"We humans have lost the wisdom of genuinely resting and relaxing. We worry too much. We don't allow our bodies to heal, and we don't allow our minds and hearts to heal.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3352 / 136
Cập nhật: 2017-09-15 16:22:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 6 - Tuyết
ỗi ngày năm lần bên bảy chiếc bàn ăn các thực khách được dịp đồng thanh tỏ nỗi bất bình về thời tiết mùa đông năm nay. Họ lên án nó không làm tròn bổn phận của mùa đông sơn cước, không đảm bảo những điều kiện khí tượng có tác dụng chữa bệnh được coi là đặc điểm làm nên danh tiếng của vùng này, không đúng với những điều được hứa hẹn trong quảng cáo, những điều các ma cũ còn lưu giữ trong trí nhớ và các ma mới vẽ ra trong tưởng tượng. Người ta ghi nhận sự vắng mặt thường trực của mặt trời, hậu quả là sự thiếu thốn nghiêm trọng ánh nắng, một yếu tố có tác dụng chữa bệnh quan trọng vào bậc nhất mà không có nó chắc chắn việc điều trị sẽ bị kéo dài... Ông Settembrini muốn nói gì thì nói, ông ta cứ việc nghi ngờ sự trung thực của khách an dưỡng ở ‘Sơn trang’ trong ước vọng sớm lành bệnh để rời “cố hương” về lại đồng bằng; những ngày này họ đồng tâm hợp lực với nhau đòi quyền lợi sao cho xứng với đồng tiền mà họ bỏ ra, những đồng tiền cha mẹ hay chồng họ phải trả cho việc điều trị bệnh của họ trên này, và họ kêu ca phàn nàn bất cứ chỗ nào có thể: bên bàn ăn, trong thang máy hay ngoài tiền sảnh. Ban lãnh đạo cũng cố gắng tỏ ra có trách nhiệm trong việc bồi thường thiệt hại cho bệnh nhân về mặt này. An dưỡng đường vừa được trang bị thêm một thiết bị “tắm nắng nhân tạo” mới, vì hai cỗ máy có sẵn không đủ đáp ứng nhu cầu phơi nắng bằng điện năng của các bệnh nhân, ai cũng muốn có làn da rám nắng làm các bà các cô rất ưa nhìn và tạo cho cánh đàn ông một vẻ rắn rỏi rất thể thao, mặc dù họ thường xuyên ở tư thế nằm ngang. Đúng thế, cái vẻ bề ngoài ăn khách ấy trong thực tế đánh lừa mắt được khối người; các bà, mặc dù biết tỏng đấy chỉ là nước sơn nhân tạo nhờ kỹ thuật, vẫn đủ dại khờ để nhắm mắt làm ngơ và như con thiêu thân lao mình vào ảo tưởng, tìm một chút đam mê thỏa mãn lòng tự ái nữ tính của mình. “Lạy Chúa!” Bà Schönfeld, một nữ bệnh nhân tóc đỏ mắt đỏ người Berlin tối nọ đã thở ra câu ấy trong đại sảnh, nhằm vào đối tượng là một công tử chân dài ngực lép tự xưng trong danh thiếp là “Aviateur diplômé et Enseigne de la Marine allemande”[339], mặc dù đang được nếm mùi pneumothorax vẫn lên đồ lớn cả khi ăn trưa lẫn khi ăn tối, lấy cớ đó là quy định trong hải quân. “Lạy Chúa”, bà ta bảo, vừa nói mắt vừa đắm đuối nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống ông thiếu úy hải quân, “da ông bắt nắng mới đẹp làm sao! Như một dũng sĩ săn đại bàng, ôi quỷ sứ của em!” - “Đợi đấy, tiên nữ!” Kẻ chinh phục thì thầm vào tai bà ta khi đứng trong thang máy, khiến bà ta rùng mình nổi gai ốc khắp người, “bà sẽ phải trả giá đắt cho khóe mắt giết người của bà!” Và rồi theo lối ban công, vượt qua các vách ngăn bằng kính, quỷ sứ và dũng sĩ săn đại bàng đã tìm được đường đến với tiên nữ...
Mặc dù vậy ánh mặt trời nhân tạo làm sao mà bù đắp nổi sự thiếu thốn ánh sáng tự nhiên trong năm nay. Mỗi tháng chỉ có hai hay ba ngày nắng đẹp, với bầu trời xanh thẳm như tấm thảm nhung lót sau những đỉnh núi trắng xóa băng hà, với mặt trời rạng rỡ nhô ra từ sau màn sương xám dày đặc, gửi những chùm tia sáng kim cương đốt nóng râm ran trên gáy và trên mặt người. Nhưng chỉ có hai ba ngày như thế trong vòng mấy tuần thì quá ít ỏi đối với tâm trạng sầu muộn của những con người vì số phận hẩm hiu nên cần được an ủi hơn ai hết, trong thâm tâm họ vẫn vin vào một thỏa ước ngầm, theo đó họ phải từ bỏ mọi niềm vui và nỗi đau của kiếp người ở dưới đồng bằng, bù lại được hưởng một cuộc đời dẫu thiếu sinh khí nhưng vô lo vô nghĩ và nhiều lạc thú - vô tư đến độ thời gian cũng ngừng trôi, mà giá cả lại rất phải chăng. Mặc cho ông cố vấn cung đình hoài công nhắc nhở mọi người rằng, cuộc sống ở ‘Sơn trang’ khác xa một trời một vực với nhà tù Bagno hay trại khổ sai Siberia, mặc cho ông ta mỏi miệng ca tụng những ưu điểm của bầu không khí nơi đây, mỏng và nhẹ gần như khoảng chân không ngoài vũ trụ, vấn vương rất ít bụi trần, thiếu mặt trời cũng vẫn giữ được độ tinh khiết cao, không bị nhiễm độc khói thải và thán khí như ở dưới kia, tâm trạng ảm đạm và bất mãn vẫn lây lan nhanh như dịch hạch, ngày nào cũng có người dọa trốn viện xuống núi, thỉnh thoảng cũng có người thực hiện lời dọa ấy thật, bất chấp tấm gương nhãn tiền là bà Salomon, người vừa mới nhập viện trở lại, trước kia bệnh tật bà ta không đến nỗi nguy hiểm mà chỉ dai dẳng, nhưng sau chuyến đi trái phép về miền khí hậu ẩm ướt gió lùa ở Amsterdam căn bệnh ấy đã trở nặng đến mức đe dọa tính mạng bà ta...
Thiếu mặt trời thì ở đây lại thừa thãi tuyết, tuyết dày đặc, tuyết nhiều vô số kể, cả đời Hans Castorp chưa từng thấy tuyết nhiều đến thế bao giờ. Mùa đông năm trước đã lập thành tích đáng nể về phương diện này, nhưng vẫn không thấm vào đâu so với mùa đông năm nay. Tuyết nhiều khủng khiếp và quá hạn lệ, nó khiến người ta thấm thía nhận ra sự huyễn hoặc và lập dị của nơi này. Những con đường ít ỏi còn đi lại được đã trở thành hào giao thông thụt sâu giữa hai vách tuyết cao hơn đầu người, vách tường trắng như lụa bạch dát đầy tinh thể tuyết lóng lánh một thứ ánh sáng dìu dịu, được khách an dưỡng trên núi dùng làm tấm bảng viết vẽ đủ thứ lăng nhăng, công bố các loại tin tức, châm ngôn tục ngữ và cả chuyện tiếu lâm tục tĩu. Nhưng giữa hai vách tường ấy người ta vẫn phải giẫm lên một lớp tuyết dày, dù có cố gắng xúc sâu đến đâu cũng không hết được, khách bộ hành mơ mộng sẽ bị kéo trở về với thực tế ở những chỗ tuyết xốp hổng thành lỗ to, khi đang đi bỗng thấy mình thụt sâu tới đầu gối trong tuyết và phải cẩn thận lắm để khỏi ngã gãy chân. Các băng ghế làm chỗ ngồi nghỉ dọc đường đã biến mất, chìm nghỉm trong tuyết, chỉ đây đó thò ra một mẩu lưng ghế như tấm bia nhô lên khỏi nấm mộ trắng. Mặt bằng phố xá dưới thung lũng bỗng cao vượt lên, khiến các gian hàng tầng trệt trở thành tầng hầm, muốn vào người ta phải lần theo những bậc thang đục sâu trong tuyết từ vỉa hè đi xuống.
Và trên khối tuyết có sẵn ấy tuyết mới vẫn tiếp tục rơi, ngày này qua ngày khác, lặng lẽ rỉ rả bồi đắp thêm, trong khi thời tiết khá là dễ chịu, khoảng mười đến mười lăm độ dưới không, chẳng đến nỗi lạnh thấu xương - người ta gần như không cảm thấy lạnh, như thể chỉ âm một hoặc hai độ mà thôi, nhờ bầu không khí khô ráo và lặng gió nên băng giá bị bẻ mất răng nhọn không gặm nhấm da thịt được. Buổi sáng trời tối mù tối mịt, người ta ăn điểm tâm dưới ánh sáng nhân tạo của những ngọn đèn chùm mặt trăng trong gian phòng mái vòm trang trí bằng những hình vẽ rập khuôn. Bên ngoài chỉ là một khoảng trống rỗng tối tăm, thế gian bị bọc kín trong lớp đệm bông bằng tuyết trắng xám, tuyết bám dày như màn sương hay tấm khăn mây quấn chặt lấy cửa kính che kín mắt người. Núi non trở nên vô hình; rừng thông phía trước thỉnh thoảng mới xuất đầu lộ diện: những cây thông đứng cúi đầu gánh lớp tuyết đè nặng trên cành, nhanh chóng nhòa nhạt trong màn tuyết, thi thoảng có một cây rũ tuột gánh nặng, rùng mình tung đám bụi tuyết trắng xóa vào màn sương xám. Mười giờ sáng mặt trời mới thập thò tỏa ánh nắng yếu ớt như khói mờ trên đỉnh núi, phủ lên phong cảnh vô hồn vô dạng nơi này một luồng sinh lực ma quái, một cái bóng nhợt nhạt của dục vọng. Tất cả nhòa nhòa tan biến trong một vẻ đẹp nhợt nhạt và dịu dàng huyền ảo, mỗi một đường nét mà mắt người nắm bắt được bỗng trở nên trần trụi đến thô thiển. Các đỉnh núi lung linh mờ tỏ trong sương. Chỉ một thứ ánh sáng xanh xao rọi xuống mặt đất phủ tuyết thành gò thành đống, dẫn dắt ánh mắt người về cõi vô hình. Rồi một đám mây được chiếu sáng bồng bềnh chậm rãi lướt qua sườn núi, mờ mờ trong suốt, kéo dài, không thay hình đổi dạng.
Giữa trưa mặt trời mới gom đủ hơi ấm thử tìm cách xuyên thủng màn sương. Đó chỉ là một cố gắng vô vọng, nhưng trong một vài khoảnh khắc hiếm hoi người ta có thể nắm bắt một cái gì như là linh cảm về màu xanh da trời, và chút nắng ít ỏi cũng đủ để làm cái thung lũng biến hình kỳ dị trong cuộc phiêu lưu mang tên tuyết sáng lên như kim cương. Thường thì vào giờ này tuyết ngừng rơi, như thể cố tình tạo điều kiện cho người ta ngắm nhìn toàn cảnh thành quả nó đã đạt được, phải, có vẻ như cả những ngày nắng rải rác trong tháng cũng được ban phát một cách có dụng ý để phục vụ mục đích này, trong những ngày ấy cơn bão tuyết tạm thời ngưng lồng lộn, để cho quả cầu lửa trên trời đặt nụ hôn ấm áp lên bề mặt tinh khiết tuyệt trần của lớp tuyết mới, mong làm tan trái tim băng giá bằng tình cảm nồng hậu của mình. Thế gian trở thành một bức tranh huyền hoặc, kỳ dị một cách trẻ thơ. Những chiếc gối tuyết dày và xốp phồng lên trên các cành cây, những u bướu trên mặt đất giấu trong mình một thân cây bò sát đất hay một mũi đá nhô cao, phong cảnh gồ ghề, chìm sâu, bọc kín trong tuyết nhìn kỳ quái, nực cười như thế giới của người lùn trong chuyện cổ tích. Nhưng nếu như cận cảnh, trong đó con người như đàn kiến thì thụp lội trong tuyết, khiến người ta thấy tức cười, thì cái nền đằng xa với những ngọn núi sừng sững phủ đầy tuyết trắng của dãy Alps lại khiến ta choáng ngợp một cảm giác hùng vĩ và thần thánh.
Buổi chiều Hans Castorp nằm trên ban công phòng mình từ hai giờ đến bốn giờ, mình bọc kín trong kén, đầu tựa trên lưng chiếc ghế nằm tuyệt hảo được điều chỉnh không cao mà cũng không thấp quá, chàng phóng tầm mắt qua hàng lan can phủ tuyết nhìn ra khoảng rừng trước mặt và dãy núi xa xa. Vạt rừng thông xanh đen đội tuyết lầm lì bám trên sườn núi, mặt đất giữa những thân cây phủ một lớp tuyết mềm như trải đệm. Cao lên trên chỉ còn đá núi trần trụi xám trắng bọc trong những mảng tuyết khổng lồ, đó đây một mũi đá đột ngột chòi lên đen ngòm, và rồi cuối cùng là đường lượn nhạt nhòa của đỉnh núi lởm chởm răng cưa. Tuyết vẫn rơi lặng lẽ. Mọi đường nét cứ mờ dần, mờ dần. Ánh mắt hướng ra khoảng không dày đặc tuyết chẳng mấy chốc đã đầu hàng giấc ngủ. Chàng trai trẻ thiếp đi trong cơn rùng mình nhè nhẹ, nhưng không có giấc ngủ nào thuần khiết hơn giấc ngủ trong bầu không khí giá lạnh nơi này, một giấc ngủ không mộng mị, không bị đè nặng bởi hoạt động của thần kinh vô cảm nhằm duy trì sự sống hữu cơ, vì việc hít thở làn hơi trống rỗng nhẹ tênh không mùi không vị này đối với cơ thể cũng nhẹ nhàng như người chết không cần thở. Khi chàng tỉnh dậy, dãy núi đã hoàn toàn chìm trong sương tuyết, chỉ thi thoảng nổi lên một vài mẩu đó đây, một đỉnh núi hay một tảng đá, nhưng cũng chỉ hiện ra trong vòng vài phút đồng hồ rồi lại biến mất ngay. Phải rất chú ý mới mong nắm bắt được cảnh tượng mờ ảo ấy trong quá trình biến đổi huyền hoặc của nó. Bất chợt hiện lên trước mắt ta một phần núi đá sừng sững hoang dại, không thấy cả đầu lẫn chân. Nhưng chỉ cần rời mắt khỏi nó chưa đầy một phút là hình ảnh ấy đã mất hút rồi.
Rồi có những cơn bão tuyết dữ dội ngăn cản người ta ra ngoài ban công, vì vô vàn bông tuyết trắng quay cuồng tấp vào thành đống phủ kín sàn và bàn ghế kê ở đó. Đúng thế, cái thung lũng trầm lặng khép kín này cũng biết nổi hung lên. Bầu không khí nhẹ nhõm tưởng như không có gì bỗng tích đầy năng lượng, tràn ngập những bông tuyết dày đặc đến nỗi mắt người không thể nhìn xa hơn một bước. Dông tố với sức mạnh cuồng điên truyền cho cái đám hỗn mang ấy một chuyển động mãnh liệt và loạn xạ, cuốn tuyết từ dưới đáy thung lũng tung lên không khí, từng đám tuyết khổng lồ bốc lên quay cuồng trong một vũ điệu bát nháo. Đó không còn là bão tuyết, mà phải gọi là cơn điên giận mù quáng của đêm đen trắng xóa, một hiện tượng buông thả đến cùng cực của vùng đất vượt ra ngoài mọi khuôn khổ thông thường này, nơi chỉ có hàng đàn hàng lũ tuyết, chẳng biết ở đâu kéo ra, là tự nhiên thoải mái như ở nhà mà thôi.
Mặc dù vậy Hans Castorp vẫn yêu cuộc sống bị nhấn chìm trong tuyết. Chàng thấy nó giống với cuộc sống ngoài bãi biển trên nhiều phương diện: cả hai nơi đều bày ra một bức tranh thiên nhiên vô cùng đơn điệu, tuyết băng phủ một lớp dày ở đây cũng chẳng khác gì những hạt cát dưới kia, cả hai đều cho ta cảm giác tinh khiết khi cọ xát, người ta giũ bụi băng trắng khỏi quần áo giày dép cũng như phủi cát và bột vỏ sò vùi sâu dưới lòng biển, không lấm bẩn và không để lại dấu vết gì; và lội bộ trong tuyết cũng vất vả không thua gì trèo qua đụn cát, chỉ trừ những chỗ ban ngày được mặt trời thương mến gửi tới nhiều ánh nắng, lớp tuyết bên trên tan ra rồi đêm đến đóng lại thành băng cứng: mặt đất nơi ấy còn trơn tru bóng láng hơn sàn nhà lát gỗ, và đi trên đó cũng nhẹ nhàng dễ chịu như đi trên lớp cát được sóng vỗ phẳng lì nơi mí nước.
Có điều lượng tuyết rơi xuống và tích tụ lại năm nay nhiều đến nỗi điều kiện di chuyển ngoài trời của mỗi người, trừ các vận động viên trượt tuyết, bị thu hẹp đáng kể. Những chiếc máy xúc tuyết hì hục dũi, nhưng cố thế nào cũng không dọn hết tuyết trên mấy con đường và khúc phố chính dưới khu giải trí; những đoạn tạm thời được giải phóng chẳng mấy chốc lại đổ vào chỗ đầy nghẹt tuyết, chỗ nào cũng đông nghìn nghịt khách bộ hành, cả người khỏe lẫn người bệnh, cả thổ dân lẫn khách du lịch quốc tế trọ trong mấy cái khách sạn quanh vùng. Đã thế người đi bộ còn bị những chiếc xe trượt tuyết kéo tay làm rầy, đó là những chiếc xe trượt của trẻ con nhưng cưỡi trên toàn là người lớn, cả đàn ông lẫn đàn bà, ngồi ngả người ra sau, chân duỗi thẳng về phía trước, miệng hét inh ỏi dẹp đường trong lúc chiếc xe tròng trành lao xuống dốc. Xuống đến chân dốc họ lại nắm dây kéo món đồ chơi hiện đại ấy khó nhọc lội tuyết leo trở lên trên.
Hans Castorp đã ngán con đường đi dạo ấy đến tận cổ. Trong thâm tâm chàng có hai mong muốn: thứ nhất, và cũng là mong muốn mạnh hơn, là được ngồi một mình để sắp xếp các ý nghĩ trong đầu và “cai trị”, mà để làm việc đó, dù chỉ một cách hời hợt thôi, thì cái ban công phòng chàng cũng đủ. Còn ước muốn thứ hai, cũng không ngoài mục đích ấy, nhưng có vẻ hiếu động hơn và gắn liền với nguyện vọng tiếp cận núi đồi ngoài kia một cách trực tiếp và không bó buộc, những núi non tuyết phủ chập chùng mà chàng đã đem lòng yêu mến. Nguyện vọng này không thể nào đáp ứng được, chừng nào chàng còn là một khách bộ hành thiếu những trang thiết bị giúp mình di chuyển dễ dàng hơn, vì nếu chàng cứ thử dấn thân lội bộ vào những chỗ không được dọn tuyết ở cuối đoạn đường quen thuộc thì sẽ không tránh khỏi thụt sâu tới ngực trong tuyết.
Thế là một ngày trong mùa đông thứ hai của chàng ở trên này, Hans Castorp đi đến quyết định mua một bộ đồ trượt tuyết và học cách sử dụng vừa đủ để thỏa mãn nhu cầu vận động của mình. Chàng không phải là dân thể thao, cả trước đây cũng không vì tạng người chàng vốn thế, và chàng cũng chẳng cố gắng làm bộ làm tịch như một số khách an dưỡng ở “Sơn trang”, nạn nhân của bầu không khí đua đòi ở trên này, họ khoác lên mình đủ thứ đồ thể thao mốt mới nhất - ví dụ như ả Hermine Kleefeld, mặc dù thở không ra hơi, chóp mũi và môi lúc nào cũng tím ngắt vì thiếu dưỡng khí, nhưng bữa trưa nào cô ta cũng xuất hiện dưới phòng ăn trong một bộ quần áo thể thao bằng len, rồi sau khi ăn ngồi chàng hảng trong một chiếc ghế bành ngoài đại sảnh làm một giấc ngủ trưa, chướng vô cùng. Nếu Hans Castorp ngỏ lời với ông cố vấn cung đình về cái dự định táo bạo của mình thì hẳn chàng đã bị từ chối thẳng thừng. Đối với các bệnh nhân ở trên này, trong “Sơn trang” cũng như trong tất cả các viện an dưỡng tương tự, thì hoạt động thể thao là điều cấm kỵ tuyệt đối; vì bầu không khí tưởng như dễ thở nơi đây kỳ thực đòi hỏi cơ tim làm việc rất căng, riêng trường hợp Hans Castorp thì câu nói tinh nghịch rằng chàng đã “thích nghi với chuyện mình không thể thích nghi được” vẫn đúng một trăm phần trăm, và cơn sốt nhẹ mà Rhadamanthys đổ lỗi cho một vết ướt trong phổi chàng vẫn tồn tại dai dẳng. Nhưng nếu không có nó thì chàng còn ở lại trên này làm gì? Vậy là nguyện vọng và dự định của chàng không hợp lý và không hợp lệ. Nhưng cũng phải hiểu cho chàng. Không phải chàng định bắt chước đám người ham chưng diện làm bộ hâm mộ bầu không khí trong lành và tinh thần thể thao, nhưng đồng thời cũng với thái độ quan trọng và say mê không kém vùi đầu vào cờ bạc trong phòng kín ngập ngụa khói thuốc. Chàng cảm thấy mình thuộc về một giới khác nghiêm túc và có trách nhiệm hơn cái đám du khách nhí nhố kia, với một quan điểm mới rộng mở hơn, dựa trên cơ sở là lòng quý trọng và mong muốn bảo vệ thiên nhiên, chàng không nhập bọn với họ và múa may dày xéo tuyết như một thằng khùng. Chàng không hề có ý định lập kỷ lục mà chỉ muốn tập luyện nhẹ nhàng phù hợp với sức khỏe của mình, và Rhadamanthys lẽ ra đã có thể tán thành dự định của chàng. Nhưng vì nội quy của an dưỡng đường cấm ngặt mọi hình thức thể dục thể thao nên Hans Castorp quyết định làm lén không cho Behrens biết.
Chàng lựa lúc thuận tiện trình bày với ông Settembrini dự định của mình. Ông Settembrini vui mừng đến độ thiếu điều ôm chầm lấy chàng. “Đúng rồi, tất nhiên là như thế, lạy Chúa, ông kỹ sư, ông hãy làm ngay đi! Ông đừng có xin phép xin tắc gì cả mà cứ việc làm đi - ôi, cám ơn vị thiên thần tốt lành đã thổi vào tai ông ý định này! Ông hãy thực hiện ý định ấy ngay đi, kẻo để lâu hứng thú lại nguội lạnh mất! Tôi sẽ đi với ông, chúng ta hãy cùng đến cửa hàng tìm mua những thứ dụng cụ được Chúa ban phước lành ấy! Tôi còn muốn theo ông lên núi, muốn cùng ông trượt tuyết, như Mercury, vị thần với đôi giày có cánh dưới chân, tiếc rằng tôi không được phép làm thế... Ây dà, được phép là thế nào kia chứ! Nếu chỉ không “được phép” thì tôi đã làm ngay rồi, nhưng quả thực là tôi không thể làm được, tôi đã hết xí quách rồi. Nhưng mà ông thì khác... Trượt tuyết không có gì hại cho ông đâu, chắc chắn là thế, chỉ cần ông cẩn thận và đừng có liều lĩnh quá. Nhưng mà thây kệ, nếu có hại một chút thì đã làm sao, chắc chắn vị thiên thần tốt bụng đã dẫn dắt ông... Tốt nhất là tôi không nói thêm gì nữa. Thật là một kế hoạch tuyệt vời! Hai năm ở trên này, mà giờ đây vẫn còn khả năng nảy ra ý định ấy! A, ông kỹ sư, ông quả là người có bản chất tốt, thật không có lý do gì để lo ngại về ông. Hoan hô, hoan hô! Ông cứ qua mặt phán quan trông coi địa ngục trên đó mà đặt mua giày trượt tuyết đi, ông bảo họ gửi đến địa chỉ của tôi hay của Lukaček, hay gửi đến tiệm tạp hóa dưới nhà cũng được. Ông có thể đến đó lấy đồ đi tập, và rồi ông sẽ trượt như bay...”
Mọi việc diễn ra đúng thế. Dưới cặp mắt đánh giá khắt khe của ông Settembrini trong vai một chuyên gia sành sỏi, kỳ thực ông ta chẳng biết quái gì về thể thao, Hans Castorp chọn mua được trong một cửa hàng chuyên bán dụng cụ thể thao một cặp ván trượt tuyết đẹp tuyệt làm bằng gỗ tần bì sơn màu nâu bóng, mũi ván đằng trước vát nhọn uốn cong, với đầy đủ dây chằng bằng da tốt. Chàng mua cả đôi gậy mũi bịt sắt với ròng rọc, và tự mình vác trên vai tất cả từng ấy thứ mang về chỗ ở của Settembrini, ở đó chàng nhanh chóng thỏa thuận với ông hàng xén về việc gửi gắm và cách thức lấy ra cất vào mỗi ngày. Sau nhiều lần quan sát cách người ta sử dụng món dụng cụ thể thao này Hans Castorp bắt đầu tự mình luyện tập trên một sườn đồi không cây cối đằng sau an dưỡng đường “Sơn trang”, cách xa bãi tập đông như kiến của khu giải trí. Một vài lần ông Settembrini cũng đến xem chàng vụng về nhấp nhổm trên đôi ván dài, ông ta đứng cách chàng một khoảng đảm bảo an toàn, tựa mình trên cây ba toong, chân bắt tréo duyên dáng và trầm trồ khen ngợi những tiến bộ và sự thuần thục ngày càng tăng của chàng. Sự thể diễn ra trót lọt cho đến một ngày, Hans Castorp đang ì ạch tay xách nách mang theo con đường mòn được dọn tuyết sơ sài về lại cửa hàng tạp hóa thì bất ngờ chạm trán ông cố vấn cung đình. Behrens không nhận ra chàng, mặc dù lúc ấy đang giữa trưa, trời sáng bạch và vận động viên tập sự của chúng ta thiếu chút nữa thì đâm sầm vào ông ta. Ông cố vấn cung đình bọc kín trong một đám mây bằng khói xì gà im lặng thình thịch rảo bước qua mặt chàng.
Hans Castorp nghiệm thấy rằng cái gì người ta khát khao muốn biết thì sẽ học được rất nhanh. Chàng không có nhu cầu lập kỷ lục. Chỉ vài ngày tập luyện không đến nỗi đổ mồ hôi sôi nước mắt là mục tiêu của chàng đã đạt được. Chàng tập giữ hai chân song song khép lại gần nhau sao cho khi trượt để lại hai vết hằn đều đặn trên tuyết, tập sử dụng gậy chuyển hướng khi xuống dốc, học cách vượt chướng ngại vật hay chỗ đất nhấp nhô bằng cách nhún chân, hai tay dang sang bên, cất mình lên trên không rồi lại nhẹ nhàng hạ xuống như con tàu chồm qua ngọn sóng trong cơn biển động. Sau lần thử thứ hai mươi chàng đã không còn ngã lộn cổ khi áp dụng kỹ thuật Telemark phanh gấp trong lúc trượt, bằng cách đưa một chân lên phía trước trong khi đầu gối chân kia khuỵu xuống. Chàng cứ dần dà mở rộng phạm vi luyện tập thêm ra. Một ngày kia ông Settembrini từ chỗ đứng của mình chỉ còn thấy bóng chàng mất hút trong màn sương trắng, ông ta đưa tay lên miệng làm loa gọi với theo dặn chàng cẩn thận và, thỏa chí sư phạm, ông văn sĩ hài lòng đi về nhà.
Núi non mùa đông đẹp tuyệt vời - không phải vẻ đẹp tươi vui thuần hậu mà đẹp hoang dại như Bắc Hải trong gió Tây - mặc dù thiếu tiếng sấm rền và không gian tĩnh lặng như một nấm mồ, nhưng khung cảnh hùng vĩ vẫn khơi dậy trong ta cảm giác e dè tôn kính như đứng trước đại dương.
Đôi ván trượt dài mềm mại của Hans Castorp đưa chàng đi khắp mọi nơi: dọc sườn núi bên trái về hướng Clavadel hay bên phải ngang qua Frauenkirch và Glaris, đằng sau làng mạc nhà cửa nổi lên bóng dáng đồ sộ của ngọn Amselflue đầy đe dọa trong sương mù; xuống cả lòng khe Dischma hoặc vòng ra sau lưng “Sơn trang” ngược lên vạt thông bám trên sườn ngọn Seehorn chỉ thấy cái chóp bọc tuyết nhô lên khỏi ngọn cây; xuyên qua dải rừng Drusatscha phía sau là bóng rặng Rhätikon xa mờ trong tuyết. Chàng còn vác cặp ván dài thượt ngồi xe cáp treo lên tận Schalzalp để thong thả trượt lòng vòng ở độ cao hai ngàn thước, trên những sườn dốc thoai thoải phủ dày một lớp tuyết trắng lóa, gặp lúc trời quang từ đó có thể thấy toàn cảnh núi non hùng vĩ đẹp mê hồn.
Chàng vui mừng tận hưởng những gì mình vừa chinh phục được, giờ đây mọi khó khăn trở ngại đã bị sang bằng và chàng có thể đến bất kỳ chỗ nào chàng muốn. Trong lòng nó chàng tìm được sự cô đơn như ý, một sự cô đơn sâu lắng nhất, làm rung động trái tim chàng vì những ấn tượng choáng ngợp trước thiên nhiên hoang dã và hiểm nghèo. Một bên chàng có thể là vực sâu với những cây thông liêu xiêu tuột xuống chìm trong sương tuyết, bên kia có thể là vách đá lô xô hình thù kỳ dị như những người khổng lồ đứng ngồi lom khom, tuyết bám xù xì thành hang thành hốc. Đôi khi chàng dừng lại cố không gây tiếng động và lắng nghe sự yên tĩnh hoàn toàn bao quanh mình, một sự yên lặng tuyệt đối như bọc trong bông gòn, xa lạ, chưa từng biết tới, không hề có ở bất kỳ nơi nào khác. Không một hơi gió thoảng làm lay động ngọn cây, không một chút xao xác, không một tiếng chim hót. Hans Castorp kính cẩn đứng nghe cái tĩnh lặng nguyên thủy ấy, mình tựa trên cây gậy trượt tuyết, đầu nghiêng xuống một bên vai, miệng hơi hé mở. Và tuyết vẫn rơi âm thầm lặng lẽ, nhẹ nhàng đậu xuống không một tiếng động.
Không, thế giới trong sự câm lặng không đáy này chẳng thân thiện chút nào, khách đến thăm tự mình gánh chịu mọi rủi ro và tổn thất, thiên nhiên không tiếp nhận hay chấp nhận anh ta, nó chỉ tạm dung thứ sự có mặt của anh ta một cách lầm lì không hứa hẹn điều gì tốt lành, khiến kẻ xâm nhập bất giác hiểu ra thân phận của mình và cảm nhận được sự đe dọa ngấm ngầm toát ra từ nó, không hẳn là thù địch mà là một sự thờ ơ chết người. Đứa con của nền văn minh, xa lạ với thiên nhiên từ trong trứng, lại có khả năng lĩnh hội sự vĩ đại của thiên nhiên hơn là một đứa con sinh ra và lớn lên trong lòng nó, phụ thuộc vào nó và phải sống với nó trong một mối quan hệ thực tế đến phũ phàng. Đứa con hoang dã gần như không biết tới niềm kính sợ thiêng liêng mang tính chất tôn giáo mà đứa kia mang trong lòng khi nó rướn cao hàng chân mày bước ra đối mặt với thiên nhiên, đó chính là điều quyết định toàn bộ chiều sâu trong mối quan hệ tình cảm của con người với thiên nhiên, nó nuôi dưỡng nỗi kinh hoàng và sự kích động rụt rè thường trực trong linh hồn con người. Hans Castorp trong tấm áo lông lạc đà dài tay với đôi ống chân quấn ghệt ấm và cặp ván trượt tuyết đắt tiền cảm thấy bộ dạng mình quả là xấc xược trong sự yên tĩnh nguyên thủy của thiên nhiên mùa đông câm lặng và chết chóc, và cảm giác nhẹ nhõm dâng lên trong dạ mỗi khi bắt gặp bóng dáng nhà cửa hiện ra giữa màn sương dày đặc trên đường về giúp chàng nhận thức rõ hơn cảm xúc của mình lúc trước, khiến chàng hiểu ra rằng một nỗi kinh sợ thiêng liêng và bí ẩn đã ngự trị tâm hồn mình suốt mấy tiếng đồng hồ vừa qua. Trên đảo Sylt chàng đã có dịp làm quen với cảm giác này. Chàng mặc quần trắng đỏm dáng, tự tin nhưng kính cẩn ra đứng bên mép nước, nhìn sóng vỗ bờ và hình dung ra một con sư tử dữ bị nhốt trong cũi đang gầm rống hả họng thật to nhe nanh nhọn hoắt lồng lộn đằng sau song sắt. Rồi chàng xuống tắm dưới nước, yên trí đã có sự giám sát của một nhân viên canh bờ biển chốc chốc lại thổi tù và cảnh cáo những kẻ liều mạng ra quá xa hay báo hiệu một cơn dông đang kéo tới - và cảm thấy ngọn sóng đổ ập xuống gáy chàng cũng đau rát như những cái móng sư tử quật vào. Ngay từ hồi ấy chàng trai trẻ đã được biết thế nào là cảm giác vừa ham muốn vừa khiếp sợ khi tiếp xúc với một sức mạnh mà vòng tay ôm của nó có thể là cái chết. Điều mà chàng không biết, không nhận ra, là tâm lý cứ muốn tăng sự tiếp xúc đầy khoái cảm với sức mạnh chết người của thiên nhiên cho đến lúc vòng tay ôm của nó đã chực khép lại quanh mình. Một con người yếu ớt như chàng, mặc dù cũng được trang bị ít nhiều vũ khí của nền văn minh, đã có ham muốn dấn thân vào cuộc phiêu lưu chết người kia, hay ít nhất muốn trụ lại chứ không bỏ chạy cho đến khi đạt tới ranh giới hiểm nghèo, khi không còn là bọt nước lăn tăn và móng vuốt vờn qua nữa mà là sóng lừng, là hàm sư tử, là biển cả.
Nói tóm lại, Hans Castorp đã chứng tỏ lòng dũng cảm của chàng ở trên này - nếu như dũng cảm không phải là sự tỉnh táo lãnh đạm khi đối mặt với thiên nhiên mà là sự hiến dâng một cách có ý thức, là dùng thiện cảm để chế ngự nỗi sợ cái chết. Thiện cảm ư? Đúng thế, Hans Castorp thấy dâng lên trong lồng ngực dân sự không mấy nở nang của mình một mối cảm tình ấm áp với thiên nhiên, tình cảm ấy gắn liền với tâm trạng chàng lúc quan sát đám người ngốc nghếch chen nhau trượt tuyết, và khiến chàng nảy ra ý nghĩ rằng một sự cô đơn sâu lắng, mênh mông và kém tiện nghi hơn cái ban công phòng chàng có lẽ hay hơn và đáng mong ước hơn nhiều. Từ trên cao chiêm ngưỡng những đỉnh núi mờ sương và vũ điệu cuồng điên của tuyết, chàng thấy hổ thẹn tận đáy linh hồn về những quan sát tiện lợi qua hàng lan can ngoài cái ban công phòng mình. Vì lý do này chứ không phải vì trò hề thể thao hoặc mục đích rèn luyện thân thể mà chàng bỏ công ra học trượt tuyết. Nếu như quang cảnh núi non hùng vĩ và tuyết rơi trong sự yên tĩnh chết chóc trên này có làm chàng kinh sợ - mà đứa con của nền văn minh sợ thật - thì chẳng phải lâu nay chàng đã say sưa tận hưởng nỗi sợ ấy bằng mọi giác quan và năng lực tinh thần của mình đó hay sao. Một cuộc tranh luận với Naphta và Settembrini cũng đáng sợ lắm chứ, nó cũng chẳng đi đến đâu và nguy hiểm cao độ; nếu như Hans Castorp vẫn dành một mối thiện cảm đặc biệt cho mùa đông khắc nghiệt trên cao thì lý do có lẽ là, mặc dù mang trong lòng một niềm kính sợ thiên nhiên, Hans Castorp vẫn cảm thấy đây là bối cảnh phù hợp nhất cho những tư duy rối tinh rối mù của mình, là nơi ẩn dật tuyệt vời cho một người, tự mình cũng chẳng hiểu vì đâu, bị chất lên vai gánh nặng “cai trị”, công việc gắn liền với quyền lợi và địa vị của Homo Dei.
Ở đây không có ai thổi tù và báo hiệu hiểm nguy cho kẻ liều lĩnh, có chăng là ông Settembrini lúc ông ta bắc loa tay gọi với theo bóng Hans Castorp khuất dần trong sương. Nhưng được trang bị lòng can đảm và thiện chí, chàng không để tai nghe tiếng gọi sau lưng mình nữa, cũng như trước đây chàng đã không đếm xỉa đến tiếng gọi giật hòng ngăn cản bước chân chàng đi về một hướng nhất định trong đêm hội hóa trang. “Eh, Ingegnere, un po’ di ragione, sa!”[340] Hừ, anh bạn Satana sư phạm với bài ca trí tuệ và tinh thần cách mạng của bạn, chàng nghĩ thầm trong bụng. Nhưng thực ra tôi mến bạn lắm. Đành rằng bạn chuyên môn chém gió và quay đàn thùng ở chợ phiên, nhưng bạn có ý tốt, tôi thấy bạn tốt bụng và đáng quý hơn tay thầy tu dòng Tên khủng bố còi din sắc lẻm với cặp mắt kính sáng như chớp, đầy tớ của tinh thần kỷ luật Tây Ban Nha, ra mặt ủng hộ tra tấn và đánh đập - dù rằng ông ta gần như lúc nào cũng nắm phần thắng, những khi các bạn cạp nhau... Các bạn xông vào trận đấu sư phạm để giành giật linh hồn tội nghiệp của tôi, như Chúa và quỷ vật lộn giành nhau con người thời Trung cổ.
Hai chân ngập trong tuyết trắng, chàng chập chững leo lên những bậc thang lưỡi trai lớp lớp bao quanh sườn núi, lên cao, cao mãi, chẳng biết bao giờ hết; có vẻ như chàng đang cất bước vào nơi vô định, vì đất trời đã nhòa nhạt nhập vào làm một, chỉ còn một màu trắng đục không có đường phân cách. Không một đỉnh cao, không một đường sống núi,
Hans Castorp dấn thân lên một khoảng không đặc quánh mù mịt, và cái thung lũng có người ở, thế giới chàng bỏ lại sau lưng nhanh chóng biến khỏi tầm mắt, từ đó cũng không còn tiếng động nào lọt tới tai chàng. Chàng cảm thấy bơ vơ hơn bao giờ hết, sự cô đơn của chàng vượt ra ngoài mong ước, trở nên sâu lắng đến tận cùng sợ hãi, trạng thái tiền thân của can đảm. “Praeterit figura hujus mundi”[341], chàng lẩm bẩm bằng tiếng Latinh, nhưng không phải thứ tiếng Latinh nhân văn nhân đạo, câu này chàng học được của Naphta. Chàng dừng bước nhìn khắp xung quanh. Không thấy gì ngoài những bông tuyết trắng nhỏ xíu từ khoảng trắng bên trên thong thả rơi xuống khoảng trắng bên dưới, không gian yên tĩnh bao bọc lấy chàng mang một vẻ câm lặng choáng ngợp. Ánh mắt lạc vào khoảng trống trắng xóa chói chang, chàng nghe tiếng trái tim mình đập thình thịch, dồn dập do leo dốc - cái bộ phận cơ thể làm từ một bó cơ, có hình thù như một con thú nhỏ, mà động tác co bóp của nó chàng đã theo dõi như bị thôi miên trong ánh chớp xẹt của phòng chiếu điện, lòng thầm áy náy vì một cảm giác gần như phạm thượng. Và lòng chàng bỗng dưng tràn ngập một nỗi xúc động nghẹn ngào, mối cảm tình chất phác và sùng kính dành cho trái tim mình, trái tim con người cần cù đập, hoàn toàn đơn độc trong khoảng không trống rỗng và băng giá giữa lưng chừng trời đất, một mình với câu hỏi và điều bí ẩn của riêng mình.
Chàng tiếp tục dấn bước lên cao nữa, cao mãi, nhằm hướng bầu trời. Thỉnh thoảng chàng thọc đầu gậy sâu xuống tuyết rồi rút lên thật nhanh và nhìn không chán mắt những tia sáng xanh lóe lên đuổi theo cây gậy. Chàng rất thích trò chơi này và có thể đứng một lúc lâu thử đi thử lại thí nghiệm quang học nho nhỏ ấy. Chàng nhìn không chán mắt những tia sáng mỏng manh đến lạ kỳ của núi cao và vực sâu, ánh lên một màu xanh-xám, giá lạnh như tuyết băng và bí hiểm như bóng tối, hấp dẫn một cách đầy bí ẩn. Nó làm chàng nhớ đến ánh sáng và màu sắc của một đôi mắt, đôi mắt xếch định mệnh mà ông Settembrini dựa trên quan điểm nhân văn nhân đạo khinh bỉ gọi là “nét mặt Tarta” và “cặp mắt sói đồng hoang” - gợi lại trong chàng những hình ảnh đã ghi sâu vào tâm khảm từ lúc tuổi còn thơ, sau này gặp lại trong một cuộc phiêu lưu tiền định, đôi mắt của Hippe và Clawdia Chauchat. “Được thôi”, chàng mơ màng lẩm bẩm trong tĩnh lặng mênh mông. “Nhưng đừng làm gãy. Il est à visser, tu sais[342].” Và trong đầu chàng lại vẳng lên tiếng gọi thức tỉnh lý trí từ phía sau lưng.
Bên phải cách chàng một quãng nổi lên lờ mờ trong sương hình dáng một dải rừng. Chàng quay về hướng ấy, đi tìm một cái đích cụ thể và thiết thực thay cho khoảng trắng siêu nhiên kia, và thình lình lao xuống dốc, mặc dù mặt đất không hề có một dấu hiệu thay đổi độ cao nào. Ánh tuyết chói chang không cho phép mắt chàng nhận ra những biến đổi địa hình. Chàng chẳng thấy gì, trước mắt hoa lên toàn màu trắng. Mỗi khi đụng chướng ngại vật người chàng lại bị tung bổng lên không trung. Chàng thả cho người tự trôi xuống, mắt không thấy gì khả dĩ giúp mình ước lượng độ dốc của vách núi.
Đám cây thu hút chàng đi về hướng này mọc bên kia bờ cái khe mà chàng vô ý trượt xuống. Mặt đất loáng thoáng một lớp tuyết xốp hạ thấp dần theo sườn núi, như chàng nhận thấy sau khi đã trượt được một quãng. Chàng lao xuống tuồn tuột, độ dốc ngày càng tăng, có vẻ như chàng đang trượt trong lòng một khe hõm, nơi giao nhau của hai triền núi. Đến một lúc mũi cặp ván trượt của chàng đột ngột ngóc lên, mặt đất dưới chân chàng lại tăng dần độ cao, chẳng mấy chốc không còn dốc nữa: chặng đường không có đường của Hans Castorp lại kết thúc ở một bãi trống chơi vơi giữa trời.
Chàng thấy vạt rừng nằm xế xế thấp dần phía sau lưng mình, bèn quay về hướng ấy trượt xuống dốc một đỗi và cuối cùng đến được đám thông mọc hình cái nêm chặn vào ranh giới giữa khảng rừng dốc đứng mù sương và sườn núi trọc. Chàng nghỉ chân dưới tán lá thông, lấy một điếu thuốc lá ra hút, tâm hồn còn nặng trĩu, căng thẳng và thấp thỏm vì cái yên tĩnh thẳm sâu, sự cô đơn choáng ngợp vừa rồi, đồng thời lại cũng tự hào vô hạn vì đã chinh phục được độ cao này và can đảm khẳng định quyền lực của con người đối với thiên nhiên.
Bấy giờ là ba giờ chiều. Chàng đã lỉnh đi ngay sau bữa trưa để tranh thủ một phần cữ nằm nghỉ chính và giờ uống trà chiều, và định trở về trước khi trời tối. Nghĩ đến nhiều tiếng đồng hồ tự do vận động ngoài trời là chàng đã thấy ấm lòng. Chàng cũng không quên cho một ít sôcôla vào túi chiếc quần ống túm và nhét một chai rượu Port nhỏ vào trong áo gi lê.
Mặt trời bị quấn kỹ trong sương mù đến nỗi chẳng còn biết nó đứng chỗ nào nữa. Phía sau chàng, ở cổng thung lũng, nơi cắt nhau của hai dãy núi giờ đây khuất dạng, mây đen bắt đầu đùn lên nặng trĩu, là là hạ xuống thấp và tràn dần về hướng này. Có vẻ như nó muốn tiếp tế thêm tuyết, thêm nhiều tuyết nữa để cung cấp cho nhu cầu đáng kể của một cơn bão tuyết khủng khiếp. Quả thế, những bông tuyết nho nhỏ âm thầm rơi xuống triền núi đã dày hơn rất nhiều.
Hans Castorp bước ra hứng một vài bông tuyết đậu xuống tay áo đưa lên quan sát với con mắt sành điệu của người yêu thiên nhiên. Những bông tuyết nhỏ xíu mới nhìn tưởng không hình thù gì, nhưng chàng đã hơn một lần quan sát chúng dưới cái kính lúp rất tốt của mình, đủ để biết rằng đó là tập hợp của vô số tinh thể li ti trong một kết cấu hoàn hảo, là châu báu kim cương với độ tinh xảo mà người thợ kim hoàn tài hoa nhất cũng không thể chế ra nổi. Phải rồi, chàng nhớ ra, có một điểm khác biệt lớn giữa những đốm trắng xốp nhẹ chất đống ngoài kia, đè nặng cây rừng, phủ kín đất đai và làm nền cho đôi ván trượt của chàng với cát biển quê nhà: tuyết không phải là những hạt đá vô cơ mà hình thành từ những tinh thể băng nhỏ li ti bám vào nhau, do hằng hà sa số phân tử nước đông cứng lại - những phân tử không thể thiếu trong các chất hữu cơ góp phần làm nên chất nguyên sinh, cây cối và thân thể con người - và hằng hà sa số ngôi sao nhỏ kỳ diệu ấy cứ không ngừng gắn lại với nhau trong một kết cấu mắt thường không nhìn thấy được, tạo thành những kiệt tác tuyệt vời không cái nào giống cái nào, thể hiện khả năng sáng tạo vô hạn trong những biến tấu tinh vi mặc dù chỉ dựa trên một nguyên tắc cấu tạo duy nhất hình lục giác; mặt khác mỗi một tạo vật ấy của giá lạnh đều là hiện thân của sự cân đối hoàn hảo, hài hòa đến lạnh lẽo, đúng thế, chính sự tuyệt đối về hình thức làm cho nó trở nên đáng sợ, phản hữu cơ và thù địch với sự sống. Vì nó quá đều đặn, trong khi những chất hữu cơ làm nên sự sống không bao giờ đạt đến mức độ hoàn hảo như thế, sự sống rùng mình ghê sợ trước một sự chính xác thái quá, nó cảm nhận sự hoàn hảo này như một mối nguy hiểm chết người, như bí mật của chính cái chết, và Hans Castorp chợt hiểu ra tại sao những người thợ xây đền thờ thời cổ đại cố tình tạo ra những lệch lạc, mất cân đối nho nhỏ khi dựng cột.
Chàng lại chống gậy đẩy cho đôi ván lướt đi trên lớp tuyết dày, men theo bìa rừng, lao vào sương mù đặc quánh, thong thả lượn qua lượn lại, trượt lên trượt xuống trên triền núi đầy vẻ chết chóc với những bậc thang hình lưỡi trai, giới thực vật nghèo nàn chỉ gồm vài bụi thông còi đứng chơ vơ đen sẫm, mặt đất nhấp nhô uốn lượn mềm mại giống cảnh đồi cát một cách lạ lùng. Hans Castorp gật gù hài lòng với so sánh ấy khi dừng chân đứng ngắm xung quanh; cả đến hơi nóng thường trực trên gương mặt, cần cổ giật giật liên hồi và cảm giác choáng váng kỳ lạ, sự pha trộn giữa kích động và uể oải tràn ngập cơ thể chàng cũng trở nên dễ chịu, vì tất cả những cái ấy gợi cho chàng nhớ tới tác động của làn gió biển thân quen, vừa thôi thúc vừa ru ngủ. Chàng mãn nguyện thấy mình tự do như chim trời, chân chàng như được chắp cánh. Trước mặt chàng không có con đường nào vạch sẵn phải theo, sau lưng chàng không có lối để mà quay trở lại. Lúc đầu chàng còn trượt theo đường mòn có những thanh gỗ đóng làm mốc trong tuyết, nhưng chẳng bao lâu sau chàng giã từ sự trợ giúp đồng thời bó buộc mình kia, vì chúng chỉ khiến chàng nhớ tới người canh bãi biển với cái tù và của ông ta, và một sự giám hộ như thế hoàn toàn không phù hợp với ấn tượng choáng ngợp của chàng trước cảnh đông hoang dã ngoài này.
Hans Castorp hết lượn sang trái lại lượn sang phải, luồn lách qua những mỏm đá phủ đầy tuyết nhấp nhô đằng sau là một sườn dốc, rồi tới một bãi đất bằng và sau đó đã là núi non trùng điệp, những khe đèo giữa hai triền núi lót một lớp tuyết dầy êm ái như mời như gọi. Xa vời, cao ngất, cô quạnh, cảnh tượng ấy như tỏa ra một sức quyến rũ không cưỡng lại nổi, khiến Hans Castorp, bất chấp nguy cơ về trễ, cứ tiến sâu mãi vào trong lòng núi hoang vu câm lặng, không biết điều đáng sợ nào chờ phía trước, không hứa hẹn điều gì tốt đẹp - tâm trạng kích động đầy hiếu kỳ của chàng lúc trước đã dần dần biến thành nỗi sợ thực sự, vì bầu trời bỗng chốc tối sầm như có ai tung ra một tấm khăn xám trùm khắp thế gian. Nỗi sợ khiến chàng lần đầu tiên nhận ra rằng nãy giờ mình hoàn toàn không để ý đến phương hướng, như thể trong thâm tâm chàng cố tình muốn lạc đường - cầu được ước thấy, bây giờ chàng mù tịt không biết cái thung lũng quen thuộc với làng mạc nhà cửa ở về phía nào nữa. Chàng suy luận rằng, nếu mình đằng sau quay và trượt xuống dốc, chỉ xuống dốc thôi, thì chẳng mấy chốc sẽ về được thung lũng, mặc dù chỗ ấy có thể xa “Sơn trang”, nhưng cũng đủ nhanh để chàng về quá sớm và không tận dụng hết khoảng thời gian tự do này. Mặt khác, nếu bão tuyết ập đến bất ngờ thì chắc chắn chàng không thể tìm thấy đường về. Nhưng chỉ có thế thì chàng không chấp nhận đầu hàng quá sớm - dù cho nỗi sợ, lòng kính nể thiên nhiên có làm chàng thấp thỏm đến đâu chăng nữa. Chàng không hành động như một nhà thể thao chuyên nghiệp, người chỉ đọ sức với thiên nhiên chừng nào anh ta biết rõ mình có khả năng chế ngự nó, không một phút lơ là cảnh giác với tính khí bất thường của nó và sẵn sàng lùi bước theo phương châm tránh voi chẳng xấu mặt nào. Những gì đang diễn ra trong tâm hồn Hans Castorp lúc này đây chỉ có thể diễn đạt bằng một từ: thách thức. Có thể cái từ ấy hàm chứa nhiều ý nghĩa tiêu cực, nhưng nếu như - hay là chính bởi vì - tâm lý ngạo nghễ ấy của chàng gắn liền với một nỗi e sợ thành tâm, nên xét cho cùng ta cũng có thể hiểu cho chàng, vì dưới đáy tâm hồn một con người, một nam thanh niên ở tuổi nhân vật chính của chúng ta đây, sau bao nhiêu năm tháng thế nào chẳng có những điều lắng đọng, hay, vì Hans Castorp là một kỹ sư nên có thể nói bằng ngôn ngữ khoa học là đã “tích tụ” lại, dồn nén đến một lúc nào đó người ta mất kiên nhẫn mà cay đắng thốt lên một câu “Thây kệ!” hoặc “Muốn tới đâu thì tới!”, tóm lại là một phản ứng thách thức thiếu khôn ngoan. Thế là chàng trai trẻ của chúng ta cứ tiếp tục trượt đi trên đôi dép dài của mình, lao xuống sườn dốc, vượt qua khoảng đất bằng có một túp nhà gỗ mái chặn những cục đá to, có thể là kho chứa cỏ khô hoặc lều mục đồng, nhắm hướng quả đồi kế bên sườn dốc mọc đầy thông tua tủa, phía sau chập chùng những ngọn núi cao vút chọc lên bầu trời đầy sương mù. Sườn đồi cây mọc rải rác trước mặt chàng dốc đứng có vẻ khó nhằn, nhưng nếu đi vòng sang bên phải thì có thể theo một đường lượn với độ dốc không lớn lắm sang mé bên kia để xem có cái gì ở đó. Nghĩ là làm, Hans Castorp hăm hở thực hiện dự định của mình, bắt đầu bằng việc trượt từ phải sang trái xuống một cái khe khá sâu nằm trước khoảng đất bằng với cái lều gỗ.
Hans Castorp đã bắt đầu leo lên sườn đồi thì điều chàng lo ngại xảy đến, bão tuyết nổi lên gầm thét điên cuồng, đúng như cái vẻ đe dọa nãy giờ của nó, nếu có thể dùng từ “đe dọa” áp dụng cho một hiện tượng thiên nhiên mù quáng vô tri vô giác, một thế lực không cố ý hủy diệt chúng ta - có lẽ như thế lại còn dễ chịu hơn - mà nó chỉ thờ ơ khủng khiếp với số phận của chúng ta, những kẻ lạc vào vòng tay nó. “Thôi rồi”, Hans Castorp tự nhủ và đứng lại, khi cơn gió đầu tiên thổi xuyên qua màn tuyết dày đặc quất vào người chàng rát rạt. ‘Gió gì mà lạnh thấu xương thế này!’ Quả thực gió là điều tệ hại nhất đối với chàng lúc này: người ta không nhận thấy cái lạnh khủng khiếp trên thực tế vào khoảng hai mươi độ dưới không nếu trời khô ráo và lặng gió; nhưng một khi gió nổi lên thì hơi lạnh được dịp luồn vào thân thể, cắt vào da thịt còn sắc hơn dao. Cứ cái đà này - vì cơn gió đầu tiên chỉ mang tính chất tiền trạm mà thôi - thì bảy lớp áo lông cũng không đủ che chở bộ xương trước cái lạnh chết người, và Hans Castorp không có bảy lớp áo lông mà chỉ mặc vỏn vẹn một cái áo len ngắn bằng lông lạc đà, bình thường như thế cũng dư sức chống lạnh, nếu trời hơi hửng nắng lên thậm chí còn nóng là đằng khác. Điều đáng nói ở đây là gió thổi thốc tới từ phía sau lưng chàng, nên nếu bây giờ mà quay lại thì rất bất lợi vì sẽ phải đi ngược gió; lý lẽ này rất hợp với quyết định bướng bỉnh và tâm trạng ‘thây kệ’ của chàng nên chàng trai trẻ điên khùng lại cất bước tiến lên phía trước, dò dẫm lựa lối len qua những gốc thông để đến được đằng sau quả đồi mà chàng đã chọn làm mục tiêu tấn công.
Làm được điều đó không dễ, vì mắt chàng không thể nhìn thấy gì ngoài những bông tuyết quay cuồng trong một vũ điệu điên loạn, có vẻ như tuyết không rơi xuống mà cưỡi gió bay ngang bay dọc chen chúc dày đặc choán hết cả không gian; những cơn lốc xoáy mang theo băng giá cứa vào tai nhức nhối, làm các khớp xương như đông cứng lại và đôi tay tê dại hẳn đi khiến người ta chẳng biết mình còn nắm cây gậy trượt tuyết hay không nữa. Tuyết lọt vào cổ áo tan ra thành nước chảy dọc sống lưng chàng lạnh buốt, tuyết phủ đầy vai và lấp kín cả bên sườn phải của chàng; chàng có cảm tưởng mình sắp chết cứng thành người tuyết ở đây trong bộ dạng ấy, với cây gậy nắm chắc trong tay. Ấy thế mà tất cả những nỗi khổ sở ấy vẫn còn tương đối nhẹ đấy, vì nếu chàng quay đầu trở lại thì tình thế sẽ tệ hơn nhiều. Nhưng đường về càng lắm gian nan thì chàng càng không nên chần chừ nữa mà phải bắt đầu đi thôi.
Nghĩ thế nên chàng đứng lại, giận dữ nhún vai và quay mũi cặp ván trượt tuyết ra sau. Gió lập tức quật vào mặt, thổi bạt hơi thở chàng, khiến chàng phải lặp lại lần nữa thủ tục đổi hướng rầy rà, lấy lại hơi thở và chuẩn bị tốt hơn đặng đương đầu với đối thủ vô cảm của mình. Đầu cúi gập, thận trọng điều hòa hơi thở, rồi chàng cũng thành công trong việc bắt mình chuyển động theo hướng ngược lại - chính chàng cũng không ngờ, bất kể những khó khăn ngày càng tăng trong cố gắng nhích lên phía trước, vì chàng gần như mù tịt và ngạt thở. Mỗi chớp mắt chàng lại buộc phải dừng bước, phần để thở lấy hơi, phần vì, mặc dù đầu không ngừng quay sang bên tránh gió và mắt nhấp nháy liên hồi, chàng vẫn không nhìn thấy gì ngoài một màn đêm trắng toát và phải hết sức cẩn thận để khỏi đâm vào cây cối hay vấp ngã vì chướng ngại vật dọc đường. Tuyết bay từng đám lớn bám lên mặt chàng, rồi chảy thành nước làm mặt chàng đông cứng lại vì lạnh. Tuyết lọt cả vào miệng chàng và tan ra để lại trên lưỡi một vị nhạt thếch. Tuyết bám vào lông mi khiến chàng phải nhắm nghiền mắt lại, nước mắt chảy giàn giụa không còn nhìn đi đâu được nữa - mà nếu có nhìn thì cũng chẳng thấy gì, vì trong bức màn tuyết dày đặc và màu trắng lóa mắt này thị giác đã thôi hoạt động. Trước mắt chàng là hư không, một khối hư không trắng toát quay cuồng, chàng ép mình giương mắt nhìn vào đó mà chẳng thấy gì. Chỉ thi thoảng nổi lên trong đám hỗn mang ấy một cái bóng mờ mờ thoáng qua của thế giới vật chất: một bụi thông núi, một nhóm tùng, cả dáng dấp xiêu xiêu của cái chòi gỗ chàng đi qua lúc trước.
Chàng bỏ cái chòi lại đằng sau, cố vượt qua bãi bằng chỗ nó nằm để tìm đường xuống núi. Nhưng ở đó làm gì có đường, thậm chí giữ được một hướng đi gần với hướng về nhà, về thung lũng, cũng đã là chuyện may hơn khôn trong điều kiện thời tiết này, vì nhiều lắm chàng cũng chỉ nhìn thấy bàn tay xòe ra trước mặt chứ không thể nhìn thấy mũi giày trượt tuyết của mình, và nếu như có nhìn được xa hơn thì cũng còn bao nhiêu trở ngại câu kết với nhau ngăn cản chàng tiến lên phía trước: tuyết bám thành đống trên mặt chàng, ngọn gió thù địch chỉ chực thổi bạt hơi thở của chàng đi, không cho phép chàng cả hít vào lẫn thở ra và bắt chàng cứ mỗi giây một lần quay lại đằng sau để lấy hơi. Làm sao đi được trong điều kiện ấy, dẫu là Hans Castorp hay một người nào khác khỏe hơn chàng? Chàng dừng lại thở, chớp chớp mắt vắt bớt nước tuyết khỏi hàng mi, giũ tấm áo giáp bằng tuyết bám dày trước ngực, và cảm thấy cố gắng tiến lên phía trước trong hoàn cảnh này là một đòi hỏi thậm vô lý.
Mặc dù vậy Hans Castorp vẫn nhích lên phía trước, hay nói đúng hơn, chàng không dậm chân tại chỗ. Có điều không thể nói được là chuyển động của chàng có đúng mục đích không, tức là có theo đúng hướng cần phải đi không, và liệu đứng yên tại chỗ có hơn không (nhưng đứng yên tại chỗ cũng không phải là dễ). Lý thuyết xác suất không ủng hộ cố gắng của chàng, và trên thực tế sau một thời gian ngắn Hans Castorp đã cảm thấy có cái gì đó không ổn, có vẻ như mặt đất dưới chân chàng không phải là bãi đất phẳng mà chàng vừa vất vả từ dưới khe leo lên và sau đó lại càng vất vả hơn để vượt qua. Khoảng đất bằng quá ngắn, chàng cảm thấy mình đã lại đang lên dốc. Chắc hẳn cơn bão, nổi lên từ hướng Tây Nam, phía cổng ra của cái thung lũng dưới kia, đã thổi chàng bạt đi bằng sức gió kinh hồn của nó. Chàng đã hành hạ mình một cách vô ích, đã đi sai hướng không biết bao lâu rồi. Mắt nhắm mắt mở, hoàn toàn mất phương hướng trong đêm đen trắng xóa cuồng nộ, chàng càng lúc càng dấn thân sâu hơn vào vòng đe dọa lạnh lùng của thiên nhiên.
“Lại còn thế nữa!” Chàng lầm bầm giữa hai hàm răng nghiến chặt và dừng hẳn lại. Giọng chàng vẫn khá bình tĩnh, mặc dù trong giây lát trái tim chàng như bị một bàn tay băng giá siết chặt, nó nhảy thót lên và giộng liên hồi kỳ trận vào những rẻ xương sườn, giống hệt như cái lần Rhadamanthys tìm ra một chỗ ướt trong phổi chàng. Chàng tự biết rằng mình không có quyền kêu ca than vãn gì và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình thế hiểm nghèo do sự cứng đầu của mình gây ra. “Được lắm”, chàng bảo, và cảm thấy các cơ bắp trên mặt mình đã cứng lại như hóa đá, chúng không chịu phục tùng chàng và từ chối thể hiện mọi trạng thái tâm hồn, dù là sợ hãi, tức giận hay khinh bỉ. “Bây giờ tính sao? Trượt xuống hết sườn dốc này rồi cứ ngược hướng gió mà đi, có lẽ phải vậy thôi. Nói thì dễ nhưng làm mới khó đây.” Chàng khó nhọc nói thành tiếng trong hơi thở hổn hển đứt đoạn, và lại bắt mình chuyển động. “Khó cũng phải làm, mình phải đi chứ không được phép ngồi xuống đợi, mình mà ngồi yên một cái là sẽ bị những ngôi sao lục giác đều chết tiệt kia phủ kín mít, và tới lúc Settembrini vác cái tù và của ông ta tìm được đến nơi thì chỉ còn thấy mình ngồi còng queo mắt trắng dã, với một cái mũ tuyết đội lệch trên đầu...” Chàng phát hiện ra mình đang nói chuyện một mình, bằng một giọng khá là kỳ cục. Chàng tự bảo mình thôi đi, nhưng lại vẫn nói ra thành tiếng, và vì môi chàng tê dại nên chàng quyết định không thèm sử dụng nó và bỏ qua tất cả các phụ âm môi - kiểu nói năng ấy làm chàng nhớ tới một tình huống khác trong quá khứ, khi ấy chàng cũng đã nói y như thế này đây. “Thôi đừng lắm mồm nữa mà hãy tìm cách thoát ra khỏi chỗ này đi”, chàng ra lệnh cho mình và thêm vào: “Tớ thấy cậu bắt đầu lảm nhảm tầm bậy, có vẻ như đầu óc cậu không còn minh mẫn nữa. Thế là không ổn đâu.”
Nhưng bảo rằng tình hình không ổn, đó chỉ là đánh giá của riêng lý trí của chàng, như thể nhận xét của một người xa lạ, phát biểu một cách không can dự mặc dù có phần lo ngại. Bản chất tự nhiên của chàng là dễ buông xuôi, để kệ cho tâm trạng mê mẩn cùng nỗi mệt mỏi ngày càng tăng chiếm lĩnh cả người mình; tuy nhiên chàng vẫn đủ khả năng nhận ra nguy cơ ấy và cố gom góp suy nghĩ trong đầu để chống lại nó. “Đây hẳn là một hiện tượng tiêu biểu thể hiện tâm trạng của một người leo núi lạc trong bão tuyết và không tìm thấy đường về”, chàng nghĩ ngợi và lẩm bẩm từng đoạn câu rời rạc trong hơi thở hổn hển, tránh không dùng cách diễn đạt rõ ràng hơn. “Ai sau đấy được nghe kể lại sẽ hình dung ra nó rất khủng khiếp, mà quên mất rằng bệnh tật - tình trạng của mình bây giờ cũng có thể coi là một dạng bệnh tật - đã biến đổi con người đến mức anh ta có thể chịu đựng được bệnh tật của mình và chung sống hòa bình cùng với nó. Có những cơ chế giúp cơ thể giảm thiểu nỗi đau đớn, khiến người ta bất tỉnh nhân sự, một hình thức gây mê nhân đạo của tự nhiên, đúng thế... Nhưng người ta phải đấu tranh chống lại chúng, vì chúng là con dao hai lưỡi, hết sức mập mờ nước đôi, khi cân nhắc đánh giá ta phải xác định rõ mình đứng trên quan điểm nào. Những cơ chế xoa dịu tinh thần ấy chỉ tốt, chỉ có tác dụng nhân đạo trong trường hợp người ta không quay về với cuộc đời nữa; ngược lại, chúng là chất độc nguy hiểm nhất, rất đáng chống lại, chừng nào người ta còn muốn trở về nhà, như mình bây giờ đây, mình không hề nghĩ đến chuyện nằm lại đây, trái tim đập dồn dai dẳng của mình không bao giờ muốn bị những tinh thể nước đá đều đặn và ngu ngốc kia lấp kín...”
Kỳ tình chàng đã mệt lả và đang phải chống chọi với trạng thái mụ mẫm bắt đầu kéo lên như cơn sốt làm lu mờ sự sáng suốt của các giác quan. Chàng không giật mình kinh sợ như một người tỉnh táo lẽ ra phải thế, khi nhận ra mình lại bị thổi bạt khỏi đường về: lần này có lẽ về phía ngược lại, nơi khoảng đất bằng phẳng bắt đầu dốc xuống. Vì chàng thấy mình trôi xuống, trong khi gió thổi tạt một bên sườn, và mặc dù biết rằng mình không được phép nhắm mắt đưa chân, chàng vẫn cảm thấy khoan khoái vì đỡ mệt. “Không sao”, chàng tự nhủ, “xuống đến chân dốc mình sẽ định hướng lại.” Và chàng làm thế thật hoặc tin rằng mình làm thế, hoặc tự mình cũng không dám chắc, hoặc, đáng ngại hơn, chàng bắt đầu thấy dửng dưng, có làm hay không làm cũng vậy. Đó là tác dụng của con dao hai lưỡi mà chàng chỉ còn chống cự lại một cách yếu ớt. Tâm trạng kết hợp giữa mệt mỏi và kích động mà người khách của chúng ta luôn cảm thấy từ khi lên đến trên này, mà sự thích nghi với khí hậu nơi đây chỉ dừng lại ở chỗ thích nghi với việc mình không thích nghi được, giờ đây đã tăng cường cả hai thành phần lên đến mức không còn chỗ cho một sự chống cự đáng kể nào nữa. Đờ đẫn, choáng váng, chân tay chàng run lên bần bật, rất giống tình trạng sau mỗi cuộc luận đàm với Naphta và Settembrini, chỉ khác cái mạnh hơn gấp bội, và chàng bắt đầu biện bạch cho sự kém cỏi của mình trong cuộc chiến đấu chống lại tác động gây mê nhân đạo của tự nhiên bằng những mảnh vụn ký ức về các cuộc luận bàn trong quá khứ - bất kể cảm giác nhục nhã trước viễn cảnh bị vùi lấp trong đống tinh thể nước đá hình lục giác đều, bất kể có nghĩa hay vô nghĩa, chàng tự bảo mình rằng, ý thức trách nhiệm nhắc nhở mình chống lại sự ru ngủ tinh thần của tự nhiên chẳng qua chỉ là đạo đức, tức là quan niệm sống tiểu tư sản, là ngụy biện và vô tín ngưỡng. Đồng thời tâm lý muốn đầu hàng sự cám dỗ, muốn được nằm xuống tại chỗ nghỉ ngơi, lén lút luồn vào đầu óc chàng, đội lốt lý trí thỏ thẻ với chàng rằng, bão tuyết ở đây cũng giống như bão cát ngoài sa mạc, đụng nó người A Rập du mục chỉ cần nằm úp mặt xuống cát, kéo áo choàng lên trùm kín đầu và đợi. Nếu chiếc áo len ngắn chàng mặc đủ rộng để kéo lên che đầu thì có lẽ chàng đã làm thế rồi; mặc dù chàng không còn là một đứa trẻ và qua các câu chuyện kể đã biết khá rõ người ta chết cóng như thế nào.
Sau một hồi trượt xuống dốc chàng tới một khúc tương đối bằng phẳng, rồi lại lên dốc, mà lần này là dốc đứng. Đấy không nhất thiết là dấu hiệu chàng đã đi sai đường, vì muốn về lại thung lũng cũng có lúc phải lên dốc. Hình như gió cũng đổi chiều, và Hans Castorp rất biết ơn thấy bây giờ nó thổi từ phía sau lưng. Không biết gió bão đẩy người chàng còng gập xuống, hay mặt đất dốc đứng trắng mờ dưới những bông tuyết quay cuồng tỏa ra một sức hấp dẫn đầy ma lực hút chàng ngả người về phía nó? Thuận theo sức hấp dẫn ấy và nằm duỗi dài xuống đất, sự cám dỗ ấy quả là rất lớn - đúng như vẫn được miêu tả trong sách vở và được gọi là mối hiểm họa đặc trưng, chỉ khác là ở đây chàng được nếm mùi sức mạnh của nó một cách hiện thực và sống động. Nó khẳng định bản chất cá biệt của mình, không chịu tuân theo một sự phân loại chung, từ chối khép mình vào khuôn khổ, tự nhận mình là độc nhất vô nhị và khẩn thiết hơn tất cả - một cách hiển nhiên không thể chối cãi, đó chính là tiếng thì thầm cám dỗ từ phía ấy, là lời kêu gọi của nhân vật mặc lễ phục Tây Ban Nha màu đen với cổ áo trắng như tuyết xếp cao và tròn như cái đĩa, đại diện cho những tư tưởng và nguyên tắc gắn liền với tất cả những gì là khổ hạnh, sắc bén kiểu tu sĩ dòng Tên và thù địch với nhân loại, gắn liền với các hình thức tra tấn đánh đập mà ông Settembrini lên án, mặc dù so với nhân vật kia thì ông văn sĩ nực cười đến mức thảm hại, với cái đàn thùng quay tay và bài ca trí tuệ của ông ta...
Nhưng Hans Castorp đã thành công trong cuộc chiến đấu chống lại sự cám dỗ ấy và không nằm xuống. Mặc dù mặt mũi tối tăm không nhìn thấy gì, nhưng chàng ra sức chống chọi với gió bão để nhích dần từng bước - có đạt được mục đích hay không thây kệ, chàng chỉ biết cố hết sức mình nhích đi, mặc cho băng tuyết như những ngọn roi quất vào chân tay chàng nặng trĩu. Đi thẳng thì dốc quá cao, nên chàng đi chếch sang bên mà không cần tính toán gì nhiều, và cứ thế lê một đỗi lên trên sườn dốc. Tách hai mí mắt cứng đờ để cố nhận ra chút gì phía trước là một việc vất vả vô cùng, và vô số lần thất bại rõ ràng không có tác dụng khuyến khích chàng lặp lại cố gắng ấy. Nhưng cũng có lúc chàng thoáng nhìn thấy cái gì như mấy cây thông mọc cụm vào nhau, một dòng suối hay khe sâu nổi lên đen sẫm giữa trảng tuyết trắng mờ. Rồi tới một lúc chàng lại có cái may mắn trượt xuống dốc - nhưng không may ngược gió - thì bỗng đâu chàng có cảm giác thấp thoáng xa xa, như bồng bềnh giữa bức màn tuyết quay cuồng loạn xạ, cái bóng mờ mờ của một công trình xây dựng do bàn tay con người.
Thật là một cảnh tượng thần tiên, đầy an ủi! Chàng đã dẻo dai đi tới đích, bất chấp khó khăn trở ngại, chàng đã tìm được đến chỗ có nhà cửa, tức là đường về thung lũng không còn bao xa nữa. Có thể trong nhà có người ở, có thể người ta sẽ cho chàng vào đụt tuyết, và chàng sẽ được che chở dưới một mái ấm với bốn bức tường chắn gió, có thể chàng còn được người ta đưa đường về lại viện an dưỡng nữa, nếu cho tới lúc bão tan màn đêm chưa sập xuống. Chàng nhắm hướng cái đích mơ hồ, chập chờn lúc ẩn lúc hiện trong bức màn tuyết dày đặc mà hăm hở nhích tới, tốn rất nhiều sức leo dốc ngược chiều gió, để đến lúc tới nơi giận điên lên vì thất vọng, ngạc nhiên, hoảng hốt và chóng quay mặt mũi phát hiện ra đó chính là cái lều mục đồng, cái kho chứa cỏ khô mái chặn đá cục mà lúc nãy chàng vừa mới đi qua. Hóa ra chàng tốn bao nhiêu công khó nhọc, lên dốc xuống đèo đi một vòng tròn để bây giờ quay trở lại chỗ cũ.
Quỷ tha ma bắt nó đi. Từ cặp môi cứng đờ của Hans Castorp tuôn ra những lời nguyền rủa nặng nề nhất không có phụ âm môi. Chàng dùng cây gậy trượt tuyết chọc chọc thăm dò vào cái lều và đi đến kết luận lần này chàng cũng lại tiếp cận nó từ đằng lưng, sau khoảng một tiếng đồng hồ - theo đánh giá của chàng - tốn công toi vật lộn với cơn bão tuyết. Nhưng chẳng phải sách vở vẫn viết như vậy hay sao. Người ta cắm cúi chạy vòng quanh, tự hành hạ mình đến kiệt quệ, ôm ấp trong tim ảo tưởng đạt được một điều gì đó, kỳ thực chỉ vạch ra một đường cong vô nghĩa, khép kín, đến một lúc nào đấy tự lặp lại như chu kỳ bí hiểm của một năm. Người ta cứ luẩn quẩn vòng quanh, người ta không về nhà được. Hans Castorp nhận ra chân lý cũ càng ấy với tâm trạng thỏa mãn pha chút hãi hùng, chàng đập mạnh tay xuống đùi điên tiết và kinh ngạc, không ngờ quy luật chung lại nghiệm đúng ngay vào số phận riêng của chàng lúc này.
Cái chòi gỗ đơn độc cửa khóa im ỉm, không có cách nào vào được bên trong. Nhưng Hans Castorp vẫn quyết định tạm thời dừng chân lại đó, vì mái hiên chìa ra như mời mọc, và chỗ chàng đang đứng, mé xây qua sườn núi, là bên khuất gió, cái chòi cho chàng một chút che chắn thực sự nếu chàng đứng nghiêng tựa vai vào bức tường xù xì ghép bằng thân cây thông - vì đôi ván trượt tuyết dài thượt không cho phép chàng đứng dựa lưng vào tường. Vậy là Hans Castorp xoay nghiêng người, một chân choãi ra làm chỗ dựa, cây gậy trượt tuyết chống hờ một bên, hai tay đút túi áo, cổ áo dựng cao, mái đầu nặng trĩu tựa vào vách lều, mắt nhắm nghiền chỉ thỉnh thoảng hé ra nhìn qua vai về phía sườn núi đằng sau cái khe ẩn hiện trong màn tuyết trắng đục.
Tư thế của chàng so với lúc trước có thể bảo là khá dễ chịu. ‘Thế này thì mình có thể đứng đây cả đêm được’, chàng nghĩ thầm, ‘nếu mình đổi chân và trở vai đều đặn. Tất nhiên thỉnh thoảng mình cũng phải vận động một chút, cái ấy là bắt buộc. Người mình tê cóng nhưng bên trong vẫn tích tụ được một ít hơi ấm nhờ vận động từ nãy tới giờ, và như thế cố gắng của mình không đến nỗi hoàn toàn vô tích sự, mặc dù mình chỉ chạy bỏ mạng từ túp lều về lại túp lều... Tại sao lại nói là ‘bỏ mạng’? Không được nói thế, cái từ ấy không đúng với hoàn cảnh của mình, mình nói tầm bậy vì đầu óc mình không còn minh mẫn nữa rồi. Nhưng xét cho cùng có vẻ như cái từ ấy chẳng phải là không hoàn toàn phù hợp... Thật hay là mình kiếm được chỗ trú ẩn này, vì cơn bão chết tiệt có thể còn kéo dài đến tận ngày mai, mà nếu nó chỉ hoành hành đến tối thôi thì cũng đủ tai hại lắm rồi, bởi vì khi đêm xuống thì nguy cơ bỏ mạng trong lúc chạy vòng quanh cũng lớn không kém trong cơn bão tuyết... Mà có khi bây giờ đã tối rồi cũng nên, chắc khoảng sáu giờ - mình đã tiêu phí quá nhiều thời gian để chạy vòng quanh. Bây giờ là mấy giờ rồi nhỉ? Và chàng lục túi tìm đồng hồ để xem giờ, mặc dù những ngón tay tê liệt mất hết cảm giác của chàng khó khăn lắm mới lóng ngóng moi được nó ra từ trong áo. Đó là cái đồng hồ quả quýt mạ vàng của chàng, khi bấm thì cái nắp bên trong khắc chữ cái đầu tên chàng bật mở ra, cái đồng hồ cần cù và đầy trách nhiệm, trong hoang mạc cô đơn này vẫn tích tắc, như trái tim người của chàng vẫn đập trong lồng ngực hữu cơ ấm nóng...
Bốn giờ rưỡi. Quỷ tha ma bắt, lúc cơn bão ập tới cũng đã hơn bốn giờ rồi. Chẳng lẽ hành trình khổ ải của chàng nãy giờ chỉ kéo dài chưa đến mười lăm phút đồng hồ? ‘Thời gian đã dài ra đối với mình’, chàng nghĩ bụng. ‘Bỏ mạng có vẻ là một chuyến đi vừa dài vừa chán ngắt. Nhưng đến năm giờ hoặc năm rưỡi trời sẽ sập tối, đó là điều chắc chắn. Liệu bão có ngưng kịp thời trước khi đêm đến, để mình khỏi phải chạy thêm một vòng bỏ mạng nữa? Trong lúc đợi có lẽ mình nên làm một tợp rượu Port để củng cố tinh thần.’
Lúc đi chàng nhét vào túi món đồ uống dở ẹc này chỉ vì ở ‘Sơn trang’ nó được bán tràn lan dưới dạng chai dẹp cho những người đi dã ngoại, tất nhiên không phải dành cho những người trốn viện chạy rông trên núi và có khả năng phải qua đêm trong bão tuyết. Nếu các giác quan chưa bị hạn chế đến độ này hẳn chàng đã tự bảo mình rằng, xét theo quan điểm của người còn muốn về nhà thì không có gì sai trái hơn là uống vào thứ chất lỏng ấy; và chàng cũng tự bảo mình như thế thật sau vài ngụm, vì chàng đã cảm thấy tác động của nó giống hệt như bia Kulmbacher mà chàng uống trong bữa tối đầu tiên ở trên này, khi ấy chàng đã lỡ miệng nói tầm xào về nước sốt cá và đôi điều khiếm nhã khác đối với ông Settembrini - đối với Lodovico, nhà sư phạm nhiệt tình, người thậm chí muốn dùng ánh mắt nghiêm khắc của mình bắt những kẻ điên khùng mất trí tỉnh táo trở lại. Hans Castorp tưởng như vừa nghe thấy tiếng tù và cảnh cáo của ông văn sĩ vang lên trong không trung, báo hiệu vị sư phụ lắm lời đang sải những bước dài đến với tên đệ tử nhiều đau khổ, học sinh cá biệt của trường đời, để giải thoát nó ra khỏi tình thế điên rồ nguy hiểm này và đưa nó trở về nhà... Dĩ nhiên đấy lại là chuyện tầm xào, hậu quả của ngụm bia Kulmbacher mà chàng lỡ uống vào. Bởi thứ nhất, ông Settembrini làm gì có tù và, ông ta chỉ có cái đàn thùng quay tay chân cao để ngoài phố, trong khi từ đó phát ra điệu nhạc nhàm tai thì ông ta gửi ánh mắt nhân đạo của mình lên cửa sổ các nhà xung quanh; thứ hai, ông ta chẳng thể nào biết được chuyện gì đang xảy ra, vì ông ta không còn ở ‘Sơn trang’ nữa mà đã dọn đến gian phòng áp mái có chai nước ở nhà ông phó may Lukaček, bên trên cái kén lụa là của Naphta, và như thế ông ta hoàn toàn không có quyền và cũng không có khả năng can thiệp vào chuyện của chàng, giống như hồi ấy trong đêm hội hóa trang, khi Hans Castorp cũng rơi vào một tình thế điên rồ và nguy hiểm như bây giờ, khi chàng đem trả Clawdia Chauchat son crayon[343], cây bút chì của Přibislav Hippe... Vả lại, thế nào là “tình thế ”? Để rơi vào một tình thế thì chàng phải nằm chứ không đứng như bây giờ, có vậy cái từ ấy mới thể hiện đúng ý nghĩa thật của nó chứ không phải nghĩa bóng. Tư thế nằm ngang, đó là tình thế của một thành viên lâu năm trong số những kẻ ở trên này. Chẳng phải chàng đã quen với việc nằm trong băng tuyết ngoài trời, cả ngày lẫn đêm đó hay sao? Và chàng đã dợm ngả người nằm xuống thật, thì một ý nghĩ bất chợt xẹt qua đầu chàng, có thể nói rằng lý trí đã nắm cổ dựng chàng dậy mà nhắc nhở rằng, lý lẽ về “tình thế” vừa rồi cũng chỉ là sản phẩm của bia Kulmbacher, do hứng thú nằm và ngủ - được sách vở gọi là mối hiểm họa đặc trưng - vừa mới dùng ngụy biện tìm cách cám dỗ chàng.
‘Mình dại quá’, chàng nhận ra. ‘Rõ ràng rượu Port không phải thứ đồ uống thích hợp lúc này, vài ngụm thôi mà làm đầu mình nặng khủng khiếp, nó cứ gục xuống ngực, và trong đó toàn là những ý nghĩ lộn xộn, những câu đùa vô nghĩa, mình không được phép tin những điều ấy - chẳng những ý nghĩ nguyên thủy đầu tiên đến với mình, mà cả ý nghĩ thứ hai, khi mình đã phê phán và sửa đổi ý nghĩ thứ nhất, thật là tai họa. ‘Son crayon’ là sai bét! Đấy là bút chì ‘của nàng’, chứ không phải của cậu ta, và mình dùng “son” vì “crayon” là giống đực, tất cả những cái khác chỉ là trò chơi chữ. Nhưng mình mất thời gian với chuyện ấy để làm gì! Trong khi có những điều khác thiết thực và quan trọng hơn nhiều, ví dụ như cái chân trái của mình đây, nãy giờ mình dồn sức nặng của cả người lên đó, nó làm mình nhớ đến cái chân gỗ đỡ thùng đàn của Settembrini, cái chân gỗ cao lênh khênh của cái giá mà ông ta dùng đầu gối đẩy đi trên vỉa hè tới gần cửa sổ các ngôi nhà rồi ngả cái mũ nhung ra để các bà các cô trên đó ném những đồng xu xuống. Mà sao mình như bị ai dùng cả hai tay kéo nằm xuống tuyết thế này. Muốn chống lại chỉ có cách vận động. Mình phải vận động, để chuộc cái lỗi uống Kulmbacher và làm cho cái chân gỗ mềm ra một chút.
Chàng tì vai vào tường đẩy người đứng thẳng lên. Nhưng chỉ vừa bước đi một bước ngọn gió đã quất lưỡi hái tử thần đẩy chàng lui trở về trong bóng che chở của cái chòi. Thế là đã rõ, đây là nơi trú ẩn của chàng, chàng buộc phải vừa lòng với nó, và được phép đổi vai trái dựa vào tường đứng chống chân phải để chân trái tự do ngúc ngắc cho đỡ mỏi. Bão tuyết thế này không ai ra khỏi nhà, chàng tự nhủ. Đổi tư thế thì được, nhưng đừng bày trò gì mới nữa và chớ có đùa với gió. Đứng yên đi và cứ việc để cái đầu gục xuống, một khi nó đã nặng trĩu thế này. Bức tường thật tuyệt, lại còn bằng gỗ nữa chứ, cứ như tỏa ra hơi ấm, nếu như có thể gọi đó là hơi ấm trong hoàn cảnh này, hơi thở kín đáo của gỗ, cũng có thể đó chỉ là cảm giác, một cách chủ quan... Ôi, cây cối! Ôi, khí hậu sinh động của sự sống! Thơm tho làm sao...
Đó là một cái công viên, trải ra bên dưới ban công nơi chàng đứng - một cái công viên rộng rãi tươi tốt, trồng đủ mọi loại cây: nào cây du, cây tiêu huyền, cây dẻ, cây phong, cây bạch dương, cây nào cây ấy tán lá rậm rạp đủ mọi sắc độ xanh mướt rung rinh trong gió. Không trung thoang thoảng hơi thở thơm mùi nhựa của các loại cây. Một cơn mưa ấm kéo ngang trời, không những chẳng che khuất ánh nắng mà còn như tỏa sáng. Người ta vẫn thấy bầu trời xanh sau những dòng mưa bạc lóng lánh giăng giăng. Ôi đẹp làm sao! Ôi hơi thở quê hương, ôi mùi thơm nồng nàn phì nhiêu của đồng bằng, đã bao lâu xa cách! Không gian đầy ắp tiếng chim, những tiếng hót ngọt ngào say đắm, ríu rít tươi vui, gù gù rủ rỉ, dõng dạc và nức nở, mà không thấy bóng dáng một con chim nào. Hans Castorp mỉm cười sung sướng biết ơn, hít thở căng lồng ngực. Quang cảnh mỗi lúc một trở nên lộng lẫy hơn. Một cây cầu vồng hiện ra chênh chếch vắt trên cảnh vật, sáng ngời, đẹp tuyệt vời, dòng suối gồm những dải màu đủ mọi sắc độ rực rỡ như rót xuống mặt đất xanh rờn ngút mắt. Thật không khác gì âm nhạc, như tiếng đàn thụ cầm thánh thót hòa cùng tiếng vĩ cầm và tiếng sáo véo von. Màu lam và màu tím như tỏa sáng. Tất cả hòa quyện cùng nhau trong một sự hài hòa huyền diệu, biến đổi không ngừng, càng lúc càng bộc lộ rõ hơn, càng trở nên phong phú và hấp dẫn hơn. Có một lần, cách đây cũng mấy năm rồi, Hans Castorp hân hạnh được nghe tiếng hát của một ngôi sao giọng nam cao nổi tiếng thế giới, một ca sĩ người Ý, từ cổ họng trời cho của ông ta tuôn ra những âm thanh đầy sức mạnh và nghệ thuật rót thẳng vào trái tim người nghe. Ông ta tấu lên một nốt nhạc cao vút, hay tuyệt vời từ lúc mở đầu. Nhưng rồi, dần dần chậm rãi từ giây này sang giây khác, âm thanh tròn trịa say mê ấy cứ mở dần ra như nụ bông hé nở, căng đầy viên mãn, mỗi lúc một tỏa sáng hơn. Những tấm mạng bọc ngoài mà trước đó không ai nhận thấy được gỡ dần từng lớp, người ta tin rằng khi tấm mạng cuối cùng rơi xuống thì ánh sáng chói chang thuần khiết nhất sẽ hiện ra, chỉ còn một lớp màn che phủ cuối cùng này thôi, gỡ đi rồi là vẻ đẹp tột đỉnh đầy nước mắt, vượt quá sức chịu đựng của con người sẽ được giải phóng hoàn toàn, từ lồng ngực đám đông thoát ra một tiếng thở dài trầm trầm sâu thẳm, gần như một lời phản đối van xin, và bản thân Hans Castorp cũng thấy cổ họng mình nghẹn tắc trong một tiếng nức nở. Giờ đây chàng lại có cảm giác ấy trước phong cảnh thần tiên không ngừng biến đổi, không ngừng bộc lộ mỗi lúc một rõ ràng hơn trước mắt. Một màu xanh lam mênh mang loang ra... Những dòng mưa bạc rớt xuống mặt biển trải rộng - biển miền Nam xanh thăm thẳm lấp lánh những con sóng bạc, một cái vịnh đẹp như thơ, một mặt mở ra khơi xa mù mịt, mặt kia được bao bọc bởi một vành cung núi đồi lúp xúp màu chàm, giữa vịnh rải rác những hòn đảo nhỏ, trên đảo nổi lên những thân dừa cao vút hoặc nhà cửa trắng xóa thấp thoáng trong tàn cây trắc bá.
Ôi, thôi, đủ rồi, quá nhiều ân huệ cho những giác quan trần tục, cảnh tượng này là một lạc thú vô biên với ánh sáng, sắc màu, với bầu trời tinh khiết xanh biêng biếc, với mặt biển trong văn vắt dưới nắng chói chang! Trong đời Hans Castorp chưa bao giờ được thấy cảnh nào như thế, chưa được chiêm ngưỡng một vẻ đẹp đến thế này. Trong những chuyến nghỉ mát chàng trai trẻ gần như chưa được nếm mùi phong cảnh miền Nam, biển đối với chàng là mặt nước xám bạc u ám đầy sóng lừng dữ tợn của Bắc Hải, mặc dù chàng vẫn đem lòng yêu nó bằng một thứ tình cảm vụng về thơ ngây. Địa Trung Hải, Naples, Sicily hay Hy Lạp thì chàng chưa bao giờ tới. Thế nhưng giờ đây chàng vẫn nhớ ra những điều này. Đúng thế, kỳ lạ làm sao chàng như nhận ra tất cả, với một niềm vui tràn ngập cõi lòng. ‘A, phải rồi, đúng là nó rồi!’ Chàng reo lên, như thể cảnh tượng thần tiên của mặt trời và biển xanh trước mắt chàng kia vẫn hằng ẩn sâu trong trái tim chàng, kín đáo và lặng thinh giấu mình ở đó. Nhưng nó nằm đâu xa, xa lắm, vô biên như thể ‘vĩnh hằng’, như mặt biển trải rộng bên mé trái kia, nơi bầu trời xanh thẳm như hạ xuống, ngả sang tím biếc để nhập vào với biển.
Đường chân trời nằm tương đối cao, càng về xa mặt biển càng như nhô lên, nhưng đó chỉ là cảm giác của Hans, vì chàng đứng trên cao nhìn xuống dưới vịnh. Dãy núi hình bán nguyệt chạy vòng quanh vịnh đứng tiền trạm với những bụi rậm lúp xúp bắt đầu từ khoảng giữa bức tranh phong cảnh kéo lên đến chỗ chàng và còn ra xa nữa, sơn thủy thật hữu tình. Chàng ngồi co ro trên bậc đá được mặt trời sưởi ấm lưng chừng núi, dưới chân chàng những bậc đá rêu phong thoai thoải hạ dần xuống đến khoảng đất bằng nơi mép nước, xen giữa những bụi rậm và lau sậy là những cái vụng nhỏ ăn vào đất liền được dùng làm bến tàu thuyền. Và trên mảnh đất ấm nắng mặt trời này, với bờ biển nhô cao và núi đá tươi cười, cũng như trên mặt nước khơi xa trải rộng ra đến tận chỗ mấy hòn đảo, đâu đâu cũng tấp nập tàu bè, người đông như kiến. Đó là những con người, những đứa con của mặt trời và biển cả, bận rộn hay thảnh thơi, vui vẻ và hòa thuận, những con người trẻ trung xinh đẹp mà nhìn ngắm họ là cả một niềm hạnh phúc - trái tim Hans Castorp mở rộng tiếp nhận hình ảnh đáng yêu của họ, đau đớn tưởng như vỡ toang ra.
Một đám trẻ nô giỡn với bầy ngựa, đứa nắm dây nàm chạy bên con thú lúc lắc đầu hí vang trời, đứa giữ dây cương ghìm con ngựa chồm lên, đứa cưỡi trên lưng con ngựa không đóng yên, thúc gót chân trần vào mạng sườn buộc nó phi ra biển, bắp thịt nổi lên láng bóng trên những tấm lưng trần rám nắng, và tiếng chúng lanh lảnh gọi nhau hay ra lệnh cho bầy thú mang một âm hưởng huyền ảo lạ thường. Trên bờ một cái vụng nhỏ ăn sâu vào đất liền, mặt nước như tấm gương soi bóng quả núi kề bên, có một nhóm thiếu nữ đang nhảy múa. Một cô bé đặc biệt duyên dáng với mái tóc búi cao sau gáy ngồi trên bậc đá thòng chân xuống nước thổi một cây sáo trúc, đôi mắt mơ màng nhìn qua những ngón tay bấm trên lỗ sáo dõi theo các bạn trong điệu nhảy, người thì nhảy một mình, hai tay dang rộng, tươi cười lượn những vòng tròn lớn, người thì đứng thành cặp âu yếm dựa vào nhau; sau lưng người thổi sáo, tấm lưng trắng muốt mềm mại uốn cong theo cử động của cánh tay, những cô gái khác ngồi xem hoặc đứng khoác vai nhau chuyện trò khe khẽ. Xa hơn là một đám nam thanh niên đang tập bắn cung. Có thể thấy những người lớn tuổi thân mật tận tình chỉ cách căng dây và giương cung cho những người trẻ hơn lóng ngóng vụng về, đứng sát bên hướng dẫn họ nhắm bắn và tươi cười đưa tay đỡ khi người thiếu kinh nghiệm loạng choạng muốn ngã vì sức bật của mũi tên rời cánh cung bay đi. Lại có cả những người câu cá. Họ nằm sấp bụng trên những phiến đá nhô ra biển, một chân đưa lên khua khoắng trong không trung, tay giữ sợi dây câu thòng xuống nước, đầu ngoảnh sang chuyện trò với người bên cạnh đang nhổm dậy vung tay ném lưỡi câu móc mồi ra xa. Những người khác lăng xăng xúm vào vừa kéo vừa đẩy một con thuyền đáy cao có cả cột buồm xuống nước. Trẻ con nô đùa ầm ĩ giữa những lượn sóng đều đặn vỗ bờ. Một phụ nữ trẻ rướn người lên cao, một tay vén vạt váy hoa trước ngực, tay kia vươn ra cố với một trái cây vừa hái còn cả lá xanh mà cậu thanh niên có cái hông thon thả đưa lên cao dứ dứ trên đầu cô nàng. Người này ngả lưng trong hốc đá, người khác rón rén muốn xuống tắm, hai tay bắt chéo ôm lấy vai, thò ngón chân xuống nước kiểm tra độ lạnh. Có cả những cặp tình nhân thả bước dọc theo bờ cát, chàng trai ghé môi sát tai cô gái thầm thì say đắm. Những chú dê lông dài nhảy cỡn từ phiến đá này sang phiến đá kia dưới cặp mắt trông coi của một chàng mục đồng trẻ tuổi đứng trên mỏm đá cao, một tay đặt trên hông, tay kia chống cây gậy dài xuống đất, chiếc mũ nhỏ vành bẻ gập đội hờ hững trên những lọn tóc nâu xoăn.
“Đáng yêu quá!” Hans Castorp thốt lên tự đáy lòng. “Thật tươi vui và khả ái! Họ mới xinh đẹp, khỏe mạnh, thông minh và hạnh phúc làm sao! Đúng thế, không phải họ chỉ có vẻ đẹp hình thức bề ngoài, mà từ con người họ như tỏa ra sự thông thái và sức hấp dẫn nội tâm. Đó chính là cái làm mình rung động say mê: trí tuệ và cảm xúc, theo ý mình, làm nên bản chất con người họ, giúp họ sống chung hòa thuận cùng nhau!” Ý chàng muốn nói đến thái độ thân thiện và tôn trọng một cách không phân biệt của những cư dân Thái dương thần kia: dưới nét mặt tươi cười luôn ẩn giấu một niềm kính trọng trong cách đối xử giữa họ với nhau, sự tôn trọng không bao giờ vắng bóng trong từng cử chỉ của họ, không lộ liễu nhưng đầy sức biểu cảm như hiện thân của trí tuệ; trọng danh dự và nghiêm túc nhưng vẫn thân thiện, đó là tác động tinh thần không lời của một tư cách đứng đắn mà không khô khan, của đạo đức đi đôi với tri thức, tất cả những cái ấy là cơ sở quyết định mọi hành vi của họ. Nhưng như thế không có nghĩa là họ không giữ lễ nghi. Bởi gần đó, trên một phiến đá tròn phủ đầy rêu, có một người mẹ trẻ mặc chiếc áo nâu kéo xuống hở một bên vai đang ngồi cho con bú. Ai đi qua cũng dừng lại chào chị ta với một thái độ tôn trọng đặc biệt, chừng như tập trung tất cả những điều không nói ra nhưng đầy ấn tượng trong cách cư xử chung của họ: đám thanh niên trai trẻ quay nhìn về phía hai mẹ con, tay nhẹ nhàng khoanh trước ngực và hơi nghiêng đầu mỉm cười lễ độ; các cô gái thoáng nhún gối như khi dự lễ nhà thờ đi qua trước bàn thờ Chúa. Tất cả gật đầu nhiều lần với chị một cách thân mật và vui vẻ - sự kết hợp hài hòa giữa lòng kính trọng và tình thân ở họ, cộng với nét dịu dàng thanh thản của người mẹ trẻ khi chị vừa đưa ngón tay trỏ ấn bầu vú giúp đứa con dễ bú vừa ngẩng đầu lên nở nụ cười đáp lễ, tất cả những cái ấy khơi dậy một luồng khoái cảm nóng hổi xuyên suốt người Hans Castorp. Chàng nhìn không chán mắt, đồng thời lại lo lắng tự hỏi, chẳng biết mình có được phép nhìn không, chẳng biết đối với một người trần mắt thịt như chàng, lỗ mãng, xấu xí và vụng về không thể tả, trộm ngắm cảnh sinh hoạt thần tiên của đám dân hạnh phúc này liệu có phạm vào trọng tội không.
Dường như không có gì đáng ngại. Một thằng bé rất đẹp, mái tóc dày rẽ ngôi lệch chải lật sang bên rủ xuống trán và thái dương, đứng khoanh tay trước ngực ngay dưới chỗ chàng ngồi, hơi tách mình ra khỏi bạn bè cùng trang lứa - không âu sầu hay giận dỗi, chỉ là bình thản đứng riêng ra một chỗ thế thôi. Nó nhìn thấy chàng bèn ngước mắt nhìn lên, và ánh mắt nó chạy đi chạy lại giữa người quan sát và cảnh sinh hoạt nhộn nhịp bên dưới, thăm dò đối tượng theo dõi của chàng. Bất chợt ánh mắt nó lướt qua đầu chàng nhìn ra đâu đó phía sau, và trong nháy mắt nụ cười thân thiện đầy tình bác ái biến khỏi gương mặt xinh đẹp với những đường nét cân đối còn rất thơ ngây của nó - đúng thế, mặc dù cặp chân mày không chau lại, nhưng gương mặt nó bỗng đầy khắc khổ, rắn đanh như hóa đá, không ấn tượng, không cảm xúc, kín bưng như đã chết, khiến Hans Castorp lòng đang bồi hồi xúc động chợt giật mình kinh hoảng, trái tim như thắt lại vì một linh cảm không lành.
Chàng cũng ngoảnh lại nhìn... Sau lưng chàng nhô lên sừng sững những chiếc cột khổng lồ không nền móng, như mọc thẳng lên từ những khối đá kê hình trụ, rêu phủ xanh rì trong kẽ đá. Đó là những chiếc cột đỡ cổng một ngôi đền, từ đó có những bậc đá rộng chạy xuống dưới mà chàng đang ngồi ở khoảng giữa. Chàng nhổm dậy, trái tim nặng trĩu, leo mấy bậc đá lên trên và bước qua cổng vào sâu bên trong, đi theo con đường lát đá chẳng mấy chốc lại dẫn chàng đến trước hàng cột mới. Chàng tiếp tục đi qua, và giờ đây phần chính của ngôi đền hiện ra trước mắt chàng, đồ sộ, thâm nghiêm, xám xanh u ám, với bậc tam cấp cao vượt và một mặt tiền cực rộng đặt trên những cây cột vĩ đại phần dưới như chùn xuống, càng lên cao càng thon lại, đôi chỗ có một khối đá tròn xẻ rãnh xô nghiêng thò sang bên. Mệt đứt hơi và phải dùng cả tứ chi để leo lên mấy bậc đá cao, trái tim mỗi lúc một bị bóp chặt hơn trong lồng ngực, cuối cùng Hans Castorp cũng lên đến trên và bước vào rừng cột trong gian chính của điện thờ. Gian phòng sâu thăm thẳm, chàng đi loanh quanh giữa những thân cột cao vút như dạo nào chạy giữa những thân cây trong rừng dẻ bên bờ biển xám bạc, cố tình không đi vào giữa phòng. Nhưng tránh mãi làm sao được, tới một chỗ các hàng cột tách ra thành một khoảng trống và chàng thấy mình đứng trước bức tượng hai người phụ nữ bằng đá trên đế cao, có vẻ như mẹ và con gái[344]: một người ngồi, đã lớn tuổi, khả kính, nhân hậu và thánh thiện, nhưng cặp chân mày chau lại đầy vẻ trách móc trên đôi mắt không tròng, bà ta khoác một tấm áo choàng nhiều nếp rủ xuống mềm mại, mái tóc lượn sóng chải ngôi giữa phủ hờ một tấm mạng; người kia đứng, được người mẹ âu yếm ôm bằng cả hai tay, gương mặt cô ta tròn trĩnh trẻ trung, cánh tay và bàn tay khuất trong nếp gấp của chiếc áo choàng mặc ngoài.
Trong lúc ngắm nhìn nhóm tượng, trái tim Hans Castorp càng nặng trĩu, sợ hãi và lo lắng hơn vì một linh cảm không lành. Chẳng dám nhấc chân đi, nhưng bị thôi thúc bởi một sức mạnh vô hình, chàng vượt qua nhóm tượng đi tiếp đến hàng cột đôi phía sau, cánh cửa sắt dẫn vào hậu cung ngôi đền mở ra trước mắt chàng, và cảnh tượng diễn ra trong đó làm chân tay chàng bủn rủn, đầu gối như muốn khuỵu xuống. Hai mụ già tóc bạc xõa xượi, nửa người trần để lộ cặp vú phù thủy chảy xệ, đầu vú thõng thượt dài bằng cả ngón tay, đang bận rộn lăng xăng giữa đám xoong chảo trên ngọn lửa bập bùng kinh dị. Bọn chúng xé xác một đứa bé trong chảo, xé bằng tay, tuyệt nhiên không một tiếng kêu. Hans Castorp nhìn thấy mái tóc tơ vàng óng vấy máu, thấy hai mụ phù thủy bỏ từng miếng thịt vào miệng nhai ngấu nghiến, xương gãy rào rạo và máu ứa ra bên mép chúng. Nỗi khiếp sợ như gọng kìm băng giá kẹp lấy Hans Castorp làm chàng hoàn toàn tê liệt. Chàng muốn che mặt mà không thể nhấc nổi tay. Chàng muốn chạy trốn mà chân như bị đóng đinh xuống đất. Hai mụ phù thủy phát hiện ra kẻ quan sát việc làm ghê tởm của chúng, chúng giơ nắm tay đẫm máu đe dọa chàng, ngoạc mồm nguyền rủa không ra tiếng, lời lẽ vô cùng độc địa, mà đáng sợ nhất là lại bằng thổ ngữ quê hương chàng. Chàng xây xẩm cả mặt mày, người nôn nao choáng váng, cả đời chàng chưa bao giờ thấy khó thở đến thế này. Chàng tuyệt vọng cố bứt mình ra khỏi chỗ, đụng phải cây cột sau lưng và ngã vật sang bên, trong tai vẫn lùng bùng những lời chửi rủa của hai mụ già khủng khiếp, trái tim vẫn còn đông cứng hãi hùng, và thấy mình nằm bên cạnh cái lều gỗ, đầu gối lên một cánh tay chống xuống đất, hai chân xỏ trong ván trượt tuyết xoạc ra phía trước.
Nhưng chàng vẫn chưa tỉnh hẳn. Chàng hấp háy mắt, nhẹ cả người vì thoát được mấy mụ già ghê rợn, nhưng không rõ hoặc không quan tâm đến chuyện mình nằm bên một cây cột trong đền thờ cổ hay bên cái lều chứa cỏ khô, và tiếp tục mơ, theo một nghĩa nhất định - không mơ bằng hình ảnh mà bằng ý nghĩ, nhưng chẳng kém phần phiêu lưu mạo hiểm.
‘Biết ngay là mình chỉ mơ thôi mà’, chàng lẩm bẩm. ‘Một giấc mơ vừa đẹp vừa đáng sợ kinh khủng. Thực ra mình vẫn biết từ đầu là mình chỉ tự tưởng tượng ra tất cả những cảnh ấy - cái công viên đầy cây xanh với hơi ẩm nồng nàn trong không khí và cả những cảnh khác nữa, cả tươi đẹp lẫn ghê rợn. Thật thế, mình gần như đã biết từ trước tất cả. Nhưng làm sao người ta có thể biết trước mà khi khơi gợi nó lên vẫn có thể cảm thấy hạnh phúc và sợ hãi đến thế? Mình moi đâu ra cảnh vịnh biển nên thơ và sau đó là khu đền thờ thâm nghiêm mà ánh mắt cậu bé xinh đẹp đứng lẻ loi đã dẫn dắt mình vào? Có lẽ người ta không chỉ mơ thấy những điều chứa chấp trong linh hồn mình, mà người ta mơ một cách ẩn danh và tập thể, mặc dù mỗi người vẫn theo cách riêng của mình. Cái linh hồn lớn mà mỗi chúng ta chỉ là một phần tử nhỏ có thể mượn chúng ta để mà mơ, bằng cách của chúng ta, nhưng mà mơ về những khát khao thầm kín của nó - về tuổi thanh xuân của nó, hy vọng của nó, về hạnh phúc và hòa bình... và về bữa tiệc máu. Mình nằm đây cạnh cây cột đền của mình mà vẫn bồi hồi trong dạ những ấn tượng rất sống động còn sót lại của giấc mơ, nỗi sợ như gọng kìm băng giá trước bữa tiệc máu và niềm vui tràn ngập trái tim đến với mình trước đó, khi chứng kiến cảnh hạnh phúc và thuần phong mỹ tục của những cư dân ánh sáng. Mình có quyền đón nhận những ấn tượng ấy, có quyền được nằm đây và mơ giấc mơ này. Mình đã biết thêm rất nhiều trong thời gian sống chung với những kẻ ở trên này, cả phóng đãng lẫn đạo đức. Mình chạy loanh quanh với Naphta và Settembrini trên những núi non đầy hiểm họa, không lối thoát. Mình đã biết hết về con người. Mình nhận ra huyết nhục con người, mình đưa trả cho Clawdia bệnh tật cây bút chì của Přibislav Hippe. Ai nhận thức được thân thể, sự sống thì cũng nhận thức được cái chết. Nhưng đấy chưa phải là tất cả - đấy mới chỉ là, xét theo quan điểm sư phạm, một sự khởi đầu thôi. Còn phải gắn vào đấy nửa kia của nó nữa, mặt trái của vấn đề. Bởi toàn bộ mối quan tâm người ta dành cho bệnh tật và cái chết chỉ là một hình thức thể hiện mối quan tâm đối với sự sống, điều đó đã được môn khoa học nhân văn tên gọi y khoa chứng minh hẳn hoi, môn khoa học trịnh trọng mượn tiếng Latinh để đặt tên cho sự sống và những nỗi khốn khổ của nó, và chỉ là một sắc độ của nguyện vọng khẩn cấp và lớn lao nhất, mà giờ đây, với tất cả thiện chí, mình có thể nêu đích danh nó ra: đó là học sinh cá biệt của trường đời, là con người với đầy đủ quyền lực và địa vị của nó... Mình biết về nó không phải là ít, mình đã học được khối thứ của những kẻ trên này, mình đã từ dưới đồng bằng cất công lên tận đây, mệt tưởng đứt hơi, nhưng nhờ thế ở dưới chân cây cột này mình đã có một cái nhìn toàn cảnh không đến nỗi tệ... Mình mơ đến con người cao quý và xã hội thân ái chan hòa, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau của họ, và ở đằng sau, trong đền thờ diễn ra bữa tiệc máu khủng khiếp không lời nào tả xiết. Họ, những cư dân của Thái dương thần, luôn lịch lãm, đáng yêu với nhau như thế, lại ngậm miệng làm thinh trước cảnh tượng hãi hùng kia?[345] Nếu thế thì họ rút ra được những kết luận hay phải biết! Mình đồng tình với họ, trong sâu thẳm linh hồn mình, chứ không theo Naphta - và cũng chẳng theo cả Settembrini, hai ông ấy đều lắm lời quá thể. Một người đầy dục vọng và thâm độc, người kia chỉ biết thổi vào cái tù và lý trí và cứ tưởng làm thế là đánh thức được lương tri của cả những người khùng, thật là nhảm nhí. Đó là hủ lậu và đạo đức suông, nhưng trên hết đó là vô tín ngưỡng. Nhưng mình cũng không đồng tình được với ông Naphta bé nhỏ, tôn giáo của ông ta là một mớ hổ lốn trong đó lẫn lộn cả
Chúa và quỷ, cả cái thiện và cái ác, chỉ tiện cho từng cá thể đâm đầu vào đó để tìm sự diệt vong huyền bí của cái riêng trong lòng cái chung. Hai nhà sư phạm chết tiệt này! Những cuộc cãi vã và các mâu thuẫn đối kháng của các ông cũng chỉ là một mớ hổ lốn và tiếng hô xung trận vu vơ, không thể đánh lừa được ai có một cái đầu tự do và một trái tim nhân hậu. Các ông cãi nhau về sự quý phái! Về cái chết hay sự sống-bệnh tật, sức khỏe-tinh thần, về thiên nhiên! Những cái ấy thì có gì là đối kháng? Tôi xin hỏi: chẳng lẽ đấy cũng là vấn đề? Không, đấy chẳng phải vấn đề gì ráo, và cả quý phái cũng chẳng phải là một vấn đề. Sự xấu xa của cái chết nằm trong sự sống, không thể có sự sống nếu không có nó, và ở trung tâm điểm là vị trí của Homo Dei - chính giữa phóng đãng và đạo đức, cũng như nước Chúa đứng giữa tính thần bí cộng đồng và chủ nghĩa cá nhân tự do. Mình lĩnh hội được tất cả những điều ấy từ chỗ cây cột của mình. Ở vị trí ấy con người nên giữ mối quan hệ lịch lãm, thân thiện và tôn trọng với chính bản thân mình - vì chỉ có con người là cao quý, chứ không phải các mâu thuẫn đối kháng. Con người là chúa tể của các đối kháng này, có con người mới có đối kháng, và vì thế con người cao quý hơn mọi đối kháng. Cao quý hơn cái chết, vượt lên trên cái chết là tự do trong đầu. Cao quý hơn sự sống, vượt lên trên sự sống là lòng nhân hậu trong tim. Mình đã chắp vần thành thơ rồi đấy, một bài thơ mơ ước của con người. Mình sẽ luôn nghĩ đến điều này. Mình muốn làm người tốt. Mình sẽ không để cho cái chết chế ngự những ý nghĩ của mình! Vì ở trong đó là cái thiện và lòng nhân ái, và chỉ ở đó thôi chứ không có ở bất cứ nơi nào khác. Cái chết là một sức mạnh rất lớn. Gần bên nó người ta phải ngả mũ cầm tay và đi rón rén trên đầu ngón chân. Nó mang cái cổ áo trang trọng của thời quá khứ và người ta mặc đồ đen để tỏ lòng tôn kính nó. Đứng trước nó lý trí nhỏ nhoi đến thảm hại, vì lý trí chỉ là đạo đức, trong khi cái chết là tự do, buông thả, không phép tắc và ham muốn. Ham muốn, giấc mơ của mình bảo thế, chứ không phải tình yêu. Cái chết và tình yêu - hai điều ấy không ăn nhập với nhau, không thể hợp vần thành một câu thơ được! Tình yêu dám đương đầu với cái chết, chỉ có tình yêu, chứ không phải lý trí, mạnh hơn cái chết. Chỉ có tình yêu, chứ không phải lý trí, làm nảy mầm những ý nghĩ tốt đẹp. Và cái đẹp cũng sinh ra từ tình yêu và cái thiện: cái đẹp và nền văn minh trong mối quan hệ thân ái hiểu biết lẫn nhau và một hình thức nhà nước tốt đẹp của con người - và bó tay thúc thủ lặng thinh trước bữa tiệc máu. Ôi, giấc mơ mới tuyệt làm sao, việc ‘cai trị’ đã thành công mỹ mãn! Mình sẽ luôn nghĩ tới những điều này. Trong tim mình sẽ giữ lòng trung thành với cái chết, nhưng sẽ không quên nhắc nhở mình rằng, trung thành với cái chết và với quá khứ là cái ác, là dục vọng đen tối và thù địch với con người, chừng nào nó quyết định suy nghĩ và hành động của chúng ta. Vì cái thiện và tình yêu, con người sẽ không để cho cái chết chế ngự suy nghĩ của mình. Giờ thì mình tỉnh dậy được rồi... Mình đã mơ đến tận cùng giấc mơ và có thể bảo rằng đã đi tới đích. Lâu nay mình vẫn tìm kiếm điều này, ở nơi Hippe hiển hiện, ở trên ban công phòng mình và nói chung là ở khắp mọi nơi. Cũng chính nó thôi thúc mình lặn lội lên núi tuyết. Giờ mình đã tìm thấy nó. Giấc mơ đã mở mắt cho mình, thực ra mình vẫn hằng mang theo điều đó trong người. Đúng thế, mình sung sướng đến tột độ và thấy ấm áp toàn thân. Tim mình đập liên hồi, nhưng giờ đây nó biết rõ vì sao. Nó đập không phải vì lý do thể xác, không phải như móng tay móng chân người chết vẫn tiếp tục mọc dài ra; nó đập một cách nhân bản, vì niềm hạnh phúc tinh thần của mình. Nhận thức trong mơ ấy như một thứ rượu thần, men nồng hơn hẳn rượu Port hay bia Ale, nó chảy tràn trong huyết quản mình như tình yêu và sự sống, thôi thúc mình choàng dậy khỏi giấc ngủ và cơn mê mà mình thừa biết có thể làm mất cái mạng thanh xuân của mình như chơi... ‘Dậy, dậy mau! Mở mắt ra! Đó là thân thể của cậu, hai chân cậu đang bị vùi trong tuyết đấy! Gắng sức đứng lên nào! Ô kìa - trời đẹp rồi!‘
Tự giải phóng mình ra khỏi vòng giam hãm của lũ tuyết chỉ chực vùi sâu chôn chặt chàng thật không dễ chút nào, nhưng động lực thúc đẩy chàng mạnh hơn nhiều. Hans Castorp lật mình chống cùi chỏ xuống tuyết, mạnh dạn co đầu gối lên rồi vừa kéo, vừa vịn, vừa vặn vẹo người chồm đứng dậy. Chàng giậm giậm đôi ván trượt, vung tay đập mạng sườn và lắc lắc vai giũ tuyết, đồng thời đưa ánh mắt căng thẳng đầy kích động láo liên nhìn bốn xung quanh và hướng lên trời, nơi một mảng xanh lơ đã rụt rè hiện ra giữa những dải mây xám mỏng đang từ từ rút lui để lộ mảnh trăng lưỡi liềm mong manh. Trời hơi nhá nhem. Không có bão, tuyết cũng chẳng rơi. Sườn núi lởm chởm những bụi thông lúp xúp bên kia hiện ra rõ mồn một, thanh bình không thể tả. Bóng tối mới từ chân bò lên che một nửa thân núi, nửa trên vẫn tắm trong ánh sáng phơn phớt hồng. Có chuyện gì vậy, và thế giới này sao lạ quá? Đã sáng rồi ư? Thế ra chàng đã qua một đêm trên núi, nằm trong tuyết, mà không chết cóng như sách viết? Tứ chi không có cái nào hoại tử vì máu huyết thiếu lưu thông, không cái nào đóng thành băng gãy vụn trong lúc chàng dậm chân đập tay giũ tuyết, vừa kiểm tra tình trạng cơ thể chàng vừa vắt óc suy nghĩ đánh giá tình hình. Vành tai, đầu ngón tay ngón chân dĩ nhiên đã tê dại không còn cảm giác, nhưng cũng không cóng hơn những buổi tối mùa đông nằm ngoài ban công bao nhiêu. Ráng chút xíu chàng cũng moi được chiếc đồng hồ trong túi ra xem. Nó vẫn chạy tíc tắc chứ không chết như những lần chàng quên lên dây tối hôm trước. Cây kim chưa chạy tới số năm - còn cách cả một khúc. Thiếu mười hai, mười ba phút nữa mới đến năm giờ. Lạ chưa! Có lẽ nào chàng mới nằm mươi mười lăm phút ở đây trong tuyết mà đã thêu dệt nên trong đầu bấy nhiêu hình ảnh hạnh phúc và kinh dị, bấy nhiêu ý nghĩ điên rồ, và con quái vật hình lục giác đều đã rút lui nhanh như lúc nó ập đến? Vậy ra chàng đã may mắn một cách không ngờ, xét theo quan điểm của người muốn về nhà. Bởi những cơn mơ của chàng đã hai lần có bước ngoặt khiến chàng giật mình chồm dậy, một lần vì kinh hãi và lần thứ hai vì sung sướng. Có vẻ như cuộc đời vẫn còn ưu ái đứa học trò cá biệt nhiều rắc rối...
Bây giờ có là buổi sáng sớm hay chiều muộn mặc lòng (rõ ràng lúc này vẫn còn là buổi chiều chưa tối hẳn), chàng không thấy có lý do gì - dù nằm ở hoàn cảnh khách quan hay chủ quan ở cá nhân chàng - ngăn cản mình lên đường về nhà, điều mà Hans Castorp thực hiện ngay không chậm trễ. Chàng lao bừa xuống dốc, thẳng như đường chim bay, và chẳng mấy chốc đã xuống tới thung lũng nơi có nhà cửa lác đác lên đèn, mặc dù ánh sáng cuối ngày phản chiếu trên mặt tuyết vẫn thừa sức cho chàng thấy đường. Chỗ chàng xuống là sườn núi Brämenbühl bên bìa rừng, từ đó chưa tới năm rưỡi chàng đã về đến “Làng” đem các dụng cụ thể thao cồng kềnh của mình gửi chỗ ông hàng xén, rồi chàng lên nghỉ hơi một lát trên gian phòng áp mái của ông Settembrini và tường trình lại với ông ta cuộc phiêu lưu trong bão tuyết trên núi của mình. Ông văn sĩ sợ hết hồn hết vía. Ông ta vung hai tay lên quá đầu mắng té tát chàng là liều lĩnh và nhẹ dạ và đứng phắt ngay dậy châm cái bếp đèn cồn pha cho vị khách một ly cà phê nóng hổi, và Hans Castorp kiệt sức đến nỗi cà phê đặc cũng không ngăn được chàng ngủ gật trong chiếc ghế bành nhồi rơm của ông ta.
Chưa đến một giờ đồng hồ sau chàng đã lại đắm mình trong bầu không khí rất đỗi văn minh của “Sơn trang”. Bữa tối được chàng chiếu cố nhiệt tình. Những điều mơ thấy nhạt dần trong tâm trí chàng. Những suy tư tâm đắc lúc trước cho đến cuối buổi tối chàng đã không còn dám chắc nữa.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần