Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3352 / 136
Cập nhật: 2017-09-15 16:22:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 6 - Operationes Spirituales
eo Naphta ra đời ở một vùng khỉ ho cò gáy gần biên giới Galicia-Volhynia[295]. Người cha luôn được ông ta nhắc tới bằng giọng khen ngợi, thoáng chút bao dung trịch thượng của người đã đủ lông đủ cánh bay xa nay ngoảnh nhìn về cội nguồn, người cha ấy lúc sinh thời là schochet[296] trong làng - nghề nghiệp khác xa một trời một vực với nghề đồ tể trong Cơ Đốc giáo, một nghề thấp kém của cánh thợ mổ và hàng thịt. Cha của Leo không thế. Ông ta có chân trong hàng chức sắc của làng, giữ một trách nhiệm nhất định trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Ông đã trải qua kỳ thi sát hạch về tôn giáo và được vị Rabbi[297] chính thức cho phép giết mổ súc vật theo giới luật của Moses[298], tuân theo các nghi lễ quy định trong kinh Talmud[299]. Elia Naphta có đôi mắt xanh, sáng như sao theo lời người con trai, và trí tuệ thâm trầm mẫn tiệp, mang trong mình cốt cách một vị giáo sĩ, trang nghiêm và đạo mạo, khiến những người tiếp xúc với ông bất giác nhớ ra rằng, trong thời cổ đại giết súc vật là đặc quyền của giáo sĩ và những người có uy tín tinh thần. Mỗi khi Leo, hay Leib như tên thường gọi của cậu bé thuở nhỏ, được phép xem người cha làm việc trong sân nhà, có một gã tá điền lực lưỡng giúp việc, một thanh niên thuộc dòng Do Thái cường tráng mà đứng cạnh hắn ông Elia gầy gò với bộ râu lưa thưa vàng hoe lại càng có vẻ lẻo khoẻo hơn, nó thường chăm chú quan sát người cha tiến hành công việc đầy tính nghi lễ của mình, nhìn ông ta vung con dao bầu lớn thọc một nhát sâu vào giữa hai đốt sống cổ của con thú bị trói chân và bịt miệng nhưng không bị gây mê, nhìn gã tá điền hứng dòng máu phun ra xối xả bốc hơi nghi ngút chẳng mấy chốc đã đầy thau, thu hết cảnh tượng ấy bằng ánh mắt trẻ thơ của mình, thông qua các giác quan nhập vào tâm thức và ghi vào ký ức, trở thành kinh nghiệm sống của chính cậu bé Leib, con trai ông Elia mắt sáng như sao. Cậu bé biết rằng, người đồ tể theo đạo Cơ Đốc bị buộc phải dùng một cây chùy hay cái rìu đập cho con thú bất tỉnh trước khi giết thịt, để tránh cho nó khỏi phải chịu đau đớn theo tư tưởng nhân đạo nửa mùa của họ; trong khi cha nó, mặc dù mảnh khảnh và thông thái hơn bất kỳ kẻ phàm phu tục tử nào, với đôi mắt sáng như sao, thì lại hành nghề theo một giới luật khác, chọc tiết một sinh linh trong lúc nó hoàn toàn tỉnh táo với đầy đủ các giác quan và để cho nó chảy hết máu rồi ngã quỵ. Trong nhận thức của mình cậu bé Leib cảm thấy, với nguyên tắc nhân đạo của họ, đám gojim[300] ngu xuẩn kia đã hành động một cách sai trái và báng bổ, không có sự tôn kính xứng đáng đối với đấng thiêng liêng như phương pháp có vẻ dã man nhưng thực ra rất trang trọng của cha nó, và những hình dung về lòng mộ đạo của nó từ đó luôn gắn liền với sự tàn bạo, trong tâm hồn nó hình ảnh dòng máu tuôn trào và mùi huyết tươi không tách rời những tư duy về thượng đế và hoạt động tinh thần. Bởi nó hiểu rằng, cha nó chọn cái nghề đẫm máu này không phải vì tính hiếu sát như những tay đồ tể Cơ Đốc giáo khỏe như trâu, hay có lẽ như chính gã tá điền Do Thái giúp việc cho ông, và mặc dù thể chất yếu ớt nhưng hành động của ông rất mạnh mẽ vì nó mang nặng tính tâm linh, theo tinh thần của đôi mắt sáng như sao.
Đúng thế, Elia Naphta thuở sinh thời là người hay triết lý và suy ngẫm, ông ta không chỉ học thuộc kinh Torah[301] mà còn ưa phân tích và phê phán, nên đa số những cuộc tranh luận về đề tài tôn giáo giữa ông và vị Rabbi đã kết thúc bằng cãi vã. Ông ta nổi tiếng khắp vùng không phải chỉ trong cộng đồng Do Thái, được coi là một nhân vật khác thường, hiểu nhiều biết rộng hơn người trong lĩnh vực tín ngưỡng, nhưng cũng có thể là trong một lĩnh vực tâm linh nào khác, bí mật và khó hiểu, khiến người ta sợ hãi và xa lánh. Ông ta bị gán cho một sức mạnh siêu nhiên, một sự gần gũi quỷ thần, đại loại như Baal-Schem[302] hay Zaddik[303], hay một thầy phù thủy - cũng phải nói thêm rằng trên thực tế ông ta đã có lần dùng huyết tươi và thần chú chữa lành bệnh cho một mụ đàn bà mắc chứng phong chẩn và một thằng bé lên cơn co giật. Nhưng cũng chính vầng hào quang bí hiểm nhuốm màu tà giáo bao quanh con người ông ta, trong đó mùi máu tươi đóng một vai trò không nhỏ, lại dẫn đến một kết cục tai hại. Trong một cơn bạo động của dân làng, nổ ra do cái chết không lý giải được của hai đứa trẻ Cơ Đốc giáo, Elia đã lìa đời một cách vô cùng thảm khốc: người ta thấy ông ta bị đóng đinh thánh giá trên cánh cửa nhà mình, ngôi nhà cháy đùng đùng còn bà vợ lao phổi của ông ta, ngày thường vẫn nằm liệt giường, nay phải chồm dậy dắt díu Leib và bốn đứa em nó, cả mấy mẹ con tay giơ quá đầu, khóc lóc thảm thiết bỏ làng đi biệt.
Nhờ vốn liếng dành dụm được của ông Elia, họ không đến nỗi hoàn toàn tay trắng, và cái gia đình khốn khổ ấy đã tìm được chốn nương thân tại một thị trấn nhỏ vùng Vorarlberg[304], nơi bà Naphta bữa đực bữa cái đến làm việc trong một xưởng xe sợi, chừng nào sức khỏe của bà cho phép, còn những đứa con lớn theo học trường bình dân trong vùng. Nhưng nếu như những món ăn tinh thần được cung cấp ở ngôi trường bình dân có vẻ đủ cho khả năng và nhu cầu của mấy đứa em Leo, thì đối với nó, thằng anh lớn nhất nhà, lại quá đỗi nghèo nàn và thiếu thốn. Nó được thừa kế của người mẹ mầm mống căn bệnh phổi và của người cha, ngoài thân hình mảnh dẻ còm cõi, một trí tuệ đặc biệt sắc bén, một năng lực tinh thần từ rất sớm kết hợp với bản năng kiêu ngạo, đầy tham vọng, và niềm khát khao hướng tới những khía cạnh cao quý hơn của cuộc sống, tất cả những cái ấy thúc đẩy nó tìm mọi cách vượt ra khỏi tầng lớp xuất thân hèn kém của mình. Bên cạnh kiến thức thu lượm được trong trường, cậu bé mười bốn mười lăm tuổi biết cách kiếm ra những sách vở giúp nó trau dồi trí tuệ một cách nôn nóng và vô tội vạ, cung cấp thêm thức ăn tinh thần cho nó. Những điều nó nghiền ngẫm và phát biểu khiến cho bà mẹ bệnh tật héo hon phải rụt đầu rụt cổ và giơ cả hai bàn tay khẳng khiu lên kêu trời. Bằng tư chất thông minh và những câu trả lời sắc bén trong giờ học tôn giáo, nó đã thu hút được sự chú ý của vị Rabbi cai quản vùng ấy, một con người mộ đạo và uyên bác; ông ta nhận nó làm học trò riêng và tận tình chỉ bảo thêm trong những giờ phụ đạo, ông ta trau dồi kiến thức xã hội cho nó bằng tiếng Hebrew và các ngôn ngữ cổ điển, ông ta mài giũa tư duy logic cho nó bằng môn toán. Tất cả những cố gắng của con người nhân hậu kia chẳng đem lại kết quả tốt đẹp gì, càng ngày ông càng cảm thấy mình đang nuôi ong tay áo. Xưa mối quan hệ giữa ông Elia Naphta và vị Rabbi của ông ta thế nào thì nay tình cảnh con trai ông ta và sư phụ của nó cũng y như thế: không ai chịu ai, các cuộc cãi cọ về tôn giáo và triết học giữa thầy và trò xảy ra như cơm bữa, mâu thuẫn ngày càng sâu sắc, và vị giáo sĩ chính trực đã khổ tâm không để đâu cho hết vì sự ngang ngạnh, thói bới móc và cái tật hoài nghi tất cả, tinh thần chống đối và miệng lưỡi sắc như dao của cậu thiếu niên Leo. Đã thế về sau, bên cạnh tính giảo hoạt đầu óc phản kháng của Leo lại còn được gieo rắc thêm mầm mống cách mạng: nhờ giao du với con trai một nhà dân chủ xã hội, thành viên hội đồng cố vấn vương quốc, nó có cơ hội làm quen với chính nhân vật cấp tiến này và được dẫn dắt vào con đường chính trị, năng lực tinh thần sôi động của nó được lái theo chiều hướng cải cách xã hội; nó phát ngôn ra những điều khiến vị giáo sĩ già tốt bụng trung thành với truyền thống và kinh Talmud tóc tai dựng ngược trên đầu, kết cục tất yếu là sự tan vỡ không thể cứu vãn của mối quan hệ thầy trò. Nói tóm lại, cuối cùng Naphta bị sư phụ tống cổ ra khỏi cửa, bị cấm ngặt không được léo hánh tới thư phòng của ông ta nữa, không may lại đúng vào lúc mẹ nó, bà Rahel Naphta, sắp từ giã cõi đời.
Nhưng lúc bấy giờ, vào khoảng thời gian ngay sau khi mẹ chết, Leo tình cờ gặp linh mục Unterpertinger. Một hôm cậu bé mười sáu tuổi không có việc gì làm ra ngồi ngoài ghế đá công viên trên ngọn đồi mang tên Margarethenkopfes, đỉnh cao phía Tây thành phố bên bờ sông Ill, nơi người ta có thể phóng tầm mắt ra bốn xung quanh ngắm phong cảnh ngoạn mục của vùng thung lũng sông Rhine. Nó ngồi đó, đang đắm chìm trong những ý nghĩ ảm đạm và cay đắng về số phận, về tương lai mình, thì có một người khách dạo chơi, vốn là thành viên hội đồng giảng dạy của trường nội trú “Sao Mai” thuộc dòng tu Tên Thánh, tới ngồi xuống bên cạnh nó, nhấc mũ đặt lên ghế, ung dung vắt chân chữ ngũ dưới tấm áo chùng tu sĩ, sau khi lật vài trang trong cuốn kinh nhỏ cầm theo ông ta mở đầu một cuộc trò chuyện mỗi lúc một hào hứng hơn với cậu bé, mà kết cục là bước ngoặt quyết định thay đổi cả cuộc đời Leo. Vị tu sĩ dòng Tên, một con người lịch lãm và từng trải, một nhà sư phạm tâm huyết rất biết nhìn người và dụ người, đã giật mình giỏng tai lên ngay khi nghe những câu đối đáp đầu tiên với lối phát âm rành rọt, cách diễn đạt sáng sủa nhưng ý tứ ngạo mạn mà cậu thiếu niên Do Thái bề ngoài có vẻ nghèo khổ trả lời các câu hỏi của mình. Ông ta cảm nhận được ở nó hơi thở của một trí tuệ sắc bén đang bị giằng xé về mặt tinh thần, và càng hỏi tiếp ông ta càng khám phá ra ở người tiếp chuyện một lượng kiến thức sâu rộng và một lối tư duy vừa sắc sảo vừa cay độc hiếm thấy ở lứa tuổi của nó, lại càng không ai ngờ tới dưới cái vẻ bề ngoài rách rưới kia. Họ bàn về Marx[305], tác giả bộ Tư bản mà Leo Naphta được làm quen qua một ấn bản rẻ tiền, rồi chuyển sang Hegel[306] - cậu thiếu niên cũng đã đọc những điều Hegel viết hoặc người khác viết về ông ta đủ để đưa ra vài nhận xét khá là đặc sắc. Chẳng biết vì bản tính vốn ưa nghịch lý hay vì muốn làm đẹp lòng người đối thoại mà cậu ta gọi Hegel là một nhà tư tưởng “Công giáo”; và khi vị linh mục mỉm cười chất vấn rằng tại sao lại có thể bảo ông ta là người Công giáo, trong khi ai cũng biết Hegel từng giữ chức triết gia trong triều đình nước Phổ và như thế ông ta phải là người theo đạo Tin Lành mới đúng, cậu bé đã đáp lại rằng: chính cái danh hiệu “triết gia cung đình” kia lại càng khẳng định nhận xét của nó về sự chính thống của Hegel trong tôn giáo, mặc dù tất nhiên phải hiểu chính thống ở đây không theo cái nghĩa giáo điều của nhà thờ Cơ Đốc. Bởi (Naphta đặc biệt ưa thích liên từ này, mỗi khi có dịp đưa ra sử dụng cái từ ấy vang lên trong miệng nó một cách đắc thắng và đầy cương quyết, còn cặp mắt thì sáng ngời lên sau đôi tròng mắt kính), bởi khái niệm chính trị và khái niệm tôn giáo có mối liên quan chặt chẽ về mặt tinh thần với nhau, cả hai thuộc về một phạm trù bao gồm tất cả những gì được coi là khách quan, hành động, có tính thực nghiệm và khả thi, tóm lại là tất cả những yếu tố tác động lên đời sống bên ngoài. Đối lập với nó là đạo Tin Lành thiên về giáo lý mộ đạo có nguồn gốc từ thần bí học. Trong dòng tu Tên Thánh, cậu bé thêm vào, bản chất chính trị sư phạm của Công giáo là điều hiển nhiên không thể chối cãi; chính sách cai trị và giáo dục luôn được coi là những lĩnh vực độc quyền của họ. Và nó lấy cả Goethe ra làm ví dụ, một vĩ nhân gốc gác từ phong trào mộ đạo Tin Lành, nhưng lại có những hành động tiêu biểu theo tinh thần Công giáo, cụ thể là chủ nghĩa khách quan và học thuyết hành động do ông ta khởi xướng. Goethe từng hăng hái bảo vệ hình thức xưng tội kín và là một nhà sư phạm nhiệt thành, có thể bảo rằng ông ta cũng gần như là một tu sĩ dòng Tên.
Naphta tuôn ra những lý lẽ ấy, chẳng biết do thực lòng tin tưởng vào những điều này hay chỉ cốt khoe kiến thức, hoặc cũng có thể nó cố ý nói bọc theo người đối diện để nịnh hót cầu lợi như thói quen của kẻ nghèo hèn; vị linh mục không mấy quan tâm đến tính xác thực của lời lẽ mà chỉ để ý đến trí tuệ của người nói. Câu chuyện cứ theo đà tiếp diễn, chẳng mấy chốc vị tu sĩ dòng Tên đã biết cả hoàn cảnh khó khăn của Leo, và khi chia tay Unterpertinger yêu cầu Leo đến trường nội trú gặp mình.
Thế là Naphta có cơ hội đặt chân đến ‘Stella matutina’[307], nơi bầu không khí học đường trang nghiêm đầy tính khoa học và xã hội đã từ lâu có một ma lực hấp dẫn lớn đối với nó; và còn hơn thế nữa, nhờ bước ngoặt định mệnh này nó lại có được một người đỡ đầu mới hơn hẳn người trước, một giáo sư biết đánh giá nó đúng mức và có khả năng hỗ trợ nó một cách hiệu quả hơn nhiều, một người thầy tận tâm ngoài lòng nhân từ điềm đạm còn rất đỗi hào hoa phong nhã, mà lọt được vào môi trường quý phái của ông ta là khao khát tột đỉnh của nó. Giống như nhiều trí thức Do Thái, Naphta mang tâm lý vừa muốn thay đổi xã hội lại vừa mơ ước cuộc sống cao sang của giới thượng lưu. Những lời bộc bạch đầu tiên mà vị giáo sư thần học Công giáo dụ nó nói ra khi ấy, mặc dù chỉ là những nhận định có tính so sánh và phân tích, nhưng về bản chất chẳng khác gì lời tỏ tình với nhà thờ La Mã, theo nó là đại diện của lối sống quý phái và trí tuệ, phản vật chất, phản thực tại và phản thế tục, nói tóm lại là một thế lực cách mạng. Và niềm say mê ấy là một tình cảm rất chân thực phát sinh tự đáy lòng nó; vì, như nó tự suy luận một mình, Do Thái giáo với thiên hướng vật chất trực quan, với các tư tưởng xã hội và chính trị truyền thống của mình tỏ ra gần gũi về mặt tinh thần với nhà thờ Công giáo hơn là nhà thờ Tin Lành, nhánh Cơ Đốc giáo cải cách với xu hướng đắm mình trong giáo lý thần bí chủ quan - và như thế, việc cải đạo của một người Do Thái sang Công giáo rõ ràng là một quá trình biến chuyển tinh thần tự nhiên và tự nguyện hơn sang đạo Tin Lành rất nhiều.
Bất hòa với người lãnh đạo tinh thần cộng đồng tôn giáo gốc của mình, mồ côi và bị bỏ rơi về tư tưởng, trong lòng khao khát một bầu không khí thanh tịnh hơn, một cuộc đời cao sang hơn xứng đáng với tài năng của nó, và vì theo pháp luật nó đã đủ tuổi tự quyết từ lâu, nên Naphta nóng lòng sốt ruột mong được cải đạo đến nỗi người ‘phát hiện’ ra nó chẳng tốn chút công sức nào để chiêu dụ linh hồn, hay nói đúng hơn là chiêu dụ cái đầu đặc biệt của nó về cho dòng tu của ông ta. Nhờ sự can thiệp của linh mục Unterpertinger, từ trước khi nhận lễ rửa tội Leo đã có một chỗ ở tạm thời trong trường nội trú ‘Sao Mai’ và được cung phụng không thiếu gì cả về vật chất lẫn tinh thần. Nó dọn hẳn vào trong đó sau khi đem mấy đứa em bỏ vào nhà tế bần, với thái độ điềm nhiên quý phái của một trí thức thượng lưu; lương tâm không hề xao xuyến nó phó mặc các em cho số phận hẩm hiu xứng đáng với tài năng hèn mọn của chúng.
Đất đai khu học xá ‘Sai Mai’ có một diện tích tương xứng với quy mô bề thế của trường, đảm bảo không gian sinh hoạt cho gần bốn trăm học sinh nội trú. Cả một loạt cánh rừng và đồng cỏ xung quanh cũng là tài sản của trường, thêm vào đó là hơn nửa tá bãi chơi và khu chuồng trại nông nghiệp nuôi hàng trăm con bò sữa, rồi thì khu ký túc xá, trang trại kiểu mẫu, sân thi đấu thể thao, trung tâm văn hóa và nghệ thuật, nơi thường xuyên có các buổi biểu diễn hí kịch và âm nhạc. Cuộc sống ở đây vừa nghiêm túc vừa vương giả. Nếp sống kỷ luật và thanh lịch, sự vui nhộn có kiềm chế, sinh hoạt tinh thần phong phú và vật chất dư thừa, thời khóa biểu chặt chẽ nhưng lý thú của nó thỏa mãn những nhu cầu bản năng sâu kín nhất của Leo. Nó sướng như được lên thiên đường. Nó thưởng thức những bữa ăn thịnh soạn trong phòng ăn lớn trật tự và yên tĩnh không thua gì hành lang khu học đường, giữa phòng có một tu sĩ trẻ ngồi trên bục cao đọc sách phục vụ thực khách. Nó hăm hở lao vào học, và mặc dù yếu phổi nó vẫn luôn dốc hết sức trong các trò chơi và các cuộc thi đấu thể thao, không chịu thua kém một ai. Lòng mộ đạo đến say mê mà nó thể hiện khi nghe lễ sớm mỗi ngày cũng như lễ trọng ngày chủ nhật khiến các ông thầy linh mục rất đẹp lòng. Hạnh kiểm của nó trong giao tiếp cũng làm họ hài lòng không kém. Các buổi chiều ngày lễ, sau khi thưởng thức bánh ngọt với rượu vang nó lại cùng các bạn dạo chơi, tất cả đều mặc đồng phục của trường màu xám xanh, cổ áo dựng cao, quần kẻ sọc, mũ lưỡi trai, bước đi ngay hàng thẳng lối.
Sung sướng và hàm ơn tràn ngập cõi lòng nó trước cách đối xử tế nhị của những người ở đây, không để lộ nguồn gốc cải đạo và nói chung là xuất xứ bần hàn của nó. Có vẻ như không ai biết nó được nhận vào học miễn phí. Nội quy của trường đánh lạc hướng các bạn đồng học khỏi thực tế hiển nhiên là tên nó trong danh sách không kèm theo chú thích về dòng dõi gia đình và quê quán. Học sinh nội trú không được phép nhận bưu phẩm quà bánh của gia đình, nếu như có người bất chấp nội quy vẫn gửi tới thì những món đồ ăn ấy được chia cho tất cả, và Leo cũng có phần. Chính sách quốc tế của trường giúp nó giấu kín tung tích, hay chí ít thì cũng không để thân thế nó đập ngay vào mắt mọi người. Cùng ở nội trú với nó có những học sinh ngoại quốc người Nam Mỹ gốc Bồ Đào Nha, bọn chúng có tướng mạo còn “Do Thái” hơn cả nó, và như thế khái niệm này kể như không tồn tại. Cùng nhập học một đợt với Naphta còn có một hoàng tử người Ethiopia da đen như mọi nhưng phong cách thì rất mực quý phái.
Trong giờ hùng biện Leo bày tỏ nguyện vọng mong được học tiếp môn thần học ở bậc đại học, để, theo lời nó, đến một lúc nào đó đủ phẩm hạnh gia nhập dòng tu. Kết quả là nó được chuyển từ khu “Nội trú nhì”, nơi điều kiện ăn ở và sinh hoạt có phần khiêm tốn hơn, lên khu “nhất”. Bây giờ mỗi bữa ăn nó có người phục vụ, và phòng ngủ của nó một bên liền vách với phòng tiểu bá tước von Harbuval và Chamaré người Silesia, bên kia giáp với phòng tiểu hầu tước di Rangoni-Santacroce người Modena. Nó tốt nghiệp trung học hạng xuất sắc và, trung thành với quyết định lúc trước, đánh đổi cuộc đời học sinh nội trú lấy nếp sống một chủng sinh trong tu viện Tisis kế bên, rèn luyện tính nhẫn nại và kỷ luật, trau dồi kiến thức tôn giáo để loại bỏ dần dần những dục vọng tinh thần, hiểu theo nghĩa các tư tưởng cách mạng và nổi loạn trước kia của nó.
Nhưng đồng thời trong giai đoạn ấy sức khỏe nó suy sụp một cách đáng ngại - không phải vì đời sống tu hành khắc khổ, mặc dù phải tuân theo kỷ luật nghiêm ngặt của dòng tu nhưng thể xác nó vẫn được nhận mọi sự chăm sóc chu đáo nhất, mà lý do phát xuất từ bên trong. Thời gian vừa qua nó đã là đối tượng của các biện pháp giáo dục thông minh và tinh tế nhằm khuyến khích các tư chất đặc biệt, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi một nỗ lực cao của bản thân. Trong những hoạt động tinh thần say mê choán hết giờ khắc ban ngày và cả một phần ban đêm ấy, với tất cả những nghiên cứu, cân nhắc, đánh giá và nhận xét trong tư tưởng nó đã gặp phải vô vàn thử thách gian nan và mâu thuẫn vì bản chất ưa nổi loạn của mình. Nó là cơn ác mộng - đồng thời cũng là niềm hy vọng lớn - của vị linh mục bề trên trực tiếp của nó, người không ngày nào không bị nó hành hạ bằng những câu hỏi thừa biện chứng thiếu khôn ngoan của mình. “Ad haec quid tu?”[308] Nó thường hăm hở hỏi, cặp mắt kính dày cộp lóe sáng... Và ông thầy bị dồn vào thế bí không còn cách nào khác hơn là nghiêm giọng yêu cầu nó cầu nguyện để đạt được sự tĩnh tâm cần thiết - “ut in aliquem gradum quietis in anima perveniat”[309]. Có điều sự “tĩnh tâm” này, nếu như có đạt tới được, chỉ là công cụ tiêu diệt tinh thần phản kháng và làm chai lì ý thức cá nhân, tạo ra một thứ nghĩa trang tinh thần, một trạng thái mà các biểu hiện bên ngoài đối với cậu chủng sinh Naphta không có gì là lạ vì nó vẫn thường thấy trong không ít ánh mắt trống rỗng và gương mặt vô hồn vây quanh, chỉ e rằng nó sẽ không bao giờ đạt tới được trạng thái tinh thần ấy, kể cả khi thể xác bị hủy hoại.
Phải công nhận rằng các cha bề trên của Naphta có một sức chịu đựng tinh thần rất đáng khen ngợi, vì những rắc rối và phiền toái nó gây ra không hề làm giảm sút thái độ ân cần họ dành cho nó. Hết hai năm thử thách, đích thân cha tổng quản vùng cho gọi nó tới gặp, trò chuyện với nó và ra quyết định thu nạp nó vào dòng tu. Thế là cậu chủng sinh trẻ tuổi được thụ phong bốn chức thấp là những chức giữ cửa, phụ lễ, đọc kinh và trừ quỷ, đồng thời được phát nguyện lời thề ‘đơn’[310] và trở thành một thành viên chính thức của dòng tu, để rồi ngay sau đó được gửi sang Hà Lan theo học ngành thần học tại đại học viện Falkenburg.
Khi ấy gã mới vừa hai mươi tuổi. Ba năm sau, chịu ảnh hưởng của khí hậu bất lợi nơi cư trú và những căng thẳng về mặt tinh thần căn bệnh di truyền của gã trỗi dậy, đe dọa có thể làm nguy hại cả tính mạng gã nếu cứ tiếp tục lưu lại đó. Một cơn kịch phát ho ra máu dữ dội của gã làm cho các cha bề trên hết sức lo ngại, và sau nhiều tuần mê man thập tử nhất sinh người bệnh được gửi trả về nơi xuất phát. Thế là cậu học sinh nội trú ngày nào giờ đây trở thành giám thị trông coi sinh hoạt của học viên và giảng dạy các môn khoa học nhân văn và triết học tại chính ngôi trường cũ của mình. Đúng ra trách nhiệm này không ngoài quy định của dòng tu, chỉ có điều thông thường sau vài năm công tác ở trường, người tu sĩ trẻ sẽ quay trở lại đại học để hoàn tất việc nghiên cứu và làm luận văn tốt nghiệp. Naphta không thể tiếp tục theo đuổi con đường ấy. Bệnh tình của gã không những không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng; bác sĩ và cha tu viện trưởng quyết định giữ gã ở hẳn tại trường nội trú, hy vọng cuộc sống hòa đồng với thiên nhiên và bầu không khí trong lành cũng như công việc đồng áng không mấy nặng nhọc ở đây có tác động tốt đến sức khỏe của gã, ít nhất là trước mắt. Gã được thụ phong chức thầy nhất, có quyền lĩnh xướng trong những lễ trọng ngày chủ nhật - một quyền lợi gã không bao giờ sử dụng, thứ nhất vì gã biết mình không có khiếu âm nhạc, sau nữa giọng nói yếu ớt do chứng bệnh nan y của gã quả thực chẳng mấy thích hợp với việc ca hát. Nhưng gã không vượt lên được khỏi chức phó trợ tế, chẳng hy vọng gì được phong thủ tế và lại càng không thể mơ đến chức linh mục. Gã tiếp tục ho ra máu dai dẳng và cơn sốt quái ác mãi chẳng chịu lui, nên cuối cùng người ta quyết định đưa gã lên vùng núi non này điều trị, mọi phí tổn do dòng tu đài thọ hết, và khóa điều dưỡng kéo dài đến nay đã sang năm thứ sáu - có thể bảo rằng không phải gã đi nghỉ chữa bệnh nữa mà đã định cư hẳn lại đây, trong bầu không khí loãng nhẹ trên cao này, giải khuây bằng việc dạy tiếng Latinh tại một trường trung học dành cho các bệnh nhân trẻ tuổi...
Những điều ấy Hans Castorp được nghe chi tiết và cặn kẽ từ chính miệng Naphta trong những lần chàng đến thăm cái tổ lụa là của ông ta, khi thì một mình, khi với những người bạn cùng bàn Ferge và Wehsal mà chàng giúp làm quen với chủ nhân; hoặc cũng có thể trong những lần gặp gỡ tình cờ khi dạo chơi theo quy định và chàng tháp tùng ông ta trở về “Làng” - một cách nhẩn nha, từng mẩu nhỏ ghép lại thành một câu chuyện liền lạc, câu chuyện mà chàng không những công khai tuyên bố là hết sức kỳ thú mà còn ra sức thuyết phục hai người bạn đồng hành ủng hộ ý kiến của mình, điều mà Ferge và Wehsal chẳng cần phải bảo cũng làm: ông Ferge hiền hậu dĩ nhiên không quên nhắc nhở rằng tất thảy những gì cao siêu đều nên hạn chế ở mức độ vừa phải cho phù hợp với tâm hồn đơn giản của mình (bởi kinh nghiệm lúc trải qua cơn sốc phế mạc là sự kiện duy nhất trong đời lôi được ông ta ra khỏi ranh giới thông thường), còn gã Wehsal khoái chí ra mặt khi được nghe tiểu sử một người xuất thân dưới đáy xã hội, nhờ may mắn mà leo một hơi lên vài nấc thang danh vọng - và thầm hả hê thấy cây không mọc được tới trời, vận may của con người tốt số kia có vẻ đã tới hồi cạn kiệt cùng với sự suy sụp toàn diện về sức khỏe.
Hans Castorp về phần mình tỏ ý tiếc cho con đường công danh đứt đoạn của Naphta và vừa tự hào vừa lo lắng liên tưởng đến Joachim, người anh họ trọng danh dự của mình, người đã gom góp tất cả quyết tâm và lòng dũng cảm để xé rách cái lưới bền chặt dệt bằng những sợi tơ ngụy biện của Rhadamanthys, đã đào ngũ để nhập ngũ, và giờ đây, trong hình dung của Hans Castorp, anh họ chàng trong tư thế tay trái bám chặt cán cờ, ba ngón bàn tay phải xòe ra long trọng tuyên đọc lời thề trung thành khi nhập ngũ. Cả Naphta, cứ theo những lời ông ta kể với Hans Castorp về dòng tu của mình, cũng đã tuyên thệ dưới lá cờ của ông ta, cũng đã gia nhập hàng ngũ của ông ta; nhưng rõ ràng ông ta chẳng mấy trung thành với lời thề ấy, bằng chứng là những tư tưởng ngoài luồng và kết hợp lạ lùng ông ta ấp ủ, chẳng như Joachim sống chết với lời thề của mình. Mặt khác Hans Castorp, trên quan điểm một người dân sự, một đứa con của hòa bình, càng lắng nghe vị tu sĩ dòng Tên trong quá khứ và linh mục trong tương lai giảng giải lại càng tin rằng hai người ấy lẽ ra phải có cảm tình và thông cảm với nghề nghiệp của nhau mới phải, lẽ ra họ phải nhận thấy sự giống nhau giữa họ chứ. Vì cả hai đều theo đuổi một sự nghiệp quân ngũ, người này cũng như người kia, điều đó đúng về mọi mặt: nếp sống khổ hạnh với tôn ti trật tự nghiêm minh, tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh và tuân theo truyền thống Tây Ban Nha. Truyền thống trọng danh dự này đóng một vai trò quyết định trong dòng tu của Naphta, một dòng tu hình thành ở Tây Ban Nha và có điều lệ nghiêm ngặt tương tự như kỷ luật sắt vua Phổ Friederich sau này áp dụng cho đội quân thiện chiến của mình, điều lệ trong nguyên bản cũng được soạn bằng tiếng Tây Ban Nha, có lẽ vì thế mà Naphta khi kể chuyện và giảng giải thường xen vào những từ ngữ và khái niệm bằng thứ tiếng này. Ông ta nói về “dos banderas”[311], hai ngọn cờ chiêu tập nhân tâm trong trận đánh sinh tử giữa hai thế lực đối lập: một bên địa ngục và một bên thánh thần; ở Jerusalem tổng chỉ huy là Chúa Jesus, vị “capitan general”[312] của phe thiện - còn ở xứ Babylon thì quỷ Satan là “caudillo”[313], thủ lĩnh...
Chẳng phải trường nội trú ‘Sao Mai’ cũng là một hình thức doanh trại đó sao, các học viên của nó cũng được chia thành đội ngũ, được rèn luyện kỷ luật và tư cách tu sĩ-quân nhân, một mối liên hệ không thể chối cãi giữa ‘cổ áo quân phục hồ bột cứng’ và ‘cổ áo chùng xếp nếp Tây Ban Nha’? Tư tưởng trọng danh dự và thành tích, những điều đóng một vai trò nổi bật trong sự nghiệp của Joachim - Hans Castorp thầm nghĩ - rõ ràng cũng được đề cao trên con đường công danh mà Naphta vì bệnh tật phải bỏ dở giữa chừng! Cứ như những gì chàng được nghe kể thì dòng tu của ông ta tập hợp toàn những sĩ quan tham vọng vào bậc nhất, nô nức chỉ một ý nguyện lập công (tiếng Latinh là “Insignes esse”[314]). Tuân theo lời răn dạy của người sáng lập đồng thời cũng là cha tổng quyền đầu tiên của dòng tu, vị tu sĩ Tây Ban Nha xứ Loyola[315], họ đã cống hiến nhiều hơn, đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc hơn tất cả những kẻ chỉ hành động theo lý trí. Họ cần cù thực hiện công việc của mình hơn cả mức yêu cầu, “ex supererogarione”[316], họ không chỉ kháng cự lại những đòi hỏi của xác thịt (“rebellione carnis”[317]), điều mà xét cho cùng một người bình thường có lý trí nào cũng phải làm, mà còn đấu tranh tiêu diệt dục vọng từ trong mầm mống, tiêu diệt tính ích kỷ và lòng ham mê thế tục, những điều thông thường lẽ ra không đến nỗi bị cấm đoán. Bởi đấu tranh chống lại kẻ thù, “agere contra”[318], hay nói cách khác là tấn công, dĩ nhiên đáng khen ngợi hơn hẳn thái độ tự vệ thụ động (“resistere”[319]). Làm kẻ thù suy yếu và đè bẹp chúng! Đó là phương châm hành động của họ, và tác giả của nó, vị thánh xứ Loyola lại một lần nữa chứng tỏ sự gần gũi về tư tưởng với vị tướng tổng chỉ huy của Joachim, ông vua Phổ Friedrich với nguyên tắc xung trận “Tấn công! Tấn công!”
“Bám lưng địch mà đánh!” và “Attaquez donc toujours![320]” của ông ta.
Nhưng điểm chung lớn nhất giữa thế giới của Naphta và thế giới của Joachim là thái độ của cả hai người đối với chiến tranh, quan điểm của họ cho rằng không nên chùn tay trước đầu rơi máu đổ. Ở điểm này họ hoàn toàn thống nhất với nhau dù là về đời, về đạo hay về sự nghiệp, và Hans Castorp, với tư cách một đứa con của hòa bình, háo hức lắng nghe Naphta kể về những tu sĩ thánh chiến thời Trung cổ, tự hành xác đến kiệt quệ nhưng không ngần ngại nhúng tay vào máu để giành quyền lực tinh thần, để tạo dựng nước Chúa, đưa hình thức thống trị của đấng siêu nhiên áp đặt lên cõi nhân gian; về những hiệp sĩ Đền Thánh thiện chiến thà bỏ thây trên chiến trường chống quân ngoại đạo chứ không chịu chết già trên giường ấm nệm êm, họ quan niệm nếu vì Chúa mà bị giết hay đi giết người thì cũng không có tội, hơn thế nữa đó còn là niềm vinh hạnh cao nhất trên đời. May mắn làm sao lúc ấy Settembrini không có mặt ở đó để nghe những lời này! Nếu không hẳn ông ta đã lại đóng vai ông già quay đàn thùng tấu lên điệu nhạc hòa bình để phá rối họ - mặc dù bản thân ông ta chẳng hề khước từ một cuộc chiến tranh nhân danh lòng ái quốc và văn minh tiến bộ chống lại triều đình Vienna, và Naphta sẽ không bỏ lỡ cơ hội công kích yếu điểm này của ông văn sĩ bằng những lời lẽ nhạo báng cay độc nhất. Chừng nào ông người Ý còn ôm ấp thứ tình cảm ái quốc mù quáng như thế, thì ông ta, Naphta, sẽ xung trận cùng một liên minh toàn người Cơ Đốc giáo và công dân quốc tế, những người nhận bất kỳ nước nào hay chẳng nước nào là Tổ quốc của mình và sẵn sàng xả thân chống lại tinh thần quốc gia hẹp hòi, rồi ông ta trích dẫn những lời đanh thép của một vị tổng quyền dòng tu của mình tên gọi Nickel rằng, lòng ái quốc là “dịch hạch và cái chết tất yếu của tư tưởng nhân đạo Cơ Đốc giáo”.
Nên biết rằng Naphta gọi lòng ái quốc là dịch hạch hoàn toàn chỉ vì muốn đề cao tinh thần diệt dục - bởi đối với ông ta khái niệm này đại diện cho tất cả, đối với ông ta chẳng có cái gì trần tục lại không đi ngược lại lợi ích của sự diệt dục và nước Chúa! Không chỉ tình cảm gia đình và tình yêu Tổ quốc làm hại đến những điều này, mà cả sức khỏe và cuộc sống: ông ta phê phán hết sức gay gắt mỗi khi ông văn sĩ giở giọng ca tụng hòa bình và hạnh phúc, rằng những thứ ông kia ca ngợi chỉ là tình yêu xác thịt, amor carnalis[321], là tính ham hưởng thụ, commodorum corporis[322], và bảo thẳng vào mặt ông kia rằng những thói tiểu tư sản vô tín ngưỡng ấy chẳng quan hệ quái gì tới cuộc sống và sức khỏe.
Đó là cuộc tranh cãi lớn nổ ra một ngày khá lâu sau lễ Giáng sinh, trong một chuyến dạo chơi lội tuyết đến “Phố” và quay trở lại, nảy sinh từ những bất đồng quan điểm giữa các nhân vật quen biết của chúng ta và không thiếu mặt một ai: Settembrini, Naphta, Hans Castorp, Ferge và Wehsal - người nào cũng gây gây sốt, hết sức kích động và choáng váng vì vừa đi vừa tranh cãi trong tiết trời băng giá, ai cũng rùng mình liên tục và, dù là giữ vai trò chủ đạo như Naphta và Settembrini hay chỉ lắng nghe và lâu lâu đóng góp một câu như mấy người còn lại, cả bọn đều hăng say đến nỗi chốc chốc lại dừng bước giữa đường khoa tay múa chân giành nhau nói và cản trở những khách bộ hành khác, khiến những người xa lạ vô can ấy phải vòng sang hai bên vệ đường tránh, đôi khi cũng có người đứng lại trố mắt lắng nghe các lý lẽ kỳ quái của họ.
Đúng ra thì câu chuyện khởi đầu từ Karen Karstedt, cô Karen tội nghiệp với những đầu ngón tay bị rò và vừa mới chết chưa được bao lâu. Hans Castorp không biết chuyện cô bé bỗng nhiên trở bệnh nặng rồi qua đời, nếu không hẳn chàng đã vì tình đồng đội mà đi dự đám tang cô bé - chưa kể đến cảm tình vốn có chàng dành cho tang lễ. Nhưng sự kín đáo tế nhị thông thường ở đây khiến chàng biết chuyện khi đã quá muộn và cô bé đã chuyển sang tư thế nằm ngang vĩnh viễn trong khu vườn của vị thiên thần có chỏm mũ bằng tuyết đội lệch trên đầu. Requiem aeternam[323]... Chàng ngỏ vài lời thương mến tưởng nhớ cô bé, khiến ông Settembrini có cơ hội mỉa mai việc làm từ thiện của chàng lúc trước, những cuộc viếng thăm Leila Gerngroß, cậu Rotbein với bộ óc thương gia không lúc nào ngừng tính toán, bà Zimmermann đầy tràn, người con trai huênh hoang của ‘Tous-les-deux’ và bà Natalie von Mallinckrodt chịu nhiều đau khổ, thậm chí ông ta còn mỉa mai nhắc đến cả những bó hoa đắt tiền chàng kỹ sư mua tặng cho cái đám người lố bịch ấy để tỏ lòng tận tâm của mình. Hans Castorp lưu ý ông ta rằng, những người được nhận cử chỉ quan tâm chăm sóc của chàng, trừ hai ngoại lệ là bà von Mallinckrodt và cậu nhỏ Teddy, thảy đều đã từ giã cõi đời vì một căn bệnh nan y, và Settembrini vặn lại rằng, chẳng lẽ điều đó làm cho họ đáng kính trọng hơn hay sao. Rốt cuộc thì, Hans Castorp cãi, người ta cũng có thể theo tinh thần nhân đạo Cơ Đốc giáo tỏ lòng tôn trọng nỗi khổ đau được chứ. Và trước khi Settembrini kịp lên tiếng quở mắng chàng thì Naphta xen vào giảng giải về hiện tượng lòng nhân đạo được thể hiện một cách cuồng tín và thái quá ở thời Trung cổ, về những trường hợp xả thân phục vụ người bệnh đến mức quái gở: con vua cháu chúa cúi mình hôn lên những vết lở loét của người cùi, cố ý để cho mình lây bệnh và còn gọi những ung nhọt mọc lên trên người mình là những đóa hoa hồng của thượng đế, uống cả nước rửa vết thương đầy máu mủ của người bệnh rồi tuyên bố rằng trong đời mình chưa bao giờ được thưởng thức món đồ giải khát nào ngon đến thế[324].
Settembrini làm bộ muốn ói. Không phải sự ghê tởm về mặt thể xác của những hình ảnh và tưởng tượng ấy khiến ông ta lộn mửa, ông ta giải thích, mà là sự cuồng tín đến điên loạn thể hiện qua quan niệm nhân đạo kiểu này. Và ông ta vươn thẳng người lấy tư thế ung dung tự tại, thao thao bất tuyệt giảng về các hình thức chăm nom nhân đạo và tiến bộ của thời đại mới, các biện pháp tuyên truyền vệ sinh, cải cách xã hội và những thành quả của y học hiện đại đã đẩy lùi dịch bệnh, xóa sạch những hình ảnh kinh hoàng nọ.
Những trò hề tiểu tư sản hào nhoáng ấy, Naphta đập lại, chẳng được tích sự gì nhiều trong những thế kỷ ông ta đề cập tới, thậm chí còn có hại cho cả hai phía: đối với người bệnh khốn cùng cũng như người khỏe giàu sang, những người hành động không phải vì lòng thương hại mà muốn thông qua việc làm từ thiện để đạt tới sự cứu rỗi linh hồn. Bởi với những cải cách xã hội thành công người này sẽ mất đi lý do chính đáng để nhận sự giúp đỡ và người kia bị cướp đoạt sứ mạng cao cả của mình. Vì vậy sự có mặt của nghèo đói và bệnh tật phù hợp với quyền lợi cả đôi bên, và nhận thức ấy sẽ còn tồn tại chừng nào quan điểm tôn giáo thuần túy còn được giữ vững.
Một quan điểm bẩn thỉu, Settembrini tuyên bố, và một nhận thức quá ngu ngốc đến nỗi lên tiếng phản bác gần như là một sự hạ mình đối với ông ta. Vì ý tưởng về “sứ mạng cao cả” cũng như cái điều ông kỹ sư không dám tự mình nói ra mà phải mượn “tinh thần nhân đạo Cơ Đốc giáo” chỉ là một trò ảo thuật, một sự tự lừa dối bản thân, một trực giác thiếu sót, một sai lầm tâm lý. Lòng thương hại mà người khỏe dành cho người bệnh và tự thổi phồng lên đến mức sùng kính - vì bản thân anh ta chẳng biết mình làm sao mà chịu đựng nổi bấy nhiêu đau khổ nếu ở vào hoàn cảnh của kẻ bệnh tật kia - lòng thương hại ấy đã bị cường điệu một cách quá quắt, hoàn toàn không phù hợp với người bệnh và thực ra chỉ là kết quả của suy nghĩ và tưởng tượng lệch lạc mà người khỏe gán cho người bệnh khi anh ta thử hình dung rằng người bệnh cũng như một người khỏe phải chịu những nỗi thống khổ của bệnh tật. Thật là một nhầm lẫn tai hại. Người bệnh là người bệnh, với những tố chất và cảm thụ riêng; bệnh tật đã biến đổi anh ta đến mức con người và bệnh tật có thể sống hòa thuận cùng nhau, cơ thể anh ta đã tự hình thành những cơ chế tự vệ để giảm thiểu nỗi đau đớn, thậm chí cả những cơn bất tỉnh cũng có tác dụng như một hình thức gây mê nhân đạo, một biện pháp thích nghi và xoa dịu của tự nhiên, tất cả những điều đó người khỏe đã quên không tính tới. Minh họa sinh động nhất là cái đám người bệnh phổi ở trên này và tính nhẹ dạ, ngu xuẩn, dâm đãng của họ, đã thế lại còn không một chút cố gắng để phục hồi sức khỏe. Tóm lại, nếu con người khỏe mạnh đáng kính giàu lòng thương người kia mà mắc bệnh và tự mình không còn khỏe nữa thì anh ta sẽ thấy bệnh tật đúng là có những nét đặc trưng nhưng không có gì là khả kính, và anh ta đã quan trọng hóa nó một cách quá mức khi còn khỏe mạnh.
Tới đây Anton Karlovitsch Ferge phẫn nộ lên tiếng bênh vực cơn sốc phế mạc của mình và phản đối thái độ thiếu tôn trọng đối với nó. Sao, cái gì, quan trọng hóa quá mức cơn sốc phế mạc của ông ta? Xin lỗi đi, và xin cám ơn! Cục yết hầu to tướng của ông ta chạy lên chạy xuống, bộ ria mép rậm rạp xù ra, ông ta to tiếng cấm ngặt mọi biểu hiện coi thường những điều ông ta phải trải qua. Ông ta chỉ là một người tầm thường, một nhân viên bảo hiểm lưu động, và tất cả những gì cao siêu đều xa lạ đối với ông ta - bản thân cuộc trò chuyện này cũng đã vượt quá tầm hiểu biết của ông ta rồi. Nhưng nếu như ông Settembrini có ý định gộp chung cả cơn sốc phế mạc vào những điều ông ta vừa trình bày - cả cảm giác nhột nhạt như trong địa ngục với mùi diêm sinh nồng nặc và cơn bất tỉnh ba màu - thì xin lỗi đi! Bởi vì trong đó không hề có một tí ti dấu vết nào của giảm thiểu và gây mê nhân đạo một cách tự nhiên và sai lầm của trí tưởng tượng; mà ngược lại đó là điều chó má kinh tởm nhất dưới gầm trời, và ai còn chưa tự mình trải qua như ông ta đây, người đó không thể biết được nó ghê rợn đến mức độ nào...
Chà chà, ông Settembrini chặc lưỡi, cơn sốc phế mạc của ông Ferge càng ngày càng trở nên ly kỳ hấp dẫn hơn, có thể bảo rằng nó đã thành một vòng hào quang huyền diệu bao bọc lấy ông Ferge. Ông ta, Settembrini, khinh bỉ thứ bệnh tật đòi hỏi sự quan tâm chú ý của kẻ khác. Bản thân ông ta cũng mắc bệnh, bệnh nan y chứ chẳng phải chơi; nhưng ông ta không hề có ý định làm mình làm mẩy mà thậm chí còn hổ thẹn vì bệnh tật của mình. Hơn nữa, ông ta chỉ bàn về bệnh tật nói chung, bàn một cách triết lý mà thôi, và những nhận định của ông ta về sự khác biệt giữa thực tế khách quan và cảm giác của người bệnh cũng như người khỏe là hoàn toàn có cơ sở, các quý vị chỉ cần liên hệ tới những trường hợp mắc bệnh thần kinh, ví dụ như thần kinh hoang tưởng chẳng hạn. Nếu như một trong những người bạn đồng hành với ông ta đây, ông kỹ sư hay cũng có thể là ông Wehsal, tối nay về phòng bỗng thấy ông cụ thân sinh đã quá cố của mình đứng trong một xó và cất tiếng dạy dỗ mình - đó hẳn phải là một sự kiện ghê gớm lắm đối với quý vị, một trải nghiệm vô cùng kinh khủng làm quý vị hoảng loạn tinh thần và nghi ngờ chính những giác quan của mình, có thể khiến quý vị ngay lập tức dọn ra khỏi phòng để vào điều trị trong một bệnh viện thần kinh. Hay là không phải thế? Nhưng điều đáng nói ở đây là, các quý ông chẳng thể nào gặp một sự kiện tương tự, vì các quý ông không mắc bệnh tâm thần. Còn nếu như các ông thấy hiện tượng ấy, thì có nghĩa là các ông không còn khỏe mạnh nữa mà đã bị bệnh, và các ông sẽ không xử sự như một người khỏe mạnh, có nghĩa là: các ông sẽ không hoảng sợ và tự nguyện đi điều trị, mà sẽ coi hiện tượng ấy như một điều hết sức bình thường và bắt đầu trò chuyện với bóng ma, giống như tất cả những người bệnh thần kinh hoang tưởng khác; và các ông sẽ lại tin rằng sự hoảng hốt do bóng ma gây ra chỉ là một sai lầm tưởng tượng của những người không mắc bệnh.
Ông Settembrini nói một cách rất dí dỏm và đầy hình tượng, nhất là đoạn ông cụ thân sinh đứng trong xó nhà. Ai cũng phải bật cười, cả ông Ferge, mặc dù ông ta vẫn phật ý về nỗi có người dám coi thường cuộc phiêu lưu địa ngục của ông ta. Ông văn sĩ về phần mình khéo léo lợi dụng không khí vui nhộn chung để tiếp tục giảng giải và tuyên truyền cho sự nhầm lẫn của người bệnh hoang tưởng cũng như người mắc tất cả các chứng bệnh tâm thần khác; những người này, ông ta khẳng định, đã mắc sai lầm tự buông thả mình một cách thái quá, bởi vì theo nhận định của ông ta trong một vài lần vào thăm bệnh viện tâm thần thì họ hoàn toàn có khả năng kiểm soát sự điên dại của mình. Hễ thấy bác sĩ hay một người lạ đặt chân lên ngưỡng cửa là người bệnh ngừng nhăn nhó, lảm nhảm hay hoa tay múa chân và cư xử một cách bình thường, cho tới khi người kia đi khỏi và cảm thấy không còn bị theo dõi nữa thì anh ta lại tiếp tục những hành vi quái lạ lúc trước. Không còn nghi ngờ gì nữa, điên dại cũng có nghĩa là buông thả một cách tuyệt đối, trong nhiều trường hợp bằng cách ấy người bệnh tìm cách lẩn tránh những nỗi đau khổ lớn vượt quá sức chịu đựng của mình, đó là một hình thức tự vệ của người yếu đuối trước những ngọn đòn số phận, vì anh ta linh cảm thấy mình không thể đứng vững được với đầy đủ ý thức và các giác quan. Điều ấy hiển nhiên đến nỗi có thể nói không ai là không thấy, và ông ta, Settembrini, chỉ bằng ánh mắt nghiêm nghị và thái độ cứng rắn không khoan nhượng của mình đã giúp một số người điên dừng những trò hề của họ và tỉnh táo trở lại chí ít là trong chốc lát.
Naphta cười nhạo báng, trong khi Hans Castorp vội vàng khẳng định lòng tin tưởng tuyệt đối của mình vào tính chính xác trong từng lời nói của ông Settembrini. Chỉ cần tưởng tượng cái cảnh ông văn sĩ nghiêm khắc chiếu tướng một người điên bằng ánh mắt không khoan nhượng và nụ cười thâm thúy dưới hàng ria mép uốn cong là chàng hình dung ra ngay con người mất trí tội nghiệp ấy phải cố gắng đến nhường nào để khôi phục ý thức và sự sáng suốt tinh thần, mặc dù có lẽ trong thâm tâm anh ta vẫn rủa thầm ông Settembrini là lão già quay đàn thùng chuyên phá thối... Nhưng cả Naphta cũng đã vào thăm bệnh viện tâm thần, ông ta nhớ có lần ở “Khoa rối loạn tâm thần nặng” trong một bệnh viện như thế đã chứng kiến những cảnh mà, lạy Chúa, ánh mắt nghiêm khắc không khoan nhượng của ông Settembrini và luân thường đạo lý chẳng có tí ký lô nào, những cảnh tượng như hình ảnh minh họa địa ngục của Dante, hiện thân của đau đớn rùng rợn không lời nào tả xiết: những người điên trần trùng trục ngồi trong bồn tắm như hóa đá ở mọi tư thế diễn tả trạng thái kinh hãi và bấn loạn tinh thần đến cùng cực, một vài người còn cất tiếng hú sởn tóc gáy, những người khác tay giơ cao miệng há hốc phát ra những tiếng cười khô khốc không còn chút tính người mà như hòa trộn mọi yếu tố cấu thành địa ngục...
“A ha”, ông Ferge hài lòng thốt lên trong lúc tự cho phép khơi dậy trong ký ức tiếng cười của chính mình khi rơi vào trạng thái bất tỉnh trong cơn sốc phế mạc.
Và tóm lại, phương pháp sư phạm không khoan nhượng của ông Settembrini chắc chắn sẽ phải chào thua trước những gương mặt méo mó của “Khoa rối loạn tâm thần nặng”, ở đó tâm trạng e sợ đầy thành kính có lẽ sẽ ngàn lần nhân đạo hơn thái độ kiêu căng hợm hĩnh mà vị Hiệp sĩ thái dương và Đại giáo chủ Tam Điểm[325] của chúng ta ưa dùng làm vũ khí chống lại bệnh mất trí.
Hans Castorp không có thời gian ngẫm nghĩ lâu về cái danh hiệu mới Naphta vừa tặng cho ông Settembrini. Chàng chỉ kịp tự nhủ, mình nhất định sẽ phải tìm hiểu thêm khi có dịp. Lúc bấy giờ tâm trí chàng còn bị thu hút hoàn toàn vào cuộc tranh luận; Naphta đang phân tích những khuynh hướng chung khiến ông văn sĩ ca tụng sức khỏe và không tiếc lời phỉ báng hạ thấp bệnh tật. Tất nhiên, Naphta bảo, ông ta cũng ghi nhận một điều là trong quan điểm này bộc lộ một sự quên mình đáng khen ngợi, vì chính ông Settembrini cũng mang bệnh trong người. Nhưng quan điểm của ông ta, dù có cao quý khác thường cũng không tránh khỏi thiếu sót, dựa trên thái độ trân trọng và sùng bái thân thể, một sự tôn trọng chỉ có thể lý giải được khi thân thể còn ở trạng thái ban đầu khi mới được Chúa tạo ra chứ không phải trong tình trạng xuống cấp hiện nay, in statu degradationis[326]. Là một tạo vật đáng ra bất tử, bị giáng cấp vì tội tổ tông thân thể trở thành nạn nhân của sa đọa và bỉ ổi, làm mồi cho cái chết và thối rữa, chẳng khác gì cái xà lim giam giữ linh hồn và chỉ đáng để người ta hổ thẹn vì nó, pudoris et confusionis sensum[327], như Thánh Ignatius từng dạy.
Sử sách còn ghi vĩ nhân Plotinus cũng từng có cảm giác này, Hans Castorp kêu lên. Nhưng ông Settembrini đã vung tay quá đầu yêu cầu chàng đừng bỏ chung các quan điểm thập cẩm ngũ vị vào trong một rọ và tốt hơn hết chỉ nên ngậm miệng lắng nghe mà thôi.
Trong lúc ấy Naphta dẫn dắt thái độ sùng kính mà Cơ Đốc giáo thời Trung cổ dành cho những đau đớn thể xác ra khỏi sự đồng tình về tín ngưỡng đối với cảnh nhục hình. Bởi những ung nhọt của cơ thể không chỉ thể hiện tình trạng suy sụp của sức khỏe mà còn tương ứng với mức độ bị đầu độc của linh hồn, những đau đớn dày vò về thể xác lại khơi gợi cảm giác an ủi và thỏa mãn lớn về mặt tinh thần - thân thể tốt tươi chỉ là hình ảnh lừa dối, lương tâm chỉ là tiếng nói của lòng tự ái, và việc chối bỏ nó bằng cách hạ mình trước bệnh tật mang lại cho người ta sự thỏa mãn tột đỉnh. Quis me liberabit de corpore mortis hujus[328]? Ai sẽ giải thoát ta khỏi tấm thân chết chóc này? Đó là tiếng gọi của tinh thần, tiếng nói vĩnh hằng của nhân loại đích thực.
Không đời nào, đó là tiếng kêu của bóng đêm - theo quan điểm của ông Settembrini, được trình bày hết sức truyền cảm - tiếng nói của một thế giới chưa biết đến ánh sáng mặt trời trí tuệ và nhân đạo. Phải, mặc dù cơ thể ông ta nhiễm độc, nhưng ông ta vẫn giữ được một tinh thần sáng suốt và lành lặn đủ để hào hoa giương mũi giáo đấu tranh phê bình quan điểm sặc mùi cố đạo của ông Naphta về thể xác và để hài hước hạ bệ linh hồn. Ông ta đi xa tới mức biểu dương thân thể con người là đền thờ đích thực của đấng tối cao, đáp lại Naphta tuyên bố cái đám tế bào bầy nhầy ấy chỉ là tấm màn ngăn cách giữa chúng ta và cõi vĩnh hằng, hậu quả là ông Settembrini cấm ngặt ông kia từ nay về sau không được nhắc đến hai chữ “nhân loại” nữa - vân vân và vân vân.
Họ đi đầu trần, mặt cứng đờ vì lạnh, chân mang ủng cao su lúc đạp lạo xạo lên lớp tuyết rải tro trên vỉa hè, lúc thọc sâu vào đống tuyết đùn cao hai bên vệt bánh xe chạy trên đường: Settembrini với chiếc áo khoác mùa đông muôn thuở, lớp lông viền ngoài cổ áo và cửa tay đã rụng trụi thùi lụi, nhưng do ông ta biết cách khoác lên mình một cách đầy tự trọng nên vẫn không kém phần thanh lịch; Naphta trong một tấm áo măng tô đen kín cổ dài đến chân, nhìn bề ngoài không thể biết được là bên trong lót lông ấm từ trên xuống dưới. Hai con người ấy gân cổ cãi nhau về các vấn đề có tính nguyên tắc bằng giọng gay gắt cứ như thể đang bảo vệ những quyền lợi thiết thực nhất của mình, không nói thẳng với nhau lại cứ nhè Hans Castorp ra mà nói và trong khi trình bày ý kiến chỉ hất đầu hay chĩa ngón tay cái về phía đối phương. Chàng trai trẻ bị kẹp giữa hai người, hết quay đầu sang trái lại quay sang phải tán thưởng người này đã rồi người kia, thỉnh thoảng dừng bước, nửa người trên hơi ngả ra phía sau, hai bàn tay bọc kín trong đôi găng da dê khua khoắng minh họa cho một ý kiến của riêng mình, tất nhiên chỉ là một đóng góp rất khiêm tốn mà thôi. Trong khi ấy Ferge và Wehsal lượn ở vòng ngoài, lúc đằng trước lúc đằng sau, có lúc lại dàn thành hàng ngang mà đi cho đến khi hàng ngũ của họ bị dòng giao thông trên đường phá vỡ.
Bị cuốn theo những nhận xét ngoài lề, cuộc tranh luận đã chuyển sang các đối tượng cụ thể hơn, lần lượt nhảy cóc từ hỏa táng sang hành xác, tra tấn và tử hình. Ferdinand Wehsal là người đưa đề tài nhục hình ra nói, hồi hộp và say mê ra mặt, như Hans Castorp thầm nhận xét. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ông Settembrini lớn tiếng viện dẫn nhân phẩm con người để phản đối biện pháp trừng phạt sai trái cả về mặt giáo dục lẫn về mặt luật pháp này - trong khi ấy, mặc dù cũng có thể đoán trước được nhưng người nghe vẫn bị bất ngờ vì những lý lẽ thô bạo đến trắng trợn Naphta dùng để bênh vực nhục hình. Theo ý ông ta lảm nhảm về nhân phẩm con người ở đây thì thật dở hơi, bởi nhân phẩm đích thực của chúng ta nằm ở tinh thần chứ đâu phải ở thể xác, và vì linh hồn con người có khuynh hướng ưa hút khoái lạc chỉ từ thể xác nên có thể coi những đau đớn người ta gây ra cho tấm thân là một biện pháp tốt để dập tắt ham muốn nhục dục, xua đuổi niềm say mê ra khỏi cơ thể và dồn về cho tinh thần, để tinh thần giành lại vị trí bá chủ của mình. Coi biện pháp trừng phạt bằng nhục hình như một điều xấu xa đặc biệt đáng bị lên án, đó là một sự phê bình dốt nát. Thánh nữ Elisabeth[329] đã bị đánh đến khi tóe máu bởi cha xưng tội của mình, Konrad von Marburg, để, như sự tích các Thánh chép, cho “hồn vía” bà ta “bong ra” và bay lên “đến ba tầng trời”; bản thân nữ thánh cũng đã vụt hèo vào một người đàn bà già nua tội nghiệp lỡ ngủ gật trong khi xưng tội. Chẳng lẽ có thể cả gan phê phán hình thức sám hối bằng tự hành xác mà thành viên các dòng tu, các giáo phái cũng như vô số vĩ nhân thường xuyên thực hành để củng cố nguyên tắc tinh thần cho chính mình, và coi nó là dã man, vô nhân đạo? Việc dùng pháp luật bãi bỏ nhục hình ở các nước tự xưng là văn minh và gọi đó là một bước tiến bộ thực sự, niềm tin ấy càng dai dẳng thì chỉ càng thêm nực cười mà thôi.
Chà, Hans Castorp bảo, ở đây phải chấp nhận rằng trong cặp đối ngẫu thể xác và tinh thần thì không còn nghi ngờ gì nữa, thể xác là hiện thân của cái ác, của ma quỷ... Ha ha, thể xác mà là hiện thân thì đúng quá, hợp tự nhiên quá rồi còn gì, hay thật! Và tự nhiên, trong mối quan hệ đối lập với tinh thần, với trí tuệ, rõ ràng cũng là đại diện cho cái ác - có thể nói là ác một cách huyền bí, nếu không sợ mang tiếng khoe khoang học vấn và kiến thức. Dựa trên quan điểm này muốn chữa bệnh cho cơ thể một cách hiệu quả thì phải áp dụng những biện pháp điều trị theo nguyên tắc tương tự, tức là - nếu không sợ mang tiếng khoe khoang lần nữa - cũng phải độc ác và huyền bí như vậy. Giả sử hồi đó, khi ông Settembrini vì sự yếu đuối xác thịt không dám đi dự hội nghị bàn về tiến bộ ở Barcelona mà được Thánh nữ Elisabeth hiện ra phù hộ thì hay biết mấy...
Mọi người phá lên cười, và vì ông văn sĩ dợm nhảy lên phản đối nên Hans Castorp vội lấp liếm bằng cách kể lại chuyện hồi nhỏ chính mình bị ăn đòn như thế nào: trong trường trung học của cậu bé Hans thời ấy hình phạt này vẫn có lúc được áp dụng ở những lớp dưới, thường là đánh bằng roi ngựa. Mấy ông thầy vì nể nang địa vị xã hội của gia đình nó nên không trực tiếp ra tay, vậy là lần ấy nó bị một đứa học trò to khỏe, một thằng lớn hơn nó cả cái đầu quật rất ác, cứ nhằm đùi và ống chân, những chỗ chỉ được che chở bởi một lớp tất mỏng mà vụt. Những ngọn đòn ấy đau một cách dã man, nhục nhã, không thể nào quên, có thể bảo là “huyền bí”, khiến nước mắt nó tuôn ra như suối và chuỗi nấc nghẹn ngào không muốn dứt vì nỗi tức giận điên cuồng và cảm giác đau đớn bất lực - xin ông Wehsal thứ lỗi[330]. Và Hans Castorp đã đọc được ở đâu đó rằng những tên tội phạm ghê gớm cướp của giết người khi bị phạt hèo trong nhà tù cũng khóc như trẻ con.
Ông Settembrini đưa cả hai bàn tay đi găng da mòn vẹt lên che mặt, Naphta ngược lại cất giọng lạnh lùng nghiêm khắc hỏi rằng, làm sao cải tạo được đám tội phạm ngoan cố kia nếu không dùng đến roi vọt, những dụng cụ hoàn toàn có thể coi là đúng chỗ ở đây. Một nhà tù nhân đạo là một thỏa hiệp nửa nạc nửa mỡ về thẩm mỹ, và ông Settembrini, mặc dù không ngớt lời ca ngợi cái đẹp nhưng kỳ thực lại tỏ ra chẳng hiểu quái gì về cái đẹp. Còn trong lĩnh vực sư phạm, cứ theo lời Naphta thì theo định nghĩa của những kẻ chủ trương dẹp bỏ biện pháp giáo dục bằng đánh đập khái niệm nhân phẩm có nguồn gốc từ chủ nghĩa cá nhân tự do tiểu tư sản, từ thời đại nhân văn khai sáng, từ việc đề cao đến mức tuyệt đối cái tôi - những thứ đang trên đà diệt vong để nhường chỗ cho các ý tưởng xã hội mới cứng rắn hơn, những liên kết và thích nghi, cưỡng chế và phục tùng, mà để biến nó thành hiện thực chúng ta cần bạo lực tối cao, khi ấy cả việc hành xác cũng phải nhìn nhận bằng con mắt khác.
“Té ra khái niệm phục tùng như xác chết có nguồn gốc từ đây!” Settembrini nhạo báng; Naphta quật lại rằng, Chúa đã giáng họa bắt chúng ta phải chịu nỗi nhục mang tấm thân thối rữa để trừng phạt tội lỗi của loài người, và nếu thân xác ấy phải lãnh vài hèo thì rốt cục cũng chẳng có gì là ghê gớm - thế là người ta rơi vào chủ đề hỏa thiêu xác chết.
Settembrini hết lời ca ngợi biện pháp này. Nhờ nó chúng ta tránh được cái nạn đi ngủ với giun, ông ta hân hoan nhận xét. Nhân loại đang trên đà phát triển để loại trừ nỗi nhục ấy, để đạt được mục tiêu của mình với các động cơ hành động lý tưởng. Và ông ta tiết lộ mình có tham dự vào việc chuẩn bị một cuộc hội nghị quốc tế về hỏa táng sắp tới sẽ được tổ chức ở Thụy Điển. Người ta dự tính đưa ra triển lãm một cơ sở hỏa thiêu kiểu mẫu phù hợp với tất cả kinh nghiệm thu thập được trong lĩnh vực này từ trước tới giờ, một khu quần thể kiến trúc bao gồm cả nơi tàng trữ tro cốt, nơi người ta được phép áp dụng và phát huy mọi sáng kiến trang trí khác thường nhất. Hình thức mai táng dưới lòng đất đã tỏ rõ tính lỗi thời, cổ hủ của nó trong hoàn cảnh thời đại mới: sự phát triển không ngừng của đô thị, đất đai chật hẹp khiến các nghĩa trang bị đẩy dần ra ngoài ngoại ô, giá đất ngày càng tăng, việc sử dụng các phương tiện giao thông hiện đại khiến tang lễ chẳng còn gì là thành kính trang nghiêm! Ông Settembrini rất biết mô tả một cách đầy hình ảnh sự xuống cấp tinh thần này. Ông ta vẽ ra chân dung người đàn ông góa vợ ngày ngày còng lưng lê bước ra mộ người quá cố ngồi khấn vái giãi bày tâm sự, không quên nhận xét rằng, con người chung thủy ấy trước hết phải có cái may mắn thừa thãi thời gian, thứ tài sản quý giá nhất của cuộc sống; sau nữa hoạt động tấp nập của một nghĩa trang lớn thời hiện đại chắc chắn sẽ khiến ông ta dần dà cảm thấy lạc lõng với những tàn dư tình cảm ủy mị của mình. Trong khi ấy thiêu hủy tử thi bằng ngọn lửa là một phương pháp thanh tịnh, vệ sinh và trang trọng biết bao, một hình ảnh hào hùng nếu đem so với mai táng, khi thân thể con người phải trải qua một quá trình thối rữa và phân rã thảm hại trong mộ, làm mồi cho đủ các loại sinh vật cấp thấp! Không những thế, với phương pháp mới này tâm hồn còn được thỏa mãn một nhu cầu rất nhân bản, nhu cầu về sự trường tồn. Vì chỉ có thành phần không bất biến của cơ thể là bị thiêu hủy trong ngọn lửa, đó là cái phần khi cơ thể còn sống đã phụ thuộc rất nhiều vào quá trình trao đổi chất; ngược lại cái phần ít tham gia nhất vào quá trình này và tồn tại trong con người gần như không thay đổi kể từ lúc trưởng thành, cái phần ấy không mất đi mà trở thành tro bụi, cùng với nó người sống giữ được những gì còn lại của người quá cố.
“Hay lắm”, Naphta bảo; ôi, đẹp đến thế là cùng. Cái phần còn lại của con người, một nắm tro.
A, thì ra ông Naphta muốn cột chặt nhân loại vào những quan niệm sai lầm trong quá khứ đối với quá trình biến đổi sinh học này, ông ta khẳng định con người vẫn còn ở bậc thang phát triển tinh thần nguyên thủy nhất, khi cái chết còn là một nỗi kinh hoàng khó hiểu, khi ánh sáng trí tuệ chưa thể xuyên qua bầu không khí huyền bí đầy mê tín bao quanh nó để soi sáng vấn đề. Thật là man rợ! Nỗi sợ cái chết phát sinh từ thời đại văn hóa thấp kém nhất, khi gần như tất cả mọi trường hợp tử vong đều do những nguyên nhân bất thường, và nỗi khủng khiếp đi đôi với ý nghĩ về sự chết đã in đậm dấu ấn lên tâm lý và tình cảm con người. Nhưng về sau nhờ sự phát triển của y học và tăng cường an ninh cá nhân cái chết tự nhiên ngày càng trở nên phổ biến, và đối với một người lao động ở thời hiện đại ý nghĩ mình sẽ chìm vào giấc ngủ ngàn thu sau khi dốc toàn bộ sức lực cống hiến cho nhân loại chẳng có gì là đáng sợ, ngược lại nó đã trở thành một sự kiện hoàn toàn bình thường và thậm chí đáng mong đợi. Không, cái chết không có gì là kinh khủng hay huyền bí, nó là một hiện tượng minh bạch, hợp tự nhiên, cần thiết và đáng hoan nghênh về sinh lý, và người ta sẽ phạm tội phí phạm cuộc sống nếu cứ chìm đắm vào việc tưởng niệm cái chết lâu hơn cần thiết. Bởi vậy mới có dự tính xây một đài hỏa táng kiểu mẫu với phòng chứa tro, “Điện thờ tử thần” hay đúng hơn là “Điện thờ sự sống”, nơi kiến trúc, hội họa, điêu khắc, âm nhạc và nghệ thuật hòa hợp với nhau để tìm ra ý nghĩa của sự sống trong cái chết, để hướng nỗi đau khổ và thương tiếc vào những điều tốt đẹp trong đời...
“Hãy sống gấp!” Naphta châm chọc. “Đừng để tang lâu quá mức cần thiết, đừng tưởng nhớ làm gì một sự kiện quá đỗi tầm thường, mà nếu không có nó thì chẳng có cả kiến trúc lẫn hội họa, lẫn điêu khắc, âm nhạc hay nghệ thuật!”
“Đào ngũ để nhập ngũ”, Hans Castorp mơ màng lẩm bẩm.
“Sự tối nghĩa trong lời phát biểu của ông, ông kỹ sư”, Settembrini quở, “không che giấu được sự đáng trách của nó. Cái chết rốt cuộc phải là một sự kiện của cuộc sống, nếu không nó chỉ là ma quỷ.”
“Người ta có trang trí “Điện thờ sự sống” bằng những biểu tượng tục tĩu không, giống như hình vẽ trên các quan tài thời cổ đại ấy?” Hans Castorp nghiêm túc hỏi.
Kiểu gì thì đó cũng sẽ là một bữa tiệc của các giác quan, Naphta khẳng định. Người ta sẽ tạc tượng đá hoa cương và vẽ tranh sơn dầu vẻ đẹp cổ điển của tấm thân tội lỗi mà thịt da được cứu thoát khỏi số phận thối rữa dưới mồ, chẳng có gì là lạ nếu người ta trìu mến không muốn cho ngọn roi chạm vào nó...
Tới đây Wehsal nhảy sang chủ đề tra tấn, vẻ hăm hở lồ lộ trên nét mặt. Hình thức hỏi cung bằng tra tấn - không biết các quý ông nghĩ gì về điều này. Bản thân gã, Ferdinand, vẫn hay tranh thủ cơ hội thuận tiện trong các chuyến công du để ghé thăm những xó xỉnh kín đáo trong các trung tâm văn hóa cổ, nơi có thời biện pháp thức tỉnh lương tâm này được ưa dùng. Gã đã thăm thú hầm tra tấn ở Nürnberg, ở Regensburg, đã quan sát tỉ mỉ từng đồ vật ở đó để mở mang kiến thức. Nếu không đến tận nơi thì không thể hình dung ra được người ta đã vì lợi ích của linh hồn mà nghĩ ra những phương thức đối xử với cơ thể đặc sắc đến mức nào. Và tế nhị đến độ không để lọt ra ngoài một tiếng kêu rên. Người ta tọng một quả lê vào cái miệng há hốc của kẻ tội đồ - cái quả lê nổi danh ấy không ngon miệng chút nào - và thế là im lặng ngự trị trong khi công việc được tiến hành...
“Porcheria[331]”, Settembrini lẩm bẩm.
Ferge tỏ ra khâm phục quả lê cũng như toàn bộ công việc được tiến hành trong im lặng. Nhưng chắc chắn thời đó không ai có thể nghĩ ra được cái gì độc địa hơn việc rờ rẫm màng phổi đâu.
Và người ta làm thế với mục đích cứu vớt đấy!
Ngoan cố và bất công có thể lý giải phần nào cho thái độ nhẫn tâm nhất thời ấy. Nhưng nguyên do chủ yếu nằm ở chỗ, tra tấn là kết quả của sự tiến bộ về trí tuệ.
Trí tuệ ông Naphta không còn sáng suốt nữa rồi.
Hừ, ông ta vẫn còn minh mẫn lắm. Ông Settembrini là người duy mỹ, chỉ biết tôn thờ cái đẹp, rõ ràng ông ta không nắm vững lịch sử hình thành luật pháp thời Trung cổ. Đó là một quá trình tiến hóa về nhận thức, dựa trên những cân nhắc thuần lý trí và dẫn đến kết quả là Chúa Trời dần dần bị loại trừ ra khỏi đời sống pháp luật. Con người mất lòng tin vào sự phán xét công bằng của Chúa, vì hằng ngày mắt thấy tai nghe cảnh phần thắng thuộc về kẻ mạnh, ngay cả khi y trái lè ra. Những người cùng một giuộc với ông Settembrini, những kẻ ưa hoài nghi, phê phán đã rút ra kết luận này và bày ra Tòa án giáo hội để thay thế cho hệ thống tư pháp còn ấu trĩ thời cổ đại, họ không muốn phó thác hoàn toàn việc xét xử vào tay Chúa nữa, mà cho rằng để tìm ra sự thật cần phải có lời thú tội của bị cáo. Không thú tội không kết án - quan niệm này cho tới ngày nay cũng vẫn còn phổ biến trong dân gian: đó là bản năng bám rễ sâu từ trong tiềm thức, mặc cho chuỗi bằng chứng có kín kẽ và thuyết phục đến mức nào, lời tuyên án vẫn bị coi là không hợp thức nếu thủ phạm không thú tội. Nhưng làm thế nào để có được lời thú tội? Làm thế nào vạch trần sự thật từ cái đám chứng cớ và nghi vấn kia? Làm sao nhìn thấu tim óc một kẻ khăng khăng chối tội và ra sức giấu giếm sự thật? Nếu tinh thần đã không có thiện chí thì chỉ còn cách nhằm vào thể xác là thứ người ta có thể tiếp cận được. Tra tấn, để đạt được lời thú tội không thể thiếu kia, là một phương pháp hợp lý và cần thiết. Cái người đòi hỏi cũng như đưa vào áp dụng phương thức xét xử dựa trên lời thú tội chính là ông Settembrini, và như thế ông ta chính là cha đẻ của tra tấn.
Ông văn sĩ xin các quý ông khác có mặt ở đây chớ có tin lập luận này. Đó là một trò ngụy biện quỷ quyệt. Nếu như mọi sự diễn ra đúng như ông Naphta dạy, nếu như lý trí quả thật là tác giả của cái điều kinh khủng ấy, thì điều đó chỉ chứng tỏ rằng lý trí thời nào cũng cần có một chỗ dựa tinh thần và trí tuệ, và những kẻ tôn thờ bản năng tự nhiên chẳng có lý do gì để mà lo sợ rằng một lúc nào đó trên trái đất có thể dư thừa lý trí! Nhưng điều đáng nói ở đây là người vừa phát ngôn luận điểm ấy đã mắc phải một sai lầm nghiêm trọng. Thứ luật pháp dã man ấy không thể quy cho là sản phẩm của lý trí, bởi vì căn nguyên của nó nằm trong tín ngưỡng của con người từ thời ăn lông ở lỗ. Hãy thử quan sát các hiện vật trong viện bảo tàng hay phòng tra tấn mà xem: những trò kìm kẹp, kéo, xiết, nhấn nước và thiêu đốt rõ ràng nảy sinh từ trí tưởng tượng mù quáng hết sức trẻ con, mong muốn bắt chước những hình phạt mà tôn giáo dạy rằng kẻ có tội sẽ phải chịu đời đời kiếp kiếp ở thế giới bên kia. Hơn thế nữa người ta tưởng bằng cách ấy mình đã gia ơn cho thủ phạm nữa chứ. Người ta cho rằng linh hồn lúc nào cũng khát khao hướng tới niềm tin, chỉ có xác thịt trên nguyên tắc đại diện cho phần xấu xa độc ác trong con người nên luôn tìm cách cưỡng lại ý muốn này. Vì vậy khi hành hạ thể xác một kẻ có tội người ta chắc mẩm rằng mình đang giúp đỡ cho linh hồn kẻ ấy. Chứng điên cuồng hành xác...
Liệu có thể bảo người La Mã cổ đại cũng mắc chứng điên cuồng ấy không.
Người La Mã cổ đại thì liên quan gì đến chuyện này? Ma che[332]!
Liên quan chứ sao không, vì họ cũng đã biết đến tra tấn như là một công cụ tư pháp.
Lý sự cùn... Hans Castorp tìm cách cứu vãn tình thế, tự tin đến ngông cuồng chàng ôm lấy trách nhiệm dẫn dắt câu chuyện và thảy vào vòng tranh cãi đề tài án tử hình. Biện pháp tra tấn đã bị bãi bỏ một cách chính thức, mặc dù mấy ông thẩm phán trên thực tế vẫn có cách xử lý đẹp bị cáo. Nhưng án tử hình thì cứ là còn tồn tại lâu dài, không thể thiếu được. Cả những dân tộc văn minh nhất cũng không chịu từ bỏ nó. Người Pháp đã có kinh nghiệm rất xấu với biện pháp lưu đày. Thật tình người ta không biết phải làm gì với một số sinh vật nửa người nửa ngợm, ngoài cách làm cho họ ngắn đi một cái đầu.
Đó không phải là “những sinh vật nửa người nửa ngợm”, ông Settembrini sửa gáy chàng; đó là những con người cũng như ông, ông kỹ sư, và như bản thân người nói đây - chỉ khác ở chỗ họ thiếu ý chí và là nạn nhân của một xã hội đầy tệ nạn. Và ông ta kể về một tên tội phạm nguy hiểm, một kẻ sát nhân, thuộc loại người thường bị các ông công tố viên khi phát biểu trước tòa gọi là “đầy thú tính” hay “con thú đội lốt người”. Con người ấy đã viết kín mấy bức tường xà lim nơi mình ngồi những vần thơ không tệ chút nào - hay hơn hẳn các tác phẩm mà một đôi khi vị công tố viên nào đó rặn ra.
Câu chuyện rọi một ánh sáng khác thường vào thơ văn, Naphta đáp. Nhưng không nhất thiết làm tăng giá trị của môn nghệ thuật này.
Hans Castorp bảo, chàng sẽ không lấy làm lạ nếu ông Naphta ủng hộ việc duy trì án tử hình. Theo ý chàng ông Naphta cũng là một nhà cách mạng như ông Settembrini, nhưng theo cái nghĩa bảo thủ hơn, một nhà cách mạng bảo thủ.
Thế giới này, ông Settembrini mỉm cười tự tin, sẽ không khó khăn gì lấy lại được trật tự ngày thường sau những biến động cách mạng phản nhân đạo. Ông Naphta thà nói xấu nghệ thuật còn hơn thú nhận rằng án tử hình là luật lệ nhục nhã nhất do con người đặt ra. Thái độ cuồng tín ấy làm sao mà thu phục được tuổi trẻ khát khao đi tìm ánh sáng. Một hiệp hội quốc tế vừa mới được thành lập với mục tiêu đấu tranh đòi bãi bỏ án tử hình ở tất cả các nước văn minh, và ông Settembrini có cái danh dự là hội viên của nó. Địa điểm diễn ra kỳ hội nghị đầu tiên còn chưa được quyết định dứt khoát, nhưng nhân loại có đầy đủ lý do để tin rằng, các diễn giả tới đó sẽ đóng góp những bài phát biểu có sức thuyết phục cao nhất! Và ông ta viện dẫn những lý lẽ có thể xuất hiện trong những bài phát biểu tương lai ấy, bao gồm cả khả năng sai lầm tư pháp dẫn đến giết chết người vô tội, cũng như phương châm không được phép loại trừ hy vọng hối cải ở tội nhân; thậm chí ông ta còn trích dẫn cả “trả thù là việc của ta”[333], và dạy dỗ rằng, nhà nước có chức năng đề cao cái đẹp chứ không phải bạo lực, và rằng không được phép lấy cái ác đáp lại cái ác; rồi ông ta vứt bỏ khái niệm ‘trừng phạt’, sau khi dựa trên cơ sở khoa học của thuyết tiền định tấn công quyết liệt khái niệm ‘tội lỗi’.
Sau đó “tuổi trẻ khát khao đi tìm ánh sáng” phải chứng kiến Naphta lần lượt bẻ cổ những lý lẽ đầy sức thuyết phục của ông Settembrini, từng cái một. Ông ta chế giễu chủ trương tránh đổ máu và tôn sùng sự sống của con người nhân đạo kia, khẳng định rằng sự tôn sùng cuộc sống của một cá nhân chỉ thuộc về những tư tưởng tiểu thị dân tầm thường nhất của xã hội nấp dưới cái ô an toàn[334], nhưng chỉ cần tâm lý hơi bị kích động, chỉ cần sự có mặt của một ý tưởng vượt lên trên sự ‘an toàn’ cá nhân, một điều gì đó trên mức cá thể - và đó là điều duy nhất xứng đáng với nhân phẩm con người, vì thế theo một nghĩa cao hơn đó mới chính là tình trạng bình thường của anh ta - thì bất kỳ lúc nào cá nhân ấy cũng sẽ không ngần ngại tình nguyện hy sinh cuộc sống của mình cho ý tưởng kia, với tất cả niềm tin họ sẽ liều chết xông lên trong chiến đấu. Lòng nhân ái của đối thủ rất đáng kính của tôi đây, ông ta bảo, nhằm mỗi một mục đích là tước bỏ những nét nặng nề và nghiêm trọng của cuộc đời; nó sẽ chỉ triệt sản cuộc sống, cả bằng thuyết tiền định với cái được gọi là cơ sở khoa học của nó. Trong khi trên thực tế ‘tội lỗi’ chẳng hề bị thuyết tiền định loại trừ mà qua đó thậm chí nó còn trở nên trầm trọng và kinh khủng hơn.
Thế cơ đấy. Chẳng lẽ ông ta đòi hỏi nạn nhân khốn khổ của xã hội phải thành thật tin rằng mình có lỗi trong mọi việc và lòng đầy tin tưởng đi lên đoạn đầu đài?
Dĩ nhiên. Kẻ phạm tội mang trong mình tội lỗi như là bản chất của hắn. Vì hắn là hắn, hắn không thể và cũng không muốn khác đi, và đó chính là tội lỗi. Ông Naphta chuyển từ kinh nghiệm thực tế sang lĩnh vực siêu hình. Trong ứng xử, trong hành động tất cả đã được an bài từ trước, ở đây không có tự do lựa chọn, nhưng trong bản chất lại khác. Con người là chính mình, như hắn ta muốn thế và cho tới lúc giã biệt cõi đời vẫn không ngừng mong muốn thế; hắn đã giết chóc để thỏa mãn tính hiếu sát và phải trả giá bằng mạng sống của mình, cái giá ấy chẳng có gì là cao. Cứ để cho hắn chết, vì hắn đã thỏa mãn được dục vọng sâu thẳm nhất của mình.
Dục vọng sâu thẳm nhất?
Sâu thẳm nhất.
Hai đối thủ hằm hằm mím chặt môi. Hans Castorp tằng hắng. Wehsal để cho hàm dưới trễ xuống. Ông Ferge thở dài. Settembrini thâm thúy:
“Như người ta thấy, có cách khái quát hóa mà lại làm cho vấn đề mang đầy màu sắc cá nhân. Ông là người hiếu sát ư?”
“Cái ấy không can hệ gì tới ông. Nhưng giả sử tôi phạm tội giết người thì tôi sẽ cười vào mũi những kẻ nhân đạo không phải lối, tận tụy đấu tranh đòi tha mạng cho tôi để mất công phục dịch đến lúc tôi chết già. Kẻ sát nhân mà lại sống lâu hơn người bị giết thì thật là vô nghĩa lý. Họ cùng tham gia vào một sự kiện, chỉ có hai người với nhau, như hai sinh linh trong một hành vi khác có ý nghĩa tương tự của con người, một kẻ chịu đựng, kẻ kia hành động, chia sẻ một bí mật vĩnh viễn ràng buộc họ với nhau. Họ thuộc về nhau.”
Ông Settembrini lạnh lùng tuyên bố rằng mình thiếu loại dây thần kinh thích hợp để cảm nhận sự thần bí chết chóc và giết chóc này, và ông ta cũng chẳng cần khả năng ấy để làm gì. Không phải ông ta chê bai năng khiếu thần học của ông Naphta - về mặt này rõ ràng ông Naphta trên tài ông ta, mặc dù thâm tâm ông ta không hề cảm thấy ganh tị tí nào. Chẳng qua một nhu cầu thôi thúc lương tâm hướng tới sự trong sạch đã giữ ông ta tránh xa vũng lầy tư tưởng kia, nơi hình phạt vô nhân tính nhất - do tuổi trẻ ưa thử nghiệm nhẹ dạ đề cập tới - được tôn vinh không phải chỉ trên khía cạnh vật chất mà tệ hại hơn nữa cả về mặt tinh thần, tóm lại đó là nơi đạo đức, trí tuệ và sức khỏe không còn chút giá trị nào, ngược lại tội lỗi và bệnh tật được đề cao đến mức không thể hiểu nổi.
Naphta khẳng định rằng đạo đức và sức khỏe đúng là không có giá trị gì về mặt tôn giáo. Sẽ tốt hơn nhiều, ông ta bảo, nếu ngay từ đầu người ta xác định được rõ rằng tôn giáo chẳng dính dáng gì đến lý trí và đạo đức. Bởi, ông ta bồi thêm, tôn giáo chẳng liên quan gì đến cuộc sống. Cuộc sống có nền tảng dựa trên các điều kiện và cơ sở một phần là nhận thức, một phần là đạo đức. Các điều kiện của cuộc sống là thời gian, không gian, quan hệ nhân quả; còn các cơ sở của nó bao gồm đạo đức và lý trí. Tất cả những điều này chẳng hề tách rời không dính líu tới tôn giáo, mà giữ vị trí đối lập và thậm chí thù địch với tín ngưỡng, bởi đó chính là cấu thành sự sống, còn được gọi là sức khỏe, chúng là tất cả những gì tối hủ lậu và thậm tiểu tư sản, mà đối cực tuyệt đối về mặt tinh thần của chúng là đời sống tâm linh. Cũng phải nói thêm rằng ông ta, Naphta, không hề có ý phủ nhận hoàn toàn khả năng tinh thần của cuộc sống vật chất. Ở đây tồn tại một dạng đời sống tinh thần tiểu thị dân mà sự tầm thường đến mức vĩ đại của nó là không thể chối cãi, một sự hủ lậu khổng lồ được tôn sùng mà người ta cần nhận rõ chân tướng: đó chính là hiện thân của chủ nghĩa vô thần, đứng ngạo nghễ xoạc cẳng, hai tay chắp sau lưng, ngực ưỡn lên phía trước.
Hans Castorp giơ ngón tay trỏ xin phát biểu như khi còn đi học. Chàng không có ý theo hay chống bên nào, chàng bảo, nhưng rõ ràng đối tượng bàn cãi của họ ở đây là tiến bộ, là văn minh nhân loại, tức là phần nào cũng là sự phát triển ý thức chính trị, là tiến bộ của nền cộng hòa hùng biện và văn minh của loài sinh vật có trí thông minh là chúng ta đây; và chàng muốn lưu ý họ rằng, sự khác biệt, hay sự đối lập giữa cuộc sống và tôn giáo theo cách nói ưa thích của ông Naphta, lại đưa ta quay trở về với vấn đề thời gian và vĩnh cửu. Bởi tiến bộ chỉ có thể xác định theo thời gian; trong cõi vĩnh hằng bất biến không thể có tiến bộ hay chính trị hay hùng biện. Có thể bảo rằng ở đó người ta ngồi lọt thỏm trong lòng Chúa ngửa cổ ra sau và nhắm mắt lại. Và đó chính là sự khác biệt giữa đạo đức và tôn giáo, không biết chàng diễn đạt thế có dở quá không.
Sự ấu trĩ trong cách diễn đạt của chàng, Settembrini nhận xét, không đáng ngại bằng thái độ thụ động và mối thiện cảm chàng dành cho quỷ Satan.
Chà, về quỷ Satan thì ông Settembrini và chàng đã có dịp bàn luận từ lâu, lâu lắm rồi. “O Satana, o ribellione!”[335] Ý ông ta muốn nói chàng có thiện cảm với con quỷ nào đây? Con quỷ cách mạng, yêu lao động và có ý thức phê bình, hay là con quỷ khác? Nếu bên phải bên trái mỗi bên có một con quỷ thì nguy hiểm quá, làm sao cho khỏi mất mạng, quỷ tha ma bắt nó đi!
Theo cái lối ông Settembrini mong nhìn nhận vấn đề, Naphta bảo, thì không thể nào đánh giá đúng sự vật được. Sai lầm quyết định trong quan điểm của ông ta là, Chúa và quỷ bị coi như hai đối cực, hai nguyên tắc đối chọi nhau, và “cuộc sống” - theo mô hình từ thời Trung cổ - bị coi là đối tượng tranh chấp giữa hai thế lực này. Nhưng trong thực tế cả hai thế lực ấy chỉ là một phạm trù duy nhất đối nghịch với cuộc sống - với tất cả tính chất nhỏ nhen tiểu tư sản, với luân lý, trí tuệ và đức hạnh của nó. Chúa và quỷ chỉ là một nguyên tắc tín ngưỡng duy nhất mà cả hai cùng thể hiện.
“Thật là một mớ hổ lốn - che guazzabuglio proprio stomachevole[336]!” Settembrini kêu lên. Thiện và ác, thiên thần và tội lỗi, tất cả nháo nhào trộn lẫn vào nhau! Không đánh giá! Không phương hướng! Không có khả năng vứt bỏ thứ cần vứt bỏ! Chẳng hay ông Naphta có biết ông ta đang chối bỏ điều gì không, khi ông ta xúc phạm đôi tai trong trắng của tuổi trẻ bằng cách nhét Chúa và quỷ vào chung một rọ và nhân danh sự thống nhất rùng rợn này mà loại trừ nguyên tắc đạo đức! Có thể bảo rằng ông ta khước từ mọi giá trị - tất cả các giá trị của cuộc sống, thật là ghê tởm. Tốt lắm, vậy là không có cả cái thiện lẫn cái ác, chỉ có một vũ trụ hỗn loạn vô đạo đức! Cũng chẳng có cá nhân nào trong sự đề cao đáng phê phán của ông ta, mà chỉ có một tập thể đồng đều toa rập với nhau, hàm chứa trong mình sự diệt vong huyền bí! Cá nhân...
Hay thật, ông Settembrini bỗng dưng lại phát hiện ra mình là một cá nhân! Nhưng để làm một cá nhân thì người ta phải phân biệt được sự khác nhau giữa ý thức đạo đức và cảm giác hạnh phúc, điều mà rõ ràng ông thành viên hội kín và tín đồ của thuyết nhất nguyên này không biết tới. Ở đâu do ngu dốt mà cuộc sống được coi là mục đích tự thân, ở đâu những mục tiêu tinh thần cao cả không được đếm xỉa tới, ở đó thống trị đạo đức bầy đàn và giống loài, thứ đạo lý của loài động vật có xương sống đi bằng hai chân, nhưng đó không phải là chủ nghĩa cá nhân - vì chủ nghĩa cá nhân chỉ tồn tại duy nhất trong lĩnh vực tôn giáo và thần học, trong cái mà ông kia gọi là “vũ trụ hỗn loạn vô đạo đức”. Còn thứ đạo đức của ông Settembrini, nó là cái gì và muốn gì đây! Nó dính liền với cuộc sống, tức là vô tích sự, chẳng chút anh hùng và tầm thường đến mức thảm hại. Mục tiêu của thứ đạo đức ấy là để giúp người ta sống lâu và hạnh phúc, giàu có và khỏe mạnh, chấm hết. Ông Settembrini coi triết lý hủ lậu về lao động và trí tuệ ấy là đạo đức! Về phần Naphta, ông ta tự cho phép mình lặp lại rằng, những điều đó chỉ thể hiện sự dễ dãi đến sa đọa của cuộc sống tiểu thị dân.
Settembrini kêu gọi đối thủ tự kiềm chế, nhưng chính bản thân ông ta xúc động đến lạc hẳn giọng đi. Ông ta thấy thái độ của ông Naphta là không thể chấp nhận được, có Chúa mới hiểu tại sao ông kia cứ thường xuyên nói về “cuộc sống tiểu thị dân” bằng giọng khinh bỉ và đầy trịch thượng như thế, làm như phía đối lập với nó cao quý lắm - mà ai cũng biết đối lập với cuộc sống là cái gì rồi!
Những lý lẽ và từ ngữ mới lại được tung ra! Giờ thì họ tranh cãi thế nào là cao thượng và quý phái! Hans Castorp, gây gây sốt và kiệt sức vì bận tâm với những vấn đề nan giải trong tiết trời buốt giá, lảo đảo quay cuồng trong đánh giá, lúc nóng lúc lạnh trong cách diễn đạt và trình bày táo bạo, mấp máy cặp môi tê dại thú nhận rằng từ trước tới nay chàng vẫn quen hình dung cái chết trong lễ phục với cổ áo xếp nếp kiểu Tây Ban Nha, hoặc tệ lắm thì cũng trong trang phục dự tiệc với cái cổ áo trắng kiểu thòng lọng, trong khi cuộc sống chỉ xuất hiện dưới hình hài một cái cổ áo bẻ kiểu hiện đại, trần tục và tầm thường... Giật mình kinh hoảng về lời phát biểu như mê như say chẳng ăn nhập vào đâu của mình, chàng vội vàng chữa lại rằng ý mình không muốn nói thế. Nhưng rõ ràng có những con người nhất định mà người ta không thể hình dung được cái chết của họ, nguyên nhân là vì họ quá đỗi tầm thường! Ý chàng định nói là: họ đời thường đến nỗi người ta có cảm tưởng họ không thể chết, họ không xứng đáng được tiết lộ điều thần bí về cái chết.
Ông Settembrini hy vọng mình không sai khi giả định rằng, Hans Castorp phát biểu như vậy chỉ để gợi ý cho những người kia phản biện. Chàng trai trẻ sẽ thấy ông ta luôn luôn sẵn sàng ủng hộ chàng trong trận chiến đấu tinh thần chống lại những tư duy kiểu ấy. Chàng bảo rằng họ “đời thường”? Mà lại nói bằng giọng khinh rẻ đến thế? Ông ta thì muốn bảo rằng họ có “khát vọng sống”, đó là khái niệm phù hợp nhất theo quan điểm chân thiện mỹ của ông ta. “Khát vọng sống”, và gắn liền với nó một cách bình dị nhất, hợp lý nhất là “khát vọng yêu”, giữa chúng có một mối dây liên hệ mật thiết và khăng khít đến mức có thể nói rằng, chỉ những ai thực sự thiết tha với cuộc sống mới thực sự có lòng nhân ái. Và cả hai điều ấy kết hợp lại một cách hài hòa trong tình yêu cuộc sống, đó chính là sự cao thượng.
Hans Castorp thấy những điều ấy rất bổ ích và lý thú. Ông Settembrini đã hoàn toàn thu phục được chàng bằng những lý lẽ giàu hình tượng của ông, chàng bảo. Vì người ta muốn nói gì thì nói mặc lòng - cũng đã có một số tiếng nói cho rằng bệnh tật là sự sống ở mức độ cao hơn và rằng bệnh tật là trạng thái hội hè của cơ thể - ta có thể chắc chắn rằng, bệnh tật là một sự đề cao thái quá thể xác, nó đẩy linh hồn vào vòng giam hãm của cơ thể và làm tổn hại nhân phẩm của con người, thậm chí nó có thể hủy hoại nhân phẩm bằng cách hạ thấp con người đến mức chỉ còn tấm thân trần tục. Tóm lại, bệnh tật là điều vô nhân tính.
Bệnh tật là điều mang tính nhân bản cao nhất, Naphta lập tức phản bác lại; vì đã là người thì phải có bệnh. Về căn bản con người là bệnh tật, và bệnh tật lại làm cho anh ta có tính người. Những cố gắng tìm cách chữa trị bệnh tật, giúp con người hòa hợp với thiên nhiên, đưa anh ta “trở về trạng thái tự nhiên” (mặc dù bản thân anh ta chưa bao giờ tự nhiên cả), đám lang băm hiện đại sử dụng những biện pháp như phục hồi sinh lực, áp dụng chế độ dinh dưỡng không chế biến, điều dưỡng bằng không khí trong lành hay tắm nắng vân vân nhan nhản khắp nơi, nhưng đám đệ tử Rousseau ấy không nhắm tới mục tiêu nào khác ngoài việc hủy hoại nhân tính và thú vật hóa con người... Nhân tính ư? Cao thượng ư? Tinh thần chính là thứ làm cho con người, tạo vật đã tách mình ra khỏi thiên nhiên và dám đương đầu với thiên nhiên, vượt lên trên tất cả các sinh vật khác. Và như thế, ẩn náu trong tinh thần, trong bệnh tật chính là nhân phẩm và sự cao quý của con người; nói tóm lại, người ta càng bệnh hoạn thì lại càng con người hơn, và vị thần bảo hộ cho bệnh tật mang nhiều tính người hơn vị thần bảo hộ cho sức khỏe. Kỳ quái làm sao, một người luôn vỗ ngực tự xưng là nhân đạo lại nhắm mắt bịt tai trước chân lý cơ bản này. Ông Settembrini luôn miệng nhắc đến tiến bộ. Chẳng lẽ ông ta không biết rằng tiến bộ - nếu như quả thực có tồn tại cái gì như thế - nhờ bệnh tật mới có, và duy nhất chỉ nhờ bệnh tật mà thôi! Nói cách khác, tiến bộ có được nhờ những phát minh thiên tài, và đó là cái gì khác nếu không phải là những tư tưởng bệnh hoạn! Thời nào cũng vậy, những người khỏe vẫn sống nhờ vào thành tựu trí tuệ của người bệnh! Có những người chủ động và tự nguyện dấn thân vào bệnh tật và điên dại để mang nhận thức đến cho nhân loại, những điều họ giác ngộ qua điên loạn đã trở thành sáng suốt, mà việc sở hữu và áp dụng chúng không còn phụ thuộc vào bệnh tật, và cố gắng để đạt được chúng là một hành động hy sinh anh hùng đích thực. Đó là sự xả thân chịu đóng đinh trên thánh giá...
“A ha”, Hans Castorp nhủ thầm trong bụng, “ông thầy tu chưa đắc đạo với những liên hệ và diễn giải về cái chết cứu nhân độ thế trên thánh giá! Người ta có thể hiểu được tại sao ông không trở thành linh mục, joli jésuite à la petite tache humide[337]! Giờ tới lượt ông, rống đi sư tử!’ Câu cuối chàng dành cho Settembrini. Và ông ta “rống” rằng, tất cả những điều Naphta vừa nói chỉ là trò ngụy biện, bẻ queo vấn đề, bóp méo sự thật. “Ông nói đi”, ông văn sĩ la to về phía đối thủ, “với tất cả trách nhiệm của người thầy, trước đôi tai chăm chú của tuổi trẻ ham hiểu biết, ông cứ nói huỵch toẹt ra rằng tinh thần là bệnh hoạn đi! Thử xem ông có giúp họ nâng cao tinh thần, củng cố niềm tin được hay không! Mặt khác, tuyên bố rằng bệnh tật và cái chết cao quý còn sức khỏe và cuộc sống xấu xa bần tiện, quả là một biện pháp hay ho để dạy bảo học trò phục vụ nhân loại! Davvero, è criminoso[338]!” Và như một hiệp sĩ, ông ta tả xung hữu đột bảo vệ sự cao quý của sức khỏe và cuộc sống, bảo vệ những kẻ được coi là chúa tể của thiên nhiên và khẳng định rằng không việc gì phải lo sợ cho tinh thần của họ. “Hình thái!” Ông ta hô như hô khẩu hiệu. Và Naphta đập lại, kêu không kém: “Ý Chúa!” Nhưng người không muốn biết đến ý Chúa cãi ngay: “Lý trí!” Và người bảo vệ ý Chúa phản đối: “Khổ hình cứu thế!” Loạn xà ngầu. Người này kêu: “Khách thể!” Người kia cãi: “Bản ngã!” Cuối cùng thậm chí bên này viện dẫn cả “nghệ thuật” và bên kia “phê bình”, được nhắc đi nhắc lại nhiều nhất vẫn là “thiên nhiên” và “tinh thần”, và về chuyện cái nào cao quý hơn, cũng như “vấn đề thế nào là quý phái”. Nhưng tất cả những điều đó được quăng ra bừa bãi, không có sự giải thích hay trật tự gì ráo, không có cả trận tuyến rõ ràng, vì họ không chỉ đối đáp mà còn cướp lời nhau, và các đối thủ không chỉ phản bác đối phương mà còn mâu thuẫn với chính bản thân mình. Settembrini từ trước tới nay vẫn hết lời ngợi ca “phê bình”, giờ đây lại giở đúng giọng ấy ra tán dương đối cực của nó là “nghệ thuật”, và cho rằng chỉ có nó là quý phái. Naphta đã bao lần đứng ra bảo vệ “bản năng tự nhiên” chống lại Settembrini, người luôn mạt sát thiên nhiên là “thế lực tối tăm dốt nát”, là thực tế và định mệnh, và đòi trí tuệ và lòng tự hào của con người không bao giờ được phép cúi đầu trước thiên nhiên! Thế mà giờ đây ông ta nhảy sang phía tinh thần và ‘bệnh tật’, theo lời ông ta là nơi duy nhất tồn tại sự cao thượng và nhân bản, trong khi Settembrini hăm hở đóng vai luật sư biện hộ cho thiên nhiên và sự cao quý của sức khỏe, vứt bỏ mọi lý lẽ của mình từ xưa tới giờ về chế ngự thiên nhiên. Không kém phần mơ hồ là ‘khách quan’ và ‘bản ngã’, sự hỗn loạn vẫn chế ngự từ đầu cuộc tranh luận đến giờ lại càng thêm vô phương cứu chữa, đến nỗi chẳng ai biết bên nào bảo thủ và bên nào tự do nữa. Naphta gân cổ cấm ông Settembrini tự xưng là “người cá nhân chủ nghĩa” chừng nào ông này còn phủ nhận sự đối ngẫu giữa Chúa và thiên nhiên, coi mọi mâu thuẫn của con người nằm trong xung đột nội tâm, tức là sự xung đột giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể, từ đó chỉ biết đến những giá trị đạo đức nhỏ mọn và dung tục, lấy cuộc sống ra làm mục đích tự thân, chỉ nhắm tới mục tiêu sử dụng tầm thường, coi luật pháp và đạo đức chỉ để phục vụ quyền lợi nhà nước. Ông ta, Naphta, thì khác: ông ta biết rằng các vấn đề nội tâm của con người phần lớn nảy sinh trong sự xung đột giữa nhận thức và siêu nghiệm, ông ta mới là người đại diện cho chủ nghĩa cá nhân đích thực và huyền bí, mới chính là người tự do tư tưởng và tự chủ. Hans Castorp nghĩ bụng, nếu quả thực là như thế, thì phải hiểu “vô danh và tập thể” như thế nào - đấy là chưa kể vô số điều mâu thuẫn khác nữa? Và còn những nhận định đặc sắc ông ta trình bày với linh mục Unterpertinger về tính “Công giáo” của vị triết gia cung đình Hegel thì sao, về mối dây liên kết nội tại giữa “chính trị” và “Công giáo”, về phạm trù khách quan mà cả hai cùng thể hiện? Chẳng phải chính trị và giáo dục hồi nào tới giờ vẫn là những lĩnh vực công tác quan trọng của dòng tu của Naphta đó sao? Và giáo dục như thế nào kia chứ! Ông Settembrini đã là một nhà sư phạm nhiệt tình, nhiệt tình tới mức sẵn sàng quấy rối và làm phiền người khác; nhưng về phương diện thực hành khổ hạnh và coi khinh bản ngã thì ông ta không thể sánh được với Naphta. Mệnh lệnh trên hết! Kỷ luật sắt! Cưỡng bức tinh thần! Phục tùng tuyệt đối! Khủng bố! Tất cả những điều đó có thể rất đáng khen, nhưng phẩm chất phê bình cá nhân lại ít được đếm xỉa đến. Đó là nguyên tắc luyện tập quân sĩ của ông vua Phổ Friedrich và vị thánh Tây Ban Nha xứ Loyola, quy củ và kỷ luật đã thấm sâu vào máu; nhưng ở đây lại nổi cộm lên một câu hỏi: Naphta làm cách nào đến với ý tưởng đổ máu này, khi mà, như ông ta tự thú nhận, bản thân ông ta không tin vào bất kỳ kiến thức thuần túy hay kết quả nghiên cứu vô điều kiện nào, nói cách khác là không tin vào chân lý khách quan và khoa học, trong khi đối với Lodovico Settembrini, phấn đấu để đạt được điều đó là luật lệ cao cả nhất của đạo đức con người. Về mặt này ông Settembrini rất nghiêm khắc và đạo đức, trong khi Naphta tỏ ra quá phóng túng khi đưa chân lý trở về ràng buộc với con người và tuyên bố một câu xanh rờn: cái gì có lợi cho con người, cái ấy là chân lý! Chân lý mà bị phụ thuộc vào quyền lợi của con người đến thế, đó mới chính là nhỏ mọn và dung tục, ích kỷ và hủ lậu! Xem xét cho kỹ thì cách suy nghĩ ấy chẳng khách quan lắm đâu, trong đó chứa đựng nhiều tự do và chủ quan hơn mong muốn của Leo Naphta. Tương tự như thế là phương châm “chính trị” theo cách diễn đạt rất sư phạm của ông Settembrini: Tự do là luật lệ của lòng nhân ái. Vậy thì rõ ràng, cũng như chân lý của Naphta, tự do của ông Settembrini bị ràng buộc vào một đối tượng: con người. Và như thế nó nặng về quy định hơn là tự do. Ở đây sự khác biệt lại có nguy cơ biến mất trong định nghĩa. Chà, cái ông Settembrini này! Không phải vô cớ mà ông ta là văn sĩ, cháu của một nhà cách mạng và con trai một người theo chủ nghĩa nhân văn! Ông ta hết lòng ca ngợi phê bình và giải phóng tư tưởng, đồng thời tự do tán tỉnh các cô gái ngoài đường, trong khi ông Naphta bé nhỏ sắc như dao bị ràng buộc bởi những lời khấn nguyện nghiêm ngặt. Mặt khác, ông thầy tu lại đầy dục vọng với tự do tư tưởng còn ông văn sĩ gần như một chàng ngốc đức độ. Ông Settembrini sợ “ý tưởng chuyên chế” và bằng mọi giá muốn cột chặt tinh thần vào với tiến bộ dân chủ - ông ta thất kinh trước sự phóng đãng tôn giáo đầy bạo động của Naphta, khi ông này bỏ cả Chúa và quỷ, thánh thiện và tội lỗi, tài năng và bệnh hoạn vào chung trong một rọ không cần đếm xỉa đến các giá trị tinh thần, khả năng đánh giá của lý trí và ý chí. Vậy thì ai là người tự do, ai là người bảo thủ, cái gì quyết định tư cách và địa vị của con người: sự sụp đổ của một xã hội nhấn chìm và san bằng tất cả, vừa phóng đãng vừa khổ hạnh, hay sự “chủ động phê phán”, trong đó nết ba hoa và nguyên tắc đạo đức tiểu thị dân không ngớt dẫm chân lên nhau? Ôi, các nguyên tắc và quan điểm cứ đụng vào nhau chan chát, mâu thuẫn nội tại đầy rẫy khiến cho cái lương tâm dân sự của Hans Castorp cực nhọc vô cùng, vừa phải phân biệt hai bên trận tuyến, vừa phải tách rời và làm sáng tỏ các lý lẽ, đến nỗi lắm lúc chàng khó khăn lắm mới cưỡng lại được sự cám dỗ lao đầu vào cái “vũ trụ hỗn loạn vô đạo đức” của Naphta. Đó là cả một mớ bòng bong chằng chịt, một sự hỗn loạn khổng lồ, và Hans Castorp tin rằng các đối thủ có lẽ sẽ bớt quá khích hơn nếu đừng để cuộc tranh luận theo hướng chủ quan đè nặng lên tâm hồn mình đến thế.
Cả bọn kéo nhau về tận ‘Sơn trang’, rồi ba bệnh nhân ở đó lại hộ tống hai bệnh nhân ngoại trú về nếp nhà nhỏ của họ, và họ còn đứng ngoài đường dầm chân thật lâu trong tuyết, Naphta và Settembrini vẫn kịch liệt cãi nhau, một cách rất sư phạm như Hans Castorp hẳn cũng biết, để nhào nặn bộ óc còn mềm dẻo của tuổi trẻ đi tìm ánh sáng. Đối với ông Ferge thì tất cả những điều đó là quá cao siêu, như ông ta không ngớt lời nhắc nhở mọi người, và Wehsal giới hạn sự đóng góp của mình ở mức độ tối thiểu, sau khi tra tấn và đánh đập không còn được đề cập tới nữa. Hans Castorp cúi đầu chọc chọc cây gậy xuống đống tuyết trên đường và ngẫm nghĩ về sự hỗn loạn lớn lao kia.
Cuối cùng họ chia tay nhau. Họ không thể cứ đứng đấy mãi, mà cuộc thảo luận thì mênh mông không có bến bờ. Ba bệnh nhân của ‘Sơn trang’ lót tót leo núi tìm về tổ ấm, còn hai nhà sư phạm hăng tiết vịt phải cùng nhau chui xuống dưới một mái nhà, một người vào cái kén đầy lụa là, người kia lên gian phòng thấm đẫm tính nhân văn với cái bục viết và chai nước. Hans Castorp về đến nơi là đi ngay ra ban công phòng mình, hai tai còn ù đặc tiếng hô xung trận và tiếng vũ khí va nhau xoang xoảng của hai đoàn quân dưới bóng hai lá cờ, một bên kéo đến từ Jerusalem, bên kia từ Babylon, để xông vào một trận đấu quyết tử mơ hồ và hỗn loạn.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần