Dịp may ưu ái những ai can đảm

Publius Terence

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3727 / 57
Cập nhật: 2016-06-14 12:09:27 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14
HỦY NGỒI BÊN SONG CỬA. TRỜI MỚI VÀO thu, cái thứ thu bất chợt và hiếm hoi mà người Hà Nội bắt gặp ở Saigon. Nhiều hôm về cuối năm, Saigon có những hôm lành lạnh. Người Saigon bảo trước đây; Saigon chưa bao giờ lạnh thế. Người Hà Nội vội vàng chủ quan nói: “Chúng ta đi mang theo quê hương”. Người Hà Nội lấy cái nhan đề một bức họa sơn dầu của họa sĩ Phạm Tăng để vơ về những cái gì giống giống thời tiết quê hương mình.
Thấy trời mưa nhẹ trong gió lạnh cuốn theo những chiếc lá vàng, người Hà Nội cảm giác mùa thu tới với riêng mình. Người có tâm hồn thi sĩ thì lẩm nhẩm ôn lại những bài thơ mùa thu. Một chén trà buổi mai, một bài “Đây mùa thu tới” rất... tây của Xuân Diệu. Một điếu thuốc, một ly cà phê tại một quán nhỏ ngoại ô, người ta có thể mường tượng ra rừng thu “Lá thu rơi sào sạc” với “Con nai vàng ngơ ngác” của Lưu Trọng Lư.
Mùa thu bất chợt đến khu phố ngoại ô Hòa Hưng thật ảm đạm. Nghĩ chuyện đã qua, Thủy ứa nước mắt. Đời nàng kể như cũng thoảng phấn hương rồi. Trinh tiết đâu còn nữa! Chính mắt Đạm đã trông rõ bọn khốn nạn hãm hiếp nàng. Cái hình ảnh thê thảm khi nàng thất thểu bước vào phòng tạm giữ đã lọt vô mắt Đạm. Chàng chưa biết nàng bị bệnh, bị bọn khốn nạn tiêm những con vi trùng vào người nàng, giết chết tuổi trẻ của nàng, giết chết thời con gái của nàng. Chàng chưa biết nhưng Thủy tưởng chừng chàng đã biết hết.
Không còn gì tủi nhục cho người con gái bằng nghịch cảnh phải làm đàn bà một cách miễn cưỡng. Thủy đã già đi, đã héo hắt, đã trở thành một người đàn bà ở cái tuổi nữ sinh. Thời gian không tàn phá đời nàng, cơm áo không tàn phá đời nàng, chiến tranh không tàn phá đời nàng. Thế mà nàng vẫn bị tàn phá.
Thủy vẫn ngồi yên bên song cửa. Những mùi thuốc trụ sinh đã trị dứt bệnh của nàng. Song một bọc mủ mới mưng ở trái tim nàng. Nàng căm hờn mỗi lần nhớ lại. Thủy chỉ muốn nổi loạn, chỉ muốn làm du đãng. Nàng, đôi khi, giận mình không là con trai. Nếu nàng là con trai...
- Chị Thủy!
Đứa em gái nũng nịu gọi, khiến Thủy vội đưa cánh tay áo lên thấm nước mắt. Không kịp nữa, đứa em gái đã nhìn thấy những giọt nước mắt.
- Chị Hai khóc à?
- Đâu có.
- Mắt chị còn long lanh kia kìa...
- Tại con bọ sa vào mắt chị đó.
- Chị nói dối em.
- Chị nói thật mà.
Thủy rời chỗ ngồi bên song cửa sổ. Nàng bước tới chỗ em gái. Thủy vuốt ve em:
- Chị không nói dối em đâu.
Đứa em an ủi chị:
- Bỏ học có gì là buồn mà chị phải khóc. Học khổ thấy mồ, em chỉ muốn thôi học.
Thủy mắng yêu em:
- Thảo, đừng nghĩ nhảm em.
Thảo ngước mắt nhìn chị:
- Em đâu nghĩ nhảm. Học tốn tiền của bố quá trời.
- Bố có kêu gì đâu.
- Nhưng bố đi làm cực quá.
- Bố đi làm cực em cần phải học để lớn lên bố hết cực chứ.
Thảo ôm chầm lấy chị:
- Em thương bố.
Nó nói tiếp:
- Em thương chị nữa.
Thủy thở dài:
- Thương chị thì em phải chăm học chứ. Hễ lười học chị không thương đâu.
Con Thảo tự nhiên hỏi chị:
- Dạo này bố gầy quá nhỉ?
Câu hỏi làm Thủy se lòng. Nàng dìu em về phía kê giường ọp ẹp. Hai chị em ngồi bên nhau. Thủy nghĩ đến người cha đau khổ giờ phút này đang quần quật đổ mồ hôi ở phi trường. Từ ngày biết con gái bị bọn khốn nạn làm hại. Ông Thuận sầu đau khôn tả. Ông im lặng hơn trước và bắt đầu uống rượu. Như bất cứ người Việt Nam tiêu cực nào căm hờn cuộc đời, căm hờn xã hội, ông chỉ biết uống rượu. Ông Thuận đã nghiền rượu, mượn hơi men để gục đầu trong nỗi tuyệt vọng, trong nỗi tủi hổ mà xã hội bắt mình phải gánh chịu.
Rượu mới đầu giúp người đau khổ quê đau khổ khi cần nghĩ tới sự đau khổ. Sau đó nó ngấm vào máu, đốt cháy tim phổi và đốt cháy luôn cả sự sáng suốt. Ông Thuận biến dần những nét hiền dịu của người cha thành những nét cau có. Ông đâm bẳn tính mắng mỏ con cái luôn miệng.
Chiều hôm qua, ông Thuận về khuya. Ông bỏ bữa cơm tối ở nhà. Ông đã uống khá nhiều ở một quán cóc bên lề đường ngoại ô. Khi ông lảo đảo bước vào ngõ, ông đã ngã mấy lần. Tới nhà, ông xô cửa đánh rầm cái cửa sổ chắp bằng những mảnh thùng sữa gẫy nát. Chị em Thủy giật mình tỉnh giấc. Ông Thuận cười hề hề, nói năng nhảm nhí. Ông đọc tên những người lãnh đạo quốc gia chửi bới thậm tệ. Ông gọi những linh hồn của đất nước là những thằng khốn nạn. Ông kết tội cả tổ quốc. Ông bảo tổ quốc không có gì linh thiêng cả. Vì nếu linh thiêng, tổ quốc đã vật chết những đứa khốn nạn đang ăn trên ngồi trước để áp bức đồng bào ông.
Chửi bới một lúc, ông bắt Thủy chong đèn lên. Ông bắt chị em Thủy ngồi dậy nghe ông nguyền rủa cuộc đời. Chị em Thủy, thoạt tiên ngơ ngác. Sau đó ôm lấy nhau khóc tấm tức. Ông Thuận hét inh, cấm không cho khóc. Và ông chỉ vào mặt Thủy mắng mỏ:
- Mày là đồ khốn!
Thủy kinh sợ. Nàng vội lấy khăn ướt đắp vào mặt cha. Thủy biết cha mình đêm nay uống nhiều. Nhưng ông Thuận hất tay con gái ra. Mắt ông đỏ ngầu, ông nhìn Thủy trừng trừng:
- Ai bảo mầy bị bắt hả Thủy?
Thủy không trả lời. Ông Thuận gầm thét:
- Ai bắt mầy, tiên sư cha chúng nó, sao chúng nó bắt mầy?
Rồi ông nghiến răng:
- Nó đổ bệnh cho mầy hả con?
Thủy úp hai tay vào mặt:
- Con lạy bố...
Ông Thuận cười man dại:
- Sao con không tự tử cho rồi, còn sống làm chi cho nhục.
Ông lại quát:
- Đồ khốn nạn, sao mầy không chết đi. Sao chúng mầy không chết đi để tao rảnh tay, tao ôm súng bắn vỡ sọ những thằng khốn nạn đó?
Thủy nghiến răng muốn nát. Nàng đứng chết dí một chỗ. Ông Thuận gọi:
- Thảo!
Thảo sợ sệt thưa nhỏ:
- Dạ...
Ông Thuận đập bốp vào vách ván:
- Mầy không dám nói to à?
- Dạ...
- Dạ cái gì? Mầy dạ ai, bố mầy đây không cần dạ vâng gì nghe con. Tiên sư cha cuộc đời...
Ông ôm bụng cười rũ rượi, Thủy bảo em:
- Bố say rồi đó, các em đừng buồn nghe...
Ông Thuận vươn vai. Ông đá tung cái ghế trước mặt:
- Ai bảo tao say? Ai bảo tao say? Ông say đấy, tiên sư cha chúng nó những thằng tỉnh, những thằng khốn kiếp làm ông say...
Ông Thuận đấm một trái vào không khí:
- Thiện!
Đứa con trai thứ ba run rẩy:
- Bố gọi con ạ!
- Ừ, bố gọi con.
- Con đây?
- Con đâu? Bố có nhìn thấy con đâu? Con ơi!
- Dạ.
- Lớn lên con phải học cách giết người nghe con.
Ông Thuận nhảy cỡn. Ông xé tung khuy áo, cởi chiếc áo sơ-mi vất vào xó tối.
- Phải giết người, đời này lương thiện là ngu.
Ông đổi giọng:
- Sao, chúng mầy không chết đi, chết hết đi, sống nheo nhóc làm gì? Chết hết đi, tao sẽ giết chúng mầy...
Ông Thuận xồng xộc xuống bếp. Chị em Thủy quá sợ hãi đến nỗi không còn kêu cứu được nữa. Ông Thuận đã xách con dao bầu lên. Ông hoa dao một lát. Thủy chạy tới ôm chân cha:
- Bố ơi! Bố ơi!
Ba đứa em nàng cũng chạy tới khóc như ong vỡ tổ. Những chuyện vợ chửi chồng, chồng đánh vợ, bố đánh các con xảy ra như cơm bữa ở các xóm lao động. Không ai xúc động chuyện này. Người láng giềng vẫn nằm ngủ thin thít, ngáy khò khò. Nếu sự ồn ào có làm thức giấc, họ chỉ buông vài câu chửi bâng quơ. Rồi lại nhắm mắt tiếp tục ngủ.
Dường như, những tiếng khóc đã làm ông Thuận tỉnh rượu, hay ông quá say hết cả sức, ông rời rã chân tay. Con dao bầu rớt xuống đất. Và ông quỵ luôn.
Thủy cùng ba đứa em chung sức kéo cha lên giường? Nàng đấp chăn trùm kín người cha, ba đứa em chung nhau săn sóc bố. Đứa xoa dầu nóng, đứa sát muối vào lòng bàn chân, đứa lấy khăn ướt đấp lên trán bố. Ông Thuận thở rống. Ông đã ngủ mà không biết ông vừa làm gì
Thủy giục các em đi ngủ. Nàng an ủi Thảo:
- Bố say bố nói nhảm đó, em đừng nghĩ gì nghe em. Tội nghiệp bố...
Thảo rơm rớm nước mắt:
- Bố say thật hở chị?
- Bố say thật mà. Những người say đều nói nhảm cả. Họ nói thật tàn nhẫn mà không hiểu họ nói tàn nhẫn. Rượu nói đấy chứ có phải bố nói đâu em...
Thảo lắc đầu:
- Chị nói dối, bố không say đâu, bố thù oán cái gì đó.
Thủy cúi đầu. Tiếng thở của ông Thuận đã nhỏ dần. Ngọn đèn dầu tỏa ra một vùng ánh sáng, sáng hơn cả bao giờ. Những con mắt của bốn chị em nhìn cảnh đổ vỡ. Cánh cửa che gió lạnh sụp gẫy. Cánh cửa như ông Thuận. Ông Thuận đã ngã quỵ. Như một căn nhà trống trải, những đứa con bắt đầu cảm thấy gió lạnh của cuộc đời tạt vào tim phổi họ. Nỗi sợ hãi đùn lên tâm hồn. Thảo bảo chị:
- Em ra chắp cánh cửa che tạm đêm nay nhé chị!
Thiệu đứng lên trước:
- Để em giúp chị Thảo một tay.
Con bé Thúy cũng nói:
- Em cầm đèn nhé!
Nhưng Thúy đã ngước đầu lên. Nàng nhỏ nhẹ:
- Thiện và Thúy đi ngủ đi. Để hai chị lo chuyện ấy.
Hai đứa bé ngoan ngoãn nghe lời chị. Đợi một lúc lâu cho hai em ngủ thiếp, Thủy ngồi sát Thảo, nàng khoác tay qua vai em:
- Bố không thù oán gì đâu, em ạ!
Thảo đưa tay vuốt mặt:
- Không thù oán gì sao bố uống rượu?
- Tại bố buồn.
- Ngày trước bố cũng buồn mà.
Thủy níu chặt cổ em:
- Thảo!
Thảo đáp khẽ:
- Dạ.
- Em chưa nên tìm hiểu. Biết thêm một sự thật người ta sẽ không muốn sống nữa.
Thảo chụp lấy câu nói của chị để hỏi:
- Có sự thật gì ám ảnh bố chăng?
Thủy mím môi. Thảo nắm chặt lấy bàn tay chị:
- Hở chị?
- Em còn nhỏ quá, tò mò làm gì.
- Em không nhỏ đâu, chỉ kém chị có hai tuổi thôi. Dễ chừng em còn biết hơn chị vì em đã...
Thủy giật mình:
- Em đã...
Nàng buông tay khỏi vai em.
- Em đã... gì?
- Em đã yêu. Em đã biết ôm người yêu của em và rướn người lên để nó hôn em.
Thủy bàng hoàng như đang lạc vào rừng sương mù dày đặc. Nàng thẫn thờ hỏi em:
- Rồi sao nữa?
- Mới có thế thôi. Chị ngạc nhiên lắm à?
- Ừ, chị ngạc nhiên lắm.
- Có gì mà ngạc nhiên. Tới cái tuổi nào đó người ta không thể chấp nhận hoàn cảnh khốn nạn của mình, người ta phải tìm cách thay thế hoàn cảnh khốn nạn đó bằng một hoàn cảnh khác. Chị có công nhận em đẹp không?
- Em đẹp lắm.
- Sống mãi với bố ở những vùng ngoại ô đầy đĩ điếm này nếu cam phận, rút cuộc cũng chỉ đến cái nước làm điếm. Em không muốn làm điếm, em muốn làm đứa con gái có hàng chục thằng con trai cung phụng em. Em không lý tưởng gì cả. Em thực tế, quá thực tế. Những ngày tháng sống ở Lăng Cha Cả, em đã hiểu cuộc đời. Em không tin tưởng ở bố nữa. Bố bất lực rồi, bây giờ bố lại nghiện rượu. Em tự hỏi bố sẽ làm gì cho chị em mình.
Thủy lặng thinh. Một lát khá lâu hai chị em không nói với nhau điều nào.
Trên mái nhà, tiếng con thạch sùng tặc lưỡi. Tiếng tặc lưỡi của loài thạch sùng sao mà buồn thế. Những hồi tiếc của ngàn đời trong những tiếng tặc lưỡi đó. Thủy ứa nước mắt. Những giọt nước mắt rơi thật nhanh và nghe thật rõ ràng. Ở gầm giường, tiếng chuột rúc, dường như lũ chuột đang nhảy đầm bằng điệu nhạc nước mắt của Thủy.
Thảo bắt đầu hối hận:
- Em đi dựng cửa chị nhé!
Thủy vẫn nín thinh. Thảo lại ngồi xuống cạnh chị:
- Chị giận em à?
- Không.
- Sao chị không nói với em?
- Em nói hết rồi, em nói đúng lắm. Em đã lớn, em có quyền chọn lựa con đường đi của em.
- Em xin lỗi chị, tại em quá đau khổ.
- Chị chắc bố còn đau khổ hơn em. Bố căm thù cuộc đời, bố đau khổ vì không làm chị em ta sung sướng được. Lỗi ấy đâu phải tại bố. Nhưng em đừng ngại em cứ tự do chọn lựa lấy đường em đi, miễn là con đường đó đưa em tới hạnh phúc.
Thảo ôm lấy chị, khóc rưng rức:
- Em không bỏ bố đâu, em không bỏ gia đình đâu. Em đã nói nhảm, em xin lỗi chị.
Thủy không mảy may xúc động. Nàng hỏi em:
- Em muốn biết một sự thật ám ảnh ba không?
Thảo chưa kịp trả lời, Thủy đã nói tiếp:
- Có lẽ không nên giấu em. Để chị nói em nghe. Hôm chị bị bắt vào phòng tạm giữ, bọn khốn nạn đã phá hại đời chị. Điều đó khiến bố đau khổ, bố muốn chết ngay vì bố tự biết sức bố không thể làm gì hơn là uống rượu đề quên đau khổ.
Thảo lại lạc vào vùng sương mù như Thủy vừa mới lạc vào khi hay tin em gái mình đã biết rướn người lên cho tình nhân hôn say đắm. Nàng nắm lấy cánh tay chị:
- Thật không?
- Thật hơn cả sự thật!
- Chị bị nó cưỡng hiếp!
- Ba đứa.
- Trời!
- Mà chị vẫn chưa chết. Em có tin rằng người ta muốn chết cũng không chết nổi không?
- Em không biết.
- Chị đã muốn chết, muốn uống liền một lúc vài ống thuốc ngủ khi chúng thả chị ra. Nhưng đúng vào lúc tuyệt vọng, một ánh hy vọng lóe lên. Nếu không có hy vọng chắc chắn chị chẳng được ngồi tâm sự với em.
- Chị hy vọng gì?
- Một người con trai tận mắt thấy chị ngã gục trong phòng tạm giam. Anh ấy không khinh tởm chị. Anh ấy đã hứa sẽ tìm chị và nói yêu chị.
- Anh ấy cũng bị tù?
- Nạn nhân của cuộc đời đó. Anh ấy bị khép tội du đãng như chị bị khép tội làm đĩ!
Thủy giấu em không muốn cho em biết rằng ánh hy vọng mà Đạm chiếu vào tâm hồn u tối của nàng một sớm mai trong phòng tạm giữ đã lu mờ. Nàng nói thật nhỏ:
- Bố đã không có hy vọng. Càng ngày bố càng lao dần xuống dốc tuyệt vọng. Em có thương bố không?
Nước mắt Thảo lại ứa ra. Trong màn lệ đau thương đó, Thảo chỉ nhìn rõ hình ảnh một người đàn ông làm kiếp con gà trống nuôi đàn con nghèo đói. Cuộc đời ít khi dành cho người nghèo một dịp may. Người nghèo muốn vươn mình lên, muốn dùng ý chí của mình để thoát khỏi số phận, muốn không tin số phận đã đầy đọa mình. Nhưng sống ở một xã hội bất công, thối nát, đầy rẫy áp bức, vươn mình lên tức là tự tụt xuống hố sâu của khốn cùng. Người cha đáng thương của Thảo đã vươn mình lên.
Rốt cuộc, ông đánh mất ý chí và vùi đầu vào rượu chè. Rốt cuộc, con cái ông vẫn thiếu thốn, đứa thèm khát cơm ngon, áo đẹp, đứa bị phá hoại trinh tiết. Rốt cuộc rời Lăng Cha Cả, gia đình Thủy lại dọn về khu “quốc tế” Hòa Hưng, cái khu vực đĩ điếm và ma cô nhiêu hơn cả Lăng Cha Cả.
Thảo nghẹn ngào:
- Em thương bố.
Thủy đưa tay vuốt tóc em:
- Em có nghĩ rồi một ngày kia, chị em mình phải tự làm lấy cuộc đời không?
Thảo ngơ ngác:
- Chị nói gì?
Thủy có nén xúc động để nói với em:
- Bố không còn sống lâu đâu.
- Chị...
- Em muốn làm gì hãy đợi ngày bố nhắm mắt đã.
Thảo quay ngang nhìn chị. Nàng không thể tưởng tượng, Thủy đã dặn dò như thế. Thủy hiểu em đang nghĩ gì. Nàng nói:
- Con nhà nghèo trời phú cho cái ân huệ sớm khôn ngoan. Trời phú cho là trời đầy đọa mình đó. Khôn ngoan làm gì sớm để sớm đau khổ vì nghịch cảnh. Chị đâu muốn già, đâu muốn mất trinh tiết ở phòng tạm giữ, hở em!
- Chị...
- Chị hứa sẽ không ngăn cản em, sẽ không ngăn nổi em. Nhưng em có hứa với chị không?
- Em hứa...
- Em hứa đừng làm gì bậy khi bố còn sống nhé!
- Vâng.
- Đừng kết tội bố vì bố bất lực không làm chị em mình no đủ nhé!
- Và điều này nữa, em cố gắng học hành để tương lai của hai đứa nhỏ không đến nỗi tệ mạt như chị em mình.
- Chị...
- Để chị nói nốt, chị đã quyết định rồi. Nếu bố có mệnh hệ nào, chị sẽ hy sinh tất cả vì các em. Tại sao chị không dám làm đĩ? Xã hội bẩn thỉu thì mình bị vấy bùn nhơ, lỗi tại xã hội, tại cuộc đời khốn nạn chứ đâu phải tại chị hay em.
- Em van chị.
- Van gì?
- Chị bỏ ý nghĩ đó đi. Chưa đến nỗi nào mà, còn bao nhiêu nghề chị em mình có thể làm được, cần gì phải làm đĩ.
- Chị làm đĩ để chửi lại xã hội. Xã hội đã đẩy chị vào nghề điếm em biết không. Chị sẽ gieo rắc tai họa cho cái xã hội khốn nạn nầy. Nhưng em cứ chờ, chưa dễ gì bố đã chết. Hãy cho bố cái hy vọng làm được hạnh phúc cho chị em mình. Bây giờ em đi ngủ đi.
Thảo ngoan ngoãn rời chị. Nàng về giường ngủ nhưng mắt vẫn không nhắm nổi. Dưới gầm giường chuột chạy lung tung. Trên mái nhà thạch sùng đua nhau tặc lưỡi. Toàn những tiếng buồn.
Thủy đã tắt ngọn đèn. Căn nhà tối om. Chỉ còn một khoảng sáng ở cánh cửa bị ông Thuận xô đổ. Thủy ngồi bên cạnh chah ai tay chống lên cằm... Và mắt nhìn ra khoảng sáng yếu ớt ở khung cửa.
Đến nửa đêm về sáng ông Thuận tỉnh rượu. Ông xoay người và đụng phải Thủy. Ông ngơ ngác:
- Con chưa đi ngủ à.
Thủy đáp:
- Con không buồn ngủ.
- Con cho ba hớp nước đi con. Trời ơi! Bố đã làm gì, bố đã làm gì hả con?
- Bố con không làm gì cả.
- Thật bố không có nói gì chứ?
- Bố không có nói gì cả.
Thủy đứng dậy:
- Để con rót nước cho bố uống.
Ông Thuận vẫn băn khoăn không biết ông đã nói gì trong cơn say cực độ. Nước lạnh làm ông tỉnh táo lạ thường. Cổ họng khô cháy dường như được ướp cho tươi lại. Nước vào tới đâu, ông biết tới đó. Khi ca nước hết, ông Thuận cũng nhớ hết những hành động của mình hồi đêm.
- Bố thật có lỗi với các con.
Thủy an ủi bố:
- Bố chẳng có lỗi gì cả.
Ông Thuận đau khổ:
- Bố đã mắng mỏ con, đòi giết các con. Bố thật khốn nạn!
Thảo nằm trên giường nghe rõ cả. Nhưng nàng không cựa quậy. Chỉ có nước mắt ứa ra, rơi xuống chiếu. Ông Thuận tung chăn ngồi dậy:
- Bố thật khốn nạn, thật hèn nhát!
- Bố đâu có khốn nạn, xã hội làm bố khốn nạn. Bố đâu có hèn nhát, vì bố thương các con. Thôi bố nằm ngủ đi, trời sắp sáng rồi.
Ông Thuận hỏi:
- Trời sắp sáng rồi à?
Rồi ông trả lời luôn:
- Không bao giờ trời sáng đâu con ạ! Chỉ có sức người bắt trời đất đổi thay, thì bố không còn sức. Bố đâm ra nghiện ngập.
- Xã hội bẩn thỉu, đê tiện mà bố vẫn giữ được lòng bố, thế là bố can đảm rồi bố ạ! Các con có đòi hỏi gì bố đâu.
- Con nói dối bố.
Thảo đã khóc thành tiếng. Ông Thuận nghe tiếng con khóc, bất giác lại muốn uống rượu.
- Thảo khóc hở con?
Tiếng khóc im bặt, Thủy nói:
- Bố nghĩ đến các con ít thôi, bố sẽ thấy bớt đau khổ.
- Không nghĩ tới các con còn nghĩ tới gì bây giờ?
Ông bắt đầu nói bằng giọng kênh kiệu mà ít khi ông nói với con gái:
- Chẳng lẽ bố nghĩ đến những thằng hề đang làm trò khỉ trên sân khấu đời!
Ông thở dài:
- Số phận mình, số phận con cái mình, số phận dân tộc mình nằm gọn trong tay những thằng ăn cắp ư? Những thằng thù vặt, dĩ vãng bẩn như một thùng rác thối, chó ngáp phải ruồi nhảy lên làm lãnh tụ cũng đòi quyết định số phận của mình ư?
Ông Thuận thở dài. Bất chợt, ông hỏi Thủy:
- Đêm dài quá con nhỉ?
- Vâng đêm dài quá.
- Đêm dài như đời người. Biết bao giờ mới sáng?
Ông Thuận quên khuyấy kẻ đang đối thoại với ông là con gái ông. Nhưng Thủy hiểu cha mình muốn nói gì. Thủy trả lời cha:
- Chắc còn lâu, chẳng bao giờ sáng cả...
Ông Thuận lắc đầu:
- Tối mãi thì phải sáng chứ. Như nắng mãi thì phải mưa. Bố mong một trận mưa thác lũ cuốn hết những rác rưới. Họa may, sau trận mưa, cuộc đời bớt se sắt. Con có biết bố đau khổ như thế nào không?
Thủy níu vai cha:
- Bố, con xin bố..
Ông Thuận điềm nhiên nói:
- Con tin bố đi, có khi một cái chết rất vô nghĩa cũng có thể làm cho cuộc đời người còn sống có đôi chút thay đổi.
- Bố, chúng con có oán hận gì bố đâu?
Thảo không nén nổi tiếng khóc nữa. Nàng òa lên và vụt ngồi dậy, chạy bổ tới phía ông Thuận, Thảo ôm lấy cha rúc vào nách cha thổn thức:
- Bố, con xin lỗi bố, con chưa làm gì cả...
Ông Thuận ôm chặt lấy con gái, vỗ về:
- Bố có nói gì con đâu?
Nhưng Thảo cứ thú tội:
- Con đã nói dối, con nói dối tất cả...
Ông Thuận lặng thinh. Chỉ còn tiếng nức nở của Thảo, tiếng những giọt nước mắt rơi của Thủy, tiếng chuột rúc và tiếng thạch sùng tặc lưỡi.
Thảo nói vậy, nhưng lòng nàng cũng hoang mang như chị. Hai chị em nhìn nhau. Bốn con mắt cùng chớp và những giọt nước mắt ứa ra cùng một lúc.
Chiều xuống. Chiều mưa chóng đuổi ánh sáng, gió lạnh lùa vào căn nhà hẹp. Và bóng tối theo gió lạnh lùa vào. Hai đứa em nhỏ đi học về. Ngọn đèn dầu hỏa được thắp lên. Bốn chị em ngồi bên nhau chờ người bố đau khổ trở về.
Nước Mắt Lưng Tròng Nước Mắt Lưng Tròng - Duyên Anh Nước Mắt Lưng Tròng