Anyone who says they have only one life to live must not know how to read a book.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3352 / 137
Cập nhật: 2017-09-15 16:22:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 6 - Cơn Giận Lôi Đình Và Giây Phút Bối Rối
háng tám đã đến, và cùng với những ngày đầu tháng cái ngày kỷ niệm tròn một năm nhân vật chính của chúng ta đặt chân lên đến trên này cũng lặng lẽ trôi qua. Thật may là nó đã trôi qua, vì nó gợi lên trong chàng trẻ tuổi Hans Castorp một chút gì gờn gợn. Đó là tục lệ ở đây. Ngày bước chân đến chốn này không được người ta ưa chuộng và không được những kẻ đã có thâm niên một hay nhiều năm kỷ niệm bao giờ. Trong khi thiên hạ không bỏ lỡ dịp nào để tiệc tùng và chạm ly dù là lễ lạt chung lớn nhỏ theo nhịp điệu và dòng chảy của một năm hay những sự kiện cá nhân đủ mọi thể loại, từ sinh nhật, kiểm tra sức khỏe cho đến chia tay chính thức và không chính thức, tóm lại người ta chỉ cần một cái cớ để tụ tập nhau dưới khách sạn ăn uống thả cửa và mở nút chai lốp bốp - trong lúc ấy cái ngày đặt chân đến nơi lại không nhận được gì ngoài sự im lặng, bị âm thầm thả trôi đi mất, bị lãng quên, và người ta có thể yên trí rằng những kẻ khác cũng chẳng ai để tâm đến nó làm gì. Dĩ nhiên người ta vẫn tôn trọng sự phân chia thời gian, người ta xem lịch, người ta quan sát vòng tuần hoàn, sự lặp lại theo chu kỳ của nó. Nhưng tính đếm thời gian của mỗi người trong mối quan hệ với không gian ở trên này, khoảng thời gian riêng tư mỗi cá nhân trải qua ở đây, đấy là việc làm của khách vãng lai và một vài ma mới; về mặt này những cư dân kỳ cựu đề cao sự vô hạn và tính vĩnh cửu, ngày nào cũng chỉ là một ngày bất biến, và luật bất thành văn ở đây là thận trọng không để làm tổn thương tình cảm của người khác, điều mà ai cũng mong được áp dụng cho bản thân mình. Bảo với một người rằng anh ta đã ở đây được trọn ba năm bị coi là một việc làm thiếu tế nhị, thậm chí tàn nhẫn - không ai lại làm thế. Ngay cả bà Stöhr, dù dốt nát vô cùng nhưng riêng về điểm này lại rất ý tứ giữ gìn, cũng sẽ không bao giờ phạm vào cái lỗi bất lịch sự nhường ấy. Bệnh tật của bà ta, tình trạng thân nhiệt cao vì những cơn sốt dai dẳng của bà ta đi đôi với một sự vô học ngoài sức tưởng tượng, cái ấy đã hẳn. Mới đây bà ta vừa trình bày với cả bàn ăn tình trạng “kích động” trong hai lá phổi của mình, và khi câu chuyện chuyển sang đề tài lịch sử thì bà ta lại kể lể rằng mình không tài nào nhớ được ngày tháng của các sự kiện lịch sử, rằng đây là “chiếc nhẫn Polykrates”[278] của bà ta, tóm lại là toàn những phát biểu sởn tóc gáy gây ra những khoảng im lặng khó xử và nét mặt như hóa đá của những người ngồi quanh bàn. Tuy nhiên bà ta sẽ không bao giờ nhắc nhở chàng Joachim Ziemßen về một ngày nhất định của tháng hai, mặc dù rất có thể bà ta biết rõ đó là ngày nào. Vì cái đầu khốn khổ của bà ta chứa đầy những điều vô tích sự, và bà ta không có thú vui nào lớn hơn là soi mói việc của người khác; nhưng mặt khác bà ta lại rất ngoan ngoãn tuân thủ những tục lệ trên này.
Ngày của Hans Castorp cũng chịu chung số phận ấy. Của đáng tội, trong bữa ăn bà ta đã thử nháy mắt một cách đầy ngụ ý với chàng, nhưng vì chàng chỉ đáp lại bằng bộ mặt dửng dưng lạnh như tiền nên bà ta tiu nghỉu bỏ cuộc. Cả Joachim cũng lặng thinh, mặc dù chàng thế nào cũng còn nhớ cái ngày ấy, ngày chàng hăm hở xuống ga ‘Làng’ đón khách lên thăm. Chàng Joachim, bản tính vốn ít lời hơn Hans Castorp - nhất là từ khi lên đến trên này cậu em bỗng sinh ra ham nói dễ sợ, nhưng cả hai anh em cộng lại còn thua xa những người quen ưa biện luận của họ, một nhà sư phạm theo chủ nghĩa nhân văn và một giáo sư vô địch môn ngụy biện - thời gian gần đây càng trở nên lầm lì, cùng bất đắc dĩ chàng mới hé môi trả lời nhát gừng, còn thì chỉ để nét mặt nói thay mình. Rõ ràng cái ga ‘Làng’ đang gợi lên trong chàng những liên tưởng khác hẳn hình ảnh đi đón người mới tới... Chàng trao đổi thư từ liên tục với đồng bằng. Quyết tâm cứ âm thầm chín muồi trong chàng. Sự chuẩn bị của chàng dần dà dẫn tới một kết cục.
Tháng bảy ấm áp và nắng ráo. Nhưng sang tháng mới thời tiết chuyển xấu, trời âm u ẩm ướt, mưa tuyết từ rỉ rả biến thành bão tuyết thực sự, ngoại trừ vài lần ngắt quãng với những ngày hè nắng rớt, tiết trời thê lương ấy kéo dài qua hết tháng tám sang cả tháng chín. Mới đầu trong phòng còn ấm nhờ những ngày hè vừa mới hết; người ta đọc được mười độ trên cây nhiệt kế trong phòng, ở đây như thế được coi là dễ chịu. Nhưng rồi nhiệt độ cứ tụt xuống, trời càng ngày càng lạnh, và người ta vui mừng thấy một hôm tuyết lại phủ đầy thung lũng, vì nhờ nó - tuyết là lý do duy nhất, chứ nhiệt độ dù thấp đến đâu cũng chẳng có tác dụng gì - ban quản trị mới quyết định cho đốt lò sưởi, thoạt đầu chỉ trong phòng ăn lớn dưới nhà, sau đó cả các phòng ở; và sau khi hoàn thành nhiệm vụ nằm nghỉ trong cái kén cuốn bằng hai tấm chăn, từ ngoài ban công bước vào phòng người ta có thể đưa hai bàn tay buốt giá ấp vào những cái ống lò sưởi ấm sực, và để cho hơi ấm của nó thiêu đốt râm ran trên đôi gò má.
Đã là mùa đông chưa nhỉ? Các giác quan khẳng định điều này, và người ta lên tiếng kêu ca rằng mình “bị mất một mùa hè”, mặc dù, được tiếp tay bởi hoàn cảnh tự nhiên hay nhân tạo, thả sức phung phí thời gian cả bên trong lẫn bên ngoài, người ta đã tự mình đánh mất nó. Lý trí bảo rằng sẽ có những ngày thu đẹp trời, thậm chí có thể là cả một chuỗi ngày, ấm áp và rực rỡ đến nỗi nếu có ca ngợi gọi đó là những ngày hè thì cũng chẳng ngoa, tất nhiên với điều kiện là người ta không soi mói chuyện mặt trời chỉ mọc lên rất thấp và lại còn lặn đi quá sớm. Nhưng bức tranh phong cảnh mùa đông ngoài kia tác động lên tâm trạng người ta mạnh hơn những an ủi của lý trí rất nhiều. Người ta đứng trong cánh cửa ban công đóng kín, đưa ánh mắt ghê sợ nhìn chằm chằm cảnh những bông tuyết quay cuồng bên ngoài - Joachim chính là người đang đứng nhìn như thế và gằn giọng hỏi:
“Lại bắt đầu rồi sao?”
Hans Castorp đứng trong phòng ngay sau lưng chàng, sốt sắng trả lời:
“Vẫn còn hơi sớm, chưa thể bảo đây là mùa đông thật sự được, mặc dù nó đã trưng ra một bộ mặt thật sự đáng sợ. Nếu mùa đông là âm u, bão tuyết, giá lạnh và lò sưởi tỏa hơi ấm sực thì đây đích thị là mùa đông rồi, đó là điều không thể chối cãi. Nhưng nghĩ kỹ người ta sẽ thấy mùa đông thực ra chỉ vừa mới qua thôi và tuyết gần như còn chưa tan hết - đấy là cảm giác của chúng mình, cứ như mới hôm qua thôi còn là mùa xuân, đúng không nào - thì có thể coi đây chỉ là một khoảnh khắc xấu trời mà thôi, thật đấy. Điều này rất có hại cho niềm vui sống của con người - để tớ giải thích cho cậu tớ nói thế là có ý gì nhé. Tớ muốn nói rằng, thế giới này thông thường được tạo lập một cách phù hợp với các nhu cầu của con người và có lợi cho niềm vui sống của họ, đó là một sự thật hiển nhiên ai cũng phải công nhận. Tớ không muốn đi xa tới mức khẳng định rằng mọi trật tự trong thiên nhiên phải theo nhu cầu của chúng ta, ví dụ như độ lớn của trái đất, thời gian để nó quay một vòng quanh bản thân mình hay quanh mặt trời, nhịp điệu biến đổi ngày đêm và bốn mùa trong năm, nếu muốn cậu có thể gọi đấy là nhịp điệu vũ trụ - nếu bảo tất cả những cái ấy được tạo ra để phục vụ chúng ta thì quá lố, nói thế là coi trời bằng vung, là mục đích luận như nhà tư tưởng lớn của chúng ta sẽ bảo. Nhưng mọi sự được an bài thế nào đó để ơn Chúa các nhu cầu của chúng ta và các quy luật tự nhiên hòa hợp với nhau - tớ bảo là ơn Chúa, vì ở đây chắc phải có bàn tay của Chúa - và ở dưới đồng bằng, khi mùa hè hay mùa đông đến thì mùa hè hay mùa đông trước đã khá xa, đủ để chúng ta cảm thấy nó lại mới mẻ, hấp dẫn, để chúng ta vui mừng chào đón nó quay trở lại, và đó chính là niềm vui sống. Nhưng ở trên này những trật tự và sự hài hòa ấy bị phá vỡ và trở nên rối loạn, thứ nhất vì ở đây chẳng có bốn mùa thực sự như chính cậu có lần đã nói, mà chỉ có những ngày hè và những ngày đông nháo nhào trộn lẫn với nhau, thêm vào đó thời gian của một người ở đây lại chẳng hề trôi, cho nên khi mùa đông mới tới thì đối với người ta nó chẳng mới mà vẫn là mùa đông cũ; đó là lý do tại sao cậu cảm thấy chán chường như thế khi nhìn qua cửa kính ra ngoài trời.”
“Xin cám ơn”, Joachim bảo. “Và bây giờ, sau khi cậu đã giải thích xong hiện tượng ấy thì tớ cho rằng cậu đang hài lòng đến mức tự thấy hài lòng cả với hiện tượng ấy, mặc dù nó... Thôi!” Joachim đột ngột ngừng lời. “Thôi ngay đi!” Chàng bảo. “Thật là thổ tả. Tất cả là một sự thổ tả khổng lồ, kinh tởm, và nếu cậu về phần mình... Tớ...” Và chàng sải những bước dài đi như chạy ra khỏi phòng, giận dữ kéo cánh cửa sập lại sau lưng. Nếu chúng tôi không quá nhầm lẫn thì đôi mắt đẹp hiền hậu của chàng long lanh nước.
Người ở lại đứng sững sờ. Trước nay chàng vẫn coi nhẹ những quyết tâm của người anh họ, cho rằng chỉ vì bức xúc mà anh ấy lớn tiếng tuyên bố điều này điều kia. Nhưng giờ đây, khi anh chàng không nói gì nữa và chỉ thể hiện quyết tâm lầm lì trên nét mặt, nhất là thái độ xử sự như vừa rồi của người anh làm Hans Castorp giật mình kinh hoảng, vì chàng hiểu ra rằng, anh chàng đang mang tâm trạng của người lính trước giờ ra trận - chàng lặng mình tái mặt, sợ cho cả hai người, cho mình và cho anh ấy. Fort possible qu’il aille mourir[279], chàng nghĩ, và vì đó là nhận định qua lời một người thứ ba nên trong thâm tâm chàng lại dấy lên một câu hỏi dằn vặt, một mối hoài nghi không dám nói ra: chẳng lẽ anh ấy dám bỏ mình ở lại đây thật - mình, người lên đây đúng ra là để thăm anh ấy?! Và một ý nghĩ nữa lén lút luồn vào đầu óc chàng: nếu thế thì tuyệt vời quá mà lại kinh khủng quá, tuyệt vời và kinh khủng đến nỗi mặt mình lạnh toát và tim mình khựng lại, vì nếu như mình ở lại đây một mình - mà mình sẽ ở lại, nếu anh ấy đi; đi cùng anh ấy là điều tuyệt đối không thể xảy ra - nếu thế thì - giờ đây trái tim mình ngừng đập hẳn - thì mình sẽ ở lại mãi mãi và vĩnh viễn, vì một mình mình sẽ không bao giờ tìm được đường về lại đồng bằng...
Đó là những ý nghĩ đáng sợ của Hans Castorp. Ngay chiều hôm ấy mọi hồ nghi của chàng đã không còn là nghi vấn nữa: Joachim lên tiếng, con xúc xắc rơi, số phận đã quyết định đường đi của nó.
Sau bữa trà chiều họ xuống tầng hầm trắng xóa để khám sức khỏe theo định kỳ. Bấy giờ là đầu tháng chín. Bước vào gian phòng khám khô ráo thoáng khí, họ thấy bác sĩ Krokowski đang ngồi bên bàn viết, trong khi ông cố vấn cung đình mặt tím ngắt đứng dựa lưng vào tường, một tay cầm chiếc ống nghe gõ gõ lên vai. Ông ta ngáp dài, mắt chẳng thèm nhìn ai mà ngước lên trần nhà. “Chào các ông trẻ!” Giọng nói ngán ngẩm của ông ta báo hiệu một tâm trạng cũng ngán ngẩm không kém, vừa thờ ơ vừa u uất. Có lẽ ông ta lại mới hút thuốc. Nhưng cũng có thể tâm trạng ấy liên quan đến một vụ bê bối vừa xảy ra mà hai anh em họ cũng đã được nghe kể, một vụ vi phạm nội quy vẫn xảy ra như cơm bữa trong viện an dưỡng: một thiếu nữ trẻ tên là Ammy Nölting, đến đây lần đầu hồi mùa thu năm kia, sau chín tháng được cho ra viện vào tháng tám năm ngoái với chứng nhận sức khỏe đã hồi phục. Nhưng trước khi tháng chín kịp trôi qua lại thấy cô ta quay trở lại, vì về nhà cô ta thấy “khó ở”. Tới tháng hai năm nay phổi cô ta không còn tiếng rít nữa và lại được trả về đồng bằng, nhưng giữa tháng bảy người ta đã thấy cô ta ngồi lù lù ở chỗ cũ của mình bên bàn bà Iltis. Cô Ammy này vừa mới bị bắt gặp trong chính phòng ngủ của mình, vào lúc một giờ đêm, cùng với một người đồng cảnh ngộ tên là Polypraxios - chính là cái anh chàng Hy Lạp trong đêm hội hóa trang đã thu hút được nhiều sự chú ý nhờ hình thức ưa nhìn của cặp giò, một nhà hóa học trẻ tuổi, có ông bố là chủ một xưởng sản xuất màu nhuộm ở Piraeus[280]. Người bắt quả tang họ là một cô gái trẻ khác, bạn thân của Ammy, cô ta cũng dùng chính con đường Polypraxios đã dùng để lọt vào phòng cô bạn, tức là qua lối cửa ban công, và trong cơn ghen tức điên cuồng, trái tim tan nát vì đau đớn, cô ta cất lên một tiếng rú kinh thiên động địa, gây ra một cảnh náo loạn khủng khiếp và còn định làm lớn chuyện hơn cho hả giận. Behrens buộc phải tống cổ cả ba ra khỏi viện, anh chàng người Athena, cô nàng Nölting và cô bạn gái cả ghen mất khôn quên giữ thể diện. Ông ta vừa mới có một cuộc trao đổi nghiêm túc về vụ việc trên với viên bác sĩ trợ lý của mình - cũng phải nói thêm rằng cả cô Ammy lẫn cô bạn gái bị phản bội đều là bệnh nhân phân tâm của ông này - và trong khi khám bệnh cho hai anh em họ ông ta vẫn tiếp tục trút bầu tâm sự bằng một giọng thê lương; vì là một danh y ông ta có tài vừa nghe ngóng nội tạng một con người vừa đía dóc một chuyện trời ơi đất hỡi và đồng thời đọc cho ông bác sĩ trợ lý ghi chép kết quả nghe ngóng của mình.
“Phải, phải, gentlemen[281], ái tình!” Ông ta bảo. “Tất nhiên các ông vẫn còn khoái cái món ấy lắm, đấy là quyền của các ông. - Điều hòa. - Nhưng tôi với cương vị viện trưởng một an dưỡng đường thì đã ngán đến tận cổ cái trò ong bướm này rồi - tiếng đục - các ông cứ tin tôi đi. Chẳng lẽ tôi là người có lỗi trong chuyện những người mắc bệnh lao bỗng có nhu cầu tình dục quá mức bình thường hay sao? - Hơi gắt. - Tôi đâu có dung túng ba cái trò ấy, nhưng chưa kịp ngoảnh đi ngoảnh lại đã bị biến thành một tay chủ nhà chứa - chỗ dưới nách trái đã giảm. Chúng tôi có chương trình điều trị phân tâm, chúng tôi tạo điều kiện cho bệnh nhân chuyện trò để giải tỏa ức chế - kết quả thế nào kia chứ! Cái đám nhí nhố ấy càng được dịp nói nhiều lại càng dâm dục hơn. Bây giờ tôi chỉ còn tín nhiệm toán học. - Chỗ này khá hơn rồi, không còn tiếng rít nữa. - Giải những bài toán hóc búa, các ông cứ nghe lời tôi, chính là biện pháp tốt nhất để chống lại thần ái tình. Ông công tố viên Paravant, người bị vị thần này quấy nhiễu không ít, đã lao mình vào giải toán, hiện ông ta đang tìm cách giải phép cầu phương và cảm thấy nhẹ nhõm đi rất nhiều về cái mặt kia. Khổ một nỗi đại đa số những kẻ ở đây quá dốt nát và quá lười biếng để làm toán, xin Chúa mở lượng khoan hồng. - Điều hòa. - Các ông thấy đấy, tôi biết rất rõ rằng tuổi trẻ ở đây sa ngã và biến chất dễ như bỡn, và trước đây tôi đã thử tìm cách nói phải quấy với họ để ngăn chặn những chuyện lòng thòng tai tiếng kia. Thế nhưng rồi có lần một tay anh trai hay chồng chưa cưới gì đó trắng trợn bảo rằng tôi đừng có nhúng mũi vào những chuyện không phải là việc của tôi. Từ bấy trở đi tôi tuyệt đối không can thiệp vào những chuyện ấy nữa mà chỉ làm đúng trách nhiệm của một bác sĩ thôi - tiếng rít nhẹ ở trên bên phải.”
Ông ta đã gõ xong Joachim, và trong lúc tay phải nhét cái ống nghe vào túi áo choàng trắng ông ta đưa bàn tay trái khổng lồ lên dụi cả hai con mắt như thói quen mỗi khi bị rơi vào một cơn trầm cảm. Vừa ngáp dài ông ta vừa lên tiếng uể oải tuyên án gần như là máy móc:
“Nào, Ziemßen, tươi lên chứ. Mặc dù hai lá phổi của ông vẫn chưa được đẹp như minh họa trong sách giáo khoa, chỗ này chỗ kia còn có vết, và với Gaffky ông cũng chưa dứt điểm được, thậm chí chỉ số Gaffky của ông kỳ này còn leo thang thêm một nấc nữa - sáu độ cả thảy - nhưng chẳng việc gì phải khóc than. Hồi ông mới tới đây tình hình bi đát hơn nhiều, tôi có thể chứng nhận bằng giấy trắng mực đen điều đó, và nếu ông vui lòng ở lại thêm năm, sáu mùa trăng nữa - ông có biết các cụ ngày xưa gọi mỗi tháng là một “mùa trăng” không? Nghe thơ mộng hơn nhiều. Nhất định từ nay trở đi tôi chỉ dùng từ “mùa trăng” thôi...”
“Thưa ông cố vấn cung đình”, Joachim mở lời... Chàng đứng trong tư thế nghiêm, nửa người trên vẫn để trần, ngực ưỡn cao, hai gót chân chụm sát vào nhau, và mặt tái nhợt thành từng mảng loang lổ như dạo nọ, trong một tình huống nhất định, khi ấy Hans Castorp đã chợt hiểu ra rằng đó là cái cách làn da rám nắng của người anh họ tái đi.
“Nếu ông”, Behrens vẫn thản nhiên nói át đi, “chịu khó luyện tập đôi chân ở đây thêm tròn nửa năm nữa thì chắc chắn ông sẽ nên người, dư sức đánh chiếm thành Constantinople[282] và trở thành một nguyên soái đại tài thống lĩnh cả dải biên thùy...”
Chẳng ai biết đang lúc lên cơn như thế này ông ta còn lải nhải những gì nữa, nếu Joachim không giữ nguyên tư thế vững vàng, tỏ rõ ý chí không gì bẻ gãy được của mình và nhất định đợi đến lúc được lên tiếng với vẻ dũng cảm gần như thách thức khiến ông ta cuối cùng phải ngậm miệng.
“Thưa ông cố vấn cung đình”, chàng trai trẻ nói, “tôi muốn báo cáo rằng tôi đã quyết định ra đi.”
“Ái chà, ông muốn đi chu du thiên hạ ư? Tôi cứ tưởng nguyện vọng của ông là sau này, khi đã hoàn toàn khỏe mạnh sẽ phục vụ trong quân ngũ?”
“Không phải thế, thưa ông cố vấn cung đình, tôi muốn ra viện. Tám ngày nữa tôi đi.”
“Ông nói gì vậy, tôi nghe có lộn không? Ông định trốn viện, ông định đánh bài chuồn? Ông có biết như thế là đào ngũ không?”
“Thưa không, tôi không quan niệm thế. Tôi phải quay về trung đoàn, thưa ông cố vấn cung đình.”
“Kể cả khi tôi nói rằng, nửa năm nữa chắc chắn tôi có thể cho ông ra viện, còn trước đó thì không thể được?”
Joachim đứng càng nghiêm. Chàng vươn vai thót bụng lại và nói liền một hơi, giọng lạc đi:
“Tôi ở đây đã hơn một năm rưỡi rồi, thưa ông cố vấn cung đình. Tôi không thể đợi lâu hơn được nữa. Mới đầu ông cố vấn cung đình bảo: một quý. Rồi thời gian điều trị của tôi cứ bị kéo dài thêm khi một quý, khi nửa năm, và cho tới bây giờ tôi vẫn chưa khỏi bệnh.”
“Ô hay, chẳng lẽ đấy là lỗi của tôi?”
“Không ạ, thưa ông cố vấn cung đình. Nhưng tôi không thể đợi thêm được nữa. Nếu ở lại đây chờ đến lúc khỏi bệnh thì tôi sẽ bị lỡ kỳ nhập ngũ. Tôi phải xuống núi bây giờ. Tôi cần thời gian để mua sắm trang bị và chuẩn bị một số thủ tục khác.”
“Ông được sự đồng ý của gia đình?”
“Mẹ tôi tán thành quyết định của tôi. Mọi sự đã được sắp xếp đâu vào đó cả rồi. Ngày mùng một tháng mười tôi sẽ chính thức gia nhập trung đoàn bảy mươi sáu.”
“Bằng bất cứ giá nào?” Behrens hỏi và trừng trừng nhìn chàng bằng cặp mắt đỏ vằn tia máu.
“Báo cáo, đúng, thưa ông cố vấn cung đình”, Joachim trả lời, môi giật giật.
“Thôi được rồi, Ziemßen.” Ông cố vấn cung đình đổi nét mặt, hạ giọng, chuyển sang thái độ hòa hoãn. “Thôi được, Ziemßen. Nghỉ! Chúa phù hộ ông. Như tôi thấy, ông biết rõ ông muốn gì. Ông tự nhận lấy mọi rủi ro về phần mình, đó là chuyện của riêng ông, chuyện ấy chẳng can hệ gì đến tôi nữa, kể từ lúc ông có quyết định này. Phận ai nấy lo. Ông tự ý xuống núi, tôi không bảo đảm gì cả. Nhưng biết đâu đấy, có khi mọi sự lại tốt đẹp thì sao. Cái nghề ông chọn cũng hay, suốt ngày ở ngoài trời. Rất có thể nó có lợi cho sức khỏe của ông và ông sẽ khỏi bệnh cũng nên.”
“Vâng, thưa ông cố vấn cung đình.”
“Nào, còn ông thì sao, ông bạn trẻ dân sự? Ông cũng đi với anh họ ông chứ?”
Đối tượng của câu hỏi này là Hans Castorp. Chàng đứng bất động, mặt tái nhợt như một năm trước, trong lần khám bệnh trước khi chính thức nhập viện, ở đúng vị trí ngày nào chàng đã đứng, và cũng như ngày nào, có thể nhìn thấy cả nhịp đập thoi thóp của trái tim chàng trong lồng ngực. Chàng bảo:
“Tôi muốn theo quyết định của ông, thưa ông cố vấn cung đình.”
“Quyết định của tôi hử. Được!” Và ông ta nắm cánh tay chàng lôi xềnh xệch về phía mình, rồi vừa gõ vừa nghe. Ông ta không đọc gì cho ông bác sĩ trợ lý chép. Thủ tục khám bệnh diễn ra khá chóng vánh. Xong ông ta bảo: “Ông được ra viện.” Hans Castorp lắp bắp:
“Thế là... tại sao? Tôi đã khỏe hẳn rồi ư?”
“Phải, ông khỏe hẳn rồi. Vết ướt ở phía trên bên trái không đáng kể nữa. Nhiệt độ bất thường của ông không phải tại chỗ ấy. Do đâu ông bị sốt thì chính tôi cũng không biết. Tôi cho rằng những cơn sốt nhẹ ấy không có gì đáng ngại. Ông cứ việc xuống núi.”
“Nhưng mà... Thưa ông cố vấn cung đình... Ông nói thật hay nói đùa đấy ạ?”
“Đùa? Đùa là thế nào? Ông nghĩ sao mà lại nói thế? Ông nghĩ thế nào về tôi, tôi muốn biết điều đó? Ông coi tôi là người thế nào đây? Một tay chủ chứa?”
Thế là ông ta nổi trận lôi đình. Máu dồn lên làm mặt ông ta từ màu chàm chuyển sang tím bầm, làn môi trên với hàng ria mép lệch càng vén cao để lộ cả những chiếc răng hàm trên, đầu ông ta chúi về phía trước như bò tót trên trường đấu, cặp mắt lồi ngấn nước trợn lên đỏ đòng đọc.
“Tôi cấm ông!” Ông ta gầm lên. “Tôi không phải chủ nhân cái nhà chứa này! Tôi chỉ là một người làm ở đây! Tôi là bác sĩ! Tôi chỉ là bác sĩ thôi, ông hiểu không? Tôi không phải ông mai bà mối, tôi không phải Signor Amoroso[283] ở khu Toledo[284] thành Naples, ông hiểu chưa!?! Tôi là một người cứu nhân độ thế! Và nếu như các ông có quan niệm khác về cá nhân tôi thì quỷ tha ma bắt cả hai người đi, lên voi xuống chó gì cũng thây kệ các ông! Chúc các ông thượng lộ bình an!”
Ông ta sải những bước dài đi hùng hục ra cửa, cánh cửa thông sang gian phòng đợi trước phòng chiếu điện, và để cánh cửa sập lại cái rầm sau lưng mình.
Hai anh em luống cuống nhìn bác sĩ Krokowski cầu cứu, nhưng ông này chăm chú đọc đống giấy tờ ở trên bàn, có vẻ như muốn chui luôn vào trong đó. Thế là họ hấp tấp mặc áo vào. Lên tới cầu thang Hans Castorp lên tiếng:
“Kinh khủng quá. Cậu đã bao giờ nhìn thấy ông ta ở tình trạng như thế này chưa?”
“Chưa, tức giận đến thế này thì tớ chưa thấy bao giờ. Cấp trên mà nổi giận như thế thì chỉ còn cách đứng nghiêm chịu trận thôi. Tất nhiên ông ta đã bực sẵn vì vụ Polypraxios và con nhỏ Nölting rồi. Nhưng cậu thấy không”, Joachim quay sang em họ, và người ta có thể thấy rõ niềm vui chiến thắng trào lên muốn làm nổ tung lồng ngực chàng, “cậu có thấy ông ta xuống nước đầu hàng như thế nào không, lúc ông ấy hiểu ra là tớ sẽ không nhượng bộ? Phải tỏ rõ sự cương quyết của mình, mềm nắn rắn buông mà. Có thể coi như là tớ đã được phép ra viện một cách bán chính thức rồi - chính miệng ông ta nói rằng có khi tớ sẽ khỏi bệnh cũng nên - và tám ngày nữa chúng mình... ba tuần nữa tớ sẽ có mặt ở trung đoàn”, chàng sửa lại câu nói lỡ lời bằng cách loại Hans Castorp ra ngoài cuộc và giới hạn đối tượng sung sướng ở riêng cá nhân mình mà thôi.
Hans Castorp làm thinh. Chàng không nói gì về chuyện “được phép ra viện” của Joachim, cũng như về bản thân mình, người rõ ràng đã được ông cố vấn cung đình chính thức cho ra viện. Chàng lẳng lặng sửa soạn cho cữ nằm nghỉ ngoài ban công, cắm cây nhiệt kế vào miệng, quấn hai tấm chăn lông lạc đà quanh người bằng những cử động gọn gàng dứt khoát, với một kỹ năng nghệ thuật được đánh giá rất cao ở trên này nhưng dưới đồng bằng chẳng ai thèm biết đến, và nằm im, chỉ thỉnh thoảng trở mình sang trái hay sang phải trên chiếc ghế nằm tuyệt hảo, trong cơn giá lạnh của một buổi chiều ẩm ướt đầu thu.
Những đám mây đen trĩu nặng vần vũ trên trời, lá cờ không của quốc gia nào đã được cuốn lại quanh cột. Trên các cành tùng ướt sũng còn đọng lại ít tuyết đầu mùa. Từ gian điều dưỡng chung dưới vườn, nơi một năm lẻ mấy ngày trước giọng nói của ông Albin đã vọng lên đến tai chàng, giờ đây cũng văng vẳng đưa lên tiếng trò chuyện của những người làm nhiệm vụ dưới ấy, chắc chắn mặt mũi và những ngón tay của họ chẳng mấy chốc cũng sẽ đỏ ửng tê cóng. Chàng đã quen với tất cả những điều đó và rất biết ơn cuộc sống trên này, cuộc sống đã từ lâu trở thành lối sống duy nhất hợp ý chàng, vì nó tạo cho chàng cơ hội yên ổn nằm đây mà ngẫm nghĩ sự đời.
Thế là đã quyết, Joachim sẽ ra đi. Rhadamanth đã cho chàng ra viện một cách bán chính thức - không danh chính ngôn thuận, không phải vì chàng đã khỏi bệnh, mà chỉ là một sự xuống nước, chịu thua sự cương quyết của chàng. Chàng sẽ lên đoàn tàu chạy theo khúc đường ray hẹp xuống ga Landquart, từ đó đi tiếp đến Romanshorn, rồi vượt hồ nước rộng mênh mông không dò thấu đáy, nơi chàng kỵ sĩ trong bản tình ca thuở nào đã cưỡi ngựa vượt qua[285], và đi dọc suốt chiều dài nước Đức về lại quê nhà. Chàng sẽ lại sống ở đó, trong thế giới dưới đồng bằng, giữa đám người không hề biết phải sống thế nào cho đúng, những con người chẳng biết cách đo nhiệt độ, cách cuốn chăn một cách nghệ thuật thành cái kén quanh mình, chẳng biết đến cả túi ngủ lót lông, lẫn một ngày ba lần đi dạo... Khó mà nói được, khó mà kể hết mọi điều những kẻ dưới kia không biết, nhưng chỉ cần nghĩ đến chuyện Joachim, sau hơn một năm rưỡi ‘ở trên này’, giờ lại phải sống với đám người chẳng biết gì, chỉ cần hình dung ra cái điều đúng ra chỉ can dự đến một mình Joachim, hoặc giả nếu có thì chỉ hơi liên quan một chút đến chàng, Hans Castorp cũng hoang mang đến độ phải nhắm nghiền hai mắt và đưa tay làm một cử chỉ tự vệ che trước ngực, miệng lẩm bẩm liên hồi: “Không thể được, không thể được.”
Nhưng nếu điều đó không thể chấp nhận được thì có nghĩa là chàng phải ở lại trên này một mình, không có Joachim? Đúng thế. Bao lâu? Đến khi Behrens cho chàng xuất viện, một cách nghiêm túc chứ không phải như hôm nay. Nhưng thứ nhất, đó là một thời điểm vô hạn định mà người ta chỉ có thể biểu thị, giống như Joachim dạo nọ, bằng một cái khoát tay vu vơ trong không trung, và thứ hai: liệu cái điều không thể có khi nào trở thành có thể? Ngược lại thì có. Thành thật mà nói, phải thừa nhận rằng đây là một cơ hội tốt, bằng chuyến đi trái phép của Joachim số phận đã chìa một bàn tay cứu giúp - vào lúc này, khi mà cái điều không thể có lẽ còn chưa chắc chắn - để nâng đỡ và dẫn dắt chàng, giúp chàng tìm đường về lại đồng bằng, con đường mà một mình chàng sẽ vĩnh viễn không bao giờ tự tìm ra. Con người sư phạm nhân văn kia nếu biết có tình huống này chắc sẽ khẩn thiết yêu cầu chàng nắm lấy bàn tay ấy và tuân theo sự dẫn dắt của nó! Nhưng ông Settembrini chỉ là một đại diện của những điều và những sức mạnh rất đáng để tai nghe nhưng không phải là duy nhất, không tuyệt đối; và cả Joachim cũng vậy. Chàng là một quân nhân, đúng thế. Chàng xuống núi - gần như đúng vào thời điểm cô Marusia với bộ ngực vun cao sắp sửa quay về (ai cũng biết cô ta sẽ trở lại ngày mùng một tháng mười), trong khi chàng, Hans Castorp, con người dân sự, coi ra đi và xuống núi là điều không thể chấp nhận được vì chàng phải đợi Clawdia Chauchat, mà ngày về của cô ta chẳng ai biết khi nào. “Tôi không quan niệm thế”, Joachim đã nói như vậy khi Rhadamanth buộc cho chàng tội đào ngũ, rõ ràng đối với Joachim đó chỉ là một điều nhảm nhí ông cố vấn cung đình trong cơn bực tức trút bừa lên đầu mình. Nhưng đối với Hans Castorp, con người dân sự, thì lại khác. Đối với chàng (đúng thế, không còn nghi ngờ gì nữa, đúng là như thế! Để cho ý nghĩ quyết định này tự hình thành được từ trong mớ cảm xúc hỗn độn chàng đã phải ra nằm ngoài này, trong sương giá lạnh lẽo hôm nay) - đối với chàng thì đó đúng là đào ngũ, nếu nhân cơ hội này bỏ vị trí để xuống đồng bằng, dù là chính thức hay bán chính thức, là sự trốn tránh những trách nhiệm nảy sinh trong lúc chàng chiêm ngưỡng hình hài cao quý tên gọi Homo Dei, sự phản bội nhiệm vụ ‘cai trị’ nặng nề và sôi động, một nhiệm vụ vượt quá sức lực tự nhiên của chàng nhưng đồng thời đem lại cho chàng một niềm hạnh phúc thầm kín phiêu lưu, nhiệm vụ mà chàng chăm chỉ thực hiện trên ban công này và ở động hoa tím ngoài kia.
Chàng giật cây nhiệt kế ra khỏi miệng, mạnh như từ trước tới nay mới chỉ có một lần - đó là lần đầu tiên chàng sử dụng nó, ngay sau khi bà y tá trưởng bán cái dụng cụ nhỏ nhắn tinh xảo này cho chàng - và nhìn vào cột thủy ngân với một sự háo hức cũng như dạo trước: Mercury đã bò lên cao đáng kể, nó chỉ ba bảy độ tám - gần ba bảy độ chín.
Hans Castorp hất mấy tấm chăn xuống khỏi người, chồm dậy sải những bước dài vào phòng, đi tới trước cửa chính thông ra hành lang và quay trở lại. Rồi, sau khi trở về tư thế đo giường chàng hạ giọng khẽ khàng gọi Joachim hỏi nhiệt độ của người anh.
“Tớ không đo nữa”, Joachim trả lời.
“Tớ có Tempus”, Hans Castorp bảo, vô tình dùng cái từ ưa thích của bà Stöhr, chắc được biến tấu ra từ ‘Schampus’[286]; Joachim đằng sau tấm kính ngăn cách chỉ lặng thinh.
Sau đó chàng cũng không mở miệng, ngày hôm ấy và cả những ngày sau, không cất lời dò hỏi về những kế hoạch và quyết định của người em họ, những điều vì thời hạn ngắn ngủi do chàng đặt ra chẳng chóng thì chầy cũng phải lộ ra: bằng hành động hay bằng sự án binh bất động; trong trường hợp này nó bộc lộ ra qua cách thứ hai. Có vẻ như Hans Castorp nhất định tuân theo chủ nghĩa tĩnh lặng Thiên Chúa giáo, dạy rằng mọi hành động của con người đều là sự báng bổ Chúa, đấng duy nhất có quyền hành động. Tóm lại tất cả các hoạt động của chàng trong những ngày này giới hạn ở một lần tiếp kiến riêng với Behrens, một cuộc thương thuyết mà Joachim có biết và mặc dù không có mặt ở đó nhưng diễn biến cũng như kết quả của nó chàng có thể tính ra được trên năm ngón tay. Em họ chàng giải thích, cậu ta mạo muội căn cứ vào những lời cảnh cáo mà ông cố vấn cung đình đã không ít lần đưa ra, rằng bệnh nhân nên ở lại đây điều trị một lần cho dứt điểm để sau này không bao giờ phải quay trở lại nữa, để đặt vấn đề nghi vấn phán xét cũng của vị lương y này trong một phút nóng nảy. Chàng còn sốt 37,8 độ, chàng không hề cảm thấy mình có thể ra viện một cách danh chính ngôn thuận, và nếu như phán xét mới đây của ông cố vấn cung đình còn có thể thay đổi được - phải nói thêm rằng bản thân chàng, người nói những điều này, tuyệt đối không nhận thấy có gì cản trở điều này - và sau khi đã bình tĩnh cân nhắc kỹ lưỡng thì chàng đi đến một quyết định khác với Joachim, tức là ở lại đây đợi đến lúc cơ thể được giải độc hoàn toàn. Đáp lại ông cố vấn cung đình có thể trả lời như sau: “Bon[287], tốt lắm!” và: “Được đấy!” và: chàng ăn nói đúng như một người biết phân biệt phải trái, và: ông ta đã thấy ngay từ đầu, rằng Hans Castorp có nhiều năng khiếu làm bệnh nhân hơn hẳn cái tay lính mới tò te hăng tiết vịt kia. Vân vân và vân vân.
Vậy là, theo những tính toán rất sát với thực tế của Joachim thì cuộc nói chuyện tay đôi giữa hai người có thể diễn ra như thế, cho nên chàng chẳng hé răng hỏi han gì mà chỉ ngấm ngầm nhận xét rằng Hans Castorp không có những động tác chuẩn bị cho chuyến đi như chàng. Nhưng bản thân Joachim cũng đã có biết bao việc để lo, chàng không còn hơi sức đâu mà quan tâm đến số phận và sự đi ở của người em họ! Ai cũng có thể thấy một cơn bão tố đang cuồn cuộn dâng lên trong ngực chàng. Có lẽ chính vì thế mà chàng không đo nhiệt độ nữa, mặc dù lý do chính thức chàng đưa ra là cái dụng cụ đo mỏng manh ấy bị chàng lỡ tay làm rơi vỡ: Kết quả đo trong trạng thái kích động tâm lý như tình trạng chàng hiện nay, lúc thì đỏ bừng lúc lại tái nhợt đầy sung sướng và hồi hộp, rất có thể ảnh hưởng tai hại đến quyết định của chàng. Chàng không thể nằm yên được, Hans Castorp nghe tiếng chàng đi đi lại lại cả ngày trong phòng: cả vào những giờ mà tư thế đo giường là quy định nghiêm ngặt ở ‘Sơn trang’, cả thảy bốn lần một ngày. Một năm rưỡi! Và rồi đùng một cái xuống đồng bằng, trở về nhà, gia nhập đơn vị, mặc dù chỉ được ra viện một cách bán chính thức! Đây không thể là chuyện vặt, tuyệt đối không, Hans Castorp cảm nhận được điều đó trong những bước đi bồn chồn của người anh họ. Mười tám tháng trời, trọn một vòng quay chu kỳ của một năm và còn thêm nửa vòng nữa ở trên này, chìm ngập vào cuộc sống ở đây, hằn sâu trong tâm thức giờ giấc kỷ luật của nó, nhịp điệu sống không gì phá vỡ nổi của nó, lặp lại bảy lần bảy chục ngày nếp đời ấy bất kể thủy triều lên xuống - vậy mà giờ đây phải trở về nhà, ngụp lặn trong con nước lạ, chung đụng với những kẻ đồng hành vô tri! Chẳng biết khó khăn trở ngại nào sẽ nảy sinh ngăn cản chàng hội nhập trở lại với khí hậu dưới đó? Và có gì là lạ, nếu sự hồi hộp của Joachim không chỉ chứa đựng niềm vui mà cả nỗi lo, niềm đau phải dứt bỏ những thói quen đã ăn sâu vào trong máu thịt? - Lại còn cô Marusia nữa chứ.
Nhưng nói gì thì nói, niềm vui vẫn chiếm ưu thế. Niềm vui tràn ngập trái tim và nở hoa trên môi chàng Joachim trung hậu, chàng say sưa nói về tương lai mình và tránh đả động tới tương lai của người em họ. Chàng nói rằng, tất cả sẽ mới mẻ và tươi đẹp biết bao: cuộc đời, bản thân chàng, và cả thời gian nữa, từng ngày, từng giờ. Chàng sẽ lại được sống thời gian của cuộc đời với đầy đủ thực chất và trọng lượng, những năm dài đầy biến động của tuổi trẻ. Chàng nói về mẹ mình, dì Ziemßen của Hans Castorp, người phụ nữ với đôi mắt đen dịu dàng như mắt Joachim, người thân yêu nhất mà chàng không được gặp mặt trong suốt thời gian ở trên núi, vì cũng như con trai, bà đã nuôi hy vọng hết tháng này sang tháng khác, hết nửa năm này đến nửa năm khác, đến nỗi chưa bao giờ quyết định lên thăm con. Với nụ cười tươi rói chàng hăm hở kể về lời tuyên thệ chẳng bao lâu nữa chàng sẽ được đọc: trong một buổi lễ uy nghi chàng sẽ long trọng cất tiếng thề suốt đời trung thành với lá cờ, với chính lá cờ chứ không ai khác. “Sao?” Hans Castorp hỏi. “Cậu không đùa đấy chứ? Thề trung thành với cái cán ấy? Với mảnh vải ấy?” - Phải, chính thế, Joachim đáp, đấy là biểu tượng; trong pháo binh thì đó là những phát đại bác bắn lên trời. - Thật là nhiêu khê, con người dân sự nhận xét, một nghi thức vừa cảm động vừa cuồng tín. Và Joachim sung sướng gật đầu, mắt sáng ngời kiêu hãnh.
Chàng phấn chấn chuẩn bị cho chuyến đi, xuống văn phòng thanh toán hóa đơn, loay hoay sắp xếp hành lý từ nhiều ngày trước kỳ hẹn do chính chàng tự đặt ra. Chàng gói ghém hết cả đồ mùa hè lẫn đồ mùa đông, và bảo người phục vụ bỏ cả cái túi ngủ lót lông lẫn hai tấm chăn lông lạc đà vào bao vải may kín lại: biết đâu khi ra trận lại có lúc chàng cần đến những thứ ấy thì sao. Chàng bắt đầu chào tạm biệt mọi người. Chàng tới thăm từ giã Naphta và Settembrini - một mình, vì em họ chàng không tham gia những hoạt động này và cũng không hỏi thăm xem Settembrini nói gì về chuyện Joachim sắp ra đi hay về chuyện Hans Castorp chẳng ra đi; ông ta cứ việc thốt lên “Coi kìa, coi kìa” hay “Chậc, chậc”, hay thậm chí cả hai, hay “Poveretto[288]” chàng cũng thây kệ.
Rồi cũng tới hôm trước ngày lên đường của Joachim, hôm ấy chàng thực hiện mọi thủ tục một lần cuối, mỗi bữa ăn, mỗi cữ nằm nghỉ, mỗi cuộc dạo chơi bắt buộc, và nói lời từ biệt các bác sĩ cũng như bà y tá trưởng. Rồi ngày chia tay tới: Joachim xuống ăn điểm tâm với cặp mắt nóng ran và đôi tay lạnh ngắt, vì cả đêm qua chàng không hề chợp mắt, suốt bữa ăn chàng chẳng nuốt nổi miếng nào, cô người lùn vừa mở miệng thông báo hành lý đã chất lên xe là chàng chồm dậy khỏi ghế nói lời tạm biệt những người ngồi cùng bàn. Bà Stöhr nhỏ vài giọt nước mắt, những giọt nước mắt nhạt thếch, trơn tuột của người vô học, để rồi ngay sau lưng Joachim đã vừa lắc đầu vừa xua xua bàn tay xòe ra trong một cử chỉ thô lỗ bày tỏ sự nghi ngờ tính hợp thức của chuyến đi này và tình trạng sức khỏe của người ra đi. Hans Castorp nhìn thấy hết lúc chàng đứng cạnh bàn uống nốt tách trà để kịp theo chân anh. Rồi Joachim phân phát tiền boa, đáp lễ một vị đại diện ban quản trị ra tận tiền sảnh hoàn tất thủ tục chia tay chính thức. Như thường lệ, một đám bệnh nhân hiếu kỳ đã tụ tập đầy trước cổng: bà Iltis với thanh “đoảng đao”, cô Levi màu ngà voi, ông Popow động kinh với vị hôn thê kè kè bên cạnh. Họ tíu tít vẫy khăn tay trong lúc chiếc xe ngựa bị thắng bánh sau lệt xệt bò xuống con dốc. Joachim được tặng cả hoa hồng. Chàng đội trên đầu một chiếc mũ. Hans Castorp thì không.
Đó là một buổi sáng đẹp tuyệt vời, với những tia nắng ấm đầu tiên sau chuỗi ngày u ám. Đỉnh Schiahorn, những ngọn tháp xanh, quả núi làng với cái đầu trọc tròn xoay vẫn đứng bất di bất dịch như tạc trên nền xanh ngắt, và mắt Joachim đăm đắm như muốn nuốt lấy quang cảnh ấy. Tiếc quá, Hans Castorp bảo, đúng lúc cậu ra đi thì trời lại đẹp. Ác thật đấy, nếu ông trời trưng ra một bộ mặt khó ưa thì có lẽ người ta dễ dứt áo ra đi hơn. Joachim đáp: chàng không cần dễ dứt áo ra đi, đây đúng là thời tiết lý tưởng để tập luyện ngoài thao trường, giá xuống dưới kia vẫn còn được như thế này thì hay biết mấy. Phần lớn quãng đường họ lặng thinh. Những xúc cảm ngổn ngang trong lòng mỗi người và vướng mắc giữa họ quả thực khó nói ra lời. Đã thế còn lão gác cổng khập khiễng ngồi ngay phía trước, trên cái bục cạnh người đánh xe nữa chứ.
Ngất ngưởng trên băng ghế cao, dựa vào lớp đệm cứng ngắc của chiếc xe mui trần, họ bỏ lại sau lưng dòng suối và khúc đường ray hẹp, theo con phố chính hai bên nhà cửa xây cất nhuôm nhoam chạy dọc đường tàu, nhắm hướng mảnh sân lổn nhổn đá cuội trước ga “Làng” với tòa nhà nhỏ như một cái chòi canh. Hans Castorp kinh hoảng thấy mình còn nhớ rõ đến từng chi tiết cảnh tượng ở đây, mặc dù từ ngày đặt chân tới nơi trước đây mười ba tháng chàng không một lần trở lại chốn này. “Hồi trước tớ cũng xuống ga này”, chàng nói một câu dư thừa, và Joachim chỉ trả lời: “Ừ, đúng thế.” Rồi chàng trả tiền cho người đánh xe.
Lão già khập khiễng nhanh nhảu lo liệu mọi thủ tục, mua vé tàu, gửi hành lý. Họ đứng cạnh nhau trên sân ga, bên đoàn tàu bé hạt tiêu với những khoang hành khách lót đệm xám êm ái, Joachim chiếm lấy một khoang và bày ra nào áo khoác, nào chăn ủ chân, và cả hoa hồng nữa. “Chà, vậy là cậu sắp sửa thề thốt với lá cờ của cậu!” Hans Castorp bảo, và Joachim đáp: “Nhất định rồi.” Còn gì nữa? Họ trao đổi những lời thăm hỏi cuối cùng, gửi lời chào người ở dưới đó và người ở trên này. Rồi thì Hans Castorp chỉ còn biết dùng mũi gậy vạch vạch xuống nền đường. Hồi còi báo hiệu khởi hành vang lên, chàng giật thót người ngước nhìn anh, và Joachim nhìn chàng. Họ đưa tay cho nhau bắt. Hans Castorp cười ngượng nghịu, còn đôi mắt người anh vừa tha thiết khẩn cầu vừa thăm thẳm một nỗi buồn vời vợi. “Hans!” Chàng gọi - thượng đế ơi, trần đời có cảnh nào khó xử hơn thế này không? Chàng gọi Hans Castorp bằng tên! Không phải bằng “cậu” hay “người anh em” như cả đời họ vẫn gọi nhau theo thói quen khô khan của người miền Bắc, mà chàng cất tiếng gọi tên người em họ, giọng thương mến cảm động vô cùng! “Hans”, chàng lặp lại và nắm chặt tay người em họ trong một cử chỉ đầy lo âu, người được gọi bối rối nhìn vào đôi mắt đỏ ngầu mất ngủ của người ra đi, hốt hoảng nhận thấy cần cổ anh ấy trong cơn xúc động không kiềm chế được cũng rung lên bần bật như cổ chàng mỗi khi “cai trị” - “Hans”, giọng người anh thiết tha lạc hẳn đi, “em cũng sớm sớm mà về đi nhé!” Rồi chàng nhảy lên bậc cửa. Cửa toa đóng lại, một hồi còi nổi lên, các toa rùng mình xô nhẹ vào nhau, cái đầu máy bé hạt tiêu dồn sức kéo, đoàn tàu chuyển bánh lướt đi. Người ra đi đưa mũ ra ngoài cửa sổ vẫy lia lịa, người ở lại vẫy tay. Hans Castorp còn đứng lặng hồi lâu trên sân ga, một mình, với trái tim ngổn ngang như ngôi nhà đổ sau cơn bão. Rồi chàng lầm lũi theo con đường mòn trở về, con đường Joachim đã dẫn chàng đi trước đây một năm lẻ mấy ngày.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần