tay đôi hay chơi tay ba đây?
Năm Khánh Hội nắm chặt bàn tay:
- Chơi tay đôi.
- Chơi tay đôi thường lắm. Tao thích chơi tay ba.
Ba rằn ri nổi nóng:
- Được lắm, chơi tay ba.
Lâm sùi đã cởi phăng áo ra. Ba con dao được rút khỏi túi nằm tênh lênh trên mặt bàn. Ba rằn ri nói:
- Nào mời ông bạn.
Lâm sùi nhổ bãi nước miếng:
- Chắc chắn tao không thể là bạn mày được đâu.
Nhưng Ba rằn ri vẫn bước tới. Khi cách Lâm sùi chừng một thước, bất chợt, nó lao người vào Lâm sùi đánh một miếng dò dẫm. Lâm sùi khẽ né sang một bên:
- Xong một đường rồi đó.
Ba rằn ri nhảy lên phóng một cú đá tuyệt đẹp. Lâm sùi lại né, Năm Khánh Hội đá xáp vô. Cuộc đấu võ diễn ra, chưa có gì sôi nổi cả. Lâm sùi vẫn thủ thế để xem địch thủ của nó thích chơi trò gì. Năm phút đỡ, né, nó hiểu ngay đòn của địch thủ. Năm Khánh Hội không muốn phí sức. Nó phóng ra một trái đấm nào là trái đấm ấy hứa hẹn nhiều quyết liệt. Lâm sùi để ý Năm Khánh Hội hơn là Ba rằn ri. Nhưng cả hai thằng đều cố tình hạ nhục Lâm sùi. Lâm sùi rình cơ hội Ba rằn ri sơ hở, tặng Ba rằn ri một trái. Thằng du đãng ôm mặt lùi về phía sau để Năm Khánh Hội đương đầu với địch thủ.
Năm Khánh Hội khen Lâm sùi:
- Được lắm, mày ăn điểm rồi đó.
Lâm sùi lại nhúng vai:
- Cám ơn tao thích ăn điểm chót hơn.
Năm Khánh Hội sáp vô. Hai thằng thay phiên nhau đấm đá. Những trái đấm kinh hồn giáng vào mặt, vào bụng nhau. Ba rằn ri coi như bị loại khỏi trận đấu. Nó đứng một chỗ ôm mặt. Trái đấm của Lâm sùi đã làm toét mí mắt nó.
Năm Khánh Hội đánh liên tiếp hai ba quả. Lâm sùi lãnh đủ. Nó té nhào vào chân Ba rằn ri. Thằng này tiện chân và đang sẵn căm hờn đá bóp vô bụng Lâm sùi. Lâm sùi nhăn nhó, lồm cồm ngồi dậy.
Năm Khánh Hội đang chờ nó, Lâm sùi đã đứng lên. Thay vì nhào tới tấn công Năm Khánh Hội, nó quay lại bồi tới tấp vào bụng vào ngực Ba rằn ri. Đòn của nó thật chớp nhoáng. Năm Khánh Hội tiếp cứu bạn thì Ba rằn ri đã mềm nhũn ngã quỵ.
Năm Khánh Hội đấm như mưa vào người Lâm sùi. Nó không đỡ mà cố tình diệt Ba rằn ri. Nó nện gót giày xuống bụng Ba rằn ri. Đến lúc biết chắc Ba rằn ri hết ngóc đầu nổi, Lâm sùi mới nghĩ đến chuyện diệt Năm Khánh Hội.
Trận đấu tay đôi giữa hai thằng du đãng có hạng đã tới lúc diễn ra y hệt một pha đấm đá trong phim cao bồi thượng hạng. Các ông nhạc sĩ, các cô ca sĩ không còn sợ hãi như lúc đầu nữa. Họ đã đứng hết trên sân khấu làm khán giả, theo rõi cuộc thư hùng. Hai diễn viên, hai con gà nòi của giới giang hồ, quần nhau ở khu vực của khán giả. Và khán giả lại đứng ở «khu vực» của những tên «giác đấu» của thời đại. Đó là một điểm đáng khóc trong cuộc đời hôm nay.
Lâm sùi mặt bê bết máu. Nhóm khán giả tuy không cổ võ nó, nhưng thâm tâm chỉ muốn Lâm sùi hạ được Năm Khánh Hội. Vì nếu Lâm sùi bị thua Năm Khánh Hội, phòng trà Hương Hoa sẽ bị một «áp lực» khác làm khó dễ. Nó quyết chiến thắng đàn em của Thy Kent không phải vì món tiền năm chục ngàn của lão chủ phòng trà Hương Hoa mà vì danh dự.
Nghĩ vậy Lâm sùi dồn hết sức mạnh của nó vào bàn tay phải. Nó phóng sang mặt Năm Khánh Hội như quăng một món tiền lớn lên chiếu bạc. Năm Khánh Hội lãnh đủ trái đấm của Lâm sùi. Nó trả đũa lại ngay.
Khuôn mặt của hai thằng bê bết máu. Chúng nó đang tham dự một cuộc «chiến tranh phi lý» nhỏ mọn, cuộc chiến tranh đê tiện phát sinh từ chút tự ái cỏn con. Một thằng đấm, một thằng đỡ. Đến phiên thằng khác đấm thằng này đỡ. Lâm sùi đánh bao nhiêu cái, Năm Khánh Hội đáp lễ nguyên vẹn.
Tới khi hai đứa mềm nhũn, ngã rạp cơ hồ hai cây cổ thụ bị cưa sát gốc. Thì cuộc chiến tạm ngưng. Ông chủ phòng trà đem nước lạnh dùng khăn đáp lên mặt Lâm sùi. Vài phút sau, nó tỉnh lại. Tự tay nó, nó dùng khăn lau những vết máu đọng khô trên mặt nó.
Lâm sùi nắm lấy cánh tay ông chủ phòng trà:
- Con ông rồi sẽ như thế này, có thể còn tàn tạ hơn nếu gặp những kẻ thù thích chơi lưỡi dao cạo. Ông cho xin vài miếng đá cục đi.
- Tôi báo cảnh sát cho nó xúc hai thằng chó chết này vô Tế Bần.
- Không được. Chúng nó là bạn tôi. Ông để mặc tôi giải quyết.
Người bồi đã mang một số đá cục ra. Lâm sùi bảo ông chủ phòng trà:
- Ông để chúng tôi yên...
Ông chủ phòng trà bỏ đi. Lâm sùi dùng hai tay múc nước đổ lên mặt Năm Khánh Hội. Nó lau mặt cho địch thủ rồi đỡ địch thủ dậy.
Năm Khánh Hội vươn tay đấm Lâm sùi một trái cuối cùng. Nhưng sức nó quá yếu, trái đấm bị Lâm sùi gạt đi. Lâm sùi dịu giọng:
- Đủ rồi, đủ rồi ông bạn.
Năm Khánh Hội nhếch miệng cười:
- Mày chì lắm đó, tao có lời khen.
- Cám ơn.
Lâm sùi đổ nước lên mặt Ba rằn ri. Lát sau ba tên du đãng vừa coi nhau như kẻ thù đã ngồi cùng bàn, uống bia, hút thuốc. Phòng trà Hương Hoa bây giờ yên lặng lắm. Đêm đã khuya, sinh hoạt ban đêm không còn gì ngoài những chiếc xe chạy vụt trên đường nhựa. Ngọn đèn mờ của phòng trà che giấu giùm những dấu trên mặt ba thằng du đãng.
Ba thằng du đãng cười sằng sặc. Nước mắt ứa ra từ những con mắt điên dại của chúng nó lúc nào không hay. Ba rằn ri chợt nhớ chuyện cần, hỏi Lâm sùi:
- Mày diễn lại trò của Mành rỗ.
- Ừ.
- Rồi muốn chết đê tiện như Mành rỗ.
- Không tao đang cần sống, tao thèm sống để làm lại cuộc đời tao. Mỗi thằng trong bọn mình có một tâm sự u ẩn. Tao chắc chúng mày chẳng bắt tao kể cái tâm sự u ẩn của tao. Vậy chúng mày cứ hiểu tao không phải, không thể nào giống thằng đê tiện Mành rỗ.
- Rồi thân chủ của mày nghĩ sao?
- Đó là những thằng con ông cháu cha nhát như cáy. Chúng nó bị «máy sùy» thôi. Nếu chúng mày coi bọn đó là những kẻ đối thủ với tao thì chúng mày đã lầm rồi đó.
Năm Khánh Hội đập khẽ ngón tay lên mặt bàn:
- Nó chi mày bao nhiêu?
- Đứa nào?
- Thằng Hương Hoa.
- Năm chục ngàn.
Ba rằn ri huýt sáo dài tỏ vẻ ngạc nhiên, Lâm sùi chặn sự ngạc nhiên của nó lại:
- Chỉ đủ ba tao hút thuốc phiện vài năm thôi. Tao còn món nợ với một người chết oan. Tao phải lo tiền cấp cho vợ con hắn một cái vốn.
Lâm sùi kể lại chuyện ở phòng tạm giữ. Giọng nó đều đều, tâm sự của nó chìm dần trong đêm khuya. Năm Khánh Hội và Ba rằn ri lắng tai nghe.
Sáng hôm sau ba thằng du đãng gục đầu trên cùng một chiếc bàn nhỏ, ngủ như chết.
Khi Lâm sùi trở về bin đinh, Nguyễn Đạm còn gục đầu trên bàn ngủ miết. Chai rượu mới uống chưa quá nửa, nút rơi mất ở xó nào. Chiếc ly nhỏ còn nằm gọn trong bàn tay Nguyễn Đạm không muốn rời ra. Con Gia nin nằm đắp chăn trùm kín mít trên giường của nó. Nó thức tới gần sáng, và vừa thiếp đi.
Lâm sùi cầm chai rượu lắc mạnh rồi đưa lên mũi ngửi. Rượu đã hết mùi rượu. Màu sắc chưa bay nhưng hương vị chẳng còn gì nữa. Nó nhìn Nguyễn Đạm tưởng tượng Nguyễn Đạm là nó. Tuổi trẻ của chúng nó y hệt chai rượu đã bay hết mùi. Cửa hồn của chúng nó bật nút từ hôm nào chúng nó cũng không biết. Chỉ thấy yêu thương, mong ước, hoài bão lẻn trốn ra đi. Và căm hờn ở lại.
Lâm sùi chớp mắt lia lịa. Nó đã thề nhiều lần là không bao giờ khóc. Nhưng nó cứ khóc khi nghĩ tới nó, nghĩ tới bạn bè nó cùng cái hiện tại đầy rẫy những hình ảnh ốm o, què quặt. Mừng lác đã giữ đúng lời. Vua giết người Phú Thọ không về đêm qua. Sáng nay nó cũng chưa về. Rất có thể Mừng lác đã đi Ban Mê Thuột. Lâm sùi cảm giác một điệu nhạc gì rất buồn, rất xa vắng đang bò vào từng thớ thịt của nó. Nó ngứa ngáy chịu hết nổi.
Lâm sùi móc túi lôi bó bạc đặt trên mặt bàn. Nó lại tủ lạnh, với chai rượu chưa khui. Rồi mở cánh cửa tủ, tìm kiếm một cái ly. Con Gia nin thức giấc. Nó hỏi:
- Anh đã về hở anh?
- Ừ, anh đã về.
- Anh Mừng đâu?
- Anh ấy sắp về. Còn cái ly nào không?
Con Gia nin tung chăn ngồi dậy:
- Các anh đập hết rồi, còn mỗi chiếc trong tay anh Đạm thôi.
Lâm sùi thở dài. Nó gần như mất trí. Sau mỗi lần uống say, chúng nó đua nhau đập ly tách. Thế mà nó vẫn còn hỏi. Lâm sùi bảo Gia nin:
- Em ngủ đi.
Con Gia nin ngáp dài bước khỏi giường:
- Anh cần em giúp gì không? Em không buồn ngủ nữa.
Ánh nắng mai đã lọt vào căn phòng. Lâm sùi khép cửa tủ lạnh. Nó vòng tay khoác tay Gia nin:
- Tối mai anh kể chuyện cổ tích cho em nghe, chuyện hay lắm cơ.
Con Gia nin dụi mắt:
- Có bà tiên hiền lành như chuyện của anh Mừng lác không anh?
Lâm sùi chưa uống rượu mắt đã ngầu đỏ:
- Có, nhiều bà tiên lắm, bà nào cũng hiền lành cả không có ai ác đâu, em ạ!
- Anh nhớ kể nhe!
- Anh nhớ mà, bây giờ rửa mặt đi. Đánh răng thật kỹ kẻo lớn lên răng sâu hết đẹp, nghe em. Kiếm cho anh cái ca và bỏ vô vài miếng đá em nhé!
Lâm sùi xách chai rượu tới bàn. Nguyễn Đạm vẫn ngái đều đều. Lâm sùi khui nút chai rượu. Nó nhẹ nhàng gỡ chiếc ly nắm chặt trong tay Nguyễn Đạm. Đạm quay đầu lè nhè:
- Gì thế em?
Lâm sùi mỉm cười:
- Không có gì đâu anh, ngủ đi, ngủ cho ngon, ngủ mà quên.
Nguyễn Đạm nắm lấy tay Lâm sùi mơn man:
- Quên ai, không quên em đâu.
Lâm sùi suýt phì cười. Bất chợt Nguyễn Đạm ngẩng đầu lên. Nắng làm nó chói mắt. Nó dụi mắt và thấy Lâm sùi. Nguyễn Đạm hơi ngượng. Nó chép miệng, nuốt nước miếng:
- Về khuya thế!
Lâm sùi trách lại:
- Đâu bằng anh!
- Mừng lác đâu?
- Nghe nói anh ấy đến tiệm thuốc phiện đường Nguyễn Công Trứ.
- Có gì lạ không?
- Tiền.
Nguyễn Đạm theo ngón tay của Lâm sùi, nhìn bó bạc trước mặt mình.
- Nhiều thế?
Lâm sùi hất đầu:
- Nhìn mặt tôi đi.
Nguyễn Đạm co rúm người lại:
- Bọn nào đánh đó?
Lâm sùi rót rượu ra ly:
- Rỡn chơi mà.
- Với ai?
Nó nốc hớp rượu đầu tiên. Khà một tiếng lớn:
- Đàn em con nữ chúa.
Nguyễn Đạm hỏi giật:
- Còn Mừng lác?
- Anh ấy bỏ cuộc tự hồi đầu.
- Mừng lác bỏ rơi Lâm sùi?
- Không, anh ấy bảo sốt ruột, muốn đi tu.
Nó kể cho Đạm nghe câu chuyện giữa nó và Mừng lạc ở phòng trà Hương Hoa. Rồi nó kết luận:
- Anh ấy thấm mệt rồi, thằng du đãng Mừng lác mệt mỏi rồi. Nhìn anh ấy thất thểu trên vỉa hè em đã ứa nước mắt.
Nguyễn Đạm buông một câu não nề:
- Tôi lại lâm vào ngõ bí.
Lâm sùi nhún vai:
- Làm gì bây giờ? Hãy uống rượu cho say đã đời, đợi xem anh Mừng lác có về không.
- Rồi sau đó?
- Em có món tiền đấy, nếu Mừng lác không về, chúng mình dùng nó giải quyết vài việc cần rồi dông lên Ban Mê Thuột kiếm ảnh.
Gia nin đã bưng ca nước đá tới. Lâm sùi đặt ly rượu xuống bàn, quàng tay lên cổ Gia nin:
- Em sẽ đi học.
Con Gia nin, chưa hiểu chuyện gì, toét miệng cười:
- Anh cho em đi học à?
Đạm nháy mắt ra ý cho Lâm sùi. Nó vỗ nhẹ vai Gia nin:
- Ừ, anh sẽ cho em đi học. Bây giờ em đi xem chiếu bóng đi để các anh uống rượu tính chuyện làm ăn.
Gia nin ngoan ngoãn vâng lời. Lâm sùi rút gói bạc, đưa cho Gia nin một trăm. Chờ nó đi khỏi, Lâm sùi bảo Đạm:
- Con bé xinh quá, lớn lên nó sẽ là hoa hậu. Và em sẽ cưới nó làm vợ.
Nguyễn Đạm gật gù:
- Lâm sùi tính chuyện năm năm sau đấy à?
- Vâng.
- Nghe nói du đãng không được chết già đâu.
Lâm sùi thở dài:
- Có lẽ em sẽ giải nghệ.
Nguyễn Đạm bốc một cục đá nhỏ, bỏ vào miệng nhai rau ráu:
- Đôi khi có những nghề mình không giải được cũng như có những nghề mình không chọn mà nó lăn xả tới bắt mình chọn nó.
Lâm sùi tự dưng phê bình rượu:
- Hừ, chai này uống đắng quá!
Nó bỏ mấy viên đá vào chiếc ly, rót đầy rượu rồi khẽ đẩy về phía Đạm. Còn nó, nó rót rượu vào cái ca. Hai đứa cụng ly, vừa uống vừa xã hơi bất mãn.
Buổi sớm, chưa đứa nào ăn gì cả. Rượu làm chúng nó cồn cào và chóng say. Nửa tiếng sau, hai đứa đã bắt đầu nói năng lảm nhảm. Nguyễn Đạm rưới rượu lên gói bạc.
- Cái gì thế này?
- Tiền đó.
- Tiền đấy à. Sao tao trông nó giống giấy chùi đít thế?
- Ờ, ờ, nó bẩn hơn giấy chùi đít nữa, nhưng nhờ nó người nó người ta có thể mua được lý tưởng của những thằng giàu lý tưởng nhất thế giới và nhờ nó, khối thằng bán lý tưởng được giá cao đó, mày ạ!
Nguyễn Đạm cười sằng sặc:
- Nó bẩn thế để lên đây làm gì mày?
Lâm sùi ôm gói bạc, đưa lên mũi hít hà:
- Nhưng nó vẫn thơm mới bỏ mẹ chứ.
Nó thè lưỡi liếm những giọt rượu chưa thấm vào giấy:
- Thơm quá, thơm quá... Một nửa dành cho Gia nin. Năm năm sau anh sẽ cưới em. Anh sẽ kể cổ tích đời anh, đời du đãng của anh cho em nghe...
Lâm sùi tháo dây buộc gói bạc ra. Nó tách đôi gói bạc, liệng một nửa vào góc phòng. Còn một nửa, nó để ở giữa bàn. Nguyễn Đạm đã say đến hoa cả mắt. Nó cầm chai rượu rót tung tóe lên gói bạc. Lâm sùi khóc rưng rức. Nó gục đầu xuống bàn rồi ngã ngửa kéo theo cả chiếc ghế lăn xuống sàn phòng. Nó lồm cồm bò dậy, cố vịn ghế của Nguyễn Đạm đứng lên.
Nguyễn Đạm móc túi lấy hộp quẹt. Nó mồi điếu thuốc rồi tiện tay châm vào gói bạc. Giấy bạc tẩm rượu mạnh bốc cháy. Nguyễn Đạm nhìn tiền cháy vỗ tay cười ha hả. Lâm sùi bước tới gần bàn, tháo dây lưng trễ quần xuống đái, nước đái của nó làm tắt ngóm ngọn lửa. Hai đứa ôm nhau đứa cười đứa khóc. Lát sau thì chúng nó cùng quỵ. Và quên hết cả chuyện đời...
Nước Mắt Lưng Tròng Nước Mắt Lưng Tròng - Duyên Anh Nước Mắt Lưng Tròng