You practice mindfulness, on the one hand, to be calm and peaceful. On the other hand, as you practice mindfulness and live a life of peace, you inspire hope for a future of peace.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3352 / 137
Cập nhật: 2017-09-15 16:22:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 6 - Thay Đổi
hời gian là gì? Một bí mật - không hình thể và đầy uy lực. Một điều kiện ràng buộc trong thế giới hữu hình, một sự vận động, gắn liền và hòa lẫn sự hiện hữu của vật thể trong không gian với chuyển động của chúng. Liệu thời gian có tồn tại không, nếu không có chuyển động? Và chuyển động thì sao, nếu không có thời gian? Những câu hỏi hóc búa. Thời gian có phải là một chức năng của không gian? Hay ngược lại? Hay hai thứ ấy đồng nhất với nhau? Biết bao nhiêu thắc mắc. Thời gian không ngừng vận động, đó là đặc tính gắn liền với thời gian, và gây ra những tác động tiêu biểu của nó. Vậy tác động của thời gian là gì? Thay đổi! Hiện tại không phải là quá khứ, nơi này không phải nơi kia, vì giữa chúng luôn tồn tại chuyển động. Tuy nhiên chuyển động mà người ta quy ước để đo thời gian lại là chuyển động vòng tròn, chuyển động khép kín, cho nên nhiều khi người ta lầm tưởng chuyển động và thay đổi là tĩnh lặng và bất biến; bởi quá khứ không ngừng được lặp lại trong hiện tại, nơi kia cũng hiện diện ở nơi này. Song một thời gian vô hạn trong một không gian hữu hạn cho dù có cố gắng mấy cũng không thể hình dung ra được, nên người ta quyết định “coi” thời gian và không gian là vĩnh cửu và vô tận - với hy vọng rằng, các khái niệm này nếu như chưa thể lĩnh hội được hoàn toàn thì chí ít cũng có thể hình dung một cách dễ dàng hơn. Thế nhưng, chẳng phải sự thăng cấp tùy tiện cho chúng thành vô cùng vô tận lại hủy diệt hết mọi tính toán logic về giới hạn và hữu hạn, một sự giảm thiểu tương đối trở về không? Liệu trong vĩnh cửu có thể phân biệt trước sau, trong vô tận có thể xác định xa gần? Làm sao dung hòa giả thiết vĩnh cửu và vô tận với những khái niệm như khoảng cách, chuyển động, biến đổi, hay thậm chí có thể chấp nhận sự tồn tại của một lượng hữu hạn vật thể trong vũ trụ? Thắc mắc mẹ lại đẻ thắc mắc con!
Những thắc mắc như thế hoặc tương tự thế cứ nhào lộn trong óc Hans Castorp, bộ óc ngay từ khi mới đặt chân lên đây đã có những biểu hiện khinh suất và nổi loạn, với một hứng thú tai hại nhưng vô cùng mãnh liệt giày vò chàng không ít, nhưng có lẽ cũng chính nhờ nó mà đầu óc chàng trở nên sắc sảo và ương ngạnh. Chàng đem những thắc mắc về thời gian tự hỏi mình và hỏi Joachim trung hậu, hỏi cả cái thung lũng mùa đông đã bao lâu nay ngập chìm trong tuyết trắng, mặc dù vẫn biết rằng chẳng mong gì moi được một câu trả lời từ bất cứ phía nào - khó mà nói được hỏi ai vô ích hơn ai. Chàng chỉ tự hỏi đi hỏi lại mình những điều ấy, vì bản thân không thể tìm ra lời giải đáp. Về phần Joachim, chàng gần như không có cách gì thu hút được sự quan tâm của anh họ, bởi như Hans Castorp trong một buổi tối nọ đã nhận xét rất đúng bằng tiếng Pháp rằng, anh họ chàng chẳng thiết tha bất kỳ điều gì khác ngoài cuộc đời quân ngũ dưới đồng bằng, và vì hy vọng thực hiện ước mơ ấy cứ lúc gần lúc xa chập chờn ngoài vòng tay với, nên chàng cắn răng theo đuổi cuộc chiến đấu với bệnh tật một cách đầy tuyệt vọng, càng về sau này càng có vẻ muốn kết thúc nó bằng bạo động. Phải, chàng Joachim trung hậu, nhẫn nại, rất kỷ luật và luôn nghiêm chỉnh chấp hành nhiệm vụ điều dưỡng, không ai ngờ bỗng trở nên chày bửa, dám lên tiếng đả phá cả “độ Gaffky”[196], một chỉ số xét nghiệm do phòng thí nghiệm dưới hầm - mà người ta vẫn quen gọi tắt là ‘Labor’ - cung cấp, trong đó mức độ nhiễm khuẩn của bệnh nhân được tìm hiểu và xếp hạng theo một thang bậc nhất định: người ta kiểm tra xem trong mẫu đờm chỉ còn vài con vi trùng lẻ tẻ hay vẫn nhung nhúc cả bầy, mật độ này quyết định chỉ số Gaffky, và tất cả phụ thuộc vào đó. Vì, chắc như đinh đóng cột, chỉ số ấy đại diện cho khả năng lành bệnh của người được xét nghiệm; số tháng hay số năm mà người ấy còn phải lưu lại nơi này cũng có thể quy ra từ đó không khó khăn gì, từ nửa năm quèn cho đến “chung thân” như tiếng lóng ở trên này, cách diễn đạt mà xét về phương diện thời gian chẳng nói lên được điều gì rõ rệt. Vậy là Joachim nổi loạn chống lại độ Gaffky, chàng công khai nghi ngờ tính chính xác của nó - thực ra không hẳn là công khai, vì chàng chưa dám phát biểu điều đó với các quan viên của viện mà chỉ bảo với Hans Castorp và nói trước cả bàn ăn. “Tôi đã chán ngấy rồi, tôi không để mình bị lừa phỉnh lâu hơn nữa đâu”, chàng nói to, gương mặt rám nắng nâu sậm đỏ bừng. “Mới mười bốn ngày trước tôi đo được hai độ Gaffky, chuyện nhỏ, đầy triển vọng; vậy mà hôm nay vọt lên đến chín độ, có thể nói là dày đặc vi trùng, không thể bàn đến chuyện xuống đồng bằng nữa. Quỷ tha ma bắt nó đi, có trời mới biết thế là thế nào, thật không sao chịu nổi. Ở Schatzalp trên kia có một bệnh nhân, một ông người Hy Lạp ở xứ Arcadia, cơ sở y tế dưới đó gửi ông ta lên đây, nghe nói đã tuyệt vọng lắm rồi, thời giờ còn lại có thể đếm trên đầu ngón tay, ngày nào cũng có thể là ngày từ giã cõi đời - thế mà từ trước tới nay người ta bói không ra một con vi trùng nào trong đờm của ông ta. Ngược lại ông đại úy bụng phệ người Bỉ, cái ông đã lành bệnh và được xuống núi hồi tôi mới đến, trước đó thậm chí đo được tới mười độ Gaffky, vi trùng đếm không xuể, mặc dù ông ta chỉ có một ổ lao rất nhỏ. Đã thế thì thây kệ Gaffky! Tôi không thể chịu đựng lâu hơn được nữa, tôi nhất định về nhà đây, có chết cũng cam lòng!” Joachim nói một thôi một hồi giọng đầy bức xúc, và cả bàn cúi đầu im lặng sượng sùng, đau đớn vì phải chứng kiến cảnh chàng thanh niên hiền hậu và kỷ luật ấy rơi vào tình trạng thiếu kiềm chế đến vậy. Hans Castorp, khi nghe Joachim dọa tung hê tất cả để xuống đồng bằng, bất giác nghĩ tới lời cảnh cáo từ miệng một người thứ ba, nói bằng tiếng Pháp, trong một buổi tối đáng nhớ. Nhưng chàng làm thinh không dám hé răng, vì chàng chẳng biết phải nói thế nào với anh họ, không lẽ lại khuyên nhủ anh ấy theo gương kiên trì điều trị của bản thân mình giống như bà Stöhr vô học kia hay sao? Karoline Stöhr đã không ngần ngại lên mặt dạy dỗ Joachim chớ nên ương bướng dại dột mà phải trau dồi đức nhẫn và theo gương kiên trì của bà ta mà bám trụ lại trên này, bà ta đã tạm thời hy sinh vai trò người vợ hiền ở Cannstatt để vững tâm điều trị, hy vọng một ngày nào đó được trở về với đức ông chồng trong tư thế người bạn đời hoàn toàn bình phục và khỏe mạnh. Không, Hans Castorp không muốn cư xử như thế, nhất là từ đêm hội hóa trang tới giờ mỗi lần đứng trước Joachim chàng lại thấy lương tâm nổi lên cắn rứt, tức là: lương tâm bảo với chàng rằng, sự kiện mà họ không bao giờ trao đổi với nhau dù chỉ một lời - nhưng chắc chắn Joachim có biết - đối với anh ấy chẳng khác gì một sự phản bội, một hành vi đào ngũ và vi phạm lời nguyền, nếu đem so sánh với đôi mắt nâu tròn có những trận cười vô cớ và mùi nước hoa cam sực nức, thử thách mà Joachim phải chịu đựng mỗi ngày tới năm lần, nhưng anh ấy vẫn nghiêm nghị và đứng đắn cụp mắt nhìn xuống đĩa... Thật vậy, ngay cả trong thái độ im lặng miễn cưỡng mà Joachim dành cho những phỏng đoán và suy luận của chàng về ‘thời gian’ Hans Castorp cũng như đọc thấy một lời trách cứ âm thầm, tính nghiêm khắc và tấm gương giữ gìn kỷ luật của người anh họ làm lương tâm chàng nhức nhối. Còn cái thung lũng ngoài kia, cái thung lũng mùa đông say ngủ dưới lớp tuyết dày, nơi Hans Castorp ngày ngày trong chiếc ghế nằm vô cùng tiện lợi trên ban công hướng ra gửi gắm những câu hỏi lớn không lời đáp, cái thung lũng trải dài trong phong cảnh hùng vĩ với những đỉnh núi răng cưa lởm chởm hay tròn trịa, những dải rừng thông xanh-nâu-hung hung đỏ, lặng lẽ thâm trầm không suy chuyển trong dòng chảy đầy sức xói mòn của thời gian, thời gian trên trần thế, cái thung lũng lúc trắng lóa trên nền trời xanh thẳm, lúc âm u mịt mù sương, lúc đỏ rực trong ánh hoàng hôn, lúc lạnh lùng lấp lánh như kim cương dưới trăng thanh một đêm khuya khoắt - nhưng lúc nào cũng đầy ắp tuyết, kể từ sáu tháng nay, khoảng thời gian một mặt dài vô tận mặt khác chỉ thoảng qua như cái bóng, và tất cả bệnh nhân ở đây đều than thở rằng họ không thể nào nhìn thấy tuyết được nữa, tuyết đã làm họ ngán lên tận cổ, tuyết của mùa hè cũng thừa đủ để đáp ứng nhu cầu của họ rồi, thế mà giờ đây ngày lại ngày vẫn chỉ thấy toàn là tuyết, tuyết vun thành đống, đọng thành gò, phủ đầy sườn dốc, thật là vượt quá sức chịu đựng của con người, chẳng khác gì một sự đầu độc tâm hồn và trí tuệ. Và họ đeo lên những cặp kính mát đủ màu, xanh, hồng, vàng, bảo rằng để che mắt, nhưng kỳ thực là để che chở trái tim.
Thung lũng và núi non bọc trong tuyết đã sáu tháng rồi ư? Bảy tháng! Thời gian vẫn trôi, trong khi chúng tôi kể chuyện - thời gian của chúng tôi, dùng vào việc kể câu chuyện này, nhưng cả thời gian của Hans Castorp và những người đồng cảnh ngộ với chàng bị chôn vùi trong tuyết trên đó cũng không ngừng trôi, nó trôi đi và gây ra những thay đổi. Sự thể lần lần diễn ra đúng như những lời bông lơn thiếu suy nghĩ đã khiến Hans Castorp chuốc lấy cơn giận của ông Settembrini trong ngày hội hóa trang, trên đường từ ‘Phố’ trở về viện an dưỡng: không nhanh tới độ chẳng bao lâu sẽ đến ngày hạ chí như chàng nói, nhưng quả thực lễ Phục sinh đã kéo tới trên thung lũng ngập tràn tuyết trắng, tháng tư chẳng còn được bao lăm, lễ hạ trần đã lù lù trước cửa, chẳng mấy chốc sẽ vào mùa xuân, mùa tuyết tan - nói thế không có nghĩa là tất cả tuyết đều tan, trên các đỉnh núi phía nam, trong các khe đá của rặng Rhätikon ở phía bắc không bao giờ hết tuyết lưu niên, chưa kể lớp tuyết mới xuống vào mùa hè rồi tan ngay không đọng lại; nhưng sự đổi nhịp trong bản giao hưởng bốn mùa của một năm là tín hiệu chắc chắn báo những thay đổi mang tính quyết định trong thời gian ngắn gần đây, vì kể từ đêm hội hóa trang, khi Hans Castorp mượn một cây bút chì của Madame Chauchat - và sau đó đã hoàn lại nguyên vẹn cho chủ - rồi thể theo nguyện vọng chàng nhận được một vật khác thay thế, một vật lưu niệm mà chàng luôn mang theo trong túi, từ bấy đến nay đã sáu tuần lễ trôi qua - nhiều gấp đôi thời gian ban đầu Hans Castorp dự tính ở lại trên này.
Sáu tuần đã trôi vèo đi mất trên thực tế, kể từ buổi tối Hans Castorp làm quen với Clawdia Chauchat và trở về phòng mình vào một giờ khuya khoắt, muộn hơn Joachim nghiêm túc tận tâm thực hiện nhiệm vụ điều dưỡng rất nhiều; sáu tuần kể từ ngày hôm sau, cái ngày Madame Chauchat rời khỏi ‘Sơn trang’, cuộc ra đi lần này, trước mắt là về Daghestan, một vùng khỉ ho cò gáy ở tận cực đông dãy Caucasus. Cuộc ra đi ấy chỉ mang tính chất tạm thời, chỉ là chấm dứt đợt điều trị này thôi, và Madame Chauchat sẽ còn quay trở lại - mặc dù chưa biết chắc khi nào, nhưng sớm muộn gì, dù muốn hay không nàng cũng sẽ quay trở lại, điều đó đã được thề thốt cam đoan với Hans Castorp, từ chính miệng người ra đi, không phải trong cuộc đối thoại bằng tiếng Pháp độc giả đã biết, mà trong thời gian không lời, khoảng thời gian chúng tôi tạm gián đoạn dòng kể chuyện gắn liền với dòng thời gian của mình, để cho thời gian, chỉ có thời gian thôi, làm chủ không gian. Vậy là chàng trai trẻ nhận được vật làm tin và lời hứa hẹn đầy an ủi ấy trước khi trở về phòng mình, phòng số 34; vì ngày hôm sau chàng không còn cơ hội trao đổi một lời nào nữa với Madame Chauchat, thậm chí chàng gần như không nhìn thấy mặt nàng, ngoại trừ hai lần từ xa xa: một lần vào bữa trưa, lúc nàng vẫn với trang phục áo len trắng váy xanh thường ngày uyển chuyển lướt về bàn mình trong tiếng sập cửa động trời, hình ảnh và tiếng động ấy làm trái tim chàng nhảy thót lên phập phồng đập tuốt đâu trên cổ, và chàng phải gom hết sức cố giữ tự chủ để khỏi đưa tay lên ôm lấy mặt trước cặp mắt cú vọ của cô Engelhart lúc ấy quay sang soi mói canh chừng; còn lần thứ hai vào lúc ba giờ chiều, lúc Madame Chauchat ra đi - chàng không có mặt trong số những người tiễn chân, mà chỉ đứng bên một cửa sổ hành lang hướng ra cổng chính đăm đăm trông xuống.
Cảnh chia tay diễn ra cũng hệt như vài lần Hans Castorp đã được chứng kiến trong thời gian ở trên này: chiếc xe ngựa hay xe trượt tuyết thắng ngựa dừng lại trước cổng, người đánh xe và nhân viên phục vụ trong viện chất hành lý lên xe, bệnh nhân tụ tập thành một đám, bao gồm bạn bè của người ra viện - con người may mắn không biết đã bình phục hay chưa, xuống đồng bằng để sống hay để chết - và cả những người chẳng dây mơ rễ má gì, chỉ xuống để trốn giờ nằm điều dưỡng và coi sự kiện ngoại lệ này như một cơ hội giải khuây; một quan viên thuộc ban quản trị mặc lễ phục đàng hoàng ra tiễn, đôi khi thấy mặt cả các bác sĩ; và rồi người ra đi xuất hiện, tươi cười rạng rỡ, ân cần chia tay những kẻ hiếu kỳ và người ở lại bu đầy xung quanh, tỏ ra hết sức hồi hộp vì cuộc phiêu lưu trước mắt... Lần này người xuất hiện dưới cổng là Madame Chauchat, nàng lướt ra trong chiếc áo khoác dài lượt phượt lót lông thú và chiếc mũ to xù, miệng cười hớn hở, hai tay ôm đầy hoa, có ông đồng hương Buligin theo sát một bên hộ tống, người đàn ông ngực lõm ấy sẽ tiễn chân nàng một đoạn đường. Nàng cũng tỏ vẻ hồi hộp và đầy kích động, như tất cả những người khác khi ra viện - trước sự thay đổi bắt đầu một chặng đời mới, bất kể cuộc ra đi ấy được sự ưng thuận của các bác sĩ, hay chỉ vì chán chường tuyệt vọng mà bỏ dở việc điều trị, chấp nhận hoàn toàn rủi ro về phía mình. Hai gò má Madame Chauchat ửng hồng, nàng nói ríu rít không ngừng không nghỉ, chắc là lại rặt tiếng Nga, trong khi được mọi người giúp ủ ấm hai chân bằng tấm chăn lông... Không chỉ có đồng bào và đồng bọn ngồi cùng bàn ăn ra tiễn chân Madame Chauchat, mà còn rất nhiều bệnh nhân khác cũng có mặt. Bác sĩ Krokowski nở nụ cười cương nghị thật rộng làm bộ râu tẽ ra khoe hàm răng vàng, lại có người tới tặng hoa, bà cụ vui tính dúi vào trong xe một hộp mứt Nga, “của ít lòng nhiều” theo lời bà, cô giáo quá thì cũng xớ rớ gần đó, người đàn ông Mannheim đứng tách riêng ra một chỗ, ủ rũ quan sát cảnh tiễn đưa vui vẻ, đôi mắt tối tăm buồn thảm như vô tình chấp chới lướt lên cao, bắt gặp Hans Castorp bên một ô cửa sổ ngoài hành lang tòa nhà chính, và gắn chặt vào chàng một lúc lâu đầy đau khổ... Ông cố vấn cung đình Behrens không xuất đầu lộ diện, chắc hẳn ông ta đã chia tay người ra đi vào lúc khác, trong một khung cảnh riêng tư hơn... Rồi những con ngựa rùng mình kéo cỗ xe trượt tuyết rời khỏi chỗ trong những cái vẫy tay và lời tiễn biệt của đám đông, theo quán tính Madame Chauchat ngả người ra sau dựa vào lưng ghế, đôi mắt xếch tươi cười liếc nhanh về phía mặt tiền viện an dưỡng và dừng lại một phần giây trên gương mặt Hans Castorp... Người ở lại hồn vía thẫn thờ chập chững chạy về phòng mình, chồm ra ngoài ban công để kịp nhìn lần nữa cỗ xe trượt tuyết đang vừa lanh lảnh rung chuông vừa lao xuống con đường dốc quanh co nhắm hướng ‘Làng’ chạy tới. Rồi sau đó chàng buông phịch người xuống ghế, rút từ trong túi ngực ra món quà lưu niệm, vật làm tin, lần này không phải những mảnh phoi bào bằng gỗ màu nâu đỏ mà là một tấm kính mỏng đóng khung, tấm phim chụp bằng tia Röntgen[197] mà người ta phải đưa lên ngược sáng mới nhìn thấy những hình thù ma quái trên đó - tấm chân dung nội tạng của Clawdia, không có đầu, nhưng có thể nhận ra bộ khung xương mảnh dẻ của nửa thân trên nổi lên sáng trắng, viền quanh là lớp thịt da mờ ảo, và những cơ quan bộ phận tối đen trong lồng ngực...
Đã bao lần chàng lấy vật ấy ra ngắm nghía và áp lên môi trong khoảng thời gian kể từ ngày ấy tới nay, khoảng thời gian ngắn gây ra biết bao thay đổi! Một trong những thay đổi ấy là việc thích nghi với sự thiếu vắng thường xuyên về mặt không gian của Clawdia Chauchat, và nó diễn ra nhanh hơn người ta tưởng rất nhiều: thời gian ở đây bản thân nó như được sinh ra để phục vụ mục đích thích nghi, đã thế nó lại còn được phân chia sắp xếp một cách tinh vi sao cho người ta càng dễ thích nghi, dẫu chỉ là thích nghi với ý nghĩ rằng mình không thể thích nghi được. Chẳng còn lý do để trông đợi tiếng sập cửa rầm rầm xoang xoảng nữa, tiếng động mở đầu mỗi bữa ăn thịnh soạn năm lần một ngày ở trên này; giờ đây Madame Chauchat để sập cửa ở một nơi nào khác xa xôi lắm - cái tật xấu ấy đã gần như là một dấu hiệu của riêng nàng, nó cũng gắn liền và hòa lẫn với con người nàng và bệnh tật của nàng không khác gì mối liên hệ giữa thời gian và vật thể trong không gian: có lẽ đó chính là hình thức biểu lộ bệnh tật của nàng, không hơn không kém... Nhưng sự vắng mặt của nàng là một sự vắng mặt vô hình, nên đồng thời nàng vẫn hiện diện một cách vô hình trong tâm tưởng Hans Castorp - như thần linh bảo trợ chốn này, chàng đã thình lình giác ngộ và chiếm hữu trong một khoảnh khắc vừa ngọt ngào vừa hiểm nguy và đầy cạm bẫy, khoảnh khắc mà không một bản nhạc sến nào dưới đồng bằng đủ khả năng diễn tả, và giờ đây một chút hình ảnh mơ hồ lưu lại của vị thần ấy được chàng nâng niu gìn giữ như lá bùa hộ mệnh, đeo gần sát trái tim bị giày vò ròng rã đã chín tháng trời nay.
Trong khoảnh khắc thần tiên kia đôi môi run rẩy của chàng đã lắp bắp bằng ngoại ngữ và cả bằng tiếng mẹ đẻ, nửa như bất tỉnh nửa như mê sảng, vô số những ý đồ liều lĩnh nhất: đề nghị, thuyết phục, toan tính và năn nỉ, tất cả đều nằm ngoài vòng pháp lý và trái đạo đức - chẳng hạn như, chàng muốn hộ tống vị thần của mình vượt dãy Caucasus hiểm trở, hoặc giả kín đáo theo sau, tới một địa điểm mà tâm hồn tự do phóng khoáng của thần chọn làm chốn dừng chân, để vĩnh viễn không bao giờ rời xa nhau nữa, tóm lại rặt những điều vô trách nhiệm như thế. Tất cả những gì chàng trai thật thà chất phác nhận được trong khoảnh khắc đầy phiêu lưu ấy là một tấm chân dung âm bản, vật làm tin, kèm theo lời cam đoan với xác suất cao là Madame Chauchat sẽ còn trở lại điều trị lần thứ tư, không sớm thì muộn, tùy thuộc ở tình hình bệnh tật, yếu tố đảm bảo tự do cho nàng. Nhưng dù sớm hay muộn - như người ta lại khẳng định với chàng một lần nữa lúc chia tay - thì chắc Hans Castorp cũng đã “xa chạy cao bay” từ lâu rồi; và ý nghĩa khinh bạc của lời tiên đoán ấy có lẽ sẽ nặng nề đến mức không thể chịu đựng nổi, nếu như chàng không bám víu vào ý nghĩ rằng, có những điều được tiên đoán không phải để nó xảy ra, mà là để nó đừng xảy ra, giống như một dạng thần chú. Tiên tri loại này đúng là một sự nhạo báng tương lai, vì nó vẽ ra một viễn cảnh trong tương lai nhưng mục đích chính lại là để tương lai hổ thẹn mà đừng diễn ra như vậy. Và nếu như vị thần nắm giữ linh hồn Hans Castorp, trong cuộc đối thoại mà độc giả đã biết, và cả trong cuộc đối thoại không ai được biết sau đó, cứ một mực gọi chàng là “chàng tiểu tư sản xinh trai với một vết ướt nho nhỏ”, có thể hiểu như một cách diễn đạt khác của khái niệm Settembrini ưa dùng “học sinh cá biệt của trường đời”, thì người ta phải tự hỏi không biết trong sự pha trộn này phần nào chiếm ưu thế: tiểu tư sản hay là cái khác... Có điều chính thần cũng không tính đến một khả năng, vì bản thân thần đã ra viện rồi lại vào viện nhiều lần, nên Hans Castorp cũng có thể “xa chạy cao bay” rồi quay lại vào đúng lúc thích hợp được lắm chứ - mặc dù dĩ nhiên là chàng chẳng chạy đi đâu cả, mà tự nguyện ngồi canh ở trên này để khỏi mất công quay trở lại; cũng như rất nhiều kẻ khác ở đây đó là lý do chính khiến chàng ở lại.
Duy có một lời tiên đoán nhuốm màu giễu cợt trong đêm hội hóa trang đã trở thành sự thật: biểu đồ nhiệt độ của Hans Castorp sau đó đúng là đã ngóc lên theo một đường cong đáng ngại, chàng trịnh trọng điền kết quả mỗi lần đo vào bảng và rất thỏa mãn nhìn đường biểu diễn sau vài lần lên xuống răng cưa đã nằm lì ở trên cao, trừ vài nét lượn sóng không đáng kể còn thì nó chạy tiếp tương đối bằng phẳng, và cao hơn hẳn mức thông thường. Cơn sốt của chàng, theo lời ông cố vấn cung đình, có độ cao và tính dai dẳng hoàn toàn không tương xứng với nguyên nhân tìm thấy bên trong. “Té ra ông nhiễm độc nặng hơn cái vẻ bề ngoài vô hại của ông, ông bạn thân mến”, Behrens bảo. “Thôi được, đã vậy thì phải chích! Mới đầu thuốc sẽ làm ông lừ đừ. Nhưng chỉ khoảng ba bốn tháng nữa thôi là ông sẽ tươi như cá trong nước, theo dự tính của kẻ ký tên vào bệnh án này.” Thế là từ đấy Hans Castorp phải một tuần hai lần lót tót xuống dưới ‘Labor’, vào ngày thứ tư và chủ nhật ngay sau cữ dạo chơi buổi sáng, để nhận mũi chích.
Hai ông bác sĩ thay phiên nhau thực hành biện pháp điều trị ấy, hôm thì ông này, hôm ông kia, khổ một nỗi ông cố vấn cung đình ưa trổ tài lão luyện, ông ta khoa tay một vòng rộng rồi mới chọc mũi kim vào người bệnh nhân và lập tức bơm thuốc ngay. Vì chích kiểu ấy nên ông ta khó lòng định vị chính xác chỗ mũi kim đâm vào da thịt, khiến bệnh nhân nhiều khi đau chết điếng, rất lâu sau đó chỗ bị chích vẫn sưng lên cứng ngắc và đỏ tấy. Ngoài ra thuốc còn tấn công tất cả các cơ quan bộ phận trong cơ thể, nhất là hệ thần kinh, như một môn thể thao tổng lực nó gửi đi những tín hiệu báo động để cơ thể có biện pháp đối phó ngay lập tức, hậu quả là nhiệt độ thậm chí còn tăng lên cao hơn trước: ông cố vấn cung đình đã tiên tri như thế, và sự thể cũng xảy ra đúng thế, tuân theo mọi định luật tự nhiên, chẳng có lý do gì để phàn nàn về những triệu chứng đã được báo trước. Khi đến lượt thì cái thủ tục ấy diễn ra khá nhanh chóng; chưa kịp trở bàn tay người ta đã nhận được liều thuốc giải độc dưới da, lúc ở đùi khi ở bắp tay. Tuy nhiên một vài lần, khi ông cố vấn cung đình chịu bắt chuyện và tâm trạng ông ta không bị khói thuốc làm vẩn đục, thì nhân dịp tiêm chích Hans Castorp lại gợi ra một cuộc đối thoại nho nhỏ mà chàng thường dẫn dắt như sau:
“Tôi vẫn nhớ bữa uống cà phê thân mật ở chỗ ông, thưa ông cố vấn cung đình, một dịp tình cờ hồi mùa thu năm ngoái. Mới vừa hôm qua, hay cũng có thể lâu hơn một chút, anh họ tôi và tôi còn nhắc đến...”
“Bảy độ Gaffky”, ông cố vấn cung đình bảo. “Kết quả xét nghiệm lần cuối. Anh chàng ấy không chịu giải độc cho người ta nhờ. Ông không thể tưởng tượng được ông ta tra tấn hành hạ tôi khổ sở đến thế nào đâu, nhất là thời gian gần đây, những là ông ta muốn ra viện để rút cục được đi đều bước và đeo gươm dài quét đất, thật con nít hết sức. Cằn nhằn cữ nhữ tôi vì năm quý cỏn con, làm như đấy là cả thiên niên kỷ không bằng. Ông ta nhất định về đồng bằng, ai muốn nói gì thì nói - ông ta có tiết lộ dự định của mình với ông không? Ông nên có vài lời kêu gọi lương tâm ông ấy, lấy tư cách cá nhân ông, nhưng mà phải thật khẩn khoản vào! Anh chàng tội nghiệp ấy sẽ tiêu tùng mất nếu sớm quay về hít thở bầu không khí ẩm thấp đầy sương mù nơi quê hương yêu dấu của các ông trên Biển Bắc. Lính tráng cứng đầu cứng cổ như ông ta thì không mong có nhiều chất xám, nhưng ông lại khác, ông là một người dân sự, biết tôn trọng lề luật, có giáo dục đàng hoàng, ông nên tỉ tê vạch hết nhẽ phải trái cho ông ta thấy trước khi ông ấy giở trò dại dột.”
“Tôi vẫn nói đấy chứ, thưa ông cố vấn cung đình”, Hans Castorp trả lời, không để mất chủ động mà khéo léo lái câu chuyện theo ý mình. “Tôi vẫn nói thường xuyên đấy chứ, mỗi khi anh ấy kêu ca, và vẫn nghĩ là anh ấy sẽ tỉnh trí lại. Nhưng khổ nỗi những điều mắt thấy tai nghe không phải lúc nào cũng nêu gương tốt, thế mới chết. Thỉnh thoảng lại có người ra viện - tự tiện xuống núi, về đồng bằng, mà không cần phép tắc gì ráo. Thế nhưng họ lại tổ chức chia tay linh đình cứ như là được xuất viện thật ấy, phải hiểu rằng cảnh tượng trêu ngươi ấy là một sự cám dỗ quá lớn đối với những linh hồn tuyệt vọng. Như là mới đây... ai mới xuống đồng bằng nhỉ? Một bà, ở bàn Nga thượng lưu, Madame Chauchat. Về Daghestan, như người ta rỉ tai nhau. Chà, Daghestan, tôi không biết khí hậu xứ đó ra sao, nhưng chắc chẳng thể nào khá hơn sương mù Biển Bắc chỗ chúng tôi. Vả lại xuống đồng bằng thực ra là cách nói của chúng ta ở đây, chứ hình như về mặt địa lý đó là miền núi, tôi không phải chuyên gia trong lĩnh vực này. Người ta làm sao sống được ở đấy nhỉ, bệnh thì chưa khỏi, lại thiếu hẳn các khái niệm cơ bản, và không ai ở dưới ấy biết gì về những quy định của chúng ta ở trên này, chẳng hạn phải nằm nghỉ hay phải đo nhiệt độ thế nào cho đúng? Nhưng kiểu gì bà ấy cũng sẽ quay trở lại, theo lời bà ấy nói với tôi - sao chúng ta lại tự nhiên nhắc tới bà ấy nhỉ? Phải rồi, hôm xưa có lần anh họ tôi và tôi tình cờ gặp ông cố vấn trong vườn, ông còn nhớ không, đúng ra là ông cố vấn tình cờ gặp chúng tôi, vì lúc ấy anh họ tôi và tôi đang ngồi trên ghế đá, tôi còn nhớ rõ đó là chiếc ghế nào và có thể tả lại một cách tỉ mỉ nữa kia, vậy là chúng tôi đang ngồi trên ghế và hút thuốc. Ý tôi muốn nói là tôi đang hút thuốc, vì anh họ tôi không bao giờ hút thuốc, một thiếu sót không thể lý giải nổi. Và ông cố vấn cũng đang hút thuốc, vậy nên chúng ta đã trao đổi nhãn hiệu thuốc với nhau, tôi nhớ có đúng không ạ, phải công nhận là loại xì gà Brasil của ông cố vấn ngon tuyệt, nhưng hút nó người ta phải thận trọng như cưỡi ngựa non háu đá, phải không ạ, nếu không muốn rơi vào tình cảnh như ông cố vấn hồi ấy sau khi hút hai điếu xì gà nhập khẩu, phê đến nỗi thiếu điều muốn sang thế giới bên kia - vì kết cục cuối cùng tốt đẹp cả nên bây giờ nhắc lại ta có thể cười xòa. Về phần tôi, tôi lại mới đặt thêm vài trăm điếu Maria Mancini từ Bremen, tôi vẫn mê món ấy lắm, nó hợp ý tôi về mọi mặt. Chỉ có điều thuế má và tiền cước phí đúng là cắt cổ, nếu như sắp tới ông còn bắt tôi bóc lịch lâu hơn nữa, thưa ông cố vấn cung đình, thì tôi đến phải dứt tình mà chọn lấy một loài thảo mộc địa phương thôi, trong tủ kính các tiệm dưới kia có nhiều thứ cũng bắt mắt lắm. Và rồi ông cố vấn có lòng tốt cho chúng tôi xem tranh của ông, tôi còn nhớ rõ như mới ngày hôm nay, chúng tôi đã được thưởng ngoạn những tác phẩm hội họa độc đáo - phải nói rằng tôi đã hoàn toàn bị bất ngờ trước những thử nghiệm sơn dầu táo bạo của ông cố vấn, bản thân tôi không bao giờ dám dấn thân vào lĩnh vực này. Và rồi chúng tôi nhìn thấy bức chân dung bà Chauchat với làn da được thể hiện hết sức thần tình - quả thực tôi vô cùng ngưỡng mộ. Hồi bấy giờ tôi chưa có hân hạnh quen người mẫu, mới chỉ biết mặt biết tên vậy thôi. Nhưng rồi, ngay trước khi bà ấy ra viện tôi đã có dịp làm quen trực tiếp với bà ta.”
“Ra thế!” Ông cố vấn cung đình đáp - hệt như cái lần nghe Hans Castorp nói rằng mình cũng bị sốt, trước lần khám bệnh đầu tiên, hy vọng độc giả còn nhớ. Và không bình luận gì thêm.
“Vâng, đúng thế, tôi đã được làm quen với bà ấy”, Hans Castorp lặp lại. “Kinh nghiệm cho thấy làm quen với ai đó trên này quả thực không dễ một chút nào, nhưng tới phút cuối cùng bà Chauchat và tôi đã có cái duyên gặp gỡ, và trong câu chuyện chúng tôi...” Hans Castorp nghiến răng hít vào một hơi thật mạnh. Chàng vừa bị ông cố vấn đâm kim tiêm vào người. “Ái!” Chàng thậm chí còn ngả người ra đằng sau theo phản xạ. “Chắc chắn ông vừa chạm vào một sợi dây thần kinh tối quan trọng của tôi, thưa ông cố vấn cung đình. Ôi, vâng, vâng, đau thấy mồ. Cám ơn ông, được một chút massage chỗ ấy thì hay quá... Vậy là trong câu chuyện chúng tôi đã xích lại gần nhau.”
“A ha! Thế nào?” Ông cố vấn cung đình hỏi. Ông ta gật gù với vẻ mặt một người sành điệu chờ đợi câu trả lời đầy khen ngợi dành cho đối tượng mà chính mình cũng đánh giá rất cao theo kinh nghiệm bản thân.
“Tôi sợ tiếng Pháp của tôi quá thiếu sót”, Hans Castorp né tránh. “Rốt cuộc tôi có được học hành bài bản gì đâu. Nhưng lúc cần tự dưng người ta cũng tuôn ra được vài câu, và cố gắng một chút thì cũng tàm tạm hiểu được nhau.”
“Tôi tin lời ông. Ông thấy cô ta thế nào?” Ông cố vấn cung đình nhất định muốn biết. Rồi ông ta chêm vào: “Dễ thương quá hả?”
Hans Castorp đang đứng cài khuy áo cổ, hai chân xoạc ra, cùi chỏ chĩa sang hai bên, mặt ngửa lên trần nhà.
“Rút cục chẳng có gì là mới cả”, chàng bảo. “Ở chỗ nghỉ mát có hai gia đình trọ cùng một nhà, nhưng chẳng hề giao thiệp qua lại. Rồi một hôm họ cũng ráng làm quen với nhau, cảm thấy rất tâm đầu ý hợp, và đồng thời phát hiện ra một nhà sắp sửa ra về. Những chuyện đáng tiếc như vậy không hiếm, tôi thiết nghĩ. Nhưng chí ít thì họ cũng muốn tiếp tục giữ liên lạc, để được biết tin tức về nhau, qua thư từ chẳng hạn. Song bà Chauchat...”
“Chà, cô nàng không muốn chứ gì?” Ông cố vấn cung đình cười khoái trá.
“Không, bà ấy gạt phắt ngay đi. Thế bà ấy có bao giờ viết thư cho ông không, trong những lần xuống núi trước đây?”
“Ối, xin Chúa phù hộ cho!” Behrens trả lời. “Cô ả có mà viết! Thứ nhất cô ta lười như hủi ấy, và sau nữa, cô ta biết viết thế nào? Tiếng Nga thì tôi không biết - những lúc bất đắc dĩ tôi ráng bập bẹ vài câu học vẹt vậy thôi, chứ đọc thì tôi mù tịt. Ông chắc cũng chẳng hơn gì. Thế đấy, còn tiếng Pháp hay tiếng Đức, con mèo con vẫn meo meo nghe oai lắm, nhưng hễ đụng đến chữ viết là cô ta lảng đi ngay - sợ làm trò cười cho thiên hạ vì mấy cái lỗi chính tả, ông hiểu chứ! Không đâu, chúng ta phải tự an ủi lấy nhau thôi, bạn thân mến ơi. Nhưng lo gì, cô ta đã ra viện rồi lại vào viện tới mấy lần. Đấy chỉ là vấn đề kỹ thuật, tùy thuộc tính khí mỗi người, như tôi vẫn nói. Có người cứ hứng lên là đi để rồi lần nào cũng phải quay trở lại, trong khi người khác ở liền tù tì một mạch thì vĩnh viễn về sau không cần lên đây nữa. Nếu anh họ ông mà xuống núi bây giờ, ông cứ việc bảo thẳng ông ấy, thì ông sẽ còn được chứng kiến cảnh ông ta trống giong cờ mở quay trở lại đây.”
“Nhưng mà thưa ông cố vấn cung đình, theo ý ông khoảng bao lâu nữa nếu tôi...”
“Ông thì có làm sao? Ông ấy! Ông ấy sẽ không ở dưới đồng bằng được lâu hơn thời gian đã ở trên này đâu. Tôi xin lấy con người thật thà nhất hạng của mình ra đảm bảo điều này. Và đó chính là nhiệm vụ tôi giao cho ông, ông hãy huy động tất cả lòng bác ái ra mà thuyết phục ông ấy.”
Một cuộc đối thoại có thể diễn ra đại loại như thế, theo sự đưa đẩy khéo léo của Hans Castorp, mặc dù kết quả thu được hoặc bằng không hoặc lại mập mờ nước đôi. Vì câu hỏi người ta phải ở lại đây bao lâu để có cơ hội đón một người ra viện trước thời hạn quay trở lại rõ ràng ẩn chứa hai nghĩa, nhưng để dọ dẫm về người vừa mới ra đi thì chẳng được tích sự gì. Hans Castorp sẽ không hy vọng nhận được tin tức của nàng, chừng nào cái bí mật mang tên thời gian và không gian còn chia cắt họ; nàng sẽ không viết thư cho chàng, và cả chàng cũng sẽ chẳng có cơ hội viết thư... Nhưng nghĩ cho cùng thì tại sao lại phải viết thư? Chẳng phải chàng đã tỏ ra đặc biệt tiểu tư sản và cứng nhắc, khi cứ khăng khăng cho rằng họ phải viết thư mới giữ được liên hệ với nhau, trong khi trước đó chính chàng đã tự hào rằng, giữa họ không cần hay thậm chí không nên có sự trao đổi thông thường bằng lời lẽ? Và quả thực chàng cũng đâu có ‘làm quen’ với nàng theo đúng thủ tục xã giao thông thường của văn hóa Tây phương, một cách trịnh trọng và có người giới thiệu; trong đêm hội hóa trang hôm ấy, lúc quỳ bên cạnh nàng, chàng chỉ độc thoại một mình như người mơ ngủ, với một cung cách có thể nói là hơi kém phần văn minh lịch sự... Thế thì bây giờ cần gì phải viết, dù là trên giấy viết thư hay trên bưu thiếp, như chàng thi thoảng vẫn làm theo nghĩa vụ và gửi về cho gia đình dưới đồng bằng, chỉ để thông báo kết quả dao động của các lần khám bệnh? Chẳng phải Clawdia đã rất có lý khi tự giải phóng mình khỏi nghĩa vụ viết thư, dựa vào cái tự do mà bệnh tật nàng cho phép? Nói, viết - trên thực tế đó là một việc làm nhân văn và cộng hòa, một công việc của ngài Brunetto Latini, tác giả cuốn sách bàn về đạo đức và tội lỗi, người dạy dân chúng Florence cách cư xử thanh lịch, cách nói năng đúng mực, và truyền cho họ nghệ thuật lèo lái xứ cộng hòa của họ theo nguyên tắc chính trị...
Tới đây những ý nghĩ của Hans Castorp không thể tránh khỏi lại quay về với Lodovico Settembrini, và chàng bất giác đỏ bừng mặt, giống như trước kia chàng đã có lần đỏ mặt, khi ông văn sĩ bất ngờ xuất hiện trong phòng bệnh của chàng dưới sự sáng tỏ thình lình của các bóng đèn điện trên trần. Đáng lẽ Hans Castorp cũng có thể đem những câu hỏi lớn của chàng về cái bí mật siêu nhiên nọ đặt ra cho ông Settembrini, đương nhiên với tính chất thách thức và chống đối hơn là thực sự mong đợi một câu trả lời thỏa đáng từ phía ông văn sĩ, người chỉ chú tâm đeo đuổi sự nghiệp phục vụ lợi ích cuộc sống nơi trần thế. Tuy nhiên từ buổi tối hôm hội hóa trang, khi Settembrini cáu tiết quay lưng bỏ ra khỏi phòng dương cầm, thì quan hệ giữa Hans Castorp và ông người Ý trở nên lạnh lùng như băng hà vĩnh cửu, căn nguyên nằm ở chỗ lương tâm bị cắn tơi tả của người này cũng như lòng tự tôn sư phạm bị tổn thương sâu sắc của người kia, và hậu quả là họ tránh mặt nhau, mấy tuần liên tiếp không ai nói với ai lời nào. Liệu Hans Castorp có còn là một “học sinh cá biệt của trường đời” trong con mắt ông Settembrini nữa không? Chỉ sợ rằng chàng đã trở thành đồ bỏ đối với con người quen kiếm tìm đạo đức trong trí tuệ và hạnh kiểm... Và Hans Castorp ương bướng làm mặt giận ông Settembrini, chàng cau có chau mày và trề môi hờn dỗi mỗi lần họ tình cờ chạm trán nhau, trong lúc cặp mắt đen linh lợi ẩn giấu lời trách móc âm thầm của ông ta đè nặng xuống chàng. Nhưng tất cả những giận hờn ấy lập tức tan thành mây khói khi ông văn sĩ, sau nhiều tuần im lặng, một hôm mở lời trò chuyện trở lại với chàng, mặc dù đó chỉ là một câu nói bâng quơ lúc họ chạm mặt nhau, đã thế lại còn dưới dạng ngụ ngôn bóng gió, muốn hiểu được cần đến cả một nền học vấn cổ điển Tây phương. Lúc đó đã là sau bữa tối, họ gặp nhau nơi cánh cửa kính không còn ngày ngày sập vào khung cửa đánh rầm và rung lên xoang xoảng nữa. Settembrini hỏi giọng tỉnh bơ lúc đi vượt qua chàng trai trẻ, ngay từ đầu tỏ rõ ý định không muốn nấn ná lâu:
“Thế nào, ông kỹ sư, trái lựu[198] mùi vị ra sao?”
Hans Castorp hấp tấp nở một nụ cười thân thiện có phần hơi bối rối:
“Tức là... Ý ông muốn nói gì vậy, ông Settembrini? Trái lựu? Ở đây làm gì có? Trong đời tôi chưa bao giờ... A, có chứ, có một lần tôi đã được uống nước trái lựu ép pha sô đa rồi. Nhưng quá ngọt so với khẩu vị của tôi.”
Ông người Ý lúc ấy đã đi qua còn quay đầu lại giảng giải:
“Cả thần thánh và người trần mắt thịt đều đã có lần xuống âm phủ rồi lại tìm được đường về[199]. Nhưng những kẻ ở dưới cõi âm biết rằng, ai đã nếm mùi hoa trái dưới ấy thì sẽ không thoát khỏi tay họ nữa.”
Và ông ta thủng thẳng đi tiếp, vẫn trong chiếc quần kẻ ca rô màu vàng sáng muôn thuở của mình, bỏ lại sau lưng Hans Castorp đứng tẽn tò, có thể nói là bị “xuyên thủng” bởi những lời xỏ xiên nhiều ẩn ý đến thế, vừa tức tối vì lời trêu chọc, vừa sung sướng vì cử chỉ dàn hòa, lẩm bẩm một mình:
“Latini, Carducci, gi gỉ gì gi, biến hết đi cho khuất mắt ta!” Nói vậy thôi chứ kỳ thực chàng vui như mở cờ trong bụng khi nhận được tín hiệu báo tảng băng giữa họ đã bắt đầu tan; vì mặc dù có chiến lợi phẩm là tấm phim mờ mờ ma quái đeo kè kè cạnh trái tim nhưng Hans Castorp vẫn quyến luyến ông Settembrini lắm, chàng thực lòng đánh giá cao sự hiện diện của ông ta trong đời sống tinh thần của mình, và ý nghĩ từ nay mãi mãi về sau sẽ bị ông ta xa lánh ruồng bỏ có vẻ như đối với linh hồn chàng còn nặng nề đáng sợ hơn cả tâm trạng cậu học trò ở trường không còn được ai đếm xỉa tới, ngụp lặn trong những lợi thế ô nhục của người mất hết thanh danh, như ông Albin... Nhưng chàng không dám chủ động lên tiếng trước với ông thầy bị mình làm phật ý, và vị sư phụ, để trừng phạt, đợi vài tuần nặng nề trôi qua rồi mới cho phép tên đệ tử trái nết lại gần.
Chuyện ấy xảy ra khi dịp lễ Phục sinh như đợt sóng cồn nổi lên trên mặt biển phẳng lì của nhịp điệu sinh hoạt đều đều tẻ ngắt hằng ngày, và được hoan hỉ đón mừng ở ‘Sơn trang’, như từ trước tới nay người ta vẫn chăm chỉ và chu đáo tổ chức mọi lễ lạt để đánh dấu từng chặng thời gian, tránh cho nó khỏi dồn thành một khối đơn điệu không giới hạn. Khi xuống ăn bữa điểm tâm đầu ngày thực khách đã thấy trên bàn ăn cạnh mỗi chỗ ngồi một bó hoa tím xinh xinh, trong bữa điểm tâm thứ hai mỗi người được chia một quả trứng gà tô màu, và bữa trưa thịnh soạn có thêm một đàn thỏ con ngộ nghĩnh bằng sôcôla trang điểm[200].
“Ông đã bao giờ đi du lịch bằng tàu thủy trên biển chưa, ông thiếu úy, hay là ông, ông kỹ sư?” Ông Settembrini hỏi và bước đến nhập bọn với hai anh em ngoài tiền sảnh, sau bữa trưa, miệng vẫn ngậm cây tăm... Cũng như phần lớn khách an dưỡng, hôm nay họ cắt xén giờ nằm nghỉ để nấn ná dưới này uống thêm một ly cà phê pha rượu cognac. “Những con thỏ và quả trứng gà sặc sỡ này làm tôi nhớ tới sinh hoạt trên một chiếc tàu thủy lớn, nơi hành khách đã nhiều tuần chỉ thấy một chân trời vắng ngắt, giữa hoang mạc nước muối mênh mông, trong một hoàn cảnh mà tiện nghi thượng hạng cũng chỉ giúp người ta tạm thời quên đi mối lo âu nặng trĩu bóp nghẹt tâm tư, và đâu đó dưới đáy sâu tận cùng của ý thức một nỗi sợ hãi bí ẩn vẫn âm thầm gặm nhấm... Tôi nhận ra ở đây cái tinh thần ngự trị trên con tàu Arche[201], nơi người ta thành kính kỷ niệm những ngày lễ lớn của terra ferma[202]. Đó là sự tưởng nhớ thế giới bên ngoài, một ký ức nhạy cảm tính bằng ngày tháng trong lịch... Trên đất liền hôm nay là ngày lễ Phục sinh, phải không? Trên đất liền hôm nay người ta ăn mừng sinh nhật đấng quân vương - và chúng ta cũng ăn mừng, càng to càng tốt, chúng ta cũng là người... Có phải vậy không các ông?”
Hai anh em biểu lộ đồng tình. Đương nhiên, ông văn sĩ nói rất đúng. Hans Castorp, cảm động vì được chiếu cố hỏi han, lại thêm lương tâm thúc giục, hăng hái ca tụng nhận định của ông thầy những là thâm thúy, dí dỏm, đầy chất văn chương, và cố hết sức uốn ba tấc lưỡi phụ họa theo ông ta. Quả thật, đúng như ông Settembrini đã nhận xét một cách đầy hình tượng, những tiện nghi trên tàu thủy viễn dương chỉ có thể làm người ta tạm thời quên đi hoàn cảnh bất thường đầy rẫy hiểm nghèo trên mặt biển, thêm vào đó, nếu chàng được phép tự tiện bổ sung thêm một chút ý kiến riêng, điều kiện sinh hoạt thượng hạng ở đấy có thể coi là những biểu hiện sa đọa và ngạo mạn, hay cái gì đó tương tự thế, mà thời cổ đại người ta gọi là sự ngông cuồng (chàng còn viện dẫn cả thời cổ đại để mong làm vừa lòng sư phụ), là hành vi kiêu căng đến mức báng bổ thánh thần, như lời tuyên bố “Ta là quốc vương xứ Babylon!”[203] - tóm lại là phạm thượng. Mặt khác sự xa hoa trên boong những con tàu thủy ấy lại như bao hàm (“bao hàm”!) thắng lợi tinh thần của trí tuệ và nhân phẩm con người - nội cái chuyện dám đưa những tiện nghi xa hoa nhất của đời sống ra giữa biển khơi và giữ cho nó hoạt động tốt trên mặt nước sủi ngầu bọt muối, đã đủ để chứng tỏ con người có khả năng đè đầu cưỡi cổ thiên nhiên, sức mạnh hoang dã và cuồng bạo bao đời nay, và như thế nó bao hàm cả thắng lợi của nền văn minh nhân loại đối với thế giới hỗn mang, nếu như chàng được phép tự tiện sử dụng khái niệm này...
Ông Settembrini chăm chú lắng nghe, hai chân bắt tréo, hai tay khoanh trước ngực, vừa nghe vừa đưa cây tăm vuốt vuốt bộ ria cong vút trên mép.
“Thật tuyệt”, ông ta bảo. “Con người không thể mở miệng phát biểu hai câu vô thưởng vô phạt mà không bộc lộ chân tướng của mình, một cách vô tình họ đã lồng cái tôi của họ vào đấy và phản ảnh một cách trung thực tâm tư tình cảm cũng như mọi vấn đề khúc mắc trong lòng họ, như một tấm gương. Ông cũng là một ví dụ minh họa sinh động cho hiện tượng ấy, ông kỹ sư. Những điều ông vừa mới nói ra trên thực tế đúng là đã thể hiện không sót ngóc ngách nào bản chất cá nhân ông, bản chất mà ta tạm thời có thể diễn tả một cách văn hoa như sau: vẫn còn trong trạng thái tìm tòi thử nghiệm...”
“Placet experiri!”[204] Hans Castorp vừa cười vừa gật gật đầu, cố ý phát âm chữ c như tiếng Ý.
“Sicuro[205] - nếu đó là lòng say mê tìm hiểu thế giới chứ không phải những thử nghiệm chơi bời phóng đãng. Ông vừa mới nhắc đến sự ‘ngông cuồng’, ông đã sử dụng một cách có lựa chọn khái niệm này. Nhưng sự ‘ngông cuồng’ của trí tuệ trước những thế lực thiên nhiên đen tối, đó chính là đỉnh cao chiến thắng của con người, nó có thể chuốc lấy sự trả thù khốc liệt của các vị thần đố kỵ và đầy ganh tị, peresempio[206], con tàu Arche xa hoa của thời hiện đại đã không vượt qua nổi thử thách và chìm sâu xuống đáy đại dương[207], nhưng đó là một thất bại trong danh dự. Cả hành động anh hùng của Prometheus cũng rất ngông cuồng, và nỗi thống khổ vị thần này phải chịu đựng khi bị xích vào chân núi đá xứ Scythia được chúng ta ca ngợi là một sự hy sinh cao cả[208]. Nhưng còn những hành vi ngông cuồng khác, dẫn đến bỏ mạng trong các thí nghiệm vô bổ, chịu sự sai khiến của những thế lực chống lại lý trí và thù địch với loài người? Những hành vi ấy có thể coi là đầy danh dự được không? Liệu có thể tìm thấy một mảy may danh dự ở đó không? Sì o no[209]!”
Hans Castorp cầm thìa khuấy lia lịa trong cái ly cà phê đã cạn tới đáy.
“Ông kỹ sư, ông kỹ sư”, ông người Ý vừa nói vừa gật gật đầu, và đôi mắt đen nhánh của ông ta lại có cái nhìn đăm đắm như ‘cắm’ vào một điểm, “ông không sợ bão tố ở tầng địa ngục thứ hai ư, cơn bão của ham muốn và nhục dục, những điều trần tục xui khiến người ta hy sinh trí tuệ cho thú vui xác thịt[210]? Chúa ơi, chỉ cần hình dung ra cảnh ông quay như chong chóng trong cơn gió lốc, chân tay vùng vẫy khua loạn xạ, là tôi có thể lăn đùng ra chết vì đau khổ...”
Tất cả bọn họ phá lên cười vui vẻ, nhẹ người vì cuối cùng ông văn sĩ đã chuyển sang giọng hài hước thường ngày. Nhưng rồi Settembrini lại nói tiếp:
“Trong đêm hội hóa trang, bên ly rượu, ông còn nhớ chứ, ông kỹ sư, lúc ấy có thể nói là ông đã lên tiếng từ biệt tôi, thật mà, ít nhất thì tôi cũng hiểu như thế. Giờ tới lượt tôi. Hôm nay, thưa các ông, tôi dự định gặp các ông là để chia tay. Tôi sẽ đi khỏi viện.”
Hai anh em như bị sét đánh ngang tai.
“Không thể thế được! Ông nói đùa!” Hans Castorp kêu lên, hệt như chàng đã kêu lên trong một dịp khác, với một người khác. Chàng cũng có cảm giác kinh hoàng gần như khi ấy. Settembini đáp:
“Không đùa đâu. Tôi nói thật đấy. Nhưng không thể bảo là các ông hoàn toàn bất ngờ trước tin này. Tôi còn nhớ đã có lần nói với các ông rằng, đến lúc mọi hy vọng quay trở về với cuộc sống lao động tắt ngấm hết thì tôi sẽ giã từ nơi đây để tìm một chỗ trú ngụ lâu dài trong thung lũng dưới kia. Như các ông cũng có thể đoán ra, bây giờ là lúc thích hợp để thực hiện dự định ấy. Tôi sẽ không bao giờ khỏi bệnh được, điều ấy đã rõ ràng. Tôi có thể kéo dài cuộc sống của mình thêm một thời gian, nhưng chỉ ở trên ngọn núi này thôi. Án chung thẩm tôi vừa nhận được là cái án chung thân, ông cố vấn cung đình Behrens đã long trọng tuyên bố như thế với tất cả tính hài hước cố hữu của ông ta. Được thôi, đã thế thì tôi phải rút ra quyết định tất yếu trong hoàn cảnh này. Tôi đã kiếm được một gian phòng trọ nhỏ, và có ý định thu vén chút tài sản ít ỏi nơi trần thế cùng những công cụ hành nghề văn chương của mình dời đến đó... Nơi ở mới của tôi thậm chí chẳng hề xa chốn này, ngay trong ‘Làng’ dưới kia thôi, chúng ta sẽ còn gặp nhau, thường xuyên là khác, tôi sẽ tiếp tục để mắt trông chừng các ông. Nhưng vì sắp tới không còn là thành viên của ‘Sơn trang’ nữa nên tôi muốn chính thức từ giã các ông.”
Đó là những lời ông Settembrini ngỏ cùng họ vào ngày chủ nhật lễ Phục sinh. Hai anh em tỏ ra rất xúc động. Sau đó họ còn trao đổi nhiều lần với ông văn sĩ về quyết định ấy, bàn bạc với ông ta chuyện làm thế nào để giữ nếp sinh hoạt và điều dưỡng với tư cách một bệnh nhân tự túc, hay chuyện tiếp tục đóng góp vào sứ mạng biên soạn bộ từ điển bách khoa toàn thư đồ sộ, công việc ông ta đứng ra đảm nhiệm, cụ thể là khái quát và tổng hợp từ các tác phẩm văn học bậc thầy mọi nỗi khổ trên đời và các xung đột nảy sinh từ đó để rút cục có thể tiêu diệt chúng; rồi họ còn đề cập đến cả nơi trú ngụ tương lai của ông ta, ở nhà một “lão hàng xén” theo cách nói của ông Settembrini. Lão hàng xén này, ông ta kể, đã cho một ông thợ may người Bohemia chuyên cắt may trang phục đàn bà mướn cả phần lầu trên dinh cơ khiêm tốn của y, và ông thợ may lại cho ông ta mướn lại một phòng... Các cuộc chuyện trò này đều đã lùi sâu vào quá khứ. Thời gian vẫn không ngừng trôi, và gây ra không ít thay đổi. Từ vài tuần nay Settembrini đã chẳng còn ở trong an dưỡng đường quốc tế ‘Sơn trang’ mà trở thành người thuê phòng của Lukaček, ông thợ may trang phục phụ nữ dưới ‘Làng’. Ông người Ý không ra đi bằng xe trượt tuyết mấy ngựa mà đi bộ, theo sau có một người giúp việc đẩy chiếc xe ba bánh chất toàn bộ của nả - cả vật chất lẫn tinh thần - ông ta sở hữu trên thế gian này; người ta thấy ông vẫn trong chiếc áo choàng lừ xừ muôn thuở nơi cổ áo và cửa tay viền một chút xíu lông, vung vẩy cây batoong lững thững bước xuống dốc, trước khi ra khỏi cổng còn tranh thủ đưa lưng bàn tay vuốt má một tiểu nữ lăng xăng gần đó... Như đã nói, phần lớn tháng tư đã khuất bóng trong dĩ vãng, đúng ra là ba phần tư tháng, nhưng thiên nhiên vẫn chưa thoát khỏi giấc ngủ đông dài, buổi sáng trong phòng nhiệt kế chỉ gần sáu độ dương, ngoài trời là chín độ âm, nếu người nào lỡ để quên lọ mực qua đêm ngoài ban công thì sáng hôm sau sẽ có một cục mực đông đặc đen xì, như một mẩu than đá, và không thể viết lách gì được nữa. Nhưng mùa xuân đang tới, người ta có thể cảm nhận rõ ràng điều đó; ban ngày khi có ánh mặt trời trong không trung đã nghe thoảng qua hơi thở nhẹ nhàng mong manh của nó, tuyết bắt đầu tan cho thấy mặt đất đang rạo rực cựa mình, những dấu hiệu ấy kéo theo những thay đổi không gì ngăn cản nổi ở ‘Sơn trang’ - không ngăn cản nổi dù ông cố vấn cung đình đã trổ hết tài hài hước và sinh động, trong phòng bệnh và trong phòng ăn, khi bệnh nhân xuống khám hay khi ông đi thăm bệnh, để thuyết phục người ta từ bỏ thành kiến sai lầm đối với mùa tuyết tan.
Họ là khách du lịch hay bệnh nhân, ông ta hỏi, lên đây để trượt tuyết trượt băng hay để chữa bệnh? Thử hỏi họ cần tuyết mềm tuyết rắn, tuyết đóng thành băng làm cái quái gì? Tuyết tan thì có gì là không hay? Càng hay ấy chứ! Ông ta nắm trong tay những bằng chứng không thể chối cãi được là ở vào thời điểm này trong toàn thung lũng có ít bệnh nhân nằm liệt giường hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong năm! Phải biết rằng vào mùa này điều kiện thời tiết ở khắp nơi trên quả địa cầu không đâu thuận lợi cho bệnh nhân lao phổi hơn ở đây! Ai còn le lói một tia trí khôn thì phải kiên trì ở lại chịu sự tôi luyện của khí hậu chứ. Vượt qua được thử thách mùa này cơ thể họ sẽ rắn chắc như thép đã tôi, đủ sức đương đầu với bất kỳ loại khí hậu nào trên thế giới, nhưng với một điều kiện là không được bỏ dở giữa chừng, phải điều trị cho đến khi sức khỏe hoàn toàn bình phục, vân vân và vân vân. Mặc cho ông cố vấn cung đình trổ tài thuyết khách, những thành kiến về mùa tuyết tan đã bén rễ sâu trong đầu óc người ta, và khu điều dưỡng cứ mỗi ngày một thưa thớt hơn. Cũng có thể thủ phạm chính là mùa xuân đang tới, hơi thở của nó làm rạo rực lòng người, khiến cả những kẻ an phận thủ thường nhất hạng cũng phải bồn chồn trong dạ, muốn đời mình có vài thay đổi. Bất kể vì lý do gì, chỉ biết số bệnh nhân trốn viện và bỏ về “lậu” ở “Sơn trang” tăng lên đến mức đáng ngại. Xin đơn cử trường hợp của bà Salomon người Amsterdam, cái thú đi khám bệnh - và cùng với nó là cơ hội trình diễn thời trang đồ lót đăng ten - cũng không ngăn cản nổi bà ta trốn viện ra về không phép tắc gì, bỏ ngoài tai mọi mệnh lệnh của các bác sĩ, chẳng phải vì sức khỏe đã khá lên mà lại vì càng ngày càng có vẻ tệ đi. Thời gian lưu đày của bà ta bắt đầu từ lâu trước khi Hans Castorp đến đây, bà ta ở trên này đã hơn một năm rồi, mặc dù mới đầu chỉ có triệu chứng hơi chớm bệnh với mức án nhẹ nhàng ba tháng. Sau bốn tháng bà ta được cam đoan “bốn tuần nữa đảm bảo khỏi bệnh”, nhưng rồi sáu tuần sau vẫn chẳng thấy bệnh khỏi cho: người ta lại bảo rằng bà ta phải ở lại ít nhất là bốn tháng nữa. Sự việc cứ tiếp diễn như vậy, và vì đây không phải nhà tù của Pháp hay trại cải tạo Siberia, nên bà Salomon vui lòng ở lại và tiếp tục trình diễn những bộ đồ lót đăng ten hảo hạng. Nhưng giờ đây, trong hơi thở nồng nàn của mùa tuyết tan, khi bị bồi thêm cái án năm tháng nữa trong lần khám bệnh và trình diễn thời trang sau cùng, lý do là tiếng rít phía trên phổi trái và tiếng gõ nghe hơi đục dưới nách, thì sợi dây thần kinh nhẫn nại của bà ta đứt phựt, và bà ta đùng đùng bỏ ra về trong một trận tổng sỉ vả cả “Làng” lẫn “Phố”, lẫn bầu không khí nổi tiếng trên này, chẳng từ cả an dưỡng đường quốc tế “Sơn trang” và các vị lương y ở đó, bà ta nhất định về nhà, về Amsterdam, thành phố hun hút gió lùa trên mặt nước.
Xử sự như vậy liệu có khôn ngoan không? Ông cố vấn cung đình Behrens nhún vai, giơ cả hai tay lên trời và thả cho rơi xuống đùi cái bộp. Muộn nhất là mùa thu, ông ta bảo, sẽ lại thấy bà Salomon vác mặt lên đây - để không bao giờ còn đi đâu được nữa. Liệu lời tiên tri của ông ta lần này có đúng không? Rồi chúng ta sẽ thấy, vì chúng ta còn chôn chân ở lại mảnh đất này một thời gian dài nữa, thời gian nơi trần thế. Và bà Salomon tuyệt nhiên không phải trường hợp duy nhất ở đây. Thời gian gây ra thay đổi - thực ra lúc nào nó cũng gây ra thay đổi, chỉ có điều thông thường đó là những thay đổi từ từ ít một khó nhận ra, còn ở đây là những thay đổi đột ngột đập ngay vào mắt người ta. Phòng ăn bỗng hoác ra nhiều lỗ hổng, những chỗ trống ở cả bảy dãy bàn, bàn Nga thượng lưu cũng như bàn Nga hạ lưu, bàn kê dọc cũng như bàn kê ngang. Tất nhiên đấy không hẳn là bức tranh trung thực thể hiện số lượng bệnh nhân của viện, ở vào thời điểm này cũng như bất kỳ thời điểm nào khác trong năm vẫn có người mới đến, rất có thể tất cả các phòng đều có người nằm, nhưng đa số là những người đã ở vào giai đoạn cuối và sự tự do hoạt động đã bị hạn chế một cách đáng kể. Trong phòng ăn, như đã nói ở trên, có nhiều chỗ bỏ trống, đó là chỗ của những người hoặc sự tự do hoạt động vẫn còn chưa bị hạn chế lắm, hoặc vắng mặt vì một lý do thâm trầm khả kính hơn nhiều, chẳng hạn như ông tiến sĩ Blumenkohl, người vừa mới qua đời. Càng ngày cái vẻ nhăn nhó như người ăn phải món gì đặc biệt khó tiêu càng xuất hiện thường xuyên hơn trên mặt ông ta, tới một lúc ông ta phải nằm liệt giường và rồi chết ngỏm - không ai biết chính xác khi nào, như thường lệ mọi việc được giải quyết một cách hết sức kín đáo và tế nhị. Một chỗ trống bên bàn. Bà Stöhr ngồi ngay cạnh cái lỗ hổng ấy, và rất lấy làm kinh dị. Bà ta nhất định di cư sang phía bên kia chàng trẻ tuổi Ziemßen, thế vào chỗ Miss Robinson - cô này đã bình phục và được cho ra viện - đối diện với cô giáo quá thì ngồi bên tay trái Hans Castorp - cô này vẫn cố thủ không rời vị trí. Cô Engelhart còn lại trơ trọi có một mình ở phía bên này bàn, vì ba chỗ kia đều bỏ trống. Tay sinh viên Rasmussen mỗi ngày một gầy gò tiều tụy hơn, cuối cùng không ra khỏi giường nữa và được liệt vào hạng moribundus[211]; còn bà cụ già vui tính đã dẫn cô cháu gái và cô Marusia với bộ ngực đầy đặn đi du lịch - chúng tôi dùng từ “đi du lịch” như tất cả mọi người ở đây, vì việc họ sẽ trở lại sau một thời gian ngắn được coi là điều không thể tránh khỏi. Muộn nhất sang thu họ sẽ quay trở lại - thế thì có đáng để gọi là ra viện không? Đỉnh cao của mùa hè cũng chẳng còn bao xa, lễ hạ trần đã về trước ngưỡng cửa; ngày cứ dài dần ra cho đến hạ chí, để sau đó thu ngắn lại và xuống dốc rất nhanh nhằm hướng mùa đông - tóm lại, hai bà cháu và Marusia đã sắp quay về, và như thế chỉ có tốt, vì cô Marusia hay cười tuyệt nhiên chưa được giải độc và bình phục; cô giáo quá thì khoe khoang hiểu biết về những khối u lao mà cô Marusia mắt nâu mang trong bộ ngực hấp dẫn của mình, kể rằng cô ta thậm chí đã phải qua phẫu thuật nhiều lần để lấy khối u ra. Trong lúc cô ta bép xép Hans Castorp đưa mắt liếc nhanh sang phía Joachim, chỉ thấy anh mình cúi gằm gương mặt tái nhợt xuống chiếc đĩa ăn trên bàn.
Bà cụ vui tính mời tất cả thành viên còn lại của bàn, tức là hai anh em họ, cô giáo già quá thì và bà Stöhr, dự bữa tiệc chia tay trong khách sạn, một bữa tiệc thực sự có cả trứng cá, rượu sâm panh và rượu ngọt. Suốt bữa ăn Joachim ngồi im như hến, chỉ mở miệng bằng giọng gần như máy móc trả lời nhát gừng mỗi khi bị hỏi, đến nỗi bà cụ già động lòng trắc ẩn phải lên tiếng an ủi, và, bỏ qua mọi lề lối giao thiệp của xã hội văn minh, bà cụ giàu lòng nhân ái thậm chí còn gọi chàng bằng cháu. “Không sao đâu, cháu ơi, đừng cả nghĩ làm gì, uống đi, ăn đi, nói chuyện đi, chẳng mấy chốc chúng ta sẽ quay trở lại ấy mà!” Bà cụ bảo. “Tất cả chúng ta cứ ăn uống vui đùa thả cửa đi, thây kệ mọi lo âu, Chúa sẽ mang mùa thu đến trước khi ta kịp trở tay, chẳng nên mất công khổ não làm gì!” Sáng hôm sau bà cụ dúi cho mỗi thực khách dưới phòng ăn một cái hộp nhỏ sặc sỡ đựng mứt Nga, “của ít lòng nhiều” để làm kỷ niệm, rồi dắt hai cô gái trẻ đi.
Còn Joachim từ ngày ấy ra sao? Chàng được giải phóng và thấy nhẹ cả người, hay linh hồn càng thêm u uất, bị đè nặng vì sự thiếu vắng cồn cào trước nửa cái bàn trống huơ trống hoác? Tâm trạng nổi loạn, nóng nảy thất thường, một hai đòi bỏ đi không cần phép tắc vì cho rằng người ta cố ý giữ chân chàng ở lại chốn này - phải chăng tất cả những điều đó có liên quan đến chuyến đi của Marusia? Hay ngược lại, mặc dù dọa thế nhưng cho tới giờ chàng vẫn chưa đi mà lại có vẻ bùi tai nghe theo những lời tán tụng mùa tuyết tan của ông cố vấn cung đình, phải chăng căn nguyên của nó ở chỗ cô Marusia có bộ ngực tròn căng không đi hẳn mà thế nào cũng quay trở lại, chỉ chừng sau năm đơn vị nhỏ nhất của thời gian ở trên này thôi? Chà, nguyên do có lẽ đồng thời là tất cả những cái ấy, với tầm quan trọng như nhau; Hans Castorp có thể tự suy luận ra mà không cần trao đổi lời nào với Joachim. Vì chàng kiêng không bao giờ nhắc đến chuyện ấy, cũng như Joachim vẫn tránh nhắc tên một người khác cũng vừa mới ra đi.
Nhưng hãy thử đoán xem trong thời gian vừa qua ai đến ngồi ở bàn ông Settembrini, thế vào chỗ ông người Ý, giữa đám thực khách Hà Lan ăn như tằm ăn rỗi, thậm chí trong bữa tối thực đơn tới năm món chính, trước khi súp khai vị được bưng lên họ đã đòi mỗi người tới ba cái trứng ốp la? Chẳng phải ai khác hơn Anton Karlovitsch Ferge, bệnh nhân từng kinh qua mấy tầng địa ngục của cơn sốc phế mạc!
Đúng thế, ông Ferge đã hết liệt giường; không cần liệu pháp pneumothorax tình trạng sức khỏe ông ta cũng đã được cải thiện tới mức ban ngày có thể dậy nhúc nhắc đi lại và xuất hiện bên bàn ăn với bộ ria mép rậm rạp hiền từ cũng như cục yết hầu to tướng không kém hiền từ của ông ta. Hai anh em ưa đứng tán dăm ba câu chuyện với ông ta trong phòng ăn hay ngoài tiền sảnh, và mỗi khi có dịp lại nhập bọn với ông ta trên đường đi dạo, vì trong thâm tâm cả hai đều thấy mến con người giản dị ấy, hiện thân của lòng nhẫn nại, luôn miệng tự nhận mình không thích hợp với tất cả những gì được coi là cao siêu, và sau lời tuyên bố ấy vui lòng kể vô số điều lý thú về những hãng xưởng sản xuất ủng cao su và những miền đất xa xôi của nước Nga rộng lớn, từ Samara đến Gruzia, trong lúc họ xì xụp lội tuyết nhão như cháo đá trên con đường mịt mù sương.
Vì con đường họ đi quả thực không thể gọi là đường được nữa; nó đang tan ra thành bùn lỏng, và từ đó sương mù bốc lên nghi ngút. Ông cố vấn cung đình vẫn khăng khăng bảo rằng đó là mây, nhưng theo đánh giá của Hans Castorp đó chỉ là một trò chơi chữ của ông ta, còn trên thực tế thì mây hay sương cũng rứa. Mùa xuân chật vật đấu một cuộc chiến không cân sức kéo dài nhiều tháng trời, bị mùa đông đánh úp không dưới trăm lần, dằng dai cho tới tận tháng sáu. Mới tháng ba mà mặt trời, những hôm không đi vắng, đã rọi ánh nắng gay gắt đến nỗi bệnh nhân có cảm giác bị thiêu đốt trong những giờ nằm nghỉ ngoài ban công, mặc dù họ đã cởi bỏ hết quần áo ấm và căng chiếc dù gắn trên tay ghế lên che nắng. Một vài quý bà nóng vội trình diễn trang phục mùa hè đã táo bạo xuất hiện trong những bộ áo musselin mỏng tang từ bữa điểm tâm. Người ta có thể thông cảm phần nào với họ, nhịp điệu sinh học của họ bị rối loạn vì khí hậu kỳ quái trên này, bốn mùa trộn nháo nhào cả với nhau; nhưng mặt khác tính ưa chưng diện của họ phải chăng là biểu hiện của sự thiển cận và một trí tưởng tượng nghèo nàn, như con thiêu thân mù quáng họ không hiểu rằng chỉ giây lát sau sự đời có thể đổi thay, tựu trung lại họ là nạn nhân của suy nghĩ nông cạn và hấp tấp, muốn giết thời gian một cách nhanh chóng: bấy giờ là tháng ba, đang là mùa xuân, nhưng xuân đã đến tức là xuân đã qua, vậy cũng có thể coi như đã sang mùa hạ, và người ta vội lôi áo váy musselin ra mặc trước khi mùa thu ập tới. Mà nó tới thật ngoài trời. Sang tháng tư bỗng ngày trở nên u ám, ẩm ướt và lạnh thấu xương, rồi quá mù ra mưa, từ mưa phùn chuyển thành mưa tuyết, rồi thành bão tuyết lồng lộn điên cuồng. Ngón tay tê cóng trong những giờ nằm nghỉ ngoài ban công, cả hai chiếc chăn lông lạc đà lại được làm nhiệm vụ, chỉ còn thiếu điều người ta lôi chiếc túi ngủ lót lông đã cất kỹ ra dùng, ban quản trị quyết định cho đốt lò sưởi, và không ai không lên tiếng kêu ca rằng năm nay thế là bị mất mùa xuân. Cuối tháng tư mặt đất nơi nơi lại phủ một lớp tuyết mới dầy sụ; nhưng rồi gió phơn nổi lên làm đảo lộn tất cả, có điều sự thay đổi thời tiết lần này được những bệnh nhân giàu kinh nghiệm và nhạy cảm với thời tiết đánh hơi ra và dự báo kịp thời: bà Stöhr, cũng như cô Levi màu ngà voi, và cả bà quả phụ Hessenfeld, tất cả bọn họ đồng thanh lên tiếng tiên tri từ trước khi cụm mây đầu tiên thập thò ló ra trên đỉnh rặng núi đá phía nam. Bà Hessenfeld bỗng có những cơn khóc ngất, cô Levi nằm liệt không ra khỏi giường nữa, và bà Stöhr, những chiếc răng thỏ cứ nhe ra một cách ngu xuẩn, mỗi tiếng đồng hồ lại giở giọng thê thảm lặp lại lời tiên đoán đầy mê tín dị đoan một lần, rằng gió phơn là điềm báo mình sắp ho ra máu, rằng các cụ bảo gió phơn rất hại cho người bệnh phổi vì nó hợp với vi trùng lao. Trời nóng không thể tưởng tượng được, lò sưởi đã tắt ngấm, cửa ban công để mở cả đêm mà sáng ra trong phòng lên tới mười một độ; tuyết tan nhanh như bị gió quét đi, đầu tiên nó trở nên trong suốt như băng mỏng, rồi lỗ rỗ như tổ ong, cuối cùng sụp xuống ở những chỗ vừa lúc nãy còn chất cao thành đống và biến mất như chui xuống đất. Khắp nơi nước chảy ri rỉ và tí tách, hợp lại bò ngoằn ngoèo thành dòng hoặc trôi ào ào như suối trong rừng, bờ tường tuyết đắp cao hai bên đường đi và tấm thảm tuyết dày trắng đục trên bãi cỏ biến đâu mất, mặc dù với khối lượng khổng lồ của nó trước đấy không ai có thể tưởng tượng nổi là nó biến đi nhanh thế. Rồi trên con đường đi dạo, trong thung lũng, bỗng xuất hiện những thay đổi như có phép màu, mùa xuân hiện ra một cách bất ngờ, kỳ ảo như trong thần thoại. Một đồng cỏ trải rộng ngút mắt người, xa xa là đỉnh Schwarzhorn còn bọc trong tuyết trắng, xế xế bên phải dải băng hà Scaletta nằm kề với nó cũng vẫn mơ màng dưới tuyết, nhưng trên cánh đồng cỏ bằng phẳng, đây đó lùm lùm vài đống cỏ khô, chỉ còn thấy loang lổ từng vạt tuyết trắng nổi lên trên nền đất đen, như tấm chăn mỏng bị xé rách toang và bị gốc cỏ nhô lên chọc thủng lỗ chỗ khắp nơi. Tuy nhiên, những vạt tuyết loang lổ không đều này, như những người đi dạo tinh mắt nhận thấy, ở ngoài xa sát bìa rừng trên sườn núi có vẻ dày hơn, trong khi bên vệ đường chỉ lấm tấm trắng như rắc muối xen giữa những gốc cỏ mùa đông khẳng khiu cằn cỗi... Họ tới gần xem cho kỹ, cúi hẳn xuống quan sát, và kinh ngạc nhận ra đó không phải là tuyết, mà là những bông hoa tí xíu mọc trong tuyết, hoa và tuyết, tuyết và hoa lẫn vào nhau, trên những chiếc cuống ngắn mỏng manh xòe ra những cánh hoa trắng muốt phơn phớt ánh xanh, loài hoa xuyên tuyết, bất chấp giá lạnh hàng triệu triệu bông ngóc đầu vươn dậy trên cánh đồng lầy lội, dày đặc tới mức mắt người có thể tưởng lầm là thảm tuyết mà nó đang dần dần lấn chỗ.
Những người đi dạo cất tiếng cười vang vì sự nhầm lẫn của mình, vì niềm vui thích trước phép mầu của thiên nhiên, điều kỳ diệu đáng yêu của sự sống hữu cơ mới vừa ngập ngừng bẽn lẽn xuất đầu lộ diện. Họ hái những bông hoa ấy, vị sứ giả của mùa xuân, ngắm nghía đài hoa bé bỏng với làn cánh mong manh chúm chím, gài vào khuyết áo, mang về cắm vào bình nước chưng trong phòng; vì sự lạnh lẽo vô cơ đã ngự trị trong thung lũng này quá lâu rồi - một thời gian dài mặc dù trôi nhanh đến nỗi tưởng như quá ngắn.
Nhưng rồi những bông hoa tuyết lại bị tuyết thật đổ xuống vùi kín, và cả những bông hoa chi chuông màu tím, hoa anh thảo màu vàng màu đỏ nở sau đó cũng chịu chung số phận đáng buồn ấy. Đúng thế, mùa xuân phải vật lộn khó khăn biết nhường nào với mùa đông để giành thắng lợi cho sự sống! Cả chục lần nó đã bị đẩy lui, trước khi bám trụ được trên mảnh đất này - cho tới khi mùa đông kế tiếp lại chiếm lĩnh trận địa với bão tuyết trắng trời, gió lạnh thấu xương và lò sưởi lại được đốt lên. Đầu tháng năm (bởi trong khi chúng tôi kể về những bông hoa tuyết đầu mùa thì đã sang tháng năm rồi), đầu tháng năm mà khi nằm ngoài ban công muốn viết một tấm bưu thiếp gửi về đồng bằng cũng cực như tra tấn vì những ngón tay cứng đờ cóng buốt trong tiết trời giá lạnh như tháng mười một; và năm cái cây rưỡi thuộc loài thay lá bị đem lên đày ải trên vùng này vẫn vươn thân cành trơ khấc khẳng khiu, không một cọng lá như cây cối dưới đồng bằng vào dịp tháng giêng. Mưa rền rĩ mấy ngày liền, suốt cả tuần nó rỉ rả liên miên trút xuống thung lũng, và nếu như không có những đặc tính ưu việt của chiếc ghế nằm tuyệt hảo trên này e rằng khó có ai thực hiện đủ giờ điều dưỡng ngoài trời, trong mây mù đặc quánh, với gương mặt ướt sũng cứng đờ vì lạnh. Nhưng thực ra đó chính là những hạt mưa xuân còn giấu mặt, chỉ dần dần, đến khi lòng kiên nhẫn của con người đã gần cạn kiệt nó mới chịu hiện rõ tông tích của mình. Gần như tất cả tuyết trong vùng bị nó rửa sạch bong; không đâu còn màu trắng, chỉ đây đó sót lại một mảng băng xám xịt, và rồi thảo nguyên thực sự chuyển sang màu xanh!
Màu xanh tươi mát của thảm cỏ quả là liều thuốc tiên cho đôi mắt đã quá mệt mỏi sau khoảng thời gian dài như vô tận đâu đâu cũng chỉ một màu trắng chói chang! Và thiên nhiên còn chiêu đãi con người một màu xanh khác nữa mà sự nõn nà mềm mại đến nao lòng vượt xa sắc cỏ xanh. Đó là những chùm lá thông non vừa mới nhú, trên đường đi dạo Hans Castorp cầm lòng không đặng cứ phải chốc chốc dừng chân đưa tay vuốt ve và áp má vào đó, vẻ mượt mà tươi non của chúng có sức quyến rũ không thể cưỡng nổi. “Thế này thì ai chẳng muốn trở thành nhà thực vật học”, chàng trai trẻ hăm hở bảo bạn đồng hành, “chỉ cần thấy cảnh thiên nhiên bừng tỉnh sau giấc ngủ đông ở trên này là người ta bắt buộc phải say mê môn khoa học ấy! Kìa, cậu thấy không, bạt ngàn hoa khổ sâm trên sườn dốc, còn đây là một giống hoa đồng thảo nhỏ màu vàng tớ không biết tên. Đây là hoa mao lương, nhìn cũng từa tựa loại kia nhưng có nhiều lớp cánh hơn, thuộc loài cánh kép như đại đa số các loài hoa thuộc họ mao lương, đẹp rực rỡ, thêm vào đó lại còn lưỡng tính nữa chứ, cậu xem này, nó có cả bao phấn và bầu nhụy, tức là cả cơ quan sinh sản đực và cái, theo chỗ tớ được biết. Tớ nhất định phải kiếm một vài cuốn sách về thực vật để tìm hiểu kỹ hơn lĩnh vực tuyệt vời này của khoa học và đời sống. Cậu nhìn xem, thế giới mới tươi đẹp làm sao!”
“Sang tháng sáu còn đẹp hơn nhiều”, Joachim bảo. “Thảo nguyên như tấm thảm hoa trên này nổi tiếng khắp nơi đấy. Nhưng sợ tớ không đợi được đến lúc ấy đâu. Niềm say mê thực vật của cậu chắc hẳn do Krokowski khơi dậy?”
Krokowski? Sao lại Krokowski? À, có thể anh ấy nói thế vì gần đây bác sĩ Krokowski đã lan man sang lĩnh vực thực vật học trong một bài thuyết trình của mình. Vì ai tưởng rằng những thay đổi do tác động của thời gian đã sâu rộng tới mức ảnh hưởng được đến lịch thuyết trình của bác sĩ Krokowski thì người ấy lầm to! Ông ta vẫn chăm chỉ diễn thuyết mười bốn ngày một lần, trong chiếc áo choàng rộng thùng thình, mặc dù không còn đi xăng đan nữa - vì ông ta chỉ đi xăng đan vào mùa hè, nhưng như thế cũng có nghĩa là chẳng bao lâu nữa ông ta lại sẽ xỏ chân vào đôi xăng đan kinh khủng ấy - cứ hai tuần một lần ông ta lại xuất hiện trước một cử tọa ngồi lố nhố đầy phòng ăn, chẳng khác gì cái lần đầu tiên Hans Castorp hớt hải chạy về trong bộ áo quần vấy máu, len lén vào nghe, hồi chàng mới chân ướt chân ráo tới đây. Suốt ba phần tư năm trời nhà phân tâm học ấy say sưa diễn giải về tình yêu và bệnh tật - không bao giờ nhiều quá, chỉ nhỏ giọt mỗi lần gói trọn trong khoảng thời gian nửa tiếng đến bốn mươi lăm phút, truyền bá kho báu kiến thức và tư tưởng của mình, và người nghe ai cũng có cảm tưởng chuỗi bài thuyết trình của ông ta có thể kéo dài mãi mãi không bao giờ chấm dứt. Đó là hình thức kể chuyện “Nghìn lẻ một đêm” diễn ra nửa tháng một lần, nội dung cứ được trí tưởng tượng tùy ý dẫn dắt theo những tình tiết hấp dẫn từ lần này sang lần khác, như câu chuyện của nàng Scheherazade, vừa khêu gợi vừa thỏa mãn trí tò mò của vị quốc vương để ngăn chặn những hành động bạo tàn của ông ta. Trong sự mênh mông vô bờ ấy bác sĩ Krokowski cũng đã có lần đề cập đến sứ mạng cao quý mà Settembrini đứng ra gánh vác một phần, bộ từ điển bách khoa toàn thư về đau khổ; dù muốn hay không người ta cũng phải công nhận diễn giả đã đặc biệt xông xáo không từ một lĩnh vực nào, gần đây thậm chí ông ta còn mở rộng cả sang ngành thực vật học, cụ thể ông ta bàn về nấm... Trước hết phải nói để quý vị rõ là đối tượng thuyết giảng của ông ta đã có sự biến đổi; giờ đây ông ta trình bày về tình yêu và cái chết, bằng ngôn từ nửa văn thơ lãng mạn nửa khoa học thực tiễn tới mức không khoan nhượng. Vậy là trong bối cảnh ấy nhà bác học của chúng ta cất giọng phương Đông lè nhè với chữ r tróc lưỡi có một lần dẫn dắt người nghe đến với thế giới thực vật, đúng ra là đến với thế giới các loài nấm - tạo vật mũm mĩm đầy quyến rũ của vật chất hữu cơ, sinh sôi nảy nở trong bóng tối, giàu chất đạm, rất gần với giới động vật - các sản phẩm trao đổi chất ở động vật, protein, glycogen, tức là chuỗi phân tử đường, nguồn dự trữ năng lượng trong cơ thể động vật, đều có trong cấu trúc của chúng. Và bác sĩ Krokowski đặc biệt nói về một loài nấm, đã nổi tiếng từ thời cổ đại vì hình thức và tác dụng người ta gán cho chúng - loài nấm có tên khoa học bằng chữ Latinh kèm thêm cái đuôi impudicus[212], loài nấm có hình dạng làm người ta nghĩ đến tình yêu nhưng lại bốc lên mùi cái chết. Vì nấm impudicus tỏa ra mùi tử thi nồng nặc, từ cái mũ như bao da quy đầu của nó tiết ra một thứ chất nhầy xanh lè chứa bào tử nhểu tùm lum xuống đất. Thế nhưng cho tới tận bây giờ những kẻ vô học vẫn cho rằng loài nấm này có tác dụng bổ dương.
Chà, kỳ này có vẻ nặng đô quá đối với các quý bà, ông công tố viên Paravant nhận xét, bởi được luận điệu tuyên truyền của ông cố vấn cung đình cổ vũ tinh thần ông ta đã quyết tâm bám trụ lại đây qua mùa tuyết tan. Và cả bà Stöhr, con người tỏ ra có một cá tính vững vàng dám đương đầu với mọi cám dỗ của cảnh chia tay, lúc ngồi bên bàn ăn cũng bất bình lên tiếng rằng hôm nay Krokowski đã đi quá xa với loài nấm “tục tiễu” của ông ta. “Tục tiễu” là nguyên văn lời người đàn bà kinh khủng ấy, cứ động mở miệng là nói sai, làm mất hết cả tính nghiêm trang và sự trân trọng đáng có đối với bệnh tật của bà ta. Nhưng điều làm Hans Castorp kinh ngạc nhất là Joachim đột ngột nhắc tới bài nói chuyện nhuốm màu thực vật học của bác sĩ Krokowski; vì từ trước tới nay nhà phân tâm học không bao giờ được nhắc tới trong các cuộc chuyện trò giữa họ, cũng như Clawdia Chauchat hay Marusia - họ cố tình không nhắc đến tên ông ta, và làm lơ cả sự tồn tại lẫn hoạt động nghề nghiệp của ông ta bằng một sự im lặng dai dẳng. Thế mà giờ đây bỗng dưng Joachim nêu đích danh ông bác sĩ trợ lý - bằng giọng bực bội không che giấu, nhưng thực ra câu nói trước đấy của chàng, bảo rằng mình không chờ được đến lúc đồng cỏ nở đầy hoa, cũng đã phần nào để lộ tâm trạng cáu bẳn của chàng rồi. Chàng Joachim trung hậu có vẻ như đã đánh mất thăng bằng nội tâm; giọng chàng khi nói rung lên giận dữ, không còn chút dấu vết gì của con người từ tốn nhã nhặn ngày nào. Chàng bức xúc vì thiếu thốn mùi nước hoa cam? Hay sự tráo trở của độ Gaffky làm chàng phẫn chí? Hay trong thâm tâm chàng đang có sự giằng co ác liệt, không biết nên ở lại đợi mùa thu hay nhảy tàu về lậu quách cho xong?
Trên thực tế còn một điều khác nữa có thể là nguyên nhân nỗi hờn giận của Joachim và khiến giọng chàng nhuốm vẻ mỉa mai khi nhắc đến bài thuyết trình thực vật mới đây của nhà phân tâm học. Hans Castorp không biết điều này, hay đúng hơn, chàng không biết là Joachim biết điều này, vì bản thân chàng, kẻ còn đang ở trong giai đoạn tìm tòi thử nghiệm, học sinh cá biệt của trường đời và của nhà sư phạm bất đắc chí, lại là nhân vật chính trong sự kiện đó. Nói cách khác có thể bảo rằng Joachim đã bắt quả tang cậu em họ lén lút làm điều vụng trộm sau lưng mình, chàng đã tình cờ chứng kiến hành vi bội bạc của người em, tương tự như hành động sai quấy trong đêm hội hóa trang trước ngày thứ tư lễ tro - một sự phản bội rành rành, càng tệ bạc vì tất cả mọi dấu hiệu đều chứng tỏ là Hans Castorp đã làm thế không phải chỉ một lần.
Trong nhịp điệu đều đều bất biến của lịch sinh hoạt hằng ngày, một ngày bị chia cắt ra thành nhiều khúc ngắn cho có vẻ bớt dài, nhưng rốt cuộc ngày nào cũng như ngày nào, giống nhau đến mức lẫn lộn và trùng lặp, tưởng như thời gian đã vĩnh viễn ngừng trôi và chỉ còn là một vòng quay bất tận - trong sự luẩn quẩn đơn điệu ấy người ta phải hoang mang tự hỏi không biết nó làm sao mà gây ra được thay đổi - tóm lại là trong thời gian biểu mỗi ngày, hẳn quý vị còn nhớ, có tiết mục thăm bệnh của bác sĩ Krokowski, vào khoảng ba rưỡi bốn giờ chiều ông ta đi một lượt khắp các phòng bệnh nhân, nói đúng ra là khắp các ban công, từ chiếc ghế nằm này sang chiếc khác. Sự kiện ấy của một ngày bình thường ở ‘Sơn trang’ đã lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần, kể từ những ngày Hans Castorp trong tư thế nằm ngang còn thầm hậm hực vì ông bác sĩ trợ lý cố tình lượn qua hành lang né tránh không ghé chỗ chàng! Lâu nay vị khách ngày nào đã trở thành một người đồng đội - bác sĩ Krokowski vẫn thân mật gọi chàng như thế mỗi lần thăm bệnh, và mặc dù cái danh từ đầy tính chất quân sự ấy vang lên từ cửa miệng ông ta với giọng ngoại quốc lè nhè làm người nghe thấy ớn, như Hans Castorp nhận xét riêng với Joachim, nhưng mặt khác nó đã quen thuộc đến nỗi trở thành một phần không tách rời trong lịch sinh hoạt hằng ngày, như dáng dấp cục mịch nam nhi và thái độ niềm nở khuyến khích sự tin cậy của ông ta, có điều thái độ vui tươi ấy luôn luôn bị thần sắc xanh nhợt của người nói tố cáo là giả dối và khơi dậy cảm giác ngờ vực trong lòng người nghe.
“Thế nào, đồng đội, tình hình có gì lạ!” Bác sĩ Krokowski niềm nở nói trong lúc bước từ ban công của cặp vợ chồng Nga cà chớn sang mé đầu chiếc ghế nằm của Hans Castorp; và người được gọi bằng danh hiệu thấy ớn ấy ngày này qua ngày khác nằm khoanh tay trước ngực, vừa miễn cưỡng nặn ra một nụ cười thân thiện vừa ngắm nghía hàm răng vàng trong chòm râu đen tẽ ra của ông ta. “Ông nằm đủ giờ điều dưỡng đấy chứ?” Bác sĩ Krokowski thường hỏi tiếp. “Đường cong nhiệt độ đi xuống chưa? Lại đi lên à? Chà, không sao đâu, từ giờ đến lúc đám cưới nó sẽ đi xuống. Thôi trào ông.” Và chưa dứt lời chào, nghe cũng thấy ớn vì cách phát âm uốn lưỡi thái quá thành ra “trào”, ông ta đã bước qua tấm kính ngăn sang ban công của Joachim - chỉ là một vòng tuần tra thông thường mà thôi, bệnh nhân có nói gì thì cũng không quan trọng.
Đương nhiên cũng có lúc bác sĩ Krokowski nán lại lâu hơn, ông ta đứng lù lù với đôi vai chắc nịch và nụ cười rộng mở, tán dóc dăm ba câu với người ‘đồng đội’ về những điều vô thưởng vô phạt nhất trần đời, về thời tiết, về chuyện ai mới đi và ai mới đến, về tâm trạng của bệnh nhân, về những lý do có thể gây ra tâm trạng ấy, và cả những điều có tính chất riêng tư như hỏi về quê quán hay gia cảnh cũng như những kế hoạch tương lai của bệnh nhân, rồi kết thúc bằng “trào ông” và đi tiếp; còn Hans Castorp, để thay đổi, lúc nào không khoanh tay trước ngực thì chắp lại sau gáy, trả lời mọi câu hỏi của ông ta không sót câu nào - với nụ cười thường trực trên môi và cảm giác gờn gợn bám chặt lấy chàng mỗi khi đối diện với con người này, nhưng chàng vẫn ngoan ngoãn trả lời. Họ hạ giọng nói khẽ gần như thì thầm - mặc dù bức tường kính chỉ ngăn lưng lửng giữa các khoang ban công nhưng Joachim có căng tai lên cũng không hiểu bên kia người ta nói gì, tất nhiên chàng không mảy may có ý để tâm tìm hiểu. Thậm chí có lần chàng còn nghe tiếng em họ mình đứng lên rời khỏi ghế và cùng bác sĩ Krokowski vào trong phòng, có lẽ để chỉ cho ông ta xem biểu đồ nhiệt độ; và cuộc trò chuyện tay đôi còn tiếp diễn một hồi nữa trong đó, bằng chứng là khá lâu sau mới thấy ông bác sĩ trợ lý đi sang thăm hỏi Joachim qua lối cửa chính thông ra hành lang.
Hai người đồng đội ấy nói chuyện gì thế nhỉ? Joachim không bao giờ lên tiếng hỏi; nhưng nếu như có ai đó trong chúng ta chẳng chịu noi gương tế nhị của chàng mà tò mò lục vấn, thì cũng xin lưu ý quý vị rằng, đã là đồng đội và đàn ông với nhau họ có bao nhiêu đề tài để mà trao đổi, hơn thế họ lại đang theo đuổi những tư tưởng và lý tưởng nhất định, một người trên con đường trau dồi tri thức đã đi đến chỗ cho rằng vật chất là tội lỗi làm hoen ố tinh thần, cái này nảy sinh từ sự biến dạng không kiểm soát được của cái kia, trong khi người kia, với tư cách một bác sĩ, vẫn không ngớt tuyên truyền rằng bệnh tật thể xác chỉ là biểu hiện thứ yếu mà thôi. Vậy thì, như chúng ta cũng có thể đoán được, có biết bao điều để bàn luận và trao đổi về vật chất, một dạng ung nhọt đáng tởm của phi vật chất, hay về bệnh tật, một hình thức buông thả trụy lạc của sự sống! Kết hợp với loạt bài thuyết trình của nhà khoa học kia họ có bao nhiêu chuyện để bàn về tình yêu, nguồn gốc sản sinh ra bệnh tật, về những thế lực siêu nhiên, về những “vết sẹo cũ” hay “chỗ ướt mới”, về độc tố được giải phóng trong cơ thể và về bùa mê thuốc lú của rượu tình, về phân tâm học như một bó đuốc soi rọi vào vô thức, về sức mạnh giải thoát của môn khoa học mổ xẻ tâm hồn, về những kết luận ngược lại rút ra từ triệu chứng - và xin chớ quên rằng - tất cả những điều đó chỉ là phỏng đoán của chúng ta mà thôi, là sản phẩm của trí tưởng tượng để trả lời câu hỏi bác sĩ Krokowski và chàng trẻ tuổi Hans Castorp có những chuyện gì để tâm sự với nhau!
Nhất là gần đây họ không còn nói chuyện riêng với nhau nữa, chuyện ấy chỉ xảy ra trong một giai đoạn khoảng vài tuần lễ mà thôi; sau đó bác sĩ Krokowski lại đi thăm bệnh chớp nhoáng như thường lệ và không dừng chân bên bệnh nhân này lâu hơn ở chỗ những người khác nữa. Những lần thăm bệnh của ông ta lại chỉ giới hạn trong mấy câu “Thế nào, đồng đội?” và “Thôi trào ông.” Nhưng rồi Joachim có một phát hiện, chính là sự khám phá ra hành vi phản bội của Hans Castorp dưới con mắt của chàng, một cách tình cờ, chứ dò xét là điều hoàn toàn không phù hợp với tâm hồn quân nhân chính trực của chàng, điều này chúng ta có thể tin chắc được. Một hôm nhằm ngày thứ tư, trong cữ nằm nghỉ đầu tiên chàng bỗng được gọi xuống tầng hầm để kiểm tra cân nặng - và được chứng kiến một cảnh bất ngờ. Chàng đang đi xuống mấy bậc thang lót vải dầu đối diện với cánh cửa phòng khám, hai bên là hai căn phòng rọi sáng lòng dạ con người, bên trái là phòng rọi thể xác và bên phải, thụt sâu xuống mấy nấc thang, là phòng rọi tâm lý có tấm danh thiếp của bác sĩ Krokowski ghim trên cửa. Xuống đến lưng chừng cầu thang thì chàng khựng lại vì vừa kịp nhìn thấy Hans Castorp ra khỏi phòng khám sau khi nhận mũi chích thường lệ. Em chàng dùng cả hai tay cẩn thận đóng cánh cửa phòng khám lại sau lưng mình, rồi không nhìn ngó xung quanh mà lẹ làng bước ngay sang bên phải, dừng lại bên cánh cửa có ghim tờ danh thiếp. Chàng gõ nhẹ vài lần lên đó, trong lúc gõ nghiêng đầu hướng một tai về phía cánh cửa. Khi từ đó vang lên tiếng “mời vào” của chủ nhân căn phòng, giọng nam trung hơi lè nhè không lẫn vào đâu được, thì Joachim thấy em họ mình biến mất vào bóng tối tù mù trong gian hầm phân tâm của bác sĩ Krokowski.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần