Being deeply loved by someone gives you strength, while loving someone deeply gives you courage.

Lao Tzu

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3352 / 136
Cập nhật: 2017-09-15 16:22:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 7 - Quý Ngài Peeperkorn (Kết Thúc)
hác nước bao giờ cũng là một địa điểm du lịch hấp dẫn, và chúng tôi không thể giải thích tại sao Hans Castorp, người có một mối thiện cảm sâu xa với nước, lại chưa bao giờ tới thăm cái thác trong rừng thung lũng Flüela[463]. Trong thời gian đầu chia sẻ cuộc sống trên này với Joachim, có thể bảo rằng chàng bị ngăn cản bởi tinh thần trách nhiệm của người anh, người luôn xác định mình lên đây không phải để giải trí; với quan điểm ấy và mục tiêu chữa bệnh rõ ràng trước mắt, anh họ chàng đã nghiêm khắc giới hạn phạm vi hoạt động của cả hai trong một vùng bán kính hẹp quanh ‘Sơn trang’. Sau khi Joachim ra đi, quan hệ của Hans Castorp với phong cảnh ở đây - nếu không tính đến những chuyến trượt tuyết của chàng - vẫn giữ tính chất đơn điệu bảo thủ như trước, và chàng trai trẻ thậm chí còn tìm thấy một sức hấp dẫn nhất định trong sự tương phản giữa cuộc đời thật với đời sống nội tâm và bổn phận “cai trị” tinh thần của mình. Tuy nhiên chàng vẫn hưởng ứng nhiệt tình ý định tổ chức một chuyến dã ngoại bằng xe ngựa cho cái nhóm nhỏ bảy người (kể cả chàng) đến thăm nơi danh lam thắng cảnh nổi tiếng kia.
Bấy giờ đã sang tháng năm, tháng đẹp nhất theo lời ca tụng của những bản nhạc sến ngây ngô dưới đồng bằng - không gian tươi rói mặc dù còn hơi giá lạnh, ít nhất mùa tuyết tan cũng có thể coi là đã trôi qua. Đành rằng trong những ngày vừa rồi trời vẫn nhiều lần đổ xuống những bông tuyết lớn, nhưng chúng không tồn tại được lâu mà nhanh chóng tan ra thành nước; những đống tuyết ngồn ngộn của mùa đông đã ngấm xuống đất, bốc thành hơi, biến mất tăm chỉ còn sót lại vài mảng lẻ tẻ; màu xanh bao trùm vạn vật và những con đường rộng mở như mời mọc người ta vào cuộc phiêu lưu.
Trong mấy tuần cuối sinh hoạt chung của nhóm hơi bị bỏ bê vì sự khó ở thường xuyên của thủ lĩnh, ông Pieter Peeperkorn vương giả. Cả tác dụng chữa bệnh của bầu khí quyển trên cao lẫn thuốc men của một vị lương y nổi tiếng như cố vấn cung đình Behrens đều chịu bó tay trước những cơn sốt rét ác tính, món của hồi môn ông ta mang theo từ vùng nhiệt đới. Ông ta phải nằm liệt giường nhiều ngày, không chỉ những ngày bị cơn sốt tứ nhật nổi lên hành hạ mà cả những lúc khác. Gan và lá lách ông ta không ổn, ông cố vấn cung đình hé ra với những người thân cận quanh ông ta như thế; cả bao tử cũng ở trong tình trạng báo động, và Behrens không bỏ lỡ dịp bày tỏ lo ngại của mình, rằng có khỏe như trâu trong hoàn cảnh này cũng khó tránh khỏi nguy cơ kiệt sức.
Trong những tuần ấy quý ngài Peeperkorn chủ tọa vỏn vẹn mỗi một bữa tiệc, và cả nhóm cũng chỉ có một cuộc đi dạo chung không mấy kéo dài. Tuy nhiên, nói riêng giữa chúng ta với nhau, Hans Castorp lại thấy nhẹ người trong tình trạng sinh hoạt lỏng lẻo này, vì ly rượu kết nghĩa anh em với người bạn đồng hành của Clawdia Chauchat gây ra cho chàng nhiều nỗi khó xử trên một phương diện nhất định: việc đối thoại giữa chàng và Peeperkorn trước mặt mọi người bỗng trở nên “gò bó gượng gạo” chẳng khác gì sự giao thiệp của chàng với Clawdia khi có mặt cả nhóm hoặc trước mặt vị chúa tể của nàng, cách đối xử bị ông ta nhận xét là cứ như thể họ cá cược với nhau “tránh né” một điều gì đó. Chàng phải vận dụng hết khả năng sáng tạo để chuyển đổi cách xưng hô nếu không muốn nói trống không, giờ đây không phải chỉ với một người mà là với cả đôi, nhờ cái ân huệ Peeperkorn ban cho chàng.
Vậy là chuyến dã ngoại đến chỗ thác nước đã được ấn định ngày giờ cụ thể - Peeperkorn tự chọn địa điểm và tin rằng mình đủ sức tham dự chuyến đi. Đó là ngày thứ ba sau một cơn sốt tứ nhật của ông ta, và quý ngài ngỏ ý muốn tận dụng thời gian trước khi cơn sốt sau ập đến. Mặc dù mấy bữa ăn đầu tiên trong ngày ông ta vẫn không xuống phòng ăn lớn mà, như thời gian sau này rất thường xảy ra, dùng bữa cùng Madame Chauchat trên phòng khách riêng của mình; nhưng ngay trong bữa điểm tâm thứ nhất Hans Castorp đã nhận được chỉ thị thông qua lão gác cổng khập khiễng rằng một tiếng đồng hồ sau bữa trưa phải chuẩn bị sẵn sàng để lên đường, thêm vào đó chàng có trách nhiệm truyền đạt tiếp đến các ông Ferge và Wehsal cũng như các ông Settembrini và Naphta là những người sẽ được họ ghé qua đón, và cuối cùng là nhiệm vụ đặt cho cả nhóm hai cỗ xe ngựa bốn chỗ mui lật vào ba giờ chiều.
Vào giờ đã định họ tụ tập trước cổng an dưỡng đường ‘Sơn trang’: Hans Castorp, Ferge và Wehsal, cùng đứng đợi các chủ nhân dãy phòng vương giả và tiêu khiển bằng cách vỗ về mấy con ngựa kéo xe, để cho chúng đưa cặp môi đen dày ẩm ướt cạp những miếng đường trên lòng bàn tay mình. Chẳng bao lâu sau hai người đồng hành kia xuất hiện trên bậc tam cấp. Peeperkorn mặc một chiếc áo khoác dài đã hơi dung dúc đứng cạnh Clawdia, ông ta nhấc chiếc mũ mềm lên khỏi mái đầu vương giả bữa nay như tọp hẳn đi và mấp máy cặp môi trong một lời chào không ra tiếng. Rồi ông ta bắt tay từng người khi ba người đàn ông kia bước tới chân bậc tam cấp chào ông ta.
“Anh bạn trẻ”, ông ta bảo Hans Castorp và đặt bàn tay trái lên vai chàng, “thế nào, khỏe không?”
“Dạ khỏe lắm, xin cám ơn! Còn... cũng vậy?” Người được hỏi đáp.
Mặt trời chói sáng, đó là một ngày rạng rỡ không một gợn mây, nhưng ai cũng cẩn thận trùm thêm áo khoác ngoài đề phòng gió lạnh khi xe chạy. Madame Chauchat mặc một chiếc áo ấm có đai lưng bằng len thô kẻ ca rô, thậm chí trên vai còn lót chút ít lông. Một bên vành chiếc mũ nỉ được nàng bẻ xuống và giữ bằng tấm mạng màu ô liu mà nàng cột lại dưới cằm, cách phục sức ấy làm nàng đáng yêu đến nỗi phần lớn nam giới có mặt thấy tim mình nhức nhối - chỉ trừ có ông Ferge, người duy nhất không phải lòng nàng. Nhờ sự vô tư ấy mà ông ta được xếp một chỗ ngồi đối diện với quý ngài và Madame trên cỗ xe thứ nhất, trong khi Hans Castorp phải cùng Wehsal leo lên cỗ xe thứ hai, từ xa chàng vẫn kịp nhận ra một nụ cười châm biếm thoáng hiện trên gương mặt Clawdia. Gã người hầu Mã Lai bé nhỏ cũng tham gia chuyến đi chơi xa và xuất hiện với một cái làn khổng lồ dưới nắp thò ra hai cổ chai rượu. Sau khi nhồi cái làn xuống dưới gầm ghế sau của cỗ xe thứ nhất, gã lên khoanh tay ngồi cạnh người đánh xe, những con ngựa cất bước, và hai cỗ xe má phanh vẫn ăn nhè nhẹ bắt đầu chuyển bánh theo con đường quanh co xuống dốc.
Cả Wehsal cũng đã nhận ra nụ cười của Madame Chauchat, gã nhe những chiếc răng đen xỉn ra bình luận điều này với người đồng hành trong xe.
“Ông có thấy”, gã hỏi, “bà ấy cười chọc quê vì ông phải ngồi cùng xe với tôi không? Đúng thế, đúng thế, người ta tránh tôi như tránh hủi. Phải ngồi cạnh tôi chắc ông bất mãn và ghê tởm lắm nhỉ?”
“Ông bình tĩnh lại đi, Wehsal, và đừng có ăn nói hồ đồ như vậy!” Hans Castorp nghiêm giọng trách. “Phụ nữ lúc nào chẳng thích cười, họ cười chỉ để cười; mất công nghĩ ngợi làm gì. Tại sao ông phải hạ thấp mình đến thế? Ông cũng có ưu điểm và nhược điểm, như tất cả mọi người ở đây. Ví dụ ông có thể chơi dương cầm bản Giấc mộng đêm hè rất hay, không phải ai cũng làm được thế. Lần sau ông lại chơi cho chúng tôi nghe nhé.”
“Hừ, ông lại còn làm bộ bao dung an ủi tôi”, con người khốn khổ ấy đáp lại, “ông không biết rằng cái giọng tự cao tự đại của ông chứa đựng biết bao nhiêu mỉa mai hống hách, nó chỉ càng làm tôi đau đớn nhục nhã hơn mà thôi. Ở địa vị của ông nói thì dễ lắm, vì dù cho bây giờ ông đang sắm một vai khá nực cười, nhưng ít nhất ông đã một lần tới lượt và được bay bổng trên chín tầng mây, ôi lạy Chúa, và được đôi tay nàng quàng quanh cổ và còn bao nhiêu thứ khác, ôi lạy Chúa, mỗi lần nghĩ đến đây tôi lại như có lửa cháy trong cổ họng và dao đâm thấu trái tim - vậy mà ông còn ngồi ngất nghểu trên lưng ngựa ném mấy lời hạ cố an ủi nỗi đau thảm hại của tôi...”
“Ông nói nghe ghê quá, Wehsal. Thậm chí có thể bảo là tởm lợm, tôi không cần phải giữ ý, vì ông cũng bảo tôi là hống hách. Nó ghê tởm ở chỗ, ông dường như cố ý muốn làm một kẻ khốn nạn và hạ mình đến mức đê hèn. Ông yêu nàng khủng khiếp đến thế sao?”
“Khủng khiếp lắm”, Wehsal lắc đầu tuyệt vọng. “Không lời nào tả xiết những điều tôi phải chịu đựng vì khát khao thèm muốn nàng, có thể nói rằng tôi muốn chết quách đi mà không được, cứ phải ngắc ngoải trong cảnh dở sống dở chết thế này. Trong thời gian nàng vắng mặt mọi sự đã bắt đầu khá lên, nàng đã dần dần biến khỏi đầu óc tôi. Nhưng từ khi nàng quay về và tôi ngày ngày thấy nàng trước mắt thì tôi lại phát điên phát cuồng lên, tôi tự cắn vào tay và cào cấu trong không khí mà không biết làm sao cho dịu nỗi đau. Không thể chịu đựng được, nhưng người ta cũng không thể ước cho nó biến đi - ai đã bị nó ám vào thì không có cách nào thoát ra được nữa, người ta không thể thoát ra khỏi cuộc đời mình, cuộc đời đã bị hòa tan với nó. Người ta không thể vứt bỏ cuộc đời, vì nếu chết đi thì được cái gì? Sau đó - sẵn sàng. Trong vòng tay nàng - thế thì nhất. Nhưng mà trước đó - không, thế thì vô nghĩa quá. Bởi vì cuộc sống chính là ham muốn và ham muốn là cuộc sống, nó không thể tiêu diệt chính mình, đó là một cái vòng luẩn quẩn đáng nguyền rủa. Nhưng ‘đáng nguyền rủa’ cũng chỉ là một cách nói sáo rỗng mà thôi, như thể không phải tôi mà là người khác nói, tôi không cảm thấy thế. Có những nỗi đau đớn nhục hình, Castorp, ai phải chịu cũng chỉ có một mục đích đơn giản và trên hết là làm sao thoát khỏi chúng. Nhưng để thoát ra khỏi sự tra tấn của dục vọng người ta chỉ có một cách duy nhất, đó là thỏa mãn nó - nó phải được thỏa mãn, bằng bất cứ giá nào! Nó là một nỗi ám ảnh, và ai ở ngoài vòng cương tỏa của nó thì cứ việc nhởn nhơ, nhưng ai đã bị nó tròng vào cổ, kẻ ấy sẽ được nếm khổ hình của Chúa Jesus, và nước mắt y sẽ tuôn không dứt. Lạy Chúa tôi ở trên trời, đó là cái gì vậy, mà làm cho thịt da thèm khát thịt da, chỉ vì đó không phải là thịt da của chính mình mà thuộc về một linh hồn khác - thật lạ lùng, và xét cho cùng thì hết sức khiêm tốn, cái nguyện vọng kín đáo này! Người ta có thể bảo: nếu y không mong muốn gì hơn thế, nhân danh Chúa, hãy để cho y được toại nguyện! Tôi muốn gì, Castorp? Muốn giết nàng? Muốn làm nàng đổ máu? Tôi chỉ muốn vuốt ve nàng! Castorp thân mến, Castorp tốt bụng, xin lỗi ông vì tôi rên rỉ thế này, nhưng mà nhân danh Chúa, sao nàng không thể chiều ý tôi một chút? Trong nguyện vọng của tôi cũng có thể tìm thấy chút gì cao cả, Castorp, tôi không phải là súc vật, dù sao chăng nữa tôi cũng là một con người! Dục vọng thuần túy tìm thỏa mãn ở khắp mọi nơi, nó không gắn bó và cũng chẳng tập trung vào một đối tượng, thế nên chúng ta gọi nó là thú tính. Nhưng nếu nó hướng vào một con người với một diện mạo nhất định, thì chúng ta gọi đó là tình yêu. Không phải tôi chỉ ham muốn tấm thân nàng như một con búp bê bằng da bằng thịt; nếu như diện mạo nàng chỉ cần thay đổi một chút thôi thì có lẽ tôi đã chẳng thèm tấm thân nàng nữa - điều đó chứng tỏ rằng tôi yêu linh hồn nàng, và tôi yêu nàng bằng cả linh hồn tôi. Vì tình yêu diện mạo là tình yêu linh hồn...”
“Ông làm sao thế, Wehsal? Ông nói như người mất trí và lảm nhảm những điều chỉ có Chúa mới biết là cái gì...”
“Nhưng mà chính cái ấy lại là điều bất hạnh của tôi”, con người khốn khổ vẫn thao thao bất tuyệt, “vì nàng có một linh hồn, vì nàng là một con người với cả thể xác lẫn linh hồn! Bởi vì linh hồn nàng không thèm biết đến linh hồn tôi và thế là thể xác nàng cũng không thèm thể xác tôi, ôi đau đớn làm sao, mong muốn của tôi trở thành điều nhục nhã, và thân xác tôi quằn quại vĩnh viễn trong sự bẽ bàng! Tại sao nàng không thèm biết đến tôi, Castorp, dù là linh hồn hay thể xác, và tại sao niềm ham muốn của tôi đối với nàng lại là ghê tởm? Tôi không phải là một người đàn ông hay sao? Chẳng lẽ cứ đáng ghét thì không còn là đàn ông nữa? Tôi còn đàn ông hơn tất cả những người ở đây ấy chứ, thề với ông, tôi sẽ qua mặt tất cả nếu nàng chịu đón tôi vào vòng tay êm ái của nàng, đôi tay đẹp tuyệt trần, vì chúng thuộc về linh hồn và diện mạo nàng! Tôi sẽ đốt cháy lên tất cả dục vọng trên đời cho nàng, Castorp, nếu như đó chỉ là chuyện xác thịt mà không cần diện mạo, nếu như không có cái linh hồn đáng nguyền rủa của nàng, cái phần không thèm biết đến tôi, nhưng nếu không có nó thì tôi lại chẳng ham muốn thể xác nàng nữa - đó là cái vòng luẩn quẩn của ma quỷ, tôi bị nguyền rủa phải quằn quại muôn đời trong đó!”
“Suỵt, Wehsal, khẽ chứ! Gã đánh xe hiểu những điều ông nói đấy. Mặc dù gã cố ý không quay đầu lại, nhưng nhìn cái lưng gã là tôi biết gã đang lắng nghe.”
“Gã hiểu và gã lắng nghe, ông nói đúng, Castorp! Nhưng ông thấy không, đó lại là một dẫn chứng với đầy đủ tính chất đặc trưng cho điều tôi diễn giải nãy giờ! Nếu tôi nói về sự nhập hồn hay về thủy tĩnh học thì gã đã chẳng hiểu vì chẳng biết đấy là cái quái gì và đã chẳng thèm nghe vì gã không quan tâm đến những cái ấy. Vì những điều đó không được người ta ưa chuộng. Nhưng điều tối hậu cao siêu nhất và kinh khủng nhất và bí hiểm nhất, bí mật của thể xác và linh hồn, thì lại đồng thời là điều được ưa chuộng nhất, ai cũng có thể hiểu và có thể cười vào mũi kẻ đau khổ vì nó, kẻ ngày ngày chịu đựng sự tra tấn của dục vọng và đêm đêm rơi vào địa ngục đầy nhục nhã! Castorp, ôi Castorp thân mến, cho phép tôi được rên xiết với ông, ông không biết tôi phải trải qua những đêm như thế nào đâu! Đêm nào tôi cũng mơ thấy nàng, trời ơi, có cái gì của nàng mà tôi không mơ đến! Cổ họng tôi cháy bỏng và ruột tôi đứt đoạn mỗi khi tôi nghĩ đến nàng! Và lần nào giấc mơ cũng kết thúc bằng một cái bạt tai nàng giáng vào mặt tôi, đôi khi nàng còn nhổ vào mặt tôi - diện mạo nàng nhăn nhó vì linh hồn nàng ghê tởm tôi, và rồi tôi tỉnh dậy, người ướt đẫm mồ hôi, nhục nhã và dục vọng...”
“Được rồi, Wehsal, bây giờ chúng ta hãy ngồi im và chịu khó ngậm miệng cho đến khi tới chỗ ông hàng xén và có người lên xe ngồi chung với chúng ta. Đấy là đề nghị và mệnh lệnh của tôi. Tôi không muốn xúc phạm ông và cũng hiểu rằng ông đang phải chịu những giày vò kinh khủng về tâm lý, nhưng ở xứ chúng tôi có câu chuyện cổ về một người bị trừng phạt bằng cách mỗi khi y nói rắn rết cóc nhái lại tuôn ra khỏi miệng, mỗi một từ là một con rắn hay một con cóc. Ở trong sách không thấy kể người ấy làm thế nào để tránh hình phạt kia, nhưng tôi cho rằng y chẳng có cách nào khác ngoài ngậm miệng đừng nói nữa.”
“Nhưng đấy là một nhu cầu cơ bản của con người”, Wehsal rên rỉ, “ai cũng có nhu cầu được thổ lộ tâm tình, được nói ra cho vợi nỗi lòng, khi họ ở vào hoàn cảnh đau khổ như tôi.”
“Đấy thậm chí còn là một quyền cơ bản của con người, nếu ông muốn. Nhưng Wehsal, theo tôi có những quyền mà trong một số hoàn cảnh nhất định người ta không nên sử dụng.”
Vậy là họ ngậm miệng theo yêu cầu của Hans Castorp. Vả chăng hai cỗ xe đã tới gần ngôi nhà phủ kín dây nho dại của ông hàng xén, và ở đó họ cũng chẳng phải chờ một phút nào: Naphta và Settembrini đã đứng đợi ngoài đường, một người trong chiếc áo khoác cổ lông mòn trơ, người kia bận một chiếc áo nhẹ mùa xuân màu vàng ngà với những đường may chần từ trên xuống dưới rất đỏm dáng. Người ta vẫy tay, người ta chào hỏi nhau trong khi hai cỗ xe quay đầu và hai người khách mới leo lên xe: Naphta lên ngồi cạnh Ferge trong cỗ xe đi trước bây giờ đã đủ bốn người, còn Settembrini nhập bọn với Hans Castorp và Wehsal ở cỗ xe thứ hai. Wehsal nhường cho ông ta chỗ của mình ở băng ghế sau, và ông Settembrini ngồi vào chỗ, ung dung tự tại không thua gì một nguyên thủ quốc gia. Ông ta đang rất cao hứng, như tỏa ra hào quang trí tuệ với những câu bông đùa dí dỏm của mình.
Ông người Ý ca ngợi cái thú di chuyển bằng xe, người ta vượt đường xa mà thân thể vẫn được nghỉ ngơi thoải mái và mắt được chiêm ngưỡng phong cảnh liên tục thay đổi; ông ta tỏ thái độ quan tâm phụ tử với Hans Castorp, thậm chí còn sờ tay lên má gã Wehsal tội nghiệp và yêu cầu gã tạm quên cái tôi khó ưa của mình để thưởng thức cảnh đẹp nơi trần thế, vừa nói vừa đưa bàn tay phải đi găng da cũ mèm chỉ ra ngoài.
Chuyến đi của họ diễn ra trong điều kiện tuyệt vời. Những con ngựa kéo xe thân hình chắc nịch, no đủ và bóng mượt, cả bốn đều mang đốm trắng trên trán, sải những bước dài đều đặn trên mặt đường phẳng phiu không có bụi. Những tảng đá trọc nhô lên rải rác bên đường, hoa cỏ mọc ra tua tủa từ khe nứt. Cột dây điện báo chạy loang loáng về phía sau. Con đường bò lên sườn núi loáng thoáng cây, quanh co ngoạn mục như mời như gọi trí tò mò của lữ khách, xa xa dãy núi hùng vĩ nhiều chỗ còn chìm trong tuyết đứng im lìm phơi nắng. Thung lũng quen thuộc với nhà cửa đã bị bỏ lại đằng sau, cảnh sinh hoạt thường ngày nhường chỗ cho phong cảnh lạ làm ai nấy đều phấn chấn tinh thần. Tới bìa rừng họ xuống xe, dự định đi bộ nốt quãng đường còn lại cho tới đích - cái đích mà các giác quan của họ đã cảm nhận được một lúc rồi, qua những tín hiệu mới đầu mơ hồ khó nhận biết nhưng càng về sau càng tăng dần cường độ. Sau khi dừng xe tất cả đều nghe thấy một tiếng động nhẹ văng vẳng từ xa, tiếng nước chảy và tiếng thác đổ ào ào rung động, tuy nhiên những tiếng động ấy còn yếu ớt và lúc ẩn lúc hiện, khiến họ thách thức nhau phân biệt và dừng chân để lắng nghe.
“Giờ nó còn có vẻ rụt rè”, Settembrini bảo. Ông ta đã tới đây nhiều lần. “Nhưng vào đến tận nơi quý vị sẽ thấy, mùa này nó hung tợn lắm. Quý vị hãy chuẩn bị tinh thần, chúng ta sẽ không nghe được cả tiếng nói của chính mình.”
Và họ dấn bước vào rừng, trên con đường rụng đầy lá thông ướt, Pieter Peeperkorn đi trước dựa người vào tay cô bạn đồng hành, chiếc mũ mềm màu đen kéo sụp xuống trán, người lắc lư bổ sang hai bên theo mỗi bước chân; đi sau hai người ấy là Hans Castorp, đầu không mũ không nón như những người đàn ông còn lại, hai tay đút túi, miệng huýt sáo, đầu nghiêng nghiêng nhòm ngó xung quanh; rồi đến Naphta và Settembrini, rồi đến Ferge và Wehsal, đi đoạn hậu là gã người Mã Lai tay ôm cái làn đựng thức ăn. Họ bàn tán về khu rừng.
Khu rừng này không giống như những khu rừng khác ở đây, nó mang một vẻ đẹp như tranh nhưng kỳ dị và có phần bí hiểm. Đâu đâu cũng đầy những mảng lớn của một loài địa y bám trên cây, chúng treo đầy, chất nặng, quấn kín cả khu rừng trong mớ bòng bong dài lòng thòng và bạc phếch rủ xuống từ những cành cây bị chúng bọc quanh như một lớp đệm: người ta gần như không nhìn thấy những mũi lá kim đã bị tấm thảm làm bằng loài thực vật ăn bám ấy trùm lên - thật là một sự biến dạng nặng nề quái gở, một khung cảnh bệnh hoạn và như bị phù phép. Khu rừng này đã mắc bệnh, nó đang bị loài địa y dồi dào sức sinh sản kia đe dọa nuốt chửng và làm cho chết nghẹt, đó là ý kiến chung của đoàn lữ khách trong khi cất bước dấn sâu vào rừng, trong tai không dứt âm thanh của cái đích mà họ đang tiến tới, những tiếng rì rào lúc trước đã dần dần chuyển thành tiếng gầm réo hứa hẹn lời tiên đoán của ông Settembrini sẽ trở thành sự thật.
Sau một khúc ngoặt trước mặt họ đột ngột mở ra quanh cảnh khe đá với cây cầu bắc ngang, nơi dòng nước tự do đổ xuống bên dưới; và khi mắt thấy thì tai họ đồng thời cũng bị tấn công bằng những âm thanh cường độ tối cao - quả là một sự huyên náo địa ngục. Lượng nước khổng lồ rơi thẳng xuống thành một khối từ độ cao bảy hay tám mét và với một bề rộng đáng kể, rồi sủi bọt trắng xóa cuồn cuộn chảy tiếp giữa những phiến đá. Tiếng động mà nó gây ra thật kinh hồn, trong đó như hòa trộn tất cả các loại âm thanh ở mọi cường độ có thể: tiếng sấm rền, tiếng nước réo, tiếng gầm, tiếng rống, tiếng kèn, tiếng trống, tiếng gió thét mưa gào và cả tiếng chuông - người ta có thể tưởng mình đánh mất tất cả các giác quan. Đoàn du khách tới sát bên thác nước, chân đạp lên những tảng đá trơn chuội họ đứng lặng nhìn, nước bắn đầy người và tràn vào hơi thở, cả người bị bao bọc trong mịt mù hơi nước, tai điếc đặc vì tiếng động quá tải của dòng nước hung dữ. Họ trao đổi những ánh mắt và nụ cười rụt rè, lắc đầu quan sát cảnh tượng ngoạn mục nhưng đáng sợ, cảm nhận sức mạnh thiên tai bất tận của dòng nước và sự sôi sục điên cuồng ngoài sức tưởng tượng của nó, tiếng ồn làm các giác quan của họ mụ mẫm đi, gây ra những ảo giác âm thanh, khiến họ tưởng như nghe thấy từ đằng sau, từ trên cao, từ mọi phía quanh mình những tiếng kêu báo động, tiếng kèn xung trận và giọng đàn ông cục cằn hăm dọa.
Tất cả xúm xít sau lưng quý ngài Peeperkorn - Madame Chauchat đứng lẫn với năm người đàn ông kia - và cùng ông ta chiêm ngưỡng dòng thác đổ. Họ không nhìn thấy mặt ông ta, nhưng thấy ông ta bỏ mũ để lộ mái đầu tóc bạc như ngọn lửa trắng bốc cao và căng lồng ngực thở hít làn không khí trong lành. Họ chỉ có thể trao đổi với nhau bằng ánh mắt và cử chỉ, vì lời nói dù cho có hét vào tận tai cũng bị tiếng nước đổ như sấm rền át mất. Môi họ uốn cong thành những tiếng kêu kinh ngạc và thán phục không phát ra lời. Hans Castorp, Settembrini và Ferge ra dấu bằng cách gật và lắc, thỏa thuận từ chỗ họ đang đứng dưới chân thác nước cùng nhau theo vách đá trèo lên cao, nơi có cây cầu nhỏ chênh vênh, để đứng ngắm dòng nước từ trên xuống. Ý định ấy không khó thực hiện: đã có một dãy bậc đá hẹp và dốc đẽo vào vách núi làm thành bậc thang dẫn lên tầng trên của cánh rừng; họ nối đuôi nhau trèo lên tới đỉnh, bước lên chiếc cầu bắc ngang đúng chỗ thác nước bắt đầu đổ xuống và đứng tựa vào lan can vẫy các bạn bên dưới. Rồi họ đi qua cầu, vất vả trèo xuống ở mé bên kia dòng nước hung dữ và từ đó đi qua một cây cầu khác phía dưới chân thác quay về nhập bọn trở lại với những người kia.
Giờ họ tìm cách ra hiệu cho nhau để thu xếp bữa ăn nhẹ buổi chiều. Từ nhiều phía người ta ngỏ ý có lẽ nên rút lui một chút ra khỏi vùng tiếng ồn để nương nhẹ đôi tai và thưởng thức bữa ăn không đến nỗi trong tình trạng vừa câm vừa điếc. Nhưng họ gặp phải sự phản đối của Peeperkorn. Ông ta lắc đầu, đưa ngón tay trỏ kiên quyết chỉ nhiều lần xuống dưới chân, và cặp môi rách rưới te tua tách ra hình thành tiếng “Ở đây!” Biết làm sao bây giờ? Ông ta đã quen ra lệnh và chỉ huy. Nội sức nặng của nhân cách ông ta cũng đủ để làm cán cân quyết định nghiêng hẳn về một phía, ngay cả khi ông ta không phải là người chủ trì và chủ chi chuyến đi như thế này. Tầm cỡ bản thân nó cũng là độc đoán, chuyên quyền; điều đó từ trước tới nay đã đúng và từ nay về sau vẫn đúng. Quý ngài muốn dùng bữa mặt đối mặt với thác nước, trong tiếng gầm đinh tai của nó; đó là ý thích vương giả của ông ta, và ai không muốn bụng rỗng quay về thì phải ở lại đây. Đa số bất mãn với quyết định ấy. Ông Settembrini nhìn thấy mọi cơ hội chuyện trò trao đổi những tư tưởng nhân văn hay tranh luận theo nguyên tắc dân chủ tiêu tan hết, và tức tối vung tay lên quá đầu trong cử chỉ thất vọng quen thuộc. Gã người Mã Lai nhanh nhảu thực hiện mệnh lệnh của chủ. Trước tiên gã lấy hai chiếc ghế xếp dành cho quý ngài và Madame, mở ra để dựa vào vách đá. Rồi gã bày biện trên một tấm khăn trải dưới chân hai người nội dung của cái làn: bộ đồ pha cà phê và ly tách, bình thủy đựng nước nóng, bánh nướng và rượu. Người ta xúm lại nhận phần. Rồi người thì ngồi xuống một hòn đá, người ngồi lên lan can cây cầu, tách cà phê nóng trên tay, đĩa bánh trên đầu gối, họ lẳng lặng ăn trong tiếng thác gầm.
Peeperkorn ngồi, cổ áo khoác dựng cao, chiếc mũ nằm dưới chân, uống rượu Port trong một chiếc ly bạc khắc chữ cái đầu tên ông ta, và dốc cạn nhiều ly liên tiếp. Thình lình ông ta cất tiếng nói. Một người kỳ dị! Ông ta không thể nghe được tiếng nói của chính mình, những người khác lại càng không thể hiểu một lời nào trong những điều ông ta nói mà cũng như không nói. Nhưng ông ta giơ ngón tay trỏ lên cao, ly rượu cầm trong tay phải, cánh tay trái duỗi ra, lòng bàn tay mở rộng đưa lên chênh chếch, và người ta nhìn thấy nét mặt vương giả của ông ta chuyển động trong khi nói, đôi môi nhào nặn những lời không thành tiếng như thể được nói ra trong khoảng chân không. Ai cũng nghĩ rằng ông ta sẽ thôi ngay việc làm vô ích ấy, và theo dõi màn diễn với nụ cười ngượng nghịu - nhưng ông ta cứ nói tiếp, với những cử chỉ thu hút và đòi hỏi tất cả sự chú ý của người nghe, trong tiếng ồn ào huyên náo nuốt chửng mọi âm thanh khác, ông ta đưa cặp mắt ti hí ráng mở to hết cỡ với cái nhìn mệt mỏi không màu dưới những hàng nếp nhăn trên trán chiếu tướng từng người trong cử tọa, buộc họ phải rướn cao chân mày gật gù với ông ta và khum bàn tay đưa lên tai cứ như thể làm thế có thể cải thiện được sự vô vọng của tình thế không bằng. Rồi ông ta còn đứng hẳn lên! Tay vẫn cầm cái ly, trong chiếc áo khoác đi đường dài gần chấm gót, cổ áo lật cao, đầu trần, vầng trán cao với những nếp nhăn đầy ấn tượng bọc trong mớ tóc bạc như ngọn lửa trắng, ông ta đứng bên vách đá với nét mặt biến đổi không ngừng, những ngón tay móng như mũi giáo khoanh lại thành vòng tròn đưa ra phía trước, nhấn mạnh sự tối nghĩa của bài phát biểu không ai nghe thấy bằng những cử chỉ chính xác và linh động. Người ta nhận ra qua những cử chỉ quen thuộc và đọc được trên môi ông ta từng từ riêng rẽ thường xuất hiện với tần số đặc biệt cao ở ông ta: “Hoàn hảo” và “Dứt điểm” - ngoài ra không ai hiểu mô tê gì nữa. Người ta thấy mái đầu ông ta cúi gục, thấy sự cay đắng tả tơi của đôi môi, bức tranh một người đàn ông thống khổ. Rồi người ta lại thấy cái lúm đồng tiền tinh nghịch ẩn hiện trên má ông ta, nét mặt ông ta trở nên láu lỉnh, điệu nhảy với tà áo vén cao, sự vô đạo thiêng liêng của ông thầy tế đa thần giáo. Ông ta nâng ly rượu khua nửa vòng tròn trước mặt khán giả và uống hai, ba hơi cạn sạch, dốc ngược tới đáy. Rồi ông ta dang tay đưa cái ly cho gã người Mã Lai, gã ta đặt một tay lên ngực, tay kia đón lấy nó. Peeperkorn ra hiệu lên đường về.
Tất cả nghiêng người cảm tạ ông ta, và lục tục tuân lệnh. Ai ngồi dưới đất thì đứng dậy, ai ngồi trên thành cầu thì nhảy xuống. Gã đàn ông Java nhỏ thó đội mũ cứng mặc áo cổ lông dọn dẹp đĩa tách và những thứ còn dư lại của bữa ăn. Theo thứ tự như khi đến họ quay về trên lối đi ẩm ướt lá thông, qua cánh rừng biến dạng bởi những tấm thảm rêu, trở lại con đường lớn nơi có hai cỗ xe đứng đợi.
Lần này Hans Castorp leo lên xe vị quốc vương và ái phi của ông ta. Chàng ngồi đối diện với cặp kia, bên cạnh ông Ferge trung hậu và xa lạ với tất cả những gì cao siêu. Suốt đường về gần như không ai nói năng gì. Quý ngài ngồi đặt tay lên tấm chăn len phủ trên đầu gối ông ta và Clawdia, hàm dưới trễ xuống. Settembrini và Naphta xuống xe từ biệt mọi người trước khi họ vượt qua khúc đường ray và dòng suối nhỏ. Wehsal ngồi một mình trong cỗ xe thứ hai trên đoạn đường dốc ngoằn ngoèo lên tới cổng “Sơn trang”, ở đó họ chia tay nhau ai về phòng nấy.
Chẳng biết có phải giấc ngủ của Hans Castorp đêm hôm ấy chập chờn không sâu vì linh tính bảo chàng sẵn sàng chờ đợi điều gì, khiến cho một khác biệt nhỏ nhất với không khí thanh bình quen thuộc ban đêm ở “Sơn trang”, một sự chộn rộn mơ hồ, tiếng bước chân rầm rập vọng từ rất xa cũng đủ kéo chàng ra khỏi giấc ngủ và chồm dậy trên giường? Quả thực chàng đã thức giấc khá lâu trước khi có tiếng gõ cửa phòng chàng quãng hai giờ sáng. Chàng trả lời ngay lập tức, bình tĩnh, tỉnh táo, không hề ngái ngủ. Giọng nói hơi cao và run run của một cô y tá làm việc trong viện chuyển lời Madame Chauchat yêu cầu chàng không chậm trễ xuống ngay lầu một. Chàng tuân lệnh tức thì, nhảy ra khỏi giường, xỏ vội quần áo, dùng mấy ngón tay cào tóc ra sau trán và bước không nhanh không chậm xuống tầng dưới, bận tâm với câu hỏi “như thế nào” hơn là với câu hỏi “chuyện gì” vừa xảy ra.
Chàng thấy cửa phòng khách của Peeperkorn mở toang và cả cửa phòng ngủ người đàn ông Hà Lan cũng vậy, trong phòng tất cả các bóng đèn bật sáng trưng. Ở đó có mặt hai ông bác sĩ, bà y tá trưởng von Mylendonk, Madame Chauchat và người hầu phòng Mã Lai. Gã này không bận trang phục mọi ngày mà mặc một thứ lễ phục dân tộc, một chiếc áo khoác kẻ sọc như áo sơ mi với ống tay áo vừa dài vừa rộng, một chiếc váy quấn thay cho quần, đầu đội một chiếc mũ hình côn vải vàng, ngoài ra còn trang điểm thêm bằng một tấm bùa đeo trước ngực. Gã đứng bất động, hai tay bắt tréo ở đầu giường bên trái, nơi Pieter Peeperkorn nằm ngửa dang rộng hai tay. Người mới bước vào tái mặt khi nhìn thấy cảnh này. Madame Chauchat quay lưng lại phía chàng. Nàng ngồi trên một chiếc ghế bành thấp nơi chân giường, cùi tay chống xuống tấm chăn, bàn tay đỡ lấy cằm, ngón tay bấu vào môi dưới, nhìn chăm chăm vào mặt người bạn đồng hành của mình.
“Chào, ông bạn trẻ”, Behrens bảo. Ông ta đang đứng trao đổi khe khẽ với bác sĩ Krokowski và bà y tá trưởng, quay ra gật đầu buồn bã với chàng, hàng ria mép bạc trắng dựng lên tua tủa. Ông ta mặc áo choàng bệnh viện, chiếc ống nghe thò ra nơi túi ngực, nhưng lại đi giày thêu trong nhà và không đeo cổ áo hồ bột. “Tôi bó tay”, ông ta hạ giọng thì thầm. “Xong hết rồi. Ông cứ lại gần đi. Cứ quan sát ông ta bằng cặp mắt sành điệu của ông. Ông sẽ phải đồng ý với tôi là nghệ thuật y khoa của chúng ta chẳng làm được gì nữa trong trường hợp này.”
Hans Castorp đi rón rén trên đầu ngón chân tới bên giường. Gã người Mã Lai cảnh giác canh chừng cử động của chàng, gã đảo mắt dõi theo chàng mà không quay đầu lại, khiến hai mắt trắng dã. Chàng trai trẻ liếc nhanh sang bên và nhận thấy Madame Chauchat hoàn toàn không để ý đến mình, bèn đứng bên giường trong tư thế tiêu biểu cho những dịp thế này, lấy một chân làm chỗ dựa, hai tay chắp lại trước bụng, cúi đầu kính cẩn đăm chiêu nhìn xuống. Peeperkorn nằm dưới tấm chăn lụa đỏ, trong chiếc áo dài tay bó sát người, như Hans Castorp đã bao lần nhìn thấy ông ta như thế. Hai bàn tay ông ta tím đen, cả một vài chỗ trên gương mặt cũng vậy. Nó gây ra một sự biến dạng đáng kể, mặc dù nét vương giả không hề thay đổi. Những đường nhăn đầy ấn tượng trên vầng trán cao bọc trong vòng hào quang tóc trắng, bốn hoặc năm đường rãnh cày ngang trán và bẻ thành góc vuông xuôi xuống hai bên thái dương, do sự nỗ lực thường xuyên suốt cả cuộc đời, sau khi đã yên nghỉ vẫn còn hằn sâu phía trên hai mí mắt đã khép chặt. Đôi môi cay đắng tả tơi hơi hé mở. Màu tím đen chứng tỏ cái chết đến đột ngột, khi các chức năng của sự sống bị chặn lại một cách bất thình lình.
Hans Castorp đứng lặng hồi lâu, trầm ngâm suy nghĩ về sự việc vừa xảy ra. Chàng dùng dằng chưa muốn đổi tư thế, đợi một lời giải thích từ phía người “vợ góa”. Vì không có gì xảy ra, và chàng không muốn quấy rầy, nên cuối cùng chàng quay ra cái nhóm nhỏ những người còn lại đứng túm tụm sau lưng mình. Ông cố vấn cung đình hất nhẹ đầu về phía phòng khách. Hans Castorp theo ông ta sang đó.
“Suicidium[464]?” Chàng hạ giọng hỏi vẻ sành sỏi...
“Chứ còn gì nữa!” Behrens phẩy tay đáp và thêm vào: “Tất cả các dấu hiệu đều chứng tỏ như vậy. Rõ mồn một. Ông đã bao giờ nhìn thấy món đồ trang sức nào thanh lịch như thế này chưa?” Ông ta rút trong túi áo choàng ra một cái bao hình dáng không đều và lấy từ đó ra một vật nhỏ đưa tới trước mặt chàng trai trẻ. “Tôi thì chưa thấy bao giờ. Nhưng mà rất đáng xem. Học thì không bao giờ hết. Rất tinh vi và sáng tạo. Tôi lấy được trong tay ông ta đấy. Cẩn thận. Nếu bị nó rỏ vào tay da ông sẽ phồng rộp lên ngay.”
Hans Castorp xoay xoay cái đồ vật bí ẩn trong tay. Nó được làm bằng thép, ngà voi, vàng và cao su, nhìn rất lạ mắt. Nó có hai cái càng cong cong bằng thép bóng loáng mũi nhọn hoắt cắm vào phần giữa xoáy trôn ốc bằng ngà voi khảm vàng, hai cái càng này có thể chuyển động ở một mức độ nhất định vào bên trong; và dưới cùng là một phần nở rộng ra như quả bóng cao su nửa cứng nửa mềm màu đen.
Tất cả chỉ dài khoảng vài phân.
“Cái gì thế này?” Hans Castorp hỏi.
“Đó là”, Behrens trả lời, “một mũi chích được chuẩn bị trước. Hay nói cách khác, đó là bản sao cơ cấu hàm rắn đeo kính. Ông hiểu không? - Có vẻ ông chẳng hiểu gì”, ông ta bảo, vì Hans Castorp vẫn ngơ ngẩn nhìn xuống cái dụng cụ quái gở trong tay mình. “Đây là hai cái răng. Chúng nó không đặc hết, mà bên trong có một cái kênh mỏng như sợi tóc dẫn ra bên ngoài, ông có thể nhìn thấy rõ cái lỗ nhỏ phía trước ở đầu mũi nhọn đây. Tất nhiên cái ống ấy cũng hở ở đầu kia, ở chỗ chân răng, và được nối với đường dẫn nọc độc bằng cao su chạy xuyên qua khúc giữa bằng ngà voi. Khi cắn những cái răng bị ấn một chút vào bên trong, và gây ra một áp lực lên túi đựng nọc độc khiến nó bơm một lượng nọc nhất định vào đường ống dẫn, và lượng thuốc độc ấy ngấm ngay vào mạch máu cùng lúc mũi răng cắm vào thịt. Nhìn tận mắt thế này thì đơn giản lắm, nghĩ ra được cơ cấu ấy mới là cái khó. Tôi cho rằng nó đã được chế tạo theo ý ông ta.”
“Chắc chắn rồi!” Hans Castorp đáp.
“Lượng nọc độc bơm ra mỗi lần ít thôi”, ông cố vấn cung đình tiếp tục. “Thiếu sót về khối lượng đã được đền bù bằng -”
“Hoạt tính cao.” Hans Castorp bổ sung.
“Chính thế. Đó là cái gì thì chúng ta sẽ tìm ra thôi. Tôi nóng lòng chờ kết quả xét nghiệm với một sự hiếu kỳ nhất định, không còn nghi ngờ gì nữa, ở đây ta có thể học hỏi đôi điều. Tôi cá là tên lính canh kỳ cục trong trang phục đại lễ đằng kia có thể nói cho chúng ta biết đó là cái gì! Theo phỏng đoán của riêng tôi thì đó có thể là một hợp chất giữa các độc tố có nguồn gốc động vật và thực vật, về chất lượng chắc chắn là loại hảo hạng, vì tác dụng của nó phải ghê gớm lắm. Tất cả các biểu hiện đều cho thấy ông ta ngừng thở đột ngột, trung tâm hô hấp bị tê liệt tức thời, ông hiểu không, ngạt thở cực kỳ nhanh, có lẽ không đau đớn gì.”
“Ơn Chúa!” Hans Castorp thở dài đáp giọng thành kính. Chàng trả lại cho ông cố vấn cung đình món đồ chơi ghê gớm nọ và quay trở vào phòng ngủ.
Trong đó giờ chỉ còn có gã đàn ông Mã Lai và Madame Chauchat. Lần này Clawdia ngẩng đầu lên nhìn chàng trai trẻ lúc chàng lại gần giường.
“Tôi nghĩ rằng ông có quyền được biết, nên đã cho người đi báo”, nàng bảo.
“Cảm ơn lòng tốt của bà”, chàng đáp, “và bà nói đúng. Chúng tôi đã coi nhau như anh em. Tôi hổ thẹn tận đáy sâu linh hồn vì đã tìm cách vòng vèo tránh né không dám thú nhận với những người khác điều này. Bà ở bên ông ấy trong những giây phút cuối?”
“Gã người hầu báo cho tôi biết lúc mọi sự đã rồi”, nàng trả lời.
“Ông ấy là người tầm cỡ”, Hans Castorp lại bắt đầu, “cho nên ông ấy coi sự thất bại của tình cảm trước cuộc sống là một thảm họa vũ trụ và một sự báng bổ Chúa. Bà nên biết, ông ấy tự coi mình là công cụ hợp cẩn của Chúa. Đó là một sự gàn dở vương giả... Khi xúc động người ta có đủ can đảm để nói ra những điều tưởng như kỳ quặc và bất kính, nhưng thực ra trang trọng hơn những lời cầu nguyện rất nhiều.”
“C´est une abdication[465]”, nàng bảo. “Ông ấy cũng biết chuyện điên rồ giữa chúng ta?”
“Tôi không đủ khả năng chối cãi điều đó, Clawdia. Ông ấy đoán ra vì tôi không chịu hôn lên trán bà trước mặt ông ấy. Sự có mặt của ông ấy giờ đây có lẽ mang ý nghĩa tượng trưng hơn là thực chất, nhưng bà có đồng ý để tôi làm điều đó bây giờ không?”
Nàng đưa đầu gần hơn một chút về phía chàng, mắt khép lại, hơi tỏ ý gật nhẹ. Chàng đặt môi lên vầng trán nàng. Đôi mắt nâu như mắt thú của gã người Mã Lai đảo qua đảo lại giám sát cảnh này, chỉ còn tròng trắng.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần